#134: Bóng – Phần 4

NHỮNG PHẦN TRƯỚC – CLICK

trois-couleurs2, photo, hinh anh, upload, download

Ngày không nắng

Cuộc tình của tôi với Nhân có đến năm lần chia tay nhau, rồi lại quay về, được ít lâu lại đánh chửi nhau loạn xạ. Năm lần vật vã, dằn vặt, hành hạ nhau và hành hạ cả những người có liên quan. Hàng xóm quen với việc phải nghe hai “con bà” gào rống trong nhà:

– Cho tao về. Tao về quê thăm bố mẹ.

– Không đi đâu cả. Mày phải ở đây.

– Mở ra! Mở cửa cho bố mày về!

Trong cơn điên, tôi đùng đùng mở cửa, chở hắn thẳng ra bến xe, trên đường không nói câu nào, chỉ có nước mắt lã chã tuôn. Nhân về Nam Định. Vài ngày sau, điện thoại lại vang lên tiếng hắn:

– Mình à? Tôi đây.

– Giời ơi, Nhân ơi là Nhân. Tôi nhớ mình lắm. Mình lên đây đi…

– Tôi lên thì mình hứa là không cãi nhau, không ghen tuông nữa nhé.

– Ừ, ừ…

Cứ như hai đứa trẻ.

Có lần, vừa lên nhà tôi, Nhân mở đĩa thời trang áo tắm ra xem (nhà tôi buôn bán băng đĩa nên có rất sẵn những thứ ấy). Tôi lại ghen lồng lộn. Nhiều lần khác, đang vui vẻ với nhau thì điện thoại réo, một giọng con gái trong vắt cất lên: “Anh cho em gặp anh Nhân”. Tôi dập máy, quay ra chửi Nhân rầm rĩ. Sau này tôi mới biết thủ phạm là một bọn ranh con rỗi hơi thích bày trò trêu “dì Dũng”. Dù sao, thời gian ấy, tôi cũng sợ mất Nhân đến nỗi luôn nơm nớp căng thẳng canh chừng điện thoại.

Nhân vẫn giữ cái thật thà chất phác của người nông thôn. Tôi biết điều ấy sau vụ hắn đem toàn bộ chuyện với tôi kể cho gia đình ở quê. Tôi đã về quê Nhân mấy lần. Lần đầu, gia đình Nhân đối xử với tôi nồng nhiệt như thể tôi là ân nhân của cả họ. Lần thứ hai, cách đối xử bỗng dưng khác hẳn. Mẹ Nhân thỉnh thoảng lại nhìn trộm tôi với ánh mắt tò mò. Bố Nhân nói chuyện lúng túng, không được tự nhiên cởi mở như trước. Tôi vốn đã quen với những ánh mắt soi mói, kỳ thị, nên cực nhạy trong việc “bắt sóng”. Một người láng giềng của Nhân, sau khi được tôi mời đi uống nước và dò hỏi, đã bỏ nhỏ: “Tôi nói thật với anh để anh xử lý, Nhân đã kể hết mọi chuyện của anh với nó rồi. Nó bảo nó sẽ không lên Hà Nội nữa. Bố mẹ nó cũng khuyên nó dứt khoát với anh đi để còn lo tương lai. Nhưng mà anh đã về đến đây rồi, đi xa xôi như thế rồi, thì nhà người ta cũng phải giữ anh ở lại ăn bữa cơm với gia đình”.

Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra rồi tuôn như mưa, không sao nín được. Tôi gọi Nhân ra ngoài vườn, vừa nói vừa khóc: “Mày khốn nạn lắm Nhân ạ. Mày thừa biết tao yêu mày như thế nào. Ở với nhau một ngày cũng nên nghĩa mà mày đối xử với tao thế à? Hôm nay tao sẽ chết ngay tại nhà mày, cho mày thỏa, cho mày yên tâm mà dứt khoát”. Dứt lời tôi ba chân bốn cẳng chạy ra cái hiệu thuốc lụp xụp đầu làng mua thuốc ngủ. Nhân chặn tôi lại, quỳ xuống lạy như tế sao: “Thôi, cho tôi xin, cho tôi xin. Đừng chết phí đời. Ở một mình một nhà trên phố cổ như thế khối người mơ chẳng được, chết làm gì cho phí!”. Thấy hắn lạy lục, mếu máo, lòng tôi dịu hẳn lại. Thực ra tôi chỉ dọa là chính, thử xem phản ứng của hắn thế nào. Thấy hắn cũng có tình nghĩa với mình, tôi tươi hẳn nét mặt, đổi sang một thỏa thuận mới. Tôi dỗ Nhân là sẽ đưa Nhân lên Hà Nội học nghề sửa xe máy, học xong sẽ cho một ít vốn để hắn về quê mở cửa hàng. Thanh niên nông thôn được học nghề là quý lắm. Ở thị trấn của Nhân hồi ấy cuộc sống cũng đang nhích dần lên, nhiều nhà tậu xe máy. Tất nhiên toàn là xe cũ tậm tạch, thế nên nghề sửa chữa xe máy lên ngôi, thợ làm không hết việc. Nhân nghe tôi mở ra hướng ấy cũng bùi tai. Chiều hôm đó, hắn lại lếch thếch cùng tôi lên Hà Nội, sau khi bắt tôi hứa sẽ không ghen tuông nữa.

