Posts in music

#575: “Fast car”: Lái xe đi hay ở lại và sẽ chết mòn thế này?

“Fast car” của Tracy Chapman là một trong những bài hát mình thích nhất khi nghe on road. Sẽ thú vị thế này: Khi ngày hôm qua mình viết bài review về một bộ phim tài liệu về một chàng trai Nepal sinh ra ở trên những nơi tận cùng của thế giới, nơi để đưa cậu và các em tới được thành phố, bố cậu đã phải mất một tháng vác chúng trên giỏ và gánh băng qua những dãy núi trùng điệp. Hành trình ấy hoàn toàn bằng đôi chân với một vài chú lừa. Một tháng để đưa con tới thành phố chữa bệnh và cho con được một chút giáo dục. Bố mẹ cậu yêu thương cậu vô ngàn nhưng khát khao được thoát khỏi hoàn cảnh để được khám phá bản thân, đi ra thế giới của cậu nó lớn lao như những đại ngàn nơi bố mẹ và ngôi nhà của cậu chỉ bé lọt thỏm ở giữa.

“Fast car” của Tracy Chapman có khát khao tương tự, đó là được thoát khỏi gia đình, thoát khỏi hiện trạng ngột ngạt của hiện tại, bước ra một vùng đất mới, với những ước mơ rất đơn giản như là chỉ cần “một công việc”, một sự tự do là mình để hiểu được ý nghĩa của việc “được sống”. Nhưng những ước mơ ấy lại ngập tràn những sự bế tắc.

Bài hát là một điển hình của những số phận của những người Mỹ nghèo (cụ thể ở đây là hoàn cảnh của một gia đình người da đen). Họ bị luẩn quẩn trong những cơn nghiện rượu, ma túy, thuốc giảm đau, sự phân biệt chủng tộc và tầng lớp xã hội. Những vùng quê nghèo ở bất cứ nơi đâu dù là nước Mỹ giàu nhất thế giới hay nơi tận cùng của dãy núi Himalayas cũng đều giống nhau ở sự đói nghèo, bế tắc và những ước mơ dữ dội của những đứa trẻ muốn được sống một cuộc sống đủ đầy mà chúng mơ ước. Đủ đầy không chỉ là chuyện vật chất, nó còn là kiến thức, sự tự do và có khi đơn giản chỉ là được thấy ánh đèn của thành phố.

Cậu trai Nepal trong “The only son” muốn được làm rất nhiều điều thật lớn và đi hẳn tới những quốc gia, vùng miền khác. Con đường đi từ nhà cậu ra được thành phố, tới sân bay là núi non thung lũng trập trùng. Nhưng qua được những dãy núi ấy, cậu biết đâu sẽ làm một người nổi tiếng và có một vài tác phẩm để đời. Còn “Fast car” của Tracy chỉ đơn giản là muốn vượt qua được biên giới bang để tới một thành phố khác, chẳng cần phải đi quá xa. Đường đi của cô gái trong Fast car lại quá đơn giản và bằng phẳng, cần một cái xe ô tô “đủ nhanh” là sẽ thoát khỏi được hiện tại. Chiếc ô tô ấy chỉ cần là một chiếc xe cũ thôi, nhưng nó chở bao nhiêu là ước mơ về sự giải thoát, được yêu và được sống như “một người bình thường”. Con đường đi theo đúng nghĩa đen của Tracy bằng phẳng và đơn giản hơn rất nhiều con đường đi của chàng trai Nepal. Nhân vật của Tracy cũng sống ở đất nước giàu có nhất thế giới, còn chàng trai thì lại ở một trong những nơi nghèo nhất thế giới. Cả hai rất giống mà khác nhau. Một con đường bằng phẳng, một con đường là chỉ có dốc cao vực sâu nhưng hai con đường ấy đều khó đi như nhau. Giấc mơ của chàng trai là thành một người đi ra thế giới và muốn làm điều gì đó lớn lao nhưng giấc mơ của Tracy chỉ cần được “làm 1 người bình thường với 1 công việc tử tế”. Nếu bố mẹ của cậu chàng yêu thương chàng hết mình nhưng vẫn sống trong sự cổ hủ và đói nghèo truyền thống thì người bố của Tracy lại là một ông nghiện rượu, mẹ thì bỏ đi. Hai bố mẹ hoàn toàn khác nhau nhưng chúng đều đau khổ vì không thể bỏ được họ để ra đi, nhưng nếu ở lại chúng cũng sẽ chết dần chét mòn. Cả hai đều muốn thoát khỏi gia đình, đều muốn được sống là mình và những khát vọng của họ đều mãnh liệt như nhau, những nỗi đau khổ cũng giống y nhau.

Điều thú vị được thể hiện rõ nhất ở bộ phim và bài hát đó là cách kể chuyện về cùng một vấn đề trong những hoàn cảnh khác nhau về địa lý (dù cách kể chuyện bằng hình thức khác nhau), và cho thấy cùng một vấn đề nhưng trong những nền văn hóa khác nhau chúng vẫn giống nhau tới lạ kỳ, những quy luật cuộc sống và khát khao cơ bản của mỗi người lúc nào cũng vẫn luôn là thế. Những bài hát, những cuốn phim này đều là những câu chuyện cuộc sống thật nhẹ nhàng, mà ý nghĩa, với mình thì chúng là “food for mind”.

Mình rất mê những nghệ sĩ như Tracy Chapman. Đây là những con người mà âm nhạc và tư duy kể chuyện bằng âm nhạc đã có từ trong máu từ khi họ sinh ra. Những tác phẩm của họ đều chính là những câu chuyện và trải nghiệm sống của chính họ. Chúng vô cùng sâu sắc, nhiều triết lý cuộc sống được ẩn giấu trong những câu chữ rất nhẹ nhàng và những câu chuyện rất đời. Một câu hát tiếng đàn họ cất lên đều tự nhiên như hơi thở. Những nghệ sĩ như Tracy Chapman, Jewel, Bob Seger (và nhiều nhiều lắm) đều có những xuất thân cực nghèo khó và đến từ những nơi ngập tràn rượu và ma túy. Nhưng tài năng thì một khi đã trổ thì vượt lên cấp toàn thế giới, họ thậm chí có khi một ngày còn chẳng được đi học một nốt nhạc. Âm nhạc cũng toàn những câu chuyện và tâm tư cuộc sống rất đời thường, chẳng cần phải trưng trổ bất cứ kỹ thuật gì cao siêu, vì chỉ cần họ cất tiếng là không có ai có thể bắt chước được họ và vẫn đến được với sự đồng cảm với bất cứ khán thính giả nào trên trái đất này. Mà cái này, chỉ có thể là sinh ra có từ trong máu, và số phận được ông trời ban tặng. 8 tuổi Tracy đã biết sáng tác rồi cho dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Số đã nổi tiếng, đã tài giỏi thì con đường dù khó khăn đến mấy như những dãy núi Himalayas hay chỉ có một chiếc ô tô quá cũ nhưng sẽ vẫn “đủ nhanh” để vượt lên highways đi ra thế giới.

À mà nếu để ý thì mấy nghệ sĩ này hầu như chả có cái scandals gì, họ sống vững chắc trong lòng người hâm mộ dù năm tháng có qua đi bao nhiêu lâu!

A Tracy Chapman fan! Love you, Tracy!

#writingformyself

#568: Một bài hát cho Father’s Day: “Monsters” by James Blunt

Một bài hát cho Father’s Day: “Monsters” by James Blunt
Trừ những ngôn ngữ không thể nào hiểu được tuy nhiên giai điệu nghe vẫn bắt tai thì mình nghe chơi ra, còn lại đa phần nhạc mình nghe hay còn phải ở phần lời, và thường mình appreciate những phần lời ý nghĩa và sâu sắc. Những câu từ mà mang đến sự trí tuệ và trải nghiệm của người sáng tác, thấm vào tận trong tim cho dù đó là những từ ngữ đơn giản không hoa mĩ.
Ngày của Bố năm nay mình chọn bài Monsters của James Blunt. Nếu dành một khoảng thời gian tĩnh lặng một chút ngồi lắng nghe và ngấm từng lời từng chữ của bài hát, đôi lúc phải wow lên vì nếu đó không phải là một người sâu sắc và nhạy cảm, yêu thương cuộc đời và con người thì làm sao viết ra được những ca từ thấm và nhiều tình cảm tới như thế. Tình yêu thương của những người con tới bố mẹ mình và ngược lại là một thứ tình cảm đến tự nhiên như bản năng chẳng bao giờ phải cần những điều hoa mĩ để diễn tả. Mối quan hệ có thể đôi lúc rất phức tạp, rất nhiều yêu thương mà cũng rất nhiều giận hờn, nhưng khi đến cuối cuộc đời những điều giận hờn và những lỗi lầm ấy sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Bố mẹ sẽ tha thứ cho chúng ta và chúng ta sẽ tha thứ cho bố mẹ.
Cả bài hát là về sự hối tiếc, sự tha thứ và sự biết ơn. Khi còn bé bỏng, bố hay ghé qua phòng, lắng nghe câu chuyện của con hay đọc cho con một câu truyện trước khi đi ngủ. Rồi bố tắt đèn, nhẹ nhàng đóng cửa lại kèm lời chúc ngủ ngon. Bài hát đã mở đầu bởi câu chuyện như thế, chỉ khác là, người ngủ trong phòng là bố và người đóng cửa phòng là con. Một ngày nào đó bố đã già, con đã là một người đàn ông trưởng thành. Bố là người nằm trên giường và con là người lắng nghe câu chuyện của bố, con là người tắt đèn, sẽ phải tới những giây phút họ phải nói lời tạm biệt với nhau như một lẽ tự nhiên của cuộc đời.
Bố và con đã bên nhau bao nhiêu năm của cuộc đời, đã trải qua bao hờn giận và yêu thương. Con của bố có gì mà bố không hiểu, kể cả những điều sâu thẳm xấu xí nhất, và con cũng vậy, hiểu thấu lòng bố, hai người đều hiểu được nhau dù là yêu thương hay những lỗi lầm. ”I know your mistakes and you know mine”, chúng ta cũng chỉ là những con người bình thường thôi mà. Và ngay cả khi con người ta đã gần đất xa trời người ta cũng không bao giờ hết được những nỗi lo lắng, kể cả khi con cái họ đã là những người đã trưởng thành. Nhưng vào giây phút này, không có điều gì là quan trọng hơn việc được ở bên nhau và yêu thương nhau cho tới tận khi cuối cùng. “No need to forgive, no need to forget”. (Bố ơi), “không cần phải tha thứ, cũng chẳng cần phải quên đi”. Hãy cứ để thế đi, không phải nghĩ nhiều như cả cuộc đời cố con mình đã phải suy nghĩ. Giờ bố cứ yên tâm đi ngủ đi, hãy yên tâm nhắm mắt. Vì trong lúc bố ngủ, con sẽ làm bố tự hào. Không phải ai cũng hiểu câu: “Don’t be afraid, it’s my turn to chase the monsters away”. Câu đó dịch là: “Bố đừng sợ, bây giờ đã tới lượt con để đuổi lũ quái vật đi rồi”. Khi còn nhỏ, đôi lúc ta hay bị dọa là ngoài kia có ông Ba Bị đó, ngoài kia có những kẻ xấu xa đó, có lũ quái vật đó. Nhưng yên tâm, đã có bố ở đây, bố sẽ là người bảo vệ con khỏi những kẻ xấu xa đó. Và bây giờ khi bố sắp ra đi, bố ơi đã tới lúc đuổi lũ ma quỷ ấy sẽ là việc của con.
Và chính vì thế câu hát đánh thẳng vào tim của người nghe và khiến cho bất cứ ai có tình yêu thương của bố mẹ và gia đình sẽ phải bật khóc, đó là:
“I’m not your son, you’re not my father
We’re just two grown men saying goodbye”
(Vào giây phút này)
Cha không phải là cha của con, con không phải là con của cha
Chúng ta chỉ là hai người đàn ông trưởng thành đang nói lời chia xa
Là 2 người đàn ông trưởng thành đang sắp phải nói lời chia xa. Con đã trưởng thành rồi và giờ cha cũng đã mệt mỏi, hãy yên tâm nghỉ ngơi, hãy để con thay cha làm người bảo vệ đuổi lũ “monsters” đi nhé!
Khi cậu bé Iam Tongi, quán quân của American Idol năm nay hát cover lại tới câu này thì ban giám khảo đã rơi nước mắt. Trong hoàn cảnh này, bất cứ ai, dù là con gái hay con trai, dù bố còn hay đã mất, cũng sẽ nghĩ về người bố của mình. Đó chính là thành công cao nhất của sự sáng tác từ một người nghệ sĩ, khi chạm đến phần sâu nhất của cảm xúc của khán thính giả. Đó là một thứ tài năng mà chắc chắn không thể là người nghệ sĩ nào cũng có thể làm được. Ở đây, sự thành công ấy ở cả người sáng tác, và ở người biểu diễn.
Những hình ảnh ý nhị mà buồn sâu sắc được kể ra nhẹ nhàng mà day dứt vô cùng. Như là câu hát: “I folded your clothes on the chair, I hope you sleep well, don’t be scared”. “Con gấp quần áo của bố và để trên ghế, con mong bố ngủ ngon không lo sợ nữa nhé”. Bộ quần áo được gấp trên ghế, nghĩa là nó sẽ không bao giờ được mặc nữa. Nỗi buồn nó tả một cách đơn sơ mà ngọt sắc như dao vậy đó.
Có thể đó là một bài hát hơi quá buồn để nghe vào ngày của Bố, nhất là khi bạn vẫn đang còn bố. Nhưng mà như một comment trong cái video của James Blunt có nói: “Bố tôi vẫn ổn, tôi cũng vẫn ổn. Nhưng mà sao khi nghe bài hát này tôi khóc nhiều tới thế”. Đó cũng là cảm xúc chung của rất nhiều ngoài kia kể cả khi họ vẫn còn bố. Nó sẽ làm bạn buồn để bạn yêu bố bạn nhiều hơn, trân quý hơn những giây phút còn được ở bên bố, để bạn biết tha thứ những lỗi lầm của bố, và của chính bạn.
James viết bài này khi bố anh lâm trọng bệnh, ông đã suy thận ở giai đoạn cuối. Trong video, anh vừa hát vừa khóc bên chính bố của mình. Ai cũng có thể chết chìm trong lời bài hát ngập tràn yêu thương và đôi mắt day dứt tuyệt đẹp đẫm nước của anh ấy. Thật may mắn, bố anh đã được hiến thận và sống khỏe mạnh tới giờ.
Bố mình cũng chỉ còn một quả thận, nên mình lo cho bố mỗi ngày. Bài hát làm mình nhiều cảm xúc vô cùng.
Bản của James Blunt thì bao day dứt, vừa hát vừa khóc. Bản cover lại của Iam Tongi thì sâu lắng dịu dàng mà bao nuối tiếc vì bố của bạn cũng mới mất. Iam thật xứng đoạt giải năm nay. Một giọng hát tuyệt vời nhiều tình cảm, rất chân phương, làm mình lấy lại được bao niềm tin với tài năng thực thụ trước một cái thời đại đầy thứ âm nhạc auto tune và nhạt nhẽo của bây giờ.
Happy belated Father’s day.

475: AGAINST THE WIND – CHO NHỮNG AI ĐANG CHẠY NGƯỢC GIÓ

AGAINST THE WIND – CHO NHỮNG AI ĐANG CHẠY NGƯỢC GIÓ

https://d29ci68ykuu27r.cloudfront.net/items/19424481/cover_images/cover-large_file.png

Xem lại Forrest Gump sau nhiều năm và chợt lặng đi khi nhớ ra tới đoạn chạy ở Monument Valley, khi mà Forrest Gump đầu bù tóc rối chạy trên con đường sa mạc thăm thẳm với một đoàn người rồng rắn phía sau, nhạc nền là bài hát Against the wind của Bob Seger.

Đó là bài hát đã luôn bật trong những ngày khi lái xe lang thang khắp nước Mỹ một mình với chiếc ô tô cũ mèm, tiếng bánh xe chạy còn to hơn cả tiếng còi và trên xe là cả một căn phòng nhỏ với đàn, sách vở, chăn chiếu, đồ quay phim và cả con gấu bông. Đó cũng là những ngày khi chưa biết nơi đến tiếp theo sẽ chính xác là đâu và mình sẽ ở đó bao nhiêu lâu, những ngày cả gia đình và bạn bè cũng không biết mình đã đến nơi nào, đang làm gì. Những sự chờ đợi sau những cuộc phỏng vấn, những câu trả lời từ những dự án phim… Chỉ biết, đó là những ngày cần phải đi!

Chiếc xe đã quá cũ, chỉ có play được đĩa CD và thậm chí còn không bắt được cả radio. Thế nên hành trang trên xe luôn là cả chục cái đĩa CD đã burn ra những bài hát mình thích nghe. Thỉnh thoảng, khi tới những thị trấn nhỏ xa xôi, có một niềm vui nhỏ là đi vào những cửa hàng đồ cũ bán đồ như cho, sẽ có những chiếc CDs xịn một thời nổi tiếng có giá chỉ 50 cents một chiếc. Vào mua đĩa CD có khi vớ được một món đồ cổ nào đó rất quý, chẳng hạn như là một bộ quần áo đã có từ những năm 50’s, của một cụ già nào đó đã dọn garage nhà trước khi ra đi. À, mình không ngại đồ cũ hay đồ của người đã mất, mình trân trọng giá trị lịch sử của chúng!

Có thể nhiều bạn không biết đến bài hát này vì nó đã là một bài hát rất cũ và không phải dạng giai điệu catchy dễ dàng cũng như lời bài hát dễ hiểu như những bài hát kinh điển bạn đã từng nghe. Đây không phải là một bài nhạc chỉ để bắt tai nghe cho vui với bạn bè. Đây là một bài hát mà người ta yêu nó và thấm nó chỉ khi nghe một mình: không chỉ là với giai điệu, câu từ, mà với những hoài niệm cuộc sống và những day dứt cuộc đời đã và đang trải qua, mà chỉ khi tới một độ tuổi nào đó bạn mới thấu hiểu. Càng có tuổi, càng trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời người ta sẽ càng thấy mê say Against the wind của Bob Seger. Đó là điều làm nên sự timeless của bài hát. Timless là một thứ mà người ta sẽ càng ngày sẽ chỉ càng thấy nó hay theo thời gian vì sự dạn dày của cuộc sống mới khiến họ hiểu hết và đồng cảm được với tác phẩm, như bộ phim Forrest Gump vậy!

Mỗi lần lái xe băng qua những con đường xa dài hun hút, hai bên có khi là những khu công nghiệp, có khi là núi đồi, có khi là đồng cỏ, có khi là sa mạc bao la. Đường dài rộng và xa, những chiếc xe tải khổng lồ hút gió nếu liều vượt qua có thể bị quấn vào bất cứ lúc nào. Chiếc xe của tớ thì cọc cạch, đông cơ yếu mà phải nặng oằn mình để vươn nhanh. Những lúc ấy không có tiếng nhạc nào hợp hơn được cất lên hơn Against the wind:

“Against the wind
We were runnin’ against the wind
We were young and strong, we were runnin’ against the wind”

Những cơn gió sa mạc có khi đến cả trăm dặm một giờ, mỗi lần vượt qua xe tải là một lần thấy mình vĩ đại. Nhưng đúng là sau nghĩ lại với cái xe ấy mà xuyên bang từ đồng bằng lên núi đồi băng qua mưa giông và bão tuyết đi ngược gió như vậy thì đúng là mình cũng… vĩ đại thật. Đôi lúc liều mà thành vĩ đại, Bob cũng nói vậy đó :D.

Bài hát được play rất nhiều lần trên xe vì tớ dành riêng Bog Seger cho một đĩa CD. “Against the wind”, “Turn the page”, “Like a rock”… chắc là những bài hát được nghe nhiều nhất dọc đường đi và trong tất cả các chuyến roadtrips. Những cung đường xa thẳm mà nghe tiếng hát của Bob Seger, hay của Tracy Chapman, thì nó không chỉ là một bản nhạc để xoa dịu tinh thần và cho mình bớt buồn tẻ, mà những lời hát còn như một người bạn, đang kể chuyện và đồng hành với mình. Chỉ khi bạn đi một mình và cô đơn trên những con đường như Forrest Gump vẫn chạy, bạn mới thấm hết được những bài hát có nhiều giá trị hoài niệm cuộc sống như “Against the wind”.

“Against the wind” – Nghĩa rất chân thành là “ngược gió”. Khi tình yêu đầu đời với tên một cô gái được bắt đầu kể chuyện với một giai điệu day dứt, là người ta sẽ hiểu đây sẽ là một cuộc đời với nhiều hối tiếc. Những ai đã đi qua hoang dại của tuổi trẻ, chạy đua với thời gian, sống nhanh vội vàng với những chuyến đi, những deadlines, những mối quan hệ phù phiếm, bỏ lỡ tình yêu, nổi loạn phá vỡ những lẽ thường của cuộc sống cùng những ngày tháng vô định nhưng lại muốn tìm một nơi là nhà để trở về… thì sẽ càng thấm Against the wind mỗi khi họ già đi và nhìn lại cuộc đời mình. Gió càng thổi mạnh thì càng chạy ngược gió để được nổi loạn và muốn khẳng định bản thân. Những vấp ngã đuối sức sau những cơn gió mạnh mang lại cho họ những năm tháng để trưởng thành, nhưng càng trưởng thành và thông tuệ, người ta lại càng hối tiếc những điều đã đi qua. “Wish I didn’t know now what I didn’t know then”. Câu hát thấm vào tim và nổi tiếng nhất bài hát. “Ước gì giờ tôi đã không biết những điều tôi đã từng không biết”.  Đôi lúc bạn ước bạn vẫn ngây ngô và ngông cuồng như ngày xưa, để vẫn liều mình chạy một chiếc xe cọc cạch ngược những cơn gió băng qua xe tải… Nhưng thời gian là vô tình, cho dù không muốn nhưng bạn vẫn phải lớn lên và già đi, bạn vẫn nhận ra những điều mà bạn buộc phải biết, đề rồi bạn chợt nhận ra chúng làm bạn hối tiếc. Rồi điều trớ trêu là, khi càng hối tiếc, bạn lại càng vẫn tiếp tục chạy ngược gió và không biết khi nào mới ngưng được. Có lẽ đến một lúc sẽ chấp nhận rằng, cuộc đời bạn sẽ vốn luôn là vậy!

Nếu giờ có hỏi tớ hiểu hết được bài hát không, chắc là chưa. Điều cảm nhận được rõ nhất bây giờ là “appreciation” với một tác phẩm sâu sắc như vậy. Chỉ biết là qua mỗi chuyến đi, mỗi khi già hơn thêm một chút, lại thấy bài hát hay hơn nữa, thấm hơn nữa, vì mỗi lúc như vậy mới trải nghiệm thêm được một chút ít của cuộc sống để có thể hiểu được những triết lý và tâm sự ở trong đấy!

Tớ mê những giọng hát mộc như của Bob Seger. Nếu bạn nghe “Against the wind”, bạn sẽ thấy từ giai điệu, giọng hát, ca từ… nó đều đến từ bản năng, là chảy ra từ máu và hơi thở. Bạn sẽ hiểu rằng nếu không phải là một người sinh ra với âm nhạc chảy trong huyết quản và trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống với những cảm xúc chân thành, thì sẽ không bao giờ có được những tuyệt phẩm như thế. Nghe Bob hát với những day dứt khôn nguôi trong từng tiếng khàn nhả chữ thô mộc, ta như không phải chỉ là nghe một bài hát, ta đang nghe lời tâm sự của bố vào một buổi chiều tà. Khi viên mặt trời tròn vo đang tan dần đi trong ly Chardonnay bố uống, bố bắt đầu kể cho bạn nghe câu chuyện về cuộc đời mình và câu chuyện ấy mang đầy những hoài niệm và nuối tiếc bằng những tiếng thở dài. Và rồi hối tiếc nào cũng sẽ đi bay theo ánh hoàng hôn đang khuất dần sau những rặng núi đá…

Chắc ai cũng có những “against the wind” riêng trong playlist của mình, những bài hát mà mỗi năm tháng qua đi lại hiểu chúng nhiều hơn và lại thấy yêu chúng hơn biết bao nhiêu!

Thỉnh thoảng, tới một tuổi nào đó, nghe một bài hát từ rất xưa bỗng nhiên rơi nước mắt và bắt đầu nghĩ về những tháng ngày đã qua của cuộc đời mình. “Sometimes, you just listen to a song, and you cry, for no particular reasons, do you know?”. Lời ông cụ lom khom đứng bán Wendy’s khi tớ ghé qua mua đồ và lẩm bẩm vài câu hát của Bob.

Nếu hỏi list bài hát đi roadtrip của tớ là gì thì sẽ là ngập “Against the wind”, “Turn the page” của Bob Seger; “Fast car”, “Give me one reasons”… của Tracy Chapman; “Father and son”, “Cats in the cradle” của Cat Stevens… rồi “Ironic” của Alanis Morrisette, và gần đây nữa là “Riding to New York” của Passenger… Chúng đều là những bài hát kể về những hành trình, những tình yêu với những hối tiếc, nhưng đều là những hối tiếc khiến bạn phải bật khóc vì chúng quá đẹp, và ai cũng sẽ thấy một phần của đời mình trong đó… chúng luôn hợp cho những chuyến đi xa và cô đơn.

“I stood proud, I stood tall
High above it all
I still believed in my dreams”

Hậu quả của bài viết này là tại Forrest Gump đấy!

#justformyself

#tâmsựđêmphia

 

#409: Những màu của gió…

Mọi người cứ nghĩ tớ được đi nhiều lắm, chứ cũng là…nhiều thật. Chỉ là, so với rất nhiều người thì tớ cũng chưa phải là hoành tráng lắm đâu, chỉ là họ không chịu khoe hoặc họ khoe mà không…chém giỏi bằng tớ thôi J) Cứ khi nào tớ post ảnh du lịch lên, thể nào cũng có comment không vừa ý: “Tại sao cứ phải khoe là mình được đi nhiều thế?” Câu trả lời là: “Khoe…thì sao?”. Có thể bạn sẽ ghen tị vì tớ được đi… Read More

Read More

#376: Tác phẩm video mới: Phần 2. Music clip “The Great Nowhere”

  Chúng ta lại tiếp tục câu chuyện chứ nhỉ? Tớ đang kể cho các bạn nghe về cô ca sĩ tài năng Alyson Faith của đất New York đúng không? Và tất nhiên hôm nay mọi người cũng sẽ xem tác phẩm video mới của tớ nữa chứ! Tớ lần đầu nghe Alyson vào một buổi cafe ca nhạc nho nhỏ, của những người bạn nghệ sĩ nghèo ở New York, cùng nhau đàn hát trong một quán bar với đủ các ca khúc mừng Giáng Sinh và để… Read More

Read More

#375: Tác phẩm video mới – Phần 1: Kỉ niệm về music video

Có một điều rất chi là…hay và trùng hợp là mỗi lần tớ làm xong một tác phẩm video nào đó là y như rằng tớ sẽ chuẩn bị lên đường cho một chuyến đi xa. Sở dĩ rất nhớ điều này là cứ gần đến ngày đi là tớ để máy chạy ngày đêm để render và sửa chữa videos. Có những lúc tớ không hề dự định làm phải xong đâu nhé, vì có khi ngày đi cận kề rồi. Nhưng mà sẽ phải có sự kiện gì… Read More

Read More

#373: Trẻ mãi…

Tớ vừa làm xong một tác phẩm tốn bao nơ ron thần kinh và công sức. Giờ mới sung sướng và thoải mái để viết blog tiếp. Một vài ngày nữa các bạn sẽ được thưởng thức tác phẩm mới của tớ!!!! Đáng nhẽ hôm nay tớ sẽ viết blog tiếp và show ảnh, cũng như thông báo tình hình tiến triển xử lý ảnh của buổi từ thiện. Nhưng mà….như các bạn thấy đấy, hôm nay chúng ta có một bộ mặt mới cho Hà Kin blog, nên viết… Read More

Read More

#362: Lãng mạn như phim Tây Du Ký

Nếu cứ nhắc tới cái tên phim “Tây Du Ký” chẳng hiểu sao ai cũng sẽ thấy phì cười. Chắc vì nó gắn với hình ảnh Tôn Ngộ Không lí lắc và Trư Bát Giới béo núc tham ăn hám gái. Thế nên khi mấy người bạn tớ hỏi tớ đang nghe nhạc gì, tớ bảo nghe nhạc Tây Du Ký, y như rằng là thấy cái mặt cười thế này =)). Nhưng chắc chắn nhiều người đều biết tới một bản nhạc trữ tình tuyệt hay của bộ phim…. Read More

Read More

335: Thơ hay và những bài hát phổ thơ…

Chắc hẳn sẽ là một topic nhẹ nhàng và xả stress cho nhiều người. Ít là với tớ, tớ thích làm những topic thế này, chỉ để thỉnh thoảng tự mình ngồi đọc và nghe lại…. Chiếc lá đầu tiên Hoàng Nhuận Cầm Em thấy không, tất cả đã xa rồi Trong hơi thở của thời gian rất khẽ Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say. Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay Tiếng ve trong veo xé đôi… Read More

Read More

#306: Những bài hát trẻ con và Bài học đầu tiên – Hà Kin

(Với ông ngoại yêu quý, ông cười tít hết mắt kìa, yêu quá đi mất) Tớ là một “cô bé” cực kỳ mê nhạc thiếu nhi. Mà bài nào có biết cũng thuộc mỗi bài một vài ít. Chỉ nhớ là cứ khoảng một thời gian tớ hát đi hát lại một bài. Hát đến phát chán phát điên, chán cả tớ lẫn bố mẹ hàng xóm anh chị em lẫn họ hàng. Đến khi tóc mọi người xù hết thì tớ chuyển qua bài khác. Và lại hát cho….phát… Read More

Read More