#180: Bóng – Phần 14

yoi, photo, hinh anh, upload, download

Note: Cho những ai đọc entry này từ Feed của facebook – Click vào tiêu đề của cái note này, rồi bấm View Original Post để đọc tiếp!

NHỮNG PHẦN TRƯỚC – CLICK

12.

Từ bóng tối ra ánh sáng

Người đồng tính nào cũng luôn luôn phải đối mặt với những dằn vặt nội tâm: mình là ai, mình thuộc giới tính nào, mình phải sống thế nào, mình muốn gì? Khi không biết mình là ai, người ta hoảng loạn, khi phát hiện ra bản thân mình thì đau đớn, sợ hãi, sau đó hàng ngày đối mặt với cuộc sống không giống mọi người, người đồng tính lại rơi vào bi kịch hổ thẹn, bế tắc, cô đơn; họ ôm mãi “cục” stress mà không giải tỏa được.

Rồi tiếp đó, tất yếu sẽ đến câu hỏi: lộ diện hay không?

Giữa vùng nhập nhoạng

Người đồng tính công khai thân phận nghĩa là chấp nhận xu hướng tính dục của mình và thừa nhận điều đó trước mọi người – gia đình, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp… – tất nhiên là ở những quốc gia không đặt đồng tính luyến ái ra ngoài vòng pháp luật. Khi một người đồng tính bắt đầu nói chuyện này ra, điều đó có nghĩa là anh ta bắt đầu quá trình lộ diện của mình. Thời gian của quá trình này rất khác nhau, mức độ và kết quả cũng rất khác nhau. Đầu tiên có thể là thổ lộ với bạn thân, sau đó là bố mẹ, họ hàng, đồng nghiệp và mức độ cao nhất là cởi mở hoàn toàn với những người xung quanh.

Việc gay công khai thân phận của mình, nói không ngoa, là cả một cuộc cách mạng, bởi trước khi ra quyết định, không ai là không lo sợ. Sợ nói ra điều bí mật ghê gớm đó sẽ làm khổ bố mẹ, anh em. Sợ bị người thân hắt hủi, bỏ rơi. Sợ bị chúng bạn chê cười, xa lánh, ghê tởm. Sợ mất đi những mối quan hệ đang tốt đẹp. Sợ sếp và đồng nghiệp ở cơ quan kỳ thị, xua đuổi, mất hết cơ hội thăng tiến. Ai cũng bị dày vò, dằn vặt rất căng thẳng trước khi lộ diện.

Nếu người đồng tính là nhân vật nổi tiếng thì sự công khai càng khó khăn gấp bội. Bạn hãy tưởng tượng một ngày nào đó thần tượng âm nhạc của bạn bỗng dưng lại tuyên bố trước toàn thể fan hâm mộ rằng anh ta/ cô ta là gay/ lesbian. Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Thất vọng? Đổ vỡ? Bị lừa dối? Không có gì lạ khi từ trước đến nay, không một người đồng tính nổi tiếng nào ở Việt Nam chính thức thừa nhận xu hướng tình dục đồng giới của mình, mặc dù tin đồn thì đầy ra đấy, hết MC này lại ca sĩ kia, diễn viên nọ dính vào các scandal đồng tính. Hình thức lộ diện cao nhất là họ đến dự các buổi sinh hoạt của người đồng tính, tham gia các hoạt động ủng hộ giới. Nói cách khác, họ chỉ công khai trong giới mà thôi. Đâm ra tin đồn thì lao xao, mà nghệ sĩ thì cứ ra sức phủ nhận, bằng cách trả lời phỏng vấn về những mối tình với người khác phái, hay bằng cách lập gia đình, sinh con đẻ cái để che mắt dư luận. Nhưng miệng thiên hạ là miệng chum, bịt sao được! Kiểu gì thì những tin đồn về đời sống của nghệ sĩ cũng bị rò rỉ ra ngoài.

Vì khán giả, vì sự nghiệp của bản thân, họ – những người nổi tiếng – thật sự có lý do để không lộ diện. Còn với dân thường như tôi, lộ diện hay không lộ diện là vấn đề phải cân nhắc rất mệt mỏi. Kinh nghiệm cá nhân của tôi cho thấy công khai thân phận mang lại nhiều lợi ích hơn thiệt hại. Càng giấu giếm thân phận với nhiều người, tôi càng phải kiềm chế tình cảm của mình với nam giới, do đó càng thèm khát và bị ức chế hơn. Việc vùi lấp, đè nén cảm xúc tự nhiên chắc chắn gây ra nhiều tổn hại cho sức khỏe, tâm lý, với trường hợp của tôi là như vậy. Từ sau khi công khai, tôi thấy lòng nhẹ nhàng, thoải mái hơn hẳn, như thể có một sự giải phóng. Bây giờ thì ai ở ngõ Hàng Bè cũng biết Dũng gái là pêđê, và tôi vui vẻ với việc đó. Tôi vui vẻ khi được mọi người gọi là “dì Dũng”, được tặng hoa tặng quà – những món quà rất phụ nữ – hay được bạn bè “tham kiến” về phong cách ăn mặc và trang điểm… Nhìn chung, từ ngày ra công khai, tôi có nhiều bạn bè hơn và dĩ nhiên là nổi tiếng hơn. Được nhiều hơn mất.

Nhưng dù gì đi nữa, tôi cũng chịu ít ràng buộc hơn bạn bè: vợ thì không lấy, bố mẹ đều đã mất, làm nghề tự do chẳng thuộc về cơ quan tổ chức nào. Còn với những người bạn của tôi thì câu chuyện có thể khác. Nói chung, chẳng có cách nào dự đoán gia đình, người thân, bè bạn sẽ phản ứng ra sao khi nghe một ai đó tự xưng mình là người đồng tính. Cũng chẳng có gì đảm bảo họ sẽ vượt qua được mọi định kiến xã hội và sống thanh thản hơn so với trước khi lộ diện. Dù ai cũng biết rằng lộ diện tức là sống thật với chính mình, nhưng cái giá của sống thật liệu sẽ thế nào thì ít ai dám chắc. Vì thế, trên thực tế, có rất ít gay và lesbian dám công khai. Ở Hà Nội, cho đến giờ phút này, có vẻ như tôi là người duy nhất. Giới nghệ sĩ biểu diễn (showbiz) có một vài người như nhạc sĩ Thái Thịnh, ca sĩ Cát Tuyền, ca sĩ – người mẫu Cindy Thái Tài… tóm lại con số đếm được trên đầu ngón tay.

Quá trình lộ diện không phải là một việc đơn giản và dễ làm. Nó đòi hỏi người ta rất nhiều can đảm để đối diện với bản thân mình và đối mặt với phản ứng của toàn xã hội. Bạn sẽ phải rất can đảm để cướp đi đứa con trai yêu quý trong tay bố mẹ bạn và trả cho họ một sinh vật lệch lạc méo mó. Bạn sẽ phải rất can đảm để cướp đi của em gái/ chị gái/ anh trai/ em trai mình một người anh/em mà họ yêu thương và tôn trọng, để rồi trả cho họ một kẻ lạ lùng mà họ không biết phải nhìn nhận như thế nào. Bạn cũng cần rất nhiều can đảm và nghị lực khi bước chân lên con thuyền của những kẻ đồng tính để sống kiếp đò đầy.

Chưa cần kể đến những gian nan, lận đận, xót xa và cả nguy hiểm của cái kiếp làm gay. Chỉ đơn giản là phản ứng của một người hàng xóm hay một người đồng nghiệp. Bạn có sợ không nếu người hàng xóm bán nước đầu ngõ nhà bạn, mọi khi vẫn chào bạn rất tươi mỗi sáng bạn đi làm, rồi một ngày đẹp trời nghe tin sét đánh, sẽ ngoảnh mặt đi mỗi khi bạn chào và chỉ dám liếc trộm bạn mỗi khi bạn bước ra.  Bạn có buồn không nếu cô bạn đồng nghiệp của mình, vốn vẫn hay gửi cho mình những ánh nhìn rất nồng ấm, giờ đây tránh nhìn vào mắt bạn và nếu vô tình bốn mắt gặp nhau, bạn chỉ thấy một vùng sẫm u tối và sợ hãi trong mắt cô ấy. Đó mới chỉ là những khúc dạo rất êm ả, mềm mại trong cuộc sống mà một chàng gay dễ thương sẽ phải đối mặt.

Tôi có một số lần gặp gỡ những người đồng tính nước ngoài. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, làm nhiều nghề khác nhau và không ít trong số họ có địa vị rất cao trong xã hội. Qua tiếp xúc với họ, tôi cũng nghiệm ra được rất nhiều điều. Trước tiên là lối sống và quan điểm của họ về giới đồng tính rất rõ ràng, không che giấu và rất bình đẳng. Đa số họ không bị sức ép tâm lý từ gia đình và dư luận xã hội. Họ hòa nhập vào cộng đồng như những người bình thường khác và công khai chuyện quan hệ đồng giới của mình nếu được hỏi đến. Tôi nghĩ đây là một điều rất hay vì suy cho cùng đồng tính luyến ái đâu phải là căn bệnh trầm kha như nhiều người vẫn nghĩ. Khi tôi hỏi họ rằng bên nước họ có nhiều người “mắc” bệnh đồng tính không, họ trả lời ngay đây không phải là căn bệnh xã hội nên không gọi là “mắc bệnh đồng tính”. Theo họ, tỷ lệ người đồng tính chiếm đến 3-5% dân cư tại khu vực sinh sống. Điều đó có nghĩa là sẽ có ba mươi ngàn người đồng tính ở một thành phố một triệu dân. Tôi thực sự choáng khi nghe đến con số thống kê này. Đây là con số thống kê từ một tổ chức nghiên cứu xã hội hẳn hoi và kết quả rất khách quan. Ở một số quốc gia, những người đồng tính được đối xử rất công bằng, thậm chí còn có thể kết hôn như những cặp vợ chồng bình thường khác.

Nhìn những người đi lại trên đường, làm sao có thể phát hiện ra được ai là dân đồng tính và ai thì không (trừ những người thuộc giới “bóng lộ”). Chỉ khi tiếp xúc với họ thì mới biết được thực hư thế nào. Và cũng chưa chắc là một, hai lần tiếp xúc là có thể biết ngay được vì những người đồng tính xếp vào loại “bóng kín” thì thường rất tế nhị và giữ kẽ trong lối cư xử và hành vi giao tiếp của mình, đặc biệt là những người có học vị, học hàm và địa vị xã hội cao. Tôi cũng vậy. Đâu phải gặp đối tượng nào cũng “nhảy bổ” vào và thể hiện thèm muốn được quan hệ đồng giới ngay. Ít nhất phải qua nhiều lần “test” đối tượng mà mình muốn quan hệ xem tín hiệu báo lại như thế nào. Sự kiềm chế bản thân cần phải có khi mà xã hội vẫn chưa “cởi mở” đối với những người đồng tính như tôi. Việc giữ gìn thể diện trước người khác là hết sức quan trọng.

“Vì tôi thèm được sống đúng mình”

Nói chung cuộc đời không hề nương nhẹ với những người có số phận đặc biệt như chúng tôi. Một khi đã là gay, có nghĩa là bạn sẽ luôn đau khổ, cho dù có công khai điều bất hạnh ấy ra hay không. Chỉ đơn giản là như vậy thôi.

Gần như tất cả những người đồng tính đều trải qua thời kỳ khủng hoảng của việc phải che giấu hành vi, ý thích, và con người thật của mình. Có bị như thế, mới thấm thía cái hạnh phúc được sống tự nhiên, không phải gồng mình lên, không phải giả vờ. Tiếc rằng số người đồng tính dám công khai tình trạng của mình trước dư luận cực kỳ ít; chúng tôi chỉ dám thừa nhận trong nhóm với nhau mà thôi. Ở Hà Nội, tôi là người duy nhất công khai chuyện mình là gay trước tất cả mọi người và trên phương tiện truyền thông đại chúng – trả lời phỏng vấn một số tờ báo lớn như An ninh thế giới, VietNamNet… Bài lên báo An ninh thế giới hôm trước thì hôm sau tôi nhận được hàng chục phản hồi từ những người xung quanh. Ông tổ trưởng dân phố sang nhà tôi nói chuyện, khóc: “Bác thấy bố mẹ cháu mất rồi, cháu sống côi cút, bác cũng thương lắm nhưng mà bác không nghĩ cháu khổ đến mức độ ấy. Bây giờ bác đọc bài báo mới thấy con khổ quá con ạ, nhưng mà thôi cũng mừng là mày chí thú làm ăn, không sa ngã cờ bạc rượu chè nghiện hút, lại còn giúp cho các chị các em các cháu mày lúc khó khăn”. Tôi cảm động hơn với trường hợp một anh trông xe ở gần nhà tôi. Gặp tôi sáng hôm đó, anh mời tôi điếu thuốc rồi bảo: “Anh bắt tay chú một cái”. “Sao hả anh?”. “Anh đọc bài báo đó rồi. Anh xin chia sẻ với chú”. Vốn không phải người khéo léo nên anh chỉ nói với tôi được như vậy, kèm một điếu thuốc Vina và cái bắt tay rất chặt. Nhưng tôi thấy vui và cảm động.

Cô Yến người yêu Quang ngày trước (bây giờ là vợ hắn) gặp tôi cũng nói: “Anh Dũng ơi, trước kia em chỉ biết anh là người như thế, như thế, nhưng đọc xong bài báo ấy em mới thấy thương mà quý anh hơn”. Bạn thuở đi học của tôi gặp tôi tình cờ trong một cửa hàng quần áo, cũng tiến đến vỗ vai, nắm tay tôi: “Dũng ơi, tao thương mày lắm”. “Thôi, mày chỉ thương miệng, mua cho tao gói kẹo đi” – tôi méo mó pha trò để kìm lại những giọt nước mắt tủi thân. Tôi nhớ đã bao nhiêu năm nay tôi không đi họp lớp, tôi tránh mặt các bạn, tránh những dịp trường cũ lớp xưa tụ tập, vì tôi mặc cảm. Bè bạn cùng lớp tôi ngày nào giờ đã có đôi có lứa hết rồi, nhiều đứa làm ăn phát đạt hoặc có chức tước – cái thế hệ ra đời những năm 1965-1969 đâu hiếm người tài. Trong khi đó tôi thì vẫn thui thủi một mình một bóng bươn chải kiếm sống. Nhưng bây giờ tôi cũng không còn ngại, không tránh mặt các bạn nữa. Đã xác định mỗi người một số phận rồi mà.

Dĩ nhiên không phải tất cả mọi người thân, bạn bè đều ủng hộ việc tôi lên báo công khai về tình trạng của mình. Phản đối nhất là một số bạn bè trong giới:

– Tao không hiểu người ta cho mày bao nhiêu tiền mà mày giơ cái mặt lên báo Dũng ạ. Mày đúng là số một đấy. Sao ngu dại thế? Có được mấy triệu không mà dám bán số phận của mình?

Tôi cười:

– Chẳng có một đồng một hào nào cả. Tao làm tuyên truyền mà. Công tác xã hội cần phải như thế.

Nhưng cũng rất nhiều bạn khác của tôi trong giới tỏ ý ủng hộ, khen tôi dũng cảm. Họ xuýt xoa: “Eo ôi, sung sướng quá, mát ruột quá”. Nhiều người nằn nì xin tôi cho bài báo làm kỷ niệm. Báo đâu ra mà tặng cho đủ được. Mọi người đành mượn photo, mang về nhà cất giữ.

Bài báo đó quả thực rất có ý nghĩa đối với tôi. Từ ngày “lộ diện”, tôi cảm thấy thoải mái hơn hẳn, không còn phải giấu giếm che đậy gì nữa, cứ như là quẳng được cả một gánh nặng trên vai đi. Gần bốn chục tuổi đầu, tôi mới có thể sinh hoạt bình thường như mọi người, không còn mặc cảm, chỉ cần không làm gì thái quá đến mức độ phi đạo đức để dư luận đánh giá xấu về gay, là được thôi. Ngoài ra, đó còn là đóng góp của tôi cho cộng đồng giới tính thứ ba, với tư cách một tuyên truyền viên của Câu lạc bộ H.Đ., nơi mà tôi vẫn coi như mái nhà chung cho người đồng tính, là nguồn vui của tôi bây giờ và cả về sau này, khi tôi đã thành một chàng gay già cô đơn.

Câu lạc bộ H.Đ. được thành lập theo gợi ý của chị N., giám đốc một tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam, với tôi. Chúng tôi quen nhau tại một hội thảo về sức khỏe tình dục, cụ thể là về việc sử dụng bao cao su và dầu bôi trơn. Nghe chị N. hỏi “tại sao không lập một câu lạc bộ dành cho giới đồng tính”, tôi rất thích. Là người trong cuộc, tôi hiểu rằng một câu lạc bộ như thế là rất cần thiết cho tôi và những người như tôi. Chúng tôi ai chẳng mong muốn có một nơi để ngồi lại với nhau, để giao lưu, chia sẻ, học tập. Ít nhất thì đó cũng là môi trường lành mạnh hơn những bờ bụi, vỉa hè, quán xá, công viên, hồ nước, chợ cóc… nơi chúng tôi vẫn lén lút gặp nhau. Thế là từ hôm đó, chị N. và tôi bắt tay xây dựng câu lạc bộ, ban đầu là thành lập một nhóm cán bộ hạt nhân, rồi đi vận động để tạo lập các chân rết, xin tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, dần dần hình thành nên một tổ chức như ngày nay.

Tại H.Đ., chúng tôi thực hiện tư vấn về giới tính, sức khỏe tình dục, an toàn tình dục, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống v.v… Hai mươi mấy con người, mỗi người mỗi cảnh nhưng đều chung nỗi khổ là số kiếp cô đơn của giới đồng tính. Có một chị bóng lộ (phải gọi là “chị”, là “cô” vì họ ưng thế lắm) rất khổ, bị kỳ thị ngay trong gia đình. Từ hồi còn nhỏ, chị này đã thích độn ngực, ăn mặc và trang điểm phấn son như phụ nữ, bố mẹ và các anh hễ nhìn thấy là đánh rất đau. Nhưng chị vẫn không thể kìm được ý thích “kỳ quái” đó, nên đối phó bằng cách đi đâu chơi, chị cho quần áo con gái vào túi mang theo người, tới nơi thì chui vào phòng vệ sinh thay đồ, lúc về nhà lại giấu lên nóc chuồng lợn. Đến đây lại nảy sinh vấn đề: Chị vào nhà vệ sinh nam ở Bờ Hồ (hồi khu vực này còn khá xập xệ, không ngăn phòng kín đáo, lịch sự như bây giờ) thì bị cánh đàn ông phũ phàng tống ra khỏi cửa: “Tóc dài, đeo coóc-xê, sao lại vào đây, cái con này?”. Chị sang toilet nữ thì bị giới phụ nữ kêu thét lên rồi đuổi ngược trở lại toilet nam vì “đàn bà sao lại tiểu đứng mà còn có bộ phận của đàn ông thế kia?”. Một lần yên vị được trong toilet nữ rồi thì chính chị lại rú lên khi nhìn thấy chỗ kín của người ngồi đối diện, về nhà lăn ra ốm một tháng trời vì sợ. Chị cứ rên rỉ: “Ôi ôi, kinh lắm, sợ lắm, trông như cái giẻ lau bảng ấy”. Bi hài kịch! Cả nhà đều chán nản, bó tay với đứa con dị hợm, cho đến ngày mẹ chị ốm chết. Trước khi mất, bà gọi gia đình lại trăng trối: “Tôi đi rồi, ông và các con ở lại phải thương lấy thằng T., đừng đánh chửi, hắt hủi nó nữa. Nó là đứa bất hạnh nhất nhà. Nó gánh hạn, gánh tội, gánh nợ cho cả gia đình mình như thế là nó khổ lắm rồi, phải thương lấy nó”…

Lại có một “cô” bóng lộ khác, múa rất dẻo, có lần đi tuyên truyền ở các quận cùng chúng tôi, cô múa trên sân khấu cao hứng đến nỗi… tuột cả ngực giả xuống đất. Khán giả ở phía dưới huýt sáo, ré lên, nhiều người đỏ cả mặt, nhưng cô vẫn vô tư cười, múa – lúc ấy lòng nhiệt tình đã giúp cô quên tất cả, chỉ tập trung vào vũ điệu. Đại khái là nhiều chuyện thành giai thoại cười ra nước mắt như thế.

Suy cho cùng, tất cả chúng tôi, với những hoàn cảnh khác nhau, đều đáng thương. Vì lẽ đó, H.Đ. sớm trở thành mái nhà chung của chúng tôi. Đến đây, chúng tôi cảm thấy mình không bị ghẻ lạnh, thấy tình người như được nhân lên. Tự chúng tôi nhận ra rằng phải dựa vào nhau thì mới sống được. Bản thân những người đồng tính – cả bóng kín và bóng lộ – không thương nhau, không bảo nhau sống cho đàng hoàng tử tế, thì làm sao xã hội chấp nhận chúng tôi? Bạn đừng cười, sự thực là ngay trong cộng đồng giới tính thứ ba này cũng tồn tại sự kỳ thị, phân biệt giữa bóng kín và bóng lộ. Bóng kín không thích bóng lộ “đồng cô, õng ẹo, toàn gây tệ nạn làm xấu mặt cả giới”. Bóng lộ chẳng ưa bóng kín không giống mình, không nữ tính, trông vẫn là tướng đàn ông thô kệch mà lại là đối thủ tranh giành bạn tình với mình.

Rồi còn mâu thuẫn giữa gay và lesbian nữa. Bản thân tôi cũng thấy khó chịu khi gặp các cô đồng tính nữ, tức là lesbian, hay ô môi theo cách gọi nôm na. Có lần tôi đã tống cổ một cặp lesbian tình cờ đến nhà, vì ghét: Đàn bà gì vừa cứng vừa thô, cứ bắt mình gọi chúng nó là anh, đến nhà người ta nằm vạ vật, hút thuốc lá, hôn hít nhau chùn chụt trước mặt gia chủ, thật không ra làm sao cả.

Với 20% thành viên là bóng lộ, 80% bóng kín, Câu lạc bộ H.Đ. thật sự là một địa chỉ để dân đồng tính gặp gỡ nhau và “đoàn kết” lại.

Một phần việc quan trọng của các thành viên H.Đ. là tư vấn, tuyên truyền, cung cấp thông tin để xã hội hiểu về đồng tính luyến ái. Nói đơn giản, chúng tôi sẽ tiếp cận các địa bàn, tổ chức những hội thảo để nói về những khó khăn, bất hạnh của người đồng tính, để từ đó xã hội có cái nhìn thông cảm hơn và người đồng tính có cơ hội hòa nhập cộng đồng hơn. Có làm tuyên truyền viên, tôi mới thấy xã hội mình thiếu thông tin đến thế nào. Nhiều người, nhất là người cao tuổi, do không hiểu về đồng tính luyến ái nên luôn quan niệm nó như một sự đồi bại, vi phạm thuần phong mỹ tục và đạo lý Á Đông, tóm lại là đáng lên án. Có lần chúng tôi tổ chức hội thảo ở phường Trúc Bạch. Tới phần ý kiến của các đại biểu, một phụ nữ bước lên sân khấu, cầm cả tập giấy, đọc một bài dài vô cùng, lên án kịch liệt tệ nạn đồng tính luyến ái và những nhức nhối do nó gây ra. Hàng chục người đồng tính chúng tôi ngồi phía dưới, ai cũng vừa tủi thân vừa tức. Có người bật khóc, mắt đỏ hoe. Người khác ức quá không chịu được phải bỏ ra ngoài. Đại biểu này vừa đọc bài tham luận, vừa nói những câu nhấn mạnh như chém dao chặt sắt:

– Chúng tôi không chấp nhận. Đây là những người đua đòi, đồi bại, phi đạo đức. Ma túy à, nghiện hút à, mại dâm à, AIDS à. Toàn tệ nạn. Dân tộc Việt Nam chúng ta trải qua bao nhiêu hưng vong mới tồn tại được đến ngày nay, nhưng nhóm người này làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng con người của chúng ta, vi phạm thuần phong mỹ tục, xâm phạm nền tảng luân lý, đạo đức của cha ông. Không-thể-chấp-nhận-được!

Mấy bạn tôi ngồi dưới sụt sịt, nước mắt ngắn nước mắt dài. Nhiều ánh mắt dồn về phía tôi mong đợi một ý kiến. Tôi chờ vị nữ đại biểu nọ nói hết mới bước lên sân khấu. Cầm micro, tôi cũng định nói câu gì đấy trang trọng một chút, nhưng chưa kịp nghĩ xem phải nói gì thì từ miệng tôi đã vọt ra:

– Xã hội không chấp nhận thì chúng cháu vẫn tồn tại hàng ngày, thưa cô.

Gay vốn mau nước mắt. Tôi chỉ nói được một câu như thế, nước mắt đã giàn giụa. Nhưng phía dưới bạn bè bắt đầu vỗ tay tỏ ý ủng hộ, buộc tôi phải lấy lại bình tĩnh để nói thêm:

– Những người đồng tính chúng cháu mong được xã hội thông cảm và giúp đỡ, để chúng cháu có thể tự tin mà sống. Đồng tính luyến ái không phải lựa chọn của chúng cháu. Gia đình chúng cháu cũng vậy. Con cái là sự kỳ vọng của bố mẹ, không một người bố người mẹ nào lại không muốn đẻ ra một đứa con để nó làm rạng danh cho gia đình dòng họ. Nhưng đồng tính luyến ái là do tự nhiên, do ông trời sinh ra thế, trời bắt tội chúng cháu. Nếu được lựa chọn, lchúng cháu chẳng ai muốn thế này.

Cử tọa vỗ tay. Tôi tự tin hơn, nói tiếp:

– Giới đồng tính cũng có những tệ nạn như cô nói – ma túy, mại dâm, dẫn đến AIDS. (Chính vì thế mà chúng cháu mới cần đến những câu lạc bộ như H.Đ. để tuyên truyền về sức khỏe tình dục). Nhưng nhiều người trong giới chúng cháu không phải là đồ bỏ đi, rất nhiều người có tài, có đóng góp cho xã hội. Là người đồng tính nhưng chúng cháu vẫn thực hiện đủ nghĩa vụ của công dân với đất nước. Bản thân cháu đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Rồi chúng cháu cũng vẫn phải làm những công việc nặng nhọc mà xã hội chỉ định cho nam giới. Chúng cháu muốn được sống bình thường.

Giọng tôi đến đây đã run lên, khản đi vì xúc động. May quá, từ phía dưới, một bác già có vẻ là cán bộ về hưu đã bước tới đón lấy micro, đỡ lời:

– Thôi các bác ạ, bây giờ các bác không nên quan niệm khắt khe nữa. Các cháu này (chỉ vào tôi) chẳng có tội tình gì, mà chính mình, với lương tâm của người mẹ, mình phải nghĩ nếu không may đẻ ra một đứa con như thế thì mình làm gì? Không lẽ lại giết con đi à, hay hắt hủi gớm ghiếc nó để nó sa ngã? Không, mình là cha là mẹ, mình phải thương nó hơn chứ. Sinh ra như nó là bất hạnh lắm rồi, phải không các bác?

Đúng là lời của một người mẹ với các bậc làm cha mẹ khác, ngắn gọn mà đủ ý, đầy sức thuyết phục.

Dù đau lòng, nhưng tôi không trách người phụ nữ đã đọc bài phát biểu dài dằng dặc để công kích tất cả giới đồng tính luyến ái. Thứ nhất, bởi vì tôi đã quen với sự kỳ thị của đám đông. Thứ hai, bởi vì tôi hiểu rằng những suy nghĩ như thế là bình thường ở những người không được tiếp cận với đầy đủ thông tin. Vấn đề (nhiều người hay gọi là “vấn nạn” hay “tệ nạn”) đồng tính luyến ái chỉ được nhắc đến một cách công khai, chính thức ở Việt Nam từ khi đất nước bắt đầu mở cửa, có những chuyển biến về kinh tế và thông tin. Trước đó, dư luận chẳng biết đồng tính luyến ái là cái gì. Ngay cả tôi hồi nhỏ cũng chỉ biết mình thích đàn ông, chứ có hiểu thế là thế nào.

Giới tính là một dạng lỏng

Hiện nay tình trạng thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về sức khỏe tình dục, giới tính… còn lại chủ yếu ở các vùng nông thôn và miền núi. Ở những nơi đó, tôi chắc chắn là đồng tính luyến ái vẫn xuất hiện, nhưng người đồng tính thường là không có thông tin để hiểu về tình trạng bản thân, và đương nhiên là họ không bao giờ công khai, nên chúng ta mới ít nghe nói đến đồng tính luyến ái tại các vùng nông thôn, miền núi. Tưởng như đồng tính luyến ái chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn, trong cuộc sống hiện đại, thật ra không phải. Nó là hiện tượng có mặt ở khắp mọi nơi, và đã hình thành từ khi bắt đầu lịch sử loài người.

Chuyện kỳ thị, thậm chí đàn áp đồng tính luyến ái, cũng đã có từ rất xa xưa trong lịch sử. Khi quân xâm lược Tây Ban Nha nhìn thấy cảnh làm tình của những người đồng tính trong các bộ tộc thổ dân châu Mỹ (Aztec, Maya…), họ rất ghê sợ và lập tức tiến hành những hình phạt khủng khiếp để tiêu diệt người đồng tính luyến ái, như thiêu sống hoặc ném cho chó dữ xé xác. Hiện nay, thế giới vẫn còn một số nước coi đồng tính luyến ái là bất hợp pháp, và họ áp dụng án tử hình đối với những công dân phạm tội này.

Ở Việt Nam, tình hình cởi mở hơn nhiều. Đồng tính luyến ái chưa bao giờ bị coi là tội. Chính quyền không đặt chúng tôi ra ngoài vòng pháp luật. Chúng tôi được hưởng đầy đủ quyền lợi như bất kỳ công dân nào, không gặp khó khăn gì về mọi mặt giấy tờ, thủ tục pháp lý, đời sống sinh hoạt… Không có một điều luật nào liên quan tới người đồng tính luyến ái, điều đó chứng tỏ chúng tôi không hề bị phân biệt. Nỗi bất hạnh của người đồng tính xuất phát chủ yếu từ đời sống tâm lý tình cảm phức tạp, như tôi đã nói, chúng tôi yêu mà không bao giờ được thỏa mãn. Tâm khổ thì thân khổ. Có một thực tế không thể phủ nhận, tuyệt đại đa số người đồng tính khi về già đều buồn và cô đơn.

Ở nước ngoài, nhiều nước đã và đang có luật hướng vào giới đồng tính. Luật được nhắc tới nhiều, gây tranh cãi nhất, là có hay không cho người đồng tính kết hôn. Thực chất ý nghĩa của luật này là có khuyến khích người đồng tính công khai thân phận hay không. Nếu cho phép kết hôn tức là khuyến khích họ công khai, mà công khai thì họ sẽ bớt bị dằn vặt, ức chế, khổ sở hơn. Hà Lan và sau đó là Đức là hai nước đầu tiên hợp pháp hóa những cuộc hôn nhân đồng giới.

Ngoài nỗi bất hạnh do gặp khó khăn trong tình cảm, chúng tôi bất hạnh còn vì thái độ kỳ thị vô hình của cộng đồng. Dẫu sao các nước Á Đông vẫn là xã hội nam trị, người đàn ông giữ vai trò thống trị trong cuộc sống gia đình, trong việc duy trì dòng họ, nói như các cụ ta là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cho nên phụ nữ và những người không được coi là đàn ông đương nhiên sẽ bị cho ra rìa. Đàn ông mà bị xem như đàn bà là một nỗi nhục lớn. Xuất phát từ tâm lý chung ấy của xã hội, người đồng tính nào trong đời cũng trải qua một giai đoạn khủng hoảng – sợ hãi, xấu hổ, mặc cảm tự ti – vì phải che giấu con người thật.

Trong nỗ lực của người đồng tính nhằm kêu gọi sự chấp nhận và cảm thông của xã hội, không thể thiếu vai trò của truyền thông – báo chí, sách vở, phim ảnh, truyền hình… Tôi rất cảm ơn nhà văn Bùi Anh Tấn với tác phẩm Một thế giới không có đàn bà. Đó là tác phẩm rất đông người đồng tính tìm đọc. Tôi cũng vậy, đọc nghiến đọc ngấu. Thật lòng mà nói, cuốn sách viết còn chung chung. Bản thân tôi là người trong cuộc thì ít thấy có mình trong đó. Đặc biệt, cái kết của cuốn sách là điều chúng tôi không thấy thỏa mãn. Nếu trong cuộc đời thực có một cái kết như thế – các chàng gay đều trở lại “bình thường”, có người yêu là phụ nữ, lấy vợ, gia đình hạnh phúc ấm êm – thì chúng tôi đã chẳng bao giờ phải đau khổ. Dù vậy, tôi vẫn cảm ơn nhà văn và tác phẩm, vì nói gì thì nói, cuốn Một thế giới không có đàn bà cũng mang lại cho người đọc bình thường ít nhiều hiểu biết khoa học về thế giới của người đồng tính. Sau khi được dựng thành phim truyền hình, Một thế giới không có đàn bà càng nổi tiếng thêm và giúp nhiều người hiểu hơn về đồng tính luyến ái. Phim ảnh, với tư cách một loại hình truyền thông, quả thật có vai trò lớn trong tuyên truyền. Một bộ phim nổi tiếng thế giới về đề tài đồng tính luyến ái là Brokeback Mountain (Hai chàng chăn cừu) của đạo diễn Lý An. Tôi đã xem đi xem lại Brokeback Mountain, thầm mong giá điện ảnh Việt Nam cũng sản xuất được những bộ phim như thế vế người đồng tính. Tiện đây nói thêm, tôi rất thích vẻ đẹp của chàng tài tử mắt xanh Heath Ledger trong Brokeback Mountain. Tiếc thay, Heath Ledger mất quá sớm.1

