Posts tagged Interesting

#575: “Fast car”: Lái xe đi hay ở lại và sẽ chết mòn thế này?

“Fast car” của Tracy Chapman là một trong những bài hát mình thích nhất khi nghe on road. Sẽ thú vị thế này: Khi ngày hôm qua mình viết bài review về một bộ phim tài liệu về một chàng trai Nepal sinh ra ở trên những nơi tận cùng của thế giới, nơi để đưa cậu và các em tới được thành phố, bố cậu đã phải mất một tháng vác chúng trên giỏ và gánh băng qua những dãy núi trùng điệp. Hành trình ấy hoàn toàn bằng đôi chân với một vài chú lừa. Một tháng để đưa con tới thành phố chữa bệnh và cho con được một chút giáo dục. Bố mẹ cậu yêu thương cậu vô ngàn nhưng khát khao được thoát khỏi hoàn cảnh để được khám phá bản thân, đi ra thế giới của cậu nó lớn lao như những đại ngàn nơi bố mẹ và ngôi nhà của cậu chỉ bé lọt thỏm ở giữa.

“Fast car” của Tracy Chapman có khát khao tương tự, đó là được thoát khỏi gia đình, thoát khỏi hiện trạng ngột ngạt của hiện tại, bước ra một vùng đất mới, với những ước mơ rất đơn giản như là chỉ cần “một công việc”, một sự tự do là mình để hiểu được ý nghĩa của việc “được sống”. Nhưng những ước mơ ấy lại ngập tràn những sự bế tắc.

Bài hát là một điển hình của những số phận của những người Mỹ nghèo (cụ thể ở đây là hoàn cảnh của một gia đình người da đen). Họ bị luẩn quẩn trong những cơn nghiện rượu, ma túy, thuốc giảm đau, sự phân biệt chủng tộc và tầng lớp xã hội. Những vùng quê nghèo ở bất cứ nơi đâu dù là nước Mỹ giàu nhất thế giới hay nơi tận cùng của dãy núi Himalayas cũng đều giống nhau ở sự đói nghèo, bế tắc và những ước mơ dữ dội của những đứa trẻ muốn được sống một cuộc sống đủ đầy mà chúng mơ ước. Đủ đầy không chỉ là chuyện vật chất, nó còn là kiến thức, sự tự do và có khi đơn giản chỉ là được thấy ánh đèn của thành phố.

Cậu trai Nepal trong “The only son” muốn được làm rất nhiều điều thật lớn và đi hẳn tới những quốc gia, vùng miền khác. Con đường đi từ nhà cậu ra được thành phố, tới sân bay là núi non thung lũng trập trùng. Nhưng qua được những dãy núi ấy, cậu biết đâu sẽ làm một người nổi tiếng và có một vài tác phẩm để đời. Còn “Fast car” của Tracy chỉ đơn giản là muốn vượt qua được biên giới bang để tới một thành phố khác, chẳng cần phải đi quá xa. Đường đi của cô gái trong Fast car lại quá đơn giản và bằng phẳng, cần một cái xe ô tô “đủ nhanh” là sẽ thoát khỏi được hiện tại. Chiếc ô tô ấy chỉ cần là một chiếc xe cũ thôi, nhưng nó chở bao nhiêu là ước mơ về sự giải thoát, được yêu và được sống như “một người bình thường”. Con đường đi theo đúng nghĩa đen của Tracy bằng phẳng và đơn giản hơn rất nhiều con đường đi của chàng trai Nepal. Nhân vật của Tracy cũng sống ở đất nước giàu có nhất thế giới, còn chàng trai thì lại ở một trong những nơi nghèo nhất thế giới. Cả hai rất giống mà khác nhau. Một con đường bằng phẳng, một con đường là chỉ có dốc cao vực sâu nhưng hai con đường ấy đều khó đi như nhau. Giấc mơ của chàng trai là thành một người đi ra thế giới và muốn làm điều gì đó lớn lao nhưng giấc mơ của Tracy chỉ cần được “làm 1 người bình thường với 1 công việc tử tế”. Nếu bố mẹ của cậu chàng yêu thương chàng hết mình nhưng vẫn sống trong sự cổ hủ và đói nghèo truyền thống thì người bố của Tracy lại là một ông nghiện rượu, mẹ thì bỏ đi. Hai bố mẹ hoàn toàn khác nhau nhưng chúng đều đau khổ vì không thể bỏ được họ để ra đi, nhưng nếu ở lại chúng cũng sẽ chết dần chét mòn. Cả hai đều muốn thoát khỏi gia đình, đều muốn được sống là mình và những khát vọng của họ đều mãnh liệt như nhau, những nỗi đau khổ cũng giống y nhau.

Điều thú vị được thể hiện rõ nhất ở bộ phim và bài hát đó là cách kể chuyện về cùng một vấn đề trong những hoàn cảnh khác nhau về địa lý (dù cách kể chuyện bằng hình thức khác nhau), và cho thấy cùng một vấn đề nhưng trong những nền văn hóa khác nhau chúng vẫn giống nhau tới lạ kỳ, những quy luật cuộc sống và khát khao cơ bản của mỗi người lúc nào cũng vẫn luôn là thế. Những bài hát, những cuốn phim này đều là những câu chuyện cuộc sống thật nhẹ nhàng, mà ý nghĩa, với mình thì chúng là “food for mind”.

Mình rất mê những nghệ sĩ như Tracy Chapman. Đây là những con người mà âm nhạc và tư duy kể chuyện bằng âm nhạc đã có từ trong máu từ khi họ sinh ra. Những tác phẩm của họ đều chính là những câu chuyện và trải nghiệm sống của chính họ. Chúng vô cùng sâu sắc, nhiều triết lý cuộc sống được ẩn giấu trong những câu chữ rất nhẹ nhàng và những câu chuyện rất đời. Một câu hát tiếng đàn họ cất lên đều tự nhiên như hơi thở. Những nghệ sĩ như Tracy Chapman, Jewel, Bob Seger (và nhiều nhiều lắm) đều có những xuất thân cực nghèo khó và đến từ những nơi ngập tràn rượu và ma túy. Nhưng tài năng thì một khi đã trổ thì vượt lên cấp toàn thế giới, họ thậm chí có khi một ngày còn chẳng được đi học một nốt nhạc. Âm nhạc cũng toàn những câu chuyện và tâm tư cuộc sống rất đời thường, chẳng cần phải trưng trổ bất cứ kỹ thuật gì cao siêu, vì chỉ cần họ cất tiếng là không có ai có thể bắt chước được họ và vẫn đến được với sự đồng cảm với bất cứ khán thính giả nào trên trái đất này. Mà cái này, chỉ có thể là sinh ra có từ trong máu, và số phận được ông trời ban tặng. 8 tuổi Tracy đã biết sáng tác rồi cho dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Số đã nổi tiếng, đã tài giỏi thì con đường dù khó khăn đến mấy như những dãy núi Himalayas hay chỉ có một chiếc ô tô quá cũ nhưng sẽ vẫn “đủ nhanh” để vượt lên highways đi ra thế giới.

À mà nếu để ý thì mấy nghệ sĩ này hầu như chả có cái scandals gì, họ sống vững chắc trong lòng người hâm mộ dù năm tháng có qua đi bao nhiêu lâu!

A Tracy Chapman fan! Love you, Tracy!

#writingformyself

#574: “The only son”

Tối nay bạn thích xem một bộ phim tài liệu không?

Thỉnh thoảng lại stumble được một số phim tài liệu rất hay trên Youtube. Mình rất thích xem những phim tài liệu độc lập của các bạn quốc tế trên Youtube. Mà đôi khi cũng chẳng cần là phim, chỉ là những videos kể chuyện về những trải nghiệm sống, văn hóa vùng miền của con người từ vùng lạnh nhất tới nơi nóng nhất, xem họ sống thế nào, có gì thú vị, học hỏi và ngẫm nghĩ được biết bao điều.

Đỉnh núi Himalayas là một trong những đề tài mình rất thích xem, không biết có phải vì đã từng được tận mắt thấy Everest từ máy bay hay do xem 7 days in Tibet mà cứ mỗi lần thấy Himalayas là bồi hồi. Đêm hôm bữa play đến “The only son”, câu chuyện của một chàng trai Nepal từ nơi nghèo khó và xa xôi tận cùng trên dãy núi Himalayas mà có một tư tưởng cực kỳ khác biệt, rất hiện đại hiểu biết, vượt lên mọi những hủ tục của gia đinh, làng tộc để dũng cảm vượt ra khỏi vũng lầy của đói nghèo và thất học. Nghe thì tưởng như là một quá trình rất epic nhưng cái hay là nó chỉ kể bằng một chuyến đi từ thành phố trở về nhà cùng một chút background của chàng trai mở đầu về gia đình. Còn lại là những lời kể mộc mạc, dung dị và trăn trở, đấu tranh mãnh liệt của lương tâm khi phải quyết định sẽ đi ra thế giới rộng lớn vĩ đại ngoài kia để giải thoát bản thân hay sẽ quay trở lại quê nhà lấy vợ, chăm sóc bố mẹ già yếu và mảnh đất rộng lớn của tổ tiên để lại cần phải canh tác và cai quản, và bởi vì cậu là “cậu con trai duy nhất”.

Những bộ phim này mình thấy rất hay không hề vì hình ảnh phải đẹp hay sự epic, những lời dạy đời đạo đức ra vẻ cho phim có chiều sâu. Mình thấy rất hay vì những điều rất thật thà, những hiện tại rất khắc nghiệt, những nền văn hóa tưởng địa lý thì rất xa chúng ta mà lại rất tương đồng, những bài học cuộc sống về tình yêu với gia đình, về khát vọng bản thân và những nỗ lực sống vĩ đại. Chúng được kể và thấm cho người xem một cách rất tự nhiên, rất đồng cảm.

Những nhóm người thiểu số sống trên núi cao dù bất cứ đâu, ta đều thấy một điều thú vị là họ có rất nhiều điểm tương đồng trong văn hóa và lối sống sinh hoạt. Họ đều là những con người lao động rất cực khổ, người phụ nữ phải luôn mang vác rất nặng và vất vả vừa phải trèo núi lội suối để làm nông, cắt cỏ, chở củi, vừa vẫn phải nấu nướng dọn dẹp, chăm sóc con cái và những người chồng gia trưởng. Và đều có những hủ tục rất giống nhau, những truyền thống văn hóa rất giống nhau. Như con cái lập gia đình rất sớm (chủ yếu để thêm người lao động) và trọng nam khinh nữ. Nên khi mình xem những câu chuyện này mình đều thấy rất đồng cảm và gần gũi, vì đó là những câu chuyện mà mình bắt gặp không phải tận Himalayas mới thấy mà ở ngay trên những vùng núi hay cao nguyên mình đã đi qua.

Nhưng hoàn cảnh gia đình của chàng thanh niên trong phim cũng là một hoàn cảnh khá đặc biệt. Gia đình có 11 người con, cậu là con trai duy nhất. 8 tuổi, cậu suýt chết vì bệnh sởi. Bố cậu đã gánh cậu và mấy người chị em gái trên vai để tới thành phố. Nhưng để tới được Kathmandu, thủ phủ của Nepal, thì ông bố ấy phải gánh các con đi bộ và leo núi đồi gập ghềnh, đi qua những thung lũng cánh đồng đúng 1 tháng trời. MỘT THÁNG TRỜI! Mà các bạn biết Himalayas chưa bao giờ là một dãy núi tầm thường. Ông bố vĩ đại ấy đã vác các con lên thành phố để các con có thể thay đổi cuộc đời. Đứa con gái lớn được sang Mỹ làm con nuôi. Đứa thứ hai bị bỏng suýt chết được một gia đình Hà Lan nhận nuôi. Còn cậu được ăn học ở Kathmandu cùng hai em gái nhỏ nữa. Đó là những chuyến đi nhiều lần 1 tháng của người bố. Hình ảnh người bố khắc khổ và nụ cười hiền trong phim sẽ không thể làm cho bất cứ ai không xúc động. Nhiều năm sau đó, ngay cả khi cậu đã lớn và trưởng thành và đưa các em trở về nhà, con đường ấy đã rút ngắn lại được bằng những chuyến trực thăng dân sự, nhưng vẫn mất thêm 10 ngày đi bộ leo núi nữa mới trở được về nhà thăm bố mẹ. Và người bố ấy vẫn sẵn sàng đi bộ cả 10 ngày để tới đón các con hay lại tiễn các con trở về.

Cậu thanh niên may mắn được ăn học ở thành phố, được đi du học, được gặp lại các chị đã đều thành người nước ngoài, thậm chí còn không nói được cả ngôn ngữ gốc. Nhưng nỗi đau lòng trăn trở khi bố mẹ ở quê xa quá cực khổ và quá yêu thương mình, cậu sẽ phải lựa chọn. Trở về lấy vợ chăm sóc bố mẹ cho tròn chữ hiếu hay là đi ra thế giới văn minh để được phát triển bản thân? Nếu là bất cứ một ai vào hoàn cảnh này, chắc chắn đều là những sự dày vò đấu tranh khủng khiếp, và không có lựa chọn nào là xuôi được hoàn toàn với lương tâm.

Những lời thoại và tranh cãi giữa cậu và bố mẹ rất giá trị. Cậu chàng thì tìm đủ mọi cách giải thích tư tưởng tân tiến cho bố mẹ (nhưng làm sao họ hiểu được, họ đã sống và quá quen với cuộc sống như vậy rồi). Nhưng cũng chính vì thế cậu cũng sẽ không thể hiểu được những tâm và mong muốn của bố mẹ. Ai cũng cho rằng mình đúng. Con không hiểu bố mẹ, bố mẹ không hiểu con. Và cũng chắc gì những khán giả trung gian như chúng ta hiểu đúng để đánh giá họ. Vì cái đúng sai trong mỗi nền văn hóa và lối sống là khác nhau. Bạn lớn lên thế nào, bạn được dạy thế nào, hay trải nghiệm của bạn thế nào, đó là cái đúng theo quan điểm của bạn. Nhiều khi mình xem câu chuyện của người lạ như vậy là để reflect lại chính hoàn cảnh của rất nhiều trong chúng ta.

Mình thương cái sự thương con đầy khắc khổ của người bố mẹ trong phim. Người mẹ với làn da nhăn nheo vì quá khổ cực với bao trăn trở vì sợ mình sẽ chết già trong cô đơn cùng mảnh đất rộng lớn. Nhưng những đứa con rất yêu thương bố mẹ, rất có hiếu, tình yêu của chúng đong đầy trong ánh mắt. Nhưng trong ánh mắt đầy yêu thương của cậu trai ấy là sự mãnh liệt của sự tự do và quyết đoán, sẽ phải rời xa bố mẹ cho dù yêu thương bố mẹ vô cùng.

Câu chuyện này rõ ràng không phải là một câu chuyện “bình thường” hay là của một gia đình điển hình của người dân sống trên núi hay những vùng đất nghèo khó hiểm trở. Không phải dễ dàng sinh ra từ nơi sâu thẳm của những vùng tận cùng của thế giới mà những đứa trẻ lại có tư duy hiện đại tân tiến và quyết tâm phá bỏ truyền thống, quy tắc, cả nén những yêu thương với gia đình để vượt ra khỏi hiện tại đói nghèo và hủ tục để được sống một cuộc sống nhiều tri thức và được khám phá bản thân. Nhưng chính vì thế có khi nó làm thức tỉnh rất nhiều con người, dù vùng núi xa xôi hay thành phố hiện đại, và KHÔNG THỂ ĐỔ LỖI CHO HOÀN CẢNH. Cho dù xuất phát điểm của bạn thế nào, bạn muốn cuộc đời mình tốt đẹp hơn, đó là lựa chọn của bạn. Và không có sự lựa chọn nào ở cuộc đời này là hoàn hảo, bạn sẽ luôn phải đánh đổi, bạn sẽ sống cho mình hay là gia đình? Bạn sẽ sống vì bản thân mình với những khả năng của mình hay let it slide và sống một cuộc sống mờ nhạt như bạn đã được sắp xếp? Bạn có muốn thoát khỏi sự đói nghèo hay ngột ngạt của bạn hay không? Nếu có bạn phải rất chăm chỉ, dũng cảm và phải đánh đổi!

“The only son” là một bộ phim tài liệu mình thấy rất thích không chỉ vì nội dung mà còn vì cách kể chuyện voice over rất dung dị, thỉnh thoảng kể sau hình ảnh để khán giả được suy nghĩ, cinematography rất đơn giản nhưng lại rất chuyên nghiệp, âm nhạc tối thiểu nhưng rất phù hợp và day dứt, những lời kể tâm sự nhẹ nhàng nhưng dẫn dắt người xem rất cuốn hút. (À nhưng đương nhiên nó chỉ cuốn hút khi bạn là tuýp ưa thích tài liệu, thích khám phá thế giới và không phải tuýp chỉ thích xem những thứ giật gân hay hào nhoáng).

Một trong những cái hay của tài liệu độc lập thế này đó là tính thức thời và nhanh trí của người làm phim. Họ đã nhận ra được ngay nhân vật và đề tài từ rất sớm để bắt đầu ghi chép lại thành cả một quá trình. Phim này được làm bởi một nhà làm phim độc lập người Hà Lan và có lẽ câu chuyện của cậu trai đã được chia sẻ khi cậu đang đi du học ở Hà Lan và ngay lập tức: Đây là một câu chuyện phải được kể! Và cái máy quay đã bắt đầu chạy, âm thanh đã phải được thu và ổ cứng đã được nạp.

Với mình thì điều này xảy ra thường xuyên, mình luôn nhìn ra mọi đề tài rất nhanh, rất nhiều câu chuyện cuộc sống vô cùng hay và độc đáo. Chỉ rất tiếc mình chưa có đủ máy móc, tài chính và đặc biệt là người bạn đồng hành đủ tinh tế và có thời gian để thực hiện những câu chuyện như thế này. Vì làm tài liệu không hề đơn giản một chút nào, đó là thời gian, tiền bạc ứng ra và phải hiểu về cuộc sống, về thế giới, kỹ năng ứng xử với con người, phải biết nhìn ra những điều để kể qua ống kính. Như bạn nhìn thấy một khuôn hình trong bộ phim, có khi người quay phim không hiểu hết ngôn ngữ của câu chuyện, nhưng họ biết lia đúng chỗ, đúng nơi, đúng khuôn, vì một người làm phim tài liệu rất sâu sắc và nhạy cảm!

Trên Youtube thì những phim kiểu này rất nhiều, và đều rất hay. Mình đợi tìm được người bạn đồng hành ấy để được hòa vào thế giới này! Có nhiều chuyện rất hay, rất rất hay ước gì được kể!

Link phim ở dưới comment. Hãy xem hành trình của chàng trai ấy!

#535: TÀI GIỎI LÀ MỘT MÓN QUÀ HAY LÀ MỘT LỜI NGUYỀN?

TÀI GIỎI LÀ MỘT MÓN QUÀ HAY LÀ MỘT LỜI NGUYỀN?
Người ta hay nói, trong tù có 2 loại đối tượng này là nhiều nhất: Loại dốt, ngu, ác và loại rất giỏi, rất tài năng, nhưng cũng rất… ngu và ác! Đặc biệt, hai loại đối tượng này đều ở mức độ “extreme”, tức là vượt ra ngoài tiêu chuẩn của những người “bình thường”.
Loại một có lẽ không cần phải nói nhiều. Cái nghèo cái dốt, cái ngu cái ác là điều tạo ra tội phạm là đã quá rõ ràng. Nhưng điều đôi khi mọi người không nghĩ tới là có những con người rất thông minh, rất tài năng, nhưng không có nghĩa là tài năng và trí thông minh của họ sẽ chỉ để dùng cho những việc đáng tự hào, việc đàng hoàng, giúp ích cho cuộc đời. Mà rất tiếc lại sử dụng những tài năng của họ vào việc lừa lọc, dối trá, bất chấp. Và vì họ có tài năng và trí thông minh nên những gì họ tạo dựng và lừa dối được đều ở mức độ rất cao. Không tài giỏi sao được khi có thể lừa được tiền bạc nhiều như núi. Không giỏi thì sao làm thủ lĩnh của bao nhiêu con người, công trình, không giỏi sao có thể một mình tấn công, chơi đùa với cả một hệ thống pháp luật, xã hội…
Nhưng có một điểm rất khó hiểu về những đối tượng này là họ tuy tài giỏi như vậy nhưng lại không biết được điểm dừng cho những tội ác của mình. Đây có thể coi là một loại bệnh tâm lý chứ không còn thuộc về trí tuệ nữa. Chúng ta đều hiểu dù có tài giỏi đến mấy thì làm điều tội lỗi mà không biết dừng thì không thể nào che giấu được mãi mãi. Nhưng không biết vì lý do gì họ không bao giờ cảm thấy là đủ, và sẵn sàng trắng trợn phủi tay khi sự việc đã xong mà coi thường hậu quả. Thực ra những con người này khi đi tấn công những con mồi của mình, nếu là lừa đảo, thường rất tài giỏi trong việc chọn lựa ra đối tượng mà họ cho rằng “rồi sẽ chẳng làm gì được” họ. Cộng thêm sự rất tự tin về khả năng vỏ bọc, sự tài giỏi của mình trong việc luôn đứng trên pháp luật, ai cũng ngu, “không ai khôn bằng mình”. Vụ gần đây rất nổi tiếng mà đều thành phim tài liệu như là “Inventing Anna”, một cô gái bình thường nhưng lại có khả năng lừa lọc được bao nhiêu giới siêu giàu, hay câu chuyện về nữ triệu phú tự thân Theranos Elizabeth Holmes, người có khả năng lừa và gọi vốn hàng chục triệu đô từ các công ty công nghệ hàng đầu cho một công ty ảo có khả năng xét nghiệm từ máu thần tốc. Một công ty hoàn toàn là lừa đảo không một dấu hiệu hoạt động thực sự nhưng vẫn trở thành một hiện tượng trong giới khoa học và số tiền được đầu tư là khổng lồ, là bạn phải biết Theranos tài giỏi đến mức nào. Người ta sẽ thắc mắc là sao nó có thể giấu được mãi, ăn tiền hay đầu tư được mãi mà không thể dừng lại? Đương nhiên rồi thì cũng tới đoạn các chị cũng đi tù và mọi việc vỡ lở. Nhưng vì họ quá tự tin về sự tài giỏi và khả năng của mình đã hại lại chính họ. Và thường cái kết luôn là thế! Đấy chính là cái “ngu” của loại người này!
Tiếng Việt mình hay có cụm từ “táng tận lương tâm” hay “máu lạnh”. Thiếu lương tâm thực chất ra chính là một loại khiếm khuyết trong não bộ chứ không phải là chuyện “muốn là có”. Người có lương tâm thường không thể hiểu được loại đối tượng này. Tiếng Anh có mô tả về 2 loại đối tượng mà dễ gây ra tội ác nhiều nhất, đó là “Sociopath” và “Psychopath”. Mình sẽ làm riêng một bài phân tích về đề tài này. Sociopath và Psyopath đều có điểm chung là làm điều sai không chớp mắt, không thấy lương tâm cắn rứt, dù người thân nhất, yêu thương mình nhất cũng sẵn sàng lừa, giết, hãm hại. Người nghèo nhất khổ nhất ngoài đường cũng sẵn sàng cướp của họ. Điều khác biệt lớn nhất giữa 2 đối tượng này là sociopath thì còn biết điều mình làm là sai và nhiều là do hoàn cảnh xô đẩy, còn psychopath thì sẽ là dã man nhất, hoàn toàn không có lương tâm nào, nó là do sự khiếm khuyết trong não bộ, là một loại khiếm khuyết tâm lý bẩm sinh và có mang tính chất di truyền. Socio và Psycho lại đều rất giỏi trong khả năng đóng kịch, điều khiển tâm lý người khác, cực giỏi là khác, lại cũng rất thông minh nữa. Mà biết đấy, đã giỏi, đã thông minh, đóng kịch giỏi mà lại không có lương tâm nữa, thì đó là loại đối tượng nguy hiểm nhất của cuộc sống, vì bọn nó có thể làm tất cả những điều kinh khủng nhất mà không sợ hãi, không bị cắn rứt. Bạn cũng đừng hy vọng họ có lương tâm mặc dù họ diễn hay y như có. Họ cũng không thể ăn năn hối cải, vì đây đã là khiếm khuyết não bộ. Cái này hoàn toàn là kiến thức khoa học mà các bạn nên biết. Ngoài ra, nó có tính chất di truyền. Nên chuyện cha mẹ, mà con cái cũng táng tận lương tâm là điều rất không đáng ngạc nhiên. Chắc gần đây nhất bạn nghe được về câu chuyện người mẫu Hong Kong Thái Thiên Phượng bị phân xác kinh khủng hơn cả phim kinh dị bởi cả gia đình chồng cũ!
Sociopath và Psychopath có vô cùng nhiều trong xã hội, và hầu như phần lớn dân số không hiểu hết được những con người này hay thậm chí hiểu được chính họ. Họ diễn kịch cũng rất giỏi, họ ở bốn xung quanh chúng ta và đen đủi bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể là nạn nhân của họ. Hai đối tượng này nắm giữ rất nhiều những vị trí lớn trong xã hội, như giới CEO, nghệ sĩ, y khoa, KOLs, bán hàng… họ rất giỏi, rất thông minh, rất tài năng, nhưng luôn ác và bất chấp. Nó có thể không đúng với tất cả mọi người nhưng có một sự thật rằng cuộc sống này muốn thật giàu, vị trí cao, bạn phải ác, phải biết bất chấp và trơ trẽn. Vì đặc thù sự khiếm khuyết về lương tâm nên họ khác biệt với những con người rất tài giỏi mà có tâm thiện là người giỏi và có tâm thường… nghèo hơn rất nhiều 😃, và họ luôn biết có điểm dừng!
Không phải lúc nào sinh ra với một khả năng tài giỏi nào đó, một trí thông minh cũng là một “blessing”, đó đôi khi chính là một sự nguyền rủa: a curse. Nếu bạn nào có xem bộ phim tài liệu Murder Among the Momons, kể về Mark Hofmann, một người Mỹ có khả năng chế tác đồ giả cổ tinh vi tới mức kể cả những nhà khoa học kiểm định hàng đầu của FBI cũng không phân biệt được. Vì quá tài giỏi nên Mark sử dụng khả năng này để lừa đảo, giết người, điều khiển xã hội. Vì ghét đạo Mormons, Mark làm giả ra cả cái Salamander Letter được cho là viết vào năm 1830 bởi Martin Harris, với nội dung do Mark tự tạo ra để khiến cả tôn giáo Mormons thực hành và tin sái cổ, nhưng với Mark thực chất chỉ là một cú chơi khăm cho hệ thống nhà thờ LDS. Mark có tài trong rất nhiều đồ chế tạo và chế tác, đặc biệt ưa thích chế tạo bom. Ông ta đã khiến cho hai người chết vì những quả bom của mình và là một trong những ca nổ bom nổi tiếng nhất nước Mỹ. Việc điều khiển cả một hệ thống xã hội, luật pháp và cả tôn giáo bằng tài năng của mình quá dễ dàng khiến ông tả không thể ngừng được tội lỗi của mình. Những người quen biết Mark đều vô cùng tức giận với Mark khi biết sự thật nhưng đồng thời họ không kìm lòng được trước sự tài năng khủng khiếp của ông ta. Và cũng phải tiếc rẻ khi tài năng ấy không được sử dụng để làm điều tử tế. Bản thân Mark cũng đã vô cùng mệt mỏi với “lời nguyền” mình được nhận, ông ta là một dạng sociopath điển hình. Đến ngay khi vào tù, Mark vẫn tạo ra được những cực phẩm. Cuối cùng, ông ta cũng không chịu nổi chính bản thân mình, Mark đã dùng trí thông minh của mình để tự ngăn lại chính mình, đó là tự nằm đè lên tay mình nhiều ngày liền, để cái tay đó không được lưu thông máu, dẫn tới bị liệt hoặc hoại tử, rồi ông ta sẽ không sử dụng tay của mình để tiếp tục làm điều tội lỗi nữa. Không phải Mark cắn rứt lương tâm hay ăn năn hối cải vì Mark là một sociopath. Đơn giản ông ta đã quá mệt mỏi vì tài năng và sự tham lam của mình chỉ đem lại cho ông ta những cái kết tệ hại về cuối cùng, Dù đã có lúc rất giàu có, rất nhiều sự ảnh hưởng, được trọng vọng nhưng cuối cùng phải mòn hết phần đời còn lại tàn tạ trong ngục tù.
Vậy nên, dù không có lương tâm thì cũng nên nghĩ tới một điểm dừng, nên biết mệt mỏi, vì thế nào thì cái kết cũng rất tệ, thậm chí rất bi thảm, và KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI! Được khen thông minh, tài giỏi, không có nghĩa lúc nào cũng là điều tốt đâu!
Đối tượng này gây ra nhiều tổn hại, lừa lọc, đặc biệt nhắm tới người tử tế, đàng hoàng. Nhưng thực ra một khi đã xác định được bọn nó đúng loại gì, thì cũng không khó để đối phó và tiêu diệt. Tham mãi, lừa mãi, che trời mãi sao mà được! Chạy đằng giời!
Ngu quá cũng khổ, thông minh quá cũng khổ. Cuộc đời này làm người bình thường nhất, không bao giờ đi lừa ai cả, là hạnh phúc nhất đó các bạn biết không?
Ảnh: Mark Hofmann khi bị bắt năm 1985

#527: Bệnh viện tâm thần ở Athens, Ohio

Nhân dịp xem xong bộ tài liệu “24 faces of Billy Milligan” của Netflix, thấy có mấy đoạn rùng mình phết.
Bộ phim kể về Billy Milligan, một con người có tới 24 nhân cách trong mình. Nhân cách lõi là một cậu bé nhút nhát, hiền lành và luôn sợ hãi vì ký ức bị bạo hành tàn bạo. Nhưng các nhân cách còn lại có thể giết người, hãm hiếp, lừa đảo, khó tính… và mỗi lần nhập về nhân cách lõi anh ta không hề nhớ một chút gì. Vào những năm 70.80’s của thế kỷ trước, việc một người đa nhân cách vẫn còn là điều quá mới mẻ (thậm chí tới giờ vẫn là điều bí ẩn chưa thể khám phá ra hết). Nên câu chuyện về Billy mang lại quá nhiều sự khó hiểu, người ta thậm chí tới giờ vẫn không biết được phải chăng đây là một căn bệnh kỳ lạ có thực hay là một màn đại bịp thế kỷ? Nhưng khi xem về cuộc đời của Billy, cho dù anh ta được thả ra từ những tội ác mình gây ra vì chứng đa nhân cách, vẫn thấy đó là một con người quá tội nghiệp, với một tuổi thơ quá bất hạnh và khủng khiếp, cả một cuộc đời không một phút bình yên, bị người đời lợi dụng, hành hạ và phải dùng cả những loại thuốc đến hóa điên. Kể cả anh ta có không bị bệnh thì cũng phải bệnh mà thôi. Điều kỳ lạ về những người đa nhân cách như Billy là họ vô cùng thông minh và cực kỳ tài năng. Như kiểu thường bị đẩy đến tận cùng của bản năng và những limit trong cơ thể được tăng phát.
Trong phim, có nói về khoảng thời gian rất quan trọng trong cuộc đời anh này là khi Billy Milligan được đưa về bệnh viện tâm thần ở Athens, Ohio. Lúc này, nơi đây được tiếp đón một bệnh nhân nổi tiếng và gây tranh cãi như Billy là một điều khiến bệnh viện rất… tự hào. Vì điều đó chứng tỏ một chứng bệnh lạ và mới như vậy mà được tin tưởng giao về một trung tâm tâm thần tỉnh lẻ xa xôi như vậy đó là một sự kiện lớn. Để các bạn biết, Athens Ohio là một thị trấn rất nhỏ, nằm ở vùng midwest của Ohio, cả thị trấn gần như chỉ phục vụ 100% cho Ohio University, chính là trường đại học mà mình theo học suốt mấy năm học thạc sĩ phim. Thị trấn nhỏ, heo hút, chỉ có sinh viên và các dịch vụ cho sinh viên. Nơi đây hầu như chẳng có danh lam, phố xá, mua sắm nhộn nhịp. Thậm chí thời mình học chỉ có một cái cửa hàng châu Á nhỏ xíu, muốn ăn đồ châu Á cũng hầu như chẳng có. Tóm lại là một nơi hoang vu không thể phát triển kinh tế bình thường, mà người ta sẽ bê cả cái trường đại học lớn về để vùng đất có thể sống được nhờ kinh doanh giáo dục. Tuy nhiên, nơi đây cũng là nơi lý tưởng để xây dựng bệnh viện tâm thần và… trại giam.
Bệnh viện tâm thần nơi Billy được gửi tới cũng nằm ngay trong khu vực campus của Ohio University và giờ thuộc sở hữu của trường. Và sau bao nhiêu năm thì thời tớ học hình như nơi đây đã bị bỏ hoang khá lâu (hoặc có đang làm cái gì trong đấy bí mật hay không thì 0 biết). Ở ngay khu này (gọi là khu The Ridges) cũng có nhiều ngôi nhà cổ khác, trong đó có một tầng nhà chuyên để đạo cụ cho làm phim/kịch/truyền hình. Cả một tầng nhà rộng lớn với một nghìn các thể loại đạo cụ, từ cái kim tiêm, cái máy khâu, cái tay người, đầu người máu me, đến robot, súng ống… Khu này luôn lấp ló trong rừng, cùng với cái bệnh viện tâm thần bỏ hoang, nó luôn mang một cảm giác cực kỳ rờn rợn mỗi lần đến. Mấy lần tớ và cô bạn cùng lớp hay thích đến cái tầng nhà có chứa đạo cụ để tìm xem có gì mượn được đi quay phim. Bước chân vào cái căn phòng rộng lớn như dưới tầng hầm đấy là người lạnh ngắt, rùng mình. 100% những ai bước chân vào đây đều công nhận rằng nó cực kỳ creepy. Đám sinh viên đi học phim luôn than thiết ước gì được mượn chỗ này để làm phim ma với phim kinh dị. Vì chỉ cần giơ cái máy quay lên bất cứ góc nào, lắp cái nhạc rùng rợn vào là khán giả đã đủ ngất bà nó ra đấy rồi. Tuy nhiên, chỗ này không bao giờ cho phép được quay chụp bao giờ, rất nhiều thế hệ vẫn luôn không biết là vì sao.
Lần nào đi tới đây cũng ngắm nhìn cả cái bệnh viện tâm thần sát ngay bên cạnh. Nếu xét về kiến trúc thì nó rất đẹp, vừa cổ kính, vừa lấp ló trong rừng sâu với cây và cối. Nhưng sự hoang tàn, nhưng cánh cửa đóng kín cùng muôn vàn lời đồn đại về cái bệnh viện này thì ai đứng ngắm một hồi cũng nổi gai ốc. Tớ và bạn Lindsay đã từng đứng ngắm và thì thụp đoán xem liệu bên trong kia có ai đang còn sống, bị giam cầm hay có bao nhiêu xác chết hay không? Những bệnh viện tâm thần rất dễ để là nơi làm các loại thí nghiệm trên con người, hay là nơi tiến hành những dự án bí mật của chính phủ. Thậm chí là nơi giam cầm của những thể loại tù nhân đặc biệt. Và kỳ lạ là cứ qua một thời gian chúng sẽ bị đóng cửa, kéo theo một nghìn những lời đồn đại đáng sợ về chúng.
Có một lần, tớ và Lindsay đang chuẩn bị làm một cái phim ngắn nhỏ và qua đó lấy đạo cụ. Hai đứa mon men đứng nhìn tòa nhà rồi hỏi sao cửa sổ nào cũng đóng thế nhỉ, chẳng nhìn thấy được cái gì bên trong. Còn đùa nhau hay mình làm phim ma ở đây thì có phải hay không. Bỗng nhiên, trên một căn tầng cả hai cùng lúc phát hiện ra có một cánh cửa mở một nửa (không mở hẳn) mà sao nãy giờ cả 2 đứa đều không nhìn thấy. Rồi, bỗng nhiên, có bóng người lướt qua cực nhanh. “What? Did you see it?” Bạn í quay lại hỏi mình, mình cũng đang định hỏi lại bạn í. Hai đứa tự nhiên thấy gió lạnh chạy khắp người. “OMG I saw it too”. Lúc đấy tim đập thình thịch, mà trời thì lại chiều tối rồi chứ. Theo trí nhớ của tớ lúc đấy thì bệnh viện đóng cửa im ỉm nhiều năm liền rồi, không có ai được vào bên trong cả. Cũng chẳng ai bén mảng đến đây. Mà có người bên trong thì cũng phải cửa mở, chứ cửa khóa kín mít cơ mà. Hai đứa vừa sợ muốn về ngay vừa tò mò muốn biết có phải bệnh viện đang mở cửa không. Máu anh hùng và… tò mò nổi lên. Tớ bảo, để mình vào gần tí xem thế nào. Bạn í thấy tớ muốn lại gần thì cũng chịu đi theo. Cửa hoàn toàn đóng kín, dấu hiệu bỏ hoang nhiều năm, hai đứa nín thở nghe xem có tiếng động gì không? Không một tiếng động gì hết. Một hồi trời xuống nhanh quá thôi té vội. Cũng hết ước mơ làm phim ma ở đây :)).
Hôm sau có đi lê la buôn chuyện với đám sinh viên học phim xem có đứa nào biết về cái bệnh viện đấy không, thì có một bạn bảo, đã từng có vài người nói rằng có nhìn thấy cái bóng người ở căn cửa sổ ấy rồi. Không hiểu sao cái cửa ấy không đóng được (có thể bị hỏng chăng :)).
Giờ thì không biết là bệnh viện có đang được cải tổ chưa. Và nghĩ lại nơi đấy toàn những nhân vật như Billy Milligan đã từng ở thì đúng là cái chỗ đấy nó không tầm thường thật.
Ở Athens còn có một số nghĩa trang nữa và cũng từng có mấy hiện tượng rất kỳ lạ đã xảy ra, đám sinh viên rất nhiều đứa có trải nghiệm (trong đó có tớ luôn). Cơ mà để… kể sang bài khác nhé :)). Cũng có thể nhiều trải nghiệm kỳ lạ ấy là do các cháu hút cỏ quá đà gây ra chăng hahaha!
À quên, có một chi tiết nữa là, một trong những người từng đưa tớ tới khu này là một người đa nhân cách, kiêm chứng bipolar dạng nặng, nhưng lại là một người cực kỳ thông minh và tài năng (mà phải một thời gian sau nhiều trải nghiệm rất bất bình thường với nhân vật này qúa mình mới hiểu rõ về chứng bệnh này). Tóm lại đời sinh viên du học kỳ thú lắm, kể mãi 0 hết đâu :))
Ảnh: Mùa thu ở campus mỗi lần đi lang thang, bệnh viện tâm thần ngay sau lưng. Khu này mùa thu không đẹp được rực rỡ như những vùng bờ Đông vì thời tiết và địa hình khá chán (nên mới khó phát triển kinh tế). Cho dù hoang vu, nó vẫn đẹp. Nhưng nghĩ có vài cái trại giam hay bệnh viện tâm thần thí nghiệm với những bệnh nhân như Billy Milligan quanh đâu đó thì cũng toát mồ hôi hột thật đó :))

#519 : Where the crawdads sing

Where The Crawdads Sing
Lâu lắm rồi mới mò xem chính kịch mà cũng do bị câu với giới thiệu vì tưởng là phim làm theo phong cách vụ án điều tra :)).
Thấy nhiều ý kiến về việc chuyển thể phim từ sách chưa được tốt. Mình thì chưa đọc sách nhưng mình thường không cho rằng cứ phim chuyển thể từ sách thì cứ phải giống như sách. Phim có thể chỉ lấy cốt truyện, hoặc chọn lọc một phần, một góc nhìn, một hướng khai thác từ sách cũng được. Chứ cứ so sánh phải y chang như từ truyện thì rất là khó. Vì cảm xúc khi đọc truyện và xem phim là rất khác nhau, sự tưởng tượng về nhật vật, bối cảnh từ sách ra phim với mỗi người rất là khác nhau. Chưa kể một bộ phim chưa chắc chuyển tải được nội dung cả một bộ tiểu thuyết và ngược lại. Thế nên rất hiếm phim nào mà lại xuất sắc thể hiện được tinh thần của một cuốn sách. Nên coi sách và phim là hai tác phẩm riêng biệt và thưởng thức theo cách riêng của mỗi tác phẩm.
Cũng lâu rồi mới thấy lại được một cái phim mà có điều gì đó “nostalgia”, một bộ phim đơn thuần kể về một câu chuyện, một bối cảnh, không phải nhiều kỹ xảo, nhạc epic, các thể loại công nghệ như phim bây giờ, cảm giác như xem một bộ phim được làm từ đầu những năm 2000. Thế nên với gu mình thì nó thuộc dạng dễ chịu. Tuy nhiên, cũng không khó để thấy góc nhìn của bộ phim bị ảnh hưởng bởi thời đại với đặc mùi political correct. Những vấn đề của thời đại đều được nhồi nhét trong bộ phim: bạo lực gia đình, bạo lực xã hội, phân biệt chủng tộc, tham nhũng, bảo vệ thiên nhiên… Nói thật giờ những vấn đề này bị đem quá nhiều vào phim dẫn đến phim ảnh rất mệt mỏi và mất hết tính chân thực. Giờ đến công chúa hoàng tử Anh nhưng lại toàn da đen da vàng để cho “cân bằng chủng tộc” trong điện ảnh là đủ thấy báo động rồi =)).
Tuy vậy những vấn đề được đưa ra còn nhiều điều bất hợp lý và bi kịch còn toàn nửa vời không cái gì lên được đỉnh điểm. Nhưng cũng khó trách người làm phim vì với thời đại political correct như giờ chắc cũng khó, vì hơi tí là các movements sẽ phản đối quyết liệt. Bộ phim này nếu so với các phim thời từ trước 2000 đổ lại thì cũng chẳng có gì gọi là quá bạo lực hay phân biệt chủng tộc, tình tiết còn toàn phải kìm nén thế mà đã bị gây tranh cãi ầm ĩ lên như thế rồi, thế nên giờ làm phim mà muốn thẳng, thật nó cũng khó ghê :)).
Chưa đọc sách không biết trong sách thế nào nhưng mình cảm thấy bộ phim bị thiếu một đoạn mà mình cho là rất quan trọng. Đó là những hiểm họa khôn lường rình rập một đứa bé gái phải ở một mình nơi đầm lầy trong quá trình lớn lên của nó. Mô tả quá trình này sẽ cho thấy sự hợp lý và thực tế với cuộc sống hơn dù trong bất cứ thời đại nào. Thứ hai cũng sẽ làm cho khán giả hiểu được tâm sinh lý hoang dã của nhân vật và giải thích cho những tình tiết về nửa đời sau cuộc đời của cô ta. Nhưng một đứa bé gái chỉ ở một mình và tự tồn tại được giữa rừng sâu nước thẳm (mà cả làng ai cũng biết) tới tận lúc lớn 0 có mối đe dọa nào đáng kể, lại da vẫn trắng dù đi làm nông suốt ngày như Lý Tử Thất, tóc vẫn mượt, chưa một ngày đến trường hay được gặp nhiều người mà nói chuyện vẫn khôn ngoan, viết được sách bán bao tiền như mấy anh chị bán quảng cáo trên Instagram thời bây giờ thì… nó cũng khó thuyết phục =)).
Bộ phim này gây cho mình suy nghĩ vì không hẳn là nội dung phim mà là ở cách làm phim. Mình đang lo lắng rằng bây giờ những bộ phim sẽ phải làm theo xu hướng thời đại, đi theo gu của thời đại, luôn phải political correct, vẻ đẹp cũng theo những chuẩn của mạng xã hội và media, lệch pha là cả mạng xã hội nó tổng sỉ vả với các thể loại hashtags và các nhà đạo đức học lên tiếng chì chiết cho thì đuối lắm. Những vẻ đẹp và tiêu chuẩn này đôi khi sẽ làm mất đi tính chân thực của câu chuyện, của nhân vật và hạn chế sự liều lĩnh và sáng tạo của người làm phim. Nếu Whoopi Goldberg, Robbie Williams sinh vào thời này khả năng còn lâu họ mới thành được huyền thoại.
Cá nhân mình thì vẫn đánh giá đây là một bộ phim chỉn chu, dễ chịu, và cũng hiếm quý vào thời đại phim ảnh kỹ thuật với các thể loại công nghệ bây giờ. Nó còn mang được hơi hướng của cách làm phim của những năm trước 2000. Mình vẫn nghĩ cái phim này mà làm vào thời cách đây 20. 30 năm…thì sẽ hay hơn nhiều lần. Nhân vật Tate có thể là anh Leo hay James Spader. Kya là Winona Ryder hay Alicia Silverstone… chẳng hạn. Phim cũng sẽ được làm theo phong cách của thời đó, đúng chất, đúng màu, và của những con người còn sát với thời đại của thủa nước Mỹ thịnh vượng những năm 50’s, 60’s, 70’s… Cũng không chắc nếu là thế phim sẽ thành kinh điển nhưng chắc chắn nó sẽ cực kỳ đáng nhớ, và sẽ gây ám ảnh với những vẻ đẹp và sự diễn xuất đó, bởi vì cốt truyện rất tốt. Còn ở phim này, người làm phim chưa đủ trải nghiệm của một nền văn hóa đậm đặc như văn hóa redneck của thời trước. Diễn viên khá tròn vai, nhưng bị nhạt. Một phần cũng như mình nói, thời đại gu đẹp giờ nó bị nhạt quá! Mà “Đẹp” ở đây không phải cứ là da trắng mũi cao 6 múi óng ả đâu nhé :)). Đẹp là ở cái thần thái và khả năng diễn xuất tinh tế khác biệt nữa. Nhưng đó là thứ hiếm ở thời bây giờ, đơn giản vì cái gì cũng quá nhiều, quá giống nhau và gây quên cũng nhanh!
Nhưng nói chung mình cũng thích phim vì một phần do quan tâm đến văn hóa của dân redneck. Hồi ở Ohio chạm mấy chú redneck ở quê lên tỉnh học, vừa thấy buồn cười, vừa ghét, nhưng cũng vừa thấy thương thương :)). Nhưng mình cũng thích văn hóa của vùng deep south vì tuy rằng con người nghèo khổ, nhiều vấn đề, nhưng họ có một nền âm nhạc và nghệ thuật rất cuốn hút và rất đẹp. Khi nào kể chuyện nhạc blues nghe chơi nhỉ?
Ai rảnh nên xem, cũng là một bộ phim chỉn chu. Mình thường viết không phải là review phim, mà hay nói về cách nhìn của một người đang làm phim và học làm phim, hay nói về mặt thiếu sót để rút kinh nghiệm nhiều hơn là phân tích nội dung phim, nên với một khán giả bình thường, nó sẽ có nhiều điều hay ho và thú vị khác, cả những điều gì ý nghĩa cho mỗi người nữa!

#509: Wild wild country

Ồ wao một bộ phim tài liệu vãi chưởng :)).

Đúng là những có chuyện chỉ xảy ra trên nước Mỹ. Nước Mỹ rộng quá, mỗi bang như một nước nên có nhiều người còn chả biết những chuyện như thế này đã từng xảy ra, người biết thì cũng 0 thể hiểu nổi tại sao lại có những chuyện như thế. Có người có thể ngạc nhiên tột độ nhưng có người lại thấy “quá là bình thường”. Mình ở Mỹ bao nhiêu năm, nghe bao chuyện về các thể loại hội nhóm, giáo phái, cả những chuyện dã man như vụ Jonestown với cái giáo phái một phát tự tử cả nghìn người rồi mà xem mấy phim tài liệu này vẫn cứ phải ngạc nhiên.

Một câu chuyện rất kịch tính hơn mọi kịch bản phim, nhưng cái hay là tưởng đầy chết chóc bệnh hoạn và phi lí mà xong cuối cùng khán giả lại ngơ ngác là ủa rồi thì… tóm lại thế nào? Rất hồi hộp, đầy âm mưu, lay động cả chính quyền và thế giới, tưởng có ám sát, bom nổ, chiến tranh đến nơi mà rồi rút cuộc… lại chẳng có ai chết trừ… nhân vật… gần chính (gần chính vì cả phim chủ đề về ông đó nhưng nhân vật chính lại là… trợ lý của ông đó). Và rồi đủ thứ buộc tội kịch tính kia rốt cuộc là… có thật hay không? Tóm lại là thế nào? Hay tất cả chỉ là sản phẩm của thuyết âm mưu vì những ý thức hệ và quan điểm xã hội của thời đại?

Một bộ phim rất kỳ lạ là nó cho mỗi người xem một nhận định riêng của mình để đánh giá về vấn đề. Ở đây ai mới thực sự là xấu, là thủ đoạn? Cái bị cho là xấu có chắc là xấu? Cái người bị cho là thủ đoạn có chắc người truy bắt họ là tử tế hơn không? Một cuộc sống tự do và hạnh phúc theo cách của mình cho dù có thể khác biệt với những quy chuẩn chung của xã hội có chắc là thứ bệnh hoạn? Cả xã hội lên đồng tiêu diệt một nhóm người nhưng chắc gì phần đông đúng hơn phần ít? Có chắc cuộc đời chỉ có trắng và đen? Một xã hội tưởng rất tự do mà có thể xảy ra được những chuyện không tưởng như thế (là không tưởng với những “người thường” như bọn mình thôi), nhưng hóa ra chính sự tự do như vậy mà lại tạo ra nhiều hệ tư tưởng, quan điểm xã hội khác nhau, tạo ra những định nghĩa khác nhau về “đạo đức xã hội”. Mà đã tự do và khác nhau quá là lại đi diệt nhau, tự do có cái giá của tự do!

Cả bộ phim với nhân vật chính là Sheela, quả thật tưởng rất tàn bạo xấu tính, nhưng mà có khi lại… chưa chắc. Và cho dù người làm phim có ý định làm phim vì mục đích có khách quan hay không, và thừa sức hiểu họ đã giấu và cắt đi rất nhiều chi tiết mà có thể cho câu chuyện được cái nhìn khách quan hơn. Nhưng mà tinh ý thì vẫn nhận ra ngay những nhân vật được nhắc trong phim, đặc biệt là nhân vật chính đều là những người thông minh tuyệt đỉnh, và họ có những điều quá khác người. Đôi khi sự khác biệt cũng rất khó đánh giá được họ đúng hay họ sai vào những thời điểm nhất định.

Vị thầy sư Osho trong phim cũng để cho bạn đánh giá ông í là một kẻ cầm đầu các giáo phái bệnh hoạn, hay thực chất chỉ là một người truyền giáo muốn có một cộng đồng sống thoải mái và bình yên theo cách của mình, lấy bản năng con người làm gốc rễ. Nhưng cũng dù ông ấy có là thế nào, cũng thấy rõ một điều. Dù bạn có cho là mình lên đỉnh cao của niết bàn nhưng bạn vẫn ở trong cõi loài người và vẫn là… loài người thì vẫn không bao giờ thoát được sân/si bản năng của giống loài người. Cho dù có cho rằng mình đã buông bỏ, mình đã không còn vướng sự đời, mình bất chấp tất cả, nhưng cứ xem rồi chuyện gì xảy ra là cái máu người nó lại nổi lên ngay. Rồi thì cũng 0 thoát khỏi sự giận dữ, sợ hãi, đau khổ. Và cuối cùng thì cũng vẫn làm con mồi béo bở cho những kẻ vụ lợi.

Có một đoạn trong phim rất là xúc động là khi một nhân vật trong giáo phái buộc phải sang Đức chạy trốn vì tội ám sát bất thành trên nước Mỹ với cái án hàng chục năm tù treo lơ lửng. Nếu cô ta không ra khỏi nước Đức thì cũng 0 bao giờ lo bị bắt. Nhưng cuộc đời trớ trêu khi cậu con trai lại bị ung thư não sắp chết. Và cô ấy quyết định quay trở Mỹ để đầu thú, đổi lại để được ở bên con lúc cuối đời. Và một bản án khó tin và bất ngờ đã được tuyên. Cô ấy được… thả tự do. Không phải vì cô ấy vô tội. Là vì cái cách cô ấy nhận tội để được về với con mình đã khiến cho tòa án cảm động và lấy cái tình lên trên cái lý. Cô ấy cũng là thành viên rất tích cực của giáo phái và là một trong những nhân vật chính của bộ phim. Nhưng câu chuyện của cô ấy cho thấy thời thế, xã hội thay đổi về cách nhìn nhận con người trong một quá trình lịch sử. Có thể lúc đó họ bị đánh giá là người xấu, nhưng trong thời đại khác, có thể người ta lại nhận ra họ đơn giản chỉ là khác biệt, và cái cuối cùng quan trọng nhất vẫn là bản năng yêu thương của con người.

Nói chung phim này cũng 0 dành cho tất cả mọi người. Đặc biệt là nếu ai không hiểu nhiều về văn hóa, chính trị Mỹ, hay hiểu về dân redneck thì xem sẽ không thấy hết được sự thú vị hoặc nhiều những vấn đề được nêu ra trong đó, cả những câu chuyện theo thời đại nữa (ví dụ thời 70’s, 80’s với tinh thần bài cộng và thuyết âm mưu bè phái cao thì xã hội cũng rất khác bây giờ). Vấn đề đúng hay sai của các nhân vật cũng tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Mà sự cảm nhận này nó lại tùy thuộc vào trải nghiệm, vốn hiểu biết, logic phân tích vấn đề của mỗi người nữa. Cái hay nhất ở phim chính là ở chỗ đó!

À, mỗi lần xem phim về các chủ đề “cult” (nôm na là các giáo phái), mình luôn đặc biệt thắc mắc về tính thôi miên của những con người khi tham gia những giáo phái này. Mà không phải chỉ là những người vớ vẩn, tinh thần yếu, giáo dục kém tôn thờ đâu. Như trong phim, toàn nhân vật siêu đẳng, thông minh tuyệt đỉnh cả, từ giáo sư cho đến nhà khoa học. Có thể mỗi người này đều có những phần nào đó chung nhất trong não bộ, khi được kích hoạt trùng tần sóng thì sẽ hòa quyện và tạo ra năng lượng khổng lồ. Mà cái phần chung đó đôi khi chỉ đơn giản là: “bản năng gốc của con người”.

#505: Một suy nghĩ về làm phim tài liệu nhân xem: “The deadliest road”

Thỉnh thoảng chắc chẳng mấy khi có ai băn khoăn về những vật dụng nhỏ nhỏ mỗi ngày như cái đũa, cái tăm hay một con cá bữa tối mà để tới được bàn ăn của bạn thì trước đó là cả một hành trình mưu sinh vất vả tàn khốc của con người mà thậm chí có thể tưởng tượng cũng chưa chắc ra được. Như mình có mấy khi nghĩ tới điều đó cho tới khi xem những phim tài liệu như thế này. Nó làm cho mình nghĩ về không chỉ là cái đũa hay con cá được kể trong phim, mà nó làm mình nghĩ tới mọi điều dù nhỏ nhoi trước mặt bạn, thứ bạn đang dùng mỗi ngày là cả những câu chuyện cuộc sống vĩ đại đằng sau nó. Mà đôi khi bạn nên biết để biết yêu thương, nhân văn hơn với cuộc đời và biết quý những gì mình có, dù chỉ là một vật rất nhỏ và quá quen thuộc mỗi ngày.

Mình rất thích những kiểu làm tài liệu như thế này. Những cách khai thác góc nhìn và đề tài đi vào phía sau, phần con người, mà rộng hơn là phần cuộc sống thực sự tạo nên nó, chứ không phải ở việc chỉ mô tả một sự vật, hiện tượng, vật dụng. Ví dụ theme là: “Deadliest roads”, dịch nôm na là: “Những con đường chết chóc nhất”. Ngay lập tức người ta sẽ nghĩ rằng chắc hẳn đó là những con đường khấp khểnh xoắn tít, lên thác xuống ghềnh, dốc núi cheo leo, bom đạn chết chóc… nhưng không phải lúc nào cũng hiểu theo chỉ một nghĩa như thế. “Deadliest” ở đây là hành trình vất vả tận cùng của con người trên những chặng đường mưu sinh của họ. “Chặng đường” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Và con đường ấy có khi chỉ là con đường làng quê, một con đường đời thường tấp nập trên phố, nhưng cũng có khi là sông nước cuồn cuộn, dốc núi cheo leo sạt lở… nhưng trên những con đường ấy là những con người đang gồng mình di chuyển để tồn tại, để kiếm được dăm ba đồng cuối ngày trở về nhà. Một chú nông dân quê đạp xe cả chục tiếng mỗi ngày với một cái xe đạp chở vó cá khổng lồ đến giữ thăng bằng còn khó, băng qua cả từ những con đường quê khấp khểnh đến những con đường nhựa, mà có ngày chưa chắc bán được một cái vó nào. Những người ngư dân vượt nước dữ thác đổ trên một cái dây thừng chỉ để bắt được vài con cá, những thanh niên lao động chân tay vào tận rừng sâu chặt vác những bụi tre nặng hàng chục ký trên vai đi bộ hàng km, rồi còn phải ngồi lên những cây tre ấy thả trôi sông đi hàng chục km nữa trên nước, qua hang động nước xiết, vác đi giao cho chiếc xe công nông tự chế, rồi lại phải đi hàng chục km nữa trên những con đường núi sạt lở mới đem được chục thanh tre tới cho xưởng làm đũa. Những bộ đũa ấy có khi vài chục nghìn, những gói tăm có khi vài nghìn… Mỗi người vất vả và tràn đây hiểm nguy như vậy, có khi họ chỉ được dăm ba chục nghìn để tồn tại mỗi ngày… niềm vui của họ giản dị tới mức, có khi chỉ là bắt được một con cá to đủ để “ấm” cho ngày hôm nay.

Những con đường ấy không được mô tả bằng hình ảnh vật lý đơn thuần, nó có bước chân người đi trên đó. Và những bước chân ấy nặng trĩu, công kênh, thậm chí run rẩy. Mình thích những cách kể chuyện của người làm tài liệu như vậy. Ở đây, người làm phim không chỉ là một người quan sát và kể lại, mà họ còn là một người bạn đồng hành, là một người hiểu thực sự những gì đang diễn ra, và chỉ khi hiểu thì kể lại nó mới đem lại được cảm xúc, và những bài học.

Cách mình làm tài liệu cũng hướng theo philosophy như vậy. Người làm phim luôn là một người bạn đồng hành với nhân vật, với câu chuyện, kể cả cái vật mà mình nhắc tới. Và mỗi một vấn đề, luôn phải là cả một “CUỘC SỐNG” ở đằng sau đó. Cuộc sống cũng không có nghĩa cứ là một cuộc sống của chỉ con người, mà của vạn vật, Để làm ra được vậy, là điều không hề dễ dàng, cực kỳ khó là đằng khác. Bởi để làm được thế, điều đầu tiên là phải có tâm (có tâm với cái đề tài của mình), thứ hai là sự nhạy cảm, nhạy cảm để biết quan sát và nắm bắt những gì là “cuộc sống”, là “khoảnh khắc” (chứ không phải cứ giơ cái máy lên mà quay), thậm chí đôi lúc còn phải tạo ra khoảnh khắc. Thứ ba là sự dũng cảm và hết mình, cảm nhận được nhưng có dám làm dám dấn thân hay không? Có chịu khó chịu cực cả tinh thần và thể xác hay không? Cái thứ tư là tư duy cởi mở, chỉ khi cởi mở với cuộc sống mới nhìn được nhiều góc độ, và sẽ biết cách tiếp cận một cách khách quan nhất, sẽ kể lại một cách thuyết phục nhất (chứ phiến diện thì chẳng được lòng người). Biết thông cảm và yêu thương cuộc sống tự nhiên sẽ thấy được bao điều hay ho để mà kể lại… Những điều còn lại như trang bị cho mình kiến thức, kiến thức cuộc sống, kiến thức làm phim, một ekip tốt, sự đầu tư tốt… đó là điều đương nhiên không phải bàn tới! Tới đây thấy làm phim khó ha!

Rất nhiều lý do vì sao những bộ phim quảng cáo, những thước phim quảng cáo du lịch nhìn rất hoành tráng, rất lung linh. Màu sắc kỳ ảo, núi cao biển rộng, quần áo sặc sỡ, những nụ cười được mùa. Nhưng rồi videos nào cũng giống cái nào, nhạt nhẽo vô hồn. Cái đẹp thế nào nhìn tới lần hai lần ba người ta cũng sẽ chán. Mà một cái đẹp bề ngoài không có tâm hồn bên trong thì là thứ chỉ để dành cho “một lần”. Chưa kể, cái đẹp của mình có chắc là cũng đẹp hơn được ai ngoài kia để mà khoe mãi một kiểu như vậy? Cái này điển hình của mấy cái clips du lịch Việt Nam. Nhạt nhẽo, vô hồn, quá coi trọng cái vẻ đẹp bề mặt, người ta không thấy được tính văn hóa và sự đặc sắc thực sự, yếu tố “con người” và “cuộc sống” trong đó!

Còn phim ảnh thì… à mà thôi =)). Nói ra là friendlist mình giảm đi nửa bây giờ bỏ mẹ :D.

Để master được những cách làm phim sâu sắc, cách kể chuyện hấp dẫn và chạm được vào trái tim của khán giả. Đó là câu chuyện sự nghiệp của hàng chục năm, có khi của cả một cuộc đời. Mình cứ phải tập thôi!

Phim tài liệu mà mình đang làm bây giờ, nói về một số nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Nhưng câu chuyện không chỉ là cái nhạc cụ đó nó được làm thế nào, nó được chơi ra sao. Mà nó đến từ đâu, ai tạo ra nó, cuộc sống và cả một nền văn hóa phía sau nhạc cụ ấy thế nào? Một quả bầu làm ra cây đàn. Nhưng quả bầu ấy, là bao sự vất vả mồ hôi của người nông dân, là những món ăn dân dã của bà và mẹ, là những câu nói chân chất mộc mạc mà chỉ một câu nói thôi đã thấy cả một trời quê và tuổi thơ của ai đó ùa về! Phim mình, mình không làm để cho tất cả mọi người. Mình chỉ làm cho đúng đối tượng của nó: là những con người giống mình, yêu thích những thứ giống mình, yêu di sản, văn hóa, yêu những điều sâu hơn của một vẻ bề mặt, và đương nhiên đủ kiên nhẫn để đọc hết cả cái bài tâm sự này :D.

Giờ lại quay lại với những quả bầu cây tre và những người nông dân đáng yêu trên bàn dựng đây!

(Các bạn có thể lên Youtube để xem những phim tài liệu như thế này. Nó free đấy! Nên xem, để hiểu hơn cuộc sống này!)

#502: Ancient Apocalypse -Rồi nền văn minh nào cũng bị hủy diệt thôi

Ai đam mê khoa học, đặc biệt về lĩnh vực thiên văn học, vũ trụ và lịch sử văn minh trái đất thì chắc không thể bỏ qua bộ Ancient Apocalypse của Graham Hancock. Một người không phải là nhà khoa học, nhà khảo cổ học, thậm chí không phải là một nhà làm phim, mà là một nhà báo.

Nhưng lịch sử và khoa học điều thú vị là nó luôn gây tranh cãi, đơn giản bởi vì có những thứ chỉ là suy luận và không ai chắc chắn được sự thật. Và khoa học cũng theo giả thuyết và trường phái, có những điều chúng ta được dạy gần như tưởng là chân lý hoặc facts rồi mà có khi.. chưa chắc là đúng. Hankock là một người mà phe các nhà khoa học và khảo cổ học chính thống cực kỳ ghét và muốn tiêu diệt. Bởi vì ông đã và đang đặt ra rất nhiều sự nghi hoặc cho những giả thuyết về lịch sử văn minh nhân loại mà đã từ trước tới giờ đã được cho rằng là kiến thức phổ biến và đương nhiên.

Trong phim, Hancock đi qua từng nền văn minh và các di tích, từ Gunung Padang của Indonesia đến Derinkuyu, Göbekli Tepe của Thổ Nhĩ Kỳ, đến Cholula của Mexico. Đi qua các nền văn minh của Maya, Aztect, Alantis. Cách đặt vấn đề đối đầu lại với các nhà khoa học và khảo cổ học không phải là đưa ra những kiến thức khác chống lại những thông tin đã công bố, mà ở cách mà mình cho rằng trí tuệ và thuyết phục hơn nhiều. Đó là đặt ra các câu hỏi! Và đó cũng là cách làm việc của một nhà báo. Cách đặt ra câu hỏi đem lại hai hiệu quả: Thứ nhất, việc dùng câu hỏi sẽ khiến người ta sẽ phải suy nghĩ và đi tìm luận điểm, chứng cớ để trả lời, và tự đặt ra nghi ngờ về tính xác thực và logic của vấn đề được nêu. Thứ hai, bản thân Hankock không phải là một chuyên gia về lĩnh vực khảo cổ học, nên việc đặt câu hỏi nó thể hiện đúng bản chất công việc của ông, chứ không người ta sẽ có cớ nói ông: “Ông không đúng chuyên môn sao ông già mồm thế được “:)).

Như tiêu đề của bộ phim: “Ancient Apocalypse”: Sự tận thế cổ đại. Những câu hỏi lớn nhất mà Hankock đặt ra là: Liệu trước nền văn minh mà chúng ta cho rằng chúng ta đang ở đỉnh cao nhất như bây giờ, trước đó có những nền văn minh nào đỉnh cao còn thậm chí hơn thế này gấp nhiều lần hay không? Phải chăng vì trái đất đã qua vài lần reset và tự nó xóa sổ nhiều nền văn minh đỉnh cao trước hay không? Phải chăng trận Đại hồng thủy xảy ra vào 12800 năm trước là do Sao chổi đâm vào trái đất?

Khoa học hiện đại vẫn cho rằng, nền văn minh hiện đại của con người bắt nguồn từ hơn 6000 năm trước và đã phát triển đến đỉnh cao bây giờ. Loài người cũng mới chỉ xuất hiện từ 2 triệu năm trước. Tuy nhiên Hancock đặt ra rất nhiều câu hỏi về tính xác thực của những dấu mốc này. Và mình thì mình… về phe của Hancock.

Nếu theo kiến thức hiện đại thì trái đất coi như là đã vài tỉ năm tuổi đi. Điều kiện thời tiết và địa lý chắc chắn đã thay đổi thậm chí lộn tùng phèo trong hàng tỉ năm đó. Đồ để lâu chỉ vài tháng vài năm hay chôn dưới đất đã mục nát thậm chí thành cát và bụi nữa là hàng tỉ năm. Trái đất cũng là một cơ thể sống, giống như một cơ thể sinh vật. Nó sẽ có hệ thống miễn dịch, hệ thống đấu tranh sinh tồn, các mạch máu cơ bản để nuôi dưỡng cơ thể, và đương nhiên nó cũng sẽ có virus tấn công. Khi cơ thể quá nhiều bệnh tật, hay gặp phải sự đe dọa từ bên ngoài, mọi thứ sẽ tự động reset. Tất cả lại từ đầu, có khi nào đó luôn là cách vận hành của vũ trụ? Nền văn minh của con người hiện đại bây giờ có khi chỉ là một “căn bệnh” mà không chóng thì chầy hệ miễn dịch của trái đất cũng sẽ tự tiêu diệt? Một nền văn minh 6000 tuổi so với một trái đất hàng tỉ năm tuổi làm sao tự cho mình là đỉnh cao nhất hay là duy nhất được?

Trong phim có rất nhiều đoạn thú vị nói về các giả thuyết về các tàn dư còn lại của các nền văn minh cũ mà tới giờ khoa học vẫn chưa giải thích được. Chẳng hạn với công trình kỳ lạ ở Gunung Padang, được cho là vào thời kỳ đồ đá mà người tiền sử còn mới biết dùng đá để làm công cụ đẽo gọt. Nhưng lúc này ở một nền văn minh ở phần khác của trái đất, có thể đã có những công trình kim tự tháp vĩ đại khác rải rác mà khó lòng nào nếu chỉ biết tới đẽo gọt bằng đá lại có thể làm ra được. Hancock đặt ra giả thuyết rằng có khả năng lúc này vừa có người chỉ biết lao động đồ đá, vừa có những con người rất cấp tiến và uyên bác chung sống, chứ chưa chắc tìm thấy đồ đá thì có nghĩa rằng con người lúc đó chỉ có người kém phát triển. Ngay như thời hiện đại của chúng ta bây giờ, vẫn có những con người vẫn sống như thời kỳ nguyên thủy, sống chung trên trái đất với những con người với khoa học công nghệ quá cấp tiến. Mình cũng thích câu hỏi về việc, khi phát hiện ra một nền văn minh và cho rằng nó đã có từ cách đây x nghìn năm. Nhưng mà mọi người quên mất một điều cơ bản rằng để phát triển được tới công nghệ và nền văn hóa đó, đó có lẽ là câu chuyện của vài ngàn năm trước đó.Trong cái phim tài liệu mình làm, một cái nhạc cụ đơn sơ, mà có khi phải qua hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm mới hoàn thiện được như giờ nữa là cả một nền văn hóa, mà còn không ai biết được nền văn hóa ấy bao lâu mới hình thành được tới mốc đó.

Hancock cũng đặt nhiều giả thuyết về người khổng lồ, hình tượng con rắn và thuyết Đại hồng thủy bị gây ra bởi Sao chổi.

Cách đây hàng triệu năm tất cả các loài vật đều khổng lồ. Những công trình vĩ đại như các Kim tự tháp, những phiến đá khổng lồ được đặt chồng lên nhau thật khó lòng mà có thể làm bởi những con người nhỏ bé, đến bây giờ có máy móc cần cẩu làm còn khó và cũng không bắt chước theo những quy tắc không thể hiểu được. Trong rất nhiều truyền thuyết, từ của người Maya đến thuyết cổ của người Trung Hoa đều nói về những con người khổng lồ, họ cũng nói về cả trận Đại hồng thủy. Những giai thoại này tưởng chỉ là truyền thuyết, nhưng sự thật những gì chúng kể lại có mặt trong tất cả mọi nền văn minh (kể cả tưởng như cách nhau rất xa và không dây tơ rễ má gì với nhau), và những sự giải thích trong đó lại rất khớp và hợp lý với những công trình này. Điều duy nhất người ta không chấp nhận là vì nó… khó tin mà thôi. Chúng ta cho rằng không thể có người khổng lồ, nhưng mà… có chắc khi tất cả đống băng ở Nam Cực và Bắc Cực tan ra, chúng ta sẽ không nhìn thấy những điều tưởng như không thể có hay không? Cơ mà Nam Cực hay Bắc Cực mà tan ra thì nền văn minh này cũng tan lâu rồi!

Mình hoàn toàn thấy những câu hỏi và giả thuyết của Hancock thuyết phục và có tính logic cao. Nhớ khi đọc về việc khi băng đang tan ra ngày một nhiều, người ta bất ngờ tìm thấy rất nhiều xương động vật từ thời tiền sử, trong đó thậm chí còn nguyên xác của cả một con vật khổng lồ ví dụ như con ma mút. Mà băng càng tan thì phát hiện ra càng nhiều động vật kỳ lạ. Rõ ràng khi động vật còn nguyên xác như vậy, nó thể hiện một điều là: Những động vật này đã bị đóng băng bất ngờ, và ngay lập tức, nên xác vẫn con tươi và nguyên con như vậy. Graham có một giả thuyết rằng trận đại hồng thủy phá hủy trái đất vào 12800 năm trước bị gây ra bởi Sao chổi. Các nhà khoa học sẽ nói rằng, nếu là tại Sao chổi thì dấu tích va xuống nằm ở đâu? Graham sẽ đi tới những tàn tích mà địa hình để lại tưởng như con người làm nhưng lại giống tàn tích do sóng nước gây ra thì đúng hơn. Ông cho rằng sao chổi không phải là một cái, mà là cả cơn mưa sao chổi. Và sao chổi có thể rơi xuống đại dương nơi chỉ có nước, sóng nước dâng cao, rung chuyển trái đất, tràn vào cuốn đi bề mặt trái đất, núi lửa phun trào bụi phủ kín bầu trời khiến cả trái đất lạnh giá chỉ trong một đêm, nước tới đâu sẽ đóng băng tới đó, nhiều loài vật chưa kịp tháo chạy. Và chỗ nào đóng băng mãi mãi thì nó sẽ mãi mãi như Nam và Bắc cực. Phần còn lại, theo thời gian lại bồi đắp hay bằng phẳng, tan đi và thậm chí không để lại tàn tích gì.

Giả thuyết về sao chổi là do Graham đặt ra từ những địa danh ông đi qua, khi hình tượng một con rắn khổng lồ có mặt trong rất nhiều tàn tích của các công trình cổ đại. Thậm chí tại Ohio, có nguyên một vùng bảo tồn với một công trình được cho là hình tượng một con rắn khổng lồ (Serpent Mound). Ông cho rằng hình tượng con rắn trong các tàn tích mà người xưa để lại khả năng là nói về Sao chổi, luôn gây ra sự sợ hãi và lo lắng, nhưng lại khiến họ phải tôn thờ.

Không chỉ đặt ra những câu hỏi đấu chọi lại những kiến thức chính thống. Hancock đặt ra câu hỏi cho tất cả con người hiện đại chúng ta. Tất cả những nền văn minh bị biến mất, như là Atlantis, đều mang theo những truyền thuyết về việc con người muốn đi ngược lại tự nhiên, sự vận hành của vũ trụ, cho rằng con người là trung tâm của tất cả. Và mọi sự đi ngược lại tự nhiên ấy sẽ đều bị trừng phạt. Trước nền văn minh của chúng ta, đã có rất nhiều nền văn minh vô cùng cấp tiến khác, nhưng khi tới một điểm nào đó, nó sẽ bị reset lại. Và bản thân chúng ta bây giờ cũng đã nhìn thấy trước được tất cả điều này, sự tàn phá tự nhiên, môi trường, thống lĩnh và lạm dụng trái đất, muốn chinh phục cả vũ trụ và ngàn sao, sự kiêu ngạo này chắc chắn phải trả giá. Có thể mỗi một chu trình văn minh sẽ luôn bị tiêu diệt, nhưng các sinh vật trong nền văn minh ấy có thể đẩy nhanh được quá trình này lên, như nền văn minh của chúng ta bây giờ.

Chúng ta nên hiểu rằng vạn vật trong vũ trụ này đều có mối quan hệ tương quan với nhau, dù 1 sinh vật nhỏ bé nhất nhất nhất cũng có mối quan hệ tới những gì to lớn nhất của vũ trụ. Mọi nguồn năng lượng đều chuyển hóa từ loại này sang loại khác chứ không có mất đi. Chúng ta không thể sống mà chỉ cho mình và cho rằng những gì mình làm không làm ảnh hưởng tới những điều xung quanh. Nếu chưa hiểu thì nên tìm hiểu về “hiệu ứng cánh bướm”, một cái phấn bay trên cánh bướm có thể làm cho một con thú hoang dã hắt xì, và nó có thể làm cho hàng trăm hàng ngàn con khác giật mình và bỏ chạy, kéo theo sự hỗn loạn của cả một khu rừng và… so on…! Vậy nên mọi thứ chúng ta làm, sẽ đều luôn có hậu quả!

Những di tích còn sót lại của các nền văn minh cũ. Hầu như chúng đều có những điểm chung là những lời cảnh báo. Trái đất dường như luôn bị khởi động lại bởi những sự cố đến từ vũ trụ. Những công trình cổ đại giống như là những công cụ theo dõi sự vận chuyển của hệ mặt trời. Điều này có lẽ đã xảy ra rất nhiều lần nên người xưa đã nhận biết được sự tối quan trọng của việc đi theo sự vận hành của vũ trụ, theo dõi, cảnh báo và chuẩn bị cho sự tận diệt của mình. Những công trình này cũng gửi lại rất nhiều lời cảnh báo cho những nền văn minh tiếp theo nhưng có lẽ đó là quy luật. Các sinh vật vẫn không học được bài học nào.

Trong phim, Hancock dùng rất nhiều những sự khiêu khích với các nhà khoa học và khảo cổ học chính thống. Ông cũng tâm sự về việc mình bị ngăn cản tiếp cận các nguồn thông tin, kiến thức, thậm chí khi tới Serpent Mound, ông bị đuổi thẳng thừng ra ngoài mặc dù đây chỉ là một khu bảo tồn chứ chả phải Lầu năm góc với những thông tin bảo mật khủng khiếp gây hại gì tới quốc gia đại sự. Vì những câu hỏi quá thuyết phục và những thách thức của ông tới nền khoa học và nền khảo cổ học chính thống nên ông bị rất nhiều thế lực thù ghét và tìm cách vùi dập. Báo đài thì xây dựng hình tượng ông như một kẻ vĩ cuồng và lừa đảo, ngăn cấm ông được phát ngôn chính thống. Có thể nhiều bạn nghe điều này sẽ thấy ngạc nhiên, nhưng chắc có người thì lại chẳng ngạc nhiên gì: Nhưng ngay cả kiến thức khoa học, lịch sử, văn hóa cũng bị rất nhiều bưng bít và bè phái, nhiều sự tuyên truyền sai lầm vừa vì sai lầm trong nghiên cứu lẫn trong mục đích dẫn dắt dân trí. Và cả hàng tỉ hàng chục tỉ đô cho những công trình khoa học cũng chưa chắc là để tìm ra kiền thức chuẩn xác, có khi một thông tin được công bố, không ai muốn đảo ngược nó lại cả. Và chúng ta cũng từng nghe về những câu chuyện như Gallieh, khi toàn thế giới cho rằng trái đất bằng phẳng thì mình ông cho rằng nó hình cầu, và thậm chí người ta treo cổ Gallieh vì dám chống lại “kiến thức chung” của nhân loại. Ta cứ nghĩ rằng chuyện của Gallieh là thời cổ đại rồi, nhưng điều này luôn xảy ra với mọi thời đại, với những con người có những suy nghĩ và kiến thức ngược lại với kiến thức chung của nhân loại.

Cho rằng nền văn minh của chúng ta là cấp tiến nhất. Nhưng mà đến ngay việc vì sao Kim tự tháp lại có khắp nơi, quy luật của nó là gì, tại sao nó lại có trong mọi nền văn minh, tại sao nó lại xây dựng được như thế… cũng chưa có giả thuyết nào thuyết phục. Nhưng nếu đặt câu hỏi về tính logic trong các giả thuyết đã công bố thì nhiều nhà khoa học lại cứ lồng lên! Có một cái dở là con người hiện đại hay suy luận theo vốn kiến thức, điều kiện sống và logic của nền văn minh họ đang ở, nhưng biết đâu với mỗi nền văn minh trong quá khứ, nó khác hoàn toàn với văn minh của mình. Và sự “phát triển cao” sẽ là khác nhau trong mỗi nền văn minh. Giờ bảo xây những công trình cổ theo nguyên tắc cổ là đã không xây được rồi, còn chưa hiểu cách xây í chứ!

Và mình thì… theo phe của Hancock. Thực ra những câu chuyện này đã được Hancock đem lên đàm đạo trên kênh podcast của Joe Rogan (ai chưa biết nhân vật này thì nên google nhé, thú vị lắm đó). Joe Rogan cũng là một nhân vật mà bị báo đài chính thống vô cùng căm ghét vì đã luôn mời những nhân vật khách mời với muôn ngàn những vấn đề xã hội vô cùng hóc búa bóc trần cả các xã hội thiếu công bằng, vô lý và đạo đức giả. Những vấn đề Joe đặt ra khiến cho một phần nhân loại phải suy nghĩ lại vì những gì họ được dạy dỗ và hiểu biết bấy lâu nay. Joe Rogan bị ghét đến mức mặc dù đứng nhất nhì trên Youtube về số lượng người theo dõi nhưng cũng bị hành cho đến mức phải bỏ kênh. Ô hay nhưng thế nào vừa hay Sportify nhảy vào với cái hợp đồng 100 triệu đô, Joe bỏ đi không chớp mắt. Youtube vừa mất đi một nguồn thu lớn, vừa chết nhục vì cứ nghĩ mình là ghê gớm lắm!

Đương nhiên không chỉ các nhà khoa học, khảo cổ học, mỗi người sẽ có những niềm tin và trường phái theo ý họ mong muốn. Mình thì cũng chẳng có gì chắc gì đúng hay sai, tất cả là mọi giả thuyết Trường phái của mình là open mind, mọi thứ đều có thể xảy ra, đặc biệt nếu có những yếu tố logic giải thích ở trong đó, mình dùng logic trong vốn hiểu biết của mình để phân tích vấn đề.

Elon Musk bây giờ cũng là một nhân vật rất thú vị mà rất nhiều những kênh chính thống cũng tìm mọi cách chống đối lại. Chỉ riêng một việc như dùng công nghệ xe điện để chống lại sự phụ thuộc vào năng lượng tự nhiên và phổ biến công nghệ này cho toàn thế giới, đó đã đủ cho nhiều người muốn bóp cổ anh nhốt vào trại rồi chứ đừng nói bao ý tưởng khác của anh mà anh mở mồm ra là có người chửi :)), tô vẽ anh như một thằng tâm thần. Nhưng mà mình thì mình theo phái của Gallieh, Joe Rogan, Graham Hancock, Elon Musk và… những người tương tự nhé :)).

Xem phim ngay đi. Bài này mình tâm sự thôi chứ phim thì nhiều thứ hay ho thú vị cực kỳ, và maybe nếu bạn là 1 người open mind, bạn sẽ học được nhiều điều về việc phát triển tư duy, “think outside of the box”.

 

#487: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: 8. FUN FACTS

MỘT VÀI FUN FACTS

#486: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: FUN FACTS

– Ở nhà quê vùng midwest (midwest hay chỉ là “middle of nowhere”, thường là những nơi xa xôi hẻo lánh ở chính giữa nước Mỹ, ít phát triển và thời tiết có lúc khắc nghiệt), Magic từ bé đến lớn chưa từng bao giờ nhìn thấy cây chanh và cam. Khi lần đầu tiên được tới LA, California, nơi đất của chanh và cam. Anh đã ngạc nhiên tột cùng khi thấy… quả chanh trên cây. Anh chạy tới vặt quả chanh với sự tò mò tột cùng, rồi sau đó kể cho hàng xóm láng giềng ba ngày ba đêm liền về chuyện: “Ở đây muốn ăn chanh thì phải chạy ra… hái đấy” =))

– Điều thú vị khiến cho Magic và Larry khác nhau đến cùng cực là mặt Larry thì lầm lì hơn người bình thường còn Magic thì tươi hơn người… bình thường. Magic cười mọi lúc, mọi nơi, vui vẻ và tươi tắn kể cả khi thông báo mình nhiễm HIV. Nhìn Magic là người ta thấy năng lượng tích cực tràn đầy cả không gian. Magic được coi là “one of the most beloved celebrities ever” – Một trong những celeb thân thiện nhất, dễ gần nhất và được mọi người yêu quý nhất! Nhưng đặc biệt là mọi người yêu Magic thì rõ rồi, nhưng mà mặt Larry lầm lì cỡ nào cũng… không ai ghét, thậm chí còn rất yêu mến anh là đằng khác! Họ khác mà lại rất giống nhau!

– Tới nay người ta đồn Magic đã khỏi bệnh. Có lẽ một trong những bí quyết chiến thắng bệnh tật của anh chính là thái độ tích cực và khuôn mặt hay cười ấy!

– Magic bị chứng rối loạn đọc chữ (Dyslexia)

– Larry tuy rất hay “trash talk” trên sân bóng (là hay chửi bới, kích động đối thủ), nhưng mà anh ít khi xúc phạm kiểu vô học, chủ yếu câu cửa miệng của anh luôn là: “Tao là nhất”, “Tao là số một”, “bọn mày đừng hòng thắng được tao…”. Larry thích làm cho đối thủ phát điên để đấu lại anh mà họ… không đấu nổi. Thế nó mới tức á!

– Larry chơi chính vị trí Small forward (chuyên nghi bàn), Magic chơi chính vị trí Point guard (kiểu như đội trưởng)

– Magic có những cú chuyền bóng hay lừa bóng trứ danh và xem hấp dẫn như xem xiếc hay ảo thuật. Anh cũng là người rất chịu khó vì đồng đội, luôn tạo mọi điều kiện chuyền bóng cho đồng đội ghi bàn. Phong cách chơi bóng của Magic hấp dẫn và thú vị đến nỗi bóng rổ đã được biến thành những màn biểu diễn nghệ thuật, chứ không chỉ là thi đấu thể thao. Điều đó làm nên sự hấp dẫn cho bóng rổ hiện tại.

– Trước khi Magic bị tuyên bố nhiễm HIV. Nhiều người vẫn quan niệm HIV/AIDS chỉ xảy ra với người đồng tính. Và phân phát khuyến khích sử dụng Bao cao su là “vẽ đường cho hưu chạy”, “cổ súy tình dục”. Nhưng sau sự kiện của Magic, mọi người đã hiểu rằng bất cứ ai quan hệ tình dục không an toàn đều có thể nhiễm HIV. Việc khuyến khích và phân phát bao cao su giờ đây đã được coi là hình thức bảo vệ và tình dục an toàn.

– Isiah Thomas – một cầu thủ bóng rổ vốn là bạn thân của Magic (thân kiểu thân ai nấy lo, cuộc vui nào, hào quang nào thì Isiah sẽ có mặt). Cũng là một trong những cầu thủ bị ghét nhất nhì NBA, vì tuy rằng anh này chơi rất tốt nhưng lại cực kỳ xấu tính, hay ghen ăn tức ở. Đến nỗi Olympic 1992, Michael Jordan nói rằng có anh thì không có Isiah. Nên đội dream team phải loại bỏ Isiah cho dù đó là một cầu thủ giỏi. Khi Magic gặp nạn với HIV, thì Isiah lại đi buôn chuyện nói xấu sau lưng khiến Magic rất buồn. Sau này, hai người đã có một buổi gặp nhau trên truyền hình để làm lành. Và có lẽ, Magic sẽ là người duy nhất mà Isiah có thể làm lành và tha thứ, vì với độ xấu tính của Isiah, thì chỉ có người tâm hộn rộng mở không hẹp hòi như Magic mới tha thứ được thôi!

 

– Trong lần Magic quay quảng cáo và được Larry mời tới nhà ăn cơm trưa. Lúc Magic vừa bước chân trước cửa nhà thì được mẹ Larry ôm chầm lấy. Magic sung sướng tột độ vì “lần đầu tiên có một người nhà Bird ôm tôi”. Và mẹ Larry thì hớn hở khoe rằng: “Magic, cậu là cầu thủ ưa thích nhất của tôi đấy”. Và hóa ra, cả nhà của Larry đều rất thích Magic!

– Magic và Larry đấu nhau tổng cộng 37 lần trong suốt sự nghiệp NBA của họ. Trong đó có 18 lần trong vòng loại thường và 19 lần trong vòng loại trực tiếp.

– Trước khi NBA lớn mạnh thì còn có ABA (American Basketball Association), hai bên đều có giải riêng của mình và cạnh tranh khán giả. Tuy nhiên, trước những năm 80’s thì có nói trong bài là nền bóng rổ rất bết bát. NBA lúc đầu còn có luật cấm “dunk” để hạn chế lực ghi bàn của các cầu thủ da đen nên các trận đấu rất nhạt nhẽo, trong khi ABA thì luật rất thoải mái nên về sau để cạnh tranh với ABA cho sự hấp dẫn hơn, NBA đành phải bỏ đi cái luật cấm “dunk” vô lý ấy. Tới thời của Magic và Larry, NBA quá lớn mạnh nên ABA đành phải nhập chung với NBA, trở thành NBA ngày nay!

#486: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: PHẦN 7: KẾT

7. KẾT

#486: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: PHẦN 7: KẾT

Sau này, sau vài lần on off với Lakers, lúc thi đấu, lúc làm couch. Cuối cùng Magic cũng chính thức nghỉ hưu thực sự vào năm 1996. Magic là một người rất hướng ngoại và thông minh trong kinh doanh, nên anh đầu tư rất nhiều và các lĩnh vực thể thao, âm nhạc, hàng merchandise. Bất chấp là người “nhiễm HIV” nổi tiếng nhất, anh vẫn trở nên vô cùng giàu có và làm đại sứ tuyên truyền tích cực cho những người đang nhiễm HIV. Magic có thể coi là một nguồn cảm hứng và động lực tuyệt vời mang đến sự tích cực và hy vọng cho những ai dính phải căn bệnh thế kỷ này. Tới nay, người ta đồn rằng Magic có thể đã coi như là khỏi bệnh!

Còn với Larry, chấn thương dai dẳng khiến anh cũng không thể nào giữ mãi được phong độ. Việc mất đi một đối thủ truyền kỳ cũng khiến Larry thay đổi nhiều vào những năm đầu 90’s. Cuối cùng, chỉ đến năm 1993, Larry cũng tuyên bố giải nghệ!

Larry không phải là người hướng ngoại và giàu đầu óc kinh doanh như Magic. Anh an phận với những gì mình có và vẫn muốn đóng góp cho bóng rổ bằng những công việc liên quan đến bóng rổ. Nhưng cũng giống như Magic, Larry luôn “pay it forward” với những người cần giúp đỡ, cần truyền cảm hứng và trả ơn quê nhà, nơi đã nuôi dưỡng anh lớn lên. Magic giờ đã là tỉ phú đô la, trong khi Larry có số tài sản kém gấp cả chục lần.

Họ chẳng mấy khi gặp nhau hay nói chuyện thường xuyên. Nhưng không ai mà không biết họ thương nhau và quý mến nhau như thế nào, và chắc chắn nếu một trong hai người có cần gì, bên kia chưa bao giờ từ chối. ““He’s very private but when he’s your friend. You’ve got a friend for life”. “Anh ấy rất kín đáo nhưng khi anh ấy đã là bạn của bạn. Thì bạn sẽ có một người bạn cho suốt cả cuộc đời”. Magic đã nói vậy về Larry.

Điều người ta đáng khâm phục là, hai đứa trẻ nghèo cùng xuất phát từ vùng quê midwest quê mùa. Cùng lớn lên trong khó khăn và đi qua những đỉnh cao vinh quang nhất của một đời người, nhưng họ không hề thay đổi con người của mình. Vẫn là cậu bé Earvin lúc nào cũng thân thiện tươi rói với nụ cười đến tận mang tai, vẫn là cậu bé Larry mặt mũi lầm lì ít nói nhưng rất khiêm tốn và tốt bụng. Họ không thay đổi bản thân, và họ cũng không cố thay đổi lẫn nhau. ““And we never try to change each other, that’s what it makes this relationship great”.

Lại trở lại câu chuyện ban đầu khi năm 1979, Magic thắng mà vẫn ấm ức: “Tôi giành chức vô địch nhưng tôi muốn có danh “Rookie of the year”. Còn Larry được giải thưởng cao quý mà lại vẫn buồn: “Tôi có danh Rookie of the Year nhưng tôi muốn giành chức vô địch”.

Hai con người với hai màu da, tính cách khác nhau tột độ như vậy, luôn tranh giành nhau để chiến thắng nhau trên mọi nẻo đường, mà hóa ra, họ lại vẫn luôn ước mơ được chính là nhau.

“Larry là một người rất thẳng thắn, anh ấy sẽ thể hiện ngay nếu anh ấy không thích bạn. Ước gì tôi có được cái tính cách đấy”. Magic mơ ước!
“Mỗi khi Magic bước chân vào một căn phòng, anh ấy làm cả căn phòng bừng sáng lên. Tôi muốn mình làm được như thế”. Larry mơ ước!

Có lẽ bất cứ một cầu thủ thể thao nào cũng ước mơ có được một đối thủ kì phùng địch thủ như vậy trong sự nghiệp của mình. Vì có lúc tranh đấu để giành tấm huy chương có khi chỉ là để được thắng đối thủ, thậm chí đối thủ đó là động lực để sống, để phấn đấu, để thi đấu cho suốt sự nghiệp của mình, và cũng nhờ thế mà họ làm được những điều phi thường. Và đó là câu chuyện của Larry Bird và Magic Johnson.