Posts in Bình luận

#523: Làm phim, 0 phải cái gì cũng được bịa, nhất là vấn đề văn hóa của một quốc gia!

Nhân vụ một bộ phim Hàn bị tháo gỡ khỏi Netflix vì “xuyên tạc lịch sử”. Mình thấy đúng là dịp để nói lên một vài tâm sự “nho nhỏ”, nhỏ mà có khi nó lại lớn á!

Nói chung, với quan điểm và sự giáo dục của mình và với tư cách cũng là một nhà làm phim. Thì mình nghĩ rằng, “lịch sử” và “văn hóa” của một quốc gia khác là thứ tối kỵ để xuyên tạc, bóp méo (cho dù định nghĩa thế nào là “xuyên tạc, bóp méo” thì có thể phải tranh cãi), nhưng điều gì khiến gây ra sự tổn thương và sự tự ái cho một dân tộc khác, đó là điều không nên làm, và không thể làm! Bây giờ thế giới đã ở thời đại công nghệ và hòa nhập. Mọi thông tin, hình ảnh đều được chia sẻ một cách rất dễ dàng và không còn mang tính giới hạn biên giới. Không còn ở thời phim ảnh được thoải mái tự do “thẩm du” tự sướng như thời Rambo. Mọi thông tin, hình ảnh, sản phẩm văn hóa đều có khả năng lan truyền ra được cả thế giới. Bất cứ sự sai lệch hay bóp méo nào, thậm chí là một câu đùa với một vấn đề nhạy cảm, đều có thể gây ra hậu quả khôn lường vì sự dễ bị kích động của thời đại mạng xã hội, sự lười biếng trong việc chọn lựa thông tin và nghiên cứu của đa phần dân số dùng mạng.

Đành rằng phim ảnh là “bịa”, nhưng không phải cái gì cũng có thể bịa, đặc biệt là ở những đề tài nhạy cảm và dễ gây tổn thương như lịch sử, văn hóa. Bởi vì đó là những thứ thiêng liêng của một dân tộc, cần phải có được sự tôn trọng đàng hoàng từ những quốc gia khác. Cởi trần cởi truồng chửi cha chửi mẹ trong phim mày cũng được, nhưng có những thứ không phải là đề tài để câu khách. Bởi vì không chỉ nó nhạy cảm, nó mang tính gây tự ái, xúc phạm, mà nó còn là sự vô tâm và vô đạo đức.

Cho dù nó chỉ là “một câu thoại” như trong cái phim Hàn nọ ,nhưng nếu bạn từng được đến một ngôi làng nghèo thê thảm với một gia đình Việt Nam mà trong nhà có tới 8 tấm hình trên bàn thờ của một đại gia đình bị sát hại bởi lính Hàn, chắc lúc đó bạn sẽ không có nghĩ tới câu thoại đó chỉ là một câu thoại “vớ vẩn” cho một bộ phim “đang hay mà” của bạn đâu bạn ạ!

Nhiều bạn ngây thơ cho rằng, “đó chỉ là một chi tiết nhỏ”. Nhưng bạn đừng quên rằng, sự xâm chiếm và đô hộ văn hóa nó bắt nguồn từ chính những thứ “nhỏ” như vậy. Có khi chỉ là một câu thoại, một cái kẹp tóc, một kiểu mặc quần áo. Nhưng điều tiếp theo bạn biết là có cả một bộ phận giới trẻ ở một đất nước nọ mặc hanbok lạc quẻ đi chụp ảnh bên cạnh một cái tường, cánh cửa, cây hồng mà vốn dĩ đặc chất của vùng nông thôn với một nền văn hóa hoàn toàn khác! Sự xâm chiếm văn hóa bằng thứ “quyền lực mềm” thế này nó tinh vi tới mức bây giờ cả một phần lớn thế hệ mới bị ảnh hưởng mà chính bản thân họ cũng không biết. Và thế là vô hình trung, tự nhiên có một thế giới mới làm nô lệ văn hóa cho một vài dân tộc!

Nhưng thật sự những bạn trẻ bây giờ cũng không đáng trách, bởi vì chính thế hệ tạo ra họ và giáo dục ra họ cũng đã và đang không làm tốt được việc bảo tồn văn hóa, di sản của chính mình. Trong hành trình quay phim về đề tài văn hóa của mình, tôi đã khá khó khăn trong việc đi tìm lại những giá trị, tư liệu, sản phẩm văn hóa gốc. Không chỉ chúng còn rất ít, hiếm hoi vì không được quan tâm và bảo tồn, hay được bảo tồn đúng cách. Mà thậm chí cả một số người phụ trách làm văn hóa họ cũng không đủ kiến thức và thật tâm trong việc bảo tồn, lưu giữ, tuyên truyền văn hóa dân tộc. Đôi lúc chỉ là đi xin tư liệu, xin thông tin để có thêm nhiều chất liệu tốt cho việc truyền bá văn hóa dân tộc tốt hơn đến giới trẻ và cho bạn bè quốc tế thôi mà cũng là khó khăn, lười biếng, thậm chí tìm cách moi tiền. Những “rừng vàng biển bạc” giờ cũng dần biến hết thành sân golf, resort, cáp treo với những thứ kiến trúc nửa mùa, lai căng rẻ tiền. Trong khi cái kiến trúc gốc của mình thì không biết trân trọng và thấy quý, và không biết rằng với thế giới đó mới là những điều rất đẹp và đặc biệt, là lý do để thế giới phải tới để gặp mình!

Thế thì làm sao mà một thế hệ tiếp theo được giáo dục tốt hơn và để cho chúng được kế thừa một nền văn hóa bền vững và phong phú?

Còn có những thứ vừa mới tranh thủ quay xong mà có khi chỉ sang tuần đã bị biến mất. Nhanh không kịp trở tay.

Khi không có văn hóa/di sản đặc trưng của dân tộc, bạn sẽ là gì giữa thế giới đại đồng này? Khi bạn đi ra thế giới, khi người ta hỏi bạn là người nước nào? Đặc trưng của dân tộc bạn là gì? Không phải đem ra món phở với mặc cái áo dài vào thế là bạn cứ là người Việt Nam. Cái tố chất văn hóa nó phải ở trong thần thái, sự hiểu biết, nó phải khiến người nước khác cảm thấy thú vị, khác biệt, phải “chất”, nó phải khiến họ nhận ra bạn ngay. Mà văn hóa là thứ phải trải dài qua thời gian, qua lịch sử, cái được thấm nhuần vào một con người từ lúc họ sinh ra. Làm sao bạn chẳng cần cứ phải mặc cái áo dài và cái nón lá nhưng khi người ta nhìn thấy bạn là một người Việt, người ta đã nghĩ ngay được tới món phở, những mái đình rêu phong, tiếng đàn bầu thánh thót. Khi không có văn hóa, tự nhiên bạn chẳng là ai, bạn cũng chẳng có cộng đồng, bạn chẳng có định danh dân tộc. Hay tệ hơn bạn lại thành công cụ đi quảng cáo văn hóa cho quốc gia khác. Mà bạn có vô tình hãy hữu ý “quảng cáo” văn hóa cho một quốc gia khác thì bạn cũng đừng quên bạn không bao giờ là một phần của họ, bạn chỉ là nô lệ văn hóa của họ!

Bạn nghe mấy lời này chắc thấy “đao to búa lớn” lắm nhỉ? Nhưng mà nghĩ kỹ thì nó là điều đang xảy ra mỗi ngày mỗi giờ và sờ sờ trước mắt đó. Và không phải bỗng nhiên mà có rất nhiều người con ở phương xa, khi đã đi ra tới thế giới, càng học hỏi và hiểu hơn về sự phong phú của văn hóa, lịch sử, di sản thế giới thì họ lại càng thấy quý, thấy tiếc, vội vàng muốn trở về để thưởng thức, tìm lại và rất nhiều tìm mọi cách để níu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử gốc đang vô cùng mong manh và mất đi mỗi ngày một nhanh như bây giờ. Rất tiếc phần lớn họ đều khá cô đơn trên con đường của mình và những gì họ làm được rất nhỏ lẻ.

Những tâm sự này với các bạn, tất cả đều là sự trải nghiệm của mình đó. Từ tư cách là một người đi sinh sống và học tập ở nước ngoài nhiều năm, một người làm phim đang bỏ rất nhiều tiền của và công sức của mình ra để làm những bộ phim về văn hóa, một người đã đi lang thang và được trải nghiệm với một số nhân chứng lịch sử, âm nhạc, kiến trúc mà tận mắt thấy mọi thứ đang mong manh và mất đi nhanh quá, một người nhìn thấy rõ ràng những sự xâm chiếm văn hóa tràn ngập vào cả một vài thế hệ mới, mà.. cũng không biết làm thế nào, vì mình cũng cô đơn và nhỏ bé, chỉ biết làm tốt nhất những gì trong khả năng, sự hiểu biết và trái tim mình mách bảo mà thôi!

Những câu chuyện này, mình sẽ còn kể nhiều, và mình sẽ kể bằng những bộ phim của mình nữa!

#tâmsựđêmkhuya

Ảnh: Ngôi đình bên cạnh cây Dã Hương 1000 năm tuổi ở Bắc Giang. Cây duy nhất còn lại trên trái đất. Có những điều hiếm quý như thế mà chính người Việt nhiều người cũng không biết.

Còn với mình, đây là kiến trúc dân tộc đẹp nhất thế giới!

#521: Y Tiết giờ ở đâu rồi?

Nhân chuyện nhìn thấy anh chàng So Y Tiết được mặc quần áo rất celeb và bảnh bao đi dự sự kiện lớn. Lại muốn viết một vài tâm sự. (Ủa ai không biết Y Tiết thì google ngay nhé :D)

Câu chuyện biết về anh chàng So Y Tiết này hết sức bất ngờ và…xa lạ. Khi mà chẳng thấy báo chí nào ở Việt Nam nhắc tới Y Tiết và đương nhiên cũng chưa từng bao giờ nghe thấy tên bạn í bao giờ. Thế rồi một ngày bạn ở bên Mỹ hỏi có biết Y Tiết không? Lúc đó nghe cái tên mình còn cãi chắc 0 phải là người Việt Nam rồi. Anh í nói là sao gần đây nghe thấy hiện tượng này ở bển, đến ngôi sao nổi tiếng cũng remix lại nhạc của cậu này, mà nghe nói đó chỉ là một anh chàng dân tộc nghèo xa xôi tận Việt Nam. Anh bảo bài hát vớ va vớ vẩn thì phải,giọng hát thì chẳng có cái gì, nói chung giờ không thể hiểu nổi gu của thiên hạ. Mà nghe nói là một số ngôi sao nổi tiếng tầm cỡ có số má còn suốt ngày share lại mấy cái clips của Y Tiết.

Xong tớ cũng tò mò đi tìm anh chàng xem đó là ai, cũng thấy dễ thương, mà giờ thì tớ cũng không ngạc nhiên vì bất cứ hiện tượng gì bỗng nhiên nổi tiếng nữa cả, cũng chẳng buồn thắc mắc.

Thế rồi…chỉ mấy ngày sau, anh bạn tớ bỗng nhiên gật gù: “Giờ anh hiểu vì sao mọi người thích Y Tiết rồi đấy”. Rồi anh í gửi cho tớ một loạt links bài hát của Y Tiết, miệng không ngừng ngâm nga cái câu hát: “I love peaches, I love you”. Mà cả cái bài hát của Y Tiết có đúng câu hát đấy thôi. Rồi anh vừa hát theo vừa lúc lắc cái đầu, thấy anh đáng yêu dễ sợ. Anh bảo nghe xong Y Tiết tự nhiên thấy một ngày sáng sủa dễ thương hơn, cho dù tin về bầu cử và chứng khoán thì nó vẫn tệ như mọi ngày thôi. Và bọn tớ cùng ngồi nghĩ xem vì sao mọi người lại thích Y Tiết tới như thế? Sao chính anh í cũng bị Y Tiết thuyết phục lúc nào không hay?

Y Tiết nói phần lớn fans của Y Tiết là người nước ngoài, đương nhiên kiểu ngây ngô dạng này thì chưa thể là gu của người Việt được nên fans Việt của anh chắc chắn là ít rồi. Nhưng cứ nghĩ mà xem, nếu cách đây vài năm, chục năm, nếu có 1 Y Tiết như vậy thì có lẽ người nước ngoài cũng chưa chắc quan tâm. Nhưng những năm tháng gần đây, khi xã hội ngày càng phức tạp, nhiều vấn đề, mọi thứ dù rất nhỏ và đơn giản bỗng nhiên cũng trở nên rất to tát, người ta có thể mổ xẻ và trầm trọng mọi thứ trên trần gian, kể cả đó là câu chuyện cổ tích, truyện dân gian cho tới một cái liếc nhìn của một vị lãnh đạo. Bệnh dịch, chiến tranh, biểu tình, văn minh lên quá cao cái gì cũng là “big deal”, quá nhiều tầng lớp của sự sống ảo và giả dối. Con người tự bản thân sống với cái mạng xã hội đã trở nên quá phức tạp lúc nào không hay. Rồi một ngày rất nhiều người nhận ra có khi một điều gì đó thật ngây thơ, hồn nhiên và chân thật sẽ khiến một vài phút giây trong cuộc sống của họ trong trẻo và bình tâm trở lại. Anh bạn tớ khi suốt ngày sắp phát rồ vì phải đọc đủ thứ tin về bệnh dịch, bầu cử, biểu tình. Chẳng ai làm gì chỉ đọc tin cũng làm một ngày bực bội, chứng khoán thì trồi sụt, bỗng nhiên được nghe một vài câu hát vu vơ của một anh chăn bò đâu đó xa xôi tận Việt Nam lại thấy vui vui trong lòng, một vài giai điệu lặp đi lặp lại nhưng mà lại rất catchy và có thể hát theo cả ngày không chán. “I love peaches I love you”, mặc dù có lúc từ “peaches” phát âm hơi sai sai hơi bậy bậy tí thế nhưng mà thế nó lại đáng yêu. Đôi lúc khi xung quanh đen tối quá, đọc phải quá nhiều thứ mệt mỏi, thời đại của media cứ phải tiêu cực thì mới nhiều likes và shares thì những điều trong trẻo như Y Tiết lại cứu rỗi nhiều tâm hồn bực bội và khiến cho nhiều người nhận ra vẫn còn một thế giới hồn nhiên đâu đó ngoài kia. (À nhưng ngay đến như Y Tiết đương nhiên cũng không tránh khỏi những lời nhận xét và bình luận cay nghiệt. Nhưng mà…”kệ thôi” (Y Tiết nói thế).

Không chỉ Y Tiết, có rất nhiều câu chuyện tương tự như Y Tiết đôi lúc rất “silly” lại trở thành hiện tượng khiến điên đảo thiên hạ. Chẳng hạn như clip anh giai vừa cầm bình nước trái cây to đùng vừa đi skateboard tự sướng và lip sinc trên nền bài hát “Dream” của Fleetwood Mac. Một bài hát kinh điển đã từ những năm 70’s. Bỗng nhiên clip went viral, mọi người xem đi xem đi xem lại cái clip và tự cười với nhau cho dù hầu như nó chẳng có một cái nội dung gì. Bỗng nhiên bài “Dream” được nghe khắp mọi nơi, bài hát được mua trực tuyến ở mức độ kỷ lục, còn hơn cả thời nó nổi nhất. Hãng nước trái cây bán đắt như tôm tươi còn anh giai nọ thì có cả triệu người follow trên Instagram và mỗi ngày anh chỉ việc up một cái clip ngắn “ngớ ngẩn” nội dung gần như nhau nhưng mà mọi người vẫn theo dõi anh ta đều như một celeb đích thực.

Làm…phim cũng thế. Trong khi mọi người đang đi tìm đủ thứ phức tạp, câu chuyện phức tạp, kỹ xảo phức tạp ngoài kia để làm ra những bộ phim phức tạp. Mình lại ước được xem những bộ phim thật đơn giản, kể về những điều thật đơn giản, không cần đến bất cứ một cái kỹ xảo hay màu sắc lòe loẹt gì. À nhưng mà mình cũng nhận ra để làm được những điều thật đơn giản mà vẫn thật hay và vẫn chạm được vào trái tim của triệu người thì điều đầu tiên: có lẽ phải thoát khỏi cái thế giới phức tạp này, như Y Tiết trước đã!

Có những thứ nó không phải là hay hay không hay, mà là nó có khi là một thứ mọi người “cần” vào những lúc nào đó. Có lẽ cuộc sống không nên chỉ bó buộc sự yêu thích bằng mỗi việc “hay”, “không hay”, “xinh” hay “xấu” nhỉ.

Chẳng hiểu sao dù gì thì mình vẫn thấy một cái bad feeling khi một Y Tiết bỗng nhiên nổi tiếng mà nhiều người lại tâng bốc, tìm cách khai thác hoặc lợi dụng Y Tiết, theo những cách mà chính họ còn không hiểu được vì sao Y Tiết được nổi tiếng như thế. Kiểu Y Tiết thì không bao giờ trở thành một trào lưu yêu thích viral theo gu của người Việt mình cho dù cả thế giới có thích Y Tiết haha. Chắc chắn tới giờ đầy người vẫn chẳng hiểu vì sao Y Tiết nổi tiếng ở ngoài kia. Nhưng mà cái cách ăn theo bằng định nghĩa sự “nổi tiếng” là phải khoác lên sự bảnh bao mang hình dáng celeb cho dù 0 hiểu được bản chất được việc vì sao người ta nổi tiếng thì nó đúng là “bad feeling” thật đó.

À để cho dễ hiểu về cái ý nói trên. Chuyện của Y Tiết làm cho tớ nghĩ tới một ví dụ tương đồng. Khi con người ta du lịch tới một vùng đất và họ rất thích vì vùng đất ấy có những bãi biển hoang sơ thật trong xanh, hay những rừng thông lâu năm lấp lánh mát rượi trong ánh mặt trời sớm mai, vì cái không khí mát lành dù giữa trưa hè…nhưng sau đó người ta xây kín nhà cửa, resorts, khách sạn giăng kín cái sự hoang sơ trong xanh đấy, phá hết rừng thông, đem cả thành phố về đuổi đi cái không khí mát lành của núi rừng. Và thế là giờ cũng 0 ai biết người ta còn đến cái mảnh đất đấy để làm gì nữa, vì cái lý do để người ta đến chính là cái bị phá đi vì sự tham lam, ngu dốt, sự trọc phú của đám nhà giàu và thiếu ý thức.

Y Tiết nổi tiếng vì sự hồn nhiên, chân thật, đáng yêu. Y Tiết cũng rất happy với đi chăn trâu mỗi ngày, đủ tiền ăn và xây cái nhà vệ sinh lớn nhất thị trấn cho dì dượng là vui rồi. Chứ giờ lại đem Y Tiết đi event, mặc quần áo bảnh bao đồ, rồi 0 chừng gameshow, đóng phim, Y Tiết bỗng chốc lại trở thành 1 thể loại celeb quá tầm thường và nhan nhản với khoảng 200 triệu người như thế ngoài kia…! Chắc là chẳng có gì mà cứ giữ hồn nhiên và chân thành mãi được trong cái xã hội quá phức tạp này! (Đấy 0 nghĩ phức tạp 0 được khổ ghê á!)

#505: Một suy nghĩ về làm phim tài liệu nhân xem: “The deadliest road”

Thỉnh thoảng chắc chẳng mấy khi có ai băn khoăn về những vật dụng nhỏ nhỏ mỗi ngày như cái đũa, cái tăm hay một con cá bữa tối mà để tới được bàn ăn của bạn thì trước đó là cả một hành trình mưu sinh vất vả tàn khốc của con người mà thậm chí có thể tưởng tượng cũng chưa chắc ra được. Như mình có mấy khi nghĩ tới điều đó cho tới khi xem những phim tài liệu như thế này. Nó làm cho mình nghĩ về không chỉ là cái đũa hay con cá được kể trong phim, mà nó làm mình nghĩ tới mọi điều dù nhỏ nhoi trước mặt bạn, thứ bạn đang dùng mỗi ngày là cả những câu chuyện cuộc sống vĩ đại đằng sau nó. Mà đôi khi bạn nên biết để biết yêu thương, nhân văn hơn với cuộc đời và biết quý những gì mình có, dù chỉ là một vật rất nhỏ và quá quen thuộc mỗi ngày.

Mình rất thích những kiểu làm tài liệu như thế này. Những cách khai thác góc nhìn và đề tài đi vào phía sau, phần con người, mà rộng hơn là phần cuộc sống thực sự tạo nên nó, chứ không phải ở việc chỉ mô tả một sự vật, hiện tượng, vật dụng. Ví dụ theme là: “Deadliest roads”, dịch nôm na là: “Những con đường chết chóc nhất”. Ngay lập tức người ta sẽ nghĩ rằng chắc hẳn đó là những con đường khấp khểnh xoắn tít, lên thác xuống ghềnh, dốc núi cheo leo, bom đạn chết chóc… nhưng không phải lúc nào cũng hiểu theo chỉ một nghĩa như thế. “Deadliest” ở đây là hành trình vất vả tận cùng của con người trên những chặng đường mưu sinh của họ. “Chặng đường” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Và con đường ấy có khi chỉ là con đường làng quê, một con đường đời thường tấp nập trên phố, nhưng cũng có khi là sông nước cuồn cuộn, dốc núi cheo leo sạt lở… nhưng trên những con đường ấy là những con người đang gồng mình di chuyển để tồn tại, để kiếm được dăm ba đồng cuối ngày trở về nhà. Một chú nông dân quê đạp xe cả chục tiếng mỗi ngày với một cái xe đạp chở vó cá khổng lồ đến giữ thăng bằng còn khó, băng qua cả từ những con đường quê khấp khểnh đến những con đường nhựa, mà có ngày chưa chắc bán được một cái vó nào. Những người ngư dân vượt nước dữ thác đổ trên một cái dây thừng chỉ để bắt được vài con cá, những thanh niên lao động chân tay vào tận rừng sâu chặt vác những bụi tre nặng hàng chục ký trên vai đi bộ hàng km, rồi còn phải ngồi lên những cây tre ấy thả trôi sông đi hàng chục km nữa trên nước, qua hang động nước xiết, vác đi giao cho chiếc xe công nông tự chế, rồi lại phải đi hàng chục km nữa trên những con đường núi sạt lở mới đem được chục thanh tre tới cho xưởng làm đũa. Những bộ đũa ấy có khi vài chục nghìn, những gói tăm có khi vài nghìn… Mỗi người vất vả và tràn đây hiểm nguy như vậy, có khi họ chỉ được dăm ba chục nghìn để tồn tại mỗi ngày… niềm vui của họ giản dị tới mức, có khi chỉ là bắt được một con cá to đủ để “ấm” cho ngày hôm nay.

Những con đường ấy không được mô tả bằng hình ảnh vật lý đơn thuần, nó có bước chân người đi trên đó. Và những bước chân ấy nặng trĩu, công kênh, thậm chí run rẩy. Mình thích những cách kể chuyện của người làm tài liệu như vậy. Ở đây, người làm phim không chỉ là một người quan sát và kể lại, mà họ còn là một người bạn đồng hành, là một người hiểu thực sự những gì đang diễn ra, và chỉ khi hiểu thì kể lại nó mới đem lại được cảm xúc, và những bài học.

Cách mình làm tài liệu cũng hướng theo philosophy như vậy. Người làm phim luôn là một người bạn đồng hành với nhân vật, với câu chuyện, kể cả cái vật mà mình nhắc tới. Và mỗi một vấn đề, luôn phải là cả một “CUỘC SỐNG” ở đằng sau đó. Cuộc sống cũng không có nghĩa cứ là một cuộc sống của chỉ con người, mà của vạn vật, Để làm ra được vậy, là điều không hề dễ dàng, cực kỳ khó là đằng khác. Bởi để làm được thế, điều đầu tiên là phải có tâm (có tâm với cái đề tài của mình), thứ hai là sự nhạy cảm, nhạy cảm để biết quan sát và nắm bắt những gì là “cuộc sống”, là “khoảnh khắc” (chứ không phải cứ giơ cái máy lên mà quay), thậm chí đôi lúc còn phải tạo ra khoảnh khắc. Thứ ba là sự dũng cảm và hết mình, cảm nhận được nhưng có dám làm dám dấn thân hay không? Có chịu khó chịu cực cả tinh thần và thể xác hay không? Cái thứ tư là tư duy cởi mở, chỉ khi cởi mở với cuộc sống mới nhìn được nhiều góc độ, và sẽ biết cách tiếp cận một cách khách quan nhất, sẽ kể lại một cách thuyết phục nhất (chứ phiến diện thì chẳng được lòng người). Biết thông cảm và yêu thương cuộc sống tự nhiên sẽ thấy được bao điều hay ho để mà kể lại… Những điều còn lại như trang bị cho mình kiến thức, kiến thức cuộc sống, kiến thức làm phim, một ekip tốt, sự đầu tư tốt… đó là điều đương nhiên không phải bàn tới! Tới đây thấy làm phim khó ha!

Rất nhiều lý do vì sao những bộ phim quảng cáo, những thước phim quảng cáo du lịch nhìn rất hoành tráng, rất lung linh. Màu sắc kỳ ảo, núi cao biển rộng, quần áo sặc sỡ, những nụ cười được mùa. Nhưng rồi videos nào cũng giống cái nào, nhạt nhẽo vô hồn. Cái đẹp thế nào nhìn tới lần hai lần ba người ta cũng sẽ chán. Mà một cái đẹp bề ngoài không có tâm hồn bên trong thì là thứ chỉ để dành cho “một lần”. Chưa kể, cái đẹp của mình có chắc là cũng đẹp hơn được ai ngoài kia để mà khoe mãi một kiểu như vậy? Cái này điển hình của mấy cái clips du lịch Việt Nam. Nhạt nhẽo, vô hồn, quá coi trọng cái vẻ đẹp bề mặt, người ta không thấy được tính văn hóa và sự đặc sắc thực sự, yếu tố “con người” và “cuộc sống” trong đó!

Còn phim ảnh thì… à mà thôi =)). Nói ra là friendlist mình giảm đi nửa bây giờ bỏ mẹ :D.

Để master được những cách làm phim sâu sắc, cách kể chuyện hấp dẫn và chạm được vào trái tim của khán giả. Đó là câu chuyện sự nghiệp của hàng chục năm, có khi của cả một cuộc đời. Mình cứ phải tập thôi!

Phim tài liệu mà mình đang làm bây giờ, nói về một số nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Nhưng câu chuyện không chỉ là cái nhạc cụ đó nó được làm thế nào, nó được chơi ra sao. Mà nó đến từ đâu, ai tạo ra nó, cuộc sống và cả một nền văn hóa phía sau nhạc cụ ấy thế nào? Một quả bầu làm ra cây đàn. Nhưng quả bầu ấy, là bao sự vất vả mồ hôi của người nông dân, là những món ăn dân dã của bà và mẹ, là những câu nói chân chất mộc mạc mà chỉ một câu nói thôi đã thấy cả một trời quê và tuổi thơ của ai đó ùa về! Phim mình, mình không làm để cho tất cả mọi người. Mình chỉ làm cho đúng đối tượng của nó: là những con người giống mình, yêu thích những thứ giống mình, yêu di sản, văn hóa, yêu những điều sâu hơn của một vẻ bề mặt, và đương nhiên đủ kiên nhẫn để đọc hết cả cái bài tâm sự này :D.

Giờ lại quay lại với những quả bầu cây tre và những người nông dân đáng yêu trên bàn dựng đây!

(Các bạn có thể lên Youtube để xem những phim tài liệu như thế này. Nó free đấy! Nên xem, để hiểu hơn cuộc sống này!)

#504: Take your pills

Một bộ phim tài liệu khá hay và sát sườn cuộc sống mà mọi người nên xem. Nói về chứng rối loạn lo âu và việc lạm dụng thuốc chữa bệnh này và trầm cảm (Xanax). Xanax thực ra là tên hãng nổi tiếng nhất chứ loại thuốc là Benzodiazepines. Đây là loại thuốc an thần phổ biến nhất cho người bị rối loạn lo âu và trầm cảm. Giai đoạn ban đầu khi dùng nó, tưởng như thuốc tiên. Vì uống vào phát là mọi lo lắng sợ hãi lắng lại hết, mọi thứ trở nên nhẹ nhàng, tinh thần dịu lại và ngủ được cho dù có lúc ngủ mê mệt. Nhưng mà…

Mình rất quan tâm tới những phương pháp chữa rối loạn lo âu vì bố mình và mình cũng mắc chứng này. Nhưng ở thể loại nhẹ và phải có chuyện gì đó thì nó mới trigger. Ví dụ như mình việc chưa xong, hứa chưa làm, nhà bỗng nhiên có chuyện, đặc biệt là sức khỏe của thành viên trong gia đình, nợ chưa đòi được =))… Chứ có những người bị nặng luôn lo lắng và stressed mọi thứ, kể cả những việc không liên quan đến mình và những việc thậm chí không tồn tại, có thể đến từng cơn (panic attack) và khiến cho họ không thể function một cuộc sống bình thường, thì lúc đó mới cần tới thuốc. Thế nhưng chắc chắn những người đó không phải quá nhiều trong xã hội, vậy mà Xanax là loại thuốc kê đơn nhiều nhất trên nước Mỹ. Theo thống kê thì phải 1/5 dân số đã và đang được kê đơn thuốc này (mà nó cũng mang nhiều tên khác nhau nhưng cơ bản vẫn là Benzodiazepines). Mà cứ nghĩ xem, làm gì có nhiều người bị rối loạn nặng tới mức thế, chỉ có thể là kê vô tội vạ và bản thân người dùng cũng dùng vô tội vạ. Mà thuốc này dùng lâu năm hoặc cắt đứt bất ngờ, thì tâm sinh lý rối loạn, hành xử bất thường và cả dẫn tới tự tử. Không có bệnh tâm thần cũng thành bệnh tâm thần. Rồi cuối cùng nhiều người mắc chứng sa sút trí tuệ, Alzheimer. Chắc hẳn chúng ta nghe nhiều câu chuyện về các ngôi sao đột tử do dùng thuốc “giảm đau” và “an thần”. Vâng không gì khác chính là từ mấy cái thuốc này mà ra, nhiều loại được kê nặng và kèm theo cả các thành phần morphine, opioid kết hợp nên đi sớm là điều không tránh khỏi. Mà có sống thì cũng luôn hành xử kỳ lạ, bất thường (nên nhiều người có cuộc sống stressed cao như các ngôi sao hay bị kê mây loại thuốc này và họ cũng rất hay bị than phiền về những hành xử kỳ quặc trong công việc). Quả thật, sau khi mình xem xong cái phim thì mình chợt nhận ra là đúng khi mình còn ở Mỹ, mình thấy sức khỏe tâm thần của nhiều người bất ổn thật sự mặc dù không chắc có phải do họ dùng thuốc hay không. Nhưng nhiều người hành xử rất bất thường, khó hiểu, dễ bị kích động bởi thời cuộc và hậu quả là cả một cái xã hội phức tạp với nhiều tệ nạn và nhiều người bị tâm thần như vậy cũng một phần lớn là từ thói lạm dụng thuốc mà ra.

Nhiều bác sĩ lúc kê cũng vô đạo đức lắm. Họ kê cho xong việc, nhiều thì ăn phần trăm từ hãng dược, còn nhiều thì đôi khi nghe khó tin nhưng không cả biết hậu quả của loại thuốc đó. Trong phim, một nạn nhân kể lại khi dùng Xanax từ 3 miligrams giảm xuống 2 rưỡi một ngày, rồi sau chuyển sang Valium (cũng là một loại an thần). Thì tinh thần và cơ thể ngày càng sa sút, nhiều biểu tượng lạ, đi gặp tới 50 bác sĩ để chữa bác sĩ nào cũng bảo không phải tại do thuốc. Đến khi định nhảy từ vực xuống tự tử thì vì nhớ tới con mà gồng mình quyết tâm tự mình cứu mình, thì mới hiểu ra nguyên nhân, mà là mình tự tìm hiểu mà ra. Các hãng dược thì cũng không có nói cho bạn biết những hiệu ứng phụ kinh khủng của thuốc đâu. Xem quảng cáo trên TV thì chỉ thấy nó như thuốc tiên, và đánh trúng vào tâm lý bạn đang cần nó. Còn khi gặp bác sĩ, bạn cũng tin lời bác sĩ sái cổ, bác sĩ bảo được chắc là được! Bác sĩ có tâm thì tốt quá, mà bác sĩ không có tâm thì sẽ luôn cho bạn cái danh sách kê đơn dài dằng dặc.

Đương nhiên chứng rối loạn lo âu và trầm cảm ngày nay không chỉ tại thuốc. Nó phần lớn vẫn là tại sự hiện đại và hối hả của xã hội làm sức khỏe tinh thần của bạn căng thẳng. Mỗi ngày chỉ cắm mặt vào điện thoại ngẩng lên có khi đã hết ngày. Mà trong điện thoại thì nó cũng rất biết bạn hay xem cái gì, thích cái gì. Bạn xem một thứ buồn nó hiện ra một nghìn thứ buồn, xem xong có vui cũng thành trầm cảm. Xem thứ nhảm nhí thì đầu óc bạn cũng nhảm nhí. Rồi bạn lo lắng về một nghìn thứ báo chí tin tức ra rả vào đầu bạn 24/7. Chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, ngộ độc thực phẩm, thiên tai, ô nhiễm môi trường… bạn lo cho bản thân bạn, con cái bạn, gia đình bạn. Rồi deadline, rồi thằng sếp mất dạy, khách hàng láo toét còn quỵt tiền… Đương nhiên chứng bệnh trầm cảm hay rối loạn lo âu nó cũng có ở trong gen di truyền và không thể tránh khỏi, nhưng cuối cùng vẫn là cái bản lĩnh của mình với nó tới được đâu.

Thực sự thỉnh thoảng mình lên mấy cơn rối loạn lo âu và cực kỳ ghét cái cảm giác đó, đôi lúc nghĩ có viên thuốc ở đây chắc làm một viên cho nó dịu lại. Nhưng may quá chưa có điều kiện dùng cái thuốc đấy nên cuối cùng nhận ra mình cố gắng tự control mình thì rồi cơn nó cũng qua và may thế mình vẫn…bình thường. Và có lẽ cái sự lo âu này nó đang là rất bình thường với muôn vàn người ngoài kia. Cứ nghĩ một người nông dân nghèo ở một nơi thật xa họ mắc chứng này, họ cũng chỉ chờ cho qua và họ lại sống khỏe. Còn một người ở thành phố, nơi tiếp xúc thuốc thang và bác sĩ quá dễ dàng, lên cơn một phát là đi gặp bác sĩ và uống thuốc, nên họ không đủ mạnh mẽ để tự điều khiển bản thân mình. Có lẽ chính vì thế nên cái thuốc tâm thần này bị kê đơn quá nhiều, và rất tiếc càng dùng thì càng phụ thuộc và càng tạo ra nhiều con người yếu đuối, bất ổn về sức khỏe tâm thần, xã hội thêm phần loạn lạc. À mà bây giờ mua thuốc đầy trên mạng, còn chẳng cần kê đơn của bác sĩ nữa. Mình tự chữa cho mình luôn, nhất là mấy người đã bị nghiện thuốc!

Như trong bộ phim có giải thích rất dễ hiểu, khi bạn dùng những loại thuốc an thần này, nó sẽ khiến cho một bộ phận tế bào thần kinh của bạn không cần phải hoạt động, bị tê liệt, vì thuốc đã làm thay cho chức năng của chúng hoặc làm tê liệt chúng. Lâu dần những tế bào này sẽ chết đi, thuốc làm thay cho tế bào của bạn, và nếu không có thuốc thì bạn sẽ không function được bình thường nữa. Mà thuốc thì còn hay bị phụ thuộc, càng dùng nhiều thì càng phải lên liều, vì nếu tế bào đã chết đi nhiều thì thuốc phải cần nhiều hơn. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người bị sa sút trí tuệ.

Không đâu xa, chính người bạn thân nhất của mình bây giờ bên Mỹ. Bố của anh í bị Alzheimer, mà khả năng cao do việc dùng Xanax lâu năm. Anh bảo từ hồi bố dùng cái thuốc đó, anh í không cả nhận ra bố mình. Bố vẫn rất hoạt bát, nghĩ nhanh, luôn vui vẻ, từ lúc bị kê đơn có ngày ông cứ gục mặt xuống bàn, lơ mơ, nói năng vô lý, giận dữ bất thường. Hồi các bác í được kê đơn dùng thuốc này, hậu quả về thuốc vẫn chưa rõ ràng, bác sĩ thì kê vô tội vạ. Mất ngủ lo lắng tí cũng đã kê. Vậy nên nhiều thuốc tới giờ mới cho thấy rõ hậu quả. Trước giờ nhiều thuốc cứ qua một vài chục năm là mới cho thấy hậu quả kinh hoàng của nó mang lại.

Hồi bữa có ai xem cái phim the Queen’s Gambit chắc còn nhớ chi tiết cô bé bị nghiện cái thuốc an thần của trại mồ côi. Mặc dù họ nói rằng chi tiết đó là made up nhưng sự thực rất nhiều trại trẻ mồ côi họ cho trẻ em uống thuốc an thần (những loại thuốc trước đời của Xanax), để bọn trẻ dễ ngủ, không quấy khóc, dễ điều khiển. Cái madeup thì là cái đoạn uống vào thì thành thiên tài chơi cờ vua thôi 😀. Nhưng ngay trong phim ta cũng thấy hậu quả sức khỏe tâm lý mà những đứa trẻ ở trại mồ cô đó bị ảnh hưởng được mô tả rất rõ qua cuộc đời của nhân vật chính.

Quả thật bộ phim tài liệu này làm mình… lo lắng =)). Tại cách đây mấy năm mình cũng phải đưa bố đi khám rối loạn lo âu, và nếu mình không nhầm bác sĩ cũng kê cho loại thuốc tương tự (ở VN thì có thể nó mang nhiều cái tên khác nhau như là alprazolam (Xanax®), chlordiazepoxide (Librium®), clorazepate (Tranxene®), diazepam (Valium®), halazepam (Paxipam®), lorzepam (Ativan®), oxazepam (Serax®), prazepam (Centrax®), and quazepam (Doral®)…. (các bạn có thể google). Hiện tại thì bố có vẻ tạm ổn, vì thực ra cả bố mình và mình đều không phải là loại nghiêm trọng (đợt đó thì nặng do có chút biến cố sức khỏe gia đình), nhưng sau cố gắng vượt qua bằng ăn uống, tập thể dục thì lại ổn thôi. Thuốc có thể giúp đỡ được nhất thời và nên được dùng ngắn hạn, còn khi đã không điều khiển được mình mà thành dài hạn thì hậu quả thật vô lường. Quả thật mình thấy những thứ này mình cần phải hiểu biết hơn nhiều nữa. Nhiều người cứ nghĩ sức khỏe vật lý mới là quan trọng nhưng không hề đâu nhé, vào thời đại ngày nay thì lại càng phải quan tâm tới sức khỏe tâm thần. Mình không rõ ở Việt Nam tình trạng kê thuốc này là như thế nào? Nhất là với bệnh trầm cảm?

Nhưng sự thật thì đôi lúc bác sĩ không tin được thì… cũng tin vào ai. Thế nên bác sĩ thì vẫn phải cần nhưng mình nên trang bị hiểu biết cho mình càng nhiều càng tốt, tự mình bảo vệ lấy bản thân mình. Trừ những người có bệnh lý nặng và buộc phải phụ thuộc thuốc thang bẩm sinh ra. Còn lại nếu nó đến từ cuộc sống, mình cố gắng tự vượt qua và sống một cuộc sống càng ít phụ thuộc thuốc càng tốt, đó mới là một cuộc sống khỏe mạnh. Quay về với thiên nhiên càng nhiều càng tốt. Quan điểm của mình là thế.

Nói chung nói về đề tài này thì dài lắm, các bạn nên xem những bộ tài liệu này! Bài viết này không phải nói thay bác sĩ hay khuyên bảo bạn phải bỏ thuốc nào đó bạn đang dùng. Bài viết này nói lên cho bạn một khía cạnh quan trọng của vấn đề từ kinh nghiệm và nghiên cứu cá nhân, và khuyến khích bạn hãy tự tìm hiểu nhiều hơn nếu bạn đang là người trong cuộc hoặc bạn quan tâm!

#502: Ancient Apocalypse -Rồi nền văn minh nào cũng bị hủy diệt thôi

Ai đam mê khoa học, đặc biệt về lĩnh vực thiên văn học, vũ trụ và lịch sử văn minh trái đất thì chắc không thể bỏ qua bộ Ancient Apocalypse của Graham Hancock. Một người không phải là nhà khoa học, nhà khảo cổ học, thậm chí không phải là một nhà làm phim, mà là một nhà báo.

Nhưng lịch sử và khoa học điều thú vị là nó luôn gây tranh cãi, đơn giản bởi vì có những thứ chỉ là suy luận và không ai chắc chắn được sự thật. Và khoa học cũng theo giả thuyết và trường phái, có những điều chúng ta được dạy gần như tưởng là chân lý hoặc facts rồi mà có khi.. chưa chắc là đúng. Hankock là một người mà phe các nhà khoa học và khảo cổ học chính thống cực kỳ ghét và muốn tiêu diệt. Bởi vì ông đã và đang đặt ra rất nhiều sự nghi hoặc cho những giả thuyết về lịch sử văn minh nhân loại mà đã từ trước tới giờ đã được cho rằng là kiến thức phổ biến và đương nhiên.

Trong phim, Hancock đi qua từng nền văn minh và các di tích, từ Gunung Padang của Indonesia đến Derinkuyu, Göbekli Tepe của Thổ Nhĩ Kỳ, đến Cholula của Mexico. Đi qua các nền văn minh của Maya, Aztect, Alantis. Cách đặt vấn đề đối đầu lại với các nhà khoa học và khảo cổ học không phải là đưa ra những kiến thức khác chống lại những thông tin đã công bố, mà ở cách mà mình cho rằng trí tuệ và thuyết phục hơn nhiều. Đó là đặt ra các câu hỏi! Và đó cũng là cách làm việc của một nhà báo. Cách đặt ra câu hỏi đem lại hai hiệu quả: Thứ nhất, việc dùng câu hỏi sẽ khiến người ta sẽ phải suy nghĩ và đi tìm luận điểm, chứng cớ để trả lời, và tự đặt ra nghi ngờ về tính xác thực và logic của vấn đề được nêu. Thứ hai, bản thân Hankock không phải là một chuyên gia về lĩnh vực khảo cổ học, nên việc đặt câu hỏi nó thể hiện đúng bản chất công việc của ông, chứ không người ta sẽ có cớ nói ông: “Ông không đúng chuyên môn sao ông già mồm thế được “:)).

Như tiêu đề của bộ phim: “Ancient Apocalypse”: Sự tận thế cổ đại. Những câu hỏi lớn nhất mà Hankock đặt ra là: Liệu trước nền văn minh mà chúng ta cho rằng chúng ta đang ở đỉnh cao nhất như bây giờ, trước đó có những nền văn minh nào đỉnh cao còn thậm chí hơn thế này gấp nhiều lần hay không? Phải chăng vì trái đất đã qua vài lần reset và tự nó xóa sổ nhiều nền văn minh đỉnh cao trước hay không? Phải chăng trận Đại hồng thủy xảy ra vào 12800 năm trước là do Sao chổi đâm vào trái đất?

Khoa học hiện đại vẫn cho rằng, nền văn minh hiện đại của con người bắt nguồn từ hơn 6000 năm trước và đã phát triển đến đỉnh cao bây giờ. Loài người cũng mới chỉ xuất hiện từ 2 triệu năm trước. Tuy nhiên Hancock đặt ra rất nhiều câu hỏi về tính xác thực của những dấu mốc này. Và mình thì mình… về phe của Hancock.

Nếu theo kiến thức hiện đại thì trái đất coi như là đã vài tỉ năm tuổi đi. Điều kiện thời tiết và địa lý chắc chắn đã thay đổi thậm chí lộn tùng phèo trong hàng tỉ năm đó. Đồ để lâu chỉ vài tháng vài năm hay chôn dưới đất đã mục nát thậm chí thành cát và bụi nữa là hàng tỉ năm. Trái đất cũng là một cơ thể sống, giống như một cơ thể sinh vật. Nó sẽ có hệ thống miễn dịch, hệ thống đấu tranh sinh tồn, các mạch máu cơ bản để nuôi dưỡng cơ thể, và đương nhiên nó cũng sẽ có virus tấn công. Khi cơ thể quá nhiều bệnh tật, hay gặp phải sự đe dọa từ bên ngoài, mọi thứ sẽ tự động reset. Tất cả lại từ đầu, có khi nào đó luôn là cách vận hành của vũ trụ? Nền văn minh của con người hiện đại bây giờ có khi chỉ là một “căn bệnh” mà không chóng thì chầy hệ miễn dịch của trái đất cũng sẽ tự tiêu diệt? Một nền văn minh 6000 tuổi so với một trái đất hàng tỉ năm tuổi làm sao tự cho mình là đỉnh cao nhất hay là duy nhất được?

Trong phim có rất nhiều đoạn thú vị nói về các giả thuyết về các tàn dư còn lại của các nền văn minh cũ mà tới giờ khoa học vẫn chưa giải thích được. Chẳng hạn với công trình kỳ lạ ở Gunung Padang, được cho là vào thời kỳ đồ đá mà người tiền sử còn mới biết dùng đá để làm công cụ đẽo gọt. Nhưng lúc này ở một nền văn minh ở phần khác của trái đất, có thể đã có những công trình kim tự tháp vĩ đại khác rải rác mà khó lòng nào nếu chỉ biết tới đẽo gọt bằng đá lại có thể làm ra được. Hancock đặt ra giả thuyết rằng có khả năng lúc này vừa có người chỉ biết lao động đồ đá, vừa có những con người rất cấp tiến và uyên bác chung sống, chứ chưa chắc tìm thấy đồ đá thì có nghĩa rằng con người lúc đó chỉ có người kém phát triển. Ngay như thời hiện đại của chúng ta bây giờ, vẫn có những con người vẫn sống như thời kỳ nguyên thủy, sống chung trên trái đất với những con người với khoa học công nghệ quá cấp tiến. Mình cũng thích câu hỏi về việc, khi phát hiện ra một nền văn minh và cho rằng nó đã có từ cách đây x nghìn năm. Nhưng mà mọi người quên mất một điều cơ bản rằng để phát triển được tới công nghệ và nền văn hóa đó, đó có lẽ là câu chuyện của vài ngàn năm trước đó.Trong cái phim tài liệu mình làm, một cái nhạc cụ đơn sơ, mà có khi phải qua hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm mới hoàn thiện được như giờ nữa là cả một nền văn hóa, mà còn không ai biết được nền văn hóa ấy bao lâu mới hình thành được tới mốc đó.

Hancock cũng đặt nhiều giả thuyết về người khổng lồ, hình tượng con rắn và thuyết Đại hồng thủy bị gây ra bởi Sao chổi.

Cách đây hàng triệu năm tất cả các loài vật đều khổng lồ. Những công trình vĩ đại như các Kim tự tháp, những phiến đá khổng lồ được đặt chồng lên nhau thật khó lòng mà có thể làm bởi những con người nhỏ bé, đến bây giờ có máy móc cần cẩu làm còn khó và cũng không bắt chước theo những quy tắc không thể hiểu được. Trong rất nhiều truyền thuyết, từ của người Maya đến thuyết cổ của người Trung Hoa đều nói về những con người khổng lồ, họ cũng nói về cả trận Đại hồng thủy. Những giai thoại này tưởng chỉ là truyền thuyết, nhưng sự thật những gì chúng kể lại có mặt trong tất cả mọi nền văn minh (kể cả tưởng như cách nhau rất xa và không dây tơ rễ má gì với nhau), và những sự giải thích trong đó lại rất khớp và hợp lý với những công trình này. Điều duy nhất người ta không chấp nhận là vì nó… khó tin mà thôi. Chúng ta cho rằng không thể có người khổng lồ, nhưng mà… có chắc khi tất cả đống băng ở Nam Cực và Bắc Cực tan ra, chúng ta sẽ không nhìn thấy những điều tưởng như không thể có hay không? Cơ mà Nam Cực hay Bắc Cực mà tan ra thì nền văn minh này cũng tan lâu rồi!

Mình hoàn toàn thấy những câu hỏi và giả thuyết của Hancock thuyết phục và có tính logic cao. Nhớ khi đọc về việc khi băng đang tan ra ngày một nhiều, người ta bất ngờ tìm thấy rất nhiều xương động vật từ thời tiền sử, trong đó thậm chí còn nguyên xác của cả một con vật khổng lồ ví dụ như con ma mút. Mà băng càng tan thì phát hiện ra càng nhiều động vật kỳ lạ. Rõ ràng khi động vật còn nguyên xác như vậy, nó thể hiện một điều là: Những động vật này đã bị đóng băng bất ngờ, và ngay lập tức, nên xác vẫn con tươi và nguyên con như vậy. Graham có một giả thuyết rằng trận đại hồng thủy phá hủy trái đất vào 12800 năm trước bị gây ra bởi Sao chổi. Các nhà khoa học sẽ nói rằng, nếu là tại Sao chổi thì dấu tích va xuống nằm ở đâu? Graham sẽ đi tới những tàn tích mà địa hình để lại tưởng như con người làm nhưng lại giống tàn tích do sóng nước gây ra thì đúng hơn. Ông cho rằng sao chổi không phải là một cái, mà là cả cơn mưa sao chổi. Và sao chổi có thể rơi xuống đại dương nơi chỉ có nước, sóng nước dâng cao, rung chuyển trái đất, tràn vào cuốn đi bề mặt trái đất, núi lửa phun trào bụi phủ kín bầu trời khiến cả trái đất lạnh giá chỉ trong một đêm, nước tới đâu sẽ đóng băng tới đó, nhiều loài vật chưa kịp tháo chạy. Và chỗ nào đóng băng mãi mãi thì nó sẽ mãi mãi như Nam và Bắc cực. Phần còn lại, theo thời gian lại bồi đắp hay bằng phẳng, tan đi và thậm chí không để lại tàn tích gì.

Giả thuyết về sao chổi là do Graham đặt ra từ những địa danh ông đi qua, khi hình tượng một con rắn khổng lồ có mặt trong rất nhiều tàn tích của các công trình cổ đại. Thậm chí tại Ohio, có nguyên một vùng bảo tồn với một công trình được cho là hình tượng một con rắn khổng lồ (Serpent Mound). Ông cho rằng hình tượng con rắn trong các tàn tích mà người xưa để lại khả năng là nói về Sao chổi, luôn gây ra sự sợ hãi và lo lắng, nhưng lại khiến họ phải tôn thờ.

Không chỉ đặt ra những câu hỏi đấu chọi lại những kiến thức chính thống. Hancock đặt ra câu hỏi cho tất cả con người hiện đại chúng ta. Tất cả những nền văn minh bị biến mất, như là Atlantis, đều mang theo những truyền thuyết về việc con người muốn đi ngược lại tự nhiên, sự vận hành của vũ trụ, cho rằng con người là trung tâm của tất cả. Và mọi sự đi ngược lại tự nhiên ấy sẽ đều bị trừng phạt. Trước nền văn minh của chúng ta, đã có rất nhiều nền văn minh vô cùng cấp tiến khác, nhưng khi tới một điểm nào đó, nó sẽ bị reset lại. Và bản thân chúng ta bây giờ cũng đã nhìn thấy trước được tất cả điều này, sự tàn phá tự nhiên, môi trường, thống lĩnh và lạm dụng trái đất, muốn chinh phục cả vũ trụ và ngàn sao, sự kiêu ngạo này chắc chắn phải trả giá. Có thể mỗi một chu trình văn minh sẽ luôn bị tiêu diệt, nhưng các sinh vật trong nền văn minh ấy có thể đẩy nhanh được quá trình này lên, như nền văn minh của chúng ta bây giờ.

Chúng ta nên hiểu rằng vạn vật trong vũ trụ này đều có mối quan hệ tương quan với nhau, dù 1 sinh vật nhỏ bé nhất nhất nhất cũng có mối quan hệ tới những gì to lớn nhất của vũ trụ. Mọi nguồn năng lượng đều chuyển hóa từ loại này sang loại khác chứ không có mất đi. Chúng ta không thể sống mà chỉ cho mình và cho rằng những gì mình làm không làm ảnh hưởng tới những điều xung quanh. Nếu chưa hiểu thì nên tìm hiểu về “hiệu ứng cánh bướm”, một cái phấn bay trên cánh bướm có thể làm cho một con thú hoang dã hắt xì, và nó có thể làm cho hàng trăm hàng ngàn con khác giật mình và bỏ chạy, kéo theo sự hỗn loạn của cả một khu rừng và… so on…! Vậy nên mọi thứ chúng ta làm, sẽ đều luôn có hậu quả!

Những di tích còn sót lại của các nền văn minh cũ. Hầu như chúng đều có những điểm chung là những lời cảnh báo. Trái đất dường như luôn bị khởi động lại bởi những sự cố đến từ vũ trụ. Những công trình cổ đại giống như là những công cụ theo dõi sự vận chuyển của hệ mặt trời. Điều này có lẽ đã xảy ra rất nhiều lần nên người xưa đã nhận biết được sự tối quan trọng của việc đi theo sự vận hành của vũ trụ, theo dõi, cảnh báo và chuẩn bị cho sự tận diệt của mình. Những công trình này cũng gửi lại rất nhiều lời cảnh báo cho những nền văn minh tiếp theo nhưng có lẽ đó là quy luật. Các sinh vật vẫn không học được bài học nào.

Trong phim, Hancock dùng rất nhiều những sự khiêu khích với các nhà khoa học và khảo cổ học chính thống. Ông cũng tâm sự về việc mình bị ngăn cản tiếp cận các nguồn thông tin, kiến thức, thậm chí khi tới Serpent Mound, ông bị đuổi thẳng thừng ra ngoài mặc dù đây chỉ là một khu bảo tồn chứ chả phải Lầu năm góc với những thông tin bảo mật khủng khiếp gây hại gì tới quốc gia đại sự. Vì những câu hỏi quá thuyết phục và những thách thức của ông tới nền khoa học và nền khảo cổ học chính thống nên ông bị rất nhiều thế lực thù ghét và tìm cách vùi dập. Báo đài thì xây dựng hình tượng ông như một kẻ vĩ cuồng và lừa đảo, ngăn cấm ông được phát ngôn chính thống. Có thể nhiều bạn nghe điều này sẽ thấy ngạc nhiên, nhưng chắc có người thì lại chẳng ngạc nhiên gì: Nhưng ngay cả kiến thức khoa học, lịch sử, văn hóa cũng bị rất nhiều bưng bít và bè phái, nhiều sự tuyên truyền sai lầm vừa vì sai lầm trong nghiên cứu lẫn trong mục đích dẫn dắt dân trí. Và cả hàng tỉ hàng chục tỉ đô cho những công trình khoa học cũng chưa chắc là để tìm ra kiền thức chuẩn xác, có khi một thông tin được công bố, không ai muốn đảo ngược nó lại cả. Và chúng ta cũng từng nghe về những câu chuyện như Gallieh, khi toàn thế giới cho rằng trái đất bằng phẳng thì mình ông cho rằng nó hình cầu, và thậm chí người ta treo cổ Gallieh vì dám chống lại “kiến thức chung” của nhân loại. Ta cứ nghĩ rằng chuyện của Gallieh là thời cổ đại rồi, nhưng điều này luôn xảy ra với mọi thời đại, với những con người có những suy nghĩ và kiến thức ngược lại với kiến thức chung của nhân loại.

Cho rằng nền văn minh của chúng ta là cấp tiến nhất. Nhưng mà đến ngay việc vì sao Kim tự tháp lại có khắp nơi, quy luật của nó là gì, tại sao nó lại có trong mọi nền văn minh, tại sao nó lại xây dựng được như thế… cũng chưa có giả thuyết nào thuyết phục. Nhưng nếu đặt câu hỏi về tính logic trong các giả thuyết đã công bố thì nhiều nhà khoa học lại cứ lồng lên! Có một cái dở là con người hiện đại hay suy luận theo vốn kiến thức, điều kiện sống và logic của nền văn minh họ đang ở, nhưng biết đâu với mỗi nền văn minh trong quá khứ, nó khác hoàn toàn với văn minh của mình. Và sự “phát triển cao” sẽ là khác nhau trong mỗi nền văn minh. Giờ bảo xây những công trình cổ theo nguyên tắc cổ là đã không xây được rồi, còn chưa hiểu cách xây í chứ!

Và mình thì… theo phe của Hancock. Thực ra những câu chuyện này đã được Hancock đem lên đàm đạo trên kênh podcast của Joe Rogan (ai chưa biết nhân vật này thì nên google nhé, thú vị lắm đó). Joe Rogan cũng là một nhân vật mà bị báo đài chính thống vô cùng căm ghét vì đã luôn mời những nhân vật khách mời với muôn ngàn những vấn đề xã hội vô cùng hóc búa bóc trần cả các xã hội thiếu công bằng, vô lý và đạo đức giả. Những vấn đề Joe đặt ra khiến cho một phần nhân loại phải suy nghĩ lại vì những gì họ được dạy dỗ và hiểu biết bấy lâu nay. Joe Rogan bị ghét đến mức mặc dù đứng nhất nhì trên Youtube về số lượng người theo dõi nhưng cũng bị hành cho đến mức phải bỏ kênh. Ô hay nhưng thế nào vừa hay Sportify nhảy vào với cái hợp đồng 100 triệu đô, Joe bỏ đi không chớp mắt. Youtube vừa mất đi một nguồn thu lớn, vừa chết nhục vì cứ nghĩ mình là ghê gớm lắm!

Đương nhiên không chỉ các nhà khoa học, khảo cổ học, mỗi người sẽ có những niềm tin và trường phái theo ý họ mong muốn. Mình thì cũng chẳng có gì chắc gì đúng hay sai, tất cả là mọi giả thuyết Trường phái của mình là open mind, mọi thứ đều có thể xảy ra, đặc biệt nếu có những yếu tố logic giải thích ở trong đó, mình dùng logic trong vốn hiểu biết của mình để phân tích vấn đề.

Elon Musk bây giờ cũng là một nhân vật rất thú vị mà rất nhiều những kênh chính thống cũng tìm mọi cách chống đối lại. Chỉ riêng một việc như dùng công nghệ xe điện để chống lại sự phụ thuộc vào năng lượng tự nhiên và phổ biến công nghệ này cho toàn thế giới, đó đã đủ cho nhiều người muốn bóp cổ anh nhốt vào trại rồi chứ đừng nói bao ý tưởng khác của anh mà anh mở mồm ra là có người chửi :)), tô vẽ anh như một thằng tâm thần. Nhưng mà mình thì mình theo phái của Gallieh, Joe Rogan, Graham Hancock, Elon Musk và… những người tương tự nhé :)).

Xem phim ngay đi. Bài này mình tâm sự thôi chứ phim thì nhiều thứ hay ho thú vị cực kỳ, và maybe nếu bạn là 1 người open mind, bạn sẽ học được nhiều điều về việc phát triển tư duy, “think outside of the box”.

 

#497: HIỆN THỰC XÃ HỘI và chuyện kiểm duyệt

#497: HIỆN THỰC XÃ HỘI và chuyện kiểm duyệt
Nhân sự kiện điện ảnh xôn xao này gần đây. Chia sẻ với các bạn một số kiến thức nho nhỏ về điện ảnh. Nói thật thì xem phim, nghe nhạc, thưởng thức bất cứ một loại hình nghệ thuật gì hoặc kể cả không phải nghệ thuật nhưng hiểu thêm về nó, có chút kiến thức về nó, thì sẽ biết thưởng thức nó đúng cách. Mà làm cái gì đúng cách thì cũng chỉ có lợi thôi, không thể có hại được :)).
Trong điện ảnh, có một thứ gọi là “world”. World nôm na là “thế giới”, thế giới ở trong mỗi một bộ phim, một thể loại phim luôn luôn là đặc thù với riêng tác phẩm đó. Trước khi làm một bộ phim, bên cạnh thể loại phim, thì người làm phim phải xác định được cái “world” của bộ phim của mình thuộc về là world gì. Mọi nhân vật, bối cảnh, ngôn ngữ, logic, diễn biến phải trong đặc thù riêng của cái world đó. Ví dụ, nếu bạn làm phim cổ trang thì trang phục, bối cảnh, phong cách ngôn ngữ phải thuộc về một thời kỳ lịch sử nhất định (hoặc một thế giới fantasy nào đó nếu là cổ trang fantasy). Không thể nào là cổ trang đơn thuần kể về một sự kiện lịch sử nhưng tính cách thì như nhân vật hiện đại, lời nói như người hiện đại. Nếu bạn làm một bộ phim hài siêu bựa kiểu phong cách Jim Carrey thì thế giới ấy cũng sẽ phải siêu bựa cho phù hợp nhân vật, chứ không thể một nhân vật siêu bựa siêu hài nhưng lại cài cắm những nhân vật rất dramatic, bi thương, tự ái, quá nghiêm túc vào kết hợp. Nếu bạn làm một bộ phim toàn bạo lực thì thế giới ấy sẽ nhiều chém giết với pha hành động gay cấn và đương nhiên thế giới ấy sẽ ngập tràn bạo lực và súng đạn cùng những nhân vật vừa ngầu vừa điên. Nếu không phải là một phim bạo lực hài thì không thể nào có một anh boss vừa ngu vừa hâm đơ như Jim Carrey. Nếu là một bộ phim fantasy, người ngoài hành tinh thì thế giới ấy sẽ có phép thuật và con người trong thế giới ấy cũng coi phép thuật như thế là một điều bình thường. Nếu là một bộ phim về góc nhìn nội tâm, thì con người trong thế giới đó không nhất định cần phải nói nhiều hay hành động nhiều. Cả phim từ đầu đến cuối có khi cũng chẳng cần một lời thoại… Nói chung “world” cũng có thể hiểu nôm na là góc nhìn riêng của người sáng tác. Và nó là vô cùng về sự sáng tạo, thể loại, phong cách. Nhưng nó vẫn có một luật duy nhất, đó là đã lựa chọn world nào thì bắt buộc phải hợp lý ở trong cái world đó. Mỗi world sẽ tập trung cho một góc nhìn, một thể loại chứ không thể hỗn tạp.
Để dễ hiểu hơn nữa, ví dụ bạn chụp một bức ảnh. Trước mặt bạn là một con phố Hà Nội với một góc nhỏ vẫn là một ngôi nhà cổ với mái ngói rêu phong và cánh cửa sổ gỗ xanh đầy cổ kính. Nhưng ngay bên cạnh lại là những nhà kính cao tầng xanh xanh đỏ đỏ biển hiệu. Lúc này mong muốn của bạn là một chụp một tấm ảnh để kể về một Hà Nội cổ. Khi bạn giơ máy ảnh lên, bạn sẽ chỉ tập trung đúng viewfinder của mình vào ngôi nhà cổ với mảng tường rêu phong cùng chiếc cửa xanh. Tuyệt đối không thêm bất cứ hình ảnh lộn xộn nào khác của những ngôi nhà bên cạnh vào trong khuôn hình. Và mọi người sẽ chỉ thấy một Hà Nội cổ trong bức ảnh của bạn. Và đương nhiên bạn cũng không thể bị lẫn trong bức ảnh này chiếc xe máy hay cái ô tô đang đỗ trước cửa ngôi nhà cổ đó. Bạn phải chọn góc để không bị lẫn chúng vào. Việc lựa chọn chỉ những yếu tố của ngôi nhà cổ đó chính là cái “world” của bức ảnh!
Có thể bạn đang nghĩ rằng những điều mình nói là hiển nhiên có gì phải kể ra. Nhưng thực ra vì mình kể nó ra… dễ hiểu thôi =)). Chứ sự thật ngoài kia rất nhiều nhà làm phim bị lẫn lộn và bối rối với cái world mà họ tạo ra. Và sự lẫn lộn này, nó không chỉ ở cả người làm phim, mà còn cả người… kiểm duyệt phim và khán giả. Tới đây bạn chắc không lạ gì hai cụm từ: “thuần phong mỹ tục” và “phản ánh hiện thực xã hội”. Có rất nhiều bộ phim ra đời với một “world” theo phong cách của riêng nó, chứ không thể mọi bộ phim đều phải là “phản ánh hiện thực xã hội”. Cho dù đó là những bộ phim có thể dùng cuộc sống làm chất liệu sáng tác và nội dung. Chất liệu cuộc sống ở đây là DỰA TRÊN tâm sinh lý của con người hoặc bối cảnh của con người. Ngay cả làm phim về quái vật hay người ngoài hành tinh thì những nhân vật ấy vẫn phải có tâm sinh lý của con người. Quái vật cũng biết yêu và người ngoài hành tinh cũng biết buồn. Bởi vì chúng ta đang làm phim cho người xem cơ mà. World được tạo ra bởi nhà làm phim sẽ sử dụng những thủ pháp điện ảnh để miêu tả lại chính world đó. Và cái đó hay được gọi là “hình tượng”. Một Forrest Gump có khả năng chạy nhanh phi thường và chạy không biết mệt không phải để kể lại một Forrest Gump nào đó có thật ngoài đời có khả năng y như vậy, mà đó chỉ là hình tượng được lắp cho nhân vật để miêu tả về một con người ngây ngô đơn giản nhưng có nghị lực phi thường cùng khả năng chiến thắng bản thân và đời đôi khi không cần cứ phải quá phức tạp mới có điều đặc biệt. Trong Naked Director, nhân vật Toshi luôn nhìn mọi hoạt động của ông chủ yakuza qua cái bể cá, kể cả lúc chứng kiến người phụ nữ mình yêu đang làm tình với ông ta cũng qua chiếc bể cá. Nó không phải để miêu tả rằng nhân vật không biết đứng chỗ nào khác để nhìn mà để hình tượng cho một sự quan sát từ xa, cùng góc nhìn đầy toan tính, nhiều trăn trở và phức tạp qua lớp kính mù mịt cùng những con cá bơi qua bơi lại thể hiện một sự fancy của ông chủ và sự bất ổn của Toshi. Một bộ phim với một thế giới đầy fantasy với cô tiên hay quái vật cũng đôi khi là một thể loại hình tượng để miêu tả những ý định truyền tải thông điệp cuộc sống của người làm phim. Một bộ phim đầy rẫy những cảnh làm tình cũng là một cách miêu tả những dồn nén nội tâm hay một thông điệp về sự giải thoát. Và nói thẳng ra, ngoại trừ phóng sự với phim tài liệu ra, thì không nên coi bất cứ bộ phim điện ảnh sáng tác nào là để “phản ánh hiện thực xã hội”. Còn nếu nó thực sự đó là một bộ phim “kể lại một hiện thực xã hội” thì đó là world mà tác giả đã lựa chọn ngay từ đầu và phải hết sức rõ ràng với điều đó. Chứ không thể nào cứ ra một bộ phim là bắt nó phải dùng để “phản ánh hiện thực xã hội”.
Những nhà kiểm duyệt phim bản thân cũng chưa hiểu rõ về kiến thức điện ảnh này sẽ rất dễ bị quy chụp khi đánh giá hay suy xét lỗi cho một tác phẩm mà họ kiểm duyệt. Khi họ cho rằng một bộ phim đầy bạo lực, cảnh sát không trong sạch, một bộ phim có nhiều cảnh sex, một bộ phim kể về những số phận nghèo khổ, một bộ phim về những câu chuyện tâm linh, một bộ phim ca ngợi về một cậu bé chơi game… là những thứ “không phản ánh hiện thực xã hội” . Điều này chỉ thể hiện sự không cởi mở trong tư duy và thiếu kiến thức điện ảnh trầm trọng của chính họ. Và điều này sẽ giết chết sự sáng tạo và gây ra sự e dè với tất cả các nhà làm phim. Ở đây chúng ta còn chưa nói tới chuyện như thế nào là “hiện thực xã hội” nữa nhé!
Tất nhiên, ở một khía cạnh khác về phía người làm phim. Đặc biệt là ở những nhà làm phim mới mà lại đến từ gốc của những nền điện ảnh chưa phát triển nhiều như nền điện ảnh nước mình, thì việc khả năng của họ để sử dụng được thủ pháp điện ảnh giỏi hay hợp lý miêu tả ra được mong muốn, thông điệp, sự sáng tạo của họ chưa chắc đã là tốt. Có thể ý tưởng và sự sáng tạo của họ là tốt (hoặc họ nghĩ rằng thế là rất tốt), nhưng cách họ làm chưa ra hoặc chưa tới, chưa chuyên nghiệp đôi lúc sẽ vẫn có thể gây ra sự phản cảm, hoặc chưa đủ thuyết phục được những nhà kiểm duyệt khó tính. Nhưng với cái vòng luẩn quẩn với những sự hạn chế về quan điểm cởi mở và thiếu hụt kiến thức về điện ảnh khiến cứ kìm hãm sự sáng tạo và độ mở của người làm phim thì đến bao giờ mới có một nền điện ảnh tử tế hơn cho người làm phim thực sự được phát triển? Để họ được thực sự làm tốt hơn?
Để tâm sự với các bạn về “giấc mơ Oscar”. Mọi người thật sự cần phải hiểu rằng, giải Oscar cũng như Olympics trong Thể thao. Đã tới được cái level cuối và đọ sức với nhau, thì đó không phải dành người “bình thường” và cũng không thể nào có sự may mắn. Nó không phải là bóng đá hay hoa hậu mà bất ngờ may mắn có giải hoặc bất ngờ thắng. Những bộ phim đã đoạt được tới giải Oscar, đều phải xuất phát từ những nhà làm phim rất kỳ cựu, từ những nền điện ảnh rất vững chắc và giàu truyền thống. Sự vững chắc này là chắc từ gốc và bài bản. Những vận động viên đoạt được Olympics, họ phải được chọn lọc từ tố chất cực tốt, đầu tư tốt nhất từ nhỏ, rèn luyện bền bỉ, cọ xát liên tục mà ra đến đấu trường lớn vẫn trầy trật. Chứ không thể được tập có vài năm, đồ ăn còn thiếu, đồ thi đấu còn thiếu mà may mắn giành được một chiếc huy chương Olympics hết năm này qua năm khác. Một Hàn Quốc có một Parasite chiến thắng Oscar như vậy là nỗ lực của cả một nền điện ảnh với sự hợp sức của cả khán giả, sự tạo điều kiện cởi mở của chính quyền, sự đoàn kết và quyết tâm học hỏi của các nhà làm phim trong nhiều năm liền được tính bằng hẳn vài thập kỷ. Chứ không thể nhìn thấy một đất nước châu Á có giải Oscar mà nghĩ rằng mình cũng sắp được giải Oscar đến nơi.
Làm phim có một sự khác biệt với một số loại hình nghệ thuật khác như là hội họa, âm nhạc… người ta có thể nổi tiếng sau một đêm với tác phẩm của mình. Nhưng với phim thì một cánh én không làm nên mùa xuân. Vì phim ảnh là câu chuyện của cả một tập thể. Một bộ phim tốt phải đến từ toàn bộ một tập thể tốt. Đạo diễn có giỏi đến mấy nhưng quay phim kém, ánh sáng kém, diễn viên tệ, sản xuất lập bập, ekip chậm và thiếu kinh nghiệm… vứt. Kịch bản có hay đến mấy nhưng đạo diễn kém, diễn viên tìm không ra, sản xuất không có tầm nhìn… vứt! Mà có quay hay lắm, diễn hay lắm, vào đến phần dựng mà dựng phim không biết kể chuyện, lắp nhạc sai thôi là đã lại… vứt! Mà một tập thể giỏi và đồng đều phải đến từ một nền điện ảnh giỏi và đồng đều, có sự đầu tư, có sự chuyên nghiệp và phải được rèn luyện qua rất nhiều năm tháng. Ca sĩ còn có thể dùng autotune để lấp liếm giọng hát nhưng một bộ phim dở vì cách kể chuyện dở, thiếu đầu tư, diễn xuất kém, cho dù hình ảnh có đẹp đến mấy vì dùng máy xịn đến mấy thì cũng không thể giấu được rằng nó dở! Có thể, qua một đêm, bạn là một đạo diễn mà cả thế giới biết đến bạn, nhưng có một điều chắc chắn rằng, trước đó của bạn là cả một hành trình dài và thành quả này không phải là của một mình bạn!
Thế nên, nếu không có một sự cởi mở về kiểm duyệt, sự đầu tư cho điện ảnh đúng mực, sự ủng hộ đồng lòng của khán giả và nếu có thì cũng phải rất nhiều nhiều năm trời, thậm chí hàng thập kỷ cùng các lớp nhà làm phim tỏa đi khắp thế giới học hỏi thì cứ nên coi giấc mơ Oscar là một giấc mơ fantasy. Không thể cứ mơ mãi Oscar nhưng mà không tạo điều kiện cho người làm phim được bung mở đi tới Oscar. Mà mở từ bây giờ mà nếu cứ theo tiêu chí của Oscar như hiện tại không thay đổi thì cũng phải tính bằng 1 hoặc vài thập kỷ mới có thành quả đấy!
Điện ảnh, cho tới bây giờ, đã tới thể kỷ thứ hai, con người đã được trải qua hơn trăm năm và chắc đã phải có hàng triệu bộ phim đã được sản xuất. Khán giả cũng đang trong thời đại toàn cầu hóa, có điều kiện để xem và tiếp xúc với hàng trăm nền điện ảnh khắp nơi trên thế giới. Nên bây giờ vẫn dùng một số người đại diện để quyết định cho một cộng đồng rộng lớn rằng phim này là “đáng xem hay không đáng xem”, “hợp lý hay không hợp lý”, “hay không là hay”, lo lắng thay cho người xem và còn chưa tính rằng những người đại diện ấy có đủ kiến thức và khả năng để quyết định thay cộng đồng hay không, thì có lẽ là một điều không thể tiếp tục duy trì. Khán giả bây giờ, khi xem một bộ phim, chỉ có khái niệm thích hay là không thích chứ không cần ai chỉ hộ cho họ hay hay không hay, là thể loại phim gì, có phải nó đang phản ánh hiện thực xã hội hay không.
Bản thân khán giả khi xem một bộ phim sẽ có những cảm nhận khác nhau. Có người xem Sex Education chỉ thấy toàn cảnh bẩn bựa, trẻ con bạo dạn, một thế giới tuổi teen phương tây trụy lạc. Nhưng có người lại thấy đồng cảm, nhìn ra được những bài học cuộc sống thú vị, tinh tế. Có người thì thấy động lực vì một bộ phim được kể rất hay khiến họ thấy cảm hứng cho những dự định tương lai của mình… nhưng mà Sex Education mà lại quy chụp thành “phản ánh hiện thực xã hội” và không thể được kiểm duyệt thì có phải sẽ không ai muốn làm ra được những tác phẩm bạo liệt và thú vị như thế lần sau nữa.
Bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào, một quan điểm xã hội nào đều không bao giờ có thể làm hài lòng tất cả mọi người trên thế gian này. Đến hình ảnh một con cún rất xinh rất yêu ngủ gật mà đăng lên mạng xã hội cũng có người có thể chửi bới rằng đó là lạm dụng động vật. Nên không thể cái gì cứ có vẻ có “nguy cơ” là cấm đoán. Bởi vì xã hội sẽ luôn có một quy luật riêng rất rõ ràng, cái gì dở, vô đạo đức, xấu xa, kém chất lượng, tự khắc nó sẽ bị đào thải!
Cũng không thể bắt một tác phẩm nghệ thuật phải chịu trách nhiệm cho hành xử của mỗi cá nhân hay xã hội. Mỗi người, mỗi gia đình có con cái phải tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình. Mỗi một người trưởng thành phải tự chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Một cái title bài báo như là “Sau phim Người phán xử tình trạng tội phạm gia tăng” mình coi là một sự troll ở level cao, chứ ai lại đi đổ tội cho một bộ phim vì tình trạng quản lý an ninh an toàn xã hội quá yếu kém được. Nghe thế này là bạn thấy sự vô lý rồi chứ?
Tuy nhiên, vẫn phải có sự kiểm duyệt ở mức độ nào đó. Vẫn phải có những tiêu chí kiểm duyệt rõ ràng đặc biệt với những vấn đề liên quan đến đạo đức. Cụ thể như là không được giết hại động vật, phá hoại thiên nhiên, tài nguyên, dùng trẻ em đóng cảnh nhạy cảm, kích động tôn giáo (mình nghĩ làm gì thì cứ né tôn giáo ra =))…. Sự kiểm duyệt với những tiêu chí rõ ràng này phải tách biệt với những thứ thuộc về “gu” và quan điểm cá nhân, đặc biệt là sự suy luận. Ví dụ cứ làm phim về ngoại tình thì nghĩa là “đang cổ súy cho nạn ngoại tình”. Phải được trang bị kiến thức cho thế nào là “phản ánh hiện thực xã hội”. Và đặc biệt, người làm công tác kiểm duyệt điện ảnh phài là người thực sự có kiến thức giỏi về điện ảnh, xu hướng điện ảnh trong nước và cả thế giới, có quan điểm, tư tưởng rộng mở, có tinh thần cổ vũ điện ảnh, và đương nhiên phải là một người yêu… điện ảnh chứ không phải vì cái ghế nhiều lộc thơm!
Bây giờ được nhất là các nhà kiểm duyệt cùng ngồi đối thoại với các nhà làm phim. Đối thoại một cách thẳng thắn nhất, cởi mở nhất, sử dụng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, surveys, thống kê, lý lẽ để thực sự thông hiểu lẫn nhau cũng như đặt yếu tố vì lợi ích của khán giả và một sự phát triển của một nền điện ảnh lên hàng đầu. Từ đó ra một sự thống nhất về các tiêu chí kiểm duyệt hoặc những cách có thể mở cho các nhà làm phim được bung tỏa. Các tiêu chí có thể còn phải qua nhiều năm nhiều sự kiện và tiếp tục được thay đổi, chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng không bây giờ thì khi nào?
Còn nếu không có sự đối thoại này, các nhà làm phim thì vật lộn với những đề tài và cách kể chuyện bị bó hẹp, những bản cắt đến méo mó (mà đôi khi khán giả không hiểu cứ chửi chết cha chết mẹ). Sự bức xúc lâu dài, những tiêu chí không rõ ràng khiến làm nản lòng những người làm phim. Thì thôi, nói thật, dẹp hết mọi giấc mơ vươn xa vươn cao đi, mà dẹp luôn nền điện ảnh chắc cũng được, làm nông nghiệp kiểu Lý Tử Thất có khi lại đắt hàng đấy :)). Thế giới nó đang đi xa lắm rồi!!!!
Cho mình mở ngoặc một chút về Các liên hoan phim. Không phải bộ phim nào đoạt giải Liên hoan phim cũng có nghĩa là một bộ phim hay với nhiều yếu tố nghệ thuật. Các liên hoan phim lớn, thậm chí giờ là cả giải Oscar, cũng bị chi phối rất nhiều bởi yếu tố chính trị, tham nhũng, những đề tài xã hội ưu tiên, thậm chí bỏ nhiều tiền “donate” thì phim cũng có giải thôi. (Bạn có thể google thêm khái niệm “poverty porn” ở các nước phương tây). Vậy nên không nên cứ được giải liên hoan phim với những mỹ từ mà chưa chi đã coi đó là niềm tự hào và cứ tự sướng trong thế giới làm phim nhỏ hẹp và bị bó buộc như bây giờ rồi và nghĩ rằng “thế là cũng ổn”. Chỉ có có một thứ chắc chắn là phim sẽ hay, đó là phải đến từ những nhà làm phim rất giỏi. Và những nhà làm phim rất giỏi phải đến từ một nền điện ảnh cởi mở, có sự đầu tư, giàu truyền thống!
Ở đây mình không nói nhiều về cụm từ “thuần phong mỹ tục”, bởi vì đó là một điều rất vô cùng, không có định nghĩa cụ thể và được quan điểm riêng theo từng cá nhân nên khó lòng mà có một cái chuẩn rõ ràng để nói về nó.
Nói về bộ phim “Vị” đang gây tranh cãi vì phải đổi quốc tịch để phim được phát hành. Vì phim mình chưa xem nên mình không thể có ý kiến rằng đây là một bộ phim thế nào, nó có “đáng” bị kiểm duyệt như thế hay không. (Cả bài mình đang nói đến tình trạng kiểm duyệt điện ảnh đáng báo động nói chung). Mình chỉ xem trailer và thấy ít nhất về phần hình ảnh và ánh sáng rất đẹp và đó đã là một yếu tố nghệ thuật thành công rồi. Còn về phong cách, tác giả có “world” của riêng họ, và có cách kể chuyện hình tượng của riêng họ thế nào, những cảnh sex trong phim là một hình tượng thủ pháp điện ảnh để miêu tả ý tưởng gì… thì phải xem phim mới biết. Nhưng khi bạn hiểu về “world”, thì bạn sẽ bớt bức xúc về chuyện “phản ánh hiện thực xã hội”, hay là “làm nhục hình ảnh người phụ nữ Việt Nam” vân vân mây mây… và sẽ xem một bộ phim với một tâm thế khác đi. Còn bộ phim được mang quốc tịch nào thì nếu mình là nhà làm phim thì mình thấy đó cũng là một điều bình thường và thậm chí nên rất vui vì điều đó, vì ít nhất với hoàn cảnh này, có điều kiện để đem tác phẩm của mình đi khắp nơi là quá tuyệt rồi. Cái đích cuối cùng của một người sáng tác vẫn là để được thỏa mãn mình và sau đó được nhiều người biết đến tác phẩm của mình càng nhiều càng tốt đúng không ạ? Nếu có cách, thì cứ vui thôi!
Xem phim, nghe nhạc, ngắm ảnh… thực ra nếu đúng cách là có thể enjoy to the fullest. Sự enjoy này thì bản thân mình là người hưởng lợi chứ không phải ai khác.
Mình cũng làm phim và chưa biết thế giới làm phim tương lai của mình sẽ ở đâu. Mình khá chill và còn giai đoạn quan sát và học tập vì mình hiểu làm một bộ phim hay là không phải chuyện ngày một ngày hai. Nhưng mình có sự sốt ruột của riêng mình. Nhìn nền điện ảnh Hàn Quốc đã đi xa như thế này rồi, mà giờ mình vẫn ngồi đây ở một nơi lo về sự kiểm duyệt, các anh chị làm phim vẫn bối rối và nhiều bức xúc. Một nền điện ảnh non trẻ vẫn nhiều hỗn loạn. Nói thật, những “worlds” của mình nó cũng phức tạp và nhiều sự nổi loạn lắm, và cũng chưa tìm được nhiều bạn đồng hành hợp ý. Thế nên… haizza!
Một bộ phim hay một bản nhạc khi được sáng tác ra đương nhiên có đối tượng khán giả riêng của họ. Nếu bạn xem một bộ phim hay một bản nhạc không hay, bạn không thích. Thì thôi cứ bỏ qua, vì nó không phải làm ra để dành cho bạn. Vậy thôi!
*Những nhà kiểm duyệt phim: Ở đây là không chỉ nói tới những người kiểm duyệt trực tiếp, mà bởi bất kỳ ai để ra những quyết định cho sự tồn tại của một bộ phim!

#496: Sex Education

May be an image of 3 people, people standing and text that says 'SEX EDUCATION N'
Sex Education mỗi season ra đều cách season trước khá lâu nhưng dường như sự dừng lại ở mỗi season, tuy không làm cho người ta phải sốt ruột chờ đợi hay mong mỏi một câu trả lời nhưng luôn để lại cho khán giả một cảm giác lắng đọng nhẹ nhàng với một sự hy vọng về một câu chuyện sẽ tiếp diễn. Đó là một cảm giác rất dễ chịu khi xem xong một bộ phim. Và với mình thì đó là một trong những định nghĩa của một bộ phim “hay”.
Nhớ thời gian ban đầu khi thấy cái tiêu đề “Sex Education” cùng cái trailer trần trụi và các bạn tuổi teen mình đã tính bỏ qua vì nghĩ rằng nó chỉ là một phim teen hoặc một phim lấy sex để giật gân rẻ tiền. Nhưng rồi cũng không nhớ thế nào mà lại bập vào xem và rất nhanh mình đã thành fan chính hiệu của nó lúc nào mà không biết. Quả đúng Sex Education là một phim về sex, thậm chí theme chính còn chẳng phải là sex cho lứa tuổi của mình nhưng mình bị bất ngờ bởi cách nó dùng sex để miêu tả cảm xúc của con người dù bất cứ lứa tuổi gì, sex cũng là phương tiện và cái cớ để kể những câu chuyện cuộc sống rất đời và rất thâm thúy. Nó có thể cực kỳ hài hước nhưng ngay trong sự hài hước đấy người ta có thể ngay lập tức bật khóc. Nó có thể cực kỳ nhố nhăng nhưng ngay trong giữa sự nhố nhăng ấy là một cảm xúc rất thật, một câu chuyện rất thật mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được nỗi buồn của nhân vật vì họ có thể thấy mình trong đó. Những nhân vật chính là lửa tuổi teen, những khủng hoảng của lứa tuổi teen và sự thật rằng ở tuổi teen sự khủng hoảng lớn nhất chính là hành trình đang khám phá giới tính và tình dục của bản thân. Mình thích cách kể chuyện rất thẳng, thậm chí hơi thô, đi thẳng vào vấn đề không ngại ngần khi nói về sex của các nhân vật trong phim. Nó không gây cho mình cảm giác khó chịu hay ngại ngùng, nó làm mình một cảm giác thư giãn, dễ chịu và được nhìn về sex như một thứ cởi mở, cần được nói đến chứ không phải là một thứ nửa kín nửa hở. Sex vốn dĩ luôn cần phải được như vậy! Tuy rằng những câu chuyện xoay quanh khủng hoảng tình dục và giới tính của các cô cậu trung học nhưng nó lại dành cho mọi lứa tuổi bởi vì những thông điệp cuộc sống, những câu chuyện cuộc đời, những câu chuyện tâm sinh lý của các nhân vật bất kể lứa tuổi đều được thông qua đó để được truyền tải một cách rất thú vị và tinh tế. Và cũng đúng như tiêu đề của phim: “Sex Education” có rất nhiều thông tin giáo dục giới tính cực kỳ thú vị và thực tiễn được lồng ghép trong các mẩu chuyện hài hước, và again, nó cũng không giáo dục giới tính chỉ cho mỗi teens!
Nhân vật chính của câu chuyện là hai mẹ con của cậu bé Otis. Mẹ cậu là một therapist chuyên về tình dục còn Otis mới chỉ là một cậu bé học cấp 3. Bố mẹ đã ly dị nên Otis hoàn toàn ảnh hưởng từ sự giáo dục từ mẹ. Cứ tưởng tượng từ bé ở với một bà mẹ suốt ngày đi tư vấn về tình dục cho người khác và trong nhà ngập tràn cả những đồ chơi và mẫu vật về tình dục thì bạn chắc cũng hẳn ít nhiều… khác người là thế nào. Ấy vậy mà cho dù mẹ là một chuyên gia về tình dục, thì ngay chính con trai lại khó nói chuyện về sex và cho dù có quen thế nào thì cậu bé vẫn luôn xấu hổ về nghề nghiệp của mẹ. Một điều mà nhà làm phim đã rất tinh tế khi khắc họa nhân vật Otis đó là cách cậu bị ảnh hưởng tự nhiên từ mẹ, khi mặc dù bản thân cậu cũng không có nhiều kinh nghiệm về tình dục nhưng khi gặp bất cứ ai cũng có thể khuyên bảo và giải thích rành rẽ được về tình dục. Và không chỉ tình dục, cậu biết cách khuyên bảo và “heal” cảm xúc của người khác một cách rất tự nhiên, đến chính bản thân Otis cũng không biết mình có được những sự ảnh hưởng tích cực như vậy từ mẹ, người mà cậu cho rằng nghề nghiệp thật là đáng xấu hổ với bạn bè. Cậu đã từ bỏ và chạy trốn khỏi việc mình luôn muốn giúp đỡ người khác. Ở cuối season 3, Otis đã nhận ra mình thích được đi an ủi và khuyên bảo người khác, như là một lẽ thường tình, cậu không cần thiết phải chạy trốn khỏi nó. Và cậu thấy rằng mình thật có ích, mình cũng thích làm như vậy. Nhân vật đang lớn lên, một ngày Otis đã nhận ra những gì mình làm cũng như mẹ làm, đâu có gì đáng xấu hổ. Đó quả là những cách kể chuyện rất đời và rất tinh tế. Mình cũng thích cách xây dựng nhân vật khi mẹ thì là một người rất phóng khoáng, có thể qua đêm và hôm sau coi như không có gì với bất cứ người đàn ông nào, nhưng cậu con trai thì lại là một thằng bé rất tình cảm, galant và cực kỳ có trách nhiệm.
Qua mỗi season, các nhân vật lớn dần lên. Biên kịch rất khéo léo khi cho tâm sinh lý họ phát triển dần, họ cho nhân vật vấp ngã rồi đứng lên. Họ cho các nhân vật bắt đầu hiểu dần về bản thân mình. Những đứa trẻ con hiểu được về giới tính của mình, cách làm tình an toàn có hiểu biết. Còn những người lớn cũng vẫn phải loay hoay trong việc chịu thay đổi và tìm cách thay đổi. Một chuyên gia tình dục nhưng thực ra lại luôn cô đơn và thậm chí còn lỡ mang thai ở độ tuổi gần 50. Một người đàn ông cả đời khó tính khó cởi mở với vợ con nhưng thực ra trong lòng luôn muốn thay đổi và muốn được hiểu chính bản thân mình. Những con người luôn loay hoay để tiếp tục được lớn cho dù ở bất cứ độ tuổi nào.
Bộ phim không có bất cứ diễn viên nào dạng trai xinh gái đẹp phong cách idol, nhân vật thậm chí còn có chút xấu xí già nua. Nhưng mỗi nhân vật đều toát ra một sự duyên dáng charming kỳ lạ. Trước giờ mình luôn hâm mộ tài năng diễn xuất của người Anh. Thực ra mình nghĩ chắc nếu xét về độ đồng đều và tinh tế thì diễn viên Anh phải là nhất thế giới. Bản thân mình là một người học và làm phim mà khi xem những nhân vật trong Sex Education diễn xuất mình còn quên luôn rằng họ đang diễn. Mình thấy đó như chính là những con người hoàn toàn có thực ngoài đời, vì họ toát ra được cái hồn của nhân vật một cách hoàn hảo. Không một nét gồng, không một nét ngượng ngùng hay điệu đà. Họ diễn như hơi thở. Cần ngốc nghếch, cần ngớ ngẩn, cần tuyệt vọng, cần thông minh, cần buồn bã… họ chỉ cần ngước ánh mắt lên là đã thấy nhân vật đó hiện ra. Bản thân casting director cũng tinh tế khủng khiếp như là cast nhân vật ông bố Groff và cậu con trai Adam với khuôn mặt và thần thái giống nhau y hệt, đều kiểu ít nói và lầm lì, giống nhau đến y chang bố con ruột thực sự luôn!
Phần 1 mình đặc biệt mê diễn xuất của anh chàng da đen Ncuti Gatwa (vai Eric, anh chàng đồng tính, bạn thân của Otis). Mình không tin rằng có ai xem Sex Education mà lại không ấn tượng với diễn xuất đáng yêu và chân thật như thế. Vừa hài hước, vừa đáng thương, điệu đà nhưng lại rất nhiều tâm trạng. Emma Mackey trong vai Maeve, mặc dù khuôn mặt sần sùi già nua nhưng mà lại không thể nào hợp nhân vật hơn. Cô toát lên được sự thông minh đầy khí chất, ra được đúng phong cách của một cô bé con nhà nghèo trưởng thành sớm, lúc nào cũng bị thiệt thòi về tình cảm và tiền bạc, nhưng cực kỳ thông minh và chẳng để cho bất kỳ ai bắt nạt. Mình thích một chi tiết rất đời về nhân vật này, đó là tuy rất nghèo, rất thông minh nhưng lại có tính tự ái ngút trời, đúng kiểu tự ái của con nhà nghèo và rất dễ bị tổn thương cho dù đó là nhận được sự giúp đỡ từ bạn thân. Và cuối cùng sau 3 seasons thì mình kết lại là lại thích nhất diễn xuất của anh chàng nhân vật chính Asa Butterfield trong vai Otis. Hai phần đầu Otis vẫn còn tưng tửng và còn rất trẻ con. Nhưng sang đến phần 3, khi nhân vật trưởng thành hơn, mình có thể nhận ra được cả sự trưởng thành trong ánh mắt của nhân vật. Otis và mẹ lúc nào cũng luôn mâu thuẫn và khó nói chuyện với nhau. Khi vào những tập gần cuối của season 3, mẹ cậu phải cấp cứu và sinh non, không biết có qua được cơn nguy kịch hay không. Cậu ngồi chờ ở bệnh viện và còn băn khoăn là không có mẹ thì giờ phải ở với bố thì chết. Khán giả đang expect rằng cậu sẽ thể hiện sự xót thương với mẹ sẽ như thế nào? Mình vẫn nghĩ trong một phim châu Á thì nhân vật ngồi khóc nức nở hay òa lên giãy giụa để thể hiện rằng mình đang lo lắng đau đớn. Nhưng cậu vẫn còn ngồi đó khuyên giải cậu bạn thân Eric về nói chuyện với bạn trai, cũng chưa thấy nhỏ một giọt nước mắt. Nhưng khi cậu không thể nào mua nổi cái gói kẹo trong tủ tự động, cậu phát điên và thò tay vào đập phá cái tủ chỉ để lấy cái gói kẹo ra. Đó là lúc khán giản nhận ra nỗi buồn và hối hận thương mẹ cực lớn vốn dĩ đã luôn ở trong lòng chỉ cần chờ chực trào. Không có cảnh gào thóc, không có nhạc thê thảm, người ta chỉ thấy cái ôm của Eric với Otis và ánh mắt ngầu đỏ ầng ậc nước của Otis ngước lên nhìn ông bố dượng khi ông thông báo mẹ đã qua cơn nguy kịch. Nhìn vào ánh mắt đấy là thay cho một nghìn lời thoại và âm nhạc lê thê. Tình tiết tinh tế + diễn xuất đỉnh cao, đó là combo mà nhà làm phim nào cũng nên mơ ước.
Gillian Anderson là một diễn viên quá gạo cội, thật sự mình cũng không thể nghĩ ai đóng cái vai mẹ của Otis hợp hơn chị ấy nữa. Nếu ai xem Xfiles thì chẳng lạ gì với Gillian. Chị í có một cái giọng Anh rất sexy dễ chịu thực sự, còn diễn xuất thì mình khỏi phải bàn nữa vì nếu Gillian không diễn hay thì 0 biết ai gọi là diễn hay ở đời này nữa 😃. Nhân vật Dr. Jean tuy rằng luôn đưa ra nhiều lời khuyên cho người khác nhưng bản thân lại cũng gặp khủng hoảng trong cuộc sống cá nhân của chính mình. Đến cậu con trai tuổi teen cũng không thể nói chuyện thẳng thắn về tình dục. Có mấy đoạn thoại của Dr. Jean rất hay. Như khi đoạn cô bé Aimee nói rằng mình muốn được quay trở lại hồn nhiên và thoải mái như xưa (trước khi bị tấn công tình dục), thì Dr. Jean nói rằng: “Chúng ta sẽ không bao giờ quay lại được như xưa. Vì bản chất của con người là luôn luôn tiến hóa và thay đổi, chúng ta sẽ luôn phải thay đổi”. Mình rất thích câu nói này, vì đúng là rất nhiều trong chúng ta luôn mong được trở lại như xưa, có những điều thật bao hối tiếc. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có thể trở lại được như xưa, học cách chấp nhận rằng rồi ai cũng phải thay đổi, ai cũng sẽ khác, đó là một điều sẽ làm cho bất kỳ ai cũng sẽ thấy dễ chịu hơn để move on.
Nếu bạn để ý, cho dù xuyên suốt bộ phim có những cảnh tình dục rất bạo liệt và cởi mở, những câu chuyện yêu đương chớp nhoáng. Nhưng mà mối tình đi từ đầu đến cuối của bộ phim giữa Otis và Maeve thì thậm chí rất chậm chạp, rất nhiều chông gai, và có lẽ chỉ có một nụ hôn khi lên đỉnh điểm sau cả 3 seaons. Rõ là nhân vật chỉ là tuổi teen, cũng không đẹp lộng lẫy, nhưng hành trình tình yêu của hai nhân vật sau bao vất vả mới có thể thổ lộ cho nhau đều khiến cho những khán giả như mình thấy cực kỳ ngôn tình và rung động. Cuối cùng điều đọng lại cuối cùng là tình yêu thực sự vẫn phải là một hành trình và tình dục hóa ra không phải là tất cả. Cả Otis và Maeve đều cặp kè và quan hệ với nhiều đối tượng khác nhưng cuối cùng sâu thẳm trong trái tim của họ đối phương mới chính là tình yêu, cho dù hai người thậm chí cả chưa bao giờ hôn nhau. Mẹ của Otis, một chuyên gia tình dục học xong đã nói với cậu con trai tuổi teen của mình rằng: “Thực ra mẹ cũng chẳng biết tình yêu là gì, chẳng ai định nghĩa được tình yêu là gì. Chỉ khi nào nó đến tự nhiên mình cảm nhận được thì mình sẽ biết thôi”. Tình yêu của Sex Education cuối cùng lại được miêu tả một cách tinh tế như vậy đó. Theme mấu chốt của phim đó là sự chân thành. Cho dù bạn đang suy nghĩ thế nào và có thể bạn sẽ làm đau lòng đối phương, nhưng bạn phải thật thà với tình cảm của mình và với họ!
Nếu nói và cảm nhận về mọi nhân vật trong phim thì chắc có mà chục trang. Mỗi người sẽ xem và có những cảm nhận của riêng mình. Phim nói không chỉ về sex, mà về giới tính, đồng tính, cuộc đời, cuộc sống. Sự đồng tính được miêu tả trong phim cũng rất lãng mạn và thú vị, cả bất ngờ nữa. Mình tin chắc các bạn LGBT cũng nhìn thấy bản thân của mình trong đó, hoặc những người vẫn còn đang băn khoăn với giới tính của mình cũng sẽ có được nhiều sự đồng cảm hoặc một câu trả lời!
Một phần mà mình cho là đỉnh cao của phim đó chính là NHẠC PHIM. Nhạc phim của Sex Education nó làm mình phát nghẹn vì sự… hợp lý và hài hước. Những bài hát được lắp vào những đoạn làm tình cũng làm người ta cảm thấy vỗ đùi cái đét vì vừa hài vừa hợp. Nhưng những lúc miêu tả tâm trạng nhân vật và cần deep thì nó deep và lắng đọng đến ứa nước mắt. Mình vẫn không thể quên đoạn kết thúc season 2 với ca khúc “On the radio” do Chip Taylor hát.
“Then you take that love you made
And you stick it into
Someone else’s heart
Pumping someone else’s blood”.
Đó là lúc một lần nữa Otis và Maeve lại lỡ mất cơ hội để được đến bên nhau. Tự nhiên nghe tới khúc đó mà mọi cảm xúc cho cả một season nó ùa được về cùng lúc luôn.
Bạn xem xong một bộ phim hùng hục như vậy mà xong chợt nhận ra mình cũng được “giáo dục giới tính” từ lúc nào không biết. Season 3, các nhân vật đã dần lớn lên, nó là season emotional hơn cả, vì đó là lúc những nhân vật sắp bước chân vào đời và khám phá ra được bản thân của chính mình. Sự vô tư sẽ ít dần đi, sự trưởng thành sẽ lớn dần lên. Không biết được rằng sẽ có thể có những seasons tiếp theo không, vì thứ nhất các nhân vật sắp qua giai đoạn học cấp 3, và nữa là diễn viên đang… già nhanh quá (diễn viên Anh diễn hay mà bị mỗi cái dở là già nhanh thôi). Nhưng nếu phim ngừng tại đây, nó đã quá đủ là một bộ phim hay và ấn tượng mà không phải kéo dài quá lâu để duy trì độ hot.
Xem phim người lại nghĩ đến ta. Không biết tới một thế kỷ nào, mình mới được làm những bộ phim như vậy ở nước mình. 0 chỉ là vấn đề kiểm duyệt, quan điểm, nhận thức… mà còn biên kịch, đạo diễn, diễn viên và… tất cả phần còn lại!
Sex Education cũng chưa chắc dành cho tất cả mọi người hay hợp gu với nhiều người. Mỗi người sẽ thích những bộ phim vì những lý do khác nhau. Mình thích vì mọi thứ mình… kể trên và vì tình dục cũng là một thứ mình rất thích, nên có gì mà không được kể và khen nó nhỉ ahihi!

#489: “Thiết yếu”

May be an image of 1 person and outdoors
Trong “the Good doctor”, khi bác sĩ tự kỷ Shaun Murphy bị điều chuyển sang làm pathologist (nhà nghiên cứu bệnh học?), thay vì được làm bác sĩ phẫu thuật vì lý do cậu không biết cách giao tiếp với bệnh nhân. Shaun đã gần như phát điên và suy sụp vì cậu chỉ muốn làm bác sĩ phẫu thuật, cho dù ai cũng nói với cậu rằng có làm pathologist thì vẫn là bác sĩ và vẫn là mục đích cuối cùng là cứu người. Nhưng không ai hiểu được rằng có những thứ với người ngoài nó là điều có thể thỏa hiệp được và không phải là “big deal” nhưng với một cá nhân nó có thể là lý tưởng sống và mục đích tối thượng phải theo đuổi bằng được của họ. Nếu không thực hiện được, họ sống không bằng chết!
Khi Magic Johnson ở đỉnh cao của sự nghiệp NBA thì phát hiện ra bị mắc HIV. Cả thế giới hoàn toàn sụp đổ với Magic, bạn bè thân xa lánh, những con người luôn tụ vui trong ánh hào quang lấp lánh của truyền thông và tiệu rượu với Magic bỗng nhiên tỏ ra không quen biết, thậm chí nói xấu. Lúc đó, người không ngờ tới bên MJ, an ủi anh và hiểu cho anh nhất, lại chính là đối thủ bóng rổ truyền kiếp Larry Bird, người mà trong suốt sự nghiệp cầu thủ lừng lẫy huyền thoại của cả hai, là đối thủ chưa bao giờ đội trời chung và tranh đấu với nhau trên từng cm của sân bóng, thậm chí phải dùng hai chữ “kẻ thù” thì mới phù hợp. Larry Bird – cậu thủ bóng rổ huyền thoại, cực kỳ ít nói, không bao giờ chia sẻ và thể hiện tình cảm với bất cứ ai lại là người đầu tiên gọi điện an ủi MJ và là người thực sự “broken heart” cho MJ. Thật kỳ lạ vì đối thủ của mình gặp nạn nhưng sao Larry lại đau khổ tới như thế? Đó là vì Larry đã nói: “Thiên hạ có thể nghĩ rằng Magic đang đau khổ vì anh ấy sẽ chết và ai cũng sợ gần anh ấy vì cái virus gớm ghiếc, nhưng không ai hiểu được rằng anh ấy không đau khổ vì anh ấy sẽ chết, anh ấy đau khổ vì người ta sẽ lấy đi điều quan trọng nhất của cuộc đời anh ấy: đó là bóng rổ”. Và hơn ai hết Larry hiểu được rằng nếu cuộc đời mình mà lấy đi mất bóng rổ, thì cuộc đời sẽ còn lại ý nghĩa gì? Lúc này, nó không còn là chuyện thắng thua nữa, nó là “empathy”, nó là chuyện cảm thông với nỗi lòng của người khác, rằng có những thứ còn đáng sợ hơn là cái chết. Và không phải ai cũng hiểu điều đó.
Chắc mọi người cũng không quên phim “Vị đắng tình yêu”, từ thủa những năm đầu 90’s, đã kể về câu chuyện một nghệ sĩ piano mà được đàn là niềm vui sống của cô ấy, nếu phải lựa chọn giữa chuyện phải chữa bệnh nhưng không được chơi đàn với việc được chơi đàn nhưng có thể phải chết, thì cô ấy vẫn lựa chọn chơi đàn. Có lẽ bộ phim từ thời đấy nhiều người cho rằng nhảm nhí, nhưng đó lại là điều đáng ngạc nhiên về tư duy hiện đại và tinh tế của biên kịch và đạo diễn đi trước thời đại, khi hiểu rằng: có những đam mê, mong ước, khát vọng, mục tiêu, được sống là mình, đó mới là được sống một cuộc đời đúng nghĩa, bất kể là cuộc sống đấy là ngắn hay dài.
Có một số mấy ví dụ nho nhỏ hơn, ví dụ mấy câu chuyện gần đây về việc “thiết yếu”. Đồ “thiết yếu” cho dù có được định nghĩa trên văn bản ra cũng không bao giờ là đủ. Sự thật về cái gọi là “thiết yêu” thực chất ra nó khá là vô cùng và không phải ai cũng hiểu hết rằng có những đồ là “thiết yếu” với người này nhưng chưa chắc đã là “thiết yếu” với người khác. Người ta vẫn nghĩ rằng “thiết yếu” được định nghĩa rõ ràng bằng những định dạng cụ thể, và vẫn hướng tới việc “thiết yếu” mục đích là để “tồn tại”. Để “tồn tại” ở đây là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm sinh hoạt bản thân, đủ không bị đói, bị khát, bị lạnh, bị nóng, miễn sống là được. “Thiết yếu” được hiểu phần nhiều là “physically” nhiều hơn là “mentally”. Thế nên sẽ có chuyện rằng, tại sao một đứa bé sống chết phải được đi chữa cho con mèo sắp hấp hối? ĐIều đó không ảnh hưởng tới sự “tồn tại” mạng sống của con người nên không thể coi là thiết yếu. Tại sao phải “ăn bánh mì” khi mà ngoài bánh mì ra vẫn còn cơm? Không có bánh mì có cơm thì cũng vẫn tồn tại mà. Tại sao lại cần mua tủ lạnh trong thời dịch vì tủ lạnh là đồ điện tử không phải thực phẩm, không có tủ lạnh cũng sao mà chết đói được (cho dù quên bố nó mất là tủ lạnh là nơi chứa thức ăn). Hay thậm chí có chị bị bắt lại ra đường mua bao cao su vì đó cũng không phải là “thiết yếu”, vì không có bao cao su cũng đâu mà chết được… Đương nhiên đó là những câu chuyện cũng hơi nực cười và đã bị mọi người phản đối cho tơi tả. Nhưng nó thực ra lộ ra một vấn đề khá sâu thẳm trong lòng những quan niệm xã hội về cái gọi là thiết yếu với cuộc sống của mỗi người. Nếu mọi người cứ được giáo dục rằng chỉ những thứ “physically” như thế kia mới được coi là thiết yếu để tồn tại thì chắc chắn sẽ còn những câu chuyện chặn người đi chữa cho động vật, đi mua bánh mì, đi mua bao cao su, đi mua tủ lạnh như vậy vì cho rằng chúng không liên quan đến chuyện sống còn của mỗi người. Con mèo sắp chết nó đúng là chẳng làm cho ai bị ảnh hưởng tới sự “tồn tại” cả, nhưng với chủ nhân của con mèo đó, nó sẽ đau đớn vô cùng về mặt tâm lý, sự tức giận và biết đâu thành một vết hằn hận thù trong ký ức của cô cậu bé đó khi lớn lên. Với nhiều người, thú cưng của ai đó chỉ là một con vật, và con vật chỉ là để nuôi, không phải để yêu thương như người nên với họ chữa một con vật không phải là thiết yếu. Nhưng với chủ nhân của con vật đó, họ có thể yêu thương và coi đó chẳng khác gì một thành viên trong gia đình, việc được cứu sống con vật của họ cũng không khác gì việc phải cứu sống một thành viên của gia đình. Nỗi đau mất một con vật, nó có thể đau đớn không khác gì nỗi đau mất đi một người thân. Gạo thì nhiều nên đi ăn bánh mì vào lúc “không cần thiết” thì thật là buồn cười, nhưng mà lúc đó người ta đang quá đói không có cơm ăn thì sao? Lúc đó ăn một miếng bánh mì khiến họ vui, thỏa cơn thèm và làm cho công việc của họ tốt và hiệu quả hơn thì sao…? Anh có thể chỉ ăn cơm mỗi ngày và ghét ăn bánh mì, anh cảm thấy cả đời không ăn bánh mì cũng chả sao nhưng với nhiều người họ chỉ muốn và chỉ có thể ăn được bánh mì thì sao…?
Có những chứng bệnh tâm lý mà xã hội và cũng không có văn bản nào có thể định nghĩa rõ ràng được thế nào là “thiết yếu” đối với họ. Có người sẽ phải chơi đàn 10 tiếng một ngày, bỗng nhiên cây đàn của họ đứt dây, họ sẽ buộc phải đi mua dây về để chơi đàn tiếp nếu không thì sẽ bị phát điên. Có những người bị OCD về dọn dẹp, vệ sinh, khử mùi… hoặc thậm chí không chịu nổi nếu cái cánh cửa bỗng nhiên bị lệch không thể được sửa, nếu họ không kịp mua được cái đinh vít hoặc chai xịt rửa đúng lúc thì họ cũng sẽ phát điên thậm chí trầm cảm… Có những người sẽ buộc phải nói chuyện với một ai đó, nhìn thấy một ai đó, nếu không họ sẽ bị sang chấn tâm lý… Thế giới tâm lý về chuyện “thiết yếu” vô cùng rộng lớn và đôi lúc rất khó hiểu. Mới chừng nghe vài ví dụ bạn đang nghĩ “dở hơi à”, giờ lo sống đi đã chứ, nhưng mặt khác bạn cũng sẽ rất bất ngờ khi biết rằng nó không hề chỉ là vài ví dụ dở hơi và thiểu số như bạn nghĩ, rất đông người đang bị như vậy, nhưng vì những trạng thái tâm lý như vậy không được để ý và nhiều người đủ kiến thức để hiểu chúng, dẫn tới việc chúng không được quan tâm đúng nghĩa và thậm chí còn bị chê cười, vào với những người làm nhiệm vụ quản lý xã hội khi họ không được giáo dục đúng và hiểu thì sẽ dẫn tới những hậu quả như chúng ta đang được thấy. Tâm lý đôi lúc nó là bệnh không thể chữa hoặc bị mắng chửi mà thay đổi được, hoặc nó là bản chất từ khi bạn sinh ra đã là thế. Bạn sinh ra đã có những tính cách, khả năng nhất định. Bạn sinh ra với một giới tính đã được ấn định cho dù cơ thể của bạn có đúng với giới tính ấy hay không. Sự thiết yếu nó phụ thuộc và tâm lý sinh tồn và mong muốn của bạn, chứ không hẳn là từ người khác.
Có thể rất nhiều trong chúng ta đã quen với việc chúng ta muốn được trở thành một người thế này, nhưng bố mẹ hay những người xung quanh muốn bạn trở thành một người khác. Bạn muốn làm một ca sĩ cơ, nhưng bố mẹ muốn bạn là một kỹ sư. Bạn muốn được vẽ và thành một họa sĩ nhưng bố mẹ bạn muốn bạn phải thành một bác sĩ. Bạn muốn được từ bỏ tất cả để được đi khắp thế giới và lang thang sống một cuộc sống hippy nhưng bố mẹ bạn muốn bạn nên lấy chồng sinh con và có một công việc thật ổn định trong một cơ quan nào đó và cứ thế cho đến hết cuộc đời. Bạn muốn được phẫu thuật để được trở thành một người phụ nữ khi cơ thể bạn là cấu tạo nam giới, và khi tất cả can ngăn vì phẫu thuật có thể sẽ khiến bạn rút ngắn cuộc đời hoặc thậm chí chết trên bàn mổ… Bố mẹ hay xung quanh sẽ bảo bạn, tại sao bạn phải đi lang thang sống bờ bụi làm gì cho khổ? Trong khi bạn chỉ cần đi làm ổn định từ sáng đến tối, cuối tháng nhận lương không phải lo nghĩ gì? Tại sao bạn đi làm cái nghề xướng ca vô loài làm gì, trong khi đi làm kỹ sư, vừa nhiều tiền ổn định, vừa “trí tuệ” và đáng tự hào hơn bao nhiêu. Bạn không thể học giỏi toán bạn chỉ giỏi vẽ nhưng làm họa sĩ thì kiếm được mấy đồng trong khi làm bác sĩ thì giàu nứt đố đổ vách… Nhưng mà tin chắc rằng bố mẹ hay bất cứ ai khuyên bạn như vậy họ không thể hiểu được những niềm vui và sự “khoái cảm” của bạn là thế nào khi bạn được đi lang thang ngắm nhìn thế giới để thấy cuộc đời đáng sống, khi bạn được nhắm mắt lại và cất giọng hát tuyệt vời bẩm sinh bạn có, khi bạn hoàn thiện xong một bức tranh bạn mất cả tháng để vẽ. Và với những người chỉ mong được một lần được sống với đúng giới tính của mình, thậm chí nếu phải rút đi 10 năm cuộc sống họ cũng sẵn sàng đánh đổi… Và ngược lại, khi bạn luôn phải sống theo những định nghĩa “thiết yếu” của người khác, cũng sẽ không ai hiểu được sự ức chế trong lòng bạn, sự chịu đựng cố gắng gồng mình phải làm những điều bạn không muốn làm hoặc không có nhiều khả năng để làm, những hy sinh sâu thẳm khi bạn phải từ bỏ ước mơ, tài năng, tình yêu, ý tưởng của bản thân… những cảm giác này cho dù bạn có thành công thế nào với lựa chọn khác trong cuộc sống sau này thì chúng sẽ vãn luôn luôn ở đó và chỉ chực chờ sẽ có lúc bùng ra, chúng cũng thường hay đi kèm với những sự hối tiếc day dứt… và có những người cứ chết dần chết mòn trong những sự ức chế và hối tiếc ấy…
Nhưng những người mà thực sự dũng cảm để chứng minh cái “thiết yếu” của mình và không sống theo sự “thiết yếu” của người khác vẫn là thiểu số trong xã hội. Đám đông vẫn đi theo một sự sắp xếp nhất định đã được định nghĩa sẵn bởi phụ huynh, bởi xã hội, bởi truyền thông. Đó là những điều mà rất nhiều năm qua tớ đã được nghe và chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện, kể cả từ những người bạn thân nhất của mình. Tớ được nghe những câu chuyện ấy nhiều, vì có lúc với họ, tớ là một ví dụ mà họ rất mơ ước được một lần thay đổi! Có lúc tớ giúp được một vài người bằng cách truyền cảm hứng cho họ, nhưng có những lúc, không thể giúp gì được ngoài việc lắng nghe những gặm nhấm nỗi lòng của họ cứ ăn mòn họ dần theo năm tháng…
Nhớ hồi đó, khi tớ còn làm việc trong Bộ Ngoại Giao. Mỗi sáng sẽ phải có mặt lúc 7h sáng để học những bài học đầu tiên làm “cán bộ”, như là pha nước uống trà cho các bác. Thỉnh thoảng muốn có một chuyến đi chơi xa đâu đó nhưng sẽ chỉ có duy nhất hai ngày cuối tuần. Thỉnh thoảng muốn mặc cái áo lệch vai, cái quần bò xộc xệch và giữ được cái khuyên mũi cho thật thoải mái mà không thể khi đi làm. Thỉnh thoảng muốn viết này viết nọ vui vui một tí, xõa một tí, chửi bậy một tí nhưng mà phải hạn chế phát ngôn… Thế là đó là lúc tớ nhận ra: “This is not my life”. Cho dù đó là một công việc rất tốt, ổn định, bố mẹ yên tâm và tự hào. Nhưng tớ đành từ bỏ, khi làm buổi “hòa giải” cuối cùng với cơ quan về việc vì sao vừa đi làm mà lại bỏ một công việc tốt và có nhiều tương lai như vậy, phải chăng tớ chê công việc đó hay không có ý chí phấn đấu ư? Tớ có nói với các cô chú rằng, đây chắc chắn là một công việc tốt với rất nhiều bạn trẻ khác, với nhiều người khác, nhưng đó là thế giới tớ không thuộc về. Tớ cần một thế giới mà tớ được tự do được sống là mình, sử dụng tài năng và cá tính của mình cho những công việc khác phù hợp hơn. Và cái được gọi là sống cho mình với công việc khác đó mà nhiều phụ huynh nghe thì tức lòi kèn hoặc cười chê cho thối mũi, đó là một công việc không ổn định với chiếc máy ảnh, nay đây mai đó, lúc sớm mai lúc khuya khoắt, trên người có khi vác hàng chục ký đồ oằn hết cả lưng hay say xe đứ đừ đứng không nổi. Thế nhưng mà tớ lại thấy thế mới được ngủ ngon mỗi ngày, được cười mỗi ngày, và được chạm đến sự hạnh phúc tột độ khi xong một tác phẩm hay một hành trình nào đó.
Câu chuyện về sự “thiết yếu” chắc chắn là một câu chuyện phức tạp. Nó phức tạp nên đôi lúc sẽ phải chấp nhận rằng sẽ không phải ai cũng hiểu mình hay xã hội sẽ hiểu mình. Có những chuyện sẽ rất là vô lý và vẫn phải chấp nhận để chúng tồn tại. Nhưng hơn cả vẫn là mình phải hiểu bản thân mình, và mình sẽ phải lựa chọn rằng mình có muốn sống cho mình hay không, hay sẽ luôn sống cho người khác. Sự lựa chọn đó thì chỉ có bản thân bạn làm được thôi, không ai sẽ hiểu được để làm thay cho bạn cả, và mọi sự lựa chọn sẽ đều phải đánh đổi, chúng ta không thể nào có tất cả!
Mấy ví dụ “thiết yếu” thời chống dịch tớ kể trên chỉ là ví dụ của tớ về việc những quan niệm trong xã hội về những thứ được gọi là “cần thiết với người này” nhưng chưa chắc là “cần thiết với người khác” từ các cấp độ khác nhau mà thôi. Chưa chắc những con người “vô lý” ấy đã ác hay ngu, họ cũng là một sản phẩm của sự giáo dục và quan điểm xã hội. Và thực ra ngồi nhà phán (như tớ nè) thì đúng là cũng dễ, chứ giữa thời buổi phức tạp này, cũng chẳng biết thế nào mà lần để định nghĩa và hành xử thế nào cho chính xác, cho hợp tình hợp lý và an toàn. Chỉ là với mỗi một sự việc xảy ra, mình nghĩ rằng mình sẽ học được điều gì đó, hiểu ra thêm được điều gì đó, và đôi lúc biết thông cảm hơn, vậy thôi!
May be an image of one or more people, people standing and outdoors

475: AGAINST THE WIND – CHO NHỮNG AI ĐANG CHẠY NGƯỢC GIÓ

AGAINST THE WIND – CHO NHỮNG AI ĐANG CHẠY NGƯỢC GIÓ

https://d29ci68ykuu27r.cloudfront.net/items/19424481/cover_images/cover-large_file.png

Xem lại Forrest Gump sau nhiều năm và chợt lặng đi khi nhớ ra tới đoạn chạy ở Monument Valley, khi mà Forrest Gump đầu bù tóc rối chạy trên con đường sa mạc thăm thẳm với một đoàn người rồng rắn phía sau, nhạc nền là bài hát Against the wind của Bob Seger.

Đó là bài hát đã luôn bật trong những ngày khi lái xe lang thang khắp nước Mỹ một mình với chiếc ô tô cũ mèm, tiếng bánh xe chạy còn to hơn cả tiếng còi và trên xe là cả một căn phòng nhỏ với đàn, sách vở, chăn chiếu, đồ quay phim và cả con gấu bông. Đó cũng là những ngày khi chưa biết nơi đến tiếp theo sẽ chính xác là đâu và mình sẽ ở đó bao nhiêu lâu, những ngày cả gia đình và bạn bè cũng không biết mình đã đến nơi nào, đang làm gì. Những sự chờ đợi sau những cuộc phỏng vấn, những câu trả lời từ những dự án phim… Chỉ biết, đó là những ngày cần phải đi!

Chiếc xe đã quá cũ, chỉ có play được đĩa CD và thậm chí còn không bắt được cả radio. Thế nên hành trang trên xe luôn là cả chục cái đĩa CD đã burn ra những bài hát mình thích nghe. Thỉnh thoảng, khi tới những thị trấn nhỏ xa xôi, có một niềm vui nhỏ là đi vào những cửa hàng đồ cũ bán đồ như cho, sẽ có những chiếc CDs xịn một thời nổi tiếng có giá chỉ 50 cents một chiếc. Vào mua đĩa CD có khi vớ được một món đồ cổ nào đó rất quý, chẳng hạn như là một bộ quần áo đã có từ những năm 50’s, của một cụ già nào đó đã dọn garage nhà trước khi ra đi. À, mình không ngại đồ cũ hay đồ của người đã mất, mình trân trọng giá trị lịch sử của chúng!

Có thể nhiều bạn không biết đến bài hát này vì nó đã là một bài hát rất cũ và không phải dạng giai điệu catchy dễ dàng cũng như lời bài hát dễ hiểu như những bài hát kinh điển bạn đã từng nghe. Đây không phải là một bài nhạc chỉ để bắt tai nghe cho vui với bạn bè. Đây là một bài hát mà người ta yêu nó và thấm nó chỉ khi nghe một mình: không chỉ là với giai điệu, câu từ, mà với những hoài niệm cuộc sống và những day dứt cuộc đời đã và đang trải qua, mà chỉ khi tới một độ tuổi nào đó bạn mới thấu hiểu. Càng có tuổi, càng trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời người ta sẽ càng thấy mê say Against the wind của Bob Seger. Đó là điều làm nên sự timeless của bài hát. Timless là một thứ mà người ta sẽ càng ngày sẽ chỉ càng thấy nó hay theo thời gian vì sự dạn dày của cuộc sống mới khiến họ hiểu hết và đồng cảm được với tác phẩm, như bộ phim Forrest Gump vậy!

Mỗi lần lái xe băng qua những con đường xa dài hun hút, hai bên có khi là những khu công nghiệp, có khi là núi đồi, có khi là đồng cỏ, có khi là sa mạc bao la. Đường dài rộng và xa, những chiếc xe tải khổng lồ hút gió nếu liều vượt qua có thể bị quấn vào bất cứ lúc nào. Chiếc xe của tớ thì cọc cạch, đông cơ yếu mà phải nặng oằn mình để vươn nhanh. Những lúc ấy không có tiếng nhạc nào hợp hơn được cất lên hơn Against the wind:

“Against the wind
We were runnin’ against the wind
We were young and strong, we were runnin’ against the wind”

Những cơn gió sa mạc có khi đến cả trăm dặm một giờ, mỗi lần vượt qua xe tải là một lần thấy mình vĩ đại. Nhưng đúng là sau nghĩ lại với cái xe ấy mà xuyên bang từ đồng bằng lên núi đồi băng qua mưa giông và bão tuyết đi ngược gió như vậy thì đúng là mình cũng… vĩ đại thật. Đôi lúc liều mà thành vĩ đại, Bob cũng nói vậy đó :D.

Bài hát được play rất nhiều lần trên xe vì tớ dành riêng Bog Seger cho một đĩa CD. “Against the wind”, “Turn the page”, “Like a rock”… chắc là những bài hát được nghe nhiều nhất dọc đường đi và trong tất cả các chuyến roadtrips. Những cung đường xa thẳm mà nghe tiếng hát của Bob Seger, hay của Tracy Chapman, thì nó không chỉ là một bản nhạc để xoa dịu tinh thần và cho mình bớt buồn tẻ, mà những lời hát còn như một người bạn, đang kể chuyện và đồng hành với mình. Chỉ khi bạn đi một mình và cô đơn trên những con đường như Forrest Gump vẫn chạy, bạn mới thấm hết được những bài hát có nhiều giá trị hoài niệm cuộc sống như “Against the wind”.

“Against the wind” – Nghĩa rất chân thành là “ngược gió”. Khi tình yêu đầu đời với tên một cô gái được bắt đầu kể chuyện với một giai điệu day dứt, là người ta sẽ hiểu đây sẽ là một cuộc đời với nhiều hối tiếc. Những ai đã đi qua hoang dại của tuổi trẻ, chạy đua với thời gian, sống nhanh vội vàng với những chuyến đi, những deadlines, những mối quan hệ phù phiếm, bỏ lỡ tình yêu, nổi loạn phá vỡ những lẽ thường của cuộc sống cùng những ngày tháng vô định nhưng lại muốn tìm một nơi là nhà để trở về… thì sẽ càng thấm Against the wind mỗi khi họ già đi và nhìn lại cuộc đời mình. Gió càng thổi mạnh thì càng chạy ngược gió để được nổi loạn và muốn khẳng định bản thân. Những vấp ngã đuối sức sau những cơn gió mạnh mang lại cho họ những năm tháng để trưởng thành, nhưng càng trưởng thành và thông tuệ, người ta lại càng hối tiếc những điều đã đi qua. “Wish I didn’t know now what I didn’t know then”. Câu hát thấm vào tim và nổi tiếng nhất bài hát. “Ước gì giờ tôi đã không biết những điều tôi đã từng không biết”.  Đôi lúc bạn ước bạn vẫn ngây ngô và ngông cuồng như ngày xưa, để vẫn liều mình chạy một chiếc xe cọc cạch ngược những cơn gió băng qua xe tải… Nhưng thời gian là vô tình, cho dù không muốn nhưng bạn vẫn phải lớn lên và già đi, bạn vẫn nhận ra những điều mà bạn buộc phải biết, đề rồi bạn chợt nhận ra chúng làm bạn hối tiếc. Rồi điều trớ trêu là, khi càng hối tiếc, bạn lại càng vẫn tiếp tục chạy ngược gió và không biết khi nào mới ngưng được. Có lẽ đến một lúc sẽ chấp nhận rằng, cuộc đời bạn sẽ vốn luôn là vậy!

Nếu giờ có hỏi tớ hiểu hết được bài hát không, chắc là chưa. Điều cảm nhận được rõ nhất bây giờ là “appreciation” với một tác phẩm sâu sắc như vậy. Chỉ biết là qua mỗi chuyến đi, mỗi khi già hơn thêm một chút, lại thấy bài hát hay hơn nữa, thấm hơn nữa, vì mỗi lúc như vậy mới trải nghiệm thêm được một chút ít của cuộc sống để có thể hiểu được những triết lý và tâm sự ở trong đấy!

Tớ mê những giọng hát mộc như của Bob Seger. Nếu bạn nghe “Against the wind”, bạn sẽ thấy từ giai điệu, giọng hát, ca từ… nó đều đến từ bản năng, là chảy ra từ máu và hơi thở. Bạn sẽ hiểu rằng nếu không phải là một người sinh ra với âm nhạc chảy trong huyết quản và trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống với những cảm xúc chân thành, thì sẽ không bao giờ có được những tuyệt phẩm như thế. Nghe Bob hát với những day dứt khôn nguôi trong từng tiếng khàn nhả chữ thô mộc, ta như không phải chỉ là nghe một bài hát, ta đang nghe lời tâm sự của bố vào một buổi chiều tà. Khi viên mặt trời tròn vo đang tan dần đi trong ly Chardonnay bố uống, bố bắt đầu kể cho bạn nghe câu chuyện về cuộc đời mình và câu chuyện ấy mang đầy những hoài niệm và nuối tiếc bằng những tiếng thở dài. Và rồi hối tiếc nào cũng sẽ đi bay theo ánh hoàng hôn đang khuất dần sau những rặng núi đá…

Chắc ai cũng có những “against the wind” riêng trong playlist của mình, những bài hát mà mỗi năm tháng qua đi lại hiểu chúng nhiều hơn và lại thấy yêu chúng hơn biết bao nhiêu!

Thỉnh thoảng, tới một tuổi nào đó, nghe một bài hát từ rất xưa bỗng nhiên rơi nước mắt và bắt đầu nghĩ về những tháng ngày đã qua của cuộc đời mình. “Sometimes, you just listen to a song, and you cry, for no particular reasons, do you know?”. Lời ông cụ lom khom đứng bán Wendy’s khi tớ ghé qua mua đồ và lẩm bẩm vài câu hát của Bob.

Nếu hỏi list bài hát đi roadtrip của tớ là gì thì sẽ là ngập “Against the wind”, “Turn the page” của Bob Seger; “Fast car”, “Give me one reasons”… của Tracy Chapman; “Father and son”, “Cats in the cradle” của Cat Stevens… rồi “Ironic” của Alanis Morrisette, và gần đây nữa là “Riding to New York” của Passenger… Chúng đều là những bài hát kể về những hành trình, những tình yêu với những hối tiếc, nhưng đều là những hối tiếc khiến bạn phải bật khóc vì chúng quá đẹp, và ai cũng sẽ thấy một phần của đời mình trong đó… chúng luôn hợp cho những chuyến đi xa và cô đơn.

“I stood proud, I stood tall
High above it all
I still believed in my dreams”

Hậu quả của bài viết này là tại Forrest Gump đấy!

#justformyself

#tâmsựđêmphia

 

#474: FORREST GUMP – ĐỜI NGƯỜI CÓ MẤY LẦN 10 NĂM CHO MỘT BỘ PHIM

1. “Life is like a box of chocolates. You never know what you’re gonna get”. Nếu cuộc đời là một sự bí ẩn và khó lường như một hộp socola…
“Life is like a box of chocolates. You never know what you’re gonna get”. Câu nói kinh điển của Forrest Gump trên chiếc ghế đá công viên cũng chính là câu chuyện của đoàn làm phim Forrest Gump ngoài đời. Khi bộ phim ba chìm bảy nổi, trải qua đủ mọi gian truân cùng nhiều cung bậc của cảm xúc với những kết quả không ai có thể ngờ tới từ khi bắt đầu.
Có thể có bạn chưa hiểu được ý nghĩa câu nói kinh điển này. Vì văn hóa của mình ít khi được ăn socola hay được mở những hộp socola được tặng làm quà. Mỗi một hộp socola khi mở ra, sẽ có rất nhiều loại socola khác nhau trong đấy, với nhiều hình thù, nhiều thành phần nhân và cả hương vị khác nhau, thậm chí có lúc phải bóc ra hết từng lớp giấy bạc và ăn mới biết chúng khác nhau thế nào. Nên nếu lấy đại một viên, bạn sẽ không thể biết chắc chắn viên ấy có mùi vị hay nhân gì. Và câu chuyện để Forrest Gump ra đời cũng như việc chọn đại những viên socola, đã phụ thuộc vào sự lăn lóc của may mắn và số phận như vậy đó!
Forrest Gump là tên một cuốn tiểu thuyết của nhà báo Winston Groom (1943 – 2020). Ông kể rằng ngày nhỏ, ở vùng quê nghèo miền nam xa xôi ở Alabama, được bố kể cho nghe câu chuyện về một cậu bé bị ngớ ngẩn, luôn luôn bị những đứa trẻ con xung quanh bắt nạt và bị coi là vô dụng. Thế rồi một ngày, mẹ mua cho cậu bé một cây đàn piano. Khi vừa ngồi vào cây đàn, cậu bé bỗng nhiên có thể chơi đàn giỏi như một thiên tài. Mọi người không thể hiểu được rốt cuộc cậu là một thằng bé bị ngớ ngẩn hay là một thiên tài khác người?
Vào những năm 60’s,70’s, là thời kỳ nhiều biến động lịch sử của nước Mỹ với chiến tranh, biểu tình, hippy, ám sát, rock and roll… Winston chợt nảy ra một ý tưởng: Tại sao không lấy hình tượng một con người ngớ ngẩn như thế trở thành một anh hùng của thời đại này? Ý tưởng thôi thúc Winston khiến ông mỗi ngày say mê với những quan sát cuộc sống, ngày qua ngày, những chiếc notes đầy dần và vào năm 1986, cuốn sách Forrest Gump ra đời.
Lúc đó, nó là một tác phẩm… flop. Toàn nước Mỹ chỉ bán được 30.000 bản và không để lại bất kỳ dấu ấn gì đặc biệt. Cuốn sách sau đó có được một số người cảm thấy tiềm năng và thử viết lại thành kịch bản nhưng có lẽ cốt truyện chưa quá sâu và đặc sắc, lại đậm nhiều chất văn hóa chính trị lịch sử dễ gây xung đột và quan điểm với nhiều người nên tất cả chỉ là những bản nháp cho vui. Forrest Gump lúc này là là một câu chuyện drama và khá tăm tối. Trong số những người quan tâm tình cờ tới cuốn sách có Wendy Finerman, một nhà sản xuất phim độc lập. Bà rất thích câu chuyện và thử biến nó thành một bản kịch bản với nhân vật Forrest Gump là một người bị hội chứng Savant, và gửi đi nhiều nơi, trong đó có cả những studio lớn như Warner Bros, nhưng chẳng bao giờ nhận được hồi đáp.
Kevin Johns – lúc này đang là người chuyên lọc và chọn kịch bản mỗi ngày để chọn ra tác phẩm nào có thể sản xuất cho hãng Warner Bros. Cũng giống như “a box of chocolates”, mỗi ngày ông sẽ có một cái hộp to đùng chứa đủ các cuốn kịch bản khác nhau và ông chỉ có thể nhắm mắt chọn đại mỗi ngày 2 cuốn để đọc và với số lượng kịch bản rất nhiều gửi về hàng ngày, đôi lúc vớ được một kịch bản hay đó là sự may mắn và còn phụ thuộc vào… tâm trạng và gu ngày hôm đó nữa. Kịch bản Forrest Gump chắc đã ở trong thùng nhiều năm rồi, và ngày hôm đó Kevin đã nhón tay lấy đại ra để đọc. Ngay lập tức, ông đã thấy trái tim mình rung động, ông đặc biệt thích tình tiết cậu bé Forrest “crush” cô bé Jenny thủa nhỏ. Ông nói cũng vào cùng thời gian đó khi ông còn là cậu bé, cũng đã có crush với một cô bé cùng trường như vậy. Cả tuổi thơ và thanh xuân bỗng ngập về thật nhiều cảm xúc!
Kevin rất hứng thú và rất muốn gửi lên cho sếp duyệt khám phá của mình mặc dù lúc này trong lòng ông vẫn cảm thấy có điều gì đó vẫn chưa ổn với kịch bản, nhưng ở đâu đó lấp lánh một câu chuyện cực kỳ thú vị, nhân văn và có gì đó đặc biệt rất khó tả. Ông và Wendy Finerman (người gửi kịch bản sang Warner Bros) rất hào hứng và rất nỗ lực để xin được cấp ngân sách làm phim. Tuy nhiên, “đen” sao, năm đó (1988), bộ phim Rainman do Dustin Hoffman thủ vai dựa trên câu chuyện có thật về Kim Peek, một thiên tài bị mắc hội chứng Savant, đã đoạt được nhiều giải thưởng trong đó có giải thưởng quan trọng nhất là giải Oscar. Forrest Gump chưa kịp thai nghén thì Warner Bros dẹp cái bẹp, với lý do: Một Rainman với tuýp nhân vật bị Savant Syndrome thế là quá đủ rồi, mà cũng làm sao mà vượt qua được Rainman nữa! Một lý do bị từ chối vô cùng lãng xẹt!
Một lần nữa, kịch bản phim quay trở lại vào trong cái hộp.
Tưởng như Forrest Gump sẽ mãi mãi nằm yên trong cái hộp đó thì một thời gian sau Kevin… chuyển chỗ làm. Ông đã chuyển từ Warner Bros đi sang làm cho Paramount. Sang vị trí mới và công ty mới, Kevin được lên chức giám đốc điều hành nên khả năng được thực hiện những tác phẩm ông mong muốn dễ dàng hơn. Forrest Gump vẫn quẩn quanh trong lòng, nên đây là lúc ông lại mở lại cái hộp và mang trở lại kịch bản lên trên bàn làm việc.
Wendy, cô producer say mê kịch bản Forrest Gump từ thủa ban đầu và là người đã luôn có niềm tin mãnh liệt với ý tưởng này lúc nào cũng vẫn tìm đủ mọi cách để có thể thực hiện được bộ phim. Lúc này, cô đang chuẩn bị sản xuất bộ phim Postman, với mong muốn Tom Hanks sẽ đóng vai chính và người chấp bút kịch bản là biên kịch vô cùng tài năng Eric Roth. Ai dè Kevin Costner nhảy vào tranh vai của Tom Hanks và cũng đẩy luôn đội của cô ra khỏi phim. Bộ ba tài năng Wendy, Tom Hanks và Eric Roth bỗng nhiên bơ vơ vì họ đang có biết bao điều muốn làm với nhau. Tuy nhiên Wendy không hề buồn, bởi vì cô nghĩ đó là lúc cô quay lại với Forrest Gump, thứ mà cô vẫn luôn đau đáu trong lòng như Kevin Johns.
Vì kịch bản hiện tại của Forrest Gump lúc này đang còn rất nhiều lợn cợn và có điều gì đó vẫn thấy “not right yet”, cô bèn thử hỏi biên kịch Eric Roth xem ông có hứng thú không, sẵn tiện vừa đang thất nghiệp vì bị thằng cha Kevin Costner đuổi việc. Ai dè chỉ lướt qua vài dòng của cuốn sách, vị biên kịch tài năng đã gật đầu cái rụp. Họ thì thầm với Tom Hanks, lúc này đã là một ngôi sao có tiếng, để góp một tiếng khi đem ý tưởng đi pitch cho ông chủ Paramount. Lúc này Tom Hanks cũng chưa hiểu đầu cua tai nheo của cái kịch bản tròn méo thế nào, chỉ được nghe hứa hẹn là “hay lắm, tuyệt vời lắm, anh đóng thì là đỉnh nhất rồi, thôi anh đồng ý giúp đi”. Thế là Tom Hanks cũng gật đầu giúp.
Kevin Johns dẫn bộ ba lên pitch với ông chủ Paramount. Họ hồi hộp lo lắng vì đã nhiều năm kịch bản bị đá qua đá lại như quả bóng và không ai quan tâm rồi, liệu lần này có Tom Hanks mọi việc có tốt hơn không? Tom Hanks thì không biết phải pitch vai diễn của mình thế nào vì còn chưa hiểu là kịch bản nói về cái gì. Họ xúi Tom: “Lên pitch cứ hài hước hết cỡ vào, hài bỏ mẹ thật lực vào”. Trong khi câu chuyện gốc lúc này vẫn là dark drama, chẳng có chút gì hài hước. Ấy vậy mà Tom Hanks đã làm cho ông chủ Paramount phấn khích đến nỗi: “OK, thế thì muốn khi nào quay?”. Mọi người bị choáng váng vì không ngờ lại dễ tới mức như thế, Wendy còn phải xua tay phanh vội: “Ôi ôi từ từ vì còn phải… viết kịch bản cái đã”.
Và thế là, được một cái đèn xanh bật lên cho tương lai của Forrest Gump. Eric Roth bắt đầu quá trình viết say mê của mình. Ông thay đổi rất nhiều câu chuyện gốc và chuyển đổi nhiều tình tiết, nhiều câu nói mà sau đó đã thành những phân đoạn và câu nói kinh điển. Trong truyện gốc, câu nói: “Being an idiot is no box of chocolates” (làm một kẻ khờ dại chẳng bao giờ là một món quà) đã được ông sửa lại thành: ““Life is like a box of chocolate, you never know what you’re gonna get”. Câu nói được nói bằng cái giọng deep south ngờ nghệch của Forrest lại nghe như một câu thơ, đã trở nên kinh điển vì gây xúc động không biết cho bao nhiêu con người, vì cuộc đời là những ngã rẽ khó lường, những điều bạn sẽ chẳng bao giờ ngờ tới, nhưng mà đó mới chính là cuộc đời. Mẹ Eric cũng hay có câu nói: “Handsome is as handsome does” , ông bèn đem câu đó vào kịch bản thành: “Stupid is as stupid does”. Câu nói này có nghĩa rằng đừng phán xét một người dựa trên vẻ bề ngoài, mà bằng hành động của người đó, nó được đổi thành “stupid” và được thốt lên từ miệng một cậu bé bị coi là “stupid” mà nghe chẳng stupid một chút nào, nó thể hiện một sự chân thành và chính xác đến tột độ ý nghĩa của câu nói, mà không phải cần thêm bất cứ sự diễn giải dài dòng nào. Khi viết lại kịch bản, Tom Hanks đã được định sẵn là Forrest Gump, nên Eric đã có sẵn một hình mẫu để phát triển nhân vật. Có thể nói, nhân vật Forrest sinh ra là để dành cho Tom Hanks, từ thủa ban đầu!
Sau nhiều tháng chỉnh sửa để cảm thấy khi nào nó bớt “sai sai” thì thôi, tưởng sắp bắt đầu bấm máy được rồi. Ai dè kịch bản gần xong thì anh chủ Paramount… nghỉ việc, chuyển qua một chị chủ mới: Sherry Lansing. Mọi người lại run cầm cập vì không biết chị chủ mới có chịu không, vì lại phải pitch lại từ đầu, mà mới là rất hay bị ghét cũ. Chị Sherry Lansing, chủ mới của Paramount lại còn nổi tiếng là đỏng đảnh và khó chiều!
Tuy nhiên, có lẽ vì kịch bản mới quá xuất sắc nên chị Sherry đã thông qua cho ngân sách 55 triệu đô. Tuy không phải là cao lắm như mong ước (vì câu chuyện nhiều yếu tố lịch sử nên chắc chắn khá tốn kém). Mọi người vẫn hỉ hả hạnh phúc vì cuộc cách mạng này!
Nhưng tới giờ lại đau đầu để tìm diễn viên và… đạo diễn. Đội Kevin và Wendy rất thích Robert Zemeckis, một đạo diễn nổi tiếng là hơi điên điên và khác người nhưng lại sẵn sàng làm những điều gì mới mẻ. Nhưng với budget này thì e rằng hơi khó vì lúc này Robert đang khá high profile. Nghĩ sao budget vậy mà mời đạo diễn của Back to the Future? (bộ phim kinh điển gây địa chấn và đi qua hết tuổi thơ của 8x, 9x). Rồi họ không thấy ai hợp đóng vai mẹ Forrest hơn là Sally Field, mà phim nào trước đó Tom Hanks và Sally vừa đóng vai… tình nhân hôn nhau đắm đuối xong, giờ đóng vai mẹ con quả thật kỳ hơn cả lạ kỳ. Thích mà lại còn ít tiền nhưng mà vì thích nên cứ… nhích. Ấy vậy mà còn chưa kịp hỏi giá các anh chị bao nhiêu, Robert Zemekis đồng ý không cần chớp mắt, có lẽ gặp đúng người điên tài năng level cao nên đã ngay lập tức nhìn ra được sự tiềm năng và một thế giới bao la để thể hiện ở cái kịch bản. Sally thì cũng không thành vấn đề, phim trước hôn môi thì thôi phim này hôn… trán cũng được, vai diễn hay thế này có điên mà từ chối!
Nhưng rồi nghĩ là vị trí khó nhất tìm được hết rồi mà gần đến ngày quay vai tưởng không đến nỗi nhất là vai Forrest lúc bé lại vẫn… chưa tìm ra. Forrest không phải là một nhân vật bình thường, đó là một đứa bé bị ngớ ngẩn, ngây ngô. Kiếm một đứa trẻ con đủ tinh tế và khôn ngoan để đóng ngây ngô ư? Quá khó, vì ngây ngô là ở cái thần thái. Nhưng ngây ngô thật thì khó mà… đóng phim được. Đoàn như nước sôi lửa bỏng vì tìm hoài không ra mà ngày quay đã sắp cận kề!
Lúc này, ở miền quê xa xôi ở Mississippi: Michael Conner, một cậu bé nhà quê đang ngồi trước cửa nhà thì được mẹ gọi ra đọc cho một mẩu tin quảng cáo tìm diễn viên. Sẵn tiện cũng chẳng có việc gì làm lại chưa được đi máy bay bao giờ, cậu bé nhà quê tò tò đi theo mẹ tới Memphis để cast.. Vừa bước chân vào phòng cast, về ngây ngô ngớ ngẩn thuần túy, chưa từng diễn xuất và cái giọng nhà quê miền nam đặc sệt của Michael đã khiến casting director đứng bật dậy suýt khóc. “Thằng bé Forrest Gump đây rồi”, mọi người vui mừng rớt nước mắt.
Câu chuyện thú vị về Michael đó là cậu bé ngây ngô có “thần thái” luôn chứ không cần phải cố diễn mà ra. Nhưng ngây ngô lại vừa đủ mang lại sự tự nhiên thuần túy phù hợp với vai diễn chứ không phải là của một diễn viên không biết diễn (cho dù Michael chưa từng diễn xuất bao giờ). Chính vì những biểu cảm ngớ ngẩn thuần túy đáng yêu chân thành ấy, và đặc biệt cái giọng miền nam nhà quê đặc sệt ấy đã khiến cả Robert và Tom vô cùng được inspired và thích thú.
Ban đầu, Tom Hanks vốn dĩ sẽ không hề có cái giọng nói nhà quê rằn rặt đó mà sẽ theo lẽ thường tình nói với cái giọng “quốc ngữ” dễ nghe nhất. Nhưng khi gặp được Michael, anh quyết định học theo từ giọng nói đến mọi cử chỉ, dáng vẻ ngây ngô của cậu bé. Tom quan sát Michael cực kỹ lưỡng, luôn tự hỏi với dáng vẻ này khi Forrest lớn lên thì sẽ thế nào. Và có thể nói, sự xuất hiện của Michael đã làm nên cá tính và hình bóng nhân vật xuất sắc của Forrest khi lớn lên, và trở thành một vai diễn iconic để đời cho Hanks và là thứ làm nên linh hồn cho bộ phim. Nếu không phải có những vị đạo diễn tinh tế và những diễn viên tài năng xuất chúng như Tom, có lẽ chưa chắc đã có được những sự thay đổi kỳ diệu như thế.
Bộ phim cũng góp phần phát hiện ra một tài năng kinh điển, đó là việc tìm ra được Haley Joel Osment, cậu bé đóng vai con trai của Forrest. Chỉ không lâu sau đó, Haley tỏa sáng trong The Sixth Sense và là diễn viên trẻ thử hai trong lịch sử được đề cử giải Oscar (người trẻ nhất là Tatum O’Neal, đoạt giải năm 10 tuổi). Việc phát hiện ra Haley cũng rất tình cờ. Đó là khi cô casting director đang nằm nghỉ ở khách sạn và xem được một mẩu quảng cáo Pizza Hut mà Haley xuất hiện chưa tới một giây!
Cuộc đời nó cứ khó lường như hộp socola vậy đó!
2. Và cơn điên của người đạo diễn… against all odds to make a masterpiece!
Với một budget có 55 triệu đô, mà bối cảnh câu chuyện lại trải dài qua nhiều thập kỷ, lại đúng thời kỳ lịch sử biến động, diễn viên quần chúng lại vô cùng đông đúc. Bài toán đau đầu với đội Production Designers và đội sản xuất. Cuối cùng, họ tìm được một địa điểm lý tưởng nhất ở Beaufort, South Carolina để quay phim. Nơi đây có đủ khung cảnh của một vùng nhà quê Alabama, nhưng vẫn có cánh đồng, mấy cây dừa cậy cọ để làm… Việt Nam. Thế là kế hoạch là nửa phố bên này là nhà của Forrest Gump, phía xa xa khu rừng để cho Forrest chạy, còn bên kia đường có cánh đồng ngô thì để làm… Việt Nam. Thật là tiện lợi!
Rồi, lại như những viên socola khó lường. Cứ ngỡ sau gần một thập kỷ, bộ phim đã có thể bắt đầu quay, thì bỗng nhiên chị Sherry, giám đốc của Paramount bị một cơn panic attack sau khi… đọc lại kịch bản và lên cơn kẹt xỉ. Chị gọi điện cho đoàn và đòi cắt giảm ngân sách xuống hẳn… 10 triệu đô. Nghĩa là lúc này chỉ còn có 45 triệu đô. Nghĩ sao 45 triệu đô mà quay được cả mấy thập kỷ, sang Việt Nam, tới Washington, về lại Alabama, gặp Elvis, gặp Kennedy, gặp John Lennon…? Sherry bảo, bọn mày rườm rà quá, bỏ hết cái trại tôm với cửa hàng bán tôm đi, bỏ hết Việt Nam, đi, bỏ hết các cảnh chạy đi, bỏ hết, bỏ hết…
Bỏ hết, bỏ hết cho người, nên bỏ luôn cả mắt môi nụ cười của đạo diễn. Robert Zemeckis, đạo diễn lúc này tức lòi mắt, hơn ai hết, một bộ phim mà phải bỏ đi bao nhiêu tình tiết và tâm huyết như vậy thì cái phim còn cái mẹ gì? Producer với đạo diễn hay bị lệch nhau là vì thế. Producer vốn chỉ nghĩ tới việc làm sao tiết kiệm tiền tốt nhất có thể, còn đạo diễn thì đã có đầy đủ những lý do và ý tưởng trong đầu họ để biết những gì là cần thiết cho giá trị nghệ thuật và ý nghĩa của tác phẩm. Mà hai bên không hiểu được nhau, thì đó luôn là một thảm họa.
Rob nhất định không chịu thương lượng. Quá tức giận, Sherry bảo, giảm 10 triệu đô, hoặc là khỏi làm phim!
Thế là động vào máu điên của anh. Rob bảo, đã thế… tao và Tom bỏ tiền túi của tao bù vào quay đấy cho sáng mắt ra!
Và sau những trận đánh nhau tòe mỏ vậy, thì phim cuối cùng cũng… được quay!
Nhưng tiền chưa phải là vấn đề đau đầu nhất với Producer. Buổi quay đầu tiên với Tom Hanks, khi anh cất cái giọng deep south quê mùa nhừa nhựa hiếm khó có tìm trước giờ trên màn ảnh như vậy lên và những thước phim này được gửi về cho chị Sherry duyệt thì chị lại tiếp tục tăng xông. Chị lăn ra giãy đành đạch và nói Tom không thể nào lại đi nói cái giọng quê mùa như thế lên phim được. Lên phim là phải đẹp phải thơ chứ ai lại nói cái giọng lờ nờ iem như thế được? Chị bảo không được là không được.
Đạo diễn xông cũng theo lên cùng chị và gào lên: “Bố cứ làm đấy, kệ mẹ bọn mày”. Nguyên văn của anh là: “Fuck the studio” (Studio chính là Paramount của chị Sherry).
Và thế là anh cứ quay như thế đấy, chị cũng trót bỏ tiền rồi, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời thôi. Robert là đạo diễn nổi tiếng khác người và khó tính, máu điên lúc nào cũng hừng hực. Đôi lúc mọi người làm việc theo mà cũng khó lường và cũng không chắc những thứ khác người và quá mới, ý tưởng quái dị và không theo lẽ thường tình ấy của ông có “work” hay không? Họ chỉ biết làm và chờ đợi xem kết quả là như thế nào. Đôi lúc đạo diễn cũng “bay” quá mà đoàn thì ai cũng sợ, ông đứng ra chỉ chỏ yêu cầu một hồi, cả đoàn gật đầu lia lịa ra vẻ hiểu lắm ok lắm, mà đạo diễn vừa khuất dạng là cả crew xúm vào mặt xanh lét: “Ủa, thế giờ… phải làm thế nào?”
Vì ít tiền nên một số cảnh quay sẽ chỉ thực hiện được một lần duy nhất mà thôi. Ví dụ cảnh quay bom Napalm nổ tại Việt Nam. Tài chính sẽ chỉ cho thực hiện một cú nổ duy nhất (nổ thật, vì lúc này chưa phải là thời của digital effect). Tất cả từng cái cây ngọn cỏ nổ cũng phải đúng vị trí chắc chắn. Diễn viên tập chay tập đi tập lại đến mệt nhoài, DP căng thẳng rải thảm máy quay khắp các góc để đảm bảo không được góc này thì phải được góc khác. Mọi người căng thẳng tột độ. Và rồi khoảnh khắc quyết định nổ bom cũng xong, lúc này mọi người mới phát hiện ra… không thấy đạo diễn đâu. Thì ra vì quá lo sợ 1 take không thể ăn đủ với một perfectionist và người đòi hỏi như Robert, ông í đã trốn tiệt đi một góc ngồi… nhắm mắt!
Và vì đạo diễn quá khó tính, khác người, perfectionist, mà tiền thì… ít nên cả crew lẫn Producer ở nhà luôn trong tình trạng căng não đầu bù tóc rối. Thế rồi vì không yên tâm, họ cử giám sát tới đoàn phim chỉ để kiểm soát độ “bay” và phần chi tiêu tài chính của đoàn. Michelle Manning, người được cử tới giám sát, sau này kể lại, bà bị ghét tới cùng cực chỉ vì cứ lởn vởn xung quanh đoàn phim. Chắc ai on set cũng hiểu cái cảm giác ngồi quay phim mà sản xuất hay… chủ nhà cứ ngồi đấy nhìn mình chằm chằm thì không có thoải mái làm được cái việc gì hết. Michelle bị ghét như tội phạm ghét… cảnh sát. Bà cứ lởn vởn gần chỗ đạo diễn làm việc là bị đạo diễn chửi và đuổi, nhiều lúc thấy mà nhục. Bà kể lại, có lần, cả đoàn đang ngồi ăn trong quán ăn, bà ăn lủi thủi một góc ngồi… ngó, bị đạo diễn nhìn thấy. Thế là ông lao ra chửi và đuổi, cả đoàn phim nghển cổ lên nhìn khiến bà không có chỗ mà chui.
Nhưng điều đáng yêu là… dù bị buộc theo lệnh sếp đi giám sát đoàn phim thế thôi nhưng trong lòng thì bà rất mê kịch bản phim và luôn ngấm ngầm thông đồng và giả điếc cho những lần “vi phạm” của đoàn.
Khi bộ phim đi vào phần kết, chỉ còn một sequence duy nhất để hoàn thiện nữa thôi, đó là sequence chạy vòng quanh nước Mỹ. Lúc này thì tiền cũng đã hết bố nó rồi. Sherry đương nhiên nói rằng sẽ không thể thông qua bất cứ đồng nào cho cảnh quay này và cương quyết loại bỏ sequence này. Một lần nữa, Rob lại bảo: “Fuck the studio”, và Michelle, cũng lại giả vờ giả điếc và thông đồng với đoàn để quay bí mật không để sếp biết. Tiến độ quay rất gấp rút vì phải đi khắp nước Mỹ. Có ngày phải bay 2 lần tới hai bang khác nhau, mượn cả em trai của Tom làm diễn viên đóng thế quay nơi khác cho kịp thời gian. Quay được gần xong còn mỗi cảnh kinh điển cuối cùng thôi thì… Sherry phát hiện ra. Thế là xông chị lại tăng vọt lên trời. Mà cảnh chạy cuối này phải là cảnh chạy ở Monument Valley (Utah) hoành tráng thì mới chịu, giữa sa mạc bao la rộng lớn cùng đoàn extras hàng chục con người, vô cùng tốn kém. Chị nghẹn lời bảo thế mày quay đại ở cái góc sa mạc nào ở California được không? Ủa sao mà được ????, hãy nhìn vẻ đẹp của Monument Valley đi, làm sao mà lấy đại trứng cá chép để thay cho trứng cá hồi được? Robert lại bảo, bố tự bỏ tiền bố quay. Và chỉ riêng cái cảnh chạy cuối này thôi mà đạo diễn và diễn viên chính lại phải móc ra hơn nửa triệu đô để hoàn thiện!.
Và độ điên của đạo diễn nó chưa dừng tại đây. Tới giờ, sau khi quay xong là tới đoạn… hậu kỳ. Nhớ rằng lúc này là before digital, chưa có kỹ thuật công nghệ nhiều cho điện ảnh và khái niệm tấm màn xanh còn vô cùng mới mẻ. Bộ phim chẳng có người ngoài hành tinh, siêu anh hùng hay quái vật gì cả mà lại cần hơi bị nhiều kỹ xảo. Khi quay, Robert luôn quay theo kiểu… cứ quay đi rồi tính. “Fix it in post”. Nhưng mà có lẽ vì điên thế thì mới nảy sinh ra các giải pháp phục vụ cho cái điên của anh và sau đấy chúng lại thành cuộc cách mạng công nghệ cho hậu kỳ điện ảnh. Hình ảnh anh trung úy Dan bị mất đôi chân sử dụng tấm màn xanh được làm mượt và thật đến nỗi khi phim phát hành xong câu hỏi được hỏi nhiều nhất là Gary (diễn viên đóng vai Trung úy Dan) có mất chân thật không? Rồi những cảnh bắt tay bắt chân với các vị tổng thống, biểu diễn cùng Elvis… được làm nuột và đẹp tới mức bộ phim đã được đoạt giải Oscar cho phần kỹ xảo. Mà lúc này, mọi thử nghiệm này đều là còn ở thủa sơ khai và thí nghiệm. Thế nhưng Robert đã làm được bằng cái sự điên và niềm tin mãnh liệt của mình.
Với một budget thấp và phải tự bỏ tiền túi ra, vậy mà soundtrack của Forrest Gump lại là soundtrack được coi là đỉnh nhất trong mọi thời đại. Lý do là lúc đó khi dựng phim, ý tưởng của Rob là muốn feature được toàn bộ những bài hit kinh điển nhất của nước Mỹ và chỉ của người Mỹ ở trong phim. Nhưng mà… tiền đâu ra mà mua bản quyền? Sherry thì nhất định là không rồi. Thế là Rob nói với chú dựng, ông cứ ném hết những bài đấy vào phim cho tôi, cứ dựng xong ra cái bản nháp đi, rồi gửi cho họ, họ chịu ưng bản nào cũng là tốt rồi! Chú dựng thì lại thích quá, được mời như cởi tấm lòng, cứ toàn những bài hay nhất, high profile nhất chú ném vào, và kết quả là chú ném tới hơn 30 bài hát kinh điển vào một bộ phim, thử hỏi chứ… ai mà mua nổi cho đủ?
Ấy nhưng lần nữa, cuộc đời là một hộp sô cô la… khi sếp xem xong bản dựng đầu tiên, sếp đã khóc tu tu và thôi sếp… mua hết toàn bộ số nhạc đó luôn, thậm chí có bản còn được gửi tặng vì nhạc của họ vào phim khiến họ còn cảm thấy như là một vinh hạnh nữa đó. Kết quả dẫn tới là bộ phim “nghèo” mà lại có được soundtrack hoành tráng vĩ đại nhất trong tất cả các soundtrack phim từ trước tới giờ!
Và rồi…
Bộ phim sau đó đã đứng thứ ba về doanh thu trong lịch sử các phim ăn khách nhất thời bây giờ. Robert và Tom mỗi người bỏ túi hơn 60 triệu đô, bõ công đầu tư lúc ban đầu. Nhưng hơn cả, những cơn mưa giải thưởng danh giá nhất trút xuống. Lần thứ hai liên tiếp trong hai năm, Tom Hanks đoạt thêm giải Oscar (năm trước vì AIDS mà được Oscar cho “Philadelphia” thì năm nay vì ngớ ngẩn mà cũng lại được Oscar), có lẽ Tom Hank là người ngán nhận được giải Oscar nhất trong các diễn viên vì ông nhận được quá nhiều!
Forrest Gump ra đời, mang lại một cơn địa chấn trong lòng khán giả Mỹ và cả thế giới. Đó là bộ phim mà ai yêu vô cùng yêu mà ai không thích thì cũng… vô cùng không thích. Chúng kể lại cả một thời thanh xuân và cả một thời kỳ lịch sử đầy biến động của nước Mỹ, tất cả được thu gọn lại qua cuộc đời của một anh chàng Forrest Gump ngớ ngẩn. Yêu hay ghét nó, còn cả phụ thuộc vào thời điểm bạn xem nó. Như Tom Hanks từng nói trong lần kỉ niệm 25 năm tuổi của Forrest Gump: “Đó là một bộ phim điên rồ, độc nhất vô nhị không còn gì phải bàn cãi. Đó là một bộ phim mà những khoảnh khắc ý nghĩa nhất có hợp lý hay không đều phụ thuộc vào thời điểm bạn xem nó”. Câu chuyện của Forrest Gump nó phong phú tới mức mỗi một thời kỳ, một giai đoạn, mỗi người xem sẽ cảm thấy những thông điệp, quan điểm khác nhau, các thế hệ cũng cảm nhận khác nhau và lúc nào cũng luôn tìm ra được mọi điều thú vị hay ý nghĩa, cảm xúc trong từng câu nói, phân cảnh hay một khuôn hình của bộ phim.
Bộ phim mang đặc sệt chất Mỹ, văn hóa Mỹ, con người Mỹ, lịch sử Mỹ. Nhưng điều tài giỏi của biên kịch, người đạo diễn, người dựng phim và tất cả những ai làm ra bộ phim đó: đó là đã tóm gọn lại tất cả những yếu tố ấy trong cuộc đời một nhật vật, mà lại còn là một nhân vật khác người. Nhưng nó lại chạm đến trái tim và lòng yêu nước, kỉ niệm thanh xuân của biết bao nhiêu thế hệ đã trải qua những khoảng thời gian lịch sử ấy. Và điều tài giỏi hơn nữa, nó đem văn hóa, lịch sử, con người Mỹ ra cả thế giới, từ local ra universal, để ai cũng hiểu câu chuyện, chứ không phải chỉ là người Mỹ bạn mới hiểu được những câu chuyện và triết lý trong đó. Đó có thể nói chính là đỉnh cao của một nhà làm phim và không phải ai cũng có thể đủ tinh tế mà làm được!
Gary Sinise, diễn viên đóng vai Trung úy Dan bị cụt chân trong phim. Cho dù đã không đoạt được giải Oscar cho vai diễn của mình, nhưng vai diễn lại mang về cho ông những điều ý nghĩa còn hơn cả thế. Hiệp hội cựu chiến binh đã mời Gary tới diễn thuyết với mục đích ủng hộ, hỗ trợ và truyền cảm hứng cho những cựu chiến binh đã chiến đấu và hy sinh một phần cuộc đời và thân thể họ để bảo vệ tổ quốc. Buổi gặp gỡ đã xúc động và ý nghĩa đến nỗi từ sau đó ông đã lập ra Gary Sinise Foundation, quỹ ủng hộ những cựu chiến binh đã chiến đấu vì đất nước và mang lại rất nhiều sự giúp đỡ tích cực và tài chính lẫn tâm lý cho họ. Với Gary, đó là điều ý nghĩa nhất mà vai diễn đã mang lại cho cuộc đời ông!
Bộ phim này thành công được tới mức như vậy là do có sự tổng hòa của những tài năng kiệt xuất may mắn được tụ lại với nhau. Thiếu bất cứ một nhân tố gì cũng chưa chắc có thể làm ra được một tác phẩm xuất chúng như vậy. Nếu không phải là một biên kịch quá tài giỏi, hiểu biết, làm sao có thể cải tạo ra được một nhân vật thú vị tới như vậy? Nếu không phải những producers có lòng tin tuyệt đời và kiên trì cả chục năm trời kiên quyết tìm đường đi cho Forrest Gump thì làm sao bộ phim có cơ hội được quay? Nếu không phải một Tom Hanks quá tài năng, tinh tế thì làm sao mang đến một Forrest Gump kinh điển trong lịch sử điện ảnh tới như vậy? Nếu không phải là một đạo diễn vừa điên, vừa kiên quyết, vừa đầy tự tin để against all odds kiên quyết thực hiện được tới cùng ý tưởng của mình thì làm sao bộ phim có thể sẽ chỉn chu tới được mức như thế? Nếu không phải là những nhà dựng phim và kỹ xảo quá xuất sắc, sẵn sàng làm thử cái mới thì sao có ra được những thước phim lịch sử như vậy? Và cuối cùng, cả một đoàn phim cũng sẵn sàng điên theo đạo diễn và có lòng tin tuyệt đối với đạo diễn, thì bộ phim mới có thể hoàn thiện. Thiếu đi bất cứ những nhân tố gì đều khiến cho bộ phim khó lòng mà hoàn hảo. Thế nên một bộ phim vĩ đại vẫn phải từ những cá nhân và cả một tập thể xuất sắc kết hợp. Cá nhân xuất sắc là người có thể dẫn dắt được cả một tập thể đấy cùng những người bạn đồng hành tài giỏi và chung chí hướng với mình!
Mặc dù bộ phim gặp phải vô vàn khó khăn, nhưng dường như cách sắp xếp của vũ trụ là tạo ra những khó khăn ấy là để chọn lọc ra được những cá nhân xuất sắc ấy được đến bên nhau, và những chướng ngại vật chỉ để tăng thêm tính sáng tạo và sự quyết tâm để họ chứng minh bản thân và tài năng của họ được tỏa sáng.
Thế nên, câu chuyện về hành trình để Forrest Gump ra đời là một câu chuyện mà khiến tớ thấy xúc động vô cùng khi được nghe kể lại. Nó là một câu chuyện vô cùng inspiring, encouraging với những người đang trên bước đường sự nghiệp làm phim như mình. Ai những thủa ban đầu, trừ khi quá may mắn vì có điều kiện về kinh tế, mối quan hệ, cơ hội… mà sẽ chẳng phải trải qua những chuyện bị từ chối, bị nghi ngờ khả năng, bị bế tắc, bị đổ bể khi mong muốn được thực hiện những tác phẩm của mình. Nếu vẫn còn bị từ chối thì cũng chưa chắc là vì bạn quá kém, ý tưởng của bạn quá tệ, tác phẩm của bạn chưa quá hay, có thể là vì bạn vẫn chưa đủ may để gặp được người nhìn ra bạn, chưa may mắn để tìm được những người bạn đồng hành ưng ý với bạn. Làm phim là một nghề vất vả và phải rất kiên trì về ý chí, phụ thuộc vào may mắn, nên điều đáng sợ là nếu bị chột ý chí thì rất dễ buông xuôi. Đương nhiên nếu làm để tồn tại và để cho vui là một chuyện, nhưng làm phim vì bạn nghĩ bạn có khả năng, bạn muốn được kể lại những câu chuyện của mình bằng sự say mê và tài năng của mình, kiên trì theo đường đã chọn, tin vào bản thân mình, thì đó là một câu chuyện hoàn toàn khác, bạn sẽ rất sợ discouragement. Phải vững tin, tin vào bản thân mình, kiên trì, kiên trì, và kiên trì! Có thể vũ trụ sẽ có một kế hoạch dành riêng cho bạn!
Mọi sự thành công vĩ đại đều không phải lúc nào cũng là một con đường trải đầy hoa hồng!
Nếu một tác phẩm vĩ đại như Forrest Gump (và rất nhiều tác phẩm kinh điển khác như Home Alone, Pretty Woman, Back to the future, the God Father…) đều đã từng bị xếp xó, bị từ chối, bị nghi ngờ, bị từng bỏ quên… thì cuộc đời này chắc chắn sẽ luôn có cơ hội cho bất kỳ ai, chỉ là bạn sẽ phải kiên trì và chờ… may mắn thôi, nothing is the end of the world!
Ảnh: Cảnh chạy cuối của Forrest Gump ở Monument Valley, Utah, tốn tới hơi nửa triệu đô của đạo diễn Robert Zemekis và Tom Hanks.
Bổ sung nguồn thông tin: Thông tin của câu chuyện hậu trường phim là từ series phim tài liệu “The movies that made us” về những bộ phim Mỹ thanh xuân kinh điển 7x,8x, 9x trên Netflix mọi người nhé!