Báo chí, với tư cách kênh thông tin cực kỳ quan trọng trong xã hội, đương nhiên là góp phần đắc lực cho việc định hướng cái nhìn của dư luận về người đồng tính. Nghĩa là báo chí có thể cải thiện thái độ của công chúng hoặc làm mọi chuyện tồi tệ hơn. Cho đến nay, đã có nhiều bài báo về thế giới của chúng tôi (trong đó có bài viết trên An ninh thế giới đề cập trực tiếp đến tôi, thậm chí VietNamNet còn đăng tải cả phóng sự truyền hình về tôi). Các nhà báo mà tôi đã tiếp xúc đều tỏ ra thông cảm với những người thuộc thế giới thứ ba. Tuy nhiên, lâu lâu lại có những tác phẩm làm cho cộng đồng giới tính thứ ba hết sức bất bình, do cách đặt tít và sử dụng ngôn ngữ đầy định kiến. Dường như tác giả viết về thế giới thứ ba với mục đích chính là câu khách. Để đạt mục đích đó, họ sử dụng các kỹ thuật đánh vào thị hiếu người đọc, bóp méo hoặc làm căng thẳng thêm câu chuyện, thay vì viết cho thật khách quan. Các phóng sự ấy tập trung đưa thông tin về mặt tiêu cực, khía cạnh đen tối và khuất tất của cộng đồng gay và lesbian. Những điều đó có thật, nhưng sẽ là bất công và thiếu khách quan nếu chỉ  đơn thuần phản ánh chúng. Nhiều lúc đọc báo mà tôi thấy buồn, chạnh lòng, xót xa: Sao cứ xoáy mãi vào nỗi buồn của chúng tôi vậy?

Tuy nhiên, tôi tin tình hình sẽ được cải thiện dần dần. Vâng, phải là dần dần. Sự thay đổi nhận thức về giới tính thứ ba cũng đã diễn ra một cách từ từ, dần dần. Tôi đã chứng kiến cả quá trình, từ chỗ không ai hiểu đồng tính luyến ái là gì, cho đến ngày nay khi xã hội có khái niệm “đồng tính luyến ái”. Quá trình ấy diễn ra ngót một phần tư cuộc đời tôi còn gì. Bản thân tôi cũng mất nhiều năm để hiểu chính mình. Khi trong tôi hình thành những dấu hiệu bất thường không như các bạn trai khác, tôi đã đi tìm nguyên nhân, đi tìm một câu trả lời. Nhưng thời ấy xã hội rất thiếu thông tin và hầu như không ai hiểu biết về đồng tính. Tôi đã nghĩ mình bệnh hoạn. Đến bây giờ, tôi mới thực hiểu: Người đồng tính là người bình thường về sức khỏe, trí tuệ, chỉ có cái khác là khuynh hướng tình dục bẩm sinh, chúng tôi thích người cùng giới. Sẽ là đơn giản và hồn nhiên nếu nói đây là vấn đề sở thích. Nhưng quả thật, nó giống như một điều hết sức tự nhiên ở con người, như thể có người thuận tay phải thì cũng có người thuận tay trái. Giới tính là một dạng lỏng, không thể đưa nó vào khuôn khổ. Đồng tính luyến ái có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, trong bất kỳ giai tầng nào, xã hội nào.

Đồng tính không lây. Không có virus đồng tính luyến ái!

Đồng tính không phải một căn bệnh.1 Xin đừng xem chúng tôi như những con bệnh.

Đồng tính không phải sự đua đòi, cũng không phải hậu quả của bản tính ủy mị, yếu đuối, kém bản lĩnh.

Cuốn tự truyện này của tôi, tôi mong nó cũng làm tốt vai trò của nó. Nếu như có thể, nó sẽ góp một tiếng nói của giới đồng tính chúng tôi với xã hội. Nó sẽ giúp các bạn hiểu chúng tôi hơn.

Đến bây giờ tôi vẫn nhớ câu phát biểu trong nước mắt của mình, vào buổi họp căng thẳng hôm đó:

– Xã hội không chấp nhận thì chúng cháu vẫn tồn tại hàng ngày, thưa cô.

(Visited 5 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

2 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
HueLinh
HueLinh
15 years ago

aDung la 1 nguoi tien phong dung cam !

BachHo
BachHo
15 years ago

có 1 đoạn nói xấu les
🙁 tự nhiên thấy buồn cho les