Nói là làm, bảo dẫn Tun đi ăn ốc là phải đi ăn ốc ngay.

Hóa ra hôm nay là buổi ăn ốc luộc đầu đời của cháu. May quá có cô Kin kịp cập nhật những thú vui tuổi teen (theo kiểu thời các cô) cho cháu :)). Chắc cô còn cập nhật thêm nhiều 😀

Đó là một quán ốc nằm trong cái ngõ Trung Liệt bé xíu chỉ vừa hai cái xe máy tránh nhau. Mặt trước thì bé nhưng lại có cái sân sau nhà khá rộng. Trên tường của quán có những bài báo, câu chuyện nho nhỏ. Bác bán ốc, tóc bạc loe hoe, mặc quần đùi áo may ô kẻ ngồi xem diu tub trước cửa nhà. Ai mà dừng trước mặt bác là bác hỏi: “Mấy bát?”.

Chưa ăn ốc bao giờ nên tay cháu khều ốc run lẩy bẩy trong khi tay cô đã thành nghệ nhân. Cô khều được 10 con ốc cháu vẫn đang loay hoay móc chưa xong một con. Cô liên tục hỏi ngon không, nước chấm phải cho sả, ớt, gừng, quất vào thế này thế này. Cháu gật lia lịa, cháu ít nói nhưng cô mặc định rằng cháu thích :)). Món này ngon thế mà sao cháu có thể không thích được :)). Thế nào con gái Hà Nội mà giờ mới biết ăn ốc luộc là lào????

Mà mình cũng 0 nhớ ra ngày xưa mình được ăn ốc luộc thế nào nhỉ, chỉ nhớ được ăn từ bé. Tiềm thức luôn là những quán ốc vỉa hè, đầu ngõ, ven đường, chỉ có mỗi món ốc luộc thôi mà lúc nào cũng thòm thèm, ngày nào ăn cũng được.

Trong lúc ngồi nhìn cháu nó loay hoay khều ốc thì nhìn lên tường nhà. Bỗng chợt nhìn thấy cái ảnh bác bán ốc kéo đàn violon. Mà cái dáng kéo đàn này, cái ngón tay này nhìn biết luôn là người chơi đàn xịn chứ không phải làm màu. Nhìn sang một góc khác thấy có bài giới thiệu tường tận về một nghệ sĩ violin bán ốc. Thế là mình ồ lên, thì ra quái nhân ngồi bán ốc chứ đùa à. Đoạn, mình bèn quay lại định hỏi bác thì thấy bác đang cầm cái ca nước và cái bàn chải đánh răng đứng ra trước cửa… đánh răng. Ủa, mới 8 rưỡi, ốc bán chưa xong đã sắp đi ngủ rồi á?

Bác đánh răng xong đi vào, khách vẫn vào, bác hét lên: “To nữa đê” (1 bát ốc to nữa cho khách).

Rồi mình gọi bác khiến bác giật mình:

“Bác Sỹ”. (là tên bác trong bài báo trên tường mình đã kịp đọc :))

Bác:

!!!!????

Mình:

“Bác kéo vi ô lông hả?”

Và dường như chắc bác chờ đợi lâu lắm rồi để có người hỏi, bác đi thẳng vào vấn đề luôn:

“Đây, để tôi vào lấy đàn kéo cho mấy bài”.

Còn chưa kịp nói gì cả :)).

Và bất chấp khách vẫn vào bác bỏ đấy để đi lấy đàn luôn và ngay. 3 phút sau bác quay lại với cái đàn trên tay. Vừa mở đàn vừa kể say sưa chuyện ngày xưa có cái đàn 200 đồng (trên cái hình dán trên tường) mà bị khách ăn ốc vào đá vào rớt một miếng hỏng đàn, giờ phải chơi cái đàn rẻ tiền có 2 triệu.

Cái đàn cũ 200 đồng mà mua vào năm 75. Bác tính lúc đó 2 hào một bát ốc. 1 đồng được 5 bát ốc. Thế tưởng tượng xem 200 đồng thì là bao nhiêu bát ốc cho một cái đàn violin? Đấy, cứ thế mà tính xem. Mình giờ chưa tính ra 😀, nhưng đàn thế là đắt tiền là chắc rồi :)).

Bác bảo bác đàn toàn mùa xuân nhé. Đầu tiên là Mùa xuân đầu tiên, rồi đến Làng lúa làng hoa. Mặc dù đang ăn ốc nhưng mình cũng ngưng hết để ngồi nghe và quay lại. Chị Hoa bảo: “Bạn này mà quay là về bạn review quán ốc của bác hay lắm đấy”. Bác bảo: “Ôi xồi cần gì đầy người review rồi”. Mình bảo: “Cháu quay vì cháu yêu nghệ sĩ thôi ạ”.

Bác bảo, nghệ sĩ tới đây ăn đông lắm. Thế rồi, bác mở điện thoại ra khoe: Đây, hôm nọ nhạc sĩ Giáng Son còn tới đây ăn đây này. Trong ảnh thấy chị Son đi ăn với bao nhiêu là anh. Thì ra chị đó đã đi ăn ốc mảnh mà không hề rủ tôi.

Rồi nhân tiện nói chuyện nghệ sĩ, tôi buột mồm hỏi:

“Thế bác có biết ban nhạc Bức Tường không?”

Mắt bác sáng rực

“Ôi sao không biết, tôi thích thằng Trần Lập cực kỳ luôn. Thích lắm”.

Thế là mình chỉ vào chị Hoa và Tun:

“Thế đây là vợ anh Lập và đây là con gái anh Lập này”

Thế là bác bật dậy nói lắp bắp:

“Ôi tôi thích cái bài, cái bài, cái bài, cái bài, cái bài, cái bài, cái bài, cái bài…. cái bài gì mà trèo trèo í nhỉ”

Một thanh niên gần đó khi nghe thấy Trần Lập cũng đã xôn xao nãy giờ, vội bắt sóng quay lại đỡ lời cho bác:

“Bài, bài Đường lên đỉnh Olympia đấy”

“Ờ ờ đấy đấy”.

Cháu Tun cũng tũn ra xem bài Olympia là bài nào. Hình như bài đó bố cháu chưa kịp sáng tác!

Tôi liếc liếc phím lại cho bác:

“Đường đến ngày vinh quang” ạ.

Và từ lúc đấy, bác ngồi say sưa kể chuyện về rừng cây, đời người cho mấy chị em cô cháu được nghe. Không quên xin được chụp chung tấm hình với hai mẹ con. Thanh niên Olympia nhanh chóng làm thợ ảnh. Bác nhắc nhở là nhớ chụp bán thân đừng lấy quần đùi của bác.

Bác vừa kéo đàn, vừa say sưa kể chuyện nghệ thuật. Tuy nhiên, khách vừa đứng dậy bảo tính tiền cho cháu là bác đổi tông tính tiền nhanh hơn Ây Ai. Giữa các câu chuyện nghệ thuật của một thời oanh liệt luôn kèm theo một đoạn rap: “1 nem 1 to 1 nhỏ 1 đĩa xoài củ đậu…”

Tun buổi ăn ốc đầu đời mà lại có trải nghiệm hơn hẳn người thường thế này. Có ai vừa được ăn ốc luộc vừa được nghe vi ô lông bao giờ không ạ? Lúc về có hỏi Tun thấy vui không. Tun gật đầu vui lắm. “Con cũng bất ngờ ghê, vì khi nhắc đến bố, từ người già đến người trẻ ai cũng biết và dành nhiều tình cảm yêu quý cho bố như thế”.

Có lẽ những người mới tới ăn ốc thì 100 người khả năng 99 rưỡi không ai để ý những gì dán trên tường ấy. Cũng chỉ biết một ông bán ốc quần đùi áo may ô hét rất to đón khách tính tiền rất nhanh ngồi cửa. Nhưng công nhận, chỉ để ý một chút xíu thôi, là phát hiện ra bao điều kỳ thú của cuộc sống rồi. Cũng có thể mình bệnh nghề nghiệp, làm phim là phải nhạy cảm với cuộc sống này!

Nhưng chắc bác cũng nổi tiếng cả xóm này rồi!

Và cuối cùng mình xin nói rằng ốc nhà bác hơi bị ngon. Không dưng nằm trong cái ngõ bé xíu này mà người ta cũng phải mất công mà đi tới. Như nghệ sĩ Giáng Son còn biết mà đi ăn mảnh không rủ mình cơ mà? Mình cũng đành phải đi ăn mảnh lại thôi!!!

Đấy, Hà Nội cái kiểu của mình nó đáng yêu như thế á! Nhưng phải biết cách và phải đi với đúng người :)).

#nhatkyhakin
#nhatkyhanoi
#hakindiary
#nhatkydoitao

(Visited 20 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments