Posts in Culture

#523: Làm phim, 0 phải cái gì cũng được bịa, nhất là vấn đề văn hóa của một quốc gia!

Nhân vụ một bộ phim Hàn bị tháo gỡ khỏi Netflix vì “xuyên tạc lịch sử”. Mình thấy đúng là dịp để nói lên một vài tâm sự “nho nhỏ”, nhỏ mà có khi nó lại lớn á!

Nói chung, với quan điểm và sự giáo dục của mình và với tư cách cũng là một nhà làm phim. Thì mình nghĩ rằng, “lịch sử” và “văn hóa” của một quốc gia khác là thứ tối kỵ để xuyên tạc, bóp méo (cho dù định nghĩa thế nào là “xuyên tạc, bóp méo” thì có thể phải tranh cãi), nhưng điều gì khiến gây ra sự tổn thương và sự tự ái cho một dân tộc khác, đó là điều không nên làm, và không thể làm! Bây giờ thế giới đã ở thời đại công nghệ và hòa nhập. Mọi thông tin, hình ảnh đều được chia sẻ một cách rất dễ dàng và không còn mang tính giới hạn biên giới. Không còn ở thời phim ảnh được thoải mái tự do “thẩm du” tự sướng như thời Rambo. Mọi thông tin, hình ảnh, sản phẩm văn hóa đều có khả năng lan truyền ra được cả thế giới. Bất cứ sự sai lệch hay bóp méo nào, thậm chí là một câu đùa với một vấn đề nhạy cảm, đều có thể gây ra hậu quả khôn lường vì sự dễ bị kích động của thời đại mạng xã hội, sự lười biếng trong việc chọn lựa thông tin và nghiên cứu của đa phần dân số dùng mạng.

Đành rằng phim ảnh là “bịa”, nhưng không phải cái gì cũng có thể bịa, đặc biệt là ở những đề tài nhạy cảm và dễ gây tổn thương như lịch sử, văn hóa. Bởi vì đó là những thứ thiêng liêng của một dân tộc, cần phải có được sự tôn trọng đàng hoàng từ những quốc gia khác. Cởi trần cởi truồng chửi cha chửi mẹ trong phim mày cũng được, nhưng có những thứ không phải là đề tài để câu khách. Bởi vì không chỉ nó nhạy cảm, nó mang tính gây tự ái, xúc phạm, mà nó còn là sự vô tâm và vô đạo đức.

Cho dù nó chỉ là “một câu thoại” như trong cái phim Hàn nọ ,nhưng nếu bạn từng được đến một ngôi làng nghèo thê thảm với một gia đình Việt Nam mà trong nhà có tới 8 tấm hình trên bàn thờ của một đại gia đình bị sát hại bởi lính Hàn, chắc lúc đó bạn sẽ không có nghĩ tới câu thoại đó chỉ là một câu thoại “vớ vẩn” cho một bộ phim “đang hay mà” của bạn đâu bạn ạ!

Nhiều bạn ngây thơ cho rằng, “đó chỉ là một chi tiết nhỏ”. Nhưng bạn đừng quên rằng, sự xâm chiếm và đô hộ văn hóa nó bắt nguồn từ chính những thứ “nhỏ” như vậy. Có khi chỉ là một câu thoại, một cái kẹp tóc, một kiểu mặc quần áo. Nhưng điều tiếp theo bạn biết là có cả một bộ phận giới trẻ ở một đất nước nọ mặc hanbok lạc quẻ đi chụp ảnh bên cạnh một cái tường, cánh cửa, cây hồng mà vốn dĩ đặc chất của vùng nông thôn với một nền văn hóa hoàn toàn khác! Sự xâm chiếm văn hóa bằng thứ “quyền lực mềm” thế này nó tinh vi tới mức bây giờ cả một phần lớn thế hệ mới bị ảnh hưởng mà chính bản thân họ cũng không biết. Và thế là vô hình trung, tự nhiên có một thế giới mới làm nô lệ văn hóa cho một vài dân tộc!

Nhưng thật sự những bạn trẻ bây giờ cũng không đáng trách, bởi vì chính thế hệ tạo ra họ và giáo dục ra họ cũng đã và đang không làm tốt được việc bảo tồn văn hóa, di sản của chính mình. Trong hành trình quay phim về đề tài văn hóa của mình, tôi đã khá khó khăn trong việc đi tìm lại những giá trị, tư liệu, sản phẩm văn hóa gốc. Không chỉ chúng còn rất ít, hiếm hoi vì không được quan tâm và bảo tồn, hay được bảo tồn đúng cách. Mà thậm chí cả một số người phụ trách làm văn hóa họ cũng không đủ kiến thức và thật tâm trong việc bảo tồn, lưu giữ, tuyên truyền văn hóa dân tộc. Đôi lúc chỉ là đi xin tư liệu, xin thông tin để có thêm nhiều chất liệu tốt cho việc truyền bá văn hóa dân tộc tốt hơn đến giới trẻ và cho bạn bè quốc tế thôi mà cũng là khó khăn, lười biếng, thậm chí tìm cách moi tiền. Những “rừng vàng biển bạc” giờ cũng dần biến hết thành sân golf, resort, cáp treo với những thứ kiến trúc nửa mùa, lai căng rẻ tiền. Trong khi cái kiến trúc gốc của mình thì không biết trân trọng và thấy quý, và không biết rằng với thế giới đó mới là những điều rất đẹp và đặc biệt, là lý do để thế giới phải tới để gặp mình!

Thế thì làm sao mà một thế hệ tiếp theo được giáo dục tốt hơn và để cho chúng được kế thừa một nền văn hóa bền vững và phong phú?

Còn có những thứ vừa mới tranh thủ quay xong mà có khi chỉ sang tuần đã bị biến mất. Nhanh không kịp trở tay.

Khi không có văn hóa/di sản đặc trưng của dân tộc, bạn sẽ là gì giữa thế giới đại đồng này? Khi bạn đi ra thế giới, khi người ta hỏi bạn là người nước nào? Đặc trưng của dân tộc bạn là gì? Không phải đem ra món phở với mặc cái áo dài vào thế là bạn cứ là người Việt Nam. Cái tố chất văn hóa nó phải ở trong thần thái, sự hiểu biết, nó phải khiến người nước khác cảm thấy thú vị, khác biệt, phải “chất”, nó phải khiến họ nhận ra bạn ngay. Mà văn hóa là thứ phải trải dài qua thời gian, qua lịch sử, cái được thấm nhuần vào một con người từ lúc họ sinh ra. Làm sao bạn chẳng cần cứ phải mặc cái áo dài và cái nón lá nhưng khi người ta nhìn thấy bạn là một người Việt, người ta đã nghĩ ngay được tới món phở, những mái đình rêu phong, tiếng đàn bầu thánh thót. Khi không có văn hóa, tự nhiên bạn chẳng là ai, bạn cũng chẳng có cộng đồng, bạn chẳng có định danh dân tộc. Hay tệ hơn bạn lại thành công cụ đi quảng cáo văn hóa cho quốc gia khác. Mà bạn có vô tình hãy hữu ý “quảng cáo” văn hóa cho một quốc gia khác thì bạn cũng đừng quên bạn không bao giờ là một phần của họ, bạn chỉ là nô lệ văn hóa của họ!

Bạn nghe mấy lời này chắc thấy “đao to búa lớn” lắm nhỉ? Nhưng mà nghĩ kỹ thì nó là điều đang xảy ra mỗi ngày mỗi giờ và sờ sờ trước mắt đó. Và không phải bỗng nhiên mà có rất nhiều người con ở phương xa, khi đã đi ra tới thế giới, càng học hỏi và hiểu hơn về sự phong phú của văn hóa, lịch sử, di sản thế giới thì họ lại càng thấy quý, thấy tiếc, vội vàng muốn trở về để thưởng thức, tìm lại và rất nhiều tìm mọi cách để níu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử gốc đang vô cùng mong manh và mất đi mỗi ngày một nhanh như bây giờ. Rất tiếc phần lớn họ đều khá cô đơn trên con đường của mình và những gì họ làm được rất nhỏ lẻ.

Những tâm sự này với các bạn, tất cả đều là sự trải nghiệm của mình đó. Từ tư cách là một người đi sinh sống và học tập ở nước ngoài nhiều năm, một người làm phim đang bỏ rất nhiều tiền của và công sức của mình ra để làm những bộ phim về văn hóa, một người đã đi lang thang và được trải nghiệm với một số nhân chứng lịch sử, âm nhạc, kiến trúc mà tận mắt thấy mọi thứ đang mong manh và mất đi nhanh quá, một người nhìn thấy rõ ràng những sự xâm chiếm văn hóa tràn ngập vào cả một vài thế hệ mới, mà.. cũng không biết làm thế nào, vì mình cũng cô đơn và nhỏ bé, chỉ biết làm tốt nhất những gì trong khả năng, sự hiểu biết và trái tim mình mách bảo mà thôi!

Những câu chuyện này, mình sẽ còn kể nhiều, và mình sẽ kể bằng những bộ phim của mình nữa!

#tâmsựđêmkhuya

Ảnh: Ngôi đình bên cạnh cây Dã Hương 1000 năm tuổi ở Bắc Giang. Cây duy nhất còn lại trên trái đất. Có những điều hiếm quý như thế mà chính người Việt nhiều người cũng không biết.

Còn với mình, đây là kiến trúc dân tộc đẹp nhất thế giới!

#502: Ancient Apocalypse -Rồi nền văn minh nào cũng bị hủy diệt thôi

Ai đam mê khoa học, đặc biệt về lĩnh vực thiên văn học, vũ trụ và lịch sử văn minh trái đất thì chắc không thể bỏ qua bộ Ancient Apocalypse của Graham Hancock. Một người không phải là nhà khoa học, nhà khảo cổ học, thậm chí không phải là một nhà làm phim, mà là một nhà báo.

Nhưng lịch sử và khoa học điều thú vị là nó luôn gây tranh cãi, đơn giản bởi vì có những thứ chỉ là suy luận và không ai chắc chắn được sự thật. Và khoa học cũng theo giả thuyết và trường phái, có những điều chúng ta được dạy gần như tưởng là chân lý hoặc facts rồi mà có khi.. chưa chắc là đúng. Hankock là một người mà phe các nhà khoa học và khảo cổ học chính thống cực kỳ ghét và muốn tiêu diệt. Bởi vì ông đã và đang đặt ra rất nhiều sự nghi hoặc cho những giả thuyết về lịch sử văn minh nhân loại mà đã từ trước tới giờ đã được cho rằng là kiến thức phổ biến và đương nhiên.

Trong phim, Hancock đi qua từng nền văn minh và các di tích, từ Gunung Padang của Indonesia đến Derinkuyu, Göbekli Tepe của Thổ Nhĩ Kỳ, đến Cholula của Mexico. Đi qua các nền văn minh của Maya, Aztect, Alantis. Cách đặt vấn đề đối đầu lại với các nhà khoa học và khảo cổ học không phải là đưa ra những kiến thức khác chống lại những thông tin đã công bố, mà ở cách mà mình cho rằng trí tuệ và thuyết phục hơn nhiều. Đó là đặt ra các câu hỏi! Và đó cũng là cách làm việc của một nhà báo. Cách đặt ra câu hỏi đem lại hai hiệu quả: Thứ nhất, việc dùng câu hỏi sẽ khiến người ta sẽ phải suy nghĩ và đi tìm luận điểm, chứng cớ để trả lời, và tự đặt ra nghi ngờ về tính xác thực và logic của vấn đề được nêu. Thứ hai, bản thân Hankock không phải là một chuyên gia về lĩnh vực khảo cổ học, nên việc đặt câu hỏi nó thể hiện đúng bản chất công việc của ông, chứ không người ta sẽ có cớ nói ông: “Ông không đúng chuyên môn sao ông già mồm thế được “:)).

Như tiêu đề của bộ phim: “Ancient Apocalypse”: Sự tận thế cổ đại. Những câu hỏi lớn nhất mà Hankock đặt ra là: Liệu trước nền văn minh mà chúng ta cho rằng chúng ta đang ở đỉnh cao nhất như bây giờ, trước đó có những nền văn minh nào đỉnh cao còn thậm chí hơn thế này gấp nhiều lần hay không? Phải chăng vì trái đất đã qua vài lần reset và tự nó xóa sổ nhiều nền văn minh đỉnh cao trước hay không? Phải chăng trận Đại hồng thủy xảy ra vào 12800 năm trước là do Sao chổi đâm vào trái đất?

Khoa học hiện đại vẫn cho rằng, nền văn minh hiện đại của con người bắt nguồn từ hơn 6000 năm trước và đã phát triển đến đỉnh cao bây giờ. Loài người cũng mới chỉ xuất hiện từ 2 triệu năm trước. Tuy nhiên Hancock đặt ra rất nhiều câu hỏi về tính xác thực của những dấu mốc này. Và mình thì mình… về phe của Hancock.

Nếu theo kiến thức hiện đại thì trái đất coi như là đã vài tỉ năm tuổi đi. Điều kiện thời tiết và địa lý chắc chắn đã thay đổi thậm chí lộn tùng phèo trong hàng tỉ năm đó. Đồ để lâu chỉ vài tháng vài năm hay chôn dưới đất đã mục nát thậm chí thành cát và bụi nữa là hàng tỉ năm. Trái đất cũng là một cơ thể sống, giống như một cơ thể sinh vật. Nó sẽ có hệ thống miễn dịch, hệ thống đấu tranh sinh tồn, các mạch máu cơ bản để nuôi dưỡng cơ thể, và đương nhiên nó cũng sẽ có virus tấn công. Khi cơ thể quá nhiều bệnh tật, hay gặp phải sự đe dọa từ bên ngoài, mọi thứ sẽ tự động reset. Tất cả lại từ đầu, có khi nào đó luôn là cách vận hành của vũ trụ? Nền văn minh của con người hiện đại bây giờ có khi chỉ là một “căn bệnh” mà không chóng thì chầy hệ miễn dịch của trái đất cũng sẽ tự tiêu diệt? Một nền văn minh 6000 tuổi so với một trái đất hàng tỉ năm tuổi làm sao tự cho mình là đỉnh cao nhất hay là duy nhất được?

Trong phim có rất nhiều đoạn thú vị nói về các giả thuyết về các tàn dư còn lại của các nền văn minh cũ mà tới giờ khoa học vẫn chưa giải thích được. Chẳng hạn với công trình kỳ lạ ở Gunung Padang, được cho là vào thời kỳ đồ đá mà người tiền sử còn mới biết dùng đá để làm công cụ đẽo gọt. Nhưng lúc này ở một nền văn minh ở phần khác của trái đất, có thể đã có những công trình kim tự tháp vĩ đại khác rải rác mà khó lòng nào nếu chỉ biết tới đẽo gọt bằng đá lại có thể làm ra được. Hancock đặt ra giả thuyết rằng có khả năng lúc này vừa có người chỉ biết lao động đồ đá, vừa có những con người rất cấp tiến và uyên bác chung sống, chứ chưa chắc tìm thấy đồ đá thì có nghĩa rằng con người lúc đó chỉ có người kém phát triển. Ngay như thời hiện đại của chúng ta bây giờ, vẫn có những con người vẫn sống như thời kỳ nguyên thủy, sống chung trên trái đất với những con người với khoa học công nghệ quá cấp tiến. Mình cũng thích câu hỏi về việc, khi phát hiện ra một nền văn minh và cho rằng nó đã có từ cách đây x nghìn năm. Nhưng mà mọi người quên mất một điều cơ bản rằng để phát triển được tới công nghệ và nền văn hóa đó, đó có lẽ là câu chuyện của vài ngàn năm trước đó.Trong cái phim tài liệu mình làm, một cái nhạc cụ đơn sơ, mà có khi phải qua hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm mới hoàn thiện được như giờ nữa là cả một nền văn hóa, mà còn không ai biết được nền văn hóa ấy bao lâu mới hình thành được tới mốc đó.

Hancock cũng đặt nhiều giả thuyết về người khổng lồ, hình tượng con rắn và thuyết Đại hồng thủy bị gây ra bởi Sao chổi.

Cách đây hàng triệu năm tất cả các loài vật đều khổng lồ. Những công trình vĩ đại như các Kim tự tháp, những phiến đá khổng lồ được đặt chồng lên nhau thật khó lòng mà có thể làm bởi những con người nhỏ bé, đến bây giờ có máy móc cần cẩu làm còn khó và cũng không bắt chước theo những quy tắc không thể hiểu được. Trong rất nhiều truyền thuyết, từ của người Maya đến thuyết cổ của người Trung Hoa đều nói về những con người khổng lồ, họ cũng nói về cả trận Đại hồng thủy. Những giai thoại này tưởng chỉ là truyền thuyết, nhưng sự thật những gì chúng kể lại có mặt trong tất cả mọi nền văn minh (kể cả tưởng như cách nhau rất xa và không dây tơ rễ má gì với nhau), và những sự giải thích trong đó lại rất khớp và hợp lý với những công trình này. Điều duy nhất người ta không chấp nhận là vì nó… khó tin mà thôi. Chúng ta cho rằng không thể có người khổng lồ, nhưng mà… có chắc khi tất cả đống băng ở Nam Cực và Bắc Cực tan ra, chúng ta sẽ không nhìn thấy những điều tưởng như không thể có hay không? Cơ mà Nam Cực hay Bắc Cực mà tan ra thì nền văn minh này cũng tan lâu rồi!

Mình hoàn toàn thấy những câu hỏi và giả thuyết của Hancock thuyết phục và có tính logic cao. Nhớ khi đọc về việc khi băng đang tan ra ngày một nhiều, người ta bất ngờ tìm thấy rất nhiều xương động vật từ thời tiền sử, trong đó thậm chí còn nguyên xác của cả một con vật khổng lồ ví dụ như con ma mút. Mà băng càng tan thì phát hiện ra càng nhiều động vật kỳ lạ. Rõ ràng khi động vật còn nguyên xác như vậy, nó thể hiện một điều là: Những động vật này đã bị đóng băng bất ngờ, và ngay lập tức, nên xác vẫn con tươi và nguyên con như vậy. Graham có một giả thuyết rằng trận đại hồng thủy phá hủy trái đất vào 12800 năm trước bị gây ra bởi Sao chổi. Các nhà khoa học sẽ nói rằng, nếu là tại Sao chổi thì dấu tích va xuống nằm ở đâu? Graham sẽ đi tới những tàn tích mà địa hình để lại tưởng như con người làm nhưng lại giống tàn tích do sóng nước gây ra thì đúng hơn. Ông cho rằng sao chổi không phải là một cái, mà là cả cơn mưa sao chổi. Và sao chổi có thể rơi xuống đại dương nơi chỉ có nước, sóng nước dâng cao, rung chuyển trái đất, tràn vào cuốn đi bề mặt trái đất, núi lửa phun trào bụi phủ kín bầu trời khiến cả trái đất lạnh giá chỉ trong một đêm, nước tới đâu sẽ đóng băng tới đó, nhiều loài vật chưa kịp tháo chạy. Và chỗ nào đóng băng mãi mãi thì nó sẽ mãi mãi như Nam và Bắc cực. Phần còn lại, theo thời gian lại bồi đắp hay bằng phẳng, tan đi và thậm chí không để lại tàn tích gì.

Giả thuyết về sao chổi là do Graham đặt ra từ những địa danh ông đi qua, khi hình tượng một con rắn khổng lồ có mặt trong rất nhiều tàn tích của các công trình cổ đại. Thậm chí tại Ohio, có nguyên một vùng bảo tồn với một công trình được cho là hình tượng một con rắn khổng lồ (Serpent Mound). Ông cho rằng hình tượng con rắn trong các tàn tích mà người xưa để lại khả năng là nói về Sao chổi, luôn gây ra sự sợ hãi và lo lắng, nhưng lại khiến họ phải tôn thờ.

Không chỉ đặt ra những câu hỏi đấu chọi lại những kiến thức chính thống. Hancock đặt ra câu hỏi cho tất cả con người hiện đại chúng ta. Tất cả những nền văn minh bị biến mất, như là Atlantis, đều mang theo những truyền thuyết về việc con người muốn đi ngược lại tự nhiên, sự vận hành của vũ trụ, cho rằng con người là trung tâm của tất cả. Và mọi sự đi ngược lại tự nhiên ấy sẽ đều bị trừng phạt. Trước nền văn minh của chúng ta, đã có rất nhiều nền văn minh vô cùng cấp tiến khác, nhưng khi tới một điểm nào đó, nó sẽ bị reset lại. Và bản thân chúng ta bây giờ cũng đã nhìn thấy trước được tất cả điều này, sự tàn phá tự nhiên, môi trường, thống lĩnh và lạm dụng trái đất, muốn chinh phục cả vũ trụ và ngàn sao, sự kiêu ngạo này chắc chắn phải trả giá. Có thể mỗi một chu trình văn minh sẽ luôn bị tiêu diệt, nhưng các sinh vật trong nền văn minh ấy có thể đẩy nhanh được quá trình này lên, như nền văn minh của chúng ta bây giờ.

Chúng ta nên hiểu rằng vạn vật trong vũ trụ này đều có mối quan hệ tương quan với nhau, dù 1 sinh vật nhỏ bé nhất nhất nhất cũng có mối quan hệ tới những gì to lớn nhất của vũ trụ. Mọi nguồn năng lượng đều chuyển hóa từ loại này sang loại khác chứ không có mất đi. Chúng ta không thể sống mà chỉ cho mình và cho rằng những gì mình làm không làm ảnh hưởng tới những điều xung quanh. Nếu chưa hiểu thì nên tìm hiểu về “hiệu ứng cánh bướm”, một cái phấn bay trên cánh bướm có thể làm cho một con thú hoang dã hắt xì, và nó có thể làm cho hàng trăm hàng ngàn con khác giật mình và bỏ chạy, kéo theo sự hỗn loạn của cả một khu rừng và… so on…! Vậy nên mọi thứ chúng ta làm, sẽ đều luôn có hậu quả!

Những di tích còn sót lại của các nền văn minh cũ. Hầu như chúng đều có những điểm chung là những lời cảnh báo. Trái đất dường như luôn bị khởi động lại bởi những sự cố đến từ vũ trụ. Những công trình cổ đại giống như là những công cụ theo dõi sự vận chuyển của hệ mặt trời. Điều này có lẽ đã xảy ra rất nhiều lần nên người xưa đã nhận biết được sự tối quan trọng của việc đi theo sự vận hành của vũ trụ, theo dõi, cảnh báo và chuẩn bị cho sự tận diệt của mình. Những công trình này cũng gửi lại rất nhiều lời cảnh báo cho những nền văn minh tiếp theo nhưng có lẽ đó là quy luật. Các sinh vật vẫn không học được bài học nào.

Trong phim, Hancock dùng rất nhiều những sự khiêu khích với các nhà khoa học và khảo cổ học chính thống. Ông cũng tâm sự về việc mình bị ngăn cản tiếp cận các nguồn thông tin, kiến thức, thậm chí khi tới Serpent Mound, ông bị đuổi thẳng thừng ra ngoài mặc dù đây chỉ là một khu bảo tồn chứ chả phải Lầu năm góc với những thông tin bảo mật khủng khiếp gây hại gì tới quốc gia đại sự. Vì những câu hỏi quá thuyết phục và những thách thức của ông tới nền khoa học và nền khảo cổ học chính thống nên ông bị rất nhiều thế lực thù ghét và tìm cách vùi dập. Báo đài thì xây dựng hình tượng ông như một kẻ vĩ cuồng và lừa đảo, ngăn cấm ông được phát ngôn chính thống. Có thể nhiều bạn nghe điều này sẽ thấy ngạc nhiên, nhưng chắc có người thì lại chẳng ngạc nhiên gì: Nhưng ngay cả kiến thức khoa học, lịch sử, văn hóa cũng bị rất nhiều bưng bít và bè phái, nhiều sự tuyên truyền sai lầm vừa vì sai lầm trong nghiên cứu lẫn trong mục đích dẫn dắt dân trí. Và cả hàng tỉ hàng chục tỉ đô cho những công trình khoa học cũng chưa chắc là để tìm ra kiền thức chuẩn xác, có khi một thông tin được công bố, không ai muốn đảo ngược nó lại cả. Và chúng ta cũng từng nghe về những câu chuyện như Gallieh, khi toàn thế giới cho rằng trái đất bằng phẳng thì mình ông cho rằng nó hình cầu, và thậm chí người ta treo cổ Gallieh vì dám chống lại “kiến thức chung” của nhân loại. Ta cứ nghĩ rằng chuyện của Gallieh là thời cổ đại rồi, nhưng điều này luôn xảy ra với mọi thời đại, với những con người có những suy nghĩ và kiến thức ngược lại với kiến thức chung của nhân loại.

Cho rằng nền văn minh của chúng ta là cấp tiến nhất. Nhưng mà đến ngay việc vì sao Kim tự tháp lại có khắp nơi, quy luật của nó là gì, tại sao nó lại có trong mọi nền văn minh, tại sao nó lại xây dựng được như thế… cũng chưa có giả thuyết nào thuyết phục. Nhưng nếu đặt câu hỏi về tính logic trong các giả thuyết đã công bố thì nhiều nhà khoa học lại cứ lồng lên! Có một cái dở là con người hiện đại hay suy luận theo vốn kiến thức, điều kiện sống và logic của nền văn minh họ đang ở, nhưng biết đâu với mỗi nền văn minh trong quá khứ, nó khác hoàn toàn với văn minh của mình. Và sự “phát triển cao” sẽ là khác nhau trong mỗi nền văn minh. Giờ bảo xây những công trình cổ theo nguyên tắc cổ là đã không xây được rồi, còn chưa hiểu cách xây í chứ!

Và mình thì… theo phe của Hancock. Thực ra những câu chuyện này đã được Hancock đem lên đàm đạo trên kênh podcast của Joe Rogan (ai chưa biết nhân vật này thì nên google nhé, thú vị lắm đó). Joe Rogan cũng là một nhân vật mà bị báo đài chính thống vô cùng căm ghét vì đã luôn mời những nhân vật khách mời với muôn ngàn những vấn đề xã hội vô cùng hóc búa bóc trần cả các xã hội thiếu công bằng, vô lý và đạo đức giả. Những vấn đề Joe đặt ra khiến cho một phần nhân loại phải suy nghĩ lại vì những gì họ được dạy dỗ và hiểu biết bấy lâu nay. Joe Rogan bị ghét đến mức mặc dù đứng nhất nhì trên Youtube về số lượng người theo dõi nhưng cũng bị hành cho đến mức phải bỏ kênh. Ô hay nhưng thế nào vừa hay Sportify nhảy vào với cái hợp đồng 100 triệu đô, Joe bỏ đi không chớp mắt. Youtube vừa mất đi một nguồn thu lớn, vừa chết nhục vì cứ nghĩ mình là ghê gớm lắm!

Đương nhiên không chỉ các nhà khoa học, khảo cổ học, mỗi người sẽ có những niềm tin và trường phái theo ý họ mong muốn. Mình thì cũng chẳng có gì chắc gì đúng hay sai, tất cả là mọi giả thuyết Trường phái của mình là open mind, mọi thứ đều có thể xảy ra, đặc biệt nếu có những yếu tố logic giải thích ở trong đó, mình dùng logic trong vốn hiểu biết của mình để phân tích vấn đề.

Elon Musk bây giờ cũng là một nhân vật rất thú vị mà rất nhiều những kênh chính thống cũng tìm mọi cách chống đối lại. Chỉ riêng một việc như dùng công nghệ xe điện để chống lại sự phụ thuộc vào năng lượng tự nhiên và phổ biến công nghệ này cho toàn thế giới, đó đã đủ cho nhiều người muốn bóp cổ anh nhốt vào trại rồi chứ đừng nói bao ý tưởng khác của anh mà anh mở mồm ra là có người chửi :)), tô vẽ anh như một thằng tâm thần. Nhưng mà mình thì mình theo phái của Gallieh, Joe Rogan, Graham Hancock, Elon Musk và… những người tương tự nhé :)).

Xem phim ngay đi. Bài này mình tâm sự thôi chứ phim thì nhiều thứ hay ho thú vị cực kỳ, và maybe nếu bạn là 1 người open mind, bạn sẽ học được nhiều điều về việc phát triển tư duy, “think outside of the box”.