#283: LÀNG CÙI HÒA VÂN – ĐÀ NẴNG

IMG_0284, photo, hinh anh, upload, download

1. CHUYẾN ĐI

Cuối cùng tớ cũng đã xong được một entry, mà tớ đã phải rất tốn thời gian để viết, để nghĩ, và hơn cả là để tự mình lắng dịu. Và chỉ khi nào tớ viết xong tớ mới thấy nhẹ nhõm được đôi chút! Nó dài, nhưng mong các bạn sẽ đọc hết!

Có lẽ xen kẽ trong những chuyến đi của Jetblue còn rất dài nữa, thì tớ sẽ kể cùng những chuyến đi đã trước nữa trong quá khứ, và đặc biệt là 2 tháng vừa rồi ở Việt Nam – với những videos – ảnh và những câu chuyện mà….mọi người không thể tưởng tượng được rằng đó chỉ là 2 tháng ở Việt Nam.

Trong 5 ngày vào Đà Nẵng vào tháng 2. Mặc dù có chuyện buồn trong gia đình, chuyện rất đáng tiếc và đổ vỡ lòng tin với 1 số người bạn và những người 0 phải là bạn. Nhưng bù lại, tớ lại được bù đắp bằng rất nhiều những chuyến đi, một số người bạn và rất nhiều điều đặc biệt khác mà chỉ tớ có thể có. Tớ sẽ chia sẻ với mọi người một phần!

Trong lần tới Đà Nẵng lần này, chuyến đi ý nghĩa và mang lại cho tớ nhiều suy nghĩ và cảm xúc nhất, phải là chuyến đi tới thăm làng cùi Hòa Vân (làng Vân) ở dưới chân đèo Hải Vân.

Tớ đã từng nghe nói nhiều tới làng cùi và những con người sống chung với căn bệnh phong.  Tớ được nghe kể, họ luôn bị sống trong sự cách ly và ghẻ lạnh của xã hội và những con người bình thường khác, bởi nỗi lo sợ căn bệnh sẽ lây lan, và vì căn bệnh gây ra cho họ những vết thương và sự tật nguyền gớm ghiếc. Trước khi căn bệnh có thể được chữa khỏi và có thuốc phòng chống, thì đã rất nhiều con người đã phải chết trong đau đớn và sống trong sự xa lánh, khổ sở dày vò…Mà hãy tưởng tượng xem, một người bình thường phải sống đày ở nơi hoang vu, tự cung tự cấp để nuôi sống bản thân đã khổ sở tới thế nào, nữa là một người  chân tay không lành lặn, luôn đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần?

Chả nói nhiều nữa, chúng ta đều biết họ rất khổ, rất khổ. Khi tớ kể với một vài người bạn về một làng cùi tớ đến, ai cũng thốt lên: “Ôi họ tội lắm, họ khổ lắm”. Ai cũng biết họ khổ, nhưng mà họ đang thực sự ở đâu và họ đang thế nào, lại chả mấy ai biết được. Kể cả người có khi sống gần ngay đấy. Và tớ cũng rất xấu hổ khi nói rằng, mãi khi đó tớ mới được biết tới làng cùi. Những năm trước, tớ vốn đến Đà Nẵng vì đơn giản có nhiều cảnh đẹp.

Bây giờ bệnh cùi đã chữa được, nhận thức con người cũng đã tăng lên. Thực sự họ không đến nỗi quá khổ sở và thiếu ăn thiếu đói nữa.  Những bệnh nhân nặng nhất thậm chí có hẳn một người phục vụ cho ăn uống. Nhưng lần này, có một chuyện, mà sau khi ở làng cùi về, tớ rất muốn phải nói!

Tớ là 1 người không phải giỏi nhớ đường nên là nói về đường xá và địa điểm không được “hay” lắm. Nhưng tớ biết được là, làng cùi Hòa Vân nằm dưới chân đèo Hải Vân, đi cách thành phố Đà Nẵng lên hướng đèo về phía Huế khoảng chừng 20 hay 30km gì đó. Tên hành chính rất dễ tìm trên mạng là: “Làng Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng). Tới đây, để xuống được làng cùi, sẽ phải gửi xe máy ở trên đèo, đi bộ khoảng hơn tiếng đồng hồ xuống dưới chân đèo mới có thể tới. Phương tiện duy nhất có thể đến đây là đôi chân! Hoặc tất nhiên, có hẳn một đường khác là đường biển. Nhưng nghe nói lâu và nguy hiểm hơn đường bộ.

Ven đèo có một vài con đường có thể đi xuống, đểu không bằng phẳng và dễ đi cho lắm. Đi riêng chỗ này hết cũng phải gần tiếng hoặc tiếng nếu cần ngồi nghỉ ngơi. Đi bộ bình thường còn mệt, chứ vác thêm máy và quả dưa hấu giữa lúc 12h trưa thì cũng khá là mệt mỏi. Xuống dốc sẽ đi qua một đường tàu. Đi một lúc để tới được một đoạn dốc nữa cũng đủ một chuyến tàu vừa chạy qua. Sau đoạn đàu tàu sẽ là một đoạn leo trèo nữa để tới được cổng làng. Thực ra tớ cảm thấy đi cũng không phải là quá khó so với rất nhiều chỗ khác, nhưng điểm sẽ khiến nó trở nên khó khăn và không gây hứng thú cho nhiều người đi, đó là bởi vì nó 0 dẫn tới một danh lam thắng cảnh nào cả. Và người bình thường cũng chả ai dành thời gian của mình một vài ngày nghỉ để leo trèo đội nắng đội mưa đi xuống một chỗ như thế này! Nhân đây tớ muốn gửi lời cảm ơn tới người bạn đã ngỏ ý dẫn tớ tới đây, vì nhờ bạn ấy mà tớ đã có chuyến đi này. Chỉ là bạn ấy 0 làm cho tớ thoải mái và dễ chịu hơn trong chuyến đi mà thôi!

Đoàn tàu qua đèo Hải Vân, sẽ phải đi trên con đường tàu này sau khi leo dốc đèo xuống:

Vào làng cùi sẽ có trẻ con và người già, không có nhiều thanh niên. Mà tớ cũng chả có gì nhiều và đáng giá để đem tới cho họ, đi lại cũng khó khăn, nên tớ chỉ biết mua một quả dưa và ít bánh kẹo đem tới. Người bạn tớ được nghe kể lại: Ngày trước, khi chưa có thuốc chữa, bệnh nhân cùi phải tự mò mẫm đi tìm thuốc, có khoáng chất gì đó có thể chữa được bệnh cùi, mà khoáng chất này chỉ có trong vàng. Họ phải tự đi đãi vàng để tìm thuốc chữa. Mà vàng thì 0 dễ như cát đãi ngoài biển.

Trước khi đi được xuống tới đường tàu, có một người đàn ông đứng tuổi lặng lẽ vác trên vai một cái gùi và một cái gậy cắm cúi đi lên. Tớ hỏi là: “Chú đi đâu đấy?”. Chú ấy nói: “Đi đánh cá”. “Thế sao chú về sớm thế?” “Trời nắng quá, chẳng đánh được con cá nào, nên đành về con ạ”. Chú ấy nói và miệng cười rất tươi, hằn lên những vết nhăn của một khuôn mặt rất khắc khổ. Tớ nhớ tớ đi hết được cái đoạn đường nọ mà tớ đã toát hết mồ hôi và thấy mệt lắm rồi, vậy mà họ cứ hàng ngày phải đi lại trên con đường này nhiều lần chỉ để bắt vài con cá, mà có khi còn phải về giữa chừng vì chả có con cá nào. Rồi không biết con cá bán được bao nhiêu tiền? Thấy buồn trong lòng dễ sợ!

Khi tớ tới làng thì trời đã quá trưa, nắng rất gắt, có lẽ mọi người đã đi nghỉ trưa. Những ngôi nhà lá bắt đầu hiện ra, cùng con đường làng nhỏ. Một bên là biển, một bên là những đồng lúa nhỏ, có trâu có bò đứng nhẩn nha gặm cỏ, có gà ấp trứng trong sân và có những con chó chạy loăng quăng.  Đó là biểu hiện của những cuộc sống tự cung tự cấp. Chắc ngoài một số đồ nhu yếu phẩm buộc phải mua trên thành phố, thức ăn đồ uống hoàn toàn được sản xuất ngay tại làng.

Con bò cứ nhìn tớ đầy ngạc nhiên (nhầm ảnh, thôi sửa lại caption vậy)

IMG_0403, photo, hinh anh, upload, download

Lúc tới làng, tớ rất đói, trời rất gắt và tớ không đội mũ. Sáng đó tớ không ăn gì, phải thú thật là tớ đi tới làng trong một ngày rất nhiều điều khó chịu và chuyện buồn của ngày trước đó. Và khi tới nơi đây thì cũng chả ai vui vẻ hớn hở được cả, tớ hoa hết cả mắt và cứ thấy buồn và trầm cảm sao vậy.

Tớ nghĩ lúc này mọi người đã ăn trưa xong rồi, và ở đây thì làm gì có cửa hàng hay đồ ăn sẵn như trên thành phố. Lúc đó tớ đói, không mệt lắm nhưng buồn….như thế nào đó, tớ vẫn nhớ lại những cảm giác khó tả như vậy!


Người bạn dẫn tớ tới ngôi nhà của trưởng làng, chú ấy tên là Đức. Chú ấy hỏi tớ ăn gì chưa và kêu người nhà nấu cho tớ mì tôm. Đó là bữa trưa đạm bạc và gây xúc động gần như nhất trong cuộc đời của tớ. Chú ấy nấu cho tớ tới mấy gói mì, chỉ có mì tôm và cơm trắng, cùng một ít dưa góp rất đặc biệt mà tớ quên mất tên. Tớ rất đói, tớ thấy rất ngon và tớ thấy rất xúc động. Tớ biết mấy gói mì tôm này có khi phải đi vất vả cả ngày đường mới có thể mua được đem về. Làng còn rất ít trẻ con, bởi vì trẻ con đã lên ở trọ trên thành phố để đi học hết rồi. Chỉ còn trẻ con cấp I và II có cô giáo dạy ở đây. Đang ngồi có một cô giáo tới chơi và nói chuyện. Hiện giờ thì người có bệnh không còn nhiều nữa, và bị nặng nhất thì là ở trên một đoạn nữa mới tới. Làng nhìn rất bình yên, giản dị và hoang sơ như muôn vàn những ngôi làng ven biển khác.

Bữa trưa xúc động của tớ đây:

Trưa rất bình yên, vì gió biển và cây reo:

IMG_0190, photo, hinh anh, upload, download

Ăn và ngồi nói chuyện với cô giáo xong. Tớ đi ra cái võng mắc ở ven bờ biển, nơi có mấy em bộ đội đang nghỉ trưa và mấy đứa trẻ con đang ngồi đọc truyện tranh.  Gió rất mát, cảnh rất đẹp, sạch sẽ và bình yên. Thảo nào, chú Đức nói với tớ: Làng cùi này sắp bị xóa sổ cho một dự án resort lớn. Những người dân làng cùi sẽ phải di cư đi chỗ khác, có thể 0 có biển hoặc có đất đai rộng rãi để trồng trọt chăn nuôi như bây giờ, mà có thì họ cũng sẽ phải gây dựng lại từ đầu. Vẫn biết chuyện này rồi sẽ xảy ra thôi, chỗ đẹp như thế này thì cũng 0 thể tồn tại mãi lâu và “để không” như vậy, cũng phải làm kinh tế thôi, nhưng mà rồi thì vẫn thấy buồn chứ. Bởi chắc chắn là cảnh này chỉ đẹp nhất khi nó có cái võng mắc thế này, ít người thế này và ở đằng trước chỉ là những ngôi nhà lợp rạ.

Tớ ra chơi với bọn trẻ con đang ngồi đọc truyện tranh. Thấy tớ cầm máy ảnh, bọn nó thích chụp ảnh, thế là tớ và bọn nó lao ra biển giữa lúc nắng gắt nhất để chụp ảnh. Bọn nó nô đùa và đá nước, cười đùa ầm ĩ, nắng gắt quá nên chụp hơi khó. Đang chụp dở thì bà của mấy đứa nhỏ cầm cái quạt nan chạy ra đét đít tới tấp, vì cái tội ra nghịch giữa trưa nắng. Mấy thằng bé chạy tán loạn, cả bờ biển dài, bọn nó mải miết chạy. Một lúc sau nó quay về để lấy dép, cười nhe răng. Tớ vừa buồn cười vừa thấy tội lỗi.

IMG_0203, photo, hinh anh, upload, download

IMG_0222, photo, hinh anh, upload, download

IMG_0225, photo, hinh anh, upload, download

Bọn nó đã bị lùa đi về nhà ngủ trưa. Tớ độc chiếm cái võng và cứ ngồi đó ngắm biển, chả nhớ là bao lâu nữa.

2. Đây  mới là phần chính của vấn đề:

Một lúc sau, một cô muốn dẫn tớ sang bên khu làng dành cho những bệnh nhân bị nặng nhất, đi hết chừng chỉ khoảng 1 km ven biển từ nhà của trưởng làng. Đường đi rất đẹp, dễ thương và vắng vẻ. Chỉ có tiếng biển và tiếng chim kêu đâu đó. Có một con suối và sẽ phải bỏ giày ra để sang được bờ bên kia.

Vào tới bên trong làng cùi, tớ nhớ ngay ngôi nhà đầu tiên có những bụi hoa trồng trước cửa rất đẹp. Nắng chiếu vào nhà cửa, cây cối, hoa, đàn gà nhìn hết đỗi yên lành. Tớ thấy những người già đi lại ngồi cắt và nhặt những chiếc lá đót khô để làm chổi. Tớ hỏi là họ làm để dùng hay bán, họ nói để dùng. Những loại cây  này phải đi lên núi cao mới lấy được, chứ 0 có quanh đây.

Bước tới một cái sân, có một ông cụ rất già đang ngồi chuốt sợi đót. Nhìn là biết đó là một bệnh nhân bệnh phong nặng, vì chân tay có những khớp đã bị cụt. Ông cụ rất già, và có lẽ là người già nhất ở đây. Khi tớ google trên mạng để tìm hiểu về làng Vân, rất nhiều bài viết viết về ông cụ và có ảnh của ông ấy nữa. Nhưng hôm nay mọi người sẽ không được thấy ảnh của ông cụ trên blog của tớ, bởi vì:

Tớ ngồi nói chuyện với ông cụ, bà cụ và một chú ngồi ngay cạnh. Khi thấy tớ cầm chiếc máy ảnh rất to. Tớ đang định hỏi là: Ông ơi,  con chụp ông được không? Thì ông lắc đầu và nói, ngồi nói chuyện thôi, đừng có chụp hay quay gì cả. Tớ nghĩ, chắc ông ngại vì ông là bệnh nhân cùi chăng?

Tớ bảo: “Con học nhiếp ảnh, con muốn chụp lại để được lưu giữ hình ảnh đẹp của ông, không sao đâu ông ạ”.

Chú ngồi cạnh nói to: “Không được đâu, mấy cô mấy cậu nhà báo rách việc lắm, làm khổ chúng tôi lắm rồi, giờ dứt khoát không có chụp chiếc gì nữa”.

Tớ tròn mắt và bảo: “À, thì là chú tưởng con là nhà báo, con không phải nhà báo đâu, con đi thăm mọi người và thăm cảnh thôi, con học chụp nên con muốn chụp lại để làm kỉ niệm thôi. Con hứa chụp đẹp”.

Chú ấy lắc đầu rất kiên quyết, rồi thở dài, giọng đầy bức xúc:  “Trước giờ có nhiều đoàn đến đây lắm rồi, chụp ảnh quay phim nhiều lắm rồi. Có khi mất cả mấy ngày tiếp chuyện, mất thời gian vì họ.  Nhưng xong rồi về rồi mất hút, làm cái gì cũng phải có THỰC TẾ chứ. Đến viết cái gì, làm cái gì, họ về họ viết họ kể hay lắm, xong rồi chúng tôi chả thấy được cái gì, được hưởng cái gì hơn cả.  Tới viết báo, kiếm tiền, rồi đi về.”

“Họ về rồi, các chú có được đọc những bài báo họ viết không?”

“Không, đọc thế nào?”

“Họ có gửi băng đĩa cho mọi người xem không?”

“Không, ai gửi, chả biết mặt mũi câu chuyện của chúng tôi ra sao”.

“Vậy họ chỉ tới, viết bài, chụp ảnh, quay phim, làm phiền, rồi đi về?”

“Chán lắm rồi, chán lắm rồi các cháu ạ, chỉ thế thôi!”.

Câu chuyện tiếp diễn, chú ấy tỏ ra rất khó chịu và khẳng định khăng khăng rằng tớ là một nhà báo. Chắc chắn là một nhà báo và cương quyết 0 cho tớ chụp một tấm ảnh nào hết. Chú ấy cũng nghĩ, đời bây giờ cũng có mà dở hơi, khi có một đứa tự nhiên tới cái nơi hẻo lánh thế này, vào một ngày thường thế này, mà lại chả có mục đích gì, lại chỉ để đi “hiểu thêm về cuộc sống”. Lúc đó, tớ buồn lắm, tớ vừa buồn, vừa ức. Tớ buồn vì tớ chỉ có ý tốt, tớ muốn được chụp hình ảnh của ông cụ, của bà cụ, của chú ấy nữa, tớ muốn lưu giữ lại hình ảnh đẹp của họ, đơn giản là vậy. Và rồi khi nào và ai, sẽ chụp cho họ đây? Nhỡ đâu họ chết mà chả có nhiều ảnh về cuộc đời mình thì sao?  Còn tớ ức, tớ 0 biết là tớ đang ức, vì chú ấy quá cực đoan và đổ oan cho tớ là một nhà báo và có ý tốt, hay tớ tức vì những người trước tới đây đã làm cho họ mất lòng tin nhiều tới như vậy?

Tớ nhớ khi tớ tới làng Nón để được xem làm nón. Tớ ngồi cả ngày bên một bà cụ để xem cụ ấy tỉ mẩn làm nón. Một ngày trời mới có thể làm được 2 cái nón, bán mỗi cái được 15k. Bà cụ ấy kể: Có rất nhiều người tới đây chơi, rồi quay phim, chụp ảnh, rồi vẽ, có khi mất cho họ cả mấy ngày trời để phục vụ không làm được việc gì. Vậy mà có người khi ra về, thậm chí mua một cái nón của họ cũng không mua. Có người còn “tử tế” hơn, đưa cho 20 nghìn đồng để coi như là một hình thức “pay”. Bà cụ ấy nói: Họ nghĩ quê nên chắc 20k to lắm, 3 ngày không làm nón đủ bà mất một khoản tiền gấp mấy lần vậy rồi”.

Có nhiều người tới, như đương nhiên rằng, họ sẽ phải phục vụ mình, rằng nét văn hóa này là “của chung”. Quên mất là ai cũng phải ăn, phải sống, phải kiếm sống và được trả công xứng đáng!

Câu chuyện ở làng Cùi làm tớ liên tưởng ngay tới làng Nón. Quả thật đó là điều tớ rất muốn nói. Cực kỳ  muốn nói và không thể không nói.

Tớ biết, rất nhiều người tới vì tấm lòng. Thực sự là tấm lòng, những phóng sự về bệnh nhân cùi, những bài viết trên báo về bệnh nhân cùi mà tớ ngồi google một buổi đều có tinh thần lay động lắm. Tất cả đều xúc động và xuất phát từ tấm lòng, chắc chắn nhiều người trong số họ không phải tới chỉ vì muốn viết bài kiếm tiền và đi làm phiền như họ đang bị nghĩ vậy. Nhưng mà cái sự hiểu lầm và khó chịu như vậy, không phải tự nhiên mà có. Không hiểu khi tới, mọi người có nghĩ rằng: “À, cái phóng sự này rồi sẽ được gửi về cho người ở đây xem hay không?”. “À, tấm ảnh tôi chụp ông cụ tội nghiệp này có nên gửi về cho ông í làm kỉ niệm hay không? Hay chỉ đơn giản là vì tôi cần vì bài viết của tôi cần có ảnh?”. Họ có nghĩ rằng: “Mình đang làm việc tốt, và SẼ phải có điều gì đó tốt sẽ xảy ra sau việc tốt của mình hay không?”.

Thực sự tớ không hề biết rằng có bao nhiêu tấm lòng đã tới đây, đã giúp đỡ những con người bất hạnh này từ những bài phóng sự, bài báo. Chắc chắn là có, có nhiều là khác. Nhưng mà có chăng có những điều rất đơn giản, tế nhị và tình cảm hơn khi tiếp xúc với họ? Có chăng có nhiều THỰC TẾ thực sự hơn sẽ đến với họ, có khi chỉ là rất nhỏ, nhưng mà nó HIỆN HỮU, nó có kết quả, để họ có lòng tin hay không?

Đừng trách những bệnh nhân làng cùi nếu họ có hiểu lầm tấm lòng của những ai đó. Họ 0 ở trên thành phố, được xem nhiều TV, nhiều tin, được tiếp xúc nhiều loại người để họ đủ hiểu đo được lòng người. Tớ nghĩ, cái họ cần nhiều khi rất đơn giản, cực kỳ đơn giản. Như là, sẽ được gửi một món quà nhỏ, được xem một cái video về mình, được biết phản ứng của thiên hạ ngoài kia về mình thế nào khi những bài phóng sự, video ấy đang được phát đâu đó ngoài kia! Những người đến phải là người hiểu biết điều này hơn chứ, đúng không nhỉ?

Nói chung tớ đã rất buồn và tức. Tớ biết tớ sẽ phải lên tiếng, không thì tớ 0 thoải mái và thanh thản được. Tớ 0 thích nói lời đao to búa lớn, tớ 0 thích chửi bới, tớ 0 thích tranh luận, và tớ 0 thích bị hiểu lầm. Tớ chỉ muốn nhìn thẳng vào cái rất rõ ràng và đơn giản trước mắt!

Tớ đã không chụp được ông cụ, tớ tha thẩn đi chụp mấy con chó, con gà, góc sân nhỏ, những chiếc ghế. Tớ muốn chụp lại những điều bình yên để cho tinh thần mình dịu bớt, muốn chụp lại những điều bình yên để tớ sẽ được chia sẻ lại. Tớ thấy đến những con động vật nuôi loăng quăng, những có những sự tình cảm gắn kết thương yêu hơn bình thường.

Cái cây này rất đặc biệt. Chú bệnh nhân nọ nói với tớ, nếu thích chụp, bọn tôi cho chụp cái cây này đấy. Cái cây này cả đất nước không có, nó sống ký sinh trên thân cây mít, chỉ trên thân cây thôi, rất xanh và tươi tốt. Có khi có cả đoàn tây tới đây chỉ để nghiên cứu cái cây chứ còn chả biết là đây có làng cùi! Vậy tớ chụp lại cái cây, không phải là vì nó lạ đâu, tớ chả phải hứng thú việc nó lạ. Nhưng tớ chụp lại, để tớ in ra, và gửi cho làng. Đề làng có một cái ảnh treo về một sự vật lạ và đặc biệt đáng tự hào của họ. Đế lỡ cái cây có bị ai đó tới lấy đi đâu mất “nghiên cứu”. Họ có cái ảnh để minh chứng và lưu giữ!

IMG_0275, photo, hinh anh, upload, download

Tớ đi vào xa hơn để gặp những bệnh nhân cùi nặng nhất. Họ cũng rất ngại ngùng khi tớ cầm máy ảnh. Vậy nên, việc đầu tiên là tớ ngồi nói chuyện với họ. Tớ sẽ chụp ảnh và có xin phép, tớ sẽ chụp ảnh khi họ hiểu tớ. Mặc dù tớ nghe tiếng không được rõ lắm, nhưng cái tớ có, luôn là sức mạnh. Đó là NỤ CƯỜI. Tớ cười mỗi khi tớ không hiểu, và cả khi tớ hiểu. Tớ hỏi những ông bà cụ tay chân không lành lặn những điều bình thường nhất. “Con chó kia có phải của bà không? Nó tên gì?”.  “Hôm nay trời có mát hơn hôm qua không hả ông?”. Và họ bắt đầu cười nói cùng tớ, tớ cũng không biết họ hiểu tớ nói gì không. Nhưng bọn tớ nói chuyện và cười. Tớ vào bên trong căn nhà tối của họ, tối lắm, căn phòng chỉ có duy nhất giường, và một cái xe đạp rất cũ, chả có gì trên tường cả. Tớ muốn được chụp ảnh họ, bởi tớ muốn họ sẽ có những bức ảnh của chính mình, và chắc chắn những bức ảnh sẽ được dán trên bức tường trống và ẩm mốc nơi họ đang sinh sống, chứ 0 phải chỉ trên cái blog của tớ!

Tớ yêu những nụ cười và ánh nhìn này, vô cùng!


Những ảnh này khi in tặng đều màu hết, bởi những tấm ảnh có màu sắc sẽ được ông bà thích hơn!!!!

Dãy ghế họ ngồi hàng sáng, trưa, và tối…

IMG_0307, photo, hinh anh, upload, download

Những bữa ăn, sẽ từ đây…

IMG_0326, photo, hinh anh, upload, download

Lặng lẽ…

IMG_0343, photo, hinh anh, upload, download

Và, nếu mọi người xem ảnh, mọi người có nhìn thấy những nụ cười rất tươi và đáng yêu này không? Có thấy họ vui với tớ như thế nào không? Có một chú ngồi một góc, dứt khoát không chịu cho tớ chụp ảnh, vì ngượng. Cứ mỗi lần tớ chụp xong, tớ lại chạy ra cho các ông bà cụ xem lại hình ảnh của mình, và họ phá lên cười rất tươi. Chú ấy cũng chạy ra xem, tớ nghĩ chú ấy thích, nhưng mà tớ cứ giơ máy lên lại chạy đi mất.

Tớ nói với cô lúc nãy dẫn tớ vào làng, cũng là người nấu cơm cho 4 bệnh nhân (vì họ 0 tự làm được). Tớ nói là, tớ muốn đăng những hình ảnh này lên trên “mạng internet”, để bạn bè được biết tới, sẽ có nhiều người được biết tới, để họ biết tới làng Hòa Vân. Và họ sẽ đem những bức ảnh tớ chụp ngày hôm nay tới làng để tặng lại họ. Cô ấy cười rất tươi và tỏ vẻ hạnh phúc, rồi đi ghé tai từng người một kể lại.

Cô nấu cơm:

IMG_0335, photo, hinh anh, upload, download


Những lời hứa đó, tớ chưa bao giờ quên. Tớ biết nó rất nhỏ, nhưng thực hiện được, với tớ sẽ là một niềm vui lớn.

Cũng đến lúc tớ phải ra về. Tớ chợt nhận ra suốt hai buổi cau có và nguyên hơn bán ngày kể từ khi tớ tới Đà Nẵng, tớ 0 hề có một nụ cười rất tươi, thì lúc tớ ở bên những bệnh nhân cùi, họ làm tớ xoa dịu đi gần hết những bu ồn phiền của những ngày trước. Tớ thấy thoải mái, rất thoải mái. Dù trong lòng còn lại nỗi buồn vì không được chụp cho ông bà cụ, cho chú bệnh nhân, vì sự hiểu lầm và sự khó chịu họ đang phải mang.  Tớ ước gì tớ đã có bức ảnh để bây giờ đi gửi cho họ. Nhưng tớ tin là khi tớ trở lại, họ sẽ nhận ra tớ và sự hiểu lầm với tớ đã không còn nữa!

Tớ chào tạm biệt, rồi chuẩn bị đi. Bất ngờ, chú bệnh nhân chạy trốn chụp ảnh lúc nãy chạy vội ra, đầu ướt rượt, áo xộc xệch (có vè vừa mặc vội vào). Chú ấy đỏ mặt nói: “Chụp cho chú một tấm được không?”. Thì ra chú ấy vừa vội vã đi gội đầu và thay áo để được chụp ảnh, gội và mặc rất vội vì cứ sợ tớ đi mất. Chú ấy bảo, nhìn mấy cái hình trong máy của tớ đẹp quá, chú ấy cũng muốn có một tấm. Thế là tớ bảo: “Chú đứng vào cây đi, chụp nào, nhớ cười tươi chú nhé, cười tươi vào nhé”. Tớ bấm cho chú ấy 0 biết bao nhiêu là tấm nữa. Tớ bảo, chú còn áo không, vào thay áo khác nữa đi, chụp nữa đi. Và chú ấy chạy như bay đi tìm áo nữa….

IMG_0358, photo, hinh anh, upload, download

Chụp xong, chào tạm biệt. Chú ấy bảo: “Có quay lại đây nữa không?” . “Có chứ chú, con sẽ gửi cho chú cả ảnh nữa”. Chú ấy bảo: “À, cứ chụp vậy thôi, không phải mắc công gửi đâu nhé”.

Chú ấy sợ làm phiền tớ. Tớ bảo: “Gửi chứ, chú chờ đấy!”.

Những bức ảnh của tớ không có màu sắc hay góc độ gì để nhấn mạnh sự khổ sở hay xúc động. Mà ngược lại, tớ thích sự lạc quan và hạnh phúc, sự tươi mới và sắc màu trong những tấm ảnh. Không có nghĩa là bệnh nhân phong thì cứ phải ánh mắt đau khổ, chân tay co quắp và những khuôn mặt buồn bã. Sự hạnh phúc và những niềm vui, sự tự nhiên, là những cảm xúc chân thật nhất!

Tớ có tổng cộng 15 tấm ảnh, cỡ khá lớn, đã in xong và đang gửi cho người bạn thân trong Đà Nẵng. Thực ra tớ hoàn toàn có thể nhờ họ đưa xuống làng Hòa Vân hoặc nhẹ nhàng hơn nữa là gửi bưu điện. Nhưng thay vì vậy, tớ muốn viết bài viết này, và muốn hỏi xem, có ai muốn tới làng Hòa Vân và cầm quà của tớ xuống hay không? Vấn đề không phải là tớ cần một người cầm mấy tấm ảnh xuống để gửi. Vấn đề là tớ muốn mọi người biết tới một nơi như thế. Vấn đề là tớ muốn họ sẽ có những vị khách  như tớ xuống thăm thường xuyên hơn. Như tớ nói đấy, không phải làm việc gì to lớn, vĩ đại như xây nhà to hay lắp điều hòa cho họ đâu. Bạn chỉ cần tới chơi, mang theo một vài trăm nghìn, một ít hoa quả, bánh kẹo, âm nhạc, phim ảnh… hoặc làm cái gì đó tặng họ. Rồi tới nói chuyện, chia sẻ, lắng nghe họ. Với những con người sống cô lập và có cuộc sống bình lặng và tẻ nhạt như vậy, sẽ là những niềm vui nho nhỏ, những điều thú vị mà họ không thể tự tạo ra, là điều cho họ mong ngóng và hy vọng.  Cho dù khi tới gặp họ, bạn đi lại sẽ khó khăn một chút, sẽ mệt mỏi một chút, và gặp họ bạn sẽ buồn trong lòng đôi chút. Nhưng có thể khi trở về, bạn sẽ thấy thanh thản và thấy lớn lên một chút. Nếu bạn là người có tấm lòng thực sự, bạn sẽ hiểu ngay những điều tớ nói!

Nhìn từ trên đèo xuống hường làng Vân. Những tấm ảnh này tớ cũng tặng họ. Vì họ sẽ chẳng có cơ hội và sức khỏe trèo lên đây để được biết, thực ra chỗ họ đang ở tuyệt đẹp tới thế nào.

Bây giờ, tớ muốn biết bạn nào có thể tới và cầm theo ảnh của tớ xuống. Các bạn xuống chơi nhớ vì tấm lòng và có sự tế nhị. Vì ảnh của tớ rất to, có bạn nào muốn đóng góp cho tớ 15 cái khung ảnh nữa hay không?

Nếu bạn có thể giúp, và muốn tới thăm và chơi, các bạn hãy liên lạc với tớ đi nhé. Giả sử có bạn chịu cầm ảnh rồi, thì những bạn khác cũng sẽ tới chơi và cầm quà đúng không?

Mà 30/4 và 1/5 sắp tới đấy. Rất nhiều người cứ thắc mắc là họ sẽ làm gì, chơi gì, ra sao? Nhiều lắm, sao không là những chuyến đi ý nghĩa nhỉ?

ĐÂY LÀ LIÊN LẠC CỦA TỚ:

Email:   [email protected]

Nhắn qua facebook: www.facebook.com/hakinkin

Các bạn chỉ cần nhắn cho tớ các bạn muốn tới, số điện thoại, dự định khi nào tới. Nếu có thể chia sẻ cho tớ biết bạn sẽ tới chơi với những gì thì càng tuyệt. Nếu có bạn nào cầm sách của tớ xuống đó tặng cho nhà văn hóa xã thì lại càng tuyệt hơn nữa.  Tớ sẽ bàn bạc cụ thể với các bạn hơn nữa.

Tớ sẽ đưa các bạn liên lạc của bạn mình để các bạn tới lấy ảnh.  Bạn nào không thể tới, có thể đóng góp mấy cái khung để họ treo ảnh lên đúng không?

Nếu bạn có gửi cho họ món quà rất nhỏ của tớ, hãy kể lại cho tớ biết, các ông bà cụ ấy có vui không nhé?

Tớ không nhận tiền hay hỗ trợ vật chất, tớ chỉ cần tấm lòng các bạn. Các bạn có tấm lòng, hãy đem tấm lòng và vật chất của mình tới với họ.

Còn bạn nào khác, đọc xong, cứ lẳng lặng tới cũng được. Không cần phải nói cho tớ biết!

Nhân đây, tớ rất muốn biết thêm về những làng/nơi tương tự. Làm ơn nếu biết, hãy chia sẻ lại cho tớ!

HÃY LUÔN NHỚ – TỚI CHƠI VÀ GIÚP ĐỠ – 0 PHẢI TỚI ĐỂ LÀM PHIỀN!

Những lần tới Đà Nẵng tới, nếu đến chỉ để đi chơi và có thời gian. Tớ dứt khoát sẽ dành 1 ngày để tới Hòa Vân để thăm họ. Tớ không biết còn có được nhiều lần nữa không, vì làng đang ngày một già cỗi, con người ngày càng ít, và làng sắp 0 còn tồn tại nữa vì những dự án resort….

Còn đêm nay, tớ sẽ ngủ ngon khi cả tuần trằn trọc để viết được bài viết này. Tớ nghĩ tớ được thanh thản hơn rồi! Cảm ơn mọi người đã đọc hết!

(Visited 22 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

48 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
ngocha
ngocha
14 years ago

Cảm ơn Kin vì bài viết! Chị chưa có gì để ủng hộ những người kém may mắn cả Kin ạ, nhưng chị sẽ nhớ đến nơi này sau khi đọc bài của em.
Nhân tiện, Kin nhầm con trâu với con bò rồi nhé! 🙂

Thien Nguyen
Thien Nguyen
14 years ago

Kin ơi,

Em gái xinh Vân Dung của a đang giữ hình hả? 30/04 này a ko về nhg có thể giữa tháng 5 gì đó a về nhà ĐN. A sẽ nói Dung đi với anh qua đó… làm khung thì ok mà. A lo vụ đó cho hén 🙂

An O Mai
An O Mai
14 years ago

Đọc xong nghe lòng chùng lại, giờ mới biết vì sao mà em cứ nheo nhéo vì ko viết xong entry này. Em muốn mọi người đóng góp khung ảnh thì phải cho cỡ chứ, chị sẽ góp khung nhé! cho chị biết cỡ chị đi mua.

Thien Nguyen
Thien Nguyen
14 years ago

Thì a lo vụ khung & chắc mua ít quà chi đó mang lên thêm 🙂
Thanks Kin for this touching entry!

Ni
Ni
14 years ago

Yên tâm, từ nay đến cuối tuần vụ đóng khung sẽ hoàn thành. Báo cáo với đồng chí Kin sau nhé!

Kenny
14 years ago

Tớ luôn yêu thích những nụ cười. Dù đó là nụ cười của trẻ con hay người già, bình thường hay có khuyết tật thì nụ cười vẫn luôn là thứ trong sáng và quý giá, cảm ơn bạn Kin nhiều vì đã giữ lại những khoảnh khắc đó và chia sẻ với mọi người!
Tớ đã nghe về ngôi làng đặc biệt này, thật là sai lầm khi tớ luôn nghĩ nó đang có được sự quan tâm, buồn khi nghe rằng ngôi làng sẽ bị xóa sổ vì những khu resort. Điều kiện hiện tại của tớ không thể đi xa được nhưng tớ vẫn muốn đóng góp truyện, vở, bút chì và kẹo cho những đứa trẻ, vậy có được không?

Kid
Kid
14 years ago

Chị Kin ơi, em là người ĐN, em đã từng đến làng Vân 1 lần rồi. Thực sự xúc động vì cuộc sống và cảnh đẹp nơi đây. Thực ra khi vừa bắt đầu đọc bài viết của chị, em đã có ý nghĩ 30/4 này sẽ đi lại làng Vân. Càng đọc đến đoạn cuối càng quyết tâm đi làng Vân hơn. Và khi viết cái comment này thì đã quyết định sẽ đi làng Vân vào ngày 1/5, và mang theo những tấm ảnh chị Kin chụp đến mọi người (níu chị Kin cho phép, keke). Vậy nên níu chị tin tưởng thì gọi cho em nhé: 0905 151 286. Em và bé Min (bé chị tình cờ gặp ở quán trà sữa Cactus tại ĐN ý) sẽ mang ảnh đến làng Vân hộ chị. Và nếu chưa có khung ảnh kịp thì tụi em sẽ “thầu” luôn phần khung ảnh luôn cho ^^ Chờ sự đồng ý của chị Kin nhé ^^

Nguyễn Nghĩa
Nguyễn Nghĩa
14 years ago

Đọc xong bài viết mình cảm thấy buồn tê tái, không hiểu vì sao buồn, mình dân Quảng Nam nhưng chưa hề đến đây bao giờ cả, có lẽ mình đã sống giữa vùng quê và chứng kiến quá nhiều cơ cực nên những hình ảnh này với mình rất đỗi bình thường, nếu bắt gặp nhiều lúc mình cũng “hững hờ”.chẳng có nhiều cảm xúc như Kin. Thích Hakin những lúc thế này, thanks về tấm lòng của bạn!

Nhím xù
Nhím xù
14 years ago

ảnh rất đẹp và tấm lòng cũng rất đẹp chị ạ

Tấn Anh
Tấn Anh
14 years ago

Rất thích những bức hình chị chụp. Hình Bà Nà cũng vậy. Đọc bài chị xong thấy xấu hổ cho những kẻ làm báo…đời. Dân làng phong dễ thương quá phải không chị? Chỉ tội nghiệp chỗ họ sống sắp bị resort xâm chiếm rồi… Chặng đường hòa nhập cộng đồng gì đó của mấy bố lãnh đạo Đà nẵng hay “đãi bôi” nói chắc sẽ rất khó khăn…

Minh
14 years ago

Một Entry thật ý nghiã Kin ơi .

ThaiDoan
14 years ago

well presentation and it is a really touch note, Hakin. Thanks!

Kieu
Kieu
14 years ago

Không bik khi nào thì e có thể được đến đó thăm họ 1 lần nhỉ? Hay là lúc e có thể đến thì họ đã không còn ở đó. Đôi khi tấm lòng cho phép mà hòan cảnh lại hok. Khi nào c về VN mà có đi những nơi như thế nhớ tb to to nhé. Bik đâu sẽ có nhiều ng` tham gia đấy :). Ảnh chị chụp đẹp lắm, luôn tươi tắn và yêu đời, biết đâu nhờ những nghị lực sống đó mà họ vẫn tồn tại cho đến ngày nay 🙂

LamNgan
14 years ago

This is a simple yet deep entry. What a wonderful way to reflect upon myself as I begin a new day. I was unhappy…….but this entry helped me realize that all of my worries….are indeed incomparable! Thank you! 🙂

And I made a note to myself….

TuanYen Nguyen
TuanYen Nguyen
14 years ago

Nếu mọi người đều có một suy nghĩ và một tấm lòng như con thì những người ở làng Hòa Vân sẽ bớt cô đơn. Hai bác có thể giúp và chia sẽ được những gì với con.

thuỷ bông
thuỷ bông
14 years ago

ấy à, ấy đã từng bảo sẽ gưỉ ảnh để tớ đi in và nhờ ai đó chuyển cho những cô chú này mà. Cuối cùng lại nhờ ai rồi?
Câu chuyện hay và xúc động! 🙂

Lan Anh
Lan Anh
14 years ago

Chị làm em buồn theo chị. Nhưng em cảm ơn chị rất nhiều. Chị làm em nhớ tới ngày xưa khi chị đi Hà Giang và có kêu gọi mọi người đóng góp bánh kẹo và quần áo, để chị cầm và phát cho mọi người ven đường đi như là những “món quà nhỏ bất ngờ”. Em đã rất ấn tượng và nhớ mãi câu chuyện này. Em rất thích cái cách chị tự làm mọi thứ theo cách riêng của mình, rất đơn giản, nhưng rất hiệu quả, rất riêng. Đơn giản vậy nhưng tại sao lại ko ai nghĩ hay nhìn ra nhỉ? Chị nói đúng, điều đơn giản là điều lay động nhất. Thực sự, em cũng ko biết nói gì nhiều hơn nữa…Em cảm ơn chị, chị làm em thấy cuộc sống có ý nghĩa.

T.Lâm
T.Lâm
14 years ago

Chào Kin.
Đọc những bài viết như thế này của Kin, để chị nhận thấy ý nghĩa của những người đi thật nhiều và chịu nhìn trải nghiệm cuộc sống. Có đi nhiều như Kin để nhận ra một điều thật giản đơn của cuộc sống là: Làm tự thiện (hay chỉ là giúp đỡ) đôi khi không phải chỉ là VẬT CHẤT.
Chị có cậu con trai nhỏ. Chắc chắn nó sẽ là thằng bé được đi rất nhiều, và nó sẽ phải biết quan sát cuộc sống. Chị ở rất xa và chắc cũng khó khăn để giúp cho làng phong Hòa Vân. Nhưng mà gần chị thì chắc chắn có nhiều số phận tương tự, em làm chị bừng tỉnh. Chị cảm ơn Kin, rất nhiều!

Nguyễn Thị Bình An
14 years ago

Cảm ơn chị rất nhiều về bài viết đầy ý nghĩa, thực tế, chân thành và gây xúc động mạnh. Em đang làm việc ở TP HCM nên không thể đến ngôi làng ấy, nhưng nhân tiện em muốn hỏi chị không biết chị đã đến bệnh viện da liễu Quy Hòa, ranh giới TP Quy Nhơn và tỉnh Phú Yên chưa? Nơi đó cũng có làng phong, kế bên biển xanh trong, khi em đến thì không thấy có những nỗi đau như đã nghĩ, mà chỉ có rất nhiều nụ cười. Nhìn họ mà em cảm thấy lạc quan hơn, điều lẽ ra mình phải mang lại cho họ!

Lan Anh Nguyễn
14 years ago

em thật sự rất cảm động khi đọc về bài viết này của chị. rất cảm động. em sẽ không quên việc mình muốn đến nơi đây đâu. Hiện tại điều kiện của em chưa cho phép, nhưng, chắc chắn một ngày không xa, em sẽ nhờ chị hướng dẫn em vài việc để đi đến làng Vân. Em hứa với chính mình .
Em cám ơn chị rất nhiều
thật lòng bây giờ em rất xúc động
Cám ơn chị

em Hạnh
14 years ago

hic, đọc hết bài của chị, đọc lại, xem lại hình…Lúc nhỏ em hay đi qua khúc này cũng được ba mẹ chỉ là làng Vân nhưng mà chưa đi xuống đó bao giờ. Bài viết xúc động quá chị ơi. thank you chị đã chia sẻ!

Nga Phạm
Nga Phạm
14 years ago

Trước đây, tớ cùng một đội tình nguyện trẻ bên thiên chúa giáo cũng đã từng đi thăm 1 làng giống như ngôi làng Kin vừa kể, đó được gọi là trại phong Bến Sắn, ở Bình Dương, khác với làng Hòa Vân, các bệnh nhân ở Bến Sắn thì có khu điều trị riêng biệt, có người chăm sóc …, đó giống như một xã hội thu nhỏ. Mọi người ở đó đều rất dễ mến vì thực ra đó là 1 trại phong lớn nên cũng nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội; ở đó có nhà trẻ, có các hộ gia đình, có các cụ già và các em nhỏ, chuyến đi đó làm tớ rất xúc động và nhớ mãi, nó thực sự đã giúp tớ thay đổi cách nhìn đối với những người mắc bệnh này, entry này của làm tớ nhớ tới mọi người ở đó.Tớ thì ở xa, mà cũng muốn góp gì đó nhưng không biết làm cách nào, nhờ Kin nói hộ mọi người là nếu có ai đi thăm ngôi làng đó thì cho tớ gửi ké,Kin cứ để số điện thoại hay email của bạn đó trên face để bọn tớ tự động liên hệ nhé. Hì ^^, của ít lòng nhiều …Cảm ơn Kin!

Kid
Kid
14 years ago

KID có mặt ạ ^^ ngày 1/5 này mình sẽ đến làng Vân, mang theo cả album ảnh làng Vân nho nhỏ của chị Kin tặng mọi người ở đấy, bạn Nga muốn gửi gì thì cứ alo cho mình nhé: 0905 151 286. đã chuẩn bị sẵn 2 balo to thiệt to để mang ảnh và quà đi rồi ^^

Thu Trang
Thu Trang
14 years ago

Buồn!
Nhưng việc chị Kin và mọi người đang làm đã và sẽ mang niềm vui rất lớn đến với những con người ở làng phong đó.
Em đặc biệt thấy thương cái chú chị kể ở cuối bài.

Thùy Trang
Thùy Trang
14 years ago

Chị cho em gửi ké một lời chào đến mọi người ở lang Hoà Vân nhé 🙂

vik
vik
14 years ago

chị ơi nếu em muốn gửi tặng bộ sưu tập báo HHT và báo 2! được ko ạ….

vik
vik
14 years ago

sdt của em là 01238283929 em tên Hòa có gì chị nt lại cho em nhé,

vik
vik
14 years ago

hix em quên chị đang ko ở VN , nick của em là coctia_nofear có gì chị pm em cũng được ạ

vân anh
vân anh
14 years ago

chị ơi, c chăm post những bài thế này nữa nhé, đọc rồi em nhận ra dc nhiều điều lắm chị ơi!

vân anh
vân anh
14 years ago

em hy vọng 1 ngày nào đó, em cũng có cơ hội đi đến nhiều nơi, cảm nhận dc nhiều hơn về cuộc sống như chị.

Hoài Anh
Hoài Anh
14 years ago

Entry xúc động quá! Cám ơn Hàkin.
Chị ở rất xa, không giúp được gì, nhưng nếu có một ngày quay lại Đà Nẵng, nhất định sẽ đến đây thăm họ.

hoangngoc
hoangngoc
14 years ago

thật sự rất xúc động khi đọc entry này của chị, và em cũng xấu hổ nữa, vì là người ĐN mà chưa một lần tới đó
bây h em đang ở SG, rất muốn đến thăm làng Vân và đóng góp với chị, nhưng ko biết làm sao…
năm sau về nghỉ, nhất định em sẽ đến thăm, nói chuyện, tặng quà, chụp ảnh và gửi tặng cho họ những bức ảnh đó, cám ơn chị rất nhiều 🙂

iir
iir
14 years ago

chuc mung khoa luat quoc te hoc vien ngoai giao

Ngọc Anh
Ngọc Anh
14 years ago

Em đã khóc khi đọc entry này của chị.

^ ^
^ ^
14 years ago

Cảm ơn chị!

NgocLoan
NgocLoan
14 years ago

Em ko con gi de noi, moi nguoi da noi het roi ! em thuc su cam on chi vi nhung gi chi da lam. Hy vong mot ngay gan nhat em se den Lang Hoa Van de tham nhung nguoi o do.

Cường Beo
14 years ago

Chào Hà!

CB đọc bài viết “ Làng Cùi Hòa Vân Đà Nẵng” của Hà. Thật là hổ thẹn khi CB là dân Đà Nẵng mà không biết gì về LC . Vì vậy CB quyết định chọn LC là điểm đến tiếp theo của nhóm Thiện Nguyện. Hà đã đến LC vậy CB nhờ Hà tư vấn cho Nhóm cách đi nhé(nhóm chủ yếu là chị em ) và LC cần gì ( thuốc men, lương thực…?). Kế hoạch này sẽ thực hiện trong tháng 8 này. Khi nhận lời nhằn này mong Hà hồi âm sớm nhất.

Hotline: 0974801513
Cường Beo

thai bui
thai bui
13 years ago

chao kin
that su la minh da khoc khi ban viet ve que huong cua minh nhu vay
bay gio tim 1 nguoi de hieu ve lang van nhu ban thi kho day.minh sinh ra va lon len o day ma
vi truoc gio minh chi nhan dc su ghe lanh va hat hui cua moi nguoi ben ngoai ma thui.cam on kin vi tat ca
khi nao ban muon den lang van thi lien lac minh wa mail hoac sdt 0905430780

hang
hang
Reply to  thai bui
12 years ago

hihi. that su minh khong biet la co su ghe lanh o day vi he vua roi minh co toi trai phong o Quynh Lap mot tuan nhung minh khong co mot ti nao la ghe lanh het ca ma cam phuc nhung con nguoi o do nua. minh cam thay rat hanh phuc vi duoc toi tham ho, duoc tro chuyen voi ho. nhung dua tre o do cung rat ngoan ngoan, vui ve nhung cung khong kem phan nghich ngom,… gan nhu nhung dua tre o que ban do.
vi vay ban hay tu tin len nhe!

hang
hang
12 years ago

hihi. em cam on anh nhe. em dang co chuong trinh di tham ngoi lang nay sau dip tet nguyen dan ni, hihi
bon em (sinh vien cong giao tai Hue) cung dang co dang co chuong trinh thang 3 nam 2012 toi tham ngoi lang do ni, dang len ke hoach nhung chung em dang ngai vi duong di kho qua, chung em phai quan li rat nhieu nguoi vi neu di thi chung em di khoang tren duoi 200 nguoi. moi nguoi dang ban bac nhung khi doc nhung dong tam su cua anh, no lai thuc duc em hon, cho em them quyet tam hon de bao ve ke hoach nay.

kckhoa
kckhoa
Reply to  hang
12 years ago

Hằng ơi bạn có thể để lại email hoặc số điện thoại được ko? Ra Tết mình cũng có ý định đi 😀