#8: Kể chuyện Tết 2009: Phần 3. Chuyện lì xì.

Hoang Anh – Beo dat may troi.mp3 –

Tết nhất, up một bản sáo trúc để bật lên cho có không khí nhé nhé!

Chẳng hiểu sao cứ tới Tết là mọi người lại lắm tâm trạng như thế nhỉ? Mỗi người một tâm trạng, vừa giống nhau mà lại vừa khác nhau.

Nhớ hồi nhỏ, biết sắp đến Tết thì sẽ có 2 niềm vui rất lớn và một 1 nỗi sợ rất lớn. 2 niềm vui lớn đó là sẽ được nghỉ học và được mừng tuổi, còn nỗi sợ lớn không gì khác là sẽ phải nghe tiếng đại phát pháo nổ và đêm 30 Tết.

Ngày ấy, tớ hay ăn Tết ở quê. Cứ khi nào nhà trường cho nghỉ phép là được bố mẹ bồng bế cho về quê ăn Tết, thường thì về quê nội ăn Tết nhiều thời gian hơn, quê ngoại ít hơn, nhưng được về đều hai quê.

Nhớ hồi nhỏ, đi chạy khắp chỗ này chỗ nọ, bởi vì tớ là đứa cháu lớn nhất nhà, cả về vai vế lẫn tuổi tác nên có thể nói trước 10 tuổi thì hoàn toàn là “độc quyền” vụ được mừng tuổi. Thích nhất là cứ đi một vòng để “sưu tầm” tiền mừng tuổi. Cứ người lớn đến nhà hay theo cô chú sang nhà người lớn khác chơi là cười nhe nhở (hoặc có lúc giả vờ tẽn tò) để nhận tiền mừng tuổi. Cái thời của tớ, tớ chả hề có phong bao như bây giờ, cũng chả biết tới cái từ “lì xì” chút nào, cứ nhận tiền trần trùng trục, đếm được thu nhập tức khắc! Có những ngày suốt ngày ngồi đếm tiền mà không biết chán biết buồn!


Tớ bị mắc bệnh đãng trí từ ngày nhỏ, thế nên nếu mà có được bao tiền mừng tuổi mà không đưa hết cho mẹ thì đảm bảo là được mừng tuổi xong rồi lại sẽ biếu lại nguyên bộ cho người khác, chưa kể nếu cầm cả một cục thì thôi biếu nguyên công lao kiếm chác một ngày cho bất kỳ nơi đâu. Vẫn nhớ cái cảm giác của đứa trẻ con, không bao giờ được tiêu tiền cả (vì xong mẹ tịch thu hết), nhưng mà cứ được tiền dí vào mặt thì thích thú lắm, cứ như của từ trên trời rỡi xuống ấy, xong rồi cứ ngồi mân mê và….đếm, cho tới lúc tỉu nghỉu phải rời xa nó thì thôi.

Mỗi lần sau Tết mà đến trường, tíu tít nghe các bạn kể chuyện mình “thu hoạch” được bao nhiêu bao nhiêu, nghe mà thèm rỏ dãi. Nhớ như in là, không hiểu sao lúc nào mình cũng bị ít tiền hơn hẳn bọn bạn bè của mình, không rõ là vì mình “bị” mừng tuổi ít hơn hẳn hay là do bọn trẻ con nó “nổ”.

Hồi nhỏ thì nhớ mang máng là đứa nào được tới 100 nghìn “thu nhập Tết” thì thật là khủng hoảng, hồi đó tớ vẫn còn được mừng tuổi tờ 200 đồng mới kính cong cơ mà. Nhưng cũng chưa chắc là bọn nó nổ, bởi vì nhớ hồi đó học ở cái trường toàn con em quý tộc, có thể coi là mình nghèo nhất nhà. Bọn nó không bố mẹ kinh doanh kha khá thì cũng con cháu này nọ, vậy nên là việc được “kính biếu” kha khá cũng không lạ gì. Nhưng cũng chả biết được, có khi bọn nó được 5 thì nổ 10 (trong khi đích xác tớ được 1), tại tớ cứ tính đến tiền là không biết nổ, càng nghèo càng khoe, khổ thế chứ!

Nhớ có một thời mất mấy năm ở nước ngoài, tuy là được mừng tuổi bằng đô la, dư mà rất chi là ít. Có một kỉ niệm “con trẻ” mà tớ chẳng bao giờ quên (lạ thật, mình là người bị mắc bệnh đãng trí mà sao có những ấn tượng mình nhớ dai thế?). Đó là hồi đó, có mình tớ và con đại sứ là gần như 2 đứa trẻ con duy nhất ở sứ quán, vậy nên đương nhiên bọn tớ được mừng tuổi. Nhưng mà nhớ lại, con đại sứ thì ai đi qua cũng mừng tuổi, còn tớ thì “thỉnh thoảng” mới có người phát cho một bao lì xì. Rồi có một cô đi qua mừng tuổi cả tớ và em kia, cả hai cùng hồn nhiên mở cái phong bao ra, em í thì được 5 đô, còn tớ thì được….1 đô. Rất ngây thơ, tớ hỏi: “Ơ, sao cháu lại ít hơn?”. Cô kia gãi đầu gãi tai và giải thích bằng một lý do rất chi là củ chuối nào đó mà tớ không nhớ nổi. Hehe, lớn lên rồi thì hiểu, rất đơn giản í mà, nhờ? Hihihihi.

Lớn lên tí nữa thì bắt đầu lóa mắt khi thấy tiền mừng tuổi lên tới 20 nghìn, thật là khủng khiếp, mỗi lần có ai mừng tuổi cho mình tới 20 nghìn là mình choáng váng và cảm thấy họ thật vĩ đại, lúc này thì ở nhà mình, tiền đã bắt đầu được “tế nhị” cho vào phong bao đỏ để “ai cũng như ai” (văn minh rồi đấy) . Về đến nhà là nín thở bóc phong bao ra ngay để xem mình được bao nhiêu. Thường thì là cứ 10k, nhưng đến 20 k thì khiếp lắm, đau tim suốt một ngày.

Bà họ tớ, nhà bà cũng khó khăn, bà và các cô chú là họ hàng hiếm hoi của nhà tớ ở đất Hà Nội này. Năm nào cứ gần Tết là bà lại sai cô đem tới cho mấy bố con thùng mì tôm (mẹ mà đi công tác thì biết chắc mấy bố con toàn ăn Tết bằng mì thôi). Năm nào cả nhà cũng tới chúc Tết bà. Bà đã già, yếu, lọ mọ bán hàng ở trong chợ, thương bà lắm. Vậy mà luôn luôn, bà là người mừng tuổi hai chị em “đại gia” nhất. Và cái thời người ta mừng tuổi 10k thì bà đã mừng tuổi hai chị em tới 50k, khi lên 20k, 50 thì bà mừng tuổi hẳn 100 nghìn. Mà bà lúc nào cũng để vào phong bao, biết là trong đó là nhiều tiền mà không dám bóc ra để trả lại bà, chứ bà mà mừng tuổi thẳng bằng tiền không là hai chị em không bao giờ dám nhận. Cầm tiền mừng tuổi vậy thấy áy náy và thương bà lắm, tự nhủ bố mẹ luôn tìm cách “mừng tuổi” đền bù lại cho bà. Nếu ngẫm kỹ ra, sự giá trị ở đây không phải là vì số lượng của vật chất. Bà quý bố và hai cháu quá, việc bà mừng tuổi nhiều tiền chỉ là một cách bà nghĩ rằng đó là sự thể hiện tình cảm của mình, thứ tình cảm nhiều khi…không biết thể hiện thế nào cho thỏa.

Và thế là tớ rút ra được 2 điều cực kỳ thú vị từ giá trị của những đồng tiền mừng tuổi. Khi ai đó mừng tuổi bạn rất nhiều, thì một là: “Người đó cần xu nịnh bạn, cần gì đó ở bạn”, hoặc là : “Người ta vô cùng yêu quý bạn”. Và tất nhiên, chả khó gì khi phân biệt điều này. Tất nhiên, nó không hẳn ngược lại cũng đúng, nghĩa là nếu họ mừng tuổi bạn ít thì nghĩa là họ không yêu bạn hoặc yêu bạn ít, bởi vì, đã có mừng tuổi là….yêu rồi. Mà bản thân nghĩ lại, tớ yêu nhiều người lắm, mà đã mừng tuổi ai…nhiều đâu, khà khà.

Bắt đầu tới tuổi “lớn lắm rồi”, trừ trong mắt ông bà, bố mẹ và cô chú thì tớ vẫn là đứa trẻ con, vẫn còn được mừng tuổi, thì với người ngoài, tớ lớn thực sự rồi, và số người mừng tuổi cho tớ ngày càng ít đi (cho dù giá trị cũng có lớn hơn). Người lớn tới nhà chơi thấy tớ là sướng rơn trong bụng rồi (Lạy chúa, cháu nó lớn rồi, đỡ phải mừng tuổi!). Tự nhiên từ đây nảy sinh ra trong lòng một thứ tình cảm gọi là….SỐT RUỘT, hihihihi. Thấy có ai đó đến chơi nhà mà không xuống nhà nhận tiền mừng tuổi thì thấy tiếc, thấy ai đó chỉ mừng tuổi đứa em mà không mừng tuổi mình thì thấy buồn, chả phải vì không có tiền (một phần rất nhỏ thôi), mà là vì cảm thấy mình bị coi là lớn rồi, hết thật rồi, ôi buồn não nề vì…lớn. Đến bao giờ mới còn lại được cảm giác được người lớn mừng tuổi nữa đây?

“Lớn” lên tí nữa thì được thêm bạn bè mừng tuổi, và rồi mừng tuổi không còn là tiền nữa, sẽ là…một bữa ăn, một đồ vật gì đó. Đến bây giờ thì hết cảm giác sốt ruột vì không được mừng tuổi nữa rồi. Có lẽ không phải là lớn, mà là….già rồi!

Tuy nhiên, đêm 30 nào cũng vẫn được bố mẹ mừng tuổi, giờ giá trị bao nhiêu không quan trọng, quan trong là được mừng tuổi. Nếu ở nhà, chắc mình vòi từ chị lớn cho tới em nhỏ mừng tuổi mình, đơn giản vì mình thích cái cảm giác….được mừng tuổi.

Vòi cho bõ, được thì được, không được thì thôi, hihihihihi! Thế mọi người thì được mừng tuổi sao? Có ai trong số những người bạn của mình ngày trước còn nhớ tớ mà nổ tiền mừng tuổi với tớ đọc entry này không nhỉ? Hihihihihi!

Nè, vừa được bố mẹ mừng tuổi đêm 30 nè. Tổng thu hoạch của tớ năm nay là 20 đô nhé, bố 10 đô, mẹ 10 đô, khà khà. Nhìn cái mặt nhận tiền có đáng ghét không này, đấy là mọi người không nhìn thấy bộ dàng em tớ xu nịnh quỳ xuống nhận tiền của mẹ đấy, cười chết luôn

Nhìn kỹ thấy có viên ngọc gắn trên răng đó, hihihi

http://img177.imageshack.us/img177/9929/img5411dm9.jpg

Hehe, để được xứng đáng coi là vẫn “đủ tuổi” nhận tiền mừng tuổi, tớ phải xì tin trong đêm 30 thế nài đây

http://img177.imageshack.us/img177/8587/img5474qg4.jpg

free hit counters

(Visited 9 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

1 Comment
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Thuy Nguyen
Thuy Nguyen
12 years ago

Đọc entry này em cũng nhớ ngày xưa được mừng tuổi quá. Em cũng được nhận tiền 200 đồng, 500 đồng, và hiếm khi nhận được 5000 đồng lắm. Lúc nào có 5000 đồng phải nói là gặp đại gia mừng tuổi, đó phải là cậu em, hoặc là 1 người nào đó thân với ba em lắm.