Posts tagged inspirations

#581: Chouchou – thiên tài vô gia cư

Lúc thấy tiêu đề bài báo này mình đã thót tim. Bởi tưởng rằng đó là câu chuyện về Chouchou, một nhân vật mình đã gặp trong một cung đường roadtrip của mình trong những ngày lang thang trên nước Mỹ.

Thiên tài vật lý đỗ đại học năm 15 tuổi, từng được Mỹ trả lương 3 tỷ/năm: Giờ “ăn bờ ở bụi”, 55 tuổi không nuôi nổi bản thân (kenh14.vn)

Hồi đó, mình có một cuộc hẹn đi từ Dallas sang Houston, một chuyến lái xe 4 tiếng. Con đường hầu hết là freeway chỉ có thẳng tiến mà lái. Lái một mình và cái xe của mình cũ rích chỉ có những đĩa CDs nhạc blues mình burn ra để nghe suốt đường đi. Lúc đó luôn đang ý tưởng làm phim dạt dào nên cứ đắm chìm trong âm nhạc là lại tưởng tượng ra đủ tình tiết, bao ý tưởng cứ thế mà nảy sinh ra trong chuyến xe nhưng không dừng mà note lại được nên có lúc tới nơi thì lại quên mất.

Chuyến đi tới Houston ấy có chuyện không được vui vẻ cho lắm nên mình quyết định quay lại Dallas. Đang chuẩn bị lên đường thì lúc này một người bạn Mỹ trắng ở southern Illinois của mình lại nhắn tin muốn gặp gỡ. Sẵn đang buồn chán mình lại đồng ý lên đường. Nhưng mình bảo giờ mình lái lên đó chắc phải 9, 10 tiếng quá. Hay là bọn mình lái rồi gặp nhau ở giữa đường không? (Ở bên Mỹ là vậy đó, đôi khi tiện lái một ngày tới để gặp nhau là bình thường).

Và thế là mình lại lái thêm 4 tiếng nữa nửa đường lên Illinois để gặp bạn. Nơi bọn mình gặp chỉ là một cái town nhỏ vô danh hoặc có tên mình cũng chẳng nhớ, đúng chất midwest, mình còn chẳng nhớ nó ở Kansas hay Oklahoma. Cũng như bao thị trấn nhà quê khác của nước Mỹ, có một con đường chính gọi luôn là Main street, có một quán cafe to nhất, một quán bar to nhất ở giữa phố. Có một cái Walmart. Cuộc sống con người chậm rãi, thậm chí quá buồn tẻ, không một bóng người châu Á. Có lẽ cái quán bar ấy là thú vui lớn nhất của người dân nơi này. Nhưng vì mình không thích quán bar nên bảo xem ở đây có một quán ăn đậm chất miền quê nào nhất không thì vào chơi. Và đi một hồi thì cũng có một quán ăn nhỏ rất xinh. Quán là căn nhà gỗ, đồ ăn cũng chỉ là hamburgers, fried nhưng dân Mỹ nhà quê thì tới ăn rất đông. À, hôm đó cũng là cuối tuần.

Trong quán cafe có một cây đàn piano đã rất cũ, chắc phải những năm bao nhiêu của thế kỷ trước. Đàn luôn để mở có vẻ luôn có người ngồi chơi. Trong lúc order, cánh cửa bật mở. Một người đàn ông nhỏ bé lếch thếch, tóc lơ thơ nhưng râu khá dài, đôi mắt rất sáng bước vào. Đó chắc chắn là một người đàn ông vô gia cư, và kỳ lạ đó lại là một người đàn ông châu Á. Một người châu Á nơi này đã hiếm, mà lại còn là một người vô gia cư châu Á nơi midwest này thì lại quá hiếm. Cũng là điều đặc biệt là những người làm việc trong quán không hề có sự ngạc nhiên hay có ý định xua đuổi ông í đi. Một số khách thì ngó nhìn, một số khách còn nhìn ông í mỉm cười vẫy tay. Ông í với với một người phục vụ, chỉ vào cây đàn ý hỏi ngồi được không. Cô phục vụ ngó lên phía quầy ướm hỏi ý kiến manager, người manager vẫy tay ra hiệu ok.

Thế là ông í ngồi vào cây đàn. Ngay lập tức điều này đã khiến mình và người bạn mình dừng mọi cuộc nói chuyện và hoạt động, nín thở xem ông ấy sẽ làm gì. Mình để ý một số người cũng đã dừng lại nhìn ông ấy. Và chẳng phải đợi lâu, ông ấy vừa đưa đôi tay lên đặt vào phím đàn đã thấy dáng điệu uyển chuyển chuyên nghiệp của một người nghệ sĩ piano, mà là một người nghệ sĩ phải cực kỳ kỳ cựu chứ không phải chỉ là biết đánh đàn thông thường. Bạn mình cũng là một nghệ sĩ âm nhạc chơi saxophone nên bạn ấy còn đần hết cả mặt ra theo dõi ông ấy. Tiếng đàn ông ấy cất lên là gây sốc với tất cả mọi người, à hoặc chí ít là bọn mình còn chắc người dân nơi đây đã quen quá, bởi vì nó điêu luyện mượt mà bản năng và giàu cảm xúc không thể miêu tả được bằng lời nói nào cả. Gần như bọn mình bị đông cứng, tim đập thình thịch và không còn cả quan tâm đến đồ ăn đã được dọn ra từ lúc nào. Mình là dân ngoại đạo của âm nhạc còn ngớ ngẩn hết cả người nữa là người bạn của mình. Bạn ấy nghe mà mắt long lanh ướt nước. Và một hồi sau mình nhận ra mắt mình cũng rớt một giọt nước mắt xuống lúc nào không hay biết. Mình nghe thấy bàn ăn bên cạnh một người đàn ông thốt lên “Jesus”. Không phải ông ấy gọi người nghệ sĩ vô gia cư kia là “Jesus” mà đó là một câu nói cửa miệng của người Mỹ thốt lên khi gặp một sự kiện hoặc hiện tượng không thể tin nổi, dù là đó là một điều tích cực hay tiêu cực.

“Trời ơi ông ấy có thể ở đâu ra được nhỉ?” Người bạn của mình thốt lên. Và mình cũng muốn hỏi câu y hệt vậy. Tại sao một nhân tài đỉnh cao tới như thế này lại trong bộ dạng đáng thương và ở tận những nơi thâm sơn cùng cốc thế kia? Bọn mình kéo một cô phục vụ khá trẻ lại gần và hỏi ông ấy có phải là một nghệ sĩ piano không? Tại sao ông ấy lại phải là một người vô gia cư thế kia? Cô phục vụ còn đang bối rối chưa kịp trả lời thì một cặp vợ chồng già ngồi gần bàn bọn mình nói: “Oh, ông ấy không chỉ là một nghệ sĩ piano đâu, ông ấy còn là một nhà khoa học nữa đấy”. “What?”. Cả mình lẫn bạn mình lại ồ lên. Tới mức này thì bọn mình thấy “quá đáng” lắm rồi. Mình rất mong muốn liệu có nên tới nói chuyện với ông ấy không chứ trong con mắt của một người đang học phim như mình lúc đấy thì đó là nhân vật phim của mình chứ còn ở đâu ra nữa. “Can I talk to him? Can I make a film about him?”. Cặp vợ chồng nhún vai khi nghe mình hỏi. Họ nói rằng không chắc ông ấy tỉnh táo để nói được chuyện gì đâu. Ông ấy tới đây chắc cũng vài năm nay rồi, nghe nói là người gốc Hoa, mọi người hay gọi là “Mr. Chouchou” (không rõ lắm là mình nghe đúng không). Và quả thật bọn mình cũng thấy khả năng nói chuyện được với ông ấy là hơi khó. Ánh mắt của ông ấy tuy sáng nhưng rất ngây dại, dường như khi chơi nhạc ông ấy chỉ còn phần hồn, còn phấn trí thì không ở trong cơ thể ấy.

Bọn mình muốn hỏi thêm thông tin về Chouchou nhưng cũng không nhiều thông tin gì hơn ngoài việc ông ấy đã từng là một nhà khoa học rất tài giỏi, là dân nhập cư vào nước Mỹ, có lẽ cũng được học đàn chuyên nghiệp từ nhỏ và chắc chắn là người tài năng xuất chúng, mới trôi dạt về đây vài năm, nghe nói lúc về đã chỉ còn thân tàn ma dại thế này. Lâu lâu thèm đàn lại tới xin được đánh đàn. Còn ngày thường cứ lang thang bờ bụi, đứng xin tiền trên những ngã rẽ trên phố. Không rõ cuộc đời này những điều gì đã xảy ra ở miền đất hứa này với những con người xuất chúng như ông vậy?. Có lẽ ông cũng từng đến từ một gia đình gốc Á với những bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái với quá nhiều áp lực, có lẽ ông được trời cho được trí thông minh và tài năng kiệt xuất nhưng cũng lấy đi của ông những cảm xúc cân bằng của một người “bình thường”. Cũng có lẽ giấc mơ Mỹ này quá nhiều áp lực với một thiên tài như ông, còn lại là một người gốc Á sống trên một mảnh đất mà sự phân biệt chủng tộc đã luôn và sẽ âm ỉ bền bỉ trong lòng xã hội….

Bọn mình chẳng biết phải làm gì hơn và cũng lại sắp phải lên đường kẻo không trời tối. Bạn mình lục túi lấy một tờ 100 đô ra, mình thì nghèo hơn có tờ 20 đô. Bọn mình đi tới nhét vào cái túi áo nhếch nhác của ông ấy. Ông ấy cảm ơn rối rít, nhe hàm răng mất gần hết răng ra cười cảm kích. Thực sự lúc dó là một cảm giác tội nghiệp không thể miêu tả được bằng từ ngữ nào cả, thấy trái tim mình đập mạnh, cảm nhận được cả nhịp đập mà nhói lên bao là xót thương và tiếc nuối.

Bây giờ nghĩ lại thì mình thấy tiếc lắm, vì nếu lúc đó quyết tâm ở lại cái town ấy thêm hẳn 1 ngày để tìm hiểu thêm, rồi sau quay lại với máy móc thiết bị để làm một câu chuyện tài liệu về một cuộc đời ấy thì hay ho biết mấy. Lúc đó mệt mỏi quá, có nhiều chuyện lại không vui và cũng đang quá nhiều những quyết định ngổn ngang liên quan đến việc học hành. Và lúc đó có lẽ mình cũng chưa yêu thích tài liệu và hiểu được ý nghĩa của tài liệu tới như bây giờ…

Không rõ giờ Chouchou đang ở đâu? Thậm chí ông ấy còn sống hay không? Mình vẫn nhớ mãi lúc ông ấy vào trong quán, tuy rằng ngơ ngẩn với đôi mắt ngây dại nhưng vẫn biết rất lịch sự xin phép mới dám ngồi vào cây đàn. Một lúc sau ông ấy cũng được tặng một cái hamburger và rất lịch sự đi ra ngoài cửa ngồi ăn ở cái ghế gỗ chờ trước cửa chứ cũng không dám ngồi ăn ở trong quán.

Và nước Mỹ là vậy đấy, là nơi tụ tập của tất cả những thiên tài, tài năng xuất chúng đỉnh cao nhất nhì của thế giới này, cũng là nơi có những con người ngớ ngẩn, ngu xuẩn và dốt nhất cũng tầm nhất thế giới. Nhưng đôi lúc những thiên tài cũng rớt ngã và bị nhập vào những con người ngơ ngẩn lang thang ngoài đường thế kia và lặng lẽ chôn vùi những tài năng và trí tuệ của mình vào những bộ quần áo rách rưới bốc mùi, những chiếc biển xin tiền nơi cuối góc phố và chờ ngày cuộc đời như vậy là kết thúc. Những người vô gia cư trên đất Mỹ có rất nhiều là những bệnh nhân tâm thần, nghiện ngập. Và rất tiếc trong những đám người ấy có những con người đã từng là thiên tài đỉnh cao, đã từng có một cuốc sống rất huy hoàng chói lọi. Nhưng cũng không ai có thể cứu giúp được họ cả…

 

 

#575: “Fast car”: Lái xe đi hay ở lại và sẽ chết mòn thế này?

“Fast car” của Tracy Chapman là một trong những bài hát mình thích nhất khi nghe on road. Sẽ thú vị thế này: Khi ngày hôm qua mình viết bài review về một bộ phim tài liệu về một chàng trai Nepal sinh ra ở trên những nơi tận cùng của thế giới, nơi để đưa cậu và các em tới được thành phố, bố cậu đã phải mất một tháng vác chúng trên giỏ và gánh băng qua những dãy núi trùng điệp. Hành trình ấy hoàn toàn bằng đôi chân với một vài chú lừa. Một tháng để đưa con tới thành phố chữa bệnh và cho con được một chút giáo dục. Bố mẹ cậu yêu thương cậu vô ngàn nhưng khát khao được thoát khỏi hoàn cảnh để được khám phá bản thân, đi ra thế giới của cậu nó lớn lao như những đại ngàn nơi bố mẹ và ngôi nhà của cậu chỉ bé lọt thỏm ở giữa.

“Fast car” của Tracy Chapman có khát khao tương tự, đó là được thoát khỏi gia đình, thoát khỏi hiện trạng ngột ngạt của hiện tại, bước ra một vùng đất mới, với những ước mơ rất đơn giản như là chỉ cần “một công việc”, một sự tự do là mình để hiểu được ý nghĩa của việc “được sống”. Nhưng những ước mơ ấy lại ngập tràn những sự bế tắc.

Bài hát là một điển hình của những số phận của những người Mỹ nghèo (cụ thể ở đây là hoàn cảnh của một gia đình người da đen). Họ bị luẩn quẩn trong những cơn nghiện rượu, ma túy, thuốc giảm đau, sự phân biệt chủng tộc và tầng lớp xã hội. Những vùng quê nghèo ở bất cứ nơi đâu dù là nước Mỹ giàu nhất thế giới hay nơi tận cùng của dãy núi Himalayas cũng đều giống nhau ở sự đói nghèo, bế tắc và những ước mơ dữ dội của những đứa trẻ muốn được sống một cuộc sống đủ đầy mà chúng mơ ước. Đủ đầy không chỉ là chuyện vật chất, nó còn là kiến thức, sự tự do và có khi đơn giản chỉ là được thấy ánh đèn của thành phố.

Cậu trai Nepal trong “The only son” muốn được làm rất nhiều điều thật lớn và đi hẳn tới những quốc gia, vùng miền khác. Con đường đi từ nhà cậu ra được thành phố, tới sân bay là núi non thung lũng trập trùng. Nhưng qua được những dãy núi ấy, cậu biết đâu sẽ làm một người nổi tiếng và có một vài tác phẩm để đời. Còn “Fast car” của Tracy chỉ đơn giản là muốn vượt qua được biên giới bang để tới một thành phố khác, chẳng cần phải đi quá xa. Đường đi của cô gái trong Fast car lại quá đơn giản và bằng phẳng, cần một cái xe ô tô “đủ nhanh” là sẽ thoát khỏi được hiện tại. Chiếc ô tô ấy chỉ cần là một chiếc xe cũ thôi, nhưng nó chở bao nhiêu là ước mơ về sự giải thoát, được yêu và được sống như “một người bình thường”. Con đường đi theo đúng nghĩa đen của Tracy bằng phẳng và đơn giản hơn rất nhiều con đường đi của chàng trai Nepal. Nhân vật của Tracy cũng sống ở đất nước giàu có nhất thế giới, còn chàng trai thì lại ở một trong những nơi nghèo nhất thế giới. Cả hai rất giống mà khác nhau. Một con đường bằng phẳng, một con đường là chỉ có dốc cao vực sâu nhưng hai con đường ấy đều khó đi như nhau. Giấc mơ của chàng trai là thành một người đi ra thế giới và muốn làm điều gì đó lớn lao nhưng giấc mơ của Tracy chỉ cần được “làm 1 người bình thường với 1 công việc tử tế”. Nếu bố mẹ của cậu chàng yêu thương chàng hết mình nhưng vẫn sống trong sự cổ hủ và đói nghèo truyền thống thì người bố của Tracy lại là một ông nghiện rượu, mẹ thì bỏ đi. Hai bố mẹ hoàn toàn khác nhau nhưng chúng đều đau khổ vì không thể bỏ được họ để ra đi, nhưng nếu ở lại chúng cũng sẽ chết dần chét mòn. Cả hai đều muốn thoát khỏi gia đình, đều muốn được sống là mình và những khát vọng của họ đều mãnh liệt như nhau, những nỗi đau khổ cũng giống y nhau.

Điều thú vị được thể hiện rõ nhất ở bộ phim và bài hát đó là cách kể chuyện về cùng một vấn đề trong những hoàn cảnh khác nhau về địa lý (dù cách kể chuyện bằng hình thức khác nhau), và cho thấy cùng một vấn đề nhưng trong những nền văn hóa khác nhau chúng vẫn giống nhau tới lạ kỳ, những quy luật cuộc sống và khát khao cơ bản của mỗi người lúc nào cũng vẫn luôn là thế. Những bài hát, những cuốn phim này đều là những câu chuyện cuộc sống thật nhẹ nhàng, mà ý nghĩa, với mình thì chúng là “food for mind”.

Mình rất mê những nghệ sĩ như Tracy Chapman. Đây là những con người mà âm nhạc và tư duy kể chuyện bằng âm nhạc đã có từ trong máu từ khi họ sinh ra. Những tác phẩm của họ đều chính là những câu chuyện và trải nghiệm sống của chính họ. Chúng vô cùng sâu sắc, nhiều triết lý cuộc sống được ẩn giấu trong những câu chữ rất nhẹ nhàng và những câu chuyện rất đời. Một câu hát tiếng đàn họ cất lên đều tự nhiên như hơi thở. Những nghệ sĩ như Tracy Chapman, Jewel, Bob Seger (và nhiều nhiều lắm) đều có những xuất thân cực nghèo khó và đến từ những nơi ngập tràn rượu và ma túy. Nhưng tài năng thì một khi đã trổ thì vượt lên cấp toàn thế giới, họ thậm chí có khi một ngày còn chẳng được đi học một nốt nhạc. Âm nhạc cũng toàn những câu chuyện và tâm tư cuộc sống rất đời thường, chẳng cần phải trưng trổ bất cứ kỹ thuật gì cao siêu, vì chỉ cần họ cất tiếng là không có ai có thể bắt chước được họ và vẫn đến được với sự đồng cảm với bất cứ khán thính giả nào trên trái đất này. Mà cái này, chỉ có thể là sinh ra có từ trong máu, và số phận được ông trời ban tặng. 8 tuổi Tracy đã biết sáng tác rồi cho dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Số đã nổi tiếng, đã tài giỏi thì con đường dù khó khăn đến mấy như những dãy núi Himalayas hay chỉ có một chiếc ô tô quá cũ nhưng sẽ vẫn “đủ nhanh” để vượt lên highways đi ra thế giới.

À mà nếu để ý thì mấy nghệ sĩ này hầu như chả có cái scandals gì, họ sống vững chắc trong lòng người hâm mộ dù năm tháng có qua đi bao nhiêu lâu!

A Tracy Chapman fan! Love you, Tracy!

#writingformyself

#574: “The only son”

Tối nay bạn thích xem một bộ phim tài liệu không?

Thỉnh thoảng lại stumble được một số phim tài liệu rất hay trên Youtube. Mình rất thích xem những phim tài liệu độc lập của các bạn quốc tế trên Youtube. Mà đôi khi cũng chẳng cần là phim, chỉ là những videos kể chuyện về những trải nghiệm sống, văn hóa vùng miền của con người từ vùng lạnh nhất tới nơi nóng nhất, xem họ sống thế nào, có gì thú vị, học hỏi và ngẫm nghĩ được biết bao điều.

Đỉnh núi Himalayas là một trong những đề tài mình rất thích xem, không biết có phải vì đã từng được tận mắt thấy Everest từ máy bay hay do xem 7 days in Tibet mà cứ mỗi lần thấy Himalayas là bồi hồi. Đêm hôm bữa play đến “The only son”, câu chuyện của một chàng trai Nepal từ nơi nghèo khó và xa xôi tận cùng trên dãy núi Himalayas mà có một tư tưởng cực kỳ khác biệt, rất hiện đại hiểu biết, vượt lên mọi những hủ tục của gia đinh, làng tộc để dũng cảm vượt ra khỏi vũng lầy của đói nghèo và thất học. Nghe thì tưởng như là một quá trình rất epic nhưng cái hay là nó chỉ kể bằng một chuyến đi từ thành phố trở về nhà cùng một chút background của chàng trai mở đầu về gia đình. Còn lại là những lời kể mộc mạc, dung dị và trăn trở, đấu tranh mãnh liệt của lương tâm khi phải quyết định sẽ đi ra thế giới rộng lớn vĩ đại ngoài kia để giải thoát bản thân hay sẽ quay trở lại quê nhà lấy vợ, chăm sóc bố mẹ già yếu và mảnh đất rộng lớn của tổ tiên để lại cần phải canh tác và cai quản, và bởi vì cậu là “cậu con trai duy nhất”.

Những bộ phim này mình thấy rất hay không hề vì hình ảnh phải đẹp hay sự epic, những lời dạy đời đạo đức ra vẻ cho phim có chiều sâu. Mình thấy rất hay vì những điều rất thật thà, những hiện tại rất khắc nghiệt, những nền văn hóa tưởng địa lý thì rất xa chúng ta mà lại rất tương đồng, những bài học cuộc sống về tình yêu với gia đình, về khát vọng bản thân và những nỗ lực sống vĩ đại. Chúng được kể và thấm cho người xem một cách rất tự nhiên, rất đồng cảm.

Những nhóm người thiểu số sống trên núi cao dù bất cứ đâu, ta đều thấy một điều thú vị là họ có rất nhiều điểm tương đồng trong văn hóa và lối sống sinh hoạt. Họ đều là những con người lao động rất cực khổ, người phụ nữ phải luôn mang vác rất nặng và vất vả vừa phải trèo núi lội suối để làm nông, cắt cỏ, chở củi, vừa vẫn phải nấu nướng dọn dẹp, chăm sóc con cái và những người chồng gia trưởng. Và đều có những hủ tục rất giống nhau, những truyền thống văn hóa rất giống nhau. Như con cái lập gia đình rất sớm (chủ yếu để thêm người lao động) và trọng nam khinh nữ. Nên khi mình xem những câu chuyện này mình đều thấy rất đồng cảm và gần gũi, vì đó là những câu chuyện mà mình bắt gặp không phải tận Himalayas mới thấy mà ở ngay trên những vùng núi hay cao nguyên mình đã đi qua.

Nhưng hoàn cảnh gia đình của chàng thanh niên trong phim cũng là một hoàn cảnh khá đặc biệt. Gia đình có 11 người con, cậu là con trai duy nhất. 8 tuổi, cậu suýt chết vì bệnh sởi. Bố cậu đã gánh cậu và mấy người chị em gái trên vai để tới thành phố. Nhưng để tới được Kathmandu, thủ phủ của Nepal, thì ông bố ấy phải gánh các con đi bộ và leo núi đồi gập ghềnh, đi qua những thung lũng cánh đồng đúng 1 tháng trời. MỘT THÁNG TRỜI! Mà các bạn biết Himalayas chưa bao giờ là một dãy núi tầm thường. Ông bố vĩ đại ấy đã vác các con lên thành phố để các con có thể thay đổi cuộc đời. Đứa con gái lớn được sang Mỹ làm con nuôi. Đứa thứ hai bị bỏng suýt chết được một gia đình Hà Lan nhận nuôi. Còn cậu được ăn học ở Kathmandu cùng hai em gái nhỏ nữa. Đó là những chuyến đi nhiều lần 1 tháng của người bố. Hình ảnh người bố khắc khổ và nụ cười hiền trong phim sẽ không thể làm cho bất cứ ai không xúc động. Nhiều năm sau đó, ngay cả khi cậu đã lớn và trưởng thành và đưa các em trở về nhà, con đường ấy đã rút ngắn lại được bằng những chuyến trực thăng dân sự, nhưng vẫn mất thêm 10 ngày đi bộ leo núi nữa mới trở được về nhà thăm bố mẹ. Và người bố ấy vẫn sẵn sàng đi bộ cả 10 ngày để tới đón các con hay lại tiễn các con trở về.

Cậu thanh niên may mắn được ăn học ở thành phố, được đi du học, được gặp lại các chị đã đều thành người nước ngoài, thậm chí còn không nói được cả ngôn ngữ gốc. Nhưng nỗi đau lòng trăn trở khi bố mẹ ở quê xa quá cực khổ và quá yêu thương mình, cậu sẽ phải lựa chọn. Trở về lấy vợ chăm sóc bố mẹ cho tròn chữ hiếu hay là đi ra thế giới văn minh để được phát triển bản thân? Nếu là bất cứ một ai vào hoàn cảnh này, chắc chắn đều là những sự dày vò đấu tranh khủng khiếp, và không có lựa chọn nào là xuôi được hoàn toàn với lương tâm.

Những lời thoại và tranh cãi giữa cậu và bố mẹ rất giá trị. Cậu chàng thì tìm đủ mọi cách giải thích tư tưởng tân tiến cho bố mẹ (nhưng làm sao họ hiểu được, họ đã sống và quá quen với cuộc sống như vậy rồi). Nhưng cũng chính vì thế cậu cũng sẽ không thể hiểu được những tâm và mong muốn của bố mẹ. Ai cũng cho rằng mình đúng. Con không hiểu bố mẹ, bố mẹ không hiểu con. Và cũng chắc gì những khán giả trung gian như chúng ta hiểu đúng để đánh giá họ. Vì cái đúng sai trong mỗi nền văn hóa và lối sống là khác nhau. Bạn lớn lên thế nào, bạn được dạy thế nào, hay trải nghiệm của bạn thế nào, đó là cái đúng theo quan điểm của bạn. Nhiều khi mình xem câu chuyện của người lạ như vậy là để reflect lại chính hoàn cảnh của rất nhiều trong chúng ta.

Mình thương cái sự thương con đầy khắc khổ của người bố mẹ trong phim. Người mẹ với làn da nhăn nheo vì quá khổ cực với bao trăn trở vì sợ mình sẽ chết già trong cô đơn cùng mảnh đất rộng lớn. Nhưng những đứa con rất yêu thương bố mẹ, rất có hiếu, tình yêu của chúng đong đầy trong ánh mắt. Nhưng trong ánh mắt đầy yêu thương của cậu trai ấy là sự mãnh liệt của sự tự do và quyết đoán, sẽ phải rời xa bố mẹ cho dù yêu thương bố mẹ vô cùng.

Câu chuyện này rõ ràng không phải là một câu chuyện “bình thường” hay là của một gia đình điển hình của người dân sống trên núi hay những vùng đất nghèo khó hiểm trở. Không phải dễ dàng sinh ra từ nơi sâu thẳm của những vùng tận cùng của thế giới mà những đứa trẻ lại có tư duy hiện đại tân tiến và quyết tâm phá bỏ truyền thống, quy tắc, cả nén những yêu thương với gia đình để vượt ra khỏi hiện tại đói nghèo và hủ tục để được sống một cuộc sống nhiều tri thức và được khám phá bản thân. Nhưng chính vì thế có khi nó làm thức tỉnh rất nhiều con người, dù vùng núi xa xôi hay thành phố hiện đại, và KHÔNG THỂ ĐỔ LỖI CHO HOÀN CẢNH. Cho dù xuất phát điểm của bạn thế nào, bạn muốn cuộc đời mình tốt đẹp hơn, đó là lựa chọn của bạn. Và không có sự lựa chọn nào ở cuộc đời này là hoàn hảo, bạn sẽ luôn phải đánh đổi, bạn sẽ sống cho mình hay là gia đình? Bạn sẽ sống vì bản thân mình với những khả năng của mình hay let it slide và sống một cuộc sống mờ nhạt như bạn đã được sắp xếp? Bạn có muốn thoát khỏi sự đói nghèo hay ngột ngạt của bạn hay không? Nếu có bạn phải rất chăm chỉ, dũng cảm và phải đánh đổi!

“The only son” là một bộ phim tài liệu mình thấy rất thích không chỉ vì nội dung mà còn vì cách kể chuyện voice over rất dung dị, thỉnh thoảng kể sau hình ảnh để khán giả được suy nghĩ, cinematography rất đơn giản nhưng lại rất chuyên nghiệp, âm nhạc tối thiểu nhưng rất phù hợp và day dứt, những lời kể tâm sự nhẹ nhàng nhưng dẫn dắt người xem rất cuốn hút. (À nhưng đương nhiên nó chỉ cuốn hút khi bạn là tuýp ưa thích tài liệu, thích khám phá thế giới và không phải tuýp chỉ thích xem những thứ giật gân hay hào nhoáng).

Một trong những cái hay của tài liệu độc lập thế này đó là tính thức thời và nhanh trí của người làm phim. Họ đã nhận ra được ngay nhân vật và đề tài từ rất sớm để bắt đầu ghi chép lại thành cả một quá trình. Phim này được làm bởi một nhà làm phim độc lập người Hà Lan và có lẽ câu chuyện của cậu trai đã được chia sẻ khi cậu đang đi du học ở Hà Lan và ngay lập tức: Đây là một câu chuyện phải được kể! Và cái máy quay đã bắt đầu chạy, âm thanh đã phải được thu và ổ cứng đã được nạp.

Với mình thì điều này xảy ra thường xuyên, mình luôn nhìn ra mọi đề tài rất nhanh, rất nhiều câu chuyện cuộc sống vô cùng hay và độc đáo. Chỉ rất tiếc mình chưa có đủ máy móc, tài chính và đặc biệt là người bạn đồng hành đủ tinh tế và có thời gian để thực hiện những câu chuyện như thế này. Vì làm tài liệu không hề đơn giản một chút nào, đó là thời gian, tiền bạc ứng ra và phải hiểu về cuộc sống, về thế giới, kỹ năng ứng xử với con người, phải biết nhìn ra những điều để kể qua ống kính. Như bạn nhìn thấy một khuôn hình trong bộ phim, có khi người quay phim không hiểu hết ngôn ngữ của câu chuyện, nhưng họ biết lia đúng chỗ, đúng nơi, đúng khuôn, vì một người làm phim tài liệu rất sâu sắc và nhạy cảm!

Trên Youtube thì những phim kiểu này rất nhiều, và đều rất hay. Mình đợi tìm được người bạn đồng hành ấy để được hòa vào thế giới này! Có nhiều chuyện rất hay, rất rất hay ước gì được kể!

Link phim ở dưới comment. Hãy xem hành trình của chàng trai ấy!

#569: Ông Tuyên và con bọ ngựa trong đám cưới Hạnh Duyên

Father’s day. Mình kể cho các bạn nghe một câu chuyện nhỏ xinh này nhé. Nhớ xem video nhé ;;)

Hôm đó là đám cưới của Hạnh Duyên, cô cháu ngoại duy nhất của ông Tuyên và bà Thọ.

Đám cưới rất nhỏ xinh, chắc cỡ tầm gần 30 người, nhẹ nhàng nhỏ bé trong một không gian xanh mướt của cây lá và tiếng ve. Lần cuối gặp cô dâu lúc đó còn bé tí tẹo, trắng và xinh như con búp bê, giờ đã là một cô gái trưởng thành xinh đẹp đang làm đám cưới một anh chồng tận trời Ấn.

Ông ngoại Tuyên năm nay đã gần 90 tuổi, từ hồi đến nhà ông ở khu tập thể cũ tới giờ ông cũng không nhớ Hà Kin là ai nữa cả. Tuy nhiên đó là vì đã quá lâu chứ quả thật hiếm khi nào thấy có một người vẫn khỏe khoắn, minh mẫn cả trí tuệ lẫn vóc dáng như ông. Mà tư duy, suy nghĩ của ông vẫn sắc lẹm nguyên, lại rất chi là hiện đại nữa. Ông là một nhà nghiên cứu khoa học mà lại!!!

Ông cứ hỏi cháu giờ làm gì. Mình bảo giờ cháu đi làm phim tài liệu đấy. Mà khi trả lời ông xong là mình đã hấp háy thấy ông quả là một nhân vật thú vị của tài liệu đó, và y như rằng chỉ một hồi sau ông thành nhân vật trong một câu chuyện quá đáng yêu và xúc động xảy ra trong đám cưới của Hạnh Duyên rồi.

Bỗng nhiên từ đâu một con bọ ngựa bò đến chơi với ông và cứ quấn lấy ông. Con bọ ngựa trèo lên áo, ngó nghiêng thăm thú đám cưới. Thế là từ lúc đấy, ông và con bọn ngựa không rời nhau nửa bước. Ông rất dịu dàng đặt nó lên tay, lên áo, cho cả trèo lên đầu. Kể cả khi đi ra ăn hay uống nước bọ ngựa cũng đi theo ông, ông còn sợ nó khát nước, rồi lo lắng không biết nó muốn ăn gì. Hôm đó mình đi chơi và chỉ cầm theo cái máy Leica với một cái ống máy phim mà là ống fix. Mặc dù máy có mode quay phim nhưng cái mày này đến chụp ảnh còn phải cỡ nghệ nhân lấy nét mới được tấm hình chứ chưa nói là quay được. Ống phim cổ thì lấy nét càng khó và càng về tối thì càng nhòe. Điện thoại cùi của mình thì không còn chút dung lượng nào. Nhưng quả thật, vừa ngay khi thấy hình ảnh ông cụ lụi cụi nâng niu con bọ ngựa trên tay và họ không rời nhau nửa bước, mình đã ngay lập tức thấy có một câu chuyện cần được kể. Thế là thôi kệ là Leica lấy nét quá khó và rất rung, mình cứ chằm chằm đi theo ông bấm quay. Mà vì lấy nét khó và lâu quá một hồi ông để ý và bỗng tỏ ra sốt ruột: “Ô kìa, cô nghỉ ngơi đi, ngồi xuống ăn đi, ngồi xuống uống nước đi”. Thì bởi vì bỗng đâu có một cái cô này cứ lén lén cầm cái máy lên mắt cứ hấp háy xoay xoay cái ống kính căng thẳng mãi như thế làm ông thấy… xót xót. Cơ mà mình bảo ông: “Ơ ông ơi, nhưng mà cháu phải quay cho nó.. đủ dữ liệu để làm phim về ông”. Ông nghe xong sợ quá cơ, ông cũng chẳng hiểu mình đang làm cái gì :)).

À, thì câu chuyện này rất nhỏ xinh thôi và lúc đấy ai cũng bận rộn với cô dâu chú rể cả. Trừ mình và ông cứ quấn quanh con bọ ngựa. Còn bạn sẽ hỏi vì sao mình lại thấy một câu chuyện về ông cụ và con bọ ngựa, thì bạn xem cái “phim tài liệu” ấy sẽ hiểu liền.

Vì mình nhạy cảm với những cảm xúc xung quanh. Mình bắt đầu cầm cái máy lên quay ngay khi mình chỉ nhìn thấy một hành động, một câu nói mà mình biết rằng, đó sẽ là một câu chuyện để kể.

Bà Thọ đã mất hơn 10 năm nay. Mỗi ngày ông vẫn ngồi viết sách, đọc nghiên cứu và trò chuyện trước bàn thờ với bà trong căn phòng tập thể cũ, bên cây đàn piano mà cô con gái duy nhất của ông bà: biên tập viên Thu Uyên đã học chơi từ thủa nhỏ.

Hôm nay cô cháu ngoại duy nhất của ông cũng làm đám cưới. Trước khi tới dự đám cưới, ông đã gửi lời mời dự đám cưới tới bà Thọ, tới bố ông, tới những người thân yêu đã mất của ông. Vì ông rất nhớ bà nên ông ước mong vào cái ngày trọng đại này, bà sẽ ở đó cùng ông để dự đám cưới của cháu.

Và khi con bọ ngựa bất ngờ tới với ông và quanh quẩn với ông, chứng kiến toàn bộ lễ cưới cùng ông cho tới tận lúc về. Tất cả những ai lúc đó đều cảm nhận được một sự cảm mến quấn quít vô hình giữa ông và con bọ ngựa, và nó rất kỳ lạ, nó không hề là một câu chuyện mê tín hay tâm linh. Một cảm giác rất thật và đầy niềm tin rằng, đó có thể là bà Thọ, đã về dự đám cưới của cháu vào ngày hôm nay. Và ông không hề cô đơn chút nào. Chính vì thế, hôm đấy ông đã rất vui và có có được một cảm giác trọn vẹn.

Ông là một nhà nghiên cứu khoa học, ông bảo không mấy khi ông tin vào những chuyện duy tâm. Nhưng không biết sao, hôm nay ông tin, ông cảm nhận được sự xuất hiện của bà, và ông đã rất vui.

Thực ra với mình, câu chuyện tưởng nhỏ xinh vậy nhưng nó không hề dễ kể, thậm chí rất là khó. Đó là những cảm xúc rất trừu tượng, là những điều rất khó diễn tả nếu chỉ bằng hình ảnh. Ở đây cũng chẳng có ai là diễn viên, cũng chẳng bắt ai nói được ra những điều đang nghĩ, cũng sẽ chẳng có thuyết minh hay lời bình nào hết. Nhưng mình lại cho rằng nó là một thử thách để mình rèn luyện cách kể chuyện bằng hình ảnh, và hơn cả, nó là một câu chuyện quá đáng yêu và rất xúc động mà với một người mê kê chuyện bằng hình ảnh như mình không thể nào bỏ qua. Và thế là, ông cứ ngồi bên con bọ ngựa, còn mình thì ngồi ngắm họ.

À mà, người ta hay kể về sự hiện diện của người đã khuất trong một sự kiện quan trọng của gia đình qua một loài vật nào đó ghé thăm, thường rất hay là một con chim, hay một con bướm… hiếm khi là một con bọ ngựa. Con bọ ngựa nếu xét trong thiên nhiên tàn khốc thì nó còn là… biểu tượng ăn thịt bạn tình. Nhưng chúng ta chẳng cần một biểu tượng gì ở trong câu chuyện này cả. Ta chỉ nghĩ rằng, chỉ cần được hiện diện trong bất cứ hình hài gì để được trở lại gặp người yêu thương trong một dịp quan trọng, đó đã là sức mạnh mãnh liệt của tình yêu. Và nếu đó là một con chim, hay một con bướm nó sẽ bay đi rất nhanh, hay dù nó có là một con vật nào khác cũng không thể nào dũng cảm và kiên trì ở lại với con người suốt cả một buổi dài như con bọ ngựa thế này.

Còn nếu nói về biểu tượng, hình ảnh con bọ ngựa hay chắp tay lạy trong văn hóa Hy Lạp và Ai Cập cổ đại biểu trưng cho sự chỉ đường dẫn lối cho những ai đang cần phương hướng, dù là trong sự sống hay cái chết. Trong Phật giáo, con bọ ngựa tượng trưng cho tính nhẫn nại và bền bỉ. Còn trong văn hóa Châu Phi, bọ ngựa là sự hiện diện của tổ tiên hoặc biểu tượng của sự may mắn.

Hôm nay là ngày của Bố. Gửi tặng các bạn một câu chuyện nhỏ xinh ngọt ngào về một người Bố, một người Ông, một người Chồng tình cảm nhé!

Hãy bỏ qua phần hình ảnh hơi rung lắc và out of focus nhé vì cái máy của mình đến focus puller chuyên nghiệp cũng khó mà có thể làm tốt hơn :)). Xin cảm ơn một số video xin thêm được từ điện thoại của chị Dinh Anh TuyetDương Huy. Huy còn tới tận nhà ông để quay giúp thêm cho mình căn phỏng nhỏ của ông, nhờ vậy mà một câu chuyện đã được trọn vẹn hơn như thế!

Cảm ơn anh Phong Xuân Dư đã đàn piano làm “nhạc phim” cho câu chuyện đáng yêu này nhé! Anh em mình tương lai phát huy nhé, còn nhiều phim cho anh làm lắm đây :)).

Cảm ơn chị Thu Uyên đã mời em tới dự đám cưới và đây là quà em xin gửi tặng lại gia đình nhé hihi.

Ông Tuyen là vui nhất đấy, ông nhờ? Nếu các bạn có để ý, sẽ thấy rằng, ở đám cưới Hạnh Duyên, ông vẫn mặc nguyên cái áo trắng và vẫn cái calavat mà ông đã mặc hôm đám cưới của mẹ Hạnh Duyên hơn 30 năm trước.

Khi nào kể lại tiếp bằng tiếng Anh nhé!

From Hà Kin with love

 

 

#565: Hollywood – đại lộ của những giấc mơ tan vỡ

Hollywood – đại lộ của những giấc mơ tan vỡ

Mới khi nào đó là mảnh đất mơ ước, là chân lý của bao nhiêu thế hệ những người làm phim. Thậm chí ngay khi mình đi học về phim những năm trước chưa xa, việc làm phim để tới được Hollywood là sự cao nhất của sự nghiệp vẫn là cái đích lớn nhất.

Thế mà nhanh quá, chỉ tới bây giờ đó dần không còn là chân lý nữa, người ta có thể làm phim ở bất kỳ nơi nào, ở bất kỳ đâu, cứ được tiếng vang và có khán giả mà không cần phải gắn mác là từ Hollywood nữa. Bản thân những người làm phim ở đất Hollywood cũng đi tìm những mảnh đất mới và chuyển ra khỏi vùng đất cạnh tranh khốc liệt và đầy đắt đỏ này. Những giải thưởng cực kỳ danh giá của các liên quan phim lớn, thậm chí là Oscar, cũng ngày càng đi xuống chất lượng về các tiêu chí, khi nó dần bị chi phối bởi những yếu tố của thời đại mới, như là political correct, giới tính, chủng tộc, tôn giáo… đôi khi giờ như là một miếng bánh cần được chia đều cho hòa cả làng.

Điều đó cũng hơi buồn, tuy rằng làm phim ngày càng dễ dàng hơn nhưng cũng đồng nghĩa với việc chất lượng phim cũng ngày càng dễ dãi hơn. Công nghệ can thiệp quá nhiều vào phần làm phim và nội dung. Chắc chờ một sự kỳ công và thâm thúy kiểu Forest Gump không biết tới khi nào nữa nhỉ?. Hollywood giờ không còn là điểm đến duy nhất khiến ai cũng muốn và người ta trầm trồ nữa, nhưng thế lại cũng chán, cảm thấy bớt đi một cái đích lớn để phấn đấu ahihi!

Có một điều đặc biệt khi tới LA – thủ phủ của Hollywood, đó là ai đến đây cũng mang theo những ước mơ rất lớn – ước mơ trở thành một ngôi sao thế giới, ước mơ trở thành một người thật giàu có chỉ sau một đêm. Ước mơ thì rất nhiều, ngôi sao lớn thì không thể nhiều nên đã có không biết bao nhiêu giấc mơ vụn vỡ, không biết bao nhiêu lời hứa hẹn chỉ là cạm bẫy, không biết bao nhiêu cuộc đời bị lụi tàn. Cư dân nơi đây cũng đặc biệt hơn rất nhiều nơi khác.
Mặt bằng chung những mối quan hệ chân thành, lâu dài ít hơn nhiều những vùng đất khác, vì mảnh đất này phần lớn là để cho người mới đến rồi lại ra đi.

Nhưng nó cũng có nhiều điều đáng sống hơn nhiều chỗ khác, đó cũng là nơi làm động lực cho rất nhiều sự quyết tâm, ý chí, tham vọng, quyết tâm được khẳng định mình hay được một lần chạm tới một giấc mơ mà ở nơi khác, có khi họ không bao giờ có cơ hội!
Hollywood – mảnh đất của những điều xa hoa, nổi tiếng, phù phiếm, nhưng cũng là mảnh đất của tội phạm, lừa lọc. Là nơi để đạt được giấc mơ xa vời nhưng cũng là nơi vùi dập ước mơ, là nơi có thể đưa con người lên tận đỉnh cao danh vọng nhưng cũng là nơi chôn vùi một kiếp sống xuống bùn đen. Là nơi của những người giàu có nhất nhì thế giới nhưng cũng là nơi nổi tiếng với những con phố dài của người vô gia cư bần cùng của xã hội.

Và tất cả những con người này, có lúc đều từng ngồi chung một cái ghế đá ở một cái công viên nào đó trên Đại lộ của Những Giấc Mơ Tan Vỡ, vào một buổi trưa hè…

#takemyhandgowithme

#520: My followers

Năm ngoái, có bạn quảng cáo bán likes với followers, nhắn tin công ty đang khuyến mại. Bạn nhắn mình một tràng rồi thêm câu này mới bực ứa nước mắt: “Hiện tại bên em thấy chị đang có lượng followers khá cao, chị có muốn MUA THÊM không ạ?”
Dù sao thì nhiều người cũng ngạc nhiên tại sao một người mà mỗi bài chỉ vài chục tới trăm likes là hết, có bài được 5 cái likes, posts thì toàn chuyện vô thưởng vô phạt mà sao cũng mấy chục nghìn followers thì cũng đáng nghi :)). Cơ mà đến món chân gà sả ớt còn lâu lâu mới có tiền mua về gặm thì tiền đâu ra mà mua Người theo dõi =)).
Chắc phải 4,5 năm nay lượng “người theo dõi” của mình chẳng tăng lên tẹo nào, thậm chí còn giảm đi chút chút. Nhưng tất cả số lượng người theo dõi bây giờ đều gần như giữ nguyên vậy, rất nhiều là độc giả từ thủa blog 360 và từ “Chuyện tình New York” cho tới tận bây giờ. Họ không phải là những người ồn ào follow rồi unfollow theo sự kiện chỉ sau 1 đêm. Độc giả, người theo dõi mình theo mình nhận biết đa phần là dân trí thức, hài hước, mộng mơ, yêu cái đẹp, đáng iu :)). Nên một khi họ đã thích và quan tâm tới những bức ảnh, những câu chuyện vô thưởng vô phạt của mình thì họ sẽ ở lại và cùng chia sẻ với mình, blog của mình và sẽ trở thành người bạn của họ mỗi ngày. Rồi một ngày nhận ra ê tính ra follow cả hơn gần 20 năm rồi đấy, có bạn còn thuộc lòng cả mấy câu chuyện chó mèo của mình luôn nữa hihi. À mà đặc biệt mấy người này còn lười comment, likes, shares… tuy nhiên mình làm gì thì ai cũng biết 😀. Tuy rằng mình không nhớ hay biết hết được các bạn, nhưng mình nói rằng mình luôn trân trọng sự theo dõi và chia sẻ của các bạn với mình suốt bao nhiêu năm tháng qua. Nói gì thì nói, viết ra cái gì có người cười hay khóc cùng. Chụp ra cái ảnh có người khen đẹp, thì cũng vui hết cả thằng người chứ đúng không? 😀 À mình đặc biệt iu những bạn không chê mình viết dài bao giờ :)).
Mình đặc biệt chẳng bao giờ có trò unfriend cho dù list số lượng bạn và biết thật sự chắc chỉ ở con số một vài chục. Lý do rất lớn là vì… không có thời gian. Mình cũng 0 có trí nhớ tốt nhớ mặt nhớ tên mà ngồi mò ai với ai để remove. Cũng không quan trọng ai phải like hay comment, tương tác với nhau, mình cũng lười đi tương tác bỏ mẹ đi được. Có người nhiều khi chẳng bao giờ comment hay like gì nhưng khi có việc họ lại là những người ủng hộ những việc mình làm, donate cho bác Hai Chìa chẳng hạn. Muốn lọc friendlist thì đơn giản thôi. Lâu lâu làm một vài posts chửi bọn ấu dâm, cuồng giáo, ăn thịt chó, bọn “làm hại các vùng đất”… tự nhiên thấy friendlist ngót đi là ngon ngay :)). Như hôm nọ chửi thằng cha nhà báo nhà thơ hiếp dâm phụ nữ mà friendlist ngót đi được vài người, lại chả nhẹ cả người vì quét được “bạn chung” như thế trong “friendlist”. Dù chỉ là title trên FB nhưng cũng 0 muốn làm “friends” với đám người vậy! Mà còn ai 0 thích unfriend mình thì kệ thôi, có remove mà mình cũng chẳng biết đấy là ai và người đấy có quan trọng với mình không thì chẳng là cái vấn đề gì!
Còn vì sao nhiều năm qua số lượng người theo dõi hầu như không tăng lên thì cũng không có gì ngạc nhiên. Vì mình chẳng làm cái gì ồn ào cả. Chắc chuyện giờ mới dám tâm sự. Mình là người sợ ồn ào, sợ đám đông. Đợt “Chuyện tình New York” bỗng nhiên cảm giác cứ như ai cũng biết mình, ra chợ mua rau đi tất 2 màu khác nhau về cũng đã có người bình phẩm trên diễn đàn… văn học. Thế là mình sợ quá, không dám viết cuốn nào nữa, không dám lên báo, tv dù được mời nhiều vô kể. Kiên quyết không chạy theo trend, phát ngôn gây sốc, ăn theo bất cứ cái gì và bất cứ ai. Nổi tiếng với mình không có nghĩa lý gì cả. Mình chỉ muốn làm cái mình thích, viết cái mình thích viết, chơi với người đáng yêu tốt bụng. Ra phố mặc quần thủng đít không ai thèm quan tâm, thế là bình yên!
Tuy nhiên… =)). Tử vi báo sớm muộn gì mình cũng nổi tiếng, 0 muốn nổi nó cũng nổi. Số mình cũng lạ, cái gì mình sợ thì cái đó nó ập đến. Mình say xe, sợ đi xa vác nặng, thế đếch nào phải cầm cái máy ảnh lê khắp hơn nửa quả đất sụn cả xương. Sợ ồn ào nhưng mà viết mỗi cuốn sách mà tự nhiên nó ồn ào. Sợ nổi tiếng nhưng làm đúng cái nghề mà 0 nổi tiếng thì nghĩa là… vứt vào sọt rác. Giờ làm phim mà không nổi tiếng thì nghĩa là phim kém quá 0 ai thèm xem còn gì =)). Mà xong không muốn vác nặng, không muốn ồn ào, không muốn nổi tiếng. Nhưng làm phim thì sao mà 0 vác nặng được, làm phim mà 0 ồn ào với nổi tiếng thì sao… có tiền mà làm phim được. Giờ phải nổi tiếng thì mới có tiền nghe chưa?
By the way, mình đã từng ước mỗi bạn follower cho mình 1 đô mình cũng có gần trăm nghìn đô rồi =)). Nhưng ước thì lại không có, phải chê mới có =)).
Năm mới, mình rất cần tiền để tu sửa lại cái nhà ông bà ở quê, làm lại cái sân. Trồng thêm cây đào trước cổng. Năm nay mình sẽ chê tiền, chê nổi tiếng xem sao =)).
(Tâm sự của một blogger thời mạng xã hội =)).

#518: THẰNG TÂY

Thằng Tây

“Thằng Tây” là tên đầy đủ của nó, họ Thằng tên Tây. Nên có gọi thì phải gọi là: Con Thằng Tây đâu rồi?

Không biết vì sao hồi vác nó về nó lại chỉ có 1 cục dái, cũng chưa cho đi thử mùi đời bao giờ nên 0 rõ nó có làm ăn cơm cháo gì không nhưng dì bảo có khi là khỏi phải dao kéo gì, chắc nó tự động làm công thôi. Kể cũng tiện.

Nó ghét tất cả ai tới nhà chơi vì đồng nghĩa với việc nó sẽ bị xích lại. Nó sẽ đứng nó chửi người ta cho té tát, người ta đứng nấp cỡ nào nó cũng phải nghển lên nhìn cho bằng được để chửi. Mình tới nó gào từ đầu ngõ mặc dù nhà này là nhà mẹ tao dì tao chứ nhà nó đếch đâu. Mình quen mồm mắng nó như mắng 5 thằng đệ nhà mình:

“Mày sủa vừa thôi không tao lấy kéo cắt nốt cục kia của mày đi chứ ở đấy mà sủa”

Nó im thít, mồm há hốc vì quá sốc. Xong mình chưa kịp hỉ hả thì ối giời ơi nó tổng tiến công khóc lóc gào thét giãy đành đạch ra lăn lộn làm dì mình phải chạy ra cầm cái que bảo có thôi ngay không. Nó uất ức ngoạm bố lấy cả que, rồi lườm mình cháy tóc.

Chắc phạm húy, còn có một cục quý như thế mà dọa cắt. Rồi thế này sau nó nhất định không làm bạn với mình thì buồn lắm. Giờ phải làm sao xin lỗi nó giờ? Lấy một cục lắp thêm cho nó? Lấy ở đâu? 🙁

My aunt’s Deutscher Schäferhund. Won’t make friends with me no matter how hard I tried 🙁

Cái góc sân xinh đẹp đầy hoa này mà nó 0 cho mình bước chân vào 🙁

Đang bị dạy dỗ nhưng cái mặt biết là 0 phục rồi! Mắt vẫn liếc ai đó :))

À lấy que dọa à? Lại chả ngoạm cả que cho

Cho dì xin cái que với gặm gì chắc thế

Tuy nhiên vẫn phải làm kiểu để làm pô ảnh cho ngọt

Dì ơi Hà nó đòi cắt d ái con

Nhà còn em này, là dì ruột của con béo, con của thằng Phốc nhà mình

 

 

#nhatkydoitao
#nhatkyhakin
#hakindiary
#homesweethome

#517: Về quê giỗ bà

Hôm nay về quê giáp Tết nên xe khách đông nghịt. Đông thì cũng không sao cơ mà ngồi trúng cạnh một chị gái thiếu thốn tình cảm. Không biết vì lý do gì mà chỗ chị ngồi không hết chị lèn chặt người chị ép mình vào cửa sổ. Rồi chị tựa đầu lên vai mình như đôi tình nhân mới cưới. Mà tính mình thì rất sợ gần gũi người lạ, sợ bị động chạm bất kể giai hay gái, sợ bị ai ngồi quá gần, còn tựa vào người mình nhất là thời buổi Covid này là mình dễ bị panic attack 😅. Tuy nhiên vì mình hiền lành và lịch sự mà 😅, nên mình nhẹ nhàng đẩy chị í ra và thấy kỳ quá kỳ. Mà người chị í nặng trịch đẩy nhẹ không nhúc nhích đành phải đẩy mạnh. Chị í giật mình nhìn mình rồi chỉ nhích có tí tẹo ra và sau 2 phút lại đâu đóng đấy, đầu lại tựa lên vai mình còn chặt chẽ tình cảm hơn lúc nãy. Mình lại đẩy phát nữa vì đã mỏi và khó chịu lắm rồi. Chị lại nghển lên nhìn mình ý là: “em yêu, em làm sao thế?”
Rồi mình hỏi chị:
“Ủa chị Hoa à?”
Chị ngơ ngác mất mấy giây khi thấy mình bắt chuyện với chị.
“Em hỏi chị à?”
“Vâng, chị Hoa đúng không?”
“Không chị tên Oanh không phải tên Hoa”
“À dạ không phải chị Hoa ạ? Em lại cứ tưởng chị em mình quen nhau”
Sau 1 phút chị Oanh cũng có vẻ tỉnh ngủ và đã hiểu ra vấn đề nên đã ngồi lui về vị trí của chị. Mình thì thật không rõ chị buồn ngủ quá sà cả vào mình không hay chị chỉ là một người phụ nữ quá hồn nhiên nghĩ ai ngồi cạnh cũng tựa đầu vào được. Mình thì cũng không hẹp hỏi gì cho tựa vai, nhưng… phải là anh Nu cơ 😅
Lâu lắm mới về quê vì dịch và quá bận. Cầm cái máy về định bụng chụp quê đón Tết. Ai dè mới khi nào những mái ngói cây đào bờ xôi ruộng mật qua có 1 năm mà bay sạch không còn gì. Cánh đồng mênh mang giờ đã thành khu đô thị phân lô bán nền, cò đất ngồi la liệt đầy đường từng tập sổ đỏ bán đất như bán rau. Dì chở mẹ bằng xe máy đi qua mà anh chị em cò đất lao ra chặn xe như đi Ngũ Xá ăn phở cuốn. Mình và ông cậu đi xe đạp nên… không ai thèm mời =)).
Đi khắp làng quê ngõ xóm chẳng còn cái mái ngói nào cho mà chụp tấm ảnh quê. Cuối cùng nhận ra căn nhà cấp 4 nghèo duy nhất còn lại chính là… nhà mình. Nó còn đến giờ là vì mình. Với người quê thì đó là căn nhà đã quá cũ nát không thể chấp nhận được, lọt thỏm giữa bê tông nông thôn mới. Tuy nhiên mình đã lăn xả vào đòi giữ lại, lăn theo đúng nghĩa đen là ngồi giữa sân ăn vạ và hứa sẽ tiết kiệm tiền sau về chỉnh sửa lại, nhưng phải giữ nguyên cái thần thái và kiến trúc này, sẽ lợp lại mái ngói. Cả nhà hốt hền phải chấp nhận không mình vạ ra đấy thì cũng không ai yên. Mẹ mình và các dì ngồi tụ tập thở dài nói với nhau: “thì nhà có con hâm dở thế phải chấp nhận thôi chứ biết làm thế nào?”
Đương nhiên là sẽ rất nhiều người không thấy được cái nhà cũ nát này có gì mà hay ho, có những điều cũng không cần phải hiểu kệ mình đi :)). Tuy nhiên tới giờ cũng bắt đầu lo lắng vì mãi chưa có tiền sửa nhà 🥹
Dì trồng trước cửa nhà bao nhiêu là hoa hồng thơm ơi là thơm. Tiếc là sau 2 ngày mưa nó tàn rụng gần hết. Nhà có cây đào cổ thụ mỗi lần ra hoa rực hết cả một góc làng. Trái cây đang trĩu trịt tha hồ hái ăn quả nào cũng ngon.
Trước cửa dì xích một thằng béc giê to đùng, sủa luôn mồm. Dì đặt tên nó là: “Thằng Tây”. Thằng Tây không quen ai hết, ai nó cũng gào thét và giật đùng đùng. Mình muốn đi quanh vườn chụp ảnh mà nó như con ma cứ nhát lại là cho phát làm mình không hết cơn giật mình. May mà xích cũng chắc nhưng vẫn không đi lại được thoải mái. Thế là dì bảo để dì nhốt Thằng Tây lại vào chuồng cho dễ đi. Tuy nhiên dì nói mình đi vào góc vườn quây cái chuồng gà lại đứng im trong đấy để dì thả nó ra mới bắt được lại vào chuồng.
Mình ngoan ngoãn đi vào đứng chờ. Dì vừa thả nó ra nó chạy như bão tố mưa sa, rồi dì đuổi theo nó bắt vào chuồng. Tuy nhiên Thằng Tây ngu gì mà nghe lời. Nó bỏ chạy, dì đuổi theo. Hai bên rượt đuổi gay cấn mình không dám ho he bước chân ra khỏi cánh cửa chuồng nửa bước. Rồi dì bất lực đuối quá dì bảo: “ Mệt quá, dì chịu rồi, thôi chịu khó đứng đấy nhé!”
Và thế là chiều quê của mình được kết bằng tình cảnh người dì ruột của mình đã quyết định thả chó và nhốt mình lại. Lúc mình được thả ra thì trời đã tối, chỉ chụp được mấy cái ảnh này thôi huhuhu
Thằng Tây
Từ ngoài cổng vào trong nhà ông. Đã nguyên thế này chắc hơn nửa thế kỷ rồi
Cây đào
Dì bảo đây là cây Sống đời, vất cái cọng cây ra nó cũng sống. Đây mọc trên nóc nhà mà nở hoa rực rỡ ghê thật

#505: Một suy nghĩ về làm phim tài liệu nhân xem: “The deadliest road”

Thỉnh thoảng chắc chẳng mấy khi có ai băn khoăn về những vật dụng nhỏ nhỏ mỗi ngày như cái đũa, cái tăm hay một con cá bữa tối mà để tới được bàn ăn của bạn thì trước đó là cả một hành trình mưu sinh vất vả tàn khốc của con người mà thậm chí có thể tưởng tượng cũng chưa chắc ra được. Như mình có mấy khi nghĩ tới điều đó cho tới khi xem những phim tài liệu như thế này. Nó làm cho mình nghĩ về không chỉ là cái đũa hay con cá được kể trong phim, mà nó làm mình nghĩ tới mọi điều dù nhỏ nhoi trước mặt bạn, thứ bạn đang dùng mỗi ngày là cả những câu chuyện cuộc sống vĩ đại đằng sau nó. Mà đôi khi bạn nên biết để biết yêu thương, nhân văn hơn với cuộc đời và biết quý những gì mình có, dù chỉ là một vật rất nhỏ và quá quen thuộc mỗi ngày.

Mình rất thích những kiểu làm tài liệu như thế này. Những cách khai thác góc nhìn và đề tài đi vào phía sau, phần con người, mà rộng hơn là phần cuộc sống thực sự tạo nên nó, chứ không phải ở việc chỉ mô tả một sự vật, hiện tượng, vật dụng. Ví dụ theme là: “Deadliest roads”, dịch nôm na là: “Những con đường chết chóc nhất”. Ngay lập tức người ta sẽ nghĩ rằng chắc hẳn đó là những con đường khấp khểnh xoắn tít, lên thác xuống ghềnh, dốc núi cheo leo, bom đạn chết chóc… nhưng không phải lúc nào cũng hiểu theo chỉ một nghĩa như thế. “Deadliest” ở đây là hành trình vất vả tận cùng của con người trên những chặng đường mưu sinh của họ. “Chặng đường” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Và con đường ấy có khi chỉ là con đường làng quê, một con đường đời thường tấp nập trên phố, nhưng cũng có khi là sông nước cuồn cuộn, dốc núi cheo leo sạt lở… nhưng trên những con đường ấy là những con người đang gồng mình di chuyển để tồn tại, để kiếm được dăm ba đồng cuối ngày trở về nhà. Một chú nông dân quê đạp xe cả chục tiếng mỗi ngày với một cái xe đạp chở vó cá khổng lồ đến giữ thăng bằng còn khó, băng qua cả từ những con đường quê khấp khểnh đến những con đường nhựa, mà có ngày chưa chắc bán được một cái vó nào. Những người ngư dân vượt nước dữ thác đổ trên một cái dây thừng chỉ để bắt được vài con cá, những thanh niên lao động chân tay vào tận rừng sâu chặt vác những bụi tre nặng hàng chục ký trên vai đi bộ hàng km, rồi còn phải ngồi lên những cây tre ấy thả trôi sông đi hàng chục km nữa trên nước, qua hang động nước xiết, vác đi giao cho chiếc xe công nông tự chế, rồi lại phải đi hàng chục km nữa trên những con đường núi sạt lở mới đem được chục thanh tre tới cho xưởng làm đũa. Những bộ đũa ấy có khi vài chục nghìn, những gói tăm có khi vài nghìn… Mỗi người vất vả và tràn đây hiểm nguy như vậy, có khi họ chỉ được dăm ba chục nghìn để tồn tại mỗi ngày… niềm vui của họ giản dị tới mức, có khi chỉ là bắt được một con cá to đủ để “ấm” cho ngày hôm nay.

Những con đường ấy không được mô tả bằng hình ảnh vật lý đơn thuần, nó có bước chân người đi trên đó. Và những bước chân ấy nặng trĩu, công kênh, thậm chí run rẩy. Mình thích những cách kể chuyện của người làm tài liệu như vậy. Ở đây, người làm phim không chỉ là một người quan sát và kể lại, mà họ còn là một người bạn đồng hành, là một người hiểu thực sự những gì đang diễn ra, và chỉ khi hiểu thì kể lại nó mới đem lại được cảm xúc, và những bài học.

Cách mình làm tài liệu cũng hướng theo philosophy như vậy. Người làm phim luôn là một người bạn đồng hành với nhân vật, với câu chuyện, kể cả cái vật mà mình nhắc tới. Và mỗi một vấn đề, luôn phải là cả một “CUỘC SỐNG” ở đằng sau đó. Cuộc sống cũng không có nghĩa cứ là một cuộc sống của chỉ con người, mà của vạn vật, Để làm ra được vậy, là điều không hề dễ dàng, cực kỳ khó là đằng khác. Bởi để làm được thế, điều đầu tiên là phải có tâm (có tâm với cái đề tài của mình), thứ hai là sự nhạy cảm, nhạy cảm để biết quan sát và nắm bắt những gì là “cuộc sống”, là “khoảnh khắc” (chứ không phải cứ giơ cái máy lên mà quay), thậm chí đôi lúc còn phải tạo ra khoảnh khắc. Thứ ba là sự dũng cảm và hết mình, cảm nhận được nhưng có dám làm dám dấn thân hay không? Có chịu khó chịu cực cả tinh thần và thể xác hay không? Cái thứ tư là tư duy cởi mở, chỉ khi cởi mở với cuộc sống mới nhìn được nhiều góc độ, và sẽ biết cách tiếp cận một cách khách quan nhất, sẽ kể lại một cách thuyết phục nhất (chứ phiến diện thì chẳng được lòng người). Biết thông cảm và yêu thương cuộc sống tự nhiên sẽ thấy được bao điều hay ho để mà kể lại… Những điều còn lại như trang bị cho mình kiến thức, kiến thức cuộc sống, kiến thức làm phim, một ekip tốt, sự đầu tư tốt… đó là điều đương nhiên không phải bàn tới! Tới đây thấy làm phim khó ha!

Rất nhiều lý do vì sao những bộ phim quảng cáo, những thước phim quảng cáo du lịch nhìn rất hoành tráng, rất lung linh. Màu sắc kỳ ảo, núi cao biển rộng, quần áo sặc sỡ, những nụ cười được mùa. Nhưng rồi videos nào cũng giống cái nào, nhạt nhẽo vô hồn. Cái đẹp thế nào nhìn tới lần hai lần ba người ta cũng sẽ chán. Mà một cái đẹp bề ngoài không có tâm hồn bên trong thì là thứ chỉ để dành cho “một lần”. Chưa kể, cái đẹp của mình có chắc là cũng đẹp hơn được ai ngoài kia để mà khoe mãi một kiểu như vậy? Cái này điển hình của mấy cái clips du lịch Việt Nam. Nhạt nhẽo, vô hồn, quá coi trọng cái vẻ đẹp bề mặt, người ta không thấy được tính văn hóa và sự đặc sắc thực sự, yếu tố “con người” và “cuộc sống” trong đó!

Còn phim ảnh thì… à mà thôi =)). Nói ra là friendlist mình giảm đi nửa bây giờ bỏ mẹ :D.

Để master được những cách làm phim sâu sắc, cách kể chuyện hấp dẫn và chạm được vào trái tim của khán giả. Đó là câu chuyện sự nghiệp của hàng chục năm, có khi của cả một cuộc đời. Mình cứ phải tập thôi!

Phim tài liệu mà mình đang làm bây giờ, nói về một số nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Nhưng câu chuyện không chỉ là cái nhạc cụ đó nó được làm thế nào, nó được chơi ra sao. Mà nó đến từ đâu, ai tạo ra nó, cuộc sống và cả một nền văn hóa phía sau nhạc cụ ấy thế nào? Một quả bầu làm ra cây đàn. Nhưng quả bầu ấy, là bao sự vất vả mồ hôi của người nông dân, là những món ăn dân dã của bà và mẹ, là những câu nói chân chất mộc mạc mà chỉ một câu nói thôi đã thấy cả một trời quê và tuổi thơ của ai đó ùa về! Phim mình, mình không làm để cho tất cả mọi người. Mình chỉ làm cho đúng đối tượng của nó: là những con người giống mình, yêu thích những thứ giống mình, yêu di sản, văn hóa, yêu những điều sâu hơn của một vẻ bề mặt, và đương nhiên đủ kiên nhẫn để đọc hết cả cái bài tâm sự này :D.

Giờ lại quay lại với những quả bầu cây tre và những người nông dân đáng yêu trên bàn dựng đây!

(Các bạn có thể lên Youtube để xem những phim tài liệu như thế này. Nó free đấy! Nên xem, để hiểu hơn cuộc sống này!)

#496: Sex Education

May be an image of 3 people, people standing and text that says 'SEX EDUCATION N'
Sex Education mỗi season ra đều cách season trước khá lâu nhưng dường như sự dừng lại ở mỗi season, tuy không làm cho người ta phải sốt ruột chờ đợi hay mong mỏi một câu trả lời nhưng luôn để lại cho khán giả một cảm giác lắng đọng nhẹ nhàng với một sự hy vọng về một câu chuyện sẽ tiếp diễn. Đó là một cảm giác rất dễ chịu khi xem xong một bộ phim. Và với mình thì đó là một trong những định nghĩa của một bộ phim “hay”.
Nhớ thời gian ban đầu khi thấy cái tiêu đề “Sex Education” cùng cái trailer trần trụi và các bạn tuổi teen mình đã tính bỏ qua vì nghĩ rằng nó chỉ là một phim teen hoặc một phim lấy sex để giật gân rẻ tiền. Nhưng rồi cũng không nhớ thế nào mà lại bập vào xem và rất nhanh mình đã thành fan chính hiệu của nó lúc nào mà không biết. Quả đúng Sex Education là một phim về sex, thậm chí theme chính còn chẳng phải là sex cho lứa tuổi của mình nhưng mình bị bất ngờ bởi cách nó dùng sex để miêu tả cảm xúc của con người dù bất cứ lứa tuổi gì, sex cũng là phương tiện và cái cớ để kể những câu chuyện cuộc sống rất đời và rất thâm thúy. Nó có thể cực kỳ hài hước nhưng ngay trong sự hài hước đấy người ta có thể ngay lập tức bật khóc. Nó có thể cực kỳ nhố nhăng nhưng ngay trong giữa sự nhố nhăng ấy là một cảm xúc rất thật, một câu chuyện rất thật mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được nỗi buồn của nhân vật vì họ có thể thấy mình trong đó. Những nhân vật chính là lửa tuổi teen, những khủng hoảng của lứa tuổi teen và sự thật rằng ở tuổi teen sự khủng hoảng lớn nhất chính là hành trình đang khám phá giới tính và tình dục của bản thân. Mình thích cách kể chuyện rất thẳng, thậm chí hơi thô, đi thẳng vào vấn đề không ngại ngần khi nói về sex của các nhân vật trong phim. Nó không gây cho mình cảm giác khó chịu hay ngại ngùng, nó làm mình một cảm giác thư giãn, dễ chịu và được nhìn về sex như một thứ cởi mở, cần được nói đến chứ không phải là một thứ nửa kín nửa hở. Sex vốn dĩ luôn cần phải được như vậy! Tuy rằng những câu chuyện xoay quanh khủng hoảng tình dục và giới tính của các cô cậu trung học nhưng nó lại dành cho mọi lứa tuổi bởi vì những thông điệp cuộc sống, những câu chuyện cuộc đời, những câu chuyện tâm sinh lý của các nhân vật bất kể lứa tuổi đều được thông qua đó để được truyền tải một cách rất thú vị và tinh tế. Và cũng đúng như tiêu đề của phim: “Sex Education” có rất nhiều thông tin giáo dục giới tính cực kỳ thú vị và thực tiễn được lồng ghép trong các mẩu chuyện hài hước, và again, nó cũng không giáo dục giới tính chỉ cho mỗi teens!
Nhân vật chính của câu chuyện là hai mẹ con của cậu bé Otis. Mẹ cậu là một therapist chuyên về tình dục còn Otis mới chỉ là một cậu bé học cấp 3. Bố mẹ đã ly dị nên Otis hoàn toàn ảnh hưởng từ sự giáo dục từ mẹ. Cứ tưởng tượng từ bé ở với một bà mẹ suốt ngày đi tư vấn về tình dục cho người khác và trong nhà ngập tràn cả những đồ chơi và mẫu vật về tình dục thì bạn chắc cũng hẳn ít nhiều… khác người là thế nào. Ấy vậy mà cho dù mẹ là một chuyên gia về tình dục, thì ngay chính con trai lại khó nói chuyện về sex và cho dù có quen thế nào thì cậu bé vẫn luôn xấu hổ về nghề nghiệp của mẹ. Một điều mà nhà làm phim đã rất tinh tế khi khắc họa nhân vật Otis đó là cách cậu bị ảnh hưởng tự nhiên từ mẹ, khi mặc dù bản thân cậu cũng không có nhiều kinh nghiệm về tình dục nhưng khi gặp bất cứ ai cũng có thể khuyên bảo và giải thích rành rẽ được về tình dục. Và không chỉ tình dục, cậu biết cách khuyên bảo và “heal” cảm xúc của người khác một cách rất tự nhiên, đến chính bản thân Otis cũng không biết mình có được những sự ảnh hưởng tích cực như vậy từ mẹ, người mà cậu cho rằng nghề nghiệp thật là đáng xấu hổ với bạn bè. Cậu đã từ bỏ và chạy trốn khỏi việc mình luôn muốn giúp đỡ người khác. Ở cuối season 3, Otis đã nhận ra mình thích được đi an ủi và khuyên bảo người khác, như là một lẽ thường tình, cậu không cần thiết phải chạy trốn khỏi nó. Và cậu thấy rằng mình thật có ích, mình cũng thích làm như vậy. Nhân vật đang lớn lên, một ngày Otis đã nhận ra những gì mình làm cũng như mẹ làm, đâu có gì đáng xấu hổ. Đó quả là những cách kể chuyện rất đời và rất tinh tế. Mình cũng thích cách xây dựng nhân vật khi mẹ thì là một người rất phóng khoáng, có thể qua đêm và hôm sau coi như không có gì với bất cứ người đàn ông nào, nhưng cậu con trai thì lại là một thằng bé rất tình cảm, galant và cực kỳ có trách nhiệm.
Qua mỗi season, các nhân vật lớn dần lên. Biên kịch rất khéo léo khi cho tâm sinh lý họ phát triển dần, họ cho nhân vật vấp ngã rồi đứng lên. Họ cho các nhân vật bắt đầu hiểu dần về bản thân mình. Những đứa trẻ con hiểu được về giới tính của mình, cách làm tình an toàn có hiểu biết. Còn những người lớn cũng vẫn phải loay hoay trong việc chịu thay đổi và tìm cách thay đổi. Một chuyên gia tình dục nhưng thực ra lại luôn cô đơn và thậm chí còn lỡ mang thai ở độ tuổi gần 50. Một người đàn ông cả đời khó tính khó cởi mở với vợ con nhưng thực ra trong lòng luôn muốn thay đổi và muốn được hiểu chính bản thân mình. Những con người luôn loay hoay để tiếp tục được lớn cho dù ở bất cứ độ tuổi nào.
Bộ phim không có bất cứ diễn viên nào dạng trai xinh gái đẹp phong cách idol, nhân vật thậm chí còn có chút xấu xí già nua. Nhưng mỗi nhân vật đều toát ra một sự duyên dáng charming kỳ lạ. Trước giờ mình luôn hâm mộ tài năng diễn xuất của người Anh. Thực ra mình nghĩ chắc nếu xét về độ đồng đều và tinh tế thì diễn viên Anh phải là nhất thế giới. Bản thân mình là một người học và làm phim mà khi xem những nhân vật trong Sex Education diễn xuất mình còn quên luôn rằng họ đang diễn. Mình thấy đó như chính là những con người hoàn toàn có thực ngoài đời, vì họ toát ra được cái hồn của nhân vật một cách hoàn hảo. Không một nét gồng, không một nét ngượng ngùng hay điệu đà. Họ diễn như hơi thở. Cần ngốc nghếch, cần ngớ ngẩn, cần tuyệt vọng, cần thông minh, cần buồn bã… họ chỉ cần ngước ánh mắt lên là đã thấy nhân vật đó hiện ra. Bản thân casting director cũng tinh tế khủng khiếp như là cast nhân vật ông bố Groff và cậu con trai Adam với khuôn mặt và thần thái giống nhau y hệt, đều kiểu ít nói và lầm lì, giống nhau đến y chang bố con ruột thực sự luôn!
Phần 1 mình đặc biệt mê diễn xuất của anh chàng da đen Ncuti Gatwa (vai Eric, anh chàng đồng tính, bạn thân của Otis). Mình không tin rằng có ai xem Sex Education mà lại không ấn tượng với diễn xuất đáng yêu và chân thật như thế. Vừa hài hước, vừa đáng thương, điệu đà nhưng lại rất nhiều tâm trạng. Emma Mackey trong vai Maeve, mặc dù khuôn mặt sần sùi già nua nhưng mà lại không thể nào hợp nhân vật hơn. Cô toát lên được sự thông minh đầy khí chất, ra được đúng phong cách của một cô bé con nhà nghèo trưởng thành sớm, lúc nào cũng bị thiệt thòi về tình cảm và tiền bạc, nhưng cực kỳ thông minh và chẳng để cho bất kỳ ai bắt nạt. Mình thích một chi tiết rất đời về nhân vật này, đó là tuy rất nghèo, rất thông minh nhưng lại có tính tự ái ngút trời, đúng kiểu tự ái của con nhà nghèo và rất dễ bị tổn thương cho dù đó là nhận được sự giúp đỡ từ bạn thân. Và cuối cùng sau 3 seasons thì mình kết lại là lại thích nhất diễn xuất của anh chàng nhân vật chính Asa Butterfield trong vai Otis. Hai phần đầu Otis vẫn còn tưng tửng và còn rất trẻ con. Nhưng sang đến phần 3, khi nhân vật trưởng thành hơn, mình có thể nhận ra được cả sự trưởng thành trong ánh mắt của nhân vật. Otis và mẹ lúc nào cũng luôn mâu thuẫn và khó nói chuyện với nhau. Khi vào những tập gần cuối của season 3, mẹ cậu phải cấp cứu và sinh non, không biết có qua được cơn nguy kịch hay không. Cậu ngồi chờ ở bệnh viện và còn băn khoăn là không có mẹ thì giờ phải ở với bố thì chết. Khán giả đang expect rằng cậu sẽ thể hiện sự xót thương với mẹ sẽ như thế nào? Mình vẫn nghĩ trong một phim châu Á thì nhân vật ngồi khóc nức nở hay òa lên giãy giụa để thể hiện rằng mình đang lo lắng đau đớn. Nhưng cậu vẫn còn ngồi đó khuyên giải cậu bạn thân Eric về nói chuyện với bạn trai, cũng chưa thấy nhỏ một giọt nước mắt. Nhưng khi cậu không thể nào mua nổi cái gói kẹo trong tủ tự động, cậu phát điên và thò tay vào đập phá cái tủ chỉ để lấy cái gói kẹo ra. Đó là lúc khán giản nhận ra nỗi buồn và hối hận thương mẹ cực lớn vốn dĩ đã luôn ở trong lòng chỉ cần chờ chực trào. Không có cảnh gào thóc, không có nhạc thê thảm, người ta chỉ thấy cái ôm của Eric với Otis và ánh mắt ngầu đỏ ầng ậc nước của Otis ngước lên nhìn ông bố dượng khi ông thông báo mẹ đã qua cơn nguy kịch. Nhìn vào ánh mắt đấy là thay cho một nghìn lời thoại và âm nhạc lê thê. Tình tiết tinh tế + diễn xuất đỉnh cao, đó là combo mà nhà làm phim nào cũng nên mơ ước.
Gillian Anderson là một diễn viên quá gạo cội, thật sự mình cũng không thể nghĩ ai đóng cái vai mẹ của Otis hợp hơn chị ấy nữa. Nếu ai xem Xfiles thì chẳng lạ gì với Gillian. Chị í có một cái giọng Anh rất sexy dễ chịu thực sự, còn diễn xuất thì mình khỏi phải bàn nữa vì nếu Gillian không diễn hay thì 0 biết ai gọi là diễn hay ở đời này nữa 😃. Nhân vật Dr. Jean tuy rằng luôn đưa ra nhiều lời khuyên cho người khác nhưng bản thân lại cũng gặp khủng hoảng trong cuộc sống cá nhân của chính mình. Đến cậu con trai tuổi teen cũng không thể nói chuyện thẳng thắn về tình dục. Có mấy đoạn thoại của Dr. Jean rất hay. Như khi đoạn cô bé Aimee nói rằng mình muốn được quay trở lại hồn nhiên và thoải mái như xưa (trước khi bị tấn công tình dục), thì Dr. Jean nói rằng: “Chúng ta sẽ không bao giờ quay lại được như xưa. Vì bản chất của con người là luôn luôn tiến hóa và thay đổi, chúng ta sẽ luôn phải thay đổi”. Mình rất thích câu nói này, vì đúng là rất nhiều trong chúng ta luôn mong được trở lại như xưa, có những điều thật bao hối tiếc. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có thể trở lại được như xưa, học cách chấp nhận rằng rồi ai cũng phải thay đổi, ai cũng sẽ khác, đó là một điều sẽ làm cho bất kỳ ai cũng sẽ thấy dễ chịu hơn để move on.
Nếu bạn để ý, cho dù xuyên suốt bộ phim có những cảnh tình dục rất bạo liệt và cởi mở, những câu chuyện yêu đương chớp nhoáng. Nhưng mà mối tình đi từ đầu đến cuối của bộ phim giữa Otis và Maeve thì thậm chí rất chậm chạp, rất nhiều chông gai, và có lẽ chỉ có một nụ hôn khi lên đỉnh điểm sau cả 3 seaons. Rõ là nhân vật chỉ là tuổi teen, cũng không đẹp lộng lẫy, nhưng hành trình tình yêu của hai nhân vật sau bao vất vả mới có thể thổ lộ cho nhau đều khiến cho những khán giả như mình thấy cực kỳ ngôn tình và rung động. Cuối cùng điều đọng lại cuối cùng là tình yêu thực sự vẫn phải là một hành trình và tình dục hóa ra không phải là tất cả. Cả Otis và Maeve đều cặp kè và quan hệ với nhiều đối tượng khác nhưng cuối cùng sâu thẳm trong trái tim của họ đối phương mới chính là tình yêu, cho dù hai người thậm chí cả chưa bao giờ hôn nhau. Mẹ của Otis, một chuyên gia tình dục học xong đã nói với cậu con trai tuổi teen của mình rằng: “Thực ra mẹ cũng chẳng biết tình yêu là gì, chẳng ai định nghĩa được tình yêu là gì. Chỉ khi nào nó đến tự nhiên mình cảm nhận được thì mình sẽ biết thôi”. Tình yêu của Sex Education cuối cùng lại được miêu tả một cách tinh tế như vậy đó. Theme mấu chốt của phim đó là sự chân thành. Cho dù bạn đang suy nghĩ thế nào và có thể bạn sẽ làm đau lòng đối phương, nhưng bạn phải thật thà với tình cảm của mình và với họ!
Nếu nói và cảm nhận về mọi nhân vật trong phim thì chắc có mà chục trang. Mỗi người sẽ xem và có những cảm nhận của riêng mình. Phim nói không chỉ về sex, mà về giới tính, đồng tính, cuộc đời, cuộc sống. Sự đồng tính được miêu tả trong phim cũng rất lãng mạn và thú vị, cả bất ngờ nữa. Mình tin chắc các bạn LGBT cũng nhìn thấy bản thân của mình trong đó, hoặc những người vẫn còn đang băn khoăn với giới tính của mình cũng sẽ có được nhiều sự đồng cảm hoặc một câu trả lời!
Một phần mà mình cho là đỉnh cao của phim đó chính là NHẠC PHIM. Nhạc phim của Sex Education nó làm mình phát nghẹn vì sự… hợp lý và hài hước. Những bài hát được lắp vào những đoạn làm tình cũng làm người ta cảm thấy vỗ đùi cái đét vì vừa hài vừa hợp. Nhưng những lúc miêu tả tâm trạng nhân vật và cần deep thì nó deep và lắng đọng đến ứa nước mắt. Mình vẫn không thể quên đoạn kết thúc season 2 với ca khúc “On the radio” do Chip Taylor hát.
“Then you take that love you made
And you stick it into
Someone else’s heart
Pumping someone else’s blood”.
Đó là lúc một lần nữa Otis và Maeve lại lỡ mất cơ hội để được đến bên nhau. Tự nhiên nghe tới khúc đó mà mọi cảm xúc cho cả một season nó ùa được về cùng lúc luôn.
Bạn xem xong một bộ phim hùng hục như vậy mà xong chợt nhận ra mình cũng được “giáo dục giới tính” từ lúc nào không biết. Season 3, các nhân vật đã dần lớn lên, nó là season emotional hơn cả, vì đó là lúc những nhân vật sắp bước chân vào đời và khám phá ra được bản thân của chính mình. Sự vô tư sẽ ít dần đi, sự trưởng thành sẽ lớn dần lên. Không biết được rằng sẽ có thể có những seasons tiếp theo không, vì thứ nhất các nhân vật sắp qua giai đoạn học cấp 3, và nữa là diễn viên đang… già nhanh quá (diễn viên Anh diễn hay mà bị mỗi cái dở là già nhanh thôi). Nhưng nếu phim ngừng tại đây, nó đã quá đủ là một bộ phim hay và ấn tượng mà không phải kéo dài quá lâu để duy trì độ hot.
Xem phim người lại nghĩ đến ta. Không biết tới một thế kỷ nào, mình mới được làm những bộ phim như vậy ở nước mình. 0 chỉ là vấn đề kiểm duyệt, quan điểm, nhận thức… mà còn biên kịch, đạo diễn, diễn viên và… tất cả phần còn lại!
Sex Education cũng chưa chắc dành cho tất cả mọi người hay hợp gu với nhiều người. Mỗi người sẽ thích những bộ phim vì những lý do khác nhau. Mình thích vì mọi thứ mình… kể trên và vì tình dục cũng là một thứ mình rất thích, nên có gì mà không được kể và khen nó nhỉ ahihi!