Từ lúc đó, tôi mới bắt đầu hiểu tâm trạng “chờ chồng” của người phụ nữ là như thế nào. Hưng bỏ đi, tôi ở nhà chờ đợi, khắc khoải. Tôi không thiết làm gì nữa. Ngay cả cái khoản cải lương, tôi mê là thế, mà giờ băng đĩa cũng để bụi bám đầy. Nhưng điều đáng chán nản nhất là dù uể oải mấy, người ta vẫn cứ phải sống. Ngày lại ngày, tôi vẫn phải đi bán hàng ở chợ. Khủng khiếp, cái cảm giác mỗi lần đi từ chợ về nhà. Về đến ngõ, tim tôi cứ đập thình thịch, hồi hộp đến khó thở. Tôi luôn mơ sẽ thấy Hưng chạy ra từ trong ngõ, với nụ cười làm sáng cả gương mặt hiền, cái áo sơ mi trắng dù có vàng bẩn ở tay áo, vẫn phẳng phiu gọn gàng. Không, không có Hưng nào đón tôi cả. Tôi đi gần về phía căn nhà nhỏ xíu nằm sâu trong ngõ của mình, mắt nhìn đăm đăm vào bậu cửa. Tôi ước gì được thấy đôi dép của Hưng đặt ở đó.
Tôi tha thẩn ra Bờ Hồ. Bờ Hồ vẫn thế, vẫn làn nước mờ mờ không xanh không trắng, những cây liễu lướt thướt, những đôi trẻ ngồi ghế đá, người già đi bộ thủng thẳng. Chẳng một khuôn mặt người quen. Hưng đã biến mất hẳn rồi.
Rồi tôi lại về nhà, thẫn thờ, lầm lụi. Mẹ tôi hỏi: “Con ốm à? Sao trông thất thần thế?”. Người ta thường nói khi đứa con gái có người yêu, nó chỉ nghĩ đến hắn ta, còn khi bị người yêu bỏ, thì người đầu tiên nó nghĩ tới bao giờ cũng là mẹ. Câu ấy sao mà đúng thế. Nước mắt chảy xuôi, con cái luôn bạc bẽo với bậc sinh thành. Tôi nhìn mẹ, thương quá. Tóc mẹ hóa trắng hơn nửa đầu rồi. Gương mặt tròn phúc hậu của cô gái Hà Nội năm xưa bây giờ đã hóp vào, da dẻ nhẽo ra, lốm đốm đồi mồi. Mẹ lúc nào cũng nghĩ về tôi, đứa con trai duy nhất của bà. Còn nó thì suốt ngày chỉ theo đuổi, hầu hạ, cung phụng những thằng đàn ông bạc tình như vôi.
– Không, con không sao đâu mẹ – Tôi giấu.
Nhưng tôi có còn nghe thấy mình nói gì nữa đâu. Tôi cũng không nhìn rõ cảnh vật xung quanh nữa. Nước mắt đã ứa ra đầy hai con mắt, làm tất cả nhòe nhoẹt. Tôi chạy vội lên gác, nhào xuống giường – cái giường mà mới ngày nào thôi còn chứng kiến tôi nằm bên Hưng. Tôi úp mặt xuống gối, khóc nức nở. Hình như mẹ tôi có nhìn theo bóng con.
Thành phố đông người – thành phố không người
Những ngày sau đó, như điên như dại, tôi lồng lên tìm Hưng. Đi khỏi tôi thì hắn làm gì để sống? Ai nuôi hắn? Ai đang lôi kéo, dụ dỗ hắn? Ai? Đứa nào? Tôi ghen. Tôi ghen với phụ nữ. Và, khốn nạn thay, tôi còn một nhóm đối tượng nữa để ghen, đó là những người đồng tính như tôi. Tôi nghi ngờ hết thảy, kể cả bạn bè mình. Chợt nhớ một người bạn tôi – vốn là ca sĩ nổi tiếng trong làng showbiz Việt – từng khen Hưng đẹp trai rồi lại nháy mắt với hắn một cái. Thôi chết tôi rồi, bạn với chẳng bè. Tôi tìm ngay đến nhà bạn. Không gặp, ca sĩ đang đi lưu diễn ở nước ngoài. Chẳng lẽ nó mang thằng Hưng đi theo? Có lẽ khó, thằng này làm gì đã có hộ chiếu mà xuất ngoại. Tôi lại mò đến nhà những người khác, dò xét họ, tra hỏi xem họ giấu Hưng ở đâu.
Tôi gầy rộc đi, võ vàng héo hắt, mặt mũi lúc nào cũng sầu thảm như đi đưa đám, không thiết ăn uống gì nữa. Kiểm tra hết thảy bạn bè, không thấy ai chứa chấp Hưng, tôi lại lang thang quán nước nọ bến xe kia, lên cả chùa để tìm hắn.
k
Xa Hưng, đêm đêm, tôi rất khó ngủ, nhiều hôm gần như thức trắng. Không tài nào chợp mắt được, phần vì nhớ Hưng, phần vì nghĩ ngợi nhiều quá và ức chế quá. Tôi thèm ngủ với đàn ông, thèm mùi đàn ông vô cùng mà không biết làm cách nào. Thật sự, lúc đó tôi đã thành bệnh hoạn rồi. Đói khát, ức chế, tù túng. Tối tối, giới đồng tính nam ở Hà Nội hay tụ bạ ở Hồ Gươm và hồ Thiền Quang, chúng tôi gọi nơi ấy là “Thung lũng Tình Yêu” của gay. Nghe phong phanh ngoài đó có sẵn những người như tôi để “phục vụ”, một đêm tôi mò mẫm ra Bờ Hồ kiếm bạn. Ra Bờ Hồ, ngồi trơ trọi ở ghế đá một lúc, thấy một người mặt mũi bạc phếch đang lững thững đi tới, tôi lại sợ, bỏ về nhà nằm. Thế rồi giữa đêm, vật vã không ngủ được, tôi nằm úp xuống, vục mặt vào chiếc chiếu, như thể đó là cơ thể một người đàn ông. Chợt tỉnh ra, tôi ngồi bật dậy, nước mắt ngắn nước mắt dài, tủi thân: “Sao cả cái thành phố đông người như thế này mà mình không tìm được ai thông cảm với mình?”.
Mỗi sáng ngồi dậy, ý nghĩ đầu tiên đến trong đầu tôi là câu hỏi hôm nay nên đi đâu, làm gì để tìm Hưng? Hàng đêm, vào những giây phút lơ mơ trước giấc ngủ ngắn ngủi, hình ảnh chập chờn trong óc tôi là Hưng. Và tôi rất hay mơ thấy Hưng. Nỗi ám ảnh khiến tôi sợ phải ngủ, cố ngủ thật ít. Nhưng những lúc mệt quá, tôi lại muốn nằm yên, nhắm mắt, và ngủ thật say, thật lâu để quên đi tất cả. Vả lại, còn nơi nào để tôi có thể gặp Hưng nữa, nếu không phải trong giấc mơ?
Thời gian đó, tối nào tôi cũng mò ra mấy nơi mà người đồng tính hay tụ tập, hy vọng thấy bóng Hưng. Chẳng ăn chẳng uống gì, cứ cái áo vắt vai mà đi bộ, lôi thôi lếch thếch, hôm nào sang hơn thì đạp xe đạp. Ngày lang thang vật vờ, đêm mất ngủ trằn trọc. Có lẽ trông tôi già đi tới hàng chục tuổi, ai nhìn thấy cũng phải thốt lên: “Sao khác thế?”. Mặc kệ tất cả, mặc kệ chính bản thân mình, tôi cứ đi tìm hắn.
Ròng rã suốt hai tháng trời như thế. Tôi quẫn trí rồi.
2.
Trả giá
Cuối cùng tôi cũng tóm được Hưng một cách rất tình cờ. Một tối, bạn rỉ tai tôi: “Thằng chồng mày đang ngồi với gái ở góc hồ Hale kia kìa”. Ra là thế, ôi, đồ khốn. Tôi túm ngay thằng bạn, rủ nó đi xích lô vòng quanh hồ để quan sát. Tôi kéo sụp cái mũ xuống, chỉ để hở hai con mắt đục ngầu vì ghen tuông. Chiếc xích lô thong thả lăn bánh qua những cây những bụi tối thẫm bóng đêm. Nhìn ra hai đứa rồi. Chúng đang nắm tay nhau, không phải nắm kiểu âu yếm mà hình như đang giằng co gì đó. Tôi nhảy phóc xuống xe, đi thẳng tới trước mặt cả đôi:
– Hưng! Đi về nhà có việc!
Hưng ngẩng lên nhìn tôi. Trời tối sẫm, khu vực hồ Hale lại lắm cây rậm, tôi không nhìn thấy sắc mặt hắn thế nào. Nhưng cô gái kia – mặt mỏng quẹt, má hóp, chắc là đanh đá lắm – thì giữ chặt tay hắn không cho đi.
– Không đi đâu cả. Anh ngồi yên đây xem nó dám làm gì.
– Hưng, lên xe không? – Tôi dằn giọng – Tao đếm từ một đến ba đây này. Một. Hai…
– Anh Hưng phải chở tôi về nhà có việc, nhá!
Ai cũng kêu nhà mình “có việc” cả. Mặc xác, tôi chộp lấy cổ Hưng, lôi hắn ra xích lô. Cô gái tru tréo như bị chọc tiết: “Để yên cho người ta, đồ đồng cô, dơ chưa kìa”. Cô lao vào, túm tay áo Hưng giằng lại. “Con này, mày có bỏ nó ra không? Tao gọi đàn em tao, mày chết!” – tôi quát. Chưa kịp gọi thì “đàn em” tôi đã chạy tới thật, đấy là thằng bạn tôi vừa nhảy từ xích lô xuống: “Bỏ thằng kia ra, bỏ ra ngay. Hay là mày muốn một ca axit vào mặt?”. Hưng đứng giữa, đầu tóc rối bù, áo xống xộc xệch vì bị giằng xé. Hắn ôm đầu kêu la: “Giời ơi là giời, sao khốn nạn thế? Sao tôi gặp đứa nào cũng ghê gớm thế này? Giời ơi…”. Tuy nhiên, với sự trợ thủ của bạn tôi, người yêu Hưng ở thế yếu rõ rệt. Cô ta có vẻ cũng run, đấu dịu: “Nhưng em không đi về được. Đạp xe một mình, em sợ”. Bạn tôi phải đứng ra giải quyết. Hắn cho chiếc xe mini của cô gái lên xích lô, để xích lô đưa cô ta cùng chiếc xe về.
Đêm đó, tôi và Hưng giận nhau, không ai nói với ai lời nào, cũng không động vào người nhau. Sáng ra, tôi mới thủ thỉ vào tai hắn đủ lời đường mật ngọt ngào: “Mình! Mình có biết là tôi héo hắt thế nào không? Cứ tình trạng này, tôi chết mất, tôi chết mất. Mình thương tôi một tí. Thôi, bây giờ tôi sẽ chấp nhận chuyến xe ba người, bây giờ mình là một thuyền mà đôi bến”. Hưng ngồi im, mặt đã hết tái nhưng lạnh tanh. Tôi tiếp tục xuống nước, phụ nữ mà thế thì người ta gọi là trơ trẽn: “Mình ở đây, mình dành cho nó mười phần, còn cho tôi hai phần. Hưng ơi, em là con người hay là cỏ cây mà vô tri vô giác như thế? Em có trái tim không?”. Cứ thế, lúc thì tôi với mình, lúc thì anh anh em em, có lúc lại phải gọi hắn bằng “ông” để đề cao cái tôi của hắn lên, coi như hắn là một người đàn ông mạnh mẽ, là cây cột, chỗ dựa của tôi – thân gay yếu đuối: “Ông dành cho tôi một chút đi. Tôi cũng khổ lắm. Ở với nhau một ngày cũng nên nghĩa Hưng ơi…”.
Nét mặt Hưng lúc đó cũng có vẻ xuôi xuôi. Hắn chẳng nói gì, nhưng không đùng đùng đứng dậy bỏ đi là may cho tôi lắm rồi. Vừa lúc ấy, có tiếng con gái nheo nhéo dưới cổng: “Anh Dũng ơi, anh Hưng có nhà không?”. Ngó đầu nhìn qua cửa sổ xuống dưới ngõ, đúng là cô ả hôm qua. Thằng Hưng đã cho cô ta biết cả tên cả địa chỉ nhà tôi rồi cơ à? Dơ dáng thế, ai mời mà đến? Tôi tức như chọc họng. Hưng sợ, mặt tái mét, ra hiệu cho tôi là coi như hắn không có nhà. Được lời như cởi tấm lòng, tôi quên ngay những lời vừa hứa với Hưng về chuyện “một thuyền đôi bến”. Tôi thò cổ xuống: “Đi về đi. Hưng không ở đây nhé”. Phía dưới nói vọng lên, giọng đầy năn nỉ (Gớm, sao chả giống cái con nặc nô tối qua giành giật người yêu với mình tí nào): “Cho em gặp anh ấy một lúc thôi, em xin anh”. “Một tí cũng không được, sao quá đáng thế nhỉ, đi về đi. Đã bảo không có Hưng ở đây mà, không tin thì lên mà khám”. Cô gái đành lủi thủi ra về. Tôi quay lại, thấy Hưng ngồi thu lu trên giường, cười như mếu. Tim tôi như dừng mất một giây. Tôi đọc thấy sự oán hờn trong ánh mắt Hưng. Tôi đã vô lý đến chừng nào, một thằng đàn ông đi tranh giành người yêu với một cô gái!
k
Từ ngày biết Hưng có bồ, tôi không để hắn đi đâu một mình nữa. Tôi bám hắn dính như keo. Trước mặt bạn bè, tôi công khai vuốt tóc, ôm eo, hôn hít, ngọt ngào mình mình tôi tôi. Thâm tâm tôi muốn làm cho tất cả mọi người biết Hưng đang chung sống như vợ chồng với một gã đồng tính. Tôi cố ý làm hắn mất mặt, không phụ nữ nào dám lại gần. Muốn thoát khỏi tôi, Hưng chỉ có cách duy nhất là rình lúc tôi ngủ để bỏ trốn. Cuộc sống của hắn ngày càng ngột ngạt như tù giam lỏng.
Đến đây cũng là bắt đầu giai đoạn khốn nạn nhất của cuộc tình lợi dụng: Hưng chán tôi ra mặt. Vừa chán, vừa ghét, vừa sợ. Hắn chán ghét cảnh sống bó buộc như con búp bê đực bên cạnh tôi, đồng thời, sợ những cơn điên tình của tôi. Không dám bỏ đi hẳn, hắn quay sang đòi hỏi sự thỏa mãn về vật chất – như để trả hận, đền bù cho cuộc đời bị giam hãm của mình. Từ cái khổ, người ta có thể quen với cái sướng rất nhanh. Hắn vòi tôi đưa đi mua sắm quần áo, đòi vào những shop đắt nhất Hà Nội thời đó: Lan Oong, CK, Thai Model… Thuốc lá, hắn chê Vina hôi, không thèm hút, nhất nhất phải dùng ba số, một ngày tới vài bao. Được đằng chân lân đằng đầu, Hưng không ăn cơm tôi nấu nữa mà phải ra hàng, xoàng nhất cũng phải là quán Vinh Thu trên phố Lý Thường Kiệt. Đến đó, mỗi buổi hắn gọi toàn những món đắt nhất, sang nhất, những tràng, mề, đùi gà, nem rán. Gọi ê hề và hiếm khi ăn hết. Với Hưng, tôi là người cầm tù hắn bằng vật chất, nên hắn tặc lưỡi, coi chuyện hưởng thụ như tất nhiên phải là thế.
Bạn bè tôi ai cũng ghét Hưng, ai cũng khuyên nhủ, nhưng tôi không sao dứt hắn ra được. Mẹ tôi vẫn im lặng như bà đã từng nhắm mắt làm ngơ trước các mối tình trai của tôi từ bao năm nay. Trung gàn tôi mấy lần không được, hờn dỗi bỏ về, kêu “từ mặt”. Tôi cứ đi làm mải miết, nai lưng kiếm tiền đưa Hưng, mà đưa bao nhiêu hắn cũng thản nhiên xem như không có gì. Than ôi, sao tôi lại có thể mê muội đến vậy vì một mối tình lợi dụng?
Đêm điên loạn
Một buổi tối, Hưng có điện thoại. Bố hắn từ dưới Hải Phòng gọi lên. “Cho gặp Hưng”. “Vâng”. Hai bố con trò chuyện. Rồi Hưng quay sang tôi, nói rằng bố hắn ốm, hắn cần một ít tiền về Hải Phòng. Tôi đành mở tủ lấy tiền đưa hắn. Qua câu chuyện lõm bõm và ánh mắt Hưng liếc về phía tôi, tôi hiểu rằng bố hắn không tự nhiên mà gọi điện.
Hưng hẹn ba ngày. Hắn không lên. Gọi điện thoại, hắn không nhấc máy. Tôi héo hắt nằm nhà. Trung biết chuyện, qua gặp tôi, lắc lắc đầu: “Giời ơi, sao hốc hác thế này? Lại thằng Hưng à?”. Tôi im lặng rồi thở dài. “Thằng ấy bạc bẽo quá. Tôi nói thật, dì đừng cười, chẳng hiểu sao tôi lại ngu dại vập vào nó. Đành là dì dặn trước, nhưng mà cái tình cảm của con người khó lý giải lắm dì ạ” – vừa kể, tôi vừa mếu máo. Trung cũng thở dài: “Thì thôi, đừng thi gan nữa. Nếu đã phải như thế thì cứ sống đúng với cái tâm mình đi, đúng không? Bây giờ nhà cô nhớ thì về thăm nó rồi rước nhau lên”.
Nhờ Trung đưa địa chỉ, vẽ sơ đồ, tôi tìm được nhà Hưng. Hắn cùng bố ở trong một căn phòng vẻn vẹn tám mét vuông, quá nhỏ và nhếch nhác, vốn là gầm cầu thang của một khu tập thể. Bốn bức tường bị thấm nước loang lổ, vữa bong từng mảng. Những viên gạch lát sàn ố vàng. Một đống than tổ ong lỏng chỏng bên nồi cơm và cái bát chưa rửa. Chiếc bếp lò được đưa ra khoảnh sân chung trước cửa để tạt khói vào nhà hàng xóm. Cái gì cũng mốc thếch. Một mùi nồng nồng xộc vào mũi tôi, pha trộn giữa mùi ẩm thấp, đồ đạc cũ với mùi thức ăn.
Bố Hưng nằm trên giường, lừ lừ nhìn tôi, mặt mũi rất khó coi. Tôi biếu bố Hưng một triệu, ông lẳng lặng cầm, không nói gì. Tôi kéo Hưng ra ngoài. Hắn vùng vằng. Tôi trách:
– Mình không tình cảm chút nào. Tôi từ xa xôi như thế đi về…
– Ai bắt về mà kể? Khiến về à?
– Mày… Mày vừa phải thôi chứ?
Bố Hưng từ trong nhà nói vọng ra: “Hưng ơi, tao nói mày mãi mà mày không chịu nghe, cứ đòi trứng khôn hơn vịt. Giờ thì kệ mày, mày dám làm thì mày phải dám chịu. Gàn mày mày không nghe, mày thích đánh đú thì mày phải chịu thôi Hưng nhé”.
Tôi muốn sốt đùng đùng với cơn ghen và hận của mình. Tôi đi ngay khỏi nhà Hưng, không chào hỏi lão già đang nằm ho trên giường lấy một câu. Gọi điện cho Trung: “Nó bảo tôi là nó không có ý định lên Hà Nội nữa đâu. Thôi chắc là nó có một con bà nào dụ dỗ lôi kéo nó rồi, mấy con Việt kiều ở Hải Phòng nhiều lắm mà! Dì có thương tôi thì cùng tôi đi điều tra.…”. Trung rủ rỉ khuyên: “Con vẩu chiều nó thế là hỏng rồi. Yêu ai chả biết nhưng mà yêu thì cô cũng đừng để cho nó biết là cô yêu mới phải chứ. Nghe tôi đi, thi gan với nó đi, đứa nào gan đứa ấy thắng. Thằng Hưng mà trốn về nhà thì cũng đến lúc phải lên chứ. Cái ngữ nó chui về lại đất Hải Phòng thì làm được gì”. “Vâng, tôi nghe dì, tôi không đôi co với nó nữa. Tôi về”.
Nói là về, nhưng cuối cùng tôi có về được đâu. Đứng tần ngần giữa bến xe Tam Bạc, vừa buồn vừa cô đơn, không nhịn được, cuối cùng tôi lại rút điện thoại, nhấn gọi Hưng lần nữa, nhanh đến mức tôi chẳng nghĩ gì. Thật ngạc nhiên là lần này Hưng lại nhấc máy. Hắn hẹn tôi mười giờ đêm ra một quán café Trung Nguyên uống nước.
Mười giờ, tôi đến điểm hẹn. Hưng tới chỉ sau tôi vài phút, đúng hẹn không ngờ. Tôi chưa kịp mừng thì hắn đã cau có:
– Lằng nhà lằng nhằng. Đi đâu cũng dính vào người ta như cái đuôi chuột ấy. Ở trên Hà Nội thế còn được, về đây anh phải giữ sĩ diện cho em chứ. Bây giờ cả bố em, cả đám bạn em ở Hải Phòng, ai cũng biết thằng Dũng với thằng Hưng không phải là anh em rồi, là pêđê rồi. Bố em chửi cho mục mả đấy, anh không thấy à?
Hắn đã đổi sang xưng hô “anh em” như hai thằng đàn ông với nhau. Tự nhiên tôi thấy mình vô duyên cùng cực. Tôi xuống nước rên rỉ:
– Ôi Hưng ơi, thế mình nhất định để tôi ngủ một mình tối nay à? Giời ơi, đất khách quê người thế này…
– Đất khách quê người cái gì, đã bảo đừng xuống cứ xuống. Ra thuê nhà trọ mà nghỉ một mình đi, mai về Hà Nội, tôi lên sau.
Hưng cắm cảu bỏ đi. Tôi cũng gọi xe ôm bám theo ngay. Cảm giác nhục nhã của một kẻ lẽo đẽo “chạy theo trai” làm tôi nóng bừng mặt. Rồi nỗi nhục dần chuyển thành nỗi căm hận. Về đến quán rượu gần nhà hắn, tôi gọi mấy chai, uống cho kỳ hết. Rồi khật khà khật khưỡng đến trước cửa nhà Hưng, réo tên hắn ra chửi cực kỳ bậy bạ. Hưng sợ không dám xuất hiện. Lúc đó tôi đã say khướt.
– Thằng Hưng! Ra đây, ra đây, tao uất lắm rồi. Hôm nay tao dám làm những việc người khác không dám làm đâu.
Rượu nói thay người. Hưng ở lì trong nhà không ra. Tôi réo tên hắn, khóc, chửi ầm ĩ cả khu lên. Đêm đã khuya, hàng xóm lác đác dậy, ai nấy thò đầu ra nhìn. Trong cơn say, không nghe được tiếng mình, người ta nói to lắm, huống chi tôi gân cổ gào. Giọng khàn khàn men rượu cộng thêm với vẻ bề ngoài xộc xệch nhếch nhác của một gã say như dựng cổ tất cả mọi người trong khu dậy, bắt họ phải vểnh tai nghe, trố mắt nhìn. Bố Hưng cũng ngó ra: “Cái gì nữa thế này?”. Văng vẳng trong đầu óc mụ mị của tôi câu nói của Hưng: “Bố em chửi cho mục mả đấy, anh không thấy à?”. Chửi. Chửi nhưng vẫn lẳng lặng cầm tiền từ tay một thằng đồng tính là tôi. Chửi nhưng vẫn để con mình ăn chung ở đụng với tôi hàng tháng trời. Tôi chỉ mặt ông già, quát:
– Tôi hỏi ông, thằng Hưng đâu? Ông gọi ngay nó ra đây, không hôm nay nó khóc dở mếu dở đấy.
Bố Hưng lắc đầu, quay lưng đi vào không nói một câu. Như một Chí Phèo chính hiệu, tôi hóa rồ hóa dại, đập liền tám chai rượu ở cổng ngõ, vừa đập vừa gào lên the thé: “Ối giời ơi, các ông các bà ơi, thằng Hưng giết tôi. Nó lên trên nhà tôi hiếp cháu tôi. Nó làm khổ tôi. Bây giờ cả nhà tôi đuổi tôi rồi, ối giời ơi”. Thủy tinh vụn văng tung tóe. Tai tôi ù đặc, mắt mờ đi, chẳng còn nhìn rõ cái gì vào cái gì. Hưng từ trong nhà chạy vội ra – hắn đã lấp ló đâu đó từ lúc nãy. Tôi xồ vào hắn. Một đám thanh niên (hình như là hàng xóm, bạn Hưng thì phải) nhảy vào ôm chặt lấy tôi, dìu lên xe máy đưa đi. Đi đâu? Đi đâu? Bỏ ra. Tôi vùng vẫy, đấm đá. Ở trong nhà, bố Hưng chửi con – ốm gì nghe tiếng cứ sang sảng: “Mẹ mày, con chó ngu. Tao đã bảo mày đi về chỗ nó rồi. Nó đã điên mức độ ấy, mày phải biết điều chứ! Cút mẹ mày đi, đánh đú hàng tháng trời trên ấy còn được, bây giờ chết làm sao được mà không đi? Cứ trứng khôn hơn vịt!”.
Cả bọn lếch thếch theo nhau ra khách sạn. Tôi ôm Hưng khư khư như giữ vàng giữ ngọc suốt đêm. Rồi say, rồi nôn oẹ, chửi bới, rồi ép hắn làm tình… Sáng ra tỉnh rượu, tôi chỉ còn biết khúm núm:
– Mình, tôi xin lỗi nhé. Tôi xấu hổ quá. Tha thứ cho tôi nhé, tối qua tôi say rượu quá đấy thôi chứ tôi không nỡ làm mình buồn khổ đâu. Nhưng mà… mà cũng tại Hưng đấy, làm tôi quá giận mất khôn. Lúc nóng lên thì không thước nào đo được.
Lại tha nhau đi ăn uống, hải sản, nem cua bể, cà phê cà pháo… Lại đưa tiền cho Hưng về chăm bố ốm, rồi gạ hắn lên ngay Hà Nội. Hưng làm mặt sưng sỉa, làu bàu: “Gạn đấy, cố gạn đấy!”. Rồi cũng đồng ý.
Thế là tôi lại tiếp tục cung phụng, chiều chuộng hắn, chăm như chăm bố trẻ.