Nhân vụ một bộ phim Hàn bị tháo gỡ khỏi Netflix vì “xuyên tạc lịch sử”. Mình thấy đúng là dịp để nói lên một vài tâm sự “nho nhỏ”, nhỏ mà có khi nó lại lớn á!

Nói chung, với quan điểm và sự giáo dục của mình và với tư cách cũng là một nhà làm phim. Thì mình nghĩ rằng, “lịch sử” và “văn hóa” của một quốc gia khác là thứ tối kỵ để xuyên tạc, bóp méo (cho dù định nghĩa thế nào là “xuyên tạc, bóp méo” thì có thể phải tranh cãi), nhưng điều gì khiến gây ra sự tổn thương và sự tự ái cho một dân tộc khác, đó là điều không nên làm, và không thể làm! Bây giờ thế giới đã ở thời đại công nghệ và hòa nhập. Mọi thông tin, hình ảnh đều được chia sẻ một cách rất dễ dàng và không còn mang tính giới hạn biên giới. Không còn ở thời phim ảnh được thoải mái tự do “thẩm du” tự sướng như thời Rambo. Mọi thông tin, hình ảnh, sản phẩm văn hóa đều có khả năng lan truyền ra được cả thế giới. Bất cứ sự sai lệch hay bóp méo nào, thậm chí là một câu đùa với một vấn đề nhạy cảm, đều có thể gây ra hậu quả khôn lường vì sự dễ bị kích động của thời đại mạng xã hội, sự lười biếng trong việc chọn lựa thông tin và nghiên cứu của đa phần dân số dùng mạng.

Đành rằng phim ảnh là “bịa”, nhưng không phải cái gì cũng có thể bịa, đặc biệt là ở những đề tài nhạy cảm và dễ gây tổn thương như lịch sử, văn hóa. Bởi vì đó là những thứ thiêng liêng của một dân tộc, cần phải có được sự tôn trọng đàng hoàng từ những quốc gia khác. Cởi trần cởi truồng chửi cha chửi mẹ trong phim mày cũng được, nhưng có những thứ không phải là đề tài để câu khách. Bởi vì không chỉ nó nhạy cảm, nó mang tính gây tự ái, xúc phạm, mà nó còn là sự vô tâm và vô đạo đức.

Cho dù nó chỉ là “một câu thoại” như trong cái phim Hàn nọ ,nhưng nếu bạn từng được đến một ngôi làng nghèo thê thảm với một gia đình Việt Nam mà trong nhà có tới 8 tấm hình trên bàn thờ của một đại gia đình bị sát hại bởi lính Hàn, chắc lúc đó bạn sẽ không có nghĩ tới câu thoại đó chỉ là một câu thoại “vớ vẩn” cho một bộ phim “đang hay mà” của bạn đâu bạn ạ!

Nhiều bạn ngây thơ cho rằng, “đó chỉ là một chi tiết nhỏ”. Nhưng bạn đừng quên rằng, sự xâm chiếm và đô hộ văn hóa nó bắt nguồn từ chính những thứ “nhỏ” như vậy. Có khi chỉ là một câu thoại, một cái kẹp tóc, một kiểu mặc quần áo. Nhưng điều tiếp theo bạn biết là có cả một bộ phận giới trẻ ở một đất nước nọ mặc hanbok lạc quẻ đi chụp ảnh bên cạnh một cái tường, cánh cửa, cây hồng mà vốn dĩ đặc chất của vùng nông thôn với một nền văn hóa hoàn toàn khác! Sự xâm chiếm văn hóa bằng thứ “quyền lực mềm” thế này nó tinh vi tới mức bây giờ cả một phần lớn thế hệ mới bị ảnh hưởng mà chính bản thân họ cũng không biết. Và thế là vô hình trung, tự nhiên có một thế giới mới làm nô lệ văn hóa cho một vài dân tộc!

Nhưng thật sự những bạn trẻ bây giờ cũng không đáng trách, bởi vì chính thế hệ tạo ra họ và giáo dục ra họ cũng đã và đang không làm tốt được việc bảo tồn văn hóa, di sản của chính mình. Trong hành trình quay phim về đề tài văn hóa của mình, tôi đã khá khó khăn trong việc đi tìm lại những giá trị, tư liệu, sản phẩm văn hóa gốc. Không chỉ chúng còn rất ít, hiếm hoi vì không được quan tâm và bảo tồn, hay được bảo tồn đúng cách. Mà thậm chí cả một số người phụ trách làm văn hóa họ cũng không đủ kiến thức và thật tâm trong việc bảo tồn, lưu giữ, tuyên truyền văn hóa dân tộc. Đôi lúc chỉ là đi xin tư liệu, xin thông tin để có thêm nhiều chất liệu tốt cho việc truyền bá văn hóa dân tộc tốt hơn đến giới trẻ và cho bạn bè quốc tế thôi mà cũng là khó khăn, lười biếng, thậm chí tìm cách moi tiền. Những “rừng vàng biển bạc” giờ cũng dần biến hết thành sân golf, resort, cáp treo với những thứ kiến trúc nửa mùa, lai căng rẻ tiền. Trong khi cái kiến trúc gốc của mình thì không biết trân trọng và thấy quý, và không biết rằng với thế giới đó mới là những điều rất đẹp và đặc biệt, là lý do để thế giới phải tới để gặp mình!

