#222: Bài cuối cùng về Bóng – Tớ nghĩ gì về cuốn Bóng?

http://themave.com/bijou/60/galry/gal-chamberlain.jpg

BÓNG VÀ NHỮNG BÀI LIÊN QUAN– CLICK

Ai đọc từ feed của Facebook thì click vào View Original Post để đọc tiếp.

Ảnh:  Sau nhiều năm sống trong tin đồn, cuối cùng Richard Chamberlain diễn viên Mỹ nổi tiếng (Cha Ranph trong “Tiếng chim hót trong bụi mận gai”) quyết định công khai: “Tôi đồng tính, thì sao?!”

Khi tớ đang chuẩn bị cho những ngày đầu tiên ra mắt cuốn “Chuyện tình New York” của mình. Duy, giám đốc nhà sách Domino (là nhà sách của CTNY) có nói nhỏ với tớ: “Bọn tớ đang lên kế hoạch xuất bản một cuốn tự truyện của một người đồng tính, chắc sẽ gây sốc lắm”. Tớ cũng không dám hỏi thẳng, nhưng tớ nghĩ, đó chỉ là một đề tài khai thác để ăn khách giật gân mà thôi. Nhưng tớ cũng tò mò, và tớ cũng bày tỏ muốn xem. Nhưng kể từ đó cho tới một năm sau, cuốn sách mới hoàn thành và khi tớ được cầm trên tay cuốn sách, cũng phải một thời gian tớ mới bắt đầu đọc nó! Chỉ khoảng thời gian đó cho thấy sự kỳ công góp nhặt để chuẩn bị cho sự ra đời của một cuốn sách.

Thời gian khi còn phân vân với cái tên gọi của cuốn sách. Duy gọi điện hỏi tớ: Lấy tên là gì bây giờ? Có 2 tên: “Bóng” và “Tình trai”. Tớ hỏi lại: “Thế không còn cái tên nào khác à?” “Bóng” à? Quá nhàm, không có điềm nhấn, không bắt lắm. “Tình trai” à, nghe rẻ tiền quá, giống hệt mấy cuốn sách lậu bán rong ngoài đường hoặc giống mấy bài phóng sự lá cải. Mặc dù nếu nói về độ kêu thì thấy có chữ “Tình” vào thì sẽ ăn khách hơn hẳn. Nhưng nếu chỉ có 2 lựa chọn thì thà chọn “Bóng” còn hơn.


Và có lẽ sau nhiều tham khảo, cái tên “Bóng” đã được đặt cho cuốn sách, kèm theo dòng chữ nhỏ ở bên dưới: “Tự truyện của một người đồng tính”. Để mọi người hiểu đây không phải là quả bóng đá, và cũng để chút gì đó kích thích tò mò hơn!

Và tớ vẫn nghĩ rằng đó là một cuốn sách chạy theo trào lưu đề tài đồng tính đang ăn khách, mục đích là bán được sách. Mặc dù tớ khá hiểu người đồng tính, trải qua rất nhiều kỉ niệm với họ, và tớ cũng đã từng có những suy nghĩ như kha khá một số nhà báo khi chẳng chịu đọc sách đã viết và nghĩ ra những bài phỏng vấn đầy tính áp đặt và rủa xả. Chỉ khi tớ đọc, tớ đã nghĩ khác, và tớ mới nhớ lại ngày đầu tiên khi tớ đi gặp Duy khi Duy muốn in cuốn sách của tớ, và cũng vì thế tớ đã chọn một nhà sách mà tên tuổi chưa biết tới và khả năng phát hành cực kỳ hạn chế: “Tớ làm sách là vì tớ yêu sách, và vì tớ muốn những điều thật khác về sách, vì tớ muốn đem vào đó những suy nghĩ, lẽ sống ưa thích của cuộc sống, chứ không vì kinh doanh, nếu vì kinh doanh tớ không thể nào sống nổi ở đất này!”. Và đó là vì sao tớ tìm đến với nhà sách của Duy.

Cũng như cuốn Bóng này, tớ đã nghĩ khác, đã nghĩ rất rất khác. Tớ đã nghĩ khác về khái niệm “làm khách ăn theo”, “làm sách kinh doanh” và hiểu thêm vô vàn, vô vàn điều mới về thế giới của người đồng tính, của những người mà trong đó có một vài người mà tớ vô cùng yêu quý!

Bóng được tặng cho tớ hơn nửa tháng tớ mới bắt đầu đọc. Và chỉ đọc nó trong 2 đêm thôi. Tớ đọc trong lúc một người tớ yêu thương đang ở rất xa, tự nhiên khi đọc về những mối tình cực kỳ dữ dội, những cảm giác yêu thương hờn giận, cho dù là của đôi đồng tính trong cuốn sách, tớ vẫn cảm nhận được như mình cũng đang nhớ một người yêu của mình, cảm nhận được nó như là một tình yêu đôi lứa giữa 2 người nam nữ thật bình thường.

Cuốn sách có “đại diện” cho cái gì không? Nhân vật chính ở đây có phải là nói hết những gì mà dân bóng muốn nói và anh ấy có đại diện cho họ không? Tớ xin khẳng định rằng, chẳng có ai đại diện cho ai hết, và chẳng có gì là tuyệt đối, thế giới này hàng tỉ con người, chẳng ai giống nhau, cho dù có là người bình thường hay đồng tính họ cũng không thể giống nhau, họ chỉ có những điểm tương đồng tương đối, và ta đủ hiểu rằng, chẳng có cái gì là đại diện, và tất cả những gì anh Dũng thể hiện, nó chưa phải là cả thế giới của dân “bóng”. Bởi chính bản thân tớ cũng quen khá nhiều người là bóng, thậm chí thân thiết, đủ để hiểu rằng đừng áp đặt một sự “đại diện” nào cả!

Có nhiều người phản hồi lại, như cả bạn Robbie, dành hẳn một entry nói về sự không hài lòng của bạn về cuốn Bóng, “không phải ai cũng như thế”.

Đúng thế! Bởi vì cuốn sách đang nói về một người, và từ đấy ta liên tưởng tới những người xung quanh, tới những người ta đã biết và đã gặp, chứ không phải người này thế này thì tất cả những người kia sẽ thế kia, và tất cả cũng chỉ ở mức tương đối!

Những câu nói trong truyện như “dân bóng là thế đấy”, “chúng tôi hay gọi nhau là thế đấy”…thực ra chỉ là những câu nói rất quen thuộc kiểu ví dụ các văn nghệ sĩ nói với nhau: “văn nghệ sĩ bọn tôi là thế mà”, không có nghĩa rằng ta hiểu rằng cả thế giới ấy họ như thế!

Điều đó để dẫn cho một sự diễn giải rằng, cuốn sách này phần nhiều như là sự thỏa mãn rất nhiều thắc mắc và hiểu nhầm về một thế giới mà chắc chắn rằng chưa được tất cả chúng ta đón nhận. Nếu tinh ý cũng nhận ra rằng, những gì được kể trong đó phần rất nhiều nhằm mục đích để giải thích cho những người “bình thường” như chúng ta hiểu và toàn bộ câu chuyện là để giải đáp thắc mắc của chúng ta về họ.

Ta vẫn thấy những người đồng tính yêu thật cuồng nhiệt, ghen tuông cũng thật khủng khiếp, ta vẫn thắc mắc tại sao họ lại đến thế? Và chính nhờ một người “trong cuộc” như anh Dũng ta sẽ hiểu ra được phần nào vì sao họ như thế, và hiển nhiên, khi hiểu ra thì suy  nghĩ cũng sẽ khác, đó là sự thông cảm!

Có những chi tiết đọc đến choáng váng, như nhân vật Dũng si tình tới mức, cả năm trời, cứ sáng sớm, đội nắng đội mưa, run rẩy đứng trên cầu để rình ngắm người mình si mê chỉ vụt qua trong thoáng chốc. Hay cảnh anh ấy yêu cuồng nhiệt, níu giữ, nhốt và truy đuổi những người đàn ông mình yêu, thật sự ta được nghe nhiều những người đồng tính họ “điên rồ” đến thế, nhưng khi ta lắng nghe chính một người kể cho chúng ta biết vì sao họ như thế, chắc chắn ta sẽ được thỏa mãn sự thắc mắc phần nào, và hiểu ra được thêm nhiều điều, sẽ thông cảm hơn thay vì chỉ ghê sợ!

Đúng vậy, đọc cuốn sách có rất nhiều sự giải thích, cần giải thích vì từ trước tới giờ, về cái thế giới thứ ba này, còn quá ít hiểu biết về họ, và chúng ta khó lòng có thể hiểu được họ, khi chúng ta chỉ là những người “bình thường”. Thậm chí, không phủ nhận, có không phải ít những người đồng tính không hiểu hết về bản thân mình.

Cuốn sách phần lớn là để thỏa mãn sự tò mò, không phủ nhận, về tâm sinh lý của thế giới thứ ba, về cách sống của họ, nhưng có là gì sai khi sự thỏa mãn này là nhằm để hiểu ra những điều hiểu lầm, và để mọi người cảm thông, nhìn bằng những con mắt tích cực hơn?

Cuốn sách được viết lại, là qua tay và con mắt của những người “bình thường”, ngay cả những gì đọc được, tinh ý sẽ nhận ra ngay rằng là những sự thắc mắc của người bình thường dành cho nhân vật chính và những gì được kể lại chính là những câu trả lời của anh Dũng. Và tất nhiên, cách sắp xếp ý tứ, câu cú, sự diễn giải, cũng là của người “bình thường”, để ta đọc cảm nhận nó theo hướng “bình thường” mà một người “bình thường” sẽ đón nhận, và cũng không thể khác được, vì người viết không phải là “bóng”. Có thể nói, cuốn sách là sự pha trộn quan điểm và suy nghĩ của người đống tính, và một người “bình thường”.

Vậy nên, hiển nhiên nó không tránh khỏi những lỗi này lỗi nọ, những cái nhìn “không phải của người đồng tính”….nó sẽ gặp phải sự phản đối ít nhiều của người đồng tính khác, và chẳng phải cái gì người đồng tính cũng muốn nói ra. Nhưng với tớ, những điều này không đem lại những hiểu lầm nào cả!

Còn lại, cái sự được, không được, hay, không hay, là ở cảm nhận của mỗi người!

Mục đích của cuốn sách, không phải là để “đại diện” cho gì hết, cũng không phải là viết ra là chỉ dành riêng cho một đối tượng nào cụ thể, có lẽ mục đích rõ hơn là một cuộc trao đổi với những người bình thường, những con người còn đang chưa hiểu gì về thế giới “khác lạ” này, bởi đã là “bóng”, thì họ cần gì lời giải thích nữa!

Tớ quen khá nhiều người đồng tính, trong đó có 2 người cực kỳ thân thiết, họ cũng không giống “y” như anh Dũng, họ rất yêu mến phụ nữ, rất tình cảm, suy nghĩ cũng từ tồn, điềm đạm, kể cả trong tình yêu, và cùng nhiều người khác, tớ nhận ra mỗi người một vẻ. Tất nhiên họ có những điểm chung tương đồng, đặc biệt là cái tính “đanh đá”, nhưng mà tớ đủ để hiểu rằng họ chẳng giống nhau tới mức có một mức số chung. Những gì anh Dũng đã kể, là một sự giãi bày nỗi lòng, là những lời giải thích về những điểm tương đồng của họ, để chúng ta hiểu hơn, và hiểu đúng hơn về thế giới của những người như anh ấy.

Há chăng đó không phải là một điều tốt? Thay vì mọi người chỉ nghĩ rằng đó là một cuốn sách giật gân câu khách rẻ tiền? Nếu bạn đọc xong mà bạn vẫn nghĩ vậy, có lẽ bạn là người không có sự suy nghĩ sâu sắc và không có lòng cảm thông!

Bởi nhờ những gì tớ đọc được, mà tớ, cho dù đã khá là hiểu, khá là bình thường, thậm chí là yêu quý những người đồng tính, còn hiểu hơn nữa, và ồ lên vì những điều mà mình vẫn nghĩ rằng mình biết. Đọc xong, những gì đọng lại là những sự tích cực, và tớ chẳng ngửi thấy cái mùi rẻ tiền câu khách nó nằm ở chỗ nào cả!

Tớ chỉ biết, một người bình thường như tớ, đọc xong, hiểu ra nhiều, thông cảm nhiều hơn!

Còn việc tớ nghĩ gì về người đồng tính, đã quá rõ ràng. Tớ đọc nhiều tài liệu, tiếp xúc nhiều đủ để hiểu rằng, đó chỉ là sự cố của tạo hóa, bạn không quyết định được, cũng không thể nào thay đổi được, và cũng không thể làm gì được, khi bạn sinh ra không giống ai, nó hiển nhiên như việc bạn không thể quyết được giới tính của mình. Bạn là con trai, nhưng bạn sẽ thấy vô lý khi cả thế giới kỳ thị bạn, chỉ vì họ muốn bạn làm con gái!

Một trong những phân đoạn gây ấn tượng nhất trong Bóng, đó là khi miêu tả lại những cảnh “giữ trai” của nhân vật chính, nó giải thích rất nhiều cho việc vì sao có lúc ta bắt gặp những người đồng tính cuồng nhiệt trong tình yêu tới mức đáng sợ như thế. Tớ có được chứng kiến rồi, lúc đó thật ghê sợ, nhưng giờ mọi việc đã khác!

Và câu nói ấn tượng nhất của cả cuốn, tự nhiên đọc tới đó thấy lòng mình trùng lại, đại loại là, nhân vật chính chạy theo, cung phụng hết đời giai này tới giai khác, bị lừa lọc, phản bội, đau khổ, nhưng cuối cùng chợt nhận ra, người đàn bà mình yêu thương và mắc nợ nhiều nhất, chính là mẹ mình! Tớ không nhớ được chính xác đoạn văn đó!

Người đồng tính dù thế nào sẽ vẫn bị kỳ thị, kỳ thị không phân biệt là một nhà lãnh đạo có chức quyền, hay là một người dân bình thường. Sự kỳ thị thể hiện trong những chính sách và sự áp đặt dành cho họ, nhưng mà nếu họ không giải thích, không nói, không cho nhiều người hiểu hơn, thì có lẽ họ cũng sẽ mãi bị kỳ thị mà thôi.

Hơn bao giờ hết, cuốn Bóng là một sự ra đời tích cực, và đúng đắn! Tớ không biết Duy bán được nhiều sách không? Nhưng chắc chắn cuốn này là một trong những sự thỏa mãn của Duy, như đã nói ở mở đầu: “tớ làm sách vì tớ yêu sách, và vì tớ muốn được gửi gắm nhiều điều qua sách”!

*Note: Người “bình thường” ở đây, được hiểu là người có tâm sinh lý yêu đương theo đúng hướng “tự nhiên”, tiếng Anh gọi là “straight”, chứ không có nghĩa rằng bình thường ở việc hành xử và thể hiện!

Bonus thêm “hậu trường cuốn Bóng” từ blog của tác giả Đoan Trang

“Từ sau khi cuốn “Bóng” ra đời, nhân vật chính của tự truyện – anh Nguyễn Văn Dũng, chúng tôi hay gọi là “dì Dũng” – bỗng trở thành một người “in the news”. Anh thường xuyên được báo chí tìm đến phỏng vấn.

Một đôi lần anh gọi Trang the Ridiculous đi cùng theo kiểu “chị em gái với nhau”, hộ tống cho anh đỡ run. Thực tâm tôi biết anh có phần sợ các nhà báo, anh vẫn bảo giới ấy giống như con dao hai lưỡi. Cực chẳng đã, dằn sự cắn rứt khi bài vở còn một lô chưa viết, tôi đi cùng “dì Dũng” vài buổi, làm ông bầu bất đắc dĩ. Phóng viên hỏi, dì trả lời. Tôi ngồi cạnh, im lìm (trừ lần đóng vai trò phiên dịch trong cuộc gặp với chú Tây làm cho AFP).

Khi những buổi phỏng vấn kết thúc, thường anh Dũng nói phóng viên về trước, còn tôi ngồi lại với anh thêm một lúc. Ánh mắt anh có một vẻ gì đó, mà tôi hiểu anh có điều muốn nói nhưng không dám nói ra…

Sau khi phóng viên đã ra về, câu đầu tiên Dũng hỏi tôi bao giờ cũng là: “Anh trả lời như thế có được không?“. Chỉ khi nào tôi khẳng định: “Được ạ, anh yên tâm“, Dũng mới bắt đầu nói sang những chuyện khác, như khen phóng viên đẹp trai, có duyên chẳng hạn. Anh không cho tôi biết điều gì anh muốn nói mà không dám nói kia. Nhưng sau vài buổi, tôi đã lờ mờ đoán ra điều đó, khi nhớ lại và tổng kết các câu hỏi thường gặp.

Phóng viên VN:

  • Vì sao anh lại viết tự truyện?
  • Trong tự truyện của anh, có những chi tiết như thế này… thế này… Bao nhiêu phần trăm là sự thật?
  • Căn cứ vào tự truyện thì thấy người đồng tính chỉ toàn yêu đương, đánh ghen?
  • Anh không hài lòng với tác giả cuốn sách?
  • Anh có được đọc bản thảo lần cuối trước khi sách xuất bản không?
  • Bạn bè anh phản ứng như thế nào về cuốn sách?
  • Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng cuốn sách viết về một đề tài câu khách mà thật sự rất ít thông điệp xã hội?
  • Anh có nghĩ cuốn sách hơi sến/ đen tối/ nặng nề?

Phóng viên “Tây” ở ta và phóng viên ta ở nước ngoài (tức là Việt kiều):

  • Anh muốn nói điều gì qua cuốn tự truyện?
  • Giới đồng tính ở phương Tây đã phải trải qua một thời gian dài đấu tranh, để dần có được sự bình đẳng như một công dân bình thường. Chuyện đó xảy ra từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Anh có nghĩ giới đồng tính VN rồi cũng sẽ đi đến giai đoạn đó?
  • Anh có thể nói cụ thể hơn về sự phân biệt (nếu có) mà xã hội nhằm vào người đồng tính ở VN?
  • Anh nghĩ thế nào về các chính sách của chính phủ đối với một cộng đồng thiểu số – là người đồng tính?
  • Người đồng tính ở Việt Nam bị phân biệt đối xử nặng nhất là như thế nào?
  • Bây giờ anh mong muốn điều gì?

Người được hỏi và người nghe có thể nhận thấy sự khác nhau giữa các bộ câu hỏi được đặt ra cho Dũng. Phóng viên nước ngoài có xu hướng quan tâm tới các vấn đề vĩ mô, ví dụ thái độ của xã hội, chính sách của Nhà nước đối với người đồng tính. Còn phóng viên VN thiên về các khía cạnh cá nhân của cuộc đời Nguyễn Văn Dũng. Về “lập trường” mà nói thì các câu hỏi của cánh ta xem ra luôn có hàm ý moi móc đời tư và công kích cá nhân Dũng – người đồng tính đầu tiên ở VN ra tự truyện. Nếu khai thác được sự bất hòa, mâu thuẫn nào đó giữa tác giả và nhân vật chính của cuốn tự truyện thì rồ ôi tuyệt vời!
Nhưng… không trách các nhà báo được!
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà báo VN có phản xạ moi móc và công kích Dũng. Những câu hỏi mang chất tấn công ấy còn có mục đích gì ngoài thu thập thông tin thỏa mãn nhu cầu của độc giả.

Tôi nhớ có một đại nhà báo, chị L., dạy rằng chức năng của báo chí là định hướng xã hội. Thưa, em thì em nghĩ khác, em cho rằng báo chí chỉ phản ánh xã hội mà nó phục vụ, chứ định hướng cái — gì. Xin lỗi, chúng em chỉ là phóng viên!

Chúng em hỏi những câu ấy vì chúng em biết chắc rằng dân ta “khát” những thông tin ấy. Chúng em biết dân ta ghét người đồng tính – cái lũ đàn ông không ra đàn ông, đàn bà không ra đàn bà, chiếm thiểu số trong xã hội, đã thế lại còn cả gan ra tự truyện – láo thế chứ lậy! Chúng em biết dân ta “háo” những chuyện hậu trường như là tranh cãi giữa tác giả và nhân vật chính. Và tuy chửi truyện đầy tình và sex, đề tài câu khách rẻ tiền thật đấy nhưng cuối cùng vẫn tìm đọc. Vừa đọc vừa chửi (mượn sách đọc thôi, cho nó kinh tế, chứ chẳng mua đâu ạ. Độ 10 người chung nhau 1 quyển photo, ví dụ thế).

Có lẽ vì xã hội như vậy nên việc một người đồng tính ra tự truyện mới thành hiện tượng, đề tài đồng tính mới được xem là “hot”. Chứ ở Anh hay Mỹ chẳng hạn, một anh gay ra tự truyện chắc chẳng ai quan tâm, nói đồng tính là đề tài câu khách chắc bị các publisher và editor cười cho thối mũi. Vì sự kiện ấy khác nào các bác cựu chiến binh ở ta viết hồi ký “Đời hoạt động của tôi”, “Trung kiên và bất khuất”… (Ôi thôi, lại nói nhảm rồi. Sợ rồi. Chả dám nói nữa).

Dì Dũng vốn thích nhạc vàng.

Có một câu hát trong bài “16 trăng tròn” mà Tuấn Vũ biểu diễn, như thế này: “Cuối nẻo phong mờ, nhủ riêng ai đó, tha thiết đợi chờ ngày đêm, tôi sẽ về dệt mơ ước.

Em ơi, khi non nước đang còn mịt mờ bên phương nớ, chuyện đó đừng mơ”.

Anh Dũng thích Tuấn Vũ lắm, chắc anh biết bài hát ấy.

Đôi khi nghe anh nói chuyện “quyền bình đẳng của người đồng tính như một công dân bình thường”, tôi cũng muốn cười hì hì mà nói với anh rằng: Anh ơi, khi đất nước đang còn mịt mờ, đầy định kiến, chuyện đó đừng mơ.”

(Visited 7 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

3 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Sam
Sam
14 years ago

Chi? muo^’n ca?m o*n Ha Kin vi` nho*` xem blog cua ba.n ma` do.c duoc truyen Bo’ng.

huyen
huyen
14 years ago

Doan to bi an tuong nhat la khi doc toi doan n/v Cach’ Cach’ khao khat co mot nguoi dan ong de yeu thuong. Nhan vat chinh (Dung) sau day noi rang, trong suot qua trinh tu van cho cac ba cac chi, anh thay hau nhu mau thuan trong gia dinh xay ra vi nguoi phu nu danh hanh va ghe gom. Cac ba ay ko biet minh da may man nhu the nao khi co duoc mot nguoi dan ong yeu minh va de yeu thuong…

Chris
Chris
14 years ago

“Cuốn sách được viết lại, là qua tay và con mắt của những người “bình thường”, ngay cả những gì đọc được, tinh ý sẽ nhận ra ngay rằng là những sự thắc mắc của người bình thường dành cho nhân vật chính và những gì được kể lại chính là những câu trả lời của anh Dũng. Và tất nhiên, cách sắp xếp ý tứ, câu cú, sự diễn giải, cũng là của người “bình thường”, để ta đọc cảm nhận nó theo hướng “bình thường” mà một người “bình thường” sẽ đón nhận, và cũng không thể khác được, vì người viết không phải là “bóng”. Có thể nói, cuốn sách là sự pha trộn quan điểm và suy nghĩ của người đống tính, và một người “bình thường”.

C hoàn toàn đồng ý đoạn này. C không tự nói ra được, coi như trích lại của HK để làm comment diễn giải ý của C. Cảm ơn HK.