Có người thích Tết, có người không thích Tết, có người chẳng yêu chẳng ghét Tết. Thì cũng là bình thường thôi. Vì hoàn cảnh mỗi người một khác. Có người Tết đến được thảnh thơi, đi chơi, được thưởng. Có người Tết đến được đoàn tụ gia đình, được gặp những người thân yêu. Có người Tết đến thì phải tối mắt tối mũi dọn dẹp, cúng bái, lễ nghi thấy mệt. Có người đang làm ăn ngon lành thì bỗng dưng Tết đến lại phải chờ đợi, nhưng cũng có người cả năm nhờ được Tết mà kiếm được ít tiền…
Tết còn là ở trong kỉ niệm và tàng thức của mỗi người. Có nhiều người lúc nào cũng yêu Tết, là vì những kỳ ức đẹp với gia đình, quê hương tổ tiên. Tết là hình ảnh của những bông hoa đào nở, mùi lá cỏ già thơm nức để tắm đêm 30, của những buổi thức thâu đêm háo hức trông nồi bánh chưng của những đứa trẻ con, của mùi hương trầm mẹ thắp bay thoang thoảng trong đêm mưa xuân gió lạnh, của tiếng cô dì chú bác chúc ông bà năm mới thêm thật nhiều sức khỏe, của sự háo hức mong chờ những phong bao mừng tuổi… và với tôi là cả tiếng mẹ mắng vì làm không đúng ý mẹ khi giúp mẹ dọn dẹp chuẩn bị cho những ngày tất niên.
Đã có nhiều Tết tôi lang thang nơi nào đó, đi học, đi làm và không ăn Tết với gia đình và tất nhiên cũng chẳng cảm nhận được chút nào của Tết nếu lúc đó ở một nơi rất xa và trong một nền văn hóa khác. Nhưng có lẽ chính vì thế lại càng thấy quý Tết. Quý những giây phút gia đình được tụ tập với nhau và chỉ nói với nhau những lời vui vẻ, quý cái không gian rực rỡ của hoa cỏ và càng đi xa sẽ càng thấy quý những gì thuộc về đặc trưng văn hóa của dân tộc mình. Điều này chắc không cần phải nói nhiều, bất kỳ ai xa xứ sẽ đều hiểu. Hồi ở Little Saigon, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy không khí Tết của người Việt ở đây còn đậm đặc hơn cả khi còn ở Việt Nam mặc dù cho tới trước năm nay thì đó vốn chỉ là những ngày làm việc bình thường trên đất Mỹ (năm nay Cali đã công nhận Tết Âm lịch cũng là một holiday chính thức của bang. Trong khi ở xứ mình nhiều người đòi bỏ Tết thì Tây nó lại bắt đầu công nhận Tết rồi đó!). Rất nhiều người Việt ở đây nhộn nhịp sắm áo dài, gói bánh chưng, mua hoa đào mua quất, đưa con cái đi các lễ hội… dường như họ rất nỗ lực trong việc lưu giữ lại văn hóa truyền thống của quê nhà trên quê hương thứ hai của họ. Điều này rất dễ hiểu, vì thứ nhất càng ở trong một nền văn hóa đa dạng tổng hợp, người ta càng ý thức được nét riêng và sự tự hào về đặc trưng riêng văn hóa của chính mình. Không có nét đặc trưng dân tộc riêng thì sẽ chỉ là một công dân mờ nhạt trong một thế giới đại đồng. Thứ hai, nhịp sinh hoạt bỗng nhiên được trở lại như thời Tết của ngày xưa. Khi mà cả năm làm việc tất bật, bận rộn, chỉ khi Tết đến mới có thời gian và lý do để làm những điều mà chỉ có Tết mới có. Khác với ở VN, có những điều ngày xưa chỉ Tết mới có thì giờ có quanh năm, cuộc sống cũng đủ đầy và dễ dàng nên đôi khi Tết đến mọi thứ nó lại bình thường quá. Còn ở nước ngoài, một ngày nghỉ đôi khi không đơn giản, thời gian là tiền và rất quý. Nên nếu có được một khoảng thời gian quý giá là Tết, họ sẽ tranh thủ tận dụng để làm những điều như dạy các con gói bánh chưng, diện áo dài, đưa các con đi các lễ hội Tết mà mỗi năm chỉ tổ chức một lần, rồi đến thăm người thân, bạn bè. Người Việt ở đâu thì khi thăm nhau vào dịp Tết vẫn luôn quý hơn ngày thường, mà ngày thường cũng chẳng có thời gian mà đến nhà nhau.
Thế nên tôi nhận ra từ xưa là để yêu Tết, yêu văn hóa truyền thống của mình, yêu những gì thân thương của nơi mình sinh ra, người ta nên đi đâu đó thật xa một thời gian, sống ở những nền văn hóa khác nhau, nhưng phải thêm điều kiện tất yếu là cởi mở quan điểm và góc nhìn cuộc sống, thì có thể lúc đấy mới yêu Tết được. Mà yêu ở đây không phải là chuyện cứ phải ngồi xuống gói bánh chưng, dọn nhà è cổ, phải loằng ngoằng lễ nghi gì cho mệt. Yêu ở đây có khi chỉ là cần tận hưởng cái không khí của Tết, ngắm nhìn Tết và… không chửi Tết :)).
Tôi yêu Tết vì có quá nhiều lý do, cho dù đến Tết tôi cũng… có làm gì đâu . Tôi có những cái Tết đáng yêu tuyệt vời với ông bà, gia đình. Tôi yêu hoa đào, tôi thích cái lạnh của mưa xuân, tôi thích nụ cười của bố mẹ khi được tôi mừng tuổi. Tôi không mấy khi ăn bánh chưng nhưng tôi tuyệt đối yêu mến cái bánh đó trên mâm cúng Tết. Tôi cũng biết không phải ai cũng may mắn được như mình để hiểu và yêu Tết được như vậy. Như trên có nói, mỗi người một hoàn cảnh, một trải nghiệm nên họ yêu ghét Tết là bình thường. Chỉ là, đôi khi nếu có thể, nếu 0 thích nó, cho mình một vài trải nghiệm khác biệt rồi quay lại, để biết đâu cũng sẽ hiểu và yêu nó thì sao ;;). Muốn yêu cũng phải hiểu, và cũng phải học cách để yêu đấy!
Tôi chỉ rất không thích những người kêu gọi bỏ Tết hoặc mỉa mai lễ nghi, chê bai từ cái bánh chưng. Người ta hô hào đòi bỏ Tết vì những lý do ở yếu tố con người, lý do kinh tế, lý do giống TQ…. Tôi thì chỉ thấy rằng chẳng Tết nào có tội, Tết mà trì trệ là do sự giáo dục kém ở phần con người, đã lười thì không có Tết vẫn lười và ý thức vẫn kém, chỉ có một nền giáo dục tốt mới thay đổi được tất cả mà cái đó thì…. Còn không có lý do kinh tế tiền bạc nào mà được quyền ưu tiên và bỏ đi văn hóa, truyền thống lễ nghi, di sản cả nghìn năm của một dân tộc. Chắc giờ sống chỉ cần tiền là đủ, nên là núi đã phá, rừng đã phá, biển đã phá, giờ Tết cũng đòi phá nốt cho đủ lý do phát triển kinh tế :)). Vụ không muốn giống TQ thì thôi… bỏ qua đi vì nhiều người bài Tàu đến mất hết cả lý trí!
Đặc biệt trong một năm qua khi được trải nghiệm trong việc đi tìm, lưu giữ lại một phần dù chỉ rất nhỏ một vài nét văn hóa truyền thống của Việt Nam. Tôi bất ngờ vì có quá nhiều điều quý giá, độc đáo và hay ho vô cùng, quá đáng tự hào với thế giới này mà không được quan tâm, bảo tồn, có những thứ đã mất đi hoàn toàn không có cách gì hồi phục, xót đến thắt ruột. Một mình tôi hay thêm cả vài chục bạn trẻ nữa cũng chẳng làm được gì cả, vì nó là việc của cả một xã hội.
Có thể rồi một ngày những thế hệ sau lớn lên cũng không còn lưu giữ hay mặn mà gì với Tết truyền thống nữa, lúc đó chẳng cần hô hào bỏ có khi nó cũng tự hết. Nhưng hãy để nó tự hết theo sự vận hành của tự nhiên và thời đại. Còn bây giờ, còn Tết, thì sẽ còn rất nhiều những người yêu mến nó, học cách yêu nó, chứ không thời buổi này, đêm 30 bật Netflix lên ngồi cày mấy bộ Hàn sướt mướt thì cũng thành một đêm như bao đêm khác thôi.
Tết là theo lịch Âm, tức là lịch trồng trọt. Một đất nước nông nghiệp thì phải tôn thờ lịch trồng trọt và canh tác nhờ lịch trồng trọt.
Tết cũng ở trong tiềm thức, trong lòng của cả biết bao nhiêu thế hệ. Đó là điều chẳng ai có thể cấm hay đòi bỏ được hết!
Cũng không biết còn bao nhiêu cái Tết nữa với bố mẹ, với ông bà, với cái nhà cũ ở quê. Năm nào mẹ cũng làm một cái mâm cúng rất to ở sân nhà, có con gà, có bánh chưng, tôi chưa bao giờ động chân động tay làm cả. Nhưng có thể mai kia khi bố mẹ không còn nữa, lúc đấy tôi sẽ tự khắc có ý thức làm, tự động làm những điều mà Tết nào mẹ cũng làm dù lúc đó mình đang ở bất cứ đâu trên trái đất này…
(Tâm sự đêm 30 Tết của một người yêu Tết).
Ảnh: Những nụ cười rạng rỡ, tụ tập vui vẻ thế này của mẹ và các dì, các em, cũng nhờ Tết mà có đấy!
Fun facts: Saturday (Saturn – ngày của sao Thổ ), Sunday (Sun – ngày của Mặt trời), Monday (Moon – ngày của Mặt trăng). Trước đây Mặt Trăng là ngày đầu tiên của tuần, từ sau khi đổi sang Gregorian calendar thờ Mặt trời thì Sunday là ngày đầu tiên, Monday thành ngày thứ hai. Lịch dương thường liên quan và gắn với tôn giáo của phương tây, lịch âm liên quan đến trồng trọt, nông nghiệp của người châu Á. Mỗi lịch đều có ý nghĩa và liên quan mật thiết đến văn hóa, cuộc sống, thậm chí sự tồn tại của mỗi dân tộc!
CHÚC TẾT TẤT CẢ MỌI NGƯỜI. CHÚC MỌI NGƯỜI MỘT NĂM CON MÈO THẬT NHIỀU SỨC KHỎE VÀ NIỀM VUI.
(Visited 18 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments