Posts tagged 0chilablog

#596: Chuyện thanh niên Chống

Đây là cuộc hội thoại vô thưởng vô phạt tâm sự giữa tôi và vợ chồng thanh niên người Mông tên là Lý A Chống trong cái giá rét đầu năm của xứ Mù Cang Chải! Họ cũng là đội xe ôm chở tôi đi săn hoa tớ rày.
Tôi:
“Liệu có thể dẫn chị vào rừng để tìm xem các loại cây thực vật trên rừng được không? Chị còn muốn biết cái là ngón nó trông như thế nào. Có biết lá ngón không?”
Vợ Chống:
“Làm gì có gì mà chồng em không biết. Chống đã từng ăn lá ngón rồi đấy.”
Tôi (mắt tròn xoe):!!!
Chống:
“Em còn thử ngậm thuốc trừ sâu rồi cơ mà chị!”
Tôi (mắt tròn xoe): !!!
“Em chán đời quá hay là cuộc đời em đã xảy ra chuyện gì mà lại dại dột thế?”
Chống:
“Không chị, em sâu răng nên em ngậm thuốc trừ sâu cho sâu chết thôi”
Tôi (mắt tròn xoe): !!!
Vợ Chống:
“Em và mẹ chồng cũng bàn nhau là nó đã Tự Giác uống thuốc trừ sâu vậy chết thì chôn thôi. Cả đêm bọn em có ra sờ mũi thử xem còn thở không. Không thấy thở, thế nhưng nửa đêm tự nhiên bật dậy đi ra uống nước rồi lại nằm xuống tắt thở tiếp. Sáng hôm sau nó đi làm bình thường, thế là chưa chôn được.” Người vợ chép miệng chân thành!
Tôi (mắt tròn xoe):
“Thế rồi có khỏi sâu răng không?”
Chống:
“ Khỏi mạnh chứ chị. 6 năm rồi em chưa thấy đau lại.”
Tôi (mắt tròn xoe):
“ Thế rồi vì sao em phải ăn lá ngón?”
Chống:
“ Thì mình phải ăn để cho biết cái vị nó như thế nào mà người ta chết chứ chị? Em cũng đã sờ tay vào vào điện để xem điện giật như thế nào nữa rồi!”
Tôi (mắt tròn xoe): !!!
Chống (tiếp tục):
“Chứ không bây giờ người ta cứ hỏi mình là thế vị lá ngón như thế nào , điện giật nó như thế nào mình lại không biết đường mà trả lời!”
Tôi (mắt tròn xoe):
“Thế vị lá ngón nó thế nào? Điện giật nó thế nào?”
Chống:
“ Vị lá ngón thì nó đăng đắng ăn vào thì cái miệng của mình nó sẽ tê tê. Còn điện giật thì nếu sở lâu thì sẽ tê từ đầu đến chân, còn nếu sờ nhanh thì chỉ tê đầu ngón tay mà thôi.”
Trong một giây phút lùng bùng nào đấy, tiếng Kinh accent Mông khiến tôi đã nghe chữ “sờ lâu” thành “sờ lông”
Chống (tiếp tục):
“Ma em cũng thử đi tìm rồi. Người ta bảo ở nghĩa trang buổi đêm hay có ma, em đã phải đến tận nơi vào đêm khuya thò đầu vào bên trong mộ để tìm ma nhưng không thấy cái gì, chỉ có mỗi cái ảnh”.
Tôi (mắt tròn xoe): !!!
Chống tiếp tục:
“ Em không biết bơi, nhưng bữa nghe nói ở sông Hồng bơi thử có thể sẽ thấy cá sấu nên em cũng đã từ Mù Cang Chải mò ra sông Hồng bơi thử. Cũng bơi được một đoạn rồi phải quay lại mà chưa thấy cá sấu đâu. Tuy nhiên lúc đấy nếu có ai cho em 200 triệu, thì em sẽ vẫn sẵn sàng bơi từ bờ bên này sang bờ bên kia”
Tôi (mắt tròn xoe): !!!
Vợ Chống:
“Heroin Chống còn thử rồi cơ mà”
Chống:
“ Loại hồng ngon hơn loại trắng chị ạ. Ăn vào cứ phê phê lâng lâng, lại còn thêm ly bia nữa thì sung sướng không lối thoát”
Tôi (mắt tròn xoe): !!!
“Rồi đã thử mấy lần? Không sợ nghiện à?”
Chống:
“3 lần rồi. Thử thế thôi còn thử cái khác. Em còn thử nhiều thứ nữa mà không kể ra được.” Đoạn, Chống len lén liếc nhìn sang vợ.
Tôi ( mắt to mở lâu bắt đầu nhức mỏi):
“Thế giờ kể cái chưa thử đi”
Chống:
“Em chưa được đi máy bay. Mà được lái luôn thì càng tốt. Vì em thử lái cả xe tải với xe tăng rồi dù lúc đó đã không ai cho em lái…”
Bất chợt… tôi bèn sờ tay vợ Chống xem có thấy ấm không, thấy vẫn ấm. Tôi bèn hỏi:
“Vậy em có chắc là em hoàn toàn mới chỉ lấy một kiếp chồng tên Chống chứ không phải nhiều kiếp chồng rồi đều tên Chống chứ?”
Vợ Chống bỗng suy tư, chợt tỏ ra ngẫm nghĩ:
“Có khi nào không phải 1 đời chồng không nhỉ, để em xem lại… hmm…”
Ảnh: Chân dung Chống. Chống bạch tạng bẩm sinh. Tóc vàng, mắt xanh, da trắng. Đã từng đi lao động nhân công trong nắng gắt thử xem thế nào vì nghe người ta bảo bị bạch tạng mà ra nắng thì nguy hiểm lắm…
Không khuyến khích trải nghiệm như Chống nhé. Vì giờ không chắc tất cả các Chống trên là một hay là nhiều kiếp Chống đâu nhé! Vợ Chống đang chiêm nghiệm lại!

#595: Tin vào các Tổ chức hội đoàn để bán nhà!

Quả là một câu chuyện rất cần share.

Cũng là một câu chuyện điển hình cho việc nhiều người hay đặt câu hỏi cho mình rằng những dự án thiện nguyện rất ý nghĩa như vườn chim tại sao lại không reach out tới các tổ chức, các nhà hoạt động có tiếng để xin giúp đỡ? Xin thưa các bạn là mình mà đã làm một cái gì thì mình nghiên cứu rất kỹ và thử mọi options, mình cũng theo lâu một điều gì cũng nghĩa là cái gì các bạn gợi ý hay nghĩ ra được thì mình cũng đã nghĩ và đã thử hết rồi ạ!

Hồi mới đi học phim về Việt Nam, Mình rất hay được gợi ý apply làm phim cho một số các tổ chức NGOs, phim báo cáo, phim tuyên truyền. Mới về VN và cần tìm các cơ hội làm phim, mình rất nhiệt tình. Nhưng rất nhanh chóng, nó cho mình sự vỡ mộng ghê gớm. Mặc dù mình thấy quy trình làm việc thật là kỳ nhưng mình nghĩ chắc “kiểu VN ở đây nó thế”. Ví dụ như là đặt vấn đề, ngồi phỏng vấn mình về ý tưởng sẽ làm phim cho một dự án. Mà đề nghị mình về phải viết chi tiết ý tưởng, kịch bản, cả cách triển khai, chi tiết breakdown cả budget. Và cái cách nói chuyện thì cứ dường như là chắc chắn thuê mình đến nơi, cần ghi chi tiết ra để mà đi quay nữa mà thôi. Còn nếu từ chối không làm chi tiết thì họ sẽ nói luôn là “quy trình phải thế” mới cho nhận thầu được!

Có lúc một ngày đi phỏng vấn jobs ba nơi, về cắm mặt cắm mũi ý tưởng đồ, kịch bản đồ, budget đồ. Gửi xong thấy im mẹ nó hết. Qua cả lịch dự định quay từ lâu cũng thậm chí cả không một lời trả lời rằng bạn có nhận được thầu hay không. Họa hoằn mới có một cái thư trả lời là: “Bên chị có cung cấp được hóa A, hóa đơn B hay không, ekip cụ thể chị có sẵn không….” Những câu hỏi nghe đã rất lý do khó khăn. Mình từ đầu đâu giấu diếm mình đi làm với tư cách cá nhân, sao không deal thật kỹ trước đoạn gửi ý tưởng và kịch bản đi? Và rồi cũng không khó để biết sau đấy có đội khác đã quay, không chỉ là quay ngay trên ý tưởng và kế hoạch của mình, mà còn biết là đây là đội quay nhà đã quay nhiều năm nay rồi. Mỗi năm lại làm vài đợt tìm thầu như đúng rồi, có ý tưởng mới cứ thế quay theo khỏi phải nghĩ, catse báo giá đút túi ngon lành. Hẳn là NGOs, hẳn là tổ chức quốc tế! Hẳn là nhãn hàng nổi tiếng nhất nhì Việt Nam, thậm chí là nổi tiếng quốc tế!

Rồi sau này khi tiến hành làm những công việc thiện nguyện, vì cộng đồng. Tới bây giờ, ABSOLUTELY chưa bao giờ nhận được 1 sự giúp đỡ nào của bất cứ hội đoàn, tổ chức nào, với toàn những cái tên gọi như: Bảo vệ phụ nữ, bảo vệ trẻ em, bảo vệ động vật, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường….!!!

Hẳn các bạn vẫn nhớ câu chuyện về anh Lợi và 2 đứa bé con lang thang chân đất, 12 tuổi chưa từng được một buổi đến trường, được ăn một bữa tử tế, được ở dưới một mái nhà ấm. Một người bố thì bạo lực, nghiện rượu, rối loạn lưỡng cực, hành hạ và đem 2 đứa con đi khắp nơi như là miếng mồi để thiên hạ thương cảm hỗ trợ cho chỉ bản thân anh ta. Mình đã hết sức nỗ lực hỗ trợ xe cộ, chỗ ở, việc làm. Mình điều tra tới tận xã, huyện, gia đình, từ Trà Vinh lên Lâm Đồng, làm việc với từ công an, hàng xóm. Mình viết đơn, liên lạc tới Hội Khuyến học, Hội bảo vệ trẻ ẹm từ cơ sở thấp nhất đến cao nhất có thể, liên hệ cả luật sư nổi tiếng về bảo vệ trẻ em. Và kết quả là gì? Chẳng nhận được một sự trả lời nào. Thậm chí túm cả một chị hội phụ nữ mình xin số bằng được và ngay gần họ, chị ta miễn cưỡng trả lời: “Vâng, để em xem”. Và đương nhiên không có một sự trả lời tiếp theo! Thế không phải họ bảo vệ 2 đứa trẻ con đó thì ai bây giờ?

