THE GOOD DOCTOR – Người tự kỷ, cũng biết yêu và được yêu!

Choáng với thành tích của nam diễn viên luôn thủ vai thiên tài

Từ bữa Queen’s Gambit đến giờ thì mới có bộ thứ hai ngồi cày cuốc tới sáng để xem như vậy. Thực ra phim hay thì nhiều nhưng mà đang muốn dành bớt thời gian để dựng xong một đống dự án nên rất giả vờ hạn chế coi như không biết mấy cái phim nó cứ khêu gợi trước mắt (vì “giả vờ” nên là đầu nói không xem đâu nhưng tay vẫn mở Netflix ra đó =))).

Thấy Netflix nó cứ dí cái tên phim “The Good Doctor” vào mặt mình nhưng thấy phim Hàn nên không xem, hông phải kỳ thị chi cả mà nếu phim Hàn mà nói tiếng Hàn thì không vừa xem vừa… làm việc khác được =)). Còn phim có lồng tiếng Anh hay nói tiếng Anh thì còn vừa làm vừa nghe được (tại có mấy cái màn hình lận ????). Xong bữa lại thấy xuất hiện thêm “The Good Doctor” bản nữa mà không phải Hàn, lần này nó cho nặng đô hơn để dụ mình bằng được bằng cách trích đoạn mở đầu phim mà chỉ vì trót ngưng giữa hiệp dựng ngẩng mặt lên uống nước thôi mà xem thấy… thế là trời hỡi rụng bông hoa gạo dính luôn ngải xem, rồi ngồi dí với cái màn hình từ đó đến giờ không kịp làm tiếp dự án đang dựng dang dở (mà phải mãi tự mình tét mông mình mới khởi động được). Tức ghê là tức, tức vô cùng cực kỳ rất!

Nói chung là phim với mỗi người hay hay dở đểu rất là subjective. Ngoài phụ thuộc vào gu, thời điểm xem, nó còn liên quan rất nhiều đến trải nghiệm cá nhân, có những phim mà khán giả xem xong thấy được một phần ký ức trong đó hay câu chuyện của mình trong đó, thế nên họ sẽ say mê bộ phim đó hơn những người khác.

Tuy nhiên, trước tiên phải nói về cái gọi là… vì sao một diễn viên hay có thể khiến cho bộ phim hấp dẫn và làm cho người ta xúc động đến thế. Diễn viên hay hay dở đôi lúc cũng khó mà định nghĩa bằng miêu tả rõ ràng vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng diễn viên mà có duyên, “charming”, thì thực sự chỉ cần một cái ánh mắt của họ thôi cũng làm cho khán giả thấy rung động mãnh liệt thì chẳng cần phải nói gì nhiều. Đó chắc chắn là một diễn viên quá giỏi! Thế nên mới bảo, cái phim này mình bị dụ chỉ vì cái intro có ánh mắt làm người ta vừa xem đã bị chết chìm trong đấy.

Thực ra thì khi bắt đầu xem, vì cái ánh mắt nam chính đấy mà tò mò phải xem ngay (và tớ thì đặc biệt thích những phim về thiên tài, trí thông minh, superpower), lúc xem một lúc thì hơi bị khó chịu vì có một cảm giác thì đó nó cứ… sai sai. Ngoài sự duyên dáng của nam chính ra thì khi bắt đầu xuất hiện các vai phụ có một cảm giác đang rớt vào một phim phong cách soap drama kiểu Mexico lai Mỹ và câu chuyện mở đầu khá cliché, tức là một người tài giỏi mà kỳ lạ thì sẽ phài trải qua rất nhiều chướng ngại vật thì mới được chứng minh năng lực. Mấy anh bác sĩ đủ da màu, Mexico, vai u thịt bắp cao ráo dáng mẫu thì y chang mấy phim dài kỳ chỉ đặc biệt dành riêng cho các bà nội trợ. Tình tiết có nhiều sự ngẫu nhiên vô lý rất pha phong cách Hàn Xẻng và thỉnh thoảng chèn một quả slow motion với nhạc sến đệm vào xem thấy… bực mình. Nhưng kỳ lạ là không ngưng xem được vì cảm giác đúng kiểu tất cả chỉ làm nền để cho khán giả chờ đợi được sự xuất hiện của nam chính. Mà mỗi lần anh í xuất hiện thì là lại chống cằm.. để ngắm. Thật mấy khi enjoy được những màn diễn xuất đỉnh cao như thế này, sự duyên dáng ấy không biết miêu tả bằng gì cho hết ahihi!

Khi xem đến intro của tập 2 và hiện ra dòng giới thiệu: “Dựa trên bản gốc của Hàn” thì cuối cùng mình đã hiểu ra cái sai sai thấy bữa giờ nó là gì. Hóa ra bản này là bản remake từ bản The Good Doctor của Hàn nó dụ mình nãy giờ. Tò mò coi thử một chút bản Hàn thì xong thấy… chán hẳn. Trước giờ chưa bao giờ phủ nhận là Hàn có nhiều kịch bản rất hay nhưng phong cách diễn xuất truyền hình kiểu Hàn thì rất mệt mỏi và không hợp gu của tớ, nhất là lúc mấy em gái mà ngồi nói cứ gào thết lên nhâu nhẩu còn mấy anh trai thì cứ cắm cảu xong tay chân đập đầu người khác mắt trợn ngược lên là ôi thôi sợ lắm!

Được biết Producer của phim là anh Daniel Kim đã từng produced bộ Lost và Hawii Five O đều là những bộ thành công đình đám của Mỹ, anh là người Mỹ gốc Hàn. Nên cũng không có gì ngạc nhiên khi nó là một remake của Hàn. Nhưng may mắn là càng về sau thì phim càng ngày càng đỡ hơn và có vẻ như thoát hẳn gần hết không còn gì là Hàn. Từ lúc đó xem dễ chịu hẳn hơn. Mà có Hàn hay không thì chỉ cần một anh diễn viên như nam chính thế này thì cũng ngồi xem cho hết. Diễn viên hay đôi khi chấp hết tất cả là đây!

Cũng đang thời dịch chắc phần lớn bác sĩ còn đang đi chống dịch nên không có dịp xem phim này chứ mà xem chắc trèo lên cái đầu TV đòi bẻ TV vì tức quá. Các bác sĩ trong phim ai cũng tài giỏi xuất chúng toàn diện, bệnh gì cũng mổ, từ não cho đến lục phủ ngũ tạng cho đến tận chân, từ cắt dây thần kinh cho đến cắt tinh hoàn hay 2 giây nắn xong khớp hàm, chỉ cần bác sĩ đẹp trai là mổ được hết. Mỗi lần nam chính mà tư duy chẩn đoán về bệnh của bệnh nhân là bắt đầu các hằng đẳng thức chạy 3D vèo vèo, hình ảnh các dây thần kinh loằng ngoằng như mê trận, các từ vựng bay ngang bay dọc… nhưng mà khán giả chẳng mấy ai bận tâm để ý những thứ đó vì có hiểu cái đếch gì đâu mà hiểu, biên kịch và đội 3D cũng chắc gì hiểu, nhưng cái đó không quan trọng, vì mỗi lần sự tư duy trí tuệ ấy hiện ra là khán giả lại ngất ngây với khuôn mặt ngây ngô và đôi mắt xanh biếc đang tập trung suy nghĩ của bác sĩ Shaun. Chỉ nhìn anh ấy ngước mắt lên trời suy nghĩ thôi mà tym cũng rớt ra ngoài!

Tuy rằng cậu bác sĩ Shaun trong phim là một thiên tài và nhìn bệnh với một trí tuệ siêu việt để đoán bệnh nhanh chóng nhưng mà với một người Việt Nam như mình thì chỉ phục vì bác sĩ… diễn hay quá thôi. Trong phim thì chuyên môn đỉnh cao và hấp dẫn vậy chứ mình thì thấy là cái này phải gọi bác sĩ Việt Nam bằng cụ. Bác sĩ Việt Nam thì chẳng cần mắt xanh biếc với hằng hà bất đẳng thức công thức tính toán làm gì cho mệt. Bệnh nhân tới trước cửa gãi mông sờ má hắt xì là bác biết được bệnh luôn và chẳng mấy khi đoán sai. Đơn giản ở bển mỗi lần đi chữa bệnh thì phải hẹn trước 2 thập kỷ, chạy 1000 cái tests lúc lòi được kết quả thì cũng hết bệnh hoặc chết bố nó rồi. Còn ở Việt Nam, bệnh nhân thích là nhích, hắt xì là đã phải gặp bác sĩ, bác sĩ khám nhiều tới mức nhìn mặt bệnh nhân đôi khi cũng biết luôn tên bệnh rồi :)).

Xem phim thì mình thắc mắc là không biết dàn cast phụ diễn không đến nỗi hay vì Freddie Highmore diễn quá hay và quá xuất chúng nên ai diễn cạnh Freddie cũng thành mờ nhạt. Nếu bạn muốn hiểu một diễn viên mà chỉ ánh mắt cũng làm người ta tan chảy là như thế nào thì cứ bật phim lên mà xem sẽ hiểu luôn. Khi xem thì tớ thấy có hai diễn viên diễn trội hẳn ngoài vài bác sĩ Shaun thì còn có cô bác sĩ Claire diễn cũng rất hay và chân thật. Tớ cứ có cảm giác trình độ của họ vượt quá những người còn lại. Sau google thì phát hiện ra đó là hai diễn viên… người Anh. Người Anh giả giọng Mỹ. Thế là mình lại phải gật gù: “No wonder why…”. Diễn viên Mỹ thì có this có that nhưng quả thật mấy diễn viên Anh ở mức độ chung thì tớ đều phải công nhận họ diễn thực sự đỉnh và rất đồng đều. Trong một phim Mỹ thường hay có diễn viên tốt diễn viên dở nhưng xem mấy phim Anh thì kể cả diễn viên phụ nhất họ diễn cũng rất hay. Hmm, quả thật cái gì cũng có lý do của nó… Tớ vẫn nghĩ Producer cast vai bác sĩ Shaun này có dựa trên hình mẫu của Sheldon trong Big Bang Theory (tức là cả về phần ngoại hình chắc có chun chút liên quan).

Freddie Highmore rõ ràng không phải là một anh mặt mũi góc cạnh cao ráo cơ bắp 6 múi nhưng mà ánh mắt sâu biếc ấy, cái khuôn mặt ngây thơ ấy, sự tức giận và hờn dỗi ấy thì vô cùng sexy và quyến rũ. Sự xuất sắc của Freddie khi đóng vai người bác sĩ tự kỷ ấy nó khiến mọi người không chỉ khâm phục vì tài năng tinh tế, mà vì nó chân thật khi nó chạm đến những khán giả có những trải nghiệm cá nhân với người tự kỷ hoặc… gần như vậy.

Đúng vậy, bộ phim đã chạm đến cảm xúc rất quyết liệt của tớ. Vì nó gợi nhớ lại cho tớ cả một trời ký ức và những kỉ niệm đẹp với bạn trai cũ của mình. Tớ từng có một anh bạn trai người Mỹ gốc Nhật, một nhà khoa học kiêm một nghệ sĩ chơi đàn và lĩnh vực nào anh ấy cũng xuất sắc. Thời gian đầu quen nhau cũng khá khó khăn vì chẳng bao giờ thấy anh ấy chủ động nói chuyện, mặc dù ai cũng biết anh ấy rất thông minh và tài năng và rất… đẹp trai. Đó là một người mà bạn nghĩ rằng họ sẽ chẳng để ý đến mình, rất hay xấu hổ, rất khó nói chuyện và có thì chỉ là mình ngồi nói nhưng họ sẽ chẳng mấy khi nói lại nhưng lại có một sự gì đó rất… quyến rũ khó cưỡng lại. Điều kỳ lạ là cho dù họ rất “nhạt”, rất khó nói chuyện, rất khó hiểu, nhưng mà có rất nhiều người muốn làm bạn với họ, và với một số chị em phụ nữ, nhất là tính cách hơi mạnh mẽ một chút, thì lại thấy những người như vậy có điều gì đó rất duyên, rất bí ẩn, vừa muốn gần, vừa muốn được quan tâm mà lại vừa… ghét vì không được quan tâm lại. Cái cảm giác này Freddie làm tốt nhân vật của mình đến nỗi khán giả xem phim cho dù có chưa gặp những người như vậy cũng sẽ vẫn hiểu được luôn những điều tớ vừa nói!

Lúc đó, mình cũng là một trong những cô như thế, từng nghĩ mình phải làm bạn bằng được, mình… thích mấy người như vậy, nó ít nhiều vừa giống vừa khác với cá tính của mình. Tớ là một người khá thích đi đây đó, tò mò về mọi thứ, thỉnh thoảng thích gặp người này người kia nhưng lại sợ ồn ào, sợ đông mối quan hệ và chỉ thích một anh người yêu là của riêng mình mà thôi ????.

Khi xem the Good Doctor, những đoạn miêu tả mối quan hệ của bác sĩ Shaun và cô hàng xóm Lea đã nhiều lần làm tớ suýt khóc và động lòng vì những kỉ niệm cũ. Chuyến đi của cô Lea dẫn Shaun đi “hận đời” để trải nghiệm những điều thật khác hay cái dáng cực kỳ awkward anh Shaun cho cô Lea ôm lần đầu tiên giống y chang như câu chuyện của tớ vậy, Sao cái sự ngại ngùng cũng giống, cách nói chuyện cũng giống, cái sự lúng túng cũng giống, cái sự tức giận cũng giống… nó giống đến nghẹt thở luôn đó, cảm giác như họ đang làm về câu chuyện của mình.

Chỉ sau 1 năm quen nhau tớ mới hiểu dần được rằng anh ấy có chứng Asperger, một dạng tự kỷ nhưng ở cấp độ nhẹ và ở dạng thông minh bất thường (nhiều thiên tài như Einstein, Van Gogh cũng Asperger đấy). Bác sĩ Shaun ở trong phim này theo như tớ cảm nhận là dựa trên tính cách của một người Asperger dạng thiên tài. Hồi đó còn suốt ngày đi tìm hiểu văn hóa Nhật và thấy bọn trai Nhật cũng… kỳ thật, vẫn nghĩ kiểu đàn ông Nhật (tuy rằng đã rất Mỹ hóa rồi) nó là một loại quốc tính như vậy. Nhưng về sau khi tìm hiểu nhiều hơn về Asperger và khi gia đình tiết lộ thì mình đã hiểu hơn về bạn trai của mình, và mối quan hệ cũng có rất nhiều thay đổi. Thay đổi ở đây không chỉ là mối quan hệ giữa hai người, mà còn là thay đổi rất nhiều điều trong tư duy cuộc sống.

Những người bị Asperger họ rất thông minh, có sự tập trung cực khủng khiếp (nhờ thế nên chắc thiên tài á), họ cũng có rất nhiều tình cảm nhưng họ có logic định nghĩa về tình cảm theo kiểu của riêng họ, đôi lúc họ không hiểu được vì sao người khác lại giận, lại vui, vì sao thiên hạ không hài lòng, và họ cũng không biết cách thể hiện cảm xúc bên trong của họ ra ngoài như thế nào, hoặc có người thì không kiểm soát được cảm xúc của mình! Nhưng không có nghĩa là bên trong họ không có nhiều tình cảm!

Trong phim, bác sĩ Glassman, người cưu mang Shaun từ nhỏ và dẫn dắt anh trở thành một bác sĩ thiên tài. Ông là một bác sĩ về thần kinh học và ít nhiều rất hiểu về tính cách tự kỷ của Shaun vì đã theo cậu từ bé đến lớn, nhưng ông lại mắc một sai lầm nghiêm trọng khi quá lo lắng và bao bọc cho Shaun và nghĩ rằng điều đó là tốt cho cậu ấy. Sự quan tâm thái quá đã khiến cho Shaun phải bỏ chạy: Đó là điển hình của :“too much love will kill you”. Hồi đó tớ cũng thấy bạn trai mình kỳ ghê, sao chẳng bao giờ nhắn nói nhớ mình, hỏi thăm mình. Cả tháng mà ở xa chắc chắn được 1 cái tin hỏi thăm và trả lời nhát gừng, mà toàn phải là mình hỏi thăm suốt. Mình cứ chủ động đòi hỏi điều này điều nọ giống như một người bạn trai bình thường khác và rất quan tâm nếu anh không vui, anh có gì buồn, mà không nhận ra có lúc sự quan tâm của mình làm anh ấy bị áp lực. Nhưng từ khi hiểu một chút về Asperger, mối quan hệ thay đổi. Mình không còn buồn nếu anh ấy không nhắn tin, không giận khi hỏi thăm không thấy anh ấy trả lời, không ngại khi bạn bè mình gặp anh chỉ cười và ít khi bắt chuyện lại. Nhớ hồi đó mình đem anh về Việt Nam bạn xúm vào khen đẹp trai mà ít nói thế, còn bố mẹ thì hụt hẫng vì sao thấy “thằng rể tương lai” này chẳng thân thiện gì cả. Mình chỉ bảo, tại anh hiền thôi mà!

Có thể bạn nghĩ rằng mối quan hệ như thế thì buồn chán lắm. Nhưng hóa ra không hề, nếu nói chân thành thì có lẽ đó là một trong những mối quan hệ bình yên, dễ chịu, ngọt ngào và cả bền lâu nhất mà tớ từng có. Tớ học được cách tôn trọng cảm xúc của người khác và cách thể hiện tình cảm của mỗi người sẽ không giống nhau hay như mình mong muốn và sẽ biết chấp nhận điều đó. Anh ấy chẳng bao giờ sẽ nói: “Ủa kem hết rồi em muốn anh đi mua không?” Mà sẽ lẳng lặng đi mua về dù là 12h đêm kem vừa hết và biết chắc tớ sẽ rất hay ăn vào giờ đó, và anh sẽ mua chính xác loại kem tớ thích nhất. Nếu tớ ngủ lăn lóc không dậy nổi mà chiều đó có một công việc quan trọng, chắc chắn anh ấy đã tự tìm điện thoại để sạc cho tớ đầy đủ, kể cả cục sạc dự phòng. Biết tớ hay quên anh ấy sẽ luôn đặt những thứ quan trọng đấy ở chỗ dễ nhìn nhất để tớ ra khỏi nhà có nhớ mà cầm đi. Mặc dù chẳng bao giờ nói lời yêu thương sến súa nhưng mà nếu bỗng dưng nhận được cái tin nhắn: “I miss you”, là tớ hiểu rằng lúc đó anh ấy đang thực sự rất nhớ mình và tình cảm ấy chẳng kém mãnh liệt hơn bất cứ một anh người yêu nào của ai khác trên thế gian này. Thế giới của tớ làm nhiều việc khá ồn ào và tớ thích đi lang thang. Thế giới của anh ấy tĩnh lặng hơn rất nhiều, chỉ có khoa học và âm nhạc. Nhưng khi bọn tớ nhập vào với nhau nó lại thành một mối quan hệ thú vị. Tớ hay dụ anh làm một số điều “why not” và vượt ra khỏi bản thân và suy nghĩ của mình (giống cô Lea với Shaun vậy) và đôi lúc khiến anh ấy rất thích thú vì được vượt ra khỏi cái comfort zone của mình. Còn anh cho tớ một thế giới rất tĩnh lặng, đầy yên tâm và bình yên. Tớ chẳng bao giờ phải phiền lòng vì giờ này người yêu mình đang ở xa đang đi với ai, có cặp kè với ai không, đang làm gì sau lưng mình không… ! Tớ nhận ra tớ rất cần một anh người yêu như vậy. Thế giới ngoài kia kia ồn ào quá rồi, về với một anh người yêu lặng yên, dịu dàng, chân thành và.. ít nói. Đó là một điều thật tuyệt vời!

Nhưng cũng giống như bác sĩ Glassman và những người xung quanh của Shaun. Cho dù đều rất yêu thương Shaun và luôn lo sợ Shaun sẽ cô đơn, nếu cứ cố tìm cách để được ở bên cạnh họ và để được họ quan tâm hay để được quan tâm đến họ, đó sẽ là sai lầm. Tới một lúc nào đó, người ta sẽ hiểu những người như Shaun, như anh người yêu tớ, hay cả như Einstein hay Van Gogh (ủa 0 cố tình toàn khoe thiên tài tôi tại toàn biết mấy người ấy à ????). Cách tốt nhất để họ hạnh phúc và thể hiện tình yêu chân thành với họ đó là để cho họ sống một mình và là họ. Gồng mình lên để hiểu người khác và phải làm hài lòng người khác đã là một gánh nặng tâm lý rất mệt mỏi đối với họ. Hãy cứ lặng yên và để họ sống trong chính thế giới của mình. “If you love him, just let him go”. Tới một lúc nào đó, không phải vì bạn không còn yêu người ta nữa, hay là người ta không có yêu bạn nữa, nhưng để cho họ ra đi lại là cách tốt nhất. Bạn cũng đừng nghĩ rằng ồ sao buồn thế? Không, không buồn đâu, mỗi người sinh ra họ có những tính cách của riêng họ rồi, được sống là chính mình sẽ là điều hạnh phúc nhất!

Mối quan hệ kéo dài, rất dễ chịu (với tớ), gia đình anh ấy thì vô cùng tuyệt vời. Nhưng mà tới lúc phải buông tay thì vẫn phải buông tay, có những điều mà người ngoài sẽ không thể nào hiểu được hết. Thế nên khi xem Freddie diễn vai bác sĩ Shaun và trừ hết những tình tiết thậm xưng cool ngầu ra, thì có rất nhiều điều rất chân thành, gợi nhớ rất nhiều cảm xúc có thật đã trải qua. Có lẽ một vai diễn thành công và để đời thì chỉ cần chạm được đến đúng cảm xúc của khán giả một cách thân thực như thế là đã là sự nghiệp đã đủ để thỏa mãn. Chưa kể, tớ không chỉ là một khán giả, tớ còn là một người làm phim, sự cảm nhận còn khó tính gấp nhiều lần!

Một trong những thứ mà tớ khá thích ở The Good Doctor, đó là ngoại trừ những tình tiết khá bốc phét trong phim (which is fine – it’s a movie), thì cách xây dựng về thiên tài cũng rất “human”, không lúc nào cũng cứu được cả thế giới như Superman hay luôn bách chiến bách thắng như Queen’s gambit. Đó là thiên tài cũng mắc sai lầm, cũng biết chấp nhận lỗi sai của mình, cho dù có khác người đến mấy cũng vẫn là… con người. Tớ cũng thích cách nhân vật trong phim được xây dựng không mưu mô xảo quyệt hay đấu đá nhau mệt mỏi. Sự hấp dẫn của câu chuyện đến từ những bài học cuộc sống giữa con người với con người, học hỏi từ những lỗi lầm và cùng nhận ra những cách đúng để yêu thương nhau. Người tự kỷ, cũng biết yêu và được yêu!

Lâu rồi mới xem một phim mà đêm về nằm mơ tới anh nam chính như thế chứ. Hihi. Phim này có thể nhiều người thích nhiều người không, có những câu chuyện về y khoa có thể bạn đã từng trải qua khi tới bệnh viện sẽ khiến bạn phải xúc động. Còn riêng với tớ thì với tư cách là một người làm phim, tớ ngưỡng mộ diễn xuất của nam diễn viên chính, sự dẫn dắt câu chuyện hấp dẫn khiến khán giả không thể ngừng xem. Còn với tư cách là một khán giả, thì nó gợi cho tớ rất nhiều cảm xúc chân thành về những kỉ niệm mà mình đã trải qua và đương nhiên là do… mê trai rồi ahihi.

Tớ không chắc tớ sẽ cày hết cả bộ, có khi xem 1,2 seasons là thôi vì còn phải… làm việc khác. Nhưng đôi khi xem thấy nó hay và ngưng ở đó là đủ. Với tính cách nhân vật này mà khai thác lâu mà không nhiều thay đổi cũng dễ dẫn tới mệt mỏi và căng thẳng. Cũng chỉ cần xem một bộ phim nào đó cho dù ngắn, mà mang đến thật nhiều cung bậc cảm xúc và say mê nhân vật chính thế là… đủ vui rồi!

Cơ mà, bác sĩ trong phim hay vậy, bệnh gì cũng chữa. Nên đang chờ season nào có Covid bác sĩ mổ bay được cả Covid là chắc chắn tớ sẽ xem =)).

Xem một số video phỏng vấn Freddie Highmore ngoài đời. Thấy vẫn duyên dáng và thông minh ghê gớm, lại rất khiêm tốn cho dù nói được cả 5 thứ tiếng. Có lẽ chắc người ta cũng phải tố chất bên trong thế nào thì họ mới ra được vai diễn của họ như thế. Thế là lại càng yêu hơn, khổ ghê!

Thôi, coi như cho mấy ngày để nhớ về người yêu cũ. Nhưng không buồn, chỉ xúc động thôi!

Vì nhiều tình tiết kỹ thuật trong phim đều tỏ ra nguy hiểm, từ chuyên môn cứ xoắn xuýt vào nhau nghe bập bùng như lửa trại cháy đêm khuya. Nên lần đầu tiên một phim nói tiếng Anh mà mình phải chuyển qua sub Việt, mà ngồi xem sub Việt được 10 phút vẫn… chẳng hiểu cái mẹ gì thế nên lại chuyển lại tiếng Anh mới thấy yên tâm. Người mà bilingual song ngữ như tớ bị một chứng OCD đó là rất sợ bị nghe thấy… dịch sai nghĩa. Hai ngôn ngữ của tớ là song song, khi nghe tiếng Anh thì hiểu theo đúng chính chất ngôn ngữ và văn hóa của tiếng Anh còn khi sang Việt là chỉ Việt chứ không tư duy Việt qua Anh và ngược lại. À thực ra tư duy từ Việt sang Anh thì tớ có thỉnh thoảng vì có một số từ qua tiếng Anh biểu đạt dễ dàng hơn. Tiếng Anh nói một đằng mà dịch ra tiếng Việt một nẻo là tớ hay bị ức chế =)). Đứng lo, nó chỉ là một dạng OCD thôi tớ không làm hại ai đâu :)).

Tớ thì review phim vì cảm xúc chứ không vì mục đích quảng cáo hay kêu ai cũng xem đi xem đi hay lắm, vì tớ thấy hay chắc gì các bạn thấy hay.

Nhưng dù sao thì tớ nghĩ rằng… sẽ nhiều bạn thích phim này đấy. Tranh thủ dịch mà cày đi các bạn hihi!

P/S: À còn 1 ý kiến nữa, không thích cái tên phim “The Good Doctor”, chắc vì lấy từ tên bản dịch gốc tiếng Hàn, nhưng nghe nó bị nhạt quá. Nếu 0 phải vì đoạn intro phim quá hay như thế thì cái tên này là không click xem rồi đó :)).

(Visited 37 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments