Blog

#576: Bà nội và OCD

Cũng phải nhiều năm cho tới bây giờ, khi xem, đọc và nghiên cứu nhiều về các chứng bệnh tâm lý, mình mới hiểu bà nội mình có chứng OCD, thuộc dạng trung bình. Cũng có thể nó vốn dĩ ở dạng nặng hơn nhưng hoàn cảnh sống vất vả, khó khăn phải lo toan quá nhiều, không tài nào mà phải là “perfectionist” được.

OCD tiếng Việt được gọi là “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế”. Nghe thì đáng sợ đấy nhưng thực ra nó có rất nhiều cấp độ và rất, rất, rất nhiều người trong xã hội, xung quanh chúng ta mắc phải mà bản thân ngay chính họ cũng không hề biết. Chứng này có thể bẩm sinh, có thể do sự thay đổi của não bộ sau một vài biến cố hay một số căn bệnh nào đó, do bị rèn luyện như vậy, do stress, do thói quen… thậm chí cũng có thể do di truyền.

Bài này mình không nói nhiều về chứng OCD vì các bạn hoàn toàn có thể tìm được rất nhiều thông tin trên mạng. Mình chỉ nói về cách ứng xử đối với căn bệnh tâm lý này. Ở những mức độ nào đó, người có OCD ở 1 mình thì không sao nhưng người nào mà bị nặng mà người khác ở chung với họ thì rất phiền. Vì nhiều OCD vô cùng sạch sẽ, ngang hàng thẳng lối, sống theo những nguyên tắc riêng rất ngặt nghèo, nhiều sự ám ảnh vô lý. Lệch sóng họ tí là họ bị khó chịu ngay.

Hồi ở Mỹ mình đã từng ở chung với một chị OCD. Và mình đã kinh hãi khi thấy chị ấy đã đem đống thịt bò mới mua về rửa… xà phòng. Vào giây phút đó mình không chắc đó có phải là từ cái chai xà phòng rửa bát ra hay không nhưng điều đó hoàn toàn là có thể. Mình đứng đấy nấu ăn mà một giọt nước rơi ra mà chưa kịp nhào ra lau vội thì tóc chị í sẽ dựng lên ngay. Mọi thứ trong nhà không được 1 hạt bụi, chị í sẽ bò ra lau dọn và thậm chí còn đứng chìa cả cái máy hút bụi vào… không khí để hút… khí bẩn. Ở với chị í thì áp lực vô cùng vì đang ngủ mà chợt nhớ ra lúc nãy có thể lúc mình rửa chân ở nhà tắm có vết chân bẩn chị í sớm mai dậy chắc chị í sẽ đứng đấy khóc một buổi sáng, phải nhào ra kỳ ngay. Mình ở chung với OCD mình cũng thành OCD theo lúc nào không biết :)).

Còn hồi bé hẳn nữa lúc cũng ở cùng nhà với một chú ở cơ quan mẹ (đi nhiệm kỳ). Thì nhớ mãi rằng chú í ăn uống bất cứ lúc nào, bất kỳ đâu kể cả ra tập thể, chú í cũng phải luộc cho sôi cả đũa và thìa cái đã. Nghe mọi người đồn là vì chú í sợ… SIDA. Nhưng sau thì mình hiểu là khả năng cao là chú í bị OCD :)).

Bà nội mình thì nhẹ hơn nhiều. Chủ yếu bà sẽ bị “vướng mắc” ở chuyện là cái gì ở đâu phải đặt đúng chỗ đó, và phải chắc chắn là theo ý bà. Nghĩa là bà muốn là cái đĩa này nó phải đè lên cái đĩa kia thì nó phải đúng là nó được xếp như thế. Một tờ giấy ăn, ni lông rớt ra nhà là bà phải đi tới nghiên cứu, ngẫm nghĩ thật kỹ là nó là cái gì, tại sao nó lại ở đây :)). Mình chắc chắn một điều rằng từ trước tới giờ bố, các cô chú, các em mình sẽ không để ý điều này và chỉ đơn giản là thấy bà khó tính mà thôi. Và chính vì thế cứ phải chính tay bà làm bà mới yên tâm. Nhưng từ ngày bà không còn đi lại được nhiều nữa, chỉ có bám vào cái xe nạng nhích đi từng bước nên mọi sinh hoạt đều khó khăn. Bà muốn sắp xếp lại rất nhiều thứ, đặt đồ này thứ kia theo đúng ý của mình nhưng đôi lúc lực bất tòng tâm. Bà đành phải nhờ người xung quanh làm hộ. Lúc thì người giúp việc, các cô chú, các cháu, khách tới thăm bà… mà cứ làm không đúng như bà mong muốn là bà lại gắt lên cho nó đúng vị trí thì thôi. Mặc dù cái sự gắt này nó chỉ là thói quen thôi vì mình nói chuyện mình cũng hay gắt lắm và mình đâu phải là giận gì đâu =)). Thế nên người nào mà không hiểu thì sợ bà lắm, hay là giận vì bà sao mà khó tính, bắt bẻ thế. Nên giúp việc ở một thời gian thì thấy “áp lực” quá đều xin nghỉ :)). Ngày xưa thì mình thỉnh thoảng cũng cáu vì bà cứ sai ầm ầm lên mà cứ phải đúng thì bà mới chịu. Nhưng mình phải công nhận chưa bao giờ thừa khi học hỏi thêm thật nhiều kiến thức về tâm lý học và hơn cả là được làm cái nghề tuyệt vời này: đó là làm một nhà làm phim tài liệu. Vì nó cho mình rất nhiều lý do để nghiên cứu, học hỏi, trải nghiệm và nhờ thế mà hiểu thêm bao nhiêu điều ở cuộc đời này, trong đó đầu tiên là hiểu và biết ứng xử với những người thân của mình.

Bây giờ thì chỉ có thương bà thôi chứ còn lâu mới giận bà, nhắm nhảu với bà như ngày xưa. Giở hiểu bà rồi thì cứ theo ý bà mà làm thôi, thế giới hòa bình ngay và luôn. Mọi thứ biết cách ứng xử hóa ra nó lại rất đơn giản. Và tuy rằng không phải người nhà mình ai cũng hiểu rằng đây là một chứng bệnh tâm lý vô cùng phổ biến để hiểu cho bà. Mà cả xã hội này những hiểu biết về các chứng bệnh tâm lý đều còn rất hạn chế. Và thực ra hầu hết tất cả chúng ta đều mắc một vài chứng bệnh tâm lý nào đó, người thân của chúng ta cũng thế, nhưng do chúng ta chưa có đủ kiến thức và sự hiểu biết để hiểu cho chính bản thân mình hay xung quanh để có những sự ứng xử hợp lý. Đặc biệt trong những mối quan hệ gia đình, đôi lúc bố mẹ, vợ chồng con cái không thể nào hòa hợp với nhau hoặc bạn bè có những mối quan hệ đứt gẫy vì những “hành xử không chịu được”, bởi vì biết đâu rất nhiều người trong số họ bị mắc những chứng bệnh tâm lý mà ngay chính họ còn không hiểu, nữa là người thân. Để có thể hiểu nhau, cư xử đồng cảm và hiểu biết hơn thì có lẽ đã tránh được rất nhiều sự hiểu nhầm giận hờn nhau đáng tiếc, nhất là tình cảm gia đình. Có khi cả đời có những người không hòa hợp thậm chí không thể hiểu được bố mẹ, anh em… và ngược lại. Có khi nào thấy cái sự khó tính, khó chịu, vô lý ấy mình thử tìm hiểu thêm chút xem sao? Biết đâu hiểu ra được điều gì đó, biết cảm thông, biết ứng xử hơn. Có lẽ sẽ bớt được nhiều những giận hờn, day dứt, hối tiếc trong cuộc đời!

Bản thân mình với mẹ mình mà nói với nhau 2,3 câu là không đi tiếp được. Và giờ nói vậy thôi mình vẫn cãi mẹ nhoay nhoá =)). Nhưng điều khác biệt giữa ngày xưa khi chưa nhiều hiểu biết với bây giờ đó là tuy rằng vẫn cãi, nhưng sau đó không… để bụng, hiểu tâm lý mẹ nóng tính, dễ xúc động và ảnh hưởng nội tiết từ bệnh basedow và chắc chắn là muôn đời mẹ sẽ vẫn thế. Về cuối ngày thì vẫn phải mẹ con thắm thiết mà thôi :)).

Thỉnh thoảng nói chuyện và tiếp xúc với một số người, cũng nhận ra nhiều vấn đề tâm lý của họ. Đôi lúc chỉ đơn giản hiểu để mình có thể biết giúp đỡ gì, hay hiểu vì sao họ cư xử vô lý thế để cho mình… bớt tức =)).

By the way, bà nội mình cũng 92 tuổi, có không OCD thì 92 cũng sẽ khó tính thôi :)). Nhưng mà nhé, ngoài OCD ra thì bà lại cực kỳ dễ tính kể cả đã ở tuổi này, chiều các cháu lắm luôn, ngoài cái việc như là: “xoay cái quạt vào chính giữa người đi thì mới mát được chứ” thì cháu xin gì cũng cho, ăn gì bà cũng chiều, móc tiền túi mấy chục nghìn tiết kiệm ra cho ngay :)). Mà á, bà mình hài hước và minh mẫn cưc kỳ, bà nhớ không quên chuyện gì từ lúc mình đẻ ra. Bà không quên một chuyện gì! Có khi người có OCD trí nhớ tốt =)). TRỘM VÍA TRỘM VÍA tỉ lần bà yêu của cháu!

Có thể câu chuyện của mình có nhiều đồng cảm với nhiều bạn!

#575: “Fast car”: Lái xe đi hay ở lại và sẽ chết mòn thế này?

“Fast car” của Tracy Chapman là một trong những bài hát mình thích nhất khi nghe on road. Sẽ thú vị thế này: Khi ngày hôm qua mình viết bài review về một bộ phim tài liệu về một chàng trai Nepal sinh ra ở trên những nơi tận cùng của thế giới, nơi để đưa cậu và các em tới được thành phố, bố cậu đã phải mất một tháng vác chúng trên giỏ và gánh băng qua những dãy núi trùng điệp. Hành trình ấy hoàn toàn bằng đôi chân với một vài chú lừa. Một tháng để đưa con tới thành phố chữa bệnh và cho con được một chút giáo dục. Bố mẹ cậu yêu thương cậu vô ngàn nhưng khát khao được thoát khỏi hoàn cảnh để được khám phá bản thân, đi ra thế giới của cậu nó lớn lao như những đại ngàn nơi bố mẹ và ngôi nhà của cậu chỉ bé lọt thỏm ở giữa.

“Fast car” của Tracy Chapman có khát khao tương tự, đó là được thoát khỏi gia đình, thoát khỏi hiện trạng ngột ngạt của hiện tại, bước ra một vùng đất mới, với những ước mơ rất đơn giản như là chỉ cần “một công việc”, một sự tự do là mình để hiểu được ý nghĩa của việc “được sống”. Nhưng những ước mơ ấy lại ngập tràn những sự bế tắc.

Bài hát là một điển hình của những số phận của những người Mỹ nghèo (cụ thể ở đây là hoàn cảnh của một gia đình người da đen). Họ bị luẩn quẩn trong những cơn nghiện rượu, ma túy, thuốc giảm đau, sự phân biệt chủng tộc và tầng lớp xã hội. Những vùng quê nghèo ở bất cứ nơi đâu dù là nước Mỹ giàu nhất thế giới hay nơi tận cùng của dãy núi Himalayas cũng đều giống nhau ở sự đói nghèo, bế tắc và những ước mơ dữ dội của những đứa trẻ muốn được sống một cuộc sống đủ đầy mà chúng mơ ước. Đủ đầy không chỉ là chuyện vật chất, nó còn là kiến thức, sự tự do và có khi đơn giản chỉ là được thấy ánh đèn của thành phố.

Cậu trai Nepal trong “The only son” muốn được làm rất nhiều điều thật lớn và đi hẳn tới những quốc gia, vùng miền khác. Con đường đi từ nhà cậu ra được thành phố, tới sân bay là núi non thung lũng trập trùng. Nhưng qua được những dãy núi ấy, cậu biết đâu sẽ làm một người nổi tiếng và có một vài tác phẩm để đời. Còn “Fast car” của Tracy chỉ đơn giản là muốn vượt qua được biên giới bang để tới một thành phố khác, chẳng cần phải đi quá xa. Đường đi của cô gái trong Fast car lại quá đơn giản và bằng phẳng, cần một cái xe ô tô “đủ nhanh” là sẽ thoát khỏi được hiện tại. Chiếc ô tô ấy chỉ cần là một chiếc xe cũ thôi, nhưng nó chở bao nhiêu là ước mơ về sự giải thoát, được yêu và được sống như “một người bình thường”. Con đường đi theo đúng nghĩa đen của Tracy bằng phẳng và đơn giản hơn rất nhiều con đường đi của chàng trai Nepal. Nhân vật của Tracy cũng sống ở đất nước giàu có nhất thế giới, còn chàng trai thì lại ở một trong những nơi nghèo nhất thế giới. Cả hai rất giống mà khác nhau. Một con đường bằng phẳng, một con đường là chỉ có dốc cao vực sâu nhưng hai con đường ấy đều khó đi như nhau. Giấc mơ của chàng trai là thành một người đi ra thế giới và muốn làm điều gì đó lớn lao nhưng giấc mơ của Tracy chỉ cần được “làm 1 người bình thường với 1 công việc tử tế”. Nếu bố mẹ của cậu chàng yêu thương chàng hết mình nhưng vẫn sống trong sự cổ hủ và đói nghèo truyền thống thì người bố của Tracy lại là một ông nghiện rượu, mẹ thì bỏ đi. Hai bố mẹ hoàn toàn khác nhau nhưng chúng đều đau khổ vì không thể bỏ được họ để ra đi, nhưng nếu ở lại chúng cũng sẽ chết dần chét mòn. Cả hai đều muốn thoát khỏi gia đình, đều muốn được sống là mình và những khát vọng của họ đều mãnh liệt như nhau, những nỗi đau khổ cũng giống y nhau.

Điều thú vị được thể hiện rõ nhất ở bộ phim và bài hát đó là cách kể chuyện về cùng một vấn đề trong những hoàn cảnh khác nhau về địa lý (dù cách kể chuyện bằng hình thức khác nhau), và cho thấy cùng một vấn đề nhưng trong những nền văn hóa khác nhau chúng vẫn giống nhau tới lạ kỳ, những quy luật cuộc sống và khát khao cơ bản của mỗi người lúc nào cũng vẫn luôn là thế. Những bài hát, những cuốn phim này đều là những câu chuyện cuộc sống thật nhẹ nhàng, mà ý nghĩa, với mình thì chúng là “food for mind”.

Mình rất mê những nghệ sĩ như Tracy Chapman. Đây là những con người mà âm nhạc và tư duy kể chuyện bằng âm nhạc đã có từ trong máu từ khi họ sinh ra. Những tác phẩm của họ đều chính là những câu chuyện và trải nghiệm sống của chính họ. Chúng vô cùng sâu sắc, nhiều triết lý cuộc sống được ẩn giấu trong những câu chữ rất nhẹ nhàng và những câu chuyện rất đời. Một câu hát tiếng đàn họ cất lên đều tự nhiên như hơi thở. Những nghệ sĩ như Tracy Chapman, Jewel, Bob Seger (và nhiều nhiều lắm) đều có những xuất thân cực nghèo khó và đến từ những nơi ngập tràn rượu và ma túy. Nhưng tài năng thì một khi đã trổ thì vượt lên cấp toàn thế giới, họ thậm chí có khi một ngày còn chẳng được đi học một nốt nhạc. Âm nhạc cũng toàn những câu chuyện và tâm tư cuộc sống rất đời thường, chẳng cần phải trưng trổ bất cứ kỹ thuật gì cao siêu, vì chỉ cần họ cất tiếng là không có ai có thể bắt chước được họ và vẫn đến được với sự đồng cảm với bất cứ khán thính giả nào trên trái đất này. Mà cái này, chỉ có thể là sinh ra có từ trong máu, và số phận được ông trời ban tặng. 8 tuổi Tracy đã biết sáng tác rồi cho dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Số đã nổi tiếng, đã tài giỏi thì con đường dù khó khăn đến mấy như những dãy núi Himalayas hay chỉ có một chiếc ô tô quá cũ nhưng sẽ vẫn “đủ nhanh” để vượt lên highways đi ra thế giới.

À mà nếu để ý thì mấy nghệ sĩ này hầu như chả có cái scandals gì, họ sống vững chắc trong lòng người hâm mộ dù năm tháng có qua đi bao nhiêu lâu!

A Tracy Chapman fan! Love you, Tracy!

#writingformyself

#574: “The only son”

Tối nay bạn thích xem một bộ phim tài liệu không?

Thỉnh thoảng lại stumble được một số phim tài liệu rất hay trên Youtube. Mình rất thích xem những phim tài liệu độc lập của các bạn quốc tế trên Youtube. Mà đôi khi cũng chẳng cần là phim, chỉ là những videos kể chuyện về những trải nghiệm sống, văn hóa vùng miền của con người từ vùng lạnh nhất tới nơi nóng nhất, xem họ sống thế nào, có gì thú vị, học hỏi và ngẫm nghĩ được biết bao điều.

Đỉnh núi Himalayas là một trong những đề tài mình rất thích xem, không biết có phải vì đã từng được tận mắt thấy Everest từ máy bay hay do xem 7 days in Tibet mà cứ mỗi lần thấy Himalayas là bồi hồi. Đêm hôm bữa play đến “The only son”, câu chuyện của một chàng trai Nepal từ nơi nghèo khó và xa xôi tận cùng trên dãy núi Himalayas mà có một tư tưởng cực kỳ khác biệt, rất hiện đại hiểu biết, vượt lên mọi những hủ tục của gia đinh, làng tộc để dũng cảm vượt ra khỏi vũng lầy của đói nghèo và thất học. Nghe thì tưởng như là một quá trình rất epic nhưng cái hay là nó chỉ kể bằng một chuyến đi từ thành phố trở về nhà cùng một chút background của chàng trai mở đầu về gia đình. Còn lại là những lời kể mộc mạc, dung dị và trăn trở, đấu tranh mãnh liệt của lương tâm khi phải quyết định sẽ đi ra thế giới rộng lớn vĩ đại ngoài kia để giải thoát bản thân hay sẽ quay trở lại quê nhà lấy vợ, chăm sóc bố mẹ già yếu và mảnh đất rộng lớn của tổ tiên để lại cần phải canh tác và cai quản, và bởi vì cậu là “cậu con trai duy nhất”.

Những bộ phim này mình thấy rất hay không hề vì hình ảnh phải đẹp hay sự epic, những lời dạy đời đạo đức ra vẻ cho phim có chiều sâu. Mình thấy rất hay vì những điều rất thật thà, những hiện tại rất khắc nghiệt, những nền văn hóa tưởng địa lý thì rất xa chúng ta mà lại rất tương đồng, những bài học cuộc sống về tình yêu với gia đình, về khát vọng bản thân và những nỗ lực sống vĩ đại. Chúng được kể và thấm cho người xem một cách rất tự nhiên, rất đồng cảm.

Những nhóm người thiểu số sống trên núi cao dù bất cứ đâu, ta đều thấy một điều thú vị là họ có rất nhiều điểm tương đồng trong văn hóa và lối sống sinh hoạt. Họ đều là những con người lao động rất cực khổ, người phụ nữ phải luôn mang vác rất nặng và vất vả vừa phải trèo núi lội suối để làm nông, cắt cỏ, chở củi, vừa vẫn phải nấu nướng dọn dẹp, chăm sóc con cái và những người chồng gia trưởng. Và đều có những hủ tục rất giống nhau, những truyền thống văn hóa rất giống nhau. Như con cái lập gia đình rất sớm (chủ yếu để thêm người lao động) và trọng nam khinh nữ. Nên khi mình xem những câu chuyện này mình đều thấy rất đồng cảm và gần gũi, vì đó là những câu chuyện mà mình bắt gặp không phải tận Himalayas mới thấy mà ở ngay trên những vùng núi hay cao nguyên mình đã đi qua.

Nhưng hoàn cảnh gia đình của chàng thanh niên trong phim cũng là một hoàn cảnh khá đặc biệt. Gia đình có 11 người con, cậu là con trai duy nhất. 8 tuổi, cậu suýt chết vì bệnh sởi. Bố cậu đã gánh cậu và mấy người chị em gái trên vai để tới thành phố. Nhưng để tới được Kathmandu, thủ phủ của Nepal, thì ông bố ấy phải gánh các con đi bộ và leo núi đồi gập ghềnh, đi qua những thung lũng cánh đồng đúng 1 tháng trời. MỘT THÁNG TRỜI! Mà các bạn biết Himalayas chưa bao giờ là một dãy núi tầm thường. Ông bố vĩ đại ấy đã vác các con lên thành phố để các con có thể thay đổi cuộc đời. Đứa con gái lớn được sang Mỹ làm con nuôi. Đứa thứ hai bị bỏng suýt chết được một gia đình Hà Lan nhận nuôi. Còn cậu được ăn học ở Kathmandu cùng hai em gái nhỏ nữa. Đó là những chuyến đi nhiều lần 1 tháng của người bố. Hình ảnh người bố khắc khổ và nụ cười hiền trong phim sẽ không thể làm cho bất cứ ai không xúc động. Nhiều năm sau đó, ngay cả khi cậu đã lớn và trưởng thành và đưa các em trở về nhà, con đường ấy đã rút ngắn lại được bằng những chuyến trực thăng dân sự, nhưng vẫn mất thêm 10 ngày đi bộ leo núi nữa mới trở được về nhà thăm bố mẹ. Và người bố ấy vẫn sẵn sàng đi bộ cả 10 ngày để tới đón các con hay lại tiễn các con trở về.

Cậu thanh niên may mắn được ăn học ở thành phố, được đi du học, được gặp lại các chị đã đều thành người nước ngoài, thậm chí còn không nói được cả ngôn ngữ gốc. Nhưng nỗi đau lòng trăn trở khi bố mẹ ở quê xa quá cực khổ và quá yêu thương mình, cậu sẽ phải lựa chọn. Trở về lấy vợ chăm sóc bố mẹ cho tròn chữ hiếu hay là đi ra thế giới văn minh để được phát triển bản thân? Nếu là bất cứ một ai vào hoàn cảnh này, chắc chắn đều là những sự dày vò đấu tranh khủng khiếp, và không có lựa chọn nào là xuôi được hoàn toàn với lương tâm.

Những lời thoại và tranh cãi giữa cậu và bố mẹ rất giá trị. Cậu chàng thì tìm đủ mọi cách giải thích tư tưởng tân tiến cho bố mẹ (nhưng làm sao họ hiểu được, họ đã sống và quá quen với cuộc sống như vậy rồi). Nhưng cũng chính vì thế cậu cũng sẽ không thể hiểu được những tâm và mong muốn của bố mẹ. Ai cũng cho rằng mình đúng. Con không hiểu bố mẹ, bố mẹ không hiểu con. Và cũng chắc gì những khán giả trung gian như chúng ta hiểu đúng để đánh giá họ. Vì cái đúng sai trong mỗi nền văn hóa và lối sống là khác nhau. Bạn lớn lên thế nào, bạn được dạy thế nào, hay trải nghiệm của bạn thế nào, đó là cái đúng theo quan điểm của bạn. Nhiều khi mình xem câu chuyện của người lạ như vậy là để reflect lại chính hoàn cảnh của rất nhiều trong chúng ta.

Mình thương cái sự thương con đầy khắc khổ của người bố mẹ trong phim. Người mẹ với làn da nhăn nheo vì quá khổ cực với bao trăn trở vì sợ mình sẽ chết già trong cô đơn cùng mảnh đất rộng lớn. Nhưng những đứa con rất yêu thương bố mẹ, rất có hiếu, tình yêu của chúng đong đầy trong ánh mắt. Nhưng trong ánh mắt đầy yêu thương của cậu trai ấy là sự mãnh liệt của sự tự do và quyết đoán, sẽ phải rời xa bố mẹ cho dù yêu thương bố mẹ vô cùng.

Câu chuyện này rõ ràng không phải là một câu chuyện “bình thường” hay là của một gia đình điển hình của người dân sống trên núi hay những vùng đất nghèo khó hiểm trở. Không phải dễ dàng sinh ra từ nơi sâu thẳm của những vùng tận cùng của thế giới mà những đứa trẻ lại có tư duy hiện đại tân tiến và quyết tâm phá bỏ truyền thống, quy tắc, cả nén những yêu thương với gia đình để vượt ra khỏi hiện tại đói nghèo và hủ tục để được sống một cuộc sống nhiều tri thức và được khám phá bản thân. Nhưng chính vì thế có khi nó làm thức tỉnh rất nhiều con người, dù vùng núi xa xôi hay thành phố hiện đại, và KHÔNG THỂ ĐỔ LỖI CHO HOÀN CẢNH. Cho dù xuất phát điểm của bạn thế nào, bạn muốn cuộc đời mình tốt đẹp hơn, đó là lựa chọn của bạn. Và không có sự lựa chọn nào ở cuộc đời này là hoàn hảo, bạn sẽ luôn phải đánh đổi, bạn sẽ sống cho mình hay là gia đình? Bạn sẽ sống vì bản thân mình với những khả năng của mình hay let it slide và sống một cuộc sống mờ nhạt như bạn đã được sắp xếp? Bạn có muốn thoát khỏi sự đói nghèo hay ngột ngạt của bạn hay không? Nếu có bạn phải rất chăm chỉ, dũng cảm và phải đánh đổi!

“The only son” là một bộ phim tài liệu mình thấy rất thích không chỉ vì nội dung mà còn vì cách kể chuyện voice over rất dung dị, thỉnh thoảng kể sau hình ảnh để khán giả được suy nghĩ, cinematography rất đơn giản nhưng lại rất chuyên nghiệp, âm nhạc tối thiểu nhưng rất phù hợp và day dứt, những lời kể tâm sự nhẹ nhàng nhưng dẫn dắt người xem rất cuốn hút. (À nhưng đương nhiên nó chỉ cuốn hút khi bạn là tuýp ưa thích tài liệu, thích khám phá thế giới và không phải tuýp chỉ thích xem những thứ giật gân hay hào nhoáng).

Một trong những cái hay của tài liệu độc lập thế này đó là tính thức thời và nhanh trí của người làm phim. Họ đã nhận ra được ngay nhân vật và đề tài từ rất sớm để bắt đầu ghi chép lại thành cả một quá trình. Phim này được làm bởi một nhà làm phim độc lập người Hà Lan và có lẽ câu chuyện của cậu trai đã được chia sẻ khi cậu đang đi du học ở Hà Lan và ngay lập tức: Đây là một câu chuyện phải được kể! Và cái máy quay đã bắt đầu chạy, âm thanh đã phải được thu và ổ cứng đã được nạp.

Với mình thì điều này xảy ra thường xuyên, mình luôn nhìn ra mọi đề tài rất nhanh, rất nhiều câu chuyện cuộc sống vô cùng hay và độc đáo. Chỉ rất tiếc mình chưa có đủ máy móc, tài chính và đặc biệt là người bạn đồng hành đủ tinh tế và có thời gian để thực hiện những câu chuyện như thế này. Vì làm tài liệu không hề đơn giản một chút nào, đó là thời gian, tiền bạc ứng ra và phải hiểu về cuộc sống, về thế giới, kỹ năng ứng xử với con người, phải biết nhìn ra những điều để kể qua ống kính. Như bạn nhìn thấy một khuôn hình trong bộ phim, có khi người quay phim không hiểu hết ngôn ngữ của câu chuyện, nhưng họ biết lia đúng chỗ, đúng nơi, đúng khuôn, vì một người làm phim tài liệu rất sâu sắc và nhạy cảm!

Trên Youtube thì những phim kiểu này rất nhiều, và đều rất hay. Mình đợi tìm được người bạn đồng hành ấy để được hòa vào thế giới này! Có nhiều chuyện rất hay, rất rất hay ước gì được kể!

Link phim ở dưới comment. Hãy xem hành trình của chàng trai ấy!

#573: Mình có cái mũ

Mình có mấy cái mũ rất xinh, nhìn như mũ nan nhưng thực ra lại là mũ vải. Mình thích đội mũ đương nhiên một phần lên hình nó xinh, nhưng phần lớn là vì với một người quay phim chụp ảnh như mình cái mũ không thể nào thiếu vì nó giúp mình chắn nắng che mưa mỗi lần quay phim chụp ảnh.

 

Hầu hết mũ mình đều được tặng. Chiếc mũ mình quý nhất mà các bạn thấy hầu hết trong các bức ảnh là đã cả hơn mười năm rồi đấy. Thỉnh thoảng qua thời gian mình cũng bị mất mũ, lúc để quên, còn có lúc là tặng lại người khác.

 

Buổi trưa đó là vào một buổi trưa mùa thu trời nắng rất đẹp, hiu hiu đủ để ngồi ngoài trời làm ly cafe nhưng mà đi trong cái trời nắng này không mũ vẫn là rất mệt. Ngồi cạnh bàn của mình là một nhóm các bạn trẻ đang cười đùa rộn rã, mấy bạn nam có vẻ đang rất hào hứng, nói rất to và rất hyper có lẽ vì mấy bạn gái đều xinh. Có một ông cụ bán hàng rong đi qua. Điều đặc biệt và ấn tượng là ông cụ ấy có một cái mũ nan vành to rất rất đẹp, tuy rằng nó cũ nhưng nhìn nó rất chất, rất thú vị. Ông đi đâu là ai cũng ngoái nhìn vì cái mũ. Một bạn nam nhảy bổ ra: “Ông ơi mũ đẹp quá ông bán cho cháu cái mũ đi”. Ông cụ bảo không bán đâu vì mũ ông phải đội che nắng. Nhưng các bạn có vẻ rất kiên quyết muốn mua cái mũ, và nói giá bao nhiêu cũng mua. Ông cụ sau một hồi bị kỳ kèo vì các bạn hội đồng ghê quá nên có lẽ cũng vừa mệt vừa ngại bèn bảo thì thôi bán cho cái mũ 200k. Các bạn ré lên và đội ngay cái mũ, chuyền tay nhau cái mũ để chụp ảnh..

 

Ông cụ già lọ mọ đi tiếp, tóc lơ phơ trắng vài sợi trong nắng gắt. Nếu là mình còn trẻ đi trong cái nắng này cũng hoa mày chóng mắt chứ chả nói ông cụ đó. Người già rất dễ say nắng, chóng mặt, đột quỵ. Cơn sốt ruột của mình nó dội lên, thế là mình cầm cái mũ của mình chạy gọi với theo ông cụ. Mình ụp cái mũ của mình lên đầu ông và nói ông đội đi vì trời nắng này để đầu không rất nguy hiểm. Ông cụ ngại bảo không sao tôi quen rồi mình kiên quyết bảo không ông đội ngay. Cuối cùng mình bảo để mình mua của ông cái cắt móng tay ông phải chịu đội mũ nhé thì ông mới chịu. Cái mũ hơi nữ tính so với ông và mình cũng rất quý cái mũ đấy nhưng lúc đó được cho cái mũ ấy đi mình chẳng tiếc cái gì hết.

 

Có vẻ mấy bạn trẻ ấy đã nhìn thấy mình làm vậy và các bạn có lắng lại chút ít. Và rồi nghĩ thế nào đó, cậu nam lúc nãy cầm cái mũ chạy theo đưa lại cho ông cụ trả lại và cũng không lấy lại tiền. Ông cụ cứ ú ớ chẳng hiểu chuyện là thế nào, nhưng cũng nhận lại và cảm ơn các bạn ấy. Cậu trai ấy cầm lại cái mũ của mình về trả lại cho mình và nói Ông trả lại cho chị đó. Lúc đấy mình vui lắm, và mình nhìn các bạn trẻ ấy bằng một ánh mắt rất nhẹ nhõm: “Chị cảm ơn các em nhé”.

 

Câu chuyện này xảy ra năm ngoái giờ vào ngày trời đẹp mới nhớ ra để kể lại. Đó là một tình huống đã kết thúc có hậu nhưng sự thật đáng buồn là vì cái sự check in đó là đôi lúc những hành động bồng bột nhất thời không được nghĩ tới hậu quả. Những cảnh đẹp bị phá nát vì ảnh chụp, những con người bị làm hư bởi du lịch, những thiên nhiên bị tàn phá để xây dựng những công trình phục vụ cho check in. Và đôi khi chỉ là một câu chuyện tưởng rất đơn giản như câu chuyện trên, nếu ông cụ hôm đấy sẽ ốm hay đột quỵ vì nắng và nóng thì sao? Khi mua cái mũ của ông, chắc các bạn nhất thời đã không nghĩ tới. Vậy khi chụp 1 cái ảnh check in mà phải xâm hại một thứ gì đó, hãy luôn nghĩ tới điều gì sẽ xảy ra nhé!

 

 

#572: “Moving in motion, keep moving, let’s keep moving”

Những ngày đi học phim. Đi qua những mùa thu rực rỡ vàng ươm thì cũng đi qua những ngày mưa tuyết trắng xóa. Giai đoạn đầu chưa có xe để lái đi học nên ngày nào cũng đi bộ hơn 20 phút mới tới trường. Và vấn đề nó không phải là những con đường thẳng mà là đồi núi bồng bềnh. Sáng ngủ dậy muộn chưa kịp ăn gì, balo thì vác nặng, cứ xác định là đi sẽ hoa mày chóng mặt lả lướt, lết được bước nào là trời xanh xanh, đất vàng vàng. Ngày nào dậy sớm, ăn đủ, uống đủ. Vừa đi vừa thong thả khoan khoái nghe nhạc thấy ô kìa sao đến cái cột điện nó cũng dễ thương!
Nhưng mà nếu là mùa đông mưa tuyết thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác. Có những ngày ô tô còn chẳng dám ra đường vì đường tuyết trơn và dốc chứ chưa nói đến đi bộ. Đã có lúc đi giữa đường nhưng bế tắc cùng cực vì không biết… đi tiếp như thế nào. Đường đóng băng trơn tuột và phải lên xuống dốc. Nhích một bước là sẽ được trượt ngay về nơi xa vắng. Thật sự bối rối hoang mang vô cùng không có cách nào để mà đi tiếp. Mà phải cái tiết học thầy khó tính sắp muộn thì như lửa đốt trong lòng. Riêng đi học phim thì giờ giấc rất khắc nghiệt, bởi vì nghề gì chứ nghề phim mà muộn thì chết nhục. Một đoàn phim một thành viên muộn là ảnh hưởng tới cả trăm con người và thiệt hại cả tiền bạc nữa. Có lúc tới được trường, xấu hổ quá tự động xin thầy úp mặt vào tường =)).
Nhớ lúc đó trong lúc loay hoay vật lộn để nghĩ sao mà xuống được cái dốc trơn, tai nghe nhạc nó lại hợp cảnh như soundtrack vậy. “Moving in motion, keep moving, let’s keep moving”. Đôi lúc đi không được cứ đứng giậm chân giữa đường còn thấy ngượng nữa, vì ai cũng sẽ nhìn không hiểu vì sao mình cứ lúng túng đứng mãi như vậy. Một phần tính mình cũng nhát nữa, vì thực ra mình có thể ngã, nhưng cái balo máy thì… không thể.
Mỗi lần mùa đông ra đường mà mình xấu gái tệ hại vì mình sợ rét. Nên không ngại ngần bao nhiêu quần áo mũ mã trút lên người, thậm chí cần quấn cái chăn lên cũng được hết. Mùa đông lúc nào trông như một con gấu bông luộm thuộm lăn trên đường.
Thế rồi, có một ngày, đang như một con điên bú rù đi trên phố co ro thì bỗng thấy trước mặt một anh chàng da trắng đẹp trai óng ánh bất ngờ hiện ra. Trời lạnh còn làm cho mũi anh ửng đỏ một chút xíu, mắt xanh biếc lóe lên trong nắng sớm, nhìn sexy mệt mỏi. Anh đang chuẩn bị vào xe để đi học thì phải (anh í gần nhà mình chứ). Thế là máu dại trai nổi lên, mình vội vã tung hết khăn khố áo xống trên người ra thu gọn lại cho anh nhìn thấy cái mặt xinh gái của mình chứ. Nhưng có lẽ vì mải nhìn giai mà quên bố nó mất đường đang rất trơn, cái khăn to thì lại vướng nên sự lúng túng ắt đem lại hậu quả nhãn tiền đó là trượt chân ngã lăn đùng xuống đất. Vào khoảnh khắc đó mình còn kịp nghĩ rằng hay quá, thế là anh í sẽ chạy ra đỡ cho mà xem. Nhưng số mình tuy sát giai mà đen các bạn ạ, bởi vì đúng là ngay lập tức có giai chạy tới đỡ mình, còn gạt tóc mình ra tình cảm ấm áp hỏi han nữa. Mỗi tội đó chính là thằng xấu giai cùng nhà, đã xấu giai thì chớ còn suốt ngày đập đá, lúc nào cũng bay bay như chị Hằng Nga trên cung trăng. Mỗi lần vào thuốc là nó chơi trống thì thôi rồi 3h sáng cũng muốn đập đầu vào tường cùng nhịp trống của nó. Tuy nhiên may mắn là nó chơi trống rất giỏi, vào dạng thiên tài. Nhưng mà bạn cũng 0 muốn nghe tiếng trống thiên tài trong 6 tiếng liền đâu!.
Giai xấu người đầy mùi cỏ ôm ấp lấy mình, còn giai đẹp thì nhìn thoáng qua một chút rồi cũng lẳng lặng đi vào xe đạp gas đi học, chắc không thèm lướt mình lấy một miếng. Mà lúc đó mình ngượng bỏ mẹ lên được í tốt nhất là cũng khỏi cần nhìn. Sự cố này sau này được mình cho vào một đoạn tiểu phẩm nhỏ vui vui lúc mình đi chơi với mấy bé teen Mỹ (sẽ post link ở cmt nhé)
Nhục nhất là tới trường hôm đó mùi cỏ thơm ngào ngạt khắp người. Thằng béo cùng lớp cứ liếc liếc xong rồi giờ nghỉ giải lao nó đi qua nháy mắt lúng liếng: “Chắc đêm qua vui lắm nhỉ?”. Oan uổng quá, tổ sư nó!
Thỉnh thoảng đi học vẫn gặp bạn giai đẹp ấy đi ra xe ô tô. Nhìn nhau vài hồi thành quen, nhưng mình hông thèm nữa vì sau phát hiện ra xe có bạn gái ngồi trong rồi =)). Nhưng có một lần tim cũng suýt rụng ra ngoài vì hôm đấy đang lướt qua thì tự nhiên thấy bạn chào: “Hi”, mình cũng ngẩng lên nhìn chằm chằm nhưng 0 biết là phải bạn chào mình không. Mà phải đúng hôm mình còn không để ý thấy bạn í từ xa nên chưa chuẩn bị tinh thần. Và tình hình giờ nghĩ lại vẫn thật là ngượng vì sau khi bạn Hi mình còn nhìn bốn xung quanh xem là đang Hi mình hay Hi ai, và để cho chắc chắn là mình không xấu hổ nhận vơ thì mình… thẳng mặt đi tiếp. Chỉ đến khi gần về nhà mới thực sự nghĩ ra là người ta vừa Hi với mình! Về nhà tiếc quá cơ các bạn ạ :)).
Lúc đó cũng cuối năm học rồi, nên cũng chẳng gặp nữa vì năm sau chắc ai cũng move away hết.
Nhưng được cái từ hồi sự cố ngã lăn ra đường vì dại trai đó thì mình hông bao giờ ngã lần nào trong trời tuyết rét nữa, vì mình mua đế giày tuyết xịn để đi rồi :)), mới cả mình cũng biết cách ngã khôn hơn rồi :)). Bạn có muốn nghe chuyện ngã tiếp theo của mình không? 😃

#571: Someone had to go in

“Some one had to go in”

Xem và đọc tư liệu về thảm họa Chernobyl thấy thật là khủng khiếp. Có lẽ vì chuyện xảy ra quá lâu và nó ở quá xa mình nên khi nhắc đến nó người ta cũng không nghĩ gì nhiều, hoặc giả sử cũng biết nó rất là kinh khủng cũng không thể cảm được cái sự kinh khủng đấy nó như thế nào.

Cảm giác xem những tư liệu về Chernobyl như ở trong một cái phim kinh dị kiểu X-files, những sự hy sinh của con người trong đó quá tàn khốc và hậu quả nó để lại tới giờ vẫn bị bưng bít và không thể nào thống kê nổi.

Ngày 26/4/1986. Nhà máy hạt nhân Chernobyl ở phía bắc Ukraine, gần thành phố Pripyat (lúc này vẫn thuộc Liên bang Soviet) đã bất ngờ phát nổ do lỗi điều hành của kỹ thuật viên. Điều đáng sợ là ngay cả những người làm việc trực tiếp với hạt nhân, các chuyên gia và cả chính phủ cũng chưa hiểu hết và lường hết được hậu quả của lượng phóng xạ gây tác hại tới con người. Thế nên ngay khi thảm họa nổ ra, các thành phố sống xung quanh cách nhà máy điện vài km, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường không có sự báo động. Các nhân viên cứu hỏa, nhân viên y tế đầu tiên tới cứu nạn hiện trường cũng không có trang phục bảo hộ. Theo thống kê, thảm họa Chernobyl gây hậu quả phóng xạ gấp 400 lần quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.

Câu nói ám ảnh nhất của một vị tướng phụ trách chiến dịch cứu nạn Chernobyl là: “Someone had to go in”. Tức là biết chắc đi vào đó để dập nóng và ngăn chặn phóng xạ là chắc chắn sẽ bị nhiễm xạ và đi vào cửa tử nhưng người ta buộc vẫn phải vào. Hàng ngàn thợ mỏ đã đào hầm ngày đêm để tiếp cận được lõi trong của nhà máy mà không thể dùng bất cứ bảo hộ gì, vì họ cũng không thể thở khi dưới hầm, và họ phải ăn và uống những chai nước nhiễm phóng xạ. Ước tính sau này 1/4 trong số hàng ngàn thợ mỏ đó đã chết trước tuổi 40 và số còn lại thì chết dần chết mòn và không thể có gia đình toàn vẹn. Còn lại là hàng ngàn người lính, các chuyên gia, các nhà khoa học, hơn 600 phi công đã được điều tới và buộc phải expose bản thân ra lượng phóng xạ ở mức cả triệu lần cho phép để tìm cách dập nhiệt, ngăn không cho phóng xạ bay xa và hơn cả là để tránh cho một trận nổ hạt nhân thứ hai xảy ra, một trận nổ mà như ước tính có thể quét đi một nửa châu Âu. “Someone had to go in”. Thời này chưa có A.I và robot công nghệ cao nên không thể dùng chúng để làm những công việc thủ công mà vẫn bắt buộc con người phải làm. Một số robot cũng đã được sử dụng nhưng chỉ tới ngày thứ 2 là chính máy móc cũng phải chịu thua trước phóng xạ, và chỉ có thể là con người phải bước vào.

Chắc không thể tính nổi đã bao nhiêu trí thức, nhân tài, mạng sống con người buộc phải “go in” để giải quyết một trong những thảm họa “man-made” kinh khủng nhất của nhân loại này. Có những người buộc phải vào tận lõi của những cột chứa phóng xạ để dập nhiệt, mỗi một giây họ ở đó là một vài năm cuộc đời của họ bị rút ngắn lại. Nhờ có họ mà thế giới đã ngăn được trận nổ phóng xạ thứ hai, ước tính độ phóng xạ sẽ gấp hàng nghìn lần hai quả bom ở Hiroshima và Nagasaki.

Thật đáng buồn là những vị anh hùng ấy ít ai nhớ được tên tuổi, ít ai được biết tới hay thậm chí cả sau này khi chết dần chết mòn vì nhiễm xạ họ cũng không có được những chế độ phúc lợi xã hội tử tế. Họ cũng không thể được công khai ca ngợi vì những số liệu và thông tin của Chernobyl sẽ luôn bị giấu nhẹm. Hậu quả thực sự và số lượng người bị nhiễm xạ, chết vì ung thư và các hậu quả từ sự cố này sẽ không bao giờ có một con số công khai hay thậm chí được nghiên cứu tử tế.

Người ta nói rằng để quay lại Chernobyl và có thể sinh sống bình thường trở lại thì phải mất ít nhất một vài chục nghìn năm nữa. Mỗi năm lớp phóng xạ lại ngấm thêm vài cm vào lòng đất, giờ nếu muốn biến chỗ này thành miền đất sống thì chỉ có bóc hết mấy chục cm lớp đất bề mặt của toàn bộ nơi này, cộng thêm vài trăm năm để cải tổ lại đất đai và môi trường thì may ra mới có thể trở lại. Đương nhiên điều đó là không tưởng.

Nhưng có một điều kỳ diệu kinh khủng khiếp. Chernobyl là biểu tượng vĩ đại về sức sống mãnh liệt của thiên nhiên. Đó là trong khi con người vẫn chờ vài chục nghìn năm để được quay trở lại (mà khả năng là con người bị tiêu diệt trước đó rồi), thì thiên nhiên đã quay trở lại, chỉ 30 năm sau thảm họa. Cỏ cây đã tươi tốt, những loài vật hoang dã đã xuất hiện. Có lẽ hy vọng nơi này một vài trăm năm nữa sẽ là những khu rừng nguyên sinh vì con người 0 thể tới. Thế nên dù con người có phá hoại thế nào thì trái đất sẽ luôn ở đây, thiên nhiên sẽ luôn quay trở lại, chỉ có con người là tự hại mình và hại chính môi trường sống của mình. Rừng có thể bị chặt hết, cá dưới biển bị bắt hết, nhưng rồi bão lũ thiên tai sẽ tràn về cuốn hết con người đi. Và khi không còn con người, thiên nhiên sẽ quay trở lại nhanh hơn bao giờ hết! Nên mọi ý định tiêu diệt thiên nhiên chỉ là mình tự diệt mình thôi chứ thiên nhiên và trái đất sẽ luôn ở đây!

À nhắc tới vụ Chernobyl lại nhớ ra hồi mình bé tí bập bõm đọc báo An ninh thế giới, có series ly kỳ về những loài chuột đột biến do bị nhiễm xạ mà to nặng tới 20kg. Mà viết ly kỳ hấp dẫn lắm luôn, làm cháu nó hóng chờ mỗi tuần báo ra đọc ngấu đọc nghiến. Rồi sau này cháu nó lớn lên cháu nó mới biết tổ sư bố series biên dịch từ loạt báo lá cải nào đó từ đất nước Trung Hoa xa xôi, tin sái mẹ nó hết cả cổ, đèo mẹ :)).

Fact: On 4 May 1986, just a few days after the initial disaster, mechanical engineer Alexei Ananenko, senior engineer Valeri Bespalov and shift supervisor Boris Baranov stepped forward to undertake a mission that many considered to be suicide.

#570: NHẬT KÝ XUẤT HUYẾT THẦN CHƯỞNG

NHẬT KÝ XUẤT HUYẾT THẦN CHƯỞNG

Oai hùng đi qua vài năm Covid vẫn đứng vững hiên ngang thế mà cuối cùng vẫn dính phải xuất huyết thần chưởng. Lần đầu tiên bị và chưa thấy loại thần chưởng nào khó hiểu như quả này.

Thực ra tỉ lệ sốt xuất huyết chuyển biến nặng đều rất là thấp, bệnh này cơ thể cũng phần lớn sẽ là tự chữa khỏi, vốn dĩ nó không nên là điều gì quá phải bận tâm thế nhưng cứ lên mạng đọc mà xem, tất cả thông tin đều nói đây là chứng truyền nhiễm “đặc biệt nguy hiểm”. Quả thật ranh giới giữa việc là một cơn sốt “hết sức bình thường” với việc rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nó lại cực kỳ mong manh, thậm chí cái sự nguy hiểm của nó nằm ở chính việc người bệnh thấy “rất bình thường”, còn tưởng mình đang hồi phục đến nơi thế mà lại là lúc dễ đi chầu ông bà vải nhất. Bệnh này dễ chết nhất vì chủ quan hoặc do thiếu hiểu biết. Mình dính chưởng cả 2 luôn.

Trước khi bị dính xuất huyết là người mình đã rất mệt mỏi vì có dấu hiệu suy nhược cơ thể và viêm họng, cảm cúm do thời tiết, ho và đuối sức. Bất thình lình 1 ngày đẹp trời cả 4 thằng đệ nhà mình cùng tiêu chảy, mình phải vác từng con đi khám bệnh, truyền nước và đút thuốc cho bọn nó cũng hết ngày. Giai đoạn này chân tay expose ra cho muỗi thịt chi chít. Bình thường là bôi kem chống muỗi nhưng những ngày này quá mệt không cả muốn đi tìm cái chai chống muỗi mà bôi. Ngay khi thấy mấy con muỗi vằn nó ngoạm cái chân là mình đã thấy linh tính không lành. Chủ quan sai lầm đầu tiên, khi mà dịch đang hoành hành.

Người ốm chăm chó ốm. Vì người đang mệt sẵn nên tối đến thấy gây gây người cũng không nghĩ gì cả, có uống ít giảm sốt thấy đỡ, nhưng cảm thấy tinh thần có dấu hiệu bất ổn. Hôm sau phường vào nhà xịt phun thuốc phải đi ra ngoài, lúc này người đang thấy mệt lắm, rồi bất chợt nghĩ bỏ mẹ hay mình sốt xuất huyết? Thế là dù rất lười rất mệt nhưng đằng nào cũng bị đuổi ra khỏi nhà đi thôi đi khám thử.

Vào phòng khám thấy sốt xuất huyết la liệt như zombie, có người ngồi còn 0 vững nhân viên y tế còn phải ra hỏi anh/chị có cần nằm không. Lúc này mình vẫn còn ngồi được và chỉ hơi gây gây người. Tiếng sau kết quả thử máu dội về, thế là Dương tính. Lúc này vẫn còn tỉnh lắm, bình tĩnh đặt xe đi về, còn tranh thủ mua mấy lạng sấu chín bán ven đường. Nhìn đám người la liệt vì sốt xuất huyết mình còn nghĩ: “nhìn sợ ghê”, nhưng chắc mình ngon về nằm nghỉ tí là xong.

Thế rồi về đến nhà thấy trời xanh xanh, đất xanh xanh chim mong manh gió hát đầu cành. Bác sĩ cho đúng thuốc giảm sốt và điện giải, uống lia uống lịa. Tối vẫn bò dậy ăn cơm và rửa bát được. Xong từ 9h trở đi Xuất huyết thần chưởng nó mới cho biết bố mày là ai. Cơn sốt đến nhanh như sóng thần, người đau từ đầu xuống chân, mồ hôi toát không ngừng nhưng mà rét run, quần áo chăn màn đắp lên hàng lớp, thở gần như không được. Tới 1h đêm thấy khủng khiếp quá đem nhiệt độ ra cặp thấy đã lên tới 41 độ C, mấy chục năm cuộc đời mới thấy nó sốt cao vậy. Nằm xông hơi trong từng đấy lớp chăn và quần áo đến nỗi chăn vắt ra được cả nước. Và đây là chủ quan tiếp theo, đáng nhẽ lúc này là phải vào viện vì sốt quá cao nhưng cố gắng tự chữa vượt qua đêm đó bằng cách uống thuốc giảm sốt và liên tục mấy chai điện giải.

Nhưng điều đáng sợ đầu tiên từ sự thiếu hiểu biết về bệnh này đó là trong 3 ngày đầu của sốt xuất huyết mình có uống thuốc giảm đau chứa hoạt chất Ibuprofen. Mình uống thuốc này vì do đau đầu và đau bụng trươc đó, đặc biệt do đau bụng kinh thì phải uống loại này để giảm đau. Trong khi nếu bị sốt xuất huyết mà uống thuốc này thì cực kỳ nguy hiểm, là loại tối kỵ, và phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong do uống nhầm phải các loại giảm đau này, trong đó có Asprin (nên người ta mới nói 0 được tự chữa). Khi bị sốt xuất huyết, tiểu cầu hạ thấp sẽ khiến rất dễ bị tràn máu khắp người, máu không thể đông do không có tiểu cầu. Thế nên nếu uống Aspirin, Ibuprofen hay các thuốc giảm đau kháng viêm không Steroids, là các hoạt chất chống đông máu, sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu khắp người. Lúc này vốn dĩ mình uống để giảm đau như bình thường và không nghĩ gì cả, nhưng cảm thấy trong người có nhiều thứ rất bất thường, google thì đập ngay vào mắt đúng loại thuốc tối kỵ 0 được uống số 1 nên sợ hãi quá phải cắt ngay thuốc. Có lẽ uống thêm 1,2 viên nữa thì đi bán chuối. Cái này giờ kể lại thì rất là nhẹ nhàng nhưng nó ở mức siêu nguy hiểm và phải nói là phanh kịp chứ 0 dám nghĩ xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu mấy hôm sau vẫn uống.

Tới ngày thứ 4 thấy người có đỡ hơn nhưng vì trót uống mấy viên giảm đau nguy hiểm nên phải đi kiểm tra xem có gì bất thường trong người hay không. (Xin nói là 3 ngày bị sốt không có gì miêu tả nổi, đau đầu, đau người, phải dùng từ “nhừ tử”, “ra bã” luôn đó). Tiểu cầu có dấu hiệu hạ khá thấp, từ ngày thứ 4 thực ra là rơi vào ngày nguy hiểm. Hôm đó người rất mệt và khám xong chỉ muốn về. Bác sĩ đề nghị thôi nhập viện luôn đi để theo dõi, tiểu cầu đang có dấu hiệu nguy hiểm, lại cộng thêm việc uống phải Ibuprofen khả năng xuất huyết rất cao…. Thế nào định ra ngoài để đi viện thì đúng ngày ngài Bi đen tới chơi làm náo loạn cả thành phố, xe bị chặn mọi ngả đường. Giờ có muốn đi viện cũng khó. Thế là mình bảo thế thôi sáng mai có gì mình quay lại rồi tính sau. Lúc đó đã rất mệt, lại rơi vào ngày nguy hiểm cần phải đi lại ít và nghỉ ngơi, thế mà quả vi hành của ngài Đen làm mình ngồi chờ 3 tiếng đồng hồ vạ vật không được về nhà. Mình mệt tới mức phải nằm vật ra mấy cái ghế chờ ở phòng khám. Bác Đen đi rồi mà vẫn phải chờ thêm 1 tiếng nữa cho phố bớt tắc và mới bắt được xe để về. Hôm đấy nếu không vì phố xá chặn thì có lẽ mình cũng chịu nhập viện, thì không đến nỗi phải đi cấp cứu vào sau đó.

Có lẽ quả vạ vật đó làm mình bị kiệt sức nên tối đó về lên cơn sốt cao trở lại rất bất bình thường. Người rất mệt, đáng nhẽ vào lúc này là phải có dấu hiệu đỡ rồi thì lại sốt lại 40 độ. Sang ngày hôm sau tới chiều mình mới cố lết tới phòng khám kiểm tra máu xem làm sao lại bê bết thế, tuy nhiên vẫn ngồi được và vẫn trong tình trạng tỉnh táo.

Lúc có kết quả nhân viên y tá không như mọi lần gọi tên mình mà ra tận nơi thốc lên dìu, mình đã thấy hơi kỳ kỳ. Mình bảo không sao chị đi được mà, kết quả chắc tốt hơn hả vì chị có thấy đỡ hơn? Nhưng vào đến phòng khám thấy bác sĩ nhìn mình với ánh mắt rất căng thẳng làm mình chột dạ quá. Bác bảo tiểu cầu sao lại hạ đột ngột thế này, mới 24h trước còn được trăm mà sao giờ còn có 20. Rồi bác bảo: “Đi cấp cứu rồi”. Nghe từ đi cấp cứu mình ớn quá, mình bảo em vẫn ngồi vẫn đứng được mà, giờ chỉ cần nhập viện thôi đúng không? Thế có gì để em… bắt xe ôm về cái viện gần nhà vào khám xem có gì thì nhập, làm gì căng. Bác sĩ bảo: “Ối giời ơi không được, tự đi giờ là chết”. Ủa thế quái nào bác sĩ nói mình xong mình cũng bắt đầu thấy hoa mày chóng mặt đứng 0 vững thật, không biết phải tự kỷ ám thị hay nó… không ổn thật. Rồi bạn y tá kéo cái xe đẩy tới nói chị ngồi lên ngay cho em. Mình thấy hoa mày thật và bắt đầu thì muốn lịm đi tí (khả năng là vì nghe loáng thoáng thấy bảo xe cấp cứu hết 8 lít rưỡi).

Và the next thing I know là họ bê mình lên xe cứu thương tò te tí te đi sang bệnh viện. Chắc từ hồi 5 tuổi tới giờ mình mới nằm trong xe cấp cứu như vậy. Mình xin nhập vào bệnh viện công và gần nhà để bố mẹ dễ qua lại chăm sóc. Mình đi không kịp trở tay, không kịp cầm theo quần áo dự phòng, skincare, máy nghe nhạc. Vào tới phòng cấp cứu bị ấn xuống nằm ngay và luôn 0 được ngo nghoe miếng nào, mình thì vẫn khá tỉnh vì tiếc 850k tiền xe cứu thương. Mình tính ra đi xe ôm chỉ hết có 30k thôi.

Cậu bác sĩ ở phòng cấp cứu với một nhúm tóc, khuôn mặt tròn, dáng người mũm mĩm, đôi kính trễ trễ đi vào cúi người nhìn mình soi từ đầu tới chân. Mới mấy hôm trước xem series medical ngôn tình bác sĩ cao to hấp dẫn quá trời giờ sao bác sĩ lại ít tóc và tròn xoe thế này, không giống phim cái gì hết.

“Chị đang cảm thấy thế nào ạ?” Bác sĩ hỏi.
“Chị đang bị tiếc tiền quá em ạ. Sao cái xe cấp cứu mà hết 850k được?”. Mình thật thà.
“Ối giời ơi”, bác sĩ thốt lên!
“Chắc chị sẽ khỏi nhanh thôi. 0 có đơn thuốc nào khỏi nhanh như cái hóa đơn viện phí”. Cặp kính và mái tóc của bác sĩ nhấp nháy.

Rồi mình lại bị chọc ven lấy máu tiếp. Lúc này hai tay là sắp hết chỗ lấy ven rồi. Hỏi bác sĩ khi bác sĩ nói rằng ngày nào cũng sẽ phải lấy máu và có khả năng còn phải truyền máu đấy: “Hai tay sắp hết chỗ lấy ven rồi”, Mình thở dài.

“Ồ, chị yên tâm. Tay còn đày chỗ. Nghiện nó còn chích được mỗi ngày nữa mà chị. Hết tay thì còn đến chân, hết chân đến đầu, hết đầu đến…”

“OK được rồi” Mình chặn lại ngay. Tới lúc này thì chính thức lú và nằm bò ra cái giường.

Bố mẹ đã vào được tới phòng cấp cứu và mang theo cả cái phòng và cái tủ lạnh, mặt mũi hai cụ tím ngắt. Mới tiếng trước còn nghe con nói con đi tái khám tiếng sau đã nghe thấy con báo: “Con đi cấp cứu rồi”. Mình được đẩy vào phòng Cách ly của khoa cấp cứu và xác định nằm đó “cho đến khi nào tiểu cầu lên thì thôi”.

Cùng phòng của có một cặp vợ chồng già mà bác gái cũng sốt xuất huyết. Bác í tình trạng tệ hơn mình nhiều, đi gần như không nổi, người chằng chịt dây, rền hừ hừ, đầu tóc rũ rượi, nôn liên tục. Bác trai phải đỡ từng chút một. Nhìn cảnh đó phải nói là kinh hãi, ít ra mình vẫn tự ngồi được. Tự đi nhà vệ sinh, tự bò dậy ăn uống dọn dẹp. Ấy thế mà hồi sau bác sĩ “bật mí” với mình: “Nhìn bác í nặng thế thôi nhưng chỉ số của họ còn tốt hơn em, em đang bị nặng hơn đó”.

Rồi mấy ngày bị truyền đủ thứ loằng ngoằng. Tiểu cầu thấp nên là động ven vào đến đâu là vỡ ven đến đấy tím lịm cả hai cái tay. Nằm ngay khoa cấp cứu và sát với phòng cấp cứu nên suốt mấy ngày đó nhận ra cái Khoa cấp cứu ở đây vào giai đoạn này nên tạm đổi tên thành: “Khoa cấp cứu sốt xuất huyết” bởi vì ngày cũng như đêm các bệnh nhân vào đây cấp cứu phải đến 90% là do sốt xuất huyết. Chỉ 1 số ít là tai nạn, đánh nhau, say rượu, vợ bóp cổ chồng chồng đá đít vợ.

Ở sát phòng cấp cứu nên ồn ào ngày đêm gần như không thể nào ngủ được. Và cứ mỗi ngày là hết một cuộn giấy vệ sinh mặc dù không hề muốn lãng phí như thế. Lý do là vì mỗi lần vào cái nhà vệ sinh thì phải mất 15 phút để lau, xịt, kỳ cọ vì đéo hiểu đâu ra cái ý thức sử dụng nhà vệ sinh công cộng chung mà còn in nguyên đôi dép trên bệ xí. Mấy lần bác sĩ còn chạy ra bảo thôi có gì cầm cái bô vào phòng mà xử chứ tới đây còn làm nhân viên lao công nhà vệ sinh thế rồi ngất ra đấy bác sĩ phá cửa vào cứu 0 kịp.

Nằm viện nên đôi lúc không có khái niệm ngày đêm hay mưa gió. Thỉnh thoảng nửa đêm thấy khoa Cấp cứu ngày cũng như đêm nên lẻn ra khỏi phòng đi ra ngoài đi lại tí cho nó đỡ căng thẳng tinh thần. Người ta bảo bệnh viện buổi đêm nhiều ma lắm mình cũng mò mò đi xem có thấy cái bóng nào không. Y như rằng đang lang thang là nhát lại có cái bóng trắng xuất hiện, chỉ khác là các bóng trắng này nói tiếng người rất rõ ràng: “Ơ không được đâu vào giường nằm nghỉ đi”. Mình đổi hướng đi hướng khác thì sẽ có bóng trằng khác hiện ra, một bóng trắng ít tóc và đeo kính tròn xoe: “0 được đâu chị, chị định đi đâu, chị về phòng ngay”.

Mình có cái điện thoại Vin phone siêu phế dùng được mỗi việc duy nhất là để nghe nhạc. Mà không biết vì sao tới giờ mỗi cái việc đó nó cũng 0 ra thể thống cống rãnh gì. Nằm truyền dịch rất buồn chán là phải nghe nhạc, nhưng chỉ 1 tích tắc vẹo người thôi là nó bị nhảy bài hay khởi động lại từ đầu, hoặc tiếng to max lòi hết cái lỗ tai. Mỗi lần nó im im yên yên để nghe nhạc thì 0 cả dám thở to vì chỉ nhích người nhẹ như cơn gió thoảng là nó lên cơn chập cheng. Nằm truyền một đống dây dợ như vậy mà còn không sợ di chuyển bằng mỗi lần cắm tai nghe lên nghe nhạc. Nhạc lên là phải làm tượng, mỏi mấy cũng 0 được trở người, sợ động vào cái điện thoại ấy hơn cả động vào cái dây truyền. Cái phone ấy nó còn đáng sợ tới mức. Có lúc tắt cỡ nào nó cũng vẫn rú nhạc lên max hết cỡ. Thậm chí power off nó rồi vứt nó một góc cuối giường, vừa trùm chăn vừa he hé giữa đêm khuya nhìn nó xem nó có tự play nhạc không, tim đập thình thịch. Đang ngủ chập chờn quý giá được vài giây nó có thể rú nhạc lên bất cứ lúc nào, ma nó cũng có lề lối quy củ hơn cái điện thoại đó.

Tiểu cầu mình nó lại đi ngang, bác sĩ bảo chưa lên chưa cho về. Ngày nào cũng xin về và hứa sẽ 0 uống thuốc bậy và không chủ quan nữa. Thực sự mình ở thêm viện ngày nào tinh thần và thể chất sẽ thêm đi xuống vì thiếu ngủ và… thiếu cái chơi. Tối trước đi ngủ mình luôn cầu nguyện. Mình thương bố mẹ ngày nào cũng phải đi qua chăm sóc, có hôm mưa to gió lớn ướt như chuột lột.

Gần tuần thì tiểu cầu cũng bắt đầu lên. Mình túm áo giật mũ bác sĩ nằng nặc đòi về. Bị tụt áo tụt mũ và cảm thấy “cũng vẻ ổn”, nên bác đành thở dài cho về.

Mình dính nguyên một combo là cảm cúm thời tiết + sốt xuất huyết + uống thuốc cực kỳ nguy hiểm + không được nghỉ ngơi đúng lúc + tới tháng. Người ta chỉ xuất huyết không người ta còn bê bết mà mình chơi hẳn combo. Không chỉ bị quật cho thể chất tơi tả mà tới giờ tinh thần vẫn đang rất kém, cảm giác như bị trầm cảm và vẫn chưa thể ăn uống được bình thường. Nghĩ tới ăn là còn buồn nôn. Nhưng vẫn còn may mắn vì kịp thời dừng thuốc Ibuprofen và kịp thời đi khám và đi cấp cứu kịp. Rất nhiều người bị sốt xuất huyết còn không biết từ ngày 4 tới ngày 7 là ngày nguy hiểm nhất (lúc này lại thấy khỏe ra mới nguy hiểm). Tiểu cầu hạ thấp không kịp nghỉ ngơi nó xuất huyết một phát là cả người tràn máu trở tay không kịp. Và đương nhiên, xuất huyết mà uống Aspirin hay Ibuprofen như mình là tắc tử.

Tới giờ mình vẫn còn phải mất khá nhiều thời gian mới có có thể hồi phục và trở lại bình thường cả tinh thần lẫn thể chất. Thuốc giờ uống mỗi ngày theo ký chứ còn 0 theo viên. Viết ra thì nó nhẹ nhàng vui vẻ vậy thôi chứ hành trình trải qua nó thật là khủng khiếp. Có rất nhiều bài học đã được rút ra, mà toàn là bài học lớn liên quan đến sức khỏe và tính mạng của bản thân chứ không phải là trò đùa. Mình suýt chết mà mình còn 0 biết đó!

Nghĩ lại cũng thấy mình ngoan ghê, bị nặng cỡ vậy mà chỉ nằm im như cún, không rên không than 1 câu, ngoan quá nên rơi vào nguy hiểm như thế mà còn 0 biết. Ngoan quá nhiều khi cũng 0 tốt lắm đâu nhé!

Đừng chủ quan nhé!

P/S: Trúng chiêu xuất huyết thần chưởng nên nội công tan tác hết cả. Tinh thần khá kém nhưng mấy hôm nằm bẹp xem bộ Young Sheldon cười được và thấy cuộc sống vẫn có sự đáng yêu của nó, công lực cũng hồi được dăm ba phần nên lết viết được cái bài dài ngoằng này đó 😅

À, bổ sung thêm1 điều quan trọng. Có ốm đau bệnh tật mới thấy mình… may mắn vì hệ thống y tế và tinh thần chữa trị của bác sĩ ở Việt Nam mình ít là với mình quá tốt. Nếu đã từng trải nghiệm với chăm sóc y tế từng có bên Mỹ thì thấy làm người Việt Nam quả thật may mắn chán!

 

Ảnh: Ha Kin – NHẬT KÝ XUẤT HUYẾT THẦN CHƯỞNG Oai hùng đi qua vài năm… | Facebook

#569: Ông Tuyên và con bọ ngựa trong đám cưới Hạnh Duyên

Father’s day. Mình kể cho các bạn nghe một câu chuyện nhỏ xinh này nhé. Nhớ xem video nhé ;;)

Hôm đó là đám cưới của Hạnh Duyên, cô cháu ngoại duy nhất của ông Tuyên và bà Thọ.

Đám cưới rất nhỏ xinh, chắc cỡ tầm gần 30 người, nhẹ nhàng nhỏ bé trong một không gian xanh mướt của cây lá và tiếng ve. Lần cuối gặp cô dâu lúc đó còn bé tí tẹo, trắng và xinh như con búp bê, giờ đã là một cô gái trưởng thành xinh đẹp đang làm đám cưới một anh chồng tận trời Ấn.

Ông ngoại Tuyên năm nay đã gần 90 tuổi, từ hồi đến nhà ông ở khu tập thể cũ tới giờ ông cũng không nhớ Hà Kin là ai nữa cả. Tuy nhiên đó là vì đã quá lâu chứ quả thật hiếm khi nào thấy có một người vẫn khỏe khoắn, minh mẫn cả trí tuệ lẫn vóc dáng như ông. Mà tư duy, suy nghĩ của ông vẫn sắc lẹm nguyên, lại rất chi là hiện đại nữa. Ông là một nhà nghiên cứu khoa học mà lại!!!

Ông cứ hỏi cháu giờ làm gì. Mình bảo giờ cháu đi làm phim tài liệu đấy. Mà khi trả lời ông xong là mình đã hấp háy thấy ông quả là một nhân vật thú vị của tài liệu đó, và y như rằng chỉ một hồi sau ông thành nhân vật trong một câu chuyện quá đáng yêu và xúc động xảy ra trong đám cưới của Hạnh Duyên rồi.

Bỗng nhiên từ đâu một con bọ ngựa bò đến chơi với ông và cứ quấn lấy ông. Con bọ ngựa trèo lên áo, ngó nghiêng thăm thú đám cưới. Thế là từ lúc đấy, ông và con bọn ngựa không rời nhau nửa bước. Ông rất dịu dàng đặt nó lên tay, lên áo, cho cả trèo lên đầu. Kể cả khi đi ra ăn hay uống nước bọ ngựa cũng đi theo ông, ông còn sợ nó khát nước, rồi lo lắng không biết nó muốn ăn gì. Hôm đó mình đi chơi và chỉ cầm theo cái máy Leica với một cái ống máy phim mà là ống fix. Mặc dù máy có mode quay phim nhưng cái mày này đến chụp ảnh còn phải cỡ nghệ nhân lấy nét mới được tấm hình chứ chưa nói là quay được. Ống phim cổ thì lấy nét càng khó và càng về tối thì càng nhòe. Điện thoại cùi của mình thì không còn chút dung lượng nào. Nhưng quả thật, vừa ngay khi thấy hình ảnh ông cụ lụi cụi nâng niu con bọ ngựa trên tay và họ không rời nhau nửa bước, mình đã ngay lập tức thấy có một câu chuyện cần được kể. Thế là thôi kệ là Leica lấy nét quá khó và rất rung, mình cứ chằm chằm đi theo ông bấm quay. Mà vì lấy nét khó và lâu quá một hồi ông để ý và bỗng tỏ ra sốt ruột: “Ô kìa, cô nghỉ ngơi đi, ngồi xuống ăn đi, ngồi xuống uống nước đi”. Thì bởi vì bỗng đâu có một cái cô này cứ lén lén cầm cái máy lên mắt cứ hấp háy xoay xoay cái ống kính căng thẳng mãi như thế làm ông thấy… xót xót. Cơ mà mình bảo ông: “Ơ ông ơi, nhưng mà cháu phải quay cho nó.. đủ dữ liệu để làm phim về ông”. Ông nghe xong sợ quá cơ, ông cũng chẳng hiểu mình đang làm cái gì :)).

À, thì câu chuyện này rất nhỏ xinh thôi và lúc đấy ai cũng bận rộn với cô dâu chú rể cả. Trừ mình và ông cứ quấn quanh con bọ ngựa. Còn bạn sẽ hỏi vì sao mình lại thấy một câu chuyện về ông cụ và con bọ ngựa, thì bạn xem cái “phim tài liệu” ấy sẽ hiểu liền.

Vì mình nhạy cảm với những cảm xúc xung quanh. Mình bắt đầu cầm cái máy lên quay ngay khi mình chỉ nhìn thấy một hành động, một câu nói mà mình biết rằng, đó sẽ là một câu chuyện để kể.

Bà Thọ đã mất hơn 10 năm nay. Mỗi ngày ông vẫn ngồi viết sách, đọc nghiên cứu và trò chuyện trước bàn thờ với bà trong căn phòng tập thể cũ, bên cây đàn piano mà cô con gái duy nhất của ông bà: biên tập viên Thu Uyên đã học chơi từ thủa nhỏ.

Hôm nay cô cháu ngoại duy nhất của ông cũng làm đám cưới. Trước khi tới dự đám cưới, ông đã gửi lời mời dự đám cưới tới bà Thọ, tới bố ông, tới những người thân yêu đã mất của ông. Vì ông rất nhớ bà nên ông ước mong vào cái ngày trọng đại này, bà sẽ ở đó cùng ông để dự đám cưới của cháu.

Và khi con bọ ngựa bất ngờ tới với ông và quanh quẩn với ông, chứng kiến toàn bộ lễ cưới cùng ông cho tới tận lúc về. Tất cả những ai lúc đó đều cảm nhận được một sự cảm mến quấn quít vô hình giữa ông và con bọ ngựa, và nó rất kỳ lạ, nó không hề là một câu chuyện mê tín hay tâm linh. Một cảm giác rất thật và đầy niềm tin rằng, đó có thể là bà Thọ, đã về dự đám cưới của cháu vào ngày hôm nay. Và ông không hề cô đơn chút nào. Chính vì thế, hôm đấy ông đã rất vui và có có được một cảm giác trọn vẹn.

Ông là một nhà nghiên cứu khoa học, ông bảo không mấy khi ông tin vào những chuyện duy tâm. Nhưng không biết sao, hôm nay ông tin, ông cảm nhận được sự xuất hiện của bà, và ông đã rất vui.

Thực ra với mình, câu chuyện tưởng nhỏ xinh vậy nhưng nó không hề dễ kể, thậm chí rất là khó. Đó là những cảm xúc rất trừu tượng, là những điều rất khó diễn tả nếu chỉ bằng hình ảnh. Ở đây cũng chẳng có ai là diễn viên, cũng chẳng bắt ai nói được ra những điều đang nghĩ, cũng sẽ chẳng có thuyết minh hay lời bình nào hết. Nhưng mình lại cho rằng nó là một thử thách để mình rèn luyện cách kể chuyện bằng hình ảnh, và hơn cả, nó là một câu chuyện quá đáng yêu và rất xúc động mà với một người mê kê chuyện bằng hình ảnh như mình không thể nào bỏ qua. Và thế là, ông cứ ngồi bên con bọ ngựa, còn mình thì ngồi ngắm họ.

À mà, người ta hay kể về sự hiện diện của người đã khuất trong một sự kiện quan trọng của gia đình qua một loài vật nào đó ghé thăm, thường rất hay là một con chim, hay một con bướm… hiếm khi là một con bọ ngựa. Con bọ ngựa nếu xét trong thiên nhiên tàn khốc thì nó còn là… biểu tượng ăn thịt bạn tình. Nhưng chúng ta chẳng cần một biểu tượng gì ở trong câu chuyện này cả. Ta chỉ nghĩ rằng, chỉ cần được hiện diện trong bất cứ hình hài gì để được trở lại gặp người yêu thương trong một dịp quan trọng, đó đã là sức mạnh mãnh liệt của tình yêu. Và nếu đó là một con chim, hay một con bướm nó sẽ bay đi rất nhanh, hay dù nó có là một con vật nào khác cũng không thể nào dũng cảm và kiên trì ở lại với con người suốt cả một buổi dài như con bọ ngựa thế này.

Còn nếu nói về biểu tượng, hình ảnh con bọ ngựa hay chắp tay lạy trong văn hóa Hy Lạp và Ai Cập cổ đại biểu trưng cho sự chỉ đường dẫn lối cho những ai đang cần phương hướng, dù là trong sự sống hay cái chết. Trong Phật giáo, con bọ ngựa tượng trưng cho tính nhẫn nại và bền bỉ. Còn trong văn hóa Châu Phi, bọ ngựa là sự hiện diện của tổ tiên hoặc biểu tượng của sự may mắn.

Hôm nay là ngày của Bố. Gửi tặng các bạn một câu chuyện nhỏ xinh ngọt ngào về một người Bố, một người Ông, một người Chồng tình cảm nhé!

Hãy bỏ qua phần hình ảnh hơi rung lắc và out of focus nhé vì cái máy của mình đến focus puller chuyên nghiệp cũng khó mà có thể làm tốt hơn :)). Xin cảm ơn một số video xin thêm được từ điện thoại của chị Dinh Anh TuyetDương Huy. Huy còn tới tận nhà ông để quay giúp thêm cho mình căn phỏng nhỏ của ông, nhờ vậy mà một câu chuyện đã được trọn vẹn hơn như thế!

Cảm ơn anh Phong Xuân Dư đã đàn piano làm “nhạc phim” cho câu chuyện đáng yêu này nhé! Anh em mình tương lai phát huy nhé, còn nhiều phim cho anh làm lắm đây :)).

Cảm ơn chị Thu Uyên đã mời em tới dự đám cưới và đây là quà em xin gửi tặng lại gia đình nhé hihi.

Ông Tuyen là vui nhất đấy, ông nhờ? Nếu các bạn có để ý, sẽ thấy rằng, ở đám cưới Hạnh Duyên, ông vẫn mặc nguyên cái áo trắng và vẫn cái calavat mà ông đã mặc hôm đám cưới của mẹ Hạnh Duyên hơn 30 năm trước.

Khi nào kể lại tiếp bằng tiếng Anh nhé!

From Hà Kin with love

 

 

#568: Một bài hát cho Father’s Day: “Monsters” by James Blunt

Một bài hát cho Father’s Day: “Monsters” by James Blunt
Trừ những ngôn ngữ không thể nào hiểu được tuy nhiên giai điệu nghe vẫn bắt tai thì mình nghe chơi ra, còn lại đa phần nhạc mình nghe hay còn phải ở phần lời, và thường mình appreciate những phần lời ý nghĩa và sâu sắc. Những câu từ mà mang đến sự trí tuệ và trải nghiệm của người sáng tác, thấm vào tận trong tim cho dù đó là những từ ngữ đơn giản không hoa mĩ.
Ngày của Bố năm nay mình chọn bài Monsters của James Blunt. Nếu dành một khoảng thời gian tĩnh lặng một chút ngồi lắng nghe và ngấm từng lời từng chữ của bài hát, đôi lúc phải wow lên vì nếu đó không phải là một người sâu sắc và nhạy cảm, yêu thương cuộc đời và con người thì làm sao viết ra được những ca từ thấm và nhiều tình cảm tới như thế. Tình yêu thương của những người con tới bố mẹ mình và ngược lại là một thứ tình cảm đến tự nhiên như bản năng chẳng bao giờ phải cần những điều hoa mĩ để diễn tả. Mối quan hệ có thể đôi lúc rất phức tạp, rất nhiều yêu thương mà cũng rất nhiều giận hờn, nhưng khi đến cuối cuộc đời những điều giận hờn và những lỗi lầm ấy sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Bố mẹ sẽ tha thứ cho chúng ta và chúng ta sẽ tha thứ cho bố mẹ.
Cả bài hát là về sự hối tiếc, sự tha thứ và sự biết ơn. Khi còn bé bỏng, bố hay ghé qua phòng, lắng nghe câu chuyện của con hay đọc cho con một câu truyện trước khi đi ngủ. Rồi bố tắt đèn, nhẹ nhàng đóng cửa lại kèm lời chúc ngủ ngon. Bài hát đã mở đầu bởi câu chuyện như thế, chỉ khác là, người ngủ trong phòng là bố và người đóng cửa phòng là con. Một ngày nào đó bố đã già, con đã là một người đàn ông trưởng thành. Bố là người nằm trên giường và con là người lắng nghe câu chuyện của bố, con là người tắt đèn, sẽ phải tới những giây phút họ phải nói lời tạm biệt với nhau như một lẽ tự nhiên của cuộc đời.
Bố và con đã bên nhau bao nhiêu năm của cuộc đời, đã trải qua bao hờn giận và yêu thương. Con của bố có gì mà bố không hiểu, kể cả những điều sâu thẳm xấu xí nhất, và con cũng vậy, hiểu thấu lòng bố, hai người đều hiểu được nhau dù là yêu thương hay những lỗi lầm. ”I know your mistakes and you know mine”, chúng ta cũng chỉ là những con người bình thường thôi mà. Và ngay cả khi con người ta đã gần đất xa trời người ta cũng không bao giờ hết được những nỗi lo lắng, kể cả khi con cái họ đã là những người đã trưởng thành. Nhưng vào giây phút này, không có điều gì là quan trọng hơn việc được ở bên nhau và yêu thương nhau cho tới tận khi cuối cùng. “No need to forgive, no need to forget”. (Bố ơi), “không cần phải tha thứ, cũng chẳng cần phải quên đi”. Hãy cứ để thế đi, không phải nghĩ nhiều như cả cuộc đời cố con mình đã phải suy nghĩ. Giờ bố cứ yên tâm đi ngủ đi, hãy yên tâm nhắm mắt. Vì trong lúc bố ngủ, con sẽ làm bố tự hào. Không phải ai cũng hiểu câu: “Don’t be afraid, it’s my turn to chase the monsters away”. Câu đó dịch là: “Bố đừng sợ, bây giờ đã tới lượt con để đuổi lũ quái vật đi rồi”. Khi còn nhỏ, đôi lúc ta hay bị dọa là ngoài kia có ông Ba Bị đó, ngoài kia có những kẻ xấu xa đó, có lũ quái vật đó. Nhưng yên tâm, đã có bố ở đây, bố sẽ là người bảo vệ con khỏi những kẻ xấu xa đó. Và bây giờ khi bố sắp ra đi, bố ơi đã tới lúc đuổi lũ ma quỷ ấy sẽ là việc của con.
Và chính vì thế câu hát đánh thẳng vào tim của người nghe và khiến cho bất cứ ai có tình yêu thương của bố mẹ và gia đình sẽ phải bật khóc, đó là:
“I’m not your son, you’re not my father
We’re just two grown men saying goodbye”
(Vào giây phút này)
Cha không phải là cha của con, con không phải là con của cha
Chúng ta chỉ là hai người đàn ông trưởng thành đang nói lời chia xa
Là 2 người đàn ông trưởng thành đang sắp phải nói lời chia xa. Con đã trưởng thành rồi và giờ cha cũng đã mệt mỏi, hãy yên tâm nghỉ ngơi, hãy để con thay cha làm người bảo vệ đuổi lũ “monsters” đi nhé!
Khi cậu bé Iam Tongi, quán quân của American Idol năm nay hát cover lại tới câu này thì ban giám khảo đã rơi nước mắt. Trong hoàn cảnh này, bất cứ ai, dù là con gái hay con trai, dù bố còn hay đã mất, cũng sẽ nghĩ về người bố của mình. Đó chính là thành công cao nhất của sự sáng tác từ một người nghệ sĩ, khi chạm đến phần sâu nhất của cảm xúc của khán thính giả. Đó là một thứ tài năng mà chắc chắn không thể là người nghệ sĩ nào cũng có thể làm được. Ở đây, sự thành công ấy ở cả người sáng tác, và ở người biểu diễn.
Những hình ảnh ý nhị mà buồn sâu sắc được kể ra nhẹ nhàng mà day dứt vô cùng. Như là câu hát: “I folded your clothes on the chair, I hope you sleep well, don’t be scared”. “Con gấp quần áo của bố và để trên ghế, con mong bố ngủ ngon không lo sợ nữa nhé”. Bộ quần áo được gấp trên ghế, nghĩa là nó sẽ không bao giờ được mặc nữa. Nỗi buồn nó tả một cách đơn sơ mà ngọt sắc như dao vậy đó.
Có thể đó là một bài hát hơi quá buồn để nghe vào ngày của Bố, nhất là khi bạn vẫn đang còn bố. Nhưng mà như một comment trong cái video của James Blunt có nói: “Bố tôi vẫn ổn, tôi cũng vẫn ổn. Nhưng mà sao khi nghe bài hát này tôi khóc nhiều tới thế”. Đó cũng là cảm xúc chung của rất nhiều ngoài kia kể cả khi họ vẫn còn bố. Nó sẽ làm bạn buồn để bạn yêu bố bạn nhiều hơn, trân quý hơn những giây phút còn được ở bên bố, để bạn biết tha thứ những lỗi lầm của bố, và của chính bạn.
James viết bài này khi bố anh lâm trọng bệnh, ông đã suy thận ở giai đoạn cuối. Trong video, anh vừa hát vừa khóc bên chính bố của mình. Ai cũng có thể chết chìm trong lời bài hát ngập tràn yêu thương và đôi mắt day dứt tuyệt đẹp đẫm nước của anh ấy. Thật may mắn, bố anh đã được hiến thận và sống khỏe mạnh tới giờ.
Bố mình cũng chỉ còn một quả thận, nên mình lo cho bố mỗi ngày. Bài hát làm mình nhiều cảm xúc vô cùng.
Bản của James Blunt thì bao day dứt, vừa hát vừa khóc. Bản cover lại của Iam Tongi thì sâu lắng dịu dàng mà bao nuối tiếc vì bố của bạn cũng mới mất. Iam thật xứng đoạt giải năm nay. Một giọng hát tuyệt vời nhiều tình cảm, rất chân phương, làm mình lấy lại được bao niềm tin với tài năng thực thụ trước một cái thời đại đầy thứ âm nhạc auto tune và nhạt nhẽo của bây giờ.
Happy belated Father’s day.

#567: Chuyện unfriend…

Chuyện unfriend í…

(Cảnh báo: Bài viết có dùng mấy từ bậy nhớ, đừng sợ nhớ)

Kinh nhỉ, có một nghìn lý do vì sao người ta unfriend nhau. Lý do tớ bị unfriend nhiều nhất là vì…ảnh, trong đó mấu chốt vấn đề là mình chụp hình cưới hay cá nhân mà trúng phải thằng/con người yêu cũ hay kẻ thù/người không ưa của các bạn í, thế là mình bị unfriend. Rồi thậm chí có bạn sau một đêm phê thuốc (thuốc gì không biết), hôm sau ngủ dậy tự nhiên coi hình mình chụp một cái cột thấy bực mình unfriend. Có bạn thấy Hà Kin tự hay khen Hà Kin đẹp cũng unfriend. Có bạn thấy mình hay văng đéo hay cứt (từ ưa thích) cũng cảm thấy phạm thuần phong mỹ tục cũng unfriend…nói chung nhiều lắm, đấy là những lý do mình biết còn không biết chắc là nhiều :D. (Mà phần lớn là chả quen các bạn, do từ thủa xưa accept từa lưa thôi)

Chỉ có điều là í…unfriend xong thì thôi đây lại cứ đi xin add lại và lý do unfriend rất gây choáng váng. Ví dụ có một chị bạn mình quen, chị cũng rất nice cho dù tính hơi moody, hay nôm na là đồng bóng. Hồi đó chị đau khổ quằn quại vì phát hiện ra bạn thân và chồng chị tòm tem với nhau, chị đăng ký chụp bộ hình thật sexy để giải sầu. Rồi hai chị em đi uống café, chị kể câu chuyện đau đớn của chị, cứ một câu chi tiết câu chuyện là chị sẽ thêm vào các loại động từ và danh từ mạnh như là Địt mẹ, thằng mặt lồn, con mặt buồi…Cũng thông cảm cho nỗi đau lòng của chị nhưng mà chị nói hăng hái quá, mà hôm đó chụp trời nắng tớ lại say nắng, tớ nghe được lụp bụp câu có câu không, chỉ có mấy câu chửi bậy là rõ ràng. Thế xong chị đang kể dở thì có điện thoại, chị lấy điện thoại ra nghe rồi chị quay lại tớ, chị hỏi: “Chị kể tới đâu rồi í em nhỉ?”

Tớ ngước cái mặt say nắng đỏ gay gắt và đôi tai lùng bùng lên thều thào: “Dạ chị dừng ở chỗ “Địt mẹ” ạ.

Ấy thế mà…về nhà chị unfriend tớ lúc nào không hay. Mà tớ cũng mãi không biết nguyên nhân. Chỉ khi một năm sau chị xin add lại kèm theo message: “Add lại chị nhé, lúc đó chị giận em quá, vì em cứ như đùa cợt chị. Nhưng nghĩ lại cũng thấy chị con nít thật, chả hiểu sao thế mà lại giận được nữa. Thôi cho qua nhé, chị cũng tìm được tình yêu mới rồi, chị cũng đã cho qua hết…”.

Nhưng mà Kin sợ chị quá nên không dám add lại, thấy kiểu con nít như chị là hơi bị kinh đấy, con nít kiểu vậy mà có thằng anh rể nào dám đấm là đm xác định ngày hôm sau thằng đấy chỉ có đi buôn chuối. Mà mới có một năm chưa chắc chị…kịp lớn nên thôi đợi chị lớn rồi add lại. Thật cũng có muốn nói với chị rằng đâu chị em có đùa cái đéo gì đâu, em đang say nắng và em nghe được đúng tới đó thì em thật thà em nói đúng như thế thôi mà…đấy thế nên đời rất không biết đằng nào mà lần í các bạn.
Nói chung các bạn muốn unfriend thì un đi, đừng như cái bạn kia unfriend xong đòi add lại xong đổ là tớ đi unfriend bạn í. Tớ á thề 0 rảnh đi unfriend ai, mở cái friendlist lên đã hoa mày chóng mặt rồi, chỉ đứa nào lòi ra trên newsfeed khen ăn thịt chó ngon, xây cáp treo và resorts là phát triển kinh tế hay nói lời vô cảm vô đạo đức thì tớ quét ngay, gì chứ đụng đúng chủ đề tớ cũng đồng bóng lắm đấy. Mà fb tớ (cá nhân) í giờ đã ở chế độ không add lại được nữa, chỉ có tớ đi add người khác thôi. Mà á, đã remove nhau rồi á, cứt í đây add lại nhớ!

Trước giờ, tớ chỉ buồn duy nhất khi bị unfriend là người yêu cũ lai Nhật đẹp trai của tớ. Ôi không có nỗi đau lòng nào từ ngày chơi mạng xã hội bằng việc một ngày nhận ra anh đã đéo làm bạn từ thủa nào. Ai unfriend cũng được nhưng sao lại là anh hả anh? Sau khi buồn vđ cả mấy năm trời, một ngày quyết định add lại anh, không nói lời nào. Bố cứ add đấy làm gì nhau? Thế quái nào anh cũng accept vội. Fb anh bây giờ ảnh avatar là ảnh anh và bạn gái. Tổ sư nhìn ghét đéo chịu được nhưng mà phải add lại bằng được để chống mắt #xemduocbaolau, nhưng mà có vẻ bọn nó hơi bị lâu rồi đấy, chắc chốt tới nơi =)).

Có những nỗi buồn như nỗi buồn dại trai nó mới đau lòng thôi í…còn unfriend á, không buồn lắm đâu :D. Quái gì phải nghĩ hở các bạn?