Một tuần đầu diễn ra êm ả, cơm dẻo canh ngọt. Hết bảy ngày, mặt Nhân lại buồn rười rượi. Hắn nhớ người yêu. Giá tôi cứ để kệ cho tâm lý hắn được thoải mái thì không sao. Đằng này, thói ghen tuông lại trỗi dậy cùng với tính trẻ con và cố chấp. Tôi lồng lộn, cấm đoán: “Hai chọn một nhé. Có tao thì không có nó nhé!”. Cấm sao nổi. Tôi càng kìm hãm Nhân, hắn càng khao khát mạnh hơn. Nhưng Nhân cũng hiểu: Ở với tôi, hắn có tiền. Tháng nào tôi cũng đưa hắn tiền để gửi về quê giúp gia đình. Hắn chấp nhận hy sinh tự do để cải thiện cuộc sống của bố mẹ. Nhất là trong những ngày tháng ấy, bố Nhân phải đi mổ tim. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, gia cảnh hắn đã eo hẹp lại càng eo hẹp hơn. Nếu không có tiền của tôi, chắc bi kịch đã xảy ra.

Những cuộc cãi vã diễn ra liên miên không ngớt. Tôi cứ nhìn thấy mặt Nhân buồn buồn là lại đay nghiến: “Mày nhớ bố mẹ mày, hay mày nhớ gái?”. Rồi lời qua tiếng lại, cãi nhau. Nhân tháo chiếc đồng hồ tôi mua tặng, đập tan tành ngay trước mặt tôi. Tôi xông vào đấm hắn thùm thụp. Hắn cũng nổi điên đánh lại, hai thằng đánh nhau huỳnh huỵch từ trong nhà ra ngoài ngõ. Một lần khác, tôi rút con dao cắm bên chạn bát, nhằm thẳng mặt Nhân mà quăng, may trượt. Con dao bắn vào bức vách, văng ngược trở lại, vỡ cả chuôi. Cãi, chửi, đánh nhau chán lại làm lành, đêm đến lại cầm tay nhau, ôm nhau thật chặt. Chao ôi, thật cứ như hai đứa trẻ con.

Bố Nhân nằm bệnh viện Bạch Mai mổ tim, tôi vào thăm hàng ngày, chăm sóc cung phụng hơn cả với bố mình. Nghĩ lại mà thấy cay đắng, bố đẻ tôi lúc còn sống chẳng được hưởng ngày nào như thế với ông con trai. Hai cha con tôi vốn không hợp nhau, nói với nhau vài câu là lại hục hặc. Với bố Nhân, tôi cơm nước, thuốc thang, đổ bô, hầu hạ ông chẳng thiếu thứ gì. Ông cụ ngại tôi là gay, quan hệ với Nhân chẳng rõ ràng, nhưng vì tính cụ hiền lành, thêm nữa hoàn cảnh cũng khó khăn nếu không có tôi, nên đành chấp nhận một cách bối rối. Hôm ấy sức khỏe bố Nhân đã khá hơn, tôi đỡ ông ra ngoài đi dạo lòng vòng. Vừa ra cổng bệnh viện, tôi như bị sét đánh ngang tai: Nhân đang cùng một cô gái nữa đi vào. Tôi khựng lại, tim bóp mạnh trong lồng ngực đánh thót một cái. Nhân nhìn thấy tôi, mặt cắt không còn giọt máu. Chỉ có ông già đi bên tôi là không biết tí gì.

Ngay trưa hôm ấy, Nhân và tôi đánh nhau một trận to ở Bờ Hồ. Tôi ngồi hàng nước, đốt thuốc lá, uống trà, uống cả cái hận vào bụng. Đang ngồi thì Nhân đến – không hiểu sao hắn biết tôi ra đó. Hai bên chỉ kịp nói với nhau vài câu, tôi bắt đầu nghiến răng chửi hắn: “Mày khốn nạn thế? Mày biết không, tao cay đắng lắm. Tao đã biết cái số kiếp của tao như thế rồi, tao nghĩ đến mày từng giây từng phút mà mày dối tao thế à?”. Nhân chắp tay van nài:

– Em sợ anh rồi. Anh tha cho em.

– Muộn rồi. Mày làm khổ tao quá nhiều rồi. Mày bưng bát cơm nhà tao lên miệng mà mày không biết nghĩ. Hay đấy là bát cứt?

Tôi càng chửi càng ngoa ngoắt, Nhân lúc đầu còn định nhẹ nhàng phân trần, chỉ xin “anh tha cho em, em xin lỗi anh”. Sau hắn nổi khùng, gào lên: “Tao đ. ở với mày nữa. Tháng tháng mày cho tao triệu bạc chứ là gì mà tao phải khổ như thế này. Sống với thằng pêđê nhục quá!”. Tôi xông vào đấm đá Nhân túi bụi, lúc ấy tôi hộc lên như bị điên, chỉ muốn cào cho rách toạc môi mắt hắn ra. Nhân sợ, bỏ chạy vào một ngõ ở phố Bà Triệu, nấp đâu đó. Không may cho hắn, địa bàn xung quanh hồ Hoàn Kiếm tôi rất thạo. Tôi xông vào ngõ, túm tóc hắn, đấm đá, xé áo giật cúc, nhổ nước bọt… Nhân nổi khùng đánh lại, tôi cũng đau. Tuy nhiên phần thua vẫn thuộc về hắn vì hắn sợ, tôi đang điên lên rồi. Dân trong ngõ đổ ra xem, nhưng không ai can, chỉ đứng nhìn với vẻ kinh sợ. Như một con thú, tôi tát Nhân cháy mặt, chửi hắn xa xả bằng những lời lẽ độc địa nhất:

– Nhân ơi, thổ công long mạch, chúa đất thần tài, tiền chủ hậu chủ cả lò nhà mày ăn gì đẻ ra mày, để bây giờ mày làm khổ tao?

– Tao thù mày. Kiếp trước tao trót trộm chuông vàng khánh bạc của nhà chùa, kiếp này đầu thai lên làm người phải gặp mày. Mày giết tao Nhân ơi!

Từ trong ngõ, chúng tôi đánh nhau tuốt ra ngoài phố, ra tận hàng nước. Tôi giật được ở đâu một cây gậy, Nhân vớ ngay cái ghế, thủ thế. Dân ngồi hàng nước sợ xanh mắt. Tôi vung gậy, quật xuống chan chát. Nhân vừa giơ ghế đỡ vừa quát: “Cút mẹ mày đi, thằng điên!”. “Ừ, tao điên. Tao điên thực sự rồi đây!”. “Mày muốn gì?”. “Tao muốn gì à, tao muốn là tao với mày mỗi thằng một con dao giết nhau”. Rồi tôi lải nhải than thân trách phận: “Giời ơi là giời, ông giời đày đọa tôi. Bố tao chết, mẹ tao chết, tao ở một mình cô độc, đã tưởng gặp mày thì sướng, ai ngờ mày làm khổ tao!”. Nói đến đây thì chửi thành thật, tự nhiên tôi khóc lên tu tu. Nhân bật khóc: “Lần này dứt khoát tao phải về. Tao sợ lắm rồi. Tao khổ lắm rồi”. Chúng tôi nức nở. Nỗi đau vỡ trong lòng cả đôi.

Khi nước mắt đã trào ra, không ai còn đánh ai được nữa. Nhân quỵ xuống dưới chân tôi mà khóc, tôi cũng khóc. Hai người đều xây xước, quần áo xộc xệch mất cúc mất khuy, tay chân thâm tím. Chúng tôi vứt gậy, quẳng ghế, ôm nhau ra về. Hàng trăm con mắt dõi theo, nhưng qua màn lệ nhòa, tôi không nhìn thấy gì nữa. Tôi chỉ lờ mờ thấy rằng đang có kẻ cười nhạo, có kẻ không giấu nổi cảm giác kinh tởm trước hai thằng đàn ông dị hợm, có kẻ cười nói bình phẩm hỉ hả, thú vị được xem hề không mất tiền. Hôm ấy trời Hà Nội lạnh ngắt, không có nắng. Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán.

Về tới nhà, Nhân không nói không rằng, mặt rầu rầu. Tôi nấu cơm, hai đứa ăn bữa trưa muộn với nhau trong im lặng. Cuối cùng, Nhân quỳ xuống, chắp tay trước tôi: “Anh Dũng, em xin anh. Từ bây giờ em phải về nhà. Bố em ốm. Thằng em em đi bộ đội. Em phải về nhà nhận thêm vài sào mầu nữa. Hoàn cảnh em như thế, anh để em về giúp đỡ gia đình”.

Tôi lặng người đi. Trước mắt tôi là những ngày Tết cô đơn và giá lạnh. Bố chết, mẹ chết. Anh chị em kiến giả nhất phận. Tôi sẽ sống ra sao trong những ngày tới đây? Tôi nói trong nước mắt giàn giụa: “Nhân ơi, sao nỡ bỏ tôi? Bây giờ Nhân về, tôi không sống nổi đâu. Sao năm hết Tết đến mà mình lại bỏ tôi như thế này?”. Nhân ngước nhìn tôi, hai con mắt đỏ mọng. Hắn cũng thương tôi lắm, thương cả hắn nữa. Rồi Nhân nghẹn ngào dỗ tôi, rằng hắn về nhưng sẽ lên Hà Nội thăm tôi thường xuyên, ngay Tết này cũng sẽ lên. Dù gì hắn cũng mang gà lên dự giỗ bố tôi (ông cụ mất vào mồng ba Tết). Hắn đã hứa hẹn như vậy, đem cả chuyện cúng giỗ ra mà nói, tôi không thể làm căng được. Căng hơn nữa là sẽ mất hắn vĩnh viễn. Thế là nước mắt lưng tròng, tôi đưa Nhân ra bến xe, lòng đau thắt. Nhưng tôi vẫn có một tia hy vọng mong manh rằng Tết hắn sẽ lên và ở lại với tôi. Hắn cũng đã nhiều lần bỏ đi rồi trở về như thế kia mà. Chắc hắn về quê thực sự là vì việc gia đình thôi, chứ không phải để cưới vợ.

Những ngày Tết trôi qua trong thương nhớ. Tôi vừa buồn vừa giận Nhân, vừa căm hận số phận, oán trách trời đất. Nếu có kẻ nào là người có lỗi nặng nhất trong chuyện của tôi với Nhân, thì đó là kẻ mang tên Số Phận. Tại sao tôi lại sinh ra chỉ yêu đàn ông? Than ôi, giá như tôi được là người bình thường, cho dù có là một gã trai xấu xí thô kệch, thì cuộc đời tôi đã bình an hơn biết bao nhiêu! Cũng khổ cho Nhân nữa. Nhà hắn nghèo quá, hắn phải chấp nhận sống với tôi để lo cho gia đình. Có người yêu mà không được đến với cô ta, phải sống như làm cảnh với một thằng gay là tôi, tội nghiệp hắn. Ở với nhau, tôi bao vây phong tỏa hắn, không cho đi đâu một mình, luôn luôn giành trả lời điện thoại để bàn và nhất định không mua điện thoại di động cho hắn. Tuổi thanh xuân của Nhân trôi qua bên tôi như thế đấy.

Nhưng tôi biết làm thế nào bây giờ?

Suốt mấy ngày Tết, tôi ở nhà thui thủi một mình, lau cửa lau nhà đến sáng bóng lên chờ Nhân về. Hắn thích ăn thịt kho trứng. Tôi là dân buôn bán, ngày Tết kiêng ăn trứng, nhưng vì hắn, tôi cứ làm một nồi. Tôi còn nấu thêm nồi thịt đông rất ngon, ngồi cặm cụi hớt từng tí bọt cho nước trong. Cứ nghĩ đến cảnh Nhân lên, xì xụp ngồi ăn cơm nóng với thịt đông và trứng kho là tôi thấy vui rồi – hắn vốn nghiện những món tôi chế biến. Tôi còn mua cả giò, cả chả, làm chân giò ninh măng, nấu chè kho v.v…

Nhưng Nhân không lên. Không một cú điện thoại. Tôi phải mang đồ sang nhà hàng xóm nhờ họ ăn giúp cho, lại mang cả ra Bờ Hồ mời lũ bạn bè rong rêu. Lòng tôi vừa cay đắng, vừa hận Nhân ghê gớm…

Cuộc tình của tôi với Nhân lập kỷ lục là “cuộc tình đánh nhau nhiều nhất”. Đúng là yêu nhau lắm, cắn nhau đau. Chúng tôi đánh lộn nhiều phen chí tử, chửi nhau không còn biết ngượng mồm. Được vài ba hôm lại làm lành, lại vui vẻ, rồi lại đánh chửi nhau. Nghĩ lại, thấy xấu hổ với hàng xóm vô cùng. Chắc họ phải chửi thầm trong bụng vì bao nhiêu lần giữa đêm khuya, cả khu đang ngủ, đột nhiên hai thằng đàn ông lại tru tréo méo giật ầm ĩ lên. Có hôm tôi đưa Nhân tới nhà em gái ăn cơm (thật ra là để tránh bị Nga gọi điện quá nhiều). Trước cửa nhà cô em, mỗi thằng cầm một viên gạch, đuổi nhau chạy vòng quanh gốc cây. Tôi ghè gạch vào đầu Nhân, hắn tránh được, chạy… Tôi ném, viên gạch đập vào lưng hắn đánh hự một cái, rơi xuống đất vỡ tóe ra. Cô em tôi sợ không dám can, chỉ biết ngồi nhìn mà ca cẩm: “Tôi khiếp quá. Sợ các ông các bà quá. Pêđê yêu đương xấu hổ chưa kìa, giời ơi!”. Dân quán nước quanh hồ Hoàn Kiếm cũng hàng chục bận chứng kiến hai anh đàn ông đánh nhau từ bên này đường sang bên kia đường, rồi đè nhau ra vỉa hè, vườn hoa bên hồ, kẻ ngồi trên người nằm dưới cấu xé và gào choe chóe y như kiểu đánh lộn của hai bà đàn bà. Một năm ở với tôi, Nhân phá tan một chiếc xe máy Bonus, đập vỡ tới bốn đồng hồ đeo tay, vứt bốn dây chuyền bạc xuống Hồ Gươm. Mấy lần hắn toan đốt nhà, tôi phải nhảy vào ôm chân hắn mà gào lên: “Ối bố ơi, thằng Nhân nó đốt nhà mình đây này!” (khi ấy, bố tôi đã mất); Nhân mới sợ mà thôi. Lần khác, đang chở tôi, hắn toan đâm đầu vào xe tải tự sát, tôi phải níu áo lạy van: “Đừng, đừng. Tao không nói nữa, mày đúng, mày đúng hết!”. Hắn lại gầm lên: “Mày còn thách tao nữa không? Tao với mày cùng chết”. “Không, không thách nữa. Mày đúng, tao sai rồi”.

Sau đợt Nga lên Hà Nội, tôi canh Nhân rất chặt. Đi đâu chơi xa với bạn bè, tôi không rời hắn nửa bước. Nhân vừa buồn vừa tức, nhưng tôi mặc kệ. Có hôm tôi bắt hắn chở tôi đi Kim Bôi thăm nơi đóng quân của đơn vị cũ. Trời lộng gió, cỏ cây hai bên đường xanh ngăn ngắt, tính tôi lại hay mơ mộng, thấy phong cảnh đẹp chỉ muốn hát véo von. Nhưng Nhân thì cứ rầu rầu, không nói không rằng. Trời ơi, bạn cứ tưởng tượng cuộc sống bên một người mà người đó lúc nào cũng ưu phiền như một cái xác không hồn, mặt mày buồn bã như đưa đám. Có muốn vui, tôi cũng chẳng thể vui được. Tôi vừa khổ tâm, vừa khó chịu, nhưng cũng đành phải nín nhịn. Buổi trưa, ghé quán cơm phở bên đường ăn uống, tôi gọi những món Nhân thích nhất, ngồi gắp cho hắn từng li từng tí, ân cần, tươi tỉnh, cố gắng làm hắn vui. Vô ích. Mặt Nhân như sắp khóc, làm tôi nhai cơm mà như nhai rạ. Đến cuối bữa, không chịu nổi nữa, tôi bật ra: “Nhân ơi, mệt quá rồi Nhân ạ. Eo ôi, cứ thế này thì tôi thần kinh mất, mình ơi”.  Nhân ngước nhìn tôi, thở dài.

Nước mắt và máu

Một năm ở với Nhân, tôi một lần dọa tự tử, một lần tự tử thật. Tối hôm đó chúng tôi cãi vã, ban đầu hắn còn chửi lại tôi, sau hắn lăn ra ngủ, chẳng thèm nghe. Tôi cúi nhìn mặt hắn. Bình thường ngắm gương mặt hắn lúc ngủ, tôi yêu lắm, nhưng lần này thấy hắn thanh thản, lòng tôi càng sôi sùng sục lên. Tôi thấy chán nản, chán thân phận, chán đời. Tại sao tự nhiên mình lại đâm đầu vào cái thằng dở hơi này nhỉ? Khổ vì nó, đau đầu vì nó quá, thực sự không muốn sống nữa. Tôi lẳng lặng khóa trái cửa phòng lại, vứt chìa khóa ra ngoài sân, dùng banh-xơ-lam rạch nát ống tay ra. Lưỡi banh-xơ-lam cùn, rạch tới mười mấy nhát mà tôi vẫn không bị đứt gân. Máu chảy ra thành một vũng to nhưng tôi không còn thấy sợ nữa, dù bình thường tôi vốn hãi máu. Nhìn những giọt máu tong tỏng rơi xuống trên nền gạch trắng, tôi vô cảm hoàn toàn, thậm chí… càng chảy nhiều càng thích. Trong óc tôi lúc ấy chỉ lởn vởn một ý nghĩ căm thù: “Mình không thiết sống nữa. Mình chết, cho thằng này đi tù. Kết thúc cuộc tình này sẽ là mình nằm trên vũng máu còn nó đi tù vì dính vào án mạng”. Máu chảy nhiều quá, đúng lúc Nhân dậy đi tiểu đêm. Thấy cảnh ấy, hắn hét ầm lên: “Giời ơi là giời, sao lại đến nông nỗi này? Việc gì phải khổ thế Dũng ơi! Một mình một nhà cổ như thế này, sao lại chán đời thế?”. Tôi đay lại: “Cho mày cái nhà. Tao chết đi cho mày ở đấy. Rước gái về đây mà ở”. Hắn cuống cuồng pha nước muối, nước ôxy già để rửa vết thương, băng tay, khóc mếu, dỗ dành, chăm sóc tôi không khác gì chồng chăm vợ. Tôi lành rất nhanh, nhưng cánh tay trái bây giờ vẫn còn đầy sẹo.

Cả hai người – Nhân và tôi – lúc điên lên thì không ai nhịn ai. Tôi nỏ mồm, còn Nhân nóng tính như lửa. Bây giờ nhớ lại, tôi cũng không hiểu sao tôi lại hay làm già đến thế, mặc dù ở tuổi ấy tôi đã thừa khôn ngoan để hiểu rằng đôi khi chỉ cần nhịn đi một chút là có lợi. Người này cáu lên thì người kia im là xong mà. Biết thế mà trên thực tế, hai đứa tôi không ai chịu nhường ai lấy một lần. Chúng tôi đánh chửi nhau suốt, lần thì tôi đánh Nhân trước, lần thì hắn chủ động nện tôi. Nhiều phen hai đứa đấm đá nhau sưng bươu cả đầu, đến đêm lại lấy dầu xoa cho nhau mà thủ thỉ: “Đau không? Lúc đấy tôi nóng tính quá, mình bỏ qua cho tôi nhé”. Có lẽ phải nói chính xác là cả hai thằng đều dở hơi, phổi bò và không để bụng, đánh nhau chán lại xin lỗi, lại tắm rửa, ăn diện, cưỡi xe máy ôm eo nhau đi chơi.

Những lúc đã tình cảm với nhau thì Nhân rất khéo. Đêm đêm, khi có hứng, hắn sẵn sàng xoa lưng cho tôi trong tâm trạng vui vẻ, đến khi tôi ngủ thì mới thôi. Hoặc đưa tay cho tôi gối suốt đêm. Ngay tính nóng như lửa của hắn cũng là mặt trái của một tính cách đàn ông mạnh mẽ, dữ dội, điều làm mê mệt cả phụ nữ lẫn gay. Với tôi, Nhân là người sâu sắc nhất trong những người tình mà tôi đã “kiếm” được. Đến giờ phút này, tôi vẫn không quên được bất kỳ cái gì thuộc về hắn. Có lẽ đến khi đã chết đi, đã đào sâu chôn chặt dưới đất, tôi cũng vẫn không quên được Nhân, dù đó là mối tình đau khổ nhất, điên loạn nhất, cay đắng nhất, yêu nhất và hận nhất. Mối tình có quá nhiều cái nhất. Cho đến tận bây giờ, Nhân vẫn giữ tình cảm với tôi, dù hắn đã lấy vợ. Tết hắn vẫn lên nhà tôi, biếu thứ này thứ nọ. Quà của người nghèo thì cũng chẳng có gì lớn về mặt giá trị, nhưng nó thể hiện cả một tình xưa nghĩa cũ trong đó. Bây giờ tôi cho tiền, hắn không lấy nữa. Tôi đánh giá Nhân thực sự là một người tốt, ăn ở có tình.

Không chỉ tôi mà bà con phố xá cũng nghĩ tốt về Nhân. Ai cũng bảo Nhân chăm chỉ, có những nết tốt mà những người tình khác của tôi không có được, như ý thức vun đắp cho “gia đình” – cái gia đình nhỏ của hắn và tôi. Sửa nhà, tôi gọi người đến chở cát, Nhân gạt đi: “Thôi, tốn kém ra. Để tôi ở nhà tôi vác, chịu khó một tí chứ mấy”. Thế là một mình hắn vác hai mươi bao tải đất cực nặng, đi xe máy từ nhà ra bờ sông vứt rồi lại lộn về, cứ thế. Tôi vốn dốt kỹ thuật, nhát điện; lại một tay Nhân đấu điện sống, sửa công tắc, lắp bóng đèn cho toilet và sân chung của cả khu. Chưa kể những tivi, đầu đĩa DVD hỏng, máy nước tắc, đồng hồ điện trục trặc… hắn đều tự sửa tất để tôi khỏi phải gọi thợ. Về quê, hắn cũng hay mang lên cho tôi cân thịt mèo, thịt chó. Có lần tôi tình cờ biết là đám bạn Nhân vẫn xui hắn bắt thằng pêđê “mua cho cái xe máy tử tế mà đi”, nhưng hắn không làm theo. Hắn thực sự là người tốt với tôi nhất trong những người tình mà tôi đã có cho đến lúc đó.

Nhưng cánh tay tôi đã đầy sẹo, cũng như trái tim tôi rách nát vì tình.

Sau này, khi tất cả mọi chuyện đã qua, có những lúc ngồi vui với nhau, tôi bảo Nhân: “Nhân ạ, ngày xưa bọn mình có những ngày tôi không bao giờ quên được, nhưng bây giờ nhớ lại cũng thấy sợ, cứ như cơn ác mộng ấy!”. Nhân cười…

4.

Vực thẳm

Tình yêu là một cái gì rất kỳ lạ, nó có thể biến con người thành cao thượng, nhưng cũng có thể làm người ta trở thành độc ác. Điều này đúng với cả người bình thường lẫn cộng đồng giới tính thứ ba. Tôi đã nói rằng đặc điểm chung của dân đồng tính là không được thỏa mãn về mặt tình cảm, hay sa vào yêu đơn phương, đâm ra chịu nhiều ẩn ức. Bị ức chế nhiều nên khi có dịp xả ra, họ thường thể hiện ra ngoài theo những cách ngoa ngoắt và cay độc nhất. Cũng có thể không phải do chúng tôi ác tâm ác khẩu. Tình yêu khi không được thỏa mãn thì biến thành thù hận, đó cũng là lẽ thường.

Trả thù

Sau Tết vài ngày, tôi gọi điện về quê Nhân. Gia đình Nhân rất nghèo, không có điện thoại riêng, toàn phải nhờ hàng xóm. Tôi lấy giọng ngọt ngào, thẽ thọt: “Cô ơi cô, cháu ở trên Hà Nội. Cháu là chủ cửa hàng của Nhân. Em nó hẹn sau Tết lên mà chưa thấy. Bây giờ cháu dập máy, cô làm ơn sang nhà gọi nó hộ cháu. 5 phút nữa cháu gọi lại cô nhé?”. Hai nhà cạnh nhau, 5 phút sau tôi gọi lại, bà hàng xóm bảo: “Cô hỏi mẹ nó rồi, nó đi đâu từ chiều qua”. Ngay lập tức, tôi lồng lên như một con thú bị thương. Nó chết dấp với gái ở đâu, cái thằng này? Lửa giận ngùn ngụt bốc trong đầu, tôi thấy đất trời quay cuồng, nhìn cái gì cũng vàng ềnh ệch. Tôi phi sang nhà thằng cháu, tóm cổ nó: “Bốp, tao nhờ mày cái này…”. Thằng bé nhăn nhở cười: “Cậu làm thế làm gì, ác lắm. Nó là cái gì đâu. Để cháu giới thiệu cho cậu đứa khác, bạn cháu đầy ra đấy, mà toàn là dân tổ lái đẹp trai lắm!”. “Được rồi, tao nghe mày, nhưng mà mày cứ làm thế này cho cậu”. Tôi nhanh chóng bịa ra một kịch bản… Thằng bé nể cậu (nó vốn thương tôi từ nhỏ, thân với tôi nhất nhà), với lại thấy trò này cũng hay hay, nên đồng ý.

– Alô. Đây có phải là số điện thoại 0350… của nhà bà Tiêu, thôn…, huyện…, không ạ?

– Phải ạ. Ai đấy?

– Bác ơi, có chuyện thế này bác ạ: Cháu ở trên Hà Nội. Có một vụ tai nạn giao thông… Cháu thì cháu chỉ làm phúc thôi, cháu xem giấy tờ thì thấy trong quyển sổ con con để ở túi áo ngực của người ta có ghi số điện thoại với địa chỉ này. Người ta lại không mang chứng minh thư bác ạ. Bác xem giúp…

Đầu dây bên kia thét lạc cả giọng: – Ôi trời ơi, thế à? Thế tai nạn thế nào?

Bốp diễn nguyên lại kịch bản tôi đưa: Người ta để tóc dài, da nâu, mắt một mí, lông mày rậm, mặc áo kẻ carô đỏ, quần tây đen (bộ quần áo Nhân mặc lúc đi, tôi nhớ). Thằng bé nhấn mạnh: da nâu, mắt một mí, lông mày rậm.

– Trời đất ơi! Thế thì nó là hàng xóm nhà cô đấy. Tên nó là Nhân. Thế nó có làm sao không cháu?

– Hình như là chết rồi bác ạ. Coi như là chết rồi. Cháu chỉ kịp ghi lại địa chỉ với số điện thoại này thôi.

– Sao mày không ở lại xem? Thế chở đi đâu rồi?

– Chở đi bệnh viện nào thì cháu không biết nhưng chắc không sống nổi đâu bác ạ. Đâm vào ôtô, lao mạnh lắm. Máu mũi máu tai máu mồm chảy ra thành vũng ấy. Cái xe tan cả ra cơ mà bác.

Bà hàng xóm to mồm, kêu thất thanh đến độ tôi đứng ngoài còn nghe tiếng: Ối giời ơi là giời ơi, thằng Nhân bị tai nạn rồi giời ơi… Bốp cháu tôi nói mấy câu nữa rồi cúp máy, cười khoái trá nhưng cũng run, tôi thấy môi nó trắng nhợt, ngón tay kẹp điếu thuốc run lẩy bẩy. Ngay sau đó, bố mẹ Nhân gào khóc, cả họ mấy chục người thuê xe đi tìm xác con. Họ khóc lóc như đám ma suốt từ Nam Định lên Hà Nội. Tới Hà Nội rồi, không biết tôi ở đâu, họ kéo nhau đến nhà Quang khóc ầm ĩ. Quang vội vã gọi điện cho tôi: “Anh Dũng, anh Dũng. Vụ thằng Nhân là như thế nào?”. Tôi cũng gan, giả vờ lo lắng: “Không biết. Sao, có chuyện gì à?”. Quang đưa ngay mẹ Nhân đến nhà tôi. Bà cụ vốn sợ thằng “đồng cô” mê con trai mình, nhìn thấy tôi cụ cứ nem nép rất tội. Tôi vừa buồn cười vừa thương. Đến giờ phút này, đâm lao thì phải theo lao, tôi thản nhiên xung phong đưa mẹ Nhân đi các bệnh viện tìm con.

Thế là ngay chiều tối hôm đó, tôi chở mẹ Nhân đến không sót một bệnh viện nào ở Hà Nội. Tội nghiệp bà cụ: đi dọc đường thì không sao, nhưng cứ đến bệnh viện là mặt bà tái dại đi, chân tay run lên cầm cập, chưa nói thì đã khóc rưng rức. Tôi lại phải là người liên lạc hỏi han, phải cố đóng cho tròn vai kịch đang sắm dở. Nhìn cả họ nhà Nhân vật vã lo lắng, sống dở chết dở, tôi thấy trong lòng hả hê. Tuy thế, chỉ chừng một tiếng sau, chứng kiến cảnh bà cụ thân sinh ra Nhân đau xót quá, tôi lại thấy thương, không nỡ hành hạ bà thêm. Sao tôi lại có thể tai ác đến thế? Ngay lúc ngồi ôtô từ Nam Định ra Hà Nội, bà cụ đã khóc đến ngất lên ngất xuống, cứ ời ời ối con ơi là con ơi. Người nhà phải gắt lên: “Đã biết nó chết hay chưa mà bà cứ gở mồm”, bà cụ mới thôi không gào gọi con nữa. Tôi chở bà đi đến bệnh viện cuối cùng là bệnh viện Bạch Mai, thì bà gục xuống, lên cơn đau dạ dày. Lúc ấy tôi mới thấy mình thực là độc ác. Tôi không cười thầm trong bụng được nữa, mà lo sợ: “Bây giờ bà già có làm sao thì mình ân hận suốt đời”. Nhưng biết nói thế nào, chẳng nhẽ lại ghé tai cụ “cháu đùa” hay sao? Đành phải im lặng mà vào nốt vai kịch: một người đàn ông, có vẻ là anh của nạn nhân, chín chắn, điềm tĩnh, cố kìm giữ nỗi lo lắng để hỏi han các y bác sĩ thật tỉ mỉ về tin tức của em trai. Rồi tôi cũng bắt đầu nghĩ đến cách phải thoát ra khỏi tấn kịch này. Phải làm sao đây? Nếu Nhân biết, hắn căm thù tôi đến kiếp sau mất. Mà rồi thể nào hắn cũng sẽ biết.

Giữa lúc ấy thì Quang xuất hiện. Hắn tìm gặp tôi ở bệnh viện Bạch Mai đúng lúc bà cụ mẹ Nhân đang lên cơn đau dạ dày phải nằm lại đó. Quang kéo tôi ra một góc, mặt nghiêm lại:

– Ông nghe đây này. Ông ghen tuông quá, độc ác quá, gọi điện về bịa chuyện hại gia đình người ta, đúng không? Nhận đi. Can đảm nhận đi.

Tôi im lặng vài giây, rồi buộc phải nói thật: “Ừ, tao đấy Quang ạ. Chí nh là do tao đấy. Tao thù thằng Nhân quá. Nhưng mày đừng nói với bà mẹ nó nhé. Tao, tao xấu hổ quá”.

Quang lắc đầu:

– Chịu anh. Em biết. Em đã bán tin bán nghi ngay từ đầu rồi. Thôi, dù sao biết được tin này thì cũng đỡ sợ, chứ nó mà chết thật thì tội quá.

Hai anh em đang thì thầm to nhỏ thì bà cụ từ trong giường mò ra, khóc thôi là khóc: “Ối Nhân ơi là Nhân ơi, sao con bỏ mẹ? Con ơi, con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo, thế mà con nỡ lòng nào con bỏ mẹ? Ối giời ơi, tôi nuôi con sống, bây giờ tôi lại thờ con chết giời ơi!”. Bà cứ hời hỡi hời hỡi như thế trước cửa phòng bệnh, giọng Nam Định đặc sệt. Quang cũng là đứa vô tâm, biết là bạn hắn không chết, bây giờ lại thấy bà cụ lăn lộn hờ con như thế thì buồn cười lắm, mặt hắn nhăn nhăn nhở nhở như khỉ, làm tôi cũng bị lây. Tôi phải cắn chặt môi, tay nọ bấm vào tay kia để khỏi cười phá lên. Hết thấy thương bà cụ mà chỉ thấy bà khóc vô duyên quá thể! Thế rồi Quang không chịu được nữa, hắn bò lăn ra sàn, cười rũ cười rượi. Tôi chắp tay: “Giời ơi, Quang ơi, tao lạy mày. Đừng cười nữa. Bà ấy đang khóc mà mày cứ lăn ra cười như thế à, bà ấy đang nhìn tao kia kìa. Nhục quá. Khổ lắm nữa, yêu với chả đương”. Quang vừa cười quặn bụng, vừa lấy tay chỉ tôi: “Ôi, con dâu điêu ác chưa kìa! Cái mồm vẩu điêu ác!”. Bà cụ ngừng khóc, nhìn hắn phẫn nộ: “Mày, sao mày…?”. Quang cố nín cười:

– Thôi bây giờ thế này. Cô thử gọi điện về Nam Định đi cô ạ, xem có tin tức gì không.

Bà cụ (lúc đó vẫn còn đau dạ dày âm ỉ, chắc thế) có vẻ hơi tỉnh tỉnh. Bà vội vã ra cổng viện gọi điện thoại về quê. Thì ôi thôi, Nhân đang ngồi lù lù ở nhà hắn dưới Nam Định.

Hai mẹ con trò chuyện một lúc. Bên kia, Nhân nói như nhai không khí ra:

– Mẹ. Mẹ đi về đi. Gọi taxi về nhà, bao nhiêu tiền con cũng trả.

– Không, anh Dũng với anh Quang đang giữ mẹ ở trên này. Để sáng mai mẹ ra bến ôtô sớm.

– Cho con nói chuyện với thằng Quang.

Nhân chỉ nói chuyện với Quang, nên tôi hiểu ngay hắn đang căm tôi đến mức nào. Chờ Quang nói gì đó với hắn xong, tôi nhảy xổ vào giằng lấy điện thoại: “Cô để cháu nói chuyện với em Nhân!”

Đầu dây bên kia, giọng Nam Định chất chứa một nỗi căm thù đang nghẹn lại. Nhân nói khe khẽ nhưng dằn rõ từng tiếng lạnh ngắt như băng:

– Đứa- nào- bảo- tao- chết- thế- hả- Dũng? Gặp, tao-chọc- tiết- cả- nhà- nó!

Tôi không hiểu nổi mình lúc đó nữa. Lẽ ra tôi phải sợ hãi, phải ân hận, ít nhất cũng phải nói được một lời xin lỗi Nhân hoặc tỏ ra lúng túng. Đằng này, tôi lại ngang nhiên quai mồm ra cãi.

– Ừ đấy, gái gú cho lắm vào, chơi bời cho lắm vào thì bị thế. Chắc thằng nào trêu mày đúng không? Chắc là tranh gái với nó đúng không?

– Có con chó nó trêu tao đấy, đồ khốn nạn!

Hai thằng lại chửi rủa nhau ngay trên điện thoại. Bà cụ mẹ Nhân đứng nhìn run run, mặt mày lấm lét. Tôi không hiểu bà nghĩ gì nữa: thương? mừng? sợ? căm thù?

Tôi đưa bà cụ về nhà mình. Họ hàng nhà Nhân biết tin, đêm đó lục tục tập trung ở bến xe để về Nam Định. Thằng Quang cũng nhắc tôi: “Con dâu điêu ác, dậy đèo mẹ chồng ra bến xe đi, không ai đèo cho đâu. Ông ác lắm Dũng ạ, làm cả họ người ta khóc”. Tôi chuẩn bị mấy gói bánh kẹo, nhét vào balô, đưa bà cụ ra xe. Bà hấp tấp bước lên xe như thể trốn chạy: mặt cúi gằm, chân tay run lật bật, không quay lại nhìn tôi lấy một lần, không chào hỏi. Bà trốn ai? Trốn tôi ư? Bà nghĩ gì về tôi lúc đó?

Tôi lủi thủi về nhà trong đêm. Lòng buồn buồn, giận giận.

(Visited 3 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments