Thỉnh thoảng chắc chẳng mấy khi có ai băn khoăn về những vật dụng nhỏ nhỏ mỗi ngày như cái đũa, cái tăm hay một con cá bữa tối mà để tới được bàn ăn của bạn thì trước đó là cả một hành trình mưu sinh vất vả tàn khốc của con người mà thậm chí có thể tưởng tượng cũng chưa chắc ra được. Như mình có mấy khi nghĩ tới điều đó cho tới khi xem những phim tài liệu như thế này. Nó làm cho mình nghĩ về không chỉ là cái đũa hay con cá được kể trong phim, mà nó làm mình nghĩ tới mọi điều dù nhỏ nhoi trước mặt bạn, thứ bạn đang dùng mỗi ngày là cả những câu chuyện cuộc sống vĩ đại đằng sau nó. Mà đôi khi bạn nên biết để biết yêu thương, nhân văn hơn với cuộc đời và biết quý những gì mình có, dù chỉ là một vật rất nhỏ và quá quen thuộc mỗi ngày.
Mình rất thích những kiểu làm tài liệu như thế này. Những cách khai thác góc nhìn và đề tài đi vào phía sau, phần con người, mà rộng hơn là phần cuộc sống thực sự tạo nên nó, chứ không phải ở việc chỉ mô tả một sự vật, hiện tượng, vật dụng. Ví dụ theme là: “Deadliest roads”, dịch nôm na là: “Những con đường chết chóc nhất”. Ngay lập tức người ta sẽ nghĩ rằng chắc hẳn đó là những con đường khấp khểnh xoắn tít, lên thác xuống ghềnh, dốc núi cheo leo, bom đạn chết chóc… nhưng không phải lúc nào cũng hiểu theo chỉ một nghĩa như thế. “Deadliest” ở đây là hành trình vất vả tận cùng của con người trên những chặng đường mưu sinh của họ. “Chặng đường” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Và con đường ấy có khi chỉ là con đường làng quê, một con đường đời thường tấp nập trên phố, nhưng cũng có khi là sông nước cuồn cuộn, dốc núi cheo leo sạt lở… nhưng trên những con đường ấy là những con người đang gồng mình di chuyển để tồn tại, để kiếm được dăm ba đồng cuối ngày trở về nhà. Một chú nông dân quê đạp xe cả chục tiếng mỗi ngày với một cái xe đạp chở vó cá khổng lồ đến giữ thăng bằng còn khó, băng qua cả từ những con đường quê khấp khểnh đến những con đường nhựa, mà có ngày chưa chắc bán được một cái vó nào. Những người ngư dân vượt nước dữ thác đổ trên một cái dây thừng chỉ để bắt được vài con cá, những thanh niên lao động chân tay vào tận rừng sâu chặt vác những bụi tre nặng hàng chục ký trên vai đi bộ hàng km, rồi còn phải ngồi lên những cây tre ấy thả trôi sông đi hàng chục km nữa trên nước, qua hang động nước xiết, vác đi giao cho chiếc xe công nông tự chế, rồi lại phải đi hàng chục km nữa trên những con đường núi sạt lở mới đem được chục thanh tre tới cho xưởng làm đũa. Những bộ đũa ấy có khi vài chục nghìn, những gói tăm có khi vài nghìn… Mỗi người vất vả và tràn đây hiểm nguy như vậy, có khi họ chỉ được dăm ba chục nghìn để tồn tại mỗi ngày… niềm vui của họ giản dị tới mức, có khi chỉ là bắt được một con cá to đủ để “ấm” cho ngày hôm nay.
Những con đường ấy không được mô tả bằng hình ảnh vật lý đơn thuần, nó có bước chân người đi trên đó. Và những bước chân ấy nặng trĩu, công kênh, thậm chí run rẩy. Mình thích những cách kể chuyện của người làm tài liệu như vậy. Ở đây, người làm phim không chỉ là một người quan sát và kể lại, mà họ còn là một người bạn đồng hành, là một người hiểu thực sự những gì đang diễn ra, và chỉ khi hiểu thì kể lại nó mới đem lại được cảm xúc, và những bài học.
Cách mình làm tài liệu cũng hướng theo philosophy như vậy. Người làm phim luôn là một người bạn đồng hành với nhân vật, với câu chuyện, kể cả cái vật mà mình nhắc tới. Và mỗi một vấn đề, luôn phải là cả một “CUỘC SỐNG” ở đằng sau đó. Cuộc sống cũng không có nghĩa cứ là một cuộc sống của chỉ con người, mà của vạn vật, Để làm ra được vậy, là điều không hề dễ dàng, cực kỳ khó là đằng khác. Bởi để làm được thế, điều đầu tiên là phải có tâm (có tâm với cái đề tài của mình), thứ hai là sự nhạy cảm, nhạy cảm để biết quan sát và nắm bắt những gì là “cuộc sống”, là “khoảnh khắc” (chứ không phải cứ giơ cái máy lên mà quay), thậm chí đôi lúc còn phải tạo ra khoảnh khắc. Thứ ba là sự dũng cảm và hết mình, cảm nhận được nhưng có dám làm dám dấn thân hay không? Có chịu khó chịu cực cả tinh thần và thể xác hay không? Cái thứ tư là tư duy cởi mở, chỉ khi cởi mở với cuộc sống mới nhìn được nhiều góc độ, và sẽ biết cách tiếp cận một cách khách quan nhất, sẽ kể lại một cách thuyết phục nhất (chứ phiến diện thì chẳng được lòng người). Biết thông cảm và yêu thương cuộc sống tự nhiên sẽ thấy được bao điều hay ho để mà kể lại… Những điều còn lại như trang bị cho mình kiến thức, kiến thức cuộc sống, kiến thức làm phim, một ekip tốt, sự đầu tư tốt… đó là điều đương nhiên không phải bàn tới! Tới đây thấy làm phim khó ha!
Rất nhiều lý do vì sao những bộ phim quảng cáo, những thước phim quảng cáo du lịch nhìn rất hoành tráng, rất lung linh. Màu sắc kỳ ảo, núi cao biển rộng, quần áo sặc sỡ, những nụ cười được mùa. Nhưng rồi videos nào cũng giống cái nào, nhạt nhẽo vô hồn. Cái đẹp thế nào nhìn tới lần hai lần ba người ta cũng sẽ chán. Mà một cái đẹp bề ngoài không có tâm hồn bên trong thì là thứ chỉ để dành cho “một lần”. Chưa kể, cái đẹp của mình có chắc là cũng đẹp hơn được ai ngoài kia để mà khoe mãi một kiểu như vậy? Cái này điển hình của mấy cái clips du lịch Việt Nam. Nhạt nhẽo, vô hồn, quá coi trọng cái vẻ đẹp bề mặt, người ta không thấy được tính văn hóa và sự đặc sắc thực sự, yếu tố “con người” và “cuộc sống” trong đó!
Còn phim ảnh thì… à mà thôi =)). Nói ra là friendlist mình giảm đi nửa bây giờ bỏ mẹ :D.
Để master được những cách làm phim sâu sắc, cách kể chuyện hấp dẫn và chạm được vào trái tim của khán giả. Đó là câu chuyện sự nghiệp của hàng chục năm, có khi của cả một cuộc đời. Mình cứ phải tập thôi!
Phim tài liệu mà mình đang làm bây giờ, nói về một số nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Nhưng câu chuyện không chỉ là cái nhạc cụ đó nó được làm thế nào, nó được chơi ra sao. Mà nó đến từ đâu, ai tạo ra nó, cuộc sống và cả một nền văn hóa phía sau nhạc cụ ấy thế nào? Một quả bầu làm ra cây đàn. Nhưng quả bầu ấy, là bao sự vất vả mồ hôi của người nông dân, là những món ăn dân dã của bà và mẹ, là những câu nói chân chất mộc mạc mà chỉ một câu nói thôi đã thấy cả một trời quê và tuổi thơ của ai đó ùa về! Phim mình, mình không làm để cho tất cả mọi người. Mình chỉ làm cho đúng đối tượng của nó: là những con người giống mình, yêu thích những thứ giống mình, yêu di sản, văn hóa, yêu những điều sâu hơn của một vẻ bề mặt, và đương nhiên đủ kiên nhẫn để đọc hết cả cái bài tâm sự này :D.
Giờ lại quay lại với những quả bầu cây tre và những người nông dân đáng yêu trên bàn dựng đây!
(Các bạn có thể lên Youtube để xem những phim tài liệu như thế này. Nó free đấy! Nên xem, để hiểu hơn cuộc sống này!)