Nói chung để nhận xét về phim Việt thì mình nên xét nó hay hay dở dựa trên mặt bằng và trình độ phim Việt chứ nếu so sánh với các nền điện ảnh phát triển thì có lẽ cũng không fair lắm, vì để xét phim đó hay hay dở cũng còn phụ thuộc vào trình độ của cả một nền công nghiệp phim, nền kiểm duyệt phim, budget và có một điều quan trọng mà mọi người hay quên mất đó là gu và trình độ thưởng thức của khán giả. Mà khán giả thì lại rất nhiều đối tượng khác nhau. Đối tượng trí thức, đối tượng lao động, đối tượng trẻ tuổi học sinh sinh viên… Mà nói gì thì nói cả mấy điều kiện trên chúng ta đều chưa đồng đều và đều chưa ở mức độ cao so với những nơi có nền điện ảnh phát triển. Nhưng xét cho cùng, làm ra một bộ phim mà có khán giả và khán giả ủng hộ thì đó là một tác phẩm thành công rồi.

Người làm phim cũng thế, có nhiều đối tượng khác nhau. Có người chỉ thích làm phim kiếm nhiều tiền được là vui, có người thích phim phải thỏa mãn được cái tôi nghệ thuật và sáng tác của mình, có người muốn tác phẩm của mình phải vươn ra khỏi biên giới Việt dù chưa chắc trong nước đã có khán giả… nên khen chê một tác phẩm, đôi lúc cũng còn xem một bộ phim đó được làm ra vì mục đích gì và đối tượng khán giả nhắm tới là ai.

Có một điều mình nhận ra ở đa phần những phim Việt mình đã xem đó là việc kể chuyện còn thẳng tuột, thẳng từ hình ảnh, cách kể chuyện tới lời thoại, và cả nhan sắc diễn viên. Buồn là khóc, vui là cười,  chưa biết cách bộc lộ cảm xúc hay tình tiết qua cái cây ngọn cỏ hoặc có làm mà chưa tới. Diễn viên và set design dù có giả khổ giả nghèo thì nhìn thế nào cũng pha ke, có lẽ bị ảnh hưởng bới tư duy clean và set up quá nặng, cũng như thiếu kiến thức và kỹ năng thực tế.

Trong Tết quyết định chỉ xem phim Việt nên ngồi bấm bấm chọn chọn trên Netflix. Sau khi xem trailer và trích đoạn thì chọn xem 3 phim Võ sinh đại chiến, Người Lắng Nghe và 578. Xem xong thì chưa dám xem thêm phim nào nữa, từ từ hồi xem tiếp :D.

Nhận xét thì có phim Người Lắng Nghe là được nhất, Võ sinh đại chiến cũng khá dễ thương còn 578 thì vừa xem vưa khóc :)).

Người Lắng Nghe mình đánh giá cao nhất vì đầu tiên là việc lựa chọn đề tài, đề tài tâm sinh lý psychological xen với thriller chắc chắn không phải dễ kể, cũng là một đề tài mà sự hiểu biết về nó trong xã hội cũng chưa sâu sắc. Casting cũng khá tốt, vì mình thích bạn nữ chính có khuôn mặt và sự diễn xuất nhìn tự nhiên, hợp vai. Không bị lòe loẹt điệu đà phong cách hot girls hoặc plastic như tư duy chọn diễn viên nói chung bây giờ. Chỉ riêng điểm đó mình đã đánh giá cao, thể hiện được sự tinh tế của người làm phim. Nam chính diễn ổn, hợp đôi với nữ chính và tuy giọng bắc nhưng đài từ khá ok. Trước giờ diễn viên bắc bị đài từ rất kém, giọng không được cinematic lại kèm thêm thoại cồng kềnh, xem rất tụt cảm xúc và mệt mỏi. Mà diễn viên thì phải tốt cả ở giọng nói chứ không chỉ ngoại hình, body language. Nên chỉ cần một diễn viên bắc với một đài từ tạm ổn đã thấy sáng sủa cái phim lên bao nhiêu :D.

Tuy nhiên, phim bị phần quay và set design không được đẹp. Hình ảnh, ánh sáng, góc quay và bối cảnh bị thô và quá đơn giản, nên xem nhiều đoạn cảm giác như một đoạn truyền hình mì ăn liền chạy nhanh hoặc của mấy bạn sinh viên làm phim kinh phí thấp nhưng vẫn muốn phải “deep” :D.

Phim Võ sinh đại chiến cũng là một phim khá ok, mình cũng thích bạn nữ chính, bạn có một thần thái dễ thương, làm xem phim rất dễ chịu. Đặc biệt có lẽ phim action mà chọn đúng diễn viên biết võ, nên khi xem các chuyển động cơ thể của bạn khi đánh võ hoăc khi nhảy rất đẹp và đã, rất tự nhiên. Tiếc là phim không cho bạn được thể hiện nhiều hơn, xem phim chờ đợi nữ chính có một trận oánh nhau thật hoành tráng mà chẳng có trận nào. Bữa hôm đi xem Thanh Sói, diễn viên mà không phải là con nhà võ xịn đánh nhìn nó pha ke hẳn. Nên nói gì thì nói, phim action cứ phải biết võ xịn, biết cầm súng xịn, xem nó thoải mái cả cái thằng người :D. Nhưng phim Võ sinh đại chiến cũng như rất nhiều phim học đường nhiều năm trở lại đây, là môi trường trường học trong phim nó cứ như ở bên Thái bên Hàn chứ không phải Việt Nam. Phong cách học đường, bối cảnh, trang phục, nhân vật đều chẳng giống sinh viên Việt Nam, học đường Việt Nam, nên xem nó rất xa lạ, cứ như một bộ phim Thái lồng tiếng Việt. Học sinh sinh viên thì già chát. Với phim Võ sinh thì chắc diễn viên còn toàn Việt kiều nên xem nó càng xa lạ. Thề với các bạn là xem xong phim mình mới đi google diễn viên, mà lúc xem thì không ai nói cho mình mình tự nhận ra luôn nam nữ chính đúng chất ở bển về VN đóng phim không thể nhầm được :)). Đôi lúc cảm giác như nam hãy nữ chính sẽ buông ra: “Whatsup, dude” :D.

Ngoài ra, mấy phần đánh nhau, nhất là đoạn đầu, quay handheld mà thấy non tay quá, nhiều đoạn quay đánh nhau mà chưa được ra chất action võ thuật. Đặc biệt phim nói về “võ ta”, nhưng chắc có thể mình không biết nhiều về võ Bình Định nên xem chưa thấy đặc trưng nào của võ ta cả. Nhưng mà mình mê Vovinam lắm, võ Việt mình rất có đặc trưng riêng và xem rất đã mắt. Thích nhất là quả nhảy lên kẹp hết 5 anh. Mình cũng mong một ngày được làm phim về võ Việt, nhưng cái quan trọng nhất phải tôn vinh lên được những nét đặc trưng nhất của võ Việt, cái này mình thấy phim chưa ra được.

Còn phim 578 thì mình phải vừa xem vừa chấm nước mắt. Cũng hơi ngạc nhiên là một phim với kinh phí lớn, kết hợp quốc tế mà nó lại ngây ngô cỡ vậy. Chỉ riêng cái giọng lồng nam chính nghe như giọng quảng cáo bột giặt nước tẩy hay mấy bài thơ nhạt toẹt của “làm hại các vùng đất” đã thấy sự lựa chọn thiếu thực tiễn và thiếu tinh tế của người làm phim. Phim thì lúc cảnh quay rất đẹp rất xịn nhưng có lúc thì màu đổi hẳn sang tông khác, rất amatuer và chỉnh màu thậm chí còn lỗi rất rõ, nó không có sự đồng đều và rất thiếu chuyên nghiệp, cảm giác như chắp vá và làm từ nhiều ekip khác nhau với nhiêu trình độ khác nhau. Nam chính tuy rất đẹp trai nhưng xem lại không cảm được chút tình cảm hay xúc động nào. Chính ra Hen Nie còn diễn tự nhiên, thần thái tốt hơn hẳn dù bạn í còn chưa làm diễn viên chuyên nghiệp. Phim dựng cũng  tủn mủn. Mình chọn xem phim này vì để xem nó được đại diện đi Oscar là thế nào :D.

Còn về phần âm thanh thì cả ba phim đều chưa được tốt, còn thiếu tinh tế, đặc biệt là sự sinh động của âm thanh nền hầu như không có. Nhưng thôi nói về phần âm thanh trong phim Việt nói chung thì phải làm cả đề tài luận văn :))

Các phim này mình cũng không nói nhiều về nội dung và cả cách kể chuyện vì như trên mình đã nói, nội dung chắc nó sẽ có đối tượng phù hợp với nó và đối tượng người làm phim. Mình thấy dở nhưng có người thấy hay, mình thấy hay nhưng có người thấy dở. Và nói thật, để mà phân tích ra thì chắc phải 10 bài này mới đủ, mà phân tích xong thì facebook mình friendlist chắc cũng đi hết nửa dân làm phim =)). Sự thật là giờ đi coi phim Việt về im re, vì chê ra thì mất hết đồng nghiệp, mà khen thì nói thật chưa phim nào cảm thấy phải thực sự buông lời khen, vì khen ra mà không đúng lòng mình hoặc đúng gu của mình, người ta cũng đánh giá mình không phải là một nhà làm phim tốt, gu dở. Mình thì bạn thân bạn quý mấy cũng quyết không buông lời thảo mai =)), tuy nhiên dở thì tốt nhất là im haha. Sau này mình có tác phẩm thì cũng phải nhận khen chê thôi, nhưng ai khen cho chết cũng sợ, mà chê làm tụt tinh thần thì cũng sợ chứ =)). Ngoài ra, có rất nhiều cái dở mình cũng hiểu nó xuất phát từ rất nhiều lý do, chứ không chỉ ở người làm phim!

Mình xem phim hay soi lỗi, không phải để dìm dập, chê bai hay ghen tị với người làm phim khác. Rất đơn giản là mình cần học từ những lỗi đó, mình coi để mình rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Nhiều khi các bạn thấy mình nói về phim mà hay nói về nhược điểm nhiều hơn là ưu điểm là bởi vì mình đang học đó, để sau nếu các bạn có xem phim mình biết đâu bớt được những lỗi đó, để còn dành cho những… lỗi khác =)).

À, nói thêm một ý trở lại đoạn đầu, khi mình nói phim Việt (trọng phạm vi mình xem) chưa biết cách kể chuyện tinh tế và bớt thẳng, cũng không có nghĩa là phải làm theo phong cách “art house” như nhiều phim của các nhà làm phim indie bây giờ, nghĩa là nó cứ phải tăm tối, khó hiểu, thể hiện sự sâu sắc. Vì xem mà không ai hiểu thì không thể gọi là sâu sắc được, xem mà quá trừu tượng và nhồi nhét hình tượng nhiều quá thì chỉ thể hiện sự gồng mình và trình độ chưa tới của người làm phim thôi. Để kể một ý tưởng, một nội dung mà tinh tế. Thì đầu tiên người làm phim phải là người nhạy cảm, nhạy cảm trong gu cảm nhận và trong sự quan sát cuộc sống, chứ chưa tính tới khả năng kể nó ra thế nào để khán giả có thể cảm nhận được y như mình hoặc hiểu được ý của mình. Nói chung mình 0 thích lôi cái mác “nghệ thuật” ra để biện minh cho sự thiếu thuyết phục của tác phẩm!

Thế nên mình mới bảo… làm và xem phim tài liệu nhiều vào =)). Chỉ tài liệu mới cho các bạn cảm nhận chân thành của cuộc sống, để tránh những diễn biến tâm lý ngây ngô, những cái set design giả trân, những câu chuyện vô lý, những lời thoại thiếu thực tế, những đề tài bó hẹp…

Trong bài post này mình cũng 0 nói gì về vụ kiểm duyệt vì mình chưa trải nghiệm. Nhưng mình cũng biết nó đóng một vai trò rất quan trọng trong việc định hình nên chất lượng của cả một nền điện ảnh phim ảnh! Nói chung nhìn phim nói chuyện :)).

P/S: Ở đây mình hay dùng từ “người làm phim” thay cho cụ thể là “đạo diễn”, vì chưa chắc mọi quyết định nào của phim cũng là của đạo diễn.

Tản mạn vui tí, mình quay lại phim tài liệu đây :D.

 

 

 

 

(Visited 27 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments