Posts tagged documentary

#581: Chouchou – thiên tài vô gia cư

Lúc thấy tiêu đề bài báo này mình đã thót tim. Bởi tưởng rằng đó là câu chuyện về Chouchou, một nhân vật mình đã gặp trong một cung đường roadtrip của mình trong những ngày lang thang trên nước Mỹ.

Thiên tài vật lý đỗ đại học năm 15 tuổi, từng được Mỹ trả lương 3 tỷ/năm: Giờ “ăn bờ ở bụi”, 55 tuổi không nuôi nổi bản thân (kenh14.vn)

Hồi đó, mình có một cuộc hẹn đi từ Dallas sang Houston, một chuyến lái xe 4 tiếng. Con đường hầu hết là freeway chỉ có thẳng tiến mà lái. Lái một mình và cái xe của mình cũ rích chỉ có những đĩa CDs nhạc blues mình burn ra để nghe suốt đường đi. Lúc đó luôn đang ý tưởng làm phim dạt dào nên cứ đắm chìm trong âm nhạc là lại tưởng tượng ra đủ tình tiết, bao ý tưởng cứ thế mà nảy sinh ra trong chuyến xe nhưng không dừng mà note lại được nên có lúc tới nơi thì lại quên mất.

Chuyến đi tới Houston ấy có chuyện không được vui vẻ cho lắm nên mình quyết định quay lại Dallas. Đang chuẩn bị lên đường thì lúc này một người bạn Mỹ trắng ở southern Illinois của mình lại nhắn tin muốn gặp gỡ. Sẵn đang buồn chán mình lại đồng ý lên đường. Nhưng mình bảo giờ mình lái lên đó chắc phải 9, 10 tiếng quá. Hay là bọn mình lái rồi gặp nhau ở giữa đường không? (Ở bên Mỹ là vậy đó, đôi khi tiện lái một ngày tới để gặp nhau là bình thường).

Và thế là mình lại lái thêm 4 tiếng nữa nửa đường lên Illinois để gặp bạn. Nơi bọn mình gặp chỉ là một cái town nhỏ vô danh hoặc có tên mình cũng chẳng nhớ, đúng chất midwest, mình còn chẳng nhớ nó ở Kansas hay Oklahoma. Cũng như bao thị trấn nhà quê khác của nước Mỹ, có một con đường chính gọi luôn là Main street, có một quán cafe to nhất, một quán bar to nhất ở giữa phố. Có một cái Walmart. Cuộc sống con người chậm rãi, thậm chí quá buồn tẻ, không một bóng người châu Á. Có lẽ cái quán bar ấy là thú vui lớn nhất của người dân nơi này. Nhưng vì mình không thích quán bar nên bảo xem ở đây có một quán ăn đậm chất miền quê nào nhất không thì vào chơi. Và đi một hồi thì cũng có một quán ăn nhỏ rất xinh. Quán là căn nhà gỗ, đồ ăn cũng chỉ là hamburgers, fried nhưng dân Mỹ nhà quê thì tới ăn rất đông. À, hôm đó cũng là cuối tuần.

Trong quán cafe có một cây đàn piano đã rất cũ, chắc phải những năm bao nhiêu của thế kỷ trước. Đàn luôn để mở có vẻ luôn có người ngồi chơi. Trong lúc order, cánh cửa bật mở. Một người đàn ông nhỏ bé lếch thếch, tóc lơ thơ nhưng râu khá dài, đôi mắt rất sáng bước vào. Đó chắc chắn là một người đàn ông vô gia cư, và kỳ lạ đó lại là một người đàn ông châu Á. Một người châu Á nơi này đã hiếm, mà lại còn là một người vô gia cư châu Á nơi midwest này thì lại quá hiếm. Cũng là điều đặc biệt là những người làm việc trong quán không hề có sự ngạc nhiên hay có ý định xua đuổi ông í đi. Một số khách thì ngó nhìn, một số khách còn nhìn ông í mỉm cười vẫy tay. Ông í với với một người phục vụ, chỉ vào cây đàn ý hỏi ngồi được không. Cô phục vụ ngó lên phía quầy ướm hỏi ý kiến manager, người manager vẫy tay ra hiệu ok.

Thế là ông í ngồi vào cây đàn. Ngay lập tức điều này đã khiến mình và người bạn mình dừng mọi cuộc nói chuyện và hoạt động, nín thở xem ông ấy sẽ làm gì. Mình để ý một số người cũng đã dừng lại nhìn ông ấy. Và chẳng phải đợi lâu, ông ấy vừa đưa đôi tay lên đặt vào phím đàn đã thấy dáng điệu uyển chuyển chuyên nghiệp của một người nghệ sĩ piano, mà là một người nghệ sĩ phải cực kỳ kỳ cựu chứ không phải chỉ là biết đánh đàn thông thường. Bạn mình cũng là một nghệ sĩ âm nhạc chơi saxophone nên bạn ấy còn đần hết cả mặt ra theo dõi ông ấy. Tiếng đàn ông ấy cất lên là gây sốc với tất cả mọi người, à hoặc chí ít là bọn mình còn chắc người dân nơi đây đã quen quá, bởi vì nó điêu luyện mượt mà bản năng và giàu cảm xúc không thể miêu tả được bằng lời nói nào cả. Gần như bọn mình bị đông cứng, tim đập thình thịch và không còn cả quan tâm đến đồ ăn đã được dọn ra từ lúc nào. Mình là dân ngoại đạo của âm nhạc còn ngớ ngẩn hết cả người nữa là người bạn của mình. Bạn ấy nghe mà mắt long lanh ướt nước. Và một hồi sau mình nhận ra mắt mình cũng rớt một giọt nước mắt xuống lúc nào không hay biết. Mình nghe thấy bàn ăn bên cạnh một người đàn ông thốt lên “Jesus”. Không phải ông ấy gọi người nghệ sĩ vô gia cư kia là “Jesus” mà đó là một câu nói cửa miệng của người Mỹ thốt lên khi gặp một sự kiện hoặc hiện tượng không thể tin nổi, dù là đó là một điều tích cực hay tiêu cực.

“Trời ơi ông ấy có thể ở đâu ra được nhỉ?” Người bạn của mình thốt lên. Và mình cũng muốn hỏi câu y hệt vậy. Tại sao một nhân tài đỉnh cao tới như thế này lại trong bộ dạng đáng thương và ở tận những nơi thâm sơn cùng cốc thế kia? Bọn mình kéo một cô phục vụ khá trẻ lại gần và hỏi ông ấy có phải là một nghệ sĩ piano không? Tại sao ông ấy lại phải là một người vô gia cư thế kia? Cô phục vụ còn đang bối rối chưa kịp trả lời thì một cặp vợ chồng già ngồi gần bàn bọn mình nói: “Oh, ông ấy không chỉ là một nghệ sĩ piano đâu, ông ấy còn là một nhà khoa học nữa đấy”. “What?”. Cả mình lẫn bạn mình lại ồ lên. Tới mức này thì bọn mình thấy “quá đáng” lắm rồi. Mình rất mong muốn liệu có nên tới nói chuyện với ông ấy không chứ trong con mắt của một người đang học phim như mình lúc đấy thì đó là nhân vật phim của mình chứ còn ở đâu ra nữa. “Can I talk to him? Can I make a film about him?”. Cặp vợ chồng nhún vai khi nghe mình hỏi. Họ nói rằng không chắc ông ấy tỉnh táo để nói được chuyện gì đâu. Ông ấy tới đây chắc cũng vài năm nay rồi, nghe nói là người gốc Hoa, mọi người hay gọi là “Mr. Chouchou” (không rõ lắm là mình nghe đúng không). Và quả thật bọn mình cũng thấy khả năng nói chuyện được với ông ấy là hơi khó. Ánh mắt của ông ấy tuy sáng nhưng rất ngây dại, dường như khi chơi nhạc ông ấy chỉ còn phần hồn, còn phấn trí thì không ở trong cơ thể ấy.

Bọn mình muốn hỏi thêm thông tin về Chouchou nhưng cũng không nhiều thông tin gì hơn ngoài việc ông ấy đã từng là một nhà khoa học rất tài giỏi, là dân nhập cư vào nước Mỹ, có lẽ cũng được học đàn chuyên nghiệp từ nhỏ và chắc chắn là người tài năng xuất chúng, mới trôi dạt về đây vài năm, nghe nói lúc về đã chỉ còn thân tàn ma dại thế này. Lâu lâu thèm đàn lại tới xin được đánh đàn. Còn ngày thường cứ lang thang bờ bụi, đứng xin tiền trên những ngã rẽ trên phố. Không rõ cuộc đời này những điều gì đã xảy ra ở miền đất hứa này với những con người xuất chúng như ông vậy?. Có lẽ ông cũng từng đến từ một gia đình gốc Á với những bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái với quá nhiều áp lực, có lẽ ông được trời cho được trí thông minh và tài năng kiệt xuất nhưng cũng lấy đi của ông những cảm xúc cân bằng của một người “bình thường”. Cũng có lẽ giấc mơ Mỹ này quá nhiều áp lực với một thiên tài như ông, còn lại là một người gốc Á sống trên một mảnh đất mà sự phân biệt chủng tộc đã luôn và sẽ âm ỉ bền bỉ trong lòng xã hội….

Bọn mình chẳng biết phải làm gì hơn và cũng lại sắp phải lên đường kẻo không trời tối. Bạn mình lục túi lấy một tờ 100 đô ra, mình thì nghèo hơn có tờ 20 đô. Bọn mình đi tới nhét vào cái túi áo nhếch nhác của ông ấy. Ông ấy cảm ơn rối rít, nhe hàm răng mất gần hết răng ra cười cảm kích. Thực sự lúc dó là một cảm giác tội nghiệp không thể miêu tả được bằng từ ngữ nào cả, thấy trái tim mình đập mạnh, cảm nhận được cả nhịp đập mà nhói lên bao là xót thương và tiếc nuối.

Bây giờ nghĩ lại thì mình thấy tiếc lắm, vì nếu lúc đó quyết tâm ở lại cái town ấy thêm hẳn 1 ngày để tìm hiểu thêm, rồi sau quay lại với máy móc thiết bị để làm một câu chuyện tài liệu về một cuộc đời ấy thì hay ho biết mấy. Lúc đó mệt mỏi quá, có nhiều chuyện lại không vui và cũng đang quá nhiều những quyết định ngổn ngang liên quan đến việc học hành. Và lúc đó có lẽ mình cũng chưa yêu thích tài liệu và hiểu được ý nghĩa của tài liệu tới như bây giờ…

Không rõ giờ Chouchou đang ở đâu? Thậm chí ông ấy còn sống hay không? Mình vẫn nhớ mãi lúc ông ấy vào trong quán, tuy rằng ngơ ngẩn với đôi mắt ngây dại nhưng vẫn biết rất lịch sự xin phép mới dám ngồi vào cây đàn. Một lúc sau ông ấy cũng được tặng một cái hamburger và rất lịch sự đi ra ngoài cửa ngồi ăn ở cái ghế gỗ chờ trước cửa chứ cũng không dám ngồi ăn ở trong quán.

Và nước Mỹ là vậy đấy, là nơi tụ tập của tất cả những thiên tài, tài năng xuất chúng đỉnh cao nhất nhì của thế giới này, cũng là nơi có những con người ngớ ngẩn, ngu xuẩn và dốt nhất cũng tầm nhất thế giới. Nhưng đôi lúc những thiên tài cũng rớt ngã và bị nhập vào những con người ngơ ngẩn lang thang ngoài đường thế kia và lặng lẽ chôn vùi những tài năng và trí tuệ của mình vào những bộ quần áo rách rưới bốc mùi, những chiếc biển xin tiền nơi cuối góc phố và chờ ngày cuộc đời như vậy là kết thúc. Những người vô gia cư trên đất Mỹ có rất nhiều là những bệnh nhân tâm thần, nghiện ngập. Và rất tiếc trong những đám người ấy có những con người đã từng là thiên tài đỉnh cao, đã từng có một cuốc sống rất huy hoàng chói lọi. Nhưng cũng không ai có thể cứu giúp được họ cả…

 

 

#575: “Fast car”: Lái xe đi hay ở lại và sẽ chết mòn thế này?

“Fast car” của Tracy Chapman là một trong những bài hát mình thích nhất khi nghe on road. Sẽ thú vị thế này: Khi ngày hôm qua mình viết bài review về một bộ phim tài liệu về một chàng trai Nepal sinh ra ở trên những nơi tận cùng của thế giới, nơi để đưa cậu và các em tới được thành phố, bố cậu đã phải mất một tháng vác chúng trên giỏ và gánh băng qua những dãy núi trùng điệp. Hành trình ấy hoàn toàn bằng đôi chân với một vài chú lừa. Một tháng để đưa con tới thành phố chữa bệnh và cho con được một chút giáo dục. Bố mẹ cậu yêu thương cậu vô ngàn nhưng khát khao được thoát khỏi hoàn cảnh để được khám phá bản thân, đi ra thế giới của cậu nó lớn lao như những đại ngàn nơi bố mẹ và ngôi nhà của cậu chỉ bé lọt thỏm ở giữa.

“Fast car” của Tracy Chapman có khát khao tương tự, đó là được thoát khỏi gia đình, thoát khỏi hiện trạng ngột ngạt của hiện tại, bước ra một vùng đất mới, với những ước mơ rất đơn giản như là chỉ cần “một công việc”, một sự tự do là mình để hiểu được ý nghĩa của việc “được sống”. Nhưng những ước mơ ấy lại ngập tràn những sự bế tắc.

Bài hát là một điển hình của những số phận của những người Mỹ nghèo (cụ thể ở đây là hoàn cảnh của một gia đình người da đen). Họ bị luẩn quẩn trong những cơn nghiện rượu, ma túy, thuốc giảm đau, sự phân biệt chủng tộc và tầng lớp xã hội. Những vùng quê nghèo ở bất cứ nơi đâu dù là nước Mỹ giàu nhất thế giới hay nơi tận cùng của dãy núi Himalayas cũng đều giống nhau ở sự đói nghèo, bế tắc và những ước mơ dữ dội của những đứa trẻ muốn được sống một cuộc sống đủ đầy mà chúng mơ ước. Đủ đầy không chỉ là chuyện vật chất, nó còn là kiến thức, sự tự do và có khi đơn giản chỉ là được thấy ánh đèn của thành phố.

Cậu trai Nepal trong “The only son” muốn được làm rất nhiều điều thật lớn và đi hẳn tới những quốc gia, vùng miền khác. Con đường đi từ nhà cậu ra được thành phố, tới sân bay là núi non thung lũng trập trùng. Nhưng qua được những dãy núi ấy, cậu biết đâu sẽ làm một người nổi tiếng và có một vài tác phẩm để đời. Còn “Fast car” của Tracy chỉ đơn giản là muốn vượt qua được biên giới bang để tới một thành phố khác, chẳng cần phải đi quá xa. Đường đi của cô gái trong Fast car lại quá đơn giản và bằng phẳng, cần một cái xe ô tô “đủ nhanh” là sẽ thoát khỏi được hiện tại. Chiếc ô tô ấy chỉ cần là một chiếc xe cũ thôi, nhưng nó chở bao nhiêu là ước mơ về sự giải thoát, được yêu và được sống như “một người bình thường”. Con đường đi theo đúng nghĩa đen của Tracy bằng phẳng và đơn giản hơn rất nhiều con đường đi của chàng trai Nepal. Nhân vật của Tracy cũng sống ở đất nước giàu có nhất thế giới, còn chàng trai thì lại ở một trong những nơi nghèo nhất thế giới. Cả hai rất giống mà khác nhau. Một con đường bằng phẳng, một con đường là chỉ có dốc cao vực sâu nhưng hai con đường ấy đều khó đi như nhau. Giấc mơ của chàng trai là thành một người đi ra thế giới và muốn làm điều gì đó lớn lao nhưng giấc mơ của Tracy chỉ cần được “làm 1 người bình thường với 1 công việc tử tế”. Nếu bố mẹ của cậu chàng yêu thương chàng hết mình nhưng vẫn sống trong sự cổ hủ và đói nghèo truyền thống thì người bố của Tracy lại là một ông nghiện rượu, mẹ thì bỏ đi. Hai bố mẹ hoàn toàn khác nhau nhưng chúng đều đau khổ vì không thể bỏ được họ để ra đi, nhưng nếu ở lại chúng cũng sẽ chết dần chét mòn. Cả hai đều muốn thoát khỏi gia đình, đều muốn được sống là mình và những khát vọng của họ đều mãnh liệt như nhau, những nỗi đau khổ cũng giống y nhau.

Điều thú vị được thể hiện rõ nhất ở bộ phim và bài hát đó là cách kể chuyện về cùng một vấn đề trong những hoàn cảnh khác nhau về địa lý (dù cách kể chuyện bằng hình thức khác nhau), và cho thấy cùng một vấn đề nhưng trong những nền văn hóa khác nhau chúng vẫn giống nhau tới lạ kỳ, những quy luật cuộc sống và khát khao cơ bản của mỗi người lúc nào cũng vẫn luôn là thế. Những bài hát, những cuốn phim này đều là những câu chuyện cuộc sống thật nhẹ nhàng, mà ý nghĩa, với mình thì chúng là “food for mind”.

Mình rất mê những nghệ sĩ như Tracy Chapman. Đây là những con người mà âm nhạc và tư duy kể chuyện bằng âm nhạc đã có từ trong máu từ khi họ sinh ra. Những tác phẩm của họ đều chính là những câu chuyện và trải nghiệm sống của chính họ. Chúng vô cùng sâu sắc, nhiều triết lý cuộc sống được ẩn giấu trong những câu chữ rất nhẹ nhàng và những câu chuyện rất đời. Một câu hát tiếng đàn họ cất lên đều tự nhiên như hơi thở. Những nghệ sĩ như Tracy Chapman, Jewel, Bob Seger (và nhiều nhiều lắm) đều có những xuất thân cực nghèo khó và đến từ những nơi ngập tràn rượu và ma túy. Nhưng tài năng thì một khi đã trổ thì vượt lên cấp toàn thế giới, họ thậm chí có khi một ngày còn chẳng được đi học một nốt nhạc. Âm nhạc cũng toàn những câu chuyện và tâm tư cuộc sống rất đời thường, chẳng cần phải trưng trổ bất cứ kỹ thuật gì cao siêu, vì chỉ cần họ cất tiếng là không có ai có thể bắt chước được họ và vẫn đến được với sự đồng cảm với bất cứ khán thính giả nào trên trái đất này. Mà cái này, chỉ có thể là sinh ra có từ trong máu, và số phận được ông trời ban tặng. 8 tuổi Tracy đã biết sáng tác rồi cho dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Số đã nổi tiếng, đã tài giỏi thì con đường dù khó khăn đến mấy như những dãy núi Himalayas hay chỉ có một chiếc ô tô quá cũ nhưng sẽ vẫn “đủ nhanh” để vượt lên highways đi ra thế giới.

À mà nếu để ý thì mấy nghệ sĩ này hầu như chả có cái scandals gì, họ sống vững chắc trong lòng người hâm mộ dù năm tháng có qua đi bao nhiêu lâu!

A Tracy Chapman fan! Love you, Tracy!

#writingformyself

#574: “The only son”

Tối nay bạn thích xem một bộ phim tài liệu không?

Thỉnh thoảng lại stumble được một số phim tài liệu rất hay trên Youtube. Mình rất thích xem những phim tài liệu độc lập của các bạn quốc tế trên Youtube. Mà đôi khi cũng chẳng cần là phim, chỉ là những videos kể chuyện về những trải nghiệm sống, văn hóa vùng miền của con người từ vùng lạnh nhất tới nơi nóng nhất, xem họ sống thế nào, có gì thú vị, học hỏi và ngẫm nghĩ được biết bao điều.

Đỉnh núi Himalayas là một trong những đề tài mình rất thích xem, không biết có phải vì đã từng được tận mắt thấy Everest từ máy bay hay do xem 7 days in Tibet mà cứ mỗi lần thấy Himalayas là bồi hồi. Đêm hôm bữa play đến “The only son”, câu chuyện của một chàng trai Nepal từ nơi nghèo khó và xa xôi tận cùng trên dãy núi Himalayas mà có một tư tưởng cực kỳ khác biệt, rất hiện đại hiểu biết, vượt lên mọi những hủ tục của gia đinh, làng tộc để dũng cảm vượt ra khỏi vũng lầy của đói nghèo và thất học. Nghe thì tưởng như là một quá trình rất epic nhưng cái hay là nó chỉ kể bằng một chuyến đi từ thành phố trở về nhà cùng một chút background của chàng trai mở đầu về gia đình. Còn lại là những lời kể mộc mạc, dung dị và trăn trở, đấu tranh mãnh liệt của lương tâm khi phải quyết định sẽ đi ra thế giới rộng lớn vĩ đại ngoài kia để giải thoát bản thân hay sẽ quay trở lại quê nhà lấy vợ, chăm sóc bố mẹ già yếu và mảnh đất rộng lớn của tổ tiên để lại cần phải canh tác và cai quản, và bởi vì cậu là “cậu con trai duy nhất”.

Những bộ phim này mình thấy rất hay không hề vì hình ảnh phải đẹp hay sự epic, những lời dạy đời đạo đức ra vẻ cho phim có chiều sâu. Mình thấy rất hay vì những điều rất thật thà, những hiện tại rất khắc nghiệt, những nền văn hóa tưởng địa lý thì rất xa chúng ta mà lại rất tương đồng, những bài học cuộc sống về tình yêu với gia đình, về khát vọng bản thân và những nỗ lực sống vĩ đại. Chúng được kể và thấm cho người xem một cách rất tự nhiên, rất đồng cảm.

Những nhóm người thiểu số sống trên núi cao dù bất cứ đâu, ta đều thấy một điều thú vị là họ có rất nhiều điểm tương đồng trong văn hóa và lối sống sinh hoạt. Họ đều là những con người lao động rất cực khổ, người phụ nữ phải luôn mang vác rất nặng và vất vả vừa phải trèo núi lội suối để làm nông, cắt cỏ, chở củi, vừa vẫn phải nấu nướng dọn dẹp, chăm sóc con cái và những người chồng gia trưởng. Và đều có những hủ tục rất giống nhau, những truyền thống văn hóa rất giống nhau. Như con cái lập gia đình rất sớm (chủ yếu để thêm người lao động) và trọng nam khinh nữ. Nên khi mình xem những câu chuyện này mình đều thấy rất đồng cảm và gần gũi, vì đó là những câu chuyện mà mình bắt gặp không phải tận Himalayas mới thấy mà ở ngay trên những vùng núi hay cao nguyên mình đã đi qua.

Nhưng hoàn cảnh gia đình của chàng thanh niên trong phim cũng là một hoàn cảnh khá đặc biệt. Gia đình có 11 người con, cậu là con trai duy nhất. 8 tuổi, cậu suýt chết vì bệnh sởi. Bố cậu đã gánh cậu và mấy người chị em gái trên vai để tới thành phố. Nhưng để tới được Kathmandu, thủ phủ của Nepal, thì ông bố ấy phải gánh các con đi bộ và leo núi đồi gập ghềnh, đi qua những thung lũng cánh đồng đúng 1 tháng trời. MỘT THÁNG TRỜI! Mà các bạn biết Himalayas chưa bao giờ là một dãy núi tầm thường. Ông bố vĩ đại ấy đã vác các con lên thành phố để các con có thể thay đổi cuộc đời. Đứa con gái lớn được sang Mỹ làm con nuôi. Đứa thứ hai bị bỏng suýt chết được một gia đình Hà Lan nhận nuôi. Còn cậu được ăn học ở Kathmandu cùng hai em gái nhỏ nữa. Đó là những chuyến đi nhiều lần 1 tháng của người bố. Hình ảnh người bố khắc khổ và nụ cười hiền trong phim sẽ không thể làm cho bất cứ ai không xúc động. Nhiều năm sau đó, ngay cả khi cậu đã lớn và trưởng thành và đưa các em trở về nhà, con đường ấy đã rút ngắn lại được bằng những chuyến trực thăng dân sự, nhưng vẫn mất thêm 10 ngày đi bộ leo núi nữa mới trở được về nhà thăm bố mẹ. Và người bố ấy vẫn sẵn sàng đi bộ cả 10 ngày để tới đón các con hay lại tiễn các con trở về.

Cậu thanh niên may mắn được ăn học ở thành phố, được đi du học, được gặp lại các chị đã đều thành người nước ngoài, thậm chí còn không nói được cả ngôn ngữ gốc. Nhưng nỗi đau lòng trăn trở khi bố mẹ ở quê xa quá cực khổ và quá yêu thương mình, cậu sẽ phải lựa chọn. Trở về lấy vợ chăm sóc bố mẹ cho tròn chữ hiếu hay là đi ra thế giới văn minh để được phát triển bản thân? Nếu là bất cứ một ai vào hoàn cảnh này, chắc chắn đều là những sự dày vò đấu tranh khủng khiếp, và không có lựa chọn nào là xuôi được hoàn toàn với lương tâm.

Những lời thoại và tranh cãi giữa cậu và bố mẹ rất giá trị. Cậu chàng thì tìm đủ mọi cách giải thích tư tưởng tân tiến cho bố mẹ (nhưng làm sao họ hiểu được, họ đã sống và quá quen với cuộc sống như vậy rồi). Nhưng cũng chính vì thế cậu cũng sẽ không thể hiểu được những tâm và mong muốn của bố mẹ. Ai cũng cho rằng mình đúng. Con không hiểu bố mẹ, bố mẹ không hiểu con. Và cũng chắc gì những khán giả trung gian như chúng ta hiểu đúng để đánh giá họ. Vì cái đúng sai trong mỗi nền văn hóa và lối sống là khác nhau. Bạn lớn lên thế nào, bạn được dạy thế nào, hay trải nghiệm của bạn thế nào, đó là cái đúng theo quan điểm của bạn. Nhiều khi mình xem câu chuyện của người lạ như vậy là để reflect lại chính hoàn cảnh của rất nhiều trong chúng ta.

Mình thương cái sự thương con đầy khắc khổ của người bố mẹ trong phim. Người mẹ với làn da nhăn nheo vì quá khổ cực với bao trăn trở vì sợ mình sẽ chết già trong cô đơn cùng mảnh đất rộng lớn. Nhưng những đứa con rất yêu thương bố mẹ, rất có hiếu, tình yêu của chúng đong đầy trong ánh mắt. Nhưng trong ánh mắt đầy yêu thương của cậu trai ấy là sự mãnh liệt của sự tự do và quyết đoán, sẽ phải rời xa bố mẹ cho dù yêu thương bố mẹ vô cùng.

Câu chuyện này rõ ràng không phải là một câu chuyện “bình thường” hay là của một gia đình điển hình của người dân sống trên núi hay những vùng đất nghèo khó hiểm trở. Không phải dễ dàng sinh ra từ nơi sâu thẳm của những vùng tận cùng của thế giới mà những đứa trẻ lại có tư duy hiện đại tân tiến và quyết tâm phá bỏ truyền thống, quy tắc, cả nén những yêu thương với gia đình để vượt ra khỏi hiện tại đói nghèo và hủ tục để được sống một cuộc sống nhiều tri thức và được khám phá bản thân. Nhưng chính vì thế có khi nó làm thức tỉnh rất nhiều con người, dù vùng núi xa xôi hay thành phố hiện đại, và KHÔNG THỂ ĐỔ LỖI CHO HOÀN CẢNH. Cho dù xuất phát điểm của bạn thế nào, bạn muốn cuộc đời mình tốt đẹp hơn, đó là lựa chọn của bạn. Và không có sự lựa chọn nào ở cuộc đời này là hoàn hảo, bạn sẽ luôn phải đánh đổi, bạn sẽ sống cho mình hay là gia đình? Bạn sẽ sống vì bản thân mình với những khả năng của mình hay let it slide và sống một cuộc sống mờ nhạt như bạn đã được sắp xếp? Bạn có muốn thoát khỏi sự đói nghèo hay ngột ngạt của bạn hay không? Nếu có bạn phải rất chăm chỉ, dũng cảm và phải đánh đổi!

“The only son” là một bộ phim tài liệu mình thấy rất thích không chỉ vì nội dung mà còn vì cách kể chuyện voice over rất dung dị, thỉnh thoảng kể sau hình ảnh để khán giả được suy nghĩ, cinematography rất đơn giản nhưng lại rất chuyên nghiệp, âm nhạc tối thiểu nhưng rất phù hợp và day dứt, những lời kể tâm sự nhẹ nhàng nhưng dẫn dắt người xem rất cuốn hút. (À nhưng đương nhiên nó chỉ cuốn hút khi bạn là tuýp ưa thích tài liệu, thích khám phá thế giới và không phải tuýp chỉ thích xem những thứ giật gân hay hào nhoáng).

Một trong những cái hay của tài liệu độc lập thế này đó là tính thức thời và nhanh trí của người làm phim. Họ đã nhận ra được ngay nhân vật và đề tài từ rất sớm để bắt đầu ghi chép lại thành cả một quá trình. Phim này được làm bởi một nhà làm phim độc lập người Hà Lan và có lẽ câu chuyện của cậu trai đã được chia sẻ khi cậu đang đi du học ở Hà Lan và ngay lập tức: Đây là một câu chuyện phải được kể! Và cái máy quay đã bắt đầu chạy, âm thanh đã phải được thu và ổ cứng đã được nạp.

Với mình thì điều này xảy ra thường xuyên, mình luôn nhìn ra mọi đề tài rất nhanh, rất nhiều câu chuyện cuộc sống vô cùng hay và độc đáo. Chỉ rất tiếc mình chưa có đủ máy móc, tài chính và đặc biệt là người bạn đồng hành đủ tinh tế và có thời gian để thực hiện những câu chuyện như thế này. Vì làm tài liệu không hề đơn giản một chút nào, đó là thời gian, tiền bạc ứng ra và phải hiểu về cuộc sống, về thế giới, kỹ năng ứng xử với con người, phải biết nhìn ra những điều để kể qua ống kính. Như bạn nhìn thấy một khuôn hình trong bộ phim, có khi người quay phim không hiểu hết ngôn ngữ của câu chuyện, nhưng họ biết lia đúng chỗ, đúng nơi, đúng khuôn, vì một người làm phim tài liệu rất sâu sắc và nhạy cảm!

Trên Youtube thì những phim kiểu này rất nhiều, và đều rất hay. Mình đợi tìm được người bạn đồng hành ấy để được hòa vào thế giới này! Có nhiều chuyện rất hay, rất rất hay ước gì được kể!

Link phim ở dưới comment. Hãy xem hành trình của chàng trai ấy!

#571: Someone had to go in

“Some one had to go in”

Xem và đọc tư liệu về thảm họa Chernobyl thấy thật là khủng khiếp. Có lẽ vì chuyện xảy ra quá lâu và nó ở quá xa mình nên khi nhắc đến nó người ta cũng không nghĩ gì nhiều, hoặc giả sử cũng biết nó rất là kinh khủng cũng không thể cảm được cái sự kinh khủng đấy nó như thế nào.

Cảm giác xem những tư liệu về Chernobyl như ở trong một cái phim kinh dị kiểu X-files, những sự hy sinh của con người trong đó quá tàn khốc và hậu quả nó để lại tới giờ vẫn bị bưng bít và không thể nào thống kê nổi.

Ngày 26/4/1986. Nhà máy hạt nhân Chernobyl ở phía bắc Ukraine, gần thành phố Pripyat (lúc này vẫn thuộc Liên bang Soviet) đã bất ngờ phát nổ do lỗi điều hành của kỹ thuật viên. Điều đáng sợ là ngay cả những người làm việc trực tiếp với hạt nhân, các chuyên gia và cả chính phủ cũng chưa hiểu hết và lường hết được hậu quả của lượng phóng xạ gây tác hại tới con người. Thế nên ngay khi thảm họa nổ ra, các thành phố sống xung quanh cách nhà máy điện vài km, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường không có sự báo động. Các nhân viên cứu hỏa, nhân viên y tế đầu tiên tới cứu nạn hiện trường cũng không có trang phục bảo hộ. Theo thống kê, thảm họa Chernobyl gây hậu quả phóng xạ gấp 400 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.

Câu nói ám ảnh nhất của một vị tướng phụ trách chiến dịch cứu nạn Chernobyl là: “Someone had to go in”. Tức là biết chắc đi vào đó để dập nóng và ngăn chặn phóng xạ là chắc chắn sẽ bị nhiễm xạ và đi vào cửa tử nhưng người ta buộc vẫn phải vào. Hàng ngàn thợ mỏ đã đào hầm ngày đêm để tiếp cận được lõi trong của nhà máy mà không thể dùng bất cứ bảo hộ gì, vì họ cũng không thể thở khi dưới hầm, và họ phải ăn và uống những chai nước nhiễm phóng xạ. Ước tính sau này 1/4 trong số hàng ngàn thợ mỏ đó đã chết trước tuổi 40 và số còn lại thì chết dần chết mòn và không thể có gia đình toàn vẹn. Còn lại là hàng ngàn người lính, các chuyên gia, các nhà khoa học, hơn 600 phi công đã được điều tới và buộc phải expose bản thân ra lượng phóng xạ ở mức cả triệu lần cho phép để tìm cách dập nhiệt, ngăn không cho phóng xạ bay xa và hơn cả là để tránh cho một trận nổ hạt nhân thứ hai xảy ra, một trận nổ mà như ước tính có thể quét đi một nửa châu Âu. “Someone had to go in”. Thời này chưa có A.I và robot công nghệ cao nên không thể dùng chúng để làm những công việc thủ công mà vẫn bắt buộc con người phải làm. Một số robot cũng đã được sử dụng nhưng chỉ tới ngày thứ 2 là chính máy móc cũng phải chịu thua trước phóng xạ, và chỉ có thể là con người phải bước vào.

Chắc không thể tính nổi đã bao nhiêu trí thức, nhân tài, mạng sống con người buộc phải “go in” để giải quyết một trong những thảm họa “man-made” kinh khủng nhất của nhân loại này. Có những người buộc phải vào tận lõi của những cột chứa phóng xạ để dập nhiệt, mỗi một giây họ ở đó là một vài năm cuộc đời của họ bị rút ngắn lại. Nhờ có họ mà thế giới đã ngăn được trận nổ phóng xạ thứ hai, ước tính độ phóng xạ sẽ gấp hàng nghìn lần hai quả bom ở Hiroshima và Nagasaki.

Thật đáng buồn là những vị anh hùng ấy ít ai nhớ được tên tuổi, ít ai được biết tới hay thậm chí cả sau này khi chết dần chết mòn vì nhiễm xạ họ cũng không có được những chế độ phúc lợi xã hội tử tế. Họ cũng không thể được công khai ca ngợi vì những số liệu và thông tin của Chernobyl sẽ luôn bị giấu nhẹm. Hậu quả thực sự và số lượng người bị nhiễm xạ, chết vì ung thư và các hậu quả từ sự cố này sẽ không bao giờ có một con số công khai hay thậm chí được nghiên cứu tử tế.

Người ta nói rằng để quay lại Chernobyl và có thể sinh sống bình thường trở lại thì phải mất ít nhất một vài chục nghìn năm nữa. Mỗi năm lớp phóng xạ lại ngấm thêm vài cm vào lòng đất, giờ nếu muốn biến chỗ này thành miền đất sống thì chỉ có bóc hết mấy chục cm lớp đất bề mặt của toàn bộ nơi này, cộng thêm vài trăm năm để cải tổ lại đất đai và môi trường thì may ra mới có thể trở lại. Đương nhiên điều đó là không tưởng.

Nhưng có một điều kỳ diệu kinh khủng khiếp. Chernobyl là biểu tượng vĩ đại về sức sống mãnh liệt của thiên nhiên. Đó là trong khi con người vẫn chờ vài chục nghìn năm để được quay trở lại (mà khả năng là con người bị tiêu diệt trước đó rồi), thì thiên nhiên đã quay trở lại, chỉ 30 năm sau thảm họa. Cỏ cây đã tươi tốt, những loài vật hoang dã đã xuất hiện. Có lẽ hy vọng nơi này một vài trăm năm nữa sẽ là những khu rừng nguyên sinh vì con người 0 thể tới. Thế nên dù con người có phá hoại thế nào thì trái đất sẽ luôn ở đây, thiên nhiên sẽ luôn quay trở lại, chỉ có con người là tự hại mình và hại chính môi trường sống của mình. Rừng có thể bị chặt hết, cá dưới biển bị bắt hết, nhưng rồi bão lũ thiên tai sẽ tràn về cuốn hết con người đi. Và khi không còn con người, thiên nhiên sẽ quay trở lại nhanh hơn bao giờ hết! Nên mọi ý định tiêu diệt thiên nhiên chỉ là mình tự diệt mình thôi chứ thiên nhiên và trái đất sẽ luôn ở đây!

À nhắc tới vụ Chernobyl lại nhớ ra hồi mình bé tí bập bõm đọc báo An ninh thế giới, có series ly kỳ về những loài chuột đột biến do bị nhiễm xạ mà to nặng tới 20kg. Mà viết ly kỳ hấp dẫn lắm luôn, làm cháu nó hóng chờ mỗi tuần báo ra đọc ngấu đọc nghiến. Rồi sau này cháu nó lớn lên cháu nó mới biết tổ sư bố series biên dịch từ loạt báo lá cải nào đó từ đất nước Trung Hoa xa xôi, tin sái mẹ nó hết cả cổ, đèo mẹ :)).

Fact: On 4 May 1986, just a few days after the initial disaster, mechanical engineer Alexei Ananenko, senior engineer Valeri Bespalov and shift supervisor Boris Baranov stepped forward to undertake a mission that many considered to be suicide.

#569: Ông Tuyên và con bọ ngựa trong đám cưới Hạnh Duyên

Father’s day. Mình kể cho các bạn nghe một câu chuyện nhỏ xinh này nhé. Nhớ xem video nhé ;;)

Hôm đó là đám cưới của Hạnh Duyên, cô cháu ngoại duy nhất của ông Tuyên và bà Thọ.

Đám cưới rất nhỏ xinh, chắc cỡ tầm gần 30 người, nhẹ nhàng nhỏ bé trong một không gian xanh mướt của cây lá và tiếng ve. Lần cuối gặp cô dâu lúc đó còn bé tí tẹo, trắng và xinh như con búp bê, giờ đã là một cô gái trưởng thành xinh đẹp đang làm đám cưới một anh chồng tận trời Ấn.

Ông ngoại Tuyên năm nay đã gần 90 tuổi, từ hồi đến nhà ông ở khu tập thể cũ tới giờ ông cũng không nhớ Hà Kin là ai nữa cả. Tuy nhiên đó là vì đã quá lâu chứ quả thật hiếm khi nào thấy có một người vẫn khỏe khoắn, minh mẫn cả trí tuệ lẫn vóc dáng như ông. Mà tư duy, suy nghĩ của ông vẫn sắc lẹm nguyên, lại rất chi là hiện đại nữa. Ông là một nhà nghiên cứu khoa học mà lại!!!

Ông cứ hỏi cháu giờ làm gì. Mình bảo giờ cháu đi làm phim tài liệu đấy. Mà khi trả lời ông xong là mình đã hấp háy thấy ông quả là một nhân vật thú vị của tài liệu đó, và y như rằng chỉ một hồi sau ông thành nhân vật trong một câu chuyện quá đáng yêu và xúc động xảy ra trong đám cưới của Hạnh Duyên rồi.

Bỗng nhiên từ đâu một con bọ ngựa bò đến chơi với ông và cứ quấn lấy ông. Con bọ ngựa trèo lên áo, ngó nghiêng thăm thú đám cưới. Thế là từ lúc đấy, ông và con bọn ngựa không rời nhau nửa bước. Ông rất dịu dàng đặt nó lên tay, lên áo, cho cả trèo lên đầu. Kể cả khi đi ra ăn hay uống nước bọ ngựa cũng đi theo ông, ông còn sợ nó khát nước, rồi lo lắng không biết nó muốn ăn gì. Hôm đó mình đi chơi và chỉ cầm theo cái máy Leica với một cái ống máy phim mà là ống fix. Mặc dù máy có mode quay phim nhưng cái mày này đến chụp ảnh còn phải cỡ nghệ nhân lấy nét mới được tấm hình chứ chưa nói là quay được. Ống phim cổ thì lấy nét càng khó và càng về tối thì càng nhòe. Điện thoại cùi của mình thì không còn chút dung lượng nào. Nhưng quả thật, vừa ngay khi thấy hình ảnh ông cụ lụi cụi nâng niu con bọ ngựa trên tay và họ không rời nhau nửa bước, mình đã ngay lập tức thấy có một câu chuyện cần được kể. Thế là thôi kệ là Leica lấy nét quá khó và rất rung, mình cứ chằm chằm đi theo ông bấm quay. Mà vì lấy nét khó và lâu quá một hồi ông để ý và bỗng tỏ ra sốt ruột: “Ô kìa, cô nghỉ ngơi đi, ngồi xuống ăn đi, ngồi xuống uống nước đi”. Thì bởi vì bỗng đâu có một cái cô này cứ lén lén cầm cái máy lên mắt cứ hấp háy xoay xoay cái ống kính căng thẳng mãi như thế làm ông thấy… xót xót. Cơ mà mình bảo ông: “Ơ ông ơi, nhưng mà cháu phải quay cho nó.. đủ dữ liệu để làm phim về ông”. Ông nghe xong sợ quá cơ, ông cũng chẳng hiểu mình đang làm cái gì :)).

À, thì câu chuyện này rất nhỏ xinh thôi và lúc đấy ai cũng bận rộn với cô dâu chú rể cả. Trừ mình và ông cứ quấn quanh con bọ ngựa. Còn bạn sẽ hỏi vì sao mình lại thấy một câu chuyện về ông cụ và con bọ ngựa, thì bạn xem cái “phim tài liệu” ấy sẽ hiểu liền.

Vì mình nhạy cảm với những cảm xúc xung quanh. Mình bắt đầu cầm cái máy lên quay ngay khi mình chỉ nhìn thấy một hành động, một câu nói mà mình biết rằng, đó sẽ là một câu chuyện để kể.

Bà Thọ đã mất hơn 10 năm nay. Mỗi ngày ông vẫn ngồi viết sách, đọc nghiên cứu và trò chuyện trước bàn thờ với bà trong căn phòng tập thể cũ, bên cây đàn piano mà cô con gái duy nhất của ông bà: biên tập viên Thu Uyên đã học chơi từ thủa nhỏ.

Hôm nay cô cháu ngoại duy nhất của ông cũng làm đám cưới. Trước khi tới dự đám cưới, ông đã gửi lời mời dự đám cưới tới bà Thọ, tới bố ông, tới những người thân yêu đã mất của ông. Vì ông rất nhớ bà nên ông ước mong vào cái ngày trọng đại này, bà sẽ ở đó cùng ông để dự đám cưới của cháu.

Và khi con bọ ngựa bất ngờ tới với ông và quanh quẩn với ông, chứng kiến toàn bộ lễ cưới cùng ông cho tới tận lúc về. Tất cả những ai lúc đó đều cảm nhận được một sự cảm mến quấn quít vô hình giữa ông và con bọ ngựa, và nó rất kỳ lạ, nó không hề là một câu chuyện mê tín hay tâm linh. Một cảm giác rất thật và đầy niềm tin rằng, đó có thể là bà Thọ, đã về dự đám cưới của cháu vào ngày hôm nay. Và ông không hề cô đơn chút nào. Chính vì thế, hôm đấy ông đã rất vui và có có được một cảm giác trọn vẹn.

Ông là một nhà nghiên cứu khoa học, ông bảo không mấy khi ông tin vào những chuyện duy tâm. Nhưng không biết sao, hôm nay ông tin, ông cảm nhận được sự xuất hiện của bà, và ông đã rất vui.

Thực ra với mình, câu chuyện tưởng nhỏ xinh vậy nhưng nó không hề dễ kể, thậm chí rất là khó. Đó là những cảm xúc rất trừu tượng, là những điều rất khó diễn tả nếu chỉ bằng hình ảnh. Ở đây cũng chẳng có ai là diễn viên, cũng chẳng bắt ai nói được ra những điều đang nghĩ, cũng sẽ chẳng có thuyết minh hay lời bình nào hết. Nhưng mình lại cho rằng nó là một thử thách để mình rèn luyện cách kể chuyện bằng hình ảnh, và hơn cả, nó là một câu chuyện quá đáng yêu và rất xúc động mà với một người mê kê chuyện bằng hình ảnh như mình không thể nào bỏ qua. Và thế là, ông cứ ngồi bên con bọ ngựa, còn mình thì ngồi ngắm họ.

À mà, người ta hay kể về sự hiện diện của người đã khuất trong một sự kiện quan trọng của gia đình qua một loài vật nào đó ghé thăm, thường rất hay là một con chim, hay một con bướm… hiếm khi là một con bọ ngựa. Con bọ ngựa nếu xét trong thiên nhiên tàn khốc thì nó còn là… biểu tượng ăn thịt bạn tình. Nhưng chúng ta chẳng cần một biểu tượng gì ở trong câu chuyện này cả. Ta chỉ nghĩ rằng, chỉ cần được hiện diện trong bất cứ hình hài gì để được trở lại gặp người yêu thương trong một dịp quan trọng, đó đã là sức mạnh mãnh liệt của tình yêu. Và nếu đó là một con chim, hay một con bướm nó sẽ bay đi rất nhanh, hay dù nó có là một con vật nào khác cũng không thể nào dũng cảm và kiên trì ở lại với con người suốt cả một buổi dài như con bọ ngựa thế này.

Còn nếu nói về biểu tượng, hình ảnh con bọ ngựa hay chắp tay lạy trong văn hóa Hy Lạp và Ai Cập cổ đại biểu trưng cho sự chỉ đường dẫn lối cho những ai đang cần phương hướng, dù là trong sự sống hay cái chết. Trong Phật giáo, con bọ ngựa tượng trưng cho tính nhẫn nại và bền bỉ. Còn trong văn hóa Châu Phi, bọ ngựa là sự hiện diện của tổ tiên hoặc biểu tượng của sự may mắn.

Hôm nay là ngày của Bố. Gửi tặng các bạn một câu chuyện nhỏ xinh ngọt ngào về một người Bố, một người Ông, một người Chồng tình cảm nhé!

Hãy bỏ qua phần hình ảnh hơi rung lắc và out of focus nhé vì cái máy của mình đến focus puller chuyên nghiệp cũng khó mà có thể làm tốt hơn :)). Xin cảm ơn một số video xin thêm được từ điện thoại của chị Dinh Anh TuyetDương Huy. Huy còn tới tận nhà ông để quay giúp thêm cho mình căn phỏng nhỏ của ông, nhờ vậy mà một câu chuyện đã được trọn vẹn hơn như thế!

Cảm ơn anh Phong Xuân Dư đã đàn piano làm “nhạc phim” cho câu chuyện đáng yêu này nhé! Anh em mình tương lai phát huy nhé, còn nhiều phim cho anh làm lắm đây :)).

Cảm ơn chị Thu Uyên đã mời em tới dự đám cưới và đây là quà em xin gửi tặng lại gia đình nhé hihi.

Ông Tuyen là vui nhất đấy, ông nhờ? Nếu các bạn có để ý, sẽ thấy rằng, ở đám cưới Hạnh Duyên, ông vẫn mặc nguyên cái áo trắng và vẫn cái calavat mà ông đã mặc hôm đám cưới của mẹ Hạnh Duyên hơn 30 năm trước.

Khi nào kể lại tiếp bằng tiếng Anh nhé!

From Hà Kin with love

 

 

#561: Mù Cang Chải chưa tới mùa nước đổ

Có một số chuyện phiền trong lòng, có một số nỗi buồn. Thế là buổi chiều vác cái balo nhỏ lên vai, không cả cầm theo máy ảnh vật vốn tưởng luôn bất ly thân, nhảy lên một cái xe khách. Mặt trời vừa kịp vàng như quả cam đang rớt xuống phố xa đông đúc nóng nực. Mình đi cái chuyến xe dài nhất mà phải là đường núi cơ. Tới 2h sáng xin xuống giữa đường núi. Gọi cửa một cái homestay có số điện thoại trước cửa. Có một cái giường mini bé xíu nằm chợp mắt mà chợp không được vì cái giường nó vừa cứng vừa nghiêng :)). 6h một cơn mưa to ào ạt đổ xuống núi đồi. Mở cánh cửa ra choáng ngợp vì một không gian kỳ vĩ với những ngọn núi ruộng bậc thang chưa đến mùa đổ nước, con suối lớn dưới chân núi chảy róc rách. Chim líu lo ríu rít khắp các bụi tre ngọn cỏ.

 

Trời hửng nắng, các bà các chị người Mông hối hả đi cắt cỏ trâu, người thì ngồi cắt vải may vá. Mùa này Mù Cang Chải không một bóng khách du lịch vì chưa đến mùa đẹp. Nhưng mà mùa du lịch thì chưa chắc mình đi. Mình thích ngắm một cuộc sống rất bình dị, bình thường, giản dị của núi rừng, thích làm bạn với những điều dễ thương. Cũng chẳng cần cái dịp gì hết. Đi lang thang ai cũng nhìn cũng hỏi vì sao lại đi có một mình và sao lại đi mùa này. Đến quán cơm còn không nấu cơm vì không có khách. Mình hỏi chị chủ quán: nhà chị không bán nhưng nhà chị có ăn cơm không? Họ bảo có chứ. “Thế thì chị nấu thêm một nhúm gạo đi cho em ăn ké chứ :))”. Thế là mình có cơm nhà ăn nhé, dương nhiên gửi tiền đàng hoàng.

 

Đường lên những bản làng cheo leo chỉ có thể đi bằng xe máy hoặc đi bộ. Mà xe máy cũng phải các nghệ nhân lắc xe người Mông lái mới đi nổi, các cháu người Kinh tuổi mèo mà đọ. Mình vẫn nhớ cách đây 1 năm khi đi quay phim, có 2 đứa người Kinh đèo nhau chở thiết bị quay phim của mình lên núi, đi được có dính chân núi mà đã xoè. Lúc đó mình đã hốt hoảng thế nào chỉ vì sợ… thiết bị bị làm sao :)).

 

Thế mà năm nay mình đi lại những con đường dốc ngược ấy lại chẳng sợ đến mức nhắm mắt nữa. Dọc đường đi mình mê cái cuộc sống bình dị của bà con Mông trước hiên nhà lắm. Tuy nhiên vẫn hèn nên không dám rút cái điện thoại ra chụp, vẫn hèn vì đường quá dốc đau tim không dám cựa quậy.

 

Hôm nay biết vắng nên ghé qua cái Rừng trúc. Một người làm phim như mình thì thấy nó là tim đập thình thịch, lần đầu tiên thấy cái rừng trúc đẹp thế. Ở đây mà quay phim chưởng thì chỉ có số dzách. Vừa đi vừa ngắm mình sẽ nghĩ xem treo diễn viên nam góc này, rồi treo diễn viên nữ góc kia :)). Đẹp mà điện thoại chụp không cách nào mô tả được vẻ đẹp của nó. Nắng chiếu xen kẽ chiếu thẳng xuống những hàng tre cao vút. Trong rừng tre còn có con suối trong vắt chảy qua. Trời mát lịm, tiếng gió xào xạc. Măng non đang nhú lên khắp nơi. Và, tuyệt nhất là không một bóng người!

 

Ra khỏi rừng trúc mặt trời đang xuống dần. Ôi là mênh mông lóng lánh núi đồi và các thửa ruộng bậc thang. Mình muốn xuống con suối to mà tìm mãi mới được lối xuống. Và rất nhanh mình nhận ra đây là lối xuống dành cho các nghệ nhân chứ mình tuổi mèo. Nhưng vì lúc này không kịp xuống thì mặt trời đi mất nên quyết liều đi con đường này. Thế là mình dò dẫm bám vào cành cây ngọn cỏ ven đường vì cái lối mòn này rất dốc và trượt. Và, cũng không ngoài dự đoán, mình đã mất thăng bằng và trượt xuống như một cái cầu trượt, còn được lăn hai vòng nữa, chỉ khác là cầu trượt nó phẳng và êm thì cầu trượt của mình đầy sỏi đá và cành cây. Cái quần mình được in một vệt dài bụi đỏ rực, và đương nhiên từ giờ tới lúc về lại nhà nghỉ là mình sẽ đi trong tâm thế của một người mặc quần thủng đýt. Mình cũng không lăn tăn nhiều quá mọi người sẽ nhìn thế nào vì thì cũng ai hâm hơn mình đâu mà phải e ngại :)).

 

Được trượt một phát xuống thẳng suối cũng tiết kiệm được thời gian nhưng thời gian ngồi xây xẩm hú hồn hơi lâu nên mình vẫn bị lỡ mất mặt trời vì đã khuất núi. Mình lang thang ven suối một hồi thấy đường tắc tị lại vội vã tính cách đi lên. Mình trèo 5 thửa ruộng qua 6 cái thân cây mà nhận ra mình đang chui vào nhà riêng nhà người ta. Mà nhà người ta còn mắc rào cơ. Mình trèo đến đâu gà lợn chạy xáo xác đến đấy. Tới một khúc rào vây kín không biết sao vượt qua thì một thanh niên Mông xinh xinh iu iu gọi với ra: “Chị ơi chị đi đường này để lên này”. Rồi thanh niên ra bẻ lưới rào chờ mình sẵn. Mình hâm hở trèo lên, rồi đến khúc hàng rào chỉ việc quéo cái chân qua dễ bỏ mịa lên được thì mình đưa tay qua bảo là: “Em ơi chị không trèo qua được”. Thế là thanh niên sốt sắng ra nắm tay đỡ liền. Thế có phải thích không?

 

Mình vừa bước chân vào sân nhà, bạn đã lấy vội một cái ghế ra cho mình ngồi bảo chị nghỉ đi chị thở gì hổn hển thế. Thế là mình ngồi luôn ngắm bầu trời đang đỏ rực qua những rặng núi bao la. Bạn giai đứng tủm tỉm bẽn lẽn vặt lá cây cứ hỏi thăm chị từ đâu đến, sao chị lại đi một mình. Còn mình hỏi thăm bạn là nhà bạn có… mấy con gà? Bình thường gà bị béo quá hay bại liệt thì làm thế nào? Bạn bảo: “Dạ… thịt hết thôi chứ làm thế nào ạ”. Mình hỏi thế gà nuôi bao lâu thì thịt? Bạn bảo 3 tháng là thịt rồi. Nghĩ lại thì con gà nhà mình sống được 3 năm, nó vẫn may mắn nhiều lắm rồi. Nhưng mà trên thế gian có 1 tỉ con gà thì mình vẫn buồn vì con gà của mình.

 

Rồi trời gần tối, mình đứng lên đi về. Vừa đứng lên quay lưng đi bạn có vẻ hơi hốt hoảng gọi: “Ơi chị ơi…”. Mình hét lên: “CHỊ BIẾT RỔI!”. À thì có gì đâu bạn thấy cái quần thủng đýt của mình thôi mà.

 

Trên đường về mình thấy một cô người Mông vác cả bụi cỏ trâu (cỏ cắt cho trâu) trên vai đang loay hoay trèo ra đường để đi. Mình đã nhìn thấy cô ấy từ xa từ ở dưới suối lúc nãy. Mình chỉ có đi người không xuống dưới rồi đi lên mà mình còn rách hết cả quần xây xước khắp người mà cô ấy vác cái bụi cỏ trâu phải nặng cỡ 30kg này trên người đi còn nhanh hơn cả mình. Mình tính đi ra hỏi (mặc dù biết hơi thừa vì họ đã làm thế này mỗi ngày): Cô ơi cô cần giúp gì không? Mình cũng te tái ra đỡ cái bó cỏ cho cô í trèo qua mà nó nặng đến mức mình cảm tưởng mình giúp thì chỉ làm cho cô í nặng thêm. Người Mông ở đây chủ yếu là nhóm Mông Lành. Nhưng mà dường như mình đi đâu mình cũng thấy các bà các chị phụ nữ các nhóm dân tộc vất vả khủng khiếp, làm việc lao động rất nặng nhọc. Mình thấy cô í cứ lầm lũi đi mà cứ nghĩ rồi về già hẳn xương cốt họ thế nào, mà họ ăn uống còn không đủ chất, về nhà có khi chỉ có ăn cơm với măng rừng muối là xong bữa. Nhưng mà nhiều lúc nghĩ mình nghĩ họ khổ, nhưng nhìn nụ cười vô tư của họ, chưa chắc họ đã khổ theo kiểu mình nghĩ. Có khi người thành phố còn tỉ thứ khổ, khổ về tâm hồn, khổ còn mang tính hủy hoại nhiều hơn họ. Mình xin chụp selfie một tấm với cô í, vì cô í có nụ cười và hàm răng quá xinh! Lúc mình chào cô tong tẩy đi trước cô ấy gọi với: “Cháu ơi…”. Mình lại hét lên: “CHÁU BIẾT RỒI”.

 

Con chó ở cái nhà trọ mình ở rất khó hiểu. Sáng nó vẫy đuôi đón mình chiều nó xồ ra sủa vuốt mặt không kịp. Chủ nhà thì không có nhà mình không cách nào vào. Cứ đứng xin con chó cho vào nghỉ ngơi tí đi đừng làm thế mà nó nhất định không nghe. Ai đi qua cũng nhìn cảnh mình đứng nài nỉ con chó này đều rất khó hiểu. Mình cũng không hiểu tại sao nó lại sớm nắng chiều mưa như vậy. Sáng mình xinh hơn (hay xấu hơn?), hay do quần chưa thủng đýt, hay như nào? Giờ thì tại cái quần? Đứng lâu quá muốn vào nghỉ quá thì bỗng nhiên mình nhanh trí mình đi khuất mắt nó 1 phút, bỏ cái mũ ra rồi quay lại. Lập tức nó nhổm dậy quẫy đuôi rối rít như quen nhau 1000 năm. Sau thì mình được biết nó có mối thâm thù với cái mũ, đội mũ vào nó tưởng là thằng người rơm bỏ mẹ hay cắm trên ruộng bao phen làm nó giật mình. Sáng thì mình không có đội mũ.

 

Vào lại được trong nhà mình còn làm được một việc tuyệt vời là cứu được một con vịt con thoát chết. Nó nằm giãy giụa trong sân vì dây chỉ từ một cuộn chỉ cuốn chặt cả cổ và hai chân nó, chỉ cuốn chặt nên nó giãy đành đạch ngắc ngoải, chắc chỉ một lúc nữa là tự thắt cổ chết. Tháo được cái đám chỉ đấy ra mình cũng chóng hết cả mặt, nó một hồi thở hổn hển lết lết rồi cuối cùng đứng dậy đi được. Mình không biết nó có như đám gà là sống được qua 3 tháng nữa trước khi bị thịt không nhưng chí ít ngày hôm nay nó sẽ vẫn còn được tung tăng đi chơi tận hưởng cuộc sống tự do giữa núi đồi này.

 

Mình cũng tia được trong vườn có cây dâu tằm toàn quả chín đen. Sẵn tiện đêm qua tới giờ chẳng có quả gì ăn háo quá ra vặt đầy tay. Nhưng mà lúc vặt phát hiện ra có thứ vui hơn đó là nhìn xuống suối thấy mấy anh người Mông cởi trần đang tắm, anh nào người cũng ngon, cọ cọ kỳ kỳ. Mình vừa đứng vặt dâu ăn vừa ngắm các anh tắm từ trên cao, thật là tuyệt vời :))

 

Có chú người Mông nọ đi vào homestay có việc rồi bất ngờ đứng bật dậy và phát hiện ra 2 trong số 6 cái ghế của bộ bàn ghế gỗ tiếp khách (kiểu bàn ghế mà toàn từ thân cây cổ thụ bị chặt ra í) là… của chú í, đã bị… trộm mất cách đây mấy năm. Chú í vẫn nhận ra từ cái đường gân gỗ cho đến hình dáng của cái thân cây bị chặt nên chắc luôn đây là gỗ của chú. Mình hỏi chú để đâu mà mất, chú í bảo chú í đi chặt xong giấu trong cái lán trên rừng và mất từ đó tới giờ. Rồi chắc chủ nhà homestay lại đi mua từ đâu mua lại. Về nhà hỏi lại chủ nhà thì cũng thừa nhận cả bộ đúng 2 cái ghế đó là mua từ ngoài. Cơ mà giờ thì khỏi đòi =)). Chỉ là công nhận đỉnh thật, cái đồ gì mà mất mà cay thì làm sao có bao giờ quên :)).

 

Rồi mình đi sang ăn ké cơm cô bán cơm. Cái xe chở mình lên đây đêm qua 9h tối nay lại qua đây. Mình lại balo đứng chờ sẵn xe qua là vẫy, mình lại phải về đây. Đã có quần khác rồi chứ mặc quần thủng đýt là mấy anh lái xe không cho lên xe. Mới gặp mình buổi thứ hai mà các anh lái xe đã quen mình như người nhà :)). Đi dọc đường bị các anh lái xe tra hỏi sát sạt tại sao em lại đi một mình, em xỏ khuyên mũi có phải để lên đây tìm các anh người Mông để nó dắt đi không? Các anh không biết rồi, em đi một mình cả thế giới này chứ trèo lên xe các anh vào giữa đêm đã là cái gì :)).

 

Mình 0 chắc mình về có bớt buồn chưa nhưng mà phải về làm việc tiếp. Lại một chuyến xe 8 tiếng đường núi để về nhà, nhưng 0 sao cả, 8 tiếng ấy sẽ là 8 tiếng mình chỉ chìm trong nhạc blues và Gary Moore mà thôi! Tiếc nhất đi đêm này là 0 được ngắm đèo Khau Phạ. Con đèo chắc mình nghĩ phải đẹp nhất nhì Việt Nam này.

 

Đấy, toàn bộ câu chuyện được kể này nó chỉ xảy ra trong 24h giờ thôi đó, và chưa chợp mắt miếng nào :)).

 

#hakindiary

#nhatkyhakin

#hãyđểyênchotôidởhơi

Link ảnh:

 

Ha Kin – Có một số chuyện phiền trong lòng, có một số nỗi buồn…. | Facebook

 

#555: KHÔNG THỂ GIÚP ĐƯỢC!

KHÔNG THỂ GIÚP ĐƯỢC!
 
Có một sự thật rất đáng buồn thế này. Có những người rất nghèo, rất tội, chúng ta rất muốn giúp. Nhưng thật sự… không thể giúp được, không có cách nào giúp được!
 
Thực sự cuộc sống này cũng rất thiếu công bằng và nhiều người cũng rất ác, vô tâm. Nhưng người tốt, tử tế cũng rất là nhiều. Người thực lòng cũng rất là nhiều. Nhưng không phải lúc nào muốn giúp mà cũng giúp được.
 
Bây giờ ta chỉ nói về cái nghèo. Có những hoàn cảnh rất tội, nhiều người đều không thể cầm lòng để tìm cách giúp đỡ được họ. Nhưng rồi một lúc họ nhận ra: phải như thế nào mà họ cũng mãi nghèo mãi khổ như thế? Đành rằng vì hoàn cảnh kém may mắn, vì thất học, vì cuộc đời xô đẩy. Nhưng thật sự rất nhiều người không có ý chí để vươn lên, để quyết tâm thay đổi, để biết chấp nhận giúp đỡ, còn thiếu thật thà, hay tự ái vặt… Ta không trách họ vì họ như vậy, vì nếu họ sinh ra đã bị cuộc đời rèn luyện ra như vậy và không có truyền thống về ý chí, sự lanh lẹ từ gốc, tư duy đã không thể phát triển thì việc họ thành vậy là đương nhiên. Ta chỉ biết buồn và thốt lên rằng ta không thể giúp, không cách nào giúp được cả. Đôi lúc thấy tội vậy đó mà đành phải bất lực! Có những sự giúp đỡ cần phải chung tay của cả xã hội, chính quyền. Nhưng cái sự chung tay đó nó hơi bị hoang đường trong thời đại này!
 
Mà những đối tượng này, giúp bằng tiền là cách giúp hại họ nhanh nhất. Tiền bao nhiêu cũng sẽ tiêu trong chốc lát, làm những điều lãng phí, ngắn hạn, sa đà. Dù nhìn họ tội lắm đấy, nhưng có khi cầm cục tiền là đi mua thuốc, mua rượu, mua xe, mua đồ… Tiêu hết xong lại đói, con lại vẫn nheo nhóc, lại vẫn vòng luẩn quẩn của nghèo và đói. Mà bắt cho đi học, đi làm 2 ngày là đã lại chán, lại bỏ. Sáng vừa khuyên quyết tâm tu chí, đi làm, chiều đã lại lết trên bàn nhậu!
 
Hôm bữa xem Superstore, có chi tiết hôm đó cả siêu thị gần Noel thuê thêm người làm việc vụ mùa vì đông khách. Ông quản lý quyết định thuê người thông qua một chương trình gọi là: “The last chance”, thuê những người đang muốn “làm lại cuộc đời”, những người đã từng vấp ngã, nghiện ngập, cần được cơ hội tái hòa nhập với cộng đồng và mong cộng đồng đón nhận. Jonah – Anh chàng nhân viên ở siêu thị không biết họ được thuê từ chương trình đó nên chơi một trò cá cược với bạn đồng nghiệp để xem mấy người làm vụ mùa đó ai bị đuổi việc nhanh nhất. Là vì những người đó làm việc cũng quá tệ. Thế rồi cũng đuổi được một người, Jonah thắng được $200. Đang hỉ hả thì mới biết người vừa bị đuổi là ở chương trình “the last chance”, đây vốn là cơ hội cuối cho họ được lao động và làm việc tử tế. Jonah hối hận quá bèn chạy theo cái người bị đuổi, thấy anh ta đói khát nhếch nhác ngồi buồn thiu trong cái xe rách. Jonah thương quá và quyết định đưa toàn bộ $200 thắng cuộc cho người này. Jonah nhẹ người, nở nụ cười hạnh phúc khi quay lưng đi. Nhưng rồi Jonah nghe được đoạn điện thoại của anh chàng kia đang gọi cho ai đó: “Này mày, $200 thì mua được bao nhiêu đá để đập nhỉ?” (ma túy đá). Jonah chỉ biết thở dài, lẳng lặng bước tiếp.
 
Một đoạn phim vậy thôi mà nói lên cả một hiện tượng day dứt của xã hội. Có bạn nào xem bộ tài liệu “The first and the last”, nói về ngày đầu tiên và ngày cuối cùng của những người bị bắt vào trại tạm giam. Ngày đầu tiên bị bắt là muôn hình vạn trạng các loại tội, phần lớn là đánh nhau, lừa đảo, gây rối, nhiều nhất là sở hữu ma túy…. Ai vào đây ngày đầu cũng hoang mang, sợ hãi, hốt hoảng, thề sống thề chết tôi sai lầm, tôi hối hận quá, thật kinh khủng, tôi phải tu chí để ra nhanh. Rồi ngày cuối, ai cũng đã học được bài học của mình, ai cũng thấu hiểu tội lỗi của mình, ai cũng quyết tâm làm lại từ đầu. Nhưng rồi chỉ một thời gian sau, họ đã lại quay trở lại trại. Có người ra vào đến cả hàng chục lần. Xem đoạn một người đàn ông nghiện rượu đã mấy chục năm của cuộc đời, chỉ sống bằng rượu, lang thang đầu đường xó chợ, xin từng đồng để uống rượu, nhếch nhác, thê thảm. Ra vào trại tạm giam như nhà riêng. Phỏng vấn ngày cuối ông ta ở trong trại, quả thật một cuộc đời cay đắng. Tuy rằng họ nghiện rượu, tệ hại, nhưng hoàn cảnh họ được sinh ra quá tồi tệ, sâu thẳm trong mỗi con người ấy vẫn luôn khao khát được làm một “người bình thường”, được sống đàng hoàng tử tế. Họ luôn có cái suy nghĩ quyết tâm đó ở trong đầu nhưng đương nhiên họ không thể nào làm được. Bản chất lại đưa họ về với nghiện ngập, với đầu đường xó chợ, sống một cuộc đời đói khát như vậy cho tới chết.
 
Ở Los Angeles: Dịch ra chính là “thành phố của những thiên thần”, cả một vùng downtown sang trọng của một trong những thành phố giàu có xa hoa nhất nước Mỹ là la liệt người vô gia cư, nhiều như trại tập trung. Nhìn họ thê thảm làm sao, đói khát, rách nát, ngơ ngẩn, không thể nào kìm lòng. Nhưng mà họ là những người mà “không thể ai giúp được”. Không phải chính phủ không cho họ chỗ ăn, chỗ ở. Nếu đói thì chẳng thế nào mà đói được, nếu rét quá lạnh quá cần vẫn có shelter, thậm chí bệnh tật vẫn có thể được khám. Nhưng sao họ vẫn lang thang khổ sở như vậy? Là vì có cho họ chỗ ăn họ cũng chưa chắc thích, có cho họ chỗ ở họ cũng chưa chắc chịu ở. Họ cũng 0 thích bị kìm kẹp, nghe lời. Rất rất nhiều những con người ấy bị bệnh tâm thần, bị tàn phá bởi ma túy. Có yêu thương, giúp đỡ cỡ nào rồi thì họ cũng bỏ trốn về sống với thế giới tệ hại đó của họ mà thôi!
 
Gần đây nhất cũng có thêm phim “The hatchet wielding hitchhiker” nói về Kai, một anh chàng vô gia cư lang thang bỗng nhiên nổi tiếng vì dám dũng cảm lao vào cầm rìu bổ một người đàn ông da trắng đang đánh đập phụ nữ và một người da đen vì ông này phân biệt chủng tộc. Bỗng chốc anh ta nổi tiếng khắp nước Mỹ, các tv shows, dân mạng cuồng lên muốn truy tìm anh này, muốn giúp đỡ, thương yêu, thậm chí cho cơ hội thành triệu phú luôn. Nhưng cơ hội đến là thế, cuối cùng Kai vẫn chỉ thích là một kẻ lang thang, đầu đường cuối chợ, nghiện ngập, vẫn cư xử nhiều hành động khiến nản lòng người muốn giúp đỡ và thương yêu mình. Cuối cùng cái kết là trở thành một kẻ giết người và vào tù cho đến hết đời. Và người ta xong cũng nhận ra, Kai vốn dĩ là một người bị tự kỷ tăng động, nhưng lại không xuất phát từ một gia đình được giáo dục tử tế, được yêu thương, nên có muốn giúp cỡ nào, thì cũng sẽ vẫn là một cái kết cục như vậy thôi!
 
Có rất nhiều lý do khiến những con người này bị “self-damaged”: nguồn gốc không may mắn, sự nghiện ngập, sự thiếu ý chí, sự bị bạo hành khiến tâm sinh lý tổn thương, sự thiếu giáo dục dẫn tới thiếu hiểu biết, sự tự ái, sự mất lòng tin với xã hội, sự lười biếng…. rất nhiều. Nên đôi lúc thấy tội khủng khiếp, còn nghĩ rằng sao cả xã hội lại không giúp đỡ họ như thế, nhưng đến khi chính bạn muốn giúp, bạn mới hiểu là thì ra giúp không có được!
 
Hôm qua chia sẻ với các bạn về hiện tượng tâm lý của người tài giỏi, rất giàu mà không có lương tâm. Hôm nay lại là bài chia sẻ về người rất nghèo rất khổ, nhưng không phải muốn giúp tử tế mà dễ dàng. Để các bạn thêm đồng cảm, thêm hiểu về rất nhiều số phận quanh mình. Mọi thứ quanh mình không phải lúc nào cũng là trắng và đen. Giỏi thì nghĩa là tốt, khổ thì có thể giúp. Không đơn giản là thế!
 
Làm từ thiện mà tử tế và đúng cách thì cực kỳ khó, và phải rất kiên nhẫn, rất hiểu biết, thậm chí có lúc phải dùng biện pháp mạnh mới may ra có hy vọng cứu được. Còn làm từ thiện, giúp mà sai cách, sai đối tượng, thì sẽ khiến cho hậu quả tệ hại gấp trăm lần là không giúp. Trong các loại giúp đỡ cho những đối tượng này, giúp bằng tiền là loại giúp dễ nhất nhưng dễ gây hại nhiều nhất!
 
Và cũng nên hiểu một điều rằng. Có những điều ở cuộc đời này, rất tội, rất buồn, nhưng chúng ta đành chấp nhận cũng không thể làm gì mà giúp được!
 
Ảnh: Kai của “The hatchet wielding hitchhiker”

#535: TÀI GIỎI LÀ MỘT MÓN QUÀ HAY LÀ MỘT LỜI NGUYỀN?

TÀI GIỎI LÀ MỘT MÓN QUÀ HAY LÀ MỘT LỜI NGUYỀN?
Người ta hay nói, trong tù có 2 loại đối tượng này là nhiều nhất: Loại dốt, ngu, ác và loại rất giỏi, rất tài năng, nhưng cũng rất… ngu và ác! Đặc biệt, hai loại đối tượng này đều ở mức độ “extreme”, tức là vượt ra ngoài tiêu chuẩn của những người “bình thường”.
Loại một có lẽ không cần phải nói nhiều. Cái nghèo cái dốt, cái ngu cái ác là điều tạo ra tội phạm là đã quá rõ ràng. Nhưng điều đôi khi mọi người không nghĩ tới là có những con người rất thông minh, rất tài năng, nhưng không có nghĩa là tài năng và trí thông minh của họ sẽ chỉ để dùng cho những việc đáng tự hào, việc đàng hoàng, giúp ích cho cuộc đời. Mà rất tiếc lại sử dụng những tài năng của họ vào việc lừa lọc, dối trá, bất chấp. Và vì họ có tài năng và trí thông minh nên những gì họ tạo dựng và lừa dối được đều ở mức độ rất cao. Không tài giỏi sao được khi có thể lừa được tiền bạc nhiều như núi. Không giỏi thì sao làm thủ lĩnh của bao nhiêu con người, công trình, không giỏi sao có thể một mình tấn công, chơi đùa với cả một hệ thống pháp luật, xã hội…
Nhưng có một điểm rất khó hiểu về những đối tượng này là họ tuy tài giỏi như vậy nhưng lại không biết được điểm dừng cho những tội ác của mình. Đây có thể coi là một loại bệnh tâm lý chứ không còn thuộc về trí tuệ nữa. Chúng ta đều hiểu dù có tài giỏi đến mấy thì làm điều tội lỗi mà không biết dừng thì không thể nào che giấu được mãi mãi. Nhưng không biết vì lý do gì họ không bao giờ cảm thấy là đủ, và sẵn sàng trắng trợn phủi tay khi sự việc đã xong mà coi thường hậu quả. Thực ra những con người này khi đi tấn công những con mồi của mình, nếu là lừa đảo, thường rất tài giỏi trong việc chọn lựa ra đối tượng mà họ cho rằng “rồi sẽ chẳng làm gì được” họ. Cộng thêm sự rất tự tin về khả năng vỏ bọc, sự tài giỏi của mình trong việc luôn đứng trên pháp luật, ai cũng ngu, “không ai khôn bằng mình”. Vụ gần đây rất nổi tiếng mà đều thành phim tài liệu như là “Inventing Anna”, một cô gái bình thường nhưng lại có khả năng lừa lọc được bao nhiêu giới siêu giàu, hay câu chuyện về nữ triệu phú tự thân Theranos Elizabeth Holmes, người có khả năng lừa và gọi vốn hàng chục triệu đô từ các công ty công nghệ hàng đầu cho một công ty ảo có khả năng xét nghiệm từ máu thần tốc. Một công ty hoàn toàn là lừa đảo không một dấu hiệu hoạt động thực sự nhưng vẫn trở thành một hiện tượng trong giới khoa học và số tiền được đầu tư là khổng lồ, là bạn phải biết Theranos tài giỏi đến mức nào. Người ta sẽ thắc mắc là sao nó có thể giấu được mãi, ăn tiền hay đầu tư được mãi mà không thể dừng lại? Đương nhiên rồi thì cũng tới đoạn các chị cũng đi tù và mọi việc vỡ lở. Nhưng vì họ quá tự tin về sự tài giỏi và khả năng của mình đã hại lại chính họ. Và thường cái kết luôn là thế! Đấy chính là cái “ngu” của loại người này!
Tiếng Việt mình hay có cụm từ “táng tận lương tâm” hay “máu lạnh”. Thiếu lương tâm thực chất ra chính là một loại khiếm khuyết trong não bộ chứ không phải là chuyện “muốn là có”. Người có lương tâm thường không thể hiểu được loại đối tượng này. Tiếng Anh có mô tả về 2 loại đối tượng mà dễ gây ra tội ác nhiều nhất, đó là “Sociopath” và “Psychopath”. Mình sẽ làm riêng một bài phân tích về đề tài này. Sociopath và Psyopath đều có điểm chung là làm điều sai không chớp mắt, không thấy lương tâm cắn rứt, dù người thân nhất, yêu thương mình nhất cũng sẵn sàng lừa, giết, hãm hại. Người nghèo nhất khổ nhất ngoài đường cũng sẵn sàng cướp của họ. Điều khác biệt lớn nhất giữa 2 đối tượng này là sociopath thì còn biết điều mình làm là sai và nhiều là do hoàn cảnh xô đẩy, còn psychopath thì sẽ là dã man nhất, hoàn toàn không có lương tâm nào, nó là do sự khiếm khuyết trong não bộ, là một loại khiếm khuyết tâm lý bẩm sinh và có mang tính chất di truyền. Socio và Psycho lại đều rất giỏi trong khả năng đóng kịch, điều khiển tâm lý người khác, cực giỏi là khác, lại cũng rất thông minh nữa. Mà biết đấy, đã giỏi, đã thông minh, đóng kịch giỏi mà lại không có lương tâm nữa, thì đó là loại đối tượng nguy hiểm nhất của cuộc sống, vì bọn nó có thể làm tất cả những điều kinh khủng nhất mà không sợ hãi, không bị cắn rứt. Bạn cũng đừng hy vọng họ có lương tâm mặc dù họ diễn hay y như có. Họ cũng không thể ăn năn hối cải, vì đây đã là khiếm khuyết não bộ. Cái này hoàn toàn là kiến thức khoa học mà các bạn nên biết. Ngoài ra, nó có tính chất di truyền. Nên chuyện cha mẹ, mà con cái cũng táng tận lương tâm là điều rất không đáng ngạc nhiên. Chắc gần đây nhất bạn nghe được về câu chuyện người mẫu Hong Kong Thái Thiên Phượng bị phân xác kinh khủng hơn cả phim kinh dị bởi cả gia đình chồng cũ!
Sociopath và Psychopath có vô cùng nhiều trong xã hội, và hầu như phần lớn dân số không hiểu hết được những con người này hay thậm chí hiểu được chính họ. Họ diễn kịch cũng rất giỏi, họ ở bốn xung quanh chúng ta và đen đủi bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là nạn nhân của họ. Hai đối tượng này nắm giữ rất nhiều những vị trí lớn trong xã hội, như giới CEO, nghệ sĩ, y khoa, KOLs, bán hàng… họ rất giỏi, rất thông minh, rất tài năng, nhưng luôn ác và bất chấp. Nó có thể không đúng với tất cả mọi người nhưng có một sự thật rằng cuộc sống này muốn thật giàu, vị trí cao, bạn phải ác, phải biết bất chấp và trơ trẽn. Vì đặc thù sự khiếm khuyết về lương tâm nên họ khác biệt với những con người rất tài giỏi mà có tâm thiện là người giỏi và có tâm thường… nghèo hơn rất nhiều 😃, và họ luôn biết có điểm dừng!
Không phải lúc nào sinh ra với một khả năng tài giỏi nào đó, một trí thông minh cũng là một “blessing”, đó đôi khi chính là một sự nguyền rủa: a curse. Nếu bạn nào có xem bộ phim tài liệu Murder Among the Momons, kể về Mark Hofmann, một người Mỹ có khả năng chế tác đồ giả cổ tinh vi tới mức kể cả những nhà khoa học kiểm định hàng đầu của FBI cũng không phân biệt được. Vì quá tài giỏi nên Mark sử dụng khả năng này để lừa đảo, giết người, điều khiển xã hội. Vì ghét đạo Mormons, Mark làm giả ra cả cái Salamander Letter được cho là viết vào năm 1830 bởi Martin Harris, với nội dung do Mark tự tạo ra để khiến cả tôn giáo Mormons thực hành và tin sái cổ, nhưng với Mark thực chất chỉ là một cú chơi khăm cho hệ thống nhà thờ LDS. Mark có tài trong rất nhiều đồ chế tạo và chế tác, đặc biệt ưa thích chế tạo bom. Ông ta đã khiến cho hai người chết vì những quả bom của mình và là một trong những ca nổ bom nổi tiếng nhất nước Mỹ. Việc điều khiển cả một hệ thống xã hội, luật pháp và cả tôn giáo bằng tài năng của mình quá dễ dàng khiến ông tả không thể ngừng được tội lỗi của mình. Những người quen biết Mark đều vô cùng tức giận với Mark khi biết sự thật nhưng đồng thời họ không kìm lòng được trước sự tài năng khủng khiếp của ông ta. Và cũng phải tiếc rẻ khi tài năng ấy không được sử dụng để làm điều tử tế. Bản thân Mark cũng đã vô cùng mệt mỏi với “lời nguyền” mình được nhận, ông ta là một dạng sociopath điển hình. Đến ngay khi vào tù, Mark vẫn tạo ra được những cực phẩm. Cuối cùng, ông ta cũng không chịu nổi chính bản thân mình, Mark đã dùng trí thông minh của mình để tự ngăn lại chính mình, đó là tự nằm đè lên tay mình nhiều ngày liền, để cái tay đó không được lưu thông máu, dẫn tới bị liệt hoặc hoại tử, rồi ông ta sẽ không sử dụng tay của mình để tiếp tục làm điều tội lỗi nữa. Không phải Mark cắn rứt lương tâm hay ăn năn hối cải vì Mark là một sociopath. Đơn giản ông ta đã quá mệt mỏi vì tài năng và sự tham lam của mình chỉ đem lại cho ông ta những cái kết tệ hại về cuối cùng, Dù đã có lúc rất giàu có, rất nhiều sự ảnh hưởng, được trọng vọng nhưng cuối cùng phải mòn hết phần đời còn lại tàn tạ trong ngục tù.
Vậy nên, dù không có lương tâm thì cũng nên nghĩ tới một điểm dừng, nên biết mệt mỏi, vì thế nào thì cái kết cũng rất tệ, thậm chí rất bi thảm, và KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI! Được khen thông minh, tài giỏi, không có nghĩa lúc nào cũng là điều tốt đâu!
Đối tượng này gây ra nhiều tổn hại, lừa lọc, đặc biệt nhắm tới người tử tế, đàng hoàng. Nhưng thực ra một khi đã xác định được bọn nó đúng loại gì, thì cũng không khó để đối phó và tiêu diệt. Tham mãi, lừa mãi, che trời mãi sao mà được! Chạy đằng giời!
Ngu quá cũng khổ, thông minh quá cũng khổ. Cuộc đời này làm người bình thường nhất, không bao giờ đi lừa ai cả, là hạnh phúc nhất đó các bạn biết không?
Ảnh: Mark Hofmann khi bị bắt năm 1985

#532: Đen như Hà Kin?

Memories báo cái ảnh này, bỗng thở dài đến thượt. Ồ công nhận 0 ai đen hơn mình, hay là… như mình.

Đó là một hành trình cực khổ vì… đen bất đắc dĩ, chỉ vì mọi thứ xảy ra đều vào sai thời điểm. Như là… thất lạc hành lý mà đen cái là lần đầu tiên có ý định nhét cả máy tính vào trong đó (và gần hết chuyến đi này hàng không vẫn báo chưa tìm thấy chỉ vì đang mùa laid off thiếu nhân viên), rồi visa Mỹ hết hạn nhưng vẫn quyết liều đi vì chuyến đi săn nhật thức toàn phần được tài trợ bởi NASA có một không hai, giờ mà đợi renew visa thì chẳng có dịp lịch sử nào bao giờ nữa. Rồi lại liều đi xin visa quay lại Mỹ ngay trên đất Argentina (theo đúng nguyên tắc là phải về lại VN xin visa Mỹ chứ 0 ai cho xin ở nước thứ ba như thế này). Quyết định này cực kỳ liều lĩnh vì đang ở thời Trump nhập cư rất căng thằng, ngay lúc mình đang ở Argentina này là ở JFK đang deport và đuổi về hàng ngàn người nhập cư, có người có visa tới sân bay rồi còn bị đuổi về. Tới Argentina phải đi xin visa ngay, nhưng hộ chiếu để lại sứ quán Mỹ rồi thì 0 có hộ chiếu để bay tiếp hành trình được. 12h đêm vẫn đứng chờ ở sứ quán để được làm giấy thông hành khẩn cấp 5h sáng bay vì hôm đó sứ quán rất bận… Rồi thì bạn đồng hành chỉ vì quá buồn ị phải xuống giữa đường nên đang ị thì phát hiện ra để quên điện thoại trên taxi, thế là quần chưa kịp kéo lên đã bắt vội một cái taxi khác và có một hành trình một buổi tối 3 tiếng đồng hồ để rượt đuổi cái taxi kia… tìm lại điện thoại…. ông đó dùng đt của mình tìm Find my phone, roaming quá trời về sau bill điện thoại cả trăm đô.

Tóm lại là nhiều quá kể không hết. Sóng gió tới mức mình 0 đêm nào ngủ được quá 3 tiếng vì quá mệt. Rồi cái ảnh này là lúc chụp được ở Walmart ở cái thị trấn xa xôi nhất của Nam Mỹ. Mừng hút chết vì lâu lắm rồi không được ăn rau, ăn trái, được nhìn thấy… Walmart. Người Việt nước mắm mà phải ăn đi ăn lại đồ thịt thà phô mai sắp bị táo bón tới nơi rồi.

Đứng trước cửa Walmart hú hét hạnh phúc, mãi cũng có cái gì nó vui chứ? Xong rồi lúc đi vào lao vào khu rau củ và trái cây, thì… tức phụt khói tràn máu. Vì dường như siêu thị vừa trải qua một trận cướp, mà cay là nó chỉ cướp đúng rau củ và trái cây, cái mà tao thích thôi. Không mua nổi kể cả 1 quả táo, quả chuối tử tế, các bạn có tin không? Đen hơn con chó mực cọ đít vào nhọ nồi bị rơi xuống cống.

Khi thấy cảnh 0 còn cả 1 quả chuối tử tế để ăn, tao đã hết lên bằng tiếng Việt giữa đất Nam Mỹ: ‘Tổ sư bố bọn mày, huhu”. Nguyên văn!

Về sau hỏi thì được biết bữa đó thị trấn đang lễ hội rau củ quả gì đó, cái đèo con mè!

Những chuyến đi của Hà Kin là viết được rất nhiều cuốn sách. Nhưng vì quá lười nên đang chờ AI viết hộ!

Là còn chưa kể chuyến đi Nam Mỹ 7 năm trước đó còn bị bắt làm con tin nữa đó! Thôi cái đó cũng chờ AI kể lại dùm cho!

À giờ đi làm từ thiện còn đen cơ mà, đèo mẹ!

#hakinjourneys
#hakindiary

#523: Làm phim, 0 phải cái gì cũng được bịa, nhất là vấn đề văn hóa của một quốc gia!

Nhân vụ một bộ phim Hàn bị tháo gỡ khỏi Netflix vì “xuyên tạc lịch sử”. Mình thấy đúng là dịp để nói lên một vài tâm sự “nho nhỏ”, nhỏ mà có khi nó lại lớn á!

Nói chung, với quan điểm và sự giáo dục của mình và với tư cách cũng là một nhà làm phim. Thì mình nghĩ rằng, “lịch sử” và “văn hóa” của một quốc gia khác là thứ tối kỵ để xuyên tạc, bóp méo (cho dù định nghĩa thế nào là “xuyên tạc, bóp méo” thì có thể phải tranh cãi), nhưng điều gì khiến gây ra sự tổn thương và sự tự ái cho một dân tộc khác, đó là điều không nên làm, và không thể làm! Bây giờ thế giới đã ở thời đại công nghệ và hòa nhập. Mọi thông tin, hình ảnh đều được chia sẻ một cách rất dễ dàng và không còn mang tính giới hạn biên giới. Không còn ở thời phim ảnh được thoải mái tự do “thẩm du” tự sướng như thời Rambo. Mọi thông tin, hình ảnh, sản phẩm văn hóa đều có khả năng lan truyền ra được cả thế giới. Bất cứ sự sai lệch hay bóp méo nào, thậm chí là một câu đùa với một vấn đề nhạy cảm, đều có thể gây ra hậu quả khôn lường vì sự dễ bị kích động của thời đại mạng xã hội, sự lười biếng trong việc chọn lựa thông tin và nghiên cứu của đa phần dân số dùng mạng.

Đành rằng phim ảnh là “bịa”, nhưng không phải cái gì cũng có thể bịa, đặc biệt là ở những đề tài nhạy cảm và dễ gây tổn thương như lịch sử, văn hóa. Bởi vì đó là những thứ thiêng liêng của một dân tộc, cần phải có được sự tôn trọng đàng hoàng từ những quốc gia khác. Cởi trần cởi truồng chửi cha chửi mẹ trong phim mày cũng được, nhưng có những thứ không phải là đề tài để câu khách. Bởi vì không chỉ nó nhạy cảm, nó mang tính gây tự ái, xúc phạm, mà nó còn là sự vô tâm và vô đạo đức.

Cho dù nó chỉ là “một câu thoại” như trong cái phim Hàn nọ ,nhưng nếu bạn từng được đến một ngôi làng nghèo thê thảm với một gia đình Việt Nam mà trong nhà có tới 8 tấm hình trên bàn thờ của một đại gia đình bị sát hại bởi lính Hàn, chắc lúc đó bạn sẽ không có nghĩ tới câu thoại đó chỉ là một câu thoại “vớ vẩn” cho một bộ phim “đang hay mà” của bạn đâu bạn ạ!

Nhiều bạn ngây thơ cho rằng, “đó chỉ là một chi tiết nhỏ”. Nhưng bạn đừng quên rằng, sự xâm chiếm và đô hộ văn hóa nó bắt nguồn từ chính những thứ “nhỏ” như vậy. Có khi chỉ là một câu thoại, một cái kẹp tóc, một kiểu mặc quần áo. Nhưng điều tiếp theo bạn biết là có cả một bộ phận giới trẻ ở một đất nước nọ mặc hanbok lạc quẻ đi chụp ảnh bên cạnh một cái tường, cánh cửa, cây hồng mà vốn dĩ đặc chất của vùng nông thôn với một nền văn hóa hoàn toàn khác! Sự xâm chiếm văn hóa bằng thứ “quyền lực mềm” thế này nó tinh vi tới mức bây giờ cả một phần lớn thế hệ mới bị ảnh hưởng mà chính bản thân họ cũng không biết. Và thế là vô hình trung, tự nhiên có một thế giới mới làm nô lệ văn hóa cho một vài dân tộc!

Nhưng thật sự những bạn trẻ bây giờ cũng không đáng trách, bởi vì chính thế hệ tạo ra họ và giáo dục ra họ cũng đã và đang không làm tốt được việc bảo tồn văn hóa, di sản của chính mình. Trong hành trình quay phim về đề tài văn hóa của mình, tôi đã khá khó khăn trong việc đi tìm lại những giá trị, tư liệu, sản phẩm văn hóa gốc. Không chỉ chúng còn rất ít, hiếm hoi vì không được quan tâm và bảo tồn, hay được bảo tồn đúng cách. Mà thậm chí cả một số người phụ trách làm văn hóa họ cũng không đủ kiến thức và thật tâm trong việc bảo tồn, lưu giữ, tuyên truyền văn hóa dân tộc. Đôi lúc chỉ là đi xin tư liệu, xin thông tin để có thêm nhiều chất liệu tốt cho việc truyền bá văn hóa dân tộc tốt hơn đến giới trẻ và cho bạn bè quốc tế thôi mà cũng là khó khăn, lười biếng, thậm chí tìm cách moi tiền. Những “rừng vàng biển bạc” giờ cũng dần biến hết thành sân golf, resort, cáp treo với những thứ kiến trúc nửa mùa, lai căng rẻ tiền. Trong khi cái kiến trúc gốc của mình thì không biết trân trọng và thấy quý, và không biết rằng với thế giới đó mới là những điều rất đẹp và đặc biệt, là lý do để thế giới phải tới để gặp mình!

Thế thì làm sao mà một thế hệ tiếp theo được giáo dục tốt hơn và để cho chúng được kế thừa một nền văn hóa bền vững và phong phú?

Còn có những thứ vừa mới tranh thủ quay xong mà có khi chỉ sang tuần đã bị biến mất. Nhanh không kịp trở tay.

Khi không có văn hóa/di sản đặc trưng của dân tộc, bạn sẽ là gì giữa thế giới đại đồng này? Khi bạn đi ra thế giới, khi người ta hỏi bạn là người nước nào? Đặc trưng của dân tộc bạn là gì? Không phải đem ra món phở với mặc cái áo dài vào thế là bạn cứ là người Việt Nam. Cái tố chất văn hóa nó phải ở trong thần thái, sự hiểu biết, nó phải khiến người nước khác cảm thấy thú vị, khác biệt, phải “chất”, nó phải khiến họ nhận ra bạn ngay. Mà văn hóa là thứ phải trải dài qua thời gian, qua lịch sử, cái được thấm nhuần vào một con người từ lúc họ sinh ra. Làm sao bạn chẳng cần cứ phải mặc cái áo dài và cái nón lá nhưng khi người ta nhìn thấy bạn là một người Việt, người ta đã nghĩ ngay được tới món phở, những mái đình rêu phong, tiếng đàn bầu thánh thót. Khi không có văn hóa, tự nhiên bạn chẳng là ai, bạn cũng chẳng có cộng đồng, bạn chẳng có định danh dân tộc. Hay tệ hơn bạn lại thành công cụ đi quảng cáo văn hóa cho quốc gia khác. Mà bạn có vô tình hãy hữu ý “quảng cáo” văn hóa cho một quốc gia khác thì bạn cũng đừng quên bạn không bao giờ là một phần của họ, bạn chỉ là nô lệ văn hóa của họ!

Bạn nghe mấy lời này chắc thấy “đao to búa lớn” lắm nhỉ? Nhưng mà nghĩ kỹ thì nó là điều đang xảy ra mỗi ngày mỗi giờ và sờ sờ trước mắt đó. Và không phải bỗng nhiên mà có rất nhiều người con ở phương xa, khi đã đi ra tới thế giới, càng học hỏi và hiểu hơn về sự phong phú của văn hóa, lịch sử, di sản thế giới thì họ lại càng thấy quý, thấy tiếc, vội vàng muốn trở về để thưởng thức, tìm lại và rất nhiều tìm mọi cách để níu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử gốc đang vô cùng mong manh và mất đi mỗi ngày một nhanh như bây giờ. Rất tiếc phần lớn họ đều khá cô đơn trên con đường của mình và những gì họ làm được rất nhỏ lẻ.

Những tâm sự này với các bạn, tất cả đều là sự trải nghiệm của mình đó. Từ tư cách là một người đi sinh sống và học tập ở nước ngoài nhiều năm, một người làm phim đang bỏ rất nhiều tiền của và công sức của mình ra để làm những bộ phim về văn hóa, một người đã đi lang thang và được trải nghiệm với một số nhân chứng lịch sử, âm nhạc, kiến trúc mà tận mắt thấy mọi thứ đang mong manh và mất đi nhanh quá, một người nhìn thấy rõ ràng những sự xâm chiếm văn hóa tràn ngập vào cả một vài thế hệ mới, mà.. cũng không biết làm thế nào, vì mình cũng cô đơn và nhỏ bé, chỉ biết làm tốt nhất những gì trong khả năng, sự hiểu biết và trái tim mình mách bảo mà thôi!

Những câu chuyện này, mình sẽ còn kể nhiều, và mình sẽ kể bằng những bộ phim của mình nữa!

#tâmsựđêmkhuya

Ảnh: Ngôi đình bên cạnh cây Dã Hương 1000 năm tuổi ở Bắc Giang. Cây duy nhất còn lại trên trái đất. Có những điều hiếm quý như thế mà chính người Việt nhiều người cũng không biết.

Còn với mình, đây là kiến trúc dân tộc đẹp nhất thế giới!