Posts in nhatky
#528: Buổi đầu tiên ăn ốc của Tun
Nói là làm, bảo dẫn Tun đi ăn ốc là phải đi ăn ốc ngay.
Hóa ra hôm nay là buổi ăn ốc luộc đầu đời của cháu. May quá có cô Kin kịp cập nhật những thú vui tuổi teen (theo kiểu thời các cô) cho cháu :)). Chắc cô còn cập nhật thêm nhiều 😀
Đó là một quán ốc nằm trong cái ngõ Trung Liệt bé xíu chỉ vừa hai cái xe máy tránh nhau. Mặt trước thì bé nhưng lại có cái sân sau nhà khá rộng. Trên tường của quán có những bài báo, câu chuyện nho nhỏ. Bác bán ốc, tóc bạc loe hoe, mặc quần đùi áo may ô kẻ ngồi xem diu tub trước cửa nhà. Ai mà dừng trước mặt bác là bác hỏi: “Mấy bát?”.
Chưa ăn ốc bao giờ nên tay cháu khều ốc run lẩy bẩy trong khi tay cô đã thành nghệ nhân. Cô khều được 10 con ốc cháu vẫn đang loay hoay móc chưa xong một con. Cô liên tục hỏi ngon không, nước chấm phải cho sả, ớt, gừng, quất vào thế này thế này. Cháu gật lia lịa, cháu ít nói nhưng cô mặc định rằng cháu thích :)). Món này ngon thế mà sao cháu có thể không thích được :)). Thế nào con gái Hà Nội mà giờ mới biết ăn ốc luộc là lào????
Mà mình cũng 0 nhớ ra ngày xưa mình được ăn ốc luộc thế nào nhỉ, chỉ nhớ được ăn từ bé. Tiềm thức luôn là những quán ốc vỉa hè, đầu ngõ, ven đường, chỉ có mỗi món ốc luộc thôi mà lúc nào cũng thòm thèm, ngày nào ăn cũng được.
Trong lúc ngồi nhìn cháu nó loay hoay khều ốc thì nhìn lên tường nhà. Bỗng chợt nhìn thấy cái ảnh bác bán ốc kéo đàn violon. Mà cái dáng kéo đàn này, cái ngón tay này nhìn biết luôn là người chơi đàn xịn chứ không phải làm màu. Nhìn sang một góc khác thấy có bài giới thiệu tường tận về một nghệ sĩ violin bán ốc. Thế là mình ồ lên, thì ra quái nhân ngồi bán ốc chứ đùa à. Đoạn, mình bèn quay lại định hỏi bác thì thấy bác đang cầm cái ca nước và cái bàn chải đánh răng đứng ra trước cửa… đánh răng. Ủa, mới 8 rưỡi, ốc bán chưa xong đã sắp đi ngủ rồi á?
Bác đánh răng xong đi vào, khách vẫn vào, bác hét lên: “To nữa đê” (1 bát ốc to nữa cho khách).
Rồi mình gọi bác khiến bác giật mình:
“Bác Sỹ”. (là tên bác trong bài báo trên tường mình đã kịp đọc :))
Bác:
!!!!????
Mình:
“Bác kéo vi ô lông hả?”
Và dường như chắc bác chờ đợi lâu lắm rồi để có người hỏi, bác đi thẳng vào vấn đề luôn:
“Đây, để tôi vào lấy đàn kéo cho mấy bài”.
Còn chưa kịp nói gì cả :)).
Và bất chấp khách vẫn vào bác bỏ đấy để đi lấy đàn luôn và ngay. 3 phút sau bác quay lại với cái đàn trên tay. Vừa mở đàn vừa kể say sưa chuyện ngày xưa có cái đàn 200 đồng (trên cái hình dán trên tường) mà bị khách ăn ốc vào đá vào rớt một miếng hỏng đàn, giờ phải chơi cái đàn rẻ tiền có 2 triệu.
Cái đàn cũ 200 đồng mà mua vào năm 75. Bác tính lúc đó 2 hào một bát ốc. 1 đồng được 5 bát ốc. Thế tưởng tượng xem 200 đồng thì là bao nhiêu bát ốc cho một cái đàn violin? Đấy, cứ thế mà tính xem. Mình giờ chưa tính ra 😀, nhưng đàn thế là đắt tiền là chắc rồi :)).
Bác bảo bác đàn toàn mùa xuân nhé. Đầu tiên là Mùa xuân đầu tiên, rồi đến Làng lúa làng hoa. Mặc dù đang ăn ốc nhưng mình cũng ngưng hết để ngồi nghe và quay lại. Chị Hoa bảo: “Bạn này mà quay là về bạn review quán ốc của bác hay lắm đấy”. Bác bảo: “Ôi xồi cần gì đầy người review rồi”. Mình bảo: “Cháu quay vì cháu yêu nghệ sĩ thôi ạ”.
Bác bảo, nghệ sĩ tới đây ăn đông lắm. Thế rồi, bác mở điện thoại ra khoe: Đây, hôm nọ nhạc sĩ Giáng Son còn tới đây ăn đây này. Trong ảnh thấy chị Son đi ăn với bao nhiêu là anh. Thì ra chị đó đã đi ăn ốc mảnh mà không hề rủ tôi.
Rồi nhân tiện nói chuyện nghệ sĩ, tôi buột mồm hỏi:
“Thế bác có biết ban nhạc Bức Tường không?”
Mắt bác sáng rực
“Ôi sao không biết, tôi thích thằng Trần Lập cực kỳ luôn. Thích lắm”.
Thế là mình chỉ vào chị Hoa và Tun:
“Thế đây là vợ anh Lập và đây là con gái anh Lập này”
Thế là bác bật dậy nói lắp bắp:
“Ôi tôi thích cái bài, cái bài, cái bài, cái bài, cái bài, cái bài, cái bài, cái bài…. cái bài gì mà trèo trèo í nhỉ”
Một thanh niên gần đó khi nghe thấy Trần Lập cũng đã xôn xao nãy giờ, vội bắt sóng quay lại đỡ lời cho bác:
“Bài, bài Đường lên đỉnh Olympia đấy”
“Ờ ờ đấy đấy”.
Cháu Tun cũng tũn ra xem bài Olympia là bài nào. Hình như bài đó bố cháu chưa kịp sáng tác!
Tôi liếc liếc phím lại cho bác:
“Đường đến ngày vinh quang” ạ.
Và từ lúc đấy, bác ngồi say sưa kể chuyện về rừng cây, đời người cho mấy chị em cô cháu được nghe. Không quên xin được chụp chung tấm hình với hai mẹ con. Thanh niên Olympia nhanh chóng làm thợ ảnh. Bác nhắc nhở là nhớ chụp bán thân đừng lấy quần đùi của bác.
Bác vừa kéo đàn, vừa say sưa kể chuyện nghệ thuật. Tuy nhiên, khách vừa đứng dậy bảo tính tiền cho cháu là bác đổi tông tính tiền nhanh hơn Ây Ai. Giữa các câu chuyện nghệ thuật của một thời oanh liệt luôn kèm theo một đoạn rap: “1 nem 1 to 1 nhỏ 1 đĩa xoài củ đậu…”
Tun buổi ăn ốc đầu đời mà lại có trải nghiệm hơn hẳn người thường thế này. Có ai vừa được ăn ốc luộc vừa được nghe vi ô lông bao giờ không ạ? Lúc về có hỏi Tun thấy vui không. Tun gật đầu vui lắm. “Con cũng bất ngờ ghê, vì khi nhắc đến bố, từ người già đến người trẻ ai cũng biết và dành nhiều tình cảm yêu quý cho bố như thế”.
Có lẽ những người mới tới ăn ốc thì 100 người khả năng 99 rưỡi không ai để ý những gì dán trên tường ấy. Cũng chỉ biết một ông bán ốc quần đùi áo may ô hét rất to đón khách tính tiền rất nhanh ngồi cửa. Nhưng công nhận, chỉ để ý một chút xíu thôi, là phát hiện ra bao điều kỳ thú của cuộc sống rồi. Cũng có thể mình bệnh nghề nghiệp, làm phim là phải nhạy cảm với cuộc sống này!
Nhưng chắc bác cũng nổi tiếng cả xóm này rồi!
Và cuối cùng mình xin nói rằng ốc nhà bác hơi bị ngon. Không dưng nằm trong cái ngõ bé xíu này mà người ta cũng phải mất công mà đi tới. Như nghệ sĩ Giáng Son còn biết mà đi ăn mảnh không rủ mình cơ mà? Mình cũng đành phải đi ăn mảnh lại thôi!!!
Đấy, Hà Nội cái kiểu của mình nó đáng yêu như thế á! Nhưng phải biết cách và phải đi với đúng người :)).
#nhatkyhakin
#nhatkyhanoi
#hakindiary
#nhatkydoitao
#527: Bệnh viện tâm thần ở Athens, Ohio
#526: Trời nồm đi ăn trứng ngải cứu thôi
#525: Răng vổ đấy thì sao?
#524: Nhân dịp xem mấy phim Việt đầu năm
Nói chung để nhận xét về phim Việt thì mình nên xét nó hay hay dở dựa trên mặt bằng và trình độ phim Việt chứ nếu so sánh với các nền điện ảnh phát triển thì có lẽ cũng không fair lắm, vì để xét phim đó hay hay dở cũng còn phụ thuộc vào trình độ của cả một nền công nghiệp phim, nền kiểm duyệt phim, budget và có một điều quan trọng mà mọi người hay quên mất đó là gu và trình độ thưởng thức của khán giả. Mà khán giả thì lại rất nhiều đối tượng khác nhau. Đối tượng trí thức, đối tượng lao động, đối tượng trẻ tuổi học sinh sinh viên… Mà nói gì thì nói cả mấy điều kiện trên chúng ta đều chưa đồng đều và đều chưa ở mức độ cao so với những nơi có nền điện ảnh phát triển. Nhưng xét cho cùng, làm ra một bộ phim mà có khán giả và khán giả ủng hộ thì đó là một tác phẩm thành công rồi.
Người làm phim cũng thế, có nhiều đối tượng khác nhau. Có người chỉ thích làm phim kiếm nhiều tiền được là vui, có người thích phim phải thỏa mãn được cái tôi nghệ thuật và sáng tác của mình, có người muốn tác phẩm của mình phải vươn ra khỏi biên giới Việt dù chưa chắc trong nước đã có khán giả… nên khen chê một tác phẩm, đôi lúc cũng còn xem một bộ phim đó được làm ra vì mục đích gì và đối tượng khán giả nhắm tới là ai.
Có một điều mình nhận ra ở đa phần những phim Việt mình đã xem đó là việc kể chuyện còn thẳng tuột, thẳng từ hình ảnh, cách kể chuyện tới lời thoại, và cả nhan sắc diễn viên. Buồn là khóc, vui là cười, chưa biết cách bộc lộ cảm xúc hay tình tiết qua cái cây ngọn cỏ hoặc có làm mà chưa tới. Diễn viên và set design dù có giả khổ giả nghèo thì nhìn thế nào cũng pha ke, có lẽ bị ảnh hưởng bới tư duy clean và set up quá nặng, cũng như thiếu kiến thức và kỹ năng thực tế.
Trong Tết quyết định chỉ xem phim Việt nên ngồi bấm bấm chọn chọn trên Netflix. Sau khi xem trailer và trích đoạn thì chọn xem 3 phim Võ sinh đại chiến, Người Lắng Nghe và 578. Xem xong thì chưa dám xem thêm phim nào nữa, từ từ hồi xem tiếp :D.
Nhận xét thì có phim Người Lắng Nghe là được nhất, Võ sinh đại chiến cũng khá dễ thương còn 578 thì vừa xem vưa khóc :)).
Người Lắng Nghe mình đánh giá cao nhất vì đầu tiên là việc lựa chọn đề tài, đề tài tâm sinh lý psychological xen với thriller chắc chắn không phải dễ kể, cũng là một đề tài mà sự hiểu biết về nó trong xã hội cũng chưa sâu sắc. Casting cũng khá tốt, vì mình thích bạn nữ chính có khuôn mặt và sự diễn xuất nhìn tự nhiên, hợp vai. Không bị lòe loẹt điệu đà phong cách hot girls hoặc plastic như tư duy chọn diễn viên nói chung bây giờ. Chỉ riêng điểm đó mình đã đánh giá cao, thể hiện được sự tinh tế của người làm phim. Nam chính diễn ổn, hợp đôi với nữ chính và tuy giọng bắc nhưng đài từ khá ok. Trước giờ diễn viên bắc bị đài từ rất kém, giọng không được cinematic lại kèm thêm thoại cồng kềnh, xem rất tụt cảm xúc và mệt mỏi. Mà diễn viên thì phải tốt cả ở giọng nói chứ không chỉ ngoại hình, body language. Nên chỉ cần một diễn viên bắc với một đài từ tạm ổn đã thấy sáng sủa cái phim lên bao nhiêu :D.
Tuy nhiên, phim bị phần quay và set design không được đẹp. Hình ảnh, ánh sáng, góc quay và bối cảnh bị thô và quá đơn giản, nên xem nhiều đoạn cảm giác như một đoạn truyền hình mì ăn liền chạy nhanh hoặc của mấy bạn sinh viên làm phim kinh phí thấp nhưng vẫn muốn phải “deep” :D.
Phim Võ sinh đại chiến cũng là một phim khá ok, mình cũng thích bạn nữ chính, bạn có một thần thái dễ thương, làm xem phim rất dễ chịu. Đặc biệt có lẽ phim action mà chọn đúng diễn viên biết võ, nên khi xem các chuyển động cơ thể của bạn khi đánh võ hoăc khi nhảy rất đẹp và đã, rất tự nhiên. Tiếc là phim không cho bạn được thể hiện nhiều hơn, xem phim chờ đợi nữ chính có một trận oánh nhau thật hoành tráng mà chẳng có trận nào. Bữa hôm đi xem Thanh Sói, diễn viên mà không phải là con nhà võ xịn đánh nhìn nó pha ke hẳn. Nên nói gì thì nói, phim action cứ phải biết võ xịn, biết cầm súng xịn, xem nó thoải mái cả cái thằng người :D. Nhưng phim Võ sinh đại chiến cũng như rất nhiều phim học đường nhiều năm trở lại đây, là môi trường trường học trong phim nó cứ như ở bên Thái bên Hàn chứ không phải Việt Nam. Phong cách học đường, bối cảnh, trang phục, nhân vật đều chẳng giống sinh viên Việt Nam, học đường Việt Nam, nên xem nó rất xa lạ, cứ như một bộ phim Thái lồng tiếng Việt. Học sinh sinh viên thì già chát. Với phim Võ sinh thì chắc diễn viên còn toàn Việt kiều nên xem nó càng xa lạ. Thề với các bạn là xem xong phim mình mới đi google diễn viên, mà lúc xem thì không ai nói cho mình mình tự nhận ra luôn nam nữ chính đúng chất ở bển về VN đóng phim không thể nhầm được :)). Đôi lúc cảm giác như nam hãy nữ chính sẽ buông ra: “Whatsup, dude” :D.
Ngoài ra, mấy phần đánh nhau, nhất là đoạn đầu, quay handheld mà thấy non tay quá, nhiều đoạn quay đánh nhau mà chưa được ra chất action võ thuật. Đặc biệt phim nói về “võ ta”, nhưng chắc có thể mình không biết nhiều về võ Bình Định nên xem chưa thấy đặc trưng nào của võ ta cả. Nhưng mà mình mê Vovinam lắm, võ Việt mình rất có đặc trưng riêng và xem rất đã mắt. Thích nhất là quả nhảy lên kẹp hết 5 anh. Mình cũng mong một ngày được làm phim về võ Việt, nhưng cái quan trọng nhất phải tôn vinh lên được những nét đặc trưng nhất của võ Việt, cái này mình thấy phim chưa ra được.
Còn phim 578 thì mình phải vừa xem vừa chấm nước mắt. Cũng hơi ngạc nhiên là một phim với kinh phí lớn, kết hợp quốc tế mà nó lại ngây ngô cỡ vậy. Chỉ riêng cái giọng lồng nam chính nghe như giọng quảng cáo bột giặt nước tẩy hay mấy bài thơ nhạt toẹt của “làm hại các vùng đất” đã thấy sự lựa chọn thiếu thực tiễn và thiếu tinh tế của người làm phim. Phim thì lúc cảnh quay rất đẹp rất xịn nhưng có lúc thì màu đổi hẳn sang tông khác, rất amatuer và chỉnh màu thậm chí còn lỗi rất rõ, nó không có sự đồng đều và rất thiếu chuyên nghiệp, cảm giác như chắp vá và làm từ nhiều ekip khác nhau với nhiêu trình độ khác nhau. Nam chính tuy rất đẹp trai nhưng xem lại không cảm được chút tình cảm hay xúc động nào. Chính ra Hen Nie còn diễn tự nhiên, thần thái tốt hơn hẳn dù bạn í còn chưa làm diễn viên chuyên nghiệp. Phim dựng cũng tủn mủn. Mình chọn xem phim này vì để xem nó được đại diện đi Oscar là thế nào :D.
Còn về phần âm thanh thì cả ba phim đều chưa được tốt, còn thiếu tinh tế, đặc biệt là sự sinh động của âm thanh nền hầu như không có. Nhưng thôi nói về phần âm thanh trong phim Việt nói chung thì phải làm cả đề tài luận văn :))
Các phim này mình cũng không nói nhiều về nội dung và cả cách kể chuyện vì như trên mình đã nói, nội dung chắc nó sẽ có đối tượng phù hợp với nó và đối tượng người làm phim. Mình thấy dở nhưng có người thấy hay, mình thấy hay nhưng có người thấy dở. Và nói thật, để mà phân tích ra thì chắc phải 10 bài này mới đủ, mà phân tích xong thì facebook mình friendlist chắc cũng đi hết nửa dân làm phim =)). Sự thật là giờ đi coi phim Việt về im re, vì chê ra thì mất hết đồng nghiệp, mà khen thì nói thật chưa phim nào cảm thấy phải thực sự buông lời khen, vì khen ra mà không đúng lòng mình hoặc đúng gu của mình, người ta cũng đánh giá mình không phải là một nhà làm phim tốt, gu dở. Mình thì bạn thân bạn quý mấy cũng quyết không buông lời thảo mai =)), tuy nhiên dở thì tốt nhất là im haha. Sau này mình có tác phẩm thì cũng phải nhận khen chê thôi, nhưng ai khen cho chết cũng sợ, mà chê làm tụt tinh thần thì cũng sợ chứ =)). Ngoài ra, có rất nhiều cái dở mình cũng hiểu nó xuất phát từ rất nhiều lý do, chứ không chỉ ở người làm phim!
Mình xem phim hay soi lỗi, không phải để dìm dập, chê bai hay ghen tị với người làm phim khác. Rất đơn giản là mình cần học từ những lỗi đó, mình coi để mình rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Nhiều khi các bạn thấy mình nói về phim mà hay nói về nhược điểm nhiều hơn là ưu điểm là bởi vì mình đang học đó, để sau nếu các bạn có xem phim mình biết đâu bớt được những lỗi đó, để còn dành cho những… lỗi khác =)).
À, nói thêm một ý trở lại đoạn đầu, khi mình nói phim Việt (trọng phạm vi mình xem) chưa biết cách kể chuyện tinh tế và bớt thẳng, cũng không có nghĩa là phải làm theo phong cách “art house” như nhiều phim của các nhà làm phim indie bây giờ, nghĩa là nó cứ phải tăm tối, khó hiểu, thể hiện sự sâu sắc. Vì xem mà không ai hiểu thì không thể gọi là sâu sắc được, xem mà quá trừu tượng và nhồi nhét hình tượng nhiều quá thì chỉ thể hiện sự gồng mình và trình độ chưa tới của người làm phim thôi. Để kể một ý tưởng, một nội dung mà tinh tế. Thì đầu tiên người làm phim phải là người nhạy cảm, nhạy cảm trong gu cảm nhận và trong sự quan sát cuộc sống, chứ chưa tính tới khả năng kể nó ra thế nào để khán giả có thể cảm nhận được y như mình hoặc hiểu được ý của mình. Nói chung mình 0 thích lôi cái mác “nghệ thuật” ra để biện minh cho sự thiếu thuyết phục của tác phẩm!
Thế nên mình mới bảo… làm và xem phim tài liệu nhiều vào =)). Chỉ tài liệu mới cho các bạn cảm nhận chân thành của cuộc sống, để tránh những diễn biến tâm lý ngây ngô, những cái set design giả trân, những câu chuyện vô lý, những lời thoại thiếu thực tế, những đề tài bó hẹp…
Trong bài post này mình cũng 0 nói gì về vụ kiểm duyệt vì mình chưa trải nghiệm. Nhưng mình cũng biết nó đóng một vai trò rất quan trọng trong việc định hình nên chất lượng của cả một nền điện ảnh phim ảnh! Nói chung nhìn phim nói chuyện :)).
P/S: Ở đây mình hay dùng từ “người làm phim” thay cho cụ thể là “đạo diễn”, vì chưa chắc mọi quyết định nào của phim cũng là của đạo diễn.
Tản mạn vui tí, mình quay lại phim tài liệu đây :D.
#523: Làm phim, 0 phải cái gì cũng được bịa, nhất là vấn đề văn hóa của một quốc gia!
Nhân vụ một bộ phim Hàn bị tháo gỡ khỏi Netflix vì “xuyên tạc lịch sử”. Mình thấy đúng là dịp để nói lên một vài tâm sự “nho nhỏ”, nhỏ mà có khi nó lại lớn á!
Nói chung, với quan điểm và sự giáo dục của mình và với tư cách cũng là một nhà làm phim. Thì mình nghĩ rằng, “lịch sử” và “văn hóa” của một quốc gia khác là thứ tối kỵ để xuyên tạc, bóp méo (cho dù định nghĩa thế nào là “xuyên tạc, bóp méo” thì có thể phải tranh cãi), nhưng điều gì khiến gây ra sự tổn thương và sự tự ái cho một dân tộc khác, đó là điều không nên làm, và không thể làm! Bây giờ thế giới đã ở thời đại công nghệ và hòa nhập. Mọi thông tin, hình ảnh đều được chia sẻ một cách rất dễ dàng và không còn mang tính giới hạn biên giới. Không còn ở thời phim ảnh được thoải mái tự do “thẩm du” tự sướng như thời Rambo. Mọi thông tin, hình ảnh, sản phẩm văn hóa đều có khả năng lan truyền ra được cả thế giới. Bất cứ sự sai lệch hay bóp méo nào, thậm chí là một câu đùa với một vấn đề nhạy cảm, đều có thể gây ra hậu quả khôn lường vì sự dễ bị kích động của thời đại mạng xã hội, sự lười biếng trong việc chọn lựa thông tin và nghiên cứu của đa phần dân số dùng mạng.
Đành rằng phim ảnh là “bịa”, nhưng không phải cái gì cũng có thể bịa, đặc biệt là ở những đề tài nhạy cảm và dễ gây tổn thương như lịch sử, văn hóa. Bởi vì đó là những thứ thiêng liêng của một dân tộc, cần phải có được sự tôn trọng đàng hoàng từ những quốc gia khác. Cởi trần cởi truồng chửi cha chửi mẹ trong phim mày cũng được, nhưng có những thứ không phải là đề tài để câu khách. Bởi vì không chỉ nó nhạy cảm, nó mang tính gây tự ái, xúc phạm, mà nó còn là sự vô tâm và vô đạo đức.
Cho dù nó chỉ là “một câu thoại” như trong cái phim Hàn nọ ,nhưng nếu bạn từng được đến một ngôi làng nghèo thê thảm với một gia đình Việt Nam mà trong nhà có tới 8 tấm hình trên bàn thờ của một đại gia đình bị sát hại bởi lính Hàn, chắc lúc đó bạn sẽ không có nghĩ tới câu thoại đó chỉ là một câu thoại “vớ vẩn” cho một bộ phim “đang hay mà” của bạn đâu bạn ạ!
Nhiều bạn ngây thơ cho rằng, “đó chỉ là một chi tiết nhỏ”. Nhưng bạn đừng quên rằng, sự xâm chiếm và đô hộ văn hóa nó bắt nguồn từ chính những thứ “nhỏ” như vậy. Có khi chỉ là một câu thoại, một cái kẹp tóc, một kiểu mặc quần áo. Nhưng điều tiếp theo bạn biết là có cả một bộ phận giới trẻ ở một đất nước nọ mặc hanbok lạc quẻ đi chụp ảnh bên cạnh một cái tường, cánh cửa, cây hồng mà vốn dĩ đặc chất của vùng nông thôn với một nền văn hóa hoàn toàn khác! Sự xâm chiếm văn hóa bằng thứ “quyền lực mềm” thế này nó tinh vi tới mức bây giờ cả một phần lớn thế hệ mới bị ảnh hưởng mà chính bản thân họ cũng không biết. Và thế là vô hình trung, tự nhiên có một thế giới mới làm nô lệ văn hóa cho một vài dân tộc!
