Date Archives July 2021

#473: THE GOOD DOCTOR – Người tự kỷ, cũng biết yêu và được yêu!

THE GOOD DOCTOR – Người tự kỷ, cũng biết yêu và được yêu!

Choáng với thành tích của nam diễn viên luôn thủ vai thiên tài

Từ bữa Queen’s Gambit đến giờ thì mới có bộ thứ hai ngồi cày cuốc tới sáng để xem như vậy. Thực ra phim hay thì nhiều nhưng mà đang muốn dành bớt thời gian để dựng xong một đống dự án nên rất giả vờ hạn chế coi như không biết mấy cái phim nó cứ khêu gợi trước mắt (vì “giả vờ” nên là đầu nói không xem đâu nhưng tay vẫn mở Netflix ra đó =))).

Thấy Netflix nó cứ dí cái tên phim “The Good Doctor” vào mặt mình nhưng thấy phim Hàn nên không xem, hông phải kỳ thị chi cả mà nếu phim Hàn mà nói tiếng Hàn thì không vừa xem vừa… làm việc khác được =)). Còn phim có lồng tiếng Anh hay nói tiếng Anh thì còn vừa làm vừa nghe được (tại có mấy cái màn hình lận ????). Xong bữa lại thấy xuất hiện thêm “The Good Doctor” bản nữa mà không phải Hàn, lần này nó cho nặng đô hơn để dụ mình bằng được bằng cách trích đoạn mở đầu phim mà chỉ vì trót ngưng giữa hiệp dựng ngẩng mặt lên uống nước thôi mà xem thấy… thế là trời hỡi rụng bông hoa gạo dính luôn ngải xem, rồi ngồi dí với cái màn hình từ đó đến giờ không kịp làm tiếp dự án đang dựng dang dở (mà phải mãi tự mình tét mông mình mới khởi động được). Tức ghê là tức, tức vô cùng cực kỳ rất!

Nói chung là phim với mỗi người hay hay dở đểu rất là subjective. Ngoài phụ thuộc vào gu, thời điểm xem, nó còn liên quan rất nhiều đến trải nghiệm cá nhân, có những phim mà khán giả xem xong thấy được một phần ký ức trong đó hay câu chuyện của mình trong đó, thế nên họ sẽ say mê bộ phim đó hơn những người khác.

Tuy nhiên, trước tiên phải nói về cái gọi là… vì sao một diễn viên hay có thể khiến cho bộ phim hấp dẫn và làm cho người ta xúc động đến thế. Diễn viên hay hay dở đôi lúc cũng khó mà định nghĩa bằng miêu tả rõ ràng vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng diễn viên mà có duyên, “charming”, thì thực sự chỉ cần một cái ánh mắt của họ thôi cũng làm cho khán giả thấy rung động mãnh liệt thì chẳng cần phải nói gì nhiều. Đó chắc chắn là một diễn viên quá giỏi! Thế nên mới bảo, cái phim này mình bị dụ chỉ vì cái intro có ánh mắt làm người ta vừa xem đã bị chết chìm trong đấy.

Thực ra thì khi bắt đầu xem, vì cái ánh mắt nam chính đấy mà tò mò phải xem ngay (và tớ thì đặc biệt thích những phim về thiên tài, trí thông minh, superpower), lúc xem một lúc thì hơi bị khó chịu vì có một cảm giác thì đó nó cứ… sai sai. Ngoài sự duyên dáng của nam chính ra thì khi bắt đầu xuất hiện các vai phụ có một cảm giác đang rớt vào một phim phong cách soap drama kiểu Mexico lai Mỹ và câu chuyện mở đầu khá cliché, tức là một người tài giỏi mà kỳ lạ thì sẽ phài trải qua rất nhiều chướng ngại vật thì mới được chứng minh năng lực. Mấy anh bác sĩ đủ da màu, Mexico, vai u thịt bắp cao ráo dáng mẫu thì y chang mấy phim dài kỳ chỉ đặc biệt dành riêng cho các bà nội trợ. Tình tiết có nhiều sự ngẫu nhiên vô lý rất pha phong cách Hàn Xẻng và thỉnh thoảng chèn một quả slow motion với nhạc sến đệm vào xem thấy… bực mình. Nhưng kỳ lạ là không ngưng xem được vì cảm giác đúng kiểu tất cả chỉ làm nền để cho khán giả chờ đợi được sự xuất hiện của nam chính. Mà mỗi lần anh í xuất hiện thì là lại chống cằm.. để ngắm. Thật mấy khi enjoy được những màn diễn xuất đỉnh cao như thế này, sự duyên dáng ấy không biết miêu tả bằng gì cho hết ahihi!

Khi xem đến intro của tập 2 và hiện ra dòng giới thiệu: “Dựa trên bản gốc của Hàn” thì cuối cùng mình đã hiểu ra cái sai sai thấy bữa giờ nó là gì. Hóa ra bản này là bản remake từ bản The Good Doctor của Hàn nó dụ mình nãy giờ. Tò mò coi thử một chút bản Hàn thì xong thấy… chán hẳn. Trước giờ chưa bao giờ phủ nhận là Hàn có nhiều kịch bản rất hay nhưng phong cách diễn xuất truyền hình kiểu Hàn thì rất mệt mỏi và không hợp gu của tớ, nhất là lúc mấy em gái mà ngồi nói cứ gào thết lên nhâu nhẩu còn mấy anh trai thì cứ cắm cảu xong tay chân đập đầu người khác mắt trợn ngược lên là ôi thôi sợ lắm!

Được biết Producer của phim là anh Daniel Kim đã từng produced bộ Lost và Hawii Five O đều là những bộ thành công đình đám của Mỹ, anh là người Mỹ gốc Hàn. Nên cũng không có gì ngạc nhiên khi nó là một remake của Hàn. Nhưng may mắn là càng về sau thì phim càng ngày càng đỡ hơn và có vẻ như thoát hẳn gần hết không còn gì là Hàn. Từ lúc đó xem dễ chịu hẳn hơn. Mà có Hàn hay không thì chỉ cần một anh diễn viên như nam chính thế này thì cũng ngồi xem cho hết. Diễn viên hay đôi khi chấp hết tất cả là đây!

Cũng đang thời dịch chắc phần lớn bác sĩ còn đang đi chống dịch nên không có dịp xem phim này chứ mà xem chắc trèo lên cái đầu TV đòi bẻ TV vì tức quá. Các bác sĩ trong phim ai cũng tài giỏi xuất chúng toàn diện, bệnh gì cũng mổ, từ não cho đến lục phủ ngũ tạng cho đến tận chân, từ cắt dây thần kinh cho đến cắt tinh hoàn hay 2 giây nắn xong khớp hàm, chỉ cần bác sĩ đẹp trai là mổ được hết. Mỗi lần nam chính mà tư duy chẩn đoán về bệnh của bệnh nhân là bắt đầu các hằng đẳng thức chạy 3D vèo vèo, hình ảnh các dây thần kinh loằng ngoằng như mê trận, các từ vựng bay ngang bay dọc… nhưng mà khán giả chẳng mấy ai bận tâm để ý những thứ đó vì có hiểu cái đếch gì đâu mà hiểu, biên kịch và đội 3D cũng chắc gì hiểu, nhưng cái đó không quan trọng, vì mỗi lần sự tư duy trí tuệ ấy hiện ra là khán giả lại ngất ngây với khuôn mặt ngây ngô và đôi mắt xanh biếc đang tập trung suy nghĩ của bác sĩ Shaun. Chỉ nhìn anh ấy ngước mắt lên trời suy nghĩ thôi mà tym cũng rớt ra ngoài!

Tuy rằng cậu bác sĩ Shaun trong phim là một thiên tài và nhìn bệnh với một trí tuệ siêu việt để đoán bệnh nhanh chóng nhưng mà với một người Việt Nam như mình thì chỉ phục vì bác sĩ… diễn hay quá thôi. Trong phim thì chuyên môn đỉnh cao và hấp dẫn vậy chứ mình thì thấy là cái này phải gọi bác sĩ Việt Nam bằng cụ. Bác sĩ Việt Nam thì chẳng cần mắt xanh biếc với hằng hà bất đẳng thức công thức tính toán làm gì cho mệt. Bệnh nhân tới trước cửa gãi mông sờ má hắt xì là bác biết được bệnh luôn và chẳng mấy khi đoán sai. Đơn giản ở bển mỗi lần đi chữa bệnh thì phải hẹn trước 2 thập kỷ, chạy 1000 cái tests lúc lòi được kết quả thì cũng hết bệnh hoặc chết bố nó rồi. Còn ở Việt Nam, bệnh nhân thích là nhích, hắt xì là đã phải gặp bác sĩ, bác sĩ khám nhiều tới mức nhìn mặt bệnh nhân đôi khi cũng biết luôn tên bệnh rồi :)).

Xem phim thì mình thắc mắc là không biết dàn cast phụ diễn không đến nỗi hay vì Freddie Highmore diễn quá hay và quá xuất chúng nên ai diễn cạnh Freddie cũng thành mờ nhạt. Nếu bạn muốn hiểu một diễn viên mà chỉ ánh mắt cũng làm người ta tan chảy là như thế nào thì cứ bật phim lên mà xem sẽ hiểu luôn. Khi xem thì tớ thấy có hai diễn viên diễn trội hẳn ngoài vài bác sĩ Shaun thì còn có cô bác sĩ Claire diễn cũng rất hay và chân thật. Tớ cứ có cảm giác trình độ của họ vượt quá những người còn lại. Sau google thì phát hiện ra đó là hai diễn viên… người Anh. Người Anh giả giọng Mỹ. Thế là mình lại phải gật gù: “No wonder why…”. Diễn viên Mỹ thì có this có that nhưng quả thật mấy diễn viên Anh ở mức độ chung thì tớ đều phải công nhận họ diễn thực sự đỉnh và rất đồng đều. Trong một phim Mỹ thường hay có diễn viên tốt diễn viên dở nhưng xem mấy phim Anh thì kể cả diễn viên phụ nhất họ diễn cũng rất hay. Hmm, quả thật cái gì cũng có lý do của nó… Tớ vẫn nghĩ Producer cast vai bác sĩ Shaun này có dựa trên hình mẫu của Sheldon trong Big Bang Theory (tức là cả về phần ngoại hình chắc có chun chút liên quan).

Freddie Highmore rõ ràng không phải là một anh mặt mũi góc cạnh cao ráo cơ bắp 6 múi nhưng mà ánh mắt sâu biếc ấy, cái khuôn mặt ngây thơ ấy, sự tức giận và hờn dỗi ấy thì vô cùng sexy và quyến rũ. Sự xuất sắc của Freddie khi đóng vai người bác sĩ tự kỷ ấy nó khiến mọi người không chỉ khâm phục vì tài năng tinh tế, mà vì nó chân thật khi nó chạm đến những khán giả có những trải nghiệm cá nhân với người tự kỷ hoặc… gần như vậy.

Đúng vậy, bộ phim đã chạm đến cảm xúc rất quyết liệt của tớ. Vì nó gợi nhớ lại cho tớ cả một trời ký ức và những kỉ niệm đẹp với bạn trai cũ của mình. Tớ từng có một anh bạn trai người Mỹ gốc Nhật, một nhà khoa học kiêm một nghệ sĩ chơi đàn và lĩnh vực nào anh ấy cũng xuất sắc. Thời gian đầu quen nhau cũng khá khó khăn vì chẳng bao giờ thấy anh ấy chủ động nói chuyện, mặc dù ai cũng biết anh ấy rất thông minh và tài năng và rất… đẹp trai. Đó là một người mà bạn nghĩ rằng họ sẽ chẳng để ý đến mình, rất hay xấu hổ, rất khó nói chuyện và có thì chỉ là mình ngồi nói nhưng họ sẽ chẳng mấy khi nói lại nhưng lại có một sự gì đó rất… quyến rũ khó cưỡng lại. Điều kỳ lạ là cho dù họ rất “nhạt”, rất khó nói chuyện, rất khó hiểu, nhưng mà có rất nhiều người muốn làm bạn với họ, và với một số chị em phụ nữ, nhất là tính cách hơi mạnh mẽ một chút, thì lại thấy những người như vậy có điều gì đó rất duyên, rất bí ẩn, vừa muốn gần, vừa muốn được quan tâm mà lại vừa… ghét vì không được quan tâm lại. Cái cảm giác này Freddie làm tốt nhân vật của mình đến nỗi khán giả xem phim cho dù có chưa gặp những người như vậy cũng sẽ vẫn hiểu được luôn những điều tớ vừa nói!

Lúc đó, mình cũng là một trong những cô như thế, từng nghĩ mình phải làm bạn bằng được, mình… thích mấy người như vậy, nó ít nhiều vừa giống vừa khác với cá tính của mình. Tớ là một người khá thích đi đây đó, tò mò về mọi thứ, thỉnh thoảng thích gặp người này người kia nhưng lại sợ ồn ào, sợ đông mối quan hệ và chỉ thích một anh người yêu là của riêng mình mà thôi ????.

Khi xem the Good Doctor, những đoạn miêu tả mối quan hệ của bác sĩ Shaun và cô hàng xóm Lea đã nhiều lần làm tớ suýt khóc và động lòng vì những kỉ niệm cũ. Chuyến đi của cô Lea dẫn Shaun đi “hận đời” để trải nghiệm những điều thật khác hay cái dáng cực kỳ awkward anh Shaun cho cô Lea ôm lần đầu tiên giống y chang như câu chuyện của tớ vậy, Sao cái sự ngại ngùng cũng giống, cách nói chuyện cũng giống, cái sự lúng túng cũng giống, cái sự tức giận cũng giống… nó giống đến nghẹt thở luôn đó, cảm giác như họ đang làm về câu chuyện của mình.

Chỉ sau 1 năm quen nhau tớ mới hiểu dần được rằng anh ấy có chứng Asperger, một dạng tự kỷ nhưng ở cấp độ nhẹ và ở dạng thông minh bất thường (nhiều thiên tài như Einstein, Van Gogh cũng Asperger đấy). Bác sĩ Shaun ở trong phim này theo như tớ cảm nhận là dựa trên tính cách của một người Asperger dạng thiên tài. Hồi đó còn suốt ngày đi tìm hiểu văn hóa Nhật và thấy bọn trai Nhật cũng… kỳ thật, vẫn nghĩ kiểu đàn ông Nhật (tuy rằng đã rất Mỹ hóa rồi) nó là một loại quốc tính như vậy. Nhưng về sau khi tìm hiểu nhiều hơn về Asperger và khi gia đình tiết lộ thì mình đã hiểu hơn về bạn trai của mình, và mối quan hệ cũng có rất nhiều thay đổi. Thay đổi ở đây không chỉ là mối quan hệ giữa hai người, mà còn là thay đổi rất nhiều điều trong tư duy cuộc sống.

Những người bị Asperger họ rất thông minh, có sự tập trung cực khủng khiếp (nhờ thế nên chắc thiên tài á), họ cũng có rất nhiều tình cảm nhưng họ có logic định nghĩa về tình cảm theo kiểu của riêng họ, đôi lúc họ không hiểu được vì sao người khác lại giận, lại vui, vì sao thiên hạ không hài lòng, và họ cũng không biết cách thể hiện cảm xúc bên trong của họ ra ngoài như thế nào, hoặc có người thì không kiểm soát được cảm xúc của mình! Nhưng không có nghĩa là bên trong họ không có nhiều tình cảm!

Trong phim, bác sĩ Glassman, người cưu mang Shaun từ nhỏ và dẫn dắt anh trở thành một bác sĩ thiên tài. Ông là một bác sĩ về thần kinh học và ít nhiều rất hiểu về tính cách tự kỷ của Shaun vì đã theo cậu từ bé đến lớn, nhưng ông lại mắc một sai lầm nghiêm trọng khi quá lo lắng và bao bọc cho Shaun và nghĩ rằng điều đó là tốt cho cậu ấy. Sự quan tâm thái quá đã khiến cho Shaun phải bỏ chạy: Đó là điển hình của :“too much love will kill you”. Hồi đó tớ cũng thấy bạn trai mình kỳ ghê, sao chẳng bao giờ nhắn nói nhớ mình, hỏi thăm mình. Cả tháng mà ở xa chắc chắn được 1 cái tin hỏi thăm và trả lời nhát gừng, mà toàn phải là mình hỏi thăm suốt. Mình cứ chủ động đòi hỏi điều này điều nọ giống như một người bạn trai bình thường khác và rất quan tâm nếu anh không vui, anh có gì buồn, mà không nhận ra có lúc sự quan tâm của mình làm anh ấy bị áp lực. Nhưng từ khi hiểu một chút về Asperger, mối quan hệ thay đổi. Mình không còn buồn nếu anh ấy không nhắn tin, không giận khi hỏi thăm không thấy anh ấy trả lời, không ngại khi bạn bè mình gặp anh chỉ cười và ít khi bắt chuyện lại. Nhớ hồi đó mình đem anh về Việt Nam bạn xúm vào khen đẹp trai mà ít nói thế, còn bố mẹ thì hụt hẫng vì sao thấy “thằng rể tương lai” này chẳng thân thiện gì cả. Mình chỉ bảo, tại anh hiền thôi mà!

Có thể bạn nghĩ rằng mối quan hệ như thế thì buồn chán lắm. Nhưng hóa ra không hề, nếu nói chân thành thì có lẽ đó là một trong những mối quan hệ bình yên, dễ chịu, ngọt ngào và cả bền lâu nhất mà tớ từng có. Tớ học được cách tôn trọng cảm xúc của người khác và cách thể hiện tình cảm của mỗi người sẽ không giống nhau hay như mình mong muốn và sẽ biết chấp nhận điều đó. Anh ấy chẳng bao giờ sẽ nói: “Ủa kem hết rồi em muốn anh đi mua không?” Mà sẽ lẳng lặng đi mua về dù là 12h đêm kem vừa hết và biết chắc tớ sẽ rất hay ăn vào giờ đó, và anh sẽ mua chính xác loại kem tớ thích nhất. Nếu tớ ngủ lăn lóc không dậy nổi mà chiều đó có một công việc quan trọng, chắc chắn anh ấy đã tự tìm điện thoại để sạc cho tớ đầy đủ, kể cả cục sạc dự phòng. Biết tớ hay quên anh ấy sẽ luôn đặt những thứ quan trọng đấy ở chỗ dễ nhìn nhất để tớ ra khỏi nhà có nhớ mà cầm đi. Mặc dù chẳng bao giờ nói lời yêu thương sến súa nhưng mà nếu bỗng dưng nhận được cái tin nhắn: “I miss you”, là tớ hiểu rằng lúc đó anh ấy đang thực sự rất nhớ mình và tình cảm ấy chẳng kém mãnh liệt hơn bất cứ một anh người yêu nào của ai khác trên thế gian này. Thế giới của tớ làm nhiều việc khá ồn ào và tớ thích đi lang thang. Thế giới của anh ấy tĩnh lặng hơn rất nhiều, chỉ có khoa học và âm nhạc. Nhưng khi bọn tớ nhập vào với nhau nó lại thành một mối quan hệ thú vị. Tớ hay dụ anh làm một số điều “why not” và vượt ra khỏi bản thân và suy nghĩ của mình (giống cô Lea với Shaun vậy) và đôi lúc khiến anh ấy rất thích thú vì được vượt ra khỏi cái comfort zone của mình. Còn anh cho tớ một thế giới rất tĩnh lặng, đầy yên tâm và bình yên. Tớ chẳng bao giờ phải phiền lòng vì giờ này người yêu mình đang ở xa đang đi với ai, có cặp kè với ai không, đang làm gì sau lưng mình không… ! Tớ nhận ra tớ rất cần một anh người yêu như vậy. Thế giới ngoài kia kia ồn ào quá rồi, về với một anh người yêu lặng yên, dịu dàng, chân thành và.. ít nói. Đó là một điều thật tuyệt vời!

Nhưng cũng giống như bác sĩ Glassman và những người xung quanh của Shaun. Cho dù đều rất yêu thương Shaun và luôn lo sợ Shaun sẽ cô đơn, nếu cứ cố tìm cách để được ở bên cạnh họ và để được họ quan tâm hay để được quan tâm đến họ, đó sẽ là sai lầm. Tới một lúc nào đó, người ta sẽ hiểu những người như Shaun, như anh người yêu tớ, hay cả như Einstein hay Van Gogh (ủa 0 cố tình toàn khoe thiên tài tôi tại toàn biết mấy người ấy à ????). Cách tốt nhất để họ hạnh phúc và thể hiện tình yêu chân thành với họ đó là để cho họ sống một mình và là họ. Gồng mình lên để hiểu người khác và phải làm hài lòng người khác đã là một gánh nặng tâm lý rất mệt mỏi đối với họ. Hãy cứ lặng yên và để họ sống trong chính thế giới của mình. “If you love him, just let him go”. Tới một lúc nào đó, không phải vì bạn không còn yêu người ta nữa, hay là người ta không có yêu bạn nữa, nhưng để cho họ ra đi lại là cách tốt nhất. Bạn cũng đừng nghĩ rằng ồ sao buồn thế? Không, không buồn đâu, mỗi người sinh ra họ có những tính cách của riêng họ rồi, được sống là chính mình sẽ là điều hạnh phúc nhất!

Mối quan hệ kéo dài, rất dễ chịu (với tớ), gia đình anh ấy thì vô cùng tuyệt vời. Nhưng mà tới lúc phải buông tay thì vẫn phải buông tay, có những điều mà người ngoài sẽ không thể nào hiểu được hết. Thế nên khi xem Freddie diễn vai bác sĩ Shaun và trừ hết những tình tiết thậm xưng cool ngầu ra, thì có rất nhiều điều rất chân thành, gợi nhớ rất nhiều cảm xúc có thật đã trải qua. Có lẽ một vai diễn thành công và để đời thì chỉ cần chạm được đến đúng cảm xúc của khán giả một cách thân thực như thế là đã là sự nghiệp đã đủ để thỏa mãn. Chưa kể, tớ không chỉ là một khán giả, tớ còn là một người làm phim, sự cảm nhận còn khó tính gấp nhiều lần!

Một trong những thứ mà tớ khá thích ở The Good Doctor, đó là ngoại trừ những tình tiết khá bốc phét trong phim (which is fine – it’s a movie), thì cách xây dựng về thiên tài cũng rất “human”, không lúc nào cũng cứu được cả thế giới như Superman hay luôn bách chiến bách thắng như Queen’s gambit. Đó là thiên tài cũng mắc sai lầm, cũng biết chấp nhận lỗi sai của mình, cho dù có khác người đến mấy cũng vẫn là… con người. Tớ cũng thích cách nhân vật trong phim được xây dựng không mưu mô xảo quyệt hay đấu đá nhau mệt mỏi. Sự hấp dẫn của câu chuyện đến từ những bài học cuộc sống giữa con người với con người, học hỏi từ những lỗi lầm và cùng nhận ra những cách đúng để yêu thương nhau. Người tự kỷ, cũng biết yêu và được yêu!

Lâu rồi mới xem một phim mà đêm về nằm mơ tới anh nam chính như thế chứ. Hihi. Phim này có thể nhiều người thích nhiều người không, có những câu chuyện về y khoa có thể bạn đã từng trải qua khi tới bệnh viện sẽ khiến bạn phải xúc động. Còn riêng với tớ thì với tư cách là một người làm phim, tớ ngưỡng mộ diễn xuất của nam diễn viên chính, sự dẫn dắt câu chuyện hấp dẫn khiến khán giả không thể ngừng xem. Còn với tư cách là một khán giả, thì nó gợi cho tớ rất nhiều cảm xúc chân thành về những kỉ niệm mà mình đã trải qua và đương nhiên là do… mê trai rồi ahihi.

Tớ không chắc tớ sẽ cày hết cả bộ, có khi xem 1,2 seasons là thôi vì còn phải… làm việc khác. Nhưng đôi khi xem thấy nó hay và ngưng ở đó là đủ. Với tính cách nhân vật này mà khai thác lâu mà không nhiều thay đổi cũng dễ dẫn tới mệt mỏi và căng thẳng. Cũng chỉ cần xem một bộ phim nào đó cho dù ngắn, mà mang đến thật nhiều cung bậc cảm xúc và say mê nhân vật chính thế là… đủ vui rồi!

Cơ mà, bác sĩ trong phim hay vậy, bệnh gì cũng chữa. Nên đang chờ season nào có Covid bác sĩ mổ bay được cả Covid là chắc chắn tớ sẽ xem =)).

Xem một số video phỏng vấn Freddie Highmore ngoài đời. Thấy vẫn duyên dáng và thông minh ghê gớm, lại rất khiêm tốn cho dù nói được cả 5 thứ tiếng. Có lẽ chắc người ta cũng phải tố chất bên trong thế nào thì họ mới ra được vai diễn của họ như thế. Thế là lại càng yêu hơn, khổ ghê!

Thôi, coi như cho mấy ngày để nhớ về người yêu cũ. Nhưng không buồn, chỉ xúc động thôi!

Vì nhiều tình tiết kỹ thuật trong phim đều tỏ ra nguy hiểm, từ chuyên môn cứ xoắn xuýt vào nhau nghe bập bùng như lửa trại cháy đêm khuya. Nên lần đầu tiên một phim nói tiếng Anh mà mình phải chuyển qua sub Việt, mà ngồi xem sub Việt được 10 phút vẫn… chẳng hiểu cái mẹ gì thế nên lại chuyển lại tiếng Anh mới thấy yên tâm. Người mà bilingual song ngữ như tớ bị một chứng OCD đó là rất sợ bị nghe thấy… dịch sai nghĩa. Hai ngôn ngữ của tớ là song song, khi nghe tiếng Anh thì hiểu theo đúng chính chất ngôn ngữ và văn hóa của tiếng Anh còn khi sang Việt là chỉ Việt chứ không tư duy Việt qua Anh và ngược lại. À thực ra tư duy từ Việt sang Anh thì tớ có thỉnh thoảng vì có một số từ qua tiếng Anh biểu đạt dễ dàng hơn. Tiếng Anh nói một đằng mà dịch ra tiếng Việt một nẻo là tớ hay bị ức chế =)). Đứng lo, nó chỉ là một dạng OCD thôi tớ không làm hại ai đâu :)).

Tớ thì review phim vì cảm xúc chứ không vì mục đích quảng cáo hay kêu ai cũng xem đi xem đi hay lắm, vì tớ thấy hay chắc gì các bạn thấy hay.

Nhưng dù sao thì tớ nghĩ rằng… sẽ nhiều bạn thích phim này đấy. Tranh thủ dịch mà cày đi các bạn hihi!

P/S: À còn 1 ý kiến nữa, không thích cái tên phim “The Good Doctor”, chắc vì lấy từ tên bản dịch gốc tiếng Hàn, nhưng nghe nó bị nhạt quá. Nếu 0 phải vì đoạn intro phim quá hay như thế thì cái tên này là không click xem rồi đó :)).

#472: Đền sầu riêng

May be an image of text that says 'NC NCGN Vừa nhận dc chị ơi Về đâu Về nhà em đi Trá quá rồi. Mai tính... tính...hixzz Xin lỗi em'

Chuyện là thế này!

 

Cách đây chắc 2 tuần gì đấy vì lên một cơn thèm sầu riêng bất thình lình mà lại muốn thử sầu riêng của chị Thùy Anh nên phải lên mạng đi tìm đồng minh ở HN  để có dịp ship cùng.

 

Bình thường chị ít khi bán nguyên trái, chỉ bán đã bóc quả vì trái rất chi là hên xui, chưa kể bổ được quả sầu riêng nhiều người sứt đầu mẻ trán nên chị cứ bổ ra thơm ngon thì mới ship cho nó lành. Nhưng mà ngoại trừ có cánh cửa Đô rê mon ra thôi chứ sầu mà bóc sẵn gửi ra bắc thì tới nơi làm rượu là vừa. Vì sợ hàng đi lâu nên chị làm một đợt liều ra bắc, vừa gửi chị vừa hổn hển bảo không biết trái mở ra nó vấn đề gì không và chị chỉ dám gửi trái hơi xanh tí không dám gửi chín cho yên tâm.

 

Nói chung là phép thử hết xem số ai đen số ai đỏ :)). Ai dè số tôi đen vẫn hoàn đen thôi. Phải trúng mấy quả xanh quá nên là ngồi nhìn nó chầu nguyên tuần nó không chín cho, nó chỉ úa tàn dần dần mà lúc tôi bổ được cái quả ra thì miếng sầu riêng chỉ để đi ném nhau. Một nửa hàng ra HN thì ai số đỏ ngon nức mũi khen ngất lịm, ai team đen như tôi thì ngồi khóc tu tu. À quên có bạn Như tôi thì không đen lắm, nhưng cũng không… ăn được. Vì trái xanh thế chưa kịp chín bạn đã gọt để lấy hạt chơi đồ hàng rồi =)).

 

Tóm lại là tôi chỉ ức vì đang thèm mà không được ăn và số đen mãi không đỏ thôi chứ tôi không hề giận gì chị. Vì chắc chắn là chẳng ai lại muốn đi bán cái quả sầu riêng không ngon cả. Ai mà chả muốn khách ăn xong lăn đùng ra giãy đành đạch thét lên Ôi sao sầu ngon thế. Chưa kể chị Thùy Anh tôi còn mong manh dễ vỡ, trái tim đa sầu đa cảm nữa, nên vừa chê sầu của chị mà chị khóc cho ba ngày ba đêm sưng húp hết cả mắt =)) (Ủa cái này thậm xưng tí chứ ai lại khóc thế xấu gái bỏ mịa =)).

 

Xong tôi cũng lờ đi vui vẻ bàn chuyện khác như là vụ đi xây hàng rào cho bác Hai Chìa để chị bớt áy náy nghĩ ngợi. Có gì được trả lương tôi lại đặt đợt sầu mới =)). Ai dè chị í nhất định không chịu là không chịu. Chị í bảo sầu chị í ngon dã man tàn bạo vô nhưn đạo như vậy không thể nào để mang tiếng oan được. Tôi đã bảo là không sao đâu, khi nào tính cách nào ship hiệu quả nhất để đỡ phải ship qua đường hên xui thế này. Chị bảo còn là vì tôi quảng cáo chị cho bao nhiêu người nữa mà họ ăn phải quả sầu không ngon thì mang tiếng cả tôi ra. Tôi lại bảo ủa không ai nghĩ gì đâu thôi thời buổi khó khăn chị vui vẻ yêu đời lên =)).

 

Thế mà cuối cùng chị í nhất định không chịu. Nghe nói chị tức quá nên về quê trèo cây rách quần rách áo hái được mấy chục ký sầu thật ngon rồi kéo lên thành phố, ngồi cặm cụi bổ ra phải chọn múi ngon nhất đóng hộp, tìm mọi cách hỏi han khắp nơi bằng đường hàng không để gửi ra Hà Nội đền. Chị đền cho hết tất cả những ai vừa rồi kêu sầu chị xanh để dằn mặt =)). Chị còn bền bỉ tới mức ngày đầu tiên ra sân bay hỏi không được hôm sau đúng toàn thành lock down chị vẫn hỏi chuyển được kịp sầu lên máy bay bay ra HN.

 

Sầu ra đến HN là hơn 12h đêm. Cậu bé ship sầu đi Vespa hôm bữa lại phóng Vespa lên tận… sân bay ngồi chầu trực đón sầu như đón nguyên thủ rồi lại phóng chở về, đến nhà chắc cũng phải 2,3h sáng. Rồi hôm sau đi từng nhà… đền sầu. Phải đền bằng được thì thôi, mang đến tận nhà đền!

 

Tôi không kịp ở nhà đón sầu. Tối về đến nhà thì thấy cả mấy hộp sầu chị đền chi tôi chỉ còn… mùi hương thoang thoảng. Hỏi mẹ sầu đâu mẹ bảo tôi đang hỏi cái gì thế, không ngửi thấy mùi gì. Mắt mẹ ngây thơ ngồi ôm cún bảo không biết sầu nào hết! Cuối cùng thì tôi đã điều tra ra mẹ tôi chưa từng được ăn sầu nào ngon như thế trong đời, mẹ ngồi mở hộp chén đến phồng mang trợn má và nghe nói cả nhà phải lao vào trèo lên để ngăn cản mẹ ăn ít thôi kẻo nóng, ngọt quá và… không ai dám gần!

 

Mẹ tôi siêu khó tính thế mà cuối cùng còn phải khen sầu riêng đến thế. Tới khúc này tôi nể chị Thùy Anh, chị phải chứng minh bằng được chị bán sầu ngon và chị là người bán hàng cực kỳ tử tế đàng hoàng. Chị đền cho cả bạn Như của tôi cho dù bạn Như tôi là hôm đó bổ trượt =)).

 

Bây giờ cả hội bữa giờ ăn phải quả sầu xanh ấm ức giờ im thít hết không ai dam ho he câu nào. Tôi thì được ăn được miếng sầu hột ngon ngất lịm người mẹ thương tôi nền phần cho một khúc (sầu hầu như chẳng ai bán nhưng mà ngon nhất trong các loại sầu, chị Thùy Anh trèo cây rách quần hái riêng cho tôi, cả vườn chị có 3 cây thôi đấy).

Rồi chị Thùy Anh chứng minh chị là người cực kỳ tử tế chưa đủ lại đến phiên bạn Như tôi nhận hàng đền cũng cứ lăn ra giãy đành đạch nói không thể thế được, phải trả tiền, thời buổi khó khăn cứ đi đền thế sống bằng gì, than thở vì sao chị Thùy Anh lại… tốt thế? Chị Thùy Anh thì bảo thôi chị không lấy tiền đâu… Rồi đấy các chị cứ đẩy qua đẩy lại. Tôi chỉ biết thờ dài là tại sao những người bạn thân của tôi đều… dở hơi cám hấp đến như vậy được! Mệt mỏi ghê!

 

Rồi giờ Như ăn sầu riêng xong chắc cũng ngất lịm rồi!

 

Tôi thì tin chắc một phen đi đặt sầu thế này với chị Thùy Anh mà chị phải đền như thế này là chị lỗ siêu to khổng lồ luôn (à quên không giới thiệu thêm là sầu chị í còn là sầu organic không thuốc nhé)! Thế nên tôi là tôi… không khuyến khích phải làm thế lần sau nhé. Để ít nữa làm hẳn một đợt mới, lần này đặt hẳn qua đường hàng không cho chắc vậy. Bạn nào muốn thử sầu riêng của chị ngon tới dã man tàn bạo thế nào thì có thể đặt trực tiếp với chị. Thực ra tôi ăn uống cực kỳ khó tính mà tôi còn phải khen thì các bạn cứ thử đi tôi tự tin cho các bạn đặt sầu của chị í luôn đấy :)). 0 ngon 0 tử tế làm gì có chuyện tôi phải viết cả một cái bài viết thế này khen sầu riêng của chị í đâu!

 

Cuối cùng thì… những người như chị Thùy Anh của tôi. Mặc dù chị í là bạn thân của tôi nhưng tôi cũng ước giá mà xã hội ngoài kia có thêm nhiều người như chị í. Lúc nào cũng có lương tâm, có trách nhiệm và phải giải quyết bằng được nếu thấy chưa ổn. Thật, giá mà cò nhiều người như thế thì tốt biết bao nhiêu!

 

Có thì là tôi còn được người ta trả nợ tiền sớm để lấy chồng nữa chứ! Tôi mà nợ ai cái gì một tí là tôi đã ăn uống không ngon rồi phải trả ngay í chứ, giống chị Thùy Anh í :)).

 

Ai thích đặt sầu, bơ, hay rau cỏ, văn thơ và cả… giọng hát của chị Thùy Anh thì cứ nhắn cho chị í, vào page Vườn Của Thùy nhé! Được cái sầu ngon mà hát thì cũng hay :))

 

 

 

#471: Ăn mặn hay ăn chay?

Nhân tiện xem xong phim tài liệu “What the health”. Nên quyết định là phải viết bài này!

 

Ăn chay hay là ăn mặn?

 

Ah… câu hỏi này dễ gây oánh  nhau ghê :))

 

P/S: Một bài viết rất dài, không chắc ai đọc cũng hiểu hết nhưng mà hãy cứ đọc hết trước khi có bất cứ ý kiến gì phản hồi. Và không tiếp bất kỳ ai hiếu chiến về một chế độ ăn uống nào cụ thể!

 

(Nhưng mà thực ra đôi lúc tôi nghĩ người ta thích cãi nhau vì mỗi người có những niềm tin bất diệt của riêng mình chứ cũng chưa chắc là vì nó dựa trên facts hay knowledge). Quan điểm của tôi thì… chế độ ăn của mỗi người cũng giống như quan điểm, không có quan điểm nào hài lòng tất cả mọi người thì cũng không có chế độ ăn nào áp dụng được với tất cả mọi người!

 

Có một sự kiện thế này. Một cô bạn gửi cho tôi một cuốn sách của một tín đồ về thực dưỡng cho đọc và tôi có đưa cuốn đó cho mẹ. Mẹ đọc say mê, rồi một ngày tới bữa ăn cơm, mẹ tuyên bố: “Sau lỡ có bệnh gì mẹ sẽ không đi chữa tây y, sẽ cứ để tự nhiên và theo chế độ ăn uống thôi”. Nghe mẹ tuyên bố xong thì cả nhà nhìn nhau giật mình một chút. Và phải nói rằng sách vở hay kiến thức gì mà cứ để bị người ta đọc hay xem xong mà thành “tín đồ” một cách mù quáng thì quả thật đó là điều nguy hiểm!

 

Trên Netflix có một phim tài liệu độc lập tên là: “What the health”. Lý do mình  xem vì rất muốn tìm hiểu nhiều góc và nhiều kiến thức về sức khỏe, đặc biệt là về ung thư, tiểu đường.

 

  1. Ăn nhiều thịt thật là tai hại và những sự giả dối..

 

Bộ phim mở đầu khá hay khi giải thích về các nguyên nhân khiến nhiều người bị tiểu đường, ung thư, mỡ máu, đột quỵ… những căn bệnh đáng sợ mà tỉ lệ người mắc ngày càng cao năm qua năm và nó có thể xảy đến với tất cả mọi người. Quả thật, chế độ ăn uống, sinh hoạt ngày càng dễ dãi, vô tội vạ cùng sự ô nhiễm môi trường, không khí, khiến cho con người ngày càng khó kiểm soát được các nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là những bệnh nan y mà y học vẫn chưa tìm ra được những biện pháp chữa bệnh tối ưu.

 

Một trong những nguyên nhân lớn nhất cho việc mắc những căn bệnh nan y trên, đó là việc tiêu thụ quá nhiều thịt và sản phẩm làm từ động vật. Những quảng cáo chảy nước miếng về những miếng cheese chảy thơm vàng trên những lát thịt hamburger, những ly sữa phát triển chiều cao và trí thông minh… đó là hình ảnh có thể coi là các món ăn điển hình và truyền thống của phương tây, điển hình ở đây là người Mỹ. Thế nên tỉ lệ bệnh béo phì và tiểu đường của người Mỹ chắc là đứng đầu thế giới. Bộ phim dẫn dắt dần người xem tới những mặt tối tăm của việc ăn thịt, sản phẩm từ động vật và cả một nền kinh tế tiêu thụ sản phẩm động vật phía sau. Thật kỳ lạ khi rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự nguy hại của việc ăn các thịt đỏ, sữa, phô mai… đã khiến gây ra hoặc tăng tỉ lệ ung thư hoặc tiểu đường nhưng trên các trang web của các tổ chức, hiệp hội, học viện lớn nhất của nước Mỹ về chống ung thư, tiểu đường, ung thư vú… lại có rất nhiều những thực đơn khuyến khích chế biến các món ăn làm từ những thực phẩm này. Tác giả bộ phim đã gọi điện lên các tổ chức này cũng như đến tận nơi để xin được phỏng vấn về lý do tại sao thì đều bị từ chối tiếp chuyện và thậm chí bị đuổi về.

 

Cuối cùng anh ấy đã research ra một bí mật đáng sợ giải thích cho những điều phi lý như vậy.  Đó là tất cả những tổ chức, hiệp hội này đều được tài trợ bởi những hãng sản xuất sản phẩm từ động vật lớn nhất, các hãng ăn nhanh, các Big Pharmas (sản xuất thuốc). Rốt cuộc thì, người ta ra rả nói cho bạn về sự nguy hại của ung thư, tiểu đường… nhưng bên cạnh đấy thì vẫn khuyến khích bạn ăn uống những chế độ ăn uống nguy hại với những thực phẩm còn tăng khả năng bị bệnh lên nhiều lần chứ chưa nói tới trị bệnh. Bởi vì cuối cùng thì ta chợt hiểu tất cả chỉ là giả dối, tiền vẫn là thứ quyết định cho mọi thứ trên đời này, rồi chắc phải vài tầng nữa mới tới vấn đề đạo đức.

 

Rất nhiều bệnh nhân như tiểu đường, gout.. mỗi lần đi bác sĩ là mang về nhà một vựa thuốc. Và họ được bác sĩ nói rằng họ sẽ phải uống thuốc cả đời. Với một rổ thuốc mỗi ngày như vậy, rồi không biết cơ quan nội tạng nào chịu nổi lâu? Chưa chết vì tiểu đường có khi đã chết vì loét dạ dày, suy thận.. Câu hỏi đặt ra là… có thực sự phải cần tới từng đấy thuốc hay không hay chỉ là chiêu trò của ngành y để khiến cho con người sẽ mãi bị lệ thuộc vào thuốc? Hay ta có thể tự cứu ta, bằng những chế độ ăn uống hạn chế tối đa từ thịt và sản phẩm động vật? (Đặt vấn đề của bộ phim)

 

Bên cạnh việc tiêu thụ quá nhiều đạm từ các sản phẩm từ động vật gây hại tới sức khỏe người ăn, nó còn là vấn đề dịch bệnh, thuốc kháng sinh tiêm vào gia súc và sự ô nhiễm môi trường khủng khiếp từ những trang trại chăn nuôi.

 

Quả thật không thể quên được những ngày đi roadtrips mà tình cờ đi qua những trang trại chăn nuôi động vật lớn thì dù cái xe ô tô có kín đến mấy cũng phải vừa lái thật nhanh vừa nín thở vì mùi quá khủng khiếp. Những con vật nhung nhúc nhau kín những nông trang rộng lớn. Mỗi lần như vậy thấy nhói lòng ghê gớm, thấy nhói lòng vì nghĩ chúng được nuôi rồi cũng chỉ để làm thịt. Nhói lòng vì những con người phải lao động trong một môi trường khủng khiếp như vậy, nhói lòng vì những người dân phải sống ở quanh đấy họ sẽ phải chịu đựng như thế nào, và vì chắc chắn quá nghèo mà không thể đi đâu khác. Nhói lòng vì biết chắc chắn là đất đai không khí sẽ bị vô cùng ô nhiễm…

 

Bộ phim dẫn dắt người xem đầy thuyết phục về những thực trạng đáng sợ của việc sử dụng quá nhiều thịt và sản phẩm từ động vật cùng những hậu quả của nó gây ra, từ sức khỏe con người, cho đến vấn đề môi trường và đạo đức…

 

… cho đến khi nó dẫn sang nửa đoạn sau của phim…

 

Tôi hoàn toàn đồng ý với những kiến thức và những luận điểm của nửa đầu phim khi nó đưa ra những điều đáng sợ của việc tiêu thụ thịt và sự nguy hại của nó với các tác động của đời sống con người. Việc ăn quá nhiều thịt ít rau, nội bị táo bón với trĩ ngồi xuống còn thốn chứ chưa nói gì tới béo phì tiểu đường ung thư.

 

Tuy nhiên, đáng buồn là khi bộ phim dẫn dắt con người đi tìm “giải pháp” cho những vấn đề nó đưa ra thì nó làm cho những người xem mà có chút kiến thức như tôi về thế giới động vật và thiên nhiên thấy bị “lost” và bắt đầu cảm thấy có sự bức xúc. Tôi nói điều này không chỉ là ở việc quan điểm, mà còn là một sự rút kinh nghiệm với tư cách là một người làm phim. Nếu muốn một bộ phim thuyết phục được người xem từ đầu đến cuối, thì luận điểm và kiến thức phải rất vững và cách dẫn dắt phải rất khéo léo. Bởi vì đôi lúc mình đã vào thân bài rồi thuyết phục được bao nhiêu mà nửa đoạn sau đưa ra những luận điểm có tính chất một chiều và quá chủ quan, lờ đi “facts”, thì nó khiến bạn sẽ mất hết lòng tin và sự thuyết phục bởi những luận điểm bạn đã đưa ra ban đầu cho dù chúng đúng. Tới đây ít là học được một bài học về làm phim tài liệu.

 

Rất nhanh thôi bạn sẽ nhận ra tác giả bộ phim là một người nghiêng về chế độ ăn uống thực vật và thực dưỡng. Vấn đề được đưa ra về những nguy hại của việc ăn thịt và tiêu thụ sản phẩm từ thịt khiến gây ra nhiều bệnh tật, đã được tác giả đưa ra “biện pháp” thay thế, đó là ăn nhiều sản phẩm từ thực vật. Những luận điểm này cũng được hỗ trợ bởi ý kiến và nhiều chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ, nhà nghiên cứu…. Bộ phim cũng phỏng vấn một số bệnh nhân tiểu đường và ung thư, chỉ sau một thời gian vài tuần quyết tâm bỏ toàn bộ thuốc thang, ăn một chế độ thực phẩm đầy thực vật… và họ đều đã khỏe khoắn trở lại, bỏ dần được sự lệ thuộc vào thuốc mà ngỡ tưởng như họ sẽ phải dùng chúng cả đời. Bệnh nhân ung thư thì đã khỏi bệnh mà không cần phải có sự can thiệp của Tây y!

 

Nếu xét ở góc độ nào đó. Chúng thật sự đáng thuyết phục và những người kiểu như mẹ mình mà xem là chắc từ hôm sau bỏ thịt chỉ ăn chay luôn! Bộ phim gần như absolute về việc chỉ ăn chay hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ thực vật là việc ăn uống tốt nhất cho tất cả con người và cả môi trường!

 

Nhưng mà…

 

 

Bên cạnh những người tôi biết có sự cải thiện tốt về sức khỏe khi mắc bệnh ung thư nhờ chế độ ăn uống tốt, tôi cũng có những người bạn mắc ung thư, khi họ theo chế độ thực dưỡng hoặc ăn chay ngặt nghèo (có cả trainer luôn), kiên quyết từ chối tây y. Cuối cùng họ vẫn thất bại, có người đã không thể vượt qua, có người đã vẫn phải quay lại với tây y. Và tôi thấy tỉ lệ chữa khỏi được bằng tây y thì vẫn là rất cao!

 

Tôi có những người bạn mà kiên quyết chỉ ăn chay, tập thể dục đều đặn, có một chế độ rất healthy, cuối cùng vẫn mắc tiểu đường và đột quỵ.

 

Tôi biết mấy cụ sống rất thọ, còn chẳng bao giờ thèm ăn rau hay trái cây, chỉ thịt. Vẫn hơn 90 tằng tằng và vẫn rất minh mẫn.

 

Tôi biết mấy người sống với chế độ ăn uống chay và mặc dù theo chế độ như thế nào họ vẫn rất nhiều bệnh và không được khỏe khoắn cho lắm…

 

Vậy sự thắc mắc ở đây là gì… liệu có chế độ nào mà lại đúng được với tất cả mọi người? Và dù nó có thể đúng được với nhiều người, nhưng việc bài trừ một chế độ ăn uống khác có là điều nên làm?

 

Ok, bây giờ mình đi vào phân tích một chút nhé, chỉ là chia sẻ thêm với các bạn một góc nhìn và kiến thức của tôi – một fan trung thành của phim tài liệu về phim thế giới động vật và tự nhiên!

 

“What the health” nói về việc ăn chay sẽ giúp bảo vệ môi trường và an toàn hơn nhiều lần so với việc ăn thịt. Vì thực trạng của việc chăn nuôi đầy ô nhiễm, việc sử dụng thuốc thang tiêm vào động vật rồi chuyển vào cơ thể người vô cùng nguy hiểm. Nhưng, có thật là chỉ ăn cỏ cây hoa lá mà không gây hại tới môi trường hay không?

 

  1. Ăn nhiều sản phẩm từ thực vật là biện pháp sức khỏe, chữa bệnh và bảo vệ môi trường tốt nhất?

 

Câu trả lời là… chưa chắc nhé! Cái này cũng chẳng phải là kiến thức cao siêu gì cả mà chúng ta cũng đều biết luôn. Để trồng được thật nhiều rau, thực vật cho tiêu dùng làm thực phẩm. Chắc chắn sẽ phải dùng rất nhiều đất, phải cải tổ rất nhiều đất đai, chắc chắn sẽ phải cải tổ theo hướng thuận trồng trọt chứ không thể nào hài hòa hoàn toàn được với thiên nhiên như nó vốn dĩ. Và nếu lượng người dùng thực phẩm từ thực vật càng nhiều, thì phải cần càng nhiều tài nguyên để trồng trọt. Trồng trọt đi liền với việc sẽ làm xói mòn đất, dùng rất nhiều nước, thuốc thực vật, trừ sâu tiêu diệt côn trùng cho năng suất cao… sẽ dẫn tới mất nhiều môi trường tự nhiên cho những loài động thực vật khác. Và đừng quên, nếu trong thịt của động vật có thuốc kháng sinh thì trong rau cỏ cũng đầy các loại thuốc bảo vệ thực vật. Việc bạn ăn rau có thể không trực tiếp giết hại động vật, nhưng hãy tưởng tượng toàn bộ loài người ăn rau thì sẽ phải bao nhiêu đất đai và thuốc thực vật cho đủ để cung cấp được đủ năng lượng cho gần 7 tỉ con người. Năng lượng từ thực vật cần số lượng nhiều hơn từ động vật. Rau không phải là rừng, không phải là môi trường cho phần lớn động vật hoang dã sinh sống, nếu quá nhiều đất cho rau thì sẽ chẳng còn đất cho động vật. Trái đất 3/4 vẫn là nước, phần đất còn lại thì chỉ có vài phần trăm có thể trồng trọt. Ví dụ như Trung Quốc rộng lớn như thế, nhưng lượng đất đai có thể trồng trọt được chỉ là 12,6%. Để trồng được nhiều thì sẽ phải dùng nhiều hóa học cải tổ đất đai, dẫn dắt thay đổi nguồn nước, cưỡng ép môi trường phi tự nhiên. Mọi thứ phi tự nhiên sẽ dẫn tới mất cân băng sống và giết chết động, thực vật trong hoang dã. Sự nguy hại tới môi trường hoàn toàn không kém cạnh nền công nghiệp động vật. Và chưa tính tới nguy cơ xa hơn, khi một đất nước (ví dụ như Trung Quốc), không đủ đất để trồng trọt, họ sẽ chắc chắn phải chiếm đoạt đất đai các quốc gia xung quanh, chiếm “physically” chứ không phải chỉ là xâm chiếm bằng kinh tế, văn hóa, các tuyên bố như bây giờ! Chiến tranh, nạn đói tất yếu sẽ nổ ra!

 

Nên bạn có thể không giết động vật trực tiếp, nhưng bạn vẫn sát hại chúng gián tiếp. Đừng quên rằng cho dù ăn rau hay ăn thịt thì nhà sản xuất nào cũng phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu, rồi vài level nữa mới tới vấn đề đạo đức. Bạn có chắc những thực phẩm rau ấy là an toàn và cách họ canh tác đang bảo vệ môi trường? Bạn có tin vào những sản phẩm “biến đồi gien” được “trồng theo công nghệ mới, an toàn và bảo vệ được đất đai?” Và chắc chắn bây giờ chúng ta cũng chưa có được công nghệ trồng trọt hiện đại năng suất cao giá thành rẻ mà lại không phải dùng đến đất và nước cho từng đây con người trên trái đất!

 

Vùng Central California ngày xưa rất màu mỡ cho dù nổi tiếng là nhiều lũ lụt. Nguyên nhân là vì lũ lụt khi tràn ra thấm xuống đất đai (phần lớn là sa mạc), kéo theo các xác động, thực vật trở thành những thảm nguyên sinh màu mỡ. Tuy nhiên, sau này người ta đã xây dựng rất nhiều đập nước để ngăn dòng lũ và biến đổi dòng chảy để  phục vụ cho rất nhiều trồng trọt và chăn nuôi. Điều này khiến cho đất đai trở nên ngày càng khô cằn, biến đổi khí hậu khiến cho ngày càng hạn hán. Ước tính, đất Cali sẽ chỉ còn dùng được khoảng chừng căng nhất là 30 năm nữa rồi hoàn toàn hoang hóa không thể sinh sống được nữa nếu tình trạng trộng trọt phi tự nhiên như bây giờ không được cải thiện.

 

Luận điểm thứ hai bộ phim đưa ra, mà mình được biết rất nhiều người theo trường phái thực dưỡng và ăn chay rất tâm đắc, đó là “rất nhiều loại động vật lớn như là voi, bò, dê…chúng chỉ ăn rau và cỏ mà vẫn nhiều thịt và to lớn đấy thôi”. Đấy, thế mà chuyên gia trong phim cũng nói được thế thì căng quá!

 

Thực ra với kiến thức này mình được học từ nhỏ khi học ở lớp Sinh học rồi. Động vật được chia ra thành nhiều loại, loại ăn cỏ, loại ăn tạp, loại ăn thịt. Động vật ăn cỏ (hebivory) là những con vật hầu như chỉ ăn thực vật như voi, bò, dê, lạc đà… Động vật ăn tạp (Omnivores) như là con người, chó, khỉ, lợn, gà… Động vật ăn thịt (carnivores) như là sư tử, cáo, hổ báo… Với loại động vật ăn cỏ, chúng thường có rất nhiều dạ dày. Mấy con như voi, bò thường có tới 4 cái dạ dày, mỗi dạ dày sẽ tiết ra một loại enzyme có những chức năng tiêu hóa thức ăn từ thực vật riêng biệt. Những động vật này còn được gọi là “Ruminant” – động vật nhai lại. Nghĩa là chúng nuốt thực ăn mà không nhai vào trong dạ dày, khi bốn cái dạ dày làm xong nhiệm vụ nó lại ợ lại ngược lên trên miệng để nhai lại, vì trong nước bọt cũng sẽ tiết ra một loại enzyme để tiêu hóa nốt chỗ thức ăn thực vật này. Chỉ những động vật này mới có những enzyme tiêu hóa được những chất xơ (fibers) trong thực vật và chuyển hóa chúng thành protein năng lượng nuôi sống cơ thể. Thế nên chúng ta hay thấy mấy con bò suốt ngày đứng nhai móm mém cả ngày cả đêm cho dù chúng chỉ đứng ở trong chuồng. Sự to lớn cồng kềnh của chúng cũng đến từ việc cấu tạo cơ thể có rất nhiều chức năng phức tạp để tiêu hóa và chuyển hóa được năng lượng từ thực vật. Trong khi cơ thể con người không có những enzyme như vậy để có thể chuyển hóa thức ăn từ thực vật. Chúng ta chỉ ăn được những thực phẩm mà có sự tiêu hóa dễ dàng và phải có sự kết hợp cả thịt và rau. Còn nếu bạn muốn so sánh về sự to với nhỏ thì cũng có rất nhiều con vật nhỏ xíu cũng chỉ có ăn thực vật, và loài vật to nhất mọi loài là cá voi xanh thì chỉ có ăn thịt (cá, tôm ở biển). Vậy nên nghĩa là to hay nhỏ, nhiều hay ít thịt nó không phải lỗi tại chỉ ăn thịt hay ăn rau!

 

Có một điều thú vị là, những loài vật ăn thịt tuy rằng chỉ ăn thịt, ăn tươi nuốt sống các loài động vật khác, nhưng cơ thể chúng lại có lúc rất cần chất rau (nhưng phải là rau đã được chuyển hóa). Thế nên khi một con sư tử mà săn được một con bò chẳng hạn, chúng rất hay tranh nhau ăn phần dạ dày của những con bò này, vì chỗ đó đã có những phần thực vật đã được processed sẵn phù hợp cho cơ thể của chúng mà không phải qua đường ăn trực tiếp. Ở những xứ lạnh như Mông Cổ, người dân ăn thịt nhiều hơn rau cỏ, vì thứ nhất họ không trồng được nhiều rau cỏ, thứ hai ăn thịt giúp giữ ấm nhiều hơn cho năng lượng cơ thể, một trong những món ăn quan trọng trong các bữa ăn của họ là các món chế biến từ dạ dày từ các loài vật nuôi chuyên ăn thực vật. Và ngược lại, người ta ước tính khoảng 10% trong những cỏ cây loài herbivores ăn có bao gồm khá nhiều côn trùng, động vật nhỏ có lẫn ở trong đó, nên cơ thể chúng vẫn có ít nhiều protein từ động vật. Một số động vật herbivores như hươu nai, đôi lúc vẫn bắt gặp chúng ăn một vài loại động vật nhỏ. Nghĩa là cơ thể bọn chúng cho dù có sinh ra là chỉ để ăn một loại thức ăn nhưng ít nhiều vẫn cần có sự cân bằng giữa thực vật và động vật.

 

Còn loài người, con người đôi lúc quên mất mình cũng chỉ là một phần của tự nhiên, và sự tiến hóa không phải tự nhiên mà có hay là ai nghĩ ra. Bộ răng của chúng ta được tiến hóa tới giờ là hàm nhai (grinding teeth), là vốn dĩ dành cho động vật ăn tạp. Tức là qua cả triệu năm tiến hóa, cơ thể đã được thích nghi và được minh chứng cho những chế độ ăn hỗn hợp cả thịt và thực vật. Tương tự những loài vật kia cũng vậy, có dí thịt vào cơ thể chúng cũng chắc gì ăn được hoặc tiêu hóa dễ dàng, hoặc ép một con sư tử chỉ ăn rau làm sao nó sống nổi? Không phải vì chúng muốn hay không muốn, mà vì cơ thể chúng không sinh ra để ép chỉ ăn một loại thức ăn không phù hợp với tự nhiên của chúng vốn thế. Cơ thể con người vốn được cấu tạo để tiêu hóa và chuyển hóa cả thịt và rau. Có rất nhiều thứ chúng ta muốn thay đổi trái với tự nhiên không phải vì chúng ta hiểu biết được hơn tự nhiên mà đôi khi chỉ là nó xuất phát từ những quan điểm đạo đức.

 

Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể thay đổi và cãi được tự nhiên, từ chế độ ăn, tới thay đổi thiên nhiên, không khí, động vật, cây trồng… nhưng chắc chắn tới một mức nào đấy sê phải có hậu quả. Một môi trường đây ô nhiễm và một trái đất đang chết dần là điều đang rõ ràng nhất!

 

Trong “What the Health”, một số chi tiết khiến tôi xem lại phải phì cười vì không biết rằng là chuyên gia cố tình nói những điều để dẫn dắt lờ đi facts, hay là họ… không biết? Ví dụ ta biết rằng có rất nhiều vitamins, khoáng chất… cần thiết cho cơ thể con người nhưng không thể nào có trong thực vật được mà chỉ có thể có trong động vật, ví dụ như Vitamin B12, một loại vitamin cực quan trọng cho việc tại tạo hồng cầu. Chuyên gia nói rằng: “Không cần ăn thịt động vật để có Vitamin B12, vì có thể mua Vitamin về uống”. Nếu chỉ ăn rau và bù lại vitamin từ thực phẩm chức năng thì khoan nói tới việc đó có là cách hấp thụ vitamin tốt nhất hay không, thì nhiều người bị quên rằng rất nhiều thực phẩm chức năng như Vitamin B12 ấy đều có những thành phần được sản xuất từ động vật.

 

Còn nói về việc hấp thụ Vitamin, cái này cũng phải tùy cơ thể người, có lẽ cách tốt nhất và hiệu quả nhất vẫn là qua đường thực phẩm tự nhiên, cái này là bác sĩ nói không phải tôi nhé. Tôi có một người bạn là bác sĩ giải phẫu, anh ấy nói rằng, có những người khi anh giải phẫu cơ thể mà thấy trong nội tạng có cả những cục vitamin to còn nguyên do uống thực phẩm chức năng không thể chuyển hóa. Vì không phải cơ thể nào cũng có thể tiêu hóa được bằng đường uống thực phẩm chức năng.

 

Mẹ của bạn tôi đã ăn chay nhiều năm. 1 năm đầu khi bác chuyển qua ăn chay, cơ thể nhỏ gọn trở lại, cảm thấy nhẹ nhõm và khỏe khoắn hơn, một niềm tin mạnh mẽ cho việc ăn chay hiệu quả cho sức khỏe. Nhưng bây giờ, khi trải qua gần 15 năm ăn chay, bác đã ngoài 70 tuổi và mắc khá nhiều bệnh do thiếu chất, trong đó có một bệnh khá phổ biến với người ăn chay lâu năm mà tiêu thụ nhiều sản phẩm từ brocoli, đậu, như là nổi/sưng hạch ở cổ (chưa rõ chính xác gọi là gì). Cơ thể bị phát tướng vì tiêu thụ nhiều glucose từ tinh bột (để bù năng lượng không có thịt), nhưng lại khá yếu ớt và dễ cáu gắt hơn bình thường (do bị thiếu năng lượng khá nhiều). Ăn nhiều những sản phẩm từ đậu phụ còn sẽ bị thừa phytoestrogen (estrogen thực vật), sự thừa này sẽ dẫn tới mất cân bằng hormone (nhiều nhà sư cũng gặp phải vấn đề này). Mặc dù gia đình có khuyên bảo bác ăn thêm protein từ động vật, ít là ăn thêm chút cá hoặc trứng nhưng bác không chịu nghe. Và nếu đi bác sĩ được bác sĩ khuyên thì cũng không tin bác sĩ và cho rằng bác sĩ chỉ kiếm cớ để “bán thuốc” (which might be true in some cases). Và thế là bác cứ yếu rườn rượt với rất nhiều vấn đề sức khỏe, nhưng cũng chẳng ai giúp được bác thế nào.

 

Tác giả What the Health cũng mắc một sai lầm khi đưa ra những luận điểm xấu về nền công nghiệp sản xuất thịt nhưng lại không đưa ra mặt tích cực của nó. Đó là nền công nghiệp này là nền công nghiệp chiếm tỉ trọng cực lớn trong GDP của tất cả các quốc gia, đóng góp một phần trọng yếu cho sự phát triển kinh tế của mỗi đất nước, mang lại hàng trăm triệu công ăn việc làm cho rất nhiều con người trên trái đất này.

