Posts tagged feelings

#575: “Fast car”: Lái xe đi hay ở lại và sẽ chết mòn thế này?

“Fast car” của Tracy Chapman là một trong những bài hát mình thích nhất khi nghe on road. Sẽ thú vị thế này: Khi ngày hôm qua mình viết bài review về một bộ phim tài liệu về một chàng trai Nepal sinh ra ở trên những nơi tận cùng của thế giới, nơi để đưa cậu và các em tới được thành phố, bố cậu đã phải mất một tháng vác chúng trên giỏ và gánh băng qua những dãy núi trùng điệp. Hành trình ấy hoàn toàn bằng đôi chân với một vài chú lừa. Một tháng để đưa con tới thành phố chữa bệnh và cho con được một chút giáo dục. Bố mẹ cậu yêu thương cậu vô ngàn nhưng khát khao được thoát khỏi hoàn cảnh để được khám phá bản thân, đi ra thế giới của cậu nó lớn lao như những đại ngàn nơi bố mẹ và ngôi nhà của cậu chỉ bé lọt thỏm ở giữa.

“Fast car” của Tracy Chapman có khát khao tương tự, đó là được thoát khỏi gia đình, thoát khỏi hiện trạng ngột ngạt của hiện tại, bước ra một vùng đất mới, với những ước mơ rất đơn giản như là chỉ cần “một công việc”, một sự tự do là mình để hiểu được ý nghĩa của việc “được sống”. Nhưng những ước mơ ấy lại ngập tràn những sự bế tắc.

Bài hát là một điển hình của những số phận của những người Mỹ nghèo (cụ thể ở đây là hoàn cảnh của một gia đình người da đen). Họ bị luẩn quẩn trong những cơn nghiện rượu, ma túy, thuốc giảm đau, sự phân biệt chủng tộc và tầng lớp xã hội. Những vùng quê nghèo ở bất cứ nơi đâu dù là nước Mỹ giàu nhất thế giới hay nơi tận cùng của dãy núi Himalayas cũng đều giống nhau ở sự đói nghèo, bế tắc và những ước mơ dữ dội của những đứa trẻ muốn được sống một cuộc sống đủ đầy mà chúng mơ ước. Đủ đầy không chỉ là chuyện vật chất, nó còn là kiến thức, sự tự do và có khi đơn giản chỉ là được thấy ánh đèn của thành phố.

Cậu trai Nepal trong “The only son” muốn được làm rất nhiều điều thật lớn và đi hẳn tới những quốc gia, vùng miền khác. Con đường đi từ nhà cậu ra được thành phố, tới sân bay là núi non thung lũng trập trùng. Nhưng qua được những dãy núi ấy, cậu biết đâu sẽ làm một người nổi tiếng và có một vài tác phẩm để đời. Còn “Fast car” của Tracy chỉ đơn giản là muốn vượt qua được biên giới bang để tới một thành phố khác, chẳng cần phải đi quá xa. Đường đi của cô gái trong Fast car lại quá đơn giản và bằng phẳng, cần một cái xe ô tô “đủ nhanh” là sẽ thoát khỏi được hiện tại. Chiếc ô tô ấy chỉ cần là một chiếc xe cũ thôi, nhưng nó chở bao nhiêu là ước mơ về sự giải thoát, được yêu và được sống như “một người bình thường”. Con đường đi theo đúng nghĩa đen của Tracy bằng phẳng và đơn giản hơn rất nhiều con đường đi của chàng trai Nepal. Nhân vật của Tracy cũng sống ở đất nước giàu có nhất thế giới, còn chàng trai thì lại ở một trong những nơi nghèo nhất thế giới. Cả hai rất giống mà khác nhau. Một con đường bằng phẳng, một con đường là chỉ có dốc cao vực sâu nhưng hai con đường ấy đều khó đi như nhau. Giấc mơ của chàng trai là thành một người đi ra thế giới và muốn làm điều gì đó lớn lao nhưng giấc mơ của Tracy chỉ cần được “làm 1 người bình thường với 1 công việc tử tế”. Nếu bố mẹ của cậu chàng yêu thương chàng hết mình nhưng vẫn sống trong sự cổ hủ và đói nghèo truyền thống thì người bố của Tracy lại là một ông nghiện rượu, mẹ thì bỏ đi. Hai bố mẹ hoàn toàn khác nhau nhưng chúng đều đau khổ vì không thể bỏ được họ để ra đi, nhưng nếu ở lại chúng cũng sẽ chết dần chét mòn. Cả hai đều muốn thoát khỏi gia đình, đều muốn được sống là mình và những khát vọng của họ đều mãnh liệt như nhau, những nỗi đau khổ cũng giống y nhau.

Điều thú vị được thể hiện rõ nhất ở bộ phim và bài hát đó là cách kể chuyện về cùng một vấn đề trong những hoàn cảnh khác nhau về địa lý (dù cách kể chuyện bằng hình thức khác nhau), và cho thấy cùng một vấn đề nhưng trong những nền văn hóa khác nhau chúng vẫn giống nhau tới lạ kỳ, những quy luật cuộc sống và khát khao cơ bản của mỗi người lúc nào cũng vẫn luôn là thế. Những bài hát, những cuốn phim này đều là những câu chuyện cuộc sống thật nhẹ nhàng, mà ý nghĩa, với mình thì chúng là “food for mind”.

Mình rất mê những nghệ sĩ như Tracy Chapman. Đây là những con người mà âm nhạc và tư duy kể chuyện bằng âm nhạc đã có từ trong máu từ khi họ sinh ra. Những tác phẩm của họ đều chính là những câu chuyện và trải nghiệm sống của chính họ. Chúng vô cùng sâu sắc, nhiều triết lý cuộc sống được ẩn giấu trong những câu chữ rất nhẹ nhàng và những câu chuyện rất đời. Một câu hát tiếng đàn họ cất lên đều tự nhiên như hơi thở. Những nghệ sĩ như Tracy Chapman, Jewel, Bob Seger (và nhiều nhiều lắm) đều có những xuất thân cực nghèo khó và đến từ những nơi ngập tràn rượu và ma túy. Nhưng tài năng thì một khi đã trổ thì vượt lên cấp toàn thế giới, họ thậm chí có khi một ngày còn chẳng được đi học một nốt nhạc. Âm nhạc cũng toàn những câu chuyện và tâm tư cuộc sống rất đời thường, chẳng cần phải trưng trổ bất cứ kỹ thuật gì cao siêu, vì chỉ cần họ cất tiếng là không có ai có thể bắt chước được họ và vẫn đến được với sự đồng cảm với bất cứ khán thính giả nào trên trái đất này. Mà cái này, chỉ có thể là sinh ra có từ trong máu, và số phận được ông trời ban tặng. 8 tuổi Tracy đã biết sáng tác rồi cho dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Số đã nổi tiếng, đã tài giỏi thì con đường dù khó khăn đến mấy như những dãy núi Himalayas hay chỉ có một chiếc ô tô quá cũ nhưng sẽ vẫn “đủ nhanh” để vượt lên highways đi ra thế giới.

À mà nếu để ý thì mấy nghệ sĩ này hầu như chả có cái scandals gì, họ sống vững chắc trong lòng người hâm mộ dù năm tháng có qua đi bao nhiêu lâu!

A Tracy Chapman fan! Love you, Tracy!

#writingformyself

#565: Hollywood – đại lộ của những giấc mơ tan vỡ

Hollywood – đại lộ của những giấc mơ tan vỡ

Mới khi nào đó là mảnh đất mơ ước, là chân lý của bao nhiêu thế hệ những người làm phim. Thậm chí ngay khi mình đi học về phim những năm trước chưa xa, việc làm phim để tới được Hollywood là sự cao nhất của sự nghiệp vẫn là cái đích lớn nhất.

Thế mà nhanh quá, chỉ tới bây giờ đó dần không còn là chân lý nữa, người ta có thể làm phim ở bất kỳ nơi nào, ở bất kỳ đâu, cứ được tiếng vang và có khán giả mà không cần phải gắn mác là từ Hollywood nữa. Bản thân những người làm phim ở đất Hollywood cũng đi tìm những mảnh đất mới và chuyển ra khỏi vùng đất cạnh tranh khốc liệt và đầy đắt đỏ này. Những giải thưởng cực kỳ danh giá của các liên quan phim lớn, thậm chí là Oscar, cũng ngày càng đi xuống chất lượng về các tiêu chí, khi nó dần bị chi phối bởi những yếu tố của thời đại mới, như là political correct, giới tính, chủng tộc, tôn giáo… đôi khi giờ như là một miếng bánh cần được chia đều cho hòa cả làng.

Điều đó cũng hơi buồn, tuy rằng làm phim ngày càng dễ dàng hơn nhưng cũng đồng nghĩa với việc chất lượng phim cũng ngày càng dễ dãi hơn. Công nghệ can thiệp quá nhiều vào phần làm phim và nội dung. Chắc chờ một sự kỳ công và thâm thúy kiểu Forest Gump không biết tới khi nào nữa nhỉ?. Hollywood giờ không còn là điểm đến duy nhất khiến ai cũng muốn và người ta trầm trồ nữa, nhưng thế lại cũng chán, cảm thấy bớt đi một cái đích lớn để phấn đấu ahihi!

Có một điều đặc biệt khi tới LA – thủ phủ của Hollywood, đó là ai đến đây cũng mang theo những ước mơ rất lớn – ước mơ trở thành một ngôi sao thế giới, ước mơ trở thành một người thật giàu có chỉ sau một đêm. Ước mơ thì rất nhiều, ngôi sao lớn thì không thể nhiều nên đã có không biết bao nhiêu giấc mơ vụn vỡ, không biết bao nhiêu lời hứa hẹn chỉ là cạm bẫy, không biết bao nhiêu cuộc đời bị lụi tàn. Cư dân nơi đây cũng đặc biệt hơn rất nhiều nơi khác.
Mặt bằng chung những mối quan hệ chân thành, lâu dài ít hơn nhiều những vùng đất khác, vì mảnh đất này phần lớn là để cho người mới đến rồi lại ra đi.

Nhưng nó cũng có nhiều điều đáng sống hơn nhiều chỗ khác, đó cũng là nơi làm động lực cho rất nhiều sự quyết tâm, ý chí, tham vọng, quyết tâm được khẳng định mình hay được một lần chạm tới một giấc mơ mà ở nơi khác, có khi họ không bao giờ có cơ hội!
Hollywood – mảnh đất của những điều xa hoa, nổi tiếng, phù phiếm, nhưng cũng là mảnh đất của tội phạm, lừa lọc. Là nơi để đạt được giấc mơ xa vời nhưng cũng là nơi vùi dập ước mơ, là nơi có thể đưa con người lên tận đỉnh cao danh vọng nhưng cũng là nơi chôn vùi một kiếp sống xuống bùn đen. Là nơi của những người giàu có nhất nhì thế giới nhưng cũng là nơi nổi tiếng với những con phố dài của người vô gia cư bần cùng của xã hội.

Và tất cả những con người này, có lúc đều từng ngồi chung một cái ghế đá ở một cái công viên nào đó trên Đại lộ của Những Giấc Mơ Tan Vỡ, vào một buổi trưa hè…

#takemyhandgowithme

#493: Chúng ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có 1 một nơi để trở về

Nói chung, tớ thích đi lang thang, trải nghiệm, vấp ngã, không bon chen nhưng vẫn phải đi qua nắng gắt mưa rơi, đôi lúc chỉ là để được về nhà và cảm thấy bình yên. Vì chỉ khi về nhà, thì tất cả những mưa giông bão nổi sẽ dừng lại bên ngoài cánh cửa. Bình yên của tớ là được nằm trên cái giường của chính mình, thậm chí giữa ngày hè cũng không bật quạt. Cho dù có đi khắp nơi trên thế gian này, tớ vẫn thích cái nóng hè hầm hập của căn nhà mình, vì tớ đã sống và quen với nó từ lúc tớ sinh ra. Bình yên của tớ là được nghe bố mẹ “chí chóe” nhau, cà ràm qua lại dù chỉ là một sự việc nhỏ tí xíu, mà dù mấy chục năm của cuộc đời bên nhau rồi họ vẫn không có gì thay đổi. Bình yên của tớ là được ngắm lá non xanh khi nắng sớm chiếu đung đưa trước cửa sổ, và rồi một ngày được ngửi hoa bưởi thơm lừng nở trắng bay khắp căn phòng nhỏ. Bình yên của tớ là được thấy em chó nuôi cả chục năm vẫn là cún, lười tới mức đi cũng phải tựa một cái chân vào tường và mẹ sẽ thét lên: “Trời ơi sao tôi nuôi người đã lười rồi giờ chó cũng vậy là sao?”.Bình yên của tớ là được ngủ nướng đến tận trưa và lách cách nghe tiếng Bà đang ở bếp, và để biết rằng mình vẫn còn là một đứa cháu có Bà trên thế gian này, như thể những tháng năm tuổi thơ vẫn chưa bao giờ xa. Bình yên của tớ là ngắm những ráng chiều vàng rực, thấy bóng những đứa em bé cứ lớn dần lên mỗi khi trở về, và được nhìn thấy chúng nhảy múa trong ánh mặt trời…
Tớ có thể ngồi cả ngày, tớ có thể nằm cả ngày…chỉ để ngắm và lắng nghe những điều bình yên như thế. Và khi năng lượng nạp đủ, tớ lại ra đi tiêu cho hết, còn kiếm cớ mà trở về…
#493: Chúng ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có 1 một nơi để trở về

#492: September 11th

September 11th
May be an image of 2 people, people sitting, people standing and outdoors
 
World Trade Center (WTC), là một trong những nơi gắn bó với một tuổi thơ cúp cua của tớ. Lý do là vì nó ở tận sâu cùng downtown, nơi đi qua Chợ Tàu, tới South Ferry để đi ra Tượng Thần Tự Do. Và ở đó có một cây táo dại mà tớ nhớ là nó ngon dã man tàn bạo mặc dù với người khác thì chua loét. Mỗi lần vào mùa táo là thỉnh thoảng lại cúp học nhảy lên xe bus đi về phía South Ferry để được ăn táo. Lúc đó nhớ là lúc nào cũng kè kè một chai nước hoa nhỏ xíu rất là thơm. Xuống ăn táo thường đã vào thu, trời bắt đầu trở lạnh, cứ mở chai nước hoa ngồi dưới gốc táo ngửi và gặm táo, nó khoan khoái bình yên biết làm sao… có những ký ức nó dễ chịu kinh khủng như vậy đó. Xong rồi về sau mất chai nước hoa, khóc lên khóc xuống, đổ cho mẹ vứt của con đi, buồn suốt một thời gian dài. Rồi năm sau quay lại cây táo, bỗng thấy chai nước hoa rớt dưới bãi cỏ, không thể tin nổi vào mắt mình, nó đã ở đó đúng một năm, đi đủ qua 4 mùa, chắc chắn đã đông cứng trong mùa đông lạnh giá. Tới tận bây giờ nghĩ lại, vẫn nhớ như in niềm vui ấy, niềm vui đúng như thể vừa được chứng kiến một phép màu vậy.
 
Và đương nhiên lúc nào đi tới South Ferry cũng đi qua WTC. Nhớ khi lần đầu tiên tới nước Mỹ và ra khỏi sân bay. Hai tòa nhà chọc trời ấy ấn tượng đến mức cho dù đi bất cứ góc nào của cả một thành phố rộng lớn cũng vẫn nhìn thấy hai tòa nhà sừng sững. Đi đâu xa trở về lại NYC, bắt đầu thấy hai tòa nhà hiện ra là biết đang sắp trở về nhà. Nếu có điều gì để miêu tả cho một biểu tượng của một thành phố một cách hữu hình nhất mà không phải cần nhiều lời giải thích, có lẽ chinh là hình ảnh của hai tòa nhà WTC của New York City.
 
Nhớ hồi đó thích thì vào bên trong thậm chí đi thang máy lên tầng thứ mấy chục cũng không bị hỏi han về an ninh. Nhất lại là một đứa trẻ con châu Á lơ la lơ ngơ như vậy, nên mình rất hay thích đi khám phá. Hồi đó mọi thứ thật dễ dàng và bình yên biết bao nhiêu. Đi xe bus không bao giờ phải lo tiền vé và đi giờ nào cũng được, đi tới bất kỳ đâu. Vào bất cứ đâu cũng không lo về an ninh, kiểm soát, và cả bị phân biệt chủng tộc. Nên có thể nói, tớ có một tuổi thơ cực kỳ êm đềm và nhiều thú vị tại nước Mỹ. Hồi đó giáo dục lại rất tốt, mùa hè còn được đi học hè, đi xem phim, đi dã ngoại… mọi thứ đều miễn phí. Những bài học về sự nhân văn của con người là thực chất, những bài học đầu tiên về không vứt rác ra đường, đứng phải xếp hàng, mượn phải trả đồ… được dạy một cách bài bản và trở thành tiềm thức. Cứ thế mà lớn lên như vậy. Không có những ngày tháng được đi học như thế, chưa chắc tớ đã được trở thành một con người như ngày hôm nay.
 
Chẳng bao giờ ở cuộc đời có thể nghĩ rằng hai tòa nhà siêu to khổng lồ vững chắc và sang trọng đỉnh cao như vậy lại có một kết cục thê thảm tới như thế. Lúc đó nếu biết được vậy chắc sẽ chụp bao nhiêu ảnh ở đây, khám phá nó nhiều hơn nữa… bởi vì giờ tìm lại hóa ra không có một tấm ảnh nào chụp chung với tòa nhà. Chắc tấm ảnh dưới đây là tấm ảnh duy nhất mẹ chụp cho lúc được lên trên đỉnh để thăm quan (cũng chưa phải là tầng cao nhất thì phải). Nhiều khi có những thứ nhìn thấy nó như một thói quen nên nghĩ chẳng cần phải lưu giữ lại làm gì. Nghĩ tới giờ vẫn thấy tiếc nuối vô cùng.
 
Nhớ cái ngày tòa nhà sập xuống là mình đã về lại VN một thời gian. Cả gia đình lại sắp sang trở lại. Khi hình ảnh trực tiếp từ CNN chiếu cảnh chiếc máy bay lao vào tòa nhà, mình vẫn nghĩ rằng nó chắc chỉ bị thủng một chỗ thôi nhỉ, rồi cùng lắm thì hỏng vài tầng, người ta sẽ xây lại. Đến tận khi chiếc máy bay thứ hai lao vào tòa nhà, mình vẫn nghĩ rồi sẽ ổn thôi nhỉ, không đến nỗi đâu nhỉ… Nhưng nhớ rằng lúc đấy thần kinh căng thẳng cực độ, người run lẩy bẩy, một hồi nước mắt rơi lã chã. Cảm giác giờ nghĩ lại vẫn thấy xót xa và tiếc nuối kinh khủng khiếp. Lúc đó cũng chưa thể hiểu hết cảm xúc đó là gì? Đó là một phần tuổi thơ tươi đẹp của mình đã không còn nữa, một kỳ quan của con người tạo ra vừa bị phá hủy, những cái chết khủng khiếp vô cùng ám ảnh. Speechless – có lẽ đó là thứ duy nhất miêu tả lại tình trạng lúc đó.
 
Và thật không ngờ, sự kiện ấy đã khiến nước Mỹ thay đổi kinh khủng tới như vậy. Và cả thế giới cũng đã thay đổi. Chắc hẳn những ai đã từng ở nước Mỹ, đặc biệt từng ở NYC trước ngày 9/11, đã từng ở và làm việc, học tập ở đây mới có thể cảm nhận rõ rệt được sự thay đổi kinh hoàng đến thế nào của sự trước vào sau 9/11. Chỉ một thời gian sau thôi khi mình quay lại NYC, mọi thứ đã không còn như xưa. Sự thay đổi đi sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội, kinh tế. Nước Mỹ thiên đường trong truyền thuyết có lẽ đã thay đổi từ đây. Những điều bình yên, những sự giáo dục miễn phí, những sự thân thiện giữa người với người đã bị biến mất. Một nước Mỹ đã hoàn toàn khác xưa. Và nếu tính tới bây giờ, thì nó còn khác nhiều hơn nữa và theo hướng tiêu cực. Khi quay lại đi học sau này và cả sinh sống một thời vào lúc gần đây nhất, có thể thấy rằng, nước Mỹ không còn là sự lựa chọn hàng đầu để ở với rất nhiều con người như là một “dreamland” trong truyền thuyết nữa rồi. Và đặc biệt, dân trí đi xuống tệ hại, sự phân biệt chủng tộc, chia rẽ sắc tộc, phân cấp giàu nghèo, tệ nạn y tê, an ninh, sự ám ảnh về khủng bố… đã in hằn trong lòng những con người sống tại nước Mỹ. Con người cũng không còn thân thiện với nhau nhiều nữa, thậm chí luôn nghi ngờ và hằn học lẫn nhau. Có lẽ vì được ở từ nhỏ ở Mỹ, ở trước và sau 9/11, tại chính trung tâm của sự khủng bố lịch sử này, nên có lẽ được cảm nhận những sự thay đổi rõ rệt này tới thế nào. Điều duy nhất được an ủi là, mình may mắn vì đã còn được kịp đi qua những năm tháng tốt đẹp trước đó của nước Mỹ!
 
Có những điều ta cũng không thể hiểu nổi vì sao nó có thể xảy ra tới như thế. Sự thù hận của con người có thể khủng khiếp tới như thế. Có những lúc cũng hỏi Giả sử nếu không có sự kiện 9/11 xảy ra thì bây giờ thế giới và nước Mỹ có tốt đẹp hơn không? Nhưng chắc cũng chẳng có câu trả lời nào được cả.
 
Bữa có xem phim Black của Hàn Quốc, kể về một cô gái có thể nhìn thấy trước được ai sẽ chết nếu người đó xuất hiện một bóng đen bên cạnh và cô ấy tìm đủ mọi cách để cứu được người đó cho dù sau đó đều phải trả cái giá nào đó hoặc thậm chí còn làm tình trạng còn tệ hơn. Nếu ai đó có thể nhìn thấy được thật, chắc sẽ thấy hai tòa nhà hôm đó kín đặc bóng đen nhỉ? Tựa như khói cháy lên phủ kín khi hai tòa nhà vừa bị đâm vậy. Và nếu biết trước, người ta sẽ tìm cách cứu hai tòa nhà và những con người ấy kịp không…? Nhưng sau đấy có hậu quả nào phải trả giá hay không…?
 
Tớ không đọc nhiều câu chuyện về 9/11, cũng không xem nhiều hình ảnh, vì nó đau đớn ám ảnh, và gợi nhớ ra những nỗi buồn, làm tổn thương một phần ký ức đẹp của tuổi thơ và tiếc nuối cho một nước Mỹ trước đó. Bây giờ, mỗi lần quay lại NYC, đi từ xa và không còn thấy hình ảnh hai tòa nhà sừng sững ấy hiện ra nữa, bất kỳ ai mà ghi nhớ ký ức quen thuộc ấy chắc cũng vẫn thấy đau nhói trong lòng.
 
Nhớ khi sự kiện 9/11 xảy ra, tớ có viết một bài viết buồn lên trên blog 360. Vậy mà cũng có không biết bao nhiêu người vào comment những câu nói hả hê, lạnh lùng, ác độc, hỉ hả. Tại sao người ta cứ phải hỉ hả khi một thế giới đang tồi tệ đi? Giờ 20 năm trôi qua, vẫn thấy họ quá nhiều ngoài kia, bất kể chủng tộc và ngôn ngữ nào. Thôi đành thở dài và chấp nhận một điều: ignorant and remorseless people are just a part of life! Idiots too!
 
Cây táo ở South Ferry, cũng không còn nữa từ lâu lắm rồi!\
Where were you when the world stopped turning on that September day?
Teaching a class full of innocent children
Or driving down some cold interstate?

Did you feel guilty
‘Cause you’re a survivor
In a crowded room did you feel alone?
Did you call up your mother
And tell her you loved her?
Did you dust off that Bible at home?

Did you open your eyes, hope it never happened
Close your eyes and not go to sleep?
Did you notice the sunset the first time in ages
Or speak to some stranger on the street?

 
#September11th

#489: “Thiết yếu”

May be an image of 1 person and outdoors
Trong “the Good doctor”, khi bác sĩ tự kỷ Shaun Murphy bị điều chuyển sang làm pathologist (nhà nghiên cứu bệnh học?), thay vì được làm bác sĩ phẫu thuật vì lý do cậu không biết cách giao tiếp với bệnh nhân. Shaun đã gần như phát điên và suy sụp vì cậu chỉ muốn làm bác sĩ phẫu thuật, cho dù ai cũng nói với cậu rằng có làm pathologist thì vẫn là bác sĩ và vẫn là mục đích cuối cùng là cứu người. Nhưng không ai hiểu được rằng có những thứ với người ngoài nó là điều có thể thỏa hiệp được và không phải là “big deal” nhưng với một cá nhân nó có thể là lý tưởng sống và mục đích tối thượng phải theo đuổi bằng được của họ. Nếu không thực hiện được, họ sống không bằng chết!
Khi Magic Johnson ở đỉnh cao của sự nghiệp NBA thì phát hiện ra bị mắc HIV. Cả thế giới hoàn toàn sụp đổ với Magic, bạn bè thân xa lánh, những con người luôn tụ vui trong ánh hào quang lấp lánh của truyền thông và tiệu rượu với Magic bỗng nhiên tỏ ra không quen biết, thậm chí nói xấu. Lúc đó, người không ngờ tới bên MJ, an ủi anh và hiểu cho anh nhất, lại chính là đối thủ bóng rổ truyền kiếp Larry Bird, người mà trong suốt sự nghiệp cầu thủ lừng lẫy huyền thoại của cả hai, là đối thủ chưa bao giờ đội trời chung và tranh đấu với nhau trên từng cm của sân bóng, thậm chí phải dùng hai chữ “kẻ thù” thì mới phù hợp. Larry Bird – cậu thủ bóng rổ huyền thoại, cực kỳ ít nói, không bao giờ chia sẻ và thể hiện tình cảm với bất cứ ai lại là người đầu tiên gọi điện an ủi MJ và là người thực sự “broken heart” cho MJ. Thật kỳ lạ vì đối thủ của mình gặp nạn nhưng sao Larry lại đau khổ tới như thế? Đó là vì Larry đã nói: “Thiên hạ có thể nghĩ rằng Magic đang đau khổ vì anh ấy sẽ chết và ai cũng sợ gần anh ấy vì cái virus gớm ghiếc, nhưng không ai hiểu được rằng anh ấy không đau khổ vì anh ấy sẽ chết, anh ấy đau khổ vì người ta sẽ lấy đi điều quan trọng nhất của cuộc đời anh ấy: đó là bóng rổ”. Và hơn ai hết Larry hiểu được rằng nếu cuộc đời mình mà lấy đi mất bóng rổ, thì cuộc đời sẽ còn lại ý nghĩa gì? Lúc này, nó không còn là chuyện thắng thua nữa, nó là “empathy”, nó là chuyện cảm thông với nỗi lòng của người khác, rằng có những thứ còn đáng sợ hơn là cái chết. Và không phải ai cũng hiểu điều đó.
Chắc mọi người cũng không quên phim “Vị đắng tình yêu”, từ thủa những năm đầu 90’s, đã kể về câu chuyện một nghệ sĩ piano mà được đàn là niềm vui sống của cô ấy, nếu phải lựa chọn giữa chuyện phải chữa bệnh nhưng không được chơi đàn với việc được chơi đàn nhưng có thể phải chết, thì cô ấy vẫn lựa chọn chơi đàn. Có lẽ bộ phim từ thời đấy nhiều người cho rằng nhảm nhí, nhưng đó lại là điều đáng ngạc nhiên về tư duy hiện đại và tinh tế của biên kịch và đạo diễn đi trước thời đại, khi hiểu rằng: có những đam mê, mong ước, khát vọng, mục tiêu, được sống là mình, đó mới là được sống một cuộc đời đúng nghĩa, bất kể là cuộc sống đấy là ngắn hay dài.
Có một số mấy ví dụ nho nhỏ hơn, ví dụ mấy câu chuyện gần đây về việc “thiết yếu”. Đồ “thiết yếu” cho dù có được định nghĩa trên văn bản ra cũng không bao giờ là đủ. Sự thật về cái gọi là “thiết yêu” thực chất ra nó khá là vô cùng và không phải ai cũng hiểu hết rằng có những đồ là “thiết yếu” với người này nhưng chưa chắc đã là “thiết yếu” với người khác. Người ta vẫn nghĩ rằng “thiết yếu” được định nghĩa rõ ràng bằng những định dạng cụ thể, và vẫn hướng tới việc “thiết yếu” mục đích là để “tồn tại”. Để “tồn tại” ở đây là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm sinh hoạt bản thân, đủ không bị đói, bị khát, bị lạnh, bị nóng, miễn sống là được. “Thiết yếu” được hiểu phần nhiều là “physically” nhiều hơn là “mentally”. Thế nên sẽ có chuyện rằng, tại sao một đứa bé sống chết phải được đi chữa cho con mèo sắp hấp hối? ĐIều đó không ảnh hưởng tới sự “tồn tại” mạng sống của con người nên không thể coi là thiết yếu. Tại sao phải “ăn bánh mì” khi mà ngoài bánh mì ra vẫn còn cơm? Không có bánh mì có cơm thì cũng vẫn tồn tại mà. Tại sao lại cần mua tủ lạnh trong thời dịch vì tủ lạnh là đồ điện tử không phải thực phẩm, không có tủ lạnh cũng sao mà chết đói được (cho dù quên bố nó mất là tủ lạnh là nơi chứa thức ăn). Hay thậm chí có chị bị bắt lại ra đường mua bao cao su vì đó cũng không phải là “thiết yếu”, vì không có bao cao su cũng đâu mà chết được… Đương nhiên đó là những câu chuyện cũng hơi nực cười và đã bị mọi người phản đối cho tơi tả. Nhưng nó thực ra lộ ra một vấn đề khá sâu thẳm trong lòng những quan niệm xã hội về cái gọi là thiết yếu với cuộc sống của mỗi người. Nếu mọi người cứ được giáo dục rằng chỉ những thứ “physically” như thế kia mới được coi là thiết yếu để tồn tại thì chắc chắn sẽ còn những câu chuyện chặn người đi chữa cho động vật, đi mua bánh mì, đi mua bao cao su, đi mua tủ lạnh như vậy vì cho rằng chúng không liên quan đến chuyện sống còn của mỗi người. Con mèo sắp chết nó đúng là chẳng làm cho ai bị ảnh hưởng tới sự “tồn tại” cả, nhưng với chủ nhân của con mèo đó, nó sẽ đau đớn vô cùng về mặt tâm lý, sự tức giận và biết đâu thành một vết hằn hận thù trong ký ức của cô cậu bé đó khi lớn lên. Với nhiều người, thú cưng của ai đó chỉ là một con vật, và con vật chỉ là để nuôi, không phải để yêu thương như người nên với họ chữa một con vật không phải là thiết yếu. Nhưng với chủ nhân của con vật đó, họ có thể yêu thương và coi đó chẳng khác gì một thành viên trong gia đình, việc được cứu sống con vật của họ cũng không khác gì việc phải cứu sống một thành viên của gia đình. Nỗi đau mất một con vật, nó có thể đau đớn không khác gì nỗi đau mất đi một người thân. Gạo thì nhiều nên đi ăn bánh mì vào lúc “không cần thiết” thì thật là buồn cười, nhưng mà lúc đó người ta đang quá đói không có cơm ăn thì sao? Lúc đó ăn một miếng bánh mì khiến họ vui, thỏa cơn thèm và làm cho công việc của họ tốt và hiệu quả hơn thì sao…? Anh có thể chỉ ăn cơm mỗi ngày và ghét ăn bánh mì, anh cảm thấy cả đời không ăn bánh mì cũng chả sao nhưng với nhiều người họ chỉ muốn và chỉ có thể ăn được bánh mì thì sao…?
Có những chứng bệnh tâm lý mà xã hội và cũng không có văn bản nào có thể định nghĩa rõ ràng được thế nào là “thiết yếu” đối với họ. Có người sẽ phải chơi đàn 10 tiếng một ngày, bỗng nhiên cây đàn của họ đứt dây, họ sẽ buộc phải đi mua dây về để chơi đàn tiếp nếu không thì sẽ bị phát điên. Có những người bị OCD về dọn dẹp, vệ sinh, khử mùi… hoặc thậm chí không chịu nổi nếu cái cánh cửa bỗng nhiên bị lệch không thể được sửa, nếu họ không kịp mua được cái đinh vít hoặc chai xịt rửa đúng lúc thì họ cũng sẽ phát điên thậm chí trầm cảm… Có những người sẽ buộc phải nói chuyện với một ai đó, nhìn thấy một ai đó, nếu không họ sẽ bị sang chấn tâm lý… Thế giới tâm lý về chuyện “thiết yếu” vô cùng rộng lớn và đôi lúc rất khó hiểu. Mới chừng nghe vài ví dụ bạn đang nghĩ “dở hơi à”, giờ lo sống đi đã chứ, nhưng mặt khác bạn cũng sẽ rất bất ngờ khi biết rằng nó không hề chỉ là vài ví dụ dở hơi và thiểu số như bạn nghĩ, rất đông người đang bị như vậy, nhưng vì những trạng thái tâm lý như vậy không được để ý và nhiều người đủ kiến thức để hiểu chúng, dẫn tới việc chúng không được quan tâm đúng nghĩa và thậm chí còn bị chê cười, vào với những người làm nhiệm vụ quản lý xã hội khi họ không được giáo dục đúng và hiểu thì sẽ dẫn tới những hậu quả như chúng ta đang được thấy. Tâm lý đôi lúc nó là bệnh không thể chữa hoặc bị mắng chửi mà thay đổi được, hoặc nó là bản chất từ khi bạn sinh ra đã là thế. Bạn sinh ra đã có những tính cách, khả năng nhất định. Bạn sinh ra với một giới tính đã được ấn định cho dù cơ thể của bạn có đúng với giới tính ấy hay không. Sự thiết yếu nó phụ thuộc và tâm lý sinh tồn và mong muốn của bạn, chứ không hẳn là từ người khác.
Có thể rất nhiều trong chúng ta đã quen với việc chúng ta muốn được trở thành một người thế này, nhưng bố mẹ hay những người xung quanh muốn bạn trở thành một người khác. Bạn muốn làm một ca sĩ cơ, nhưng bố mẹ muốn bạn là một kỹ sư. Bạn muốn được vẽ và thành một họa sĩ nhưng bố mẹ bạn muốn bạn phải thành một bác sĩ. Bạn muốn được từ bỏ tất cả để được đi khắp thế giới và lang thang sống một cuộc sống hippy nhưng bố mẹ bạn muốn bạn nên lấy chồng sinh con và có một công việc thật ổn định trong một cơ quan nào đó và cứ thế cho đến hết cuộc đời. Bạn muốn được phẫu thuật để được trở thành một người phụ nữ khi cơ thể bạn là cấu tạo nam giới, và khi tất cả can ngăn vì phẫu thuật có thể sẽ khiến bạn rút ngắn cuộc đời hoặc thậm chí chết trên bàn mổ… Bố mẹ hay xung quanh sẽ bảo bạn, tại sao bạn phải đi lang thang sống bờ bụi làm gì cho khổ? Trong khi bạn chỉ cần đi làm ổn định từ sáng đến tối, cuối tháng nhận lương không phải lo nghĩ gì? Tại sao bạn đi làm cái nghề xướng ca vô loài làm gì, trong khi đi làm kỹ sư, vừa nhiều tiền ổn định, vừa “trí tuệ” và đáng tự hào hơn bao nhiêu. Bạn không thể học giỏi toán bạn chỉ giỏi vẽ nhưng làm họa sĩ thì kiếm được mấy đồng trong khi làm bác sĩ thì giàu nứt đố đổ vách… Nhưng mà tin chắc rằng bố mẹ hay bất cứ ai khuyên bạn như vậy họ không thể hiểu được những niềm vui và sự “khoái cảm” của bạn là thế nào khi bạn được đi lang thang ngắm nhìn thế giới để thấy cuộc đời đáng sống, khi bạn được nhắm mắt lại và cất giọng hát tuyệt vời bẩm sinh bạn có, khi bạn hoàn thiện xong một bức tranh bạn mất cả tháng để vẽ. Và với những người chỉ mong được một lần được sống với đúng giới tính của mình, thậm chí nếu phải rút đi 10 năm cuộc sống họ cũng sẵn sàng đánh đổi… Và ngược lại, khi bạn luôn phải sống theo những định nghĩa “thiết yếu” của người khác, cũng sẽ không ai hiểu được sự ức chế trong lòng bạn, sự chịu đựng cố gắng gồng mình phải làm những điều bạn không muốn làm hoặc không có nhiều khả năng để làm, những hy sinh sâu thẳm khi bạn phải từ bỏ ước mơ, tài năng, tình yêu, ý tưởng của bản thân… những cảm giác này cho dù bạn có thành công thế nào với lựa chọn khác trong cuộc sống sau này thì chúng sẽ vãn luôn luôn ở đó và chỉ chực chờ sẽ có lúc bùng ra, chúng cũng thường hay đi kèm với những sự hối tiếc day dứt… và có những người cứ chết dần chết mòn trong những sự ức chế và hối tiếc ấy…
Nhưng những người mà thực sự dũng cảm để chứng minh cái “thiết yếu” của mình và không sống theo sự “thiết yếu” của người khác vẫn là thiểu số trong xã hội. Đám đông vẫn đi theo một sự sắp xếp nhất định đã được định nghĩa sẵn bởi phụ huynh, bởi xã hội, bởi truyền thông. Đó là những điều mà rất nhiều năm qua tớ đã được nghe và chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện, kể cả từ những người bạn thân nhất của mình. Tớ được nghe những câu chuyện ấy nhiều, vì có lúc với họ, tớ là một ví dụ mà họ rất mơ ước được một lần thay đổi! Có lúc tớ giúp được một vài người bằng cách truyền cảm hứng cho họ, nhưng có những lúc, không thể giúp gì được ngoài việc lắng nghe những gặm nhấm nỗi lòng của họ cứ ăn mòn họ dần theo năm tháng…
Nhớ hồi đó, khi tớ còn làm việc trong Bộ Ngoại Giao. Mỗi sáng sẽ phải có mặt lúc 7h sáng để học những bài học đầu tiên làm “cán bộ”, như là pha nước uống trà cho các bác. Thỉnh thoảng muốn có một chuyến đi chơi xa đâu đó nhưng sẽ chỉ có duy nhất hai ngày cuối tuần. Thỉnh thoảng muốn mặc cái áo lệch vai, cái quần bò xộc xệch và giữ được cái khuyên mũi cho thật thoải mái mà không thể khi đi làm. Thỉnh thoảng muốn viết này viết nọ vui vui một tí, xõa một tí, chửi bậy một tí nhưng mà phải hạn chế phát ngôn… Thế là đó là lúc tớ nhận ra: “This is not my life”. Cho dù đó là một công việc rất tốt, ổn định, bố mẹ yên tâm và tự hào. Nhưng tớ đành từ bỏ, khi làm buổi “hòa giải” cuối cùng với cơ quan về việc vì sao vừa đi làm mà lại bỏ một công việc tốt và có nhiều tương lai như vậy, phải chăng tớ chê công việc đó hay không có ý chí phấn đấu ư? Tớ có nói với các cô chú rằng, đây chắc chắn là một công việc tốt với rất nhiều bạn trẻ khác, với nhiều người khác, nhưng đó là thế giới tớ không thuộc về. Tớ cần một thế giới mà tớ được tự do được sống là mình, sử dụng tài năng và cá tính của mình cho những công việc khác phù hợp hơn. Và cái được gọi là sống cho mình với công việc khác đó mà nhiều phụ huynh nghe thì tức lòi kèn hoặc cười chê cho thối mũi, đó là một công việc không ổn định với chiếc máy ảnh, nay đây mai đó, lúc sớm mai lúc khuya khoắt, trên người có khi vác hàng chục ký đồ oằn hết cả lưng hay say xe đứ đừ đứng không nổi. Thế nhưng mà tớ lại thấy thế mới được ngủ ngon mỗi ngày, được cười mỗi ngày, và được chạm đến sự hạnh phúc tột độ khi xong một tác phẩm hay một hành trình nào đó.
Câu chuyện về sự “thiết yếu” chắc chắn là một câu chuyện phức tạp. Nó phức tạp nên đôi lúc sẽ phải chấp nhận rằng sẽ không phải ai cũng hiểu mình hay xã hội sẽ hiểu mình. Có những chuyện sẽ rất là vô lý và vẫn phải chấp nhận để chúng tồn tại. Nhưng hơn cả vẫn là mình phải hiểu bản thân mình, và mình sẽ phải lựa chọn rằng mình có muốn sống cho mình hay không, hay sẽ luôn sống cho người khác. Sự lựa chọn đó thì chỉ có bản thân bạn làm được thôi, không ai sẽ hiểu được để làm thay cho bạn cả, và mọi sự lựa chọn sẽ đều phải đánh đổi, chúng ta không thể nào có tất cả!
Mấy ví dụ “thiết yếu” thời chống dịch tớ kể trên chỉ là ví dụ của tớ về việc những quan niệm trong xã hội về những thứ được gọi là “cần thiết với người này” nhưng chưa chắc là “cần thiết với người khác” từ các cấp độ khác nhau mà thôi. Chưa chắc những con người “vô lý” ấy đã ác hay ngu, họ cũng là một sản phẩm của sự giáo dục và quan điểm xã hội. Và thực ra ngồi nhà phán (như tớ nè) thì đúng là cũng dễ, chứ giữa thời buổi phức tạp này, cũng chẳng biết thế nào mà lần để định nghĩa và hành xử thế nào cho chính xác, cho hợp tình hợp lý và an toàn. Chỉ là với mỗi một sự việc xảy ra, mình nghĩ rằng mình sẽ học được điều gì đó, hiểu ra thêm được điều gì đó, và đôi lúc biết thông cảm hơn, vậy thôi!
May be an image of one or more people, people standing and outdoors

475: AGAINST THE WIND – CHO NHỮNG AI ĐANG CHẠY NGƯỢC GIÓ

AGAINST THE WIND – CHO NHỮNG AI ĐANG CHẠY NGƯỢC GIÓ

https://d29ci68ykuu27r.cloudfront.net/items/19424481/cover_images/cover-large_file.png

Xem lại Forrest Gump sau nhiều năm và chợt lặng đi khi nhớ ra tới đoạn chạy ở Monument Valley, khi mà Forrest Gump đầu bù tóc rối chạy trên con đường sa mạc thăm thẳm với một đoàn người rồng rắn phía sau, nhạc nền là bài hát Against the wind của Bob Seger.

Đó là bài hát đã luôn bật trong những ngày khi lái xe lang thang khắp nước Mỹ một mình với chiếc ô tô cũ mèm, tiếng bánh xe chạy còn to hơn cả tiếng còi và trên xe là cả một căn phòng nhỏ với đàn, sách vở, chăn chiếu, đồ quay phim và cả con gấu bông. Đó cũng là những ngày khi chưa biết nơi đến tiếp theo sẽ chính xác là đâu và mình sẽ ở đó bao nhiêu lâu, những ngày cả gia đình và bạn bè cũng không biết mình đã đến nơi nào, đang làm gì. Những sự chờ đợi sau những cuộc phỏng vấn, những câu trả lời từ những dự án phim… Chỉ biết, đó là những ngày cần phải đi!

Chiếc xe đã quá cũ, chỉ có play được đĩa CD và thậm chí còn không bắt được cả radio. Thế nên hành trang trên xe luôn là cả chục cái đĩa CD đã burn ra những bài hát mình thích nghe. Thỉnh thoảng, khi tới những thị trấn nhỏ xa xôi, có một niềm vui nhỏ là đi vào những cửa hàng đồ cũ bán đồ như cho, sẽ có những chiếc CDs xịn một thời nổi tiếng có giá chỉ 50 cents một chiếc. Vào mua đĩa CD có khi vớ được một món đồ cổ nào đó rất quý, chẳng hạn như là một bộ quần áo đã có từ những năm 50’s, của một cụ già nào đó đã dọn garage nhà trước khi ra đi. À, mình không ngại đồ cũ hay đồ của người đã mất, mình trân trọng giá trị lịch sử của chúng!

Có thể nhiều bạn không biết đến bài hát này vì nó đã là một bài hát rất cũ và không phải dạng giai điệu catchy dễ dàng cũng như lời bài hát dễ hiểu như những bài hát kinh điển bạn đã từng nghe. Đây không phải là một bài nhạc chỉ để bắt tai nghe cho vui với bạn bè. Đây là một bài hát mà người ta yêu nó và thấm nó chỉ khi nghe một mình: không chỉ là với giai điệu, câu từ, mà với những hoài niệm cuộc sống và những day dứt cuộc đời đã và đang trải qua, mà chỉ khi tới một độ tuổi nào đó bạn mới thấu hiểu. Càng có tuổi, càng trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời người ta sẽ càng thấy mê say Against the wind của Bob Seger. Đó là điều làm nên sự timeless của bài hát. Timless là một thứ mà người ta sẽ càng ngày sẽ chỉ càng thấy nó hay theo thời gian vì sự dạn dày của cuộc sống mới khiến họ hiểu hết và đồng cảm được với tác phẩm, như bộ phim Forrest Gump vậy!

Mỗi lần lái xe băng qua những con đường xa dài hun hút, hai bên có khi là những khu công nghiệp, có khi là núi đồi, có khi là đồng cỏ, có khi là sa mạc bao la. Đường dài rộng và xa, những chiếc xe tải khổng lồ hút gió nếu liều vượt qua có thể bị quấn vào bất cứ lúc nào. Chiếc xe của tớ thì cọc cạch, đông cơ yếu mà phải nặng oằn mình để vươn nhanh. Những lúc ấy không có tiếng nhạc nào hợp hơn được cất lên hơn Against the wind:

“Against the wind
We were runnin’ against the wind
We were young and strong, we were runnin’ against the wind”

Những cơn gió sa mạc có khi đến cả trăm dặm một giờ, mỗi lần vượt qua xe tải là một lần thấy mình vĩ đại. Nhưng đúng là sau nghĩ lại với cái xe ấy mà xuyên bang từ đồng bằng lên núi đồi băng qua mưa giông và bão tuyết đi ngược gió như vậy thì đúng là mình cũng… vĩ đại thật. Đôi lúc liều mà thành vĩ đại, Bob cũng nói vậy đó :D.

Bài hát được play rất nhiều lần trên xe vì tớ dành riêng Bog Seger cho một đĩa CD. “Against the wind”, “Turn the page”, “Like a rock”… chắc là những bài hát được nghe nhiều nhất dọc đường đi và trong tất cả các chuyến roadtrips. Những cung đường xa thẳm mà nghe tiếng hát của Bob Seger, hay của Tracy Chapman, thì nó không chỉ là một bản nhạc để xoa dịu tinh thần và cho mình bớt buồn tẻ, mà những lời hát còn như một người bạn, đang kể chuyện và đồng hành với mình. Chỉ khi bạn đi một mình và cô đơn trên những con đường như Forrest Gump vẫn chạy, bạn mới thấm hết được những bài hát có nhiều giá trị hoài niệm cuộc sống như “Against the wind”.

“Against the wind” – Nghĩa rất chân thành là “ngược gió”. Khi tình yêu đầu đời với tên một cô gái được bắt đầu kể chuyện với một giai điệu day dứt, là người ta sẽ hiểu đây sẽ là một cuộc đời với nhiều hối tiếc. Những ai đã đi qua hoang dại của tuổi trẻ, chạy đua với thời gian, sống nhanh vội vàng với những chuyến đi, những deadlines, những mối quan hệ phù phiếm, bỏ lỡ tình yêu, nổi loạn phá vỡ những lẽ thường của cuộc sống cùng những ngày tháng vô định nhưng lại muốn tìm một nơi là nhà để trở về… thì sẽ càng thấm Against the wind mỗi khi họ già đi và nhìn lại cuộc đời mình. Gió càng thổi mạnh thì càng chạy ngược gió để được nổi loạn và muốn khẳng định bản thân. Những vấp ngã đuối sức sau những cơn gió mạnh mang lại cho họ những năm tháng để trưởng thành, nhưng càng trưởng thành và thông tuệ, người ta lại càng hối tiếc những điều đã đi qua. “Wish I didn’t know now what I didn’t know then”. Câu hát thấm vào tim và nổi tiếng nhất bài hát. “Ước gì giờ tôi đã không biết những điều tôi đã từng không biết”.  Đôi lúc bạn ước bạn vẫn ngây ngô và ngông cuồng như ngày xưa, để vẫn liều mình chạy một chiếc xe cọc cạch ngược những cơn gió băng qua xe tải… Nhưng thời gian là vô tình, cho dù không muốn nhưng bạn vẫn phải lớn lên và già đi, bạn vẫn nhận ra những điều mà bạn buộc phải biết, đề rồi bạn chợt nhận ra chúng làm bạn hối tiếc. Rồi điều trớ trêu là, khi càng hối tiếc, bạn lại càng vẫn tiếp tục chạy ngược gió và không biết khi nào mới ngưng được. Có lẽ đến một lúc sẽ chấp nhận rằng, cuộc đời bạn sẽ vốn luôn là vậy!

Nếu giờ có hỏi tớ hiểu hết được bài hát không, chắc là chưa. Điều cảm nhận được rõ nhất bây giờ là “appreciation” với một tác phẩm sâu sắc như vậy. Chỉ biết là qua mỗi chuyến đi, mỗi khi già hơn thêm một chút, lại thấy bài hát hay hơn nữa, thấm hơn nữa, vì mỗi lúc như vậy mới trải nghiệm thêm được một chút ít của cuộc sống để có thể hiểu được những triết lý và tâm sự ở trong đấy!

Tớ mê những giọng hát mộc như của Bob Seger. Nếu bạn nghe “Against the wind”, bạn sẽ thấy từ giai điệu, giọng hát, ca từ… nó đều đến từ bản năng, là chảy ra từ máu và hơi thở. Bạn sẽ hiểu rằng nếu không phải là một người sinh ra với âm nhạc chảy trong huyết quản và trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống với những cảm xúc chân thành, thì sẽ không bao giờ có được những tuyệt phẩm như thế. Nghe Bob hát với những day dứt khôn nguôi trong từng tiếng khàn nhả chữ thô mộc, ta như không phải chỉ là nghe một bài hát, ta đang nghe lời tâm sự của bố vào một buổi chiều tà. Khi viên mặt trời tròn vo đang tan dần đi trong ly Chardonnay bố uống, bố bắt đầu kể cho bạn nghe câu chuyện về cuộc đời mình và câu chuyện ấy mang đầy những hoài niệm và nuối tiếc bằng những tiếng thở dài. Và rồi hối tiếc nào cũng sẽ đi bay theo ánh hoàng hôn đang khuất dần sau những rặng núi đá…

Chắc ai cũng có những “against the wind” riêng trong playlist của mình, những bài hát mà mỗi năm tháng qua đi lại hiểu chúng nhiều hơn và lại thấy yêu chúng hơn biết bao nhiêu!

Thỉnh thoảng, tới một tuổi nào đó, nghe một bài hát từ rất xưa bỗng nhiên rơi nước mắt và bắt đầu nghĩ về những tháng ngày đã qua của cuộc đời mình. “Sometimes, you just listen to a song, and you cry, for no particular reasons, do you know?”. Lời ông cụ lom khom đứng bán Wendy’s khi tớ ghé qua mua đồ và lẩm bẩm vài câu hát của Bob.

Nếu hỏi list bài hát đi roadtrip của tớ là gì thì sẽ là ngập “Against the wind”, “Turn the page” của Bob Seger; “Fast car”, “Give me one reasons”… của Tracy Chapman; “Father and son”, “Cats in the cradle” của Cat Stevens… rồi “Ironic” của Alanis Morrisette, và gần đây nữa là “Riding to New York” của Passenger… Chúng đều là những bài hát kể về những hành trình, những tình yêu với những hối tiếc, nhưng đều là những hối tiếc khiến bạn phải bật khóc vì chúng quá đẹp, và ai cũng sẽ thấy một phần của đời mình trong đó… chúng luôn hợp cho những chuyến đi xa và cô đơn.

“I stood proud, I stood tall
High above it all
I still believed in my dreams”

Hậu quả của bài viết này là tại Forrest Gump đấy!

#justformyself

#tâmsựđêmphia

 

#373: Trẻ mãi…

Tớ vừa làm xong một tác phẩm tốn bao nơ ron thần kinh và công sức. Giờ mới sung sướng và thoải mái để viết blog tiếp. Một vài ngày nữa các bạn sẽ được thưởng thức tác phẩm mới của tớ!!!! Đáng nhẽ hôm nay tớ sẽ viết blog tiếp và show ảnh, cũng như thông báo tình hình tiến triển xử lý ảnh của buổi từ thiện. Nhưng mà….như các bạn thấy đấy, hôm nay chúng ta có một bộ mặt mới cho Hà Kin blog, nên viết… Read More

Read More

#314: Giận, bình yên và….

Bạn tớ bảo (mấy bạn liền): Hà Kin bây giờ trong trắng ngây thơ quá, đâu rồi HK đanh đá và quyết liệt hồi 360 nữa chứ! Haha, đúng rồi, sao dạo này mà “trong trắng ngây thơ”, công nhận khác hồi 360 thật. Nhưng cũng là một điều thú vị mà tự nhiên muốn viết! Nhớ ngày nào 360 của tớ lúc nào cũng sôi sục, 0 viết bài nào thì thôi, viết bài nào “phản biện” là đông như kiến cỏ, tranh cãi căng thẳng. Phát đầu tiên… Read More

Read More

#310: I hope you dance…

Bài này để dành cho một người bạn – khi hôm nay bạn ấy viết cho tớ một cái thư rất dài. Bạn ấy đang chán việc, chán người, đang bế tắc trầm trọng.  Bạn ấy muốn tớ tặng một cái gì đó, thật nhẹ nhàng, thật dễ chịu – cho một tuần mới nhiều hứng khởi hơn. Tớ đã gửi riêng cho bạn ấy 5 câu chuyện cười mà bạn ấy làm nhân vật chính và sếp là nhân vật ruồi bu, ảnh nude của tớ, và bài viết… Read More

Read More

#214: Những thứ quả lạ. 1. Những quả táo lạ

Nếu ai đã đọc entry “Bốn mùa của Hạnh ”, sẽ thấy tớ nhắc tới chi tiết rằng, tớ và Hạnh nghiền một loại táo nhỏ xíu và rất ngon trên một góc phố, và sau đó Hạnh đã hái và gói những quả táo này, gửi nửa vòng trái đất về Việt Nam cho tớ để làm quà sinh nhật. Tớ mới nhận ra, trong ổ cứng của tớ, chụp được rất nhiều loại táo khác nhau, cực kỳ thú vị. Nhắc tới táo ở đây là loại táo… Read More

Read More