Nhưng thật sự những bạn trẻ bây giờ cũng không đáng trách, bởi vì chính thế hệ tạo ra họ và giáo dục ra họ cũng đã và đang không làm tốt được việc bảo tồn văn hóa, di sản của chính mình. Trong hành trình quay phim về đề tài văn hóa của mình, tôi đã khá khó khăn trong việc đi tìm lại những giá trị, tư liệu, sản phẩm văn hóa gốc. Không chỉ chúng còn rất ít, hiếm hoi vì không được quan tâm và bảo tồn, hay được bảo tồn đúng cách. Mà thậm chí cả một số người phụ trách làm văn hóa họ cũng không đủ kiến thức và thật tâm trong việc bảo tồn, lưu giữ, tuyên truyền văn hóa dân tộc. Đôi lúc chỉ là đi xin tư liệu, xin thông tin để có thêm nhiều chất liệu tốt cho việc truyền bá văn hóa dân tộc tốt hơn đến giới trẻ và cho bạn bè quốc tế thôi mà cũng là khó khăn, lười biếng, thậm chí tìm cách moi tiền. Những “rừng vàng biển bạc” giờ cũng dần biến hết thành sân golf, resort, cáp treo với những thứ kiến trúc nửa mùa, lai căng rẻ tiền. Trong khi cái kiến trúc gốc của mình thì không biết trân trọng và thấy quý, và không biết rằng với thế giới đó mới là những điều rất đẹp và đặc biệt, là lý do để thế giới phải tới để gặp mình!
Thế thì làm sao mà một thế hệ tiếp theo được giáo dục tốt hơn và để cho chúng được kế thừa một nền văn hóa bền vững và phong phú?
Còn có những thứ vừa mới tranh thủ quay xong mà có khi chỉ sang tuần đã bị biến mất. Nhanh không kịp trở tay.
Khi không có văn hóa/di sản đặc trưng của dân tộc, bạn sẽ là gì giữa thế giới đại đồng này? Khi bạn đi ra thế giới, khi người ta hỏi bạn là người nước nào? Đặc trưng của dân tộc bạn là gì? Không phải đem ra món phở với mặc cái áo dài vào thế là bạn cứ là người Việt Nam. Cái tố chất văn hóa nó phải ở trong thần thái, sự hiểu biết, nó phải khiến người nước khác cảm thấy thú vị, khác biệt, phải “chất”, nó phải khiến họ nhận ra bạn ngay. Mà văn hóa là thứ phải trải dài qua thời gian, qua lịch sử, cái được thấm nhuần vào một con người từ lúc họ sinh ra. Làm sao bạn chẳng cần cứ phải mặc cái áo dài và cái nón lá nhưng khi người ta nhìn thấy bạn là một người Việt, người ta đã nghĩ ngay được tới món phở, những mái đình rêu phong, tiếng đàn bầu thánh thót. Khi không có văn hóa, tự nhiên bạn chẳng là ai, bạn cũng chẳng có cộng đồng, bạn chẳng có định danh dân tộc. Hay tệ hơn bạn lại thành công cụ đi quảng cáo văn hóa cho quốc gia khác. Mà bạn có vô tình hãy hữu ý “quảng cáo” văn hóa cho một quốc gia khác thì bạn cũng đừng quên bạn không bao giờ là một phần của họ, bạn chỉ là nô lệ văn hóa của họ!
Bạn nghe mấy lời này chắc thấy “đao to búa lớn” lắm nhỉ? Nhưng mà nghĩ kỹ thì nó là điều đang xảy ra mỗi ngày mỗi giờ và sờ sờ trước mắt đó. Và không phải bỗng nhiên mà có rất nhiều người con ở phương xa, khi đã đi ra tới thế giới, càng học hỏi và hiểu hơn về sự phong phú của văn hóa, lịch sử, di sản thế giới thì họ lại càng thấy quý, thấy tiếc, vội vàng muốn trở về để thưởng thức, tìm lại và rất nhiều tìm mọi cách để níu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử gốc đang vô cùng mong manh và mất đi mỗi ngày một nhanh như bây giờ. Rất tiếc phần lớn họ đều khá cô đơn trên con đường của mình và những gì họ làm được rất nhỏ lẻ.
Những tâm sự này với các bạn, tất cả đều là sự trải nghiệm của mình đó. Từ tư cách là một người đi sinh sống và học tập ở nước ngoài nhiều năm, một người làm phim đang bỏ rất nhiều tiền của và công sức của mình ra để làm những bộ phim về văn hóa, một người đã đi lang thang và được trải nghiệm với một số nhân chứng lịch sử, âm nhạc, kiến trúc mà tận mắt thấy mọi thứ đang mong manh và mất đi nhanh quá, một người nhìn thấy rõ ràng những sự xâm chiếm văn hóa tràn ngập vào cả một vài thế hệ mới, mà.. cũng không biết làm thế nào, vì mình cũng cô đơn và nhỏ bé, chỉ biết làm tốt nhất những gì trong khả năng, sự hiểu biết và trái tim mình mách bảo mà thôi!
Những câu chuyện này, mình sẽ còn kể nhiều, và mình sẽ kể bằng những bộ phim của mình nữa!
#tâmsựđêmkhuya
Ảnh: Ngôi đình bên cạnh cây Dã Hương 1000 năm tuổi ở Bắc Giang. Cây duy nhất còn lại trên trái đất. Có những điều hiếm quý như thế mà chính người Việt nhiều người cũng không biết.
Còn với mình, đây là kiến trúc dân tộc đẹp nhất thế giới!
#522: Tôi yêu Tết
#520: My followers
#518: THẰNG TÂY
Thằng Tây
“Thằng Tây” là tên đầy đủ của nó, họ Thằng tên Tây. Nên có gọi thì phải gọi là: Con Thằng Tây đâu rồi?
Không biết vì sao hồi vác nó về nó lại chỉ có 1 cục dái, cũng chưa cho đi thử mùi đời bao giờ nên 0 rõ nó có làm ăn cơm cháo gì không nhưng dì bảo có khi là khỏi phải dao kéo gì, chắc nó tự động làm công thôi. Kể cũng tiện.
Nó ghét tất cả ai tới nhà chơi vì đồng nghĩa với việc nó sẽ bị xích lại. Nó sẽ đứng nó chửi người ta cho té tát, người ta đứng nấp cỡ nào nó cũng phải nghển lên nhìn cho bằng được để chửi. Mình tới nó gào từ đầu ngõ mặc dù nhà này là nhà mẹ tao dì tao chứ nhà nó đếch đâu. Mình quen mồm mắng nó như mắng 5 thằng đệ nhà mình:
“Mày sủa vừa thôi không tao lấy kéo cắt nốt cục kia của mày đi chứ ở đấy mà sủa”
Nó im thít, mồm há hốc vì quá sốc. Xong mình chưa kịp hỉ hả thì ối giời ơi nó tổng tiến công khóc lóc gào thét giãy đành đạch ra lăn lộn làm dì mình phải chạy ra cầm cái que bảo có thôi ngay không. Nó uất ức ngoạm bố lấy cả que, rồi lườm mình cháy tóc.
Chắc phạm húy, còn có một cục quý như thế mà dọa cắt. Rồi thế này sau nó nhất định không làm bạn với mình thì buồn lắm. Giờ phải làm sao xin lỗi nó giờ? Lấy một cục lắp thêm cho nó? Lấy ở đâu? 🙁
My aunt’s Deutscher Schäferhund. Won’t make friends with me no matter how hard I tried 🙁
Cái góc sân xinh đẹp đầy hoa này mà nó 0 cho mình bước chân vào
Đang bị dạy dỗ nhưng cái mặt biết là 0 phục rồi! Mắt vẫn liếc ai đó :))
À lấy que dọa à? Lại chả ngoạm cả que cho
Cho dì xin cái que với gặm gì chắc thế
Tuy nhiên vẫn phải làm kiểu để làm pô ảnh cho ngọt
Dì ơi Hà nó đòi cắt d ái con
Nhà còn em này, là dì ruột của con béo, con của thằng Phốc nhà mình
#nhatkydoitao
#nhatkyhakin
#hakindiary
#homesweethome