Posts in inspirations

#496: Sex Education

May be an image of 3 people, people standing and text that says 'SEX EDUCATION N'
Sex Education mỗi season ra đều cách season trước khá lâu nhưng dường như sự dừng lại ở mỗi season, tuy không làm cho người ta phải sốt ruột chờ đợi hay mong mỏi một câu trả lời nhưng luôn để lại cho khán giả một cảm giác lắng đọng nhẹ nhàng với một sự hy vọng về một câu chuyện sẽ tiếp diễn. Đó là một cảm giác rất dễ chịu khi xem xong một bộ phim. Và với mình thì đó là một trong những định nghĩa của một bộ phim “hay”.
Nhớ thời gian ban đầu khi thấy cái tiêu đề “Sex Education” cùng cái trailer trần trụi và các bạn tuổi teen mình đã tính bỏ qua vì nghĩ rằng nó chỉ là một phim teen hoặc một phim lấy sex để giật gân rẻ tiền. Nhưng rồi cũng không nhớ thế nào mà lại bập vào xem và rất nhanh mình đã thành fan chính hiệu của nó lúc nào mà không biết. Quả đúng Sex Education là một phim về sex, thậm chí theme chính còn chẳng phải là sex cho lứa tuổi của mình nhưng mình bị bất ngờ bởi cách nó dùng sex để miêu tả cảm xúc của con người dù bất cứ lứa tuổi gì, sex cũng là phương tiện và cái cớ để kể những câu chuyện cuộc sống rất đời và rất thâm thúy. Nó có thể cực kỳ hài hước nhưng ngay trong sự hài hước đấy người ta có thể ngay lập tức bật khóc. Nó có thể cực kỳ nhố nhăng nhưng ngay trong giữa sự nhố nhăng ấy là một cảm xúc rất thật, một câu chuyện rất thật mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được nỗi buồn của nhân vật vì họ có thể thấy mình trong đó. Những nhân vật chính là lửa tuổi teen, những khủng hoảng của lứa tuổi teen và sự thật rằng ở tuổi teen sự khủng hoảng lớn nhất chính là hành trình đang khám phá giới tính và tình dục của bản thân. Mình thích cách kể chuyện rất thẳng, thậm chí hơi thô, đi thẳng vào vấn đề không ngại ngần khi nói về sex của các nhân vật trong phim. Nó không gây cho mình cảm giác khó chịu hay ngại ngùng, nó làm mình một cảm giác thư giãn, dễ chịu và được nhìn về sex như một thứ cởi mở, cần được nói đến chứ không phải là một thứ nửa kín nửa hở. Sex vốn dĩ luôn cần phải được như vậy! Tuy rằng những câu chuyện xoay quanh khủng hoảng tình dục và giới tính của các cô cậu trung học nhưng nó lại dành cho mọi lứa tuổi bởi vì những thông điệp cuộc sống, những câu chuyện cuộc đời, những câu chuyện tâm sinh lý của các nhân vật bất kể lứa tuổi đều được thông qua đó để được truyền tải một cách rất thú vị và tinh tế. Và cũng đúng như tiêu đề của phim: “Sex Education” có rất nhiều thông tin giáo dục giới tính cực kỳ thú vị và thực tiễn được lồng ghép trong các mẩu chuyện hài hước, và again, nó cũng không giáo dục giới tính chỉ cho mỗi teens!
Nhân vật chính của câu chuyện là hai mẹ con của cậu bé Otis. Mẹ cậu là một therapist chuyên về tình dục còn Otis mới chỉ là một cậu bé học cấp 3. Bố mẹ đã ly dị nên Otis hoàn toàn ảnh hưởng từ sự giáo dục từ mẹ. Cứ tưởng tượng từ bé ở với một bà mẹ suốt ngày đi tư vấn về tình dục cho người khác và trong nhà ngập tràn cả những đồ chơi và mẫu vật về tình dục thì bạn chắc cũng hẳn ít nhiều… khác người là thế nào. Ấy vậy mà cho dù mẹ là một chuyên gia về tình dục, thì ngay chính con trai lại khó nói chuyện về sex và cho dù có quen thế nào thì cậu bé vẫn luôn xấu hổ về nghề nghiệp của mẹ. Một điều mà nhà làm phim đã rất tinh tế khi khắc họa nhân vật Otis đó là cách cậu bị ảnh hưởng tự nhiên từ mẹ, khi mặc dù bản thân cậu cũng không có nhiều kinh nghiệm về tình dục nhưng khi gặp bất cứ ai cũng có thể khuyên bảo và giải thích rành rẽ được về tình dục. Và không chỉ tình dục, cậu biết cách khuyên bảo và “heal” cảm xúc của người khác một cách rất tự nhiên, đến chính bản thân Otis cũng không biết mình có được những sự ảnh hưởng tích cực như vậy từ mẹ, người mà cậu cho rằng nghề nghiệp thật là đáng xấu hổ với bạn bè. Cậu đã từ bỏ và chạy trốn khỏi việc mình luôn muốn giúp đỡ người khác. Ở cuối season 3, Otis đã nhận ra mình thích được đi an ủi và khuyên bảo người khác, như là một lẽ thường tình, cậu không cần thiết phải chạy trốn khỏi nó. Và cậu thấy rằng mình thật có ích, mình cũng thích làm như vậy. Nhân vật đang lớn lên, một ngày Otis đã nhận ra những gì mình làm cũng như mẹ làm, đâu có gì đáng xấu hổ. Đó quả là những cách kể chuyện rất đời và rất tinh tế. Mình cũng thích cách xây dựng nhân vật khi mẹ thì là một người rất phóng khoáng, có thể qua đêm và hôm sau coi như không có gì với bất cứ người đàn ông nào, nhưng cậu con trai thì lại là một thằng bé rất tình cảm, galant và cực kỳ có trách nhiệm.
Qua mỗi season, các nhân vật lớn dần lên. Biên kịch rất khéo léo khi cho tâm sinh lý họ phát triển dần, họ cho nhân vật vấp ngã rồi đứng lên. Họ cho các nhân vật bắt đầu hiểu dần về bản thân mình. Những đứa trẻ con hiểu được về giới tính của mình, cách làm tình an toàn có hiểu biết. Còn những người lớn cũng vẫn phải loay hoay trong việc chịu thay đổi và tìm cách thay đổi. Một chuyên gia tình dục nhưng thực ra lại luôn cô đơn và thậm chí còn lỡ mang thai ở độ tuổi gần 50. Một người đàn ông cả đời khó tính khó cởi mở với vợ con nhưng thực ra trong lòng luôn muốn thay đổi và muốn được hiểu chính bản thân mình. Những con người luôn loay hoay để tiếp tục được lớn cho dù ở bất cứ độ tuổi nào.
Bộ phim không có bất cứ diễn viên nào dạng trai xinh gái đẹp phong cách idol, nhân vật thậm chí còn có chút xấu xí già nua. Nhưng mỗi nhân vật đều toát ra một sự duyên dáng charming kỳ lạ. Trước giờ mình luôn hâm mộ tài năng diễn xuất của người Anh. Thực ra mình nghĩ chắc nếu xét về độ đồng đều và tinh tế thì diễn viên Anh phải là nhất thế giới. Bản thân mình là một người học và làm phim mà khi xem những nhân vật trong Sex Education diễn xuất mình còn quên luôn rằng họ đang diễn. Mình thấy đó như chính là những con người hoàn toàn có thực ngoài đời, vì họ toát ra được cái hồn của nhân vật một cách hoàn hảo. Không một nét gồng, không một nét ngượng ngùng hay điệu đà. Họ diễn như hơi thở. Cần ngốc nghếch, cần ngớ ngẩn, cần tuyệt vọng, cần thông minh, cần buồn bã… họ chỉ cần ngước ánh mắt lên là đã thấy nhân vật đó hiện ra. Bản thân casting director cũng tinh tế khủng khiếp như là cast nhân vật ông bố Groff và cậu con trai Adam với khuôn mặt và thần thái giống nhau y hệt, đều kiểu ít nói và lầm lì, giống nhau đến y chang bố con ruột thực sự luôn!
Phần 1 mình đặc biệt mê diễn xuất của anh chàng da đen Ncuti Gatwa (vai Eric, anh chàng đồng tính, bạn thân của Otis). Mình không tin rằng có ai xem Sex Education mà lại không ấn tượng với diễn xuất đáng yêu và chân thật như thế. Vừa hài hước, vừa đáng thương, điệu đà nhưng lại rất nhiều tâm trạng. Emma Mackey trong vai Maeve, mặc dù khuôn mặt sần sùi già nua nhưng mà lại không thể nào hợp nhân vật hơn. Cô toát lên được sự thông minh đầy khí chất, ra được đúng phong cách của một cô bé con nhà nghèo trưởng thành sớm, lúc nào cũng bị thiệt thòi về tình cảm và tiền bạc, nhưng cực kỳ thông minh và chẳng để cho bất kỳ ai bắt nạt. Mình thích một chi tiết rất đời về nhân vật này, đó là tuy rất nghèo, rất thông minh nhưng lại có tính tự ái ngút trời, đúng kiểu tự ái của con nhà nghèo và rất dễ bị tổn thương cho dù đó là nhận được sự giúp đỡ từ bạn thân. Và cuối cùng sau 3 seasons thì mình kết lại là lại thích nhất diễn xuất của anh chàng nhân vật chính Asa Butterfield trong vai Otis. Hai phần đầu Otis vẫn còn tưng tửng và còn rất trẻ con. Nhưng sang đến phần 3, khi nhân vật trưởng thành hơn, mình có thể nhận ra được cả sự trưởng thành trong ánh mắt của nhân vật. Otis và mẹ lúc nào cũng luôn mâu thuẫn và khó nói chuyện với nhau. Khi vào những tập gần cuối của season 3, mẹ cậu phải cấp cứu và sinh non, không biết có qua được cơn nguy kịch hay không. Cậu ngồi chờ ở bệnh viện và còn băn khoăn là không có mẹ thì giờ phải ở với bố thì chết. Khán giả đang expect rằng cậu sẽ thể hiện sự xót thương với mẹ sẽ như thế nào? Mình vẫn nghĩ trong một phim châu Á thì nhân vật ngồi khóc nức nở hay òa lên giãy giụa để thể hiện rằng mình đang lo lắng đau đớn. Nhưng cậu vẫn còn ngồi đó khuyên giải cậu bạn thân Eric về nói chuyện với bạn trai, cũng chưa thấy nhỏ một giọt nước mắt. Nhưng khi cậu không thể nào mua nổi cái gói kẹo trong tủ tự động, cậu phát điên và thò tay vào đập phá cái tủ chỉ để lấy cái gói kẹo ra. Đó là lúc khán giản nhận ra nỗi buồn và hối hận thương mẹ cực lớn vốn dĩ đã luôn ở trong lòng chỉ cần chờ chực trào. Không có cảnh gào thóc, không có nhạc thê thảm, người ta chỉ thấy cái ôm của Eric với Otis và ánh mắt ngầu đỏ ầng ậc nước của Otis ngước lên nhìn ông bố dượng khi ông thông báo mẹ đã qua cơn nguy kịch. Nhìn vào ánh mắt đấy là thay cho một nghìn lời thoại và âm nhạc lê thê. Tình tiết tinh tế + diễn xuất đỉnh cao, đó là combo mà nhà làm phim nào cũng nên mơ ước.
Gillian Anderson là một diễn viên quá gạo cội, thật sự mình cũng không thể nghĩ ai đóng cái vai mẹ của Otis hợp hơn chị ấy nữa. Nếu ai xem Xfiles thì chẳng lạ gì với Gillian. Chị í có một cái giọng Anh rất sexy dễ chịu thực sự, còn diễn xuất thì mình khỏi phải bàn nữa vì nếu Gillian không diễn hay thì 0 biết ai gọi là diễn hay ở đời này nữa 😃. Nhân vật Dr. Jean tuy rằng luôn đưa ra nhiều lời khuyên cho người khác nhưng bản thân lại cũng gặp khủng hoảng trong cuộc sống cá nhân của chính mình. Đến cậu con trai tuổi teen cũng không thể nói chuyện thẳng thắn về tình dục. Có mấy đoạn thoại của Dr. Jean rất hay. Như khi đoạn cô bé Aimee nói rằng mình muốn được quay trở lại hồn nhiên và thoải mái như xưa (trước khi bị tấn công tình dục), thì Dr. Jean nói rằng: “Chúng ta sẽ không bao giờ quay lại được như xưa. Vì bản chất của con người là luôn luôn tiến hóa và thay đổi, chúng ta sẽ luôn phải thay đổi”. Mình rất thích câu nói này, vì đúng là rất nhiều trong chúng ta luôn mong được trở lại như xưa, có những điều thật bao hối tiếc. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có thể trở lại được như xưa, học cách chấp nhận rằng rồi ai cũng phải thay đổi, ai cũng sẽ khác, đó là một điều sẽ làm cho bất kỳ ai cũng sẽ thấy dễ chịu hơn để move on.
Nếu bạn để ý, cho dù xuyên suốt bộ phim có những cảnh tình dục rất bạo liệt và cởi mở, những câu chuyện yêu đương chớp nhoáng. Nhưng mà mối tình đi từ đầu đến cuối của bộ phim giữa Otis và Maeve thì thậm chí rất chậm chạp, rất nhiều chông gai, và có lẽ chỉ có một nụ hôn khi lên đỉnh điểm sau cả 3 seaons. Rõ là nhân vật chỉ là tuổi teen, cũng không đẹp lộng lẫy, nhưng hành trình tình yêu của hai nhân vật sau bao vất vả mới có thể thổ lộ cho nhau đều khiến cho những khán giả như mình thấy cực kỳ ngôn tình và rung động. Cuối cùng điều đọng lại cuối cùng là tình yêu thực sự vẫn phải là một hành trình và tình dục hóa ra không phải là tất cả. Cả Otis và Maeve đều cặp kè và quan hệ với nhiều đối tượng khác nhưng cuối cùng sâu thẳm trong trái tim của họ đối phương mới chính là tình yêu, cho dù hai người thậm chí cả chưa bao giờ hôn nhau. Mẹ của Otis, một chuyên gia tình dục học xong đã nói với cậu con trai tuổi teen của mình rằng: “Thực ra mẹ cũng chẳng biết tình yêu là gì, chẳng ai định nghĩa được tình yêu là gì. Chỉ khi nào nó đến tự nhiên mình cảm nhận được thì mình sẽ biết thôi”. Tình yêu của Sex Education cuối cùng lại được miêu tả một cách tinh tế như vậy đó. Theme mấu chốt của phim đó là sự chân thành. Cho dù bạn đang suy nghĩ thế nào và có thể bạn sẽ làm đau lòng đối phương, nhưng bạn phải thật thà với tình cảm của mình và với họ!
Nếu nói và cảm nhận về mọi nhân vật trong phim thì chắc có mà chục trang. Mỗi người sẽ xem và có những cảm nhận của riêng mình. Phim nói không chỉ về sex, mà về giới tính, đồng tính, cuộc đời, cuộc sống. Sự đồng tính được miêu tả trong phim cũng rất lãng mạn và thú vị, cả bất ngờ nữa. Mình tin chắc các bạn LGBT cũng nhìn thấy bản thân của mình trong đó, hoặc những người vẫn còn đang băn khoăn với giới tính của mình cũng sẽ có được nhiều sự đồng cảm hoặc một câu trả lời!
Một phần mà mình cho là đỉnh cao của phim đó chính là NHẠC PHIM. Nhạc phim của Sex Education nó làm mình phát nghẹn vì sự… hợp lý và hài hước. Những bài hát được lắp vào những đoạn làm tình cũng làm người ta cảm thấy vỗ đùi cái đét vì vừa hài vừa hợp. Nhưng những lúc miêu tả tâm trạng nhân vật và cần deep thì nó deep và lắng đọng đến ứa nước mắt. Mình vẫn không thể quên đoạn kết thúc season 2 với ca khúc “On the radio” do Chip Taylor hát.
“Then you take that love you made
And you stick it into
Someone else’s heart
Pumping someone else’s blood”.
Đó là lúc một lần nữa Otis và Maeve lại lỡ mất cơ hội để được đến bên nhau. Tự nhiên nghe tới khúc đó mà mọi cảm xúc cho cả một season nó ùa được về cùng lúc luôn.
Bạn xem xong một bộ phim hùng hục như vậy mà xong chợt nhận ra mình cũng được “giáo dục giới tính” từ lúc nào không biết. Season 3, các nhân vật đã dần lớn lên, nó là season emotional hơn cả, vì đó là lúc những nhân vật sắp bước chân vào đời và khám phá ra được bản thân của chính mình. Sự vô tư sẽ ít dần đi, sự trưởng thành sẽ lớn dần lên. Không biết được rằng sẽ có thể có những seasons tiếp theo không, vì thứ nhất các nhân vật sắp qua giai đoạn học cấp 3, và nữa là diễn viên đang… già nhanh quá (diễn viên Anh diễn hay mà bị mỗi cái dở là già nhanh thôi). Nhưng nếu phim ngừng tại đây, nó đã quá đủ là một bộ phim hay và ấn tượng mà không phải kéo dài quá lâu để duy trì độ hot.
Xem phim người lại nghĩ đến ta. Không biết tới một thế kỷ nào, mình mới được làm những bộ phim như vậy ở nước mình. 0 chỉ là vấn đề kiểm duyệt, quan điểm, nhận thức… mà còn biên kịch, đạo diễn, diễn viên và… tất cả phần còn lại!
Sex Education cũng chưa chắc dành cho tất cả mọi người hay hợp gu với nhiều người. Mỗi người sẽ thích những bộ phim vì những lý do khác nhau. Mình thích vì mọi thứ mình… kể trên và vì tình dục cũng là một thứ mình rất thích, nên có gì mà không được kể và khen nó nhỉ ahihi!

#493: Chúng ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có 1 một nơi để trở về

Nói chung, tớ thích đi lang thang, trải nghiệm, vấp ngã, không bon chen nhưng vẫn phải đi qua nắng gắt mưa rơi, đôi lúc chỉ là để được về nhà và cảm thấy bình yên. Vì chỉ khi về nhà, thì tất cả những mưa giông bão nổi sẽ dừng lại bên ngoài cánh cửa. Bình yên của tớ là được nằm trên cái giường của chính mình, thậm chí giữa ngày hè cũng không bật quạt. Cho dù có đi khắp nơi trên thế gian này, tớ vẫn thích cái nóng hè hầm hập của căn nhà mình, vì tớ đã sống và quen với nó từ lúc tớ sinh ra. Bình yên của tớ là được nghe bố mẹ “chí chóe” nhau, cà ràm qua lại dù chỉ là một sự việc nhỏ tí xíu, mà dù mấy chục năm của cuộc đời bên nhau rồi họ vẫn không có gì thay đổi. Bình yên của tớ là được ngắm lá non xanh khi nắng sớm chiếu đung đưa trước cửa sổ, và rồi một ngày được ngửi hoa bưởi thơm lừng nở trắng bay khắp căn phòng nhỏ. Bình yên của tớ là được thấy em chó nuôi cả chục năm vẫn là cún, lười tới mức đi cũng phải tựa một cái chân vào tường và mẹ sẽ thét lên: “Trời ơi sao tôi nuôi người đã lười rồi giờ chó cũng vậy là sao?”.Bình yên của tớ là được ngủ nướng đến tận trưa và lách cách nghe tiếng Bà đang ở bếp, và để biết rằng mình vẫn còn là một đứa cháu có Bà trên thế gian này, như thể những tháng năm tuổi thơ vẫn chưa bao giờ xa. Bình yên của tớ là ngắm những ráng chiều vàng rực, thấy bóng những đứa em bé cứ lớn dần lên mỗi khi trở về, và được nhìn thấy chúng nhảy múa trong ánh mặt trời…
Tớ có thể ngồi cả ngày, tớ có thể nằm cả ngày…chỉ để ngắm và lắng nghe những điều bình yên như thế. Và khi năng lượng nạp đủ, tớ lại ra đi tiêu cho hết, còn kiếm cớ mà trở về…
#493: Chúng ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có 1 một nơi để trở về

#489: “Thiết yếu”

May be an image of 1 person and outdoors
Trong “the Good doctor”, khi bác sĩ tự kỷ Shaun Murphy bị điều chuyển sang làm pathologist (nhà nghiên cứu bệnh học?), thay vì được làm bác sĩ phẫu thuật vì lý do cậu không biết cách giao tiếp với bệnh nhân. Shaun đã gần như phát điên và suy sụp vì cậu chỉ muốn làm bác sĩ phẫu thuật, cho dù ai cũng nói với cậu rằng có làm pathologist thì vẫn là bác sĩ và vẫn là mục đích cuối cùng là cứu người. Nhưng không ai hiểu được rằng có những thứ với người ngoài nó là điều có thể thỏa hiệp được và không phải là “big deal” nhưng với một cá nhân nó có thể là lý tưởng sống và mục đích tối thượng phải theo đuổi bằng được của họ. Nếu không thực hiện được, họ sống không bằng chết!
Khi Magic Johnson ở đỉnh cao của sự nghiệp NBA thì phát hiện ra bị mắc HIV. Cả thế giới hoàn toàn sụp đổ với Magic, bạn bè thân xa lánh, những con người luôn tụ vui trong ánh hào quang lấp lánh của truyền thông và tiệu rượu với Magic bỗng nhiên tỏ ra không quen biết, thậm chí nói xấu. Lúc đó, người không ngờ tới bên MJ, an ủi anh và hiểu cho anh nhất, lại chính là đối thủ bóng rổ truyền kiếp Larry Bird, người mà trong suốt sự nghiệp cầu thủ lừng lẫy huyền thoại của cả hai, là đối thủ chưa bao giờ đội trời chung và tranh đấu với nhau trên từng cm của sân bóng, thậm chí phải dùng hai chữ “kẻ thù” thì mới phù hợp. Larry Bird – cậu thủ bóng rổ huyền thoại, cực kỳ ít nói, không bao giờ chia sẻ và thể hiện tình cảm với bất cứ ai lại là người đầu tiên gọi điện an ủi MJ và là người thực sự “broken heart” cho MJ. Thật kỳ lạ vì đối thủ của mình gặp nạn nhưng sao Larry lại đau khổ tới như thế? Đó là vì Larry đã nói: “Thiên hạ có thể nghĩ rằng Magic đang đau khổ vì anh ấy sẽ chết và ai cũng sợ gần anh ấy vì cái virus gớm ghiếc, nhưng không ai hiểu được rằng anh ấy không đau khổ vì anh ấy sẽ chết, anh ấy đau khổ vì người ta sẽ lấy đi điều quan trọng nhất của cuộc đời anh ấy: đó là bóng rổ”. Và hơn ai hết Larry hiểu được rằng nếu cuộc đời mình mà lấy đi mất bóng rổ, thì cuộc đời sẽ còn lại ý nghĩa gì? Lúc này, nó không còn là chuyện thắng thua nữa, nó là “empathy”, nó là chuyện cảm thông với nỗi lòng của người khác, rằng có những thứ còn đáng sợ hơn là cái chết. Và không phải ai cũng hiểu điều đó.
Chắc mọi người cũng không quên phim “Vị đắng tình yêu”, từ thủa những năm đầu 90’s, đã kể về câu chuyện một nghệ sĩ piano mà được đàn là niềm vui sống của cô ấy, nếu phải lựa chọn giữa chuyện phải chữa bệnh nhưng không được chơi đàn với việc được chơi đàn nhưng có thể phải chết, thì cô ấy vẫn lựa chọn chơi đàn. Có lẽ bộ phim từ thời đấy nhiều người cho rằng nhảm nhí, nhưng đó lại là điều đáng ngạc nhiên về tư duy hiện đại và tinh tế của biên kịch và đạo diễn đi trước thời đại, khi hiểu rằng: có những đam mê, mong ước, khát vọng, mục tiêu, được sống là mình, đó mới là được sống một cuộc đời đúng nghĩa, bất kể là cuộc sống đấy là ngắn hay dài.
Có một số mấy ví dụ nho nhỏ hơn, ví dụ mấy câu chuyện gần đây về việc “thiết yếu”. Đồ “thiết yếu” cho dù có được định nghĩa trên văn bản ra cũng không bao giờ là đủ. Sự thật về cái gọi là “thiết yêu” thực chất ra nó khá là vô cùng và không phải ai cũng hiểu hết rằng có những đồ là “thiết yếu” với người này nhưng chưa chắc đã là “thiết yếu” với người khác. Người ta vẫn nghĩ rằng “thiết yếu” được định nghĩa rõ ràng bằng những định dạng cụ thể, và vẫn hướng tới việc “thiết yếu” mục đích là để “tồn tại”. Để “tồn tại” ở đây là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm sinh hoạt bản thân, đủ không bị đói, bị khát, bị lạnh, bị nóng, miễn sống là được. “Thiết yếu” được hiểu phần nhiều là “physically” nhiều hơn là “mentally”. Thế nên sẽ có chuyện rằng, tại sao một đứa bé sống chết phải được đi chữa cho con mèo sắp hấp hối? ĐIều đó không ảnh hưởng tới sự “tồn tại” mạng sống của con người nên không thể coi là thiết yếu. Tại sao phải “ăn bánh mì” khi mà ngoài bánh mì ra vẫn còn cơm? Không có bánh mì có cơm thì cũng vẫn tồn tại mà. Tại sao lại cần mua tủ lạnh trong thời dịch vì tủ lạnh là đồ điện tử không phải thực phẩm, không có tủ lạnh cũng sao mà chết đói được (cho dù quên bố nó mất là tủ lạnh là nơi chứa thức ăn). Hay thậm chí có chị bị bắt lại ra đường mua bao cao su vì đó cũng không phải là “thiết yếu”, vì không có bao cao su cũng đâu mà chết được… Đương nhiên đó là những câu chuyện cũng hơi nực cười và đã bị mọi người phản đối cho tơi tả. Nhưng nó thực ra lộ ra một vấn đề khá sâu thẳm trong lòng những quan niệm xã hội về cái gọi là thiết yếu với cuộc sống của mỗi người. Nếu mọi người cứ được giáo dục rằng chỉ những thứ “physically” như thế kia mới được coi là thiết yếu để tồn tại thì chắc chắn sẽ còn những câu chuyện chặn người đi chữa cho động vật, đi mua bánh mì, đi mua bao cao su, đi mua tủ lạnh như vậy vì cho rằng chúng không liên quan đến chuyện sống còn của mỗi người. Con mèo sắp chết nó đúng là chẳng làm cho ai bị ảnh hưởng tới sự “tồn tại” cả, nhưng với chủ nhân của con mèo đó, nó sẽ đau đớn vô cùng về mặt tâm lý, sự tức giận và biết đâu thành một vết hằn hận thù trong ký ức của cô cậu bé đó khi lớn lên. Với nhiều người, thú cưng của ai đó chỉ là một con vật, và con vật chỉ là để nuôi, không phải để yêu thương như người nên với họ chữa một con vật không phải là thiết yếu. Nhưng với chủ nhân của con vật đó, họ có thể yêu thương và coi đó chẳng khác gì một thành viên trong gia đình, việc được cứu sống con vật của họ cũng không khác gì việc phải cứu sống một thành viên của gia đình. Nỗi đau mất một con vật, nó có thể đau đớn không khác gì nỗi đau mất đi một người thân. Gạo thì nhiều nên đi ăn bánh mì vào lúc “không cần thiết” thì thật là buồn cười, nhưng mà lúc đó người ta đang quá đói không có cơm ăn thì sao? Lúc đó ăn một miếng bánh mì khiến họ vui, thỏa cơn thèm và làm cho công việc của họ tốt và hiệu quả hơn thì sao…? Anh có thể chỉ ăn cơm mỗi ngày và ghét ăn bánh mì, anh cảm thấy cả đời không ăn bánh mì cũng chả sao nhưng với nhiều người họ chỉ muốn và chỉ có thể ăn được bánh mì thì sao…?
Có những chứng bệnh tâm lý mà xã hội và cũng không có văn bản nào có thể định nghĩa rõ ràng được thế nào là “thiết yếu” đối với họ. Có người sẽ phải chơi đàn 10 tiếng một ngày, bỗng nhiên cây đàn của họ đứt dây, họ sẽ buộc phải đi mua dây về để chơi đàn tiếp nếu không thì sẽ bị phát điên. Có những người bị OCD về dọn dẹp, vệ sinh, khử mùi… hoặc thậm chí không chịu nổi nếu cái cánh cửa bỗng nhiên bị lệch không thể được sửa, nếu họ không kịp mua được cái đinh vít hoặc chai xịt rửa đúng lúc thì họ cũng sẽ phát điên thậm chí trầm cảm… Có những người sẽ buộc phải nói chuyện với một ai đó, nhìn thấy một ai đó, nếu không họ sẽ bị sang chấn tâm lý… Thế giới tâm lý về chuyện “thiết yếu” vô cùng rộng lớn và đôi lúc rất khó hiểu. Mới chừng nghe vài ví dụ bạn đang nghĩ “dở hơi à”, giờ lo sống đi đã chứ, nhưng mặt khác bạn cũng sẽ rất bất ngờ khi biết rằng nó không hề chỉ là vài ví dụ dở hơi và thiểu số như bạn nghĩ, rất đông người đang bị như vậy, nhưng vì những trạng thái tâm lý như vậy không được để ý và nhiều người đủ kiến thức để hiểu chúng, dẫn tới việc chúng không được quan tâm đúng nghĩa và thậm chí còn bị chê cười, vào với những người làm nhiệm vụ quản lý xã hội khi họ không được giáo dục đúng và hiểu thì sẽ dẫn tới những hậu quả như chúng ta đang được thấy. Tâm lý đôi lúc nó là bệnh không thể chữa hoặc bị mắng chửi mà thay đổi được, hoặc nó là bản chất từ khi bạn sinh ra đã là thế. Bạn sinh ra đã có những tính cách, khả năng nhất định. Bạn sinh ra với một giới tính đã được ấn định cho dù cơ thể của bạn có đúng với giới tính ấy hay không. Sự thiết yếu nó phụ thuộc và tâm lý sinh tồn và mong muốn của bạn, chứ không hẳn là từ người khác.
Có thể rất nhiều trong chúng ta đã quen với việc chúng ta muốn được trở thành một người thế này, nhưng bố mẹ hay những người xung quanh muốn bạn trở thành một người khác. Bạn muốn làm một ca sĩ cơ, nhưng bố mẹ muốn bạn là một kỹ sư. Bạn muốn được vẽ và thành một họa sĩ nhưng bố mẹ bạn muốn bạn phải thành một bác sĩ. Bạn muốn được từ bỏ tất cả để được đi khắp thế giới và lang thang sống một cuộc sống hippy nhưng bố mẹ bạn muốn bạn nên lấy chồng sinh con và có một công việc thật ổn định trong một cơ quan nào đó và cứ thế cho đến hết cuộc đời. Bạn muốn được phẫu thuật để được trở thành một người phụ nữ khi cơ thể bạn là cấu tạo nam giới, và khi tất cả can ngăn vì phẫu thuật có thể sẽ khiến bạn rút ngắn cuộc đời hoặc thậm chí chết trên bàn mổ… Bố mẹ hay xung quanh sẽ bảo bạn, tại sao bạn phải đi lang thang sống bờ bụi làm gì cho khổ? Trong khi bạn chỉ cần đi làm ổn định từ sáng đến tối, cuối tháng nhận lương không phải lo nghĩ gì? Tại sao bạn đi làm cái nghề xướng ca vô loài làm gì, trong khi đi làm kỹ sư, vừa nhiều tiền ổn định, vừa “trí tuệ” và đáng tự hào hơn bao nhiêu. Bạn không thể học giỏi toán bạn chỉ giỏi vẽ nhưng làm họa sĩ thì kiếm được mấy đồng trong khi làm bác sĩ thì giàu nứt đố đổ vách… Nhưng mà tin chắc rằng bố mẹ hay bất cứ ai khuyên bạn như vậy họ không thể hiểu được những niềm vui và sự “khoái cảm” của bạn là thế nào khi bạn được đi lang thang ngắm nhìn thế giới để thấy cuộc đời đáng sống, khi bạn được nhắm mắt lại và cất giọng hát tuyệt vời bẩm sinh bạn có, khi bạn hoàn thiện xong một bức tranh bạn mất cả tháng để vẽ. Và với những người chỉ mong được một lần được sống với đúng giới tính của mình, thậm chí nếu phải rút đi 10 năm cuộc sống họ cũng sẵn sàng đánh đổi… Và ngược lại, khi bạn luôn phải sống theo những định nghĩa “thiết yếu” của người khác, cũng sẽ không ai hiểu được sự ức chế trong lòng bạn, sự chịu đựng cố gắng gồng mình phải làm những điều bạn không muốn làm hoặc không có nhiều khả năng để làm, những hy sinh sâu thẳm khi bạn phải từ bỏ ước mơ, tài năng, tình yêu, ý tưởng của bản thân… những cảm giác này cho dù bạn có thành công thế nào với lựa chọn khác trong cuộc sống sau này thì chúng sẽ vãn luôn luôn ở đó và chỉ chực chờ sẽ có lúc bùng ra, chúng cũng thường hay đi kèm với những sự hối tiếc day dứt… và có những người cứ chết dần chết mòn trong những sự ức chế và hối tiếc ấy…
Nhưng những người mà thực sự dũng cảm để chứng minh cái “thiết yếu” của mình và không sống theo sự “thiết yếu” của người khác vẫn là thiểu số trong xã hội. Đám đông vẫn đi theo một sự sắp xếp nhất định đã được định nghĩa sẵn bởi phụ huynh, bởi xã hội, bởi truyền thông. Đó là những điều mà rất nhiều năm qua tớ đã được nghe và chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện, kể cả từ những người bạn thân nhất của mình. Tớ được nghe những câu chuyện ấy nhiều, vì có lúc với họ, tớ là một ví dụ mà họ rất mơ ước được một lần thay đổi! Có lúc tớ giúp được một vài người bằng cách truyền cảm hứng cho họ, nhưng có những lúc, không thể giúp gì được ngoài việc lắng nghe những gặm nhấm nỗi lòng của họ cứ ăn mòn họ dần theo năm tháng…
Nhớ hồi đó, khi tớ còn làm việc trong Bộ Ngoại Giao. Mỗi sáng sẽ phải có mặt lúc 7h sáng để học những bài học đầu tiên làm “cán bộ”, như là pha nước uống trà cho các bác. Thỉnh thoảng muốn có một chuyến đi chơi xa đâu đó nhưng sẽ chỉ có duy nhất hai ngày cuối tuần. Thỉnh thoảng muốn mặc cái áo lệch vai, cái quần bò xộc xệch và giữ được cái khuyên mũi cho thật thoải mái mà không thể khi đi làm. Thỉnh thoảng muốn viết này viết nọ vui vui một tí, xõa một tí, chửi bậy một tí nhưng mà phải hạn chế phát ngôn… Thế là đó là lúc tớ nhận ra: “This is not my life”. Cho dù đó là một công việc rất tốt, ổn định, bố mẹ yên tâm và tự hào. Nhưng tớ đành từ bỏ, khi làm buổi “hòa giải” cuối cùng với cơ quan về việc vì sao vừa đi làm mà lại bỏ một công việc tốt và có nhiều tương lai như vậy, phải chăng tớ chê công việc đó hay không có ý chí phấn đấu ư? Tớ có nói với các cô chú rằng, đây chắc chắn là một công việc tốt với rất nhiều bạn trẻ khác, với nhiều người khác, nhưng đó là thế giới tớ không thuộc về. Tớ cần một thế giới mà tớ được tự do được sống là mình, sử dụng tài năng và cá tính của mình cho những công việc khác phù hợp hơn. Và cái được gọi là sống cho mình với công việc khác đó mà nhiều phụ huynh nghe thì tức lòi kèn hoặc cười chê cho thối mũi, đó là một công việc không ổn định với chiếc máy ảnh, nay đây mai đó, lúc sớm mai lúc khuya khoắt, trên người có khi vác hàng chục ký đồ oằn hết cả lưng hay say xe đứ đừ đứng không nổi. Thế nhưng mà tớ lại thấy thế mới được ngủ ngon mỗi ngày, được cười mỗi ngày, và được chạm đến sự hạnh phúc tột độ khi xong một tác phẩm hay một hành trình nào đó.
Câu chuyện về sự “thiết yếu” chắc chắn là một câu chuyện phức tạp. Nó phức tạp nên đôi lúc sẽ phải chấp nhận rằng sẽ không phải ai cũng hiểu mình hay xã hội sẽ hiểu mình. Có những chuyện sẽ rất là vô lý và vẫn phải chấp nhận để chúng tồn tại. Nhưng hơn cả vẫn là mình phải hiểu bản thân mình, và mình sẽ phải lựa chọn rằng mình có muốn sống cho mình hay không, hay sẽ luôn sống cho người khác. Sự lựa chọn đó thì chỉ có bản thân bạn làm được thôi, không ai sẽ hiểu được để làm thay cho bạn cả, và mọi sự lựa chọn sẽ đều phải đánh đổi, chúng ta không thể nào có tất cả!
Mấy ví dụ “thiết yếu” thời chống dịch tớ kể trên chỉ là ví dụ của tớ về việc những quan niệm trong xã hội về những thứ được gọi là “cần thiết với người này” nhưng chưa chắc là “cần thiết với người khác” từ các cấp độ khác nhau mà thôi. Chưa chắc những con người “vô lý” ấy đã ác hay ngu, họ cũng là một sản phẩm của sự giáo dục và quan điểm xã hội. Và thực ra ngồi nhà phán (như tớ nè) thì đúng là cũng dễ, chứ giữa thời buổi phức tạp này, cũng chẳng biết thế nào mà lần để định nghĩa và hành xử thế nào cho chính xác, cho hợp tình hợp lý và an toàn. Chỉ là với mỗi một sự việc xảy ra, mình nghĩ rằng mình sẽ học được điều gì đó, hiểu ra thêm được điều gì đó, và đôi lúc biết thông cảm hơn, vậy thôi!
May be an image of one or more people, people standing and outdoors

#487: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: 8. FUN FACTS

MỘT VÀI FUN FACTS

#486: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: FUN FACTS

– Ở nhà quê vùng midwest (midwest hay chỉ là “middle of nowhere”, thường là những nơi xa xôi hẻo lánh ở chính giữa nước Mỹ, ít phát triển và thời tiết có lúc khắc nghiệt), Magic từ bé đến lớn chưa từng bao giờ nhìn thấy cây chanh và cam. Khi lần đầu tiên được tới LA, California, nơi đất của chanh và cam. Anh đã ngạc nhiên tột cùng khi thấy… quả chanh trên cây. Anh chạy tới vặt quả chanh với sự tò mò tột cùng, rồi sau đó kể cho hàng xóm láng giềng ba ngày ba đêm liền về chuyện: “Ở đây muốn ăn chanh thì phải chạy ra… hái đấy” =))

– Điều thú vị khiến cho Magic và Larry khác nhau đến cùng cực là mặt Larry thì lầm lì hơn người bình thường còn Magic thì tươi hơn người… bình thường. Magic cười mọi lúc, mọi nơi, vui vẻ và tươi tắn kể cả khi thông báo mình nhiễm HIV. Nhìn Magic là người ta thấy năng lượng tích cực tràn đầy cả không gian. Magic được coi là “one of the most beloved celebrities ever” – Một trong những celeb thân thiện nhất, dễ gần nhất và được mọi người yêu quý nhất! Nhưng đặc biệt là mọi người yêu Magic thì rõ rồi, nhưng mà mặt Larry lầm lì cỡ nào cũng… không ai ghét, thậm chí còn rất yêu mến anh là đằng khác! Họ khác mà lại rất giống nhau!

– Tới nay người ta đồn Magic đã khỏi bệnh. Có lẽ một trong những bí quyết chiến thắng bệnh tật của anh chính là thái độ tích cực và khuôn mặt hay cười ấy!

– Magic bị chứng rối loạn đọc chữ (Dyslexia)

– Larry tuy rất hay “trash talk” trên sân bóng (là hay chửi bới, kích động đối thủ), nhưng mà anh ít khi xúc phạm kiểu vô học, chủ yếu câu cửa miệng của anh luôn là: “Tao là nhất”, “Tao là số một”, “bọn mày đừng hòng thắng được tao…”. Larry thích làm cho đối thủ phát điên để đấu lại anh mà họ… không đấu nổi. Thế nó mới tức á!

– Larry chơi chính vị trí Small forward (chuyên nghi bàn), Magic chơi chính vị trí Point guard (kiểu như đội trưởng)

– Magic có những cú chuyền bóng hay lừa bóng trứ danh và xem hấp dẫn như xem xiếc hay ảo thuật. Anh cũng là người rất chịu khó vì đồng đội, luôn tạo mọi điều kiện chuyền bóng cho đồng đội ghi bàn. Phong cách chơi bóng của Magic hấp dẫn và thú vị đến nỗi bóng rổ đã được biến thành những màn biểu diễn nghệ thuật, chứ không chỉ là thi đấu thể thao. Điều đó làm nên sự hấp dẫn cho bóng rổ hiện tại.

– Trước khi Magic bị tuyên bố nhiễm HIV. Nhiều người vẫn quan niệm HIV/AIDS chỉ xảy ra với người đồng tính. Và phân phát khuyến khích sử dụng Bao cao su là “vẽ đường cho hưu chạy”, “cổ súy tình dục”. Nhưng sau sự kiện của Magic, mọi người đã hiểu rằng bất cứ ai quan hệ tình dục không an toàn đều có thể nhiễm HIV. Việc khuyến khích và phân phát bao cao su giờ đây đã được coi là hình thức bảo vệ và tình dục an toàn.

– Isiah Thomas – một cầu thủ bóng rổ vốn là bạn thân của Magic (thân kiểu thân ai nấy lo, cuộc vui nào, hào quang nào thì Isiah sẽ có mặt). Cũng là một trong những cầu thủ bị ghét nhất nhì NBA, vì tuy rằng anh này chơi rất tốt nhưng lại cực kỳ xấu tính, hay ghen ăn tức ở. Đến nỗi Olympic 1992, Michael Jordan nói rằng có anh thì không có Isiah. Nên đội dream team phải loại bỏ Isiah cho dù đó là một cầu thủ giỏi. Khi Magic gặp nạn với HIV, thì Isiah lại đi buôn chuyện nói xấu sau lưng khiến Magic rất buồn. Sau này, hai người đã có một buổi gặp nhau trên truyền hình để làm lành. Và có lẽ, Magic sẽ là người duy nhất mà Isiah có thể làm lành và tha thứ, vì với độ xấu tính của Isiah, thì chỉ có người tâm hộn rộng mở không hẹp hòi như Magic mới tha thứ được thôi!

 

– Trong lần Magic quay quảng cáo và được Larry mời tới nhà ăn cơm trưa. Lúc Magic vừa bước chân trước cửa nhà thì được mẹ Larry ôm chầm lấy. Magic sung sướng tột độ vì “lần đầu tiên có một người nhà Bird ôm tôi”. Và mẹ Larry thì hớn hở khoe rằng: “Magic, cậu là cầu thủ ưa thích nhất của tôi đấy”. Và hóa ra, cả nhà của Larry đều rất thích Magic!

– Magic và Larry đấu nhau tổng cộng 37 lần trong suốt sự nghiệp NBA của họ. Trong đó có 18 lần trong vòng loại thường và 19 lần trong vòng loại trực tiếp.

– Trước khi NBA lớn mạnh thì còn có ABA (American Basketball Association), hai bên đều có giải riêng của mình và cạnh tranh khán giả. Tuy nhiên, trước những năm 80’s thì có nói trong bài là nền bóng rổ rất bết bát. NBA lúc đầu còn có luật cấm “dunk” để hạn chế lực ghi bàn của các cầu thủ da đen nên các trận đấu rất nhạt nhẽo, trong khi ABA thì luật rất thoải mái nên về sau để cạnh tranh với ABA cho sự hấp dẫn hơn, NBA đành phải bỏ đi cái luật cấm “dunk” vô lý ấy. Tới thời của Magic và Larry, NBA quá lớn mạnh nên ABA đành phải nhập chung với NBA, trở thành NBA ngày nay!

#486: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: PHẦN 7: KẾT

7. KẾT

#486: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: PHẦN 7: KẾT

Sau này, sau vài lần on off với Lakers, lúc thi đấu, lúc làm couch. Cuối cùng Magic cũng chính thức nghỉ hưu thực sự vào năm 1996. Magic là một người rất hướng ngoại và thông minh trong kinh doanh, nên anh đầu tư rất nhiều và các lĩnh vực thể thao, âm nhạc, hàng merchandise. Bất chấp là người “nhiễm HIV” nổi tiếng nhất, anh vẫn trở nên vô cùng giàu có và làm đại sứ tuyên truyền tích cực cho những người đang nhiễm HIV. Magic có thể coi là một nguồn cảm hứng và động lực tuyệt vời mang đến sự tích cực và hy vọng cho những ai dính phải căn bệnh thế kỷ này. Tới nay, người ta đồn rằng Magic có thể đã coi như là khỏi bệnh!

Còn với Larry, chấn thương dai dẳng khiến anh cũng không thể nào giữ mãi được phong độ. Việc mất đi một đối thủ truyền kỳ cũng khiến Larry thay đổi nhiều vào những năm đầu 90’s. Cuối cùng, chỉ đến năm 1993, Larry cũng tuyên bố giải nghệ!

Larry không phải là người hướng ngoại và giàu đầu óc kinh doanh như Magic. Anh an phận với những gì mình có và vẫn muốn đóng góp cho bóng rổ bằng những công việc liên quan đến bóng rổ. Nhưng cũng giống như Magic, Larry luôn “pay it forward” với những người cần giúp đỡ, cần truyền cảm hứng và trả ơn quê nhà, nơi đã nuôi dưỡng anh lớn lên. Magic giờ đã là tỉ phú đô la, trong khi Larry có số tài sản kém gấp cả chục lần.

Họ chẳng mấy khi gặp nhau hay nói chuyện thường xuyên. Nhưng không ai mà không biết họ thương nhau và quý mến nhau như thế nào, và chắc chắn nếu một trong hai người có cần gì, bên kia chưa bao giờ từ chối. ““He’s very private but when he’s your friend. You’ve got a friend for life”. “Anh ấy rất kín đáo nhưng khi anh ấy đã là bạn của bạn. Thì bạn sẽ có một người bạn cho suốt cả cuộc đời”. Magic đã nói vậy về Larry.

Điều người ta đáng khâm phục là, hai đứa trẻ nghèo cùng xuất phát từ vùng quê midwest quê mùa. Cùng lớn lên trong khó khăn và đi qua những đỉnh cao vinh quang nhất của một đời người, nhưng họ không hề thay đổi con người của mình. Vẫn là cậu bé Earvin lúc nào cũng thân thiện tươi rói với nụ cười đến tận mang tai, vẫn là cậu bé Larry mặt mũi lầm lì ít nói nhưng rất khiêm tốn và tốt bụng. Họ không thay đổi bản thân, và họ cũng không cố thay đổi lẫn nhau. ““And we never try to change each other, that’s what it makes this relationship great”.

Lại trở lại câu chuyện ban đầu khi năm 1979, Magic thắng mà vẫn ấm ức: “Tôi giành chức vô địch nhưng tôi muốn có danh “Rookie of the year”. Còn Larry được giải thưởng cao quý mà lại vẫn buồn: “Tôi có danh Rookie of the Year nhưng tôi muốn giành chức vô địch”.

Hai con người với hai màu da, tính cách khác nhau tột độ như vậy, luôn tranh giành nhau để chiến thắng nhau trên mọi nẻo đường, mà hóa ra, họ lại vẫn luôn ước mơ được chính là nhau.

“Larry là một người rất thẳng thắn, anh ấy sẽ thể hiện ngay nếu anh ấy không thích bạn. Ước gì tôi có được cái tính cách đấy”. Magic mơ ước!
“Mỗi khi Magic bước chân vào một căn phòng, anh ấy làm cả căn phòng bừng sáng lên. Tôi muốn mình làm được như thế”. Larry mơ ước!

Có lẽ bất cứ một cầu thủ thể thao nào cũng ước mơ có được một đối thủ kì phùng địch thủ như vậy trong sự nghiệp của mình. Vì có lúc tranh đấu để giành tấm huy chương có khi chỉ là để được thắng đối thủ, thậm chí đối thủ đó là động lực để sống, để phấn đấu, để thi đấu cho suốt sự nghiệp của mình, và cũng nhờ thế mà họ làm được những điều phi thường. Và đó là câu chuyện của Larry Bird và Magic Johnson.

 

#485: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: PHẦN 6 – VÀ NHỮNG BIẾN CỐ CUỘC ĐỜI – KHI GỤC NGÃ MỚI BIẾT ĐƯỢC AI LÀ BẠN.

VÀ NHỮNG BIẾN CỐ CUỘC ĐỜI – KHI GỤC NGÃ MỚI BIẾT ĐƯỢC AI LÀ BẠN.

#485: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: PHẦN 6 – VÀ NHỮNG BIẾN CỐ CUỘC ĐỜI – KHI GỤC NGÃ MỚI BIẾT ĐƯỢC AI LÀ BẠN.

Mùa hè năm 1985, Larry về quê nhà và quyết tự xây lại đường đi cho nhà của mẹ. Không may anh bị chấn thương nặng và gãy lưng. Lúc này, Larry đang ở đỉnh cao ở sự nghiệp. Chấn thương này đã từ đây ảnh hưởng nặng nề tới phong độ thi đấu của Larry tới sau này. Bất cứ một cầu thủ thể thao nào cũng đều biết rằng, sự nghiệp thể thao của họ không có gì khủng khiếp hơn là một chấn thương nặng! Không chỉ giảm phong độ thi đấu, mà thậm chí có thể chấm dứt cuộc đời một cầu thủ cho dù tuổi đời còn rất trẻ, và để lại những di chấn khó lường khi có tuổi sau này.

Nhưng dường như, nếu đó là Larry Bird – thì người ta sẽ không thể thấy bất cứ lời kêu than gì. Người ta vẫn thấy anh thi đấu hết mực, người ta vẫn thấy anh lăn ra sàn đấu trong đau đớn, chỉ là người ta không thể hiểu được sự đau đớn đấy nó khủng khiếp đến mức nào, vì người ta vẫn thấy Larry lại bò dậy để chơi tiếp.

Chỉ khi những bác sĩ khám trực tiếp cho Larry tiết lộ tình trạng của anh thì sau này mọi người mới hiểu được sự chịu đựng phi thường của Larry. (Kobe Bryant cũng là một người nổi tiếng vì sự chịu đựng như vậy, khi anh đã từng đứt toác cả gân chân mà vẫn cắn răng chạy và thi đấu cho đến hết hiệp.)

Sự chịu đựng ấy, bắt nguồn từ những ký ức ấu thơ từ người bố. Khi ông với tâm trí không bình thường, nhưng phải chịu đựng cả nỗi đau về thể xác mà vẫn phải đi làm kiếm tiền nuôi con. Những ngày ông đi làm việc bất kể sáng trưa chiều tối hay weekend, cậu bé Larry cần mẫn tìm mọi cách giúp bố xỏ được đôi chân sưng vù tím lịm của bố vào trong đôi ủng để ông đi làm mà không thể nào vừa vì chân sưng quá to do trước đó bị tai nạn công trường. Nhưng ông vẫn xỏ bằng được và mang đôi chân ấy đi làm không ngừng nghỉ vài ngày rồi mới lại trở về nhà trong đau đớn. Tính cách chịu đựng và chăm chỉ đến phũ phàng đấy, Larry đã bị ảnh hưởng hoàn toàn từ bố.

Những lúc hiếm hoi Larry mở lòng mình, anh sẽ vẫn nhắc lại những kỉ niệm cũ hay nhưng ký ức buồn bằng những thái độ nhẹ nhàng không u uất, như một người chưa từng đi qua những giông bão cuộc đời. Khi hỏi về cái chết của bố. “He had to do what he had to do”. “Bố đã phải làm điều bố phải làm thôi”. Anh trả lời bình thản…

Một khuôn mặt nhún vai khi kể về một ký ức buồn. Nhưng trong lòng Larry, những nỗi đau ấy chưa bao giờ đi xa và bớt day dứt. Chúng vẫn luôn ở đó và hằn sâu trong anh suốt cả cuộc đời, và chắc Larry chỉ cho phép chúng gặm nhấm riêng anh khi anh một mình với bóng rổ mà thôi!

Lúc này, Magic là đối thủ số một của Larry và thế giới bóng rổ được xoay quanh hai nhân vật. Sự phát triển nhanh chóng của NBA bắt đầu nảy sinh thêm rất nhiều nhân tài bóng rổ mới như Michael Jordan cũng như những tài năng cùng thời như Kareem, Dr J, Kevin McHale, James Worthy, Dennis Johnson….được có cơ hội tỏa sáng. Danh vọng và những cuộc vui thâu đêm suốt sáng khiến Magic được coi là một “playboy” chính hiệu trong làng thể thao. Một Larry oằn mình để chống chọi với chấn thương để giữ phong độ thì một Magic chỉ có chơi bóng và chơi gái, và… chơi rất nhiều thứ khác. Nhưng ngoài sân bóng là cậu Earvin ham chơi tới thế nào thì lên trên sân bóng vẫn là một Magic đỉnh cao và luôn luôn hừng hực quyết tâm phục thù Larry hết lần này qua lần khác.

Rồi một ngày vào năm 1991. Khi Magic đang lái xe tới Utah để thi đấu cho một trận trước giải thì nhận được điện thoại từ bác sĩ riêng nói rằng, anh phải trở về lại nhà ngay lập tức. Đó là một cú điện thoại rất bất bình thường và việc yêu cầu anh phải ngừng trận đấu để quay lại như vậy, chắc chắn là một tin xấu!

Và đúng vậy, đó là giây phút bác sĩ thông báo rằng, anh đã nhiễm HIV. Magic nói rằng, trời đất đã sụp đổ ngay dưới chân anh. Lần đầu tiên anh đã không thể kiểm soát được bản thân mình. Lúc này, Magic vừa mới cưới vợ được hai tháng và đang mang bầu đứa con đầu lòng.

Nhớ rằng, những năm đầu 90’s, sự hiểu biết về HIV vẫn còn chưa quá nhiều, chỉ biết rằng đó là một căn bệnh đáng sợ và nhiễm nó thì chắc chắn là nhận án tử hình. Thậm chí các nước phương Tây còn cho rằng HIV/AIDS chỉ là căn bệnh dành cho người đồng tính!

May mắn sau đó, vợ và đứa con trong bụng được chẩn đoán âm tính. Tuy nhiên, quyết định đau đớn nhất của cuộc đời vẫn phải đưa ra: Đó là phải nói lời từ biệt với bóng rổ!

Ngày 7 tháng 11 năm 1991, Magic Johnson đã phải tổ chức một buổi họp báo thông báo rằng mình đã nhiễm HIV và không thể tiếp tục thi đấu. Người ta nói, đó là một buổi họp báo hiếm hoi mà đã có rất nhiều phóng viên bật khóc. Nhưng điều đáng ngạc nhiên và khâm phục rằng, Magic thông báo với một thái độ rất vui vẻ, lạc quan. Anh còn nói rằng: “Tôi sẽ còn sống lâu” “I’m gonna go on and live for long”.

Nhưng cho dù anh có lạc quan tới cỡ nào thì xung quanh ai cũng sợ hãi và né tránh Magic. Người thì hồi hộp chờ đợi Magic sẽ trở nên gầy khô và “chết ngay trước mắt tất cả thiên hạ”. Người thì không dám gặp gỡ ôm hôn anh nữa. Điều đó làm Magic rất đau lòng, bởi vì anh là một người thích được quan tâm, yêu mến, được ôm. Những cô gái mây mưa, những người nổi tiếng, những nhà báo… họ đều quay lưng với Magic và chỉ chờ chực lợi dụng giật tin giật gân. Và tệ hơn nữa, những người anh coi là bạn thân thiết, đi qua bao cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, như người bạn thân Isiah Thomas, lại quay lưng nói xấu anh, thậm chí tung tin đồn Magic bị vậy là do anh là người đồng tính. Không chỉ mất bóng rổ, Magic mất tất cả, anh bơ vơ khi những người mà anh luôn thân thiện, giúp đỡ, vui vẻ giờ đều bỏ rơi anh. Và rồi người anh không bao giờ ngờ tới và thực sự đau lòng cho anh, muốn dang vòng tay ra ôm anh lúc này lại không phải là một ai xa lạ – đó chính là Larry Bird: đối thủ số một truyền kiếp và người thậm chí còn chưa giờ chào anh hay cho anh một cái ôm!

Larry đã nhấc máy lên gọi điện cho anh, và dù chỉ qua điện thoại, Magic cũng cảm nhận được Larry đang khóc. Điều mà chắc chưa ai được thấy bao giờ, chứ đừng nói tới đó là Magic. “Anh thế nào? Anh có ổn không?”. Larry hỏi trong nước mắt, và Magic cũng đã khóc theo. Hai người đàn ông của hai thế giới, hai đối thủ lừng lẫy đã luôn đối đầu nhau trên mọi mặt trận… bỗng nhiên trở thành những kẻ mềm yếu khi bày tỏ sự quan tâm đến nhau.

“Larry doesn’t really show his feelings. But when he does, it means serious”. Magic nói.

Larry nói rằng: cái ngày anh nghe tin Magic bị nhiễm HIV và sẽ không tiếp tục có thể trở thành đối thủ của anh nữa. Đó là một ngày đau đớn và đen tối, vì một nỗi đau sâu thẳm từ tuổi thơ lại tràn về, nỗi đau ấy tương tự như cái ngày anh nghe tin bố mình tự tử chết!

Tại sao một người không phải ruột thịt, lại là đối thủ truyền kiếp của mình, khi gặp chuyện lại khiến anh đau lòng như vừa mất đi một người thân thương như vậy? Đó là bởi vì Larry chưa bao giờ coi Magic là một kẻ thù, chưa bao giờ thù ghét Magic. Ngược lại, đó là một con người mà anh đã luôn biết ơn, trân trọng vì đã là động lực và tạo cho anh có một sự nghiệp bóng rổ rực rỡ, là con người mà anh ước mơ được sống cởi mở và luôn hạnh phúc như thế, là con người mà anh hiểu và nhìn thấy mình trong đó. Anh cũng hiểu rằng, mất đi một đối thủ, sự nghiệp bóng rổ bây giờ thật không còn nhiều ý nghĩa nữa. “And the game is not the same anymore”.

Chỉ có Larry mới đủ hiểu nỗi đau của Magic khi anh không thể nào được chơi bóng rổ nữa. Magic không sợ chết. Nhưng Magic sống không bằng chết nếu lấy đi bóng rổ ra khỏi cuộc đời anh. Một sự nghiệp bóng rổ đỉnh cao bất ngờ bị ngưng lại, một đam mê tận cùng của cuộc đời bị lấy đi. Có ai hiểu được điều này cho Magic hơn Larry?

Trong trận đấu bóng đối đầu cuối cùng mà không có đối thủ Magic. Nén nước mắt vào lòng cùng nỗi đau chấn thương, Larry đã thi đấu với phong cách của Magic, những đường chuyền trứ danh sau lưng, những cú no look pass, những cú chuyền bóng lừa đối thủ.. được Larry tái hiện rõ nét đến mức ai cũng đang nhìn thấy như Magic đang chơi trên sân. Và đó là cách Larry nói lời chào tạm biệt tới đối thủ của đời mình!

Tháng 2/1992 :Magic được mời chơi trở lại trong trận All Stars, và giành được MVP của trận đấu.

Tháng 8/1992: Bất chấp sự phản đối của một số cầu thủ trong NBA cũng như quốc tế. Magic vẫn vào Dream Team đại diện cho USA đi thi Olympic và đoạt huy chương vàng.

Cả hai trận đấu này, Magic đều được chơi cùng với Larry, có điều lúc này họ là đồng đội!

 

#484: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: PHẦN 5 – MÀN QUẢNG CÁO GIÀY TRỚ TRÊU

MÀN QUẢNG CÁO GIÀY TRỚ TRÊU

#484: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: PHẦN 5 – MÀN QUẢNG CÁO GIÀY TRỚ TRÊU

Cho dù đôi bên cứ đối đầu nhau và khác nhau một trời một vực như vậy. Thì một ngày, hãng Converse chơi lớn khi muốn cả hai đều có mặt trong quảng cáo của mình. Hai ngôi sao bóng rổ đều là số một không có số hai và là kỳ phùng địch thủ mà lại chịu chung trong một quảng cáo? Ý tưởng đầy tham vọng này đã khiến đoàn làm phim được phen mồ hôi chảy thành suối. Khi đề nghị này được gửi tới hai người, họ đều thốt lên: “Ủa, các chú.. bị điên à?”

Ý tưởng ban đầu là quảng cáo sẽ được quay ở LA, nơi Magic đang thi đấu cho Lakers. Ủa nhưng mà làm gì có chuyện dễ dàng thế? Nghĩ sao đi mời Larry mà Larry lại tới chỗ của Magic? Larry bảo muốn quay tao thì phải tới chỗ tao. Magic thì bảo ủa muốn mời tôi thì phải tới chỗ tôi. Hai anh ngúng ngẩy qua lại làm đoàn phim chạy mướt bên này rồi lại lả lướt sang bên kia. Kết quả cuối cùng là trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Trên sân bóng có thể Magic không chịu thua nhưng thôi ngoài đời, anh là chàng trai Earvin đáng yêu dễ mến, thôi có gì anh nhường hết!
Và thế là cả Magic lẫn đoàn phim thay vì được quay ở một set quay bóng bẩy sang chảnh với mặt trời sáng rực ở đất Cali thì phải dắt díu nhau về miền quê nghèo hẻo lánh vừa xa vừa rét vừa ít nắng của Larry. Và phải quay ở đúng nhà của Larry thì mới chịu!

Lúc này đoàn phim cũng hồi hộp vô cùng vì không biết sẽ ghìm hai anh hùng cái thế vào một khuôn hình sẽ thế nào. Mỗi lần thấy hai người họ với nhau là chỉ là những lúc tóe lửa, lao vào nhau sứt đầu mẻ trán.
Kịch bản là hai anh sẽ đấu nhau trên chính sân đấu của nhà Larry. Khi đứng trước máy quay, hai anh nhìn nhau bối rối vì thấy đạo diễn yêu cầu là đây sẽ là một cảnh đấu bóng. Cả hai anh nghĩ thế ủa là đấu nhau… thiệt hay là giả? Vì đây không phải là 2 diễn viên, mà đây là Larry và Magic. Giờ đấu nhau là bố của máy quay cũng theo không kịp chứ chưa nói quay cho đẹp nhé. Quay chưa bắt đầu nhưng nhận thấy ánh mắt hai anh đã sẵn sàng hừng hực, anh AD nhảy ngay vào giữa can ngăn và giải thích văng cả nước miếng: “Không, không phải là đấu nhau kiểu như… trên news đâu, bọn mình giả vờ đấu vui vui thôi”. Đoàn phim được phen hú hồn. Hai anh trông hổ báo cáo chồn vậy thôi nhưng mà thực ra tự họ cũng hú hồn theo đoàn phim!

Ngày thứ hai quay phim, lần đầu tiên họ thực sự ngồi gần nhau đến thế và nhìn nhau với ánh mắt không thù địch và căng thẳng. Anh La hỏi anh Ma Hôm nay trời đẹp không? Cậu có khỏe không? Anh Ma trả lời Trời đẹp ghê, tôi khỏe thế anh có khỏe không? Thế là hai anh đều khỏe cứ hỏi thăm sức khỏe nhau qua lại cũng được cả tiếng. Nhưng đó là lần đầu tiên họ thực sự nói chuyện với nhau và cảm nhận được sự thân thiện lẫn nhau. Cũng là lần đầu tiên Larry mở lòng mình với Magic bằng những điều nhẹ nhàng giản dị như thế. Rồi dần dần hai người pha trò và cười phá lên với nhau. Larry dẫn Magic đi coi vườn, coi sân, còn khoe mình lái máy cày cày cỏ, Magic há hốc mồm vì.. anh giàu thế mà phải tự lái máy cày ư?

Trưa đó, Larry bảo: “Tới giờ ăn trưa rồi”. Magic thì đang nghĩ tới bữa hamburger một mình trong cabin thì Larry bảo: “Không, tới nhà tôi ăn trưa. Mẹ tôi làm đồ ăn cho bọn mình rồi đấy”. Magic hết sức ngỡ ngàng…
Bữa trưa hôm đấy, có cả mẹ Larry, có anh em trai của Larry. Có lẽ là điều cực kỳ hiếm hoi Larry mời bất cứ ai tới nhà mình ăn cơm với gia đình, mà với Magic – kẻ thù số 1 không đợi trời chung, có lẽ còn chẳng ai có thể ngờ tới. Đó quả thật giống như cao trào của một bộ phim điện ảnh khi hai nhân vật chính đã tới được giây phút tháo gỡ được căng thẳng và bắt đầu yêu nhau ????.

Nhưng mà… phim thì vẫn là phim chứ đời thì không giống như phim. Cứ ngỡ sau buổi gặp gỡ dịu dàng ấy, Magic đã có thể làm bạn được với Larry. Ai dè chia tay xong, ngày sau Larry lại như một người đàn ông băng giá, mặc dù Magic có nịnh cỡ nào Larry cũng không thèm đi uống bia cùng.

Những sản phẩm hai người quảng cáo khiến cho mọi người tranh cãi, những đứa trẻ da đen không thích đi đôi Larry vì không muốn bị coi là Larry, và ngược lại. Những cuộc khẩu chiến, sản phẩm công kích nhau đôi bên để kích bán hàng. Nhưng với Larry và Magic, câu chuyện vẫn hoàn toàn chỉ là thế, mọi thứ vẫn rõ ràng như là đen và trắng, không có gì quan trọng hơn việc là được làm đối thủ của nhau

#483: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: PHẦN 4 – MỘT THẬP KỶ ĐỐI ĐẦU NHAU VÀ LÀ LẼ SỐNG CỦA NHAU

MỘT THẬP KỶ ĐỐI ĐẦU NHAU VÀ LÀ LẼ SỐNG CỦA NHAU

Lúc này, khi nền bóng rổ đang được thống trị bởi người da đen, thì bỗng nhiên từ đây Larry được tôn sùng thành một “White Savior”, một người da trắng cứu rỗi nhân loại. Người da trắng tự hào và hạnh phúc khôn xiết vì họ có một cầu thủ tài giỏi và không kém cạnh gì bất cứ người da đen nào, và rằng mộn bóng rổ không thể chỉ là của người da đen. Họ nâng tầm Larry đến mức như Thánh sống. Nhưng truyền thông lại luôn vất vả với Larry, vì mỗi lần anh xuất hiện, là anh vô cùng nhạt nhẽo, chỉ nói những câu ngắn gọn và lịch sự có khi về… thời tiết, không bao giờ có bất kỳ một lời nói nào xúc phạm hay chê bai bất kỳ ai cho dù được khích bác đến cỡ nào, và cũng không bao giờ phản ứng với mọi lời xúc xiểm kể cả đến từ những cầu thủ da đen khác. Mọi danh vọng, mỹ từ, quyền lợi Larry đều dửng dưng, anh chỉ cần được chơi bóng rổ, và đích cuối cùng vẫn chỉ là đấu với Magic.

Mọi người vô cùng ngạc nhiên với tính cách kỳ lạ của Larry. Anh sinh ra ở một vùng quê rất nghèo và nặng những tôn giáo, hủ tục, những giáo phái đáng sợ, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ Larry bị tẩy não và luôn cư xử rất văn minh, chừng mực. Khi mà nạn phân biệt chủng tộc còn đang dữ dội như vậy, cả cuộc đời anh là đối đấu với những người da đen, nhưng Larry chưa từng một lần nói xấu hay phỉ báng họ. Larry kể lại: “Lúc tôi còn nhỏ, khi đi ngang qua một sân bóng rổ với những cậu bé da đen khác đang chơi bóng. Tôi đã xin được chơi cùng, và họ đã dang tay đón nhận tôi làm bạn, chơi bóng với tôi, dạy tôi chơi bóng, họ không phân biệt tôi là màu da gì. Tôi đã luôn muốn đấu với những người giỏi nhất, và họ là những người giỏi nhất”.

Trong khi Larry ngày càng khép kín và chạy trốn khỏi truyền thông thì Magic trở thành một celeb hạng xịn. Khi trên sân, anh là Magic chơi bóng quyết liệt, còn khi ngoài sân, anh là chàng trai Earvin ham chơi, hay cười, thân thiện với tất cả mọi người và… ăn chơi trác táng. Ông chủ Playboy sẽ mời Earvin tới chơi qua đêm với hàng chục những cô gái nóng bỏng ở biệt thự trứ danh của ông. Những celebs lớn nặng đô như Michael Jackson cũng bày tỏ sự hâm mộ. Các cô gái lao đầu vào anh chàng Earvin như thiêu thân và được cái anh cũng không… từ chối. Magic từng chẳng ngại ngần tiết lộ khi được phỏng vấn trên tivi rằng anh đã từng một đêm xoạc tới cả 6 cô cùng một lúc. Muốn gặp Magic thật cũng chẳng khó chút nào. Nhưng với Larry, khán giả vất vả để được gặp thần tượng ngoài đời. Ân huệ duy nhất Larry dành cho fans đó là thỉnh thoảng vào một sáng thứ bảy, sẽ thấy anh lái máy cày ra trước sân nhà… cắt cỏ. Có mỗi thế thôi mà fans cũng sung sướng hỉ hả đứng kín ngắm nhìn say mê!

Cứ mỗi khi đối đầu trên sân, là dù bất kể ngoài đời họ khác nhau thế nào thì trên sân họ luôn là tấm gương phản chiếu của nhau, dường như mọi nỗ lực, mọi sự phấn đấu chỉ là để được đấu với nhau mà thôi. Và mặc dù mọi nỗ lực của Magic muốn được làm bạn với Larry mỗi lần “off court”, khi chủ động làm quen, hay cười, thích ôm, thì Larry chỉ là một hòn đá tảng lạnh lùng. Magic đã từng thốt lên: “Tại sao ai cũng yêu tôi, mà anh lại không yêu tôi?” “Everybody loves me, why don’t you love me?”. Và Magic mặc định rằng Larry rất ghét mình. Nhưng phải nhiều năm sau này anh mới biết, thực ra Larry biết hết tình cảm của anh, chỉ là Larry không là người thể hiện tình cảm của mình với người khác. Ngay cả khi Larry chiến thắng, anh cũng chưa bao giờ vui vẻ hoàn toàn, khi Magic đang khóc trong phòng tắm với sự giận dữ, Larry cũng lắng mình trong chiến thắng của mình vì cảm thông với nỗi buồn của Magic. Bởi vì Larry hiểu, mình cũng đã trải qua sự thất bại ấy nó đau đớn đến thế nào!

Cứ mỗi trận đấu mà ai thắng hoặc thua, là sẽ lại khiến cho hai người điên cuồng tập luyện để “trả thù”. Cứ người này thắng, thì người kia sau đó sẽ thắng lại. Cứ như vậy, họ hạnh phúc vì có nhau trong cuộc đời và nhờ thế cống hiến những màn trình diễn bóng rổ ngày càng đỉnh cao cho khán giả. Họ cứ đọ nhau qua lại như vậy, rồi cho tới một ngày một sự trớ trêu ập tới…

#482: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: PHẦN 3 – SỰ ĐỐI ĐẦU ĐÃ THAY ĐỔI LỊCH SỬ VÀ CỨU RỖI CẢ MỘT NỀN THỂ THAO.

SỰ ĐỐI ĐẦU ĐÃ THAY ĐỔI LỊCH SỬ VÀ CỨU RỖI CẢ MỘT NỀN THỂ THAO.

Từ đây, bất kể là Larry hay Magic chơi cho đội nào. Mục đích chính của họ chỉ đơn giản là để được đọ sức với nhau và chiến thắng lẫn nhau. Hai bên ngấm ngầm cạnh tranh nhau trên mọi mặt trận, và như một kịch bản phim truyền hình phong cách Á đầy cliché, cặp đôi ghét nhau và cạnh tranh với nhau cũng chỉ là để dành sự chú ý lẫn nhau.

Một ngày, cả hai nhận ra, mỗi lần trên sân bóng, họ ghét nhau đến thế vì đơn giản họ chính là… tấm gương phản chiếu của nhau. Từ thái độ hiếu chiến, cách phòng ngự, sự tham vọng lẫn cái cách… hằm hè nhau. Điều thú vị về Larry Bird đó là, cứ khi ra khỏi sân bóng thì hiền khô lầm lì, ít nói, không giao du, nhưng cứ ở trên sân bóng thì thành một con người hoàn toàn khác: hiếu chiến và… chửi người khác như ranh. Larry là một trong những người nổi tiếng nhất thế giới về “trash talk” on court. Hầu hết các cầu thủ từng chơi với Larry, thậm chí cả HLV đều từng bị Larry xéo xắt cho từ bố cho đến mẹ cho đến cái quần lót màu hường. Có thể đó là cách xả năng lượng của Larry với bao kìm nén dồn ứ đổ hết lên trên sân bóng!

Lúc này, nền bóng rổ vẫn đang cố gắng đứng dậy từ vực thẳm của những năm tháng bết bát từ những năm 70’s và vẫn không có nhiều khán giả cho dù đang có hai cao thủ võ lâm đại tài. Giải bóng vẫn vật vã để kiếm rating từ khán giả. Tới giải đấu 82-83. NBA dưới thời của David Stern, một vị chủ tịch cực thông minh và nhanh nhạy luôn đi trước thời đại, đã ký được một hợp đồng truyền thông với đài CBS. David Stern đã có “âm mưu” với CBS. Họ nhận ra Larry và Magic là hai “con mồi” hoàn hảo để tạo ra một chiến lược truyền thông mang nặng màu sắc của thời cuộc. Nhận thấy sự khác biệt về tính cách, về màu da, đội bóng. Lúc này Magic đang chơi cho Lakers còn Larry đang chơi cho Boston Celtics (một đội luôn nổi tiếng là racist). Một đội đình đám ở Bờ Tây, một đội đình đám ở Bờ Đông. Một người da trắng, một người da đen. Một người khép kín, một người cởi mở… nhưng cả hai lại đang là những cầu thủ ở đỉnh cao nhất. Xuyên suốt toàn bộ giải đấu năm đó, hình ảnh và thông tin của Larry và Magic được “bán” triệt để. Những câu chuyện cạnh tranh về hai nhân vật liên tục được truyền thông bơm tỉa. Họ được xào nấu để trở thành những đề tài bất tận để kích động tinh thần fans. Và cuối cùng, khi cả hai cùng tiến tới vòng chung kết giải năm đó với Lakers và Boston Celtics – Bờ Đông đối mặt với Bờ Tây. Trắng đối với Đen: mọi nỗ lực và chiêu trò của truyền thông đã được đền đáp xứng đáng. Có những điều rất kỳ lạ và khó hiểu đã xảy ra, ví dụ như một số fans da đen tuy quê nhà ở Boston nhưng lại mong Lakers thắng, lý do đơn giản là vì họ muốn thắng vì màu da hơn là màu cờ sắc áo, và… ngược lại. Fans da trắng từ quê nhà Cali lại chỉ mong Lakers bị Larry đánh bại. Mọi sự căng thẳng và đối đầu sôi sục trong cộng đồng, có lẽ tự bao giờ nhiều người còn không nhận ra họ tự nhiên đã quan tâm đến bóng rổ nhiệt tình tới như thế từ lúc nào.

Trong khi cả thế gian sôi sục vì thắng thua, màu cờ sắc áo, màu da, lối sống. Thì với Larry và Magic lúc này, mọi việc hoàn toàn không có gì đơn giản hơn chỉ là để được đọ sức với nhau. “Tao muốn đấu với mày vì mày xứng đáng làm đối thủ của tao”. Họ điên cuồng tập luyện vì chỉ nghĩ đến việc được đánh bại nhau!

Loạt series 7 trận đấu của giải năm đó thắng thua sát nhau từng điểm một, và tỉ số liên tục đuổi bám nhau. Nếu trận này Magic thắng thì chắc chắn game sau đó phải là Larry thắng. Sự ngang tài ngang sức thể hiện ở những điểm số chóng mặt. Tại game 4, Celtics đã thắng Lakers với tỉ số sát sao là 135 -132, trong đó Magic trở thành tội đồ vì ném 2 quả phạt đều không thành công và Larry lại bắn được phát cuối hai điểm để vươn lên chiến thắng sít sao. Cứ như thế, càng về cuối, những trận đấu ngày càng nghẹt thở và lượng khán giả theo dõi đã đạt đến mức lịch sử.

Cuối cùng, chiến thắng đã gọi tên Larry Bird cho Boston Celtics. Nếu 1979 Magic đã đại thắng Larry và Larry ôm nỗi hận đấy khôn nguôi thì cuối cùng, bây giờ Larry được trả thù oanh liệt mà không phải chờ tới 20 năm sau như cụ Kim Dung hay tuyên truyền. Lúc này Magic đã hiểu được cảm giác ôm hận mà 5 năm trước Larry đã mang trong lòng là như thế nào. Magic đã vào phòng tắm và khóc nức nở. Khóc không chỉ là việc đội mình thua, khóc là vì mình đã bị thua đối thủ số một của mình!
Trận đấu năm đó là trận đấu có tỉ lệ người xem cao nhất của đài CBS trong năm, điều mà trước giờ bóng rổ chưa bao giờ xảy ra. Cũng là giải đấu đông khán giả và views nhất trong lịch sử của bất cứ trận đấu nào của NBA. Kể cả người trước giờ không quan tâm đến bóng rổ giờ cũng xem bóng rổ!

Trận chung kết năm đó cũng đã trở thành khoảnh khắc lịch sử của giải NBA vào mọi thời và cũng chính thức mở đầu cho sự trở lại của nền công nghiệp bóng rổ.

Từ từ, những màn biểu diễn hấp dẫn siêu đỉnh của hai cầu thủ đã khiến khán giả lựa chọn cho mình xem bóng rổ vì những màn biểu diễn hấp dẫn, ưa thích thần tượng của họ vì lối chơi, tính cách và con người họ thay vì họ chơi cho ai và màu da nào. Fans có thể cùng thích một thần tượng của họ mà không còn phân biệt là da đen hay da trắng. Và bỗng nhiên, nhờ thế, sự cạnh tranh lẫn nhau của họ đã khiến cho các trận đấu hấp dẫn hơn hẳn. Không chỉ là họ đang đối nhau, mà fans đối nhau, da trắng da đen đối nhau, truyền thông đối nhau, các đội phải nỗ lực để đối nhau. Cả hai đều cố gắng rèn luyện “công lực” không ngừng nghỉ, và vì thế, chất lượng các trận đấu ngày càng hấp dẫn nghẹt thở. Bỗng một ngày người ta nhận ra, bóng rổ Mỹ đã đang quay trở lại và từ lúc nào nó đã trở thành một nền công nghiệp tỉ đô, gây sự chú ý với toàn bộ khán giả Mỹ và cả thế giới, chứ không còn là một môn thể thao đấm đá nghiện ngập nặng mùi phân biệt chủng tộc như những năm 70’s nữa.

Bóng rổ của những thập kỷ 80’s, từ đây nó không còn chỉ là những trận đấu thắng thua tẻ nhạt, mà nó còn là một nền văn hóa, một phần của hiphop, những thế hệ đàn em xuất hiện như Iverson, đã mang đặc hơi thở hiphop và thời trang vào từng màn đấu bóng, vào âm nhạc, đặc biệt là rap, rnb. Sau này, những nhân vật tiếp nối như Michael Jordan đã đưa NBA lên cấp độ quốc tế, trở thành một trong những nền công nghiệp thể thao giàu có nhất, quyền lực nhất và nổi tiếng nhất toàn cầu!

Vậy nên, lịch sử đã ghi danh và biết ơn Magic và Larry, hai người đã vực dậy và làm sống lại cả một nền thể thao NBA. Điều mà ai cũng nhận ra rằng, nếu chỉ có một mình Magic, hay chỉ một mình Larry, thì dù có tài giỏi đến mấy, họ cũng sẽ chết buồn nếu không có đối thủ và một mình họ không thể làm nên được lịch sử.

#481: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: PHẦN 2 – ĐỘC CÔ CẦU BẠI ĐÃ CẦU ĐƯỢC BẠI

May be an image of 3 people

Vào những năm 60’s và 70’s của nước Mỹ. Nền bóng rổ vô cùng bết bát, những trận bóng tràn đầy bạo lực, có lúc người ta xem bóng rổ mà tưởng đang xem đấm bốc. Chưa kể, tệ nạn ma túy, chơi thuốc, trụy lạc khiến các cầu thủ chơi bóng kém hiệu quả và nhiều bạo lực. Bộ môn thể thao lúc này cũng đang được lấn át bởi phần lớn là người da đen. Người da đen chơi bóng thì người da trắng sẽ không tới mua vé hay xem trên TV, mà lúc này, người da trắng vẫn là những người có nguồn thu nhập tốt hơn và chịu chi nhiều hơn trong xã hội. Thậm chí, để giảm độ “sung” của người da đen, họ còn ra những luật vô ly như là cấm “dunk”, vì kỹ thuật này hầu hết người da đen giỏi hơn rất nhiều vì thể lực của họ. Vậy nên, nền bóng rổ ngày càng đi xuống vì thiếu khán giả, nạn phân biệt chủng tộc và những trận đấu nhạt nhẽo kém hấp dẫn!

Ngày 26 tháng 3 năm 1979. Hai người đại diện cho hai bang của mình để đấu trận chung kết giữa Indiana State University và Michigan State University cho giải NCAA. Đây là lần đầu tiên hai người có cơ hội được đối đầu nhau trực tiếp và lần đầu tiên, sau rất nhiều năm người ta bỏ quên bóng rổ, mà lại có một trận đấu đại học nghẹt thở mà lại thu hút được nhiều khán giả quan tâm đến thế.

Lúc này, tình hình đang có chút unfair, đội của Magic đồng đều về chất lượng hơn đội của Larry. Có thể nói bên đội Larry, một mình anh phải gánh toàn team, và vì Larry là mối hiểm nguy duy nhất nên chỉ riêng Larry cũng luôn bị kèm bởi 2,3 cầu thủ khác. Mỗi quả ném bóng vất vả của Larry đều như một lần superhero đi giải cứu thế giới.

Kết quả cuối cùng là đội của Magic đã thắng. Còn Larry, lần đầu tiên nếm mùi thất bại, và cũng là lần đầu tiên đã tìm được đối thủ cho cuộc đời mình. Larry ngỡ rằng đối thủ đang thật sung sướng vì mình đã thất bại nhưng anh không hề biết rằng, chỉ trước đó cũng trong ngày, Magic đã nếm trải sự thất bại của mình trước cả Larry. Khi cùng ngày với trận đấu, giải “Rookie of the Year” ((giải thưởng dành cho cầu thủ xuất sắc nhất trong số những cầu thu tham dự giải năm đầu tiên)) đã được trao cho Larry, với số điểm phiếu bầu chênh lệnh khủng khiếp là 63/3. Vì mất giải thưởng danh giá này trong khi mình ngỡ rằng đang là đỉnh cao của chóp, đã làm động lực khủng khiếp khiến Magic phải quyết tâm chiến thắng Larry vào tối hôm đó.

Và thế là, thực ra hai anh hùng hào kiệt đều nếm trải sự chiến thắng và thất bại với tư cách là đối thủ của nhau trong cùng một ngày. Sau này, Magic thổ lộ: “I won the championship but I wanted the Rookie of the year”, còn Larry thì lại nói: “I had the Rookie of the Year but I wanted the championship”.

Và từ lúc đấy, họ đã tìm được ý nghĩa cho sự nghiệp bóng rổ của mình. Họ chơi không phải chỉ là để nhất, họ chơi là vì cuộc đời của họ đã có đối thủ xứng tầm để biến nó thành những động lực, mục đích, và trở thành một lẽ sống. Độc cô cầu bại từ nay đã không còn cô đơn!