Posts in inspirations

#593: Nhật ký xe ôm: Cú xe ôm cuối năm

Chuyện xe ôm ngắn gọn chiều cuối năm:
3 xe ôm sát cạnh nhau buôn rôm rả:
Xe A:
-Chạy kịp không anh? Em ôm không xuể có lúc chở 3 khách cùng lúc cho nhanh.
Xe B:
– 3 khách là gì. Tôi chạy hết sạch pin còn phải dùng cả pin con thỏ để hỗ trợ để kịp đi đón khách đây này.
Xe C với sang:
– Các chú thua anh hết. Anh còn 1 mình chạy 2 xe cùng lúc, điện thoại nổ cuốc nhiều còn cháy đen sì đây!
Tôi (co người lại):
– … sao tự nhiên rét thế nhỉ?
Vâng, đó là cuộc hội thoại chớp nhoáng trong lúc chờ đèn đỏ. Hôm nay là ngày cuối cùng của năm, tôi đã phải chờ hơn 40 phút để có được cuốc xe quý này cùng với số tiền đã tăng lên gấp đôi. Mà vớ được xe thế này mừng quá rồi. Người ta còn phải chạy một mình 2 xe thế kia mà còn không đủ lượng cung kia kìa!
Xuống xe, tôi hỏi xe ôm:
– Chốc nghỉ đi xem pháo hoa không?
XO:
– Pháo hoa gì tầm này, tranh thủ ít xế thì cày thôi chị.
Xong rồi đêm về nhiều tiền sẽ được vợ hôn chị ạ. Bọn em có pháo hoa của bọn em chứ!
Ôi xồi ôi, không hiểu ý pháo hoa riêng tư đấy nghĩa là gì lắm nhưng mà tự nhiên nghĩ ngày cuối cùng của năm thế này là đáng yêu rồi. Cần gì to tát :))
Chúc cả nhà năm mới thật vui nhé!
https://www.facebook.com/hakinkin/posts/10160419438865940

#592: Thì tao dở hơi như thế đó…

Bạn nay tâm sự với mình: “Thực sự tới ngày hôm nay, khi thấy đứa con tớ đang đứng cạnh mẹ mà bất ngờ đi ra giữa đường nhặt một cái túi ni lông vứt vào thùng rác, và chuyện hôm nọ lúc 2 mẹ con xếp hàng, dù bất cứ giá nào và phải chờ bao lâu nó cũng không cho mẹ chen hàng lên dù chỉ một chút. Tớ nhớ tới cậu rất nhiều. Ngày xưa khi đi học, khi thấy cảnh cậu mở cái túi cậu ra đầy rác bên trong tớ đã từng nghĩ cậu là đứa không bình thường và sống bẩn. Tớ nghĩ cậu ở nước ngoài về có những hành xử kỳ kỳ, nói chuyện nhiều khi thẳng thắn hoặc ngây thơ quá. Nhưng sau này khi tớ hiểu cái túi của cậu đầy rác như vậy là vì cậu thà vứt rác vào trong túi mình đem về chứ quyết không xả ra ngoài đường, khi hài đứa mình đèo nhau trên phố đèn còn đỏ dù cả đường đã đi cậu vẫn không cho tớ đi. Tới giờ thực sự khi thấy con tớ như vậy tới mới hiểu được cậu đã khác biệt với bọn tớ từng nào khi lớn lên. Dạo gần đây, tớ lại nghĩ về cậu nhiều khi tớ nói chuyện với con tớ. Chắc cậu cũng ít nhiều luôn gặp khó khăn khi hòa nhập ở xã hội này khi cậu trở về đúng không?”

Thào nào tự nhiên được bạn mời ăn trưa nói chuyện. Và bạn cũng không phải là người đầu tiên trong số những người bạn học cùng hay mình quen sau này khi mình trở về Việt Nam tâm sự với mình như vậy. Việc lớn lên ở giữa hai nền văn hóa Đông Tây hòa trộn và được giáo dục ở một môi trường hoàn toàn khác biệt với các bạn đồng lứa khi trở về nhà quả thực đã đem lại rất nhiều sự khó khăn cho mình khi hòa nhập. Và sự khó khăn ấy vẫn tồn tại tới tận bây giờ. Khi những suy nghĩ, quan điểm, và cả những hành động mình làm một là sẽ bị coi là lập dị không thực tế, hay là dở hơi, hai là sẽ mang lại sự nghi ngờ vì không thể nào “có tâm” tới thế được. Khi những đứa trẻ con xung quanh vẫn còn được mẹ bế ra đường đứng đái vỉa hè, được nhìn bố mẹ cách chen hàng, vượt đèn đỏ, rác tiện thì vứt đâu mà chả được, trẻ con mới đẻ phụ nữ có bầu vẫn bị hút thuốc chĩa vào mặt, “thịt chó” là một món văn hóa truyền thống… thì mình đã cặm cụi nhặt rác của bất cứ ai cho vào thùng rác. Kiên quyết không chen hàng, vượt đèn đỏ dù phải đợi tới bao lâu. Thấy ai xấu tính, nói dối nhất định không hùa theo và có quan điểm của bản thân rất rõ ràng. Coi tất cả mọi người là bình đẳng, không vì ai giàu hơn mà phải nịnh phải nhún, không vì ai nghèo hơn mà khinh bỉ coi thường. Đã yêu cái gì là thể hiện bằng thực chất, dù là một cái cây ngọn cỏ, một con vật đáng thương! Đã thấy cần giúp là giúp không có bất cứ mưu đồ vụ lợi gì!

Và đúng thế, mình lớn lên như thế và đã vẫn luôn khó khăn vì sự hòa nhập, vì những quan điểm hay ý tưởng không phải ai cùng thời hay trang lứa cũng hiểu. Và tới một mức nào đó, đã quen với những việc đó, cho dù có một điều rõ ràng là mình sẽ luôn bị thiệt thòi, vì mình không biết nói dối, yêu ghét quá rõ ràng, làm gì cũng thật lòng và nhiệt tình (đôi khi nhiệt quá). Thế là một là bị ghét, hay là bị lợi dụng, bị lừa, bị tưởng là mình ngu. À, tuy rằng thẳng thắn và thể hiện thái độ yêu ghét khá rõ ràng, nhưng sự thực là mình cũng bị ảnh hưởng một thứ mà mình rất không thích, và cũng tùy trường hợp thôi, đó là tính cả nể. Sự cả nể này lại đến từ việc lúc nào mình cũng ngại sợ làm tổn thương người khác. Tức là nghe thì nó rất mâu thuẫn nhưng sự thực là thẳng mình vẫn thẳng, mà đôi lúc gặp một số ca mình vẫn bị cái tội cả nể nó lấn át trước khi mình lại phải thẳng toẹt ra vì họ không có điểm dừng. Và thẳng thì thẳng nhưng thẳng với tùy người, lúc nào cần tế nhị rất tế nhị, chứ 0 làm sao mà làm được đạo diễn tài liệu :D.

Nhưng không sao cả, nếu được lựa chọn khác mình cũng 0 lựa chọn khác. Mình vẫn tự hào và thấy may mắn vì được lớn lên với đủ các nền văn hóa pha trộn trong ý thức như vậy. Thì đúng là thiệt thòi, làm gì cũng có chút vất vả, nhưng mà nó cũng lại có những thứ mà cũng chỉ mình có được và tự mình có thể hưởng. Nói chung nói ra thì cũng không phải ai cũng hiểu được những tâm sự này. Có lẽ những bà mẹ ông bố thế hệ mới như bạn mình sẽ hiểu dần qua những đứa con của họ đang lớn dần lên trong thời đại này.
Mình nhớ có chị bạn mình có lần ngồi mắng mình là: “Thì biết là người ta vô ý thức rồi, nhưng mình cũng phải thể hiện thái độ với bọn nó làm gì cho bị ghét, mình nhắm mắt bỏ qua đi”. Mình hỏi lại chị í, người vừa kể cho mình nghe chuyện đứa con gái của chị í nhất định tố cáo với thầy cô việc bạn nó dùng AI để làm thay homework là: “Thế nếu là con chị, chị có nghĩ nó sẽ làm giống em không?” Chị cụp xuống: “Ừ nhỉ” : ))

Thế nên các bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy mình làm những việc như cái vườn chim của ông Hai nhiều năm nhiều tháng, khi mà không một ai ở lại trừ mình vẫn đồng hành, không những không có bất cứ lợi ích gì mà còn đã tốn thời gian và tiền bạc cho một con người ở một nơi rất xa, cho hàng nghìn con chim trời khi mà ngoài kia người ta vẫn gọi món chim ăn ầm ầm. Cương quyết dù bị dìm tương tác tới cùng cũng không thay đổi làm hỏng tiếng Việt để lách luật dù chỉ một từ, và cực ghét thói đạo đức giả với đội nổ!

Cũng có nhiều điều nữa mình làm, mình nói, đặc biệt là trong những bộ phim tài liệu của mình. Có thể cũng còn phải một thời gian nữa, có thể nhanh, có thể còn lâu mới được nhiều người hiểu. Nhưng từ từ rồi sẽ được hiểu. Còn ai giận ai 0 hài lòng thì mình đành kệ thôi, 0 có khái niệm níu kéo bất cứ ai trong cuộc đời này. Cứ bình tĩnh mà sống 😊).

P/S: Đương nhiên không phải đứa trẻ con nào lớn lên ở nước ngoài cũng “dở hơi” như mình. Và không phải là đứa nào cũng phải đi nước ngoài mới “dở hơi” như thế. Nó là sự kết hợp của tính cách trời cho và sự ảnh hưởng của bố mẹ phần lớn nữa! Xét cho cùng thì cũng là do cái nết tao nó thế đó các mày ạ 😊)

Ảnh: Nụ cười tít mặt sinh nhựt 15 tủi ở NYC, hồi đó sao được nhiều quà thế nhỉ, giờ bớt ngoan xinh yêu ít quà hẳn 😊)). Nhưng nay vẫn được quà của Hà Linh vui ghê!

 

Facebook

#588: Music clip: “Chuyến phiêu lưu cùng em”

CHUYẾN PHIÊU LƯU CÙNG EM (khuyến cáo mở xem bằng máy tính hoặc cái gì to to nhé)

Morgan là một anh chàng kỹ sư sửa chữa máy bay người Mỹ. Vào một ngày đẹp trời (hoặc cũng có thể ngày đó không đẹp lắm), anh chàng quyết định bỏ việc một thời gian để đi lang thang, mà phải là đi thật xa. Không rõ lý do là gì (tại quên chưa hỏi), nhưng Morgan quyết định chọn Hà Nội là điểm đến đầu tiên. Kế hoạch sau đó chắc còn phải là xuyên Việt, rồi chắc là Thái Lan Nhật Bản gì gì đó…

Anh chàng có đôi mắt xanh biếc, xinh xắn và cao ráo, chỉ cần đi lang thang trên phố Hà Nội là đủ cho các cô gái liếc nhìn. Morgan cũng như bao anh chàng backpacker khác hay lượn qua những con phố cổ, và vì là một kỹ sư máy móc nên trong một lần tình cờ đi qua tiệm thuê xe máy ở Ngõ Huyện, khi thấy một người đàn ông đang ngồi sửa một chiếc xe với la liệt thiết bị cùng đôi bàn tay dầu mỡ, anh chàng bèn tò mò ngồi nán lại để xem. Thế nào ngày hôm đó, Ngọc, cô con gái của ông chú đó lại đang ở đó giúp việc cho bố. Sau đó… sau đó như thế nào đó mình cũng hơi quên quên (người kể chuyện này kỳ quá =)), chỉ nhớ là Morgan tỏ ý muốn đi tìm một chỗ ăn và Ngọc đã chỉ dẫn cho anh chàng, thấy tiện tiện, anh cũng rủ cô gái đi ăn luôn. Ngọc, lúc này là một cô ca sĩ inide hát rất hay, có lẽ giới đi nghe nhạc quán sành điệu ít nhiều không thể không biết tới giọng ca hát live siêu đỉnh này. Tuy nhiên, cô gái lại cực kỳ kín tiếng và không hề tiết lộ cho Morgan biết mình siêu ngầu siêu cool thế nào.

Rồi sau đó, sau đó lại thế nào nữa í nhỉ :)). Morgan cũng vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình, anh chàng còn kế hoạch cùng bao nhiêu nơi khác để đi. Cô gái bé nhỏ tình cờ gặp cũng không chia sẻ nhiều hay tỏ ra quan tâm nhiều đến anh. Và Morgan cũng đã trở về Mỹ sau chuyến đi!

Họ vẫn tiếp tục liên lạc với nhau như những người bạn. Cho tới một ngày, Morgan đã phát hiện ra cô gái Việt này tài năng và cool ngầu thế nào. Phía sau cái vóc dáng bé nhỏ, ít nói, ăn mặc rất đơn giản và có lúc lại rất nam tính thế kia hóa ra là một người phụ nữ cực kỳ tài năng, cực kỳ thông minh và rất ấm áp. Thế là một anh chàng đậm chất Mỹ này bỗng nhiên thấy bị cuốn hút và gắn bó với một nền văn hóa xa lạ, bởi một cô gái, từ chỉ sau một chuyến đi xa “thay đổi không khí”. Và thế là ngỏ lời yêu, và thế là lại bỏ hết về lại Việt Nam để đèo nhau trên chiếc xe máy, đi với nhau từ Nam ra Bắc, xe đi bao la vì của nhà trồng được… và giờ chàng đã hốt được nàng sang tận nước Mỹ, để lại những sự trống vắng trong những quán nhạc mỗi đêm vì đã mất đi một giọng ca vàng.

Các bạn Tây thấy chưa? Rời vòng tay mẹ đi xa lớ ngớ là dính chưởng như chơi. Nhưng mà Morgan hơi bị may mắn đấy, quơ tay thế nào quẹt trúng một cô xịn đét giữa đất Hà Nội như vậy. Quả là làm cho bao người khác phải ghen tị!

Câu chuyện làm chiếc MV này thì đã kể ở bài post trước. Đợt này, khi họ về VN, thời gian rất ngắn và cơn làm MV chỉ xảy ra trong một sự quyết định bất ngờ. Bất ngờ như khi Morgan tới được Việt Nam vớ luôn được vợ đó. Nhưng mà Ngọc cũng quả là một cô gái kỳ lạ, chồng được đem tới tận cửa và chọn được người làm MV cho chuyện tình yêu của mình cũng hợp lý đến vừa khít 😀.

Sản phẩm này, tất cả, cũng chỉ được làm trong một ngày và gần như không có bất cứ sự chuẩn bị gì. Mọi bối cảnh là on the go, đạo cụ vừa quay… vừa kiếm (đáng kể nhất là cái bàn thờ). Có hai cái ban công xuất hiện trong MV, đều là nhờ tài năng ngoại giao và khả năng tài liệu để tổ chức sản xuất. Cái ban công đầy hoa nơi Morgan đến tặng hoa cho Ngọc thì ở trên phố Hàng Cháo, nơi có chủ tiệm là hai ông bà cụ và cô con gái rất khó tính, tự nhiên có một đám ở đâu trên trời rơi xuống đòi xin lên trên tầng quay phim, mà lên cái tầng đó phải parkour mới leo ra được chứ có đơn giản đâu, họ lắc đầu từ chối ngay. Thế là người đạo diễn đã đẩy anh chàng mắt xanh da trắng môi đỏ xinh trai nhào vào khoanh tay ạ 2 cụ, “cho bạn Tây này vào mượn cái ban công bạn í chụp ảnh cưới ạ”. Thế là ông bà không cho cũng không được, người Việt Nam hiếu khách mà, cái thằng Tây nó đang nhe răng cười xin xỏ thế kia =)) sao nói không được. Còn cái ban công hai bạn nhảy giữa rừng bằng lăng bao la, đó là một căn nhà trên phố Văn Cao, thế nào cả dãy đều mở cửa riêng căn đó đóng kèm tờ giấy liên lạc cho thuê trước cửa. Người đạo diễn đã nhấc điện thoại gọi điện ngay cho chủ nhà, chủ nhà bảo là: “Tôi đang ở quê, chị cần thuê thì tôi lên”. Người đạo diễn: “Dạ không em không thuê ạ, nhưng có một cặp vợ chồng nửa tây nửa ta mê cái ban công nhà chị quá, cho bọn em quay với đi ạ?”. Chắc cái giọng của tôi đáng yêu quá chăng mà người chủ nhà ấy tức tốc từ quê ra mở cửa… và khi nhìn thấy chủ nhà người đạo diễn ngại quá vì đó không phải là “chị”, mà là “bác”, còn là… bác trai :)). Và cái cảnh ban công ấy, được bắn bằng ống 500mm trên C70, đứng cách xa phải tầm 300 m (hoặc hơn).

Khi đi qua cầu Thê Húc, trời bất chợt có cơn mưa nhỏ, mọi người hớt hải chạy dạt hết. Bình thường cái cầu Thê Húc đông nghịt người, và cầm máy to chụp hay quay cũng phiền lắm. Mình bảo hai bạn cứ chạy đi chạy lại trên cầu đi. Máy quay lại đứng từ bờ bên kia tới cả 200m. Đoàn bảo vệ, soát vé lùng sục xem cặp đôi kia làm cái gì mà chạy đi chạy lại chạy tới chạy lui không bình thường như thế. “Chắc là bọn nó đang quay phim chụp ảnh”, nhưng mọi nỗ lực tìm kiếm xem cái máy quay ở đâu đều không thể được. Họ đành chấp nhận có hai đứa điên cứ chạy trong mưa trên cầu, chạy sang rồi lại chạy về, chạy về rồi lại chạy sang 😀. Và thật tuyệt vời, có tổ chức sản xuất phim bom tấn mới may ra chặn được người trên cầu cho riêng cặp đôi diễn xuất như thế!

Ông bố của Ngọc đang ngồi ăn cơm ở nhà bị con gọi tới tiệm xe: “Tới diễn dùm con phát”. Ông chú tới vẫn còn hạt cơm bay bay trên tóc chưa kịp hiểu chuyện gì đã bị con đẩy vào tháo cái xe ra để diễn xuất. Và bố tháo thật, tháo banh sửa thật cho máu! Nan giải nhất là cần một cái bàn thờ cho cảnh twist cuối phim. Và để mượn được cái bàn thờ đó từ cô hàng xóm, lại phải nụ cười rực rỡ của người đạo diễn và đẩy anh chàng mắt xanh da trắng môi đo đỏ vào khoanh tay ạ.

Còn.. ekip thì… book vào phút cuối khi còn ngái ngủ vào sớm mai và khi tới điểm hẹn trên con phố, vẫn chưa hiểu hôm nay sẽ quay cái gì. Và còn chưa cả làm việc với chị Hà Kin bao giờ. Mình bảo không phải lo, cứ làm theo lời chị nói :)). Cậu em trai của Ngọc bị trưng dụng làm Trợ lý sản xuất, trong đó đáng kể nhất là chuyên đi… dọn rác. Có lúc khệ nệ vác cả chục túi rác dọc con phố và thậm chí phải đẩy cả cái xe rác đi chỗ khác. Tới cuối ngày là đã có bắt đầu thuần thục nghề thu dọn vệ sinh!

Cuối cùng, ác nhất là “chú rể” Morgan, khi còn không hề biết hôm nay quay video, chỉ biết phải cầm theo… 2 cái áo. Sáng sớm lên phố thấy 3,4 người lạ mặt lố nhố cầm mấy cái máy quay mới biết bị người vợ cá tính lừa đi quay phim. Anh chàng cũng là người không thích lên hình, kiểu dân low key, nhưng vì rất chiều vợ và vì vợ thích, nên vẫn vui vẻ hợp tác. Đây là một trong những tính cách mình rất thích của mấy anh chàng Tây, đó là nhiều khi họ rất không thích, nhưng khi người thân họ thích, họ vẫn sẵn sàng cố gắng và không hề tỏ thái độ, vẫn sẽ cố gắng hợp tác đến cùng mặc dù sau đó… nghe nói Morgan nhất định không chịu xem lại video và cũng không kể cho ai biết :)).

MV này sẽ không đơn giản là một music video “bình thường”, để cho một ca sĩ phát hành hay bán album. Bài hát cũng không phải là một bài hát trendy với đại chúng. Nó có yêu cầu riêng, phù hợp với chính mong muốn của 2 bạn trẻ. Morgan là người kể lại câu chuyện tình yêu của họ cho mình nghe nhưng người muốn được kể nó bằng hình ảnh lại là Ngọc. Họ là một cặp đôi rất đơn giản, không cầu kỳ, không cần sự lộng lẫy hay màu mè để có một tác phẩm tô điểm sắc đẹp hay ngôn tình. Họ chỉ đơn giản thích có một kỉ niệm tình yêu của riêng họ, là chính họ. Morgan là một anh chàng rất Mỹ và Ngọc là một cô gái Việt Nam rất cá tính. Còn mình thì được cái được cả hai, Mỹ cũng hiểu mà Việt cá tính cũng ok =)). Chính vì thế, các bạn sẽ thấy một tác phẩm video rất tự nhiên, tự nhiên từ việc không một sự trang điểm, không một chiếc váy áo cầu kỳ, cho đến sự tự nhiên ngây ngô và đáng yêu của những con người hoàn toàn lần đầu đứng trước ống kính và thậm chí còn không có một lời thoại kịch bản nào. Chỉ có lời của đạo diễn: “Hãy mô tả lại như đúng ngày hôm đó ta đã gặp nhau và đã yêu nhau”.

Những giọt mưa, hạt nắng, những hàng bằng lăng rực rỡ, tiếng mặc cả của cô bán hoa, những âm thanh phố, sự tò mò của người đạp xích lô, những con người hối hả hay chậm rãi trên phố, những nụ cười ánh mắt… tất cả đều là tự nhiên, không một sự set up, thậm chí cả việc mua một bó hoa của Morgan cũng hoàn toàn chỉ là 1 take vì nó được mua thật hoàn toàn, như là một thước phim tài liệu. Và chiếc video này có đủ cả một chút phim ngắn, đủ cả tài liệu, đủ cả âm nhạc, có cả twist về cuối luôn nhé, mọi người xem có ai hiểu không nhé :)). Đây hoàn toàn là câu chuyện của họ!

Những ai đang có câu chuyện tình yêu tương tự chắc cũng đồng cảm và xốn xang một chút khi xem cho mà coi.

Có ai muốn kể về câu chuyện tình yêu của mình như thế này không?

Hãy enjoy và nhớ cày viu cho mình nhớ. MV không bật kiếm tiền đâu nhưng mà cày viu các thứ đi cho mình có động lực mình còn khoe tiếp nhớ hihi!

Credits:

CHUYẾN PHIÊU LƯU CÙNG EM
Composer: Phạm Hải Âu
Singer: Mèo bé – Little cat can sing
Guitar – mixing – mastering: Minh Huỳnh
Starring: Morgan, Ngọc, và bố của Ngọc
Director: Hà Kin
Camera Operator: Nguyễn Quang Huy, Phạm Hoàng Anh
Assistant Camera: Hoàng Trung Nguyên
Production Assistant: Huong Vu, Thành Nguyễn
BTS: Vũ Hoàng
Sound Mixer & Designer: Tak Ono
Editor & Colorist: Hà Kin

Background songs
Yêu như ngày hôm qua
Composer: Anh Vũ
Singer: Little Cat Can Sing
Guitar: Huỳnh Đinh Quang Minh, Nguyễn Ngọc Linh
Cajon: Thắng Nguyễn
Kế hoạch làm bạn
Composer: Đỗ Bảo
Singer: Little Cat Can Sing
Hà Nội một trái tim hồng
Composer: Nguyễn Đức Toàn
Singer: Trần Trang

@highlight

#581: Chouchou – thiên tài vô gia cư

Lúc thấy tiêu đề bài báo này mình đã thót tim. Bởi tưởng rằng đó là câu chuyện về Chouchou, một nhân vật mình đã gặp trong một cung đường roadtrip của mình trong những ngày lang thang trên nước Mỹ.

Thiên tài vật lý đỗ đại học năm 15 tuổi, từng được Mỹ trả lương 3 tỷ/năm: Giờ “ăn bờ ở bụi”, 55 tuổi không nuôi nổi bản thân (kenh14.vn)

Hồi đó, mình có một cuộc hẹn đi từ Dallas sang Houston, một chuyến lái xe 4 tiếng. Con đường hầu hết là freeway chỉ có thẳng tiến mà lái. Lái một mình và cái xe của mình cũ rích chỉ có những đĩa CDs nhạc blues mình burn ra để nghe suốt đường đi. Lúc đó luôn đang ý tưởng làm phim dạt dào nên cứ đắm chìm trong âm nhạc là lại tưởng tượng ra đủ tình tiết, bao ý tưởng cứ thế mà nảy sinh ra trong chuyến xe nhưng không dừng mà note lại được nên có lúc tới nơi thì lại quên mất.

Chuyến đi tới Houston ấy có chuyện không được vui vẻ cho lắm nên mình quyết định quay lại Dallas. Đang chuẩn bị lên đường thì lúc này một người bạn Mỹ trắng ở southern Illinois của mình lại nhắn tin muốn gặp gỡ. Sẵn đang buồn chán mình lại đồng ý lên đường. Nhưng mình bảo giờ mình lái lên đó chắc phải 9, 10 tiếng quá. Hay là bọn mình lái rồi gặp nhau ở giữa đường không? (Ở bên Mỹ là vậy đó, đôi khi tiện lái một ngày tới để gặp nhau là bình thường).

Và thế là mình lại lái thêm 4 tiếng nữa nửa đường lên Illinois để gặp bạn. Nơi bọn mình gặp chỉ là một cái town nhỏ vô danh hoặc có tên mình cũng chẳng nhớ, đúng chất midwest, mình còn chẳng nhớ nó ở Kansas hay Oklahoma. Cũng như bao thị trấn nhà quê khác của nước Mỹ, có một con đường chính gọi luôn là Main street, có một quán cafe to nhất, một quán bar to nhất ở giữa phố. Có một cái Walmart. Cuộc sống con người chậm rãi, thậm chí quá buồn tẻ, không một bóng người châu Á. Có lẽ cái quán bar ấy là thú vui lớn nhất của người dân nơi này. Nhưng vì mình không thích quán bar nên bảo xem ở đây có một quán ăn đậm chất miền quê nào nhất không thì vào chơi. Và đi một hồi thì cũng có một quán ăn nhỏ rất xinh. Quán là căn nhà gỗ, đồ ăn cũng chỉ là hamburgers, fried nhưng dân Mỹ nhà quê thì tới ăn rất đông. À, hôm đó cũng là cuối tuần.

Trong quán cafe có một cây đàn piano đã rất cũ, chắc phải những năm bao nhiêu của thế kỷ trước. Đàn luôn để mở có vẻ luôn có người ngồi chơi. Trong lúc order, cánh cửa bật mở. Một người đàn ông nhỏ bé lếch thếch, tóc lơ thơ nhưng râu khá dài, đôi mắt rất sáng bước vào. Đó chắc chắn là một người đàn ông vô gia cư, và kỳ lạ đó lại là một người đàn ông châu Á. Một người châu Á nơi này đã hiếm, mà lại còn là một người vô gia cư châu Á nơi midwest này thì lại quá hiếm. Cũng là điều đặc biệt là những người làm việc trong quán không hề có sự ngạc nhiên hay có ý định xua đuổi ông í đi. Một số khách thì ngó nhìn, một số khách còn nhìn ông í mỉm cười vẫy tay. Ông í với với một người phục vụ, chỉ vào cây đàn ý hỏi ngồi được không. Cô phục vụ ngó lên phía quầy ướm hỏi ý kiến manager, người manager vẫy tay ra hiệu ok.

Thế là ông í ngồi vào cây đàn. Ngay lập tức điều này đã khiến mình và người bạn mình dừng mọi cuộc nói chuyện và hoạt động, nín thở xem ông ấy sẽ làm gì. Mình để ý một số người cũng đã dừng lại nhìn ông ấy. Và chẳng phải đợi lâu, ông ấy vừa đưa đôi tay lên đặt vào phím đàn đã thấy dáng điệu uyển chuyển chuyên nghiệp của một người nghệ sĩ piano, mà là một người nghệ sĩ phải cực kỳ kỳ cựu chứ không phải chỉ là biết đánh đàn thông thường. Bạn mình cũng là một nghệ sĩ âm nhạc chơi saxophone nên bạn ấy còn đần hết cả mặt ra theo dõi ông ấy. Tiếng đàn ông ấy cất lên là gây sốc với tất cả mọi người, à hoặc chí ít là bọn mình còn chắc người dân nơi đây đã quen quá, bởi vì nó điêu luyện mượt mà bản năng và giàu cảm xúc không thể miêu tả được bằng lời nói nào cả. Gần như bọn mình bị đông cứng, tim đập thình thịch và không còn cả quan tâm đến đồ ăn đã được dọn ra từ lúc nào. Mình là dân ngoại đạo của âm nhạc còn ngớ ngẩn hết cả người nữa là người bạn của mình. Bạn ấy nghe mà mắt long lanh ướt nước. Và một hồi sau mình nhận ra mắt mình cũng rớt một giọt nước mắt xuống lúc nào không hay biết. Mình nghe thấy bàn ăn bên cạnh một người đàn ông thốt lên “Jesus”. Không phải ông ấy gọi người nghệ sĩ vô gia cư kia là “Jesus” mà đó là một câu nói cửa miệng của người Mỹ thốt lên khi gặp một sự kiện hoặc hiện tượng không thể tin nổi, dù là đó là một điều tích cực hay tiêu cực.

“Trời ơi ông ấy có thể ở đâu ra được nhỉ?” Người bạn của mình thốt lên. Và mình cũng muốn hỏi câu y hệt vậy. Tại sao một nhân tài đỉnh cao tới như thế này lại trong bộ dạng đáng thương và ở tận những nơi thâm sơn cùng cốc thế kia? Bọn mình kéo một cô phục vụ khá trẻ lại gần và hỏi ông ấy có phải là một nghệ sĩ piano không? Tại sao ông ấy lại phải là một người vô gia cư thế kia? Cô phục vụ còn đang bối rối chưa kịp trả lời thì một cặp vợ chồng già ngồi gần bàn bọn mình nói: “Oh, ông ấy không chỉ là một nghệ sĩ piano đâu, ông ấy còn là một nhà khoa học nữa đấy”. “What?”. Cả mình lẫn bạn mình lại ồ lên. Tới mức này thì bọn mình thấy “quá đáng” lắm rồi. Mình rất mong muốn liệu có nên tới nói chuyện với ông ấy không chứ trong con mắt của một người đang học phim như mình lúc đấy thì đó là nhân vật phim của mình chứ còn ở đâu ra nữa. “Can I talk to him? Can I make a film about him?”. Cặp vợ chồng nhún vai khi nghe mình hỏi. Họ nói rằng không chắc ông ấy tỉnh táo để nói được chuyện gì đâu. Ông ấy tới đây chắc cũng vài năm nay rồi, nghe nói là người gốc Hoa, mọi người hay gọi là “Mr. Chouchou” (không rõ lắm là mình nghe đúng không). Và quả thật bọn mình cũng thấy khả năng nói chuyện được với ông ấy là hơi khó. Ánh mắt của ông ấy tuy sáng nhưng rất ngây dại, dường như khi chơi nhạc ông ấy chỉ còn phần hồn, còn phấn trí thì không ở trong cơ thể ấy.

Bọn mình muốn hỏi thêm thông tin về Chouchou nhưng cũng không nhiều thông tin gì hơn ngoài việc ông ấy đã từng là một nhà khoa học rất tài giỏi, là dân nhập cư vào nước Mỹ, có lẽ cũng được học đàn chuyên nghiệp từ nhỏ và chắc chắn là người tài năng xuất chúng, mới trôi dạt về đây vài năm, nghe nói lúc về đã chỉ còn thân tàn ma dại thế này. Lâu lâu thèm đàn lại tới xin được đánh đàn. Còn ngày thường cứ lang thang bờ bụi, đứng xin tiền trên những ngã rẽ trên phố. Không rõ cuộc đời này những điều gì đã xảy ra ở miền đất hứa này với những con người xuất chúng như ông vậy?. Có lẽ ông cũng từng đến từ một gia đình gốc Á với những bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái với quá nhiều áp lực, có lẽ ông được trời cho được trí thông minh và tài năng kiệt xuất nhưng cũng lấy đi của ông những cảm xúc cân bằng của một người “bình thường”. Cũng có lẽ giấc mơ Mỹ này quá nhiều áp lực với một thiên tài như ông, còn lại là một người gốc Á sống trên một mảnh đất mà sự phân biệt chủng tộc đã luôn và sẽ âm ỉ bền bỉ trong lòng xã hội….

Bọn mình chẳng biết phải làm gì hơn và cũng lại sắp phải lên đường kẻo không trời tối. Bạn mình lục túi lấy một tờ 100 đô ra, mình thì nghèo hơn có tờ 20 đô. Bọn mình đi tới nhét vào cái túi áo nhếch nhác của ông ấy. Ông ấy cảm ơn rối rít, nhe hàm răng mất gần hết răng ra cười cảm kích. Thực sự lúc dó là một cảm giác tội nghiệp không thể miêu tả được bằng từ ngữ nào cả, thấy trái tim mình đập mạnh, cảm nhận được cả nhịp đập mà nhói lên bao là xót thương và tiếc nuối.

Bây giờ nghĩ lại thì mình thấy tiếc lắm, vì nếu lúc đó quyết tâm ở lại cái town ấy thêm hẳn 1 ngày để tìm hiểu thêm, rồi sau quay lại với máy móc thiết bị để làm một câu chuyện tài liệu về một cuộc đời ấy thì hay ho biết mấy. Lúc đó mệt mỏi quá, có nhiều chuyện lại không vui và cũng đang quá nhiều những quyết định ngổn ngang liên quan đến việc học hành. Và lúc đó có lẽ mình cũng chưa yêu thích tài liệu và hiểu được ý nghĩa của tài liệu tới như bây giờ…

Không rõ giờ Chouchou đang ở đâu? Thậm chí ông ấy còn sống hay không? Mình vẫn nhớ mãi lúc ông ấy vào trong quán, tuy rằng ngơ ngẩn với đôi mắt ngây dại nhưng vẫn biết rất lịch sự xin phép mới dám ngồi vào cây đàn. Một lúc sau ông ấy cũng được tặng một cái hamburger và rất lịch sự đi ra ngoài cửa ngồi ăn ở cái ghế gỗ chờ trước cửa chứ cũng không dám ngồi ăn ở trong quán.

Và nước Mỹ là vậy đấy, là nơi tụ tập của tất cả những thiên tài, tài năng xuất chúng đỉnh cao nhất nhì của thế giới này, cũng là nơi có những con người ngớ ngẩn, ngu xuẩn và dốt nhất cũng tầm nhất thế giới. Nhưng đôi lúc những thiên tài cũng rớt ngã và bị nhập vào những con người ngơ ngẩn lang thang ngoài đường thế kia và lặng lẽ chôn vùi những tài năng và trí tuệ của mình vào những bộ quần áo rách rưới bốc mùi, những chiếc biển xin tiền nơi cuối góc phố và chờ ngày cuộc đời như vậy là kết thúc. Những người vô gia cư trên đất Mỹ có rất nhiều là những bệnh nhân tâm thần, nghiện ngập. Và rất tiếc trong những đám người ấy có những con người đã từng là thiên tài đỉnh cao, đã từng có một cuốc sống rất huy hoàng chói lọi. Nhưng cũng không ai có thể cứu giúp được họ cả…

 

 

#574: “The only son”

Tối nay bạn thích xem một bộ phim tài liệu không?

Thỉnh thoảng lại stumble được một số phim tài liệu rất hay trên Youtube. Mình rất thích xem những phim tài liệu độc lập của các bạn quốc tế trên Youtube. Mà đôi khi cũng chẳng cần là phim, chỉ là những videos kể chuyện về những trải nghiệm sống, văn hóa vùng miền của con người từ vùng lạnh nhất tới nơi nóng nhất, xem họ sống thế nào, có gì thú vị, học hỏi và ngẫm nghĩ được biết bao điều.

Đỉnh núi Himalayas là một trong những đề tài mình rất thích xem, không biết có phải vì đã từng được tận mắt thấy Everest từ máy bay hay do xem 7 days in Tibet mà cứ mỗi lần thấy Himalayas là bồi hồi. Đêm hôm bữa play đến “The only son”, câu chuyện của một chàng trai Nepal từ nơi nghèo khó và xa xôi tận cùng trên dãy núi Himalayas mà có một tư tưởng cực kỳ khác biệt, rất hiện đại hiểu biết, vượt lên mọi những hủ tục của gia đinh, làng tộc để dũng cảm vượt ra khỏi vũng lầy của đói nghèo và thất học. Nghe thì tưởng như là một quá trình rất epic nhưng cái hay là nó chỉ kể bằng một chuyến đi từ thành phố trở về nhà cùng một chút background của chàng trai mở đầu về gia đình. Còn lại là những lời kể mộc mạc, dung dị và trăn trở, đấu tranh mãnh liệt của lương tâm khi phải quyết định sẽ đi ra thế giới rộng lớn vĩ đại ngoài kia để giải thoát bản thân hay sẽ quay trở lại quê nhà lấy vợ, chăm sóc bố mẹ già yếu và mảnh đất rộng lớn của tổ tiên để lại cần phải canh tác và cai quản, và bởi vì cậu là “cậu con trai duy nhất”.

Những bộ phim này mình thấy rất hay không hề vì hình ảnh phải đẹp hay sự epic, những lời dạy đời đạo đức ra vẻ cho phim có chiều sâu. Mình thấy rất hay vì những điều rất thật thà, những hiện tại rất khắc nghiệt, những nền văn hóa tưởng địa lý thì rất xa chúng ta mà lại rất tương đồng, những bài học cuộc sống về tình yêu với gia đình, về khát vọng bản thân và những nỗ lực sống vĩ đại. Chúng được kể và thấm cho người xem một cách rất tự nhiên, rất đồng cảm.

Những nhóm người thiểu số sống trên núi cao dù bất cứ đâu, ta đều thấy một điều thú vị là họ có rất nhiều điểm tương đồng trong văn hóa và lối sống sinh hoạt. Họ đều là những con người lao động rất cực khổ, người phụ nữ phải luôn mang vác rất nặng và vất vả vừa phải trèo núi lội suối để làm nông, cắt cỏ, chở củi, vừa vẫn phải nấu nướng dọn dẹp, chăm sóc con cái và những người chồng gia trưởng. Và đều có những hủ tục rất giống nhau, những truyền thống văn hóa rất giống nhau. Như con cái lập gia đình rất sớm (chủ yếu để thêm người lao động) và trọng nam khinh nữ. Nên khi mình xem những câu chuyện này mình đều thấy rất đồng cảm và gần gũi, vì đó là những câu chuyện mà mình bắt gặp không phải tận Himalayas mới thấy mà ở ngay trên những vùng núi hay cao nguyên mình đã đi qua.

Nhưng hoàn cảnh gia đình của chàng thanh niên trong phim cũng là một hoàn cảnh khá đặc biệt. Gia đình có 11 người con, cậu là con trai duy nhất. 8 tuổi, cậu suýt chết vì bệnh sởi. Bố cậu đã gánh cậu và mấy người chị em gái trên vai để tới thành phố. Nhưng để tới được Kathmandu, thủ phủ của Nepal, thì ông bố ấy phải gánh các con đi bộ và leo núi đồi gập ghềnh, đi qua những thung lũng cánh đồng đúng 1 tháng trời. MỘT THÁNG TRỜI! Mà các bạn biết Himalayas chưa bao giờ là một dãy núi tầm thường. Ông bố vĩ đại ấy đã vác các con lên thành phố để các con có thể thay đổi cuộc đời. Đứa con gái lớn được sang Mỹ làm con nuôi. Đứa thứ hai bị bỏng suýt chết được một gia đình Hà Lan nhận nuôi. Còn cậu được ăn học ở Kathmandu cùng hai em gái nhỏ nữa. Đó là những chuyến đi nhiều lần 1 tháng của người bố. Hình ảnh người bố khắc khổ và nụ cười hiền trong phim sẽ không thể làm cho bất cứ ai không xúc động. Nhiều năm sau đó, ngay cả khi cậu đã lớn và trưởng thành và đưa các em trở về nhà, con đường ấy đã rút ngắn lại được bằng những chuyến trực thăng dân sự, nhưng vẫn mất thêm 10 ngày đi bộ leo núi nữa mới trở được về nhà thăm bố mẹ. Và người bố ấy vẫn sẵn sàng đi bộ cả 10 ngày để tới đón các con hay lại tiễn các con trở về.

Cậu thanh niên may mắn được ăn học ở thành phố, được đi du học, được gặp lại các chị đã đều thành người nước ngoài, thậm chí còn không nói được cả ngôn ngữ gốc. Nhưng nỗi đau lòng trăn trở khi bố mẹ ở quê xa quá cực khổ và quá yêu thương mình, cậu sẽ phải lựa chọn. Trở về lấy vợ chăm sóc bố mẹ cho tròn chữ hiếu hay là đi ra thế giới văn minh để được phát triển bản thân? Nếu là bất cứ một ai vào hoàn cảnh này, chắc chắn đều là những sự dày vò đấu tranh khủng khiếp, và không có lựa chọn nào là xuôi được hoàn toàn với lương tâm.

Những lời thoại và tranh cãi giữa cậu và bố mẹ rất giá trị. Cậu chàng thì tìm đủ mọi cách giải thích tư tưởng tân tiến cho bố mẹ (nhưng làm sao họ hiểu được, họ đã sống và quá quen với cuộc sống như vậy rồi). Nhưng cũng chính vì thế cậu cũng sẽ không thể hiểu được những tâm và mong muốn của bố mẹ. Ai cũng cho rằng mình đúng. Con không hiểu bố mẹ, bố mẹ không hiểu con. Và cũng chắc gì những khán giả trung gian như chúng ta hiểu đúng để đánh giá họ. Vì cái đúng sai trong mỗi nền văn hóa và lối sống là khác nhau. Bạn lớn lên thế nào, bạn được dạy thế nào, hay trải nghiệm của bạn thế nào, đó là cái đúng theo quan điểm của bạn. Nhiều khi mình xem câu chuyện của người lạ như vậy là để reflect lại chính hoàn cảnh của rất nhiều trong chúng ta.

Mình thương cái sự thương con đầy khắc khổ của người bố mẹ trong phim. Người mẹ với làn da nhăn nheo vì quá khổ cực với bao trăn trở vì sợ mình sẽ chết già trong cô đơn cùng mảnh đất rộng lớn. Nhưng những đứa con rất yêu thương bố mẹ, rất có hiếu, tình yêu của chúng đong đầy trong ánh mắt. Nhưng trong ánh mắt đầy yêu thương của cậu trai ấy là sự mãnh liệt của sự tự do và quyết đoán, sẽ phải rời xa bố mẹ cho dù yêu thương bố mẹ vô cùng.

Câu chuyện này rõ ràng không phải là một câu chuyện “bình thường” hay là của một gia đình điển hình của người dân sống trên núi hay những vùng đất nghèo khó hiểm trở. Không phải dễ dàng sinh ra từ nơi sâu thẳm của những vùng tận cùng của thế giới mà những đứa trẻ lại có tư duy hiện đại tân tiến và quyết tâm phá bỏ truyền thống, quy tắc, cả nén những yêu thương với gia đình để vượt ra khỏi hiện tại đói nghèo và hủ tục để được sống một cuộc sống nhiều tri thức và được khám phá bản thân. Nhưng chính vì thế có khi nó làm thức tỉnh rất nhiều con người, dù vùng núi xa xôi hay thành phố hiện đại, và KHÔNG THỂ ĐỔ LỖI CHO HOÀN CẢNH. Cho dù xuất phát điểm của bạn thế nào, bạn muốn cuộc đời mình tốt đẹp hơn, đó là lựa chọn của bạn. Và không có sự lựa chọn nào ở cuộc đời này là hoàn hảo, bạn sẽ luôn phải đánh đổi, bạn sẽ sống cho mình hay là gia đình? Bạn sẽ sống vì bản thân mình với những khả năng của mình hay let it slide và sống một cuộc sống mờ nhạt như bạn đã được sắp xếp? Bạn có muốn thoát khỏi sự đói nghèo hay ngột ngạt của bạn hay không? Nếu có bạn phải rất chăm chỉ, dũng cảm và phải đánh đổi!

“The only son” là một bộ phim tài liệu mình thấy rất thích không chỉ vì nội dung mà còn vì cách kể chuyện voice over rất dung dị, thỉnh thoảng kể sau hình ảnh để khán giả được suy nghĩ, cinematography rất đơn giản nhưng lại rất chuyên nghiệp, âm nhạc tối thiểu nhưng rất phù hợp và day dứt, những lời kể tâm sự nhẹ nhàng nhưng dẫn dắt người xem rất cuốn hút. (À nhưng đương nhiên nó chỉ cuốn hút khi bạn là tuýp ưa thích tài liệu, thích khám phá thế giới và không phải tuýp chỉ thích xem những thứ giật gân hay hào nhoáng).

Một trong những cái hay của tài liệu độc lập thế này đó là tính thức thời và nhanh trí của người làm phim. Họ đã nhận ra được ngay nhân vật và đề tài từ rất sớm để bắt đầu ghi chép lại thành cả một quá trình. Phim này được làm bởi một nhà làm phim độc lập người Hà Lan và có lẽ câu chuyện của cậu trai đã được chia sẻ khi cậu đang đi du học ở Hà Lan và ngay lập tức: Đây là một câu chuyện phải được kể! Và cái máy quay đã bắt đầu chạy, âm thanh đã phải được thu và ổ cứng đã được nạp.

Với mình thì điều này xảy ra thường xuyên, mình luôn nhìn ra mọi đề tài rất nhanh, rất nhiều câu chuyện cuộc sống vô cùng hay và độc đáo. Chỉ rất tiếc mình chưa có đủ máy móc, tài chính và đặc biệt là người bạn đồng hành đủ tinh tế và có thời gian để thực hiện những câu chuyện như thế này. Vì làm tài liệu không hề đơn giản một chút nào, đó là thời gian, tiền bạc ứng ra và phải hiểu về cuộc sống, về thế giới, kỹ năng ứng xử với con người, phải biết nhìn ra những điều để kể qua ống kính. Như bạn nhìn thấy một khuôn hình trong bộ phim, có khi người quay phim không hiểu hết ngôn ngữ của câu chuyện, nhưng họ biết lia đúng chỗ, đúng nơi, đúng khuôn, vì một người làm phim tài liệu rất sâu sắc và nhạy cảm!

Trên Youtube thì những phim kiểu này rất nhiều, và đều rất hay. Mình đợi tìm được người bạn đồng hành ấy để được hòa vào thế giới này! Có nhiều chuyện rất hay, rất rất hay ước gì được kể!

Link phim ở dưới comment. Hãy xem hành trình của chàng trai ấy!

#573: Mình có cái mũ

Mình có mấy cái mũ rất xinh, nhìn như mũ nan nhưng thực ra lại là mũ vải. Mình thích đội mũ đương nhiên một phần lên hình nó xinh, nhưng phần lớn là vì với một người quay phim chụp ảnh như mình cái mũ không thể nào thiếu vì nó giúp mình chắn nắng che mưa mỗi lần quay phim chụp ảnh.

 

Hầu hết mũ mình đều được tặng. Chiếc mũ mình quý nhất mà các bạn thấy hầu hết trong các bức ảnh là đã cả hơn mười năm rồi đấy. Thỉnh thoảng qua thời gian mình cũng bị mất mũ, lúc để quên, còn có lúc là tặng lại người khác.

 

Buổi trưa đó là vào một buổi trưa mùa thu trời nắng rất đẹp, hiu hiu đủ để ngồi ngoài trời làm ly cafe nhưng mà đi trong cái trời nắng này không mũ vẫn là rất mệt. Ngồi cạnh bàn của mình là một nhóm các bạn trẻ đang cười đùa rộn rã, mấy bạn nam có vẻ đang rất hào hứng, nói rất to và rất hyper có lẽ vì mấy bạn gái đều xinh. Có một ông cụ bán hàng rong đi qua. Điều đặc biệt và ấn tượng là ông cụ ấy có một cái mũ nan vành to rất rất đẹp, tuy rằng nó cũ nhưng nhìn nó rất chất, rất thú vị. Ông đi đâu là ai cũng ngoái nhìn vì cái mũ. Một bạn nam nhảy bổ ra: “Ông ơi mũ đẹp quá ông bán cho cháu cái mũ đi”. Ông cụ bảo không bán đâu vì mũ ông phải đội che nắng. Nhưng các bạn có vẻ rất kiên quyết muốn mua cái mũ, và nói giá bao nhiêu cũng mua. Ông cụ sau một hồi bị kỳ kèo vì các bạn hội đồng ghê quá nên có lẽ cũng vừa mệt vừa ngại bèn bảo thì thôi bán cho cái mũ 200k. Các bạn ré lên và đội ngay cái mũ, chuyền tay nhau cái mũ để chụp ảnh..

 

Ông cụ già lọ mọ đi tiếp, tóc lơ phơ trắng vài sợi trong nắng gắt. Nếu là mình còn trẻ đi trong cái nắng này cũng hoa mày chóng mắt chứ chả nói ông cụ đó. Người già rất dễ say nắng, chóng mặt, đột quỵ. Cơn sốt ruột của mình nó dội lên, thế là mình cầm cái mũ của mình chạy gọi với theo ông cụ. Mình ụp cái mũ của mình lên đầu ông và nói ông đội đi vì trời nắng này để đầu không rất nguy hiểm. Ông cụ ngại bảo không sao tôi quen rồi mình kiên quyết bảo không ông đội ngay. Cuối cùng mình bảo để mình mua của ông cái cắt móng tay ông phải chịu đội mũ nhé thì ông mới chịu. Cái mũ hơi nữ tính so với ông và mình cũng rất quý cái mũ đấy nhưng lúc đó được cho cái mũ ấy đi mình chẳng tiếc cái gì hết.

 

Có vẻ mấy bạn trẻ ấy đã nhìn thấy mình làm vậy và các bạn có lắng lại chút ít. Và rồi nghĩ thế nào đó, cậu nam lúc nãy cầm cái mũ chạy theo đưa lại cho ông cụ trả lại và cũng không lấy lại tiền. Ông cụ cứ ú ớ chẳng hiểu chuyện là thế nào, nhưng cũng nhận lại và cảm ơn các bạn ấy. Cậu trai ấy cầm lại cái mũ của mình về trả lại cho mình và nói Ông trả lại cho chị đó. Lúc đấy mình vui lắm, và mình nhìn các bạn trẻ ấy bằng một ánh mắt rất nhẹ nhõm: “Chị cảm ơn các em nhé”.

 

Câu chuyện này xảy ra năm ngoái giờ vào ngày trời đẹp mới nhớ ra để kể lại. Đó là một tình huống đã kết thúc có hậu nhưng sự thật đáng buồn là vì cái sự check in đó là đôi lúc những hành động bồng bột nhất thời không được nghĩ tới hậu quả. Những cảnh đẹp bị phá nát vì ảnh chụp, những con người bị làm hư bởi du lịch, những thiên nhiên bị tàn phá để xây dựng những công trình phục vụ cho check in. Và đôi khi chỉ là một câu chuyện tưởng rất đơn giản như câu chuyện trên, nếu ông cụ hôm đấy sẽ ốm hay đột quỵ vì nắng và nóng thì sao? Khi mua cái mũ của ông, chắc các bạn nhất thời đã không nghĩ tới. Vậy khi chụp 1 cái ảnh check in mà phải xâm hại một thứ gì đó, hãy luôn nghĩ tới điều gì sẽ xảy ra nhé!

 

 

#565: Hollywood – đại lộ của những giấc mơ tan vỡ

Hollywood – đại lộ của những giấc mơ tan vỡ

Mới khi nào đó là mảnh đất mơ ước, là chân lý của bao nhiêu thế hệ những người làm phim. Thậm chí ngay khi mình đi học về phim những năm trước chưa xa, việc làm phim để tới được Hollywood là sự cao nhất của sự nghiệp vẫn là cái đích lớn nhất.

Thế mà nhanh quá, chỉ tới bây giờ đó dần không còn là chân lý nữa, người ta có thể làm phim ở bất kỳ nơi nào, ở bất kỳ đâu, cứ được tiếng vang và có khán giả mà không cần phải gắn mác là từ Hollywood nữa. Bản thân những người làm phim ở đất Hollywood cũng đi tìm những mảnh đất mới và chuyển ra khỏi vùng đất cạnh tranh khốc liệt và đầy đắt đỏ này. Những giải thưởng cực kỳ danh giá của các liên quan phim lớn, thậm chí là Oscar, cũng ngày càng đi xuống chất lượng về các tiêu chí, khi nó dần bị chi phối bởi những yếu tố của thời đại mới, như là political correct, giới tính, chủng tộc, tôn giáo… đôi khi giờ như là một miếng bánh cần được chia đều cho hòa cả làng.

Điều đó cũng hơi buồn, tuy rằng làm phim ngày càng dễ dàng hơn nhưng cũng đồng nghĩa với việc chất lượng phim cũng ngày càng dễ dãi hơn. Công nghệ can thiệp quá nhiều vào phần làm phim và nội dung. Chắc chờ một sự kỳ công và thâm thúy kiểu Forest Gump không biết tới khi nào nữa nhỉ?. Hollywood giờ không còn là điểm đến duy nhất khiến ai cũng muốn và người ta trầm trồ nữa, nhưng thế lại cũng chán, cảm thấy bớt đi một cái đích lớn để phấn đấu ahihi!

Có một điều đặc biệt khi tới LA – thủ phủ của Hollywood, đó là ai đến đây cũng mang theo những ước mơ rất lớn – ước mơ trở thành một ngôi sao thế giới, ước mơ trở thành một người thật giàu có chỉ sau một đêm. Ước mơ thì rất nhiều, ngôi sao lớn thì không thể nhiều nên đã có không biết bao nhiêu giấc mơ vụn vỡ, không biết bao nhiêu lời hứa hẹn chỉ là cạm bẫy, không biết bao nhiêu cuộc đời bị lụi tàn. Cư dân nơi đây cũng đặc biệt hơn rất nhiều nơi khác.
Mặt bằng chung những mối quan hệ chân thành, lâu dài ít hơn nhiều những vùng đất khác, vì mảnh đất này phần lớn là để cho người mới đến rồi lại ra đi.

Nhưng nó cũng có nhiều điều đáng sống hơn nhiều chỗ khác, đó cũng là nơi làm động lực cho rất nhiều sự quyết tâm, ý chí, tham vọng, quyết tâm được khẳng định mình hay được một lần chạm tới một giấc mơ mà ở nơi khác, có khi họ không bao giờ có cơ hội!
Hollywood – mảnh đất của những điều xa hoa, nổi tiếng, phù phiếm, nhưng cũng là mảnh đất của tội phạm, lừa lọc. Là nơi để đạt được giấc mơ xa vời nhưng cũng là nơi vùi dập ước mơ, là nơi có thể đưa con người lên tận đỉnh cao danh vọng nhưng cũng là nơi chôn vùi một kiếp sống xuống bùn đen. Là nơi của những người giàu có nhất nhì thế giới nhưng cũng là nơi nổi tiếng với những con phố dài của người vô gia cư bần cùng của xã hội.

Và tất cả những con người này, có lúc đều từng ngồi chung một cái ghế đá ở một cái công viên nào đó trên Đại lộ của Những Giấc Mơ Tan Vỡ, vào một buổi trưa hè…

#takemyhandgowithme

#557: Câu chuyện buổi chiều quê

Sau khi được nghe dì dụ là sẽ có bữa ốc nhà làm các cô các dì khao nhân ngày rét nàng Bân ghé thăm. Người Hải Phòng quyết không lòng vòng nên dù đang ngắm hoa gạo đã vẫn lộn ngay về lại Hải Dương làm người Hải Dương ăn ốc. Giữa trời rét co ro ăn bát ốc nóng hổi mà các dì í pha nước chấm ngon và sành điệu ngỡ ngàng, bất ngờ là hơn đứt cả nước chấm ốc ở mấy quán ăn bữa giờ ( cứ nhìn bát nước chấm là các bạn hiểu). Nức mũi gừng sả, chua chua cay cay, gai bưởi nhể ốc sắc nhọn vừa tay. Trời về chiều rét ngọt, vừa ăn vừa sụt sịt, thêm tí bia cho bốc. Ốc chưa xong thêm nồi chè bưởi ụp vào bàn. Vừa ăn vừa nghe loa làng điểm tin và các dì các cô nói chuyện mà như chửi nhau ( kiểu quê tôi nó phải thế :)).
Ôi nghĩ sao tuyệt vời mình có quê, có các dì các cô các bác các cậu. Hồi bữa xem rất nhiều các chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, khóc ướt khăn vắt được cả ra nước, vì thương những con người hơn nửa đời người mà không biết gốc gác quê hương của mình. Xem để thấy mình thật may mắn và hạnh phúc.
Tuy nhiên buổi chiều quê đã suýt không được trọn vẹn. Khi hai dì cháu dắt díu nhau về nhà và phát hiện ra thằng Tây đã biến mất. Một phút sơ hở nó đã chuồn ra khỏi cổng lúc nào không biết và chưa về đã từ chiều. Một con chó vậy mà xổng vừa nguy hiểm vừa dễ bị bắt. Thế là suốt 2 tiếng đồng hồ cả nhà tỏa đi tìm khắp làng. Đi đến đâu là gào đến đấy: “Tây ơi” “Thằng Tây đâu?”. Cả nhà hét vang 5 ngôi làng 8 cánh đồng. Bà con ngơ ngác hỏi thằng Tây nào bị lạc sao? Cuối cùng, đành nước mắt ngắn dài đi về xác định là mất. Mình buồn thối ruột vì chưa kịp làm quen nó lâu. Còn nước còn tát vớt vát mở điện thoại lên tìm xem có hình nào của nó nguyên cây không định up lên các trang tìm chó. Đang viết cap lâm li bi đát thì nghe tiếng ai đó gọi dì hớt hải rồi thấy xe phóng đi cái vụt. Mình nín thở xem chuyện gì. Một lúc sau dì quay lại gô cổ thằng Tây kéo như kéo con bò. Vừa đi vừa mắng mỏ không ngớt lời váng cả cánh đồng đêm. Thì ra nó đã đi theo tiếng gọi con chim rồi ngồi chầu chực chờ gái trước cửa nhà người ta cả buổi chiều. May nhờ cả nhà đi đánh động nên có người báo tin. Có một hòn thôi mà máu lửa thế nhỉ?
Dì kể lúc tới nơi tìm nó, cách nhà cả 2km, dì hét lên, hai tay dang rộng ra: “Tây đâu? Có đúng là Tây không?”. Thì nó đang lội bùn gần đó nhào ra chạy về ôm chầm lấy dì. Con chó khổng lồ và cái dáng hùng dũng khiến mấy chị em phụ nữ gần đó nhìn thấy ngất xỉu, còn mấy anh đang ngồi quán nhậu ngay trước mặt thì rớt hết dớt dãi.
Tối muộn cũng ăn được bữa cơm. Lâu lắm rồi mới ăn cơm muộn thế. Vừa ăn dì vẫn vừa mắng không ngớt và kể lể chi tiết bao nhiêu tiền thuốc, tiền sữa Ensure, tiền đồ ăn mua cho lúc tiêu chảy, tốn kém thế mà mày dám bỏ tao đi 😂. Thằng Tây i ỉ í kiến í cò phân bua, mắt cụp tai cụp, xong rồi dì vừa cầm que ra lăn đùng ra giãy đành đạch nước mắt ngắn dài khóc rên chết cha chết mẹ. Đèo mẹ, nước mắt cá sấu thế nào cũng không ăn thua đâu vì khả năng sẽ bị vặt nốt viên bi sau trận này!
Giờ thì nó đã bị xích phạt, vẫn gào khóc thảm thiết, lâu lâu kèm một cái chửi đổng điếc cả tai.
Buổi tưởng thuật chiều quê của mình đến đây là hết 😅
Linh ảnh:

#519 : Where the crawdads sing

Where The Crawdads Sing
Lâu lắm rồi mới mò xem chính kịch mà cũng do bị câu với giới thiệu vì tưởng là phim làm theo phong cách vụ án điều tra :)).
Thấy nhiều ý kiến về việc chuyển thể phim từ sách chưa được tốt. Mình thì chưa đọc sách nhưng mình thường không cho rằng cứ phim chuyển thể từ sách thì cứ phải giống như sách. Phim có thể chỉ lấy cốt truyện, hoặc chọn lọc một phần, một góc nhìn, một hướng khai thác từ sách cũng được. Chứ cứ so sánh phải y chang như từ truyện thì rất là khó. Vì cảm xúc khi đọc truyện và xem phim là rất khác nhau, sự tưởng tượng về nhật vật, bối cảnh từ sách ra phim với mỗi người rất là khác nhau. Chưa kể một bộ phim chưa chắc chuyển tải được nội dung cả một bộ tiểu thuyết và ngược lại. Thế nên rất hiếm phim nào mà lại xuất sắc thể hiện được tinh thần của một cuốn sách. Nên coi sách và phim là hai tác phẩm riêng biệt và thưởng thức theo cách riêng của mỗi tác phẩm.
Cũng lâu rồi mới thấy lại được một cái phim mà có điều gì đó “nostalgia”, một bộ phim đơn thuần kể về một câu chuyện, một bối cảnh, không phải nhiều kỹ xảo, nhạc epic, các thể loại công nghệ như phim bây giờ, cảm giác như xem một bộ phim được làm từ đầu những năm 2000. Thế nên với gu mình thì nó thuộc dạng dễ chịu. Tuy nhiên, cũng không khó để thấy góc nhìn của bộ phim bị ảnh hưởng bởi thời đại với đặc mùi political correct. Những vấn đề của thời đại đều được nhồi nhét trong bộ phim: bạo lực gia đình, bạo lực xã hội, phân biệt chủng tộc, tham nhũng, bảo vệ thiên nhiên… Nói thật giờ những vấn đề này bị đem quá nhiều vào phim dẫn đến phim ảnh rất mệt mỏi và mất hết tính chân thực. Giờ đến công chúa hoàng tử Anh nhưng lại toàn da đen da vàng để cho “cân bằng chủng tộc” trong điện ảnh là đủ thấy báo động rồi =)).
Tuy vậy những vấn đề được đưa ra còn nhiều điều bất hợp lý và bi kịch còn toàn nửa vời không cái gì lên được đỉnh điểm. Nhưng cũng khó trách người làm phim vì với thời đại political correct như giờ chắc cũng khó, vì hơi tí là các movements sẽ phản đối quyết liệt. Bộ phim này nếu so với các phim thời từ trước 2000 đổ lại thì cũng chẳng có gì gọi là quá bạo lực hay phân biệt chủng tộc, tình tiết còn toàn phải kìm nén thế mà đã bị gây tranh cãi ầm ĩ lên như thế rồi, thế nên giờ làm phim mà muốn thẳng, thật nó cũng khó ghê :)).
Chưa đọc sách không biết trong sách thế nào nhưng mình cảm thấy bộ phim bị thiếu một đoạn mà mình cho là rất quan trọng. Đó là những hiểm họa khôn lường rình rập một đứa bé gái phải ở một mình nơi đầm lầy trong quá trình lớn lên của nó. Mô tả quá trình này sẽ cho thấy sự hợp lý và thực tế với cuộc sống hơn dù trong bất cứ thời đại nào. Thứ hai cũng sẽ làm cho khán giả hiểu được tâm sinh lý hoang dã của nhân vật và giải thích cho những tình tiết về nửa đời sau cuộc đời của cô ta. Nhưng một đứa bé gái chỉ ở một mình và tự tồn tại được giữa rừng sâu nước thẳm (mà cả làng ai cũng biết) tới tận lúc lớn 0 có mối đe dọa nào đáng kể, lại da vẫn trắng dù đi làm nông suốt ngày như Lý Tử Thất, tóc vẫn mượt, chưa một ngày đến trường hay được gặp nhiều người mà nói chuyện vẫn khôn ngoan, viết được sách bán bao tiền như mấy anh chị bán quảng cáo trên Instagram thời bây giờ thì… nó cũng khó thuyết phục =)).
Bộ phim này gây cho mình suy nghĩ vì không hẳn là nội dung phim mà là ở cách làm phim. Mình đang lo lắng rằng bây giờ những bộ phim sẽ phải làm theo xu hướng thời đại, đi theo gu của thời đại, luôn phải political correct, vẻ đẹp cũng theo những chuẩn của mạng xã hội và media, lệch pha là cả mạng xã hội nó tổng sỉ vả với các thể loại hashtags và các nhà đạo đức học lên tiếng chì chiết cho thì đuối lắm. Những vẻ đẹp và tiêu chuẩn này đôi khi sẽ làm mất đi tính chân thực của câu chuyện, của nhân vật và hạn chế sự liều lĩnh và sáng tạo của người làm phim. Nếu Whoopi Goldberg, Robbie Williams sinh vào thời này khả năng còn lâu họ mới thành được huyền thoại.
Cá nhân mình thì vẫn đánh giá đây là một bộ phim chỉn chu, dễ chịu, và cũng hiếm quý vào thời đại phim ảnh kỹ thuật với các thể loại công nghệ bây giờ. Nó còn mang được hơi hướng của cách làm phim của những năm trước 2000. Mình vẫn nghĩ cái phim này mà làm vào thời cách đây 20. 30 năm…thì sẽ hay hơn nhiều lần. Nhân vật Tate có thể là anh Leo hay James Spader. Kya là Winona Ryder hay Alicia Silverstone… chẳng hạn. Phim cũng sẽ được làm theo phong cách của thời đó, đúng chất, đúng màu, và của những con người còn sát với thời đại của thủa nước Mỹ thịnh vượng những năm 50’s, 60’s, 70’s… Cũng không chắc nếu là thế phim sẽ thành kinh điển nhưng chắc chắn nó sẽ cực kỳ đáng nhớ, và sẽ gây ám ảnh với những vẻ đẹp và sự diễn xuất đó, bởi vì cốt truyện rất tốt. Còn ở phim này, người làm phim chưa đủ trải nghiệm của một nền văn hóa đậm đặc như văn hóa redneck của thời trước. Diễn viên khá tròn vai, nhưng bị nhạt. Một phần cũng như mình nói, thời đại gu đẹp giờ nó bị nhạt quá! Mà “Đẹp” ở đây không phải cứ là da trắng mũi cao 6 múi óng ả đâu nhé :)). Đẹp là ở cái thần thái và khả năng diễn xuất tinh tế khác biệt nữa. Nhưng đó là thứ hiếm ở thời bây giờ, đơn giản vì cái gì cũng quá nhiều, quá giống nhau và gây quên cũng nhanh!
Nhưng nói chung mình cũng thích phim vì một phần do quan tâm đến văn hóa của dân redneck. Hồi ở Ohio chạm mấy chú redneck ở quê lên tỉnh học, vừa thấy buồn cười, vừa ghét, nhưng cũng vừa thấy thương thương :)). Nhưng mình cũng thích văn hóa của vùng deep south vì tuy rằng con người nghèo khổ, nhiều vấn đề, nhưng họ có một nền âm nhạc và nghệ thuật rất cuốn hút và rất đẹp. Khi nào kể chuyện nhạc blues nghe chơi nhỉ?
Ai rảnh nên xem, cũng là một bộ phim chỉn chu. Mình thường viết không phải là review phim, mà hay nói về cách nhìn của một người đang làm phim và học làm phim, hay nói về mặt thiếu sót để rút kinh nghiệm nhiều hơn là phân tích nội dung phim, nên với một khán giả bình thường, nó sẽ có nhiều điều hay ho và thú vị khác, cả những điều gì ý nghĩa cho mỗi người nữa!

#518: THẰNG TÂY

Thằng Tây

“Thằng Tây” là tên đầy đủ của nó, họ Thằng tên Tây. Nên có gọi thì phải gọi là: Con Thằng Tây đâu rồi?

Không biết vì sao hồi vác nó về nó lại chỉ có 1 cục dái, cũng chưa cho đi thử mùi đời bao giờ nên 0 rõ nó có làm ăn cơm cháo gì không nhưng dì bảo có khi là khỏi phải dao kéo gì, chắc nó tự động làm công thôi. Kể cũng tiện.

Nó ghét tất cả ai tới nhà chơi vì đồng nghĩa với việc nó sẽ bị xích lại. Nó sẽ đứng nó chửi người ta cho té tát, người ta đứng nấp cỡ nào nó cũng phải nghển lên nhìn cho bằng được để chửi. Mình tới nó gào từ đầu ngõ mặc dù nhà này là nhà mẹ tao dì tao chứ nhà nó đếch đâu. Mình quen mồm mắng nó như mắng 5 thằng đệ nhà mình:

“Mày sủa vừa thôi không tao lấy kéo cắt nốt cục kia của mày đi chứ ở đấy mà sủa”

Nó im thít, mồm há hốc vì quá sốc. Xong mình chưa kịp hỉ hả thì ối giời ơi nó tổng tiến công khóc lóc gào thét giãy đành đạch ra lăn lộn làm dì mình phải chạy ra cầm cái que bảo có thôi ngay không. Nó uất ức ngoạm bố lấy cả que, rồi lườm mình cháy tóc.

Chắc phạm húy, còn có một cục quý như thế mà dọa cắt. Rồi thế này sau nó nhất định không làm bạn với mình thì buồn lắm. Giờ phải làm sao xin lỗi nó giờ? Lấy một cục lắp thêm cho nó? Lấy ở đâu? 🙁

My aunt’s Deutscher Schäferhund. Won’t make friends with me no matter how hard I tried 🙁

Cái góc sân xinh đẹp đầy hoa này mà nó 0 cho mình bước chân vào 🙁

Đang bị dạy dỗ nhưng cái mặt biết là 0 phục rồi! Mắt vẫn liếc ai đó :))

À lấy que dọa à? Lại chả ngoạm cả que cho

Cho dì xin cái que với gặm gì chắc thế

Tuy nhiên vẫn phải làm kiểu để làm pô ảnh cho ngọt

Dì ơi Hà nó đòi cắt d ái con

Nhà còn em này, là dì ruột của con béo, con của thằng Phốc nhà mình

 

 

#nhatkydoitao
#nhatkyhakin
#hakindiary
#homesweethome