Thế thì làm sao mà một thế hệ tiếp theo được giáo dục tốt hơn và để cho chúng được kế thừa một nền văn hóa bền vững và phong phú?

Còn có những thứ vừa mới tranh thủ quay xong mà có khi chỉ sang tuần đã bị biến mất. Nhanh không kịp trở tay.

Khi không có văn hóa/di sản đặc trưng của dân tộc, bạn sẽ là gì giữa thế giới đại đồng này? Khi bạn đi ra thế giới, khi người ta hỏi bạn là người nước nào? Đặc trưng của dân tộc bạn là gì? Không phải đem ra món phở với mặc cái áo dài vào thế là bạn cứ là người Việt Nam. Cái tố chất văn hóa nó phải ở trong thần thái, sự hiểu biết, nó phải khiến người nước khác cảm thấy thú vị, khác biệt, phải “chất”, nó phải khiến họ nhận ra bạn ngay. Mà văn hóa là thứ phải trải dài qua thời gian, qua lịch sử, cái được thấm nhuần vào một con người từ lúc họ sinh ra. Làm sao bạn chẳng cần cứ phải mặc cái áo dài và cái nón lá nhưng khi người ta nhìn thấy bạn là một người Việt, người ta đã nghĩ ngay được tới món phở, những mái đình rêu phong, tiếng đàn bầu thánh thót. Khi không có văn hóa, tự nhiên bạn chẳng là ai, bạn cũng chẳng có cộng đồng, bạn chẳng có định danh dân tộc. Hay tệ hơn bạn lại thành công cụ đi quảng cáo văn hóa cho quốc gia khác. Mà bạn có vô tình hãy hữu ý “quảng cáo” văn hóa cho một quốc gia khác thì bạn cũng đừng quên bạn không bao giờ là một phần của họ, bạn chỉ là nô lệ văn hóa của họ!

Bạn nghe mấy lời này chắc thấy “đao to búa lớn” lắm nhỉ? Nhưng mà nghĩ kỹ thì nó là điều đang xảy ra mỗi ngày mỗi giờ và sờ sờ trước mắt đó. Và không phải bỗng nhiên mà có rất nhiều người con ở phương xa, khi đã đi ra tới thế giới, càng học hỏi và hiểu hơn về sự phong phú của văn hóa, lịch sử, di sản thế giới thì họ lại càng thấy quý, thấy tiếc, vội vàng muốn trở về để thưởng thức, tìm lại và rất nhiều tìm mọi cách để níu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử gốc đang vô cùng mong manh và mất đi mỗi ngày một nhanh như bây giờ. Rất tiếc phần lớn họ đều khá cô đơn trên con đường của mình và những gì họ làm được rất nhỏ lẻ.

Những tâm sự này với các bạn, tất cả đều là sự trải nghiệm của mình đó. Từ tư cách là một người đi sinh sống và học tập ở nước ngoài nhiều năm, một người làm phim đang bỏ rất nhiều tiền của và công sức của mình ra để làm những bộ phim về văn hóa, một người đã đi lang thang và được trải nghiệm với một số nhân chứng lịch sử, âm nhạc, kiến trúc mà tận mắt thấy mọi thứ đang mong manh và mất đi nhanh quá, một người nhìn thấy rõ ràng những sự xâm chiếm văn hóa tràn ngập vào cả một vài thế hệ mới, mà.. cũng không biết làm thế nào, vì mình cũng cô đơn và nhỏ bé, chỉ biết làm tốt nhất những gì trong khả năng, sự hiểu biết và trái tim mình mách bảo mà thôi!

Những câu chuyện này, mình sẽ còn kể nhiều, và mình sẽ kể bằng những bộ phim của mình nữa!

#tâmsựđêmkhuya

Ảnh: Ngôi đình bên cạnh cây Dã Hương 1000 năm tuổi ở Bắc Giang. Cây duy nhất còn lại trên trái đất. Có những điều hiếm quý như thế mà chính người Việt nhiều người cũng không biết.

Còn với mình, đây là kiến trúc dân tộc đẹp nhất thế giới!

(Visited 43 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments