Posts tagged films

#483: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: PHẦN 4 – MỘT THẬP KỶ ĐỐI ĐẦU NHAU VÀ LÀ LẼ SỐNG CỦA NHAU

MỘT THẬP KỶ ĐỐI ĐẦU NHAU VÀ LÀ LẼ SỐNG CỦA NHAU

Lúc này, khi nền bóng rổ đang được thống trị bởi người da đen, thì bỗng nhiên từ đây Larry được tôn sùng thành một “White Savior”, một người da trắng cứu rỗi nhân loại. Người da trắng tự hào và hạnh phúc khôn xiết vì họ có một cầu thủ tài giỏi và không kém cạnh gì bất cứ người da đen nào, và rằng mộn bóng rổ không thể chỉ là của người da đen. Họ nâng tầm Larry đến mức như Thánh sống. Nhưng truyền thông lại luôn vất vả với Larry, vì mỗi lần anh xuất hiện, là anh vô cùng nhạt nhẽo, chỉ nói những câu ngắn gọn và lịch sự có khi về… thời tiết, không bao giờ có bất kỳ một lời nói nào xúc phạm hay chê bai bất kỳ ai cho dù được khích bác đến cỡ nào, và cũng không bao giờ phản ứng với mọi lời xúc xiểm kể cả đến từ những cầu thủ da đen khác. Mọi danh vọng, mỹ từ, quyền lợi Larry đều dửng dưng, anh chỉ cần được chơi bóng rổ, và đích cuối cùng vẫn chỉ là đấu với Magic.

Mọi người vô cùng ngạc nhiên với tính cách kỳ lạ của Larry. Anh sinh ra ở một vùng quê rất nghèo và nặng những tôn giáo, hủ tục, những giáo phái đáng sợ, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ Larry bị tẩy não và luôn cư xử rất văn minh, chừng mực. Khi mà nạn phân biệt chủng tộc còn đang dữ dội như vậy, cả cuộc đời anh là đối đấu với những người da đen, nhưng Larry chưa từng một lần nói xấu hay phỉ báng họ. Larry kể lại: “Lúc tôi còn nhỏ, khi đi ngang qua một sân bóng rổ với những cậu bé da đen khác đang chơi bóng. Tôi đã xin được chơi cùng, và họ đã dang tay đón nhận tôi làm bạn, chơi bóng với tôi, dạy tôi chơi bóng, họ không phân biệt tôi là màu da gì. Tôi đã luôn muốn đấu với những người giỏi nhất, và họ là những người giỏi nhất”.

Trong khi Larry ngày càng khép kín và chạy trốn khỏi truyền thông thì Magic trở thành một celeb hạng xịn. Khi trên sân, anh là Magic chơi bóng quyết liệt, còn khi ngoài sân, anh là chàng trai Earvin ham chơi, hay cười, thân thiện với tất cả mọi người và… ăn chơi trác táng. Ông chủ Playboy sẽ mời Earvin tới chơi qua đêm với hàng chục những cô gái nóng bỏng ở biệt thự trứ danh của ông. Những celebs lớn nặng đô như Michael Jackson cũng bày tỏ sự hâm mộ. Các cô gái lao đầu vào anh chàng Earvin như thiêu thân và được cái anh cũng không… từ chối. Magic từng chẳng ngại ngần tiết lộ khi được phỏng vấn trên tivi rằng anh đã từng một đêm xoạc tới cả 6 cô cùng một lúc. Muốn gặp Magic thật cũng chẳng khó chút nào. Nhưng với Larry, khán giả vất vả để được gặp thần tượng ngoài đời. Ân huệ duy nhất Larry dành cho fans đó là thỉnh thoảng vào một sáng thứ bảy, sẽ thấy anh lái máy cày ra trước sân nhà… cắt cỏ. Có mỗi thế thôi mà fans cũng sung sướng hỉ hả đứng kín ngắm nhìn say mê!

Cứ mỗi khi đối đầu trên sân, là dù bất kể ngoài đời họ khác nhau thế nào thì trên sân họ luôn là tấm gương phản chiếu của nhau, dường như mọi nỗ lực, mọi sự phấn đấu chỉ là để được đấu với nhau mà thôi. Và mặc dù mọi nỗ lực của Magic muốn được làm bạn với Larry mỗi lần “off court”, khi chủ động làm quen, hay cười, thích ôm, thì Larry chỉ là một hòn đá tảng lạnh lùng. Magic đã từng thốt lên: “Tại sao ai cũng yêu tôi, mà anh lại không yêu tôi?” “Everybody loves me, why don’t you love me?”. Và Magic mặc định rằng Larry rất ghét mình. Nhưng phải nhiều năm sau này anh mới biết, thực ra Larry biết hết tình cảm của anh, chỉ là Larry không là người thể hiện tình cảm của mình với người khác. Ngay cả khi Larry chiến thắng, anh cũng chưa bao giờ vui vẻ hoàn toàn, khi Magic đang khóc trong phòng tắm với sự giận dữ, Larry cũng lắng mình trong chiến thắng của mình vì cảm thông với nỗi buồn của Magic. Bởi vì Larry hiểu, mình cũng đã trải qua sự thất bại ấy nó đau đớn đến thế nào!

Cứ mỗi trận đấu mà ai thắng hoặc thua, là sẽ lại khiến cho hai người điên cuồng tập luyện để “trả thù”. Cứ người này thắng, thì người kia sau đó sẽ thắng lại. Cứ như vậy, họ hạnh phúc vì có nhau trong cuộc đời và nhờ thế cống hiến những màn trình diễn bóng rổ ngày càng đỉnh cao cho khán giả. Họ cứ đọ nhau qua lại như vậy, rồi cho tới một ngày một sự trớ trêu ập tới…

#482: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: PHẦN 3 – SỰ ĐỐI ĐẦU ĐÃ THAY ĐỔI LỊCH SỬ VÀ CỨU RỖI CẢ MỘT NỀN THỂ THAO.

SỰ ĐỐI ĐẦU ĐÃ THAY ĐỔI LỊCH SỬ VÀ CỨU RỖI CẢ MỘT NỀN THỂ THAO.

Từ đây, bất kể là Larry hay Magic chơi cho đội nào. Mục đích chính của họ chỉ đơn giản là để được đọ sức với nhau và chiến thắng lẫn nhau. Hai bên ngấm ngầm cạnh tranh nhau trên mọi mặt trận, và như một kịch bản phim truyền hình phong cách Á đầy cliché, cặp đôi ghét nhau và cạnh tranh với nhau cũng chỉ là để dành sự chú ý lẫn nhau.

Một ngày, cả hai nhận ra, mỗi lần trên sân bóng, họ ghét nhau đến thế vì đơn giản họ chính là… tấm gương phản chiếu của nhau. Từ thái độ hiếu chiến, cách phòng ngự, sự tham vọng lẫn cái cách… hằm hè nhau. Điều thú vị về Larry Bird đó là, cứ khi ra khỏi sân bóng thì hiền khô lầm lì, ít nói, không giao du, nhưng cứ ở trên sân bóng thì thành một con người hoàn toàn khác: hiếu chiến và… chửi người khác như ranh. Larry là một trong những người nổi tiếng nhất thế giới về “trash talk” on court. Hầu hết các cầu thủ từng chơi với Larry, thậm chí cả HLV đều từng bị Larry xéo xắt cho từ bố cho đến mẹ cho đến cái quần lót màu hường. Có thể đó là cách xả năng lượng của Larry với bao kìm nén dồn ứ đổ hết lên trên sân bóng!

Lúc này, nền bóng rổ vẫn đang cố gắng đứng dậy từ vực thẳm của những năm tháng bết bát từ những năm 70’s và vẫn không có nhiều khán giả cho dù đang có hai cao thủ võ lâm đại tài. Giải bóng vẫn vật vã để kiếm rating từ khán giả. Tới giải đấu 82-83. NBA dưới thời của David Stern, một vị chủ tịch cực thông minh và nhanh nhạy luôn đi trước thời đại, đã ký được một hợp đồng truyền thông với đài CBS. David Stern đã có “âm mưu” với CBS. Họ nhận ra Larry và Magic là hai “con mồi” hoàn hảo để tạo ra một chiến lược truyền thông mang nặng màu sắc của thời cuộc. Nhận thấy sự khác biệt về tính cách, về màu da, đội bóng. Lúc này Magic đang chơi cho Lakers còn Larry đang chơi cho Boston Celtics (một đội luôn nổi tiếng là racist). Một đội đình đám ở Bờ Tây, một đội đình đám ở Bờ Đông. Một người da trắng, một người da đen. Một người khép kín, một người cởi mở… nhưng cả hai lại đang là những cầu thủ ở đỉnh cao nhất. Xuyên suốt toàn bộ giải đấu năm đó, hình ảnh và thông tin của Larry và Magic được “bán” triệt để. Những câu chuyện cạnh tranh về hai nhân vật liên tục được truyền thông bơm tỉa. Họ được xào nấu để trở thành những đề tài bất tận để kích động tinh thần fans. Và cuối cùng, khi cả hai cùng tiến tới vòng chung kết giải năm đó với Lakers và Boston Celtics – Bờ Đông đối mặt với Bờ Tây. Trắng đối với Đen: mọi nỗ lực và chiêu trò của truyền thông đã được đền đáp xứng đáng. Có những điều rất kỳ lạ và khó hiểu đã xảy ra, ví dụ như một số fans da đen tuy quê nhà ở Boston nhưng lại mong Lakers thắng, lý do đơn giản là vì họ muốn thắng vì màu da hơn là màu cờ sắc áo, và… ngược lại. Fans da trắng từ quê nhà Cali lại chỉ mong Lakers bị Larry đánh bại. Mọi sự căng thẳng và đối đầu sôi sục trong cộng đồng, có lẽ tự bao giờ nhiều người còn không nhận ra họ tự nhiên đã quan tâm đến bóng rổ nhiệt tình tới như thế từ lúc nào.

Trong khi cả thế gian sôi sục vì thắng thua, màu cờ sắc áo, màu da, lối sống. Thì với Larry và Magic lúc này, mọi việc hoàn toàn không có gì đơn giản hơn chỉ là để được đọ sức với nhau. “Tao muốn đấu với mày vì mày xứng đáng làm đối thủ của tao”. Họ điên cuồng tập luyện vì chỉ nghĩ đến việc được đánh bại nhau!

Loạt series 7 trận đấu của giải năm đó thắng thua sát nhau từng điểm một, và tỉ số liên tục đuổi bám nhau. Nếu trận này Magic thắng thì chắc chắn game sau đó phải là Larry thắng. Sự ngang tài ngang sức thể hiện ở những điểm số chóng mặt. Tại game 4, Celtics đã thắng Lakers với tỉ số sát sao là 135 -132, trong đó Magic trở thành tội đồ vì ném 2 quả phạt đều không thành công và Larry lại bắn được phát cuối hai điểm để vươn lên chiến thắng sít sao. Cứ như thế, càng về cuối, những trận đấu ngày càng nghẹt thở và lượng khán giả theo dõi đã đạt đến mức lịch sử.

Cuối cùng, chiến thắng đã gọi tên Larry Bird cho Boston Celtics. Nếu 1979 Magic đã đại thắng Larry và Larry ôm nỗi hận đấy khôn nguôi thì cuối cùng, bây giờ Larry được trả thù oanh liệt mà không phải chờ tới 20 năm sau như cụ Kim Dung hay tuyên truyền. Lúc này Magic đã hiểu được cảm giác ôm hận mà 5 năm trước Larry đã mang trong lòng là như thế nào. Magic đã vào phòng tắm và khóc nức nở. Khóc không chỉ là việc đội mình thua, khóc là vì mình đã bị thua đối thủ số một của mình!
Trận đấu năm đó là trận đấu có tỉ lệ người xem cao nhất của đài CBS trong năm, điều mà trước giờ bóng rổ chưa bao giờ xảy ra. Cũng là giải đấu đông khán giả và views nhất trong lịch sử của bất cứ trận đấu nào của NBA. Kể cả người trước giờ không quan tâm đến bóng rổ giờ cũng xem bóng rổ!

Trận chung kết năm đó cũng đã trở thành khoảnh khắc lịch sử của giải NBA vào mọi thời và cũng chính thức mở đầu cho sự trở lại của nền công nghiệp bóng rổ.

Từ từ, những màn biểu diễn hấp dẫn siêu đỉnh của hai cầu thủ đã khiến khán giả lựa chọn cho mình xem bóng rổ vì những màn biểu diễn hấp dẫn, ưa thích thần tượng của họ vì lối chơi, tính cách và con người họ thay vì họ chơi cho ai và màu da nào. Fans có thể cùng thích một thần tượng của họ mà không còn phân biệt là da đen hay da trắng. Và bỗng nhiên, nhờ thế, sự cạnh tranh lẫn nhau của họ đã khiến cho các trận đấu hấp dẫn hơn hẳn. Không chỉ là họ đang đối nhau, mà fans đối nhau, da trắng da đen đối nhau, truyền thông đối nhau, các đội phải nỗ lực để đối nhau. Cả hai đều cố gắng rèn luyện “công lực” không ngừng nghỉ, và vì thế, chất lượng các trận đấu ngày càng hấp dẫn nghẹt thở. Bỗng một ngày người ta nhận ra, bóng rổ Mỹ đã đang quay trở lại và từ lúc nào nó đã trở thành một nền công nghiệp tỉ đô, gây sự chú ý với toàn bộ khán giả Mỹ và cả thế giới, chứ không còn là một môn thể thao đấm đá nghiện ngập nặng mùi phân biệt chủng tộc như những năm 70’s nữa.

Bóng rổ của những thập kỷ 80’s, từ đây nó không còn chỉ là những trận đấu thắng thua tẻ nhạt, mà nó còn là một nền văn hóa, một phần của hiphop, những thế hệ đàn em xuất hiện như Iverson, đã mang đặc hơi thở hiphop và thời trang vào từng màn đấu bóng, vào âm nhạc, đặc biệt là rap, rnb. Sau này, những nhân vật tiếp nối như Michael Jordan đã đưa NBA lên cấp độ quốc tế, trở thành một trong những nền công nghiệp thể thao giàu có nhất, quyền lực nhất và nổi tiếng nhất toàn cầu!

Vậy nên, lịch sử đã ghi danh và biết ơn Magic và Larry, hai người đã vực dậy và làm sống lại cả một nền thể thao NBA. Điều mà ai cũng nhận ra rằng, nếu chỉ có một mình Magic, hay chỉ một mình Larry, thì dù có tài giỏi đến mấy, họ cũng sẽ chết buồn nếu không có đối thủ và một mình họ không thể làm nên được lịch sử.

#481: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: PHẦN 2 – ĐỘC CÔ CẦU BẠI ĐÃ CẦU ĐƯỢC BẠI

May be an image of 3 people

Vào những năm 60’s và 70’s của nước Mỹ. Nền bóng rổ vô cùng bết bát, những trận bóng tràn đầy bạo lực, có lúc người ta xem bóng rổ mà tưởng đang xem đấm bốc. Chưa kể, tệ nạn ma túy, chơi thuốc, trụy lạc khiến các cầu thủ chơi bóng kém hiệu quả và nhiều bạo lực. Bộ môn thể thao lúc này cũng đang được lấn át bởi phần lớn là người da đen. Người da đen chơi bóng thì người da trắng sẽ không tới mua vé hay xem trên TV, mà lúc này, người da trắng vẫn là những người có nguồn thu nhập tốt hơn và chịu chi nhiều hơn trong xã hội. Thậm chí, để giảm độ “sung” của người da đen, họ còn ra những luật vô ly như là cấm “dunk”, vì kỹ thuật này hầu hết người da đen giỏi hơn rất nhiều vì thể lực của họ. Vậy nên, nền bóng rổ ngày càng đi xuống vì thiếu khán giả, nạn phân biệt chủng tộc và những trận đấu nhạt nhẽo kém hấp dẫn!

Ngày 26 tháng 3 năm 1979. Hai người đại diện cho hai bang của mình để đấu trận chung kết giữa Indiana State University và Michigan State University cho giải NCAA. Đây là lần đầu tiên hai người có cơ hội được đối đầu nhau trực tiếp và lần đầu tiên, sau rất nhiều năm người ta bỏ quên bóng rổ, mà lại có một trận đấu đại học nghẹt thở mà lại thu hút được nhiều khán giả quan tâm đến thế.

Lúc này, tình hình đang có chút unfair, đội của Magic đồng đều về chất lượng hơn đội của Larry. Có thể nói bên đội Larry, một mình anh phải gánh toàn team, và vì Larry là mối hiểm nguy duy nhất nên chỉ riêng Larry cũng luôn bị kèm bởi 2,3 cầu thủ khác. Mỗi quả ném bóng vất vả của Larry đều như một lần superhero đi giải cứu thế giới.

Kết quả cuối cùng là đội của Magic đã thắng. Còn Larry, lần đầu tiên nếm mùi thất bại, và cũng là lần đầu tiên đã tìm được đối thủ cho cuộc đời mình. Larry ngỡ rằng đối thủ đang thật sung sướng vì mình đã thất bại nhưng anh không hề biết rằng, chỉ trước đó cũng trong ngày, Magic đã nếm trải sự thất bại của mình trước cả Larry. Khi cùng ngày với trận đấu, giải “Rookie of the Year” ((giải thưởng dành cho cầu thủ xuất sắc nhất trong số những cầu thu tham dự giải năm đầu tiên)) đã được trao cho Larry, với số điểm phiếu bầu chênh lệnh khủng khiếp là 63/3. Vì mất giải thưởng danh giá này trong khi mình ngỡ rằng đang là đỉnh cao của chóp, đã làm động lực khủng khiếp khiến Magic phải quyết tâm chiến thắng Larry vào tối hôm đó.

Và thế là, thực ra hai anh hùng hào kiệt đều nếm trải sự chiến thắng và thất bại với tư cách là đối thủ của nhau trong cùng một ngày. Sau này, Magic thổ lộ: “I won the championship but I wanted the Rookie of the year”, còn Larry thì lại nói: “I had the Rookie of the Year but I wanted the championship”.

Và từ lúc đấy, họ đã tìm được ý nghĩa cho sự nghiệp bóng rổ của mình. Họ chơi không phải chỉ là để nhất, họ chơi là vì cuộc đời của họ đã có đối thủ xứng tầm để biến nó thành những động lực, mục đích, và trở thành một lẽ sống. Độc cô cầu bại từ nay đã không còn cô đơn!

#480: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: PHẦN 1 – NHỮNG NGÀY XA XÔI Ở VÙNG MIDWEST

1. NHỮNG NGÀY XA XÔI Ở VÙNG MIDWEST

May be an image of sky and tree

Magic Johnson có tên cúng cơm là Earvin Johnson Jr. Sinh ngày 14/8,1959 ở Lansing, Michigan, là con thứ tư trong một đại gia đình da đen với 10 anh em bao gồm cả anh em cùng mẹ và cùng cha khác mẹ. Bố mẹ của Earvin đã phải vô cùng vất vả để nuôi được từng đấy người con. Ban ngày ông Earvin (bố của Magic) làm việc tại General Motors, một xưởng sản xuất ô tô, còn ban đêm đi hốt rác để kiếm thêm thu nhập. Còn mẹ của anh là người trông coi một ngôi trường địa phương. Ngoài giờ làm việc là bà tối mặt với dọn dẹp và chăm lo đi chợ, ăn uống cho đại gia đình.

Từ nhỏ Magic đã luôn ý thức phụ giúp bố dọn rác mỗi đêm. Những đứa trẻ hàng xóm luôn dè bỉu chê bai anh là “thằng hốt rác”. Nhưng mặc kệ gia cảnh vô cùng khó khăn, nạn phân biệt chủng tộc còn đang vô cùng nặng nề, nhất là ở những vùng miền quê midwest. Mặc kệ bị bạn bè chê bai gia cảnh và bản thân mắc chứng rối loạn đọc chữ, Magic vẫn luôn là một cậu bé yêu đời hồn nhiên, đứng mỗi chiều trên vỉa hè cất giọng hát những bản nhạc blues trứ danh của người da đen nô lệ. Và hơn cả, anh có bóng rổ làm người bạn thân thiết đồng hành đi qua những tháng ngày tuổi thơ khốn khó.

Ở một nơi cách Michigan 400 dặm lái xe về phía nam. Tại West Baden, Indiana, cậu bé Larry Joe Bird ra đời vào ngày 7/12 năm 1956 trong một gia đình da trắng lao động nghèo. Larry cũng có tới năm người anh chị em khác. Bố anh, ông Claude Joseph, là một cựu chiến binh trở về từ cuộc chiến tranh Triều Tiên. Những dư chấn khủng khiếp từ cuộc chiến tranh khiến ông Claude luôn rơi vào tình trạng hoang tưởng và trầm cảm khiến gia đình luôn căng thẳng. Mặc dù phải chống chọi với những sang chấn tâm lý nặng nề, nhưng ông vẫn cắn răng lao động cật lực để nuôi gia đình, còn mẹ thì vừa phải lo nội trợ, vừa phải làm hai công việc một lúc để trả những hóa đơn.

Trái với Magic, Larry lớn lên với một tuổi thơ nhiều đau khổ, u uất và luôn khép kín trái tim mình với tất cả xung quanh. Larry là một cậu bé lầm lì, ít nói, và thương bố nhất trên đời cho dù ông rất hiếm khi thực sự bình thường về tâm lý. Larry đóng cửa với cả thế giới, nhưng chỉ có bố là người bạn thân nhất!

Năm Larry vào trung học thì bố mẹ ly dị vì mẹ Larry đã không thể chịu đựng nổi hơn nữa những giày vò cả về tinh thần lẫn thiếu thốn vật chất. Cậu bé Larry đã ít nói lại càng ít nói.

Một buổi sáng, ông Claude nhận được điện thoại nói rằng ông cần phải thanh toán hết những hóa đơn tồn đọng. Ông nói rằng hãy cho ông một chút thời gian để chuẩn bị. 1 tiếng sau cú điện thoại ấy, ông đã chĩa súng vào đầu mình tự sát.

Sự ra đi đau đớn của người bố đã rách toạc một phần trái tim của Larry và từ đấy để lại một vết thương lớn không bao giờ có thể chữa lành. Bố là người bạn thân nhất của anh, từ nay, sẽ chỉ còn Larry và thế giới. Hay có lẽ chỉ còn Larry, và bóng rổ! Larry tìm đến bóng rổ để chạy trốn khỏi gia đình và những đau khổ thực tại!

Bóng rổ, là môn thể thao dễ chơi nhất, bình dân nhất cho tất cả những đứa trẻ con, dù là nghèo hay giàu có ở nước Mỹ. Ở bất kỳ một cái công viên nhỏ nào, một khu dân cư, hay thậm chí là một góc vỉa hè, người ta cũng có thể thấy được một cái cột bóng rổ. Những đứa trẻ cô đơn nếu không có bạn chơi cùng, lúc nào cũng có thể đứng chơi một mình. Nếu không có tiền để mua một quả bóng tốt, nó có thể dùng bất cứ một quả bóng nào, thậm chí bất cứ cái gì có thể ném trúng được vào rổ. Sự dễ dàng trong việc tiếp cận một môn thể thao ấy thực sự đã cứu rỗi cho rất nhiều những đứa trẻ con nhà nghèo, đặc biệt là trẻ em da đen khỏi những tệ nạn xã hội hay kìm nén sự bất hảo của chúng tại trường học. Những cái sân bóng nhếch nhác lộn xộn cùng những quả bóng thậm chí có lúc xịt xẹp lép ấy hóa ra lại là nơi đào gốc ươm mầm cho những nhân tài được tỏa sáng, và nó đã thay đổi không biết bao nhiêu cuộc đời của những đứa trẻ nghèo và mang đến cho nền bóng rổ Mỹ những cầu thủ kiệt xuất: Magic, Larry Bird, Iverson, Pippen, Dennis Rodman, Michael Jordan… và… phần lớn NBA!

Ở hai đầu thành phố nghèo là số phận hai đứa trẻ vừa giống nhau mà lại vừa khác nhau. Một đứa trẻ da đen luôn cất tiếng hát yêu đời và nở nụ cười tươi rói mỗi lần gặp chào một ai đó. Một đứa trẻ da trắng luôn im lặng và lạnh lùng khép mình trong một thế giới riêng với những ký ức buồn. Một đứa trẻ đam mê bóng rổ vì những ước mộng xa xôi về một sự thay đổi cuộc đời và nổi tiếng, còn một đứa trẻ tìm đến bóng rổ là để chạy trốn khỏi gia đình, khỏi những đau khổ của cuộc sống.

Người ta cũng chưa bao giờ nghĩ tới, số phận sẽ đưa chúng đến với nhau để làm nên những điều vĩ đại, và kể lại cho chúng ta một câu chuyện cuộc đời nhiều ý nghĩa và thú vị đến thế, một câu chuyện mà chưa chắc một biên kịch đại tài hay một đạo diễn tài hoa có thể làm ra được một bộ phim hư cấu mà có thể hay hơn như vậy!

Tài năng của cả Magic và Larry không phải chờ đợi quá lâu để tỏa sáng. Chỉ cần khi vào tới trung học, cả Magic và Larry đã trở thành ngôi sao nổi tiếng trong thị trấn của mình về tài năng bóng rổ. Magic, có chút thiệt thòi hơn Larry khi anh là một thằng bé da đen và phải đi học ở một trường phần lớn là da trắng. Nên nhớ những năm này là lúc nạn phân biệt chủng tộc vẫn vô cùng dữ dội. Làm người da đen cộng thêm chứng khó đọc, Magic đã phải vật lộn để hòa nhập trong những năm tháng học trung học. Nhưng vì tài năng bóng rổ quá xuất chúng, nạn phân biệt chủng tộc đã không thể nào vùi dập được anh. Earvin – lúc này chưa có tên là Magic. Bên ngoài tài năng chơi bóng, lại còn là một người rất thân thiện, hay cười, không chấp vặt, lại thích được sự chú ý nên dù da trắng hay da đen mọi người đều muốn chơi với anh, làm bạn với anh. Thậm chí có những buổi tiệc tùng của những người bạn da trắng họ cũng muốn được mời anh tới với một sự tự hào.

Earvin đã đưa trường học của mình dẫn đầu rất nhiều giải bóng rổ lớn nhỏ và giành được giải vô địch quốc gia. Anh chơi hay đến mức, những tờ báo địa phương đã gọi anh là “Magic”. Vì anh chơi bóng như có phép thuật. Và từ đấy, cái tên Magic đã gắn bó với cuộc đời của Earvin Johnson.

Còn Larry, anh chàng lều khều, lại cực kỳ ít nói, lầm lì và chỉ thấy tràn đầy sức sống mỗi lần cầm quả bóng ra sân. Larry tuy không gặp vấn đề về chủng tộc nhưng môn bóng rổ vẫn là một môn của nhiều người da đen, vẫn được coi là một môn thể thao cho người da đen. Tuy nhiên, những năm tháng đi học tại trường trung học Springs Valley, anh đã xuất sắc tới mức một ngày người ta nhận ra, cả một thị trấn nơi anh ở chỉ có 2000 nhân khẩu nhưng đã có tới 1600 người chen nhau vào sân bóng rổ để xem một trận anh đấu cho trường. Và mặc cho các cô gái gào thét, Larry vẫn chỉ là một chàng trai lầm lì không thích bị gây chú ý!

Earvin, từ đây đã được tên là Magic – anh chàng nhà quê nhanh chóng nổi tiếng và được những trường đại học danh tiếng mời gọi, nhưng cuối cùng anh vẫn chọn ở lại học ở trường đại học quê nhà: Michigan State University, và quyết cống hiến tài năng chơi bóng của mình cho đội nhà.

Larry – nhà nghèo khó nhưng tài năng bóng rổ không khiến anh quá khó để được vào một ngôi trường đại học xịn. Larry được full học bổng tại Indiana University, nhưng bất chấp sự tự hào và hy vọng của mẹ, chỉ sau 24 ngày anh đã bỏ học, chỉ đơn giản Larry cảm thấy anh “không được vui” và thoải mái ở ngôi trường này. Mẹ đã không nói chuyện với Larry suốt 2 tháng sau đó. Một ngôi sao mới nổi với cả một tương lai đầy hứa hẹn đã bỏ học trở về nhà, và xin việc làm dọn rác cho thị trấn. Ngay cả nhiều năm sau này, khi được hỏi về quyết định đó, Larry cũng chẳng có gì thấy xấu hổ hay cần phải che giấu, ngược lại, anh nói rằng đó quả thật là một công việc ý nghĩa. Vì anh thấy mình đã góp phần cho thị trấn nhỏ bé của mình được sạch đẹp hơn mỗi ngày.

Và rồi, vì lời hứa với mẹ “give college another chance”, và vì đam mê bóng rổ chảy hừng hực trong máu. Larry quyết định trở lại đi học đại học, có điều anh quyết định chọn một ngôi trường nhỏ kém cả danh tiếng lẫn thành tích thể thao, còn chưa từng bao giờ lọt được vào một giải nào của NCAA tournament (Giải bóng rổ đại học vô địch quốc gia Mỹ). Nhưng Larry đã không quan tâm danh tiếng của ngôi trường, anh chỉ cần biết đó là nơi anh thấy thoải mái, được chơi bóng rổ mà khiến anh vui. Và điều kỳ diệu đã tới như hành trình của một bộ phim, một ngôi trường bé nhỏ chỉ nhờ có Larry mà lần đầu tiên trong lịch sử, đã được vào tới tận vòng chung kết của NCAA. Đến nỗi người ta sáng tác cả bài hát về Larry: “Indiana has a new State Bird…”

Cả hai đang đều là ngôi sao đỉnh cao cấp độ đại học, đều ngỡ rằng mình là độc cô cầu bại. Cho đến khi, một ngày Magic nhìn thấy hình Larry trên một tạp chí Sport Illustrated với những thành tích đáng nể. Magic bắt đầu cảm thấy hơi ngứa ngáy trong người, trước giờ vẫn nghĩ rằng Cửu Âm Chân Kinh của mình là độc tôn thiên hạ, không ngờ trên giang hồ lại có một anh hùng cái thế với Cửu Dương Thần Công với công pháp còn lợi hại không kém. Đã thế, anh ta lại còn da trắng nữa!

Hai người gặp nhau lần đầu là khi chơi chung team USA lúc cả hai còn đang học đại học. Lần đầu tiên gặp nhau, tuy rằng không đọ kiếm trực tiếp nhưng lại được nhìn thấy công pháp của nhau, cả hai đều ngỡ ngàng vì khả năng ngang tài ngang sức với nhau và dù đang là đồng đội, ở họ đã bắt đầu có những sự cạnh tranh ngấm ngầm. Chỉ có điều, Magic thì thích làm bạn, chơi đùa, ôm ấp. Còn Larry thì nhất định không tới gần và chả thèm nói chuyện…

 

#427: Hãy xem một bộ phim tài liệu…

(Ảnh, tớ quay nhân vật phim tài liệu của mình) Đi học ở trường phim, đa phần là thú vị và nhiều hứng thú. Nhưng có một điều luôn khiến tớ sợ hãi và phải rèn luyện vượt qua bản thân mình: Đó là bắt buộc PHẢI xem những bộ phim mà mình không bao giờ muốn xem. Càng đi học và càng tìm hiểu sâu thì càng thấy rằng những người quay phim, tư duy về phim tốt, dựng phim tốt lại tập trung rất nhiều ở những bộ… Read More

Read More