#138: Bóng – Phần 8

NHỮNG PHẦN TRƯỚC – CLICK

internal_strive2, photo, hinh anh, upload, download

7.

Tình xa

Là gay, không có nghĩa là cuộc đời dừng lại trước mắt tôi. Dòng đời chỉ trở nên chậm lại mà thôi. Chậm một cách tương đối, do những suy ngẫm không thôi về kiếp sống, do sự tự ý thức đau đớn về khác biệt của bản thân mình… Thế nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn. Và khi ở độ tuổi hai mươi, lúc vừa phát hiện ra sự thật về giới tính, tôi luôn vật vã với câu hỏi về một ngày nào đó, khi mình sẽ phải lấy vợ sinh con. Tôi sẽ làm gì nếu cái ngày đó thật sự đến? Cái ngày mà mọi người bao gồm bố mẹ, anh chị, bạn bè, họ hàng… trông chờ và yêu cầu tôi lấy vợ.

Đã rất nhiều người hỏi tôi: Người đồng tính có lấy vợ sinh con được không? Nếu được thì liệu họ có thật là đồng tính không? Hoặc có phải họ đồng tính thật nhưng đã “khỏi”?

Câu trả lời: Người đồng tính vẫn lấy vợ sinh con được, vì họ vẫn có thể tự ép mình quan hệ bình thường với phụ nữ. Đa phần bề ngoài họ là những người đàn ông khỏe mạnh, thậm chí râu quai nón kín mặt, cơ bắp nổi cuồn cuộn. Họ không có gì khác thường, ngoài xu hướng luyến ái bẩm sinh với đàn ông. Nếu họ lập gia đình, khuynh hướng tính dục đó vẫn không thay đổi, nói cách khác, họ không “khỏi” được.

Nhiều người nghĩ, bóng kín hẳn sẽ sướng hơn bóng lộ. Bóng lộ sinh ra như để hứng chịu toàn bộ sự kỳ thị, xa lánh mà người đời dành cho giới đồng tính, trong khi bóng kín được trời tạo một vỏ bọc riêng cho mình. Điều ấy không hẳn đúng. Bởi, người bóng kín luôn có nỗi khổ tâm và dằn vặt riêng khi phải sống một cuộc đời không thuộc về mình và phải che giấu khuynh hướng tình cảm. Đỉnh điểm của những dằn vặt ấy là vấn đề vợ con, cũng như những câu chuyện tình với phái nữ.

Tôi là một bóng kín. Và tôi lại không sinh sống trên sao Hỏa cũng như trên bất cứ mảnh đất nào chỉ toàn nam giới. Vì vậy, lưới tình lồng lộng, thưa nhưng khó thoát! Tôi cũng chẳng chạy thoát khỏi cái lưới trời ấy như những người bình thường. Ví thử tôi muốn chạy thì đời cũng chẳng để tôi làm thế. Phụ nữ trên đời cũng chẳng để tôi làm thế. Đàn ông lại càng không.

Những mối tình như thế, tôi gọi là tình xa.

k

Duyên hụt!

Học hết cấp II, tôi bỏ học. Đó là những năm đầu tiên của đổi mới. Mẹ tôi đã xin ra khỏi hợp tác xã mì sợi, trở lại với nghề buôn thịt bò truyền thống của gia đình. Phi thương bất phú, nói cho đúng thì nhà tôi thời gian ấy cũng đỡ nghèo hơn chút đỉnh so với thời bị cấm “thương”. Thi đại học hồi đó cực kỳ khó, thí sinh chỉ được thi một trường mà cũng phải học đến rạc cả người mới có cơ may đỗ. Tôi cũng chẳng mảy may nghĩ tới chuyện một ngày kia đặt chân vào cổng trường đại học. Thanh niên ở nhà buôn bán nhỏ, không học lên cao thì dĩ nhiên đi bộ đội là con đường đúng đắn. Nhưng không hiểu sao tôi rất sợ vào quân ngũ. Tôi sợ phải thức khuya dậy sớm, sinh hoạt theo giờ giấc với những bài tập quân sự, rèn luyện thân thể rất khắc nghiệt; sợ cái cảnh phải ở giữa một đám đàn ông lộc ngộc (có lẽ điểm này giống với tâm lý con gái khi rơi vào hoàn cảnh “hoa lạc giữa rừng gươm”)… Tóm lại là sợ. Bố tôi vốn nghiêm khắc, lại ghét tính thằng con trai yếu đuối, lông bông. Ông mắng tôi té tát không biết bao nhiêu lần. Nhưng mẹ tôi lại thương con. Bà chạy vạy mãi, tôi hoãn được một khóa so với tuổi.

Hoãn nhập ngũ, tôi về nhà chị Lý chơi sáu tháng. Chị là con cùng cha khác mẹ với tôi. Quê nội tôi ở làng Quan Nhân, Thường Tín, Hà Tây. Làng rất đẹp, như một ốc đảo giữa bốn mặt là cánh đồng xanh bát ngát. Chị Lý có một cô hàng xóm ở gần nhà, tên là An, lớn hơn tôi bốn tuổi. Ngày đó, tôi mới mười tám còn An hai mươi hai tuổi. An chẳng đẹp lắm, mắt hơi xếch, gò má cao, người gầy và cứng nên dáng đi dáng đứng cứ đườn đưỡn đườn đưỡn. Hai nhà cách nhau chỉ vài chục mét. Đi qua cánh đồng hoặc qua nhà, tôi hay trêu cô. Rồi từ trêu nhau mà để ý đến nhau, mời nhau về nhà chơi. Bọn trai làng cứ bảo: “Thằng Dũng tìm hiểu con An đấy”. Chúng nhấn mạnh từ “tìm hiểu”, vừa nói vừa nháy nháy mắt. Tôi rất bực nhưng đành chịu nhịn.

Thật lòng, ở cái tuổi mới lớn và đang sung sức đó, cảm xúc của tôi với phụ nữ không phải không có. Tôi cũng rất tò mò và háo hức muốn chinh phục và tìm hiểu họ. Lý do chính: Tôi tò mò và muốn tỏ ra giống người bình thường.

Dần dần tôi cảm thấy mến An. Cách nói chuyện của An rất tự nhiên, chân chất theo kiểu thôn quê. Hai bên trở nên ngày càng thân thiết. Chị tôi cũng thích, khen An: “Ừ, chơi với nó cũng được, nó lớn tuổi hơn cậu nên đứng đắn”.

Chiều nào ăn cơm xong tôi cũng sang bên nhà An chơi (ở quê người ta thường ăn cơm sớm, từ lúc trời chạng vạng). Hai nhà cách nhau chỉ mấy chục mét nhưng phải đi qua một khu vườn có những bụi cây hình thù rất ma quái trong đêm. Lúc về, An phải đưa về vì tôi sợ. Hôm nào An không “hộ tống”, tôi chạy như ma đuổi, tóc tai dựng ngược. Về sau, chị Lý thương tình “đầu tư” cho tôi một cái đèn dầu, tôi mới đỡ run.

Tôi thường ngồi ở nhà An đến mười một giờ đêm mới về. Đầu tiên, hai đứa ngồi ở nhà trên, đến khi mọi người đi ngủ mới chạy xuống bếp. Mùa đông, ngồi ở bếp đun nước thường rất ấm áp. Ngại bố mẹ An nói này nói nọ, hai đứa phải để cửa bếp mở toang. Chúng tôi đã nắm tay rồi tỏ tình với nhau ở trong căn bếp ấy. Mọi chuyện cũng đơn giản. Thú thực, tôi không nghĩ là tỏ tình dễ đến thế. Bây giờ nhớ lại, tôi mới hiểu: Thật ra tôi đâu có yêu An, và cũng chẳng cảm thấy trách nhiệm gì với lời tỏ tình của mình. Như một thằng trẻ con, không hơn không kém.

Thế rồi hai đứa rủ nhau đi cấy. Trai làng trêu, cả hai đều mặc kệ, thậm chí còn thấy khoái chí. Chị Lý rủ tôi đi cấy thì nước mũi tôi cứ chảy ra ồng ộc, vậy mà đi cùng An thì lúc nào tôi cũng vui vẻ hăng hái như con sáo sậu. An chiều tôi lắm, hay mang cho tôi củ sắn củ khoai ăn thêm. Tôi thấy sung sướng, tự nhiên lại được chiều chuộng thế này, thích thật.

Ở quê ngày xưa chẳng có bánh kẹo nhiều. Biết tôi thèm của ngọt, mẹ hay mang bánh kẹo về thăm. Chị Lý kể chuyện tôi với An. Mẹ bảo:

– Nó sợ đi bộ đội như thế này, hay cho nó lấy vợ cũng được.

– Vâng, mẹ cứ để con hỏi nó xem ý tứ thế nào.

Chị đem chuyện hôn nhân với An ra hỏi tôi. Ngày ấy, ở nhà quê, người ta lấy vợ lấy chồng rất sớm, bạn bè cùng trang lứa tôi ở Hà Tây nhiều đứa đã có gia đình. Lấy vợ. Tôi nghe thấy cũng hay hay. Tôi muốn có người chăm sóc cho mình và quan trọng hơn, đó cũng là lúc mà tôi đủ lớn để cảm thấy những đòi hỏi về mặt sinh lý. Đã có những khi tôi cảm thấy rạo rực và tưởng tượng ra cảnh sinh hoạt vợ chồng. Tôi trả lời chị:

– Vâng, gia đình cho em lấy cũng được.

Mẹ tôi về Hà Nội nói chuyện với bố. Bố tôi mừng lắm. Bố sợ tôi ở Hà Nội rồi lại chơi bời lêu lổng, đi bộ đội rồi cũng đào ngũ, “tuột xích”. Bố bảo:

– Thằng Dũng nhà này lấy vợ thì tốt quá, lấy quách đi cho ổn định.

Trong thâm tâm, ông cụ biết tôi có cái gì đó không bình thường. Từ việc hồi nhỏ tôi thích chơi đồ hàng với con gái tới chuyện tôi bỏ học, bỏ nhà cửa đến ở cùng anh bán vé tàu điện Deyanov… đều làm bố mất lòng tin vào ông con trai độc nhất. Bố ghét tính tôi “yếu đuối như đàn bà”, “không có chí tiến thủ”, cả ngày chỉ láng cháng đi chơi hoặc ngồi nhà nghe cải lương. Hồi nhỏ, tôi bị bố đánh suốt. Ông cụ vốn dữ đòn, đánh con cực đau. Càng đau tôi càng xa lánh bố. Tôi lớn, ông cụ không đánh nữa nhưng hai bố con xung khắc, động nói chuyện là hục hặc. Bố tôi về quê bảo chị Lý:

– Em nó lấy vợ thì con cắt cho nó mảnh vườn hoặc mua cho nó mảnh đất. Chúng nó ở đây rồi tự hai vợ chồng nó làm lấy mà nuôi nhau.

Bố chỉ muốn tôi ở luôn quê để xa lũ bạn ở Hà Nội và gần chị Lý cho có chị có em.

Chị Lý bàn về đám cưới thì tôi rất thích nhưng vẫn ngại:

– Chị ơi, em lấy vợ nhà quê thì liệu bạn bè nó có cười không chị?

Chị chặn ngay:

– Vớ vẩn. Cười cái gì mà cười. Đấy là duyên số, nhà quê không là người à? Chị hỏi cậu, nhà quê thì cũng có hai mắt, một mũi, một miệng. Chị cậu cũng nhà quê đây. Nhưng mà… – Chị Lý hạ giọng, nói nhỏ – Chị hỏi thật nhé, cậu có yêu nó thật không?

– Thật. Em yêu nó thật lòng mà chị.

Nhưng tôi chỉ nói miệng vậy thôi. Trong lòng thì ngày đó tôi không quá thích An, chỉ muốn chứng tỏ cho bạn bè xung quanh thấy rằng mình cũng có người để ý đến chứ không phải vô duyên, ế ẩm. Cộng thêm với sự tò mò về sinh lý nên tôi mới muốn lấy An. Chẳng hiểu chị Lý có đoán được ý nghĩ của tôi không mà hỏi như thế.

Mẹ tôi từ Hà Nội về, mang cơi trầu sang nhà An nói chuyện. Tôi ngồi cạnh mẹ và thấy mẹ An tiếp đón mẹ tôi rất lạnh nhạt. Tôi cảm thấy rất hoang mang, ngồi mãi cũng kỳ nên chạy xuống bếp đun nước với An.

Lúc thấy mẹ từ nhà trên đi về, tôi vội chạy theo. Mẹ tôi mặt mũi hằm hằm, vẻ rất bực bội. Mẹ đi qua cầu ao và ầm một cái, ném luôn tất cả mười mấy quả cau xuống ao. Mẹ quát tôi:

– Không có cưới xin gì hết!

Tôi ngớ người. Mẹ đùng đùng bỏ đi. Tôi tò mò không biết chuyện gì xảy ra nên để mẹ về còn mình chạy ngược lại phía nhà An. Tôi không vào nhà mà đứng nấp đằng sau cửa sổ để nghe ngóng. Ở quê ngày xưa, nhà nào cũng có hai cửa sổ phía sau. Cửa sổ nhà An nhìn ra mảnh vườn vắng vẻ nên không ai trông thấy tôi. Tôi nghe An đang bị mẹ mắng:

– Nó là cái thằng trốn bộ đội, là thằng “đồng cô bóng cậu”, chưa đâu vào với đâu mà mày lấy gì nó.

Tiếng An:

– Con lấy gì đâu, nó cứ thích con chứ con hứa hẹn lấy nó bao giờ đâu.

Câu nói của An làm tôi đứng chết sững bên bức vách, kiến đốt vào chân mà tôi không thấy đau. Chỉ thấy sửng sốt, tức giận và chán nản. Tôi giận mẹ con An vô cùng, tại sao lòng người lại có thể tráo trở như vậy. Sao họ nỡ khinh tôi như thế? Đó là cú sốc đầu đời với tôi.

Tôi đứng lặng một lúc rồi chạy về kể với mẹ. Mẹ quát:

– Đi ngay lên Hà Nội! Không bao giờ lấy vợ nhà quê nữa. Nó lại còn cành cao à, ở nhà quê mà còn cành cao à? Nó hơn mày tận bốn tuổi đầu, con gái mà gò má cao vút. Tao cũng chẳng ưng nó đâu. Đi về Hà Nội.

Mẹ bắt tôi lên Hà Nội ngay. Tôi cũng giận nên quyết định ra đi không chào An. Thế mà sáng hôm sau khăn gói rời quê, rất tình cờ lại gặp An ở một con ngõ ngang. An hỏi:

– Dũng đi đâu đấy?

Tôi cười nhạt:

– Đi ra phố huyện chơi.

Tôi cố đi thật nhanh để tránh mặt An.

Hết nửa năm loăng quăng ở nhà chị Lý, cũng tới lúc tôi nhập ngũ. An thi thoảng có lên nhà tôi ở Hà Nội chơi và viết thư cho tôi trên đơn vị. Nhưng từ khi bước chân lên Hà Nội và đặc biệt là từ khi đi bộ đội, tôi đã không còn một chút nhớ nhung gì An nữa, không tơ vương nữa. An viết thư lời lẽ cũng rất cứng, không xưng “em” mà toàn xưng “tôi”, “người ta”. Ở trong quân đội, mọi người mong thư lắm. Cứ buổi chiều thứ bảy ăn xong là anh em lại ra ngồi ngoài sân để ngóng thư, ai nhận được thư của người yêu cũng hân hoan. Đáng ra thư của An phải là một niềm vui với tôi nhưng ngược lại, những lá thư ấy chỉ làm tôi nghĩ trong đầu: “Cái con này nó vô duyên thế nhỉ? May quá, ngày đấy mình mà cưới nó thì cũng chán sớm thôi”.

Thỉnh thoảng, tôi được về thăm gia đình. An vẫn hay lên nhà tôi chơi. Tôi miễn cưỡng ra tiếp, có mấy lần lánh mặt, thậm chí bỏ đi. Bố tôi mắng – câu này về sau tôi vẫn hay mang ra nói với những người tình nam giới của mình:

– Mày bạc bẽo thế con, một ngày cũng là nghĩa.

Nhưng sự thật là tôi đã chẳng còn mặn mà gì với An. Tôi hay trốn việc phải đèo An đi chơi hay ra bến xe để về quê bằng cách giả vờ say rượu. Tôi càng xa thì có vẻ như An lại càng muốn gần. Về sau tôi biết được rằng cô cũng đã trách mẹ vì ngăn cản chúng tôi yêu nhau ngày ấy. Bố mẹ An có vẻ cũng xuôi và bố An hay lên nhà tôi chơi rồi bóng gió về quan hệ giữa hai đứa. Mẹ tôi nguôi ngoai dần chuyện cũ, muốn tôi lấy vợ nên lại động viên:

– Thôi thì không gì bằng làng xóm, làng nước. Con đấy nó cũng chịu thương chịu khó, mày lấy nó cũng được. Lấy con gái Hà Nội đầu tóc phi dê, ăn xong là lại cãi chồng.

Tôi viện cớ:

– Nó lớn hơn con nhiều tuổi thế, ngày xưa con trẻ con nên mới thích nó. Bây giờ trông nó già như thế, nó đẻ một hai lứa thì nó bằng cô con à? Mang về đây thì thành bà cô tổ hả mẹ?

Mẹ tôi chặc lưỡi:

– Thôi mặc kệ mày vậy.

Còn An từ đấy hay bị làng xóm, nhất là đám thanh niên, dè bỉu. Ở quê, chuyện trong nhà hay lan ra ngoài ngõ, rồi cả làng cả xóm đều biết. Thậm chí cả mấy làng xung quanh, bọn con trai bảo nhau: “Không có yêu con này. Con này trèo cao, mơ lấy chồng Hà Nội, cứ để thằng Hà Nội nào về nó lấy. Đừng đứa nào đặt vấn đề tìm hiểu quan hệ với nó”.

An buồn lắm, lại chán cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cô xin vào Nam học trung cấp y khoa. Cô vẫn viết thư cho tôi nhưng tôi chẳng buồn viết lại hoặc chỉ viết đại khái vài dòng. Tình cảm đã chẳng còn nữa nên cũng không biết xưng hô thế nào cho phải lẽ.

Chuyện với An là câu chuyện tình cảm đầu tiên của tôi đối với một người con gái. Tôi chưa bao giờ được gần gũi cô ấy. Có những lần tôi muốn thì An đều cự tuyệt. Khi đã trưởng thành, tôi mới hiểu và cảm thông hơn cho An. Con gái ở nông thôn rất coi trọng chữ trinh. Họ luôn sợ con trai ong bướm xong sẽ chán mà bỏ họ.

Về sau, An có yêu thêm hai người nữa, nhưng cứ đến lúc gần cưới thì cả hai anh đều mất vì cảm mạo và tai nạn. Làng xóm ác miệng đồn rằng An gò má cao, mắt xếch nên sát phu. Cuối cùng, cô lấy một anh xe ôm nát rượu. Giờ cô ở nhà chồng, đâu đó trong khu làng Nhân Chính. Đời An cũng khổ nhiều vì đường chồng con.

Từ ngày An lấy chồng, tôi không gặp cô nữa. Năm 2007, tôi về hội làng, tình cờ An cũng về nhà. Chị Lý chạy sang thăm, rủ An qua chơi với tôi, nhưng cô từ chối. Tôi đoán An ngại chồng, hoặc ngượng vì đã có thời gian yêu tôi – một thằng mà giờ đây cả làng đều biết là gay.

Chị tôi nói có ý trách cứ, không hiểu trách tôi hay An: “Nó không lấy cậu, đâm đầu vào cái thằng xe ôm kia, đâm ra khổ”. Tôi cười, không nói gì. Nhưng thâm tâm tôi nghĩ, sống với anh xe ôm nát rượu ấy, An có khổ mấy thì cũng còn sướng hơn là ở với tôi.

Dư âm chuyện tình cảm với An nhạt nhòa nhưng cũng để lại những kỷ niệm khiến về sau tôi hiểu hơn về thiên hướng giới tính trong bản thân mình.

“Tình không xa nhưng không thật gần”1

Thời gian ở trong quân ngũ là quãng thời gian mà cảm xúc về giới tính của tôi đã rõ ràng hơn nhưng vẫn còn hơi mơ hồ. Tôi chỉ thích đàn ông (mà bóng hình cụ thể là thủ trưởng Ngọc) nhưng phần nào vẫn thấy tò mò và muốn khám phá cơ thể phụ nữ, muốn thử cặp đôi với một cô gái nào đó xem thế nào. Có một cô tôi không thích lắm nhưng cũng rủ đi xem phim, buông lời tán tỉnh bâng quơ. Nhưng có lẽ hồi đó hai người vô duyên với nhau, tôi cứ nói đến chuyện nhớ nhung với cô gái đó là bị trêu: “Hâm à, dở hơi à?”. Có lần rủ cô ta đi xem phim, chợt nhớ lời thằng bạn cùng đơn vị nói “yêu là phải có cử chỉ động chạm”, tôi bèn cầm tay cô một cái, lập tức bị phát nhẹ vào tay. Tôi tức điên lên, vừa tức vừa ngượng, nghĩ thầm trong đầu: “Thôi, chẳng phim phiếc gì nữa. Không yêu con này nữa. Nó làm như nó xinh lắm không bằng, đầu thì to như quả bóng ấy”. Thế là giải tán.

Cách nơi đơn vị tôi đóng quân một quả đồi có vài căn nhà dân, ở đó có một cô gái tên Hoa, to cao, làn da rám nắng. Cô người Tuyên Quang nhưng lên Tam Đảo sống với bà bác. “Chè Thái gái Tuyên”, Hoa mặt xinh, dáng người “đâu ra đấy”, ngực như hai quả đồi căng lên sau lớp áo. Tôi hay đi qua mấy căn nhà bên đó và thỉnh thoảng lại gặp, lại trêu chọc cô rồi nói chuyện. Qua cách ăn nói, cư xử, tôi biết Hoa cũng dễ dãi. Có tiền, tôi thường mua bánh kẹo đem đến đó cho cô. Tam Đảo cách Vĩnh Yên 24 kilômét, ngày đó đường núi khó đi hơn bây giờ nên vài mẩu bánh, cái kẹo cũng rất đáng quý. Lại thêm thiện cảm với tôi – trai Hà Nội – nên Hoa rất cởi mở.

Một buổi tối, thủ trưởng Ngọc đi vắng, tôi mò sang nhà Hoa ở bên kia quả đồi. Đêm đó, bà bác Hoa lại xuống lấy hàng dưới xuôi. Chúng tôi ngồi bên bếp lửa, chẳng mất công tán tỉnh nhiều, tôi hỏi:

– Đêm nay, anh ngủ lại nhà em nhé?

Cũng chẳng mất công suy nghĩ lâu, Hoa gật đầu đồng ý. Đêm đó, tôi sang giường Hoa. Và lần đầu tiên trong đời, tôi biết đến cơ thể phụ nữ. Tôi vẫn nhớ cảm giác của mình lúc đó: hồi hộp, cuống quýt. Cũng đã mường tượng ra cảnh mình sẽ quan hệ với phụ nữ như thế nào nhưng đến khi vào cuộc, tôi vẫn vô cùng khó khăn, vụng về. Cảm xúc không trọn vẹn và mọi chuyện kết thúc rất nhanh. Vẫn có nỗi thèm khát, nhưng càng về sau tôi mới càng nhận ra rằng sự tò mò nhiều hơn so với sự ham muốn, và so với những lần quan hệ sau này với đàn ông thì tôi không thấy thỏa mãn. Lần quan hệ ấy thực chỉ là một cách để tôi sĩ diện đem “chiến công” về khoe với những thằng con trai khác, cũng là cách để tôi che giấu cảm giác thèm muốn nam giới của mình.

Bởi thế, đó là lần “thử”, lần đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi với một người phụ nữ. Năm ấy, tôi hai mươi tuổi.

Hết thời gian nghĩa vụ, tôi ra quân, lại trở về nhà làm nghề buôn bán với gia đình. Mấy năm nữa trôi qua. Bạn bè tôi – những đứa bạn học cũ và cánh cùng đơn vị bộ đội – ai nấy bắt đầu cặp kè, có đôi có lứa. Riêng tôi hăm ba tuổi vẫn chưa gì cả. Một thằng thương tình làm mối cho tôi với bạn của người yêu nó, một cô bé tên Hương, mới mười chín. Ngay lần gặp đầu tiên, tôi đã ấn tượng với Hương: Cô quá xinh. Hương có mái tóc dài óng ả, đôi mắt đen láy, gương mặt đẹp gần giống diễn viên Lê Vân, thần tượng điện ảnh của tôi. Buổi đầu trò chuyện diễn ra sôi nổi, tôi ưng Hương và Hương dường như cũng có cảm tình với tôi ngay. Phải công nhận là hồi còn “trai trẻ”, tôi khá cao to, tính tình lại mơ mộng vì đọc văn đọc thơ nhiều, nên nói chuyện cũng có duyên, ít nhất là với những người con gái tôi từng gặp và có ý định cưa cẩm.

Chúng tôi bập vào nhau quá nhanh, hai đôi rủ nhau đi chơi xa mấy lần. Tôi thật sự thích ngắm nhìn đôi mắt đen của Hương, thích lùa tay vào mái tóc dài mượt của cô. Nhưng… một điều khủng khiếp dần dần diễn ra trong đầu tôi: Càng ngày tôi càng nhận ra rằng tôi không yêu Hương, tình cảm của tôi đối với cô vô cùng nhợt nhạt.

Người ta thường nói, tình yêu chỉ có một nhưng cái tương tự nó thì tới hàng ngàn. Thời gian yêu Hương, không dưới năm lần bảy lượt ý nghĩ về điều đó thoáng qua trong đầu tôi. Tôi băn khoăn, phải chăng tình cảm tôi dành cho Hương cũng chỉ là “cái tương tự” ấy thôi? Điều gì làm nên sự khác biệt giữa tình bạn và tình yêu? Phải là sau này, khi đã nếm đủ mùi yêu thương và đổ vỡ, tôi mới hiểu: Tình yêu là tình bạn cộng với ham muốn sở hữu, mà biểu hiện của ham muốn sở hữu là sự ghen tuông. Nếu không có ghen tuông, nghĩa là tình yêu không tồn tại. Ấy vậy mà hồi đó, tôi chẳng mảy may ghen tuông khi nghe Hương nói về một người con trai nào khác. Hình như việc Hương có rất nhiều vệ tinh bao xung quanh không làm tôi bận tâm, chẳng phải việc của tôi. Tôi thích vuốt tóc cô như vuốt tóc em gái. Tôi cũng nghĩ nhiều đến chuyện gần gũi Hương, nhưng theo kiểu “có thì tốt”. Thế nghĩa là không cũng chẳng sao. Dù vậy, có vẫn hơn không, bởi thâm tâm tôi muốn sở hữu Hương để tự khẳng định mình trước lũ bạn. Như một cách tự khẳng định rằng dứt khoát tôi là một thằng đàn ông.

Nếu là tình yêu đích thực thì khi không có nhau người ta sẽ cảm thấy nhớ nhung đến mức không chịu nổi. Nhưng tôi lại thấy rất bình thường nếu không có Hương ở bên. Có buổi tối thứ bảy, trời chỉ hơi mưa xuân lất phất nhưng tôi cũng ngại, chẳng muốn tới đèo Hương đi chơi, chỉ thích nằm dài ở nhà xem cải lương trên tivi. Thế đấy: Dù đã hẹn nhau đi chơi, nhưng tôi vẫn chọn một vở cải lương thay vì cô ấy. Hồi đó không có điện thoại liên lạc, Hương chờ tôi ở nhà mãi không thấy, cô buồn và giận lắm. Tối hôm sau tôi vác mặt đến, hai người cãi vã. Tôi cố làm lành cho phải phép, rủ Hương đi chơi. Cô tần ngần rồi bảo: “Lạnh lắm, hay thôi ở nhà đi anh?”. Tôi dỗi:

– Thôi, không đi chơi thì để anh về luôn cho rồi.

Hương có vẻ bất ngờ – cô không tưởng tượng nổi là một người đàn ông cao to, mặt mày vuông vức, trông nam tính đầy mình như tôi mà lại hay hờn dỗi thế. Cô cũng dỗi: “Thế thì anh về đi”. Lập tức, tôi bỏ về luôn, không đoái hoài gì nữa.

Tất cả những điều ấy như chứng tỏ rằng tình cảm của tôi dành cho Hương chỉ là một cảm xúc nhất thời chứ không đến từ nơi sâu thắm nhất của tâm hồn. Rõ ràng là tôi không yêu Hương. Trong thâm tâm, tôi còn tàn nhẫn hơn thế. Tôi coi cô như món đồ trang sức – Hương làm tôi cảm thấy hãnh diện trước bạn bè bởi cô đẹp, một cô gái Hà Nội xinh xắn.

Những cuộc cãi vã diễn ra ngày một thường xuyên, và người chủ động đứng ra làm lành thường là Hương. Có thể cô cũng chạnh lòng nghĩ tôi hãy còn trẻ con, hiếu thắng, mà bỏ qua cho tôi. Nhiều lúc tính hững hờ của tôi làm Hương buồn, ghen; cô nghi tôi không yêu cô hết mình mà còn san sẻ tình cảm cho một (hoặc những) người con gái khác. Than ôi, Hương sẽ sốc đến mức nào nếu biết rằng: Đúng, thời gian đó quả thật tôi đang yêu người khác, nhưng là một người đàn ông. Tôi yêu chàng “Lý Tiểu Long” của tôi – Lâm.

Những ngày đầu yêu nhau, tôi cũng đã cuốn hút được Hương bởi vẻ bề ngoài mạnh mẽ và cách nói chuyện hài hước, tôi hay kể những chuyện vui trong bộ đội mà chắc một cô gái Hà Nội như Hương chưa bao giờ được nghe. Nhưng càng về sau, ngay chính Hương cũng phát hiện ra rằng tôi nhạt nhẽo với cô, rằng tôi không thật sự nam tính, rằng tôi yêu chính bản thân mình hơn là yêu cô. Phụ nữ thường rất nhạy cảm trong việc nắm bắt tình cảm của người yêu cho dù có thể họ không nói hết ra, tôi tin như vậy bởi vì 50% con người tôi là tâm lý phụ nữ. Nhưng có điều này Hương không thể tưởng tượng nổi: Suốt thời gian đó, dù nói là yêu Hương, tôi vẫn có cảm giác ham thích đàn ông mà cụ thể là Lâm. Ngồi bên Hương, tôi chỉ nhớ đến Lâm: Giờ này Lâm đang làm gì, ở đâu, có đang nghĩ tới tôi không? Tôi nhớ ánh mắt, nụ cười của Lâm, những lời nói, những câu trêu đùa của Lâm với chúng bạn. Đèo Hương đi chơi nhưng ma dẫn lối quỷ đưa đường thế nào, tôi lại đưa cô tới nhà Lâm. Tôi đến để giới thiệu cho cậu ta biết rằng tôi có cô người yêu “xinh nhất Hà Nội”. Và không chỉ có thế, hay nói đúng hơn, không phải vì thế, tôi đến để được ngắm gương mặt rất đỗi thân thương của Lâm. Điên rồ hơn, tôi đến với một ảo tưởng ngu ngốc chỉ có trong một cái đầu mơ mộng: được thấy Lâm… ghen với Hương!

Tình yêu với Hương chỉ kéo dài được quãng bốn, năm tháng gì đó. Ý nghĩ chiếm đoạt Hương để khẳng định bản lĩnh đàn ông tiếp tục lởn vởn trong đầu. Tôi nhiều lần đòi hỏi được gần gũi Hương nhưng cô luôn chống trả quyết liệt. Mấy lần tôi đưa Hương về nhà. Đến nơi, tôi rủ cô lên gác chơi nhưng Hương rất tỉnh táo, nhất quyết không lên. Chúng tôi cãi nhau. Tôi dỗ dành:

– Nếu không lấy được em thì anh không muốn lấy ai nữa. Anh muốn có một đứa con gái thật giống em.

Nhưng cái mẹo quen thuộc ấy không lừa được ai. Kể cũng dễ hiểu, từ trong đáy lòng, tôi không thật sự tin vào điều mình vừa nói. Tôi chỉ muốn chiếm đoạt Hương về mặt thể xác nhiều hơn là có một sự cam kết lâu dài.

Chắc là Hương giữ trong lòng nhiều điều phiền muộn mà chẳng nói với tôi. Duy nhất một lần cô nước mắt vòng quanh hỏi tôi:

– Anh chán em à?

Tôi nửa đùa nửa thật:

– Anh đã được làm gì em đâu mà chán.

Tối hôm đó, chúng tôi ra sông Hồng chơi. Bờ sông Hồng những năm ấy rất vắng và yên tĩnh. Hai người ngồi trên bãi cát rộng, ánh trăng dịu sáng chênh chếch trên đầu. Những lần đi chơi trước, biết tôi hay đòi hỏi, Hương thường mặc quần âu có thắt lưng rất chặt. Riêng hôm ấy, chẳng hiểu run rủi thế nào, cô lại mặc chiếc quần lụa màu đen của mẹ. Tôi dùng đủ lời đường mật, nhớ nhung để dỗ dành Hương, rồi cố gắng đưa câu chuyện đi xa hơn như mọi lần. Hương chống cự, nhưng cuối cùng đành nhắm nghiền mắt và chấp nhận.

Nhưng, như một định mệnh, hôm đó, chẳng hiểu sao tôi lại không điều khiển được bản thân mình. Tôi không thể làm được như lần trên Tam Đảo. Lúng ta lúng túng, xấu hổ và bực bội, tôi đổ lỗi cho Hương:

– Tại em cứ vật lộn với anh mãi. Anh mất cả hứng!

Hương không nói năng gì, kéo tôi đứng dậy đi về.

Rồi cũng tới ngày tôi và Hương chia tay nhau, chừng nửa tháng sau chuyện ở bờ sông. Hương nói rất khéo:

– Em với anh không hợp nhau đâu. Tính anh rất hay, nhưng quả thật mình nên chia tay để làm bạn bè anh Dũng ạ.

Không hiểu sao lúc đó bao nhiêu tự kiêu, sĩ diện của tôi mất đi đâu cả. Tôi tìm mọi cách xuống nước, van nài Hương như một gã si tình thật sự:

– Hương đừng bỏ anh. Anh biết làm thế nào bây giờ? Anh không thể hình dung sẽ như thế nào khi không có em.

Nhưng tôi nói mà tôi không nghe tiếng mình, thật ra tôi chẳng hiểu mình đang nhại từ bộ phim hay vở cải lương nào nữa. Tôi không muốn mất Hương, tôi không thể để mất cô ấy. Chỉ có điều chính bản thân tôi cũng chẳng thấy tin tưởng gì vào lời nói của mình.

– Đừng bỏ anh, Hương, anh van em. Anh không muốn mất em vì… vì… Vì anh không thể sống nổi nếu thiếu em.

Vân vân và vân vân.

Lần cuối cùng, tôi tới nhà Hương cùng một người bạn. Tôi ở ngoài, cậu ta vào nói chuyện với Hương. Được một lát, bạn tôi ra ngoài và lắc đầu. Hương không hề suy chuyển. Cô nói rằng tính tôi quá trẻ con, ích kỷ và không có tương lai để một cô gái như cô dựa vào. Rồi Hương xin phép chấm dứt câu chuyện vì phải đi có việc.

Tần ngần hồi lâu, tôi bảo bạn về trước rồi đứng bên kia đường nhìn sang nhà Hương. Tôi ngẫm nghĩ về cái sự “lừng khừng” của bản thân mình trong quan hệ với Hương. Hình như bị Hương bỏ, tôi cũng chẳng lấy thế làm buồn, chỉ chạnh lòng vì như vậy là từ nay, tôi không còn gì để tự hào với chúng bạn nữa. Đang nghĩ thì tôi bỗng thấy một thanh niên đi xe máy tới cổng nhà Hương. Rồi Hương ra mở cửa, hai người ríu ra ríu rít, dĩ nhiên là không ai nhìn thấy tôi đứng xa xa dưới lùm cây hoa giấy đỏ hồng. Ngày đó mới xóa bỏ bao cấp, có một chiếc xe đạp để đi đã là hạnh phúc lắm rồi. Nhìn chiếc Cub 81 “kim vàng giọt lệ” của anh chàng kia, tôi tủi thân vô cùng. Lầm lũi ra về, tới đoạn đường có gốc cây nơi tôi đã tỏ tình với Hương, tôi dừng lại và ôm mặt khóc nức nở, cảm giác như mình là một đứa trẻ bị bỏ rơi. Bây giờ, tôi mới nhận ra rằng cảm giác đó có lẽ là của phái yếu, mấy ai đàn ông bị phụ tình lại khóc nức lên như thế.

Nhưng chắc phái yếu ít người suy nghĩ như tôi lúc ấy. Tôi cảm thấy mình vừa mất một cái gì đó. Không phải mất Hương. Tôi đã mất không biết bao nhiêu công sức đầu tư cho một mối tình với phụ nữ, để cố tạo ra hình ảnh mình như một người đàn ông biết yêu đàn bà. Có thể, đối với những chàng trai bình thường, việc hy sinh những tối thứ bảy nằm nghe cải lương hay những buổi đi chơi với một thằng bạn trai (ở đây là Lâm), để đến với một cô gái, thì chẳng là gì. Nhưng với tôi, đó đã là rất nhiều nỗ lực phải bỏ ra. Vì sự thực là tôi yêu Lâm và mê cải lương, chứ tôi không yêu Hương.

Mọi nỗ lực đều vô ích. Hương đã bỏ tôi. Bây giờ tôi sẽ lại phải tìm kiếm một cô gái khác, phải đầu tư xây dựng hình ảnh mình, phải cố gắng chinh phục cô ta… Tóm lại, phải làm lại tất cả, từ đầu. Nhưng, liệu tôi có còn yêu ai được nữa không? Hương đẹp như diễn viên điện ảnh, Hương yêu tôi như thế. Vậy mà tôi còn không yêu và để mất cô, thì thử hỏi tôi còn có thể đến với người con gái nào nữa?

Chẳng bao lâu sau, tôi được biết rằng cậu trai đã tới nhà đèo Hương đi hôm đó chính là người yêu cũ của cô. Hai người đã chia tay nhưng rồi lại quay lại. Tôi chỉ đến trong khoảng thời gian giận dỗi của họ và lấp vào khoảng trống anh ta để lại. Anh ta kém Hương hai tuổi nhưng lại là con trai bà chủ của Hương nên rất giàu có, và điều quan trọng là anh ta yêu Hương như cô xứng đáng được yêu. Hương đã nghĩ đến tương lai khi chọn anh ta. Còn tôi có thể mang lại gì cho cô?

Chuyện tình với Hương không sâu đậm nhưng cũng để lại cho tôi nhiều ấn tượng. Quãng thời gian yêu Hương, tôi cũng đã rất vui vẻ, yêu đời, lúc nào cũng chăm chút đến bề ngoài của mình. Sau khi bị Hương bỏ rơi, tôi cũng phải mất hai tháng tự giam mình trong căn phòng nhỏ. Niềm vui duy nhất đến từ những cuộc rượu với bạn bè. Tôi thấy dường như cuộc sống này không còn ý nghĩa gì nữa, nhất là vào những ngày cuối tuần. Những hôm ấy, nếu có phải ra đường, tôi có cảm giác như mình luôn lủi thủi, cô đơn trước mắt mọi người. Tôi không trách Hương, tôi hiểu được suy nghĩ của cô, nhưng tôi không thể làm gì hơn. Trước, sau và ngay trong khoảng thời gian có Hương, tôi đã sa vào những mối tình trai mãnh liệt mà một cô gái Hà Nội xinh đẹp như Hương chỉ là người để lấp chỗ trống…

k

Mười bốn năm sau, tức là vào năm 2004, tôi mới gặp lại Hương lần nữa. Hôm ấy, tôi đang mua quần áo tại một shop trên Hàng Ngang – Hàng Đào. Trời sắp vào hè, nóng bức, tôi đứng luôn ở ngoài, cởi chiếc áo phông đang mặc ra để thử đồ. Đúng lúc vừa trùm áo lên đầu thì tôi nghe thấy tiếng một đám con gái ríu rít cười ầm lên. Tuột vội áo xuống, quay ra, tôi trông thấy năm, sáu cô bạn cũ đang nhìn tôi cười. Trong đó có Hòa, một cô bạn của Hương mà tôi biết. Hòa già đi nhiều so với thời gian mà tôi gặp khi đang yêu Hương.

Tôi mời mọi người đi uống cà phê. Đang lúc vui vẻ, tôi quay sang Hòa:

– Này, thế cho tôi hỏi dạo này cái Hương nó thế nào?

Mọi người cười ồ:

– Ôi giời ơi, bây giờ anh không nhận ra nó được đâu, son phấn kinh lắm, diện khiếp lắm.

– Nó đi làm vũ nữ ở trên New Century đấy, eo ôi, tởm thế. Ngày xưa yêu anh nó ngoan mà bây giờ nó lại ra như thế nhỉ?

Cả đám phụ nữ cười ngặt nghẽo. Mỗi người lạ mặt ngồi cạnh tôi là không cười thành tiếng, chỉ cúi xuống mủm mỉm. Tôi chột dạ nhìn lại: Có phải Hương đấy không? Trời đất ơi, Hương đã thay đổi đến thế này rồi sao? Sự tàn phá của thời gian thật ghê gớm. Nếu người phụ nữ ngồi cạnh tôi đúng là Hương thì quả thật, cô không còn nét gì của ngày xưa nữa. Cô Hương ngày nào má bầu bầu, mịn hồng lông tơ, giờ đây là một phụ nữ với khuôn mặt khô quắt, đanh lại và dài hẳn ra. Tôi hỏi có phải Hương đấy không. Cô ta cười: “Ông anh này điên à mà cứ Hương với Phấn. Hương nào ở đây?”. Nhưng trò đùa bị lộ ngay vì sau đó mấy người trong nhóm vô tình gọi tên cô. Tôi cười: “Thôi chết rồi, đúng Hương nhé”.

– Đấy, chúng em đã bảo là anh không nhận ra nó được đâu mà.

– Thì… các cô cũng có nhận ra tôi không? Ngày xưa Hương yêu tôi, rồi chê tôi, cũng ai oán trăn trở lắm đấy. Thế mà dòng đời xô đẩy thế nào, bây giờ tôi không thích con gái nữa. Vào một ngày đẹp trời, tôi tỉnh dậy, lại thấy hóa ra mình thích con trai, thích đàn ông!

Tôi nói đùa. Nhưng đó là một cách công khai tình trạng của tôi với Hòa và Hương, cũng là để giải thích cho những xử sự của tôi ngày trước. Nói xong, ngay lập tức tôi cảm thấy mọi người đều ngượng, ai cũng ngượng. Tôi không biết Hòa và Hương có bị sốc không. Một chị bạn tôi ở trong đám thì đã phong phanh biết tôi đồng tính từ lâu nhưng không dám chắc, bây giờ nghe tôi xác nhận, chị tin ngay, vội tìm cách khỏa lấp đi: “Chuyện ấy bây giờ là bình thường, xã hội bây giờ đầy, Dũng nhỉ?”.

Nhưng sự ngượng ngập vẫn còn ám ảnh suốt buổi cà phê.

Một năm trôi qua đã là bao nhiêu thay đổi, huống chi mười bốn năm. Hằn sâu trong trí óc tôi là hình bóng Hương của ngày ấy, non tơ tuổi mười chín. Còn bây giờ cô đã làm quản đốc cho một xí nghiệp may ở Bắc Giang, lên hẳn Bắc Giang ở. Cô sống khá giả hơn, năng động hơn, nhưng không còn vẻ thanh xuân vốn in sâu trong tâm trí tôi ngày trước. Và cả tôi nữa, tôi cũng thay đổi, khác xưa nhiều quá rồi. Chắc chắn là như thế.

Những tiếng thở dài

Mấy năm sau chuyện tình với Hương, tôi đã không còn ý thức rằng mình sẽ yêu phụ nữ. Nhưng tôi vẫn muốn chứng tỏ với bạn bè rằng mình là “đàn ông”, vẫn muốn che giấu con người thật của mình. Tôi có đặc điểm rất ân cần với phụ nữ nên bạn bè đều nghĩ rằng tôi là người đa tình và đào hoa.

Mà trớ trêu, tôi cũng đào hoa thật. Có nhiều thời điểm, khá nhiều phụ nữ cùng thích tôi một lúc. Điển hình, tôi có tới bốn cô bạn gái thuộc dạng “đặc biệt” trong nhóm năm cô bạn “ngũ long công chúa” tại trường đại học Thể dục thể thao. Vì sĩ diện, tôi thấy điều đó là một cái gì đó rất đáng tự hào. Nhưng thực ra thì vào quãng thời gian ấy, khi tôi 24-25 tuổi, những ham muốn phụ nữ của tôi đã phai nhạt. Tôi đã qua lứa tuổi mới lớn để còn phân vân lưỡng lự giữa hai giới. Một số mối quan hệ của tôi với một vài cô gái đã khiến tôi khẳng định một cách chắc chắn hơn rằng mình hoàn toàn không còn ham muốn phụ nữ.

Trong nhóm bạn nữ mà tôi quen biết ở trường Thể dục thể thao có Liên, một cô sinh viên bóng chuyền người Tuyên Quang. Lại gái Tuyên, và lại rất xinh. Liên nổi tiếng về sắc đẹp – mũi cao, đôi môi mọng, làn da nâu bóng – đồng thời cũng nổi tiếng vì sự buông thả, phóng túng. Tôi luôn coi Liên như bạn bè. Nhưng sự ân cần và cái miệng khá dẻo vốn có của tôi khiến cô cũng liệt tôi vào dạng “cây si” như những cây si đích thực khác. Một lần, vào sinh nhật cô, tôi nổi hứng mượn xe máy phóng sang tận trường tại Từ Sơn để tặng hoa. Liên cảm động, chạy đi mua bánh kẹo và đồ ăn khao cả phòng. Đêm đó, tôi uống nhiều rượu nên phải nằm lại ký túc xá của Liên. Những cô bạn cùng phòng “ý tứ” tới mức đặt tôi vào giường Liên, rồi đồng loạt kéo ri đô lại. Cả đêm, tôi nằm như chết, còn Liên không ngủ và ôm tôi chặt cứng. Gần sáng, dường như không chịu nổi, Liên đưa tay xuống dưới bụng tôi xoa xoa. Tôi vẫn nằm yên, cảm giác vừa xấu hổ vừa khó chịu chứ hoàn toàn không thích thú, sung sướng gì. Lần ấy, tôi hiểu ra rằng những xúc cảm với nữ giới của mình gần như đã tắt. Tôi chào Liên ra về từ sáng sớm, lúc đám bạn còn chưa ai dậy. Lần đầu tiên, tôi thấy Liên tránh nhìn vào mắt tôi, điều hiếm xảy ra ở một cô gái mạnh mẽ, dạn dĩ như cô.

Mấy hôm sau, Liên tâm sự với bạn tôi: “Ông Dũng này thế nào ấy mày ạ. Tao chán lắm rồi. Có khi phải tìm mối khác thôi chứ cứ tối nào cũng gặp nhau rồi chỉ đi uống nước, đèo nhau mấy vòng là hết, chẳng có cái vị gì cả…”. Liên không đề cập tới “sự cố” kia, hoặc cũng có thể có nhưng bạn không kể lại cho tôi vì lý do tế nhị. Nhưng nghe thế là tôi đủ hiểu.

Và còn Tâm, một cô gái nghèo tại Hà Nội. Cô làm phục vụ cho quán cà phê của bạn tôi. Tôi góp vốn cùng mở quán này nên thường xuyên lui tới đây. Tâm không xinh nhưng hiền lành và chăm chỉ. Cô thích tôi ra mặt. Một lần ngồi cạnh nhau, tôi đặt tay lên vai Tâm như một cử chỉ bạn bè thông thường. Nhưng Tâm lại ngả đầu vào lòng tôi và bám chặt lấy tôi từ đó. Mỗi hôm tôi lên quán, cô lại chạy ra quấn lấy “anh Dũng”. Tâm chiều tôi lắm. Lúc vắng khách, rảnh việc, cô hay bắt tôi nằm dài ra ghế để gội đầu cho. Nói thật lòng, tôi cũng chẳng yêu cô, nhưng thấy được ôm ấp, chiều chuộng thì cũng… thinh thích.

Nhưng mọi chuyện cũng chỉ đến vậy. Những lần gặp Tâm, tôi chỉ bớt buồn chứ thực lòng cũng không có ý định gì với cô. Thậm chí, một nụ hôn giữa tôi và Tâm cũng là điều ít gặp. Tâm buồn nhiều và hay khóc thầm. Tôi hiểu, nhưng chẳng thể làm gì hơn. Cô gái đáng thương ấy không biết tôi là gay, không hiểu rằng thời gian đó tôi cũng đang yêu, nhưng là yêu một người đàn ông.

Rồi còn Hạnh, còn Trinh, còn Xuân, còn Tú, còn cả một cô kiện tướng cờ vua nữa. Tất cả những người con gái ấy đều đã yêu tôi, và tôi chẳng đáp lại một ai. Dù rằng khi Xuân quay lưng ra đi, tôi đã ngồi bệt xuống vỉa hè khóc tu tu thành tiếng. Dù rằng khi Tú nói lời chia tay, tôi đã rất cay đắng, đau khổ mất mấy ngày. Nhưng không phải là tình yêu. Không ai trong số họ làm tôi yêu đến điên dại, mê muội, như tôi đã yêu Hưng, Nhân và những người đàn ông khác. Tôi cũng chưa từng quan hệ gần gũi với ai trong số họ, chưa từng thèm muốn họ hay cảm thấy phát điên lên nếu thiếu họ. Sau chuyện với An và Hương, chẳng mối tình xa nào của tôi kéo dài được đến vài tuần, thậm chí vài ngày.

Phải chăng tôi độc ác với với phụ nữ? Tôi không biết nữa. Vấn đề chỉ là tôi không tài nào yêu họ được. Thành thực mà nói, tôi không ghét phụ nữ. Tôi cũng không muốn làm khổ họ. Có lẽ vì ngày đó tôi còn đứng ở cái ngã ba giới tính nên hành động của tôi thảy đều lộn xộn và rối beng beng. Tôi lại có sai lầm lớn là coi phụ nữ như thứ đồ trang sức giúp tôi được hãnh diện với thiên hạ: Đây này, tôi cũng là đàn ông bình thường.

Lúc đó tôi còn quá trẻ và nông nổi. Quá trẻ để biết thể nào là tình yêu. Quá trẻ để biết yêu một ai đó, dù là nam chứ đừng nói đến nữ, theo đúng nghĩa. Cũng vì mình lơ ngơ như vậy nên nào biết cái chữ “yêu” đấy nó nông sâu nhường nào. Ngày đó, nếu chỉ hiểu bằng một phần những điều bây giờ tôi cảm nhận về chữ “tình”, về những đỉnh cao cũng như những vực sâu của nó, về cái hạnh phúc và khổ đau mà nó mang đến thì hẳn tôi đã thấy rất thương cảm những người con gái yêu tôi và đã không bao giờ hành xử như thế.

Nhưng đời người đâu có xây bằng chữ “nếu”. Vả lại, có ai nhìn trước được tương lai và sống vượt trước được tuổi đời và kinh nghiệm của mình. Chuyện âu cũng đã là một phần của cuộc đời tôi. Có nuối tiếc hay ân hận thì mọi sự cũng đã rồi. Như một sự trả giá, sau bao đau khổ tôi từng gây ra cho những người con gái ấy, những năm tháng sau này của cuộc đời tôi là những năm tháng đắm chìm trong đau khổ và dằn vặt khôn nguôi với thứ “tình trai” khó bỏ…

Tình cảm của tôi với phụ nữ, than ôi, là thứ tình kỳ lạ gì thế? Là tình cảm giữa chị em gái với nhau. Tôi coi họ như những bạn gái tốt của tôi. Ở bên họ, tôi không có cái hạnh phúc, cái đam mê của người đàn ông yêu người đàn bà. Giữa chúng tôi mãi mãi là khoảng cách. Và cái thứ tình yêu đó chỉ là tình xa.

Tình xa mãi mãi sẽ là tình xa!

(Visited 5 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments