Posts in diary

#557: Câu chuyện buổi chiều quê

Sau khi được nghe dì dụ là sẽ có bữa ốc nhà làm các cô các dì khao nhân ngày rét nàng Bân ghé thăm. Người Hải Phòng quyết không lòng vòng nên dù đang ngắm hoa gạo đã vẫn lộn ngay về lại Hải Dương làm người Hải Dương ăn ốc. Giữa trời rét co ro ăn bát ốc nóng hổi mà các dì í pha nước chấm ngon và sành điệu ngỡ ngàng, bất ngờ là hơn đứt cả nước chấm ốc ở mấy quán ăn bữa giờ ( cứ nhìn bát nước chấm là các bạn hiểu). Nức mũi gừng sả, chua chua cay cay, gai bưởi nhể ốc sắc nhọn vừa tay. Trời về chiều rét ngọt, vừa ăn vừa sụt sịt, thêm tí bia cho bốc. Ốc chưa xong thêm nồi chè bưởi ụp vào bàn. Vừa ăn vừa nghe loa làng điểm tin và các dì các cô nói chuyện mà như chửi nhau ( kiểu quê tôi nó phải thế :)).
Ôi nghĩ sao tuyệt vời mình có quê, có các dì các cô các bác các cậu. Hồi bữa xem rất nhiều các chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, khóc ướt khăn vắt được cả ra nước, vì thương những con người hơn nửa đời người mà không biết gốc gác quê hương của mình. Xem để thấy mình thật may mắn và hạnh phúc.
Tuy nhiên buổi chiều quê đã suýt không được trọn vẹn. Khi hai dì cháu dắt díu nhau về nhà và phát hiện ra thằng Tây đã biến mất. Một phút sơ hở nó đã chuồn ra khỏi cổng lúc nào không biết và chưa về đã từ chiều. Một con chó vậy mà xổng vừa nguy hiểm vừa dễ bị bắt. Thế là suốt 2 tiếng đồng hồ cả nhà tỏa đi tìm khắp làng. Đi đến đâu là gào đến đấy: “Tây ơi” “Thằng Tây đâu?”. Cả nhà hét vang 5 ngôi làng 8 cánh đồng. Bà con ngơ ngác hỏi thằng Tây nào bị lạc sao? Cuối cùng, đành nước mắt ngắn dài đi về xác định là mất. Mình buồn thối ruột vì chưa kịp làm quen nó lâu. Còn nước còn tát vớt vát mở điện thoại lên tìm xem có hình nào của nó nguyên cây không định up lên các trang tìm chó. Đang viết cap lâm li bi đát thì nghe tiếng ai đó gọi dì hớt hải rồi thấy xe phóng đi cái vụt. Mình nín thở xem chuyện gì. Một lúc sau dì quay lại gô cổ thằng Tây kéo như kéo con bò. Vừa đi vừa mắng mỏ không ngớt lời váng cả cánh đồng đêm. Thì ra nó đã đi theo tiếng gọi con chim rồi ngồi chầu chực chờ gái trước cửa nhà người ta cả buổi chiều. May nhờ cả nhà đi đánh động nên có người báo tin. Có một hòn thôi mà máu lửa thế nhỉ?
Dì kể lúc tới nơi tìm nó, cách nhà cả 2km, dì hét lên, hai tay dang rộng ra: “Tây đâu? Có đúng là Tây không?”. Thì nó đang lội bùn gần đó nhào ra chạy về ôm chầm lấy dì. Con chó khổng lồ và cái dáng hùng dũng khiến mấy chị em phụ nữ gần đó nhìn thấy ngất xỉu, còn mấy anh đang ngồi quán nhậu ngay trước mặt thì rớt hết dớt dãi.
Tối muộn cũng ăn được bữa cơm. Lâu lắm rồi mới ăn cơm muộn thế. Vừa ăn dì vẫn vừa mắng không ngớt và kể lể chi tiết bao nhiêu tiền thuốc, tiền sữa Ensure, tiền đồ ăn mua cho lúc tiêu chảy, tốn kém thế mà mày dám bỏ tao đi 😂. Thằng Tây i ỉ í kiến í cò phân bua, mắt cụp tai cụp, xong rồi dì vừa cầm que ra lăn đùng ra giãy đành đạch nước mắt ngắn dài khóc rên chết cha chết mẹ. Đèo mẹ, nước mắt cá sấu thế nào cũng không ăn thua đâu vì khả năng sẽ bị vặt nốt viên bi sau trận này!
Giờ thì nó đã bị xích phạt, vẫn gào khóc thảm thiết, lâu lâu kèm một cái chửi đổng điếc cả tai.
Buổi tưởng thuật chiều quê của mình đến đây là hết 😅
Linh ảnh:

#534: Thu Mạnh đi ăn ốc

Phải công nhận nếu nói là một hình ảnh người phụ nữ trẻ lâu là thế nào thì đó chính là chị bán ốc. Cả 20 năm ăn ốc của chị í, chị í giờ đã là bà nội rồi mà khuôn mặt vóc dáng vẫn y nguyên, Ngày xưa mình gọi là cô, giờ mình gọi là chị lúc nào không biết. Một mình gánh cả hàng ốc to mỗi tối vô cùng vất vả mà da vẫn mịn, dáng vẫn thon, chẳng có tí nếp nhăn nào, tóc cũng không bạc. Chị bảo chị còn chẳng biết dưỡng da là cái gì. Nên mình vẫn nghĩ, trẻ lâu nó là gen rồi, mỹ phẩm xịn có khi là liệu pháp tinh thần thôi :))
Ngồi ăn ốc mà có thằng bé con trước mặt nó đứng nhảy chồm chồm. Mẹ nó ngồi đằng trước quay lưng lại ăn ngon lành. Thằng bé cho mình cái cảm giác bất an kinh khủng vì nó vừa nhảy vừa ngó hai bên đường và chực chờ để lao ra giữa đường bất cứ lúc nào. Xe cộ đi lại tuy trong ngõ nhưng cứ vùn vụt như vội về nhà đi đẻ, mà nó cứ thập thò, mẹ nó thì vẫn bình tĩnh quay lưng ngồi nhể ốc. Má, không phải con mình mà mình sốt ruột thế, chỉ sợ nó lao vào mấy cái xe. Mẹ nó lâu lâu quát: “Đứng im đấy”. Nó đóng băng được 1 giây rồi nó lại haka dance tiếp. Chắc sau phải con mình mình phải xích nó vào người quá chứ sao bình tĩnh như những người mẹ này được :)).
Rồi thằng bé lao vút qua đường, xe thì phóng vụt qua. Mọi người được thể ối giời ơi. Mẹ nó mới gào lên: “Tùng Anh, quay lại đây”.
Chị bán ốc bảo: “Tùng Anh hay Tuấn Anh nhỉ?”.
Mẹ nó bảo: “Em đổi tên thành Tùng Anh rồi chị ạ, cho nó vững vàng như cây Tùng, anh dũng anh minh chị ạ”.
Giải thích dứt lời cây tùng ngã cái oạch, khóc ré lên. Mẹ nó lại thở dài nhể nốt ốc đợi cây tùng tự đứng dậy.
Rồi lúc mình về. Chị bán ốc bảo: “Hôm nay Hà ăn ốc sớm hơn mọi ngày hả em?”. Mình bảo em cũng đổi tên rồi chị ạ. “Rồi em đổi tên gì?”. “Em đổi tên thành THU MẠNH rồi ạ”. “Sao tên nam tính thế?”.
“À, Mạnh là để cho mạnh mẽ hơn í ạ. Mạnh để nhiều sức khỏe, mạnh mẽ để nhiều năng lượng làm việc với rất nhiều việc bị bỏ bom, mạnh mẽ để đòi được nợ, mạnh mẽ để lấy được chồng í ạ”.
“Ồ, tên ý nghĩa quá nhỉ?”.
Rồi chị chào mình: “Thế mai lại ra ăn ốc tiếp nhé Mạnh”.
Rồi đấy, buột mồm đổi tên xong về nhà mò mãi FB nó nhất định không cho đổi Ha Kin thành Thu Mạnh. Nó fix tên Ha Kin rồi 😞
Chuyện linh tinh ăn ốc về, Thu Mạnh lại ngồi dựng tiếp đây!

#531: Nhật ký xe ôm: Đồ lười biếng!

Bắt xe ôm vào giờ cao điểm đường đông là rất dễ nghe những lời cằn nhằn của các anh xế. Mà đường về nhà thì kiểu gì cũng phải qua một đoạn siêu tắc.
Xong, trước khi trèo lên xe tôi có chỉ anh chàng xe ôm là đi mé mé đoạn này thì nó sẽ bớt bị tắc. Thấy mặt anh hơi căng thẳng nhưng anh cũng bảo để thử xem nào.
Ai dè số đen quá, cuối cùng cái đoạn đấy cũng tắc, chắc tại ai cũng nghĩ đoạn kia tắc nên chui về đây. Tôi thở dài, thấy cũng hơi áy náy nên cũng lầm bầm nói một mình: “Mọi ngày chỗ này có tắc đâu nhỉ?”. Thế thôi mà xe ôm hét lên:
“Đã bảo đường tắc không đi nhanh được nói gì nói nhiều thế?”
Tôi đứng hình mất một giây, má sao dám quát gì ghê gớm thế nhỉ. Có ai nói câu nào mà hét lên như vậy láo phết. Bực bội ghê. Thế là tôi ghé lên bảo:
“Ai nói gì nhiều gì đâu mà phải gắt lên như vậy?”
Tài xế vẫn gắt lên:
“Lần sau muốn đi thì gọi sớm đi, sao cứ cái giờ tắc đường thì đòi, giờ ai mà chiều cho được”
Thế là tôi bắt đầu tăng xông:
“Ê người ta đi có chuyện chứ phải muốn lúc nào đi thì đi? 0 thích thì lần sau đừng có nhận cuốc. Ai ép?”
Xe ôm:
“Đi kiếm tiền vất vả bỏ mẹ, đường thì đông tắc muốn về là về được à?”
Tôi đang định chửi lên tông thì thấy xe ôm đã chặn lời:
“Thôi thôi đéo nói nhiều, giặt đống quần áo đấy đi đã, lười đéo chịu được. Đéo chiều được giờ này. Tự xử đi!”
Tôi bỗng nhiên im bặt, ủa sao xe ôm biết tôi còn đống quần áo giờ này ở nhà chưa giặt? Sao anh ta biết tôi lười? Một cảm giác hết sức creepy dâng tràn. Tuy nhiên trong lòng tôi thì vô cùng bực bội. Lúc đấy tức lắm rồi, nên tôi định kéo áo bảo thả xuống tôi thuê xe khác. Thế rồi thấy xe ôm hơi ngoái lại nhìn tôi dịu dàng:
“Chị chị vừa định nói với em cái gì ạ?”
“Thế có muốn chở tiếp không sao nãy giờ chửi kinh thế? 0 muốn chở thì nói một câu còn xuống xe”
Xe ôm bỗng hơi giật mình:
“Ủa chị chị, em vừa chửi… vợ em, chị tưởng em nói chị ạ? Í chết em xin lỗi. Nó cứ đòi em về chở nó cùng đi ăn đám cưới mà 0 gọi sớm giờ này thì về bằng mắt. Đến nơi thì cô dâu chú rể vào động mẹ nó phòng rồi í chứ ạ”
À thì ra là vậy, thật sự đến bây giờ tôi vẫn không nhớ ra trên đời có một thứ công nghệ được gọi là tai nghe bluetooth. 0 biết bao nhiêu phen tôi thấy người ta cứ ngồi cạnh tôi mà như nói chuyện với tôi và tôi cũng trả lời lại nhiệt tình, xong cứ hỏi Hả hả cái gì cơ liên tục, cho tới khi người ta phải bảo tôi là có ai nói chuyện với chị đâu mà chị cứ Hả. Xấu hổ ghê luôn đấy!
Anh xe ôm sau đó say sưa tâm sự chuyện anh đang gom tiền để mở một quán cafe và không muốn chạy mãi như thế này vì vất vả, trong khi vợ ở nhà thì lười… anh ta nói rất nhiều mà tự nhiên xong tôi sợ không dám nói chuyện lại cứ ậm ừ vì lo 0 biết khúc nào là anh đang nói với tôi khúc nào là anh đang nói với bluetooth…
Xuống xe rồi tôi có hỏi là vợ anh ở nhà lười giặt quần áo lắm hả? Anh bảo: “Lười vãi đái chị ạ, có đống quần áo của 2 vợ chồng với 2 đứa con mà BA NGÀY NAY chưa giặt”.
Tôi tím tái mặt mày, ủa sao trùng hợp quần áo tôi để máy ba ngày nay chưa giặt hay vậy. Rồi tôi đang chuẩn bị đi thì anh chốt nốt câu: “Em thấy chị có cái tóc giống vợ em phết”.
Tôi nhất định quay đi không tương tác lại. Tôi tin là anh ta lại nói chuyện bluetooth với ai đó chứ 0 phải nói với tôi rồi… sợ quá thôi…
Về nhà là phải giặt quần áo ngay và luôn đấy!
Ảnh: Tóc hôm anh xe ôm nói giống vợ anh đây. Chắc chắn là 0 thể, tưởng có được cái tóc này mà dễ à, hừm!

#528: Buổi đầu tiên ăn ốc của Tun

Nói là làm, bảo dẫn Tun đi ăn ốc là phải đi ăn ốc ngay.

Hóa ra hôm nay là buổi ăn ốc luộc đầu đời của cháu. May quá có cô Kin kịp cập nhật những thú vui tuổi teen (theo kiểu thời các cô) cho cháu :)). Chắc cô còn cập nhật thêm nhiều 😀

Đó là một quán ốc nằm trong cái ngõ Trung Liệt bé xíu chỉ vừa hai cái xe máy tránh nhau. Mặt trước thì bé nhưng lại có cái sân sau nhà khá rộng. Trên tường của quán có những bài báo, câu chuyện nho nhỏ. Bác bán ốc, tóc bạc loe hoe, mặc quần đùi áo may ô kẻ ngồi xem diu tub trước cửa nhà. Ai mà dừng trước mặt bác là bác hỏi: “Mấy bát?”.

Chưa ăn ốc bao giờ nên tay cháu khều ốc run lẩy bẩy trong khi tay cô đã thành nghệ nhân. Cô khều được 10 con ốc cháu vẫn đang loay hoay móc chưa xong một con. Cô liên tục hỏi ngon không, nước chấm phải cho sả, ớt, gừng, quất vào thế này thế này. Cháu gật lia lịa, cháu ít nói nhưng cô mặc định rằng cháu thích :)). Món này ngon thế mà sao cháu có thể không thích được :)). Thế nào con gái Hà Nội mà giờ mới biết ăn ốc luộc là lào????

Mà mình cũng 0 nhớ ra ngày xưa mình được ăn ốc luộc thế nào nhỉ, chỉ nhớ được ăn từ bé. Tiềm thức luôn là những quán ốc vỉa hè, đầu ngõ, ven đường, chỉ có mỗi món ốc luộc thôi mà lúc nào cũng thòm thèm, ngày nào ăn cũng được.

Trong lúc ngồi nhìn cháu nó loay hoay khều ốc thì nhìn lên tường nhà. Bỗng chợt nhìn thấy cái ảnh bác bán ốc kéo đàn violon. Mà cái dáng kéo đàn này, cái ngón tay này nhìn biết luôn là người chơi đàn xịn chứ không phải làm màu. Nhìn sang một góc khác thấy có bài giới thiệu tường tận về một nghệ sĩ violin bán ốc. Thế là mình ồ lên, thì ra quái nhân ngồi bán ốc chứ đùa à. Đoạn, mình bèn quay lại định hỏi bác thì thấy bác đang cầm cái ca nước và cái bàn chải đánh răng đứng ra trước cửa… đánh răng. Ủa, mới 8 rưỡi, ốc bán chưa xong đã sắp đi ngủ rồi á?

Bác đánh răng xong đi vào, khách vẫn vào, bác hét lên: “To nữa đê” (1 bát ốc to nữa cho khách).

Rồi mình gọi bác khiến bác giật mình:

“Bác Sỹ”. (là tên bác trong bài báo trên tường mình đã kịp đọc :))

Bác:

!!!!????

Mình:

“Bác kéo vi ô lông hả?”

Và dường như chắc bác chờ đợi lâu lắm rồi để có người hỏi, bác đi thẳng vào vấn đề luôn:

“Đây, để tôi vào lấy đàn kéo cho mấy bài”.

Còn chưa kịp nói gì cả :)).

Và bất chấp khách vẫn vào bác bỏ đấy để đi lấy đàn luôn và ngay. 3 phút sau bác quay lại với cái đàn trên tay. Vừa mở đàn vừa kể say sưa chuyện ngày xưa có cái đàn 200 đồng (trên cái hình dán trên tường) mà bị khách ăn ốc vào đá vào rớt một miếng hỏng đàn, giờ phải chơi cái đàn rẻ tiền có 2 triệu.

Cái đàn cũ 200 đồng mà mua vào năm 75. Bác tính lúc đó 2 hào một bát ốc. 1 đồng được 5 bát ốc. Thế tưởng tượng xem 200 đồng thì là bao nhiêu bát ốc cho một cái đàn violin? Đấy, cứ thế mà tính xem. Mình giờ chưa tính ra 😀, nhưng đàn thế là đắt tiền là chắc rồi :)).

Bác bảo bác đàn toàn mùa xuân nhé. Đầu tiên là Mùa xuân đầu tiên, rồi đến Làng lúa làng hoa. Mặc dù đang ăn ốc nhưng mình cũng ngưng hết để ngồi nghe và quay lại. Chị Hoa bảo: “Bạn này mà quay là về bạn review quán ốc của bác hay lắm đấy”. Bác bảo: “Ôi xồi cần gì đầy người review rồi”. Mình bảo: “Cháu quay vì cháu yêu nghệ sĩ thôi ạ”.

Bác bảo, nghệ sĩ tới đây ăn đông lắm. Thế rồi, bác mở điện thoại ra khoe: Đây, hôm nọ nhạc sĩ Giáng Son còn tới đây ăn đây này. Trong ảnh thấy chị Son đi ăn với bao nhiêu là anh. Thì ra chị đó đã đi ăn ốc mảnh mà không hề rủ tôi.

Rồi nhân tiện nói chuyện nghệ sĩ, tôi buột mồm hỏi:

“Thế bác có biết ban nhạc Bức Tường không?”

Mắt bác sáng rực

“Ôi sao không biết, tôi thích thằng Trần Lập cực kỳ luôn. Thích lắm”.

Thế là mình chỉ vào chị Hoa và Tun:

“Thế đây là vợ anh Lập và đây là con gái anh Lập này”

Thế là bác bật dậy nói lắp bắp:

“Ôi tôi thích cái bài, cái bài, cái bài, cái bài, cái bài, cái bài, cái bài, cái bài…. cái bài gì mà trèo trèo í nhỉ”

Một thanh niên gần đó khi nghe thấy Trần Lập cũng đã xôn xao nãy giờ, vội bắt sóng quay lại đỡ lời cho bác:

“Bài, bài Đường lên đỉnh Olympia đấy”

“Ờ ờ đấy đấy”.

Cháu Tun cũng tũn ra xem bài Olympia là bài nào. Hình như bài đó bố cháu chưa kịp sáng tác!

Tôi liếc liếc phím lại cho bác:

“Đường đến ngày vinh quang” ạ.

Và từ lúc đấy, bác ngồi say sưa kể chuyện về rừng cây, đời người cho mấy chị em cô cháu được nghe. Không quên xin được chụp chung tấm hình với hai mẹ con. Thanh niên Olympia nhanh chóng làm thợ ảnh. Bác nhắc nhở là nhớ chụp bán thân đừng lấy quần đùi của bác.

Bác vừa kéo đàn, vừa say sưa kể chuyện nghệ thuật. Tuy nhiên, khách vừa đứng dậy bảo tính tiền cho cháu là bác đổi tông tính tiền nhanh hơn Ây Ai. Giữa các câu chuyện nghệ thuật của một thời oanh liệt luôn kèm theo một đoạn rap: “1 nem 1 to 1 nhỏ 1 đĩa xoài củ đậu…”

Tun buổi ăn ốc đầu đời mà lại có trải nghiệm hơn hẳn người thường thế này. Có ai vừa được ăn ốc luộc vừa được nghe vi ô lông bao giờ không ạ? Lúc về có hỏi Tun thấy vui không. Tun gật đầu vui lắm. “Con cũng bất ngờ ghê, vì khi nhắc đến bố, từ người già đến người trẻ ai cũng biết và dành nhiều tình cảm yêu quý cho bố như thế”.

Có lẽ những người mới tới ăn ốc thì 100 người khả năng 99 rưỡi không ai để ý những gì dán trên tường ấy. Cũng chỉ biết một ông bán ốc quần đùi áo may ô hét rất to đón khách tính tiền rất nhanh ngồi cửa. Nhưng công nhận, chỉ để ý một chút xíu thôi, là phát hiện ra bao điều kỳ thú của cuộc sống rồi. Cũng có thể mình bệnh nghề nghiệp, làm phim là phải nhạy cảm với cuộc sống này!

Nhưng chắc bác cũng nổi tiếng cả xóm này rồi!

Và cuối cùng mình xin nói rằng ốc nhà bác hơi bị ngon. Không dưng nằm trong cái ngõ bé xíu này mà người ta cũng phải mất công mà đi tới. Như nghệ sĩ Giáng Son còn biết mà đi ăn mảnh không rủ mình cơ mà? Mình cũng đành phải đi ăn mảnh lại thôi!!!

Đấy, Hà Nội cái kiểu của mình nó đáng yêu như thế á! Nhưng phải biết cách và phải đi với đúng người :)).

#nhatkyhakin
#nhatkyhanoi
#hakindiary
#nhatkydoitao

#527: Bệnh viện tâm thần ở Athens, Ohio

Nhân dịp xem xong bộ tài liệu “24 faces of Billy Milligan” của Netflix, thấy có mấy đoạn rùng mình phết.
Bộ phim kể về Billy Milligan, một con người có tới 24 nhân cách trong mình. Nhân cách lõi là một cậu bé nhút nhát, hiền lành và luôn sợ hãi vì ký ức bị bạo hành tàn bạo. Nhưng các nhân cách còn lại có thể giết người, hãm hiếp, lừa đảo, khó tính… và mỗi lần nhập về nhân cách lõi anh ta không hề nhớ một chút gì. Vào những năm 70.80’s của thế kỷ trước, việc một người đa nhân cách vẫn còn là điều quá mới mẻ (thậm chí tới giờ vẫn là điều bí ẩn chưa thể khám phá ra hết). Nên câu chuyện về Billy mang lại quá nhiều sự khó hiểu, người ta thậm chí tới giờ vẫn không biết được phải chăng đây là một căn bệnh kỳ lạ có thực hay là một màn đại bịp thế kỷ? Nhưng khi xem về cuộc đời của Billy, cho dù anh ta được thả ra từ những tội ác mình gây ra vì chứng đa nhân cách, vẫn thấy đó là một con người quá tội nghiệp, với một tuổi thơ quá bất hạnh và khủng khiếp, cả một cuộc đời không một phút bình yên, bị người đời lợi dụng, hành hạ và phải dùng cả những loại thuốc đến hóa điên. Kể cả anh ta có không bị bệnh thì cũng phải bệnh mà thôi. Điều kỳ lạ về những người đa nhân cách như Billy là họ vô cùng thông minh và cực kỳ tài năng. Như kiểu thường bị đẩy đến tận cùng của bản năng và những limit trong cơ thể được tăng phát.
Trong phim, có nói về khoảng thời gian rất quan trọng trong cuộc đời anh này là khi Billy Milligan được đưa về bệnh viện tâm thần ở Athens, Ohio. Lúc này, nơi đây được tiếp đón một bệnh nhân nổi tiếng và gây tranh cãi như Billy là một điều khiến bệnh viện rất… tự hào. Vì điều đó chứng tỏ một chứng bệnh lạ và mới như vậy mà được tin tưởng giao về một trung tâm tâm thần tỉnh lẻ xa xôi như vậy đó là một sự kiện lớn. Để các bạn biết, Athens Ohio là một thị trấn rất nhỏ, nằm ở vùng midwest của Ohio, cả thị trấn gần như chỉ phục vụ 100% cho Ohio University, chính là trường đại học mà mình theo học suốt mấy năm học thạc sĩ phim. Thị trấn nhỏ, heo hút, chỉ có sinh viên và các dịch vụ cho sinh viên. Nơi đây hầu như chẳng có danh lam, phố xá, mua sắm nhộn nhịp. Thậm chí thời mình học chỉ có một cái cửa hàng châu Á nhỏ xíu, muốn ăn đồ châu Á cũng hầu như chẳng có. Tóm lại là một nơi hoang vu không thể phát triển kinh tế bình thường, mà người ta sẽ bê cả cái trường đại học lớn về để vùng đất có thể sống được nhờ kinh doanh giáo dục. Tuy nhiên, nơi đây cũng là nơi lý tưởng để xây dựng bệnh viện tâm thần và… trại giam.
Bệnh viện tâm thần nơi Billy được gửi tới cũng nằm ngay trong khu vực campus của Ohio University và giờ thuộc sở hữu của trường. Và sau bao nhiêu năm thì thời tớ học hình như nơi đây đã bị bỏ hoang khá lâu (hoặc có đang làm cái gì trong đấy bí mật hay không thì 0 biết). Ở ngay khu này (gọi là khu The Ridges) cũng có nhiều ngôi nhà cổ khác, trong đó có một tầng nhà chuyên để đạo cụ cho làm phim/kịch/truyền hình. Cả một tầng nhà rộng lớn với một nghìn các thể loại đạo cụ, từ cái kim tiêm, cái máy khâu, cái tay người, đầu người máu me, đến robot, súng ống… Khu này luôn lấp ló trong rừng, cùng với cái bệnh viện tâm thần bỏ hoang, nó luôn mang một cảm giác cực kỳ rờn rợn mỗi lần đến. Mấy lần tớ và cô bạn cùng lớp hay thích đến cái tầng nhà có chứa đạo cụ để tìm xem có gì mượn được đi quay phim. Bước chân vào cái căn phòng rộng lớn như dưới tầng hầm đấy là người lạnh ngắt, rùng mình. 100% những ai bước chân vào đây đều công nhận rằng nó cực kỳ creepy. Đám sinh viên đi học phim luôn than thiết ước gì được mượn chỗ này để làm phim ma với phim kinh dị. Vì chỉ cần giơ cái máy quay lên bất cứ góc nào, lắp cái nhạc rùng rợn vào là khán giả đã đủ ngất bà nó ra đấy rồi. Tuy nhiên, chỗ này không bao giờ cho phép được quay chụp bao giờ, rất nhiều thế hệ vẫn luôn không biết là vì sao.
Lần nào đi tới đây cũng ngắm nhìn cả cái bệnh viện tâm thần sát ngay bên cạnh. Nếu xét về kiến trúc thì nó rất đẹp, vừa cổ kính, vừa lấp ló trong rừng sâu với cây và cối. Nhưng sự hoang tàn, nhưng cánh cửa đóng kín cùng muôn vàn lời đồn đại về cái bệnh viện này thì ai đứng ngắm một hồi cũng nổi gai ốc. Tớ và bạn Lindsay đã từng đứng ngắm và thì thụp đoán xem liệu bên trong kia có ai đang còn sống, bị giam cầm hay có bao nhiêu xác chết hay không? Những bệnh viện tâm thần rất dễ để là nơi làm các loại thí nghiệm trên con người, hay là nơi tiến hành những dự án bí mật của chính phủ. Thậm chí là nơi giam cầm của những thể loại tù nhân đặc biệt. Và kỳ lạ là cứ qua một thời gian chúng sẽ bị đóng cửa, kéo theo một nghìn những lời đồn đại đáng sợ về chúng.
Có một lần, tớ và Lindsay đang chuẩn bị làm một cái phim ngắn nhỏ và qua đó lấy đạo cụ. Hai đứa mon men đứng nhìn tòa nhà rồi hỏi sao cửa sổ nào cũng đóng thế nhỉ, chẳng nhìn thấy được cái gì bên trong. Còn đùa nhau hay mình làm phim ma ở đây thì có phải hay không. Bỗng nhiên, trên một căn tầng cả hai cùng lúc phát hiện ra có một cánh cửa mở một nửa (không mở hẳn) mà sao nãy giờ cả 2 đứa đều không nhìn thấy. Rồi, bỗng nhiên, có bóng người lướt qua cực nhanh. “What? Did you see it?” Bạn í quay lại hỏi mình, mình cũng đang định hỏi lại bạn í. Hai đứa tự nhiên thấy gió lạnh chạy khắp người. “OMG I saw it too”. Lúc đấy tim đập thình thịch, mà trời thì lại chiều tối rồi chứ. Theo trí nhớ của tớ lúc đấy thì bệnh viện đóng cửa im ỉm nhiều năm liền rồi, không có ai được vào bên trong cả. Cũng chẳng ai bén mảng đến đây. Mà có người bên trong thì cũng phải cửa mở, chứ cửa khóa kín mít cơ mà. Hai đứa vừa sợ muốn về ngay vừa tò mò muốn biết có phải bệnh viện đang mở cửa không. Máu anh hùng và… tò mò nổi lên. Tớ bảo, để mình vào gần tí xem thế nào. Bạn í thấy tớ muốn lại gần thì cũng chịu đi theo. Cửa hoàn toàn đóng kín, dấu hiệu bỏ hoang nhiều năm, hai đứa nín thở nghe xem có tiếng động gì không? Không một tiếng động gì hết. Một hồi trời xuống nhanh quá thôi té vội. Cũng hết ước mơ làm phim ma ở đây :)).
Hôm sau có đi lê la buôn chuyện với đám sinh viên học phim xem có đứa nào biết về cái bệnh viện đấy không, thì có một bạn bảo, đã từng có vài người nói rằng có nhìn thấy cái bóng người ở căn cửa sổ ấy rồi. Không hiểu sao cái cửa ấy không đóng được (có thể bị hỏng chăng :)).
Giờ thì không biết là bệnh viện có đang được cải tổ chưa. Và nghĩ lại nơi đấy toàn những nhân vật như Billy Milligan đã từng ở thì đúng là cái chỗ đấy nó không tầm thường thật.
Ở Athens còn có một số nghĩa trang nữa và cũng từng có mấy hiện tượng rất kỳ lạ đã xảy ra, đám sinh viên rất nhiều đứa có trải nghiệm (trong đó có tớ luôn). Cơ mà để… kể sang bài khác nhé :)). Cũng có thể nhiều trải nghiệm kỳ lạ ấy là do các cháu hút cỏ quá đà gây ra chăng hahaha!
À quên, có một chi tiết nữa là, một trong những người từng đưa tớ tới khu này là một người đa nhân cách, kiêm chứng bipolar dạng nặng, nhưng lại là một người cực kỳ thông minh và tài năng (mà phải một thời gian sau nhiều trải nghiệm rất bất bình thường với nhân vật này qúa mình mới hiểu rõ về chứng bệnh này). Tóm lại đời sinh viên du học kỳ thú lắm, kể mãi 0 hết đâu :))
Ảnh: Mùa thu ở campus mỗi lần đi lang thang, bệnh viện tâm thần ngay sau lưng. Khu này mùa thu không đẹp được rực rỡ như những vùng bờ Đông vì thời tiết và địa hình khá chán (nên mới khó phát triển kinh tế). Cho dù hoang vu, nó vẫn đẹp. Nhưng nghĩ có vài cái trại giam hay bệnh viện tâm thần thí nghiệm với những bệnh nhân như Billy Milligan quanh đâu đó thì cũng toát mồ hôi hột thật đó :))

#522: Tôi yêu Tết

Có người thích Tết, có người không thích Tết, có người chẳng yêu chẳng ghét Tết. Thì cũng là bình thường thôi. Vì hoàn cảnh mỗi người một khác. Có người Tết đến được thảnh thơi, đi chơi, được thưởng. Có người Tết đến được đoàn tụ gia đình, được gặp những người thân yêu. Có người Tết đến thì phải tối mắt tối mũi dọn dẹp, cúng bái, lễ nghi thấy mệt. Có người đang làm ăn ngon lành thì bỗng dưng Tết đến lại phải chờ đợi, nhưng cũng có người cả năm nhờ được Tết mà kiếm được ít tiền…
Tết còn là ở trong kỉ niệm và tàng thức của mỗi người. Có nhiều người lúc nào cũng yêu Tết, là vì những kỳ ức đẹp với gia đình, quê hương tổ tiên. Tết là hình ảnh của những bông hoa đào nở, mùi lá cỏ già thơm nức để tắm đêm 30, của những buổi thức thâu đêm háo hức trông nồi bánh chưng của những đứa trẻ con, của mùi hương trầm mẹ thắp bay thoang thoảng trong đêm mưa xuân gió lạnh, của tiếng cô dì chú bác chúc ông bà năm mới thêm thật nhiều sức khỏe, của sự háo hức mong chờ những phong bao mừng tuổi… và với tôi là cả tiếng mẹ mắng vì làm không đúng ý mẹ khi giúp mẹ dọn dẹp chuẩn bị cho những ngày tất niên.
Đã có nhiều Tết tôi lang thang nơi nào đó, đi học, đi làm và không ăn Tết với gia đình và tất nhiên cũng chẳng cảm nhận được chút nào của Tết nếu lúc đó ở một nơi rất xa và trong một nền văn hóa khác. Nhưng có lẽ chính vì thế lại càng thấy quý Tết. Quý những giây phút gia đình được tụ tập với nhau và chỉ nói với nhau những lời vui vẻ, quý cái không gian rực rỡ của hoa cỏ và càng đi xa sẽ càng thấy quý những gì thuộc về đặc trưng văn hóa của dân tộc mình. Điều này chắc không cần phải nói nhiều, bất kỳ ai xa xứ sẽ đều hiểu. Hồi ở Little Saigon, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy không khí Tết của người Việt ở đây còn đậm đặc hơn cả khi còn ở Việt Nam mặc dù cho tới trước năm nay thì đó vốn chỉ là những ngày làm việc bình thường trên đất Mỹ (năm nay Cali đã công nhận Tết Âm lịch cũng là một holiday chính thức của bang. Trong khi ở xứ mình nhiều người đòi bỏ Tết thì Tây nó lại bắt đầu công nhận Tết rồi đó!). Rất nhiều người Việt ở đây nhộn nhịp sắm áo dài, gói bánh chưng, mua hoa đào mua quất, đưa con cái đi các lễ hội… dường như họ rất nỗ lực trong việc lưu giữ lại văn hóa truyền thống của quê nhà trên quê hương thứ hai của họ. Điều này rất dễ hiểu, vì thứ nhất càng ở trong một nền văn hóa đa dạng tổng hợp, người ta càng ý thức được nét riêng và sự tự hào về đặc trưng riêng văn hóa của chính mình. Không có nét đặc trưng dân tộc riêng thì sẽ chỉ là một công dân mờ nhạt trong một thế giới đại đồng. Thứ hai, nhịp sinh hoạt bỗng nhiên được trở lại như thời Tết của ngày xưa. Khi mà cả năm làm việc tất bật, bận rộn, chỉ khi Tết đến mới có thời gian và lý do để làm những điều mà chỉ có Tết mới có. Khác với ở VN, có những điều ngày xưa chỉ Tết mới có thì giờ có quanh năm, cuộc sống cũng đủ đầy và dễ dàng nên đôi khi Tết đến mọi thứ nó lại bình thường quá. Còn ở nước ngoài, một ngày nghỉ đôi khi không đơn giản, thời gian là tiền và rất quý. Nên nếu có được một khoảng thời gian quý giá là Tết, họ sẽ tranh thủ tận dụng để làm những điều như dạy các con gói bánh chưng, diện áo dài, đưa các con đi các lễ hội Tết mà mỗi năm chỉ tổ chức một lần, rồi đến thăm người thân, bạn bè. Người Việt ở đâu thì khi thăm nhau vào dịp Tết vẫn luôn quý hơn ngày thường, mà ngày thường cũng chẳng có thời gian mà đến nhà nhau.
Thế nên tôi nhận ra từ xưa là để yêu Tết, yêu văn hóa truyền thống của mình, yêu những gì thân thương của nơi mình sinh ra, người ta nên đi đâu đó thật xa một thời gian, sống ở những nền văn hóa khác nhau, nhưng phải thêm điều kiện tất yếu là cởi mở quan điểm và góc nhìn cuộc sống, thì có thể lúc đấy mới yêu Tết được. Mà yêu ở đây không phải là chuyện cứ phải ngồi xuống gói bánh chưng, dọn nhà è cổ, phải loằng ngoằng lễ nghi gì cho mệt. Yêu ở đây có khi chỉ là cần tận hưởng cái không khí của Tết, ngắm nhìn Tết và… không chửi Tết :)).
Tôi yêu Tết vì có quá nhiều lý do, cho dù đến Tết tôi cũng… có làm gì đâu . Tôi có những cái Tết đáng yêu tuyệt vời với ông bà, gia đình. Tôi yêu hoa đào, tôi thích cái lạnh của mưa xuân, tôi thích nụ cười của bố mẹ khi được tôi mừng tuổi. Tôi không mấy khi ăn bánh chưng nhưng tôi tuyệt đối yêu mến cái bánh đó trên mâm cúng Tết. Tôi cũng biết không phải ai cũng may mắn được như mình để hiểu và yêu Tết được như vậy. Như trên có nói, mỗi người một hoàn cảnh, một trải nghiệm nên họ yêu ghét Tết là bình thường. Chỉ là, đôi khi nếu có thể, nếu 0 thích nó, cho mình một vài trải nghiệm khác biệt rồi quay lại, để biết đâu cũng sẽ hiểu và yêu nó thì sao ;;). Muốn yêu cũng phải hiểu, và cũng phải học cách để yêu đấy!
Tôi chỉ rất không thích những người kêu gọi bỏ Tết hoặc mỉa mai lễ nghi, chê bai từ cái bánh chưng. Người ta hô hào đòi bỏ Tết vì những lý do ở yếu tố con người, lý do kinh tế, lý do giống TQ…. Tôi thì chỉ thấy rằng chẳng Tết nào có tội, Tết mà trì trệ là do sự giáo dục kém ở phần con người, đã lười thì không có Tết vẫn lười và ý thức vẫn kém, chỉ có một nền giáo dục tốt mới thay đổi được tất cả mà cái đó thì…. Còn không có lý do kinh tế tiền bạc nào mà được quyền ưu tiên và bỏ đi văn hóa, truyền thống lễ nghi, di sản cả nghìn năm của một dân tộc. Chắc giờ sống chỉ cần tiền là đủ, nên là núi đã phá, rừng đã phá, biển đã phá, giờ Tết cũng đòi phá nốt cho đủ lý do phát triển kinh tế :)). Vụ không muốn giống TQ thì thôi… bỏ qua đi vì nhiều người bài Tàu đến mất hết cả lý trí!
Đặc biệt trong một năm qua khi được trải nghiệm trong việc đi tìm, lưu giữ lại một phần dù chỉ rất nhỏ một vài nét văn hóa truyền thống của Việt Nam. Tôi bất ngờ vì có quá nhiều điều quý giá, độc đáo và hay ho vô cùng, quá đáng tự hào với thế giới này mà không được quan tâm, bảo tồn, có những thứ đã mất đi hoàn toàn không có cách gì hồi phục, xót đến thắt ruột. Một mình tôi hay thêm cả vài chục bạn trẻ nữa cũng chẳng làm được gì cả, vì nó là việc của cả một xã hội.
Có thể rồi một ngày những thế hệ sau lớn lên cũng không còn lưu giữ hay mặn mà gì với Tết truyền thống nữa, lúc đó chẳng cần hô hào bỏ có khi nó cũng tự hết. Nhưng hãy để nó tự hết theo sự vận hành của tự nhiên và thời đại. Còn bây giờ, còn Tết, thì sẽ còn rất nhiều những người yêu mến nó, học cách yêu nó, chứ không thời buổi này, đêm 30 bật Netflix lên ngồi cày mấy bộ Hàn sướt mướt thì cũng thành một đêm như bao đêm khác thôi.
Tết là theo lịch Âm, tức là lịch trồng trọt. Một đất nước nông nghiệp thì phải tôn thờ lịch trồng trọt và canh tác nhờ lịch trồng trọt.
Tết cũng ở trong tiềm thức, trong lòng của cả biết bao nhiêu thế hệ. Đó là điều chẳng ai có thể cấm hay đòi bỏ được hết!
Cũng không biết còn bao nhiêu cái Tết nữa với bố mẹ, với ông bà, với cái nhà cũ ở quê. Năm nào mẹ cũng làm một cái mâm cúng rất to ở sân nhà, có con gà, có bánh chưng, tôi chưa bao giờ động chân động tay làm cả. Nhưng có thể mai kia khi bố mẹ không còn nữa, lúc đấy tôi sẽ tự khắc có ý thức làm, tự động làm những điều mà Tết nào mẹ cũng làm dù lúc đó mình đang ở bất cứ đâu trên trái đất này…
(Tâm sự đêm 30 Tết của một người yêu Tết).
Ảnh: Những nụ cười rạng rỡ, tụ tập vui vẻ thế này của mẹ và các dì, các em, cũng nhờ Tết mà có đấy!
Fun facts: Saturday (Saturn – ngày của sao Thổ ), Sunday (Sun – ngày của Mặt trời), Monday (Moon – ngày của Mặt trăng). Trước đây Mặt Trăng là ngày đầu tiên của tuần, từ sau khi đổi sang Gregorian calendar thờ Mặt trời thì Sunday là ngày đầu tiên, Monday thành ngày thứ hai. Lịch dương thường liên quan và gắn với tôn giáo của phương tây, lịch âm liên quan đến trồng trọt, nông nghiệp của người châu Á. Mỗi lịch đều có ý nghĩa và liên quan mật thiết đến văn hóa, cuộc sống, thậm chí sự tồn tại của mỗi dân tộc!
CHÚC TẾT TẤT CẢ MỌI NGƯỜI. CHÚC MỌI NGƯỜI MỘT NĂM CON MÈO THẬT NHIỀU SỨC KHỎE VÀ NIỀM VUI.

#518: THẰNG TÂY

Thằng Tây

“Thằng Tây” là tên đầy đủ của nó, họ Thằng tên Tây. Nên có gọi thì phải gọi là: Con Thằng Tây đâu rồi?

Không biết vì sao hồi vác nó về nó lại chỉ có 1 cục dái, cũng chưa cho đi thử mùi đời bao giờ nên 0 rõ nó có làm ăn cơm cháo gì không nhưng dì bảo có khi là khỏi phải dao kéo gì, chắc nó tự động làm công thôi. Kể cũng tiện.

Nó ghét tất cả ai tới nhà chơi vì đồng nghĩa với việc nó sẽ bị xích lại. Nó sẽ đứng nó chửi người ta cho té tát, người ta đứng nấp cỡ nào nó cũng phải nghển lên nhìn cho bằng được để chửi. Mình tới nó gào từ đầu ngõ mặc dù nhà này là nhà mẹ tao dì tao chứ nhà nó đếch đâu. Mình quen mồm mắng nó như mắng 5 thằng đệ nhà mình:

“Mày sủa vừa thôi không tao lấy kéo cắt nốt cục kia của mày đi chứ ở đấy mà sủa”

Nó im thít, mồm há hốc vì quá sốc. Xong mình chưa kịp hỉ hả thì ối giời ơi nó tổng tiến công khóc lóc gào thét giãy đành đạch ra lăn lộn làm dì mình phải chạy ra cầm cái que bảo có thôi ngay không. Nó uất ức ngoạm bố lấy cả que, rồi lườm mình cháy tóc.

Chắc phạm húy, còn có một cục quý như thế mà dọa cắt. Rồi thế này sau nó nhất định không làm bạn với mình thì buồn lắm. Giờ phải làm sao xin lỗi nó giờ? Lấy một cục lắp thêm cho nó? Lấy ở đâu? 🙁

My aunt’s Deutscher Schäferhund. Won’t make friends with me no matter how hard I tried 🙁

Cái góc sân xinh đẹp đầy hoa này mà nó 0 cho mình bước chân vào 🙁

Đang bị dạy dỗ nhưng cái mặt biết là 0 phục rồi! Mắt vẫn liếc ai đó :))

À lấy que dọa à? Lại chả ngoạm cả que cho

Cho dì xin cái que với gặm gì chắc thế

Tuy nhiên vẫn phải làm kiểu để làm pô ảnh cho ngọt

Dì ơi Hà nó đòi cắt d ái con

Nhà còn em này, là dì ruột của con béo, con của thằng Phốc nhà mình

 

 

#nhatkydoitao
#nhatkyhakin
#hakindiary
#homesweethome

#516: ĐÃ BAO GIỜ BẠN BỐI RỐI ĐẾN THẾ VÌ MỘT CÁI QUẦN CHƯA?

Nhân dịp theo trend, xin kể cho các bạn nghe về chiếc quần mình được tặng từ người chị “nương tựa” – một nhà thiết kế thời trang kiêm luôn thợ may vô cùng tài năng. Mình là fan cuồng đồ của chị. Riêng về phần chất liệu thì nó mát chưa từng có, mặc mà cứ tưởng vẫn như đang cửi trùn. Đến cái khẩu trang của chị cũng đỉnh, họa tiết vừa đẹp mà vừa đeo vào một phát ai cũng được trẻ đi 10 tuổi là ít. (Mỗi lần mình đeo khẩu trang toàn được xe ôm gọi là em. Tháo ra phát thì mới lên chị nhé :)).
Vì chị là người chị nương tựa của mình nên chị tặng mình rất nhiều quần áo. Chị còn sáng tạo ra kiểu áo lệch vai có tên là “cổ áo Hà Kin”. Từ ngày quen chị thì toàn bộ mùa hè mình chỉ mặc đồ của chị. Đồ chị nhìn tưởng rất đơn giản mà luôn cài cắm một số chi tiết khác người, rất tinh tế mà phải mặc vào thì mới… phát hiện ra được. Chúng nhìn rất bình thường mà lại rất không bình thường, và một khi đã quen là nghiện.
OK dài dòng thế chủ yếu để kể về bộ quần chị tặng cho vào mùa hè năm trước, đã có mặc mấy lần mà xong phải đem đi để dành vì… béo. Giờ bớt béo hơn tí, lại vào một ngày Hà Nội trước gió mùa về nóng hầm hập, quyết lấy của để dành ra diện. Chiếc quần đen suôn mát lịm, mặc vào những ngày gió nồm oi ả thế này thì còn sướng hơn cả cởi truồng.
Ấy thế mà một chiếc quần cứ tưởng bình thường như vậy mà lại đem tới những sự bất ngờ, thậm chí hoang mang tột độ. Hoá ra cái quần ấy nó… không liền mạch. Ngồi sau lưng xe ôm gió thổi lồng lộng bỗng nhiên giật thót mình vì cái quần dài trong tích tắc bị biến thành… quần đùi. Một bên ống quần tự tách làm đôi rồi cuốn bay theo gió lộ ra chiếc chân thẳng tuyệt đẹp và phần đùi quyến rũ của tôi. “Ôi thôi chết mẹ”. Tôi thốt lên. Ngay lập tức tôi nghĩ hay tôi ngồi sai tư thế nên xe ôm kéo tôi rách quần? Hay từ trước đến giờ nó là… cái váy mà tôi không biết? Nhưng sao là váy được vì tôi nhớ rất rõ tôi có xỏ chân vào ống quần và mắm môi mắm lợi kéo quần lên cơ mà nhỉ? (vẫn có chút béo). Đang nghĩ chắc một bên quần bị rách thì bất ngờ đùi chân bên kia lại mát lạnh, ống quần bên kia cũng đang tách làm đôi. Đôi chân tuyệt đẹp của tôi lộ thiên nguyên cặp trong tiết trời lộng gió mà oi ả. Tay tôi vẫn cầm điện thoại và túi, không kịp trở tay để kéo quần lên. Vì kéo được ống bên này thì ống bên kia lại lột ra. Có lẽ sự giật mình và lầm bầm của tôi khiến xe ôm để ý.
Bạn xe ôm trẻ măng bèn hỏi:
“Em bị làm sao thế?” (đeo khẩu trang xịn hay được hỏi tình cảm thế lắm)
“Anh ơi anh đi chậm thôi vì nếu không quần em bị bay mất”. Tôi đề nghị
“Ấy chết, em bị tụt chun quần ư?” Xe ôm vô cùng lo lắng.
“Không, em béo lắm chun không tụt được. Nhưng cái ống quần tự nhiên nó… bay”. Tôi lúng túng giải thích.
“À, thế thì em cứ kẹp chân vào người anh tự nhiên là nó sẽ hết bay”.
Ồ, anh xe ôm không hiểu sao lại hiểu chuyện nhanh như thế được nhỉ 😜 . Quả thật, khi ép hai chân vào một chút thì chiếc quần đã được kiểm soát. Lúc này mới kịp nhét điện thoại, túi tắm đeo vào người để tay còn giữ ống quần. Đôi lúc cái tóc bay vào mắt ngứa mắt thò tay lên vuốt tóc là một tay giữ ống quần không kịp, chân đẹp đùi đẹp nên là y như rằng xe hai bên bu vào ngắm nà!
Câu chuyện chưa hết. Có lẽ vì bối rối cái quần mà khi đặt xe đi tiếp. Vì mải nghĩ chuyện ngồi thế nào cho vừa sang vừa mát, quần bay vừa đẹp mà có vẻ tinh thần hơi bị thiếu tập trung, chưa kể chờ xe cũng lâu. Một hồi xe trờ tới, trời hơi mưa mưa, lái xe cắm mặt xuống điện thoại. Mình vội vã chạy ra giật đế để chân hai bên, tay bó quần và trèo lên xe ngồi thì thấy lái xe quay đầu lại. Ủa, sao lại là một anh tây mũi lõ? Mặc dù đã đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang nhưng anh cũng không giấu được sự thảng thốt trong đôi mắt xanh nước biển. Mình nhìn anh, anh nhìn mình. Bản năng ngôn ngữ thứ hai của mình trỗi lên: “A iu xe ôm?” Mặc dù lúc đó anh ta không mặc đồ xe ôm nhưng mấy lần mình đi xe cũng không có đồng phục nên thế là bình thường. Còn anh ta là tây thì cũng có thể, thời Covid bao quả tây hết việc đi dạy tiếng Anh biết đâu cũng đi chạy xe? Sau khoảng 3s nhìn nhau thì mình thấy có một anh grab trờ tới nhìn mình. Mình chợt giật mình, ôi thôi rồi bỏ mẹ, lên nhầm xe của giai tây rồi. Vội vàng mình xin lỗi và nhảy xuống xe, và thế đéo nào cái quần nó lại tõe ra vướng một miếng vào xe, lại nguyên chiếc chân tuyệt đẹp hiện ra. Tất cả mọi người lại bu vào nhìn, hây da!
Về đến nhà, cởi quần ra, mình ngồi ngắm cái quần mãi. Thế đếch nào mặc nó mấy lần trong SG mà không biết nó hiểm vậy nhỉ? Công nhận người chị nương tựa của tôi thật không hề bình thường chút nào. Sau buổi này, tôi sẽ thường xuyên mặc nó, vì khi cần, là cái cớ hoàn hảo để… kẹp hông anh xe ôm nào đẹp trai đó các bạn ạ 😅. Biết đâu lại được nương tựa nhau 😄
À, nói thêm là tôi nương tựa chị mà ngược lại tôi chẳng có gì cho chị nương tựa, hy vọng không vì thế mà chị sẽ không cho tôi thêm thật nhiều quần áo đẹp và… độc của chị, chị @Ngọc Hướng Dương nhỉ 😛
Ảnh: anh đằng trước là anh Tây xe ôm hụt.

#514: Đi 3 tháng về nhà 0 nhận ra con chó của mình…

January 28, 2021

 

 

Về nhà trời đang chuẩn bị trở rét. Bước chân vào cổng là 5 thằng đệ ào ra chào đón, còn đang hoa mày chóng mắt vì sự tấn công của bọn nó thì thấy mẹ ném cho một con lợn rừng đầy lông và nói: “Đây, trả chó này”.
Trời ơi tôi đã 0 biết mẹ tôi làm gì với con chó của tôi mà giờ nó đã biến thành lợn rừng rồi, nó đã to gấp ba, ụt à ụt ịt, chạy và nhảy y chang một con thỏ. Mẹ ném con chó sang cho tôi và khi tôi bắt lấy tôi vẫn không nhận ra đó là cái con cún mắt toét cách đây vài tháng. Tôi hỏi mẹ ủa mẹ tỉa lông mắt cho nó rồi mà sao nó vẫn vục đầu vào ăn như là không nhìn thấy gì thế này nhỉ?
4 đứa được mặc áo còn con lợn rừng ấy thì mới được mẹ tắm xong cho kịp gió mùa về, vì lông nhiều nhất nên phải đợi khô hẳn mới được mặc. Còn thằng lớn tồng ngồng nhất được mẹ fa sừn đì zai cho cái áo được làm từ cái quần thể thao đã rách cùa mẹ. Người đã to đã đô, răng thì chìa ra mặc đôi quần rần rần đi tới đón cứ tưởng là anh PT ở đâu mới tới nhà. Giờ mẹ có một niềm vui say mê là fa sừn đì zai quần áo cho bọn nó. Nghe nói sắp Tết đứa nào cũng có hẳn bộ xịn mặc Tết mà phải ém hàng chờ Tết mới được mặc.
Đi 1 bước là 5 đứa nó ríu chân lấy một bước. Đứa nào đón tôi cũng nhe răng ra cười, trời thì đang trở lạnh nhe thế thì khô hết răng chứ còn gì.
Về nhà ngắm vội cây cát đằng mới hết hoa, cây đào sau vườn đang ra đầy nụ. Cả trên gác lẫn dưới vườn là một vườn hoa cải và xà lách. Hoa cải bắt đầu nở bung ra vàng vàng cả goc vườn. Mẹ giờ lên tay trồng được củ xu hào vừa to vừa xanh nữa chứ. Cây khế ngọt năm nay bị tỉa cành nên ra đúng 2 quả to đùng, cả nhà để dành cho tôi về ăn đó.
Choáng nhất là cây hoa dại Indian Blanket, vẫn nở hoa cho dù giờ đã vào đông không còn nắng. Vậy là cây hoa ấy đã nở được gần 8 tháng trời, ra hoa rực rỡ liên tục. Tôi đã kịp lấy được bao nhiêu là hạt F2 để dành, để tôi sẽ gieo lên một mảnh đất làm studio cho tôi sáng tác.
Trở về nhà sau bao tháng ngày làm việc vất vả đi kiếm tiền và chạy khắp mọi nơi, cũng vừa kịp trước khi lại một trận dịch mới đến. Lúc bước vào cái phòng mẹ đã lau dọn thơm tho, nằm lên cái giường cái gối của mình, chăn thì ấm ơi là ấm. Ban công cây hoa nhài leo đã leo đầy bên hông, cây khế chua vẫn ra trái và chim thì vẫn hót líu lo. Người đang mệt rũ rượi, thế là lịm đi luôn, rất yên bình và vô lo vô nghĩ (hiếm khi vậy ghê a). Quả thật, ôi không đâu như ở nhà! Thật sự luôn đấy!
Got back home after a while. My mom threw me a hairy piggy. I was shocked because I couldn’t recogize my dog. Didn’t know what she did but he’s now 3 times bigger comparing to the time I was back home a few months ago.
They were too happy to see me. Mom made each of them a warm suit and they look too adorable. Hanoi is very cold this winter, might be colder in Feb but I’m sure they are fine. Mom has a new hobby, she likes to design clothing for the dogs. We have a very old sewing machine upstair and each day she will spend at least two hours there making and designing clothings for the pups.
It’s been a while to be back home. My plants are still growing alright. Only two starfruits left for me. Room is fresh and clean. Been working very hard lately and lacked of sleep. So when I lit on a scented candle, jumped onto my bed, sneaked into my warm blanket. I felt like heaven – home sweet home. 🙂

#513: Nhịu

Hôm nay tôi đã nghe thấy mẹ tôi sai bố tôi: “Anh lấy ngay cái sàn để lau giẻ đi!”
Và tôi bất giác lo lắng trong lòng vì hình như bệnh nhịu nó có di truyền và có thể gây ám ảnh. Ví dụ khi tôi còn nhỏ, có lần mẹ vừa ngồi rửa bát vừa hát ngâm nga: “Ngủ ngoan Akay ơi, ngủ ngoan Akay ời… mai sau con lớn con vùng CHỒNG lún sân”. Rồi mẹ khựng lại, tôi đang ngồi chơi đồ chơi gần đó ngước mắt nhìn mẹ. “Ủa mẹ, Akay là Thánh Gióng ạ?”. Mẹ không trả lời và tự sửa lại: “À ơi í nhầm mai sau con lớn con vùng CHÀY lún sân, à ơi…”.
Và tuy rằng mẹ đã sửa nhưng từ đấy về sau cứ nghe hát tới đoạn đó là tôi lại buột miệng hát ”vung chồng lún sân à ơi. ”. Không biết vì hát nhịu thế mà giờ vẫn không chồng nào chịu lấy tôi hay không?
Rồi lỡ sau tôi cũng nhịu cái gì đó con tôi nó cũng hằn sâu ký ức giống tôi thì sao? Lo lắng quá!
Đang tâm sự tới đoạn này thì tôi có nghe thấy bố tôi vừa trả lời mẹ: “sàn giặt hết rồi chưa cái nào khô để lau giẻ hết”
OK fine!