#88: Ở rể thì có gì là xấu


Tư vấn lá cải: Hà Kin

Bài này giới hạn số chữ chứ không tớ nói cho cả mấy trang, hehe!!!

Phàm đã là đàn ông thì chắc chắn không thích ở rể. Bởi vì điều này động chạm đến lòng tự ái và sự sĩ diện đặc trưng của họ. Nếu ai đó nghe loáng thoáng đến việc anh A đang ở rể nhà chị B, thể nào cũng ít nhiều có sự lườm nguýt; “kém nhỉ, trông cái thằng ấy như thế mà phải đi ở rể!”

Vậy nghĩa là cái việc “ở rể” là một việc gì đó luôn được coi là tiêu cực. Nhưng thực sự ra, có mấy khi chúng ta phân tích đến những nguyên nhân cho việc “phải” đi ở rể hay không, chẳng lẽ cứ ở rể là “chó chui gầm chạn?”


Thường thì nếu không phải là những nguyên nhân “bất đắc dĩ” do “dòng đời xô đẩy” thì rất ít đàn ông chịu về nhà vợ ở với bố mẹ vợ. Những nguyên nhân được coi là “hợp lý” gồm có:

Nhà người vợ quá neo người, một là chỉ còn bố hoặc mẹ vợ, hai là bố mẹ vợ quá yếu, cần có người chăm sóc. Đặc biệt là khi vợ là con duy nhất trong nhà. Thường thì lý do này là lý do được “thông cảm nhất”, việc bạn ở rể trong trường hợp như vậy còn được mọi người nhìn bằng con mắt thiện cảm, chịu đi ở rể nghĩa là bạn là một người con có hiếu.

Hai vợ chồng chưa kịp có nhà riêng, do chưa có điều kiện mua nhà, đặc biệt là nếu bạn và vợ bạn không phải là người cùng quê, trong khi bạn và vợ lại đang công tác ở “quê vợ”.

Cần bố mẹ vợ để chăm sóc con cái, đặc biệt khi chúng còn rất nhỏ mà cả hai vợ chồng cùng bận rộn. Sở dĩ là để bố mẹ vợ chăm sóc, vì thường vợ bạn sẽ được quan tâm gần gũi hơn, đặc biệt là khi cô ấy đang ở cữ.

Đặc thù công việc của bạn hay đi công tác xa hoặc ít ở nhà, để vợ con cho bố mẹ vợ chắc chắn sẽ yên tâm hơn nhiều.

Những lý do “bị ghét”:

“Kém cỏi”, không đủ khả năng tài chính để chăm sóc nổi vợ con, phải “ở nhờ” nhà vợ, đặc biệt trong một thời gian dài mà không thấy có gì tiến triển.

Mặc dù có đủ tiềm năng về tài chính nhưng lại mắc bệnh ỷ lại, lười biếng, muốn được phụ thuộc vào bố mẹ vợ.

“Ở rể” để nịnh bố mẹ vợ, vì họ là những người giàu có, có chức quyền, bạn muốn “khai thác” họ để thăng quan tiến chức…

Tựu chung lại, nếu bạn là một người đàn ông, tâm lý vẫn không thích chuyện ở rể. Thậm chí ngay cả khi bạn dẫn vợ về ở với bố mẹ của mình cũng chắc chắn chưa là thoải mái. Các đôi vợ chồng thường thích sự tự do và không thích có sự can thiệp của “người ngoài” vào chuyện riêng của hai người, kể cả đó là bố mẹ, chưa kể họ còn là thế hệ trước, ít nhiều có sự xung đột về quan điểm sống. Mà đã là đàn ông, lại ở nhà vợ, hiển nhiên bạn khó có thể thể hiện cái “uy” của một người chồng, tức vợ mà không dám…lườm, muốn quát mà không dám quát, “vuốt mặt thì phải nể mũi”! Và tất nhiên, lý do nữa, sẽ bị người ngoài nhòm ngó! Có thể chuyện ở rể ngày nay đã được nhìn bằng con mắt thông thoáng hơn, nhưng nó chưa phải là một quan điểm đã được rũ bỏ hoàn toàn, ít nhiều sẽ có những lời nói động chạm của thiên hạ khiến bạn cảm thấy tự ái.

Vậy nếu bạn đang là một người đàn ông ở rể, bạn nên có những suy nghĩ như thế nào để thoải mái nhất?

Nếu bạn đang ở nhà vợ vì những lý do “hợp lý”. Tốt nhất là hãy thoải mái với chuyện này. Hiển nhiên không thể nào hai vợ chồng bạn sẽ tự do được như khi chỉ có riêng gia đình bạn, nhưng bạn nên có sự kiềm chế và tôn trọng với bố mẹ vợ, cho dù có muốn ra uy hay bực mình đến mấy. Đừng mặc cảm lẫn lộn chuyện “kiềm chế” và “tôn trọng” với chuyện “hèn kém”, “không có lòng tự trọng”. Rõ ràng, nếu vì lý do chính đáng, không phải vì chây lười, hèn kém, lợi dụng thì chẳng việc gì bạn lại phải cảm thấy xấu hổ vì cái sự đi ở rể như vậy của mình.

Mặc dù có thể có lúc bạn sẽ nghe được những lời dị nghị không hay về mình, hãy tiếp nhận nó theo hai chiều. Nếu là họ nói sai, bạn sẽ chứng minh cho họ biết bằng cách sống lành mạnh của mình, còn nếu thật sự bạn đang trong tình trạng “bất đắc dĩ”, muốn bứt ra ở riêng thật sự nhưng chưa đủ khả năng, thì hãy coi những lời “thị phi” đó là động lực để vươn lên. Còn nếu bạn là một kẻ thực sự lười biếng, chây ỳ, thích phụ thuộc, có “dụng ý”,thì đừng than phiền khi để bố mẹ vợ mệt mỏi, người đời coi thường, bạn chính là một trong những người đang làm xấu đi quan niệm “ở rể”!

Sống một cuộc sống lành mạnh, có chí hướng, có tình nghĩa, có quyết tâm, thì cái sự ở rể, có gì là xấu nào?

(Visited 3 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments