Posts in 0chilablog

#599: Trái táo ta – trái táo Bàng La

TRÁI TÁO TA

Vì muốn ăn quả táo Bàng La xịn nên mình đã quyết định đạp xe tới tận Bàng La để được ăn quả táo từ trên cây. Đạp đến rách bươm cả cái quần ưa thích. Quần này rách thật, nghèo thật, không phải sành điệu nhé!

Chị chủ vườn táo khi ra đón mình đầu cổng còn bảo: “Chỉ khi nào ăn tận quả táo trên cây chính vườn thì mới chắc chắn là ăn được đúng táo Bàng La thôi đấy nhé!”.

Để mô tả lại cho các bạn là vì sao quả táo Bàng La nó lại phải kỳ công như vậy. Nếu thế hệ đầu 9x (chắc ngoài bắc này) đổ lại từ xưa thì sẽ biết tới cái quả táo ta nhỏ, mỗi nơi có thể có cái tên khác nhau nhưng chắc phổ biến nhất gọi là “táo dai”, “táo ta”, “táo chua”. Quả nhỏ, hơi thuôn dài. Do nó có vị chua chua và ngoại hình không bắt mắt nên qua thời gian người ta ngày càng ít trồng, và thay vào đó là loại táo lai tạo hay biến đổi gien to đùng, ăn vừa bở vừa nhạt vừa vô duyên. Táo ta nguyên bản ngày càng mất đi, lâu dần người ta còn quên luôn cả vị táo ta truyền thống nó là thế nào. Bọn trẻ con bây giờ thì càng ít biết.

Táo Bàng La là một trong những loại táo còn giữ lại đúng vị táo ta nguyên bản của cái thời tuổi thơ của bao thế hệ đấy, mà không chỉ là vị tuổi thơ, mà nó còn là một vị ngon của tuổi thơ. Nghĩa là trong bao nhiêu quả táo tuổi thơ đã ăn thì không phải lúc nào cũng được cái vị nó hơi chua chua lại ngòn ngọt, thơm lừng mỗi khi ngả vàng, có khi thỉnh thoảng mới vớ được một quả. Nhưng với táo Bàng La thì đó có thể là cả một khu vườn.

Vậy nên quả thật có 2 điều cần phải được tôn vinh với trái táo này. Đó là sự duy trì và hồi phục lại cho thế hệ mới một thứ quả đặc sản rất ngon của người Việt, diệt trừ đi cái loại táo lai căng nhạt nhẽo vô bổ bán đầy rẫy ngoài đường bây giờ. Thứ hai là gì đang tạm thời quên mất chốc nhớ ra sẽ viết lại 😊).

Mặc dù đi khắp Hải Phòng chỗ nào cũng có thể người ta giăng biển là bán táo Bàng La nhưng chắc chắn là không thể đó đều là Bàng La, đặc biệt là người sành ăn thì ăn một miếng dù kể cả cũng “hơi ngon ngon” cũng vẫn biết ngay đó là Bàng La hay không. Lý do bởi vì Bàng La chỉ là một cái phường nhỏ của quận Đồ Sơn. Mà trong cái phường ấy cũng chỉ có một khu đất trồng táo. Cây táo Bàng La phải lai ghép mới ra và hơn cả, vị nó ngon chỉ khi nó được trồng trên đúng đất và khí hậu của Bàng La, nơi gần biển và đất có vị chua, mặn. Ra khỏi Bàng La dù vẫn là Hải Phòng là trái táo đã thành loại 2, loại 3 chứ chưa nói có thể nhân giống ở vùng miền khác. Vì số lượng táo ít như vậy mới có đi từ vườn ra đầu đường đã hết bay rồi chứ sao mà bán đi khắp cả thành phố hay trên mạng rao báo: “Bao nhiêu cũng có” được như thế. Sự pha ke rộn ràng này khiến quả táo cũng khá là mang tiếng, bởi mang tiếng “Bàng La mà sao ăn cũng thấy bình thường mà, có gì đặc biệt đâu”. Nhưng mà quả thật có mang tiếng cỡ nào thì cả cái vườn cũng vẫn hết bay trong nốt nhạc cần đếch gì đâu 😊)).

Ngay cả khi đặt mua từ người từ chính vườn cũng chưa chắc là Bàng La, vì người ta cũng vẫn hoàn toàn trộn thêm được táo từ nơi khác vào để ship đi (vì không thể đủ số lượng). Cách chắc chắn nhất chỉ có là tới tận vườn, hái tận tay, nhét vào túi mang về 😊)).

Mình đạp xe thong thả đi dọc con phố dài trong khu làng nhỏ để ngắm những vườn táo rủ rỉ lúc lỉu hai bên đường. Táo tràn ra cả mặt phố, nằm ngả la liệt trên những mảng tường cũ thấp hơn cả cái yên xe, có nơi thậm chí còn chả thèm rào. Con đường bình yên, sạch sẽ, hoa cỏ trồng rủ rỉ. Lâu lâu lại đỏ rực cả một vùng trời vì những cây hồng trái lá đổi màu đang rụng. Rất tiếc là tới vào khi những cây hồng này đã rụng lá gần hết, chứ khoảng 1,2 tuần trước nữa thôi chắc ngất lịm. Lá đỏ kín mít đổi màu rất đều và vô cùng rực rỡ, không kém gì khung cảnh của một mùa thu xứ lạnh. Trên cây thỉnh thoảng vẫn còn sót lại 1 vài quả hồng trái mùa. Không gian nơi đây rất lặng lẽ, bình yên. Con đường thỉnh thoảng mới có một tiếng xe máy vút qua, còn lại là những chiếc xe đạp như mình, có vài ông bà cụ chậm rãi đi dạo, một vài đứa trẻ con đi học về cười nói rổn rảng. Mình chui vào cả bên trong các ngách nhỏ nơi có những khu vườn táo đang trổ quả cuối mùa rơi đầy trên những nếp tre. Mình đạp xe lên tận cuối con đường nơi có triền đê hun hút, xa xa là ngọn đồi uốn lượn và trước ngọn đồi ấy sẽ là biển cả mênh mang.

Với tay có thể ăn được táo của một nghìn cái cây ở đây mà được mời đàng hoàng chứ không cần phải hái trộm vu vơ đâu, nhất là đạp xe với cái quần rách bươm thế này ai cũng thương :)). Đương nhiên sẽ có cây có quả ngon, có cây quả cũng không ngon lắm. Nhưng chắc chắn ở đây toàn hoa quả sạch, không một loại thuốc, và dù là cái không ngon ở đây thì vẫn là loại ngon so với táo thường ngoài kia, và so với cái loại táo to đùng biến đổi gien nọ thì còn đừng cả nói đến hai từ “so sánh”. Ngoài táo ra ở đây còn trồng rất nhiều cà chua, hoàn toàn hàng sạch và rẻ khủng khiếp, chỉ có 5k/1 kg cà chua. Mỗi tội ship thì có mà của một đồng công một nén.

Cái không gian bình yên và với mình quá đỗi xinh đep thế này khiến mình bất giác nhận ra, dù giờ không có cái gì rách ngoài cái tài khoản ngân hàng (và cái quần) cần được vá ra, mình vẫn ngấm được cái định nghĩa “chữa lành” là cái gì. Và không lẽ giờ đi vay tiền để mua được một mảnh vườn ở Bàng La :D. Ấy thế thì lúc đấy có mà rách cực đại :D.

Mình vào vườn hái đủ 10kg táo và suy nghĩ làm sao mang được nó về, chắc chắn cái thân mình là phải ăn một nửa rồi. Còn một nửa, sẽ chỉ là những người nào thân thân lắm, yêu yêu lắm thì mới tặng ăn thử được thôi. Nên nhớ là táo này có tính chất gây nghiện, ăn 1 quả là cứ phải ăn tiếp, ăn tiếp. Nên gọi là 5 cân chứ có khi 2 ngày đã hết. Rồi lúc hết lại ngáp ngắn ngáp dài không biết sao có thêm bây giờ, nhất là nếu đã về tận Hà Nội. À, mà chia sẻ thêm là 5kg thì cũng 0 ăn được full 5kg đâu vì 5 thằng đệ nhà mình cuồng táo không kém gì mình, tới mức sẽ mất hết mọi liêm sỉ dù bắt nằm, bò, quỳ, rú, cười, cho sờ từ dưới lên trên cũng sẵn sàng chỉ để được ăn 1 miếng táo Bàng La!

Năm nay táo vị chỉ bằng nửa so với các năm, lý do là do bão Yagi đã càn quét không bỏ sót một cây táo nào. Táo vừa bị gãy sạch cành vừa bị chìm trong lụt. May mắn cây nào không chết thì cũng ra mầm muộn nên trái ra ít năng suất hơn và bị muộn, khí hậu và thời điểm bị lệch đi nên không có được đúng vị như mọi năm. Vậy nên năm nay ăn được táo thì dù ngon đến mấy hãy cứ tưởng tượng là các năm khác nó phải là ngon hơn thế này gấp đôi nhé. Mà năm nay mùa táo cũng rất ngắn, chắc được có tháng thôi.

Hình như hết tuần này là cũng hết táo. Có muốn cũng lại phải chờ năm sau nữa thôi. Ai muốn ăn táo thì mình cho số điện thoại hỏi thử xem người ta có ship lên Hà Nội không để mình còn đặt thêm ké =)), chắc đủ và nhiều người ta mới ship và mình cũng nói luôn là mình không chắc chắn là hàng ship lên cũng chắc chắn là hàng auth 100% hay không nhé.

À, cả cà chua nữa, mà cà chua lại phải làm riêng một bài =)).

 

Ha Kin – TRÁI TÁO TA Vì muốn ăn quả táo Bàng La xịn nên mình đã… | Facebook

#598: Nhật ký xe ôm: RA PHỐ mùng 8/3

Tối nay ai Ra Phố nhỉ?

Xe ôm tối nay tới đón, vừa rờ tới đã nhìn tôi với ánh mắt ấm áp long lanh. Dưới chân là cả một túi quần áo to.

Tôi hỏi đi đâu mà mang nhiều quần áo đi thế? Xe ôm bảo em đi giặt áo cho người yêu về đấy.

Vừa trèo lên xe, thấy XO huýt sáo một cái khoái trá.

“Sao vui thế? Giờ 10h tối mà vẫn đi làm chưa gặp người yêu à?” Tôi hỏi.

“Vâng, chị là cuốc cuối cùng, cùng hướng người yêu em luôn. Sau chị là em đi đón người yêu đấy. Cô ấy giờ này cũng mới đóng cửa một shop thời trang”. XO giọng rất hồ hởi, cười phấn khích.

“Uồi ôi thích thế, háo hức quá nhỉ. Thế về muộn thế này rồi hai bạn về nhà hay là đi RA PHỐ?”

Tự nhiên cái xe khựng lại đầy bối rối, rồi thấy xe ôm thốt lên đầy hốt hoảng:

“Ủa cái gì cơ chị? Về nhà và GIAO PHỐI á?”

Đôi tai nghễnh ngãng của tôi nghe chưa ra.

“Ừ đúng rồi? Có RA PHỐ không? Hôm nay ai chả RA PHỐ? RA PHỐ thích bỏ xừ”

5 giây hết sức im lặng của xe ôm làm tự nhiên tôi chột dạ.

“Ơ chị… sao chị lại hỏi em sỗ sàng thế ạ? Đâu phải ai hôm nay cũng Gi..ao… ph…ối… đâu ạ”.

Lúc này tôi mới giật mình nghe ra.

“Ôi thôi chết rồi, chị bảo là RA PHỐ cơ mà?” Tôi hốt hoảng.

““Chị ơi, tại lúc nãy chữ RA PHỐ nó kèm theo tiếng gió nên em tưởng là GIAO PHỐI ạ”

Bạn nói rất to để chúng tôi thông suốt câu chuyện và vừa nói xong thì phát hiện ra bốn xung quanh mọi xe đang nhìn chúng tôi chằm chằm, những dấu chấm hỏi bắn ra chi chít trên những chiếc mũ bảo hiểm của họ.

“Em nhìn thấy mặt chị thế này mà em có thể nghĩ chị là người sỗ sàng thế sao?” Tôi hơi ý là hờn dỗi đấy!

“Không, chắc chắn không rồi. Nhất là những người tên Hà làm sao có thể thế được. Người yêu em tên là Hà. Bùi Thị Hà đấy. Nêm em thấy những người tên Hà thân thương lắm”.

Tôi gật gù dừa lòng lắm.

“Mấy người yêu cũ của em đều tên là Hà mà”.

Tôi: !!!

Rồi tôi hỏi tiếp:

“Hôm nay ngoài giặt người yêu cho quần áo, à nhầm, giặt quần áo cho người yêu (này là tôi nhịu thật), thì em còn tặng quà gì nữa?”
XO:

“Món quà ấy ngay trước mặt chị đó”.

Tôi:

“À ghê nhỉ, quà của bạn Bùi Thị Hà lại đang chở chị về nhà cơ đây”.

XO:

“À không, em là quà thì đương nhiên rồi. Nhưng cái túi em đang treo này cơ mà”.

Rồi tôi mới nghển cổ nhìn thấy một cái túi ni lông treo trước xe đang lủng lẳng. Lại cứ tưởng quà trước mặt tôi chính là bạn (thông minh tinh tế quá nhiều khi nó thế đấy).

“Đấy là quà gì thế?” Tôi tò mò.

XO:

“Che ri đó chị. 10 cuốc xe ôm hôm nay mua được 5 lạng che ri này đấy”.

XO (tiếp):

“Nhưng chốc á, em còn mua thêm hoa cho người yêu em nữa chị Hà ạ. Em phải tặng vài món quà cơ, em không bao giờ tặng 1 món quà bao giờ”.

Bất chợt trong đầu tôi lóe lên một ý tưởng. Rằng là ngày 8/3 này chẳng có ai tặng cho tôi nổi 1 bông hoa, chở tôi đi chơi. Tôi cũng nào biết cái cảm giác có người dừng mua cho túi che ri là cái gì đâu. Thế là tôi bảo xe ôm là về gần nhà tôi họ bán nhiều hoa lắm, mà giờ này có khi ế mẹ nó rồi chắc là rẻ đấy. Bọn mình cùng chọn mua hoa cho Bùi Thị Hà đi. Bạn phấn khích mừng rỡ đồng ý.

Gần tới hàng hoa, chúng tôi lo lắng nhìn nhau vì không biết chọn hoa nào và nên mặc cả thế nào. Bạn bảo: “Chị giả vờ làm người iu em nhé”. “Được”. Tôi lại thích quá!

Rồi chúng tôi táp vào một cửa hàng hoa ế nhất. Xe ôm dõng dạc hỏi chị bán hoa:

“Chị bán cho người yêu em bó hoa đi ạ!”.

Ái chà, đúng điều tôi muốn trải nghiệm ngày mùng 8 tháng 3 đây rồi. Chị bán hoa đon đả giới thiệu những bó hoa to nhất xịn nhất hàng nhưng tôi chê ỏng chê eo hết (ồ cảm giác này tuyệt ghê). Rồi tôi chỉ vào chỗ bán hoa hồng lẻ. “Em chỉ thích 1 bông hồng thôi”. Tôi ưỡn ẹo!

Mặt xe ôm sáng ngời rạng rỡ vì tôi lại chọn đúng ý quá. Chứ bỏ mẹ túi hoa như đi mừng thọ Thầy cô giáo kia thì cắn hết nguyên 2 ngày chạy xe ôm ngay.

“Hoa đấy thì có 20k một bông thôi”. Cô bán hoa nhìn bạn xe ôm.

“Thôi cuối ngày rồi, 15k thôi chứ” Tôi mặc cả ngay. (Tôi định bảo 10k nhưng 0 biết mặc cả nên lùi 5k là dũng cảm lắm rồi).

Cô bán hoa cơ vẻ hơi bàng hoàng vì sao tôi là người được đi tặng hoa chọn hoa mà tôi mặc cả gớm thế. Nhưng cô đồng ý ngay, gì chứ giờ mặc cả 5k một bông cô cũng bán lẹ. Giờ này bọn nó đi Giao, à nhầm, đi ra phố hết rồi còn ai mua hoa nữa.

Bông hoa ấy cũng bằng đúng catse chuyến xe ôm của tôi (sau khi đã trừ đi thuế má xăng xe phí app). Bạn xe ôm hạnh phúc cầm bông hoa tung tăng chở tôi về nốt còn đi gặp Bùi Thị Hà.

Còn tôi thì lại sung sướng quá, cuối ngày còn được mang tiếng là người yêu ai đó chở đi mua hoa, được chọn hoa. Phải lấy vía gấp 8/3 thế này để năm tới tôi có cả một vườn hoa thôi chứ =)).

Phụ nữ đẹp mà ế người ta có liềm vui riêng của người ta chứ!!!!

Câu chuyện này viết xong lên sóng thì đâu đó trong tiết xuân lành lạnh của đất trời Hà Nội có một bạn Bùi Thị Hà nào đó đang ngồi cắn che ri đỏ mọng. Hoặc cũng có thể họ đang Ra Phố hoặc là… à mà thôi nhỉ… Hà đâu có sỗ sàng thế!!!

#RaPhố
#Nhatkyxeom
#Nhatkyhakin
#mung8thang3

 

Facebook

#597: Chuyện ở phường khi đi làm giấy chứng nhận độc thân

Đi phường làm giấy tờ nhưng không biết xếp hàng thế nào vì dường như tất cả có thể lao lên cùng lúc mà mình thì chậm chạp thua là chắc. Bèn thẽ thọt hỏi bác bên cạnh là bác ơi xếp hàng thế nào. Bác bảo cứ ngồi đại đi khi nào… duyên tới nó sẽ tới. Rồi bác hỏi cần làm gì. Mình bảo cần làm giấy chứng nhận độc thân.

“À, để mua đất hay kết hôn?”

“À không ạ cháu…”

“À, ly dị à?” Bác rất nhanh trí

“Ồ không, cháu còn chưa kịp lấy ai sao ly dị”

“Thế làm gì nhỉ?”

“Cháu làm đề phòng thôi ạ. Cháu ế quá, nên cháu làm sẵn. Giờ hốt được ai cháu phải có sẵn giấy để kết hôn luôn chứ biết đâu phường làm chưa xong người ta đổi ý thì sao ạ. Còn đất thì biết đâu trúng xổ số bất ngờ…”

“Ồ, cẩn thận quá nhỉ”. Bác thốt lên

“Ồ, vâng, cháu cẩn thận lắm”.

Rồi mình lại thẽ thọt ngồi xuống chờ duyên được gọi. Mình hỏi bác đang ở đây làm gì.

“Đang chờ thằng con làm giấy tờ, nó cần gì còn… chạy đi photo cho nó”.

Rồi anh đó chạy ra, mẹ giúp con cái này, mẹ giúp con cái kia, mau lên mẹ. Bác ừ ừ đây đây mẹ làm cho.

Một lúc sau bác quay lại với tập giấy tờ photo các kiểu. Lúc này mình cũng ngồi điền gần xong giấy tờ và viết tờ cam kết thề có trăng sao và biển sâu là chưa từng bao giờ lấy chồng. Bác ghé hỏi:

“Thế giờ muốn lấy chồng hả?”

“Vâng, cháu vẫn nghĩ ạ”

“Thế hay lấy con bác đi, thằng này chưa có vợ này”

Mình chưa kịp trả lời thấy anh con lại gào lên:

“Mẹ về nhà lấy nốt cái hộ khẩu cũ ra đây cho con”.

Ấy chết, giờ anh có vợ chắc việc này của vợ anh. Thế là mình thẽ thọt:

“Dạ cháu đổi ý rồi ạ, cháu về bác nhé”.

Rồi mình lùi dần ra cửa. Tuy nhiên, nghe loáng thoáng anh kia nói chuyện với cán bộ phường: “Bán 3 mảnh thì điền 3 tờ hay thế nào…”

Ồ what, 3 mảnh á… hay lại đổi ý nhỉ… vừa có chồng vừa đỡ chờ trúng xổ số???? Haizz!!!

#hakindiary
#nhatkyhakin
#nhatkydoitao

Ảnh: là cũng vừa ngồi kể chuyện này cho bọn nó nghe xong. Đang chờ ý kiến lời khuyên nhưng bọn nó nghĩ lâu lắm.

#596: Chuyện thanh niên Chống

Đây là cuộc hội thoại vô thưởng vô phạt tâm sự giữa tôi và vợ chồng thanh niên người Mông tên là Lý A Chống trong cái giá rét đầu năm của xứ Mù Cang Chải! Họ cũng là đội xe ôm chở tôi đi săn hoa tớ rày.
Tôi:
“Liệu có thể dẫn chị vào rừng để tìm xem các loại cây thực vật trên rừng được không? Chị còn muốn biết cái là ngón nó trông như thế nào. Có biết lá ngón không?”
Vợ Chống:
“Làm gì có gì mà chồng em không biết. Chống đã từng ăn lá ngón rồi đấy.”
Tôi (mắt tròn xoe):!!!
Chống:
“Em còn thử ngậm thuốc trừ sâu rồi cơ mà chị!”
Tôi (mắt tròn xoe): !!!
“Em chán đời quá hay là cuộc đời em đã xảy ra chuyện gì mà lại dại dột thế?”
Chống:
“Không chị, em sâu răng nên em ngậm thuốc trừ sâu cho sâu chết thôi”
Tôi (mắt tròn xoe): !!!
Vợ Chống:
“Em và mẹ chồng cũng bàn nhau là nó đã Tự Giác uống thuốc trừ sâu vậy chết thì chôn thôi. Cả đêm bọn em có ra sờ mũi thử xem còn thở không. Không thấy thở, thế nhưng nửa đêm tự nhiên bật dậy đi ra uống nước rồi lại nằm xuống tắt thở tiếp. Sáng hôm sau nó đi làm bình thường, thế là chưa chôn được.” Người vợ chép miệng chân thành!
Tôi (mắt tròn xoe):
“Thế rồi có khỏi sâu răng không?”
Chống:
“ Khỏi mạnh chứ chị. 6 năm rồi em chưa thấy đau lại.”
Tôi (mắt tròn xoe):
“ Thế rồi vì sao em phải ăn lá ngón?”
Chống:
“ Thì mình phải ăn để cho biết cái vị nó như thế nào mà người ta chết chứ chị? Em cũng đã sờ tay vào vào điện để xem điện giật như thế nào nữa rồi!”
Tôi (mắt tròn xoe): !!!
Chống (tiếp tục):
“Chứ không bây giờ người ta cứ hỏi mình là thế vị lá ngón như thế nào , điện giật nó như thế nào mình lại không biết đường mà trả lời!”
Tôi (mắt tròn xoe):
“Thế vị lá ngón nó thế nào? Điện giật nó thế nào?”
Chống:
“ Vị lá ngón thì nó đăng đắng ăn vào thì cái miệng của mình nó sẽ tê tê. Còn điện giật thì nếu sở lâu thì sẽ tê từ đầu đến chân, còn nếu sờ nhanh thì chỉ tê đầu ngón tay mà thôi.”
Trong một giây phút lùng bùng nào đấy, tiếng Kinh accent Mông khiến tôi đã nghe chữ “sờ lâu” thành “sờ lông”
Chống (tiếp tục):
“Ma em cũng thử đi tìm rồi. Người ta bảo ở nghĩa trang buổi đêm hay có ma, em đã phải đến tận nơi vào đêm khuya thò đầu vào bên trong mộ để tìm ma nhưng không thấy cái gì, chỉ có mỗi cái ảnh”.
Tôi (mắt tròn xoe): !!!
Chống tiếp tục:
“ Em không biết bơi, nhưng bữa nghe nói ở sông Hồng bơi thử có thể sẽ thấy cá sấu nên em cũng đã từ Mù Cang Chải mò ra sông Hồng bơi thử. Cũng bơi được một đoạn rồi phải quay lại mà chưa thấy cá sấu đâu. Tuy nhiên lúc đấy nếu có ai cho em 200 triệu, thì em sẽ vẫn sẵn sàng bơi từ bờ bên này sang bờ bên kia”
Tôi (mắt tròn xoe): !!!
Vợ Chống:
“Heroin Chống còn thử rồi cơ mà”
Chống:
“ Loại hồng ngon hơn loại trắng chị ạ. Ăn vào cứ phê phê lâng lâng, lại còn thêm ly bia nữa thì sung sướng không lối thoát”
Tôi (mắt tròn xoe): !!!
“Rồi đã thử mấy lần? Không sợ nghiện à?”
Chống:
“3 lần rồi. Thử thế thôi còn thử cái khác. Em còn thử nhiều thứ nữa mà không kể ra được.” Đoạn, Chống len lén liếc nhìn sang vợ.
Tôi ( mắt to mở lâu bắt đầu nhức mỏi):
“Thế giờ kể cái chưa thử đi”
Chống:
“Em chưa được đi máy bay. Mà được lái luôn thì càng tốt. Vì em thử lái cả xe tải với xe tăng rồi dù lúc đó đã không ai cho em lái…”
Bất chợt… tôi bèn sờ tay vợ Chống xem có thấy ấm không, thấy vẫn ấm. Tôi bèn hỏi:
“Vậy em có chắc là em hoàn toàn mới chỉ lấy một kiếp chồng tên Chống chứ không phải nhiều kiếp chồng rồi đều tên Chống chứ?”
Vợ Chống bỗng suy tư, chợt tỏ ra ngẫm nghĩ:
“Có khi nào không phải 1 đời chồng không nhỉ, để em xem lại… hmm…”
Ảnh: Chân dung Chống. Chống bạch tạng bẩm sinh. Tóc vàng, mắt xanh, da trắng. Đã từng đi lao động nhân công trong nắng gắt thử xem thế nào vì nghe người ta bảo bị bạch tạng mà ra nắng thì nguy hiểm lắm…
Không khuyến khích trải nghiệm như Chống nhé. Vì giờ không chắc tất cả các Chống trên là một hay là nhiều kiếp Chống đâu nhé! Vợ Chống đang chiêm nghiệm lại!

#595: Tin vào các Tổ chức hội đoàn để bán nhà!

Quả là một câu chuyện rất cần share.

Cũng là một câu chuyện điển hình cho việc nhiều người hay đặt câu hỏi cho mình rằng những dự án thiện nguyện rất ý nghĩa như vườn chim tại sao lại không reach out tới các tổ chức, các nhà hoạt động có tiếng để xin giúp đỡ? Xin thưa các bạn là mình mà đã làm một cái gì thì mình nghiên cứu rất kỹ và thử mọi options, mình cũng theo lâu một điều gì cũng nghĩa là cái gì các bạn gợi ý hay nghĩ ra được thì mình cũng đã nghĩ và đã thử hết rồi ạ!

Hồi mới đi học phim về Việt Nam, Mình rất hay được gợi ý apply làm phim cho một số các tổ chức NGOs, phim báo cáo, phim tuyên truyền. Mới về VN và cần tìm các cơ hội làm phim, mình rất nhiệt tình. Nhưng rất nhanh chóng, nó cho mình sự vỡ mộng ghê gớm. Mặc dù mình thấy quy trình làm việc thật là kỳ nhưng mình nghĩ chắc “kiểu VN ở đây nó thế”. Ví dụ như là đặt vấn đề, ngồi phỏng vấn mình về ý tưởng sẽ làm phim cho một dự án. Mà đề nghị mình về phải viết chi tiết ý tưởng, kịch bản, cả cách triển khai, chi tiết breakdown cả budget. Và cái cách nói chuyện thì cứ dường như là chắc chắn thuê mình đến nơi, cần ghi chi tiết ra để mà đi quay nữa mà thôi. Còn nếu từ chối không làm chi tiết thì họ sẽ nói luôn là “quy trình phải thế” mới cho nhận thầu được!

Có lúc một ngày đi phỏng vấn jobs ba nơi, về cắm mặt cắm mũi ý tưởng đồ, kịch bản đồ, budget đồ. Gửi xong thấy im mẹ nó hết. Qua cả lịch dự định quay từ lâu cũng thậm chí cả không một lời trả lời rằng bạn có nhận được thầu hay không. Họa hoằn mới có một cái thư trả lời là: “Bên chị có cung cấp được hóa A, hóa đơn B hay không, ekip cụ thể chị có sẵn không….” Những câu hỏi nghe đã rất lý do khó khăn. Mình từ đầu đâu giấu diếm mình đi làm với tư cách cá nhân, sao không deal thật kỹ trước đoạn gửi ý tưởng và kịch bản đi? Và rồi cũng không khó để biết sau đấy có đội khác đã quay, không chỉ là quay ngay trên ý tưởng và kế hoạch của mình, mà còn biết là đây là đội quay nhà đã quay nhiều năm nay rồi. Mỗi năm lại làm vài đợt tìm thầu như đúng rồi, có ý tưởng mới cứ thế quay theo khỏi phải nghĩ, catse báo giá đút túi ngon lành. Hẳn là NGOs, hẳn là tổ chức quốc tế! Hẳn là nhãn hàng nổi tiếng nhất nhì Việt Nam, thậm chí là nổi tiếng quốc tế!

Rồi sau này khi tiến hành làm những công việc thiện nguyện, vì cộng đồng. Tới bây giờ, ABSOLUTELY chưa bao giờ nhận được 1 sự giúp đỡ nào của bất cứ hội đoàn, tổ chức nào, với toàn những cái tên gọi như: Bảo vệ phụ nữ, bảo vệ trẻ em, bảo vệ động vật, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường….!!!

Hẳn các bạn vẫn nhớ câu chuyện về anh Lợi và 2 đứa bé con lang thang chân đất, 12 tuổi chưa từng được một buổi đến trường, được ăn một bữa tử tế, được ở dưới một mái nhà ấm. Một người bố thì bạo lực, nghiện rượu, rối loạn lưỡng cực, hành hạ và đem 2 đứa con đi khắp nơi như là miếng mồi để thiên hạ thương cảm hỗ trợ cho chỉ bản thân anh ta. Mình đã hết sức nỗ lực hỗ trợ xe cộ, chỗ ở, việc làm. Mình điều tra tới tận xã, huyện, gia đình, từ Trà Vinh lên Lâm Đồng, làm việc với từ công an, hàng xóm. Mình viết đơn, liên lạc tới Hội Khuyến học, Hội bảo vệ trẻ ẹm từ cơ sở thấp nhất đến cao nhất có thể, liên hệ cả luật sư nổi tiếng về bảo vệ trẻ em. Và kết quả là gì? Chẳng nhận được một sự trả lời nào. Thậm chí túm cả một chị hội phụ nữ mình xin số bằng được và ngay gần họ, chị ta miễn cưỡng trả lời: “Vâng, để em xem”. Và đương nhiên không có một sự trả lời tiếp theo! Thế không phải họ bảo vệ 2 đứa trẻ con đó thì ai bây giờ?

2 đứa trẻ con biết chắc là cuộc đời sẽ bị chôn vùi, mình đành bất lực nhìn và cũng không biết phải làm thế nào. Các hội đoàn vẫn lấp lánh ánh sao.

Một người phụ nữ bị hành hạ, tống tiền, đánh đập thân tàn ma dại, ở cùng một cô con gái nhỏ tuổi teen vị chính bố ruột lạm dụng. Mình tìm cách giúp đỡ, mà ngay cả đưa chị ấy vào một cái “safe house” cho một tổ chức gọi là chuyên tiếp nhận và “bảo vệ” phụ nữ như thế này, rất là có tiếng. Nhưng mà chỉ một thời gian chính họ cũng phải bỏ chạy vì ở nơi đó họ không được giúp đỡ thật lòng, và cách thuyết phục, xử lý rất thiếu kỹ năng vê tâm lý học, khoa học, kỹ năng ứng xử với nạn nhân, những lời khuyên sáo rộng và thậm chí còn làm họ ngột ngạt thêm. Và kết quả rất nhiều các nạn nhân có khi vẫn còn quay lại cái máng lợn cũ nhà mình. Trong khi những tổ chức này thì tuyên truyền rất nổi, rất hay, với những hình thức màu mè hoa lá hẹ cành, màu xanh màu đỏ màu vàng màu hồng màu tím.

Nhà cậu bé Vàng Cường mà mình đã giúp đỡ đầu cả mấy năm nay. Mặc dù mình đã nhờ vả từ chính quyền địa phương lẫn các đoàn thể có thể như Mặt trận tổ quốc giúp tuyên truyền, để ý dùm gia đình đặc biệt này, thế mà rồi đứa bé 15 tuổi vừa lớn đã bị ép đi lấy chồng. Cũng lại chẳng làm cái gì được! Cũng chẳng có ai kiên quyết can thiệp! Thế là lại một cuộc đời của một đứa bé gái rơi tiếp vào vòng luẩn quẩn như số phận bi đát của mẹ nó. Khi mẹ nó đã không có được bất cứ một sự hỗ trợ, bảo vệ nào để dẫn tới cái kết thúc quá thương tâm!

Thậm chí cả một số trải nghiệm rất nhỏ như là, các tổ chức này còn tổ chức workshops, mời ông A bà B về dạy học, nào cho các nhà làm phim mới nổi, các nhà sản xuất âm thanh, các nhà…. Thế nhưng apply cũng đừng hòng bao giờ được vào lớp, và đương nhiên sau đó được biết những người được mời đi học cũng toàn đội nhà, người nhà… những người mà thậm chí còn chẳng theo ngành nghề, đi chỉ đơn giản vì nó là một cơ hội “free” của một tổ chức, còn người thực sự muốn cần muốn học thì lại chả đến lượt!

Còn cái vườn bác Hai. Tới giờ ngoài mình thực sự theo bác tới giờ ra, làm gì có ai? Mọi tổ chức đưa đơn, làm Proposal, sẵn sàng gặp mặt, nói chuyện, trình bày, nhưng xong đương nhiên thậm chí còn chẳng một lời trả lời để mắt. Cái lý do cái vườn “nhỏ quá” chẳng ai thèm quan tâm. Nhưng thực ra muốn thì sẽ có cách, làm thì cho nó to, thiếu cái gì thì bổ sung cái đó. Còn đã không muốn, 0 quan tâm thì chẳng có tổ chức, cá nhân nào để tâm cho được cả. Bởi vì cái vườn đấy nó không make noise, không tạo lợi ích truyền thông phông bạt được gì nhiều. Bảo vệ động vật à? Bảo vệ môi trường à? Bảo vệ phụ nữ à? Bảo vệ trẻ em à? Xời, trừ khi nó là cái gì gây được tiếng vang, có lợi ích rõ rệt để truyền thông, promote cho các tổ chức hội đoàn, thì tự nhiên nhỏ mấy mà chẳng to ra được!

Nếu các bạn tìm hiểu về luật và cách vận hành của rất nhiều tổ chức phi chính phủ, tổ chức từ thiện, đều sẽ biết rằng, rất nhiều các tổ chức được thành lập vì 2 mục đích chính: Lách thuế và Hợp pháp hóa tiền bất hợp pháp. Nôm na dân dã là Trốn Thuế và Rửa Tiền. Và cả một mục đích thứ ba là mang tính chất chính trị hóa để gây sức ép (đặc biệt là các thể loại mang danh movements). Những đội này đều đươc hậu thuẫn bởi tài phiệt, tập đoàn, chính phủ…. Nên luôn được ưu tiên, luôn trong “grey areas”. Tiền bạc thì bao la, dự án thì phấp phới, chỉ có mỗi hiệu quả và sản phẩm thì qua kinh khủng mà thôi, nhưng mà cũng chẳng ai làm gì được hay ai dám động vào. Những hoạt động màu mè nào thuê celebs bảo vệ rừng, cây xanh, động vật, mặc hồng mặc cam, chạy tới chạy lui, concerts thời trang đồ, music movies đồ… với những sự lòe loẹt phông bạt, các sản phẩm media thì vô cùng tệ hại về chất lượng và chưa bao giờ có một tính chất hiệu quả cho việc thực hiện các mục đích mà họ thực sự đề ra như cái tên gọi tổ chức của họ. Sản phẩm tệ bởi vì tiền rót xuống thì rất nhiều và tiền vào sản phẩm thì chỉ còn cái móng tay. Và họ thì cho rằng họ bất khả xâm phạm!

Vì “bất khả xâm phạm” nên đâm ra các nạn nhân thấp cổ bé họng, bị ăn cắp chất xám, bị bắt nạt lại cứ đâm ra phải “hèn” không dám lên tiếng. Thói xấu và ảo tưởng sức mạnh lại càng lộng hành!

Bạn Hương bảo “sao chị ngầu thế”, em bóc còn chưa nói thẳng tên tổ chức ra chị vào nói hộ thay em vậy 😊)). Mình nói thật mình chẳng nhớ mặt nhớ tên bất cứ ai mà họ đã gây phốt ra với mình, chả có tư thù cá nhân với bất kỳ ai trong các hội nhóm này. Nhưng mà mình cũng chẳng sợ chẳng ngại ai, bởi vì mình sống rất đàng hoàng, làm cái gì cũng xuất phát từ tâm và tấm lòng, làm có trách nhiệm, làm tới cùng. Chưa tơ hào của ai bất cứ một đồng cắc. Tự lương tâm và ý nguyện trong sạch, và mình là người nói là làm, làm được việc. Tiền bạc mình kiếm, sức lao động mình làm cũng không phải nhờ vả ai, phải sống vì dư luận, phông bạt hay cộng đồng. Nên mình chả phải ngán ai, ngại ai. Ngược lại, đội phông bạt, đội đạo đức giả, đội dối trá lúc nào mà chả phải giấu, phải ngại mình, phải ghét mình. Nên tâm lý của người đàng hoàng là cứ đàng hoàng, chỉ có bọn không có tâm và khuất tất mới phải ngại. Mình ghét sự đạo đức giả, cực kỳ ghét. Nên ai mà cố tỏ ra phông bạt với dối trá với mình là mình phản ứng rất mạnh. Điển hình chính là mấy câu chuyện trên mình vừa kể với các bạn.

Đương nhiên không thể có chuyện vơ đũa cả nắm được vì mình đã được gặp và đã, đang làm việc với một số tổ chức, cơ quan, hội đoàn (mặc dù các vấn đề “kỳ kỳ” vẫn rất rõ ràng) nhưng sở dĩ mình vẫn làm việc được, bởi may rằng trong các tổ chức ấy vẫn có người có tâm, rất có tâm, kiên quyết chống chọi để được làm những điều họ cho là đứng đắn như mục đích ban đầu họ tham gia vào các tổ chức này. Và nhờ có họ, mình vẫn còn chút niềm tin vào một số hội nhóm, tổ chức ngoài kia để có thể làm việc cùng và được thực sự làm điều tử tế. Bởi vì nói gì thì nói, một mình mình làm sao làm được bao nhiêu điều, một mình mình đâu cứu được cả thế giới. Vẫn phải có chỗ dựa dù vẫn đang tìm mướt mải!

Mình vẫn luôn mong, chờ, được may mắn gặp những tổ chức, hội đoàn thực sự tử tế để lấy lại được niềm tin, được làm việc cùng với họ.

Chứ còn với những trải nghiệm xấu bữa giờ, mình chỉ có 1 từ là: “Đéo”! Tin vào hội nhóm để bán nhà à!

Chia sẻ với các bạn câu chuyện bạn Huong Dang với tổ chức UN women đồ, tổ chức phụ nữ cứ gọi là lớn nhất thế giới đấy, mà còn làm ăn thế này, ăn cắp ăn trộm ý tưởng của người khác và ngang nhiên coi thường người ta thế này, quả thật… với mình không quá ngạc nhiên. Bữa xem mấy clips tuyên truyền của họ, mình cũng đã suýt ngất vì tại sao có thể làm thiếu có tâm và quá kém chuyên nghiệp, không hiểu nổi cái thông điệp “bình đẳng giới” với “chống bạo lực giới” vân vân mây mây được truyền tải thiếu chuyên nghiệp và tệ tới mức như thế! Thực sự!

Mình sẽ gửi link bài của Hương ở comment cho các bạn hóng full câu chuyện!

(1) Ha Kin – Quả là một câu chuyện rất cần share. Cũng là một câu… | Facebook

#593: Nhật ký xe ôm: Cú xe ôm cuối năm

Chuyện xe ôm ngắn gọn chiều cuối năm:
3 xe ôm sát cạnh nhau buôn rôm rả:
Xe A:
-Chạy kịp không anh? Em ôm không xuể có lúc chở 3 khách cùng lúc cho nhanh.
Xe B:
– 3 khách là gì. Tôi chạy hết sạch pin còn phải dùng cả pin con thỏ để hỗ trợ để kịp đi đón khách đây này.
Xe C với sang:
– Các chú thua anh hết. Anh còn 1 mình chạy 2 xe cùng lúc, điện thoại nổ cuốc nhiều còn cháy đen sì đây!
Tôi (co người lại):
– … sao tự nhiên rét thế nhỉ?
Vâng, đó là cuộc hội thoại chớp nhoáng trong lúc chờ đèn đỏ. Hôm nay là ngày cuối cùng của năm, tôi đã phải chờ hơn 40 phút để có được cuốc xe quý này cùng với số tiền đã tăng lên gấp đôi. Mà vớ được xe thế này mừng quá rồi. Người ta còn phải chạy một mình 2 xe thế kia mà còn không đủ lượng cung kia kìa!
Xuống xe, tôi hỏi xe ôm:
– Chốc nghỉ đi xem pháo hoa không?
XO:
– Pháo hoa gì tầm này, tranh thủ ít xế thì cày thôi chị.
Xong rồi đêm về nhiều tiền sẽ được vợ hôn chị ạ. Bọn em có pháo hoa của bọn em chứ!
Ôi xồi ôi, không hiểu ý pháo hoa riêng tư đấy nghĩa là gì lắm nhưng mà tự nhiên nghĩ ngày cuối cùng của năm thế này là đáng yêu rồi. Cần gì to tát :))
Chúc cả nhà năm mới thật vui nhé!
https://www.facebook.com/hakinkin/posts/10160419438865940

#592: Thì tao dở hơi như thế đó…

Bạn nay tâm sự với mình: “Thực sự tới ngày hôm nay, khi thấy đứa con tớ đang đứng cạnh mẹ mà bất ngờ đi ra giữa đường nhặt một cái túi ni lông vứt vào thùng rác, và chuyện hôm nọ lúc 2 mẹ con xếp hàng, dù bất cứ giá nào và phải chờ bao lâu nó cũng không cho mẹ chen hàng lên dù chỉ một chút. Tớ nhớ tới cậu rất nhiều. Ngày xưa khi đi học, khi thấy cảnh cậu mở cái túi cậu ra đầy rác bên trong tớ đã từng nghĩ cậu là đứa không bình thường và sống bẩn. Tớ nghĩ cậu ở nước ngoài về có những hành xử kỳ kỳ, nói chuyện nhiều khi thẳng thắn hoặc ngây thơ quá. Nhưng sau này khi tớ hiểu cái túi của cậu đầy rác như vậy là vì cậu thà vứt rác vào trong túi mình đem về chứ quyết không xả ra ngoài đường, khi hài đứa mình đèo nhau trên phố đèn còn đỏ dù cả đường đã đi cậu vẫn không cho tớ đi. Tới giờ thực sự khi thấy con tớ như vậy tới mới hiểu được cậu đã khác biệt với bọn tớ từng nào khi lớn lên. Dạo gần đây, tớ lại nghĩ về cậu nhiều khi tớ nói chuyện với con tớ. Chắc cậu cũng ít nhiều luôn gặp khó khăn khi hòa nhập ở xã hội này khi cậu trở về đúng không?”

Thào nào tự nhiên được bạn mời ăn trưa nói chuyện. Và bạn cũng không phải là người đầu tiên trong số những người bạn học cùng hay mình quen sau này khi mình trở về Việt Nam tâm sự với mình như vậy. Việc lớn lên ở giữa hai nền văn hóa Đông Tây hòa trộn và được giáo dục ở một môi trường hoàn toàn khác biệt với các bạn đồng lứa khi trở về nhà quả thực đã đem lại rất nhiều sự khó khăn cho mình khi hòa nhập. Và sự khó khăn ấy vẫn tồn tại tới tận bây giờ. Khi những suy nghĩ, quan điểm, và cả những hành động mình làm một là sẽ bị coi là lập dị không thực tế, hay là dở hơi, hai là sẽ mang lại sự nghi ngờ vì không thể nào “có tâm” tới thế được. Khi những đứa trẻ con xung quanh vẫn còn được mẹ bế ra đường đứng đái vỉa hè, được nhìn bố mẹ cách chen hàng, vượt đèn đỏ, rác tiện thì vứt đâu mà chả được, trẻ con mới đẻ phụ nữ có bầu vẫn bị hút thuốc chĩa vào mặt, “thịt chó” là một món văn hóa truyền thống… thì mình đã cặm cụi nhặt rác của bất cứ ai cho vào thùng rác. Kiên quyết không chen hàng, vượt đèn đỏ dù phải đợi tới bao lâu. Thấy ai xấu tính, nói dối nhất định không hùa theo và có quan điểm của bản thân rất rõ ràng. Coi tất cả mọi người là bình đẳng, không vì ai giàu hơn mà phải nịnh phải nhún, không vì ai nghèo hơn mà khinh bỉ coi thường. Đã yêu cái gì là thể hiện bằng thực chất, dù là một cái cây ngọn cỏ, một con vật đáng thương! Đã thấy cần giúp là giúp không có bất cứ mưu đồ vụ lợi gì!

Và đúng thế, mình lớn lên như thế và đã vẫn luôn khó khăn vì sự hòa nhập, vì những quan điểm hay ý tưởng không phải ai cùng thời hay trang lứa cũng hiểu. Và tới một mức nào đó, đã quen với những việc đó, cho dù có một điều rõ ràng là mình sẽ luôn bị thiệt thòi, vì mình không biết nói dối, yêu ghét quá rõ ràng, làm gì cũng thật lòng và nhiệt tình (đôi khi nhiệt quá). Thế là một là bị ghét, hay là bị lợi dụng, bị lừa, bị tưởng là mình ngu. À, tuy rằng thẳng thắn và thể hiện thái độ yêu ghét khá rõ ràng, nhưng sự thực là mình cũng bị ảnh hưởng một thứ mà mình rất không thích, và cũng tùy trường hợp thôi, đó là tính cả nể. Sự cả nể này lại đến từ việc lúc nào mình cũng ngại sợ làm tổn thương người khác. Tức là nghe thì nó rất mâu thuẫn nhưng sự thực là thẳng mình vẫn thẳng, mà đôi lúc gặp một số ca mình vẫn bị cái tội cả nể nó lấn át trước khi mình lại phải thẳng toẹt ra vì họ không có điểm dừng. Và thẳng thì thẳng nhưng thẳng với tùy người, lúc nào cần tế nhị rất tế nhị, chứ 0 làm sao mà làm được đạo diễn tài liệu :D.

Nhưng không sao cả, nếu được lựa chọn khác mình cũng 0 lựa chọn khác. Mình vẫn tự hào và thấy may mắn vì được lớn lên với đủ các nền văn hóa pha trộn trong ý thức như vậy. Thì đúng là thiệt thòi, làm gì cũng có chút vất vả, nhưng mà nó cũng lại có những thứ mà cũng chỉ mình có được và tự mình có thể hưởng. Nói chung nói ra thì cũng không phải ai cũng hiểu được những tâm sự này. Có lẽ những bà mẹ ông bố thế hệ mới như bạn mình sẽ hiểu dần qua những đứa con của họ đang lớn dần lên trong thời đại này.
Mình nhớ có chị bạn mình có lần ngồi mắng mình là: “Thì biết là người ta vô ý thức rồi, nhưng mình cũng phải thể hiện thái độ với bọn nó làm gì cho bị ghét, mình nhắm mắt bỏ qua đi”. Mình hỏi lại chị í, người vừa kể cho mình nghe chuyện đứa con gái của chị í nhất định tố cáo với thầy cô việc bạn nó dùng AI để làm thay homework là: “Thế nếu là con chị, chị có nghĩ nó sẽ làm giống em không?” Chị cụp xuống: “Ừ nhỉ” : ))

Thế nên các bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thấy mình làm những việc như cái vườn chim của ông Hai nhiều năm nhiều tháng, khi mà không một ai ở lại trừ mình vẫn đồng hành, không những không có bất cứ lợi ích gì mà còn đã tốn thời gian và tiền bạc cho một con người ở một nơi rất xa, cho hàng nghìn con chim trời khi mà ngoài kia người ta vẫn gọi món chim ăn ầm ầm. Cương quyết dù bị dìm tương tác tới cùng cũng không thay đổi làm hỏng tiếng Việt để lách luật dù chỉ một từ, và cực ghét thói đạo đức giả với đội nổ!

Cũng có nhiều điều nữa mình làm, mình nói, đặc biệt là trong những bộ phim tài liệu của mình. Có thể cũng còn phải một thời gian nữa, có thể nhanh, có thể còn lâu mới được nhiều người hiểu. Nhưng từ từ rồi sẽ được hiểu. Còn ai giận ai 0 hài lòng thì mình đành kệ thôi, 0 có khái niệm níu kéo bất cứ ai trong cuộc đời này. Cứ bình tĩnh mà sống 😊).

P/S: Đương nhiên không phải đứa trẻ con nào lớn lên ở nước ngoài cũng “dở hơi” như mình. Và không phải là đứa nào cũng phải đi nước ngoài mới “dở hơi” như thế. Nó là sự kết hợp của tính cách trời cho và sự ảnh hưởng của bố mẹ phần lớn nữa! Xét cho cùng thì cũng là do cái nết tao nó thế đó các mày ạ 😊)

Ảnh: Nụ cười tít mặt sinh nhựt 15 tủi ở NYC, hồi đó sao được nhiều quà thế nhỉ, giờ bớt ngoan xinh yêu ít quà hẳn 😊)). Nhưng nay vẫn được quà của Hà Linh vui ghê!

 

Facebook

#591: Nhật ký xe ôm: Thiên tài của những con số mà thiếu may mắn

Nay có quả xe ôm có nụ cười to và hào sảng y hệt ông già Noel, tới mức cả phố còn phải ngoái lại nhìn.

Trời đã hơn 10h đêm, phố xá vẫn đông nghịt đằng trước. XO thở dài:

“Sao ngày gì mà thiên hạ ra đường đông thế nhỉ? À, hình như là tàu đang về”.

Tôi:

“Chắc hôm nay thứ bảy, trời lạnh dễ chịu, lại sắp Noel nên thiên hạ đi chơi đông đó mà”.

XO:

“Thiên hạ sướng thế nhỉ, người ta đi chơi còn mình cứ phải đi làm thế này”.

Tôi (an ủi):

“Người ta ra đường mất tiền. Mình ra đường có tiền, mình phải sướng hơn chứ”.

XO:

“HO HO HO. Hay quá, hành khách an ủi thật tuyệt vời. HO HO HO”.
Nụ cười Santa của XO to tới mức át được cả sự đông đúc của phố phường.

Thấy đông quá, xe ôm rẽ sang đường lạ, vừa rẽ vừa thanh minh:
“Mình điều hướng bạn nhé, hướng kia dự toán là sẽ chậm trễ so với kế hoạch thi công đường về”

Nghe giọng bạn thật là hài hước và chuyên nghiệp. Tôi phì cười. Xe rẽ đường khác nhưng hóa ra vẫn không nhanh hơn do có tàu chạy thật.

“Thì ra đúng là có tàu. Mình đã tính toán khoa học thế rồi mà”. Xe ôm lẩm bẩm.

Đèn xanh còn 3 giây. Xe ôm phóng vọt lên: “3,2,1. Kịp rồi. Rất may cho đội nhà”.

“Mình làm gì cũng rất khoa học, mình đam mê toán học từ nhỏ, lớn lên với những con số. Cuộc sống này, nếu hiểu và sống theo những con số, sẽ hiểu được quy luật toàn năng của vũ trụ, hiểu được cả quá khứ và tương lai”. Xe ôm tâm sự.

“Wow”. Tôi thốt lên.

“Hỏi khí không phải, hiểu và sống theo những con số là người cực kỳ thông minh lắm đấy. Sao giờ không theo nghề gì toán học hay khoa học mà lại đi chạy xe vất vả vậy?” Tôi tò mò.

“HO HO HO”. Santa lại nở nụ cười vì được khen thông minh. Nhưng rồi giọng rất nhanh chùng xuống:

“Cuộc đời mỗi người một số phận mà. Không phải ai cũng có cơ hội giống ai. Dù mình có năng khiếu tới đâu, thông minh cỡ nào, khoa học thế nào, nhưng có lúc vẫn phải phụ thuộc vào số phận thôi”.

Nghe bạn nói tôi cũng thấy chùng xuống, nhớ tới một cái kịch bản phim về số phận một đứa bé rất thông minh nhưng số phận không may mắn mà tôi đang dự định sản xuất năm tới.

“Nhưng dù sao có nụ cười sảng khoái như ông già Noel vậy ít nhiều cũng phải là người vô tư và hạnh phúc rồi đó”. Tôi an ủi.

“HO HO HO. Xin cảm ơn, bạn là một hành khách rất tuyệt vời. Mình nghĩ bạn là người hay mang lại may mắn và niềm vui cho người khác đấy”. Xe ôm lại cười.

Tôi cảm ơn rối rít. Định bụng chốc nữa phải tip cho bự một chút, cho những nhân tài thiếu may mắn được an ủi phần nào chứ. Tôi là người đem lại niềm vui cho người khác mà.

Rồi, xuống xe. Bất ngờ xe ôm thốt lên: “Ôi 22h 22 phút. Đúng giờ bạn xuống khỏi xe tôi. Số đẹp quá. HO HO HO”.

Tôi cũng hay thích coi vào mấy con số thiên thần này lắm. Tôi cũng cười khen ngợi số đẹp.

Đoạn, xe ôm lấy trong túi ra một cuốn sổ chi chít số cùng một cái bút, miệng lầm bầm: “22h là 10h, 2 + 2 là 4. Mười cộng bốn là 14. Mai đánh con 14. Chuẩn rồi”.

Tôi, đang định gửi thêm 20k tiền tip cho nhân tài toán học có điệu cười Santa….

!!!!!!

#nhatkyxeom

#590: Happy birthday to me – ngày trời đẹp

Chuyện xe ôm ngắn gọn hôm nay

Tôi:

“ Nắng đẹp quá”. Tạch, tạch, tạch.

Xe ôm:

“ Chị có vẻ thích chụp ảnh nhỉ. Em thấy chị chụp lia lịa nãy giờ “

Tôi:

“ Trời đẹp thế kia làm sao có thể không thích chụp ảnh được “

Rồi xuống xe. Khi xe ôm thấy tôi đang cầm chiếc điện thoại mở ảnh ra ngắm những chiếc ảnh vừa chụp. Xe ôm thấy ngập ngừng một chút rồi bảo:

“ Em tặng chị cuốc xe này nhé ?”

Tôi (ngạc nhiên):

“ Vì sao vậy? “

Xe ôm:

“ Điện thoại của chị cũ quá rồi. Mà sao chị chụp ảnh vẫn đẹp thế nhỉ? Em góp phần ủng hộ chị để chị mua được một cái máy ảnh thỏa mãn đam mê chụp ảnh cho một người có tài như chị nhé “

Tôi (…. ko biết nói gì vì xúc động)

Xe ôm:

“ À, mời cả vì do chị xinh gái nữa.!”

Tôi:

“Thế cứ xinh thì tặng như thế này thì sạt nghiệp mất à? “

Xe ôm:

“ Đương nhiên không rồi chị, xinh nhưng mà phải có tài nữa chứ. Em ủng hộ nhân tài mà. Nhìn dáng chị là em biết chắc chắn chị sẽ chụp ảnh rất đẹp đấy!”

Không lẽ thần thái chụp ảnh đẹp của mình nó rõ tới cái mức cầm cái điện thoại cũ cũng nét căng như vậy chăng :))?

Không nói nhiều, tip to!

Và kỳ lạ là, năm nào ngày sinh nhật của mình trời cũng đẹp tuyệt vời như thế này.!

#nhatkyxeom

#589: THẦN TƯỢNG CỦA THẰNG NHỌ

THẦN TƯỢNG CỦA THẰNG NHỌ

Cứ tầm 9h tối mẹ lại cho bọn đệ ra sân trước picnic. Cho dù 1 ngày có được ra bao nhiêu lần với bọn nó vẫn như là những đứa trẻ con được đi công viên. Bọn nó la hét, chạy nhảy, sung sướng váng hết xóm làng. Tầm đó mình ở nhà hay rảnh là hay ra nhảy múa cùng bọn nó cho khỏe người. Thế nên cứ tới giờ được ra chơi là bọn nó sẽ lao ra đứng chờ sẵn trước cửa nhà để ngóng mình chạy từ trên gác xuống. Bọn nó không cần biết nhìn đồng hồ, nhưng cứ đúng 9h, tự động bảo nhau lèm bèm ầm ĩ để mẹ phải nhớ ra xuống nhà cho đi chơi thì thôi.

Ngoài việc được ra sân rộng chạy nhảy, săn bắn cóc nhái chuột bọ, nhảy nhót với Hà thì thằng Nhọ còn có một thú vui lớn nhất, đó là được nhìn chị hàng xóm. Do nó chân dài nhất nên đứng thò được một phần miếng mỏ ra ngoài song sắt, còn mấy con còn lại chỉ có chổng mông ti hí đôi mắt ra ở dưới chân cổng, cố gắng nhìn được thế giới tươi đẹp ngoài kia Trung Quốc và Mỹ đang đánh nhau tới đâu, Nga đã rút quân khỏi Ukraine chưa. Riêng Nhọ, chỉ có 1 mục tiêu duy nhất là chị cắt tóc đèn nhấp nháy bên hàng xóm.

Cứ giờ đó chị hàng xóm sẽ đi uống trà đá về, một ngày phục vụ khách dứt tóc cạo râu lấy dáy tai rất mệt mỏi nên tối là chị phải đi chill cốc trà đá. Và giờ chị về luôn trúng giờ Nhọ thò mõm ra khỏi cổng. Chị trần thuật lại câu chuyện hôm nay khi mình sang gội đầu: “Mọi ngày chị đã rất là cảnh giác thằng đó rồi nhưng hôm qua chị quá yêu đời. Chị đang vừa đi vừa hát (mà hát rất to nhé) thì vừa đi qua cửa nó xồ ra thò cái mỏ ra rên rỉ hát theo làm hồn chị là một rừng chim én. Biết là cái lỗ cửa không đủ cho nó làm được gì nhưng nó vẫn làm chị giật mình. Hôm qua là ngày hiếm hoi chị cảm thấy mình hát rất hay mà nó làm chị giật mình tụt hẳn 2 tông mất hứng quá. Thế là tức quá chị trêu lại nó. Nó xồ ra chị xồ lại nó, nó rên rỉ 1 câu chị hát lại nó 3 câu. Ấy thế mà Hà ạ, nó cãi 0 nổi luôn, một hồi nó xìu cái mỏ xuống ư ử chịu thua. Duy có đúng cái răng nó cứ nhe ra bằng như người ta sợ nó lắm không bằng. Thế mà đứng xồ qua xồ lại thế cũng 15 phút đấy. Mệt phết!”. Mình đang gội phải bảo chị dừng lại, nghển cổ nhìn chị một cái xem làm nào chị có thể kiên nhẫn yêu đời thế được nhỉ. Và mình cũng phải đính chính cho chị biết là đấy là nó thích chị đấy, và nó nhe răng không phải vì nó dọa chị đâu, là vì nó bị si ca vâu. Nó nhe 24/7! Chị bảo: “À không, chị biết là nó thích trêu chị mà, chắc nó thấy chị hay đó”.

Thật sự thì không dám nói với chị là vì sao nó lại thích chị như thế. Bởi vì bình thường nó chỉ ở trong phía vườn thôi không nhìn rõ được bên ngoài. Trong khi tiếng chị thì lanh lảnh vang lên rõ nét nhất hàng xóm. Ngày nào tiếng nó được nghe nhiều nhất ngoài tiếng mẹ ra thì chính là tiếng chị. Mỗi phen chị và chồng như lai thần chưởng là các cánh cửa nhà hàng xóm trên tầng kín đặc mắt người đại hội hóng đờ ra ma, rồi tiếng chị chỉ đường shippers, tiếng chị hát karaoke nó váng lên bất kể 6h sáng hay 1h trưa, hay 11h đêm, thậm chí 2,3h sáng. Nó đã trở thành thứ âm thanh quen thuộc mà Nhọ đã có khi thành thương nhớ. Những ánh mắt qua những cánh cửa sổ kia còn được nhìn đờ ra ma chứ nó có nhìn được đếch đâu, nên xét về tâm sinh lý thì nó luôn vô cùng tò mò vì giọng nói thân thương lanh lảnh ấy. Và mỗi buổi tối được ra thò mõm ra khỏi cổng, nó chỉ mong được nhìn thấy thấn tượng trông như thế nào thôi. Ngày được duet với thần tượng giọng karaoke huyền thoại ấy như tối qua chắc là niềm hạnh phúc bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của nó. Thảo nào hôm nay thấy thần thái nó tốt ghê, mọi ngày si ca vâu lệch 1 bên mặt răng nhe 24/7 một bên mặt mà qua giờ nhe sang cả hàm luôn, là vừa si ca vâu vừa cười 0 ngớt mồm vì hạnh phúc í.

Mà nhìn nó hạnh phúc mình cũng hạnh phuc theo, Thấy nó nhe răng cười mình cũng nhe răng cười. Kỳ ghê!

#chuyenlinhtinhdemkhuya
#nhatkydoitao
#nhatkyhakin

(1) Facebook