2 đứa trẻ con biết chắc là cuộc đời sẽ bị chôn vùi, mình đành bất lực nhìn và cũng không biết phải làm thế nào. Các hội đoàn vẫn lấp lánh ánh sao.

Một người phụ nữ bị hành hạ, tống tiền, đánh đập thân tàn ma dại, ở cùng một cô con gái nhỏ tuổi teen vị chính bố ruột lạm dụng. Mình tìm cách giúp đỡ, mà ngay cả đưa chị ấy vào một cái “safe house” cho một tổ chức gọi là chuyên tiếp nhận và “bảo vệ” phụ nữ như thế này, rất là có tiếng. Nhưng mà chỉ một thời gian chính họ cũng phải bỏ chạy vì ở nơi đó họ không được giúp đỡ thật lòng, và cách thuyết phục, xử lý rất thiếu kỹ năng vê tâm lý học, khoa học, kỹ năng ứng xử với nạn nhân, những lời khuyên sáo rộng và thậm chí còn làm họ ngột ngạt thêm. Và kết quả rất nhiều các nạn nhân có khi vẫn còn quay lại cái máng lợn cũ nhà mình. Trong khi những tổ chức này thì tuyên truyền rất nổi, rất hay, với những hình thức màu mè hoa lá hẹ cành, màu xanh màu đỏ màu vàng màu hồng màu tím.

Nhà cậu bé Vàng Cường mà mình đã giúp đỡ đầu cả mấy năm nay. Mặc dù mình đã nhờ vả từ chính quyền địa phương lẫn các đoàn thể có thể như Mặt trận tổ quốc giúp tuyên truyền, để ý dùm gia đình đặc biệt này, thế mà rồi đứa bé 15 tuổi vừa lớn đã bị ép đi lấy chồng. Cũng lại chẳng làm cái gì được! Cũng chẳng có ai kiên quyết can thiệp! Thế là lại một cuộc đời của một đứa bé gái rơi tiếp vào vòng luẩn quẩn như số phận bi đát của mẹ nó. Khi mẹ nó đã không có được bất cứ một sự hỗ trợ, bảo vệ nào để dẫn tới cái kết thúc quá thương tâm!

Thậm chí cả một số trải nghiệm rất nhỏ như là, các tổ chức này còn tổ chức workshops, mời ông A bà B về dạy học, nào cho các nhà làm phim mới nổi, các nhà sản xuất âm thanh, các nhà…. Thế nhưng apply cũng đừng hòng bao giờ được vào lớp, và đương nhiên sau đó được biết những người được mời đi học cũng toàn đội nhà, người nhà… những người mà thậm chí còn chẳng theo ngành nghề, đi chỉ đơn giản vì nó là một cơ hội “free” của một tổ chức, còn người thực sự muốn cần muốn học thì lại chả đến lượt!

Còn cái vườn bác Hai. Tới giờ ngoài mình thực sự theo bác tới giờ ra, làm gì có ai? Mọi tổ chức đưa đơn, làm Proposal, sẵn sàng gặp mặt, nói chuyện, trình bày, nhưng xong đương nhiên thậm chí còn chẳng một lời trả lời để mắt. Cái lý do cái vườn “nhỏ quá” chẳng ai thèm quan tâm. Nhưng thực ra muốn thì sẽ có cách, làm thì cho nó to, thiếu cái gì thì bổ sung cái đó. Còn đã không muốn, 0 quan tâm thì chẳng có tổ chức, cá nhân nào để tâm cho được cả. Bởi vì cái vườn đấy nó không make noise, không tạo lợi ích truyền thông phông bạt được gì nhiều. Bảo vệ động vật à? Bảo vệ môi trường à? Bảo vệ phụ nữ à? Bảo vệ trẻ em à? Xời, trừ khi nó là cái gì gây được tiếng vang, có lợi ích rõ rệt để truyền thông, promote cho các tổ chức hội đoàn, thì tự nhiên nhỏ mấy mà chẳng to ra được!

Nếu các bạn tìm hiểu về luật và cách vận hành của rất nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức từ thiện, đều sẽ biết rằng, rất nhiều các tổ chức được thành lập vì 2 mục đích chính: Lách thuế và Hợp pháp hóa tiền bất hợp pháp. Nôm na dân dã là Trốn Thuế và Rửa Tiền. Và cả một mục đích thứ ba là mang tính chất chính trị hóa để gây sức ép (đặc biệt là các thể loại mang danh movements). Những đội này đều đươc hậu thuẫn bởi tài phiệt, tập đoàn, chính phủ…. Nên luôn được ưu tiên, luôn trong “grey areas”. Tiền bạc thì bao la, dự án thì phấp phới, chỉ có mỗi hiệu quả và sản phẩm thì qua kinh khủng mà thôi, nhưng mà cũng chẳng ai làm gì được hay ai dám động vào. Những hoạt động màu mè nào thuê celebs bảo vệ rừng, cây xanh, động vật, mặc hồng mặc cam, chạy tới chạy lui, concerts thời trang đồ, music movies đồ… với những sự lòe loẹt phông bạt, các sản phẩm media thì vô cùng tệ hại về chất lượng và chưa bao giờ có một tính chất hiệu quả cho việc thực hiện các mục đích mà họ thực sự đề ra như cái tên gọi tổ chức của họ. Sản phẩm tệ bởi vì tiền rót xuống thì rất nhiều và tiền vào sản phẩm thì chỉ còn cái móng tay. Và họ thì cho rằng họ bất khả xâm phạm!

Vì “bất khả xâm phạm” nên đâm ra các nạn nhân thấp cổ bé họng, bị ăn cắp chất xám, bị bắt nạt lại cứ đâm ra phải “hèn” không dám lên tiếng. Thói xấu và ảo tưởng sức mạnh lại càng lộng hành!

Bạn Hương bảo “sao chị ngầu thế”, em bóc còn chưa nói thẳng tên tổ chức ra chị vào nói hộ thay em vậy 😊)). Mình nói thật mình chẳng nhớ mặt nhớ tên bất cứ ai mà họ đã gây phốt ra với mình, chả có tư thù cá nhân với bất kỳ ai trong các hội nhóm này. Nhưng mà mình cũng chẳng sợ chẳng ngại ai, bởi vì mình sống rất đàng hoàng, làm cái gì cũng xuất phát từ tâm và tấm lòng, làm có trách nhiệm, làm tới cùng. Chưa tơ hào của ai bất cứ một đồng cắc. Tự lương tâm và ý nguyện trong sạch, và mình là người nói là làm, làm được việc. Tiền bạc mình kiếm, sức lao động mình làm cũng không phải nhờ vả ai, phải sống vì dư luận, phông bạt hay cộng đồng. Nên mình chả phải ngán ai, ngại ai. Ngược lại, đội phông bạt, đội đạo đức giả, đội dối trá lúc nào mà chả phải giấu, phải ngại mình, phải ghét mình. Nên tâm lý của người đàng hoàng là cứ đàng hoàng, chỉ có bọn không có tâm và khuất tất mới phải ngại. Mình ghét sự đạo đức giả, cực kỳ ghét. Nên ai mà cố tỏ ra phông bạt với dối trá với mình là mình phản ứng rất mạnh. Điển hình chính là mấy câu chuyện trên mình vừa kể với các bạn.

Đương nhiên không thể có chuyện vơ đũa cả nắm được vì mình đã được gặp và đã, đang làm việc với một số tổ chức, cơ quan, hội đoàn (mặc dù các vấn đề “kỳ kỳ” vẫn rất rõ ràng) nhưng sở dĩ mình vẫn làm việc được, bởi may rằng trong các tổ chức ấy vẫn có người có tâm, rất có tâm, kiên quyết chống chọi để được làm những điều họ cho là đứng đắn như mục đích ban đầu họ tham gia vào các tổ chức này. Và nhờ có họ, mình vẫn còn chút niềm tin vào một số hội nhóm, tổ chức ngoài kia để có thể làm việc cùng và được thực sự làm điều tử tế. Bởi vì nói gì thì nói, một mình mình làm sao làm được bao nhiêu điều, một mình mình đâu cứu được cả thế giới. Vẫn phải có chỗ dựa dù vẫn đang tìm mướt mải!

Mình vẫn luôn mong, chờ, được may mắn gặp những tổ chức, hội đoàn thực sự tử tế để lấy lại được niềm tin, được làm việc cùng với họ.

Chứ còn với những trải nghiệm xấu bữa giờ, mình chỉ có 1 từ là: “Đéo”! Tin vào hội nhóm để bán nhà à!

Chia sẻ với các bạn câu chuyện bạn Huong Dang với tổ chức UN women đồ, tổ chức phụ nữ cứ gọi là lớn nhất thế giới đấy, mà còn làm ăn thế này, ăn cắp ăn trộm ý tưởng của người khác và ngang nhiên coi thường người ta thế này, quả thật… với mình không quá ngạc nhiên. Bữa xem mấy clips tuyên truyền của họ, mình cũng đã suýt ngất vì tại sao có thể làm thiếu có tâm và quá kém chuyên nghiệp, không hiểu nổi cái thông điệp “bình đẳng giới” với “chống bạo lực giới” vân vân mây mây được truyền tải thiếu chuyên nghiệp và tệ tới mức như thế! Thực sự!

Mình sẽ gửi link bài của Hương ở comment cho các bạn hóng full câu chuyện!

(1) Ha Kin – Quả là một câu chuyện rất cần share. Cũng là một câu… | Facebook

#594: 𝐓Ộ𝐈 𝐏𝐇Ạ𝐌 𝐕À 𝐍Ạ𝐍 𝐍𝐇Â𝐍 𝐁Ị 𝐗Â𝐌 𝐇Ạ𝐈 𝐓Ì𝐍𝐇 𝐃Ụ𝐂: 𝐍𝐇Ữ𝐍𝐆 Đ𝐈Ề𝐔 CƠ BẢN 𝐁Ạ𝐍 𝐍Ê𝐍 𝐁𝐈Ế𝐓!

𝐓Ộ𝐈 𝐏𝐇Ạ𝐌 𝐕À 𝐍Ạ𝐍 𝐍𝐇Â𝐍 𝐁Ị 𝐗Â𝐌 𝐇Ạ𝐈 𝐓Ì𝐍𝐇 𝐃Ụ𝐂: 𝐍𝐇Ữ𝐍𝐆 Đ𝐈Ề𝐔 CƠ BẢN 𝐁Ạ𝐍 𝐍Ê𝐍 𝐁𝐈Ế𝐓!

Note: “Tội phạm tình dục” bao gồm “xâm hại TD”, “quấy rồi TD”, “tấn công TD”… nói chung

Một số sự thật bạn nên, hay là bắt buộc phải hiểu về tội phạm tình dục/tấn công tình dục và tâm lý nạn nhân đó là:

𝐈. ̲𝐕Ề 𝐓Í𝐍𝐇 𝐓Â𝐌 𝐋Ý/𝐁Ệ𝐍𝐇 𝐋Ý 𝐇Ọ𝐂:

1. Sự tổn thương tâm sinh lý của nạn nhân bị tấn công/xâm hại tình dục là một trong những loại tổn thương mang 𝐭í𝐧𝐡 𝐜𝐡ấ𝐭 𝐩𝐡á 𝐡ủ𝐲 𝐥ớ𝐧 𝐧𝐡ấ𝐭 đối với một con người. Nó có thể theo nạn nhân đến cuối cuộc đời, chảy âm ỉ trong lòng như nham thạch. Tùy vào hoàn cảnh, bản lĩnh tâm lý, môi trường và sự may mắn của mỗi người mà nạn nhân có thể vượt qua hay không là khác nhau. Nhưng có những nạn nhân thậm chí lại trở thành kẻ lạm dụng người khác do sự phá hủy từ chính việc là nạn nhân. Sự đau đớn tủi nhục không chỉ ở nạn nhân mà còn với người thân của họ, mức độ nhiều khi không hề kém cạnh, thậm chí còn bùng nổ hơn cả chính nạn nhân.

2. Chừng nào kẻ thủ ác còn nhơn nhơn thì nỗi đau đớn tủi nhục và căm hận trong lòng nạn nhân còn sẽ không bao giờ mất đi, cho dù là thời gian có bao lâu đi chăng nữa. Vậy nên, đây cũng là loại tội phạm được một số nơi đề xuất ở mức án tử hình, vì đôi khi cả cái chêt và sự trừng phạt cao nhất của pháp luật cũng chưa chắc làm nguôi ngoai được nỗi đau của nạn nhân và người thân của họ. Vậy nên không nên ngạc nhiên khi cả mấy chục năm sau, nạn nhân vẫn mang nỗi hận rất lớn trong lòng mỗi khi bị khơi gợi lại nỗi đau.

3. Sự vượt qua cú sốc tinh thần của mỗi nạn nhân là toàn khác nhau, tùy thuộc vào tâm sinh lý, sự tự chữa lành, hoàn cảnh, môi trường gia đình và xã hội, thời thế, nhận thức mỗi người khác nhau. Và với nhiều người nỗi đau luôn âm ỉ trong lòng không bao giờ mất đi, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi sau nhiều ngày nhiều tháng, nhiều năm, thậm chí một vài chục năm sau nạn nhân mới lên tiếng, và họ vẫn mang nỗi phẫn uất giữ nguyên trong lòng như chuyện mới từ hôm qua. Thời thế khác nhau, nhận thức của xã hội và bản thân mỗi người cũng đã thay đổi nhiều, ngày nay nhiều người đã dũng cảm để lên tiếng nhiều hơn dù là chuyện của quá khứ đã rất xa! Nên ngày xưa họ không dám lên tiếng, thì bây giờ họ lên tiếng. Đừng ngạc nhiên vì điều đó!

4. Các nạn nhân hay có tâm lý về sự đổ lỗi cho bản thân. Cho rằng lúc đó tại sao mình không phản kháng lại tốt hơn? Tại sao mình lại hớ hênh để chuyện đó xảy ra? Cho rằng tại sao mình đã không dám lên tiếng? Tại sao mình lại thiếu hiểu biết? Trong mọi trường hợp, hãy hiểu rằng. Khi bạn đã là điểm ngắm, là con mồi của kẻ hiếp dâm, thì nghĩa là bạn đang ở các hoàn cảnh dễ bị tổn thương, thiếu sự đề phòng và tự vệ kém nhất. Lúc đó, không một ai có thể chống đối hay làm được “tốt hơn” được cả!

5. Các nạn nhân khi xảy ra chuyện cũng rất dễ bị mắc bẫy, bị thao túng tâm lý do hoàn cảnh đặc biệt không muốn bị mang tiếng là bị hiếp dâm, áp lực từ gia đình, xã hội. Tâm sinh lý lúc này cũng đang rất rối loạn. Có rất nhiều bẫy bị giăng ra như dụ tiền bạc, dụ nhận có mối quan hệ tình cảm, những sự hứa hẹn… nhưng thực chất chỉ để làm bằng chứng cho các nạn nhân sau này sẽ há miệng mắc quai. Mà nạn nhân thì luôn dễ bị gài bẫy và bị tấn công hơn.

6. Sự lên tiếng của nạn nhân cần phải được trân trọng và ủng hộ: Dẫu biết rằng một tội phạm tấn công tình dục trót lọt không có sự tố cáo sẽ tiếp tục dẫn tới các nạn nhân tiếp theo. Nhưng không ai bắt bất cứ một nạn nhân nào phải có trách nhiệm lên tiếng, để bảo vệ hay tố cáo thay cho những nạn nhân khác, vì sự tổn thương, hoàn cảnh, tâm sinh lý của mỗi nạn nhân là khác nhau. Tuy nhiên, tất cả nên hiểu rằng, nếu một nạn nhân lên tiếng, đó là điều vô cùng tốt đẹp và cần khuyến khích, không phải là điều để bị dè bỉu hay chỉ trích. Bởi vì nhờ những tiếng nói đó mà rất nhiều nạn nhân khác sẽ được giải tỏa và sẽ phòng chống được cho các nạn nhân tương lai. Nếu bạn ngăn chặn và chỉ trích, coi thường những sự lên tiếng này, tư cách và nhận thức của bạn không khác gì một kẻ hiếp dâm!

7. Đây không phải là loại hình nạn nhân mà ai cũng vui vẻ hay sung sướng, bất chấp để tự hào khoe khoang, vạch ra cho cả thiên hạ biết. Nhất là với những người đã có gia đình, con cái ổn định sau nhiều năm. Nên trừ khi người đó có vấn đề về bệnh tâm lý, hay được rất nhiều tiền/lợi ích cực lớn, mà rất nhiều tiền hay lơi ích nhưng cũng phải có tâm sinh lý bất thường, bất chấp (sociopath), thì mới coi đó là công cụ để vùi dập, tố cáo người khác, kêu gào lên cho cả thiên hạ biết thằng đó đã hiếp tôi. Nên nếu ai coi nạn nhân tố cáo vì họ hận tình/mưu đồ nhưng không có tính logic cụ thể với mỗi trường hợp thì hãy thận trọng trong lời tố cáo, chỉ trích của mình, và hãy xem xét lại xem tư duy của mình cũng có đang bị lệch lạc hay không (nếu còn ở dạng tự biết được).

8a. Nạn nhân tình dục là bao gồm 𝐦ọ𝐢 𝐠𝐢ớ𝐢 𝐭í𝐧𝐡, 𝐦ọ𝐢 𝐥ứ𝐚 𝐭𝐮ổ𝐢, không chỉ là trẻ em gái hay phụ nữ.

8b. Xâm hại/tấn công tình dục có thể diễn ra dưới 𝐫ấ𝐭 𝐧𝐡𝐢ề𝐮 𝐡ì𝐧𝐡 𝐭𝐡ứ𝐜 𝐤𝐡á𝐜 𝐧𝐡𝐚𝐮: tác động vật lý hay tâm lý, trong hay là ngoài.

9. Đặc thù đây là một loại tội phạm 𝐫ấ𝐭 𝐤𝐡ố𝐧 𝐧ạ𝐧 𝐯à 𝐧𝐡ụ𝐜 𝐧𝐡ã, nên việc đồng thuận, bao che hay ủng hộ và hùa theo loại tội phạm này có 3 trường hợp:. 1 là vì bị thao túng tâm lý, vì những lợi ích cụ thể, hay bị đe dọa khiến buộc phải đi trái với lương tâm, bất chấp luân thường đạo lý và dư luận để hùa theo hay bao che cho kẻ thủ ác. 2 là hệ đồng phạm. Tức là chính bản thân bọn chúng cũng có tư tưởng hiếp dâm, đổ lỗi tại nạn nhân, có những hoạt động tương tự hoặc thậm chí nhận thức rằng đó là việc “cũng bình thường”, vì chúng cũng làm thế và không thấy sai (hệ psychopath). Thứ ba là sự kém hiểu biết về pháp luật, tâm sinh lý, và nhận thức xã hội về loại tội phạm này. Họ rơi vào các thành phần bị giáo dục kém, lệch lạc, không hiểu tâm sinh lý của người khác, thích nói cho sướng mồm, thỏa mãn sự ngu dốt và kém hiểu biết, lệch lạc của bản thân.

10. Đây là loại tội phạm khi vào tù lại bị chính những kẻ tội phạm khác khinh bỉ nhất, đặc biệt là loại hiếp dâm trẻ em (Pedophilia). Những đối tượng này rất hay bị hiếp dâm lại chính bởi các tù nhân khác, vì loai hiếp dâm là một trong những thể loại tội phạm hèn hạ mà ngay chính những kẻ tội phạm khác còn căm ghét. Và việc bị hiếp khiến cho chúng một phần hiểu việc bị xâm phạm thân thể người khác nó đau đớn và nhục nhã tới thế nào.

11. Kẻ hiếp dâm/tấn công tình dục không thể ăn năn hối cải: Đây là một dạng 𝐩𝐬𝐲𝐜𝐡𝐨𝐩𝐚𝐭𝐡/𝐬𝐨𝐜𝐢𝐨𝐩𝐚𝐭𝐡/𝐧𝐚𝐫𝐜𝐢𝐬𝐬𝐢𝐬𝐭. Chúng 𝐤𝐡ô𝐧𝐠 𝐭𝐡ể 𝐭𝐡𝐚𝐲 đổ𝐢 𝐡𝐚𝐲 𝐡ố𝐢 𝐥ỗ𝐢i. Chúng bị những rối loạn về tâm sinh lý do lỗi gene di truyền/do hoàn cảnh giáo dục hay bị lạm dụng khi lớn lên. Nhưng phần lớn là do bị lệch lạc về tâm sinh lý, đó đã là một dạng bản năng mà chính bản thân bọn chúng cũng không thể kiềm chế được. Chúng không có sự cảm thông hay hiểu được nỗi đau của nạn nhân, chúng chỉ cần biết thỏa mãn được phần bản năng. Vậy nên về cơ bản không hy vọng về việc chúng có thể hối cải, thay đổi. Dù có bị nhốt tù hay trừng phạt bao nhiêu năm thì có những kẻ vừa được ra tù buổi sáng sau 20 năm bị nhốt buổi chiều đã phải lao ra đường tìm kiếm con mồi để cưỡng hiếp. Không bao giờ có khái niệm chúng chỉ lạm dụng tình dục duy nhất một nạn nhân trong đời. Chẳng qua những nạn nhân còn lại không thể lên tiếng/không dám lên tiếng/không được lắng nghe/chưa được tìm thấy mà thôi. Đó cũng là những lý do vì sao loại tội phạm này khi ra tù và thả vào cộng đồng phải đeo thiết bị theo dõi và thông báo chặt chẽ, rộng rãi cho toàn thể những người sinh sống và làm việc ở gần các đối tượng này. Cho rằng kẻ hiếp dâm có thể thay đổi, hối lỗi… là một trong những suy nghĩ ngây thơ và thiếu hiểu biết nhất. Và vô tình vì thế mà gián tiếp khiến gây ra các nạn nhân tiếp theo. Loại tội phạm này, là phải cảnh giác chúng cả cuộc đời, và chúng diễn kịch, vỏ bọc cực hay!

12. Các nạn nhân (trừ nhiều người theo đạo, không có điều kiện phá thai, áp lực gia đình, xã hội…) nếu bị dính bầu đều hầu như không muốn có con với chúng. Vì thứ nhất không ai muốn có con với kẻ đã hãm hiếp mình. Thứ hai, xét về bệnh lý học thì chúng đều mang những gene di truyền bị lỗi về tâm lý (mental health), và chúng có thể pass on lên những đứa trẻ là con chúng, tiếp tục sinh ra những con người bị lỗi hệ gene tâm lý.

̲𝐈𝐈. 𝐕Ề 𝐓Í𝐍𝐇 𝐗Ã 𝐇Ộ𝐈/𝐋𝐔Ậ𝐓 𝐏𝐇Á𝐏:

13. Đây là loại tội phạm có đặc tính khó xác định phân xử nhất trong các loại tội phạm. Tiếng Anh hay có cụm từ: “𝘩𝘦 𝘴𝘢𝘪𝘥 – 𝘴𝘩𝘦 𝘴𝘢𝘪𝘥”. Tức là nạn nhân nói một câu chuyện, kẻ hiếp dâm nói một câu chuyện. Kẻ hiếp dâm luôn nhận rằng đó là “tình dục đồng thuận”, thậm chí còn rêu rao có mối quan hệ tình cảm với nạn nhân. Việc một sự việc quan hệ tình dục diễn ra rất khó để xác định đồng thuận hay không do không thể có được bằng chứng vật lý dễ dàng từ loại tội phạm này hay ai ở đó mà quan sát cả. Đặc biệt bây giờ, khi có thêm những loại thuốc hiếp dâm/kích dục như 𝐆𝐇𝐁 (𝐠𝐚𝐦𝐦𝐚-𝐡𝐲𝐝𝐫𝐨𝐱𝐲𝐛𝐮𝐭𝐲𝐫𝐢𝐜 𝐚𝐜𝐢𝐝), 𝐑𝐨𝐡𝐲𝐩𝐧𝐨𝐥… Thuốc có thể ngấm vào đồ ăn thức uống, không mùi, không vị, khiến nạn nhân hoàn toàn mất tỉnh táo như thể say rượu hay bị choáng. Những loại thuốc thế hệ mới thậm chí không thể nào tìm thấy trong nồng độ máu chỉ sau 4 giờ. Nên nạn nhân nếu tỉnh dậy cũng không kịp đi giám định. Các nạn nhân cũng rất dễ bị thao túng tâm lý nên đôi khi bị lừa, mắc bẫy khiến họ há miệng mắc quai để biện hộ cho chính mình.

14. Đặc biệt ở 𝐧𝐡ữ𝐧𝐠 𝐧ướ𝐜 đ𝐚𝐧𝐠 𝐩𝐡á𝐭 𝐭𝐫𝐢ể𝐧, sự nhận biết của loại tội phạm này trong dân trí, kể cả ở đối tượng hành pháp cũng còn rất thấp. Nạn nhân khi bị xâm hại không đủ kiến thức để biết mình phải làm gì, báo ai, giám định thế nào, chưa kể sợ hãi gia đình, người thân biết chuyện. Ngay cả khi họ tới các cơ quan công quyền cũng không có đủ cán bộ hiểu biết về tâm sinh lý để biết hỗ trợ đúng lúc, đúng việc. Thậm chí thay vì đứng về phía nạn nhân, để tránh rắc rối (vì như đã nói đây là tội phạm rất khó điều tra), còn được khuyên nạn nhân nên bỏ qua hoặc tìm cách điều hướng nạn nhân để họ không còn bằng chứng để kiện cáo (ví dụ cho thông tin xử lý sai để mất đi thời điểm vàng có thể giám định). Đặc biệt nếu kẻ bị tố cáo có chức có quyền, có uy hơn nạn nhân thì vụ việc sẽ bị chìm đi rất nhanh chóng.

15. Các nước đang phát triển là thiên đường cho bọn tội phạm tình dục bệnh hoạn. đặc biệt các đối tượng ấu dâm từ các nước phát triển nơi bọn chúng khó có đất manh động dễ dàng. Bởi vì những nơi đây sự nghèo đói và nhận thức kém về xâm hại tình dục là miếng mồi béo bở. Các hình phạt lỏng lẻo, thậm chí còn không đủ điều luật cho nạn nhân bị hiếp dâm. Tính sĩ diện, thiếu nhận thức của cộng đồng, gia đình khiến cho nạn nhân không dám lên tiếng hoặc không được bảo vệ. Rất nhiều các gia đình còn hồn nhiên giao con nhỏ cho “Tây” trông vì cho rằng Tây thì sẽ an toàn, Tây là văn minh, Tây là tất cả! Trẻ em và phụ nữ lang thang đường phố là những nạn nhân bị xâm hại nhiều nhất, vì không ai bảo vệ hay quan tâm đến họ.

16. Sự kém hiểu biết về loại tội phạm này thể hiện trong hệ thống pháp luật. (Ví dụ như VN chưa có hệ thống Luật chặt chẽ để bảo vệ nạn nhân tình dục. Việc một nạn nhân bị tấn công xâm hại có khi cũng chỉ có mức phạt 200k). Các nạn nhân cũng không được các cán bộ/nhân viên an ninh có nghiệp vụ tốt để bảo vệ, xử lý.

17. Do tính chất của việc các nạn nhân không dám lên tiếng, chia sẻ với người thân, bạn bè. Tỉ lệ thực sự các nạn nhân bị xâm hại dám tố cáo hay công khai là rất thấp tới mức không thể thống kê. Nên rất nhiều người cho rằng “đó là chuyện ở đâu xa”, không phải là chuyện gần mình. Nên họ có thể rất hồn nhiên đổ lỗi, chỉ trích, nói lời xúc phạm, khinh bỉ tới các nạn nhân mà không biết rằng chuyện này có thể xảy ra với bất cứ ai, với chính họ hay người thân của họ. Và chắc gì chính người thân của mình có đang là nạn nhân hay không và vì chính sự thiếu hiểu biết, ác miệng của họ mà khiến người thân của họ không thể chia sẻ với họ và đang phải chịu những tủi nhục trong lòng. Những nạn nhân như vậy, có sự bất hạnh gấp đôi. Vậy nên khi buông lời chỉ trích những nạn nhân bị xâm hại tình dục, hãy cẩn trọng về hậu quả từ lời nói của chính mình.

18. LÊN TIẾNG LÀ THÀNH TỰU LỚN NHẤT: Do tính chất của loại tội phạm này rất khó xác định để xử lý, nạn nhân lại dễ bị thao túng tâm lý và dễ bị mắc bẫy, bị gây áp lực, yếu mềm về tinh thần. Pháp luật và nghiệp vụ nhiều quốc gia như Việt Nam, còn lỏng lẻo, kém hiểu biết. Nên rất nhiều trường hợp pháp luật không thể nào xử lý và các nạn nhân chỉ biết kêu cứu, uất ức trong sự cô đơn, im lặng của xã hội, pháp luật. Nhưng thực ra với loại tội phạm này, thành tựu lớn nhất và ý nghĩa nhất mà ít nhất mỗi nạn nhân có thể làm được đó là lên tiếng tố cáo. Có thể không thể tống chúng được vào tù, nhưng cũng đã đủ mang sự nhục nhã tới muôn đời muôn kiếp. Dù có giàu có, thành đạt tới cỡ nào thì mác hiếp dâm sẽ mang theo cả đời, và tương tự như các nạn nhân, nếu nỗi đau lan cả sang người thân của họ thì với kẻ hiếp dâm: vợ con, bố mẹ, người thân của chúng cũng mang theo mọi sự nhục nhã mà nó đã gây ra suốt cả đời!

(𝘊ò𝘯 𝘵𝘪ế𝘱).

Các bạn hãy chịu khó xem bộ tội phạm kinh điển Law and Order của Mỹ. Đó là một bộ phim truyền hình rất tốt về tuyên truyền về loại tội phạm này, giúp nâng cao nhận thức của rất nhiều người về tội phạm tấn công tình dục, cả tâm sinh lý, kiến thức xã hội, pháp luật. Hãy nhớ rằng đây là loại tội ác mà có thể xảy ra với bất kỳ ai, với bất cứ độ tuổi nào, giới tính nào, có thể với chính người thân của bạn mà bạn đang không biết. Và sự phá hủy tâm sinh lý của nó là vô cùng khủng khiếp!

Nên hãy thận trọng khi phát ngôn về các nạn nhân bị tấn công tình dục!

Trộm vía, may mắn. Tôi chưa từng là một nạn nhân của việc xâm hại tình dục. Nhưng đó còn là một phần rất lớn bởi tôi được trang bị kiến thức về tâm sinh lý, biết được bảo vệ bản thân từ nhỏ. Và giờ đây khi là một người làm phim tài liệu, có cơ hội quan sát, lắng nghe rất nhiều câu chuyện của các nạn nhân trực tiếp và nghiên cứu các tài liệu, đủ trang bị những kiến thức và nhận thức cơ bản để có được sự cảm thông, hiểu biết tới các nạn nhân, dù đôi lúc chỉ là phần nào.

Tôi mong nhiều hơn nữa những sự lên tiếng để tránh thêm những nạn nhân cho tương lai và thay đổi nhận thức xã hội, pháp luật!

Bài này tôi mới tóm tắt thôi đó! Đừng chê dài, đọc đi! Và sẽ còn được post lại nhiều lần!

Facebook

#593: Nhật ký xe ôm: Cú xe ôm cuối năm

Chuyện xe ôm ngắn gọn chiều cuối năm:
3 xe ôm sát cạnh nhau buôn rôm rả:
Xe A:
-Chạy kịp không anh? Em ôm không xuể có lúc chở 3 khách cùng lúc cho nhanh.
Xe B:
– 3 khách là gì. Tôi chạy hết sạch pin còn phải dùng cả pin con thỏ để hỗ trợ để kịp đi đón khách đây này.
Xe C với sang:
– Các chú thua anh hết. Anh còn 1 mình chạy 2 xe cùng lúc, điện thoại nổ cuốc nhiều còn cháy đen sì đây!
Tôi (co người lại):
– … sao tự nhiên rét thế nhỉ?
Vâng, đó là cuộc hội thoại chớp nhoáng trong lúc chờ đèn đỏ. Hôm nay là ngày cuối cùng của năm, tôi đã phải chờ hơn 40 phút để có được cuốc xe quý này cùng với số tiền đã tăng lên gấp đôi. Mà vớ được xe thế này mừng quá rồi. Người ta còn phải chạy một mình 2 xe thế kia mà còn không đủ lượng cung kia kìa!
Xuống xe, tôi hỏi xe ôm:
– Chốc nghỉ đi xem pháo hoa không?
XO:
– Pháo hoa gì tầm này, tranh thủ ít xế thì cày thôi chị.
Xong rồi đêm về nhiều tiền sẽ được vợ hôn chị ạ. Bọn em có pháo hoa của bọn em chứ!
Ôi xồi ôi, không hiểu ý pháo hoa riêng tư đấy nghĩa là gì lắm nhưng mà tự nhiên nghĩ ngày cuối cùng của năm thế này là đáng yêu rồi. Cần gì to tát :))
Chúc cả nhà năm mới thật vui nhé!
https://www.facebook.com/hakinkin/posts/10160419438865940

#592: Thì tao dở hơi như thế đó…

Bạn nay tâm sự với mình: “Thực sự tới ngày hôm nay, khi thấy đứa con tớ đang đứng cạnh mẹ mà bất ngờ đi ra giữa đường nhặt một cái túi ni lông vứt vào thùng rác, và chuyện hôm nọ lúc 2 mẹ con xếp hàng, dù bất cứ giá nào và phải chờ bao lâu nó cũng không cho mẹ chen hàng lên dù chỉ một chút. Tớ nhớ tới cậu rất nhiều. Ngày xưa khi đi học, khi thấy cảnh cậu mở cái túi cậu ra đầy rác bên trong tớ đã từng nghĩ cậu là đứa không bình thường và sống bẩn. Tớ nghĩ cậu ở nước ngoài về có những hành xử kỳ kỳ, nói chuyện nhiều khi thẳng thắn hoặc ngây thơ quá. Nhưng sau này khi tớ hiểu cái túi của cậu đầy rác như vậy là vì cậu thà vứt rác vào trong túi mình đem về chứ quyết không xả ra ngoài đường, khi hài đứa mình đèo nhau trên phố đèn còn đỏ dù cả đường đã đi cậu vẫn không cho tớ đi. Tới giờ thực sự khi thấy con tớ như vậy tới mới hiểu được cậu đã khác biệt với bọn tớ từng nào khi lớn lên. Dạo gần đây, tớ lại nghĩ về cậu nhiều khi tớ nói chuyện với con tớ. Chắc cậu cũng ít nhiều luôn gặp khó khăn khi hòa nhập ở xã hội này khi cậu trở về đúng không?”

Thào nào tự nhiên được bạn mời ăn trưa nói chuyện. Và bạn cũng không phải là người đầu tiên trong số những người bạn học cùng hay mình quen sau này khi mình trở về Việt Nam tâm sự với mình như vậy. Việc lớn lên ở giữa hai nền văn hóa Đông Tây hòa trộn và được giáo dục ở một môi trường hoàn toàn khác biệt với các bạn đồng lứa khi trở về nhà quả thực đã đem lại rất nhiều sự khó khăn cho mình khi hòa nhập. Và sự khó khăn ấy vẫn tồn tại tới tận bây giờ. Khi những suy nghĩ, quan điểm, và cả những hành động mình làm một là sẽ bị coi là lập dị không thực tế, hay là dở hơi, hai là sẽ mang lại sự nghi ngờ vì không thể nào “có tâm” tới thế được. Khi những đứa trẻ con xung quanh vẫn còn được mẹ bế ra đường đứng đái vỉa hè, được nhìn bố mẹ cách chen hàng, vượt đèn đỏ, rác tiện thì vứt đâu mà chả được, trẻ con mới đẻ phụ nữ có bầu vẫn bị hút thuốc chĩa vào mặt, “thịt chó” là một món văn hóa truyền thống… thì mình đã cặm cụi nhặt rác của bất cứ ai cho vào thùng rác. Kiên quyết không chen hàng, vượt đèn đỏ dù phải đợi tới bao lâu. Thấy ai xấu tính, nói dối nhất định không hùa theo và có quan điểm của bản thân rất rõ ràng. Coi tất cả mọi người là bình đẳng, không vì ai giàu hơn mà phải nịnh phải nhún, không vì ai nghèo hơn mà khinh bỉ coi thường. Đã yêu cái gì là thể hiện bằng thực chất, dù là một cái cây ngọn cỏ, một con vật đáng thương! Đã thấy cần giúp là giúp không có bất cứ mưu đồ vụ lợi gì!

Và đúng thế, mình lớn lên như thế và đã vẫn luôn khó khăn vì sự hòa nhập, vì những quan điểm hay ý tưởng không phải ai cùng thời hay trang lứa cũng hiểu. Và tới một mức nào đó, đã quen với những việc đó, cho dù có một điều rõ ràng là mình sẽ luôn bị thiệt thòi, vì mình không biết nói dối, yêu ghét quá rõ ràng, làm gì cũng thật lòng và nhiệt tình (đôi khi nhiệt quá). Thế là một là bị ghét, hay là bị lợi dụng, bị lừa, bị tưởng là mình ngu. À, tuy rằng thẳng thắn và thể hiện thái độ yêu ghét khá rõ ràng, nhưng sự thực là mình cũng bị ảnh hưởng một thứ mà mình rất không thích, và cũng tùy trường hợp thôi, đó là tính cả nể. Sự cả nể này lại đến từ việc lúc nào mình cũng ngại sợ làm tổn thương người khác. Tức là nghe thì nó rất mâu thuẫn nhưng sự thực là thẳng mình vẫn thẳng, mà đôi lúc gặp một số ca mình vẫn bị cái tội cả nể nó lấn át trước khi mình lại phải thẳng toẹt ra vì họ không có điểm dừng. Và thẳng thì thẳng nhưng thẳng với tùy người, lúc nào cần tế nhị rất tế nhị, chứ 0 làm sao mà làm được đạo diễn tài liệu :D.

Nhưng không sao cả, nếu được lựa chọn khác mình cũng 0 lựa chọn khác. Mình vẫn tự hào và thấy may mắn vì được lớn lên với đủ các nền văn hóa pha trộn trong ý thức như vậy. Thì đúng là thiệt thòi, làm gì cũng có chút vất vả, nhưng mà nó cũng lại có những thứ mà cũng chỉ mình có được và tự mình có thể hưởng. Nói chung nói ra thì cũng không phải ai cũng hiểu được những tâm sự này. Có lẽ những bà mẹ ông bố thế hệ mới như bạn mình sẽ hiểu dần qua những đứa con của họ đang lớn dần lên trong thời đại này.
Mình nhớ có chị bạn mình có lần ngồi mắng mình là: “Thì biết là người ta vô ý thức rồi, nhưng mình cũng phải thể hiện thái độ với bọn nó làm gì cho bị ghét, mình nhắm mắt bỏ qua đi”. Mình hỏi lại chị í, người vừa kể cho mình nghe chuyện đứa con gái của chị í nhất định tố cáo với thầy cô việc bạn nó dùng AI để làm thay homework là: “Thế nếu là con chị, chị có nghĩ nó sẽ làm giống em không?” Chị cụp xuống: “Ừ nhỉ” : ))

Thế nên các bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy mình làm những việc như cái vườn chim của ông Hai nhiều năm nhiều tháng, khi mà không một ai ở lại trừ mình vẫn đồng hành, không những không có bất cứ lợi ích gì mà còn đã tốn thời gian và tiền bạc cho một con người ở một nơi rất xa, cho hàng nghìn con chim trời khi mà ngoài kia người ta vẫn gọi món chim ăn ầm ầm. Cương quyết dù bị dìm tương tác tới cùng cũng không thay đổi làm hỏng tiếng Việt để lách luật dù chỉ một từ, và cực ghét thói đạo đức giả với đội nổ!

Cũng có nhiều điều nữa mình làm, mình nói, đặc biệt là trong những bộ phim tài liệu của mình. Có thể cũng còn phải một thời gian nữa, có thể nhanh, có thể còn lâu mới được nhiều người hiểu. Nhưng từ từ rồi sẽ được hiểu. Còn ai giận ai 0 hài lòng thì mình đành kệ thôi, 0 có khái niệm níu kéo bất cứ ai trong cuộc đời này. Cứ bình tĩnh mà sống 😊).

P/S: Đương nhiên không phải đứa trẻ con nào lớn lên ở nước ngoài cũng “dở hơi” như mình. Và không phải là đứa nào cũng phải đi nước ngoài mới “dở hơi” như thế. Nó là sự kết hợp của tính cách trời cho và sự ảnh hưởng của bố mẹ phần lớn nữa! Xét cho cùng thì cũng là do cái nết tao nó thế đó các mày ạ 😊)

Ảnh: Nụ cười tít mặt sinh nhựt 15 tủi ở NYC, hồi đó sao được nhiều quà thế nhỉ, giờ bớt ngoan xinh yêu ít quà hẳn 😊)). Nhưng nay vẫn được quà của Hà Linh vui ghê!

 

Facebook

#591: Nhật ký xe ôm: Thiên tài của những con số mà thiếu may mắn

Nay có quả xe ôm có nụ cười to và hào sảng y hệt ông già Noel, tới mức cả phố còn phải ngoái lại nhìn.

Trời đã hơn 10h đêm, phố xá vẫn đông nghịt đằng trước. XO thở dài:

“Sao ngày gì mà thiên hạ ra đường đông thế nhỉ? À, hình như là tàu đang về”.

Tôi:

“Chắc hôm nay thứ bảy, trời lạnh dễ chịu, lại sắp Noel nên thiên hạ đi chơi đông đó mà”.

XO:

“Thiên hạ sướng thế nhỉ, người ta đi chơi còn mình cứ phải đi làm thế này”.

Tôi (an ủi):

“Người ta ra đường mất tiền. Mình ra đường có tiền, mình phải sướng hơn chứ”.

XO:

“HO HO HO. Hay quá, hành khách an ủi thật tuyệt vời. HO HO HO”.
Nụ cười Santa của XO to tới mức át được cả sự đông đúc của phố phường.

Thấy đông quá, xe ôm rẽ sang đường lạ, vừa rẽ vừa thanh minh:
“Mình điều hướng bạn nhé, hướng kia dự toán là sẽ chậm trễ so với kế hoạch thi công đường về”

Nghe giọng bạn thật là hài hước và chuyên nghiệp. Tôi phì cười. Xe rẽ đường khác nhưng hóa ra vẫn không nhanh hơn do có tàu chạy thật.

“Thì ra đúng là có tàu. Mình đã tính toán khoa học thế rồi mà”. Xe ôm lẩm bẩm.

Đèn xanh còn 3 giây. Xe ôm phóng vọt lên: “3,2,1. Kịp rồi. Rất may cho đội nhà”.

“Mình làm gì cũng rất khoa học, mình đam mê toán học từ nhỏ, lớn lên với những con số. Cuộc sống này, nếu hiểu và sống theo những con số, sẽ hiểu được quy luật toàn năng của vũ trụ, hiểu được cả quá khứ và tương lai”. Xe ôm tâm sự.

“Wow”. Tôi thốt lên.

“Hỏi khí không phải, hiểu và sống theo những con số là người cực kỳ thông minh lắm đấy. Sao giờ không theo nghề gì toán học hay khoa học mà lại đi chạy xe vất vả vậy?” Tôi tò mò.

“HO HO HO”. Santa lại nở nụ cười vì được khen thông minh. Nhưng rồi giọng rất nhanh chùng xuống:

“Cuộc đời mỗi người một số phận mà. Không phải ai cũng có cơ hội giống ai. Dù mình có năng khiếu tới đâu, thông minh cỡ nào, khoa học thế nào, nhưng có lúc vẫn phải phụ thuộc vào số phận thôi”.

Nghe bạn nói tôi cũng thấy chùng xuống, nhớ tới một cái kịch bản phim về số phận một đứa bé rất thông minh nhưng số phận không may mắn mà tôi đang dự định sản xuất năm tới.

“Nhưng dù sao có nụ cười sảng khoái như ông già Noel vậy ít nhiều cũng phải là người vô tư và hạnh phúc rồi đó”. Tôi an ủi.

“HO HO HO. Xin cảm ơn, bạn là một hành khách rất tuyệt vời. Mình nghĩ bạn là người hay mang lại may mắn và niềm vui cho người khác đấy”. Xe ôm lại cười.

Tôi cảm ơn rối rít. Định bụng chốc nữa phải tip cho bự một chút, cho những nhân tài thiếu may mắn được an ủi phần nào chứ. Tôi là người đem lại niềm vui cho người khác mà.

Rồi, xuống xe. Bất ngờ xe ôm thốt lên: “Ôi 22h 22 phút. Đúng giờ bạn xuống khỏi xe tôi. Số đẹp quá. HO HO HO”.

Tôi cũng hay thích coi vào mấy con số thiên thần này lắm. Tôi cũng cười khen ngợi số đẹp.

Đoạn, xe ôm lấy trong túi ra một cuốn sổ chi chít số cùng một cái bút, miệng lầm bầm: “22h là 10h, 2 + 2 là 4. Mười cộng bốn là 14. Mai đánh con 14. Chuẩn rồi”.

Tôi, đang định gửi thêm 20k tiền tip cho nhân tài toán học có điệu cười Santa….

!!!!!!

#nhatkyxeom

#589: THẦN TƯỢNG CỦA THẰNG NHỌ

THẦN TƯỢNG CỦA THẰNG NHỌ

Cứ tầm 9h tối mẹ lại cho bọn đệ ra sân trước picnic. Cho dù 1 ngày có được ra bao nhiêu lần với bọn nó vẫn như là những đứa trẻ con được đi công viên. Bọn nó la hét, chạy nhảy, sung sướng váng hết xóm làng. Tầm đó mình ở nhà hay rảnh là hay ra nhảy múa cùng bọn nó cho khỏe người. Thế nên cứ tới giờ được ra chơi là bọn nó sẽ lao ra đứng chờ sẵn trước cửa nhà để ngóng mình chạy từ trên gác xuống. Bọn nó không cần biết nhìn đồng hồ, nhưng cứ đúng 9h, tự động bảo nhau lèm bèm ầm ĩ để mẹ phải nhớ ra xuống nhà cho đi chơi thì thôi.

Ngoài việc được ra sân rộng chạy nhảy, săn bắn cóc nhái chuột bọ, nhảy nhót với Hà thì thằng Nhọ còn có một thú vui lớn nhất, đó là được nhìn chị hàng xóm. Do nó chân dài nhất nên đứng thò được một phần miếng mỏ ra ngoài song sắt, còn mấy con còn lại chỉ có chổng mông ti hí đôi mắt ra ở dưới chân cổng, cố gắng nhìn được thế giới tươi đẹp ngoài kia Trung Quốc và Mỹ đang đánh nhau tới đâu, Nga đã rút quân khỏi Ukraine chưa. Riêng Nhọ, chỉ có 1 mục tiêu duy nhất là chị cắt tóc đèn nhấp nháy bên hàng xóm.

Cứ giờ đó chị hàng xóm sẽ đi uống trà đá về, một ngày phục vụ khách dứt tóc cạo râu lấy dáy tai rất mệt mỏi nên tối là chị phải đi chill cốc trà đá. Và giờ chị về luôn trúng giờ Nhọ thò mõm ra khỏi cổng. Chị trần thuật lại câu chuyện hôm nay khi mình sang gội đầu: “Mọi ngày chị đã rất là cảnh giác thằng đó rồi nhưng hôm qua chị quá yêu đời. Chị đang vừa đi vừa hát (mà hát rất to nhé) thì vừa đi qua cửa nó xồ ra thò cái mỏ ra rên rỉ hát theo làm hồn chị là một rừng chim én. Biết là cái lỗ cửa không đủ cho nó làm được gì nhưng nó vẫn làm chị giật mình. Hôm qua là ngày hiếm hoi chị cảm thấy mình hát rất hay mà nó làm chị giật mình tụt hẳn 2 tông mất hứng quá. Thế là tức quá chị trêu lại nó. Nó xồ ra chị xồ lại nó, nó rên rỉ 1 câu chị hát lại nó 3 câu. Ấy thế mà Hà ạ, nó cãi 0 nổi luôn, một hồi nó xìu cái mỏ xuống ư ử chịu thua. Duy có đúng cái răng nó cứ nhe ra bằng như người ta sợ nó lắm không bằng. Thế mà đứng xồ qua xồ lại thế cũng 15 phút đấy. Mệt phết!”. Mình đang gội phải bảo chị dừng lại, nghển cổ nhìn chị một cái xem làm nào chị có thể kiên nhẫn yêu đời thế được nhỉ. Và mình cũng phải đính chính cho chị biết là đấy là nó thích chị đấy, và nó nhe răng không phải vì nó dọa chị đâu, là vì nó bị si ca vâu. Nó nhe 24/7! Chị bảo: “À không, chị biết là nó thích trêu chị mà, chắc nó thấy chị hay đó”.

Thật sự thì không dám nói với chị là vì sao nó lại thích chị như thế. Bởi vì bình thường nó chỉ ở trong phía vườn thôi không nhìn rõ được bên ngoài. Trong khi tiếng chị thì lanh lảnh vang lên rõ nét nhất hàng xóm. Ngày nào tiếng nó được nghe nhiều nhất ngoài tiếng mẹ ra thì chính là tiếng chị. Mỗi phen chị và chồng như lai thần chưởng là các cánh cửa nhà hàng xóm trên tầng kín đặc mắt người đại hội hóng đờ ra ma, rồi tiếng chị chỉ đường shippers, tiếng chị hát karaoke nó váng lên bất kể 6h sáng hay 1h trưa, hay 11h đêm, thậm chí 2,3h sáng. Nó đã trở thành thứ âm thanh quen thuộc mà Nhọ đã có khi thành thương nhớ. Những ánh mắt qua những cánh cửa sổ kia còn được nhìn đờ ra ma chứ nó có nhìn được đếch đâu, nên xét về tâm sinh lý thì nó luôn vô cùng tò mò vì giọng nói thân thương lanh lảnh ấy. Và mỗi buổi tối được ra thò mõm ra khỏi cổng, nó chỉ mong được nhìn thấy thấn tượng trông như thế nào thôi. Ngày được duet với thần tượng giọng karaoke huyền thoại ấy như tối qua chắc là niềm hạnh phúc bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của nó. Thảo nào hôm nay thấy thần thái nó tốt ghê, mọi ngày si ca vâu lệch 1 bên mặt răng nhe 24/7 một bên mặt mà qua giờ nhe sang cả hàm luôn, là vừa si ca vâu vừa cười 0 ngớt mồm vì hạnh phúc í.

Mà nhìn nó hạnh phúc mình cũng hạnh phuc theo, Thấy nó nhe răng cười mình cũng nhe răng cười. Kỳ ghê!

#chuyenlinhtinhdemkhuya
#nhatkydoitao
#nhatkyhakin

(1) Facebook

#587: Nhật ký xe ôm. “Người quen”

Nãy đi trả đồ, cũng ngay gần nhà, bắt xe ôm hết có 16k. Định bụng bảo xe hay chờ luôn trả xong lại chở về nhưng do không biết trả nhanh hay chậm nên thôi.

Thế rồi trả xong, cũng có 5 phút thôi. Đi ra bắt lại xe mới. Đang đứng lớ ngớ chờ xe giữa con phố đông nghịt người thì thấy một cái xe ôm ập tới gọi: “Chị ơi, về thôi”. Mình ngẩng mặt lên kiểu ngơ ngác ủa sao giữa 100 người đang đứng chờ xe trên phố và 120 cái xe ôm ở dưới đường mà xe ôm này gọi mình như người nhà thế nhỉ, mà lại gọi rất dứt khoát và chắc chắn. Mình còn đội mũ bảo hiểm từ nhà và che khẩu trang kín mít nhé. Mình lon ton chạy ra nghẹo cổ nhìn xem có quen không. . Mình hỏi: “Quen nhau hả?”. Xe ôm bảo: “Thì em vừa chở chị tới lúc nãy đó”. À, ủa, thì ra là chính xe vừa chở mình đến. Xe đang đi lượn được 2 vòng hồ thì mình lại bắt trúng lại. Mình thì không có khả năng nhận ra ai với ai vì một là không có khả năng nhận mặt, hai là mọi xe ôm với áo mặc giống y hệt nhau thì với mình tất cả đều là anh em sinh đôi hết :)).

Và… quả thật. Chỉ có một quãng đường 16k và mới gặp lại có lần thứ hai thôi mà cái cảm giác nó dễ chịu làm sao. Vâng, đó là cảm giác của việc người quen chở về nhà, yên tâm không phải chỉ chỏ đường xá ngõ nghiếc ngoằn nghèo. Bình thường mỗi lần gần về tới nhà là phải chỉ đường cho xe ôm vì vào ngõ rất mệt, mệt ở chỗ mình chỉ cho cái đường đi ngắn nhất tiện nhất mà Google 0 biết nhưng nhiều xe ôm không tin còn cãi nhem nhẻm hoặc tỏ ý rất nghi ngờ như thể chị lừa em bán qua biên giới. Nay đúng cảm giác người nhà, ngồi lim dim hưởng thụ lúc đi được hốt góc nào giờ được trả về đúng vị trí không phải nghĩ. Vừa đi còn vừa tâm sự hai bên đường này kia như người quen đã 1000 năm.

Cảm giác được có người đưa đón không phải tất bật chỉ trỏ nó thật là tuyệt vời. Bạn giai có nghe thấy chưa hở bạn giai?

Có một twist nhỏ cuối hành trình là lúc di 16k mà sau có 5 phút về lại nó tăng lên 19k (bình thường thì giá vẫn bằng nhau nhé đi vài lần rồi). Xe ôm hỉ hả bảo hay quá chở về được thêm những 3k. Và theo như lời xe ôm lý do là vì trời nó… lạnh lên nên app nó tự động tăng giá.

OK thế nhớ, cho ai đang và sắp tới HN là HN sẽ có những điều không giống ai như thế nhé :)). Rằng sau 5 phút trời lạnh lên là giá xe ôm lên nhé 😀

Mà công nhận gió rét, nhìn cây thông trang trí ven đường đúng cảm giác một năm đã lại sắp kết thúc, thật là nhiều cảm xúc!

#nhatkyxeom

#586: Tuổi thơ của bé Hải Hà (P1)

Tuổi thơ của bé Hải Hà.

Tuổi thơ của bé Hải Hà là những ngày bỏ nhà trống huơ trống hoác đi chơi lang thang khắp xung quanh khu tập thể Ủy ban Thống Nhất ở Ô Chợ Dừa. Đó là một khu tập thể cũ, mang mọi đặc trưng điển hình nhất của một khu tập thể Hà Nội của thời bao cấp. Khu tập thể là những dãy nhà cấp 4 mái ngói với những chiếc cửa sổ gỗ xanh hoặc nâu. Trước mỗi nhà sẽ là một cái hiên nhà nhỏ để ngồi hóng gió những trưa hè. Cả khu tập thể sẽ có một cái sân rất rộng mà giờ nào cũng có tiếng trẻ con nô đùa la hét, đến một bãi cát xây dựng cũng có thể trở thành một cái playground kỳ thú với một nghìn trò chơi hấp dẫn cho mấy đứa trẻ con. Nhớ hồi nhỏ Hà chơi “đồ” và trốn tìm. Ngày nào cũng chạy và trốn, chạy không hề biết mệt. Sau này lớn lên phải chạy có một chút đã lảo đảo thở hổn hển. Mới thấy ngày xưa những đứa trẻ con được khỏe mạnh, vô tư và an toàn làm sao.

Cái mái ngói nâu cũ thâm trầm trước hiên nhà không biết vì lý do nào đó luôn tạo những cảm xúc hoài niệm rất lạ kỳ. À mà đừng ngạc nhiên, một đứa trẻ con cũng biết hoài niệm đấy. Cũng có thể vì nó làm cô bé nhớ về những ngôi nhà mái ngói ở quê, nơi mà hè năm nào cũng được về chơi nguyên hè và “vui cực kỳ luôn í”. Bé Hải Hà hay nhìn vào những chiều trời vàng rực nắng chiếu xiên qua cái mái ngói, vạt vài miếng lấp lánh rớt xuống cái hiên nhà rồi bày đặt viết văn tả cảnh và cả làm thơ. Còn nghĩ kể mà có ai bế cho trèo lên cái mái ấy để được “cao hơn người” và ngắm được tất cả xung quanh thì quả là một cảm giác chắc là tuyệt vời lắm. Những lúc gần vào tháng 8 Âm lịch là lúc bầu trời về đêm ngày càng sáng rực, những lớp mái óng lên phả những ánh xanh từng mảng vào những bức tường vàng cũ trước cửa bếp. Lúc đó cái sân của khu tập thể lấp loáng ánh sáng nhạt của bầu trời đêm cùng một ánh đèn vàng leo lét chiếu sáng chỉ được một góc. Bóng người loang loáng đạp xe đi vào trong những con ngõ nhỏ. Vài đứa trẻ con vụt chạy về nhà vì bố mẹ gọi. Và trong những đứa trẻ về muộn nhất mỗi đêm là con bé Hải Hà. Mà 9h là cái cổng chung đã có thể bị khóa. Không sao cả Hà sợ gì đâu, Hà trèo cổng nhanh như cắt, bất chấp cả thủy tinh hay gai sắt giăng mỗi năm thêm một dày. Mỗi năm càng dày thì Hà càng lớn và càng nhiều kỹ năng luồn lách. Mỗi lần về nhà là bị đánh đòn cho tả tơi hoa lá, vậy mà không biết vì sao vẫn không biết sợ.

Khu tập thể có một cái vòi nước máy công cộng để mọi người đi hứng nước về. Lúc nào cũng có người ngồi hứng nước, có lúc nước còn không chảy hoặc chỉ rỉ rỉ ra vài giọt. Nhưng ai cũng rất kiên nhẫn ngồi chờ từng giọt ấy đầy, rồi lấy một cái gáo, gạn từng hớp nước nhỏ vào trong cái thùng nhựa. Không biết vì sao cái hình ảnh gạn nước ấy rất ấn tượng, chẳng biết có gì mà lớn lên vẫn nhớ rất rõ. Cũng có thể vì Hà thấy điều đó thật hay ho, vì mỗi giọt nước kia cũng tới lúc đầy được một hớp nước, mỗi hớp nước cũng có lúc đầy được cả một cái thùng. Mà không ai chỉ làm đầy một thùng cả, phải hai thùng rồi còng lưng gánh về.

Cả tuổi thơ trước khi đi nước ngoài chơi thân nhất là chị Thảo và em Châu. Ngày xưa sang nhà nhau chơi nó thật là vô tư và thoải mái, những trò chơi cũng đơn giản mà không biết thế nào chơi từ sáng đến tối vẫn không chán. Hồi đó chắc nhà Hải Hà là một trong những nhà đầu tiên của khu tập thể có cái TV màu. Nhưng TV thì cũng phải tới giờ nó mới bật ra hình chứ không phải lúc nào cũng có cái để xem. Hồi đó Hà chỉ được xem duy nhất chương trình Những bông hoa nhỏ. Còn lại phim ảnh thì bị cấm tiệt vì còn phải “làm bài tập”. Nhưng thỉnh thoảng vào thứ bảy là được gọi Thảo gọi Châu ngồi tụ lại xem tivi được khuya hơn. Hà rủ các chị các em tới nhà chơi trước giờ có chương trình TV để ngồi vẽ và kể chuyện. Cái nhà nhỏ bên cạnh mẹ mua thêm của hàng xóm thành phòng của Hà sáng tác. Hà vẽ Đô rê mon, vẽ hoa, vẽ lá rồi dán kín căn phòng, nhìn chúng như một cái triển lãm nho nhỏ. Cũng không nhớ hồi đó lấy giấy đâu mà vẽ nhiều thế nhỉ, nhưng mà màu thì bố mẹ mua cho, lúc nào cũng rất nhiều màu nước trong nhà để chia sẻ với các bạn. Mà ngồi chơi chán chê tới giờ ăn cơm sẽ là lúc tiếng Xổ số kiến thiết thủ đô cất lên. Đó là một trong những âm thanh tuổi thơ in hằn vào ký ức của cô bé, cùng với tiếng Những bông hoa nhỏ, tiếng nhạc hiệu Phim truyện, tiếng rao của cô Đồng nát, tiếng Kể chuyện đêm khuya từ Đài tiếng nói Việt Nam, và tiếng quát mắng của mẹ. Riêng tiếng quát mắng của mẹ thì bây giờ vẫn còn và vẫn giữ nguyên phong độ, và Hà thấy may mắn vì điều đó!

Khu tập thể Ủy ban Thống Nhất lại là khu tập thể tập trung nhiều văn nghệ sĩ và cán bộ Ngoại giao. Những ngôi nhà luôn mở cửa của nhưng nghệ sĩ điêu khắc, nghệ sĩ múa, nghệ sĩ âm nhạc, nhà văn, nhà báo… nên đi qua những cánh cửa xanh nhà họ là sẽ thấy các tác phẩm ngổn ngang khắp nhà hoặc tiếng piano, tiếng accordion réo rắt. Mấy chú điêu khắc thì đương nhiên không thể thiếu một góc nhỏ với cái ghế đẩu và cái ống thuốc lào mà sáng hay tối lúc nào cũng có người ngồi rít. Có lẽ giới “văn nghệ sĩ” cũng hơi kỳ lạ hơn với những gia đình “bình thường” khác nên rất nhiều trong số họ đều sống một mình hoặc ly dị. Mà thời này ly dị còn là điều gì tối kỵ và “không bình thường” lắm. Bọn trẻ con thì hay tò mò, hay nhìn trộm và tai mắt gài khắp nơi, cộng thêm trí tưởng tượng phong phú nên chuyện cô này chú kia tòm tem với nhau không có gì mà không biết. Bọn nó hay bảo: “lớn lên mà làm nghệ sĩ thì bố mẹ tao oánh chết”. Còn nhà Hà thì lại càng không có khái niệm nghệ sĩ là gì, chỉ đơn giản là đi học thì cố gắng mà đừng có đứng bét lớp, mà càng oánh càng mắng càng cho sợ thì Hà lại càng đứng bét lớp. Có lần, Hà tự bảo: “Con học dốt thế này chắc lớn lên con làm nghệ sĩ thật rồi”. Mẹ đang may cái màn để gia công làm thêm liếc nhìn cháy xém cả một mảng tóc tơ của con bé. Nhưng cuộc đời nào ngờ lớn lên con bé ấy làm nghệ sĩ thật, mà có hẳn bằng master chứng nhận là nghệ sĩ nữa chứ!

Ngoài khu tập thể cũ mà trong nhiều giấc mơ Hà vẫn nghĩ mình còn đang ở đó thì tuổi thơ của Hà là ngôi trường Trưng Vương, là lăng Bác, phố Bà Triệu, phố Khâm Thiên, những hàng sấu rụng đầy lá với những cột điện nghiêng, và cả những cơn ngủ gật sau chiếc xe đạp của mẹ và chiếc xe cub của bố….

(mai viết tiếp)

Ảnh: Những chiếc ảnh rất là tuổi thơ của bé Hải Hà (không rõ tác giả, ai biết tác giả cho Hà biết với nhé).

#586: Tuổi thơ của bé Hải Hà (P1)

#585: Thằng bé 11 tuổi

Thằng bé năm nay 11 tuổi, nó có một chị mẹ cực kỳ thông minh và tài giỏi. Người ta bảo mẹ giỏi thì con nó sẽ luôn phải ra gì và này nọ. Cuối cùng 3 ngày ở chung với nó trên đỉnh đèo Gia Bắc, tôi phải sờ nó lấy vía liên tục. Tôi cần một thằng con trai như vậy hoặc chí ít nó phải làm con rể của tôi :)).

Mẹ nó thông tuệ về cây thuốc, quả nhàu, tinh dầu, có cả một khu vườn rộng trên núi cho nó được học và ngấm trong thiên nhiên. Cũng được chơi Ipad như những đứa trẻ con khác nhưng cái Ipad của nó toàn là những trò chơi thử thách trí thông minh và chơi đều có giờ. Mẹ bảo tới giờ cất là cất, không có chuyện chầy mửa hay khó chịu. Và để được chơi Ipad lâu hơn, nó đã nghĩ ra một cách là… rủ tôi chơi cùng. Những trò chơi từ ngôn ngữ, cờ vua, tính số, logic nó dạy tôi chơi bằng hết, mục đích để không bị bố mẹ limit thời gian chơi. Nhưng kết quả là tôi chơi thích quá nên tôi đã giành giật cái Ipad với nó, kể ra thì cô cũng hơi kỳ nhưng mà kệ đi! Mà nó cũng nhường vì có lẽ thật khó tin vì kiếm được đâu ra cái cô mà cơ địa trẻ con giống được như nó tới vậy :)), và cũng thông minh kém gì nó đâu, chơi game cũng ngang ngửa với nó chứ bộ =)).

Buổi sáng tôi dậy muộn hơn mọi người do tôi khó ngủ, mọi người cũng để yên cho tôi ngủ. Tây Nguyên đang mùa mưa nên mưa gió suốt đêm và cả sáng. Tôi mò dậy đánh răng rửa mặt, thấy nó đã ngồi sẵn ở cửa phòng để đợi. Rồi nó ra thì thầm: “Cô biết điều gì không? Từ lúc cô ngủ dậy, nắng đã ló ra trời bừng sáng rồi đấy cô”. Mà quả thật trời hửng sáng và mưa đã ngớt hẳn. Nó khéo tới như vậy sao? Nhưng cái sự khéo của nó thật thà và hồn nhiên tới mức tôi chỉ biết chết chìm trong mấy lời mật ong ấy bất chấp.

Do nhà trên núi sóng 4G chập chờn, tôi phải đi xuống một cái chòi phía xa vườn mới bắt được sóng để giải quyết một số công việc. Trời rất lạnh vì gió mưa. Nhưng mỗi lần tôi đi xuống đó nó sẽ tự nguyện đi theo, lý do là ngay trước cái chòi có một tổ kiến khổng lồ trên tán lá cây, nếu đụng vào dễ được cả đàn kiến khiêng xuống núi vào thẳng bệnh viện. Nó đi theo chỉ để nhắc nhở tôi rằng ở đó có một ổ kiến rất nguy hiểm, vì nó đã nhận ra tôi vô cùng đãng trí và hậu đậu. Khi tôi bước chân vào cái chòi, nó sẽ đứng ở vị trí để đảm bảo tôi không đụng đầu vào cái tổ. Trời lạnh tôi co ro, tôi lo nó ốm vì tồi còn phải ngồi làm việc lâu. Tôi bảo nó: “Con vào đi không thì lạnh lắm, con ốm đấy”. “Thế cô có lạnh không?” “Cô cũng hơi lạnh”. “Vậy con ngồi đây ôm cô nhé”. Thế là nó ngồi trên cái võng cùng tôi ôm chân tôi vì thấy chân tôi run run. Một lúc làm việc lâu tôi nói thôi con lên nhà đi cô hết lạnh rồi, xíu nữa cô lên. Nó nghe lời đi lên nhưng quay lại nói: “Giờ con lên con không nhắc được cô đụng đầu vào tổ kiến, cô có nhớ không?” “Cô nhớ chứ”. Nó yên tâm đi lên! Nhưng chỉ một lúc sau khi nhận thấy tôi đang chuẩn bị lên lại, nó đã chạy xuống và đón tôi ngay ở vị trí để tôi không bị đụng đầu vào cái cây.

Đáng nhẽ tôi phải về lại SG sớm do có công việc nhưng sau đó tôi nhận ra tôi ở thêm được 1 ngày trên Gia Bắc với nó. Tôi rất vui và nói với nó: “Cô được ở lại với con thêm 1 ngày đấy”. Mắt nó sáng bừng lên rồi thì thầm: “Cô có thấy trời đang nắng nhiều hơn không? Là vì cô vui đấy!”. Và chết mẹ, tôi lại chìm nghỉm trong những lời ong mật và thế giới galant khủng khiếp của nó!

Nó không galant như vậy chỉ để lấy lòng tôi. Nó ngoan với mẹ, với cô, với ông, với bố. Tôi có cơ địa của 1 đứa trẻ con để chơi với nó thì nó cũng cơ địa của một đứa vừa ngoan vừa hoang dại chịu chơi… giống như tôi. Kể cả có ngồi ăn một món ăn, nó cũng ngồi ăn cùng cho dù nó có thích hay không, nhưng nó biết chỉ cần ăn cùng nhau, chơi cùng nhau, ở cạnh nhau thế là vui rồi! Và nó thông minh hài hước tới mức, gần như mọi câu nói đùa và xéo xắt của tôi nó đều hiểu, và cười hùa theo sảng khoái làm tôi thấy mình cũng hài hước theo. Mà những câu đùa của tôi không phải lúc nào cũng kể cả người lớn hiểu được đâu nhé!

Nó quan tâm từ một việc nhỏ xíu như là khi buổi tối ngồi chơi bài, tôi hay lơ đãng để bộ bài thấp làm ai cũng nhìn được. Nó sẽ nhẹ nhàng đi ra và nâng cái tay tôi lên vì sợ người khác nhìn thấy bài của tôi sợ tôi thua bài. Cái áo tôi bị trễ xuống nó cũng ra kéo lên vì sợ tôi sẽ bị lạnh. Đôi lúc tôi phải ngồi ngắm nhìn nó và suy nghĩ về một thế giới nếu toàn những người đàn ông tuyệt vời như nó chắc phụ nữ sẽ là một giống loài hạnh phúc nhất thế giới!

Nó đi theo tôi khắp nơi trong khu vườn. Đàn gà con vừa đẻ ra chiêm chiếp xinh xẻo, đường đi thăm gà hơi khó, nó cũng phải theo bằng được. Lúc tôi cầm con gà trên tay bé tẹo, miệng chép chép, lông xù vàng. Nó thốt lên: “Aw” đầy yêu thương. Đó là biểu hiện của một đứa trẻ nhiều lòng nhân ái và tình cảm. Nó vuốt con gà con rất nhẹ sợ con gà đau. Nó làm cho người lớn phải tan chảy vì sự ngọt ngào của nó!

Nó rất thông minh, một cách đặc biệt. Những trò chơi trong máy tính không làm khó được nó, nó rất nhanh trí khi nhận ra phải để ý và giải quyết những vấn đề xung quanh. Nhưng nó vẫn giữ được sự hồn nhiên ngây thơ đúng tuổi, thậm chí còn ngố hơn cả cái tuổi 11. Buổi tối đi ngủ nó mê tôi tới mức phải xin nằm cùng, cùng 1 cô nữa. Sáng sau tôi phải về lại SG sớm, phải đi xe máy xuống dưới Phan Thiết rồi bắt xe về lại SG. Mọi người chỉ đùa nó là có muốn về lại SG với cô Hà không, mà nó tin rằng đó là thật. Nó đặt chuông sớm để sáng có thể ra về cùng tôi.

Sáng dậy tôi lọ mọ xếp đồ và chờ xe ôm tới chở. Nó cũng dậy theo. Nó đã đội sẵn một cái mũ, mở vali của bố mẹ để lấy đồ ra theo tôi về. Tôi cũng hơi bất ngờ vì nó muốn theo tôi về thật. Đã vậy, ông cậu và bố mẹ lại còn hùa theo: “Muốn về theo thật không? Rồi theo cô ra HN luôn không?”. Tôi thấy nó thật thà quá nên đành từ chối khéo là đi xe máy thì làm sao chở được con? Mà trong lòng tôi nghĩ tôi mà nuôi được tôi ngon là giờ tôi ẵm trộm nó về nuôi luôn chứ có đứa con vậy nó lại tuyệt vời quá. Rồi chỉ khi nó nhận ra rằng nó không thể về cùng được với tôi thì nó lặng lẽ đi vào ôm mẹ nó và ngồi khóc, đầu vẫn đội cái mũ và không muốn ai biết nó khóc. Tôi ra thơm má nó và nói thế mình sớm gặp lại ở SG nhé. Thì mai con cũng về rồi còn gì. Thấy nó buồn mà tôi… vui. Tôi vui vì được gặp một đứa trẻ đáng yêu như vậy, và một đứa trẻ đáng yêu như vậy nó lại yêu mình tới thế!

Tôi ôm nó suốt lấy vía rồi. Con tôi không được thế thì tôi phải rình nó làm con rể của tôi :))!!! Cơ mà lớn lên nó cứ thế này thì mẹ nó vất vả đấy :)).

Nhớ nó quá, à nó có một cái tên cực hay và rất đàn ông: Tuấn Kiệt!

Tuyen Kim