KHÔNG THỂ GIÚP ĐƯỢC!
 
Có một sự thật rất đáng buồn thế này. Có những người rất nghèo, rất tội, chúng ta rất muốn giúp. Nhưng thật sự… không thể giúp được, không có cách nào giúp được!
 
Thực sự cuộc sống này cũng rất thiếu công bằng và nhiều người cũng rất ác, vô tâm. Nhưng người tốt, tử tế cũng rất là nhiều. Người thực lòng cũng rất là nhiều. Nhưng không phải lúc nào muốn giúp mà cũng giúp được.
 
Bây giờ ta chỉ nói về cái nghèo. Có những hoàn cảnh rất tội, nhiều người đều không thể cầm lòng để tìm cách giúp đỡ được họ. Nhưng rồi một lúc họ nhận ra: phải như thế nào mà họ cũng mãi nghèo mãi khổ như thế? Đành rằng vì hoàn cảnh kém may mắn, vì thất học, vì cuộc đời xô đẩy. Nhưng thật sự rất nhiều người không có ý chí để vươn lên, để quyết tâm thay đổi, để biết chấp nhận giúp đỡ, còn thiếu thật thà, hay tự ái vặt… Ta không trách họ vì họ như vậy, vì nếu họ sinh ra đã bị cuộc đời rèn luyện ra như vậy và không có truyền thống về ý chí, sự lanh lẹ từ gốc, tư duy đã không thể phát triển thì việc họ thành vậy là đương nhiên. Ta chỉ biết buồn và thốt lên rằng ta không thể giúp, không cách nào giúp được cả. Đôi lúc thấy tội vậy đó mà đành phải bất lực! Có những sự giúp đỡ cần phải chung tay của cả xã hội, chính quyền. Nhưng cái sự chung tay đó nó hơi bị hoang đường trong thời đại này!
 
Mà những đối tượng này, giúp bằng tiền là cách giúp hại họ nhanh nhất. Tiền bao nhiêu cũng sẽ tiêu trong chốc lát, làm những điều lãng phí, ngắn hạn, sa đà. Dù nhìn họ tội lắm đấy, nhưng có khi cầm cục tiền là đi mua thuốc, mua rượu, mua xe, mua đồ… Tiêu hết xong lại đói, con lại vẫn nheo nhóc, lại vẫn vòng luẩn quẩn của nghèo và đói. Mà bắt cho đi học, đi làm 2 ngày là đã lại chán, lại bỏ. Sáng vừa khuyên quyết tâm tu chí, đi làm, chiều đã lại lết trên bàn nhậu!
 
Hôm bữa xem Superstore, có chi tiết hôm đó cả siêu thị gần Noel thuê thêm người làm việc vụ mùa vì đông khách. Ông quản lý quyết định thuê người thông qua một chương trình gọi là: “The last chance”, thuê những người đang muốn “làm lại cuộc đời”, những người đã từng vấp ngã, nghiện ngập, cần được cơ hội tái hòa nhập với cộng đồng và mong cộng đồng đón nhận. Jonah – Anh chàng nhân viên ở siêu thị không biết họ được thuê từ chương trình đó nên chơi một trò cá cược với bạn đồng nghiệp để xem mấy người làm vụ mùa đó ai bị đuổi việc nhanh nhất. Là vì những người đó làm việc cũng quá tệ. Thế rồi cũng đuổi được một người, Jonah thắng được $200. Đang hỉ hả thì mới biết người vừa bị đuổi là ở chương trình “the last chance”, đây vốn là cơ hội cuối cho họ được lao động và làm việc tử tế. Jonah hối hận quá bèn chạy theo cái người bị đuổi, thấy anh ta đói khát nhếch nhác ngồi buồn thiu trong cái xe rách. Jonah thương quá và quyết định đưa toàn bộ $200 thắng cuộc cho người này. Jonah nhẹ người, nở nụ cười hạnh phúc khi quay lưng đi. Nhưng rồi Jonah nghe được đoạn điện thoại của anh chàng kia đang gọi cho ai đó: “Này mày, $200 thì mua được bao nhiêu đá để đập nhỉ?” (ma túy đá). Jonah chỉ biết thở dài, lẳng lặng bước tiếp.
 
Một đoạn phim vậy thôi mà nói lên cả một hiện tượng day dứt của xã hội. Có bạn nào xem bộ tài liệu “The first and the last”, nói về ngày đầu tiên và ngày cuối cùng của những người bị bắt vào trại tạm giam. Ngày đầu tiên bị bắt là muôn hình vạn trạng các loại tội, phần lớn là đánh nhau, lừa đảo, gây rối, nhiều nhất là sở hữu ma túy…. Ai vào đây ngày đầu cũng hoang mang, sợ hãi, hốt hoảng, thề sống thề chết tôi sai lầm, tôi hối hận quá, thật kinh khủng, tôi phải tu chí để ra nhanh. Rồi ngày cuối, ai cũng đã học được bài học của mình, ai cũng thấu hiểu tội lỗi của mình, ai cũng quyết tâm làm lại từ đầu. Nhưng rồi chỉ một thời gian sau, họ đã lại quay trở lại trại. Có người ra vào đến cả hàng chục lần. Xem đoạn một người đàn ông nghiện rượu đã mấy chục năm của cuộc đời, chỉ sống bằng rượu, lang thang đầu đường xó chợ, xin từng đồng để uống rượu, nhếch nhác, thê thảm. Ra vào trại tạm giam như nhà riêng. Phỏng vấn ngày cuối ông ta ở trong trại, quả thật một cuộc đời cay đắng. Tuy rằng họ nghiện rượu, tệ hại, nhưng hoàn cảnh họ được sinh ra quá tồi tệ, sâu thẳm trong mỗi con người ấy vẫn luôn khao khát được làm một “người bình thường”, được sống đàng hoàng tử tế. Họ luôn có cái suy nghĩ quyết tâm đó ở trong đầu nhưng đương nhiên họ không thể nào làm được. Bản chất lại đưa họ về với nghiện ngập, với đầu đường xó chợ, sống một cuộc đời đói khát như vậy cho tới chết.
 
Ở Los Angeles: Dịch ra chính là “thành phố của những thiên thần”, cả một vùng downtown sang trọng của một trong những thành phố giàu có xa hoa nhất nước Mỹ là la liệt người vô gia cư, nhiều như trại tập trung. Nhìn họ thê thảm làm sao, đói khát, rách nát, ngơ ngẩn, không thể nào kìm lòng. Nhưng mà họ là những người mà “không thể ai giúp được”. Không phải chính phủ không cho họ chỗ ăn, chỗ ở. Nếu đói thì chẳng thế nào mà đói được, nếu rét quá lạnh quá cần vẫn có shelter, thậm chí bệnh tật vẫn có thể được khám. Nhưng sao họ vẫn lang thang khổ sở như vậy? Là vì có cho họ chỗ ăn họ cũng chưa chắc thích, có cho họ chỗ ở họ cũng chưa chắc chịu ở. Họ cũng 0 thích bị kìm kẹp, nghe lời. Rất rất nhiều những con người ấy bị bệnh tâm thần, bị tàn phá bởi ma túy. Có yêu thương, giúp đỡ cỡ nào rồi thì họ cũng bỏ trốn về sống với thế giới tệ hại đó của họ mà thôi!
 
Gần đây nhất cũng có thêm phim “The hatchet wielding hitchhiker” nói về Kai, một anh chàng vô gia cư lang thang bỗng nhiên nổi tiếng vì dám dũng cảm lao vào cầm rìu bổ một người đàn ông da trắng đang đánh đập phụ nữ và một người da đen vì ông này phân biệt chủng tộc. Bỗng chốc anh ta nổi tiếng khắp nước Mỹ, các tv shows, dân mạng cuồng lên muốn truy tìm anh này, muốn giúp đỡ, thương yêu, thậm chí cho cơ hội thành triệu phú luôn. Nhưng cơ hội đến là thế, cuối cùng Kai vẫn chỉ thích là một kẻ lang thang, đầu đường cuối chợ, nghiện ngập, vẫn cư xử nhiều hành động khiến nản lòng người muốn giúp đỡ và thương yêu mình. Cuối cùng cái kết là trở thành một kẻ giết người và vào tù cho đến hết đời. Và người ta xong cũng nhận ra, Kai vốn dĩ là một người bị tự kỷ tăng động, nhưng lại không xuất phát từ một gia đình được giáo dục tử tế, được yêu thương, nên có muốn giúp cỡ nào, thì cũng sẽ vẫn là một cái kết cục như vậy thôi!
 
Có rất nhiều lý do khiến những con người này bị “self-damaged”: nguồn gốc không may mắn, sự nghiện ngập, sự thiếu ý chí, sự bị bạo hành khiến tâm sinh lý tổn thương, sự thiếu giáo dục dẫn tới thiếu hiểu biết, sự tự ái, sự mất lòng tin với xã hội, sự lười biếng…. rất nhiều. Nên đôi lúc thấy tội khủng khiếp, còn nghĩ rằng sao cả xã hội lại không giúp đỡ họ như thế, nhưng đến khi chính bạn muốn giúp, bạn mới hiểu là thì ra giúp không có được!
 
Hôm qua chia sẻ với các bạn về hiện tượng tâm lý của người tài giỏi, rất giàu mà không có lương tâm. Hôm nay lại là bài chia sẻ về người rất nghèo rất khổ, nhưng không phải muốn giúp tử tế mà dễ dàng. Để các bạn thêm đồng cảm, thêm hiểu về rất nhiều số phận quanh mình. Mọi thứ quanh mình không phải lúc nào cũng là trắng và đen. Giỏi thì nghĩa là tốt, khổ thì có thể giúp. Không đơn giản là thế!
 
Làm từ thiện mà tử tế và đúng cách thì cực kỳ khó, và phải rất kiên nhẫn, rất hiểu biết, thậm chí có lúc phải dùng biện pháp mạnh mới may ra có hy vọng cứu được. Còn làm từ thiện, giúp mà sai cách, sai đối tượng, thì sẽ khiến cho hậu quả tệ hại gấp trăm lần là không giúp. Trong các loại giúp đỡ cho những đối tượng này, giúp bằng tiền là loại giúp dễ nhất nhưng dễ gây hại nhiều nhất!
 
Và cũng nên hiểu một điều rằng. Có những điều ở cuộc đời này, rất tội, rất buồn, nhưng chúng ta đành chấp nhận cũng không thể làm gì mà giúp được!
 
Ảnh: Kai của “The hatchet wielding hitchhiker”
(Visited 13 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments