#131: Bóng – Phần 1

Truyện bóng –

Tác giả: Đoan Trang – Đoàn Nguyên, dựa trên câu chuyện có thật của nhân vật Nguyễn Văn Dũng.

within-me, photo, hinh anh, upload, download

0.

– Con ơi, Dũng ơi. Ngồi với mẹ đi con.

Khi sắp mất, mẹ nằm lặng lẽ trên giường. Thỉnh thoảng bà mở mắt nhìn tôi đi ra đi vào, rồi lại phều phào gọi con như thế. Tôi cứ quanh quẩn bên mẹ, tuyệt vọng, không biết làm gì hơn ngoài chờ đợi. Đột nhiên bà thở dài: “Không kịp rồi Dũng ạ”.

– Mẹ – Tôi nghẹn giọng – Không kịp gì hả mẹ?

– Không kịp. Mẹ đi mà mày chưa có vợ.

– Thôi, vợ con gì, mẹ. Con chả thiết vợ. Có mẹ là được rồi, con chả cần vợ.

Mẹ tôi im một lúc. Rồi bà bảo: “Ừ, thôi bật đĩa cải lương lên, hai mẹ con cùng nghe”.

Đến bây giờ, tôi vẫn không nhớ nổi tên vở cải lương cuối cùng mà hai mẹ con nghe với nhau. Tôi ngồi bên mẹ, nghẹn ngào bóp tay cho bà cụ. Bàn tay mẹ khô gầy, mỏng dính như đã mất nốt chút sinh khí cuối cùng. Những câu hát bên tai văng vẳng, lúc được lúc không.

Mẹ tôi ra đi nhẹ nhàng như người ta chìm vào giấc ngủ. Nhà có mười anh chị em nhưng lúc mẹ nhắm mắt, ngoài tôi ra, không ai về kịp để có mặt bên cụ.

Những ngày cuối cùng, bà thường gọi: “Dũng ơi, con đừng đi đâu cả. Con cứ ở đây, ở gần với mẹ. Mẹ đi lúc nào không biết đấy”. Tôi ứa nước mắt, quay đi giấu giọt lệ ầng ậc dưới mi: “Mẹ, mẹ đừng nói gở!”. Nhưng mẹ tôi đã linh cảm thấy cái chết của mình rồi: “Mẹ sắp đi đấy con ạ. Mẹ ngửi thấy mẹ có mùi của người sắp chết”. Tôi nắm chặt tay bà cụ, nhìn đăm đăm vào gương mặt mẹ. Ánh mắt bà như muốn nói điều gì. Không bao giờ tôi quên được ánh mắt ấy: đầy tình cảm, thương con tột cùng nhưng không nói ra được.

Mẹ thương tôi. Đó là lần duy nhất trong đời mẹ giục tôi lấy vợ. Bởi vì mẹ biết: Tôi là người đồng tính.

Chuyện về giới tính của thằng Dũng con bà Tốt, người ta vẫn đồn ầm ngoài chợ, nơi bà cụ bán hàng. Hết thằng này lại thằng kia đến ở cùng phòng với nó. Tiền hai mẹ con kiếm ra bao nhiêu, nó dốc hết vào bao giai, rửa chân, gội đầu nhổ tóc sâu cho giai, còn mẹ nó nằm còng queo góc nhà. Bà ốm nặng, nó đi với giai tít mít, lúc về thấy mẹ ngồi bốc cơm nguội nhai trệu trạo. Lần khác hàng xóm thấy bà cụ ngã nằm ngay cửa nhà, chắc là gượng dậy đi vệ sinh bị trúng gió.

Người ta đồn thế đấy! Nhưng mẹ cố nén chịu nỗi đau khổ ngấm ngầm để không bao giờ trách cứ tôi, cũng chẳng dằn vặt tôi về chuyện gia đình, vợ con.

Hơn bốn chục tuổi đầu, sống độc thân, tôi đã mất nhiều năm để quen với sự cô đơn mà số phận dành cho mình. Nhưng những ngày đầu, tôi vẫn khóc thầm khi nghĩ đến con đường dài trước mặt. Rồi bước đến trước bàn thờ mẹ, thắp nén hương, định tâm sự với bà cụ vài câu cho nhẹ lòng, như một lời khoe của trẻ con: “Con đã ngộ ra rồi mẹ ạ, từ nay con sẽ sống thanh thản”. Nhưng nhìn ảnh mẹ mờ mờ sau làn khói hương, nước mắt tôi lại tràn ra, giàn giụa. Tôi gục đầu xuống mép bàn thờ, nức nở: “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Con biết mẹ thương con lắm, nhưng bây giờ mẹ ở bên kia rồi. Mẹ có biết con khổ lắm không? Con không trách mẹ đâu, con không đổ lỗi cho mẹ đâu. Nhưng con cô độc lắm, côi cút lắm mẹ ơi…”

Là một người đồng tính, lẽ ra tôi phải tự xác định là mình sẽ cô đơn mãi mãi. Lẽ ra tôi phải biết…

k

Đó là một đêm hè, trời lấm tấm sao. Bạn tôi độn ngực, nhễ nhại mồ hôi. Bình thường bạn chỉ thích thở than với tôi chuyện “thằng chồng” của mình: Đêm qua nó không chịu bế tôi lên giường, nó chê tôi béo. Sáng nay nó bảo tôi nó muốn lên đời cái ống nhổ 1  dì ạ… Nhưng hôm nay thì khác, bạn chủ động hỏi tôi, vẫn bằng giọng the thé quen thuộc: “Cô vẩu sao buồn thế? Dũng sao thế hả Dũng?”.

Tôi không trả lời. Biết bắt đầu từ đâu với những câu chuyện luôn luôn giống nhau: bế tắc và không lối thoát.

Chúng tôi đi bên nhau, như tôi và Nhân đã từng đi. Tôi và bạn chỉ có nhau để rủ rỉ về chuyện “chồng”. Không phải “chồng con” vì những đứa trẻ không thể mọc ra từ chúng tôi. Tỉ tê khuyên nhau cách giữ “chồng”. Cười rúc rích những chuyện bậy bạ. Và sụt sịt khóc cho những mối tình trai tuyệt vọng của mình. Giống như vô số câu chuyện thì thầm giữa cánh đàn bà với nhau. Chỉ có cái khác: Chúng tôi không phải đàn bà. Cũng như Nhân không phải đàn bà.

Đêm nay, tôi và bạn đi dưới hàng cây tối ven Hồ Gươm. Vỉa hè này chính là nơi tôi và Nhân từng đè nhau ra mà đánh lộn và gầm gào ầm ĩ trước con mắt chê cười của thiên hạ. Phố Hàng Khay đây cũng là nơi mà, vào một ngày đầu hạ trong sáng, tôi gặp Nhân lần đầu tiên. Hoa bằng lăng tím ngát. Tôi đã yêu Nhân ngay từ lần đầu tiên ấy. Hôm đó, tôi cứ muốn nhìn Nhân mãi. Cuống quýt không biết làm sao để được trò chuyện với Nhân lâu hơn, và đi xa hơn nữa, giữ Nhân luôn ở bên mình. Mãi mãi…

Cũng đã bao nhiêu buổi tối mùa đông, tôi khoác tay Nhân ra Hồ Gươm. Chúng tôi sà vào quán cóc nhỏ, uống chén trà nóng, ăn lát mực khô chấm tương ớt cay, xuýt xoa vì gió lạnh. Bao nhiêu tối mùa hè, chúng tôi ngồi dưới bóng cây, nghe tiếng ve kêu ran ran trong vòm lá và nhìn đèn màu bập bùng đỏ trên mặt nước phía cầu Thê Húc.

Tất cả giờ đã thuộc về quá khứ. Quá khứ mới gần đây nhưng sẽ thành xa vời.

“Này nhá, tôi bảo dì nhá. Cái mồm vẩu cứ im thin thít thế, tôi ghét lắm. Chuyện dì với thằng Nhân thế nào?”. Tôi ngẩng nhìn và ngạc nhiên nhận thấy, trong một khoảnh khắc, nét mặt bạn đầy đau khổ. Bạn như già đi hàng chục tuổi, chẳng còn chút gì hình ảnh người đàn ông kẻ mắt xanh đánh má hồng, ngồi bặm môi hì hục viết ra giấy những lời tôi dặn dò để mang về nhà đối phó với “chồng”, vừa viết vừa rền rĩ: “Ôi, ôi, sao mà nó làm khổ tôi thế này, cái thằng này…”. Lúc ấy, dù biết là bạn đang khổ sở thật, tôi vẫn phì cười thấy bạn ngộ nghĩnh vô cùng. Hình như chỉ đến bây giờ, tôi mới chợt nhận ra nỗi buồn triền miên bên trong con người bạn. Và tôi xót xa nghĩ tới một ngày cả bạn và tôi sẽ thật sự già. Tôi hình dung ra những ngày tháng hai ông già cô đơn, lủi thủi đếm từng ngày trời bắt sống. Không sức khỏe. Không gia đình. Không con cái. Không còn nhu cầu gì cả.

Nhân ư? Đêm đó, chúng tôi đi chơi khuya, tới tận một giờ sáng. Tôi đã rất vui sướng. Bao giờ tôi cũng vui sướng như thế khi được ở bên người mình yêu và run run cảm nhận rằng hình như người đó cũng có cảm tình với mình. Trở về nhà, tôi lên giường nằm ôm lưng, vuốt tóc Nhân. Nhân im lặng, rồi đột nhiên Nhân nói đến chuyện bố mẹ giục về quê lấy vợ, cũng đã đến lúc phải có thằng cu cho các cụ bế rồi. Vụt một cái, tôi nhận ra mọi tình cảm âu yếm của Nhân dành cho tôi chỉ là ảo ảnh. Giữa chúng tôi, sẽ không có ngày mai!

Sau cuộc cãi vã, tôi chạy vào phòng tắm, gục mặt vào tường và nức nở thành tiếng. Vẫn giữ thói quen soi gương, ngay cả khi đang khóc, tôi quay vào gương để thấy đôi mắt đỏ ngầu nhìn lại mình, đầy nước. Lỗi là tại tôi, không hiểu sao tôi cứ mơ mộng như thế? Sao phải đến lúc ấy tôi mới chịu nhận ra rằng giữa chúng tôi sẽ không bao giờ có ngày mai?

Tôi ngồi bệt xuống vỉa hè, trông ra Bờ Hồ lấp lánh đèn màu. Bạn tôi ngồi xổm bên cạnh, vẫn ngại bẩn quần: “Làm sao? Dì với nó lại múc nhau à?”. “Nó lại đòi về quê lấy vợ” – tôi đáp. “Nó bỏ tôi nó đi rồi”. “Đi với gái?”. “Không biết!”.

Đêm khuya. Chúng tôi lang thang trên những con phố đông người của khu trung tâm Hà Nội. Các cửa hiệu đã tắt đèn. Dãy Hàng Ngang – Hàng Đào tối như một thị trấn đêm chiến tranh, chỉ còn được soi sáng bằng những luồng đèn xe máy loang loáng. Tôi lại nhớ đến Nhân. Chúng tôi đã từng đi bên nhau như thế. Bao lần rồi Nhân nhỉ? Nhân từng chỉ vào những nhà ống lụp xụp kia mà nói rằng: “Ở đây thích thế, Dũng nhỉ? Toàn nhà cổ”.

“Nó đi rồi nó lại về thôi”, bạn tôi nói. “Mấy lần trước cũng thế mà”.

“Nhưng có về với tôi thì rồi nó cũng lại bỏ đi thôi”.

“Thôi thì có duyên sẽ gặp. Cái phận bọn mình là thế rồi Dũng ạ”.

k

Bạn tôi chỉ nói vậy thôi. Hiểu được bản thân để chấp nhận “cái phận của mình” có bao giờ là chuyện dễ? Với những gì đã qua, chẳng phải tôi cũng đã mất hơn hai mươi năm để ngộ ra rằng sự cô đơn là “cái phận” của những người đồng tính đó ư?

Nhưng không chỉ có sự cô đơn. Tôi luôn hiểu rất rõ rằng người đồng tính chúng tôi là những số phận bất hạnh.

Bất hạnh, vì chúng tôi sinh ra như những người bình thường, chỉ khác duy nhất ở chỗ chúng tôi có khuynh hướng luyến ái khác mọi người. Và đó là nguồn gốc của mọi khổ đau.

Bất hạnh, vì chúng tôi yêu mà không bao giờ được đáp lại, chúng tôi hy sinh mà không bao giờ được bù đắp, chúng tôi khao khát mà không bao giờ được thỏa mãn, cuối cùng phải chấp nhận một cuộc sống diệt dục.

Bất hạnh, vì chúng tôi không được (và không dám) sống với đúng con người thật của mình. Chúng tôi phải giấu giếm, kiềm chế, thậm chí đè nén bản thân. Và khi không giấu nổi, hoặc không muốn giấu nữa, chúng tôi sẽ vấp phải sự kỳ thị rất vô hình của đồng loại – những cái nhìn tò mò, ghê sợ, thương hại v.v…

Bất hạnh, vì chúng tôi cô đơn suốt đời. Chúng tôi lủi thủi từ khi còn là những đứa trẻ bị trêu chọc, dò xét, uốn nắn, kìm kẹp, sửa đổi. Chúng tôi sống thu mình khi là những thanh niên đầy sức sống, đầy khao khát yêu thương bị nén lại. Chúng tôi cô độc khi đầu đã bạc, nhìn xung quanh thấy bè bạn cùng trang lứa đều đã con đàn cháu đống.

k

Độc giả thân mến của tôi!

Đồng tính hoàn toàn không phải là sự lựa chọn đối với mỗi chúng tôi, không ai trong giới chúng tôi muốn như vậy. Nếu đó là lựa chọn, tôi ước sao có thể trở thành một người bình thường – dù là đàn ông hay phụ nữ. Hỡi ơi, với tất cả những chữ “nếu”…

Giờ đây, khi mọi chuyện điên rồ nhất đã qua, tôi muốn ngồi lại, kể với các bạn về tất cả những tháng ngày ấy. Và tôi muốn nói thêm nhiều điều nữa về thế giới của chúng tôi – những người đồng tính – hy vọng giúp các bạn hiểu chúng tôi hơn. Ước mong sao cuốn tự truyện này của tôi sẽ giống như lời chia sẻ từ một người đồng tính gửi đến các bạn.

Có thể, các bạn sẽ từ chối: “Giữa chúng ta làm gì có điểm chung mà chia sẻ”. Nhưng tôi muốn cả gan nói rằng: “Có chứ. Ở một mặt nào đấy, chúng tôi cũng như các bạn. Vì chúng tôi cũng là con người. Vì chúng tôi cũng yêu, với đủ những cung bậc cảm xúc mà người ta có thể tự tìm thấy cho mình”.

Xin hãy coi cuốn sách này như món quà riêng tặng những người yêu nhau, cho dù họ có đến được với nhau hay không. Xin hãy để nó nói lên điều mà tôi luôn nghĩ: Tình yêu là thứ quý giá và khó kiếm nhất trên đời này, nếu có được, chúng ta hãy cố gắng trân trọng và giữ lấy nó.

Như các bạn thấy, bây giờ đây, trong cuốn sách này…

1.

Cơn mê

Cả đời mình, sẽ không bao giờ tôi quên lão già ấy. Một lão già Canada, tuổi ngót nghét bảy mươi. Gù như tôm, tàn nhang chi chít quanh cái bụng đã chảy xệ. Và khỏe kinh khủng. 

Nhìn thân hình nhăn nheo phủ một lớp lông loắn xoắn của lão, tôi cố gạt cảm giác kinh tởm để bước lên giường. Đó là một đêm rất dài. Trước lão, tôi chưa một lần quan hệ tình dục với người nước ngoài. Sau lão, tôi cũng không bao giờ đủ can đảm làm điều ấy thêm lần nữa. Ngoài trời mưa rất to. Trong phòng, lão già có đôi mắt xanh đục và mái tóc bạch kim nằm trên người tôi, hì hục. Cứ vậy suốt một đêm. Mồ hôi tôi ướt nhòa. Lẫn cùng mồ hôi lão đang vã ra, tong tỏng nhỏ xuống như mưa dột. 

Sáng ra, mệt rời rã, tôi nhận được từ lão già một số tiền kha khá, đủ để mang về đưa cho bạn tình với vẻ mặt đầy sung sướng tự hào. Bán thân lấy tiền nuôi giai, nghe ra tôi có khác gì một “chàng Kiều” của giới đồng tính luyến ái?  

Người đó, con người mà vì anh ta tôi đã bán thân cho Tây, là Hưng. 

k

So với những bạn tình từng đi cùng tôi, Hưng là người tàn nhẫn nhất. Và trong đời tôi, cho tới lúc này, đó cũng là mối tình đen đủi nhất. 

Hưng có khuôn mặt trái xoan, đôi môi đỏ và cặp mắt trong sáng của một đứa trẻ con. Khi quen tôi, hắn chừng mười tám tuổi. Biệt danh của Hưng là Hưng bảy màu. Lúc ấy, chẳng ai biết tại sao hắn tên như thế. Bởi cách Hưng ăn mặc và để đầu tóc cũng bình thường, không lấy gì làm lòe loẹt. Lâu ngày, tôi mới hiểu: Người ta gọi vậy vì hắn từng làm mại dâm nam, có lần đi khách tới bảy lượt trong một ngày. 

Quê Hưng ở Hải Phòng. Tôi biết hắn khi hắn còn đang cặp với Trung, một người bạn cũng dân bóng. Trớ trêu, lần đầu gặp Hưng, tôi là người duy nhất chứng kiến cảnh hắn và Trung chia tay nhau. Trung lạnh lùng và bao giờ cũng rạch ròi trong chuyện tình cảm. Hắn đưa Hưng một xấp tiền: 

– Về Hải Phòng đi Hưng. Thôi, từ giờ mình là anh em. Thỉnh thoảng, Hưng thích thì cứ lên đây chơi một bữa, khó khăn tôi giúp. Nhưng bây giờ, Hưng về đi. 

Hưng rơm rớm nước mắt, bước ra cửa. Tôi ngồi cạnh, không can nổi một câu. Trung quay sang tôi, nói như phân bua: 

– Thôi, người như mình nói chung là có phận rồi, cô Dũng nhỉ? (Chúng tôi vẫn hay gọi nhau là “cô”, “dì”). Tôi tin vào phận đấy. Từ nay, tôi với thằng Hưng hết tình hết nghĩa. Còn nhé, bắt đầu từ ngày mai, nó muốn làm gì, nó muốn đi với ai, tôi cũng coi như không. Kể cả đi trước mặt mình. Tôi chẳng như cô đâu.  

Tôi lặng im. Khi ấy, tôi vừa có một cuộc tình thất bại. Nỗi buồn không còn dữ dội nữa, mà nhoi nhói trong lòng. Nói thế nào nhỉ, nó không phải là cơn đau cắn xé như bị viêm ruột thừa, mà là cái âm ỉ của người bị bệnh về dạ dày.  

Chừng một tuần sau, tôi đang nằm trong nhà thì nghe tiếng gọi: “Anh Dũng ơi!”. Nhìn ra cửa, Hưng lù lù đứng trong sân. “Sao mày tìm được nhà anh?”. “Có lần anh Trung chở em qua, em đứng ngoài”. Tôi đưa Hưng vào nhà. 

– Sao, chưa về Hải Phòng à? 

Hưng lắc đầu. Một lát, hắn lúng túng nói thật: “Em… còn thiếu nợ người ta. Bây giờ em chưa về được. Em xin tiền Trung. Nhưng ông ấy không cho. Gọi điện thì ông ấy nói là bận, không gặp”. “Sao lại đến nông nỗi ấy?”. “Dạ. Giờ anh có tiền thì anh giúp em nhé, một triệu đồng”. “Thôi cứ ngồi đấy, để anh tính xem”. 

Tôi qua nhà Trung. Bụng bảo dạ: “Thằng cu này trẻ con quá. Mới biết người ta lần đầu mà đã hỏi mượn tiền?”.  

Gặp Trung, tôi lắc đầu: 

– Hết tình còn nghĩa, dì là người lớn mà. Nó ít tuổi hơn, hoàn cảnh có khổ, nhà có nghèo thì nó mới phải dính vào những đứa như chị em mình. Nhà nó mà giàu thì đến cái lông chân của nó mình cũng không động được đến. Thôi, dì nghe lời tôi. 

Trung gật gù: 

– Nói thật, một triệu không nhiều, nhưng tôi tởm thằng này. Bọn nó không hành được tôi đâu. Kiểu như Hưng, lạy thì tôi mới cho ở cùng. Chứ không như nhà cô, cứ chạy theo hết thằng này đến thằng khác, hầu chúng nó rồi rước khổ vào thân… 

Trung đưa tôi tiền. “Dũng cầm đi. Tôi không muốn giáp mặt nó”. 

Tôi về nhà. Đưa tiền cho Hưng, hắn cám ơn rối rít. Tối muộn, tôi bảo Hưng ngủ lại nhà. Thật lòng, lúc ấy trong đầu tôi vẫn chưa hề có một mảy may ý nghĩ gian tà nào. Dân bóng có những nguyên tắc riêng rất chặt chẽ. Ngoài đời, người ta ghét chuyện “tà lưa” vợ hoặc người yêu của bạn thế nào, giới đồng tính chúng tôi cũng tránh chuyện tranh cướp bạn tình của nhau như vậy. Cách đó vài năm, một cô bóng bạn tôi dại dột mắc vào chuyện này. Lập tức, cô bị tẩy chay. Gặp “nàng”, mấy “cô” xa xả: “Con này là căn tranh vợ cướp chồng nhá. Không tốt nhá. Đồng cô pêđê phải thương nhau chứ. Giết nhau không gươm không giáo thế à? Cạch mặt mày, không nói chuyện nữa…”. 

Tôi trò chuyện với Hưng rất lâu trước khi đi ngủ. Mẹ Hưng mất sớm. Hắn ở cùng bố một thời gian, rồi lên Hà Nội kiếm sống, lúc bán tranh ảnh dạo, lúc đánh giày… Vất vưởng ngoài vỉa hè thì gặp Trung. Câu chuyện kể cùng vẻ mặt hiền lành của Hưng khiến trong lòng tôi dấy lên sự thông cảm. Tôi nhớ ngày nhỏ bố cũng đánh tôi rất ghê, hai bố con vốn xung khắc nhau nhiều. 

– Anh chơi với Trung, chắc anh biết tính người ta. Chán em rồi thì xử sự thế đấy.  

Trung cũng dân bóng nhưng lại rất cứng rắn và luôn biết kiềm chế mình. Hắn đau khổ đã nhiều trong chuyện tình cảm nên khá lạnh lùng. Dù sao, cách hắn rẻ rúng Hưng khiến tôi hơi bất nhẫn. 

Chúng tôi quay ra ngủ. Nửa đêm, như vô tình, Hưng quờ tay ôm tôi. Con quỷ trong tôi như trỗi dậy, kích thích, vật người tôi lại phía Hưng. Chia tay với người tình cũ lâu quá rồi, dằn vặt, nhớ nhung nhiều quá rồi. Lòng tôi lúc nào cũng trống vắng, buồn buồn vì không tìm được bạn tình để chia sẻ. Khao khát bản năng, cộng với nỗi buồn kéo dài đã lâu ngày, chờ đến giây phút lửa bén rơm là bùng cháy. Tôi sán tới, ôm lấy hắn. Hưng không chống cự, cũng không phản ứng. Nhân đà đó tôi tiếp tục tấn công, dường như là sự thỏa mãn cho cơn khát của bao nhiêu ngày kìm nén…  

Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi thấy trong lòng vô cùng thoải mái, sung sướng dạt dào. Đến lúc đó rồi thì tôi chỉ còn nghĩ làm thế nào để cột được Hưng vào với mình. Còn cách nào nữa nếu không phải cái cách mà dân gay vẫn sử dụng để níu kéo bạn tình: dùng vật chất. Bằng kinh nghiệm của một người luôn biết cách đánh vào tâm lý người khác, tôi toan tính: Tuổi mười tám của Hưng là cái ngưỡng giữa trẻ con và người lớn, nếu muốn giữ Hưng thì phải khéo dỗ, dỗ và dỗ. Dụ dỗ bằng vật chất khi ấy xem ra quá hợp vì Hưng vừa bị “đá”, đang cần việc làm kiếm sống.  

Tôi bảo Hưng: “Anh hứa với em, anh sẽ xin cho em đi làm bằng mọi cách, nếu em thích. Em là bạn của Trung thì cũng là bạn anh. Nhưng bây giờ, với anh, em còn… hơn cả bạn đấy. Anh sẽ coi em như một người bạn nhỏ tuổi. Ừ, tức là… trên giường thì bọn mình là người tình, còn ra ngoài đường thì lại là anh em”. Dỗ, dỗ và dỗ. Dân bóng vốn khéo léo, nếu thêm chút đầu óc thì càng thuyết phục giỏi lắm, con kiến trong lỗ cũng phải bò ra. Huống chi Hưng đang ở bước đường cùng, hắn mừng rơn.   

Cái khó khi xin việc cho Hưng là hắn không có văn hóa. Tuy nhiên, tôi cũng đã tính: Nếu không đưa được Hưng vào xí nghiệp nào làm công nhân, tôi sẽ xin cho hắn vào phục vụ ở các quán giải khát mà tôi quen. Nếu không nữa, thì nhờ bạn dạy cho Hưng nghề cắt tóc, mở cái quầy nho nhỏ trên vỉa hè là ổn cả. Vấn đề chỉ là Hưng có chịu ở với tôi hay không mà thôi. Nghe thuyết phục, Hưng cũng xuôi xuôi.  

Giữ được Hưng rồi, tôi loay hoay nghĩ cách nói chuyện với Trung. Lời giải đến rất bất ngờ. Hai ngày sau, vào buổi sáng, Trung tình cờ qua rủ tôi đi uống cà phê. Đụng Hưng, hắn dửng dưng như không thấy gì. Chở tôi ra quán, Trung bình thản: 

– Con vẩu Dũng nghe tôi nói nhé. Nếu cô thích thằng Hưng, cô không phải ngại gì dư luận cả. Tôi với cô thân nhau, nói một câu ấy là đủ rồi. Tôi biết là cô bối rối khó xử với tôi lắm. Nhưng cô phải hiểu: Một đứa như Hưng không có giá trị gì đến cuộc đời bọn mình đâu. Đừng nghĩ xa xôi. 

Hắn ngừng lại để châm điếu thuốc. Tôi im lặng. Một lát, Trung lại ngẩng lên: 

– Có điều cô phải xác định thế này này: Nó chẳng qua chỉ là cái đồ chơi đối với chị em mình thôi. Nhà cô thích thì chơi, bao giờ hết thích thì giải tán. Đừng đau khổ. Đau khổ là tôi đến tận nhà, tôi tát vào mặt cả hai đứa nhé. 

Tôi ngượng ngùng: 

– Cũng chả thích lắm đâu. Nhưng tôi đương buồn. Thôi, cũng coi như nó là đứa em trong nhà. 

Trung phẩy tay ra ý “đủ rồi”. Bàn tay đàn ông nhưng mỡ màng, đeo cả mớ nhẫn vàng chóe. Hắn lại cúi xuống phin cà phê. May quá. Tôi thầm cám ơn Trung đã tránh cho mình những lời xưng tội không cần thiết. 

Bây giờ, Hưng là của tôi! 

Lộ mặt

Tuần trăng mật của chúng tôi kéo dài khoảng hai tháng. Đến giờ nhớ lại tôi vẫn cảm thấy bồi hồi. Trong độ hai tháng ấy, Hưng đối xử với tôi cực kỳ tình cảm, hiền lành, ngoan ngoãn, dễ thương. Càng ngày tôi càng thích Hưng hơn. Đêm đêm, nó cứ như một con mèo con ấm áp sà vào lòng tôi, thủ thỉ: “Anh ơi, anh”. “Gì em?”. “Thế sau này, liệu có một ngày nào đấy anh bỏ em không?”. Nghe mà thương vô cùng. Tôi ôm chặt lấy nó, thốt lên: “Anh không bao giờ bỏ em đâu. Anh không quen thề thốt, nhưng nếu bỏ em, anh không còn là người nữa”. Hưng nhoẻn miệng cười rất xinh: “Anh không thề thì em thề vậy. Em thề em sẽ không bỏ anh, anh nhé”.  

Tôi và Hưng đã có nhiều kỷ niệm đẹp trong những ngày tháng còn “trăng mật”. Mùa nước nổi, hai đứa đi ăn, uống rượu tới một giờ sáng, rồi rủ nhau lên cầu chơi. Năm ấy, nước sông Hồng lên to lắm. Chúng tôi đi bộ ra cầu Long Biên, tìm đường xuống bãi giữa. Đêm khuya thanh vắng, gió dạt dào. Hưng và tôi đứng trên bậc cuối cùng của cầu thang dẫn xuống bãi giữa, thấy mặt nước xung quanh mênh mông như biển cả. Dải cù lao tối đen, rập rờn những lá ngô lá mía. Xa xa bên kia cầu là thành phố long lanh ánh đèn. Đứng giữa bao la đất trời, sông nước, cả hai đều thấy bồi hồi tâm trạng. Hưng khẽ nói: “Mình thử… yêu nhau ngoài đường không anh?”. Thú thật tôi cũng thấy thinh thích, một cảm giác lạ đấy chứ. Nhưng tôi vừa đứng thẳng người dậy thì đèn pin của những người gác cầu loe loe chiếu xuống đầu. Ôi, xấu hổ, xấu hổ. Tôi cuống lên, bảo Hưng: “Thôi, đi về, đi về ngay. Không làm trò này ở ngoài đường được đâu”. Hưng sợ tôi ngượng quá lại dỗi nên đành dắt nhau đi về.  

Nói gì thì nói, mỗi người bạn tình của tôi đều có điểm tốt, điểm xấu. Hưng cũng vậy. Thời gian đầu quen tôi, hắn tỏ ra rất đáng yêu, nhí nhảnh như một chàng trai chưa lớn hết, hát chèo, hát chầu văn suốt ngày. Có buổi sáng tôi đưa tiền cho Hưng đi ăn phở. Trên đường đi, hắn gặp một đám xóc đĩa nên ghé vào. Thắng được mấy trăm ngàn, Hưng mang về đưa cả cho tôi. “Giời ơi, sao hư thế?”. Tôi mắng, nhưng trong bụng lại càng thấy yêu sự thật thà của thằng bé. 

Ở nhà tôi, phải nói là Hưng “dân vận” khá tốt. Tính hắn sạch sẽ, ngày nào cũng tắm, cũng lau chùi nhà cửa. Từng viên gạch lát sàn nhà tôi cứ sáng bóng lên, mẹ tôi rất hài lòng. Thời gian ấy, bà cụ mới bán thêm cả dưa cà muối, bên cạnh mặt hàng thịt bò thường lệ của gia đình. Hưng chịu khó ngồi rửa dưa cắt cà rất cẩn thận, tôi ngồi cạnh hắn, trêu đùa nhau cười rúc rích mà mẹ tôi không để ý. Cũng có thể bà cụ lờ đi. Rửa dưa cắt cà xong, Hưng bắt đầu quét tước nhà cửa, quét cả đường đi lối lại, vừa làm vừa hát, đến hàng xóm cũng phải thích. 

Những dịp hiếm hoi Hưng gặp Trung, cả hai đều im lặng. Một lần duy nhất, Trung cao hứng trêu: “Nào, Hưng, có anh ở đây, Hưng dám ra hôn dì Dũng một cái không?”. Hưng lắc đầu: “Không, anh em thôi”. “Ừ, anh em ấy mà, anh em theo kiểu không có chó thì bắt mèo…” – Trung cười nhạt. “Huyên thuyên, vớ vẩn, con này hết chuyện rồi à?”. Tôi ngượng, gắt lên. Hắn quay sang Hưng: “Hưng à, anh nói thật, anh Dũng quý em mười phần, anh chỉ quý em được hai phần thôi. Tính anh Dũng sẵn thế, liệu sao mà ăn ở cho tốt. Chứ còn như em, anh không bao giờ chơi cùng, anh sẽ tìm đứa nào chân chất, ngoan ngoãn tử tế cơ”. Nghe giọng cười của Trung, tôi lờ mờ cảm thấy quãng thời gian đi cùng nhau, giữa hai người đã có chuyện gì không thể khỏa lấp. 

k

Rồi cũng đến lúc, tôi hiểu rằng không phải vô cớ mà Trung từng cảnh giác với Hưng đến thế.  

Bắt đầu từ một chuyện tưởng như hết sức bình thường. Lần ấy không hiểu vô ý thế nào, Hưng cắt dưa bị vụn ra. Mẹ tôi về nhà trông thấy mớ dưa, kêu lên: “Ai cắt đây?”. Tôi đùa: “Người yêu con cắt đấy”. Mẹ tôi cầm lá dưa nát lên xem, lắc đầu: “Con gái như thế này à, là loại con gái bố mẹ không dạy tề gia nội trợ. Chỉ có cho đi nhà thổ!”. Mẹ tôi vốn là người đàn bà bán hàng chợ búa, ăn nói có phần cay nghiệt, ngoa ngoắt. Hưng nghe được, cười khanh khách, nhưng tôi thấy con mắt hắn hoe hoe đỏ, tiếng cười gượng gạo. Một người đàn ông nghe chửi như vậy thì việc gì phải khóc. Tôi lờ mờ thấy rằng hình như câu nói ấy chạm vào cái gì đó thuộc về quá khứ của Hưng, quá khứ không lấy gì làm hạnh phúc.  

Tuy vậy, chuyện cũng chẳng làm tôi bận tâm nhiều. Kể cả cho đến vài ngày sau đó, khi tôi lân la với đám trẻ bán hàng rong ở Bờ Hồ và nghe chúng nói rằng Hưng từng đi bán dâm cho người nước ngoài trong thời gian kiếm sống lay lắt trên các vỉa hè Hà Nội. Thì ra khi mẹ tôi đay đả “con gái thế này chỉ có cho đi nhà thổ”, câu nói ấy vô tình động chạm vào nỗi đau và hận đời của Hưng. Hắn ý thức được nhà thổ là như thế nào lắm. Hắn tủi thân, tủi cho cái gia cảnh và thân phận trôi nổi của hắn.  

Hai tháng dần trôi qua. Hai tháng đầy yêu thương, tình cảm.  

Hết khoảng thời gian ấy, Hưng bắt đầu có những lần đi đây đi đó về muộn. Tôi chờ đến khuya mới thấy hắn về nhà, mắt đỏ đục, hơi thở và quần áo ngập mùi chua chua của bia rượu. Tôi hỏi có chuyện gì, Hưng chỉ cười trừ, vẫn nụ cười bẽn lẽn nhỏ nhẻ. Cho đến một hôm hắn buông thõng câu trả lời: “Chán thì uống!”. Chán? Chán gì? Chán tôi? Tôi níu áo Hưng hỏi gặng. Lần đầu tiên trong thời gian ở với tôi, Hưng lạnh lùng không đáp. Mặt nặng trịch, leo lên giường đi ngủ. Còn tôi ngồi lo lắng, mặt thuỗn ra. Tôi cố nghĩ xem Hưng chán cái gì. Có lẽ cũng dễ hiểu, tôi đâu phải cái neo để buộc chân hắn – một thanh niên mười tám tuổi, đã quá quen với cuộc sống lang thang phiêu bạt. Hắn như con ngựa chưa thuần, hoang dã và lưu manh. Ở nhà tôi lại phải vào khuôn khổ, Hưng càng khó chịu.  

Tôi biết như thế, nhưng đành phải chấp nhận. Thôi thì cứ để hắn đi uống rượu cũng được. Tôi không muốn thấy Hưng buồn chán bên tôi. Nhưng trong lòng tôi, một nỗi sợ mơ hồ bắt đầu ám ảnh. Tôi sợ cứ cái đà ấy, Hưng sẽ chán tôi. Về sau, bắt đầu tới những lần Hưng rón rén về khuya trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo, mắt sáng long lanh, không còn hơi bia rượu. Hỏi gì, hắn cũng trả lời chung chung, qua quýt, tuy vẫn cố tỏ ra nhẹ nhàng ngoan ngoãn. Khác lắm rồi. Tôi nghi hắn có bồ.  

Tình nhân của Hưng có thể là ai? Đàn ông hay phụ nữ? Nếu là đàn ông, ắt hẳn đó là một người giàu và đẹp hơn tôi. Còn nếu là phụ nữ… 

Đến đây, bạn đọc hẳn sẽ hỏi: Hưng là đàn ông thật sự hay cũng là dân bóng như tôi? Thực ra, chuyện gay yêu gay thì cũng có, nhưng không nhiều, chúng tôi gọi đó là “ăn thịt đồng loại”. Trên thực tế, đa số gay yêu đàn ông, người càng nam tính thì càng yêu. Chính vì lẽ đó nên gay mới khó tìm bạn tình: Liệu có mấy người đàn ông “thứ thiệt” đón nhận tình yêu của gay? Trong số các bạn tình của tôi, có cả đàn ông và bóng. Bóng lại chia ra thành những người yêu đàn ông, và những người yêu cả hai giới, ngôn ngữ thông tục gọi là “hi-fi”. Sau này, khi cùng chung sống, bằng linh cảm và cả kinh nghiệm bản thân, tôi mới thấy hình như Hưng cũng là một hi-fi như thế.   

Hàng loạt câu hỏi quay cuồng trong đầu tôi. Hỏi dò, nói chuyện xa gần rồi trực tiếp, tôi đều không nhận được câu trả lời từ Hưng. Hắn tránh né, nói năng cộc lốc. Vẻ âu yếm và ngoan ngoãn ngày trước mất dần. Bực quá, tôi cấm hắn đi chơi. Đó là sai lầm đầu tiên của tôi trong cuộc tình với Hưng. Bị cấm đoán, hắn bắt đầu tức tối và tìm mọi cách để chuồn ra khỏi nhà. Không kìm nổi tức giận, tôi đã tát hắn. Cái tát hơi mạnh tay, hắn ngửng lên, mếu máo bệu bạo: “Ôi giời ôi, mới đầu nói là yêu người ta, bây giờ mới lộ rõ ra là quân ác độc, đánh người ta nhé. Tát một cái mà hàng nghìn con đom đóm trên mắt rồi đây này”. Chao ôi, nhìn đôi môi hắn đỏ chon chót, cái mặt phụng phịu hờn dỗi, tôi lại càng thích hơn. Giận thì giận mà thương thì vẫn thương, thế mới khổ cho trái tim đàn bà trong tôi. Tôi lại chuyển sang dỗ dành hắn, đi mua hàng cân kẹo bánh và sôcôla về cho “hoàng tử” ăn.

Nhưng dẫu có giữ được cái chân, cũng làm sao mà giữ được cái đầu hoàng tử. Đám bạn rỉ tai tôi: “Anh Dũng, anh Dũng. Hôm qua thằng Hưng nhà anh nó đi với gái đấy. Em thấy nó cặp kè với con bé nào ấy, đi từ trong nhà nghỉ ra”.  

“Con bé nào ấy”. Bốn tiếng như sét đánh ngang. Một cái gì đó sắc nhọn nhói lên trong lồng ngực làm tôi khó thở. Tôi đứng chết lặng, mặt tím lại. Thì ra tôi đoán đúng.

Tôi chạy như điên về nhà tìm Hưng. Tôi những muốn túm lấy cổ áo hắn mà gầm lên những lời cay đắng. 

Nhưng không có ai ở nhà cả. 

Hắn bỏ đi rồi.  

(Visited 3 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments