#136: Bóng – Phần 6

NHỮNG PHẦN TRƯỚC – CLICK

shadow2, photo, hinh anh, upload, download

Sóng ngầm

Dân bóng nhiều người tin vào sự tồn tại của cõi âm hay một thế giới tâm linh nào đấy. Họ rất chăm chỉ cúng lễ, hay lên chùa dâng hương, đi tìm một chỗ dựa tinh thần cho mình.

Tôi cũng thích vào chùa, thỉnh thoảng có đi hầu đồng và xem bói – tử vi, tướng số, bói bài Tây. Lá số tử vi của tôi là tuổi Bính Ngọ, nam mệnh, Thiên Hà Thủy. Vẫn là nam mệnh. Không hiểu với những cô bóng lộ hoặc đã chuyển đổi giới tính, lá số tử vi sẽ như thế nào và liệu có giải đúng không? Chỉ biết, về cái số của tôi, các thầy phán cũng chung chung, đại loại “trẻ thì nghèo, càng về già càng khá giả”, “hồi nhỏ khó nuôi”, vân vân. Duy có thầy tướng bảo tôi: “Mắt cậu là đôi mắt sầu, không cẩn thận bị điên tình. Cậu có căn cô quả, sống cô đơn, lúc nào cũng cô đơn, có ở giữa đám đông hàng nghìn người thì cũng thế”. Một ông thầy tử vi thì cầm cái bút, gõ lốc cốc vào tờ lá số: “Đây này. Cậu mạng Thiên Hà Thủy, nước trên trời. Bạn trai cậu (hồi đó tôi ở với Hưng) mạng Đại Hà Thủy, tức là con sông lớn dưới mặt đất. Nước từ trên trời đổ xuống bao nhiêu cho vừa con sông lớn được, nên cậu làm ra bao nhiêu sẽ bị nó hút bấy nhiêu, hút cho bằng hết”.

Tôi nghe nhưng cũng chỉ biết vậy, không lo mà cũng chẳng buồn. Tôi quen với việc bị mọi người chê trách vì thói lụy tình rồi.

Nhưng khi đã mất hết niềm tin, nhất là niềm tin vào bản thân, trong cơn tuyệt vọng, người ta hay tìm đến bói toán như một nơi để giải tỏa. Vào những ngày tháng đen tối của cuộc đời, khi tình yêu tan vỡ, tôi vẫn thường nhớ đến những lời thầy bói nói. Nhớ để mà nghiệm, rồi tự an ủi mình rằng tất cả đã là số phận, do ông trời quy định, tôi chẳng thể làm gì được. Tôi sinh ra là người đồng tính, âu cũng là số phận. Đạo Phật có nói mọi điều xảy ra trên đời đều do karma (nghiệp). Nếu một người bị đồng tính, đó là do karma xấu của anh ta, và anh ta phải chịu đựng trong kiếp này để kiếp sau bớt karma xấu đi. (Theo như tôi biết, Phật giáo có cái nhìn khá rộng lượng với chuyện đồng tính luyến ái. Vì lẽ đó, người đồng tính vẫn có thể sống thoải mái ở một quốc gia Á châu như Thái Lan, nơi có quốc giáo là đạo Phật).

Có phải karma của tôi, phận của tôi, căn của tôi, là đồng tính không? Từ khi nào nhỉ, tôi biết mình mang một khuynh hướng luyến ái khác lạ? Từ khi nào tôi biết yêu thương người đồng giới?

Đồng cô!

Tôi gặp người đồng tính đầu tiên khi còn là một đứa trẻ. Thấm thoắt đã hơn ba chục năm.

Đó là một đêm hè của Hà Nội cuối những năm bảy mươi. Buổi tối, toàn thành phố cúp điện. Nhập nhoạng, tối tăm, muỗi nhiều như trấu. Trẻ con chỉ cần ngửa mặt lên trời “u, u…” mấy hơi là muỗi ù ù kéo đến vằn vện trên đầu. Cộng cùng cuộc sống ngột ngạt thời bao cấp, cái nắng gay gắt ban ngày dường như đã hút kiệt sinh khí mỗi người. Trong bóng tối nhờ nhờ sau bữa cơm chiều, người dân quanh khu vực Hồ Gươm kéo nhau ra vỉa hè ngồi hóng mát, xua đi cơn nóng bằng những chiếc quạt nan phe phẩy. Trời im gió, cây lá lặng lẽ. Thảng hoặc mới có một làn gió man mát thổi qua.

Đêm về, người qua Hồ Gươm thưa dần. Tới mười giờ thì đường phố vắng ngơ vắng ngắt, thỉnh thoảng lắm mới có một xe đạp túc tắc đi ngang. Chơi chán, tôi và bạn bè trải chiếu, nằm trên vỉa hè đếm xe. Đếm chưa tới mười, giấc ngủ đã đến.

Rồi tới khuya, khuya lắm, tôi lơ mơ nghe tiếng người mỗi lúc một gần. Đứt quãng trong giấc ngủ, tôi nghe những tiếng thì thào lọt vào tai. Cả tiếng cười khe khẽ từ hai người đàn ông:

– Nó ngủ mày ạ!

– Ừ.

Họ cúi xuống. Tôi tỉnh hẳn và kịp nhận thấy những bàn tay đang chạm vào mình. Sờ soạng nơi mắt cá, rồi cứ thế dần vuốt ngược lên, mỗi lúc một mạnh bạo và gấp gáp hơn. Sự tò mò của trẻ con khiến tôi cố nằm im. Nhưng chỉ được một lát, không chịu nổi, tôi hất những bàn tay ấy ra và cựa mình. Lập tức, hai bóng đàn ông đứng dậy, lẩn nhanh vào bóng tối.

Hôm sau, nghe kể chuyện, một đứa bạn tôi xanh mặt, thì thào:

– Đồng cô đấy!

– Khéo mà thành đồng cô đấy con ạ!

Có lần, cô tôi đã trừng mắt mắng như vậy khi thấy tôi thử nhai trầu. Sự tò mò ấy cũng bắt nguồn từ việc tôi ham đi lễ. Chỉ là một đứa trẻ, tôi đâu hiểu đi lễ là gì. Chỉ biết mùi nhang và cảnh tấp nập tại chùa luôn khiến tôi háo hức.

Đi chùa, tôi thỉnh thoảng gặp những người bị gọi là đồng cô. Phố tôi ở có một người như thế. Tên ông là Sáu. Đứng tuổi và thường xuyên hầu đồng, ông Sáu có giọng nói ẽo ợt, nhão nhoét khiến người nghe nổi da gà. Dáng đi của ông thì ẻo lả như phụ nữ, cộng cùng đôi môi ăn trầu như dày thêm lên và luôn đỏ nước cốt. Ông Sáu rất chua ngoa, lắm điều, sẵn sàng ngoạc miệng để “đào mả tổ” đứa nào dám nhắc đến hai từ đồng cô trước mặt ông.

Đồng cô!

Vài chục năm trước, người ta vẫn gọi chung những kẻ thuộc giới tính thứ ba bằng cụm từ đầy miệt thị ấy. Trong con mắt họ, đồng cô là một thứ quái dị. Người ta không biết tới những cụm từ “đồng tính”, “pêđê”, “bóng kín”, “bóng lộ” như bây giờ.

Có người hỏi tôi: Tại sao bây giờ, đồng tính mọc lên như nấm sau mưa? Có phải đó là căn bệnh theo kiểu “no cơm ấm cật”, chỉ phát ra khi con người ta không còn lo cơm ăn áo mặc và đã thừa đủ nhu cầu?

Không phải vậy. Câu trả lời đơn giản nhất là: Những con người ấy trong xã hội vài chục năm trước vẫn phải cố khép mình, nhận chìm những nhu cầu để sống. Lộ ra, họ lập tức bị coi là bệnh hoạn. Còn bây giờ, khi cuộc sống thay đổi và cách nhìn về người đồng tính cũng dần bớt đi sự khắt khe theo thời gian, họ đã có nhiều hơn cơ hội để sống theo đặc điểm giới tính của mình. Nên chúng ta mới có cảm tưởng đồng tính thời nay mọc lên như nấm sau mưa.

Nghĩ lại, thấy thương cho những người đồng tính thời xưa.

Và cũng đáng thương cho một người đồng tính như tôi bây giờ.

k

Tôi sinh đầu năm 1967, tuổi âm Bính Ngọ. Trước đó, anh trai kế trên tôi chết đuối ở nơi sơ tán. Thời gian mang thai, mẹ tôi khóc rất nhiều. Chẳng biết có phải vì thế mà sau này, tính tôi luôn đa sầu đa cảm. Tôi hay khóc, hay buồn vu vơ, hay hờn dỗi, và hay mơ mộng nữa.

Mất đứa con trai duy nhất, cả nhà đều mong mẹ tôi sẽ sinh hạ một thằng cu. Ngày đó chưa có phương tiện siêu âm nên khi tôi ra đời, gia đình mừng lắm. Chào đời, tôi nặng bốn cân ba, cực hiếm đối với trẻ sơ sinh thời bấy giờ. Bà đỡ chia vui với mẹ:

– Đấy, chị ở hiền gặp lành. Vừa mất con trai, giời Phật lại cho một đứa khác còn đẹp hơn thằng trước. Thằng bé to khỏe thế này mà đẻ ra mấy phút mới khóc. Chắc khi lớn, nó có gì đặc biệt lắm đây.

Sinh con vào thời chiến tranh nên bố mẹ đặt tên tôi là Dũng – cái tên phổ biến của con trai khi đó. Tên không đệm, rất đơn giản: Nguyễn Văn Dũng.

Tôi trải qua một tuổi thơ bình thường. Bố tôi lái xe, sau vào làm ở một hợp tác xã cơ khí. Mẹ tôi bán thịt bò tại chợ Hàng Bè nên gia đình cũng có đồng ra đồng vào, có thể nói là đủ ăn. Khoảng năm 1977, tức là năm tôi lên 10, mẹ tôi phải vào hợp tác xã mì sợi làm công ăn lương, bố nghỉ hưu mất sức, nên kinh tế bắt đầu đi xuống. Mải lo làm ăn, nhà lại đông con quá nên bố mẹ không còn nhiều thời gian để chăm sóc tôi. Chỉ thỉnh thoảng có lúc rảnh rỗi, bố dẫn tôi đi mua mấy món đồ chơi con trai như súng phun nước, ôtô, máy bay, tàu thủy. Như mọi người cha khác, có lẽ ông thầm hy vọng thằng con lớn lên sẽ trở thành người đàn ông mạnh mẽ, giàu nam tính.

Thế nhưng trái với mong muốn ấy, trong thâm tâm, tôi chỉ thích những trò chơi lành lành của con gái, giống như các chị: nhảy dây, ô ăn quan, đánh chuyền đánh chắt… Tôi bắt các chị đi mua bát, đĩa đồ chơi, vặt lá cây để ngồi bày biện nấu nướng. Tôi thích chơi đồ hàng, búp bê, nhảy dây. Còn những trò mà bọn con trai cùng lứa hay chơi như đá bóng, đánh đáo, leo trèo, tôi lại không hề ưa. Vừa mệt người vừa căng thẳng. Lắm hôm bị bọn chúng đuổi, tôi chạy tưởng đứt ruột, sợ và ghét lắm. Nói cho đúng thì lũ con trai cũng chẳng thích chơi với tôi, vì tôi hay kêu mệt, đá bóng kém, vào sân thì chỉ chăm chăm đạp vào chân bọn chúng. Mấy thằng tức, chỉ mặt tôi chửi nhao nhao: “Lần sau không cho thằng Dũng đá nữa, nó chơi bẩn lắm”. Không phải tôi cố ý đá bẩn, nhưng quả thật tôi không thích tham gia tí nào, mệt, đau người chết đi được, chỉ là cố cho nó “hòa mình với quần chúng”.

Một bận chơi trốn tìm, đến phiên mình nấp, tôi bỏ về nhà nằm ngủ, mặc kệ cả hội đi tìm hết hơi. Sau lần ấy, bọn con trai chán chẳng buồn chơi với tôi. Chúng không rủ, tôi cũng chẳng lấy thế làm buồn, quay ra chơi những trò chơi hiền lành của con gái. Tôi thích chơi với con gái còn vì khoái ăn vặt, đặc biệt ưa của ngọt – bánh quy, kem, kẹo mút… Ngồi trong lớp, rúc rích chuyền tay nhau que kẹo mạch nha hay viên ô mai, nhất là lúc đang đói đang thèm, thì còn gì thú vị bằng.

Tính tôi mơ mộng từ bé. Những năm cấp I, tôi học rất khá môn văn. Lên lớp 2, tôi thích ngay cô lớp phó hoa khôi, tóc quăn, mắt to, má hồng, xinh nhất lớp. Tôi từng mơ thấy chúng tôi lấy nhau, nhưng hai vợ chồng không lớn lên mà cứ mãi mãi trẻ con như thế, mãi mãi đi học cùng nhau.

Điều quái ác nhất của bọn con trai lớp tôi ngày ấy, là chúng cứ hay gọi tôi là “Dũng đồng cô”, vì tôi ăn trầu. Không hiểu sao ngày ấy tôi lại hay nhai trầu bỏm bẻm, mặc dù chỉ nhai ở nhà và không nghiện (khi lớn lên thì không ăn trầu nữa mà chuyển sang hút thuốc lá, uống rượu, tửu lượng cũng chẳng đến nỗi kém). Nhiều hôm tôi đến lớp với đôi môi đỏ thẫm, một lần còn bị say lảo đảo, thế là chẳng giấu vào đâu được nữa, cả lớp đều biết “Dũng đồng cô” ăn trầu. Lắm lúc bọn chúng trêu dữ quá, tôi tức đỏ mặt, vừa khóc vừa chửi lải nhải, bị cả bọn đuổi theo đánh túi bụi. Những chuyện ấy, người lớn có biết thì cũng mặc kệ, chẳng can, chắc ai cũng nghĩ đó là trò trẻ con, đứa trẻ nào chẳng có biệt hiệu gì đấy. Nói chung, tôi thuộc dạng to cao nhất lớp, nhưng tính lại hiền nên hay bị bắt nạt. Có khi đứa bé hơn hẳn cũng bắt nạt được. Lâu dần, tôi chỉ thích chơi với con gái, chẳng thích nhập hội với đám con trai nghịch như quỷ nữa. Dù vậy, cho tới năm 12-13 tuổi, quan niệm về giới tính trong tôi vẫn chưa rõ ràng. Nói cho đúng, giới tính được xác định từ sự điều tiết hoóc môn trong cơ thể; có lẽ khi người ta còn nhỏ, các tuyến hoóc môn chưa phát triển, nên khuynh hướng giới tính và tình dục chưa thể hiện ra hết.

Tuy nhiên, đam mê thật sự của tuổi thơ tôi không phải là những trò nhảy dây, đánh chuyền đánh chắt. Những năm tháng ấy, tôi đặc biệt mê cải lương và ca vọng cổ. Tôi hát cải lương suốt ngày. Hàng ngày, khi giúp mẹ thái thịt, lạng mỡ để bán, tôi cũng lẩm nhẩm mấy câu ca vọng cổ. Hàng xóm hay đùa:

– Sao thằng này thích hát thế này mà không đi thi tuyển vào đoàn cải lương nào đi? Lại cứ ngồi nhà thái thịt.

Tôi mê tới mức, khi mẹ cho tôi vào Sài Gòn thăm ông bà ngoại, cứ tối tối là tôi đi xem cải lương. Máu nhuộm sân chùa, Đường gươm Nguyên Bá, Lan và Điệp, Bên cầu dệt lụa… toàn những vở tuyệt hay. Mỗi khi bật cải lương, tôi quên hết mọi sự, hoàn toàn hóa thân vào nhân vật để cùng hát, cùng vui, cùng buồn, cùng cười, cùng khóc. Nó là góc riêng của tôi, một thế giới thật tươi đẹp, lộng lẫy sắc màu, là nơi tôi có thể đắm chìm vào mộng mơ và tưởng tượng.

Tôi tìm chép những tập cải lương in trên giấy, mang về nhà tập hát. Có bữa hát suốt tối, ngẩng lên tôi đã thấy mẹ đứng đó từ bao giờ.

Bà lắc đầu:

– Các cụ dạy: “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”. Mày là con trai mà thích nghe cải lương thế này, mẹ không cấm. Nhưng khéo rồi sau này đa sầu đa cảm đấy con ạ, cả đời thương vay khóc mướn thôi.

Mẹ hỏi bà ngoại:

– Mẹ ạ, thằng bé này đàn ông con trai mà nó lại đa sầu đa cảm. Con thấy hơi lo lo. Hay lúc có mang nó, con khóc lóc buồn phiền nhiều quá nên nó thành ra thế này?

Không nhớ bà ngoại trả lời thế nào. Còn về phần mình, tôi vẫn mê mải với cải lương. Ngày lại ngày, những câu hát cứ dần đi mãi vào trong trí nhớ của một đứa trẻ. Bây giờ, mỗi khi nhớ đến mẹ, tôi lại nhớ đến câu vọng cổ ngày ấy thường hát:

“Xin gió Nam non thổi lòn con mắt

Cho mát con tôi ngủ trọn đêm này”.

Với tôi, cải lương là một món quà của số phận. Sau này, khi tôi đã lớn và nếm đủ mùi bất hạnh tình trường, cải lương vẫn cứ là cõi riêng bình yên của tôi, để tôi vùi mình trốn chạy những gai góc của cuộc sống. Nghe những giai điệu vọng cổ, tôi thấy nỗi buồn nguôi ngoai dần, để rồi lòng lắng lại và dịu bớt đi. Nhất là khi kết thúc một cuộc tình, khi người ta bỏ đi hoặc tình cảm đã nhạt nhòa, trong đầu tôi lại vang lên một câu vọng cổ trong Đời cô Hạnh:

“Tình thì lợt lạt, nghĩa phôi phai”.

k

Đồng cô!

Cái tên ấy ám vào tôi như thể định mệnh. Ngày ấy, đã ai biết thằng Dũng lớn lên sẽ như thế nào. Đã ai biết “đồng tính” là cái gì. Ai mà ngờ được cái thằng bị gọi là “Dũng đồng cô” ấy, sau này lại hóa ra đồng tính thật.

Mười bốn tuổi, tôi bắt đầu dậy thì: người phổng phao hơn, mặt nổi trứng cá, giọng bắt đầu khào khào, cùng những lần mộng tinh đầu tiên… tóm lại, đầy đủ những biểu hiện dậy thì về sinh lý của một thằng con trai. Cùng những biến đổi về mặt thể chất đó, tôi chợt nhận ra một vài điều rất lạ trong tâm lý mình. Đầu tiên, phải nói rằng tôi vẫn thích chơi với bạn gái, vì con gái hiền lành, dễ chia sẻ, và không chỉ thế, tôi lại có cảm giác họ hiểu tôi hơn con trai. (Bây giờ thì tôi thấy điều đó dễ giải thích thôi, bởi vì tôi cũng giống như họ, giống nhau thì dễ hiểu nhau hơn.) Nhưng tôi lại chỉ thấy hân hoan khi thủ thỉ cùng bạn trai, nói chuyện với nhau về những dấu hiệu mới lớn của tuổi dậy thì. Thằng bạn nào có gương mặt hay hay, tôi đều thấy thích: thằng T. ngồi bàn trên, thằng M. dãy bên kia, phía gần cửa sổ. Mỗi khi bọn chúng quay mặt lại, tôi đều tự hỏi có điều gì trong lòng khiến tôi thấy xôn xao, rạo rực? Khuôn mặt mỗi đứa đều có những nét rất ưa nhìn, như T. có mái tóc hơi xoăn tự nhiên, lúc nào cũng bồng bềnh lượn sóng, rất nghệ sĩ, còn M. có cặp mắt sáng và cái mũi rất thanh tú. Con gái xinh thì tôi cũng biết trong lớp có mấy đứa, cũng hiểu rằng chúng nó xinh, nhưng không hiểu sao tôi không để ý lắm, mà chỉ hay nghĩ tới gương mặt T. và M. Với tôi lúc ấy, con trai như là cả một thế giới khác, đẹp và khó hiểu, đầy những thứ cần khám phá.

Sao tôi lại muốn khám phá chúng, trong khi lẽ ra tôi phải hiểu chúng hơn con gái? Quái dị hơn nữa, tôi bỗng thấy muốn ngắm nhìn cơ thể con trai, và khi được chạm tay vào người T. và M., tôi thấy vui lắm, thích lắm. Cũng may, khác với việc phải giữ ý trong quan hệ với bạn nữ, khi có một lũ con trai với nhau, chúng tôi có thể động chạm như bạn bè mà không sợ gây hiểu lầm.

Tôi ngạc nhiên tự hỏi: sao vậy? Sao tôi lại thích ngắm con trai? Sao tôi lại xao xuyến trước những gương mặt đẹp của con trai? Sao tôi không hề thấy lũ con gái là khó hiểu như người ta vẫn thường nói? Tôi băn khoăn, rồi tôi tự cắt nghĩa: Cái đẹp thì ai mà chẳng thích, con trai đẹp cũng thu hút mắt người nhìn chứ. Còn tôi thấy con gái gần gũi và dễ hiểu hơn con trai, có lẽ vì chơi với chúng nó đã lâu. Chắc thế.

Nhưng khác biệt không dừng lại ở đó. Bắt đầu tới thời điểm hai giới có sự phân chia rõ nét. Tôi nhanh chóng nhận ra sự thay đổi ở con gái: Đầu tiên là những sợi dây áo con hằn lên sau làn vải áo sơ mi của học sinh. Rồi mỗi khi cả lớp kéo nhau đi tham quan nơi nào có sông hồ, chúng tắm nguyên cả áo. Chúng không thích có mặt tôi làm mì chính cánh trong cả đám. Nhưng chúng không hề biết rằng tôi… vẫn thích được ngồi với chúng, nghe những chuyện chúng thì thầm, rúc rích kể cho nhau, hay là chuyền tay nhau cuốn sổ bài hát mực tím, hoa bướm bay lượn đầy cả trang. Tất nhiên, chúng còn rỉ tai nhau những chuyện mà tôi không bao giờ được phép nghe. Con trai bắt đầu phải làm những việc tạm gọi là nặng hơn, như trong giờ lao động, chúng tôi phải đắp đất, vác gạch, chặt cây, leo trèo sửa bóng điện v.v… Không ai biết tôi cảm thấy khó chịu khi nghe thầy giáo phân công: “Mấy anh làm cái này cho tôi, để con gái làm việc nọ việc kia…”. Tóm lại, con gái không còn chấp nhận tôi nữa, mà tôi thì chưa hòa nhập được với đám con trai. Một cảm giác “không thuộc về bên nào” bắt đầu xuất hiện.

Lúc đó, tôi vẫn chưa có khái niệm “đồng tính” trong đầu. Mà thật ra chẳng ai có cả. Thời đó, chỉ có khái niệm “đồng cô”. Khoảng những năm tám mươi, có thêm từ “ái nam ái nữ” và “pêđê”. Từ “đồng tính” là khoa học nhất và xuất hiện muộn nhất, mới có từ thập niên chín mươi của thế kỷ trước thì phải.

Nhìn chung, sự bất thường không làm tôi lo lắng quá nhiều. Chút băn khoăn về mấy chuyện kỳ quặc ấy cũng chỉ vừa đủ để tôi có ý thức che giấu bản thân trước mọi người, theo cái cách đơn giản là không bao giờ nói với ai rằng tôi thích vẻ đẹp của thằng T. thằng M. lớp mình. Đi lao động cùng cả lớp, tôi vẫn hăng hái bê gạch, vác củi, gánh nước, sửa điện… và lén nhìn những đôi vai trần loang loáng mồ hôi của các bạn trai. Tôi cũng thích trang trí sổ tay, vẽ hoa vẽ bướm cho mấy cô bạn gái trong lớp, và vểnh tai nghe các cô xuýt xoa: “Dũng khéo tay thế, eo ôi, thích thế…”.

Nhưng rồi, cũng vào cái năm đầu tiên của tuổi dậy thì ấy, tôi đã sa vào “giấc mơ tình yêu” đầu tiên của mình.

Chàng Deyanov trên tàu điện

Nhà gần Hồ Gươm, từ nhỏ tôi đã hay ra hồ chơi. Năm lớp 8, tôi quen Hùng – một anh xé vé tàu điện, hơn tôi vài tuổi. Hùng đẹp trai, mũi cao, mặt thon, hơi lạnh. Trong mắt tôi, khuôn mặt của anh khá giống với chàng Deyanov hào hoa trong Trên từng cây số 1 – bộ phim Bulgaria từng thu hút khán giả một thuở, nói theo cách nói bây giờ là phim “hot” của thời ấy. Tôi hay ra nói chuyện với “Deyanov” tại ga tàu điện. Deyanov cũng rất quý tôi.

Phải thừa nhận rằng tôi là đứa không chí thú học hành, mặc dù khá chăm đọc sách đọc truyện và giàu tưởng tượng. Nói cho đúng thì trong hoàn cảnh xã hội thời ấy, người có học với người ít học sinh sống chẳng khác nhau là bao. Trí thức thì cũng vẫn phải xếp hàng mua gạo mua thịt, còn dân chạy chợ đen có khi nhà lại đủ cả phích nước, đầu máy khâu… Tôi học hành chểnh mảng dần rồi bỏ dở vào cuối năm lớp 8. Tất nhiên, sự học không được khuyến khích chỉ là một phần nguyên nhân, cái chính là tôi lười và thích đi chơi với Deyanov. Tôi cũng chẳng ở nhà giúp đỡ gia đình, thường xuyên ra la cà bến tàu điện ở Bờ Hồ. Bố tôi nổi giận, nện con mấy trận. Một lần bị đòn đau quá, tôi bỏ nhà chạy đến chỗ Deyanov. Anh khuyên:

– Thôi về đi, ai lại bỏ nhà như thế này?

Tôi lắc đầu:

– Chết em cũng không về. Anh đừng bắt em.

Tôi lang thang theo Deyanov cả ngày. Buổi tối, anh dẫn tôi về nhà. Deyanov thương tôi, không muốn tôi vất vưởng nơi đầu đường xó chợ. Anh đâu biết tôi bỏ nhà ra đi một phần vì giận bố, một phần vì thích gần anh.

Deyanov nhà nghèo nhưng sống rất tình cảm. Anh chỉ tôi, nói với mẹ:

– Bố nó đánh đau lắm, cứ như không phải con ông ấy đẻ ra. Nó bảo không có con, nó sẽ bỏ vào miền Nam.

Mẹ Deyanov lắc đầu: “Thôi, để bác nhận mày làm con út”. Bà thương tôi lắm, hay chuyện trò hỏi han, có chút gì ăn cũng để dành.

Nhà Deyanov nghèo đến mức chỉ có một cái giường, nhường cho mẹ anh nằm. Hai anh em phải trải chiếu trên nền đất để ngủ. Đêm lạnh, tôi rất thích ôm anh. Anh bảo tôi:

– Ngủ đừng ôm. Mày làm vậy, anh khó ngủ lắm!

Thế là tôi không dám ôm anh nữa. Nhưng mỗi buổi sáng sớm, tôi thường tỉnh dậy lúc năm giờ, lúc Deyanov còn đang ngủ. Tôi cảm thấy lòng dạt dào niềm vui khi nhìn vào khuôn mặt đẹp của anh. Tôi muốn giơ ngón tay, chạm vào môi anh, mũi anh mà không dám vì ngượng, sợ làm anh thức giấc. Đành nằm yên ngắm anh.

Tôi lâng lâng hạnh phúc khi được theo Deyanov lên tàu điện đi khắp phố phường Hà Nội. Cả thành phố chỉ có hai ngã tư “đèn xanh đèn đỏ” ở Bờ Hồ và Cửa Nam, và hình như đèn cũng ít được sử dụng. Tàu điện leng keng đưa chúng tôi qua những con phố dài, hai bên là nhà cửa xam xám với những cửa sổ xanh xanh, cũ kỹ, những góc tường sứt sẹo dính đầy mạng nhện. Trí óc tôi nhanh chóng ghi nhớ những hình ảnh quen thuộc: Cây bàng lá đỏ thẫm một góc đường Nam Bộ (nay là đường Lê Duẩn), cây đa cổ thụ rợp bóng, những ô vườn rập rờn hoa bướm hồng, hoa mào gà tía ven Hồ Gươm… Chưa ra tới ngoại thành nhưng hai bên đường đã bạt ngàn ruộng rau muống, duối gai, chuối… Hà Nội ngày ấy nghèo lắm nhưng vẫn đẹp, vẻ đẹp thanh bình và nên thơ trong mắt một thằng nhóc mơ mộng là tôi.

Những năm đó, cuộc sống vất vả, gia cảnh Deyanov cũng như nhiều nhà khác rất khó khăn. Lương lậu của anh chẳng được là bao lại phải nuôi mẹ già. Tôi chấp nhận tất cả để được sống gần anh. Nghĩ lại, thời gian ở cùng Deyanov là thời gian tôi bắt đầu có những biểu hiện luyến ái đầu tiên. Anh bảo tôi:

– Tính mày như con gái ấy nhỉ? Hay hát, hay cười nhưng một chốc lại dỗi, lại tủi thân. Thôi, cũng vui!

Một lần, anh kể với tôi về một cô gái hay đi tàu điện. Cô rất thích Deyanov. Đến buổi tối, hai anh chị hẹn nhau đi chơi. Bởi vậy, Deyanov không đi chơi tối với tôi như thường lệ.

– Hay mày đi cùng anh chị cho vui? – Anh hỏi khi thấy tôi tần ngần, mặt xịu ra.

Tôi lắc đầu. Buổi tối nằm chẳng ngủ được, chỉ mong anh về thật nhanh. Hơn mười giờ, Deyanov mới về, hỏi chuyện tôi thì ít mà hào hứng kể chuyện anh chị đi chơi công viên thế nào thì nhiều. Tôi hờn dỗi, mặt sưng lên, miệng ngậm hột thị. Thế mà Deyanov không hề nhận ra. Vậy là tôi đã “ra rìa”. Lòng tủi thân vô cùng. Đêm ngủ, tôi gối đầu lên tay, buồn xo.

Ngay hôm sau, bố phát hiện chỗ ở của tôi. Thì ra mẹ tôi ở nhà nhớ con quá, bắt bố đi tìm. Bố tôi khổ sở mấy tháng trời. Cứ thấy bóng ông là tôi lẩn như trạch. Cuối cùng thì nhờ sự giúp sức của một người quen, bố tôi đã tìm được nhà Deyanov. Ông bắt anh hứa không bao giờ chứa chấp tôi nữa. Rồi lẳng lặng kéo tôi về. May, cả bố và mẹ không ai đánh mắng gì tôi. Hơn thế nữa, lôi được tôi về nhà, bố mẹ còn chiều tôi hơn, như bù lại quãng thời gian tôi sống vất vưởng với Deyanov. Chắc bố cũng sợ đánh đòn đau, ông con lại bỏ nhà đi lần nữa thì hỏng. Mẹ đưa tiền cho bố mua một cái đài JVC – thứ đồ rất có giá trị khi ấy. Rồi bố đưa tôi lên chợ Giời để chọn những băng cải lương yêu thích.

Nhưng chừng ấy cũng không đủ để tôi lấp đi khoảng trống trong lòng. Tôi nhớ Deyanov, nhớ cả tiếng tàu điện leng keng, nhớ mỗi ngày đi cùng anh một vòng quanh Hà Nội. Nghe cải lương, tôi lại càng nhớ thêm. Tôi thấy anh rất giống với kép chính của vở Đêm lạnh chùa hoang. Vở này kể về hai người yêu nhau nhưng không đến được với nhau. Kép chính có vẻ ngoài lạnh lùng, ngang tàng nhưng rất tình cảm. Cứ mỗi khi nhân vật cất tiếng ca, tôi lại hình dung là Deyanov đang hát. Nhiều lần, tôi định chạy ra bến tàu điện tìm anh. Nhưng đều bị ngăn lại.

Mấy tháng sau, tôi biết tin Deyanov đang sống cùng “cô gái hay đi tàu điện”. Họ thương nhau nhưng nghèo quá nên không cưới xin gì. Anh đến nhà tôi, kể chuyện rồi mời qua chơi. Nhưng tôi từ chối.

Deyanov dẫn tôi ra Tràng Tiền chơi, xếp hàng chờ ăn kem. Anh tiếp tục hào hứng kể về cô gái nọ, mối tình của họ cùng những dự định cho tương lai: sẽ bán cái nhà ở xóm liều Thanh Nhàn, mua một nhà mới ở Vĩnh Tuy, đưa mẹ già đến ở. Sẽ làm thêm nghề này, nghề kia kiếm sống – chuốt đũa, đóng chổi, cùng lắm thì xuống Vĩnh Tuy làm mẹt giá đỗ bán ở chợ. Nghe bảo có nơi cần người dán phong bì, thế là có mối rồi. Trong câu chuyện của anh, tôi chẳng xuất hiện lấy một lần.

… Tôi cúi nhặt mảnh vé tàu điện rách ai vứt trên vỉa hè, vò vò nó trong tay rồi vo viên vứt đi. Một làn gió ùa tới, cuốn đi những lá xà cừ vàng thắm cùng bụi đường mờ mịt, làm mắt tôi cay xè. Tôi nghĩ tới cái đám cưới sẽ có trong mơ giữa Deyanov và người yêu anh. Deyanov sánh bước tay trong tay với một cô gái bận chiếc váy cưới trắng muốt. Họ cười rạng rỡ. Sẽ là một điều tuyệt vời. Nhưng điều tuyệt vời chẳng phải dành cho tôi. Tôi không khóc, vì tôi có yêu Deyanov đâu nhỉ? Hình như không. Chắc là không. Ga tàu điện, những hành khách, những nhà những cửa lướt qua hai bên đường, cây bàng lá đỏ ối, những bông hoa bướm tím hồng bên Hồ Gươm… tất cả đều mờ đi chỉ để nổi lên một gương mặt. Tôi đã yêu gương mặt ấy. Không, tôi không yêu Deyanov, không thể, vì tôi là con trai và anh là đàn ông mà. Nhưng sao tôi thấy khủng khiếp đến thế khi nghĩ rằng tôi sẽ không còn được ở bên anh? Sẽ không còn những đêm tôi nằm nghiêng ôm lưng anh, những sáng sớm tôi thức dậy trước để lặng im ngắm anh trong giấc ngủ. Hết thật rồi.

Tôi chạy về nhà, leo lên gác, đóng sập cửa lại.

Tối ấy, tôi bật khóc. Những giọt nước mắt sầu muộn đầu tiên vì chuyện tình cảm. Kể từ đó, tôi không đến nhà Deyanov nữa. Tôi cũng không bao giờ đi tàu điện nữa. Kể cả cho đến những ngày cuối cùng, khi tàu điện ngừng hoạt động và rồi chỉ còn là một biểu tượng của thủ đô Hà Nội xưa.1

Người sĩ quan trên Tam Đảo mù sương

Mười chín tuổi, tôi phải đi bộ đội. Mẹ tôi thương con nên tìm cách chạy chọt để tôi không phải lên vùng biên giới. Cuối cùng, tôi được vào một trung đoàn thông tin, đóng tại Tam Đảo.

Ngay từ hôm đầu vào bộ đội, tôi đã ấn tượng với trung đội trưởng, chỉ huy trực tiếp của mình. Anh tên là Ngọc, mới ba mươi tuổi, đã có vợ và một con trai. Ngọc râu quai nón, có nước da ngăm ngăm và vóc dáng khỏe mạnh.

Điều chết dở là càng ngày, tôi càng thấy mình… thích Ngọc hơn. Tâm lý ngày ấy của tôi lạ lắm, thích nhưng sợ bị phát hiện nên cứ phải giấu giếm. Tôi tìm đủ cách hục hặc, chọc tức Ngọc, vừa để che giấu nỗi lòng mình, vừa để gây sự chú ý ở anh. Nhưng Ngọc không hề ghét tôi. Anh bảo với mọi người:

– Nó ngang ngược nhưng nó là người Hà Nội, tao hợp nó. Nó thế thôi nhưng tính hay lắm.

Chắc chắn, Ngọc không thể biết tôi yêu anh. Của đáng tội, tôi lại là thằng đào hoa trước phụ nữ. Thời gian ở trong quân ngũ, tôi chẳng thiếu gì người hâm mộ là các bóng hồng. Ai mà tin được tôi lại đem lòng yêu mến thủ trưởng của mình! Mà lần này thì không phải là mơ mộng nữa rồi, đúng là tôi thích Ngọc thật. Ban ngày, nhiều lần tôi đã nhìn trộm thân hình anh. Lúc nào tôi cũng muốn làm cái gì đó thật hay, thật đáng yêu, hoặc thật đặc biệt, nổi bật trong đám đông để được anh chú ý. Nhưng đồng thời, tôi cũng tìm đủ cách cư xử xấu với Ngọc. Tôi muốn làm anh ghét tôi để tôi không còn thích anh được nữa. Lòng tôi lúc ấy là một mớ cảm xúc hỗn độn: vừa thích Ngọc vừa sợ điều ấy, vừa muốn gần gũi Ngọc, vừa muốn tránh mặt anh, sợ càng gặp càng yêu anh hơn.

Tam Đảo hồi ấy còn hoang sơ, rất đẹp. Rừng núi điệp trùng, xanh ngăn ngắt. Mỗi sáng sớm, cỏ cây mờ sương, giọt giọt đọng long lanh trên lá làm tôi muốn ngây ngất ngắm nhìn. Buổi trưa, nắng lên, sương tan dần, từ trên núi nhìn xuống thấy đồng lúa xanh biếc như ngọc, mây trắng lờ lững trôi như những con cừu bông đang gặm cỏ. Bản tính mơ mộng trong tôi lại được dịp trỗi dậy. Tôi hay thơ thẩn trong rừng, ngắm hoa bắt bướm, hái lá dương xỉ về ép sổ. Có lần mải chơi về muộn làm Ngọc cuống lên. Anh quý tôi phần vì tôi là người Hà Nội, phần vì tôi có vẻ mộng mơ hiền lành, lại khéo tay và hay lam hay làm – nấu ăn, trồng cây, trồng hoa, trồng rau cải thiện cho đơn vị. Riêng điều này anh không biết: Tôi chăm chỉ thật, nhưng đó còn là vì tôi muốn làm anh vui lòng.

Một lần trời lạnh, Ngọc bảo tôi sang ngủ với anh cho ấm. Tôi đồng ý ngay. Nằm cạnh anh đêm ấy, dù rất muốn ôm chặt nhưng tôi cố kiềm chế. Để rồi, trong giấc ngủ, không hiểu tôi có những hành động vô thức gì không mà sáng ra, Ngọc nhìn tôi lạ lắm. Rất lạ. Hôm sau, không thấy anh rủ tôi sang ngủ cùng. Tôi chủ động gạ, Ngọc “ừ” rất nhỏ. Thế rồi, tôi cũng không sang, lại còn tiếp tục chọc tức anh vài bận trong ngày cho bõ ghét, chê anh ngáy to như sấm khiến tôi không sao ngủ được.

Một hôm, Ngọc dẫn cu con lên đơn vị chơi. Tôi chẳng ưa gì thằng bé ngay từ phút đầu, mặc dù bình thường tôi vốn thích trẻ con. Nó nghịch như quỷ sứ, luôn chân luôn tay, bố quát cũng không sợ. Nhưng ghét nhất là vì sự có mặt của nó làm Ngọc vui lắm, tươi hơn hớn. Anh chỉ chăm chăm khoe con với mọi người. Lại một lần nữa, tôi “ra rìa” thảm hại. Lát sau Ngọc có việc phải đi đâu đó, nhờ chú Dũng trông thằng bé hộ một lúc. Đúng là một dịp để tôi hành nó. Ở với thằng bé, tôi không chiều chuộng gì, kệ xác nó muốn làm gì thì làm. Ngồi mãi một chỗ, chán quá, thằng bé đòi đi chơi. Tôi cực chẳng đã phải dẫn nó đi. Đường núi dốc ngược, thằng bé kêu mỏi chân, tôi gắt ầm:

– Không bế ẵm gì cả, mày tự đi bộ đi.

Trời nắng, mụn nhọt rôm sảy nổi khắp người, thằng bé khóc sụt sịt. Tôi gầm lên:

– Mày đi bộ đi. Tao ghét mày. Biết không? Tao ghét mày.

Tôi vừa tức Ngọc, vừa thấy ghét vợ con anh, đàn bà trẻ con lắm chuyện, rách việc. Tôi nhất định không bế thằng bé, cầm cái roi, vụt vào chân nó mấy phát: “Nín ngay! Không đi này. Khóc hả? Khóc hả?”. Thằng nhóc sợ quá im bặt. May cho tôi, Ngọc không hề biết chuyện đó. Nếu biết, anh sẽ chẳng hiểu ra thế nào. Chỉ có mình tôi hiểu: Tôi ghen với vợ con anh.

Hết hai năm rưỡi, tôi giải ngũ. Thời gian đầu, tôi bùi ngùi nhớ Ngọc. Rồi công việc và bạn bè cuốn hút, hình ảnh Ngọc mờ nhạt dần. Đã tưởng phôi pha thì bỗng một lần, anh về Hà Nội thăm tôi. Đang nằm đọc truyện trên gác, tôi nghe tiếng Ngọc cười nói dưới nhà với bố. Chất giọng quen thuộc ấy, không bao giờ tôi quên được:

– Thôi, cứ cho em nó ngủ, con với bố nói chuyện với nhau.

Tôi nằm yên, tâm trạng xốn xang. Một niềm vui lâng lâng trong lòng: Đêm nay, Ngọc sẽ ngủ với mình. Thôi, xa nhau mãi rồi, bây giờ chẳng cần ý tứ nữa.

Quả thật, đêm ấy chúng tôi ngủ chung. Tôi ôm Ngọc rồi bắt đầu sờ soạng. Ban đầu, anh gạt tay tôi ra rồi nằm quay sang bên kia. Nhưng không chịu nổi, tôi lại tiếp tục. Lần này, Ngọc để yên, nhưng cũng không hưởng ứng những hành động ấy.

Ngày ấy, còn thiếu kinh nghiệm, câu chuyện cũng chỉ dừng tại đó. Sáng hôm sau, ngồi ăn cơm, Ngọc ngượng không dám nhìn vào mặt tôi. Lòng tôi thấy buồn và tiếc khi anh nói sẽ về luôn. Tôi giữ lại không được.

Sau lần gặp ấy, tôi cũng không nhớ Ngọc nhiều. Nhưng, chuyện xảy ra khiến tôi ý thức rõ ràng hơn về giới tính của mình. Tôi nhớ lại cảm giác rạo rực và hưng phấn khi nằm gần hoặc chạm vào người anh. Nhìn lại chuyện của Ngọc, tôi nhận ra mình thích anh nhưng lại lo sợ khi đối mặt với điều ấy. Vừa muốn ở gần, vừa muốn tránh xa Ngọc – đó là một cảm giác rất khó diễn tả. Dường như cảm giác ấy chỉ có ở những người tự thấy mình thấp kém và chỉ có thể yêu đơn phương một bóng hình. Nói cách khác, tôi tự hiểu mình “không với tới” Ngọc được, vì anh là đàn ông, đã có vợ. Anh sẽ chẳng bao giờ đáp lại tình cảm của tôi.

Rồi nhìn lại những ngày sống cùng Deyanov, tôi chợt hiểu thêm về nỗi nhớ da diết mỗi khi xa anh. Tôi biết tôi yêu Deyanov và bây giờ là yêu Ngọc.

Phát hiện ra điều ấy, tôi thấy hoang mang, lo sợ và xấu hổ. Dần dần, nỗi hoang mang lo sợ biến thành kinh hãi. Tôi làm sao thế này? Tại sao tôi lại nhớ nhung, khao khát đến như vậy, mà hỡi ơi, cái sự nhớ thương chỉ dành cho đàn ông? Tôi nhớ Ngọc như đã từng nhớ Deyanov, nhớ gương mặt anh, nhớ những câu nói của anh với tôi, nhớ những lúc ở gần anh. Dù có dằn vặt thế nào, tôi cũng không thể thoát ra ngoài cảm giác ấy.

Sợ lộ chuyện, lúc nào tôi cũng lo lắng tìm cách đối phó với mọi người. Bạn gái của tôi có vài người, nhưng không bao giờ tôi dám tâm sự với họ. Với con trai lại càng khó. Lẽ đương nhiên, tôi cũng không có bạn là những người đồng tính để chia sẻ.

Một phần sự bối rối của tôi bắt đầu từ việc thời đó, xã hội không biết nhiều về khái niệm đồng tính. Sách vở, thông tin về giáo dục giới tính cực kỳ thiếu thốn. Tôi vào cả thư viện đọc sách, nhưng cũng không biết mình cần tìm kiếm cái gì. Tôi đâu đã biết tới những “từ khóa” như: đồng tính, bóng, pêđê, gay, lesbian… Hầu như chẳng ai đề cập đến chuyện ấy. Và cứ thế, tôi sống với một bí mật khủng khiếp về bản thân: Tôi, một thằng con trai hai mươi tuổi, khỏe mạnh cao lớn, lại chỉ yêu và nhớ đàn ông.

(Visited 4 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments