#210: Chuyện bên lề “Bóng”: Khi phóng viên akay phóng viên

http://x53.xanga.com/5bec8a7a07c35201760989/b156470990.jpg

Trước khi tớ post những phần cuối cùng của truyện Bóng, tớ sẽ bonus thềm 2 phần truyện ngoài lề về cuốn sách (trước đây cũng đã post bên 360 nhưng có thể nhiều người chưa đọc).  Một bài là tâm sự từ phía những người chấp bút cuốn sách và một bài là những quan điểm của tớ về cuốn này.

Phần này sẽ là phần tâm sự của tác giả: Đoan Trang là 1 phóng viên. Và hãy xem PV chiến nhau với PV thế nào nhé.

Tớ rất ủng hộ bài này. Bởi chính tớ cũng là một nạn nhân của một số phóng viên và báo chí!

Chị Đoan Trang và anh Hoàng Nguyên là người chắp bút chính cho câu chuyện của cuốn sách này. Hỗ trợ họ là rất nhiều người khác với hàng trăm phút ghi băng câu chuyện tự sự của nhân vật chính của câu chuyện: Người đàn ông đồng tính mang tên Nguyễn Văn Dũng, là sáng lập viên Thông Xanh (nhóm tự lực của người đồng tính). Chị Đoan Trang cũng là một nhà báo, và hơn hai hết chị hiểu khi sản phẩm của mình bị chính những “đồng nghiệp” đánh lại cho tả tơi.

Vì sao bị “đánh” vậy?:

Vì:

Cuốn sách được cho là ăn theo đề tài ăn khách gây tò mò “Đồng tính”.

Vì cuốn sách gây ra được sóng dư luận.

Vì cần phải nghĩ ra bài để viết.

VÌ PHÓNG VIÊN CHƯA ĐỌC CUỐN SÁCH! (Và những lý do này có quan hệ khá hữu cơ với nhau).

Vì thích viết để dập nhau (niềm vui ưa thích của rất nhiều phóng viên)

Ok, nếu để phân tích về cuốn sách có gì, viết gì, cảm nhận của tớ về nó, nó có gì đặc biệt và đúng là nó có “rẻ tiền” không. Đó sẽ là kỳ sau.

Nhưng trước hết cho mọi người thưởng thức những điều nực cười khi một số nhà báo viết bài và đi phỏng vấn về cuốn sách. Khi tớ có một buổi sáng trong lành ngồi nói chuyện với chị Trang, chị phỏng vấn tớ chưa tới đâu thì tớ được dịp nghe ngược lại ngọn ngành về đứa con tinh thần mới ra khiến chị đang mệt mỏi, mệt mỏi vì bước đầu có thể coi là thành công và gây những hiệu quả tốt của nó (thành công cũng mệt mỏi lắm đấy), mệt mỏi vì sự tức giận khi bị chính những đồng nghiệp của mình viết ra những bài báo, mà có thể dùng từ là “vu oan giá họa” và “áp đặt” tới mức khá cay nghiệt. Và chưa cần biết bạn đã đọc cuốn sách hay chưa, bạn chỉ cần đọc những bài phỏng vấn này cũng đủ hiểu những cái tội mà cuốn sách phải mang phải. Chưa kể, khi chính tớ là người được chứng kiến sự vất vả, oan ức và mệt mỏi của những người trong cuộc!

Những đoạn chữ màu đỏ là những đoạn tâm sự của chị Trang với riêng tớ. Đoạn chữ xanhtớ ý kiến hôi xen vào. Bạn có thể đọc với tính chất tham khảo và…giải trí, và cũng thử đặt mình vào vị trí của chị Trang, khi cất công vất vả cả mấy năm giời có được một tác phẩm, mục đích là rất thiện chí mà bị vu như thế này thì sẽ như thế nào nhé!

Mục đích tớ viết những series này về Bóng, là vì:

Tớ quý Duy và chị Trang.

Là vì tớ đọc xong mấy bài báo chính tớ cũng không ngửi nổi, đặc biệt là khi tớ đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự và tớ biết là nó bức bối oan ức thế nào.

Là để truyền bá một tác phẩm có ích cho cộng đồng.

Để nói lên quan điểm của mình về người đồng tính!

Và tớ nói thẳng luôn chẳng ai trả tớ một xu nào để đi quảng bá hay đi “cãi thuê” thế này cả. Lý do tớ vẻn vẹn là như trên. Quyền đọc và suy nghĩ là ở bạn!

Với phần entry đầu tiên này, ngoài từ lý do một và hai, là còn vì lý do nữa, cảnh tỉnh những ai yêu sách sẽ tỉnh táo khi đọc review về một cuốn sách, kể cả sự tung hô hay là sự vùi dập nó. Bạn có thể được cho biết về một cuốn sách, nhưng đọc, và cảm nhận, là điều của riêng bạn, thật nực cười khi phải đi nghe lời khác để cảm nhận về một cuốn sách!

Tớ cũng sẽ giời thiệu cho các bạn về cuốn sách này, nhưng với tính chất thông tin và những gì tốt đẹp tử tế mà cá nhân tớ cảm nhận được dưới dạng chia sẻ. Còn lại, tất cả là ở quyền cảm nhận ở bạn!


Đầu tiên, là bài trên An Ninh Thế giới cuối tháng số ra ngày 11/8/2008:

Nguyễn Văn Dũng, nhân vật chính của tự truyện “Bóng”:

Tìm sự thanh thản trong cả tung hê lẫn nguyền rủa

– Cao Hồng –

Cách đây 4 năm, Nguyễn Văn Dũng là nhân vật trong bài “Tình trai” trên ANTG cuối tháng. Và vừa qua, cuốn tự truyện “Bóng” ra đời đã khiến Nguyễn Văn Dũng “nổi tiếng” hơn. Tuy nhiên, anh lại không phải là người đứng tên trên bìa sách. Vậy sự xuất hiện của cuốn sách có phải do nhu cầu tự thân của nhân vật hay do tác động nào khác?

Trả lời chúng tôi về lý do ra đời cuốn tự truyện, Dũng bảo rằng mình không còn trẻ để làm việc đó một cách bồng bột. Dũng đã ngoài 40, cái tuổi lẽ ra đang phương trưởng trong con đường công danh và gia đình. Nhìn lại mình, Dũng thấy hình như tất cả vẫn là con số không. Không vợ, không con và tuổi già sẽ là sự cô đơn. Dũng lường trước được tương lai của mình cũng bởi những trải nghiệm. Dũng bảo rằng anh đã từng là thành viên tích cực trong một câu lạc bộ của người đồng tính ở Hà Nội. Những năm ở đây, anh phát hiện ra mình là người rất thích hoạt động xã hội. Nếu trước đây anh thu mình trong cái vỏ bọc của một kẻ mang nhiều mặc cảm vì sự lệch lạc về giới tính thì đến đây, anh như được lột xác. Ở đây, anh được gặp gỡ, được tham gia hoạt động cộng đồng, tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS. Rất tiếc là vì những bất đồng và cả hoàn cảnh riêng nên anh không tiếp tục hoạt động ở đây. Để rồi chỉ trong một thời gian ngắn, anh nhận thấy nếu không hoạt động xã hội thật sai lầm. Giữa lúc ấy, một đối tác đặt vấn đề viết và xuất bản cuốn tự truyện về anh. Dũng đồng ý.

“Bóng” ra đời có đúng mục đích anh đặt ra?”. Dũng bảo rằng ở cả góc độ xã hội lẫn bản thân, nó chỉ …tương đối. Anh không phải là người chắp bút mà chỉ kể lại để người khác viết, bìa không ghi tên anh, nhưng anh cũng không dám hỏi vì trong hợp đồng không có ghi điều này. Theo luật, tên anh phải đặt ở vị trí tên tác giả nhưng những người in ấn, xuất bản không làm điều này. (Dường như Dũng đã quá đơn giản để không biết rằng, khi đã kể một cách tường tận về đời mình thì ít nhất, anh phải là người đứng tên trên bìa cuốn sách-PV). Không đặt mục đích kinh tế làm đầu, nên anh không quan tâm đến bản quyền. Nếu muốn kiếm tiền, anh không đem những chuyện thầm kín của mình ra kinh doanh. Anh biết rằng, khi kể những chuyện bất thường về quan hệ của mình với người đồng giới, mà còn kể ở dạng chi tiết, tỉ mỉ sẽ có người cho rằng anh là kẻ sống buông thả. Dù vậy, anh vẫn làm việc này vì trong xã hội ta còn có những người chưa hiểu đúng về thế giới thứ ba. Phản hồi từ “Bóng” anh nhận được rất nhiều lời khen, chê. Có người hỏi thẳng anh, “mày được bao nhiêu trong vụ này?”. Anh phải mời họ đến nhà chơi để nói chuyện nhưng lại nhận được yêu cầu phải gặp nhau ở quán cà phê. Lý do ư? Anh là người đồng tính đã công khai trên báo giới, văn đàn, đến nhà anh để bị thiên hạ nhận ra người đó cũng thuộc thế giới thứ ba à. Sự e dè của người bạn là “bóng kín” này khiến anh lại suy nghĩ một vấn đề mà bản thân đã từng dặn vặt. Đó là việc khi công khai, lúc tuổi già ai dám sống với anh, với một con người đầy tai tiếng? Nhưng anh đã quyết định. Và chấp nhận. Sự thanh thản anh tìm được trong cả tung hê lẫn nguyền rủa.

Là một người say mê phim ảnh, yêu văn học, đặc biệt thích nghe cải lương, Dũng nhận thấy rằng lâu nay một số văn nghệ sỹ khá quan tâm đến người đồng tính. Thế nhưng, người đồng tính dù là nhân vật chính hoặc phụ trong tác phẩm của họ luôn được “ưu ái” là kẻ không ra gì. Rất nhiều lần, anh thấy người ta khai thác người đồng tính với mục đích gây cười rất thớ lợ. Tại sao một điều hiển nhiên là trong giới nào cũng có người tốt, người xấu mà khi lên phim ảnh, người đồng tính toàn bị nhìn bằng cái nhìn tối xầm xập? Đây là sự đối xử bất công hay vì yếu tố câu khách mà người ta quên không nhìn lại những hình ảnh nghệ thuật mà họ xây dựng. Lại có người hỏi anh, phải chăng việc anh được một đơn vị xuất bản tìm đến đặt vấn đề viết và xuất bản tự truyện có phải xuất phát từ mục đích kinh doanh, anh trả lời rằng khai thác về người đồng tính không có gì xấu cả, quan trọng là cách đặt vấn đề, cách khai thác. Nếu người viết có thiện chí, đưa vấn đề một cách đúng mực sẽ giúp mọi người có cái nhìn chân thực về thế giới thứ ba nói chung và về bản thân anh.

PHÂN TÍCH:

“Tuy nhiên, anh lại không phải là người đứng tên trên bìa sách. Vậy sự xuất hiện của cuốn sách có phải do nhu cầu tự thân của nhân vật hay do tác động nào khác?”

Liệu đây có phải là một kiểu ra sức moi móc để “đánh”, và phải là “đánh” lấy được? Đánh mà không cần biết sự thật thế nào?

Sự thực là Dũng có nhu cầu chia sẻ, và đã đồng ý hoàn toàn với việc kể chuyện để dựa vào đó viết thành sách. Dũng cũng không đòi hỏi ghi tên trên bìa sách (việc này hợp đồng đã ghi rõ). Ngoài ra, nếu sách là tự truyện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không lẽ chị để tên tác giả là: Võ Nguyên Giáp – Đoan Trang ???

Lời bình của tớ: Có thể nhà báo nhầm với việc chấp bút cho một nhân vật với một…dịch giả chăng?

“Bóng” ra đời có đúng mục đích anh đặt ra?”. Dũng bảo rằng ở cả góc độ xã hội lẫn bản thân, nó chỉ …tương đối. Anh không phải là người chắp bút mà chỉ kể lại để người khác viết, bìa không ghi tên anh, nhưng anh cũng không dám hỏi vì trong hợp đồng không có ghi điều này. Theo luật, tên anh phải đặt ở vị trí tên tác giả nhưng những người in ấn, xuất bản không làm điều này.

Tự tác giả bài báo mâu thuẫn với những gì mình vừa nói. Hợp đồng không quy định. Thêm nữa, làm gì có luật nào quy định tên Dũng phải ở vị trí tên tác giả??? Không lẽ cty xuất bản ngu đến mức cố tình vi phạm bản quyền trong một chuyện nghiêm trọng như thế???

Lời bình của tớ: Cái này nó bới móc tới mức nực cười quá đi mất, nhấn lấy nhấn để vào việc không ghi tên của anh Dũng vào cái tên bìa ngoài. Người bình thường nhất đọc trang qua và nhìn cái bìa của một cuốn sách cũng hiểu nhân vật chính được nói đến là ai mà!

(Dường như Dũng đã quá đơn giản để không biết rằng, khi đã kể một cách tường tận về đời mình thì ít nhất, anh phải là người đứng tên trên bìa cuốn sách-PV). Đấy là luật của phóng viên đấy!

Lời bình của tớ: Chỉ có phóng viên mới hiểu nhau tới thế này!

Là một người say mê phim ảnh, yêu văn học, đặc biệt thích nghe cải lương, Dũng nhận thấy rằng lâu nay một số văn nghệ sỹ khá quan tâm đến người đồng tính. Thế nhưng, người đồng tính dù là nhân vật chính hoặc phụ trong tác phẩm của họ luôn được “ưu ái” là kẻ không ra gì. Rất nhiều lần, anh thấy người ta khai thác người đồng tính với mục đích gây cười rất thớ lợ. Tại sao một điều hiển nhiên là trong giới nào cũng có người tốt, người xấu mà khi lên phim ảnh, người đồng tính toàn bị nhìn bằng cái nhìn tối xầm xập? Đây là sự đối xử bất công hay vì yếu tố câu khách mà người ta quên không nhìn lại những hình ảnh nghệ thuật mà họ xây dựng. Điều này thì chính trong sách cũng đã nói rất rõ, không khiến phóng viên vơ lấy rồi làm như là phát hiện của mình, đổ tiếng xấu cho người viết. Nói đúng hơn, chính Bóng đã dành hẳn một chương để nói về thái độ kỳ thị của xã hội, của các tác phẩm phim ảnh, báo chí v.v. đối với người đồng tính. Đấy không phải là “sáng kiến” của Cao Hồng, nên bà ấy càng không có quyền vơ lấy rồi quay ra bảo người viết “câu khách”. Chắc chắn là nhà báo này chưa đọc sách.

Lời bình của tớ: Phải thú thật là với tư cách là một người đọc rồi, thì tớ phải công nhận rằng, chắc chắn rằng tác giả bài báo đã không hề đọc sách. Bởi chỉ có người không hiểu hết tiếng Việt hoặc không biết suy nghĩ mà đọc xong mới viết ra những dòng này! Mà theo tớ thì khi đã chưa đọc tác phẩm thì không hề có tư cách được nhận xét về người khác, đặc biệt đã là để viết báo thì lại càng không!

Lại có người hỏi anh, phải chăng việc anh được một đơn vị xuất bản tìm đến đặt vấn đề viết và xuất bản tự truyện có phải xuất phát từ mục đích kinh doanh, anh trả lời rằng khai thác về người đồng tính không có gì xấu cả, quan trọng là cách đặt vấn đề, cách khai thác. Nếu người viết có thiện chí, đưa vấn đề một cách đúng mực sẽ giúp mọi người có cái nhìn chân thực về thế giới thứ ba nói chung và về bản thân anh.

Thế tóm lại, người viết đã làm gì để bị chụp cái mũ không có thiện chí?

Tớ cũng hỏi ké, thế nào gọi là đưa vấn đề một cách đúng mực? Đọc sách chưa?

Kết: Cả một bài nhận xét không thấy có chi tiết nào có thể chứng tỏ rằng tác giả bài báo đã đọc cuốn sách này cả. Tất cả chỉ là đánh giá ở những thứ bên ngoài, và bằng những suy nghĩ áp đặt. Mọi người cứ đọc thử mà xem. Thế mà cũng đi viết báo làm bài nhớn đấy!

Bài thứ hai:

(VTC Online, 17/8/2008)

Nhân vật của tự truyện đồng tính không hài lòng với “Bóng”

“Những cuộc tình thiếu nhân văn, thậm chí trở nên hơi sến. Người tình của tôi không phải ai cũng môi đỏ, da dám nắng. Có lẽ, những người biên tập không thực sự đồng cảm” – Nguyễn Văn Dũng, nhân vật của “Bóng” chia sẻ.

Phóng viên: – Điều gì khiến anh dũng cảm xuất hiện trong cuốn tự truyện “nhạy cảm” này?

Nguyễn Văn Dũng: – Sự kỳ thị của xã hội đối với giới đồng tính đến giờ vẫn chưa hết. Chúng tôi sống trong nhiều áp lực, khổ sở, sống hai mặt, che giấu, không được là chính mình. Tôi nhận thấy, một bài báo ra đời cũng có sức truyền thông rất lớn để người ta có thể nhìn nhận lại những người đồng tính như tôi. Chính vì vậy, tôi đã quyết định xuất hiện trong một cuốn tự truyện dày dặn như vậy dù ban đầu tôi đã rất băn khoăn.

– Vậy khi cuốn tự truyện ra đời, khi anh khẳng định mình là bóng, anh đã cảm thấy hết khổ chưa?

– Tôi nghĩ mình đang sống những tháng ngày thoải mái với chính những gì trong nội tại con người mình dù chỉ ở mức tương đối vì còn nhiều yếu tố khách quan. Sự thay đổi quan niệm về người đồng tính của cộng đồng cũng cần có quá trình.

Tôi xem tự truyện là một sự chia sẻ với những người xung quanh. Khi cuốn sách ra đời, có rất nhiều phản ứng. Tôi vui vì từ cuốn sách này, tôi hoạt động xã hội được thuận lợi hơn, nhận được sự đồng cảm của không ít người cùng và không cùng cảnh ngộ.

Còn mất thì mất cũng nhiều, có những người bạn thân của tôi đã khuyên tôi không nên xuất bản cuốn sách này. Họ nói tôi bị điên và khi không khuyên được thì họ “nghỉ” chơi với tôi. Đến khi gọi điện thoại, họ không nghe máy. Một số người khác thì phản ứng kiểu: Đi uống cà phê, họ bảo tôi là hãy quay mặt vào trong, đừng có nhìn ra đường. Tôi rất buồn vì những người cùng cảnh ngộ với mình không cùng chiến hào với mình. Nhưng được mất ở đời, nhiều khi không thể đem ra tính toán.

– Nhiều người cũng là bóng nói rằng cuốn sách thiếu thực tế. Anh nghĩ sao?

– Tôi đề cao trách nhiệm và sự thực. Việc độc giả có những phản ứng trái chiều là chuyện bình thường vì trên thực tế, tôi không có quyền đại diện cho cộng đồng người đồng tính. Cuộc đời sinh ra đã trái ngang rồi thì chuyện thiếu thực tế là hiển nhiên. Hơn nữa, mỗi người sống một số phận nên chuyện của tôi không thể áp vào người khác. Khát vọng lớn nhất của con người là hạnh phúc. Hơn nửa đời người tôi vẫn chưa tìm thấy điều ấy.

– Anh không hài lòng về cuốn sách?

– Tôi nghĩ, nếu chị Cao Hồng (PV báo CAND) mà chấp bút cho cuốn tự truyện này thì hay quá vì chị là người rất hiểu tôi. Thế nhưng, chị không làm điều ấy và giới thiệu tôi làm việc cùng với những người bạn của nhóm Domino. Tôi đã mong cuốn sách sẽ mang nhiều ý nghĩa xã hội hơn nhưng vì nhiều lý do mà điều mong muốn này vẫn chỉ thực hiện được tương đối. Nếu cuốn sách nhiều thông tin chính xác thì xã hội sẽ có thêm một cách nhìn.

Tuy nhiên, có lẽ vì một lý do nào đó mà những người biên tập cuốn sách không đẩy cái ý nghĩa xã hội đó lên mà họ lại đẩy chuyện tình cảm của tôi lên trên. Những cuộc tình đó lại không có cái kết đẹp, thiếu nhân văn, thậm chí nó trở nên hơi sến. Và những người tình của tôi cũng không phải ai cũng môi đỏ, da dám nắng. Có lẽ, họ không thực sự đồng cảm với tôi.

– Nếu không hài lòng, anh có thể phản ứng để những người chấp bút phải sửa chữa hoặc không xuất bản. Sao anh không làm như vậy?

– Tôi cũng không có quyền đòi hỏi cao quá. Tiếc là mình không trực tiếp cầm bút để viết cuốn sách vì như thế, nó sẽ thật với con người tôi hơn, đúng với những gì tôi muốn gửi gắm hơn. Nhưng giờ thì muộn rồi.

– Những người tình của anh trong tự truyện, anh còn gặp lại họ không?

– Hầu như là gặp lại hết. Mới đây thôi, một nhân vật là Nhân còn đến thăm và ngủ lại nhà tôi. Chúng tôi đã nói nhiều chuyện và cậu ấy hiểu tôi hơn. Khi đọc đến đoạn viết về cậu ấy, cậu ấy đọc nghiến ngấu rồi lại quay ra mỉm cười.

– Hiện tại cuộc sống của anh thế nào?

– Tôi đang sống cùng với bạn trai mình đã được 5 năm rồi, chính là Dương xuất hiện ở cuối tập sách. Cậu ấy là người đơn giản, tốt tính. Cậu ấy chỉ dặn tôi là muốn làm gì thì làm, đừng để ảnh hưởng đến người khác. Tôi cũng không dám khẳng định cậu ấy là tình cuối. Nhưng giờ tôi biết cân bằng giữa các hoạt động xã hội và chuyện tình cảm. Tôi cũng kéo Dương tham gia các hoạt động xã hội. Hiện tại, chúng tôi sống với cả vì nghĩa nữa.

– Xin cảm ơn và chúc anh hạnh phúc!

Gia Vũ (Thực hiện)

PHÂN TÍCH:

Thứ nhất là tít nói láo. Dũng luôn nói rằng “anh hài lòng với cuốn sách dù chỉ tương đối”. Từ câu ấy bóp thành “không hài lòng với cuốn sách” là cực kỳ láo lếu.

Tớ: Chị ấy bực quá rồi đấy! Mà thú thật là, chính mình viết ra còn chẳng bao giờ là tuyệt đối, nhất là câu chuyện về cuộc đời mình, mà nhất là lại về những điều thầm kín của cuộc sống, những điều sẽ gây dị nghị, dòm ngó. Hài lòng ở mức độ như vậy có thể coi là đạt chuẩn!

– Nhiều người cũng là bóng nói rằng cuốn sách thiếu thực tế. Anh nghĩ sao? Không biết tác giả nghe ai nói thế, không có lấy một nhân chứng, dẫn chứng nào cả.

Tớ: Anh tác giả bài báo là nhiều người chứ sao!

– Tôi đề cao trách nhiệm và sự thực. Việc độc giả có những phản ứng trái chiều là chuyện bình thường vì trên thực tế, tôi không có quyền đại diện cho cộng đồng người đồng tính. Cuộc đời sinh ra đã trái ngang rồi thì chuyện thiếu thực tế là hiển nhiên. Hơn nữa, mỗi người sống một số phận nên chuyện của tôi không thể áp vào người khác. Khát vọng lớn nhất của con người là hạnh phúc. Hơn nửa đời người tôi vẫn chưa tìm thấy điều ấy.

– Anh không hài lòng về cuốn sách? Đây là điển hình của dạng câu hỏi ép cung, cố sức bới móc.

Tớ: Tớ buồn cười vì câu hỏi này quá. Sau này bạn nào nổi tiếng nhớ tỉnh táo với câu hỏi phóng viên nhé!

– Tôi nghĩ, nếu chị Cao Hồng (PV báo CAND) mà chấp bút cho cuốn tự truyện này thì hay quá vì chị là người rất hiểu tôi. Thế nhưng, chị không làm điều ấy và giới thiệu tôi làm việc cùng với những người bạn của nhóm Domino. Tôi đã mong cuốn sách sẽ mang nhiều ý nghĩa xã hội hơn nhưng vì nhiều lý do mà điều mong muốn này vẫn chỉ thực hiện được tương đối. Nếu cuốn sách nhiều thông tin chính xác thì xã hội sẽ có thêm một cách nhìn.

Phần này hoàn toàn bốc phét (không tin em có thể gặp thẳng anh Dũng để hỏi. Thông tin trong sách là do Dũng cung cấp, không đời nào anh ấy bảo cuốn sách nhiều thông tin không chính xác!)

Tớ: Xin lỗi chứ cho tớ thắc mắc ké, cuốn sách, người đọc cuối cùng chính là anh Dũng, anh ấy mới là người quyết định chính những nội dung trong cuốn sách, anh ấy là người kiểm chứng và sẽ đồng ý cho những chi tiết nào vào cuốn sách. Anh ấy không đồng ý và cho rằng cuốn sách xuyên tạc thì đời nào cuốn sách được xuất bản??????

Tuy nhiên, có lẽ vì một lý do nào đó mà những người biên tập cuốn sách không đẩy cái ý nghĩa xã hội đó lên mà họ lại đẩy chuyện tình cảm của tôi lên trên. Những cuộc tình đó lại không có cái kết đẹp, thiếu nhân văn, thậm chí nó trở nên hơi sến. Và những người tình của tôi cũng không phải ai cũng môi đỏ, da dám nắng. Có lẽ, họ không thực sự đồng cảm với tôi.

Phần này cũng là bốc phét. Chính Dũng nói với chị rằng các cuộc tình của anh ấy đều bi kịch cả, và đó là nỗi khổ của người đồng tính. Khi bài lên, anh ấy mới ngã ngửa ra, hóa ra chính anh kể chuyện xong rồi lại tự tát vào mặt mình mà nói rằng mình kể chuyện bi quan quá, “không có cái kết đẹp, thiếu nhân văn”…

Tớ: Duy, người trong cuộc, người đã kiên nhẫn ngồi record lại hàng trăm phút tự sự kể chuyện của anh Dũng, có nói thêm với tớ đầy uất ức rằng: “Cuốn sách còn phải bỏ bớt (chứ không phải là xuyên tạc) đi rất rất rất nhiều chi tiết vì nó thực sự còn sốc hơn thế gấp nhiều lần). Mà tớ đọc sách đâu có thấy nói là “người tình nào cũng môi đỏ, da rám nắng” đâu? Hay chính anh nhà báo bị ám ảnh vậy????

– Nếu không hài lòng, anh có thể phản ứng để những người chấp bút phải sửa chữa hoặc không xuất bản. Sao anh không làm như vậy?

– Tôi cũng không có quyền đòi hỏi cao quá. Tiếc là mình không trực tiếp cầm bút để viết cuốn sách vì như thế, nó sẽ thật với con người tôi hơn, đúng với những gì tôi muốn gửi gắm hơn. Nhưng giờ thì muộn rồi.

Sau vụ này chị đã phải lôi Dũng đến tận tòa soạn để thanh minh, yêu cầu sửa. Nhưng bài viết lúc đó đã đăng rồi và nhiều báo khác đã cóp lại, đấy mới gọi là “giờ thì muộn rồi” !!!

Tớ: Này, tớ ngất đấy! Tớ bó chim đấy! (mặc dù tớ không có chim)

Tớ kết luận: Cái câu hỏi của phóng viên làm tớ nhớ tới câu hỏi “áp đặt” ngày nhỏ tớ hay áp dụng với cậu em trai tớ: “Em rất yêu chị đúng không?”.  Nó mà bảo không thì tớ tát chết luôn. Và nếu về mẹ hỏi, tớ bảo: “Nó rất yêu con”, cho dù có thể trên mặt thằng em có thể hằn một vài vết ngón tay, đôi mắt rực lửa…..hí hí hí….

Vậy nên, kỳ sau tớ sẽ kể về cuốn sách cho bạn. Và kể về những sự kỳ thị vô lý kém hiểu biết của kha khá đông người được coi là…hiểu biết ở cái xã hội này!

(Còn tiếp)

Bonus: Tớ biết có bạn sẽ comment: Thì càng làm cuốn sách nổi tiếng chứ sao. Nhưng bạn biết đấy, tác giả không thích bị vu oan và bị áp đặt cho dù với mục đích nào đi chăng nữa. Cũng như tớ ấy, tớ cũng chẳng bao giờ thú khi ai đặt tiếng xấu cho “Chuyện tình NY” của tớ để được nổi tiếng cả. Tớ không cần, chị ấy cũng không cần!

Và tớ ghét comment ba phải. Kiểu: “Đời là thế mà, phải chấp nhận”.

Tất nhiên đời là thế, và việc mình tức giận và phản bác lại cũng chính là đời đó mà!

(Visited 5 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

6 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Anh Hùng
Anh Hùng
14 years ago

Lòng đố kị và sự thực dụng là có sẵn trong máu của nhiều người. Sẽ rất nguy hiểm nếu mấy người đó lại còn làm báo. Điều tốt báo chí đem lại là hiển nhiên và có ích cho rất nhiều con người. Nhưng điều xấu từ báo thì hậu quả thật vô cùng khủng khiếp. Nếu vì cá nhân và suy nghĩ nhỏ nhen của một vài con người mà gây hại tới cả một tập thể, tới mạng sống, tới cuộc sống của dù chỉ một con người khác, hay thậm chí cả một đất nước, thì đó không còn là con người nữa.
Nói to tát vậy thôi, không hẳn là nói về phần chuyện bên lề này, ở đây cũng là dăm ba mấy chuyện phóng viên cà khịa nhau để vùi dập và kiếm tiền. Nhưng tôi rất thích ý Hà Kin nói về việc đọc và cảm nhận một tác phẩm mà không bị làm người khác ảnh hưởng. Sống phải có quan điểm và lập trường chủ quan riêng của mình.
Tôi sẽ tìm đọc Truyện tình New York của bạn và xem cảm nhận của mình tới đâu. Tôi mua cho mẹ, mẹ tôi rất thích mà tôi chưa có thời gian lẻ nào để đọc.
Cảm ơn Hà Kin đã chia sẻ.

Huyen
Huyen
14 years ago

Ban than to doc Bong thi thay rat xot xa cho nhung nguoi o gioi thu 3, cu nghi neu minh o vi tri ho thi se nhu the nao? nghi nhu the xong thay minh qua that van co nhieu may man…
Anyway, to thich bia cua cuon sach. Ve nhung cai mo xe ma PV viet trong bai thi to cong nhan la no rat petty – noi chung la ba^n? Neu o My ma dua tin bia dat nhu vay thi vao tu nhu choi, hoac it ra cung bi kien cho con cai rai rut. CO dieu to ko hieu la tai sao to bao nay khong chiu dua tin dinh chinh sau khi chi Doan Trang dua anh Dung toi toa soan de doi chap? Chac la mot dang choi cun` o VN nhi? Just wondering, sao chi DT ko dang mot bai phan bac tren bao khac (noi tieng hon) va co ca y kien xac nhan cua a. Dung luon?
Noi chung la to ko thich choi ban kieu nay, cong nhan la dau dau.

Nhím xinh
14 years ago

Em ko hiểu những người viết bài thế này lương tâm nhà báo họ để chỗ nào….hay đơn giản là họ ko có??? Viết báo mà chủ quan thế này thì nhưng những tác giả chịu thiệt mà đọc giả cũng chịu thiệt vì những thông tin sai lệch. Biết là trong đời cũng có kẻ thương kẻ ghét, nhưng đã viết bài thì phải tìm cách tách cuộc sống riêng ra chứ. Em ko biết là anh Dũng có thật sự nói câu “nếu chị Cao Hồng chấp bút viết sách thì….blah blah” ko, hay là các anh chị phóng viên đó lại tự tâng bốc, kiss ass nhau cả.
Review sách cũng như review phim vậy, có nhiều điều “người kém hiểu biết” như em xem còn hiểu đầy ra đó, khi xem review thì ngả ngửa vì các anh chị bình phim cao siêu quá, ko hiểu những điều bình thường….theo cách bình thường hahaha. Tất nhiên ko thể gom đũa cả nắm, cũng có những anh chị viết báo tử tế, nhưng số “có tâm có tầm” đó thì ko nhiều. Mấy nhà báo còn lại thì thay vì đi học nâng cao trình viết báo thì lại kéo nhau về quê học trồng trọt cả. Riết rồi em thấy báo mình, nhất là báo mạng, tờ nào tờ nấy có cả 1 vườn cải xanh mơn mởn :DD

anthy
anthy
14 years ago

Chẳng biết mọi người cảm nhận thế nào về “Bóng” bản thân mình đọc xong thấy đồng cảm, thấy thương thấy hiểu hơn về một thế giới thứ 3 và có một con mắt nhìn khác đầy thiện cảm hơn. Tôi nghĩ đó là thành công của tác giả.

T.
T.
14 years ago

Cám ơn chị Kin đã chia sẻ một quyển sách hay nhé. Nhờ quyển sách này mà em có cái nhìn khác về những người đồng tính, và cảm thông cho họ nhiều hơn. Đã thấy chị post những phần trước của Bóng lâu rồi nhưng giờ mới có dịp đọc.
Không hiểu sao lại có những phóng viên thích xuyên tạc lời nói người khác đến thế, k có gì gọi là tôn trọng người đc phỏng vấn cả. Dạo này báo mạng nở rộ rất nhiều, k có cơ hội đọc báo giấy nên đọc báo mạng, nhưng em chẳng thích đọc những bài phỏng vấn ngôi sao của những báo mạng hay đưa tin văn nghệ (em k nói tất cả các báo mạng, chỉ một vài thôi), thấy họ toàn giật tít câu khách cả thôi; trong khi cả bài báo, người đc phỏng vấn chả có ý nào như cái tít đưa tin cả.
Tuy nhiên, cám ơn chị Hà Kin nhé. Mong anh Dũng sẽ không bị soi mói quá nhiều vào cuộc sống riêng.

Mới Đọc
Mới Đọc
13 years ago

Dù có nhiều nhận định trái ngược nhau, nhưng với tôi tác giả đã có cái nhìn sáng trên sự nghiệp nghề báo, nói đơn giản là nhạy bén. Dù nói thế nao hay dù vì mục đích gì tác giả cũng đã góp phần thông tin đến xã hội việt nam. Đây là điều mà chúng ta cần khách quan đánh giá bằng cái chân thiện mỹ nhất là với những người có trí thức vậy .