#76: Đàn ông nói nhiều

Tư vấn lá cải: Hà Kin

Những gã đàn ông nói nhiều luôn là những điều “kỳ thú” để bàn dân thiên hạ bàn tán, đặc biệt là chị em phụ nữ. Phụ nữ nói nhiều đã thành “thương hiệu”, còn đàn ông mà có cái miệng như tép nhẩy, lúc nào cũng cong veo như uốn lô thì thể nào cũng…có chuyện để mà nói.

Bạn có nghĩ rằng mình là một gã đàn ông nói nhiều? Thường thì những người nói nhiều sẽ luôn biết được rằng mình…nói nhiều. Nhưng cái nết này thật khó sửa, cho dù chính bản thân anh ta cũng biết không nhiều người thích mình vì cái miệng không bao giờ được yên nghỉ, trừ lúc…ngủ.


Thực ra, nói nhiều cũng có dăm bảy loại, có lúc là tốt, có lúc là xấu, và ở nhiều cấp độ khác nhau. Liệu người nói nhiều là những người không có suy nghĩ chín chắn? Tất nhiên rồi, lời nói thoát ra nhanh hơn sự co dãn của tư duy thì làm sao có những lời nói sâu sắc. Nhưng cũng chính vì thế, trong một số trường hợp, người nói nhiều lại được trọng dụng. Chẳng hạn bạn là một anh chàng rất ít nói và hay xấu hổ, hoặc thậm chí bạn cũng là người ăn nói…bình thường, nhưng bạn có một cuộc hẹn cafe với một cô gái nào đó mà bạn biết chắc rằng mình sẽ không biết nói gì. “Vác” theo một anh bạn nói nhiều đi cùng sẽ là một cách hay để cuộc gặp gỡ với cô nàng kia không bị hớ, câu chuyện sẽ không bao giờ rơi vào ngõ cụt, vì người nói nhiều thì không bao giờ hết chuyện. Đôi lúc bạn có thể “phụ họa” theo anh ta để không bị mang tiếng là “bù nhìn” hay “khúc gỗ”. Tuy nhiên, nên cảnh giác để kịp thời ngăn chặn anh chàng lại nếu anh ta đã tới giai đoạn “nói dai nói dài nói dại”.

Có một số bị mắc bệnh nói nhiều là do “bệnh nghề nghiệp”, khi công việc của bạn buộc bạn phải nói nhiều và lúc nào cũng “dẻo quẹo” để “moi tiền” khách. Nhưng không phải ai cũng bị lẫn lộn giữa công việc và đời thường, bạn phải hiểu được rằng, bạn cần nói nhiều trong công việc để có “trục lợi” cho bản thân và cho công ty, đôi khi “điêu hơn cả thầy Hồ”, nhưng nếu ngay cả vào cuộc sống hàng ngày với gia đình và bạn bè bạn cũng giữ nguyên nếp như vậy, họ sẽ cảm tưởng như họ cũng chính bị bạn lợi dụng, lâu dần không tin bạn nữa, sợ chơi với bạn, chưa kể mỗi lần gặp bạn, họ phải nhét cả bốn cuộn bông vào tai để đảm bảo đêm về họ không bị đau đầu. Có rất nhiều người đã bị cuốn theo công việc đến nỗi không phân biệt nổi đâu là công việc, đâu là sinh hoạt ngày thường. Mà cũng không phải ai cũng hiểu cho bạn đâu, nếu bạn gặp một người mới mà cái miệng bạn không ngừng nghỉ, họ đâu biết bạn làm nghề gì, họ chỉ kinh hãi chép thầm trong đầu: “Đàn ông gì mà…khiếp quá…vợ con khổ phải biết!”. Tuy nhiên, có những trường hợp, như khi bạn là sếp, và là một sếp giỏi, bạn được quyền nói nhiều và mọi người vẫn phải nể trọng bạn, cái “nói” của bạn chấn chỉnh được nhân viên, thể hiện được sự uy quyền và nghiêm túc. Những người như vậy, ngay cả khi vào cuộc sống thường nhật, những câu nói vẫn có giá trị. Còn nếu bạn là một ông sếp siêu dở, chả biết “làm thế nào” mà lại lên được cái chức đó, thì tốt nhất nên nói càng ít càng tốt, và chớ dại khi nào đó nói xong lại quay ra hỏi nhân viên: “Tôi nói có nhiều không thế?” kẻo tất cả nhân viên gật đầu lia lại và vỗ tay rầm rầm, lúc đó thật là muối mặt cho bạn làm sao!

Sở dĩ người ta nói, đàn ông thì nên nói in ít thôi, vì còn để dành lại cho phụ nữ nói nữa chứ. Cứ tưởng tượng xem, trong một gia đình, có vợ đã nói nhiều rồi, anh chồng cũng chẳng thua kém, thì…những đứa con sẽ khổ biết làm sao, mà chẳng biết chừng sau này chúng cũng sẽ mắc bệnh nói nhiều như bố mẹ…đến lúc đó…lại đến những đứa cháu thật là khổ…!

Nếu phụ nữ nói nhiều thì mọi người thường im đi cho “rảnh chuyện” hoặc “tự mấy bà đi mà nói với nhau”. Nhưng đàn ông mà cũng thuộc bài “chửi mất gà” thì sẽ cực kỳ bị coi thường. Họ cho rằng, những người như vậy là những người hay để ý và soi mói (không để ý và soi mói thì sao có nhiều chuyện để nói đến thế!). Lấy một ông chồng như vậy, quả là đáng sợ đấy!

Tất nhiên, “nói nhiều” ở đây là để chỉ những quý ông có cái miệng phát ra âm thanh liên tục mà không chịu nghỉ. Còn hiển nhiên, trong cuộc sống, có những lúc cần phải nói nhiều, chứ không phải lúc nào nói ít cũng là một điều tốt. Những lúc bạn cần thể hiện mình, cần chứng minh năng lực của mình, thì bạn cần phải nói nhiều, hoặc có những lúc, bạn cần phải nói, thật nhiều, để an ủi một người thân hay để cho một ai đó hiểu ra một vấn đề. Và tất nhiên, những lời nói đó phải là những lời nói nhiều có giá trị.

Còn nếu như bạn vẫn cứ “lạm dụng sức lao động” cái miệng của mình, đừng trách vì sao mình ít bạn hoặc…ế vợ nhé! Tốt nhất, những gì là đặc trưng của phụ nữ thì hãy để cho họ độc quyền đi!

(Visited 6 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments