(Bài hát trên là của Minh Hà, giọng ca lớp G của tớ, hát tặng tớ từ hum sinh nhật nhé, hum nay mới có dịp khoe này!!!)
Năm nào cứ đến Tết là mọi người đều đi chùa. Nhưng chẳng hiểu sao tớ lại rất ít đi chùa sau Tết, không biết là do thích nằm nhà ngủ hay là vì sợ cái không khí quá đông ở chùa vào những ngày đầu năm.
Tớ chỉ thích đi chùa khi không khí thật tĩnh lặng, thật ít người, không có người thì càng tốt, bất kể là vào ngày lễ hay không ngày lễ. Vậy nên, khả năng sợ đông người có lẽ nhiều hơn.
Ở bên này, tớ chưa được đi ngôi chùa nào mà có hình dáng đúng như là hình dáng những ngồi chùa ở nhà. Đặc điểm về thời tiết, địa lý, và cả quan niệm nữa nên có lẽ ở bên này chùa thường là những ngôi nhà bê tông, chỉ có một vài đường nét tô điểm trang trí để người ta biết đó là chùa mà thôi.
Thực ra cái họ cần là bên trong, một nơi để có thể đến, cúng bái và thờ cúng. Một ngôi chùa lắp đủ điều hòa bốn bề. Bên trong chùa là hình Phật, bàn thờ và mâm cúng, mọi người có những khoảng rộng hơn để quỳ xuống cúng bái.
Năm nay tớ được đi một ngôi chùa Việt ở bang Pennsylvania, cách nơi mình ở tới gần 200 cây. Chùa có tên là chùa Quan Âm.
Vậy là ở nhà thì không đi chùa, nhưng sang đây thì đi, dù sao tớ cũng nghĩ không thể đông như ở nhà được.
Ngôi chùa nằm trên một con đường trong khu trung tâm phố cổ ở Philadelphia, thủ phủ của bang Pennsylvania. Đúng là không nói và để ý nhìn lên dòng chữ Việt rất to: “Chùa Quan Âm” thì tớ cũng không nhận ra đó là chùa.
Câu chuyện cúng bái ở đây thì không có gì quá đặc biệt, sư thầy và người giúp việc ở chùa chủ yếu là người Việt gốc Hoa, tất cả họ đều rất hiền lành và dễ thương.
Thầy cũng có một cách hướng dẫn dạy mọi người đầu năm rất khác ở nhà, đó là bảo mọi người đi thành hàng một và đi vòng quanh, vừa đi vừa hát Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát. Thầy cũng nhắc nhở mọi người năm mới giữ hòa khí, yêu thương mọi người trong gia đình. Mặc dù thầy nói không liền mạch và không có sự chuẩn bị trước, nhưng tớ lại lắng nghe rất chăm chú, bởi vì có mấy ý mà thầy nói rất hay:
– Nhiều tiền quá đâu phải là sướng đâu, nhiều tiền nhưng suốt ngày lo giữ của, lo bị người khác làm phiền, sống có bao giờ sung sướng?
– Nổi tiếng quá đâu phải là tốt? Nổi tiếng như Giáo Hoàng hay Tổng thống, ngôi sao điện ảnh, mỗi lần ra đường không đi xe bọc thép thì cũng vài tầng vệ sĩ, có muốn đi vệ sinh dọc đường cũng không phải là việc đơn giản.
– Bố mẹ chưa hẳn bao giờ cũng là đúng, con cái cũng thế. Bố mẹ bớt đòi hỏi con cái, con cái bớt đòi hỏi bố mẹ, đó là đủ, là hạnh phúc.
– Đời chỉ có thể sống thanh thản và dung hòa nếu biết vận dụng chữ NHỊN, một cách vừa đủ.
– NHỮNG KẺ SỐNG MÀ BỆNH HOẠN VỀ TINH THẦN LÀ KẺ ĐÁNG THƯƠNG VÀ BẤT HẠNH HƠN NHIỀU NHỮNG NGƯỜI BỆNH HOẠN VỀ THỂ XÁC.
Có thể người khác thì không thích cách thầy giảng lắm, vì nó không liên kết và không ra đầu ra cuối, cách thầy quen giảng cho Việt kiều, nhưng mà quan trọng gì đâu, quan trọng là những lời thầy nói rất ý nghĩa, và nó có thể giúp được bạn đến đâu.
Đôi lúc có những lời nói, là để mình nhận ra mình đang hạnh phúc. Cái mà rất nhiêu người cứ cố đủ sức giành giật hay kiếm tìm, đôi khi không biết cách kiếm, hoặc đôi khi đang có mà không biết. Và tất nhiên, giúp mình biết thế nào để mà hạnh phúc.
Tớ học được bài NHỊN và không bao giờ chấp những kẻ BỆNH HOẠN VỀ TINH THẦN, bởi họ đã quá đủ bất hạnh rồi. Nhưng tớ học ở mức độ vừa đủ.
Tuy nhiên, có một chi tiết đáng nói trong buổi đi chùa này hôm đó. Đó là cảnh sư thầy đã phải bật khóc!
Thầy xúc động hay có chuyện gì? Không phải đâu. Có thể lúc đấy những người đi chùa khác lặng thinh hoặc họ không thích thái độ của thầy, nhưng ít ra tớ nhìn bằng con mắt rất thông cảm.
Ở đây, đến chùa đầu năm bao giờ cũng được nhà chùa lì xì một phong bao đỏ, trong đó là tờ 1 đô. Khi thầy giảng xong, thầy bảo sẽ lì xì cho mọi người. Hôm đó cũng khá là đông người, nhưng khi thầy cầm đống lì xì trong tay, bất chợt thầy thốt lên: “Trời ơi, người Việt mình, sao không bao giờ là đủ nhỉ? Chẳng bao giờ vừa lòng họ là sao?”. Thầy nói, họ đến đây cúng bái và ai cũng ra xin lì xì, tất nhiên nếu xin cho mình họ thì không sao, nhưng có người đến một mình mà xin lì xì…cho cả họ, đầu tiên là : “ Con còn mẹ già ở nhà” rồi “Con còn vợ nữa” rồi…”Thầy ơi con còn 6 đứa con nữa”. Họ xin liên tục, thậm chí xin xong rồi, thầy quên rồi lại quay lại xin tiếp. Nếu thầy phát hiện ra hoặc tỏ ý không vừa lòng thì họ quay ra nói rằng thầy quá là kẹo, lộc mà, sao phải kẹo thế. Thực ra mỗi cái lì xì chỉ có một đô, ở đây không phải là vấn đề vật chất, mà họ coi đó là “lộc”, mà lộc thì muốn phải có thật nhiều, càng nhiều càng tốt, tâm lý là được bao nhiêu thì cứ lấy.
Tất nhiên, thầy vừa nói xong, sống phải có chữ NHỊN, nhưng vừa đủ thôi. Và thầy cũng là con người mà thôi, thầy cũng hết chịu nổi bởi tính xấu của người Việt nhà mình. 3 ngày Tết thầy phát ra 3 nghìn rưởi phong bao lì xì, mỗi người một đô không là nhiều, nhưng với một mình thầy cho mấy nghìn con người đi đòi “lộc” thì quả là quá nhiều. Nhưng hơn cả, đó là cái thái độ tham lam và không trung thực khi ở cửa Phật.
Thầy cầm phong bao, tức và nói bật nước mắt. Những người ngồi dưới có thể không thích, thấy ngại nếu họ lấy tiền lì xì sau khi thầy đã nói thế, và không thích thái độ “không nhịn nổi” của thầy. Nhưng tớ thì thấy rất thương thầy, rất thông cảm cho thầy, và hiểu, và thấy tức giận vì cái tính xấu đó của những con người không biết điều.
Ồ, thầy cũng là con người thôi mà!
Đầu năm, cũng có thể coi như là lần đầu tiên đi chùa vào ngày Tết, đã được chứng kiến cảnh sư thầy trút giận, không biết là “điềm” gì, hừm. Hôm đó tớ bắt được 2 quẻ, một quẻ lúc đầu là rút nhưng thấy bảo thế là “sai luật”, nên lại ra xắc lần nữa để lấy lại. 2 quẻ này cho ra 2 số phận hoàn toàn trái ngược nhau. Cái đầu tiên thì “bản thân xấu, đi xa tốt, thai nghén không tốt…”, cái thứ hai thì “bản thân tốt, đi xa xấu, thai nghén tốt…”. Đặc biệt cái thứ hai còn kêu tớ mất đồ thì cứ tìm về….hướng tây.
Cái nào cũng có vấn đề hôn nhân và thai nghén, từ hai ông bà cụ già cho tới thằng bé con 6 tuổi. Nói chung nếu năm trước nữa tớ kêu tớ sẽ đỏ, thì đúng là đỏ, năm vừa qua tớ bảo tớ đen, thì đúng là tớ đen, năm nay, tớ thề….không đoán được! Thôi chờ xem sao, hehe!
Dù sao, một buổi đi chùa, học được thật là nhiều điều!
Thầy đang hướng dẫn mọi người đi vòng và niệm
Thầy dạy cách quỳ xuống khấn Phật
Ui, chị ơi, năm nay chị mất đồ thật, thế chị đã đi về hướng Tây như hướng dẫn chưa chị ơi?????
@Doan Hanh: Đi đủ hướng tùm lum,. À đang ở bên tây nước Mỹ đây!!!
I lived in Philly when I first came ….I also went to that temple and talked to “Thay”. Your entry reminded me of those days, really miss it!
Bây giờ mới đọc được entry này, rất ý nghĩa! Cảm ơn vì Kin đã chia sẻ. Nga cũng rất thương và cảm thông với sư thầy …, mà sao không xem được hình nữa ta!