Posts tagged binhluan
#524: Nhân dịp xem mấy phim Việt đầu năm
Nói chung để nhận xét về phim Việt thì mình nên xét nó hay hay dở dựa trên mặt bằng và trình độ phim Việt chứ nếu so sánh với các nền điện ảnh phát triển thì có lẽ cũng không fair lắm, vì để xét phim đó hay hay dở cũng còn phụ thuộc vào trình độ của cả một nền công nghiệp phim, nền kiểm duyệt phim, budget và có một điều quan trọng mà mọi người hay quên mất đó là gu và trình độ thưởng thức của khán giả. Mà khán giả thì lại rất nhiều đối tượng khác nhau. Đối tượng trí thức, đối tượng lao động, đối tượng trẻ tuổi học sinh sinh viên… Mà nói gì thì nói cả mấy điều kiện trên chúng ta đều chưa đồng đều và đều chưa ở mức độ cao so với những nơi có nền điện ảnh phát triển. Nhưng xét cho cùng, làm ra một bộ phim mà có khán giả và khán giả ủng hộ thì đó là một tác phẩm thành công rồi.
Người làm phim cũng thế, có nhiều đối tượng khác nhau. Có người chỉ thích làm phim kiếm nhiều tiền được là vui, có người thích phim phải thỏa mãn được cái tôi nghệ thuật và sáng tác của mình, có người muốn tác phẩm của mình phải vươn ra khỏi biên giới Việt dù chưa chắc trong nước đã có khán giả… nên khen chê một tác phẩm, đôi lúc cũng còn xem một bộ phim đó được làm ra vì mục đích gì và đối tượng khán giả nhắm tới là ai.
Có một điều mình nhận ra ở đa phần những phim Việt mình đã xem đó là việc kể chuyện còn thẳng tuột, thẳng từ hình ảnh, cách kể chuyện tới lời thoại, và cả nhan sắc diễn viên. Buồn là khóc, vui là cười, chưa biết cách bộc lộ cảm xúc hay tình tiết qua cái cây ngọn cỏ hoặc có làm mà chưa tới. Diễn viên và set design dù có giả khổ giả nghèo thì nhìn thế nào cũng pha ke, có lẽ bị ảnh hưởng bới tư duy clean và set up quá nặng, cũng như thiếu kiến thức và kỹ năng thực tế.
Trong Tết quyết định chỉ xem phim Việt nên ngồi bấm bấm chọn chọn trên Netflix. Sau khi xem trailer và trích đoạn thì chọn xem 3 phim Võ sinh đại chiến, Người Lắng Nghe và 578. Xem xong thì chưa dám xem thêm phim nào nữa, từ từ hồi xem tiếp :D.
Nhận xét thì có phim Người Lắng Nghe là được nhất, Võ sinh đại chiến cũng khá dễ thương còn 578 thì vừa xem vưa khóc :)).
Người Lắng Nghe mình đánh giá cao nhất vì đầu tiên là việc lựa chọn đề tài, đề tài tâm sinh lý psychological xen với thriller chắc chắn không phải dễ kể, cũng là một đề tài mà sự hiểu biết về nó trong xã hội cũng chưa sâu sắc. Casting cũng khá tốt, vì mình thích bạn nữ chính có khuôn mặt và sự diễn xuất nhìn tự nhiên, hợp vai. Không bị lòe loẹt điệu đà phong cách hot girls hoặc plastic như tư duy chọn diễn viên nói chung bây giờ. Chỉ riêng điểm đó mình đã đánh giá cao, thể hiện được sự tinh tế của người làm phim. Nam chính diễn ổn, hợp đôi với nữ chính và tuy giọng bắc nhưng đài từ khá ok. Trước giờ diễn viên bắc bị đài từ rất kém, giọng không được cinematic lại kèm thêm thoại cồng kềnh, xem rất tụt cảm xúc và mệt mỏi. Mà diễn viên thì phải tốt cả ở giọng nói chứ không chỉ ngoại hình, body language. Nên chỉ cần một diễn viên bắc với một đài từ tạm ổn đã thấy sáng sủa cái phim lên bao nhiêu :D.
Tuy nhiên, phim bị phần quay và set design không được đẹp. Hình ảnh, ánh sáng, góc quay và bối cảnh bị thô và quá đơn giản, nên xem nhiều đoạn cảm giác như một đoạn truyền hình mì ăn liền chạy nhanh hoặc của mấy bạn sinh viên làm phim kinh phí thấp nhưng vẫn muốn phải “deep” :D.
Phim Võ sinh đại chiến cũng là một phim khá ok, mình cũng thích bạn nữ chính, bạn có một thần thái dễ thương, làm xem phim rất dễ chịu. Đặc biệt có lẽ phim action mà chọn đúng diễn viên biết võ, nên khi xem các chuyển động cơ thể của bạn khi đánh võ hoăc khi nhảy rất đẹp và đã, rất tự nhiên. Tiếc là phim không cho bạn được thể hiện nhiều hơn, xem phim chờ đợi nữ chính có một trận oánh nhau thật hoành tráng mà chẳng có trận nào. Bữa hôm đi xem Thanh Sói, diễn viên mà không phải là con nhà võ xịn đánh nhìn nó pha ke hẳn. Nên nói gì thì nói, phim action cứ phải biết võ xịn, biết cầm súng xịn, xem nó thoải mái cả cái thằng người :D. Nhưng phim Võ sinh đại chiến cũng như rất nhiều phim học đường nhiều năm trở lại đây, là môi trường trường học trong phim nó cứ như ở bên Thái bên Hàn chứ không phải Việt Nam. Phong cách học đường, bối cảnh, trang phục, nhân vật đều chẳng giống sinh viên Việt Nam, học đường Việt Nam, nên xem nó rất xa lạ, cứ như một bộ phim Thái lồng tiếng Việt. Học sinh sinh viên thì già chát. Với phim Võ sinh thì chắc diễn viên còn toàn Việt kiều nên xem nó càng xa lạ. Thề với các bạn là xem xong phim mình mới đi google diễn viên, mà lúc xem thì không ai nói cho mình mình tự nhận ra luôn nam nữ chính đúng chất ở bển về VN đóng phim không thể nhầm được :)). Đôi lúc cảm giác như nam hãy nữ chính sẽ buông ra: “Whatsup, dude” :D.
Ngoài ra, mấy phần đánh nhau, nhất là đoạn đầu, quay handheld mà thấy non tay quá, nhiều đoạn quay đánh nhau mà chưa được ra chất action võ thuật. Đặc biệt phim nói về “võ ta”, nhưng chắc có thể mình không biết nhiều về võ Bình Định nên xem chưa thấy đặc trưng nào của võ ta cả. Nhưng mà mình mê Vovinam lắm, võ Việt mình rất có đặc trưng riêng và xem rất đã mắt. Thích nhất là quả nhảy lên kẹp hết 5 anh. Mình cũng mong một ngày được làm phim về võ Việt, nhưng cái quan trọng nhất phải tôn vinh lên được những nét đặc trưng nhất của võ Việt, cái này mình thấy phim chưa ra được.
Còn phim 578 thì mình phải vừa xem vừa chấm nước mắt. Cũng hơi ngạc nhiên là một phim với kinh phí lớn, kết hợp quốc tế mà nó lại ngây ngô cỡ vậy. Chỉ riêng cái giọng lồng nam chính nghe như giọng quảng cáo bột giặt nước tẩy hay mấy bài thơ nhạt toẹt của “làm hại các vùng đất” đã thấy sự lựa chọn thiếu thực tiễn và thiếu tinh tế của người làm phim. Phim thì lúc cảnh quay rất đẹp rất xịn nhưng có lúc thì màu đổi hẳn sang tông khác, rất amatuer và chỉnh màu thậm chí còn lỗi rất rõ, nó không có sự đồng đều và rất thiếu chuyên nghiệp, cảm giác như chắp vá và làm từ nhiều ekip khác nhau với nhiêu trình độ khác nhau. Nam chính tuy rất đẹp trai nhưng xem lại không cảm được chút tình cảm hay xúc động nào. Chính ra Hen Nie còn diễn tự nhiên, thần thái tốt hơn hẳn dù bạn í còn chưa làm diễn viên chuyên nghiệp. Phim dựng cũng tủn mủn. Mình chọn xem phim này vì để xem nó được đại diện đi Oscar là thế nào :D.
Còn về phần âm thanh thì cả ba phim đều chưa được tốt, còn thiếu tinh tế, đặc biệt là sự sinh động của âm thanh nền hầu như không có. Nhưng thôi nói về phần âm thanh trong phim Việt nói chung thì phải làm cả đề tài luận văn :))
Các phim này mình cũng không nói nhiều về nội dung và cả cách kể chuyện vì như trên mình đã nói, nội dung chắc nó sẽ có đối tượng phù hợp với nó và đối tượng người làm phim. Mình thấy dở nhưng có người thấy hay, mình thấy hay nhưng có người thấy dở. Và nói thật, để mà phân tích ra thì chắc phải 10 bài này mới đủ, mà phân tích xong thì facebook mình friendlist chắc cũng đi hết nửa dân làm phim =)). Sự thật là giờ đi coi phim Việt về im re, vì chê ra thì mất hết đồng nghiệp, mà khen thì nói thật chưa phim nào cảm thấy phải thực sự buông lời khen, vì khen ra mà không đúng lòng mình hoặc đúng gu của mình, người ta cũng đánh giá mình không phải là một nhà làm phim tốt, gu dở. Mình thì bạn thân bạn quý mấy cũng quyết không buông lời thảo mai =)), tuy nhiên dở thì tốt nhất là im haha. Sau này mình có tác phẩm thì cũng phải nhận khen chê thôi, nhưng ai khen cho chết cũng sợ, mà chê làm tụt tinh thần thì cũng sợ chứ =)). Ngoài ra, có rất nhiều cái dở mình cũng hiểu nó xuất phát từ rất nhiều lý do, chứ không chỉ ở người làm phim!
Mình xem phim hay soi lỗi, không phải để dìm dập, chê bai hay ghen tị với người làm phim khác. Rất đơn giản là mình cần học từ những lỗi đó, mình coi để mình rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Nhiều khi các bạn thấy mình nói về phim mà hay nói về nhược điểm nhiều hơn là ưu điểm là bởi vì mình đang học đó, để sau nếu các bạn có xem phim mình biết đâu bớt được những lỗi đó, để còn dành cho những… lỗi khác =)).
À, nói thêm một ý trở lại đoạn đầu, khi mình nói phim Việt (trọng phạm vi mình xem) chưa biết cách kể chuyện tinh tế và bớt thẳng, cũng không có nghĩa là phải làm theo phong cách “art house” như nhiều phim của các nhà làm phim indie bây giờ, nghĩa là nó cứ phải tăm tối, khó hiểu, thể hiện sự sâu sắc. Vì xem mà không ai hiểu thì không thể gọi là sâu sắc được, xem mà quá trừu tượng và nhồi nhét hình tượng nhiều quá thì chỉ thể hiện sự gồng mình và trình độ chưa tới của người làm phim thôi. Để kể một ý tưởng, một nội dung mà tinh tế. Thì đầu tiên người làm phim phải là người nhạy cảm, nhạy cảm trong gu cảm nhận và trong sự quan sát cuộc sống, chứ chưa tính tới khả năng kể nó ra thế nào để khán giả có thể cảm nhận được y như mình hoặc hiểu được ý của mình. Nói chung mình 0 thích lôi cái mác “nghệ thuật” ra để biện minh cho sự thiếu thuyết phục của tác phẩm!
Thế nên mình mới bảo… làm và xem phim tài liệu nhiều vào =)). Chỉ tài liệu mới cho các bạn cảm nhận chân thành của cuộc sống, để tránh những diễn biến tâm lý ngây ngô, những cái set design giả trân, những câu chuyện vô lý, những lời thoại thiếu thực tế, những đề tài bó hẹp…
Trong bài post này mình cũng 0 nói gì về vụ kiểm duyệt vì mình chưa trải nghiệm. Nhưng mình cũng biết nó đóng một vai trò rất quan trọng trong việc định hình nên chất lượng của cả một nền điện ảnh phim ảnh! Nói chung nhìn phim nói chuyện :)).
P/S: Ở đây mình hay dùng từ “người làm phim” thay cho cụ thể là “đạo diễn”, vì chưa chắc mọi quyết định nào của phim cũng là của đạo diễn.
Tản mạn vui tí, mình quay lại phim tài liệu đây :D.
#523: Làm phim, 0 phải cái gì cũng được bịa, nhất là vấn đề văn hóa của một quốc gia!
Nhân vụ một bộ phim Hàn bị tháo gỡ khỏi Netflix vì “xuyên tạc lịch sử”. Mình thấy đúng là dịp để nói lên một vài tâm sự “nho nhỏ”, nhỏ mà có khi nó lại lớn á!
Nói chung, với quan điểm và sự giáo dục của mình và với tư cách cũng là một nhà làm phim. Thì mình nghĩ rằng, “lịch sử” và “văn hóa” của một quốc gia khác là thứ tối kỵ để xuyên tạc, bóp méo (cho dù định nghĩa thế nào là “xuyên tạc, bóp méo” thì có thể phải tranh cãi), nhưng điều gì khiến gây ra sự tổn thương và sự tự ái cho một dân tộc khác, đó là điều không nên làm, và không thể làm! Bây giờ thế giới đã ở thời đại công nghệ và hòa nhập. Mọi thông tin, hình ảnh đều được chia sẻ một cách rất dễ dàng và không còn mang tính giới hạn biên giới. Không còn ở thời phim ảnh được thoải mái tự do “thẩm du” tự sướng như thời Rambo. Mọi thông tin, hình ảnh, sản phẩm văn hóa đều có khả năng lan truyền ra được cả thế giới. Bất cứ sự sai lệch hay bóp méo nào, thậm chí là một câu đùa với một vấn đề nhạy cảm, đều có thể gây ra hậu quả khôn lường vì sự dễ bị kích động của thời đại mạng xã hội, sự lười biếng trong việc chọn lựa thông tin và nghiên cứu của đa phần dân số dùng mạng.
Đành rằng phim ảnh là “bịa”, nhưng không phải cái gì cũng có thể bịa, đặc biệt là ở những đề tài nhạy cảm và dễ gây tổn thương như lịch sử, văn hóa. Bởi vì đó là những thứ thiêng liêng của một dân tộc, cần phải có được sự tôn trọng đàng hoàng từ những quốc gia khác. Cởi trần cởi truồng chửi cha chửi mẹ trong phim mày cũng được, nhưng có những thứ không phải là đề tài để câu khách. Bởi vì không chỉ nó nhạy cảm, nó mang tính gây tự ái, xúc phạm, mà nó còn là sự vô tâm và vô đạo đức.
Cho dù nó chỉ là “một câu thoại” như trong cái phim Hàn nọ ,nhưng nếu bạn từng được đến một ngôi làng nghèo thê thảm với một gia đình Việt Nam mà trong nhà có tới 8 tấm hình trên bàn thờ của một đại gia đình bị sát hại bởi lính Hàn, chắc lúc đó bạn sẽ không có nghĩ tới câu thoại đó chỉ là một câu thoại “vớ vẩn” cho một bộ phim “đang hay mà” của bạn đâu bạn ạ!
Nhiều bạn ngây thơ cho rằng, “đó chỉ là một chi tiết nhỏ”. Nhưng bạn đừng quên rằng, sự xâm chiếm và đô hộ văn hóa nó bắt nguồn từ chính những thứ “nhỏ” như vậy. Có khi chỉ là một câu thoại, một cái kẹp tóc, một kiểu mặc quần áo. Nhưng điều tiếp theo bạn biết là có cả một bộ phận giới trẻ ở một đất nước nọ mặc hanbok lạc quẻ đi chụp ảnh bên cạnh một cái tường, cánh cửa, cây hồng mà vốn dĩ đặc chất của vùng nông thôn với một nền văn hóa hoàn toàn khác! Sự xâm chiếm văn hóa bằng thứ “quyền lực mềm” thế này nó tinh vi tới mức bây giờ cả một phần lớn thế hệ mới bị ảnh hưởng mà chính bản thân họ cũng không biết. Và thế là vô hình trung, tự nhiên có một thế giới mới làm nô lệ văn hóa cho một vài dân tộc!
Nhưng thật sự những bạn trẻ bây giờ cũng không đáng trách, bởi vì chính thế hệ tạo ra họ và giáo dục ra họ cũng đã và đang không làm tốt được việc bảo tồn văn hóa, di sản của chính mình. Trong hành trình quay phim về đề tài văn hóa của mình, tôi đã khá khó khăn trong việc đi tìm lại những giá trị, tư liệu, sản phẩm văn hóa gốc. Không chỉ chúng còn rất ít, hiếm hoi vì không được quan tâm và bảo tồn, hay được bảo tồn đúng cách. Mà thậm chí cả một số người phụ trách làm văn hóa họ cũng không đủ kiến thức và thật tâm trong việc bảo tồn, lưu giữ, tuyên truyền văn hóa dân tộc. Đôi lúc chỉ là đi xin tư liệu, xin thông tin để có thêm nhiều chất liệu tốt cho việc truyền bá văn hóa dân tộc tốt hơn đến giới trẻ và cho bạn bè quốc tế thôi mà cũng là khó khăn, lười biếng, thậm chí tìm cách moi tiền. Những “rừng vàng biển bạc” giờ cũng dần biến hết thành sân golf, resort, cáp treo với những thứ kiến trúc nửa mùa, lai căng rẻ tiền. Trong khi cái kiến trúc gốc của mình thì không biết trân trọng và thấy quý, và không biết rằng với thế giới đó mới là những điều rất đẹp và đặc biệt, là lý do để thế giới phải tới để gặp mình!
Thế thì làm sao mà một thế hệ tiếp theo được giáo dục tốt hơn và để cho chúng được kế thừa một nền văn hóa bền vững và phong phú?
Còn có những thứ vừa mới tranh thủ quay xong mà có khi chỉ sang tuần đã bị biến mất. Nhanh không kịp trở tay.
Khi không có văn hóa/di sản đặc trưng của dân tộc, bạn sẽ là gì giữa thế giới đại đồng này? Khi bạn đi ra thế giới, khi người ta hỏi bạn là người nước nào? Đặc trưng của dân tộc bạn là gì? Không phải đem ra món phở với mặc cái áo dài vào thế là bạn cứ là người Việt Nam. Cái tố chất văn hóa nó phải ở trong thần thái, sự hiểu biết, nó phải khiến người nước khác cảm thấy thú vị, khác biệt, phải “chất”, nó phải khiến họ nhận ra bạn ngay. Mà văn hóa là thứ phải trải dài qua thời gian, qua lịch sử, cái được thấm nhuần vào một con người từ lúc họ sinh ra. Làm sao bạn chẳng cần cứ phải mặc cái áo dài và cái nón lá nhưng khi người ta nhìn thấy bạn là một người Việt, người ta đã nghĩ ngay được tới món phở, những mái đình rêu phong, tiếng đàn bầu thánh thót. Khi không có văn hóa, tự nhiên bạn chẳng là ai, bạn cũng chẳng có cộng đồng, bạn chẳng có định danh dân tộc. Hay tệ hơn bạn lại thành công cụ đi quảng cáo văn hóa cho quốc gia khác. Mà bạn có vô tình hãy hữu ý “quảng cáo” văn hóa cho một quốc gia khác thì bạn cũng đừng quên bạn không bao giờ là một phần của họ, bạn chỉ là nô lệ văn hóa của họ!
Bạn nghe mấy lời này chắc thấy “đao to búa lớn” lắm nhỉ? Nhưng mà nghĩ kỹ thì nó là điều đang xảy ra mỗi ngày mỗi giờ và sờ sờ trước mắt đó. Và không phải bỗng nhiên mà có rất nhiều người con ở phương xa, khi đã đi ra tới thế giới, càng học hỏi và hiểu hơn về sự phong phú của văn hóa, lịch sử, di sản thế giới thì họ lại càng thấy quý, thấy tiếc, vội vàng muốn trở về để thưởng thức, tìm lại và rất nhiều tìm mọi cách để níu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử gốc đang vô cùng mong manh và mất đi mỗi ngày một nhanh như bây giờ. Rất tiếc phần lớn họ đều khá cô đơn trên con đường của mình và những gì họ làm được rất nhỏ lẻ.
Những tâm sự này với các bạn, tất cả đều là sự trải nghiệm của mình đó. Từ tư cách là một người đi sinh sống và học tập ở nước ngoài nhiều năm, một người làm phim đang bỏ rất nhiều tiền của và công sức của mình ra để làm những bộ phim về văn hóa, một người đã đi lang thang và được trải nghiệm với một số nhân chứng lịch sử, âm nhạc, kiến trúc mà tận mắt thấy mọi thứ đang mong manh và mất đi nhanh quá, một người nhìn thấy rõ ràng những sự xâm chiếm văn hóa tràn ngập vào cả một vài thế hệ mới, mà.. cũng không biết làm thế nào, vì mình cũng cô đơn và nhỏ bé, chỉ biết làm tốt nhất những gì trong khả năng, sự hiểu biết và trái tim mình mách bảo mà thôi!
Những câu chuyện này, mình sẽ còn kể nhiều, và mình sẽ kể bằng những bộ phim của mình nữa!
#tâmsựđêmkhuya
Ảnh: Ngôi đình bên cạnh cây Dã Hương 1000 năm tuổi ở Bắc Giang. Cây duy nhất còn lại trên trái đất. Có những điều hiếm quý như thế mà chính người Việt nhiều người cũng không biết.
Còn với mình, đây là kiến trúc dân tộc đẹp nhất thế giới!
#522: Tôi yêu Tết
#521: Y Tiết giờ ở đâu rồi?
Nhân chuyện nhìn thấy anh chàng So Y Tiết được mặc quần áo rất celeb và bảnh bao đi dự sự kiện lớn. Lại muốn viết một vài tâm sự. (Ủa ai không biết Y Tiết thì google ngay nhé :D)
Câu chuyện biết về anh chàng So Y Tiết này hết sức bất ngờ và…xa lạ. Khi mà chẳng thấy báo chí nào ở Việt Nam nhắc tới Y Tiết và đương nhiên cũng chưa từng bao giờ nghe thấy tên bạn í bao giờ. Thế rồi một ngày bạn ở bên Mỹ hỏi có biết Y Tiết không? Lúc đó nghe cái tên mình còn cãi chắc 0 phải là người Việt Nam rồi. Anh í nói là sao gần đây nghe thấy hiện tượng này ở bển, đến ngôi sao nổi tiếng cũng remix lại nhạc của cậu này, mà nghe nói đó chỉ là một anh chàng dân tộc nghèo xa xôi tận Việt Nam. Anh bảo bài hát vớ va vớ vẩn thì phải,giọng hát thì chẳng có cái gì, nói chung giờ không thể hiểu nổi gu của thiên hạ. Mà nghe nói là một số ngôi sao nổi tiếng tầm cỡ có số má còn suốt ngày share lại mấy cái clips của Y Tiết.
Xong tớ cũng tò mò đi tìm anh chàng xem đó là ai, cũng thấy dễ thương, mà giờ thì tớ cũng không ngạc nhiên vì bất cứ hiện tượng gì bỗng nhiên nổi tiếng nữa cả, cũng chẳng buồn thắc mắc.
Thế rồi…chỉ mấy ngày sau, anh bạn tớ bỗng nhiên gật gù: “Giờ anh hiểu vì sao mọi người thích Y Tiết rồi đấy”. Rồi anh í gửi cho tớ một loạt links bài hát của Y Tiết, miệng không ngừng ngâm nga cái câu hát: “I love peaches, I love you”. Mà cả cái bài hát của Y Tiết có đúng câu hát đấy thôi. Rồi anh vừa hát theo vừa lúc lắc cái đầu, thấy anh đáng yêu dễ sợ. Anh bảo nghe xong Y Tiết tự nhiên thấy một ngày sáng sủa dễ thương hơn, cho dù tin về bầu cử và chứng khoán thì nó vẫn tệ như mọi ngày thôi. Và bọn tớ cùng ngồi nghĩ xem vì sao mọi người lại thích Y Tiết tới như thế? Sao chính anh í cũng bị Y Tiết thuyết phục lúc nào không hay?
Y Tiết nói phần lớn fans của Y Tiết là người nước ngoài, đương nhiên kiểu ngây ngô dạng này thì chưa thể là gu của người Việt được nên fans Việt của anh chắc chắn là ít rồi. Nhưng cứ nghĩ mà xem, nếu cách đây vài năm, chục năm, nếu có 1 Y Tiết như vậy thì có lẽ người nước ngoài cũng chưa chắc quan tâm. Nhưng những năm tháng gần đây, khi xã hội ngày càng phức tạp, nhiều vấn đề, mọi thứ dù rất nhỏ và đơn giản bỗng nhiên cũng trở nên rất to tát, người ta có thể mổ xẻ và trầm trọng mọi thứ trên trần gian, kể cả đó là câu chuyện cổ tích, truyện dân gian cho tới một cái liếc nhìn của một vị lãnh đạo. Bệnh dịch, chiến tranh, biểu tình, văn minh lên quá cao cái gì cũng là “big deal”, quá nhiều tầng lớp của sự sống ảo và giả dối. Con người tự bản thân sống với cái mạng xã hội đã trở nên quá phức tạp lúc nào không hay. Rồi một ngày rất nhiều người nhận ra có khi một điều gì đó thật ngây thơ, hồn nhiên và chân thật sẽ khiến một vài phút giây trong cuộc sống của họ trong trẻo và bình tâm trở lại. Anh bạn tớ khi suốt ngày sắp phát rồ vì phải đọc đủ thứ tin về bệnh dịch, bầu cử, biểu tình. Chẳng ai làm gì chỉ đọc tin cũng làm một ngày bực bội, chứng khoán thì trồi sụt, bỗng nhiên được nghe một vài câu hát vu vơ của một anh chăn bò đâu đó xa xôi tận Việt Nam lại thấy vui vui trong lòng, một vài giai điệu lặp đi lặp lại nhưng mà lại rất catchy và có thể hát theo cả ngày không chán. “I love peaches I love you”, mặc dù có lúc từ “peaches” phát âm hơi sai sai hơi bậy bậy tí thế nhưng mà thế nó lại đáng yêu. Đôi lúc khi xung quanh đen tối quá, đọc phải quá nhiều thứ mệt mỏi, thời đại của media cứ phải tiêu cực thì mới nhiều likes và shares thì những điều trong trẻo như Y Tiết lại cứu rỗi nhiều tâm hồn bực bội và khiến cho nhiều người nhận ra vẫn còn một thế giới hồn nhiên đâu đó ngoài kia. (À nhưng ngay đến như Y Tiết đương nhiên cũng không tránh khỏi những lời nhận xét và bình luận cay nghiệt. Nhưng mà…”kệ thôi” (Y Tiết nói thế).
Không chỉ Y Tiết, có rất nhiều câu chuyện tương tự như Y Tiết đôi lúc rất “silly” lại trở thành hiện tượng khiến điên đảo thiên hạ. Chẳng hạn như clip anh giai vừa cầm bình nước trái cây to đùng vừa đi skateboard tự sướng và lip sinc trên nền bài hát “Dream” của Fleetwood Mac. Một bài hát kinh điển đã từ những năm 70’s. Bỗng nhiên clip went viral, mọi người xem đi xem đi xem lại cái clip và tự cười với nhau cho dù hầu như nó chẳng có một cái nội dung gì. Bỗng nhiên bài “Dream” được nghe khắp mọi nơi, bài hát được mua trực tuyến ở mức độ kỷ lục, còn hơn cả thời nó nổi nhất. Hãng nước trái cây bán đắt như tôm tươi còn anh giai nọ thì có cả triệu người follow trên Instagram và mỗi ngày anh chỉ việc up một cái clip ngắn “ngớ ngẩn” nội dung gần như nhau nhưng mà mọi người vẫn theo dõi anh ta đều như một celeb đích thực.
Làm…phim cũng thế. Trong khi mọi người đang đi tìm đủ thứ phức tạp, câu chuyện phức tạp, kỹ xảo phức tạp ngoài kia để làm ra những bộ phim phức tạp. Mình lại ước được xem những bộ phim thật đơn giản, kể về những điều thật đơn giản, không cần đến bất cứ một cái kỹ xảo hay màu sắc lòe loẹt gì. À nhưng mà mình cũng nhận ra để làm được những điều thật đơn giản mà vẫn thật hay và vẫn chạm được vào trái tim của triệu người thì điều đầu tiên: có lẽ phải thoát khỏi cái thế giới phức tạp này, như Y Tiết trước đã!
Có những thứ nó không phải là hay hay không hay, mà là nó có khi là một thứ mọi người “cần” vào những lúc nào đó. Có lẽ cuộc sống không nên chỉ bó buộc sự yêu thích bằng mỗi việc “hay”, “không hay”, “xinh” hay “xấu” nhỉ.
Chẳng hiểu sao dù gì thì mình vẫn thấy một cái bad feeling khi một Y Tiết bỗng nhiên nổi tiếng mà nhiều người lại tâng bốc, tìm cách khai thác hoặc lợi dụng Y Tiết, theo những cách mà chính họ còn không hiểu được vì sao Y Tiết được nổi tiếng như thế. Kiểu Y Tiết thì không bao giờ trở thành một trào lưu yêu thích viral theo gu của người Việt mình cho dù cả thế giới có thích Y Tiết haha. Chắc chắn tới giờ đầy người vẫn chẳng hiểu vì sao Y Tiết nổi tiếng ở ngoài kia. Nhưng mà cái cách ăn theo bằng định nghĩa sự “nổi tiếng” là phải khoác lên sự bảnh bao mang hình dáng celeb cho dù 0 hiểu được bản chất được việc vì sao người ta nổi tiếng thì nó đúng là “bad feeling” thật đó.
À để cho dễ hiểu về cái ý nói trên. Chuyện của Y Tiết làm cho tớ nghĩ tới một ví dụ tương đồng. Khi con người ta du lịch tới một vùng đất và họ rất thích vì vùng đất ấy có những bãi biển hoang sơ thật trong xanh, hay những rừng thông lâu năm lấp lánh mát rượi trong ánh mặt trời sớm mai, vì cái không khí mát lành dù giữa trưa hè…nhưng sau đó người ta xây kín nhà cửa, resorts, khách sạn giăng kín cái sự hoang sơ trong xanh đấy, phá hết rừng thông, đem cả thành phố về đuổi đi cái không khí mát lành của núi rừng. Và thế là giờ cũng 0 ai biết người ta còn đến cái mảnh đất đấy để làm gì nữa, vì cái lý do để người ta đến chính là cái bị phá đi vì sự tham lam, ngu dốt, sự trọc phú của đám nhà giàu và thiếu ý thức.
Y Tiết nổi tiếng vì sự hồn nhiên, chân thật, đáng yêu. Y Tiết cũng rất happy với đi chăn trâu mỗi ngày, đủ tiền ăn và xây cái nhà vệ sinh lớn nhất thị trấn cho dì dượng là vui rồi. Chứ giờ lại đem Y Tiết đi event, mặc quần áo bảnh bao đồ, rồi 0 chừng gameshow, đóng phim, Y Tiết bỗng chốc lại trở thành 1 thể loại celeb quá tầm thường và nhan nhản với khoảng 200 triệu người như thế ngoài kia…! Chắc là chẳng có gì mà cứ giữ hồn nhiên và chân thành mãi được trong cái xã hội quá phức tạp này! (Đấy 0 nghĩ phức tạp 0 được khổ ghê á!)
#520: My followers
#509: Wild wild country
Ồ wao một bộ phim tài liệu vãi chưởng :)).
Đúng là những có chuyện chỉ xảy ra trên nước Mỹ. Nước Mỹ rộng quá, mỗi bang như một nước nên có nhiều người còn chả biết những chuyện như thế này đã từng xảy ra, người biết thì cũng 0 thể hiểu nổi tại sao lại có những chuyện như thế. Có người có thể ngạc nhiên tột độ nhưng có người lại thấy “quá là bình thường”. Mình ở Mỹ bao nhiêu năm, nghe bao chuyện về các thể loại hội nhóm, giáo phái, cả những chuyện dã man như vụ Jonestown với cái giáo phái một phát tự tử cả nghìn người rồi mà xem mấy phim tài liệu này vẫn cứ phải ngạc nhiên.
Một câu chuyện rất kịch tính hơn mọi kịch bản phim, nhưng cái hay là tưởng đầy chết chóc bệnh hoạn và phi lí mà xong cuối cùng khán giả lại ngơ ngác là ủa rồi thì… tóm lại thế nào? Rất hồi hộp, đầy âm mưu, lay động cả chính quyền và thế giới, tưởng có ám sát, bom nổ, chiến tranh đến nơi mà rồi rút cuộc… lại chẳng có ai chết trừ… nhân vật… gần chính (gần chính vì cả phim chủ đề về ông đó nhưng nhân vật chính lại là… trợ lý của ông đó). Và rồi đủ thứ buộc tội kịch tính kia rốt cuộc là… có thật hay không? Tóm lại là thế nào? Hay tất cả chỉ là sản phẩm của thuyết âm mưu vì những ý thức hệ và quan điểm xã hội của thời đại?
Một bộ phim rất kỳ lạ là nó cho mỗi người xem một nhận định riêng của mình để đánh giá về vấn đề. Ở đây ai mới thực sự là xấu, là thủ đoạn? Cái bị cho là xấu có chắc là xấu? Cái người bị cho là thủ đoạn có chắc người truy bắt họ là tử tế hơn không? Một cuộc sống tự do và hạnh phúc theo cách của mình cho dù có thể khác biệt với những quy chuẩn chung của xã hội có chắc là thứ bệnh hoạn? Cả xã hội lên đồng tiêu diệt một nhóm người nhưng chắc gì phần đông đúng hơn phần ít? Có chắc cuộc đời chỉ có trắng và đen? Một xã hội tưởng rất tự do mà có thể xảy ra được những chuyện không tưởng như thế (là không tưởng với những “người thường” như bọn mình thôi), nhưng hóa ra chính sự tự do như vậy mà lại tạo ra nhiều hệ tư tưởng, quan điểm xã hội khác nhau, tạo ra những định nghĩa khác nhau về “đạo đức xã hội”. Mà đã tự do và khác nhau quá là lại đi diệt nhau, tự do có cái giá của tự do!
Cả bộ phim với nhân vật chính là Sheela, quả thật tưởng rất tàn bạo xấu tính, nhưng mà có khi lại… chưa chắc. Và cho dù người làm phim có ý định làm phim vì mục đích có khách quan hay không, và thừa sức hiểu họ đã giấu và cắt đi rất nhiều chi tiết mà có thể cho câu chuyện được cái nhìn khách quan hơn. Nhưng mà tinh ý thì vẫn nhận ra ngay những nhân vật được nhắc trong phim, đặc biệt là nhân vật chính đều là những người thông minh tuyệt đỉnh, và họ có những điều quá khác người. Đôi khi sự khác biệt cũng rất khó đánh giá được họ đúng hay họ sai vào những thời điểm nhất định.
Vị thầy sư Osho trong phim cũng để cho bạn đánh giá ông í là một kẻ cầm đầu các giáo phái bệnh hoạn, hay thực chất chỉ là một người truyền giáo muốn có một cộng đồng sống thoải mái và bình yên theo cách của mình, lấy bản năng con người làm gốc rễ. Nhưng cũng dù ông ấy có là thế nào, cũng thấy rõ một điều. Dù bạn có cho là mình lên đỉnh cao của niết bàn nhưng bạn vẫn ở trong cõi loài người và vẫn là… loài người thì vẫn không bao giờ thoát được sân/si bản năng của giống loài người. Cho dù có cho rằng mình đã buông bỏ, mình đã không còn vướng sự đời, mình bất chấp tất cả, nhưng cứ xem rồi chuyện gì xảy ra là cái máu người nó lại nổi lên ngay. Rồi thì cũng 0 thoát khỏi sự giận dữ, sợ hãi, đau khổ. Và cuối cùng thì cũng vẫn làm con mồi béo bở cho những kẻ vụ lợi.
Có một đoạn trong phim rất là xúc động là khi một nhân vật trong giáo phái buộc phải sang Đức chạy trốn vì tội ám sát bất thành trên nước Mỹ với cái án hàng chục năm tù treo lơ lửng. Nếu cô ta không ra khỏi nước Đức thì cũng 0 bao giờ lo bị bắt. Nhưng cuộc đời trớ trêu khi cậu con trai lại bị ung thư não sắp chết. Và cô ấy quyết định quay trở Mỹ để đầu thú, đổi lại để được ở bên con lúc cuối đời. Và một bản án khó tin và bất ngờ đã được tuyên. Cô ấy được… thả tự do. Không phải vì cô ấy vô tội. Là vì cái cách cô ấy nhận tội để được về với con mình đã khiến cho tòa án cảm động và lấy cái tình lên trên cái lý. Cô ấy cũng là thành viên rất tích cực của giáo phái và là một trong những nhân vật chính của bộ phim. Nhưng câu chuyện của cô ấy cho thấy thời thế, xã hội thay đổi về cách nhìn nhận con người trong một quá trình lịch sử. Có thể lúc đó họ bị đánh giá là người xấu, nhưng trong thời đại khác, có thể người ta lại nhận ra họ đơn giản chỉ là khác biệt, và cái cuối cùng quan trọng nhất vẫn là bản năng yêu thương của con người.
Nói chung phim này cũng 0 dành cho tất cả mọi người. Đặc biệt là nếu ai không hiểu nhiều về văn hóa, chính trị Mỹ, hay hiểu về dân redneck thì xem sẽ không thấy hết được sự thú vị hoặc nhiều những vấn đề được nêu ra trong đó, cả những câu chuyện theo thời đại nữa (ví dụ thời 70’s, 80’s với tinh thần bài cộng và thuyết âm mưu bè phái cao thì xã hội cũng rất khác bây giờ). Vấn đề đúng hay sai của các nhân vật cũng tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Mà sự cảm nhận này nó lại tùy thuộc vào trải nghiệm, vốn hiểu biết, logic phân tích vấn đề của mỗi người nữa. Cái hay nhất ở phim chính là ở chỗ đó!
À, mỗi lần xem phim về các chủ đề “cult” (nôm na là các giáo phái), mình luôn đặc biệt thắc mắc về tính thôi miên của những con người khi tham gia những giáo phái này. Mà không phải chỉ là những người vớ vẩn, tinh thần yếu, giáo dục kém tôn thờ đâu. Như trong phim, toàn nhân vật siêu đẳng, thông minh tuyệt đỉnh cả, từ giáo sư cho đến nhà khoa học. Có thể mỗi người này đều có những phần nào đó chung nhất trong não bộ, khi được kích hoạt trùng tần sóng thì sẽ hòa quyện và tạo ra năng lượng khổng lồ. Mà cái phần chung đó đôi khi chỉ đơn giản là: “bản năng gốc của con người”.
#499: Cây nhài leo đã nở kín hoa
CHỈ LÀ CÂU CHUYỆN CÁI CÂY…
Cuối cùng cũng tới ngày này dù chắc phải tuần nữa mới full bloom, giờ mới loading khoảng chừng 40% còn lại vẫn là nụ, nhưng không thể chờ muộn hơn để khoe :)).
Cây nhài leo thủa nào mình đi mua ven đường ở gần Trường đại học Nông nghiệp trong một cơn sang chấn tinh thần, sau 2 năm sang đất ra vườn và leo lên được tận tum, giờ nụ hoa nở kín từ dưới lên trên. Cảm giác một ngày lên tầng mở cửa ban công và nhìn ra một giàn hoa leo trắng xóa đẹp đến ngỡ ngàng, cứ như trong phim không bằng :)).
Cách đây 1 tháng lúc tất cả các cành cây đều ra những mầm lá xanh nhỏ tua tủa, mình nghĩ rằng chắc đó là mầm lá mới chứ không thể nào biết rằng đó chính là nụ hoa, vì làm sao có thể nhiều nụ hoa tới như vậy đấy. Không lẽ cả cái cây có cả ngàn nụ hoa như thế sao? Ngoài ra nhà mình vốn thiếu nắng nên cũng không tự tin rằng có cây nào sẽ ra được nhiều hoa. Thế mà tới cái ngày nhận ra tất cả các cành cây đấy đều trổ thành nụ hoa thật sự thì hơi sốc nhẹ vì không lẽ mình sắp được nhìn một cái cây leo kín hoa hay chăng? Nhà mình mà cũng có thể ra được cái cây nhiều hoa như thế chăng?
Quay lại chuyện sang chấn tinh thần hôm đi mua cái cây này. Đó chính là ngày cách đây hơn 2 năm mẹ sơ sẩy mở cổng nên 2 con chó nhà mình lẻn ra ngoài dắt tay nhau đi chơi, trong đó con chó cái mới đẻ con được có 5 ngày còn đỏ hỏn. Mình hốt hoảng tột độ vừa vội vã đem bọn chó con đi tới trung tâm chăm thuê vừa cầu cứu khắp nơi tìm chó, mà đi một phát đi cả 2 con, là 2 bố con. Trong cơn hốt hoảng mình gọi cho Long bảo em đưa chị đi mua cây ngay và luôn không chị ngồi một chỗ chờ chó về thế này chị căng thẳng tinh thần quá. Mỗi lần stress là chỉ có đi mua cây hoặc chăm cây là mình thấy được dễ chịu hơn. Thế là hai chị em lọ mọ đèo nhau ra Đại học nông nghiệp. Lúc dừng ven đường mình hỏi cô bán hàng: “Có cây gì nó leo mà ra hoa được không?”. Cô ấy chỉ cho một loạt cây, rồi không biết sao mình chọn cái cây nhài leo này dù lúc đấy nó chỉ có 2,3 bông hoa trên cây và nhìn khá èo uột. Lúc còn đang thẫn thờ thì nhận được tin báo đã tìm được chó, tìm được đủ 2 con của nợ, ôi giời thế là tinh thần phấn chấn, mua thêm hẳn bao đất lôi xềnh xệch về :)).
Cái cây sau khi sang đất mất gần năm không vươn được lên cao vì vướng dưới cây khế, lại ít nắng. Một ngày mình bỗng phát hiện ra có một nhánh đang nỗ lực vươn cao mãnh liệt, nhưng vướng cây nên quấn mấy vòng vào cây khế không thoát được và cũng không lên cao được. Thế là mình bắc thang và thả dây từ trên cao xuống, rồi vắt cái cành vào. Thế rồi chỉ khoảng một thời gian ngắn sau, cái cành ấy vượt được ra khỏi 2 cây khế và bắt đầu thoát ra nắng vươn lên cao. Những bông hoa đầu tiên nó ra là ngay ban công tầng hai của phòng mình. Trước giờ vẫn mơ có hoa nở trước cửa phòng, nay nó đã thành sự thật. Rồi chỉ một nhánh cây ấy nó đẻ ra nhiều nhánh cây khác và bắt sang tất cả những cái dây mẹ treo từ trên tum xuống. Và rồi chỉ gần một năm, nó đã leo được lên tận tum. Cho đến hôm nay, nó tặng quà lại công chăm cây của hai mẹ con là nụ hoa chi chít từ gốc đến ngọn. Điều mà tới giờ mình vẫn còn ngỡ ngàng. Hoa lại còn thơm ơi là thơm nữa chứ!
Nhớ lúc ra những nụ xanh xanh mình ngỡ là nụ lá, mình còn nghĩ vu vơ, biết đâu một thời gian nữa hóa ra nó là nụ hoa nhỉ, ôi giời nếu mà là nụ hoa thì hoa từ dưới lên trên à. Nghĩ vậy thôi chứ sao có thể tin bọn nó một ngày là nụ hoa thật, cảm giác cứ như điều kỳ diệu vậy í!
Sáng dậy hoa hay rụng kín ở sân sau, hoa rơi đầy những chậu nước tưới cây của mẹ. Sáng mẹ cứ dậy quét sân mẹ lại lầm bầm :)), thế mà mình còn dặn mẹ đừng có vớt hoa ra khỏi chậu nước, để con ngủ dậy… chụp ảnh xong thì mẹ hãy tưới cây :)).
Trưa mình vác ghế ra ngồi ôm cằm ngắm cái cây say mê, xong khệ nệ ôm 3 cái máy ảnh đủ loại ra chụp chụp chụp, chụp mãi không thấy chán. Mình đang ngồi chờ tới ngày nó full bloom hẳn, chắc lúc đó còn đỉnh hơn thế này nhiều lần.
Thực ra muốn nhìn được cái cây đẹp nhất phải là từ… hàng xóm nhà mình nhìn sang. Nhưng rất tiếc là nhà hàng xóm mình sợ ánh sáng mặt trời bất kể xuân sang hạ tới đông về thu đi nên lúc nào cũng làm cái màn xanh lét che kín nhà, chỉ kéo lên lúc buổi tối. Cũng không biết lúc nào thì họ có ánh mặt trời vào trong nhà nữa. Trong khi ngược lại bên nhà mình thì phòng lúc nào cũng mở ban công đón gió và khí trời, cây cối kín đặc. Thì họ không cần ánh sáng mặt trời cũng không sao nhưng mà tức là mỗi lần chụp ảnh cái cây và vườn mình nhưng mấy tấm màn xanh nhà họ làm cái background của ảnh xấu bỏ mịa. Chụp ảnh né thế nào cũng không thoát khỏi mấy cái màu xanh le lét đấy, bực bội :)). 0 lẽ rút tiết kiệm mua cái rèm tre đèm đẹp sang đấy tặng nhờ họ dùng hộ cho em bên này chụp ảnh cho nó đẹp với. Mà chưa kể cái cây nhà mình đẹp thế mà không thèm kéo cái rèm lên mà nhìn :)). Trong khi mình muốn nhìn được cây nhà mình còn phải vẹo hết cả người. View nhà mình đẹp thế mà view bên kia xấu quá xấu, đời thật là không công bằng huhu.
Nói chung chỉ ai trồng cây và chăm cây, yêu cây mới hiểu được những cảm xúc sung sướng vì cây như thế này :)). Bằng chứng là viết bài về cái cây mà mình viết dài được như thế này đó các bạn :)).
Từ bé thơ mình đã ước sau này mình có một mảnh đất nhỏ để trồng cây như mình mơ ước. Sau lớn lên còn muốn mảnh đất thành cái studio để mình quay phim nữa. Thế mà đèo mẹ, mơ từ bé cho đến lớn, chưa kịp mần ăn được mảnh nào thì tới giờ phong trào nghe nhạc Đen Vâu trồng rau nuôi gà, bỏ phố về rừng được làm nông mà vẫn xinh vẫn trắng mộng mơ như Lý Tử Thất nó bùng phát dữ dội quá. Nhà nhà chán thành phố muốn được về quê nghỉ dưỡng trồng cây, mình còn bị ám ảnh bởi cụm từ cò đất: “Siêu phẩm nghỉ dưỡng”. Phong trào bùng phát dữ dội nên giá đất nó dữ dội theo, tới giờ cuối cùng mình mới tiết kiệm được ở mức mua được cái nóc nhà, ước mơ có mảnh đất làm phim và studio chắc là ngày càng xa vắng bà nó rồi =)).
Ơ nhưng mà cũng chẳng biết được, vì giờ nghe nói là những nàng Lý Tử Thất mộng mơ sau vài hồi mua đất với viễn cảnh trồng rau nuôi nhà ngôi nhà nhỏ xinh đang bắt đầu bán đất lại rầm rầm, vì sau phát hiện ra… thành phố chán mà về quê còn… chán hơn nhiều, và trồng cái cây… nó cực quá, đời quả thật không như là mơ :)). Thế nên mình lại có chút hy vọng, lại ngay ngắn ngồi chờ xem khi nào cơn fever đi qua biết đâu kiếm được mảnh nào :)).
Cơ mà trong lúc chờ không biết tới khi nào thì bố mẹ quyết định cho cải tổ lại mảnh vườn nhỏ sau nhà. Mình sẽ làm lại thành một căn nhà xinh cho mình và… chó ở, cùng một mảnh vườn be bé trồng những thứ mình thích. Mình trồng cây cực mát tay các bạn nhé, và cũng 0 ai chịu khó có thể một ngày 5 lần bê cây ra nắng, 3h sáng bê cây vào nhà khi mưa to, 5h sáng lại đem lại ra đón bình minh như mình đâu :)). Gọi là chịu khó cũng được, mà gọi là rảnh quá cũng được :)). Nhưng mà cứ rảnh rồi chờ tới ngày được thành quả thế này đi, thật là đáng í hê hê hê!
Ký tên: Hà Kin – cô gái yêu cây và chó vô đối!
Ảnh: Chụp vào mấy hôm nay bằng nhiều máy ảnh khác nhau
#homesweethome
#hakindiary
#hakingarden
#nhatkyhakin
#506: Cái lồ
Nhân câu chuyện thời sự đồng chí đại biểu tỉnh nọ đi đường Quyền Gôn Trượng chỉ đập gậy xuống đất mà làm được người khác bất tỉnh. Mình nhớ ngay ra một câu chuyện này dù cái kết khá là khác. Chuyện xảy ra từ hồi mình còn niềng răng, chưa đi du học và chưa dám nói bậy như bây giờ =)).
Bữa đó, mình có đi giúp phiên dịch và giao lưu cho một đoàn có một số người nước ngoài về một số công tác xã hội. Buổi trưa cả đoàn được mời vào một quán ăn rất to. Quán này nổi tiếng với các món cá, riêu cá, cá chiên, cá hấp, cá kho… và có cả một chuyện cá tính đã xảy ra ở đây =)).
Quán rất đông và có nhiều thành phần khách ăn khác nhau. Xe tải cũng có, gia đình cũng có, cán bộ cũng có, tây tàu lác đác đủ cả. Trong quán, có một cô gái phục vụ người cong vút, chuyên đi nhận order, và cả chạy bàn luôn. Người đã cong mặt lại còn xinh và rất nhanh nhẹn. Nhìn cũng thấy đáng yêu.
Ở cái bàn kia có một đoàn đại biểu nọ, quần áo sơ vin và anh anh em em vậy chắc cũng thuộc dạng đồng chí tỉnh nào ở đâu đó. Đồng chí ngồi giữa được anh em mời cụng một ly liên tục chắc là hàng đại biểu. Mặt đồng chí đã ngà ngà. Cô gái đi qua đi lại vài lần, có lấy đồ ra phục vụ đoàn. Đồng chí hất mặt khi cô gái đi qua:
“Xinh gái quá nhỉ. Ra đây anh mời em một ly.”
Không có phản ứng của cô gái
“Kiêu à? Kiêu phết” Đồng chí không hài lòng
Cô gái chẳng cả thèm ngoái lại. Mắt đồng chí vẫn hau háu nhìn về cô. Đồng chí cứ gọi qua rồi gọi lại như vậy nhưng cô dường như không bận tâm
Một lúc sau cô được 1 người khác trong đoàn đó gọi quay lại phục vụ đồ. Đồng chí tranh thủ chồm lấy nắm tay cô:
“Làm một ly, một ly anh mời cái nào”
Cô gái hất tay ra
Đồng chí, cáu đấy:
“Đéo gì kiêu thế?”
Cô gái:
“Kiêu cái lồn”
Toàn bộ bàn tiệc đóng băng trong 5 giây. 3 bàn tiệc bên cạnh bao gồm cả bàn đoàn mình cũng đóng băng, nín thở.
“Ô địt mẹ con này láo nhở”. Đồng chí gầm lên
“Láo cái lồn”. Vẫn là cô gái
Rồi cô quay đít chậm rãi bước đi. Đồng chí ngay lập tức đứng dậy chắc ý định đuổi theo táng cho cô một trận nhưng vừa đứng dậy thì cái thắt lưng nó tụt ra (vì bụng to quá phải tháo ra ngồi ăn cho nó thông), cái quần trễ xuống tay đồng chí níu vội may kịp. Giây phút này mà đồng chí liều mình xông lên đuổi theo gái là cái quần sẽ tụt xuống đất hở ra cái quần đùi hoa mận là cái chắc. Anh em xung quanh cũng nhanh trí vội kéo đồng chí ngồi xuống : “Thôi thôi được rồi thôi thôi. Vui vẻ anh ơi. Thôi thôi”. Anh kéo em ôm vừa vuốt lưng vuốt lông nên đồng chí đành ngồi xuống, tay níu cái quần, và không quên hậm hực lớn tiếng. “Loại láo với khách thế này đuổi ngay đéo chấp nhận được”
“Đuổi cái L Ồ…” cô gái dù đã đi một đoạn nhưng vẫn đang xuống chữ, chưa kịp phát âm cho đầy đủ thì anh chủ quán hô lên cắt ngang: -“Được rồi được rồi”, rồi kéo cô đi về phía bếp. Không cô cứ đứng đấy lại vài cái lồ nữa là đồng chí có khi đuổi việc cả chủ quán bây giờ.
Vì chủ quán là một người quen trong đoàn mình nên anh chủ có ra làm ly rượu cảm ơn. Một chú trong đoàn tấm tắc chỉ về cô gái:
“Cứng phết nhỉ?”
“Em nó còn chửi nữa là”. Anh chủ vuốt tóc
“Chú thế chiều nhân viên quá nhỉ?” Một cô có tuổi trong đoàn trầm trồ
“Dạ tại có mình nó nói được tiếng Anh tiếng Pháp tiếng Nga tiếp Tây ở đây. Tây mê nó lắm”.
Vẫn là chủ quán:
“Tây nó cũng chửi”
Vừa dứt lời thấy cô gái la lên :
“Mẹc mẹc”
Mình, cậy biết tiếng Pháp mấy từ này nên nhanh nhảu thốt lên:
“Ồ hay thật, chửi cả tiếng Phâp luôn anh nhỉ”
Anh chủ quán quay lại nhìn:
“À nó đang chỉ cái thằng lái Mẹc của ông kia đậu xe chắn hết chỗ để xe của khách đấy”
“Ôi đỉnh, biết cả các loại xe luôn ạ? (với mình thì rất là đỉnh vì ai hỏi mình đây là xe gì thì mình chỉ biết trả lời đây là cái xe ô tô =)))
“Dạ nó đi du học về mà, cái gì mà nó không biết?” Anh nói sau khi đã rít xong ly mời khách.
Cả đoàn: !!!!
Còn mình lúc đó thì chỉ thắc mắc mãi về cái quần đồng chí mặc. Tại sao có cái bụng to như thế mà vẫn có cái quần có cái đũng quần nó thọt qua được nhỉ? Lúc đó không dám tới hỏi đồng chí là mua quần ở đâu để còn mua về làm túi ngủ đi du học, cho ấm lòn g mỗi khi đi camping vì mình sợ rét lắm.
Chỉ 2 tháng sau buổi đó mình cũng đi du học cho dù chưa tìm được cái quần đồng chí. Và sau khi du học về giờ mình đã tự tin trần thuật lại câu chuyện cái lồ này với các bạn :))
À mà lúc đấy không vì cái quần thì liệu cô ấy có bị táng không nhỉ? Hmm
#hakindiary
#nhatkydoitao
#nhatkyhakin
#cáilồ
#505: Một suy nghĩ về làm phim tài liệu nhân xem: “The deadliest road”
Thỉnh thoảng chắc chẳng mấy khi có ai băn khoăn về những vật dụng nhỏ nhỏ mỗi ngày như cái đũa, cái tăm hay một con cá bữa tối mà để tới được bàn ăn của bạn thì trước đó là cả một hành trình mưu sinh vất vả tàn khốc của con người mà thậm chí có thể tưởng tượng cũng chưa chắc ra được. Như mình có mấy khi nghĩ tới điều đó cho tới khi xem những phim tài liệu như thế này. Nó làm cho mình nghĩ về không chỉ là cái đũa hay con cá được kể trong phim, mà nó làm mình nghĩ tới mọi điều dù nhỏ nhoi trước mặt bạn, thứ bạn đang dùng mỗi ngày là cả những câu chuyện cuộc sống vĩ đại đằng sau nó. Mà đôi khi bạn nên biết để biết yêu thương, nhân văn hơn với cuộc đời và biết quý những gì mình có, dù chỉ là một vật rất nhỏ và quá quen thuộc mỗi ngày.
Mình rất thích những kiểu làm tài liệu như thế này. Những cách khai thác góc nhìn và đề tài đi vào phía sau, phần con người, mà rộng hơn là phần cuộc sống thực sự tạo nên nó, chứ không phải ở việc chỉ mô tả một sự vật, hiện tượng, vật dụng. Ví dụ theme là: “Deadliest roads”, dịch nôm na là: “Những con đường chết chóc nhất”. Ngay lập tức người ta sẽ nghĩ rằng chắc hẳn đó là những con đường khấp khểnh xoắn tít, lên thác xuống ghềnh, dốc núi cheo leo, bom đạn chết chóc… nhưng không phải lúc nào cũng hiểu theo chỉ một nghĩa như thế. “Deadliest” ở đây là hành trình vất vả tận cùng của con người trên những chặng đường mưu sinh của họ. “Chặng đường” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Và con đường ấy có khi chỉ là con đường làng quê, một con đường đời thường tấp nập trên phố, nhưng cũng có khi là sông nước cuồn cuộn, dốc núi cheo leo sạt lở… nhưng trên những con đường ấy là những con người đang gồng mình di chuyển để tồn tại, để kiếm được dăm ba đồng cuối ngày trở về nhà. Một chú nông dân quê đạp xe cả chục tiếng mỗi ngày với một cái xe đạp chở vó cá khổng lồ đến giữ thăng bằng còn khó, băng qua cả từ những con đường quê khấp khểnh đến những con đường nhựa, mà có ngày chưa chắc bán được một cái vó nào. Những người ngư dân vượt nước dữ thác đổ trên một cái dây thừng chỉ để bắt được vài con cá, những thanh niên lao động chân tay vào tận rừng sâu chặt vác những bụi tre nặng hàng chục ký trên vai đi bộ hàng km, rồi còn phải ngồi lên những cây tre ấy thả trôi sông đi hàng chục km nữa trên nước, qua hang động nước xiết, vác đi giao cho chiếc xe công nông tự chế, rồi lại phải đi hàng chục km nữa trên những con đường núi sạt lở mới đem được chục thanh tre tới cho xưởng làm đũa. Những bộ đũa ấy có khi vài chục nghìn, những gói tăm có khi vài nghìn… Mỗi người vất vả và tràn đây hiểm nguy như vậy, có khi họ chỉ được dăm ba chục nghìn để tồn tại mỗi ngày… niềm vui của họ giản dị tới mức, có khi chỉ là bắt được một con cá to đủ để “ấm” cho ngày hôm nay.
Những con đường ấy không được mô tả bằng hình ảnh vật lý đơn thuần, nó có bước chân người đi trên đó. Và những bước chân ấy nặng trĩu, công kênh, thậm chí run rẩy. Mình thích những cách kể chuyện của người làm tài liệu như vậy. Ở đây, người làm phim không chỉ là một người quan sát và kể lại, mà họ còn là một người bạn đồng hành, là một người hiểu thực sự những gì đang diễn ra, và chỉ khi hiểu thì kể lại nó mới đem lại được cảm xúc, và những bài học.
Cách mình làm tài liệu cũng hướng theo philosophy như vậy. Người làm phim luôn là một người bạn đồng hành với nhân vật, với câu chuyện, kể cả cái vật mà mình nhắc tới. Và mỗi một vấn đề, luôn phải là cả một “CUỘC SỐNG” ở đằng sau đó. Cuộc sống cũng không có nghĩa cứ là một cuộc sống của chỉ con người, mà của vạn vật, Để làm ra được vậy, là điều không hề dễ dàng, cực kỳ khó là đằng khác. Bởi để làm được thế, điều đầu tiên là phải có tâm (có tâm với cái đề tài của mình), thứ hai là sự nhạy cảm, nhạy cảm để biết quan sát và nắm bắt những gì là “cuộc sống”, là “khoảnh khắc” (chứ không phải cứ giơ cái máy lên mà quay), thậm chí đôi lúc còn phải tạo ra khoảnh khắc. Thứ ba là sự dũng cảm và hết mình, cảm nhận được nhưng có dám làm dám dấn thân hay không? Có chịu khó chịu cực cả tinh thần và thể xác hay không? Cái thứ tư là tư duy cởi mở, chỉ khi cởi mở với cuộc sống mới nhìn được nhiều góc độ, và sẽ biết cách tiếp cận một cách khách quan nhất, sẽ kể lại một cách thuyết phục nhất (chứ phiến diện thì chẳng được lòng người). Biết thông cảm và yêu thương cuộc sống tự nhiên sẽ thấy được bao điều hay ho để mà kể lại… Những điều còn lại như trang bị cho mình kiến thức, kiến thức cuộc sống, kiến thức làm phim, một ekip tốt, sự đầu tư tốt… đó là điều đương nhiên không phải bàn tới! Tới đây thấy làm phim khó ha!
Rất nhiều lý do vì sao những bộ phim quảng cáo, những thước phim quảng cáo du lịch nhìn rất hoành tráng, rất lung linh. Màu sắc kỳ ảo, núi cao biển rộng, quần áo sặc sỡ, những nụ cười được mùa. Nhưng rồi videos nào cũng giống cái nào, nhạt nhẽo vô hồn. Cái đẹp thế nào nhìn tới lần hai lần ba người ta cũng sẽ chán. Mà một cái đẹp bề ngoài không có tâm hồn bên trong thì là thứ chỉ để dành cho “một lần”. Chưa kể, cái đẹp của mình có chắc là cũng đẹp hơn được ai ngoài kia để mà khoe mãi một kiểu như vậy? Cái này điển hình của mấy cái clips du lịch Việt Nam. Nhạt nhẽo, vô hồn, quá coi trọng cái vẻ đẹp bề mặt, người ta không thấy được tính văn hóa và sự đặc sắc thực sự, yếu tố “con người” và “cuộc sống” trong đó!
Còn phim ảnh thì… à mà thôi =)). Nói ra là friendlist mình giảm đi nửa bây giờ bỏ mẹ :D.
Để master được những cách làm phim sâu sắc, cách kể chuyện hấp dẫn và chạm được vào trái tim của khán giả. Đó là câu chuyện sự nghiệp của hàng chục năm, có khi của cả một cuộc đời. Mình cứ phải tập thôi!
Phim tài liệu mà mình đang làm bây giờ, nói về một số nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Nhưng câu chuyện không chỉ là cái nhạc cụ đó nó được làm thế nào, nó được chơi ra sao. Mà nó đến từ đâu, ai tạo ra nó, cuộc sống và cả một nền văn hóa phía sau nhạc cụ ấy thế nào? Một quả bầu làm ra cây đàn. Nhưng quả bầu ấy, là bao sự vất vả mồ hôi của người nông dân, là những món ăn dân dã của bà và mẹ, là những câu nói chân chất mộc mạc mà chỉ một câu nói thôi đã thấy cả một trời quê và tuổi thơ của ai đó ùa về! Phim mình, mình không làm để cho tất cả mọi người. Mình chỉ làm cho đúng đối tượng của nó: là những con người giống mình, yêu thích những thứ giống mình, yêu di sản, văn hóa, yêu những điều sâu hơn của một vẻ bề mặt, và đương nhiên đủ kiên nhẫn để đọc hết cả cái bài tâm sự này :D.
Giờ lại quay lại với những quả bầu cây tre và những người nông dân đáng yêu trên bàn dựng đây!
(Các bạn có thể lên Youtube để xem những phim tài liệu như thế này. Nó free đấy! Nên xem, để hiểu hơn cuộc sống này!)