Posts tagged nhatky

#586: Tuổi thơ của bé Hải Hà (P1)

Tuổi thơ của bé Hải Hà.

Tuổi thơ của bé Hải Hà là những ngày bỏ nhà trống huơ trống hoác đi chơi lang thang khắp xung quanh khu tập thể Ủy ban Thống Nhất ở Ô Chợ Dừa. Đó là một khu tập thể cũ, mang mọi đặc trưng điển hình nhất của một khu tập thể Hà Nội của thời bao cấp. Khu tập thể là những dãy nhà cấp 4 mái ngói với những chiếc cửa sổ gỗ xanh hoặc nâu. Trước mỗi nhà sẽ là một cái hiên nhà nhỏ để ngồi hóng gió những trưa hè. Cả khu tập thể sẽ có một cái sân rất rộng mà giờ nào cũng có tiếng trẻ con nô đùa la hét, đến một bãi cát xây dựng cũng có thể trở thành một cái playground kỳ thú với một nghìn trò chơi hấp dẫn cho mấy đứa trẻ con. Nhớ hồi nhỏ Hà chơi “đồ” và trốn tìm. Ngày nào cũng chạy và trốn, chạy không hề biết mệt. Sau này lớn lên phải chạy có một chút đã lảo đảo thở hổn hển. Mới thấy ngày xưa những đứa trẻ con được khỏe mạnh, vô tư và an toàn làm sao.

Cái mái ngói nâu cũ thâm trầm trước hiên nhà không biết vì lý do nào đó luôn tạo những cảm xúc hoài niệm rất lạ kỳ. À mà đừng ngạc nhiên, một đứa trẻ con cũng biết hoài niệm đấy. Cũng có thể vì nó làm cô bé nhớ về những ngôi nhà mái ngói ở quê, nơi mà hè năm nào cũng được về chơi nguyên hè và “vui cực kỳ luôn í”. Bé Hải Hà hay nhìn vào những chiều trời vàng rực nắng chiếu xiên qua cái mái ngói, vạt vài miếng lấp lánh rớt xuống cái hiên nhà rồi bày đặt viết văn tả cảnh và cả làm thơ. Còn nghĩ kể mà có ai bế cho trèo lên cái mái ấy để được “cao hơn người” và ngắm được tất cả xung quanh thì quả là một cảm giác chắc là tuyệt vời lắm. Những lúc gần vào tháng 8 Âm lịch là lúc bầu trời về đêm ngày càng sáng rực, những lớp mái óng lên phả những ánh xanh từng mảng vào những bức tường vàng cũ trước cửa bếp. Lúc đó cái sân của khu tập thể lấp loáng ánh sáng nhạt của bầu trời đêm cùng một ánh đèn vàng leo lét chiếu sáng chỉ được một góc. Bóng người loang loáng đạp xe đi vào trong những con ngõ nhỏ. Vài đứa trẻ con vụt chạy về nhà vì bố mẹ gọi. Và trong những đứa trẻ về muộn nhất mỗi đêm là con bé Hải Hà. Mà 9h là cái cổng chung đã có thể bị khóa. Không sao cả Hà sợ gì đâu, Hà trèo cổng nhanh như cắt, bất chấp cả thủy tinh hay gai sắt giăng mỗi năm thêm một dày. Mỗi năm càng dày thì Hà càng lớn và càng nhiều kỹ năng luồn lách. Mỗi lần về nhà là bị đánh đòn cho tả tơi hoa lá, vậy mà không biết vì sao vẫn không biết sợ.

Khu tập thể có một cái vòi nước máy công cộng để mọi người đi hứng nước về. Lúc nào cũng có người ngồi hứng nước, có lúc nước còn không chảy hoặc chỉ rỉ rỉ ra vài giọt. Nhưng ai cũng rất kiên nhẫn ngồi chờ từng giọt ấy đầy, rồi lấy một cái gáo, gạn từng hớp nước nhỏ vào trong cái thùng nhựa. Không biết vì sao cái hình ảnh gạn nước ấy rất ấn tượng, chẳng biết có gì mà lớn lên vẫn nhớ rất rõ. Cũng có thể vì Hà thấy điều đó thật hay ho, vì mỗi giọt nước kia cũng tới lúc đầy được một hớp nước, mỗi hớp nước cũng có lúc đầy được cả một cái thùng. Mà không ai chỉ làm đầy một thùng cả, phải hai thùng rồi còng lưng gánh về.

Cả tuổi thơ trước khi đi nước ngoài chơi thân nhất là chị Thảo và em Châu. Ngày xưa sang nhà nhau chơi nó thật là vô tư và thoải mái, những trò chơi cũng đơn giản mà không biết thế nào chơi từ sáng đến tối vẫn không chán. Hồi đó chắc nhà Hải Hà là một trong những nhà đầu tiên của khu tập thể có cái TV màu. Nhưng TV thì cũng phải tới giờ nó mới bật ra hình chứ không phải lúc nào cũng có cái để xem. Hồi đó Hà chỉ được xem duy nhất chương trình Những bông hoa nhỏ. Còn lại phim ảnh thì bị cấm tiệt vì còn phải “làm bài tập”. Nhưng thỉnh thoảng vào thứ bảy là được gọi Thảo gọi Châu ngồi tụ lại xem tivi được khuya hơn. Hà rủ các chị các em tới nhà chơi trước giờ có chương trình TV để ngồi vẽ và kể chuyện. Cái nhà nhỏ bên cạnh mẹ mua thêm của hàng xóm thành phòng của Hà sáng tác. Hà vẽ Đô rê mon, vẽ hoa, vẽ lá rồi dán kín căn phòng, nhìn chúng như một cái triển lãm nho nhỏ. Cũng không nhớ hồi đó lấy giấy đâu mà vẽ nhiều thế nhỉ, nhưng mà màu thì bố mẹ mua cho, lúc nào cũng rất nhiều màu nước trong nhà để chia sẻ với các bạn. Mà ngồi chơi chán chê tới giờ ăn cơm sẽ là lúc tiếng Xổ số kiến thiết thủ đô cất lên. Đó là một trong những âm thanh tuổi thơ in hằn vào ký ức của cô bé, cùng với tiếng Những bông hoa nhỏ, tiếng nhạc hiệu Phim truyện, tiếng rao của cô Đồng nát, tiếng Kể chuyện đêm khuya từ Đài tiếng nói Việt Nam, và tiếng quát mắng của mẹ. Riêng tiếng quát mắng của mẹ thì bây giờ vẫn còn và vẫn giữ nguyên phong độ, và Hà thấy may mắn vì điều đó!

Khu tập thể Ủy ban Thống Nhất lại là khu tập thể tập trung nhiều văn nghệ sĩ và cán bộ Ngoại giao. Những ngôi nhà luôn mở cửa của nhưng nghệ sĩ điêu khắc, nghệ sĩ múa, nghệ sĩ âm nhạc, nhà văn, nhà báo… nên đi qua những cánh cửa xanh nhà họ là sẽ thấy các tác phẩm ngổn ngang khắp nhà hoặc tiếng piano, tiếng accordion réo rắt. Mấy chú điêu khắc thì đương nhiên không thể thiếu một góc nhỏ với cái ghế đẩu và cái ống thuốc lào mà sáng hay tối lúc nào cũng có người ngồi rít. Có lẽ giới “văn nghệ sĩ” cũng hơi kỳ lạ hơn với những gia đình “bình thường” khác nên rất nhiều trong số họ đều sống một mình hoặc ly dị. Mà thời này ly dị còn là điều gì tối kỵ và “không bình thường” lắm. Bọn trẻ con thì hay tò mò, hay nhìn trộm và tai mắt gài khắp nơi, cộng thêm trí tưởng tượng phong phú nên chuyện cô này chú kia tòm tem với nhau không có gì mà không biết. Bọn nó hay bảo: “lớn lên mà làm nghệ sĩ thì bố mẹ tao oánh chết”. Còn nhà Hà thì lại càng không có khái niệm nghệ sĩ là gì, chỉ đơn giản là đi học thì cố gắng mà đừng có đứng bét lớp, mà càng oánh càng mắng càng cho sợ thì Hà lại càng đứng bét lớp. Có lần, Hà tự bảo: “Con học dốt thế này chắc lớn lên con làm nghệ sĩ thật rồi”. Mẹ đang may cái màn để gia công làm thêm liếc nhìn cháy xém cả một mảng tóc tơ của con bé. Nhưng cuộc đời nào ngờ lớn lên con bé ấy làm nghệ sĩ thật, mà có hẳn bằng master chứng nhận là nghệ sĩ nữa chứ!

Ngoài khu tập thể cũ mà trong nhiều giấc mơ Hà vẫn nghĩ mình còn đang ở đó thì tuổi thơ của Hà là ngôi trường Trưng Vương, là lăng Bác, phố Bà Triệu, phố Khâm Thiên, những hàng sấu rụng đầy lá với những cột điện nghiêng, và cả những cơn ngủ gật sau chiếc xe đạp của mẹ và chiếc xe cub của bố….

(mai viết tiếp)

Ảnh: Những chiếc ảnh rất là tuổi thơ của bé Hải Hà (không rõ tác giả, ai biết tác giả cho Hà biết với nhé).

#586: Tuổi thơ của bé Hải Hà (P1)

#584: Giấc mơ quả ổi

Mình đã có một giấc mơ thật hoang mang…
Đầu tiên là nằm mơ đi dạo phố thấy một cô vác ba quả ổi bự trên đầu đi bán rong. Ổi to lắm, to bằng cái đầu luôn làm mình thèm quá trời. Hỏi cô đó quả ổi này nhiêu tiền, cô ấy nói 50k một quả. Mình sốc dễ sợ vì quá đắt nên đương nhiên thèm mấy cũng bỏ đi. Đang đi chợt nghĩ tuy là 50k một quả ổi nhưng mà người ta vác 3 quả nặng nhọc như vậy đi bán, cả ngày được có 150k thôi à. Tội quá đi, thế nên lại quay lại mua 3 quả ổi.
Về đến nhà cẩn thận nhét 3 quả ổi vào tủ lạnh.
Rồi sau đó xyz a bê xê cờ mờ sờ thế nào đó (thì mơ mà làm gì có logic), mình đang đi điều tra vụ án ở đâu đó toàn tuyết là tuyết (mấy hôm nay đêm nào cũng luyện phim vụ án). Thế rồi thấy một thằng quen quen phóng xe gắn máy tới vất một cái ba lô to đùng xuống một đống tuyết vừa tan. Trong tiềm thức là hình như thằng này có quen…bố mình, mà trong cái túi đó hình như là đồ cá nhân của mình, nhưng mình chắc luôn là có 3 quả ổi trong đó. Thế nhưng vì đang bận điều tra kẻ giết người nên chưa quay lại.
Một hồi sau đi ra lấy lại cái túi đẫm nước, mình mở ra định tìm ổi ăn thôi, ai dè sự thật tàn bạo kinh hoàng, kinh khủng hơn tất cả những bộ phim mình xem nằm trong cái túi khi mình mở ra…
Đó là….
Đó là….trong đó có cả bộ ổ cứng và máy ảnh, laptop của mình nữa. Mà bọn nó bị ngấm nước hết rồi, thế nghĩa là đời mình tiêu rồi, thế là hết rồi. Mình gào khóc, mình tuyệt vọng, rồi giận bố không thể tưởng tượng nổi (mịa, vô duyên vãi). Mình gọi điện mắng bố sa sả là sao bố lại để cho thằng đó vất đồ con đi như vậy. Mà nhớ là mắng trong mơ nó khổ lắm, có gào lên được đâu, chỉ uất ức thôi. Bố thì lắp bắp bảo đâu tao chỉ bảo nó vất mấy quả ổi đi thôi vì ổi to quá tủ lạnh hết chỗ…
Mình khóc, mình tuyệt vọng…cho đến khi…may quá cái chuông nó reo…
Ngủ dậy nhớ ra yên tâm laptop ổ cứng vẫn ngon lành cành đào trên bàn…rồi thấy thương bố quá chừng à…hự hự hự…
Thèm ổi quá mà thật sự mà nói, ở đây đúng là 50k một quả ổi đó, à hơn, phải 60k, mà nó chỉ to được bằng nắm tay thôi 0 to được bằng cái đầu đâu, không mua bao giờ…
Mình luôn lo sợ bị hỏng, bị rơi ổ cứng, laptop, máy ảnh…đến mức nó thường xuyên dọa mình trong những giấc mơ, không ngờ thêm chuyện vì thèm ổi ổi đắt mà nó tự kết hợp lại được ra cái kịch bản như vậy!

#583: Nhật ký xe ôm: Em thấy HAY HAY

Mò ra cái váy thấy hay hay, hình như từ hồi về VN chưa mặc. Lâu lâu muốn thay đổi nên mặc luôn.

Xe ôm đến

Định trèo lên xe. Xe ôm hỏi:

“Chị định ngồi thế nào ạ em còn CHUẨN Bị TINH THẦN?”

Tôi:

“À thì ngồi bình thường thôi có gì đâu mà phải căng thẳng”

Xong rồi tôi tự tin định trèo lên ngồi như người ta mặc quần thôi. Tôi không có thói quen mặc váy mà phải ngồi nghiêng.

Nhưng có vẻ tôi quên mất váy này đi ô tô thì được mà không đủ độ…. dạng cho xe máy. Một hồi loay hoay vất vả. Lái xe nghiêng cả xe xuống cho tôi trèo lên mà không được. Khuôn mặt tôi bớt dần sự tự tin.

Lái xe (ái ngại)

“Không ổn rồi chị ạ. Không XOÈ được rồi. Chị ngồi nghiêng tạm vậy nhé”

Nói rồi nghiêng xe cái bụp để tôi trèo lên. Rồi lầm bầm:

“Đấy biết ngay mà. Mình đã CHUẨN BỊ TINH THẦN RỒI”

Rồi lái xe vừa đi vừa hát rất yêu đời cho dù ngồi nghiêng khá là loạng choạng

Tôi:

“Tinh thần yêu đời quá nhỉ”

Lái xe:

“Vâng, em thấy HAY HAY ạ”

Tôi:

“Sao hay?”

Lái xe:

“Dạ cảm giác cứ như mình có VỢ xong rồi mình đang chở vợ ĐI ĐẺ í ạ”

!!!!!

Thế típs nhiu?

#nhatkyxeom

 

https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10159715744245940&set=a.10157521037490940&type=3&notif_id=1720857030718448&notif_t=feedback_reaction_generic&ref=notif

#582: Người đàn ông bạn không ngờ tới

NGƯỜI ĐÀN ÔNG BẠN KHÔNG THỂ NGỜ TỚI…

Bolivia là đất nước mà chắc chắn mình rất muốn quay lại, phải quay lại và dù đã từng chỉ lưu trú hơn một tuần nhưng mà yêu mến đất nước này một cách lạ kỳ! Và nếu có thể, có cơ hội, chắc mình sẽ tới đây ở cả năm quá!

Có một kỉ niệm hú hồn tại đây đó là khi lên cánh đồng muối ở Uyuni, có làm quen được với một nhóm các bạn Argentina và 2 anh giai người Anh, 1 cặp bạn thân người Pháp mà nhìn ngỡ tưởng là người yêu và anh Pháp đẹp trai rụng rời lắm. Có mỗi mình là đi 1 mình khi nhập vào nhóm đó đi chung xe, lại là châu Á. Ban đầu bọn nó cũng không có để ý tới mình lắm, nhưng the next thing you know là mình ngồi giữa và họ bu xung quanh nghe mình kể chuyện =)). Mình cũng chẳng nhớ mình kể những gì, nhưng toàn chuyện ly kỳ và bọn họ dính chặt với mình lúc nào không biết, đặc biệt là được mình chụp ảnh cho, một hồi mình đã có cảm giác như là 1 cult leader lúc nào không hay. Do mọi chuyến đi của mình đều là một mình và chuyện “cảm hóa” bạn quen dọc đường bằng vài tấm ảnh và vài câu chuyện nó đã trở nên dễ dàng như cơm bữa.

Đội Argentina tiếng Anh cũng rất tốt, phần lớn là họ hiểu, có 1, 2 đứa thì có vẻ không tốt TA lắm nhưng có vẻ cách kể chuyện của mình hoạt bát quá nên đến đoạn hài hước bọn nó cũng vẫn biết cười. Anh Pháp tuy đẹp trai nhưng lại hơi lạnh lùng nên mình cũng không quan tâm cho lắm. 2 anh người Anh thì có 1 anh đặc biệt quan tâm đến mình, nhưng vì mình lúc đó có bồ nên không có quan tâm anh cho lắm. Nhưng thỉnh thoảng anh cũng tới xin chụp ảnh chung, tỏ ra rất quan tâm và mỗi lần nghe mình ngồi kể chuyện thì ngồi nhìn cười tủm tỉm. Anh có khuôn mặt rất dễ chịu, rất ăn ảnh, rất nhiều sắc thái dù anh không phải là kiểu đẹp trai ngời ngời. Anh muốn làm thân với mình thấy rõ, còn hỏi khi về lại La Paz (thủ phủ của Bolivia) thì mình sẽ ở đâu. Mình bảo mình cũng chưa biết, chắc sẽ thuê đại một cái hotel nhỏ nào đó trong lòng thành phố. Anh bảo thế thì thuê cái chỗ của anh đi, nó trong lòng phố cổ xinh lắm, mình hỏi có đắt không, anh bảo rẻ lắm. Và quả thật nó rẻ thật (Bolivia siêu rẻ, ở mức không thể tưởng tượng được). Thế là mình bảo à vậy tội gì không ra trung tâm ở cho nó sướng. Mình cũng chỉ ở vài ngày khám phá thành phố thôi. Thế là anh cho mình địa chỉ! (Mình đã định là cứ đi bus về lại thành phố thì lúc đó tìm đại một chỗ tính sau).

Khi về lại thành phố thì mình và anh chàng người Anh đó không có đi chung. Nhưng có kịp add FB và email của nhau, anh dặn khi nào tới thì nhớ nhắn anh í để rủ đi dạo quanh phố cho có bạn nhé. Mình cũng ok vui vẻ thôi, đương nhiên là mình cũng tự đi một mình lâu năm rồi để luôn bật lên mode cảnh giác. Nhưng sau mấy ngày ăn chung ngủ chung cả đoàn ở Uyuni thì cũng thấy vui vẻ và rất bình thường. À, có hơi bất thường chút là anh dặn đừng post tấm hình nào của anh lên FB cả, vì anh low profile!

Cái “hotel” đó thực ra cũng là một căn nhà cổ kiểu giống phố cổ ở HN được biến thành khách sạn nhỏ, phòng bé xíu, nhưng được cái ngay trung tâm thành phố, đi bộ lang thang vô cùng thích. Phố xá ở La Paz rất nhộn nhịp nhưng lại rất bình yên, dễ chịu, con người thì hiền ơi là hiền. Tới chiều gần tối khi mình sửa soạn ra ngoài và có nhắn tin qua FB là tối dẫn mình đi dạo phố, chưa thấy anh đọc thì bất ngờ gặp thấy anh giai đầu bù tóc rối ra khỏi phòng ngay gần phòng mình. Anh vừa nhìn thấy mình lấy ngón tay hôn gió một cái. Mình hỏi bạn anh đâu rồi, anh bảo bạn anh đi chỗ khác chơi rồi. Ngày mai anh cũng phải đi rồi. Có vẻ anh ấy rất ngái ngủ và mệt mỏi. Anh hẹn tầm 1 tiếng nữa rủ mình đi chơi phố và ăn tối.

Xong 1 tiếng sau anh í gõ cửa phòng mình. Anh đã tắm rửa, chỉn chu, thơm tho và sáng rực. Lúc đó mình tự nhiên nghĩ, ủa anh này lên hình làm diễn viên coi bộ cũng hay ho đấy. (Lúc đấy mình chưa đi học về phim đâu nhưng bản năng casting là luôn có sẵn :)).

À, rồi sau đó thì bọn mình đi lang thang phố xá, anh đãi mình đồ ăn rất ngon, vào một quán bar nhỏ nghe nhạc sống. Lúc đó mới có thời gian để nói chuyện riêng và ngắm nhìn anh ấy. Anh ấy quả thật rất có khí chất dặc biệt. Mình nhớ nhất là khi đi xuống con dốc về phía quán bar, đường lát gạch vuông, ánh đèn đường vàng lấp lánh, anh ấy ngó lên nhìn tên quán bar xem phải không. Ánh đèn đường vàng hắt vào đôi mắt nâu xanh của anh ấy, một chiếc xe ô tô cũ bật đèn ọc ạch vụt qua chút loang loáng. Đó là giây phút mình nghĩ rằng anh đang đứng trong một bộ phim nào đó, và đó chính là vóc dáng rất cinematic của một diễn viên điện ảnh. Anh ấy ngó xong thì nhìn xuống vẫy tay mình rủ vào trong (anh ấy rất cao). Mình còn nhớ trong buổi nói chuyện của bọn mình, mình bảo anh ấy hợp đi đóng phim lắm đó. Anh í cười phá lên bảo nhìn anh có dáng lắm hả. Mình bảo rất có dáng đấy. Anh ấy lại cười, và bảo còn mình thì có tố chất làm đạo diễn đấy!

Vâng, và tới đây… các bạn đừng hy vọng sẽ có một cái kết romantic gì giữa 2 bọn mình và cũng không có kẻ biến thái nào ở đây vào đêm hôm đó cả (dù kẻ đó là mình hay là anh ấy :))). 9 rưỡi bọn mình đã về lại khách sạn vì anh ấy bảo sáng hôm sau anh ấy phải đi sớm rồi! Mình nhớ là mình lịch sự về cùng anh í nhưng khoảng 10h lại mò ra đường đi chơi tiếp =)).

Nhưng twist nó ở đây này các bạn!

Từ đấy thì mình và anh í cũng không liên lạc với nhau nữa. Mình cũng hoàn toàn quên hẳn anh này. FB thì thú thực mình cũng quên tên luôn không nhớ là gì. Mình thật sự quên mất anh ấy là ai!

Năm ngoái, bất ngờ khi xem một series phim điều tra của Anh (giờ cũng quên bớt nội dung rồi vì xem nhiều thể loại này quá =)). Nhưng nhớ nhất là anh nam chính vai thanh tra, nhìn khuôn mặt cứ thấy quen quen, quen mà không thể hiểu nổi là gặp ở đâu, thế nào, nhưng quen lắm. Càng xem càng có một cảm giác khó chịu là sao nó quen thế nhỉ mà sao không nhớ ra, không lẽ mình xem anh này ở phim này, hay là mình…gặp ở đâu? Rồi khi phim tới đoạn ánh mắt anh í đứng trước cửa sổ (hay là tòa nhà gì đấy) liếc nhìn xa xăm mình bất ngờ giật mình, vì đó chính là ánh mắt khi anh đứng trên phố ngước nhìn cái quán bar ngày nào trên con phố nhỏ ở La Paz.

Ngay lập tức, cả đêm mình lọ mọ đi mò lại mấy chục cái ổ cứng để xem đã nhét bộ ảnh Bolivia góc nào và có ảnh nào của anh không để so lại xem phải đúng không. Và sau khi xem kỹ, phân tích từng nếp nhăn tỉ lệ khuôn mặt thì mình khẳng định tới 80% là anh í. Có khác là trong phim hóa trang và già hơn nhiều thời điểm mình gặp mà thôi. Mình cũng kịp IMDB để xem anh ấy đóng phim lâu chưa, có phải đóng từ hồi mình bảo anh í đi đóng phim hay không =)), nhưng hóa ra anh ấy đã là một diễn viên kỳ cựu từ mấy chục năm trước rồi.

Mình đã căng não để tìm lại FB của anh ấy là gì, mình cũng vì lời hứa không đăng hình anh ấy lên mạng nên cũng không có gì để tag. Mình có tim FB bằng tên của anh ấy nhưng không ra. Cũng có thể FB ấy không còn tồn tại. Email thì lại càng không tưởng vì nó chắc ở 1 cái tờ giấy nào đó đã vào thùng rác 1000 năm. Mà thôi, cũng…. không quan trọng. Nhưng đó là một điều thú vị làm mình vui mất mấy ngày. Mình vui vì mình đã có trải nghiệm, được gặp được những con người quá hay ho như vậy, cho dù phải nhiều năm sau mới biết. Mình vui vì cho dù kể cả những ngày còn rất vô tư không nghĩ một ngày mình sẽ theo nghiệp làm phim, đi làm phim, làm đạo diễn, mình đã có những tiềm năng rất tự nhiên như vậy rồi. Chắc câu nghề sẽ chọn người là đúng đấy. Ít là đúng với mình á :)).

(Trích 1 trong những câu chuyện trong các chuyến đi của mình).

Ảnh: Nụ cười hồn hậu đáng yêu của một người phụ nữu Bolivia. Chụp ở La Paz, thành phố cao 3600 m so với mực nước biển. Là sân bay mà có nguyên một trạm thở oxy cho khách nước ngoài khi bay tới Bolivia. Nhớ lúc xuống khỏi máy bay mình hoàn toàn không có chút bất thường gì nhưng nửa máy bay phải đi vào thở oxy, nửa còn lại bao gồm là mình và cư dân…. Bolivia thì bình tĩnh ra đi về trước :D. Sao hồi đấy trẻ khỏe thế nhỉ!!!

Ảnh chụp bằng 5D mark II. Phải công nhận vẫn là cái máy ảnh có màu và chất đẹp nhất. Kể cả sau chụp lên mark III và hay vào dòng mirrorless vẫn không đánh bại được mark I và mark II.

#581: Chouchou – thiên tài vô gia cư

Lúc thấy tiêu đề bài báo này mình đã thót tim. Bởi tưởng rằng đó là câu chuyện về Chouchou, một nhân vật mình đã gặp trong một cung đường roadtrip của mình trong những ngày lang thang trên nước Mỹ.

Thiên tài vật lý đỗ đại học năm 15 tuổi, từng được Mỹ trả lương 3 tỷ/năm: Giờ “ăn bờ ở bụi”, 55 tuổi không nuôi nổi bản thân (kenh14.vn)

Hồi đó, mình có một cuộc hẹn đi từ Dallas sang Houston, một chuyến lái xe 4 tiếng. Con đường hầu hết là freeway chỉ có thẳng tiến mà lái. Lái một mình và cái xe của mình cũ rích chỉ có những đĩa CDs nhạc blues mình burn ra để nghe suốt đường đi. Lúc đó luôn đang ý tưởng làm phim dạt dào nên cứ đắm chìm trong âm nhạc là lại tưởng tượng ra đủ tình tiết, bao ý tưởng cứ thế mà nảy sinh ra trong chuyến xe nhưng không dừng mà note lại được nên có lúc tới nơi thì lại quên mất.

Chuyến đi tới Houston ấy có chuyện không được vui vẻ cho lắm nên mình quyết định quay lại Dallas. Đang chuẩn bị lên đường thì lúc này một người bạn Mỹ trắng ở southern Illinois của mình lại nhắn tin muốn gặp gỡ. Sẵn đang buồn chán mình lại đồng ý lên đường. Nhưng mình bảo giờ mình lái lên đó chắc phải 9, 10 tiếng quá. Hay là bọn mình lái rồi gặp nhau ở giữa đường không? (Ở bên Mỹ là vậy đó, đôi khi tiện lái một ngày tới để gặp nhau là bình thường).

Và thế là mình lại lái thêm 4 tiếng nữa nửa đường lên Illinois để gặp bạn. Nơi bọn mình gặp chỉ là một cái town nhỏ vô danh hoặc có tên mình cũng chẳng nhớ, đúng chất midwest, mình còn chẳng nhớ nó ở Kansas hay Oklahoma. Cũng như bao thị trấn nhà quê khác của nước Mỹ, có một con đường chính gọi luôn là Main street, có một quán cafe to nhất, một quán bar to nhất ở giữa phố. Có một cái Walmart. Cuộc sống con người chậm rãi, thậm chí quá buồn tẻ, không một bóng người châu Á. Có lẽ cái quán bar ấy là thú vui lớn nhất của người dân nơi này. Nhưng vì mình không thích quán bar nên bảo xem ở đây có một quán ăn đậm chất miền quê nào nhất không thì vào chơi. Và đi một hồi thì cũng có một quán ăn nhỏ rất xinh. Quán là căn nhà gỗ, đồ ăn cũng chỉ là hamburgers, fried nhưng dân Mỹ nhà quê thì tới ăn rất đông. À, hôm đó cũng là cuối tuần.

Trong quán cafe có một cây đàn piano đã rất cũ, chắc phải những năm bao nhiêu của thế kỷ trước. Đàn luôn để mở có vẻ luôn có người ngồi chơi. Trong lúc order, cánh cửa bật mở. Một người đàn ông nhỏ bé lếch thếch, tóc lơ thơ nhưng râu khá dài, đôi mắt rất sáng bước vào. Đó chắc chắn là một người đàn ông vô gia cư, và kỳ lạ đó lại là một người đàn ông châu Á. Một người châu Á nơi này đã hiếm, mà lại còn là một người vô gia cư châu Á nơi midwest này thì lại quá hiếm. Cũng là điều đặc biệt là những người làm việc trong quán không hề có sự ngạc nhiên hay có ý định xua đuổi ông í đi. Một số khách thì ngó nhìn, một số khách còn nhìn ông í mỉm cười vẫy tay. Ông í với với một người phục vụ, chỉ vào cây đàn ý hỏi ngồi được không. Cô phục vụ ngó lên phía quầy ướm hỏi ý kiến manager, người manager vẫy tay ra hiệu ok.

Thế là ông í ngồi vào cây đàn. Ngay lập tức điều này đã khiến mình và người bạn mình dừng mọi cuộc nói chuyện và hoạt động, nín thở xem ông ấy sẽ làm gì. Mình để ý một số người cũng đã dừng lại nhìn ông ấy. Và chẳng phải đợi lâu, ông ấy vừa đưa đôi tay lên đặt vào phím đàn đã thấy dáng điệu uyển chuyển chuyên nghiệp của một người nghệ sĩ piano, mà là một người nghệ sĩ phải cực kỳ kỳ cựu chứ không phải chỉ là biết đánh đàn thông thường. Bạn mình cũng là một nghệ sĩ âm nhạc chơi saxophone nên bạn ấy còn đần hết cả mặt ra theo dõi ông ấy. Tiếng đàn ông ấy cất lên là gây sốc với tất cả mọi người, à hoặc chí ít là bọn mình còn chắc người dân nơi đây đã quen quá, bởi vì nó điêu luyện mượt mà bản năng và giàu cảm xúc không thể miêu tả được bằng lời nói nào cả. Gần như bọn mình bị đông cứng, tim đập thình thịch và không còn cả quan tâm đến đồ ăn đã được dọn ra từ lúc nào. Mình là dân ngoại đạo của âm nhạc còn ngớ ngẩn hết cả người nữa là người bạn của mình. Bạn ấy nghe mà mắt long lanh ướt nước. Và một hồi sau mình nhận ra mắt mình cũng rớt một giọt nước mắt xuống lúc nào không hay biết. Mình nghe thấy bàn ăn bên cạnh một người đàn ông thốt lên “Jesus”. Không phải ông ấy gọi người nghệ sĩ vô gia cư kia là “Jesus” mà đó là một câu nói cửa miệng của người Mỹ thốt lên khi gặp một sự kiện hoặc hiện tượng không thể tin nổi, dù là đó là một điều tích cực hay tiêu cực.

“Trời ơi ông ấy có thể ở đâu ra được nhỉ?” Người bạn của mình thốt lên. Và mình cũng muốn hỏi câu y hệt vậy. Tại sao một nhân tài đỉnh cao tới như thế này lại trong bộ dạng đáng thương và ở tận những nơi thâm sơn cùng cốc thế kia? Bọn mình kéo một cô phục vụ khá trẻ lại gần và hỏi ông ấy có phải là một nghệ sĩ piano không? Tại sao ông ấy lại phải là một người vô gia cư thế kia? Cô phục vụ còn đang bối rối chưa kịp trả lời thì một cặp vợ chồng già ngồi gần bàn bọn mình nói: “Oh, ông ấy không chỉ là một nghệ sĩ piano đâu, ông ấy còn là một nhà khoa học nữa đấy”. “What?”. Cả mình lẫn bạn mình lại ồ lên. Tới mức này thì bọn mình thấy “quá đáng” lắm rồi. Mình rất mong muốn liệu có nên tới nói chuyện với ông ấy không chứ trong con mắt của một người đang học phim như mình lúc đấy thì đó là nhân vật phim của mình chứ còn ở đâu ra nữa. “Can I talk to him? Can I make a film about him?”. Cặp vợ chồng nhún vai khi nghe mình hỏi. Họ nói rằng không chắc ông ấy tỉnh táo để nói được chuyện gì đâu. Ông ấy tới đây chắc cũng vài năm nay rồi, nghe nói là người gốc Hoa, mọi người hay gọi là “Mr. Chouchou” (không rõ lắm là mình nghe đúng không). Và quả thật bọn mình cũng thấy khả năng nói chuyện được với ông ấy là hơi khó. Ánh mắt của ông ấy tuy sáng nhưng rất ngây dại, dường như khi chơi nhạc ông ấy chỉ còn phần hồn, còn phấn trí thì không ở trong cơ thể ấy.

Bọn mình muốn hỏi thêm thông tin về Chouchou nhưng cũng không nhiều thông tin gì hơn ngoài việc ông ấy đã từng là một nhà khoa học rất tài giỏi, là dân nhập cư vào nước Mỹ, có lẽ cũng được học đàn chuyên nghiệp từ nhỏ và chắc chắn là người tài năng xuất chúng, mới trôi dạt về đây vài năm, nghe nói lúc về đã chỉ còn thân tàn ma dại thế này. Lâu lâu thèm đàn lại tới xin được đánh đàn. Còn ngày thường cứ lang thang bờ bụi, đứng xin tiền trên những ngã rẽ trên phố. Không rõ cuộc đời này những điều gì đã xảy ra ở miền đất hứa này với những con người xuất chúng như ông vậy?. Có lẽ ông cũng từng đến từ một gia đình gốc Á với những bố mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái với quá nhiều áp lực, có lẽ ông được trời cho được trí thông minh và tài năng kiệt xuất nhưng cũng lấy đi của ông những cảm xúc cân bằng của một người “bình thường”. Cũng có lẽ giấc mơ Mỹ này quá nhiều áp lực với một thiên tài như ông, còn lại là một người gốc Á sống trên một mảnh đất mà sự phân biệt chủng tộc đã luôn và sẽ âm ỉ bền bỉ trong lòng xã hội….

Bọn mình chẳng biết phải làm gì hơn và cũng lại sắp phải lên đường kẻo không trời tối. Bạn mình lục túi lấy một tờ 100 đô ra, mình thì nghèo hơn có tờ 20 đô. Bọn mình đi tới nhét vào cái túi áo nhếch nhác của ông ấy. Ông ấy cảm ơn rối rít, nhe hàm răng mất gần hết răng ra cười cảm kích. Thực sự lúc dó là một cảm giác tội nghiệp không thể miêu tả được bằng từ ngữ nào cả, thấy trái tim mình đập mạnh, cảm nhận được cả nhịp đập mà nhói lên bao là xót thương và tiếc nuối.

Bây giờ nghĩ lại thì mình thấy tiếc lắm, vì nếu lúc đó quyết tâm ở lại cái town ấy thêm hẳn 1 ngày để tìm hiểu thêm, rồi sau quay lại với máy móc thiết bị để làm một câu chuyện tài liệu về một cuộc đời ấy thì hay ho biết mấy. Lúc đó mệt mỏi quá, có nhiều chuyện lại không vui và cũng đang quá nhiều những quyết định ngổn ngang liên quan đến việc học hành. Và lúc đó có lẽ mình cũng chưa yêu thích tài liệu và hiểu được ý nghĩa của tài liệu tới như bây giờ…

Không rõ giờ Chouchou đang ở đâu? Thậm chí ông ấy còn sống hay không? Mình vẫn nhớ mãi lúc ông ấy vào trong quán, tuy rằng ngơ ngẩn với đôi mắt ngây dại nhưng vẫn biết rất lịch sự xin phép mới dám ngồi vào cây đàn. Một lúc sau ông ấy cũng được tặng một cái hamburger và rất lịch sự đi ra ngoài cửa ngồi ăn ở cái ghế gỗ chờ trước cửa chứ cũng không dám ngồi ăn ở trong quán.

Và nước Mỹ là vậy đấy, là nơi tụ tập của tất cả những thiên tài, tài năng xuất chúng đỉnh cao nhất nhì của thế giới này, cũng là nơi có những con người ngớ ngẩn, ngu xuẩn và dốt nhất cũng tầm nhất thế giới. Nhưng đôi lúc những thiên tài cũng rớt ngã và bị nhập vào những con người ngơ ngẩn lang thang ngoài đường thế kia và lặng lẽ chôn vùi những tài năng và trí tuệ của mình vào những bộ quần áo rách rưới bốc mùi, những chiếc biển xin tiền nơi cuối góc phố và chờ ngày cuộc đời như vậy là kết thúc. Những người vô gia cư trên đất Mỹ có rất nhiều là những bệnh nhân tâm thần, nghiện ngập. Và rất tiếc trong những đám người ấy có những con người đã từng là thiên tài đỉnh cao, đã từng có một cuốc sống rất huy hoàng chói lọi. Nhưng cũng không ai có thể cứu giúp được họ cả…

 

 

#580: Cơn nghiện táo Bàng La

Mặc dù nghe mọi người nói là táo Bàng La xịn đã hết rồi, làm gì mà còn mùa này để ăn nữa, nhưng vẫn quyết tâm cố chấp sà vào một nơi ven đường bán táo với cái biển:”Táo Bàng La” rất to. Vẫn biết là Bàng La giờ đã phake đội lốt nhưng mà vì mê nó quá nên ăn vào vẫn… thấy được, vẫn thấy ngon, cố chấp đến thế đấy. Và vẫn khệ nệ vác vài cân để đem lên Hà Nội. Vừa vác vừa nhón mấy quả đã vàng ruộm chín ăn nhoay nhoáy, ờ nó vẫn ngon thế nhỉ :)).

Anh xe ôm sà tới chở ra bến xe. Anh vừa nhìn bảo: “Ồ, Bàng La loại hai cuối mùa”. Mình bảo ô hay thế nhỉ, sao nhìn biết Bàng La? Anh bảo, ôi xồi tôi đi buôn bưởi Diễn, táo Bàng La từ thủa sơ khai của loài người rồi, nhìn gì mà không biết. Bàng La đúng vụ còn đầy phake nữa là, phải tới tận làng mới có Bàng La xịn nhé. Tôi hỏi thế loại này xịn không? Anh bảo loại này là Bàng La trồng ở Sơn La =)), nhưng vẫn là giống Bàng La, ăn vẫn được đấy. Rồi anh kể cuộc đời anh buôn bán trái cây thế nào, phân tích từng loại đất vì sao nó lại ngon, chua ngập phèn, phèn ngập chua thế nào thế nào đó. Mình nghe thấy trí tuệ uyên bác quá buột mồm, thế anh có quen ai giúp kiếm cho một cây táo Bàng La để trồng ở vườn nhà bà không? Anh bảo được, để anh hỏi. (Bữa giờ chả biết hỏi ai kiếm cái cây táo về trồng, mà phải là cây xịn uy tín í. Mình chỉ đơn giản là thích cái giống cây, chứ không phải trồng để về được ra quả táo giống vậy đâu).

Xuống xe, bọn mình trao đổi số điện thoại ngay. Anh bảo để anh gọi luôn thằng vườn táo cho nó nóng, thế nào nó cũng tên là Hà. Anh đặt tên là :”Hà táo”, ngó qua list điện thoại của anh thấy có cả Hà xoài, Hà bưởi, Hồng xiêm, Hùng chôm chôm… nhưng không hiểu anh save kiểu gì mà mở ra có mỗi cái tên mà không có số điện thoại. Anh bảo thôi để tối anh về tìm lại anh hỏi cho cái cây. Làm mình chưng hửng ghê :)). Giờ vẫn chưa thấy anh liên lạc!

Mình save số anh vào là: “Sơn xin cây táo”. Anh thì save số mình vào là: “Hà xin cây táo”. Nhanh chóng Hà và Sơn xin táo add Zalo nhau, mình không xin được cây táo thì chắc ít cũng tìm được nguồn mua Bàng La xịn từ năm tới :)).

Vác mấy cân táo quằn người lên xe (vẫn còn đang đau cổ vai gáy chưa hết), vì không muốn để ở cốp sợ nó dập (vì nó nhiều quả chín lắm rồi), nên ôm ở chỗ ngồi, rồi balo túi tắm, ngồi khó ghê. Cứ đang hy vọng cái ghế bên cạnh mình 0 có người ngồi để được để tạm cái balo ra đấy ngồi cho dễ thì có cô bị say xe ngồi luôn bên cạnh. Cô ấy bịt chặt mũi bằng một cái khăn, mắt cứ trợn lên vì sợ có thể bị say xe bất cứ lúc nào. Nhưng cái túi táo chín của mình nó thơm nức cả toàn bộ cái xe, mọi người bàn ra tán vào sao mà mùi táo thơm thế. Cô ấy bảo múi táo lại thơm thơm, làm cô í bớt say.

Rồi một hồi mình nhìn thấy cảnh sao mình ngồi khổ sở mà cô ấy lại ngồi sung sướng thế kia…. Đúng là cố chấp, vì mê táo thì sẽ phải chấp nhận vậy thôi :)).

Trở lại Hà Nội ôi thủ đô đã hết sạch không gian Tết, nhịp điệu “Hà Nội đéo vội được đâu” đã tràn khắp phố phường. Mùi táo của mình cũng tỏa khắp phố.

Về tới nhà việc đầu tiên là lọc những quả táo chín ra ăn trước. Bọn đệ nhà mình thằng nào cùng thích ăn táo nhưng đặc biệt có 1 đứa nghiện táo đến phát điên. Nó thích ăn táo tới bất chấp liêm sỉ. Nó nhìn thấy quả táo sẽ lao vào, rồ lên, nhảy quay cuồng. Mình vừa đặt túi táo xuống đất nó hét lên vì quá sung sướng rồi lăn quay đơ ra. Bố mình lao ra bảo: “Mày giấu ngay đi không con đấy nó ăn 0 còn quả nào đâu”. Mình vừa ăn một quả thấy nhạt nên chìa cho nó mà nó lao ra đớp sướng quá đập cả đầu vào cửa, nó ăn biết bỏ hạt đàng hoàng. Mình thấy lo lắng quá… vì đống táo với bao công sức này mới cầm lên được đây vẹo hết cả người, mồm mình ăn còn không đủ mà giờ nhìn mấy con chó như vậy mình sợ quá… rồi có khi buổi đêm bọn nó trèo cửa sổ vào nhà mở tủ lạnh ăn hết táo của mình không???? Mà cuối mùa rồi…hết rồi… 😞

#hakindiary
#nhatkyhakin

 

Hình: Ha Kin – Mặc dù nghe mọi người nói là táo Bàng La xịn đã hết rồi,… | Facebook

#579: Tết nào…

Thế là bò ra trang trí Tết. Mọi người cứ luôn cho rằng em không phải là một người khéo léo và kỹ thuật còn em… cũng nghĩ thế. Em nhiều ý tưởng nhưng kỹ năng sinh tồn chỉ ở mức trung bình nên chỉ riêng việc là treo mấy cái đèn lồng cách nào. Bắc thang hay dùng trí thông minh? Bắc thang thì quá nguy hiểm vì nhà em cái gì nó cũng cao nên cuối cùng em đã dùng trí thông minh. Chỉ là không biết bọn nó treo được bao lâu thì rụng. Mấy bạn em chê treo đèn lồng gì lắm giống Tàu giống Nhật em bảo ê cả châu Á này treo đèn lồng nhé. Mà đèn lồng đẹp, rất không khí Tết, hơn vạn lần bọn đòi bỏ Tết với chê bánh chưng. Có đứa chê bánh chưng mà còn toàn viết sai lỗi chính tả thành bánh trưng. Thảo nào cái bọn đấy không ăn cũng béo :)). Chê lằm chê lốn!
Sau tiết mục đèn lồng là hoa. Trong rất nhiều người bạn em chọn chị Hoa đi chợ Tét cùng em vì tên chị là Hoa, đi chợ chọn hoa cùng em là quá hợp lý . Nhưng sự thực là chị í không tên Hoa thì em cũng chỉ thích đi với chị thôi vì chị mặc cả hay lắm :)). Chị còn tặng bố mẹ em hai chậu cúc vàng treo đẹp ơi là đẹp.
Hàng xóm nhà em ba bên bật nhạc cũng rất vào mood em làm em rất phấn khởi trang trí nhà. Bên này là Happy New Year, bên kia là Mô đen thóc kinh “you’re the woman I’m the man”. Ở giữa là: “tàu đưa ta đi tàu sẽ đón ta hồi hương”. Còn nhà em thì nhạc đỏ “Việt Nam ơi Việt Nam ơi”. Riêng nhà em thì nhạc sống vì có ca sĩ tại gia là bố em.
Thỉnh thoảng mọi người thấy nhà em có lộn xộn dây xanh dây đỏ hay những trang trí hơi nhã kỳ và thắc mắc sao em không sắp xếp lại thì em nói luôn là em không thể nhé vì đấy là những tác phẩm của mẹ em. Em động vào dù chuyển một cái cây sang vị trí khác là mẹ em sẽ bóp cổ em lè lưỡi.
Giờ lồng với hoa đã xong, còn giăng đèn nữa mà em chưa nghĩ ra chỗ thòng dây điện. Bố em giấu hết đồ nghề rồi vì em có khả năng làm chập điện cả nhà như chơi mỗi lần em thí nghiệm. Trong lúc nghĩ cách cắm điện thì còn tiết mục giặt chó nữa mà em thấy hơi đuối đuối. Có phải chỉ vò với ngâm xà phòng là xong đâu, xong còn phải sấy khô vắt chanh chấm muối ớt nữa. 5 thằng trong giá rét thế này em run quá.
Mà em mới đi ra lấy chai sữa tắm và bật nước thôi mà thế nào 5 thằng nó biết được trốn tiệt sâu tít trong bếp không móc được đứa nào ra. Khả năng tâm linh của bọn nó cao quá. Chắc em phải hun khói để bắt từng thằng một. Mà em cũng mới nghĩ ý tưởng thế thôi bố em đã chạy ra: “ê cấm nhé”. Thế thì em sẽ xịt nước, bọn nó phải chạy ra thôi… em không bao giờ hết ý tưởng nhé!!!
Thôi em đi xịt nước đây…
Ảnh: không khí chuẩn bị Tết nhà em

#578: SAY XE

SAY
XE

Dạo này có lẽ nghĩ nhiều, khó ngủ và có quá nhiều việc lớn phải làm, lại ôm đồm thêm một đống thứ nên sức khỏe xuống rõ rệt. Và hậu quả là lâu lắm rồi mới có một trận say xe bí tỉ như vậy trên đường lên núi. Gần 10 tiếng trong xe qua đường đèo, lâu lâu nó lại paused 1 cái cho đón khách lấy hàng với hút thuốc đi tè làm mình tưởng suýt phải nhảy ra khỏi xe đi bộ. Mình là cơ địa say xe, chắc kiểu người tiền đình, chỉ hơi mệt hay đói, thiếu ngủ tí thôi thì dù có đi xe quen mấy là ruột gan hỗn loạn. Lái xe đi xuyên bang là bình thường nhưng say gục ra đấy cũng… vẫn là bình thường :)).

Hồi bé chỉ nhìn thấy ảnh cái ô tô thôi mình còn say chứ đừng nói cho lên xe. Sợ tới thế mà chẳng hiểu sao số như bị đày, đi suốt ngày, mà lần nào đi cũng… vẫn sợ :)).

Trận đi lần này mình đã cố gắng ngủ đủ, ăn đủ trước khi đi, và không dám uống nước. Say không sợ bằng cảnh nó lên cơn buồn tè mà đường xa hun hút giữa đèo dốc núi cao còn vài tiếng nữa mới được nghỉ, đã bị vài lần nên rất sợ hãi. Thường ngủ đủ ăn đủ thì đi sẽ ổn, nhưng không hiểu sao lần này nó dội lên từng cơn, từ rất nhẹ còn chịu được cho tới bắt đầu cảm giác nghiêm trọng. Tới lúc quả lái xe nó còn hút cho điếu thuốc thì mình không chịu được nữa phải bật dậy văng cái chăn và cái điện thoại ra để túm lấy bọc ni lông.

OK câu chuyện bị say xe tới đây thì cũng đang là rất bình thường đúng không. Mình đã biu ti phun ra toàn bộ dinh dưỡng mẹ chăm cho buổi tối hôm đó vào chắc 2 cân ni lông. Lả hết cả người, vì mình say quá nên lái xe bắt đầu… say theo (mình ngay giường đầu và sau đó xuống ngồi cạnh lái xe luôn để… vớt ni lông cho tiện :)). Anh đó bảo: “Ôi đùa, em có cần phải say như thế không? Em làm anh say quá”. Mình nước mắt giàn dụa: “Tổ sư ai bảo anh hút đéo gì hút lắm thế”.

Rồi mình đang say quá thì ở dưới có tiếng hét lên: “Anh ơi bật đèn đi anh ơi, cứu cứu”. Lái xe có vẻ hoảng hồn bật ngay cái đèn rồi hỏi chuyện gì thế. Từ dưới lên có 2 người phụ nữ đang bê kéo 1 người phụ nữ khác xách lên trên đầu xe. “Anh ơi dừng gấp, cô này say quá không đi được nữa”. Mình đang say bỏ mẹ lên được rồi mà nhìn thấy quả kia mắt còn trợn ngược chân tay thõng thượt ập một phát về phía mình (vì xe đang đi chậm lại hai cô kia đỡ không kịp), tim gan phèo phổi mình lộn tung lên. Chị kia 0 ai đỡ nên vật ra ôm lấy mình, nước mắt mình rơi lã chã, tay quờ tiếp cái ni lông khác.

Lái xe sợ quá nên tìm được một chỗ để dừng xe. Chị này được mấy người lôi bê ra ngoài. Chị đó say tới mức đứng còn không nổi, chỉ chực lăn ra giãy đành đạch, mắt trợn ngược. Cả xe nhốn nháo lên (sau mình mới biết nửa xe là gia đình đi… đám cưới), nên cả nhà bu xung quanh như có đại án. Vì thấy chị đó say quá say làm mình sợ quá nên là bỗng nhiên mình… hết say luôn. Tỉnh hết cả thằng người. Phần còn lại của xe trong đó có lái xe ngồi trong xe run cầm cập nhìn ra ngoài xem chị đó còn thở không chứ vừa rồi là thấy tay buông thõng tay rồi đó. “Ồ thì ra mình say đã là cái đếch gì”, mình gật gù nghĩ thầm. Vừa nghĩ tới đây thì anh lái xe quay ra nhìn mình: “Thì ra em say đã là cái đếch gì”. Ồ, quả thật là đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu… (nói thế thôi nhưng mình cũng phải google xem cái câu này nghĩa là gì =)).

Thế rồi phụ xe chạy lại vào trong xe mật báo: “Hình như không phải say xe đâu anh ạ, mà là tụt canxi”. Lái xe gục mặt xuống bánh lái thở hắt ra: “Cái đèo mẹ, tụt quần tụt áo không tụt lại đi tụt canxi?”. Đến lượt lái xe nước mắt rơi lã chã.

Thế là xe phải dừng nguyên nửa tiếng giữa đường để chờ chị kia kéo được canxi lên. Vì mình đã hết say nên mình mò lại lên giường nằm để ngủ tiếp hy vọng vớt vát nốt vài tiếng nữa cho tới nơi. Xong trèo lên mới nhận ra 0 thấy cái điện thoại đâu, mình vừa mới để đây để trèo xuống lấy ni lông và không hề di chuyển đi bất cứ đâu mà cái giường xe không có một lỗ nào để lọt cái điện thoại. Mà mình lục tung mọi góc mọi chỗ 0 thấy cái điện thoại đâu. Trước khi say vẫn còn nghe nhạc bluetooth mà, tai nghe vẫn còn đây. Nãy giờ chỉ có gia đình kia đi qua mà cả nhà còn đang nhốn nháo lên ngoài kia chứ sao ai lấy cái điện thoại của mình được. Thế là lại một chiến dịch hỗn loạn trên xe.. đi tìm điện thoại cho mình. Mà điện thoại đang để silent khỏi cất tiếng. Tất cả xung quanh đều tình nguyện cho lục hết xung quanh để xem điện thoại có rớt vào 0 và cũng 0 ai muốn bị mang tiếng cả. Mình cũng 0 dám nghĩ ai bởi vì có lấy thì lấy lúc rời xe chứ ai dám lấy giữa chừng. Mình cũng lục hêt ba lô túi tắm, quần áo lột hết mà tuyệt nhiền 0 thấy cái điện thoại đâu. Thực sự tất cả chỉ là trèo từ cái giường bên trên (mà đã là giường đầu rồi) đi xuống chỗ lái xe ngồi, cả 5,6 người cùng tìm cho mà không thề thấy, như có ma vậy luôn đó. Rồi bỗng nhiên lơ xe bảo: “Ồ thôi rồi bỏ mẹ, có khi nào lúc nãy buồn nôn quá lấy túi ni lông rồi cho cả điện thoại vào… ni lông rồi ném đi không? Lúc nãy ném cái túi nặng lắm”. Ối giời làng nước ơi, quả thật lúc mình lên cơn không chịu nổi mình có văng hết những thứ xung quanh ra để lấy ni lông. Có lẽ nào…

Thế là mình khóc, lái xe cũng khóc, lơ xe cũng khóc vì thương mình quá… thôi rồi vì nôn mà ném cả điện thoại ra ngoài ô tô rồi. Mình chán không thể tả nổi nữa, bao nhiêu việc cần cái điện thoại trời đất ơi, nhưng không thể có chuyện mình cho cả điện thoại vào ni lông mà ném ra ngoài được. Mình đành hy vọng là thôi xe tới bến giúp dọn cái xe rồi liên lạc nếu tìm thấy. Chứ không lẽ…

Rồi vừa hay chị gái đã lên canxi trở lại xe hồng hào tươi tắn (nghe nói người nhà gần đó đi gõ cửa xin được viên canxi, hay ghê). Xe lại chuẩn bị lên giường mà mặt mình thì cắt không còn hột máu. Chị và gia đình lại về lại vị trí, thì bỗng nhiên thấy có tiếng người gọi với lên (chắc ý hỏi người nằm ngay đó): “Điện thoại của chú ạ?”. Mình nghe vậy đứng bật dậy ngó ra nhìn. “Ô kìa, điện thoại của mình kìa”. Vị trí của nó là ở gần giữa xe, mà lại còn văng về tận phía bên kia của xe (mình nằm bên này). Cả đoàn lái nghển cổ lên nhìn. Mình chạy vội tới đoàn tụ với cái điện thoại. Cả nửa cái xe vừa đi tìm điện thoại cho mình ngơ ngác 0 thể hiểu nổi sao cái điện thoại nó lại thất lạc 1200km ra tận đó được? Nó là một bí ẩn lớn mà cả xe xì xào mãi 0 nguôi.

Nhưng mình thì đoán ra là do mình quá buồn nôn nên khi mình bật người dậy mình đã văng cái chăn ra, cái điện thoại theo đó bị văng theo chăn, và khi chị canxi đi lên thì lại văng tiếp cái điện thoại ấy thêm 1000km nữa, ôi cái điện thoại đáng thương của tôi. Nhưng mà tìm lại được mình hú hồn chim én, ôm vào lòng vuốt ve nó. Có lẽ vì nhiều biến cố quá nên từ lúc đó mình tỉnh, quên mẹ nó hết cả say cho tới tận lúc xuống xe!

Nhớ dọc đường xe có đón một bạn nam lên xe. Người yêu tiễn bạn này ra xe nắm tay nắm chân tình cảm, cẩn trọng đưa cho bạn nam một bình rượu và dặn dò: “Anh giữ thật cẩn thận mang về cho bố uống nhé”. Chàng trai nhẹ nhàng thơm má người yêu nói: “Em yên tâm nhé”. Và quả thật, chàng trai đó ôm chai rượu trong lòng gần 10 tiếng trên xe không rời vì sợ nó vỡ. Quả thật là người đàn ông uy tín biết giữ lời. Mình mà ôm thế thì chắc mình say đi cấp cứu luôn rồi.

Rồi tới giờ anh chàng xuống xe,. Tay vẫn ôm khư khư bình rượu không rời cho tới khi phải đặt bình rượu xuống đất để ra cốp lấy đồ. Rồi: “CHOANG”, một tiếng vỡ vang lên xé tan màn đêm, mùi rượu tỏa khắp phố phường. “Ôi giồi ôi thôi rồi chết con mẹ em rồi”. Chàng thốt lên. Bình rượu đã tan đi như mây trời. Lái xe phụ xe không dám cười to sợ chàng trai quẫn trí. Xe cũng cố nhanh chóng rời đi thật nhanh vì xa xa bố chàng đang lấp ló tới đón, không ai muốn chứng kiến chuyện đoàn tụ buồn hết. Chỉ khi họ đóng cửa xe lên xe đi tiếp thì mới lăn ra cười không thể ngưng. “Phen này người yêu vặt trụi lông rồi con ơi”. Nhờ câu chuyện này mà lái xe tỉnh ngủ xuyên đêm, mình tới nơi an toàn!

Xuống xe mình lưu luyến quá, 0 phải lưu luyến lái xe, cái xe hay chị canxi kia. Mà vì trong lúc say xe mình phải ngồi nghe ké cái truyện trinh thám tình cảm bật từ diu tub của lái xe. Đang đoạn ly kỳ cô kia yêu anh kia rất đẹp trai phong độ nhưng mà thầy giáo của cô cũng si mê cô, xong rồi hóa ra là oan gia trái chủ thế nào đó thầy kia với cô kia với anh kia là con của kẻ thù thế nào thế nào đó. Đang đoạn hay thì phải xuống xe, đèo mẹ!

Ảnh: Nghe nói ít nữa có cao tốc đi Mù Cang Chải rút còn có 4 tiếng từ HN. Có thật không nhỉ?

#nhatkyhakin
#hakindiary

#576: Bà nội và OCD

Cũng phải nhiều năm cho tới bây giờ, khi xem, đọc và nghiên cứu nhiều về các chứng bệnh tâm lý, mình mới hiểu bà nội mình có chứng OCD, thuộc dạng trung bình. Cũng có thể nó vốn dĩ ở dạng nặng hơn nhưng hoàn cảnh sống vất vả, khó khăn phải lo toan quá nhiều, không tài nào mà phải là “perfectionist” được.

OCD tiếng Việt được gọi là “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế”. Nghe thì đáng sợ đấy nhưng thực ra nó có rất nhiều cấp độ và rất, rất, rất nhiều người trong xã hội, xung quanh chúng ta mắc phải mà bản thân ngay chính họ cũng không hề biết. Chứng này có thể bẩm sinh, có thể do sự thay đổi của não bộ sau một vài biến cố hay một số căn bệnh nào đó, do bị rèn luyện như vậy, do stress, do thói quen… thậm chí cũng có thể do di truyền.

Bài này mình không nói nhiều về chứng OCD vì các bạn hoàn toàn có thể tìm được rất nhiều thông tin trên mạng. Mình chỉ nói về cách ứng xử đối với căn bệnh tâm lý này. Ở những mức độ nào đó, người có OCD ở 1 mình thì không sao nhưng người nào mà bị nặng mà người khác ở chung với họ thì rất phiền. Vì nhiều OCD vô cùng sạch sẽ, ngang hàng thẳng lối, sống theo những nguyên tắc riêng rất ngặt nghèo, nhiều sự ám ảnh vô lý. Lệch sóng họ tí là họ bị khó chịu ngay.

Hồi ở Mỹ mình đã từng ở chung với một chị OCD. Và mình đã kinh hãi khi thấy chị ấy đã đem đống thịt bò mới mua về rửa… xà phòng. Vào giây phút đó mình không chắc đó có phải là từ cái chai xà phòng rửa bát ra hay không nhưng điều đó hoàn toàn là có thể. Mình đứng đấy nấu ăn mà một giọt nước rơi ra mà chưa kịp nhào ra lau vội thì tóc chị í sẽ dựng lên ngay. Mọi thứ trong nhà không được 1 hạt bụi, chị í sẽ bò ra lau dọn và thậm chí còn đứng chìa cả cái máy hút bụi vào… không khí để hút… khí bẩn. Ở với chị í thì áp lực vô cùng vì đang ngủ mà chợt nhớ ra lúc nãy có thể lúc mình rửa chân ở nhà tắm có vết chân bẩn chị í sớm mai dậy chắc chị í sẽ đứng đấy khóc một buổi sáng, phải nhào ra kỳ ngay. Mình ở chung với OCD mình cũng thành OCD theo lúc nào không biết :)).

Còn hồi bé hẳn nữa lúc cũng ở cùng nhà với một chú ở cơ quan mẹ (đi nhiệm kỳ). Thì nhớ mãi rằng chú í ăn uống bất cứ lúc nào, bất kỳ đâu kể cả ra tập thể, chú í cũng phải luộc cho sôi cả đũa và thìa cái đã. Nghe mọi người đồn là vì chú í sợ… SIDA. Nhưng sau thì mình hiểu là khả năng cao là chú í bị OCD :)).

Bà nội mình thì nhẹ hơn nhiều. Chủ yếu bà sẽ bị “vướng mắc” ở chuyện là cái gì ở đâu phải đặt đúng chỗ đó, và phải chắc chắn là theo ý bà. Nghĩa là bà muốn là cái đĩa này nó phải đè lên cái đĩa kia thì nó phải đúng là nó được xếp như thế. Một tờ giấy ăn, ni lông rớt ra nhà là bà phải đi tới nghiên cứu, ngẫm nghĩ thật kỹ là nó là cái gì, tại sao nó lại ở đây :)). Mình chắc chắn một điều rằng từ trước tới giờ bố, các cô chú, các em mình sẽ không để ý điều này và chỉ đơn giản là thấy bà khó tính mà thôi. Và chính vì thế cứ phải chính tay bà làm bà mới yên tâm. Nhưng từ ngày bà không còn đi lại được nhiều nữa, chỉ có bám vào cái xe nạng nhích đi từng bước nên mọi sinh hoạt đều khó khăn. Bà muốn sắp xếp lại rất nhiều thứ, đặt đồ này thứ kia theo đúng ý của mình nhưng đôi lúc lực bất tòng tâm. Bà đành phải nhờ người xung quanh làm hộ. Lúc thì người giúp việc, các cô chú, các cháu, khách tới thăm bà… mà cứ làm không đúng như bà mong muốn là bà lại gắt lên cho nó đúng vị trí thì thôi. Mặc dù cái sự gắt này nó chỉ là thói quen thôi vì mình nói chuyện mình cũng hay gắt lắm và mình đâu phải là giận gì đâu =)). Thế nên người nào mà không hiểu thì sợ bà lắm, hay là giận vì bà sao mà khó tính, bắt bẻ thế. Nên giúp việc ở một thời gian thì thấy “áp lực” quá đều xin nghỉ :)). Ngày xưa thì mình thỉnh thoảng cũng cáu vì bà cứ sai ầm ầm lên mà cứ phải đúng thì bà mới chịu. Nhưng mình phải công nhận chưa bao giờ thừa khi học hỏi thêm thật nhiều kiến thức về tâm lý học và hơn cả là được làm cái nghề tuyệt vời này: đó là làm một nhà làm phim tài liệu. Vì nó cho mình rất nhiều lý do để nghiên cứu, học hỏi, trải nghiệm và nhờ thế mà hiểu thêm bao nhiêu điều ở cuộc đời này, trong đó đầu tiên là hiểu và biết ứng xử với những người thân của mình.

Bây giờ thì chỉ có thương bà thôi chứ còn lâu mới giận bà, nhắm nhảu với bà như ngày xưa. Giở hiểu bà rồi thì cứ theo ý bà mà làm thôi, thế giới hòa bình ngay và luôn. Mọi thứ biết cách ứng xử hóa ra nó lại rất đơn giản. Và tuy rằng không phải người nhà mình ai cũng hiểu rằng đây là một chứng bệnh tâm lý vô cùng phổ biến để hiểu cho bà. Mà cả xã hội này những hiểu biết về các chứng bệnh tâm lý đều còn rất hạn chế. Và thực ra hầu hết tất cả chúng ta đều mắc một vài chứng bệnh tâm lý nào đó, người thân của chúng ta cũng thế, nhưng do chúng ta chưa có đủ kiến thức và sự hiểu biết để hiểu cho chính bản thân mình hay xung quanh để có những sự ứng xử hợp lý. Đặc biệt trong những mối quan hệ gia đình, đôi lúc bố mẹ, vợ chồng con cái không thể nào hòa hợp với nhau hoặc bạn bè có những mối quan hệ đứt gẫy vì những “hành xử không chịu được”, bởi vì biết đâu rất nhiều người trong số họ bị mắc những chứng bệnh tâm lý mà ngay chính họ còn không hiểu, nữa là người thân. Để có thể hiểu nhau, cư xử đồng cảm và hiểu biết hơn thì có lẽ đã tránh được rất nhiều sự hiểu nhầm giận hờn nhau đáng tiếc, nhất là tình cảm gia đình. Có khi cả đời có những người không hòa hợp thậm chí không thể hiểu được bố mẹ, anh em… và ngược lại. Có khi nào thấy cái sự khó tính, khó chịu, vô lý ấy mình thử tìm hiểu thêm chút xem sao? Biết đâu hiểu ra được điều gì đó, biết cảm thông, biết ứng xử hơn. Có lẽ sẽ bớt được nhiều những giận hờn, day dứt, hối tiếc trong cuộc đời!

Bản thân mình với mẹ mình mà nói với nhau 2,3 câu là không đi tiếp được. Và giờ nói vậy thôi mình vẫn cãi mẹ nhoay nhoá =)). Nhưng điều khác biệt giữa ngày xưa khi chưa nhiều hiểu biết với bây giờ đó là tuy rằng vẫn cãi, nhưng sau đó không… để bụng, hiểu tâm lý mẹ nóng tính, dễ xúc động và ảnh hưởng nội tiết từ bệnh basedow và chắc chắn là muôn đời mẹ sẽ vẫn thế. Về cuối ngày thì vẫn phải mẹ con thắm thiết mà thôi :)).

Thỉnh thoảng nói chuyện và tiếp xúc với một số người, cũng nhận ra nhiều vấn đề tâm lý của họ. Đôi lúc chỉ đơn giản hiểu để mình có thể biết giúp đỡ gì, hay hiểu vì sao họ cư xử vô lý thế để cho mình… bớt tức =)).

By the way, bà nội mình cũng 92 tuổi, có không OCD thì 92 cũng sẽ khó tính thôi :)). Nhưng mà nhé, ngoài OCD ra thì bà lại cực kỳ dễ tính kể cả đã ở tuổi này, chiều các cháu lắm luôn, ngoài cái việc như là: “xoay cái quạt vào chính giữa người đi thì mới mát được chứ” thì cháu xin gì cũng cho, ăn gì bà cũng chiều, móc tiền túi mấy chục nghìn tiết kiệm ra cho ngay :)). Mà á, bà mình hài hước và minh mẫn cưc kỳ, bà nhớ không quên chuyện gì từ lúc mình đẻ ra. Bà không quên một chuyện gì! Có khi người có OCD trí nhớ tốt =)). TRỘM VÍA TRỘM VÍA tỉ lần bà yêu của cháu!

Có thể câu chuyện của mình có nhiều đồng cảm với nhiều bạn!

#573: Mình có cái mũ

Mình có mấy cái mũ rất xinh, nhìn như mũ nan nhưng thực ra lại là mũ vải. Mình thích đội mũ đương nhiên một phần lên hình nó xinh, nhưng phần lớn là vì với một người quay phim chụp ảnh như mình cái mũ không thể nào thiếu vì nó giúp mình chắn nắng che mưa mỗi lần quay phim chụp ảnh.

 

Hầu hết mũ mình đều được tặng. Chiếc mũ mình quý nhất mà các bạn thấy hầu hết trong các bức ảnh là đã cả hơn mười năm rồi đấy. Thỉnh thoảng qua thời gian mình cũng bị mất mũ, lúc để quên, còn có lúc là tặng lại người khác.

 

Buổi trưa đó là vào một buổi trưa mùa thu trời nắng rất đẹp, hiu hiu đủ để ngồi ngoài trời làm ly cafe nhưng mà đi trong cái trời nắng này không mũ vẫn là rất mệt. Ngồi cạnh bàn của mình là một nhóm các bạn trẻ đang cười đùa rộn rã, mấy bạn nam có vẻ đang rất hào hứng, nói rất to và rất hyper có lẽ vì mấy bạn gái đều xinh. Có một ông cụ bán hàng rong đi qua. Điều đặc biệt và ấn tượng là ông cụ ấy có một cái mũ nan vành to rất rất đẹp, tuy rằng nó cũ nhưng nhìn nó rất chất, rất thú vị. Ông đi đâu là ai cũng ngoái nhìn vì cái mũ. Một bạn nam nhảy bổ ra: “Ông ơi mũ đẹp quá ông bán cho cháu cái mũ đi”. Ông cụ bảo không bán đâu vì mũ ông phải đội che nắng. Nhưng các bạn có vẻ rất kiên quyết muốn mua cái mũ, và nói giá bao nhiêu cũng mua. Ông cụ sau một hồi bị kỳ kèo vì các bạn hội đồng ghê quá nên có lẽ cũng vừa mệt vừa ngại bèn bảo thì thôi bán cho cái mũ 200k. Các bạn ré lên và đội ngay cái mũ, chuyền tay nhau cái mũ để chụp ảnh..

 

Ông cụ già lọ mọ đi tiếp, tóc lơ phơ trắng vài sợi trong nắng gắt. Nếu là mình còn trẻ đi trong cái nắng này cũng hoa mày chóng mắt chứ chả nói ông cụ đó. Người già rất dễ say nắng, chóng mặt, đột quỵ. Cơn sốt ruột của mình nó dội lên, thế là mình cầm cái mũ của mình chạy gọi với theo ông cụ. Mình ụp cái mũ của mình lên đầu ông và nói ông đội đi vì trời nắng này để đầu không rất nguy hiểm. Ông cụ ngại bảo không sao tôi quen rồi mình kiên quyết bảo không ông đội ngay. Cuối cùng mình bảo để mình mua của ông cái cắt móng tay ông phải chịu đội mũ nhé thì ông mới chịu. Cái mũ hơi nữ tính so với ông và mình cũng rất quý cái mũ đấy nhưng lúc đó được cho cái mũ ấy đi mình chẳng tiếc cái gì hết.

 

Có vẻ mấy bạn trẻ ấy đã nhìn thấy mình làm vậy và các bạn có lắng lại chút ít. Và rồi nghĩ thế nào đó, cậu nam lúc nãy cầm cái mũ chạy theo đưa lại cho ông cụ trả lại và cũng không lấy lại tiền. Ông cụ cứ ú ớ chẳng hiểu chuyện là thế nào, nhưng cũng nhận lại và cảm ơn các bạn ấy. Cậu trai ấy cầm lại cái mũ của mình về trả lại cho mình và nói Ông trả lại cho chị đó. Lúc đấy mình vui lắm, và mình nhìn các bạn trẻ ấy bằng một ánh mắt rất nhẹ nhõm: “Chị cảm ơn các em nhé”.

 

Câu chuyện này xảy ra năm ngoái giờ vào ngày trời đẹp mới nhớ ra để kể lại. Đó là một tình huống đã kết thúc có hậu nhưng sự thật đáng buồn là vì cái sự check in đó là đôi lúc những hành động bồng bột nhất thời không được nghĩ tới hậu quả. Những cảnh đẹp bị phá nát vì ảnh chụp, những con người bị làm hư bởi du lịch, những thiên nhiên bị tàn phá để xây dựng những công trình phục vụ cho check in. Và đôi khi chỉ là một câu chuyện tưởng rất đơn giản như câu chuyện trên, nếu ông cụ hôm đấy sẽ ốm hay đột quỵ vì nắng và nóng thì sao? Khi mua cái mũ của ông, chắc các bạn nhất thời đã không nghĩ tới. Vậy khi chụp 1 cái ảnh check in mà phải xâm hại một thứ gì đó, hãy luôn nghĩ tới điều gì sẽ xảy ra nhé!