Date Archives November 2023

#576: Bà nội và OCD

Cũng phải nhiều năm cho tới bây giờ, khi xem, đọc và nghiên cứu nhiều về các chứng bệnh tâm lý, mình mới hiểu bà nội mình có chứng OCD, thuộc dạng trung bình. Cũng có thể nó vốn dĩ ở dạng nặng hơn nhưng hoàn cảnh sống vất vả, khó khăn phải lo toan quá nhiều, không tài nào mà phải là “perfectionist” được.

OCD tiếng Việt được gọi là “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế”. Nghe thì đáng sợ đấy nhưng thực ra nó có rất nhiều cấp độ và rất, rất, rất nhiều người trong xã hội, xung quanh chúng ta mắc phải mà bản thân ngay chính họ cũng không hề biết. Chứng này có thể bẩm sinh, có thể do sự thay đổi của não bộ sau một vài biến cố hay một số căn bệnh nào đó, do bị rèn luyện như vậy, do stress, do thói quen… thậm chí cũng có thể do di truyền.

Bài này mình không nói nhiều về chứng OCD vì các bạn hoàn toàn có thể tìm được rất nhiều thông tin trên mạng. Mình chỉ nói về cách ứng xử đối với căn bệnh tâm lý này. Ở những mức độ nào đó, người có OCD ở 1 mình thì không sao nhưng người nào mà bị nặng mà người khác ở chung với họ thì rất phiền. Vì nhiều OCD vô cùng sạch sẽ, ngang hàng thẳng lối, sống theo những nguyên tắc riêng rất ngặt nghèo, nhiều sự ám ảnh vô lý. Lệch sóng họ tí là họ bị khó chịu ngay.

Hồi ở Mỹ mình đã từng ở chung với một chị OCD. Và mình đã kinh hãi khi thấy chị ấy đã đem đống thịt bò mới mua về rửa… xà phòng. Vào giây phút đó mình không chắc đó có phải là từ cái chai xà phòng rửa bát ra hay không nhưng điều đó hoàn toàn là có thể. Mình đứng đấy nấu ăn mà một giọt nước rơi ra mà chưa kịp nhào ra lau vội thì tóc chị í sẽ dựng lên ngay. Mọi thứ trong nhà không được 1 hạt bụi, chị í sẽ bò ra lau dọn và thậm chí còn đứng chìa cả cái máy hút bụi vào… không khí để hút… khí bẩn. Ở với chị í thì áp lực vô cùng vì đang ngủ mà chợt nhớ ra lúc nãy có thể lúc mình rửa chân ở nhà tắm có vết chân bẩn chị í sớm mai dậy chắc chị í sẽ đứng đấy khóc một buổi sáng, phải nhào ra kỳ ngay. Mình ở chung với OCD mình cũng thành OCD theo lúc nào không biết :)).

Còn hồi bé hẳn nữa lúc cũng ở cùng nhà với một chú ở cơ quan mẹ (đi nhiệm kỳ). Thì nhớ mãi rằng chú í ăn uống bất cứ lúc nào, bất kỳ đâu kể cả ra tập thể, chú í cũng phải luộc cho sôi cả đũa và thìa cái đã. Nghe mọi người đồn là vì chú í sợ… SIDA. Nhưng sau thì mình hiểu là khả năng cao là chú í bị OCD :)).

Bà nội mình thì nhẹ hơn nhiều. Chủ yếu bà sẽ bị “vướng mắc” ở chuyện là cái gì ở đâu phải đặt đúng chỗ đó, và phải chắc chắn là theo ý bà. Nghĩa là bà muốn là cái đĩa này nó phải đè lên cái đĩa kia thì nó phải đúng là nó được xếp như thế. Một tờ giấy ăn, ni lông rớt ra nhà là bà phải đi tới nghiên cứu, ngẫm nghĩ thật kỹ là nó là cái gì, tại sao nó lại ở đây :)). Mình chắc chắn một điều rằng từ trước tới giờ bố, các cô chú, các em mình sẽ không để ý điều này và chỉ đơn giản là thấy bà khó tính mà thôi. Và chính vì thế cứ phải chính tay bà làm bà mới yên tâm. Nhưng từ ngày bà không còn đi lại được nhiều nữa, chỉ có bám vào cái xe nạng nhích đi từng bước nên mọi sinh hoạt đều khó khăn. Bà muốn sắp xếp lại rất nhiều thứ, đặt đồ này thứ kia theo đúng ý của mình nhưng đôi lúc lực bất tòng tâm. Bà đành phải nhờ người xung quanh làm hộ. Lúc thì người giúp việc, các cô chú, các cháu, khách tới thăm bà… mà cứ làm không đúng như bà mong muốn là bà lại gắt lên cho nó đúng vị trí thì thôi. Mặc dù cái sự gắt này nó chỉ là thói quen thôi vì mình nói chuyện mình cũng hay gắt lắm và mình đâu phải là giận gì đâu =)). Thế nên người nào mà không hiểu thì sợ bà lắm, hay là giận vì bà sao mà khó tính, bắt bẻ thế. Nên giúp việc ở một thời gian thì thấy “áp lực” quá đều xin nghỉ :)). Ngày xưa thì mình thỉnh thoảng cũng cáu vì bà cứ sai ầm ầm lên mà cứ phải đúng thì bà mới chịu. Nhưng mình phải công nhận chưa bao giờ thừa khi học hỏi thêm thật nhiều kiến thức về tâm lý học và hơn cả là được làm cái nghề tuyệt vời này: đó là làm một nhà làm phim tài liệu. Vì nó cho mình rất nhiều lý do để nghiên cứu, học hỏi, trải nghiệm và nhờ thế mà hiểu thêm bao nhiêu điều ở cuộc đời này, trong đó đầu tiên là hiểu và biết ứng xử với những người thân của mình.

Bây giờ thì chỉ có thương bà thôi chứ còn lâu mới giận bà, nhắm nhảu với bà như ngày xưa. Giở hiểu bà rồi thì cứ theo ý bà mà làm thôi, thế giới hòa bình ngay và luôn. Mọi thứ biết cách ứng xử hóa ra nó lại rất đơn giản. Và tuy rằng không phải người nhà mình ai cũng hiểu rằng đây là một chứng bệnh tâm lý vô cùng phổ biến để hiểu cho bà. Mà cả xã hội này những hiểu biết về các chứng bệnh tâm lý đều còn rất hạn chế. Và thực ra hầu hết tất cả chúng ta đều mắc một vài chứng bệnh tâm lý nào đó, người thân của chúng ta cũng thế, nhưng do chúng ta chưa có đủ kiến thức và sự hiểu biết để hiểu cho chính bản thân mình hay xung quanh để có những sự ứng xử hợp lý. Đặc biệt trong những mối quan hệ gia đình, đôi lúc bố mẹ, vợ chồng con cái không thể nào hòa hợp với nhau hoặc bạn bè có những mối quan hệ đứt gẫy vì những “hành xử không chịu được”, bởi vì biết đâu rất nhiều người trong số họ bị mắc những chứng bệnh tâm lý mà ngay chính họ còn không hiểu, nữa là người thân. Để có thể hiểu nhau, cư xử đồng cảm và hiểu biết hơn thì có lẽ đã tránh được rất nhiều sự hiểu nhầm giận hờn nhau đáng tiếc, nhất là tình cảm gia đình. Có khi cả đời có những người không hòa hợp thậm chí không thể hiểu được bố mẹ, anh em… và ngược lại. Có khi nào thấy cái sự khó tính, khó chịu, vô lý ấy mình thử tìm hiểu thêm chút xem sao? Biết đâu hiểu ra được điều gì đó, biết cảm thông, biết ứng xử hơn. Có lẽ sẽ bớt được nhiều những giận hờn, day dứt, hối tiếc trong cuộc đời!

Bản thân mình với mẹ mình mà nói với nhau 2,3 câu là không đi tiếp được. Và giờ nói vậy thôi mình vẫn cãi mẹ nhoay nhoá =)). Nhưng điều khác biệt giữa ngày xưa khi chưa nhiều hiểu biết với bây giờ đó là tuy rằng vẫn cãi, nhưng sau đó không… để bụng, hiểu tâm lý mẹ nóng tính, dễ xúc động và ảnh hưởng nội tiết từ bệnh basedow và chắc chắn là muôn đời mẹ sẽ vẫn thế. Về cuối ngày thì vẫn phải mẹ con thắm thiết mà thôi :)).

Thỉnh thoảng nói chuyện và tiếp xúc với một số người, cũng nhận ra nhiều vấn đề tâm lý của họ. Đôi lúc chỉ đơn giản hiểu để mình có thể biết giúp đỡ gì, hay hiểu vì sao họ cư xử vô lý thế để cho mình… bớt tức =)).

By the way, bà nội mình cũng 92 tuổi, có không OCD thì 92 cũng sẽ khó tính thôi :)). Nhưng mà nhé, ngoài OCD ra thì bà lại cực kỳ dễ tính kể cả đã ở tuổi này, chiều các cháu lắm luôn, ngoài cái việc như là: “xoay cái quạt vào chính giữa người đi thì mới mát được chứ” thì cháu xin gì cũng cho, ăn gì bà cũng chiều, móc tiền túi mấy chục nghìn tiết kiệm ra cho ngay :)). Mà á, bà mình hài hước và minh mẫn cưc kỳ, bà nhớ không quên chuyện gì từ lúc mình đẻ ra. Bà không quên một chuyện gì! Có khi người có OCD trí nhớ tốt =)). TRỘM VÍA TRỘM VÍA tỉ lần bà yêu của cháu!

Có thể câu chuyện của mình có nhiều đồng cảm với nhiều bạn!

#575: “Fast car”: Lái xe đi hay ở lại và sẽ chết mòn thế này?

“Fast car” của Tracy Chapman là một trong những bài hát mình thích nhất khi nghe on road. Sẽ thú vị thế này: Khi ngày hôm qua mình viết bài review về một bộ phim tài liệu về một chàng trai Nepal sinh ra ở trên những nơi tận cùng của thế giới, nơi để đưa cậu và các em tới được thành phố, bố cậu đã phải mất một tháng vác chúng trên giỏ và gánh băng qua những dãy núi trùng điệp. Hành trình ấy hoàn toàn bằng đôi chân với một vài chú lừa. Một tháng để đưa con tới thành phố chữa bệnh và cho con được một chút giáo dục. Bố mẹ cậu yêu thương cậu vô ngàn nhưng khát khao được thoát khỏi hoàn cảnh để được khám phá bản thân, đi ra thế giới của cậu nó lớn lao như những đại ngàn nơi bố mẹ và ngôi nhà của cậu chỉ bé lọt thỏm ở giữa.

“Fast car” của Tracy Chapman có khát khao tương tự, đó là được thoát khỏi gia đình, thoát khỏi hiện trạng ngột ngạt của hiện tại, bước ra một vùng đất mới, với những ước mơ rất đơn giản như là chỉ cần “một công việc”, một sự tự do là mình để hiểu được ý nghĩa của việc “được sống”. Nhưng những ước mơ ấy lại ngập tràn những sự bế tắc.

Bài hát là một điển hình của những số phận của những người Mỹ nghèo (cụ thể ở đây là hoàn cảnh của một gia đình người da đen). Họ bị luẩn quẩn trong những cơn nghiện rượu, ma túy, thuốc giảm đau, sự phân biệt chủng tộc và tầng lớp xã hội. Những vùng quê nghèo ở bất cứ nơi đâu dù là nước Mỹ giàu nhất thế giới hay nơi tận cùng của dãy núi Himalayas cũng đều giống nhau ở sự đói nghèo, bế tắc và những ước mơ dữ dội của những đứa trẻ muốn được sống một cuộc sống đủ đầy mà chúng mơ ước. Đủ đầy không chỉ là chuyện vật chất, nó còn là kiến thức, sự tự do và có khi đơn giản chỉ là được thấy ánh đèn của thành phố.

Cậu trai Nepal trong “The only son” muốn được làm rất nhiều điều thật lớn và đi hẳn tới những quốc gia, vùng miền khác. Con đường đi từ nhà cậu ra được thành phố, tới sân bay là núi non thung lũng trập trùng. Nhưng qua được những dãy núi ấy, cậu biết đâu sẽ làm một người nổi tiếng và có một vài tác phẩm để đời. Còn “Fast car” của Tracy chỉ đơn giản là muốn vượt qua được biên giới bang để tới một thành phố khác, chẳng cần phải đi quá xa. Đường đi của cô gái trong Fast car lại quá đơn giản và bằng phẳng, cần một cái xe ô tô “đủ nhanh” là sẽ thoát khỏi được hiện tại. Chiếc ô tô ấy chỉ cần là một chiếc xe cũ thôi, nhưng nó chở bao nhiêu là ước mơ về sự giải thoát, được yêu và được sống như “một người bình thường”. Con đường đi theo đúng nghĩa đen của Tracy bằng phẳng và đơn giản hơn rất nhiều con đường đi của chàng trai Nepal. Nhân vật của Tracy cũng sống ở đất nước giàu có nhất thế giới, còn chàng trai thì lại ở một trong những nơi nghèo nhất thế giới. Cả hai rất giống mà khác nhau. Một con đường bằng phẳng, một con đường là chỉ có dốc cao vực sâu nhưng hai con đường ấy đều khó đi như nhau. Giấc mơ của chàng trai là thành một người đi ra thế giới và muốn làm điều gì đó lớn lao nhưng giấc mơ của Tracy chỉ cần được “làm 1 người bình thường với 1 công việc tử tế”. Nếu bố mẹ của cậu chàng yêu thương chàng hết mình nhưng vẫn sống trong sự cổ hủ và đói nghèo truyền thống thì người bố của Tracy lại là một ông nghiện rượu, mẹ thì bỏ đi. Hai bố mẹ hoàn toàn khác nhau nhưng chúng đều đau khổ vì không thể bỏ được họ để ra đi, nhưng nếu ở lại chúng cũng sẽ chết dần chét mòn. Cả hai đều muốn thoát khỏi gia đình, đều muốn được sống là mình và những khát vọng của họ đều mãnh liệt như nhau, những nỗi đau khổ cũng giống y nhau.

Điều thú vị được thể hiện rõ nhất ở bộ phim và bài hát đó là cách kể chuyện về cùng một vấn đề trong những hoàn cảnh khác nhau về địa lý (dù cách kể chuyện bằng hình thức khác nhau), và cho thấy cùng một vấn đề nhưng trong những nền văn hóa khác nhau chúng vẫn giống nhau tới lạ kỳ, những quy luật cuộc sống và khát khao cơ bản của mỗi người lúc nào cũng vẫn luôn là thế. Những bài hát, những cuốn phim này đều là những câu chuyện cuộc sống thật nhẹ nhàng, mà ý nghĩa, với mình thì chúng là “food for mind”.

Mình rất mê những nghệ sĩ như Tracy Chapman. Đây là những con người mà âm nhạc và tư duy kể chuyện bằng âm nhạc đã có từ trong máu từ khi họ sinh ra. Những tác phẩm của họ đều chính là những câu chuyện và trải nghiệm sống của chính họ. Chúng vô cùng sâu sắc, nhiều triết lý cuộc sống được ẩn giấu trong những câu chữ rất nhẹ nhàng và những câu chuyện rất đời. Một câu hát tiếng đàn họ cất lên đều tự nhiên như hơi thở. Những nghệ sĩ như Tracy Chapman, Jewel, Bob Seger (và nhiều nhiều lắm) đều có những xuất thân cực nghèo khó và đến từ những nơi ngập tràn rượu và ma túy. Nhưng tài năng thì một khi đã trổ thì vượt lên cấp toàn thế giới, họ thậm chí có khi một ngày còn chẳng được đi học một nốt nhạc. Âm nhạc cũng toàn những câu chuyện và tâm tư cuộc sống rất đời thường, chẳng cần phải trưng trổ bất cứ kỹ thuật gì cao siêu, vì chỉ cần họ cất tiếng là không có ai có thể bắt chước được họ và vẫn đến được với sự đồng cảm với bất cứ khán thính giả nào trên trái đất này. Mà cái này, chỉ có thể là sinh ra có từ trong máu, và số phận được ông trời ban tặng. 8 tuổi Tracy đã biết sáng tác rồi cho dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Số đã nổi tiếng, đã tài giỏi thì con đường dù khó khăn đến mấy như những dãy núi Himalayas hay chỉ có một chiếc ô tô quá cũ nhưng sẽ vẫn “đủ nhanh” để vượt lên highways đi ra thế giới.

À mà nếu để ý thì mấy nghệ sĩ này hầu như chả có cái scandals gì, họ sống vững chắc trong lòng người hâm mộ dù năm tháng có qua đi bao nhiêu lâu!

A Tracy Chapman fan! Love you, Tracy!

#writingformyself

#574: “The only son”

Tối nay bạn thích xem một bộ phim tài liệu không?

Thỉnh thoảng lại stumble được một số phim tài liệu rất hay trên Youtube. Mình rất thích xem những phim tài liệu độc lập của các bạn quốc tế trên Youtube. Mà đôi khi cũng chẳng cần là phim, chỉ là những videos kể chuyện về những trải nghiệm sống, văn hóa vùng miền của con người từ vùng lạnh nhất tới nơi nóng nhất, xem họ sống thế nào, có gì thú vị, học hỏi và ngẫm nghĩ được biết bao điều.

Đỉnh núi Himalayas là một trong những đề tài mình rất thích xem, không biết có phải vì đã từng được tận mắt thấy Everest từ máy bay hay do xem 7 days in Tibet mà cứ mỗi lần thấy Himalayas là bồi hồi. Đêm hôm bữa play đến “The only son”, câu chuyện của một chàng trai Nepal từ nơi nghèo khó và xa xôi tận cùng trên dãy núi Himalayas mà có một tư tưởng cực kỳ khác biệt, rất hiện đại hiểu biết, vượt lên mọi những hủ tục của gia đinh, làng tộc để dũng cảm vượt ra khỏi vũng lầy của đói nghèo và thất học. Nghe thì tưởng như là một quá trình rất epic nhưng cái hay là nó chỉ kể bằng một chuyến đi từ thành phố trở về nhà cùng một chút background của chàng trai mở đầu về gia đình. Còn lại là những lời kể mộc mạc, dung dị và trăn trở, đấu tranh mãnh liệt của lương tâm khi phải quyết định sẽ đi ra thế giới rộng lớn vĩ đại ngoài kia để giải thoát bản thân hay sẽ quay trở lại quê nhà lấy vợ, chăm sóc bố mẹ già yếu và mảnh đất rộng lớn của tổ tiên để lại cần phải canh tác và cai quản, và bởi vì cậu là “cậu con trai duy nhất”.

Những bộ phim này mình thấy rất hay không hề vì hình ảnh phải đẹp hay sự epic, những lời dạy đời đạo đức ra vẻ cho phim có chiều sâu. Mình thấy rất hay vì những điều rất thật thà, những hiện tại rất khắc nghiệt, những nền văn hóa tưởng địa lý thì rất xa chúng ta mà lại rất tương đồng, những bài học cuộc sống về tình yêu với gia đình, về khát vọng bản thân và những nỗ lực sống vĩ đại. Chúng được kể và thấm cho người xem một cách rất tự nhiên, rất đồng cảm.

Những nhóm người thiểu số sống trên núi cao dù bất cứ đâu, ta đều thấy một điều thú vị là họ có rất nhiều điểm tương đồng trong văn hóa và lối sống sinh hoạt. Họ đều là những con người lao động rất cực khổ, người phụ nữ phải luôn mang vác rất nặng và vất vả vừa phải trèo núi lội suối để làm nông, cắt cỏ, chở củi, vừa vẫn phải nấu nướng dọn dẹp, chăm sóc con cái và những người chồng gia trưởng. Và đều có những hủ tục rất giống nhau, những truyền thống văn hóa rất giống nhau. Như con cái lập gia đình rất sớm (chủ yếu để thêm người lao động) và trọng nam khinh nữ. Nên khi mình xem những câu chuyện này mình đều thấy rất đồng cảm và gần gũi, vì đó là những câu chuyện mà mình bắt gặp không phải tận Himalayas mới thấy mà ở ngay trên những vùng núi hay cao nguyên mình đã đi qua.

Nhưng hoàn cảnh gia đình của chàng thanh niên trong phim cũng là một hoàn cảnh khá đặc biệt. Gia đình có 11 người con, cậu là con trai duy nhất. 8 tuổi, cậu suýt chết vì bệnh sởi. Bố cậu đã gánh cậu và mấy người chị em gái trên vai để tới thành phố. Nhưng để tới được Kathmandu, thủ phủ của Nepal, thì ông bố ấy phải gánh các con đi bộ và leo núi đồi gập ghềnh, đi qua những thung lũng cánh đồng đúng 1 tháng trời. MỘT THÁNG TRỜI! Mà các bạn biết Himalayas chưa bao giờ là một dãy núi tầm thường. Ông bố vĩ đại ấy đã vác các con lên thành phố để các con có thể thay đổi cuộc đời. Đứa con gái lớn được sang Mỹ làm con nuôi. Đứa thứ hai bị bỏng suýt chết được một gia đình Hà Lan nhận nuôi. Còn cậu được ăn học ở Kathmandu cùng hai em gái nhỏ nữa. Đó là những chuyến đi nhiều lần 1 tháng của người bố. Hình ảnh người bố khắc khổ và nụ cười hiền trong phim sẽ không thể làm cho bất cứ ai không xúc động. Nhiều năm sau đó, ngay cả khi cậu đã lớn và trưởng thành và đưa các em trở về nhà, con đường ấy đã rút ngắn lại được bằng những chuyến trực thăng dân sự, nhưng vẫn mất thêm 10 ngày đi bộ leo núi nữa mới trở được về nhà thăm bố mẹ. Và người bố ấy vẫn sẵn sàng đi bộ cả 10 ngày để tới đón các con hay lại tiễn các con trở về.

Cậu thanh niên may mắn được ăn học ở thành phố, được đi du học, được gặp lại các chị đã đều thành người nước ngoài, thậm chí còn không nói được cả ngôn ngữ gốc. Nhưng nỗi đau lòng trăn trở khi bố mẹ ở quê xa quá cực khổ và quá yêu thương mình, cậu sẽ phải lựa chọn. Trở về lấy vợ chăm sóc bố mẹ cho tròn chữ hiếu hay là đi ra thế giới văn minh để được phát triển bản thân? Nếu là bất cứ một ai vào hoàn cảnh này, chắc chắn đều là những sự dày vò đấu tranh khủng khiếp, và không có lựa chọn nào là xuôi được hoàn toàn với lương tâm.

Những lời thoại và tranh cãi giữa cậu và bố mẹ rất giá trị. Cậu chàng thì tìm đủ mọi cách giải thích tư tưởng tân tiến cho bố mẹ (nhưng làm sao họ hiểu được, họ đã sống và quá quen với cuộc sống như vậy rồi). Nhưng cũng chính vì thế cậu cũng sẽ không thể hiểu được những tâm và mong muốn của bố mẹ. Ai cũng cho rằng mình đúng. Con không hiểu bố mẹ, bố mẹ không hiểu con. Và cũng chắc gì những khán giả trung gian như chúng ta hiểu đúng để đánh giá họ. Vì cái đúng sai trong mỗi nền văn hóa và lối sống là khác nhau. Bạn lớn lên thế nào, bạn được dạy thế nào, hay trải nghiệm của bạn thế nào, đó là cái đúng theo quan điểm của bạn. Nhiều khi mình xem câu chuyện của người lạ như vậy là để reflect lại chính hoàn cảnh của rất nhiều trong chúng ta.

Mình thương cái sự thương con đầy khắc khổ của người bố mẹ trong phim. Người mẹ với làn da nhăn nheo vì quá khổ cực với bao trăn trở vì sợ mình sẽ chết già trong cô đơn cùng mảnh đất rộng lớn. Nhưng những đứa con rất yêu thương bố mẹ, rất có hiếu, tình yêu của chúng đong đầy trong ánh mắt. Nhưng trong ánh mắt đầy yêu thương của cậu trai ấy là sự mãnh liệt của sự tự do và quyết đoán, sẽ phải rời xa bố mẹ cho dù yêu thương bố mẹ vô cùng.

Câu chuyện này rõ ràng không phải là một câu chuyện “bình thường” hay là của một gia đình điển hình của người dân sống trên núi hay những vùng đất nghèo khó hiểm trở. Không phải dễ dàng sinh ra từ nơi sâu thẳm của những vùng tận cùng của thế giới mà những đứa trẻ lại có tư duy hiện đại tân tiến và quyết tâm phá bỏ truyền thống, quy tắc, cả nén những yêu thương với gia đình để vượt ra khỏi hiện tại đói nghèo và hủ tục để được sống một cuộc sống nhiều tri thức và được khám phá bản thân. Nhưng chính vì thế có khi nó làm thức tỉnh rất nhiều con người, dù vùng núi xa xôi hay thành phố hiện đại, và KHÔNG THỂ ĐỔ LỖI CHO HOÀN CẢNH. Cho dù xuất phát điểm của bạn thế nào, bạn muốn cuộc đời mình tốt đẹp hơn, đó là lựa chọn của bạn. Và không có sự lựa chọn nào ở cuộc đời này là hoàn hảo, bạn sẽ luôn phải đánh đổi, bạn sẽ sống cho mình hay là gia đình? Bạn sẽ sống vì bản thân mình với những khả năng của mình hay let it slide và sống một cuộc sống mờ nhạt như bạn đã được sắp xếp? Bạn có muốn thoát khỏi sự đói nghèo hay ngột ngạt của bạn hay không? Nếu có bạn phải rất chăm chỉ, dũng cảm và phải đánh đổi!

“The only son” là một bộ phim tài liệu mình thấy rất thích không chỉ vì nội dung mà còn vì cách kể chuyện voice over rất dung dị, thỉnh thoảng kể sau hình ảnh để khán giả được suy nghĩ, cinematography rất đơn giản nhưng lại rất chuyên nghiệp, âm nhạc tối thiểu nhưng rất phù hợp và day dứt, những lời kể tâm sự nhẹ nhàng nhưng dẫn dắt người xem rất cuốn hút. (À nhưng đương nhiên nó chỉ cuốn hút khi bạn là tuýp ưa thích tài liệu, thích khám phá thế giới và không phải tuýp chỉ thích xem những thứ giật gân hay hào nhoáng).

Một trong những cái hay của tài liệu độc lập thế này đó là tính thức thời và nhanh trí của người làm phim. Họ đã nhận ra được ngay nhân vật và đề tài từ rất sớm để bắt đầu ghi chép lại thành cả một quá trình. Phim này được làm bởi một nhà làm phim độc lập người Hà Lan và có lẽ câu chuyện của cậu trai đã được chia sẻ khi cậu đang đi du học ở Hà Lan và ngay lập tức: Đây là một câu chuyện phải được kể! Và cái máy quay đã bắt đầu chạy, âm thanh đã phải được thu và ổ cứng đã được nạp.

Với mình thì điều này xảy ra thường xuyên, mình luôn nhìn ra mọi đề tài rất nhanh, rất nhiều câu chuyện cuộc sống vô cùng hay và độc đáo. Chỉ rất tiếc mình chưa có đủ máy móc, tài chính và đặc biệt là người bạn đồng hành đủ tinh tế và có thời gian để thực hiện những câu chuyện như thế này. Vì làm tài liệu không hề đơn giản một chút nào, đó là thời gian, tiền bạc ứng ra và phải hiểu về cuộc sống, về thế giới, kỹ năng ứng xử với con người, phải biết nhìn ra những điều để kể qua ống kính. Như bạn nhìn thấy một khuôn hình trong bộ phim, có khi người quay phim không hiểu hết ngôn ngữ của câu chuyện, nhưng họ biết lia đúng chỗ, đúng nơi, đúng khuôn, vì một người làm phim tài liệu rất sâu sắc và nhạy cảm!

Trên Youtube thì những phim kiểu này rất nhiều, và đều rất hay. Mình đợi tìm được người bạn đồng hành ấy để được hòa vào thế giới này! Có nhiều chuyện rất hay, rất rất hay ước gì được kể!

Link phim ở dưới comment. Hãy xem hành trình của chàng trai ấy!