 

Nhưng câu chuyện cuối cùng đến đây là gì (ủa còn muốn nói nhiều lắm mà dài quá sắp thành luật văn đến nơi rồi). Đó là… không có gì là tuyệt đối cả. Không có chế độ nào là áp dụng được với tất cả mọi người, không có chuyện chỉ ăn thịt là xấu xa và chỉ ăn chay mới là tốt và ngược lại, không có chuyện bất cứ ai bị ung thư với tiểu đường là cứ chỉ bằng ăn uống mà khỏi. Mỗi người sẽ có những cấu tạo sức khỏe khác nhau, môi trường sống khác nhau, công việc khác nhau. Một người chỉ lao động chân tay với một người chỉ ngồi một chỗ chưa chắc ăn một nguồn năng lượng y như nhau. Một người hay dị ứng cũng làm sao ăn được tôm cá như những người không dị ứng? Bạn có thể nói một vị sư sống lâu và khỏe mạnh hơn bạn dù họ chỉ ăn chay nhưng bạn có một cơ thể hay nếp sống giống họ hay không? Không chỉ ăn uống, chế độ tập luyện cũng vậy, người bệnh tim bệnh suyễn thì chắc chắn không thể tập bóng rổ 5 tiếng một ngày như một người khỏe mạnh bình thường được. Mỗi loài cũng có những thực phẩm chúng chỉ tiêu thụ được, không thể bắt con bò ăn thịt, con người ăn tươi nuốt sống như con hổ và con sư tử chỉ được ăn rau muống và cỏ!

 

Có một số điều là chắc chắn,

 

Một chế độ ăn uống tích cực, hợp lý với cơ thể, dù là chay mặn hay kết hợp, chắc chắn sẽ giúp bạn phòng ngừa được rất nhiều bệnh tật và có thể chữa được một số bệnh và cả sống lâu hơn!

 

Chắc chắn đã có người thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện mà khỏe hẳn ra, tinh thần tốt hơn, cho dù là chay hay mặn.

 

Bạn đã được trải qua, bạn tin vào điều đó. Nhưng không chắc những người khác đang có một cơ thể hay một môi trường giống bạn!

 

Có những thứ đôi lúc là facts, và đúng với rất nhiều người. Như là ăn nhiều quá thì dù chay hay thịt cũng hại sức khỏe. Tập thể dục vừa phải chắc chắn là khỏe hơn là lười biếng và không vận động. Ắn uống hợp lý và sinh hoạt hợp lý thì chắc chắn là khỏe mạnh hơn nhiều người chỉ ăn 1 thứ và không tập luyện bao giờ…

 

Nhưng câu chuyện ở đây chính là ở từ “hợp lý”. Hợp lý là thế nào thì có lẽ nó là định nghĩa riêng với mỗi cơ thể con người. Đương nhiên bạn toàn quyền lựa chọn một chế độ ăn uống hợp lý nhất với bạn, bất kể nó là gì, dù là làm bạn khỏe lên hay chỉ đơn giản là làm cho bạn thấy sung sướng. Nhưng mà nếu có thể, thì luôn tự lắng nghe cơ thể mình, trang bị cho mình nhiều kiến thức nhất có thể để không bị cuốn theo những luận điểm một chiều dẫn tới tin tưởng mù quáng vào bất cứ một chế độ gì hay cho rằng nó có thể đúng với tất cả mọi người. Điều nguy hiểm của sự mù quáng là nó sẽ hại chính cơ thể của bạn, làm phiền người thân, và làm phiền cả rất nhiều người khác khi bạn phản đối hay dụ tất cả mọi người đi theo một chế độ ăn uống mà bạn cho rằng đó là đúng nhất! Rồi sợ nhất là lừa đi bán thực phẩm chức năng đa cấp nữa đấy nhé :D.

 

Tôi thì vẫn ăn cả chay và mặn vì tôi thấy cơ thể và cách sống của tôi cần như vậy. Nói thật lòng tôi rất sợ cảnh động vật bị giết chóc làm thức ăn và bây giờ thịt vẫn ăn nhưng không bao giờ muốn nghĩ và muốn nhìn thấy những hình ảnh đấy để bữa ăn mới được ngon miệng. Nhưng đồng thời tôi vẫn phải tự tìm hiểu để hiểu thêm về những triết lý “chay” hay “mặn”. Bạn có thể nghĩ rằng bạn ăn cây cỏ là không sát sinh nhưng nếu xét về linh hồn, chúng cũng là “living things”, chũng cũng có linh hồn cả đấy. Và đừng quên rằng ăn chay không cũng vẫn sát hại gián tiếp động vật và gây hại tới môi trường như đã có nói ở trên. Nhưng đó là quy luật sinh tồn, một loài sẽ buộc phải ăn loài khác để tồn tại. Nếu không muốn sát sinh bất cứ thứ gì, thì chỉ có… đừng ăn gì cả mà thôi. Nhưng tôi chỉ ăn những loài động, thực vật mà chũng có khả năng tái sinh, mục đích để làm thực phẩm, chứ không phải để truy cùng đuổi tận giống như những loài vật khác, những loài động vật hoang dã. Và dù ăn chay hay mặn, tôi cũng sẽ chọn cho mình một sự vừa phải, không có nhiều bất cứ cái gì. Nó không chỉ là vấn đề sức khỏe, mà còn là vấn đề cân bằng sự sống.

 

Tôi cũng không có bất cứ vấn đề gì về việc ai lựa chọn cho họ chế độ ăn chay, ăn mặn, hay chế độ thực dưỡng. Nếu để bàn về nó thì như bài viết này, là những kiến thức và quan điểm chia sẻ cùng nhau để cùng hiểu rõ vấn đề và tự bạn chọn cho mình một lựa chọn hợp lý nhất hay cách nhìn của bạn với thời cuộc. Nhưng tôi cũng rất sợ những thông tin tuyên truyền mù quáng hay hiếu chiến, tranh cãi chửi bới nhau hay nằng nặc cho rằng chỉ có quan điểm của mình là đúng.

 

Những kiến thức tôi biết cũng đến từ nhân loại và sự quan sát thực tiễn mà thôi chứ tôi cũng không có nghĩ ra. Bạn cũng sẽ có những quan điểm và kiến thức của riêng mình! Tôi viết những bài này, cũng xuất phát từ nhu cầu cá nhân, ví dụ như câu chuyện về mẹ tôi ở đầu bài, tưởng rằng những quan điểm một chiều nơi nay nơi kia kia như cuốn sách mẹ tôi đọc hay “What the health” chỉ là thông tin cho vui, nhưng ít nhiều khi nó không phản ánh khách quan và đủ kiến thức, nó cũng mang lại rất nhiều damages cho rất nhiều người đọc và xem chúng! Và đừng quên, động vật hay thực vật, những người tuyên truyền cho bạn, chưa chắc họ có đang… ăn giống như họ nói không hay là họ đang lừa bán thực phẩm chức năng cho bạn thôi đó ahihihi!

 

Bài viết của tôi rất dài và tôi nói về hệ lụy của phần ăn chay nhiều hơn phần ăn thịt không phải vì tôi đang bài trừ ăn chay mà vì những hậu quả về ăn thịt quá nhiều thì mọi người đã biết hết rồi, chỉ có về ăn chay thì nhiều người còn có nhiều hiểu lầm.

 

Những messages của bài tôi muốn chia sẻ với các bạn là gì:

 

+ Không có một chế độ ăn nào đúng với cơ thể của tất cả mọi người, Phải tự tìm hiểu và lắng nghe cơ thể mình!

+ Cái gì cũng phải có sự cân bằng. Không có gì quá là tốt hết và không có chế độ ăn gì mà chỉ 1 thứ mà tốt hết.

+ Không có biện pháp nào là dễ dàng và đơn giản hết. Một vấn đề tưởng được giải quyết có thể nảy sinh một nghìn vấn đề khác. Có những thứ thuộc về quy luật sinh tồn và phải theo nó cho dù quan điểm đạo đức của bạn không đồng ý.

+ Hãy trang bị thêm cho mình nhiều kiến thức và góc nhìn hơn khi nghe về một luận điểm, đừng để bị lợi dụng hay mù quáng tin theo!

+Ăn uống dù chế độ gì, cũng phải có Ý THỨC, ý thức cho bản thân, môi trường, những người xung quanh!

 

Bài viết này là quan điểm cá nhân dựa trên hiểu biết và kiến thức của tôi, mục đích để chia sẻ và… tùy bạn nhìn nhận! Bạn có thể có những góc nhìn và hiểu biết khác. Vẫn còn rất nhiều kiến thức và giả thuyết còn vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và khám phá. Hãy cứ lựa chọn thế nào mà bạn thấy hợp lý nhất với bạn, đừng chửi hay ép người khác về một chế độ ăn giống bạn là được!

 

Đây không phải là một bài review cho bộ phim “What the health”, đó chỉ là một ví dụ điển hình cho câu chuyện tôi muốn nói mà thôi vì những suy nghĩ này đang nhan nhản ngoài kia. Mặc dù tác giả bộ phim cho rằng nền công nghiệp thịt là dối trá nhưng tôi cũng không chắc anh í không làm bộ phim này mà không phải là tài trợ từ hãng thực phảm chức năng hay hãng thực phẩm thực vật nào đối thủ (vì chắc xét về độ dirty thì chẳng bên nào kém bên nào là chắc!) Tôi cũng không buồn vì xem một bộ phim chưa đủ thuyết phục. Xem một bộ phim “chưa ổn” chưa bao giờ là điều không tốt, vì chúng giúp một người làm phim như tôi học hỏi được nhiều thứ để rút kinh nghiệm, với phim tài liệu thì nó còn kích thích cho mình sự tìm tòi để thêm kiến thức và phản biện.

 

Cuối cùng thì… “ăn” và “ngủ” là hai thứ tuyệt vời nhất dành cho con người. Mà ăn khổ quá bị chửi quá thì sống sao mà vui được :))!