6.
Khi thủy triều dâng…
Sau những rung động tuổi dậy thì với Deyanov, rồi với Ngọc, khuynh hướng luyến ái trong tôi hình thành càng ngày càng rõ nét hơn. Cho đến năm hai mươi tuổi, tôi đã hiểu rằng mình yêu đàn ông hơn yêu phụ nữ. Nhưng con người yếu đuối, đa sầu đa cảm chỉ thật sự bắt đầu vai trò chủ đạo của nó, dẫn dắt toàn bộ cuộc đời tôi qua hết non sầu này đến bể lụy nọ, kể từ khi gặp Lâm – người hùng một thời của lòng tôi.
Câu chuyện này cũng gần như một cuộc tình đơn phương. Khi kể đến đây, tôi phải cân nhắc khá lâu để nghĩ xem điều gì khiến cho chuyện của tôi với Lâm trở nên đặc biệt? Và thật sự, tôi nên gọi đó là gì: câu chuyện tình đầu tiên, hay mối tình đơn phương đầu tiên?
Một khi đã bước qua và nhìn lại giai đoạn trẻ trung, mơ mộng nhất của cuộc đời mình, mỗi người đều nhận ra có một chút thay đổi trong cách nhìn nhận. Có cái tình ngày xưa tưởng là tình đầu, giờ hóa ra chỉ là chút rung động đầu đời của một người mới lớn. Có cái tình tưởng là tình chung thân, hóa ra chỉ là chút tình đầu trẻ thơ và ngây dại. Dường như mọi việc trong cuộc sống này đều có tiến trình. Cả việc yêu và yêu nhiều người. Giống như một đứa trẻ, phải tập bò, rồi mới tập đi, tập ê a rồi mới biết nói, con người ta cũng phải bắt đầu từ thấp rồi lên cao dần với những cung bậc của cảm xúc và đau khổ.
Dường như tôi cũng phải biết đủ mùi đau khổ thì mới có thể yêu thật đủ thật đầy.
Người hùng Lý Tiểu Long
Đối với tôi, câu chuyện với “Lý Tiểu Long” rất đặc biệt. Nó đánh dấu một bước ngoặt trong con người, tính cách và định hướng sống của tôi. Trước Lâm, mọi việc không giống như vậy. Sau Lâm, mọi việc cũng không còn như vậy nữa.
Tôi quen Lâm thông qua một đám dây mơ rễ má lằng nhằng. Lâm là bạn của em của bạn tôi. Lâm kém tôi vài tuổi. Lần đầu tiên tôi biết Lâm, lúc đó cu cậu đang học năm thứ nhất trường đại học Thể dục thể thao. Cậu chàng bé tí, trông như một chú nhóc chưa kịp nhớn. Dù vậy, cậu cũng khiến tôi rất chú ý và thấy quý mến vì tính cách khá hay.
Lâm biệt hiệu là Lâm “khỉ” vì ngày bé rất nghịch. Cậu chàng có rất nhiều giai thoại mà tôi được nghe mọi người kể lại. Một trong số đó là Lâm có căn tu. Anh trai là sư đi tu ở trong miền Nam. Ngày còn bé, mẹ Lâm bắt cu cậu vào trong đấy để tu tập. Lâm đã gọt tóc trái đào, đã đi khất thực rồi. Nhưng tiền khất thực được, cu cậu mua thịt quay ăn. Sau đó nhảy tàu trốn ra ngoài Bắc.
Không đi tu nhưng Lâm học võ từ bé, lại đối xử với anh em bạn bè theo kiểu huynh đệ, rất nghĩa hiệp… phảng phất chất lãng tử Tàu – đúng theo ảnh hưởng của phim Hong Kong vốn rất được chuộng thời bấy giờ – cái thời mà “nhà nhà xem chưởng bộ, người người thuê chưởng bộ”. Ở Lâm có chất bất cần đời, ít nói nhưng câu nào chắc câu ấy. Và có duyên. Lâm giỏi võ, vóc người tuy nhỏ con nhưng dày như mình trắm. Vì vậy, hắn luôn làm tôi liên tưởng tới Lý Tiểu Long.
Khi mới quen, tôi chỉ thấy quý và coi Lâm như đám em út trong nhà. Nhưng dần dần, ấn tượng về Lâm trong lòng tôi đậm dần lên. Rồi chẳng biết từ khi nào, hình ảnh của Lâm len lỏi vào suy nghĩ của tôi. Ngay cả trong giấc ngủ. Tôi phát hiện ra là mình đã thích cái thằng Lâm “khỉ” này mất rồi.
Khác với lần yêu Deyanov và Ngọc, lần này, tôi xác định: Thôi được, mình đã thích thì mình… mình sẽ khám phá.
k
Có một vở mà từ thời điểm gặp Lâm trở đi, tôi luôn diễn đi diễn lại. Có thể gọi đó là món võ cổ truyền của tôi. Đó là lời rủ “qua nhà anh ngủ cho vui”.
Trong lần đầu tiên Lâm qua nhà tôi, tôi đã chẳng thể nào ngủ được. Không cầm lòng nổi, tôi vòng tay qua ôm Lâm. Lâm không phản ứng gì. Trái lại, rất tình cảm, Lâm cũng vòng tay ôm tôi. Bắt được tín hiệu đồng tình, thế là tôi “phất cờ mà lên”. Những tưởng mọi việc êm xuôi, không ngờ cuộc tấn công của tôi bị chặn đứng tại đó. Bàn tay Lâm cứng ngắc như một gọng kìm sắt, giữ chặt tay tôi lại.
Gọi là tấn công thôi, chứ giai đoạn đó tôi còn rất non nớt. Non nớt từ ý thức về giới tính tới ham muốn hay định hướng tính dục. Có lẽ cũng giống một chú trai mới lớn ngây thơ, nếu có được cơ hội với người bạn gái mà mình thích thì cũng chỉ biết nắm tay, định hôn nhưng bị phản đối thì cũng chịu. Vả chăng, nắm tay cũng vui lắm rồi.
Chuyện hôm đó với Lâm khiến tôi vừa vui vừa xấu hổ. Giống như người mò mẫm trên một miền đất vô định, hoàn toàn mới, tôi chẳng biết có gì đằng trước cả. Vừa thấy sợ hãi phải tiến ra vùng đất vô định đó, vừa có ham muốn bước ra khám phá nó. Tiến lên một bước, dù nhỏ tí xíu, cũng thấy rất mừng. Bắt gặp phản đối, thì lại rất hổ thẹn, vì tự trong lòng, biết mình đang làm một điều sai trái.
Việc xảy ra khiến cả tôi và Lâm đều ngại. Nó tạo ra khoảng cách giữa hai anh em. Tôi cũng ngãng ra dần. Có thích cũng để trong lòng thôi.
k
Thế rồi bẵng đi. Sau gần hai năm gặp lại, Lâm thay đổi rất nhiều. Lớn hẳn lên. Đẹp trai, phong độ ra. Bạn bè của Lâm thời đó toàn đầu gấu đầu mèo. Tuy nhiên, khi chơi với dân anh chị kiểu đầu thỏ như tôi, Lâm vẫn rất lễ phép như ngày nào.
Sau thời gian dài không gặp, khoảng cách giữa hai anh em dường như biến mất. Thế là lại chơi thân với nhau như trước. Lại thường xuyên tụ tập chơi bời. Mà hồi này thì nhiều cô thích Lâm lắm rồi. Cô nào trong mắt tôi cũng là một đối thủ đầy tiềm năng. Một lần đi chơi Tam Đảo, mọi người vô tình gán ghép Lâm với một cô gái. Cô ả thích Lâm lắm, được ghép đôi như thế lại càng thích. Mọi người càng trêu, tôi càng tan nát cõi lòng – tôi sợ Lâm “đổ”. Nàng kia thì rõ vô duyên: Lý ra khi bị trêu với một người khác, cô ta phải giãy nảy lên hay phản ứng e thẹn thế nào, đằng này lại cứ cười tít cả mắt hở cả lợi. Sao lúc đó tôi chỉ muốn cho cô ta một cái dép vào mặt!
Có hôm đi nhậu ở nhà bạn, Lâm ngà ngà say, bíu cổ tôi:
– Anh đi đâu đấy? Anh ở đây, nằm cạnh em cho nó vui.
Tôi như mở cờ trong bụng. Niềm vui dâng lên dào dạt. Nhưng, nhớ lại bàn tay cứng như sắt của Lâm hai năm về trước, tôi cũng chờn chợn. Nằm cạnh Lâm mà tôi cứ chong chong, chẳng dám ngủ. Sợ ngủ rồi lại vô thức làm cái gì đó không phải. Tôi cứ nằm đấy mà sướng âm ỉ, và kiềm chế. Sau, mệt quá, tôi nghĩ ra một cách: Tôi nhét tay mình vào trong quần rồi thắt chặt dây lưng lại, như là một cách tự trói mình. Rồi thở dài, nghĩ thầm: Cái tay cứ như tay ma tay quỷ, thành tật mất rồi. Dù không muốn nhưng không thể nào điều khiển được. Có những lúc, tôi phải tự cắn vào ngón tay mình đến đau nhức để khỏi phải thò bàn tay ma quỷ sang phía Lâm.
Rồi lần khác, đi chơi Hồ Núi Cốc, thay vì vào ngủ cạnh tôi, Lâm chui tọt vào màn một thằng khác. Suốt cả đêm đó tôi tức Lâm, mặt tôi như đưa ma, cáu gắt lì lợm, làm cả đám phát sợ. Mấy cô bạn gái cứ nem nép nhìn trộm rồi dè dặt hỏi: “Anh Dũng hôm nay có chuyện gì mà lạ thế?”. Tôi chẳng trả lời.
Đến khi cả hội về, cu cậu bảo:
– Em đưa anh về.
– Khỏi cần!
– Anh… sao thế? Anh em mình đi ăn vậy?
– Khỏi cần! Tôi không đói. Không ăn gì cũng đủ no rồi.
Cái kim ở lâu trong bọc tất có ngày lòi ra. Tôi cố giữ gìn như thế nhưng đám bạn tôi cũng lờ mờ đoán được nhiều điều. Có đứa ngại. Có đứa hay đùa cợt ám chỉ. Lần nọ, một cậu bạn độc miệng trêu: “Không, tao không dùng chung bàn chải đánh răng với thằng Dũng đâu”. Nói rồi nó cười. Cả đám quay lại nhìn tôi. Thời gian ấy là lúc người Việt Nam bắt đầu biết đến căn bệnh thế kỷ SIDA mà bây giờ gọi là AIDS. Tôi ngượng ngùng ngoảnh mặt, lờ đi, thấy buồn vô cùng.…
Vì thích Lâm nên tôi lại đâm ra sợ Lâm. Và sợ cả tình cảm của mình. Khốn nạn.
Lần đầu cho một đời
Một hôm, trước ngày cưới của em tôi, Lâm đến nhà tôi ngủ. Hai đứa đều say. Tôi còn say hơn Lâm. Hắn gối đầu lên cánh tay tôi đương duỗi ra: “Em gối đầu vào tay anh nhé?”. Thế là tôi ôm chặt hắn luôn. Rồi mọi chuyện tiến xa thêm một bước nữa. Nhưng cũng chỉ thêm đúng một bước nữa mà thôi. Lâm để yên cho tôi thỏa mãn, nhưng không hưởng ứng.
Sau lần rụt rè với Ngọc, đây là cơ hội đầu tiên tôi có những động chạm mang đậm màu sắc tình dục với một người đàn ông. Chỉ là động chạm, vì nói cho đúng thì lúc ấy tôi thậm chí còn chưa biết cách sinh hoạt trong quan hệ. Tuy nhiên, mới chỉ là những bước dạo đầu nhưng nó đã khơi ra cái nguồn vô tận của cảm xúc trong tôi. Bấy lâu nay trong con người tôi vẫn có một con sóng ngầm đẩy tôi đến gần cánh cửa đương đóng. Tôi lúc thì kháng cự, lúc lại thuận theo con sóng, mà cứ dịch dần dịch dần về phía cánh cửa này. Cho đến thời điểm đó, tôi chưa thực sự bước chân vào sau cánh cửa đầy bí ẩn để khám phá những cái nó chứa đựng. Và lần đầu tiên với Lâm tôi đã đẩy cánh cửa bí ẩn ra để thấy làn gió mát của cảm xúc thổi vào, để nghe thấy tiếng nói của phần bản năng mà bấy lâu nay mình cố gắng kìm hãm, xiềng xích.
Rồi chuyện gì phải đến cũng đến.
Vài tuần sau, Lâm chủ động rủ tôi đi uống rượu. Nhà Lâm gần nhà tôi, phố trên phố dưới. Hai đứa định uống rượu ở quán đầu chợ Hàng Bè thì bị bà cô Lâm bắt gặp. Thằng cháu yêu quý sao lại lang thang ở đây trong lúc đáng ra phải ở trường? Vậy nên thằng cháu ngoan hãi quá, nói dối rồi rủ tôi chuồn thẳng, không uống rượu ở quán nữa mà vào nhà tôi uống. Bữa đó hai đứa uống rất nhiều rượu. Uống đến nôn ra mật xanh mật vàng. Tỉnh dậy thì vẫn lơ mơ nhớ được mọi chuyện. Nhớ lại mà thấy thật lạ. Chuyện đó đã diễn ra, lạ lùng nhưng có thật. Tôi và Lâm đã quan hệ với nhau.
Lần đầu tiên trong đời một thằng gay, một thằng bóng, một thằng đồng tính, tôi thật sự gần gũi một người đàn ông. Không còn là những cảm giác ức chế, thèm muốn, kìm hãm, mơ ước… không còn là những động chạm lúng túng xuất phát từ sự ngây thơ… không còn là những phức hợp trái ngược và những câu chuyện nửa vời, gượng ép và suồng sã, lần đầu tiên mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên, theo đúng cách của nó, như trời sinh ra đã thế.
Mọi thứ tuôn trào như thác lũ. Người Lâm hừng hực, run lên, bị kích thích bởi rượu và sự cọ xát cơ thể.
Sau này nhìn lại, tỉnh táo tôi tự hỏi điều gì khiến Lâm hành động như vậy, vì tôi biết Lâm là người hoàn toàn bình thường, một người đàn ông chính hiệu chứ không phải dạng giả cầy – cao to nhưng chỉ là hàng giả như tôi. Khác với những đụng chạm lần trước, Lâm thật sự cực kỳ cuồng nhiệt, mạnh bạo. Giờ, kinh nghiệm và độ chín chắn đã giúp tôi hiểu được vì sao Lâm lại như thế. Một phần là vì hơi men, rượu nhiều thổi bay toàn bộ lý trí. Một khi lý trí đã bay đi rồi thì chỉ còn lại hai thằng con trai mới lớn với đầy tò mò và ham muốn. Tôi không biết tôi có phải là người đưa Lâm vào đời trai hay không. Nhưng Lâm là người đầu tiên cho tôi thấy cái đủ của một người luôn luôn thiếu, cái no của một người luôn luôn đói, cánh cửa ra của một người lạc lối, điểm đích của một kẻ luôn kiếm tìm. Đó là một đêm cực kỳ ấn tượng. Chúng tôi còn hôn nhau nữa, mặc dù Lâm nhắm nghiền mắt và mím chặt môi. Tôi đoán rằng Lâm vẫn thấy ghê. Nhưng tôi cũng cảm nhận được từng mạch máu, từng thớ thịt trong người hắn căng lên rần rật.
Lửa duyên càng dập càng nồng
Sau lần đầu tiên ngủ với nhau, khi tỉnh rượu, Lâm lẳng lặng bỏ về. Tuồng như cu cậu cũng nhớ được mọi chuyện. Tôi đã chạy theo nói với Lâm những lời rất ngây ngô và cả vô duyên nữa, đại ý bảo Lâm đừng nghĩ ngợi gì. Nhưng làm sao người ta có thể không nghĩ ngợi được. Đặc biệt khi người ta là người tử tế như Lâm. Vì vậy, Lâm gọi tôi ra ngoài và nói chuyện. Hắn hỏi tôi đã bị như thế này từ khi nào. Trả lời: “Anh cũng không biết nữa”. Lâm lại hỏi tôi đã từng ngủ với con gái chưa. Trả lời (dĩ nhiên là bốc phét): “Rồi, một vài lần”. Lâm khuyên tôi, nài nỉ tôi, bắt tôi phải hứa sẽ thay đổi, sẽ không thế này nữa, sẽ thành người đàn ông bình thường, chọn một người con gái bình thường mà yêu. Lâm đâu hiểu rằng cái phận tôi là thế, tôi không thể nào “bình thường” được. Nhưng tôi đã hứa. Cứ hứa, mà tôi biết thừa rằng tôi đâu có thực hiện được lời hứa.
Chỉ hai hôm sau, chúng tôi gặp nhau và tôi lại gạ Lâm về nhà.
– Anh Dũng, anh dừng lại đi. Em không… như thế nữa đâu – Lâm lí nhí, mắt nhìn xuống đất.
Tôi nài:
– Không, kệ chứ, không sao đâu. Chẳng ai biết đâu.
– Không, anh phải tìm con gái mà yêu đi. Em thấy bao nhiêu cô thích anh. Bọn cái Trinh, cái Xuân thích anh. Cả cái cô Hương tóc dài ấy nữa. Anh dừng lại đi. Anh phải dừng lại ngay. Em cũng… em cũng… Em không về nhà anh nữa đâu!
Tôi nhìn Lâm, hãi hùng. Ngày trước, với Deyanov, rồi với Ngọc, đã đành là tôi chẳng bao giờ với tới họ, đừng nói gì chuyện được thỏa mãn. Còn Lâm là người đầu tiên tôi đã ôm được vào tay rồi, mà giờ lại để tuột ra. Lâm ghê sợ tôi ư? Hay có đứa bạn nào biết được, chuyện ì xèo làm Lâm sợ mang tiếng, phải dứt bỏ tôi? Nếu thế thì – trong lòng tôi le lói một tia hy vọng – vài tuần sau không còn ai xì xào nữa, rồi Lâm sẽ nguôi ngoai.
Nhưng mọi sự không như tôi nghĩ. Sau lần ấy, Lâm bắt đầu giữ khoảng cách với tôi. Còn tôi, chẳng chút nhiệt tâm trong việc cho Lâm thấy tôi đã thay đổi, tôi chỉ cố gắng rút ngắn cái khoảng cách do Lâm tạo ra, hết lần này đến lần khác. Giống như một con thú đói, tôi lúc nào cũng đánh hơi xem Lâm đang ở đâu, tôi có thể gặp Lâm ở chỗ nào, như thế nào… và sau đó bao giờ cũng rất đau khổ vì Lâm sẽ lảng tránh.
Tuy nhiên, có vẻ như Lâm không chỉ lảng tránh tôi, Lâm đang cố lảng tránh chính mình, chiến đấu với những ham muốn của một cậu trai mới lớn. Trong quá trình đấu tranh nội tâm đó của Lâm, cũng có khi con người nam tính và tử tế ngã lòng. Vì vậy, lần thứ hai và là lần cuối cùng chúng tôi ngủ với nhau cũng là kết quả của một lần ngã lòng. Tôi rủ Lâm đi uống rượu, rồi Lâm rủ tôi về nhà tôi. Mọi thứ lại bắt đầu.
Nhưng, chính trong lần thứ hai Lâm quan hệ với tôi, bố hắn uống thuốc sâu tự tử, tôi không rõ lý do. Sáng hôm sau, gia đình và hội bạn lồng lên tìm hắn để báo tin. Đoán rằng Lâm chỉ có thể ngủ ở nhà tôi, một thằng bạn hắn xộc lên gác, trong khi tôi đương nằm gác chân lên người Lâm:
– Lâm! Giờ này mà còn ngủ à? Về ngay! Bố mày chết rồi!
Mặt Lâm tái nhợt. Hắn hốt hoảng chạy về. Muộn rồi, bố Lâm đã mất. Giá tôi không giữ hắn ngủ lại nhà tôi đêm đó, chuyện có thể đã khác, chẳng hạn ông cụ không làm cả chai thuốc sâu hoặc được đưa đi cấp cứu kịp thời. Ít nhất, cụ cũng còn được nhìn mặt con trai lấy một lần. Ôi, sau mỗi cái chết, có biết bao nhiêu cái “nếu”, “giá như”, “biết thế”… Tôi lên phúng, thấy Lâm nhìn tôi, ánh mắt rất trách móc. Nhìn xong Lâm quay phắt vào nhà. Cái ánh mắt ấy làm tôi thấy mình thật có lỗi. Như thể chính tôi đẩy bố Lâm đến chỗ chết.
Tết, tôi đứng ngồi không yên. Bạn bè rủ đi chơi cũng không đi. Tôi rủ một thằng bạn: “Đèo tao đến chỗ ấy, chỗ ấy…”. “Thôi mày đừng vớ vẩn! Mùng hai Tết đã đi thăm mộ là thế nào?”. Thế mà cuối cùng nó cũng phải chiều tôi, đèo tôi đi. Mộ bố Lâm chôn ở ngay Thanh Xuân.
Sau dịp ấy, tôi rủ cách gì Lâm cũng không chịu qua nhà tôi ngủ thêm một lần nào. Và nó cũng gióng một hồi chuông báo hiệu cái kết của câu chuyện này. Ra Tết khoảng chừng hai tháng, trong một lần cả hội đi đám cưới, uống rượu xong Lâm đưa tôi về nhà. Tôi nhất định đòi Lâm về ngủ cùng. Trên đường, hai đứa giằng co, cãi vã. Tôi nhảy khỏi xe. Lâm chống chân dừng lại.
– Anh Dũng, anh say quá rồi đấy.
– Tao không say.
– Thế thì anh thích gì? Bực mình quá.
Mặt tôi lì ra, trơ trơ:
– Tao thích gì thì mày biết rồi đấy.
– Rồi, anh thích gì?
– Hôm nay mày mà không về nhà tao ngủ, mai tao đến tao làm ầm nhà mày lên.
– Làm ầm cái gì?
– Tao nói là á, là á, tao với mày yêu nhau.
– Mai cho anh đến đây mà nói. Anh có giỏi cứ lên đấy mà làm loạn lên.
Tôi không biết nói gì hơn. Tôi đứng đó, nước mắt long lanh, giọt dài giọt ngắn xuống má. Lâm đấu dịu: “Thôi, anh về ngủ đi”.
Đến cổng ngõ, tôi không chịu vào nhà mà đòi Lâm đèo đi tiếp một đoạn. Đưa một đoạn xong lại đòi đưa đoạn nữa. Rồi cả hai lại cãi nhau. Lâm điên lên, dứt khoát: “Thôi bây giờ kệ anh. Anh có lăn ra chết, tôi cũng mặc kệ. Tôi đi về đây, buồn ngủ quá rồi”. Nói rồi hắn bỏ đi.
Còn lại mình tôi. Tôi đi bộ dọc đường Hàng Ngang – Hàng Đào về nhà. Chưa bao giờ tôi có cảm giác buồn chán đến vậy. Có lẽ phải gọi đúng tên cảm giác ấy bằng hai chữ: thất tình. Mải suy nghĩ, thất tha thất thểu, tôi mang bộ dạng của một người không còn muốn sống nữa.
Sau này nhìn lại, tôi không thấy mọi thứ nặng nề đến như vậy. Nhưng vào giờ phút đó, với tôi, trời đất như bị sụp mất một góc. Hơi rượu đã hết. Phố đông người mà lòng tôi chết lặng, mắt tôi chẳng nhìn ra một gương mặt nào. Những mảng đèn màu nhòe nhoẹt nhảy múa trên mặt nước Hồ Gươm. Tôi cứ thế lang thang trên vỉa hè, đầu cúi gục, hai tay buông thõng. Cảm giác tổn thương ghê gớm. Thấy xấu hổ và nhục nhã lắm, vì đã lộ bản chất mình ra với Lâm, lộ điều bí mật “thiêng liêng” nhất. Trước Lâm, tôi chưa từng nói lời yêu một người đàn ông nào, chưa bao giờ để ai biết tình trạng của tôi. Lâm là người đầu tiên làm tôi phải hạ mình. Nhục nhã hèn hạ thế mà Lâm cũng chẳng đoái hoài. Tôi bị từ chối. Xấu hổ và mất thể diện. Buồn nữa. Biết là từ giờ trở đi Lâm sẽ cạch mặt tôi ra. Tôi sẽ mất Lâm vĩnh viễn. Vì những câu đối thoại kiểu như: “Mai tao lên nhà mày tao làm loạn lên, tao bảo mày với tao yêu nhau rồi mày bỏ tao”. “Anh là thằng hèn! Tôi không ngờ anh lại như thế! Anh là thằng đàn ông, mà đàn ông ai như anh”.
Vì Lâm mà tôi bỏ luôn, không chơi với một nhóm bạn. Và rơi vào một giai đoạn trầm cảm. Mắt tôi trũng sâu, mặt mày vêu vao. Bạn bè hỏi sao dạo này tôi lạ thế, sao dạo này tôi gầy rộc đi?
Suốt đến hơn một năm sau tôi không đi trở lại quãng đường đêm hôm ấy nữa. Mặc dù tôi vẫn tìm Lâm.
Nhưng, Lâm đã dứt khoát giữ khoảng cách. Ban đầu vẫn còn gặp nhau trong cả hội, nhưng tôi cứ sán lại gần là Lâm đứng phắt dậy, bỏ đi. Về sau thì hắn thấy tôi ở đâu là lảng. Lâm tránh tôi như người ta tránh tà ma. Còn trong lòng tôi, Lâm lại ám tôi như ma như quỷ. Tôi chẳng nghĩ được gì ngoài nghĩ đến Lâm. Chỉ nghĩ thôi, lúc nào cũng nghĩ, lúc ăn lúc ngủ, lúc đi thu tiền chợ giúp mẹ, lúc nghe hát cải lương, lúc ngồi cà phê mà ngong ngóng ra ngoài đường…. lúc nào cũng nghĩ, cũng mơ.
Cứ nghĩ đến Lâm là lại thấy buồn. Cái buồn và cái nhớ gắn liền với nhau, quyện lại với nhau thành một. Buồn nhớ đến trống rỗng cả lòng. Ruột gan tôi như trong suốt đi, mỏng tang đi… chả còn gì ngoài nỗi buồn và nhớ. Nhớ đến cái thằng Hoàng Lâm trời đánh thánh vật đấy!
Mà khốn nạn thân tôi. Mình càng nhớ nó, nó càng tránh mình. Như chơi trò công an bắt gián điệp.
Có lần tôi ngồi trên tầng hai một quán café, thấy “Lý Tiểu Long” đang lướt tới từ xa xa phía dưới đường. Vậy là tim tôi đã đập thộp thộp thộp, kêu to như đồng hồ quả lắc rồi. Thế mà chả hiểu có phải hoàng tử đánh hơi thấy tôi từ xa hay không mà tự nhiên chàng dông thẳng. Lần khác, Lâm đến quán, gửi xe rồi, ngước lên thấy tôi, nghĩ nghĩ một tí lại quay ra lấy xe đi mất. Lúc đấy thấy lòng mình chua xót quá. Còn có lần đang thơ thẩn Bờ Hồ thì tim tôi giật thót lên một cái: Hoàng tử của tôi đang đi cà nhắc cà nhắc, hai tay một gậy (chắc là tai nạn nghề nghiệp của chàng – vì chàng là sinh viên võ thuật, oách lắm). Tất nhiên tôi lao tới, xin được làm chỗ dựa cho chàng, chiếc gậy trên tay chàng, giọt mưa trên áo chàng. Chàng không cho làm chiếc gậy, nhưng tôi được làm giọt mưa để chàng rũ ngay: “Bỏ tay ra, đừng có lằng nhằng”. Rồi quay lưng bỏ đi. Sau đó còn quay lại, gửi cho tôi một ánh nhìn lạnh tanh, nghiêm nghị và xa vắng.
Chẳng có cách nào tiếp cận Lâm được nữa.
Tôi chỉ nghĩ ra được mỗi một cách để có thể nhìn thấy Lâm. Số là, vì học ở đại học Thể dục thể thao nên hôm nào Lâm cũng phải qua cầu Chương Dương để sang Từ Sơn. Không thể nào canh được giờ về của đám sinh viên thất thường, nhưng giờ đi học của Lâm thì tôi bằng giá nào cũng phải canh chuẩn. Lâm thường đi học rất sớm. Và tôi sẽ còn phải dậy sớm hơn. Dậy sớm, từ năm giờ sáng, đứng ở chân cầu Chương Dương, ngong ngóng nhìn về cái đoạn đường mà Lâm bắt buộc phải đi qua để lên cầu. Hôm nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, mùa đông cũng như mùa hè, chờ đợi để thấy cái dáng thân quen của Lâm lao vụt qua trên chiếc xe DD đỏ. Lâm phóng xe nhanh lắm, nên tôi chỉ kịp nhìn thấy hắn trong vài tích tắc mà thôi. Dậy từ tờ mờ đất, hối hả phi lên cầu Chương Dương, thấp thỏm hồi hộp chờ đợi cả tiếng đồng hồ, chỉ để có mấy giây trông thấy bóng người yêu dấu. Thế là vui rồi. Vui bồi hồi cả ngày hôm ấy. Vui đủ để sống tiếp một ngày. Để ngày mai lại chờ và lại được ngắm chàng từ xa như thế.
Có ngày mùa đông, trời lạnh buốt vì trận mưa rả rích kéo dài suốt từ đêm. Tôi đứng run rẩy góc cầu. Mặt lạnh toát vì nước mưa mà tôi không dám đưa tay lau, sợ mất tập trung lại để lỡ mất giây phút Lâm đi qua. Thế rồi bùn đất lép nhép dưới chân, khó chịu quá, tôi nhích sang cách đó vài bước. Loay hoay tìm chỗ đứng, ngẩng lên đã thấy một chiếc DD lướt vèo qua, vụt cái đã lẫn vào dòng người và xe trên cầu, mất hút. Người ngồi trên xe trùm áo mưa kín mít che cả biển số, tôi chẳng kịp nhìn ra có phải Lâm không. Đành chờ thêm. Chờ mãi, đứng đến chồn chân mỏi gối mà Lâm vẫn “bóng chim tăm cá”. Mưa mờ mịt. Hai bàn tay tôi cứng lại, trắng bợt, đầu ngón tay dăn deo vì lạnh. Tôi lủi thủi ra về, vừa buồn vừa tiếc. Lại chợt nhớ tới câu thơ của thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính: “Mình em lầm lụi trên đường về…”. Rồi ngày hôm sau lại cơm ăn cơm dỡ ra cầu Chương Dương từ năm giờ sáng.
Hôm nào không thấy Lâm, tôi đều băn khoăn: Lâm nghỉ học? Lâm ốm hay gặp chuyện gì? Hay Lâm đã chạy xe qua từ lúc nào mà tôi không biết? Cả ngày hôm đó, tôi bần thần, lo lắng, sốt ruột chờ đến sáng hôm sau.
Tất nhiên, chẳng bao giờ Lâm trông thấy tôi.
Nếu những người qua cầu Chương Dương ngày ấy lưu tâm để ý, sẽ thấy buổi sớm nào cũng vậy, thậm chí từ lúc trời còn mờ mờ tối, luôn có một bóng người đứng nép mình bên chân cầu. Mắt hắn dõi về phía đầu cầu như đang ngóng đợi ai. Trời hửng dần, hắn vẫn đứng, vẻ mặt bồn chồn, ánh mắt đăm đăm. Rồi lẫn trong đám người hối hả lao xe qua cầu, một chiếc DD đỏ xuất hiện. Gương mặt kẻ đó sáng bừng lên trong một nụ cười không kìm giữ được, méo mó, mừng mừng tủi tủi. Hắn nhìn chằm chằm vào người ngồi trên xe, nhìn hút theo, nhìn không chớp mắt, như thể một giây khép mắt tai hại cũng đủ khiến hắn không lưu được gương mặt tuyệt vời kia vào bộ nhớ. Tận cho đến khi “DD đỏ” khuất dạng. Hắn bần thần, đứng trơ ra một lúc rồi mới ngơ ngẩn ra về, nụ cười đọng trên môi. Hắn sung sướng lắm đấy, niềm vui lâng lâng lan tỏa trong lòng. Hắn đã mất hàng tiếng đồng hồ chỉ để đợi mươi giây, khi người ta đi ngang qua. Mười giây đẹp đẽ và buồn bã, để hắn có thể yên lòng trong hai mươi tư giờ kế tiếp.
Hỡi ơi, một phút vui không cứu nổi một cuộc đời khi ta đã sa vào chữ yêu. Quãng đời ấy, lúc nào tôi cũng buồn bã. Đi đâu cũng buồn, làm gì cũng buồn. Ngồi quán còn buồn hơn. Ngồi một mình thì tôi sẽ nghĩ linh tinh đến phát điên cả đầu. Ngồi đông người thì nhìn đâu cũng thấy bóng Lâm, cũng nhớ lại những kỷ niệm đã có với nhau, ngày đầu tiên gặp nhau trong quán… Thế mà lại vẫn cứ phải sống, vẫn phải làm việc giúp gia đình. Ngày dài lê thê và buồn rười rượi. Đêm còn dài hơn và buồn hơn.
Dạo đó tôi như chìm trong rượu. Ngày nào đi thu tiền chợ của một bà bán thịt, bà ấy cũng để dành cho tôi một chai rượu. Mỗi ngày một chai. Rượu và thuốc ngủ. Lúc đầu là ngày uống rượu – để quên ngày dài, đêm uống thuốc ngủ – để quên đêm dài. Sau đó thì liều lượng rượu và thuốc ngủ có tăng lên vẫn không đủ hiệu nghiệm. Tôi bèn trộn chung thuốc ngủ và rượu để uống. Những ngày đó, hình như không phải là mình đang sống, mình không định sống thì phải. Chủ tâm mình, từ sâu trong lòng mình, tôi đang định chết và sống như để chết. Cứ lê lết mà sống. Đêm chẳng muốn về nhà. Nhưng tất nhiên vẫn phải về, vẫn phải chợp mắt một tí để có sức mà làm việc và đau khổ. Giấc ngủ của tôi ngày đó rất ngắn. Suốt một ngày mệt mỏi cộng với tác động của rượu và thuốc ngủ, vậy mà tôi chỉ ngủ được khoảng một, hai tiếng, cứ đến bốn rưỡi sáng là choàng dậy. Như có một cái lo xò vô cùng nhạy ở trong tôi. Yêu đến như thế là cùng!
Cũng nhờ Lâm, hay nói đúng hơn là tại Lâm, mà tôi đã làm những thứ cũng hơi khác so với con người bình thường của mình. Dù thật sự, có người tình nào mà không đẩy mình đi xa quá những giới hạn của bản thân mình và cả người đời. Có cuộc tình nào mà không điên rồ?
Tôi làm thơ. Cũng chẳng phải tặng Lâm, vì làm gì có cơ hội để tặng (tặng, khéo chàng lại đánh cho cũng nên!). Chỉ là nỗi lòng của tôi muốn tìm một nơi để thoát ra, thay vì bị đè nén bởi rượu và thuốc ngủ. Đầu tiên là tìm đến thơ. Nhưng thơ là một cách giải tỏa rất văn hóa và nghệ thuật. Nỗi lòng tôi còn có những cách giải thoát khác hiểm ác hơn nhiều. Đó thật là một cuộc vượt thoát ngoạn mục, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng!
Triển lãm “nude” trên phố
Trong một lần như mọi lần tôi say rượu, bạn tôi đưa tôi về nhà. Thằng bạn khốn nạn trời đánh thánh vật chẳng hiểu sao không đưa tôi vào, lại để tôi ngoài đầu ngõ, cách cửa nhà khoảng hai chục mét. Người trên phố nhìn thấy tôi say rượu nên chắc đã trêu đùa. Chọc nhầm tổ kiến lửa! Tôi chửi lại ngay. Nhưng dân ba mươi sáu phố phường Hà Nội nào phải tay vừa, đâu có phải là chỗ tôi muốn chửi thế nào thì chửi. Không nhớ nội tình biến chuyển thế nào mà tôi cứ thế biểu diễn một màn thoát y vũ nhớ đời, theo ngôn ngữ của dân vỉa hè thì có thể nói là tôi “nguyên chất”.
Trong cơn điên, tôi cởi tung cả quần áo, cứ nguyên chất như thế mà nằm ngay giữa ngõ, trông ra đường. Nào chỉ nằm không. Vừa nằm tôi vừa khóc, gào rống. Theo lời kể lại của mọi người, tôi đã gào khóc gọi tên Lâm rồi lại gào khóc gọi mẹ:
– Mẹ ơi, cứu con, thằng Lâm nó giết con. Nó giết con này mẹ ơi, ối mẹ ơiiiiiiii!
– Mẹ ơi, con sư tử nó cắn con…
Quang cảnh lúc đó thật hết biết: Trẻ con đứng xem chật đường, ôtô bấm còi inh ỏi vì tắc nghẽn giao thông. Tôi hết gọi mẹ lại gọi Lâm, hết gọi Lâm lại gọi mẹ. Nhưng phỏng có người nào được một thằng đang nguyên chất như tôi gọi mà lại ra. Mẹ giận lắm, bảo: “Mặc kệ! Cho chết luôn! Chết đi, đồ rượu chè”. Mẹ kiên quyết ở biệt trong nhà. Chẳng nhẽ ra để xem thằng con mình đẹp đẽ như thế nào trong mắt mọi người?
Cuối cùng, chị và em gái tôi phải muối mặt chui ra, mặc quần áo cho tôi rồi khênh vào. Tôi phản ứng quyết liệt, giãy giụa, cào cấu, khóc rống lên: “Chị cũng như mẹ, không thương em. Chị để thằng Lâm nó giết em, chị ác lắm!”. Em gái tôi cứ phải ôm chặt lấy tôi để vừa giữ chân tay vừa che ông anh, còn chị thì vừa mặc quần cho tôi vừa dỗ dành: “Được rồi, được rồi, chị thương cậu, thương lắm”. Ấy là sau này mọi người kể lại chứ lúc đó tôi còn biết gì nữa đâu. Sáng hôm sau mở mắt ra, tôi thấy mình nằm trên đệm, ngay tầng một (bình thường tôi ngủ trên gác). Mẹ tôi mắng:
– Xấu hổ lắm. Đi ra sông tự tử đi, chết luôn đi cũng được. Hôm nay có ra đường thì lấy cái mo cau mà úp vào mặt nhé. Rượu chè đến thế là cùng, đái cả ra quần, cởi hết cả quần áo ra, kêu kêu khóc khóc như cái thằng rồ ấy.
Xấu hổ thật. Tôi xấu hổ không biết trốn ở đâu. Xấu hổ với bà con láng giếng, với bản thân mình… Rồi lại thấy buồn quá, tê tái hết cả cõi lòng. Sao lại khổ thế cơ chứ? Tự nhiên thì lại trần truồng lăn lóc ra giữa đường, làm trò cười cho thiên hạ. Lộ hết người ngợm ra chưa đủ, tôi còn lộ cả chuyện với Lâm, gọi tên tình nhân inh ỏi cả phố. Không còn biết chui vào đâu cho đỡ nhục nữa.
Vụ thoát y vũ đó đã hầu như kết thúc câu chuyện của tôi với Hoàng Lâm. Nó cũng là lúc tôi nhận ra và chấp nhận rằng Lâm đã tuyệt giao với tôi, rằng mọi chuyện giữa tôi và Hoàng Lâm đã hoàn toàn kết thúc. Kết cục đó chấm dứt chuỗi ngày sống lê lết của tôi, chuỗi ngày tôi để cho mình đắm đuối vào một câu chuyện vô vọng.
Nhưng kết thúc đó cũng mở ra một nỗi buồn mới mà nhiều khi nó vẫn đeo đẳng tôi tới tận bây giờ, nỗi buồn tê tái, thấm thía của một thân phận nửa bóng. Trong tất cả các bạn học của tôi năm xưa, đám con trai không ai có số phận như tôi. Nói cho đúng, cũng có một cậu bạn đồng tính, nhưng cậu ta giữ tuyệt mật chuyện đó và vẫn lấy vợ, sinh con bình thường. Có lẽ chỉ mình tôi biết cậu ta là gay, nhờ những biểu hiện mà riêng dân bóng hiểu với nhau. Tóm lại, chỉ mỗi tôi là “nặng nghiệp” nhất, suốt đời lận đận tình trường, học hành dang dở, chẳng làm nên vương nên tướng gì.
Còn cô bạn lớp phó xinh xắn, mắt to tóc quăn, mà tôi từng thích và mơ lấy làm vợ năm nào, mãi tới 41 tuổi mới lấy chồng. Bạn bè ai cũng thương, nghĩ đời cô khổ, vất vả chuyện chồng con. Lại cũng chỉ vài người hiểu tại sao, trong đó có tôi. Khi biết lý do, tôi thấy hơi ngạc nhiên, nghĩ đến hai từ “định mệnh”: Sao ngày xưa tôi lại từng thích cô ấy? Nàng cao số bởi vì… nàng là lesbian!
k
Bây giờ, tôi thỉnh thoảng vẫn gặp Lâm. Gặp để nhìn lại người xưa. Lâm đã đi cùng với tôi một đoạn đường khó khăn, dù có lẽ Lâm không bao giờ biết điều đó. Tôi cũng không biết mình có nên hàm ơn Lâm không. Vì nếu không phải là Lâm có thể tôi đã rơi vào một vực sâu nào đó mà đến giờ vẫn chưa ngóc đầu lên được để tìm ra chính mình. Lâm đi cùng với tôi giai đoạn tranh tối tranh sáng trong đời. Nếu cuộc đời tôi có bóng tối và ánh sáng, thì Lâm đã đi cùng tôi trong giai đoạn bóng râm của cuộc đời, giai đoạn mà tôi vẫn còn chạy một chút ở bên này, một chút ở bên kia. Kết thúc câu chuyện với Lâm tôi đã chạy hẳn về một bên. Chẳng biết gọi nó là bóng tối hay ánh sáng. Trong con mắt một số người, đó có thể là bóng tối. Đối với bản thân tôi, con người ẩn sâu trong tôi đã được đi từ bóng tối ra ánh sáng. Lần thứ hai tôi được sinh ra ở đời, để là chính tôi và để đối mặt với những khó khăn đau đớn của kiếp đồng tính.
Về phần Lâm, có lẽ là thôi, mọi thứ cứ để tự nhiên như nó vốn thế. Nói cho công bằng, tôi cũng không thể đòi hỏi nhiều hơn ở một người đàn ông bình thường như Lâm. Thân phận người đồng tính có lẽ cũng giống hạt mưa sa. Mỗi người một số phận, một con đường trong hành trình tìm ra chính mình. Có người gặp may mắn, thuận lợi, có những người thì quá đỗi truân chuyên trong hành trình ấy. Thật ra nếu nói là “may mắn, thuận lợi” thì đã dùng từ sai mất rồi. Chỉ là may mắn, thuận lợi hơn người đồng tính khác thôi. Chứ đã sinh ra làm thân “bóng”, dù là nữ hay nam, thì bạn cũng sinh nhằm giờ xấu, ngày xấu, tháng xấu, năm xấu và dưới một ngôi sao chiếu mạng đen đủi…
k
Tuổi thơ của tôi.
Bây giờ đôi khi tôi vẫn nghĩ, những năm thơ ấu, khi còn chưa biết mình có khuynh hướng tình dục khác người, tôi có hạnh phúc không nhỉ? Tôi không nhớ nữa, lâu quá rồi. Những năm tháng ấy quá ngắn ngủi và đã mờ đi trong ký ức tôi như chìm trong một màn sương. Từ khi biết yêu người đồng giới, tôi không còn một khoảng thời gian nào hạnh phúc rõ rệt nữa. Tất cả hạnh phúc đều bị hòa trộn với khổ đau và nước mắt, cả hận thù.