Date Archives September 2023

#571: Someone had to go in

“Some one had to go in”

Xem và đọc tư liệu về thảm họa Chernobyl thấy thật là khủng khiếp. Có lẽ vì chuyện xảy ra quá lâu và nó ở quá xa mình nên khi nhắc đến nó người ta cũng không nghĩ gì nhiều, hoặc giả sử cũng biết nó rất là kinh khủng cũng không thể cảm được cái sự kinh khủng đấy nó như thế nào.

Cảm giác xem những tư liệu về Chernobyl như ở trong một cái phim kinh dị kiểu X-files, những sự hy sinh của con người trong đó quá tàn khốc và hậu quả nó để lại tới giờ vẫn bị bưng bít và không thể nào thống kê nổi.

Ngày 26/4/1986. Nhà máy hạt nhân Chernobyl ở phía bắc Ukraine, gần thành phố Pripyat (lúc này vẫn thuộc Liên bang Soviet) đã bất ngờ phát nổ do lỗi điều hành của kỹ thuật viên. Điều đáng sợ là ngay cả những người làm việc trực tiếp với hạt nhân, các chuyên gia và cả chính phủ cũng chưa hiểu hết và lường hết được hậu quả của lượng phóng xạ gây tác hại tới con người. Thế nên ngay khi thảm họa nổ ra, các thành phố sống xung quanh cách nhà máy điện vài km, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường không có sự báo động. Các nhân viên cứu hỏa, nhân viên y tế đầu tiên tới cứu nạn hiện trường cũng không có trang phục bảo hộ. Theo thống kê, thảm họa Chernobyl gây hậu quả phóng xạ gấp 400 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.

Câu nói ám ảnh nhất của một vị tướng phụ trách chiến dịch cứu nạn Chernobyl là: “Someone had to go in”. Tức là biết chắc đi vào đó để dập nóng và ngăn chặn phóng xạ là chắc chắn sẽ bị nhiễm xạ và đi vào cửa tử nhưng người ta buộc vẫn phải vào. Hàng ngàn thợ mỏ đã đào hầm ngày đêm để tiếp cận được lõi trong của nhà máy mà không thể dùng bất cứ bảo hộ gì, vì họ cũng không thể thở khi dưới hầm, và họ phải ăn và uống những chai nước nhiễm phóng xạ. Ước tính sau này 1/4 trong số hàng ngàn thợ mỏ đó đã chết trước tuổi 40 và số còn lại thì chết dần chết mòn và không thể có gia đình toàn vẹn. Còn lại là hàng ngàn người lính, các chuyên gia, các nhà khoa học, hơn 600 phi công đã được điều tới và buộc phải expose bản thân ra lượng phóng xạ ở mức cả triệu lần cho phép để tìm cách dập nhiệt, ngăn không cho phóng xạ bay xa và hơn cả là để tránh cho một trận nổ hạt nhân thứ hai xảy ra, một trận nổ mà như ước tính có thể quét đi một nửa châu Âu. “Someone had to go in”. Thời này chưa có A.I và robot công nghệ cao nên không thể dùng chúng để làm những công việc thủ công mà vẫn bắt buộc con người phải làm. Một số robot cũng đã được sử dụng nhưng chỉ tới ngày thứ 2 là chính máy móc cũng phải chịu thua trước phóng xạ, và chỉ có thể là con người phải bước vào.

Chắc không thể tính nổi đã bao nhiêu trí thức, nhân tài, mạng sống con người buộc phải “go in” để giải quyết một trong những thảm họa “man-made” kinh khủng nhất của nhân loại này. Có những người buộc phải vào tận lõi của những cột chứa phóng xạ để dập nhiệt, mỗi một giây họ ở đó là một vài năm cuộc đời của họ bị rút ngắn lại. Nhờ có họ mà thế giới đã ngăn được trận nổ phóng xạ thứ hai, ước tính độ phóng xạ sẽ gấp hàng nghìn lần hai quả bom ở Hiroshima và Nagasaki.

Thật đáng buồn là những vị anh hùng ấy ít ai nhớ được tên tuổi, ít ai được biết tới hay thậm chí cả sau này khi chết dần chết mòn vì nhiễm xạ họ cũng không có được những chế độ phúc lợi xã hội tử tế. Họ cũng không thể được công khai ca ngợi vì những số liệu và thông tin của Chernobyl sẽ luôn bị giấu nhẹm. Hậu quả thực sự và số lượng người bị nhiễm xạ, chết vì ung thư và các hậu quả từ sự cố này sẽ không bao giờ có một con số công khai hay thậm chí được nghiên cứu tử tế.

Người ta nói rằng để quay lại Chernobyl và có thể sinh sống bình thường trở lại thì phải mất ít nhất một vài chục nghìn năm nữa. Mỗi năm lớp phóng xạ lại ngấm thêm vài cm vào lòng đất, giờ nếu muốn biến chỗ này thành miền đất sống thì chỉ có bóc hết mấy chục cm lớp đất bề mặt của toàn bộ nơi này, cộng thêm vài trăm năm để cải tổ lại đất đai và môi trường thì may ra mới có thể trở lại. Đương nhiên điều đó là không tưởng.

Nhưng có một điều kỳ diệu kinh khủng khiếp. Chernobyl là biểu tượng vĩ đại về sức sống mãnh liệt của thiên nhiên. Đó là trong khi con người vẫn chờ vài chục nghìn năm để được quay trở lại (mà khả năng là con người bị tiêu diệt trước đó rồi), thì thiên nhiên đã quay trở lại, chỉ 30 năm sau thảm họa. Cỏ cây đã tươi tốt, những loài vật hoang dã đã xuất hiện. Có lẽ hy vọng nơi này một vài trăm năm nữa sẽ là những khu rừng nguyên sinh vì con người 0 thể tới. Thế nên dù con người có phá hoại thế nào thì trái đất sẽ luôn ở đây, thiên nhiên sẽ luôn quay trở lại, chỉ có con người là tự hại mình và hại chính môi trường sống của mình. Rừng có thể bị chặt hết, cá dưới biển bị bắt hết, nhưng rồi bão lũ thiên tai sẽ tràn về cuốn hết con người đi. Và khi không còn con người, thiên nhiên sẽ quay trở lại nhanh hơn bao giờ hết! Nên mọi ý định tiêu diệt thiên nhiên chỉ là mình tự diệt mình thôi chứ thiên nhiên và trái đất sẽ luôn ở đây!

À nhắc tới vụ Chernobyl lại nhớ ra hồi mình bé tí bập bõm đọc báo An ninh thế giới, có series ly kỳ về những loài chuột đột biến do bị nhiễm xạ mà to nặng tới 20kg. Mà viết ly kỳ hấp dẫn lắm luôn, làm cháu nó hóng chờ mỗi tuần báo ra đọc ngấu đọc nghiến. Rồi sau này cháu nó lớn lên cháu nó mới biết tổ sư bố series biên dịch từ loạt báo lá cải nào đó từ đất nước Trung Hoa xa xôi, tin sái mẹ nó hết cả cổ, đèo mẹ :)).

Fact: On 4 May 1986, just a few days after the initial disaster, mechanical engineer Alexei Ananenko, senior engineer Valeri Bespalov and shift supervisor Boris Baranov stepped forward to undertake a mission that many considered to be suicide.

#570: NHẬT KÝ XUẤT HUYẾT THẦN CHƯỞNG

NHẬT KÝ XUẤT HUYẾT THẦN CHƯỞNG

Oai hùng đi qua vài năm Covid vẫn đứng vững hiên ngang thế mà cuối cùng vẫn dính phải xuất huyết thần chưởng. Lần đầu tiên bị và chưa thấy loại thần chưởng nào khó hiểu như quả này.

Thực ra tỉ lệ sốt xuất huyết chuyển biến nặng đều rất là thấp, bệnh này cơ thể cũng phần lớn sẽ là tự chữa khỏi, vốn dĩ nó không nên là điều gì quá phải bận tâm thế nhưng cứ lên mạng đọc mà xem, tất cả thông tin đều nói đây là chứng truyền nhiễm “đặc biệt nguy hiểm”. Quả thật ranh giới giữa việc là một cơn sốt “hết sức bình thường” với việc rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nó lại cực kỳ mong manh, thậm chí cái sự nguy hiểm của nó nằm ở chính việc người bệnh thấy “rất bình thường”, còn tưởng mình đang hồi phục đến nơi thế mà lại là lúc dễ đi chầu ông bà vải nhất. Bệnh này dễ chết nhất vì chủ quan hoặc do thiếu hiểu biết. Mình dính chưởng cả 2 luôn.

Trước khi bị dính xuất huyết là người mình đã rất mệt mỏi vì có dấu hiệu suy nhược cơ thể và viêm họng, cảm cúm do thời tiết, ho và đuối sức. Bất thình lình 1 ngày đẹp trời cả 4 thằng đệ nhà mình cùng tiêu chảy, mình phải vác từng con đi khám bệnh, truyền nước và đút thuốc cho bọn nó cũng hết ngày. Giai đoạn này chân tay expose ra cho muỗi thịt chi chít. Bình thường là bôi kem chống muỗi nhưng những ngày này quá mệt không cả muốn đi tìm cái chai chống muỗi mà bôi. Ngay khi thấy mấy con muỗi vằn nó ngoạm cái chân là mình đã thấy linh tính không lành. Chủ quan sai lầm đầu tiên, khi mà dịch đang hoành hành.

Người ốm chăm chó ốm. Vì người đang mệt sẵn nên tối đến thấy gây gây người cũng không nghĩ gì cả, có uống ít giảm sốt thấy đỡ, nhưng cảm thấy tinh thần có dấu hiệu bất ổn. Hôm sau phường vào nhà xịt phun thuốc phải đi ra ngoài, lúc này người đang thấy mệt lắm, rồi bất chợt nghĩ bỏ mẹ hay mình sốt xuất huyết? Thế là dù rất lười rất mệt nhưng đằng nào cũng bị đuổi ra khỏi nhà đi thôi đi khám thử.

Vào phòng khám thấy sốt xuất huyết la liệt như zombie, có người ngồi còn 0 vững nhân viên y tế còn phải ra hỏi anh/chị có cần nằm không. Lúc này mình vẫn còn ngồi được và chỉ hơi gây gây người. Tiếng sau kết quả thử máu dội về, thế là Dương tính. Lúc này vẫn còn tỉnh lắm, bình tĩnh đặt xe đi về, còn tranh thủ mua mấy lạng sấu chín bán ven đường. Nhìn đám người la liệt vì sốt xuất huyết mình còn nghĩ: “nhìn sợ ghê”, nhưng chắc mình ngon về nằm nghỉ tí là xong.

Thế rồi về đến nhà thấy trời xanh xanh, đất xanh xanh chim mong manh gió hát đầu cành. Bác sĩ cho đúng thuốc giảm sốt và điện giải, uống lia uống lịa. Tối vẫn bò dậy ăn cơm và rửa bát được. Xong từ 9h trở đi Xuất huyết thần chưởng nó mới cho biết bố mày là ai. Cơn sốt đến nhanh như sóng thần, người đau từ đầu xuống chân, mồ hôi toát không ngừng nhưng mà rét run, quần áo chăn màn đắp lên hàng lớp, thở gần như không được. Tới 1h đêm thấy khủng khiếp quá đem nhiệt độ ra cặp thấy đã lên tới 41 độ C, mấy chục năm cuộc đời mới thấy nó sốt cao vậy. Nằm xông hơi trong từng đấy lớp chăn và quần áo đến nỗi chăn vắt ra được cả nước. Và đây là chủ quan tiếp theo, đáng nhẽ lúc này là phải vào viện vì sốt quá cao nhưng cố gắng tự chữa vượt qua đêm đó bằng cách uống thuốc giảm sốt và liên tục mấy chai điện giải.

Nhưng điều đáng sợ đầu tiên từ sự thiếu hiểu biết về bệnh này đó là trong 3 ngày đầu của sốt xuất huyết mình có uống thuốc giảm đau chứa hoạt chất Ibuprofen. Mình uống thuốc này vì do đau đầu và đau bụng trươc đó, đặc biệt do đau bụng kinh thì phải uống loại này để giảm đau. Trong khi nếu bị sốt xuất huyết mà uống thuốc này thì cực kỳ nguy hiểm, là loại tối kỵ, và phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong do uống nhầm phải các loại giảm đau này, trong đó có Asprin (nên người ta mới nói 0 được tự chữa). Khi bị sốt xuất huyết, tiểu cầu hạ thấp sẽ khiến rất dễ bị tràn máu khắp người, máu không thể đông do không có tiểu cầu. Thế nên nếu uống Aspirin, Ibuprofen hay các thuốc giảm đau kháng viêm không Steroids, là các hoạt chất chống đông máu, sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu khắp người. Lúc này vốn dĩ mình uống để giảm đau như bình thường và không nghĩ gì cả, nhưng cảm thấy trong người có nhiều thứ rất bất thường, google thì đập ngay vào mắt đúng loại thuốc tối kỵ 0 được uống số 1 nên sợ hãi quá phải cắt ngay thuốc. Có lẽ uống thêm 1,2 viên nữa thì đi bán chuối. Cái này giờ kể lại thì rất là nhẹ nhàng nhưng nó ở mức siêu nguy hiểm và phải nói là phanh kịp chứ 0 dám nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu mấy hôm sau vẫn uống.

Tới ngày thứ 4 thấy người có đỡ hơn nhưng vì trót uống mấy viên giảm đau nguy hiểm nên phải đi kiểm tra xem có gì bất thường trong người hay không. (Xin nói là 3 ngày bị sốt không có gì miêu tả nổi, đau đầu, đau người, phải dùng từ “nhừ tử”, “ra bã” luôn đó). Tiểu cầu có dấu hiệu hạ khá thấp, từ ngày thứ 4 thực ra là rơi vào ngày nguy hiểm. Hôm đó người rất mệt và khám xong chỉ muốn về. Bác sĩ đề nghị thôi nhập viện luôn đi để theo dõi, tiểu cầu đang có dấu hiệu nguy hiểm, lại cộng thêm việc uống phải Ibuprofen khả năng xuất huyết rất cao…. Thế nào định ra ngoài để đi viện thì đúng ngày ngài Bi đen tới chơi làm náo loạn cả thành phố, xe bị chặn mọi ngả đường. Giờ có muốn đi viện cũng khó. Thế là mình bảo thế thôi sáng mai có gì mình quay lại rồi tính sau. Lúc đó đã rất mệt, lại rơi vào ngày nguy hiểm cần phải đi lại ít và nghỉ ngơi, thế mà quả vi hành của ngài Đen làm mình ngồi chờ 3 tiếng đồng hồ vạ vật không được về nhà. Mình mệt tới mức phải nằm vật ra mấy cái ghế chờ ở phòng khám. Bác Đen đi rồi mà vẫn phải chờ thêm 1 tiếng nữa cho phố bớt tắc và mới bắt được xe để về. Hôm đấy nếu không vì phố xá chặn thì có lẽ mình cũng chịu nhập viện, thì không đến nỗi phải đi cấp cứu vào sau đó.

Có lẽ quả vạ vật đó làm mình bị kiệt sức nên tối đó về lên cơn sốt cao trở lại rất bất bình thường. Người rất mệt, đáng nhẽ vào lúc này là phải có dấu hiệu đỡ rồi thì lại sốt lại 40 độ. Sang ngày hôm sau tới chiều mình mới cố lết tới phòng khám kiểm tra máu xem làm sao lại bê bết thế, tuy nhiên vẫn ngồi được và vẫn trong tình trạng tỉnh táo.

Lúc có kết quả nhân viên y tá không như mọi lần gọi tên mình mà ra tận nơi thốc lên dìu, mình đã thấy hơi kỳ kỳ. Mình bảo không sao chị đi được mà, kết quả chắc tốt hơn hả vì chị có thấy đỡ hơn? Nhưng vào đến phòng khám thấy bác sĩ nhìn mình với ánh mắt rất căng thẳng làm mình chột dạ quá. Bác bảo tiểu cầu sao lại hạ đột ngột thế này, mới 24h trước còn được trăm mà sao giờ còn có 20. Rồi bác bảo: “Đi cấp cứu rồi”. Nghe từ đi cấp cứu mình ớn quá, mình bảo em vẫn ngồi vẫn đứng được mà, giờ chỉ cần nhập viện thôi đúng không? Thế có gì để em… bắt xe ôm về cái viện gần nhà vào khám xem có gì thì nhập, làm gì căng. Bác sĩ bảo: “Ối giời ơi không được, tự đi giờ là chết”. Ủa thế quái nào bác sĩ nói mình xong mình cũng bắt đầu thấy hoa mày chóng mặt đứng 0 vững thật, không biết phải tự kỷ ám thị hay nó… không ổn thật. Rồi bạn y tá kéo cái xe đẩy tới nói chị ngồi lên ngay cho em. Mình thấy hoa mày thật và bắt đầu thì muốn lịm đi tí (khả năng là vì nghe loáng thoáng thấy bảo xe cấp cứu hết 8 lít rưỡi).

Và the next thing I know là họ bê mình lên xe cứu thương tò te tí te đi sang bệnh viện. Chắc từ hồi 5 tuổi tới giờ mình mới nằm trong xe cấp cứu như vậy. Mình xin nhập vào bệnh viện công và gần nhà để bố mẹ dễ qua lại chăm sóc. Mình đi không kịp trở tay, không kịp cầm theo quần áo dự phòng, skincare, máy nghe nhạc. Vào tới phòng cấp cứu bị ấn xuống nằm ngay và luôn 0 được ngo nghoe miếng nào, mình thì vẫn khá tỉnh vì tiếc 850k tiền xe cứu thương. Mình tính ra đi xe ôm chỉ hết có 30k thôi.

Cậu bác sĩ ở phòng cấp cứu với một nhúm tóc, khuôn mặt tròn, dáng người mũm mĩm, đôi kính trễ trễ đi vào cúi người nhìn mình soi từ đầu tới chân. Mới mấy hôm trước xem series medical ngôn tình bác sĩ cao to hấp dẫn quá trời giờ sao bác sĩ lại ít tóc và tròn xoe thế này, không giống phim cái gì hết.

“Chị đang cảm thấy thế nào ạ?” Bác sĩ hỏi.
“Chị đang bị tiếc tiền quá em ạ. Sao cái xe cấp cứu mà hết 850k được?”. Mình thật thà.
“Ối giời ơi”, bác sĩ thốt lên!
“Chắc chị sẽ khỏi nhanh thôi. 0 có đơn thuốc nào khỏi nhanh như cái hóa đơn viện phí”. Cặp kính và mái tóc của bác sĩ nhấp nháy.

Rồi mình lại bị chọc ven lấy máu tiếp. Lúc này hai tay là sắp hết chỗ lấy ven rồi. Hỏi bác sĩ khi bác sĩ nói rằng ngày nào cũng sẽ phải lấy máu và có khả năng còn phải truyền máu đấy: “Hai tay sắp hết chỗ lấy ven rồi”, Mình thở dài.

“Ồ, chị yên tâm. Tay còn đày chỗ. Nghiện nó còn chích được mỗi ngày nữa mà chị. Hết tay thì còn đến chân, hết chân đến đầu, hết đầu đến…”

“OK được rồi” Mình chặn lại ngay. Tới lúc này thì chính thức lú và nằm bò ra cái giường.

Bố mẹ đã vào được tới phòng cấp cứu và mang theo cả cái phòng và cái tủ lạnh, mặt mũi hai cụ tím ngắt. Mới tiếng trước còn nghe con nói con đi tái khám tiếng sau đã nghe thấy con báo: “Con đi cấp cứu rồi”. Mình được đẩy vào phòng Cách ly của khoa cấp cứu và xác định nằm đó “cho đến khi nào tiểu cầu lên thì thôi”.

Cùng phòng của có một cặp vợ chồng già mà bác gái cũng sốt xuất huyết. Bác í tình trạng tệ hơn mình nhiều, đi gần như không nổi, người chằng chịt dây, rền hừ hừ, đầu tóc rũ rượi, nôn liên tục. Bác trai phải đỡ từng chút một. Nhìn cảnh đó phải nói là kinh hãi, ít ra mình vẫn tự ngồi được. Tự đi nhà vệ sinh, tự bò dậy ăn uống dọn dẹp. Ấy thế mà hồi sau bác sĩ “bật mí” với mình: “Nhìn bác í nặng thế thôi nhưng chỉ số của họ còn tốt hơn em, em đang bị nặng hơn đó”.

Rồi mấy ngày bị truyền đủ thứ loằng ngoằng. Tiểu cầu thấp nên là động ven vào đến đâu là vỡ ven đến đấy tím lịm cả hai cái tay. Nằm ngay khoa cấp cứu và sát với phòng cấp cứu nên suốt mấy ngày đó nhận ra cái Khoa cấp cứu ở đây vào giai đoạn này nên tạm đổi tên thành: “Khoa cấp cứu sốt xuất huyết” bởi vì ngày cũng như đêm các bệnh nhân vào đây cấp cứu phải đến 90% là do sốt xuất huyết. Chỉ 1 số ít là tai nạn, đánh nhau, say rượu, vợ bóp cổ chồng chồng đá đít vợ.

Ở sát phòng cấp cứu nên ồn ào ngày đêm gần như không thể nào ngủ được. Và cứ mỗi ngày là hết một cuộn giấy vệ sinh mặc dù không hề muốn lãng phí như thế. Lý do là vì mỗi lần vào cái nhà vệ sinh thì phải mất 15 phút để lau, xịt, kỳ cọ vì đéo hiểu đâu ra cái ý thức sử dụng nhà vệ sinh công cộng chung mà còn in nguyên đôi dép trên bệ xí. Mấy lần bác sĩ còn chạy ra bảo thôi có gì cầm cái bô vào phòng mà xử chứ tới đây còn làm nhân viên lao công nhà vệ sinh thế rồi ngất ra đấy bác sĩ phá cửa vào cứu 0 kịp.

Nằm viện nên đôi lúc không có khái niệm ngày đêm hay mưa gió. Thỉnh thoảng nửa đêm thấy khoa Cấp cứu ngày cũng như đêm nên lẻn ra khỏi phòng đi ra ngoài đi lại tí cho nó đỡ căng thẳng tinh thần. Người ta bảo bệnh viện buổi đêm nhiều ma lắm mình cũng mò mò đi xem có thấy cái bóng nào không. Y như rằng đang lang thang là nhát lại có cái bóng trắng xuất hiện, chỉ khác là các bóng trắng này nói tiếng người rất rõ ràng: “Ơ không được đâu vào giường nằm nghỉ đi”. Mình đổi hướng đi hướng khác thì sẽ có bóng trằng khác hiện ra, một bóng trắng ít tóc và đeo kính tròn xoe: “0 được đâu chị, chị định đi đâu, chị về phòng ngay”.

Mình có cái điện thoại Vin phone siêu phế dùng được mỗi việc duy nhất là để nghe nhạc. Mà không biết vì sao tới giờ mỗi cái việc đó nó cũng 0 ra thể thống cống rãnh gì. Nằm truyền dịch rất buồn chán là phải nghe nhạc, nhưng chỉ 1 tích tắc vẹo người thôi là nó bị nhảy bài hay khởi động lại từ đầu, hoặc tiếng to max lòi hết cái lỗ tai. Mỗi lần nó im im yên yên để nghe nhạc thì 0 cả dám thở to vì chỉ nhích người nhẹ như cơn gió thoảng là nó lên cơn chập cheng. Nằm truyền một đống dây dợ như vậy mà còn không sợ di chuyển bằng mỗi lần cắm tai nghe lên nghe nhạc. Nhạc lên là phải làm tượng, mỏi mấy cũng 0 được trở người, sợ động vào cái điện thoại ấy hơn cả động vào cái dây truyền. Cái phone ấy nó còn đáng sợ tới mức. Có lúc tắt cỡ nào nó cũng vẫn rú nhạc lên max hết cỡ. Thậm chí power off nó rồi vứt nó một góc cuối giường, vừa trùm chăn vừa he hé giữa đêm khuya nhìn nó xem nó có tự play nhạc không, tim đập thình thịch. Đang ngủ chập chờn quý giá được vài giây nó có thể rú nhạc lên bất cứ lúc nào, ma nó cũng có lề lối quy củ hơn cái điện thoại đó.

Tiểu cầu mình nó lại đi ngang, bác sĩ bảo chưa lên chưa cho về. Ngày nào cũng xin về và hứa sẽ 0 uống thuốc bậy và không chủ quan nữa. Thực sự mình ở thêm viện ngày nào tinh thần và thể chất sẽ thêm đi xuống vì thiếu ngủ và… thiếu cái chơi. Tối trước đi ngủ mình luôn cầu nguyện. Mình thương bố mẹ ngày nào cũng phải đi qua chăm sóc, có hôm mưa to gió lớn ướt như chuột lột.

Gần tuần thì tiểu cầu cũng bắt đầu lên. Mình túm áo giật mũ bác sĩ nằng nặc đòi về. Bị tụt áo tụt mũ và cảm thấy “cũng vẻ ổn”, nên bác đành thở dài cho về.

Mình dính nguyên một combo là cảm cúm thời tiết + sốt xuất huyết + uống thuốc cực kỳ nguy hiểm + không được nghỉ ngơi đúng lúc + tới tháng. Người ta chỉ xuất huyết không người ta còn bê bết mà mình chơi hẳn combo. Không chỉ bị quật cho thể chất tơi tả mà tới giờ tinh thần vẫn đang rất kém, cảm giác như bị trầm cảm và vẫn chưa thể ăn uống được bình thường. Nghĩ tới ăn là còn buồn nôn. Nhưng vẫn còn may mắn vì kịp thời dừng thuốc Ibuprofen và kịp thời đi khám và đi cấp cứu kịp. Rất nhiều người bị sốt xuất huyết còn không biết từ ngày 4 tới ngày 7 là ngày nguy hiểm nhất (lúc này lại thấy khỏe ra mới nguy hiểm). Tiểu cầu hạ thấp không kịp nghỉ ngơi nó xuất huyết một phát là cả người tràn máu trở tay không kịp. Và đương nhiên, xuất huyết mà uống Aspirin hay Ibuprofen như mình là tắc tử.

Tới giờ mình vẫn còn phải mất khá nhiều thời gian mới có có thể hồi phục và trở lại bình thường cả tinh thần lẫn thể chất. Thuốc giờ uống mỗi ngày theo ký chứ còn 0 theo viên. Viết ra thì nó nhẹ nhàng vui vẻ vậy thôi chứ hành trình trải qua nó thật là khủng khiếp. Có rất nhiều bài học đã được rút ra, mà toàn là bài học lớn liên quan đến sức khỏe và tính mạng của bản thân chứ không phải là trò đùa. Mình suýt chết mà mình còn 0 biết đó!

Nghĩ lại cũng thấy mình ngoan ghê, bị nặng cỡ vậy mà chỉ nằm im như cún, không rên không than 1 câu, ngoan quá nên rơi vào nguy hiểm như thế mà còn 0 biết. Ngoan quá nhiều khi cũng 0 tốt lắm đâu nhé!

Đừng chủ quan nhé!

P/S: Trúng chiêu xuất huyết thần chưởng nên nội công tan tác hết cả. Tinh thần khá kém nhưng mấy hôm nằm bẹp xem bộ Young Sheldon cười được và thấy cuộc sống vẫn có sự đáng yêu của nó, công lực cũng hồi được dăm ba phần nên lết viết được cái bài dài ngoằng này đó 😅

À, bổ sung thêm1 điều quan trọng. Có ốm đau bệnh tật mới thấy mình… may mắn vì hệ thống y tế và tinh thần chữa trị của bác sĩ ở Việt Nam mình ít là với mình quá tốt. Nếu đã từng trải nghiệm với chăm sóc y tế từng có bên Mỹ thì thấy làm người Việt Nam quả thật may mắn chán!

 

Ảnh: Ha Kin – NHẬT KÝ XUẤT HUYẾT THẦN CHƯỞNG Oai hùng đi qua vài năm… | Facebook