#40: Kể chuyện đi chiếu phim miền núi

Chị Hà Lê có một khoảng thời gian đi công tác rất thú vị để đem phim về các bản làng Tây Bắc chiếu cho bà con xem. Thế rồi, chị ấy có một bài viết rất hay về chuyến đi này trên blog, trong khi đáng nhẽ ra chị ấy chịu nhận lời cho mấy báo điện ảnh đăng thì nhuận bút cũng phải tính bằng triệu, hix hix. Thế nhưng không sao, báo không đăng thì Hà Kin đăng hộ vì bài viết và những bức ảnh tuyệt đẹp của chị. Chị ấy đã cho tớ tòan quyền sử dụng bài viết của chị, cho lên báo cũng được (mà là tớ lĩnh nhuận bút luôn hộ nữa cơ, hihihi), cho lên…blog cũng được. Xét thấy một bài viết hay và nhiều cảm xúc như vầy mà không chịu cho đông người đọc thì phí quá.Vậy nên xin phép chị post lên đấy nhé chị xinh đẹp! Và tất nhiên xin cả ảnh chị chụp để minh họa. Trong này có bức Em bé Phố Cáo là một bức rất đẹp và đã lên POW của photovn, em đã copyrighted đầy đủ ảnh của chị.

Ai thích và rỗi rãi thì đọc nhé, để hiểu thêm một góc rất đẹp của cuộc sống này 🙂


Hà Giang- hành trình về nơi địa đầu Tổ quốc

Hà Lê

Phần 1: Đường xa vạn dặm

Xin được mượn tựa đề một bài hát của nhạc sĩ Quốc Trung để bày tỏ những khó khăn vất vả mà chúng tôi đã trải qua trong suốt chuyến đi. Thế nhưng những vất vả đó những người làm điện ảnh như chúng tôi tự nguyện mang vào người để thực hiện một quyết tâm và ý nguyện nhân dịp đầu năm mới này- mang phim điện ảnh giới thiệu cho bà con dân tộc thiểu sổ ở vùng cao Hà Giang.

Thành phần đoàn đi lần này ngoài các cán bộ Điện ảnh còn có thành phần đoàn làm phim Chuyện của Pao, gồm vợ chồng đạo diễn diễn viên Quang Hải, Hải Yến, diễn viên Lý Thanh Kha, Ngô Thế Quân và cả Nghệ sĩ UT, thiết kế mỹ thuật cho bộ phim Phạm Quang Vĩnh…Chuyến xe mang chúng tôi, già trẻ, lớn bé, tất cả bất kể tuổi tác nhưng cùng chung một tấm lòng hướng về đồng bào thiểu số Hà Giang, mong những chiếc bánh chưng nhỏ bé, những chiếc chăn đơn mua vội trước lúc lên đường và đặc biệt là bản phim nhựa Chuyện của Pao có thể khiến bà con cảm thấy ấm áp hơn trong những ngày đầu xuân này.

Mới 5h sáng, cả đoàn 21 người chúng tôi đã tề tựu đông đủ, trên gương mặt của mỗi thành viên trong đoàn, tôi nhận thấy có một sự háo hức kỳ lạ, dù nơi chúng tôi sẽ đến là một nơi có thể nói cách xa ánh sáng văn minh, cách xa những hào nhoáng của xã hội hiện đại, nơi ấy, chỉ có những con người chân chất, sống hồn nhiên như cây cỏ nhưng sức mạnh vươn lên lại mãnh liệt hơn bất cứ nơi nào, nơi ấy, có những con người sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của bản thân mình để đem lại bình yên cho Tổ Quốc, nơi ấy, có những mảnh đời bất hạnh đang mong chờ bàn tay nhân ái của đồng bào cả nước- Hà Giang, hành trình về nơi địa đầu Tổ Quốc.

Xe bon bon lên đường, bỏ lại sau lưng làng mạc Bắc Bộ, bỏ lại những biến đổi thất thường của khí hậu lúc giao mùa, sau hàng trăm cây số đường núi bụi bặm và gồ ghề, chúng tôi cũng tới được Hà Giang trong một buổi chiều ảm đạm. Bản tin dự báo thời tiết sẽ có đợt không khí lạnh tăng cường, như vậy chúng tôi có khả năng sẽ cùng người dân nơi đây đón cái lạnh đầu tiên ở miền Bắc. Tôi mở toang cửa kính xe, để cái lạnh thấm vào người xua tan cơn say xe đã đeo bám suốt cả chặng đường, cảm thấy trong lòng một sự hưng phấn và xúc động, đối với tôi, phố núi nghèo mờ sương nhưng ấm áp tình người là tình cảm ngày càng nhân lên rõ rệt trong suốt thời gian ở lại nơi đây.

Phần 2: Sủng Là và Chuyện của Pao

Chuyến đi của chúng tôi được Sở Văn hoá Thông tin Hà Giang sắp đặt khá chu đáo, đêm đầu tiên, sau cuộc giao lưu cởi mở và chia sẻ chân thành với khán giả Hà Giang của đoàn làm phim Chuyện của Pao, chúng tôi lặng lẽ rút về khách sạn, chuẩn bị cho cuộc gặp mặt xúc động với những con người và mảnh đất đã tạo nên tác phẩm này vào sáng ngày hôm sau. Lần đầu tiên, kể từ sau khi bộ phim được công chiếu rộng rãi trong và ngoài nước, những người dân tộc Mông đã tham gia vào bộ phim, những người đã tạo cho phim một cái hồn của người Mông sẽ được tận mắt thấy được nó.

Chúng tôi cũng lên đường lúc tờ mờ sáng, sáng nay trời có mưa phùn và sương giăng khắp lối. Lúc xe leo dốc, tôi có cảm giác mình đang chìm trong màn mây dày đặc, không phân biệt được đâu là đường đi, đâu là vách núi, là vực thẳm trải dài bên dưới. Chúng tôi cứ đi với một niềm tin mãnh liệt, với một sự xúc động đeo đẳng khi nghĩ đến cuộc gặp gỡ với những người dân Sủng Là chân thực ngoài đời, dù những số phận của họ chúng tôi đã được làm quen trong bộ phim.

Muốn đến Sủng Là, chúng tôi phải đi qua nhiều địa danh khác trên một con đường độc đạo ven núi, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Phố Cáo, một bản nhỏ bên đường nơi người Mông tập trung sinh sống.

Phố Cáo buồn và nghèo, lác đác vài mái nhà đắp bằng đất và những ruộng hoa cải trải dài dưới chân thung lũng, lúc chúng tôi tới, trong bản đang có một đám ma rất lớn, nghe đâu là của ông trưởng bản mới có 47 tuổi. Theo phong tục của người Mông, người chết sẽ được treo lên xà nhà 2 ngày, rồi mới hạ xuống đem đi chôn. Cả bản đang tập trung bên nồi thắng cố, thổi khèn, uống rượu tiễn người xấu số về với Giàng. Chúng tôi vào chia buồn với người nhà ông trưởng bản, rồi lấy bánh kẹo, mì tôm chia cho các cháu nhỏ rồi lại vội vã lên đường.

Càng lên cao trên núi, đường càng khó đi, có những đoạn chỉ toàn đá là đá, xe nhồi lắc dữ dội, chồm lên, giật xuống, cả 21 con người chúng tôi tưởng chừng không chịu đựng nổi. Thoát được khỏi con đường đá, chúng tôi lại rơi vào một con đường đất trầy trụa, xe ục lên mấy tiếng rồi chết hẳn. Trời tối nhanh và lạnh, cơn mưa phùn bất thường làm cho con đường trở nên nhòe nhoẹt, không còn cách nào khác, tất cả phải xuống đẩy xe. Dù cơn say xe vẫn còn làm tất cả choáng váng, chúng tôi cũng ra sức mà đẩy, không ai bảo ai, tất cả như cùng chung một quyết tâm tới được Sủng Là. Cứ thế không biết bao nhiêu lần, chúng tôi cứ đi, rồi lại xuống đẩy xe, rồi lại đi, lác đác bên đường vài người Mông lạ lùng đứng nhìn chúng tôi với ánh mắt hồn nhiên, theo dõi những con người thành thị ăn mặc sang trọng đang làm một công việc kỳ cục, đó là ra sức đẩy cho con trâu sắt tiến về phía trước. Họ cứ đứng yên bất động nhìn chúng tôi đến khi xe lăn bánh, tôi ngồi trên xe nhìn lại họ, trong lòng tự hỏi không biết mình còn gặp được những điều gì lạ lùng ở mảnh đất này nữa.

Đến được Sủng Là đã gần 5h chiều, trời chạng vạng và lạnh tê tái, ngay lập tức chúng tôi lọt vào một thung lũng hoa vàng, cơ man nào là hoa cải đang trổ bông, tạo nên một cảnh vật vừa nên thơ vừa hữu tình. Ước mơ nhỏ bé của tôi rồi cũng thành hiện thực, quên cả cơn say xe, tôi lao vào giữa vùng hoa vàng rộng lớn, lòng phấn chấn như uống phải một thứ men say kỳ lạ. Tôi nằm xuống giữa ruộng cải, ngửa mặt nhìn bầu trời Sủng Là bao la rộng lớn phía trên, biết rằng mình sẽ còn quay lại nơi này, mảnh đất vừa gặp một lần đã mang lại cho tôi nhiều cảm xúc đến thế.

Sủng Là đẹp và hoang dã, mộc mạc như chính những con người nơi đây. Không ngờ giữa những trùng điệp núi non, giữa những rặng thông và sa mu cao vút, lại có một nơi đẹp như trong tranh thế này. Thiên nhiên quả là kỳ lạ. Và người Mông nơi đây cũng kỳ lạ không kém khi biết tận dụng những ưu đãi của thiên nhiên để tạo ra những thiên đường riêng cho mình. Nhà của người Mông nơi đây đẹp hơn bất cứ một ngôi nhà xây cất cầu kỳ ở thành thị mà tôi được biết. Những hàng rào đá quanh nhà tạo cho nó một vẻ lãng mạn mà chắc chắn, trong khi những bậc thang gỗ, những con đường lát đá lại cho nó vẻ hài hoà tinh tế.

Giờ thì tôi đã thực sự chia xẻ với Hải Yến, khi cô diễn viên xinh đẹp này không ngớt miệng nhắc tới mảnh đất này, mảnh đất mà cô luôn coi là nhà của mình sau hơn hai tháng ở nơi đây thực hiện các cảnh quay cho bộ phim. Khỏi phải nói cả đoàn làm phim xúc động thế nào khi vào lại ngôi nhà bối cảnh chính cho bộ phim và gia đình người Mông đã giúp họ hoàn thành bộ phim này. Cuộc gặp gỡ khiến những người ngoại cuộc như chúng tôi cũng rưng rưng xúc động, những cái níu tay run rẩy, những nụ cười tươi thắm trên môi, những tiếng cười nói ríu rít khiến cho cuộc hội ngộ trở thành một cảnh tượng nồng ấm, hình ảnh mà tôi biết sẽ không bao giờ phai trong ký ức những con người này.

Đạo diễn Quang Hải vốn kiệm lời là thế, bỗng chốc trở nên sôi nổi lạ lùng, anh cầm tay từng người trong gia đình của Già, chủ nhân của ngôi nhà, rồi giới thiệu cho chúng tôi làm quen với họ. Từ vợ cả, vợ hai rồi vợ ba của anh Già, đến cô giáo Lý, rồi ông hàng xóm của Gìa, đó là A Quý. Già nói tao vui lắm, vợ tao mới đẻ được tu min tu rồi (con trai), chúng mày phải uống rượu chia vui với tao. Vậy là, giữa tiếng khèn điêu luyện của A Quý, giữa tiếng dê kêu be be, giữa tiếng người cười nói xôn xao, giữa bao la đất trời Sủng Là, chúng tôi uống rượu tới say mèm, chỉ biết có hiện tại và những con người hồn hậu nơi đây.

(Visited 5 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

2 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Nai
Nai
14 years ago

Beautiful girl. She is like Chang Ziyi very much, especially her eyes

Ha Kin
Ha Kin
14 years ago

Are you talking about the girl in the picture right? That is a very popular photo on some photo forums!