Tuyệt vọng
Từ hôm ấy, tôi gọi điện xuống Nam Định, Nhân không nghe máy nữa. Nhà bà Tiêu hàng xóm nhận điện, lúc nào cũng bảo một câu rằng Nhân đi vắng. Tôi lại lồng lộn, tức không chịu nổi. Tôi nói với bà Tiêu: “Cô ơi cô, cháu làm trên Hà Nội. Thằng Nhân nó làm cùng chỗ cháu. Nó hư hỏng lắm cô ạ. Không biết bây giờ về nhà thì nó thế nào, chứ ở trên này, nó nghiện ngập đấy, toàn đi yêu cave thôi cô ạ, kinh lắm”. Tôi cứ bôi nhọ Nhân cho sướng miệng, cho bõ ghét. Thế nhưng, kể cả tôi có lồng lộn trả thù, hắn cũng mặc kệ, chẳng thèm trả lời.
Những ý nghĩ đen tối quần thảo trong đầu, mặt tôi thâm lại, má hóp vì thiếu ngủ, hai mắt đỏ ngầu ngầu. Quang đến thăm. Nhìn tôi xộc xệch thảm hại, hắn thương tình bảo:
– Thôi, anh yêu nó quá như thế thì… Em cũng từng có lần chia tay bạn gái rồi, em hiểu. Được rồi, anh yên tâm đi, về Nam Định với em. Em sẽ nói chuyện với nó. Kiểu gì nó cũng có chút ít nể em. Em sẽ vun vén cho.
Tôi chỉ mong có thế. Bây giờ thì việc hàn gắn với Nhân không phải do tôi nữa rồi.
Chúng tôi lại xuống Nam Định. Nhưng lần này chỉ có Quang về quê Nhân, tôi ở lại thành phố, ghé vào một quán café ngồi chờ Quang đón Nhân ra. Vừa nhác thấy bóng tôi ngồi bên bàn, Nhân đã muốn quay lưng đi, nhưng Quang giữ lại, dỗ dành. Hắn khề khà:
– Nhân ạ, anh Dũng quý mày lắm. Tất cả những gì anh ấy làm từ trước đến nay là vì mày. Hôm nay tao nói thẳng là cả vụ điện thoại báo tin mày chết hôm nọ cũng là anh Dũng làm, đúng anh ấy làm. Nhưng thôi, mày bỏ qua đi Nhân. Tất cả chỉ là tình cảm thôi. Chỉ vì anh ấy yêu mày.
– Tao mệt mỏi lắm rồi.
– Ừ, nhưng mày nghĩ xem… Tìm được một người khác máu tanh lòng mà đối xử với mày như thế, chiều chuộng mày như thế, có dễ không? Anh Dũng không nói với tao nhưng tao biết, anh ấy tốt với mày lắm, còn nhịn miệng cho mày đấy Nhân ạ. Nhà mày nghèo, chân ướt chân ráo từ Nam Định lên Hà Nội, không có anh Dũng giúp thì đến bao giờ mày mở mày mở mặt được?
Nhân cúi mặt xuống ly nâu đá, thở dài. Quang đã nói trúng điểm yếu của hắn. Một thanh niên nông thôn, có sức khỏe, trình độ văn hóa hạn chế, lên Hà Nội làm lao động tự do, cố lắm và may lắm thì kiếm được khoảng một triệu đồng một tháng. Trong đó, riêng khoản tiền ăn (bóp mồm bóp miệng với công thức đậu phụ chấm nước mắm, lạc và rau muống), với thời giá khi ấy cũng khoảng ba trăm nghìn đồng. Tiền thuê nhà hai trăm nghìn nữa. Chưa kể còn tiền tiêu vặt, tiền thuốc men khi ốm. Khoản tiêu vặt ngốn kha khá, nay cốc bia hơi mai điếu thuốc, ngày kia giải quyết nhu cầu của đàn ông… Còn lại gửi về nhà chẳng được bao nhiêu. Tóm lại là một chữ đói. Nhìn vào đó thì sẽ thấy Nhân sống với tôi như sống trên thiên đường: nhà ở ngay trung tâm thành phố, tháng tháng được hai, ba triệu bạc cầm tay và gửi về nhà, ăn uống ngon lành, quần áo đẹp, có cả xe máy riêng… đầy đủ chẳng thiếu thứ gì. Đúng là thiên đường cho một trai quê thất học.
Nhân không ngẩng mặt lên. Tôi nhìn hắn, thấy tóc hắn bù xù, bết lại, kiểu tóc của người đã mấy ngày không gội đầu. Từ đỉnh đầu chĩa ra vài sợi bạc. Những ngón tay xương xẩu của hắn đan vào nhau, đè lên đám tóc. Hắn đang nghĩ ngợi. Tôi hình dung cặp lông mày rậm đen của hắn cau lại, vẻ mặt mệt mỏi và chán chường. Liệu hắn có chấp nhận cuộc sống của một thằng trai bao nữa không? Ở với tôi, hắn sẽ được đầy đủ về vật chất, nhưng mất tự do. Cái nào sẽ nặng hơn, đủ để níu giữ hắn?
Quang tiếp tục rì rầm:
– Anh Dũng tốt với mày, chiều mày đến mức ấy thì mày đừng để anh ấy buồn, Nhân ạ. Ít nhất thì giỗ Tết mày cũng lên ở với anh ấy. Bố mẹ anh ấy mất hết rồi, giỗ Tết là lúc người ta thấy cô độc nhất đấy.
Nhân ôm đầu không nói gì. Đúng hơn là hắn cứ ậm ừ ậm ừ. Quang đưa mắt cho tôi, cười nhẹ. Tôi hiểu đấy là tín hiệu thành công.
Tối hôm đó, cả ba người đi ăn lẩu và uống rượu. Ngà ngà say, tôi lại lôi cả hội đi cà phê. Tôi xuống nước hoàn toàn, dỗ Nhân: “Mai tôi mua cho Nhân cái điện thoại, rồi Nhân ra Hà Nội chơi nhé. Chơi một tí thôi rồi lại về”. “Không! Đừng mua” – Nhân đáp cộc lốc.
– Thế… thế mình có thích điện thoại không? – Tôi nhũn như con chi chi.
– Không. Tôi làm gì cần đến điện thoại đâu?
Lẽ ra lúc ấy, tôi phải hiểu ngay rằng Nhân từ chối chỉ để giữ ý; hắn không muốn lún vào quan hệ với tôi sâu hơn, không muốn mang tiếng lợi dụng. Mà trớ trêu thật, khi ở cùng Nhân, tôi nhất định không chịu mua điện thoại di động cho hắn. Đến lúc tôi tình nguyện mua điện thoại di động tặng Nhân thì hắn lại từ chối. Lẽ ra lúc ấy tôi có thể im lặng bỏ qua chuyện đó. Quang cũng đã nhìn tôi đăm đăm ra hiệu. Nhưng không hiểu ma xui quỷ khiến hay say rượu thế nào mà tôi lại rền rĩ bài ca muôn thuở: “Giời ơi, lên Hà Nội xong rồi về chứ có phải ở hẳn đấy đâu mà nó nỡ hành tôi thế này?”. Quang lừ mắt, nhưng đã muộn. Những lời lải nhải của tôi lại chọc vào nỗi chán chường của Nhân, hắn vụt nhớ đến cảnh sống như tù giam lỏng trong căn nhà hai tầng ở ngõ Hàng Bè. Hắn quay sang Quang: “Tao chết mất. Tao không lên Hà Nội được”. Thế là tôi bù lu bù loa:
– Mày là thằng khốn nạn, Nhân ơi. Cái mặt mày là cái mặt rán sành ra mỡ. Ba ngày Tết tao thui thủi một mình. Bây giờ tao nói thế mà mày vẫn không lay chuyển gì cả à? Mày vô hồn vô cảm, trái tim của mày là sắt là đá, mày không phải là người nữa à?
– Ông im đi. Đừng có làm tôi điên lên.
– Tao đang điên đây. Tao hỏi mày, đứa nào dụ dỗ mày mà bây giờ mày chặt lòng chặt dạ với tao như thế? Hôm nay tao nhất quyết sống chết với mày ở cái đất Nam Định này.
Nhân nổi khùng:
– Mày làm đ. gì được tao?
– Nhân! Không được láo thế! – Quang kêu to, cố cứu vãn tình hình.
Tôi nghiến răng:
– Mày đi về nhà, tao theo về. Mày đi đâu tao theo đấy. Cả họ nhà mày biết rồi đúng không? Chưa đủ đâu. Mai tao về ủy ban xã mày tao nằm vật ra đấy, tao kể cho cả xã biết chuyện mày với tao.
Lúc đó tôi cũng xác định là sẽ mất Nhân vĩnh viễn nên càng làm già. Mục đích của tôi lúc ấy chỉ là làm sao cho Nhân phải thấy nhục nhã: “Ai bảo mày yêu pêđê? Ai bảo mày quan hệ với pêđê? Mày yêu, mày quan hệ với pêđê thì mày phải chấp nhận, chơi dao thì không sợ đứt tay, đúng chưa con?”.
Người xung quanh quay cả lại nhìn. Nhân đứng vụt dậy, đi ra cửa. Quang líu ríu thanh toán ở quầy, còn tôi đuổi theo Nhân ngay. Hắn không dám chạy vì cũng xấu hổ, sợ tôi làm loạn cả phố lên. Hắn cắm cúi đi, cứ thế, Nhân đằng trước, tôi đằng sau, nhèo nhẽo: “Bây giờ tao với mày đánh nhau không?”. Nhân hai tai đỏ nhừ, chỉ dám làu bàu (hắn đã có kinh nghiệm: càng găng với tôi thì chỉ càng bẽ mặt thêm, tôi đủ trơ để làm cả phố quay lại nhìn hai thằng hề diễn trò): “Tôi điên à mà tôi đánh nhau với ông?”. “Không đánh nhau, mày cũng không về được đâu!”. Miệng nói, tay tôi tát bốp vào mặt Nhân.
– Cút! Ông không có quyền với tôi. Tôi là đàn ông.
– À, ra mày là đàn ông à? Này thì đàn ông này!
Tôi nhảy xổ vào hắn, vừa giật tóc xé áo hắn vừa nhổ nước bọt. Nhân đẩy tôi ra, cố giữ khoảng cách. Giữa vườn hoa, hai thằng bắt đầu chửi nhau loạn xạ. Y như rằng, chỉ vài phút là người qua đường xúm đông xúm đỏ lại xem và nghe. Có mấy thằng thanh niên đoán ra, buông lời trêu chọc: “Thôi nào, yêu đương thì cặp kè với nhau, có gì về nhà đóng cửa bảo nhau chứ vợ chồng sao lại chửi nhau như thế?”. Nhân không quay mặt lại phía đám đông mà gầm lên với tôi: “Vợ chồng đ. gì mà vợ chồng. Ai vợ chồng với mày”.
Như một con thú bị thương, tôi lồng lên, văng ra những ngôn từ ngoa ngoắt nhất:
– Thằng khốn nạn kia. Không vợ chồng, không yêu đương, thế tao mua nhẫn vàng, mua quần áo cho mày làm gì?
– Nhân ơi Nhân, cả họ nhà mày chết vì gái à? Về bảo chúng nó dỡ hết hoành phi câu đối xuống nhé. Thờ một chữ thôi!
Nhân đấm thẳng mặt tôi. Quang nhảy bổ tới ôm chặt lấy Nhân, có ý che cho tôi: “Thôi, Nhân, thôi đi. Nó đang điên lên như thế, không cẩn thận án mạng. Nó say rồi, hết khôn rồi, nó đang rồ lên đấy. Nghe lời tao, về ngay!”. Nhân vùng vẫy một lúc rồi thôi. Vẻ mặt hắn là vẻ mặt của một người đang chán chường tột độ. Quang định bắt xe ôm cho cả ba về, nhưng tôi chỉ mặt đám đông bu quanh: “Đứa nào ở đây chở thằng Nhân đi xe ôm, chết với tao. Tao cấm thằng nào chở nó, chở tao đánh chết!”. Bao nhiêu người cười. Quang khốn khổ khốn nạn lôi Nhân ra nhà nghỉ, còn tôi cứ đi bộ theo sau mà gầm gào, bắt Nhân ăn hết thứ nọ đến thứ kia! Tới nhà nghỉ, Quang thuê cho tôi một phòng, hắn với Nhân một phòng. Tôi tru tréo lên đòi sang phòng hai đứa. Nhân đóng chặt cửa không ra. Tôi đứng ngoài bai bải chửi chõ vào: “Mày có gan làm phải có gan chịu chứ. Mày phải sang đây ôm tao, ôm lấy thây ma của mày đi. Tao đếm từ một đến ba mà chúng mày không mở cửa, tao ném vỡ tan cái tivi là cái nhà trọ này sẽ lôi cả lũ đến công an ngồi dơ mặt! Tao không mang tiền đâu mà đền nhé”. Bên trong im ắng, rồi loáng thoáng có tiếng Quang bảo Nhân: “Thôi mày sang bên đấy với nó đi, cho nó đỡ điên. Lắm chuyện quá”.
Nhân lầm lầm lì lì sang phòng tôi. Lúc đó tôi chửi nhiều quá, đã mệt lử cả người. Cả đêm hôm ấy tôi nằm khóc tấm tức, hắn chẳng dỗ, chẳng nói năng gì. Nhưng tôi không còn sức mà chửi hắn nữa. Lúc ấy, tôi cũng hiểu rằng sẽ mất Nhân vĩnh viễn.
Sáng ra, Quang rầu rĩ bảo tôi: “Anh Dũng ơi, Nhân nó không lên ở với anh nữa đâu, em biết”. Hắn cũng nói thêm với tôi rằng dù gia đình Nhân rất hàm ơn tôi, nhưng họ lo sợ Nhân ở với tôi sẽ không lấy được vợ, không con không cái, dòng họ mất người nối dõi tông đường. Với một lý do như thế, tôi chết lặng.
Từ nhà nghỉ, tôi và Quang ra bến xe về Hà Nội. Tôi đưa tiền cho Nhân, không nói một lời, tránh nhìn vào mắt Nhân. Nếu nhìn vào “đôi mắt người xưa” ấy, tôi sẽ òa khóc. Nhưng Nhân vo vo tờ bạc, trả lại. Quang phải dỗ: “Thôi, mày cầm đi. Đây không phải anh Dũng cho mày, mà anh ấy cho thằng em mày đi bộ đội tiêu”, hắn mới chịu nhận.
Thế là hết. Hết một cuộc tình điên loạn.
Tàn cuộc trăm năm
Không đêm nào tôi không nghĩ đến Nhân. Tôi sợ nhất là thời gian buổi tối và đêm – sao nó dài dằng dặc đến thế? Chiếc giường con trên gác ngày nào từng có hai người nằm, bây giờ chỉ còn một tôi. Vì sợ phải về nhà, tôi thường xuyên đi lang thang các buổi tối đến rạc cẳng mới trở về, hoặc rủ mấy đứa bạn cùng giới MSM đến ngủ cho vui. Nhưng không có cách nào làm nỗi buồn chết hẳn. Bạn bè rủ đi uống rượu, tôi uống nhiều, nhiều lắm, càng uống thì lại càng sầu thêm. Đầu tôi lúc nào cũng nặng nề, căng thẳng đến mức đau nhức. Tôi nhớ Nhân, nhớ đến nỗi cứ nghe ai nhắc đến từ “nhân” là tôi giật mình. Người quen, bạn bè ai tên Nhân là tôi cắt quan hệ, không muốn nói chuyện. Tôi cố cắt nghĩa vì sao Nhân lại bỏ tôi – ở với tôi hắn sung sướng thế cơ mà, ăn ngon mặc đẹp, được sắm sanh đủ thứ. Tôi nào có tiếc hắn cái gì; mặc dù hắn không đòi hỏi nhưng tôi cứ thích chiều chuộng, vì tôi muốn hắn vui. Ừ, đã đành rằng tôi với hắn đánh chửi nhau như cơm bữa, nhưng hắn biết chẳng qua vì tôi quá yêu hắn nên mới ác mồm mà nói năng như thế. Tại sao? Tại sao?
Và… tôi nhớ những lúc gần gũi Nhân. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ cái cảm giác ấy – điều mà sau này tôi mới biết là Nhân cũng nhớ. Đọc đến đây chắc chắn các bạn sẽ nghĩ: Phải chăng đồng tính luyến ái có lây? Đó là thắc mắc của rất nhiều bạn, và để trả lời, cần rất nhiều lý lẽ, bằng chứng, dữ liệu, giải thích… Cá nhân tôi chỉ dám nói rằng: Quan hệ tình dục giữa hai người nam giới với nhau tất nhiên khác với quan hệ giữa một người đàn ông và một người phụ nữ. Một người bình thường, nếu chưa trải nghiệm, sẽ thấy có gì đó ghê ghê, nhưng nếu đã trải qua một thời gian thì lại có một số người thích những cảm giác, cảm xúc mà nó mang lại. Người đồng tính nam, do ý thức được sự thua thiệt của mình so với phụ nữ, nên luôn muốn mang lại khoái cảm lớn nhất cho người mình yêu, làm sao để họ ấn tượng nhất. Mà một khi đã có ý muốn ấy thì cách mà các MSM làm sẽ mạnh mẽ lắm, khác thường lắm.
Về sau này, ngay cả lúc đã lấy vợ có con rồi, Nhân vẫn thỉnh thoảng lên Hà Nội thăm tôi và chúng tôi vẫn quan hệ với nhau. Rõ ràng Nhân là một người đàn ông bình thường, không hi-fi, nhưng anh ta vẫn thấy thoải mái khi gần gũi tôi, và nhớ cảm giác đó. Chính xác nhất, phải nói rằng Nhân nhớ một thói quen. Có những thói quen con người ta không thể bỏ được, ví dụ như đánh răng hàng sáng, hay là tắm bằng xà phòng. Nhớ một thói quen, nghiện một cảm giác. Cả Nhân và tôi đều “bị” như thế. Cái đó khiến nhiều người hiểu nhầm là đồng tính luyến ái có lây lan.
Đêm đêm, tôi rất hay đi lang thang, như một kẻ mộng du. Chẳng cần biết là đến đâu, cứ đi là đi thôi. Lên cầu Long Biên, rồi xuống chợ Mơ, ra Bờ Hồ… Tôi sợ phải về nhà. Về nhà, tôi sẽ thấy mình là người cô độc nhất thế gian này, lạc lõng, trơ trọi, chỉ có một mình mình thui thủi với cuộc đời. Có lần tôi đi mải miết tới tận Thanh Xuân, mạn gần Hà Đông, rồi lại quay ra. Tôi không ngồi taxi, không đi xe ôm, dù không phải là không có tiền. Tôi cứ đi bộ, đi mãi, đi mãi cho đến khi hai chân rời rã, mỏi nhừ. Mệt đến thế nhưng khi lên giường, tôi cũng không ngủ được sâu, chỉ chợp mắt một lát mà thôi, tới khoảng bốn, năm giờ sáng lại bừng tỉnh dậy. Giấc ngủ cực kỳ ngắn và cứ chập chờn, chập chờn. Gần như đêm nào tôi cũng mơ gặp lại Nhân. Có đêm tôi thấy mình đang ôm Nhân trong vòng tay, ôm chặt đến độ chính tôi cũng nghẹt thở. Nghẹt thở quá, choàng tỉnh thì hóa ra hai tay tôi đang đè lên ngực, và đó chỉ là một giấc mơ. Tôi mất Nhân thật rồi. Nước mắt trào ra, chảy ướt đẫm gối. Tôi không dám quay mặt về phía bức vách nữa, vì lúc nào cũng tưởng tượng ra hình ảnh Nhân nằm đó bên cạnh mình. Có hôm ngồi hút thuốc lào suông trên gác, thấy bóng mình trong tấm gương dài trước mặt, tự nhiên nghĩ tới câu “một mình một bóng”, tủi thân, tôi lại khóc. Khóc chán rồi tôi bước ra đứng trước cái gương ấy mà nhìn vào mặt mình trong đó. Tôi không nhận ra tôi nữa. Một khuôn mặt hốc hác, mắt trũng sâu, miệng vêu ra những răng cùng lợi, và tóc đã lốm đốm những sợi bạc đầu tiên. Tôi giật mình kinh sợ, vạch tóc ra xem. Vạch chỗ này cũng có tóc bạc, vạch chỗ kia cũng có tóc bạc, nhiều quá! Một nỗi tủi thân dâng lên làm tôi nghẹn đắng ở cổ. Cảm giác cực kỳ chán đời! Tôi hận Nhân, hận ghê gớm. Đời tôi, tôi có tiếc gì hắn đâu mà sao hắn nỡ rẻ rúng tôi thế, bạc bẽo thế? Giá lúc chia tay, hắn nói được một câu như “Thôi, anh đừng buồn, bọn mình hết tình nhưng còn nghĩa”, hay là “Thôi thì vì hoàn cảnh, em về giúp đỡ gia đình nhưng em không bỏ anh đâu”, thì tôi ít ra cũng còn chịu được, không chết chìm trong tuyệt vọng như thế này. Lúc ấy tôi giống như một người chết đuối, chới với tìm cọc. Chỉ cần một lời của Nhân, “thỉnh thoảng em lên thăm anh, em không bao giờ quên anh đâu”, một lời thôi. Lời ấy sẽ cho tôi nghị lực, sẽ như thần dược để tôi vượt qua cơn khủng hoảng tinh thần. Hay là thỉnh thoảng hắn gọi điện lên cho tôi. Chỉ một cú điện thoại cũng đã làm vơi đi bao nhiêu nỗi buồn trong tôi, tôi sẽ phấn khích, vui vẻ cả ngày cũng nên. Thế mà hắn không làm.
“Ngày đi, đêm tới. Nghe những tàn phai…”1
Trong những ngày ấy, tôi rất hay lảm nhảm câu hát đó. Đã mấy lần tôi có ý định tự tử. Có lẽ chết là cách duy nhất để chấm dứt mọi đau khổ và dằn vặt về tương lai đen tối trước mặt – những chuỗi ngày đằng đẵng không ánh sáng mặt trời. Tôi viết lên giấy, những câu lăng nhăng, mệt mỏi, thẫn thờ: “Cái chết. Cái chết sẽ là giải pháp thanh thản nhất. Thôi đành phụ công cha mẹ vậy. Mình là một thằng pêđê, chả làm được gì cho cuộc đời này, bây giờ đau khổ quá thì thôi chết đi cho rảnh nợ, cho xong một kiếp người”.
Vào một trong những lần có ý nghĩ ấy, tôi đã ra hiệu mua thuốc ngủ về. Uống một mạch 20 viên thuốc ngủ màu tím, loại mạnh. Lúc bắt đầu lơ mơ, tôi vẫn không có chút cảm giác sợ sệt hay là tiếc nuối gì cuộc sống, chỉ thấy rất mệt và có nhu cầu ngủ. Tôi ngủ một mạch, suốt từ hai giờ sáng đến tận mười giờ đêm hôm đó. Tỉnh dậy, vẫn không chết được, hóa ra mình đã nằm trong nhà tới hai mươi tiếng mà không một ai gọi điện, gõ cửa… tóm lại không ai đoái hoài tới tôi cả. Chẳng nhẽ lại uống thuốc nữa thì mệt quá, tôi lừ đừ ngồi dậy, chán nản, thờ thẫn. Thuốc không làm tôi chết được, mà lại gây cho tôi bệnh thận. Từ lúc tỉnh, tôi đi tiểu liên tục, cứ uống nước vào là đi, do thận yếu không giữ được. Đi khám, bác sĩ bảo tôi bị suy thận, 20 viên thuốc ngủ kia là loại mạnh nhưng uống thế chưa đủ chết, 30 viên trở lên mới chết, đứt ruột, không cứu nổi. Dẫu sao, như thế là số tôi chưa chết được, tôi cũng chẳng buồn uống thuốc thêm lần nữa.
Điều vô lý là tôi cứ yêu Nhân, cứ thèm khát Nhân, trong khi từ sâu thẳm lòng, tôi cũng tự hiểu rằng hắn không thể ở cùng tôi mãi mãi. Nhớ thời còn ở cùng nhau và đang cơn ghen tuông điên loạn, tôi từng đặt máy ghi âm để xem Nhân nói chuyện gì với đám bạn quê Nam Định của hắn, nhân một lần họ kéo lên Hà Nội chơi. Bấm nút REC xong, tôi giấu máy ở góc phòng. Chờ cả lũ giải tán hết, tôi mới mở ra nghe thử. Sau một loạt những câu chuyện vô thưởng vô phạt thì chủ đề chính cuối cùng là… tôi. Giọng Nhân nhão nhão, chắc đang say rượu: “Vì nhà tao nghèo quá, tao mới phải ở với thằng này. Thằng này nó tốt lắm, yêu thương chăm sóc tao lắm. Nhưng mà ở với nó không chịu được. Tao cứ như tù giam lỏng ấy”. Tiếng đám bạn lao xao: “Thế bây giờ mày bảo nó đi, bắt nó phải mua cho mày cái xe tử tế mà đi chứ. Mày ở với pêđê mà lại…”.
Tôi tím mặt. Nghĩ căm lũ bạn mất dạy của Nhân vô cùng. Tiếng Nhân ừ à cái gì đó không rõ, rồi một đứa cười hắc hắc: “Nhưng mà sướng, nhỉ? Ở với pêđê được chiều lắm. Thôi mày chịu đi Nhân ạ, tội gì”. Rồi có tiếng Nhân nói to: “Ờ, nhưng mà nó có đẻ được cho mình không? Đẻ được không?”.
Tai tôi ù đi. Tôi không nghe thấy gì nữa. Nhân đã chạm đúng vào tử huyệt của tôi, một thằng đàn ông đồng tính. Tôi không có con, không thể nào sinh con được. Tôi có thể khéo léo tuyệt vời, nấu ăn, cắm hoa, thêu thùa khâu đan cực giỏi, có thể chăm sóc Nhân từng ly từng tí, cung phụng hắn chẳng thiếu thứ gì. Nhưng tôi vẫn không bao giờ bằng một người phụ nữ bình thường được, bởi vì tôi không sinh con.
Nếu như có cái gọi là kiếp sau, xin trời cho tôi làm một người đàn ông bình thường, hoặc là một phụ nữ bình thường, giới nào cũng được nhưng phải là bình thường như mọi người. Nghe như là một ước mơ quá đơn giản, nhưng hỡi ơi, đối với tôi và những người bạn tôi, cái bình thường lại là cái không thể. Trong chúng tôi luôn có một khao khát mãnh liệt – khao khát được thể hiện, được giải phóng khỏi chính mình, được yêu. Và chẳng bao giờ chúng tôi thỏa mãn nổi niềm khao khát ấy.
Cô đơn. Là một người đồng tính, có lẽ tôi nên tự xác định là mình sẽ cô đơn mãi mãi, nhất là lúc về già.
k
Sau đó phải tới nửa năm, Nhân mới lên Hà Nội gặp tôi. Hắn không đến nhà mà nhờ Quang gọi điện rủ tôi ra hàng nước nói chuyện. Lạ lùng thay, nghe Quang bảo “Nhân nó lên thăm anh”, tôi không thấy tim mình nhảy một cái trong lồng ngực, rồi bừng bừng niềm vui, khấp khởi, phấn chấn như mọi lần nữa. Tôi ừ, ừ mấy cái, nói chuyện thêm vài câu rồi cúp máy, rất ngạc nhiên thấy mình vẫn bình thản.
Nhân và tôi ngồi uống nước trong một quán café nhỏ ở phố Hàng Bè, trông ra đường phố đông đúc, người xe nhộn nhịp. Hắn rì rầm nói rằng hắn sẽ không lên Hà Nội nữa. Hoặc nếu có lên thì sẽ thuê nhà ở riêng chứ không sống cùng tôi, vì đã đến lúc phải nghĩ cho tương lai. Tôi buồn, buồn lắm lắm, nhưng tôi cũng không dỗ dành níu kéo hắn như trước nữa. Tôi chỉ nói có một câu: “Ừ, thôi, Nhân về đi. Lúc nào rỗi thì lên đây chơi”. “Vâng, em về”. Tôi muốn nói với Nhân: “Nhân ơi, bây giờ Dũng là trái tim mùa đông rồi, lạnh lẽo rồi Nhân ạ”. Nhưng cuối cùng tôi đã im lặng.
Con người là một sinh vật ích kỷ: Nó chỉ muốn ở bên kẻ đồng loại nào mang lại hạnh phúc cho nó. Nếu sống với một người cứ làm ta đau khổ mãi, thì rồi tình yêu, dù có lớn lao đến mấy, nồng nhiệt đến mấy, cũng sẽ cuốn theo chiều gió. Trường hợp của tôi với Nhân đúng là như thế. Trái tim tôi dần dần đã kiệt quệ. Dần dần tôi đã bằng lòng với cuộc sống mà tôi xác định là một mình lẻ bóng rồi. Những cuộc tình, những người yêu, những gương mặt – Deyanov bán vé tàu điện, Hưng bảy màu, Nhân – làm cho tôi quá mệt mỏi, đau khổ, chán đời, và tình cảm cứ thế nguôi. Cũng giống như một bát nước mới rót, lúc đầu nó sôi sùng sục, về sau nó nguội dần, nguội dần…
Thời gian trôi qua. Từ đó đến nay, tôi và Nhân vẫn giữ mối quan hệ bạn bè thân thiết, nhưng không phải là tình nhân. Tết nhất, Nhân vẫn lên thăm tôi, biếu tôi khi con gà khi dăm ba cân gạo, mấy cái bánh trưng. Tôi biết nhà Nhân chẳng giàu có gì hơn sau bao năm. Nhân cũng lấy vợ, có mời tôi về quê dự. Vợ Nhân không phải là cô Nga Nam Định mà là một cô gái tên Hương, mặt tròn, răng hơi vẩu, người béo, không xinh nhưng được cái hiền lành tốt bụng. Tôi nghĩ Nhân với cô ta hợp nhau.
Cái còn đọng lại giữa tôi và Nhân có lẽ là một thứ gì đó sâu nặng và cao hơn cả tình yêu, nó là cái nghĩa.
Nhưng tôi vẫn không thể không nhớ tới những lúc tôi đã có Nhân. Người ta cứ hay nói: “Hạnh phúc là cái gì chỉ khi mất đi rồi ta mới biết là đã từng có nó”. Không đúng. Với tôi, lúc ở bên Nhân và cảm nhận được sự quan tâm chăm sóc từ Nhân, tôi đã rất hạnh phúc và tôi ý thức được là tôi đang hạnh phúc đấy chứ. Nhưng ngay cả lúc đó, tôi cũng hiểu là hạnh phúc của tôi sẽ chẳng kéo dài bao lâu. Nó mong manh lắm. Nó là một thứ gì xa xỉ đối với tôi lắm, như là kim cương với người nghèo.