Posts by Ha Kin

#496: Sex Education

May be an image of 3 people, people standing and text that says 'SEX EDUCATION N'
Sex Education mỗi season ra đều cách season trước khá lâu nhưng dường như sự dừng lại ở mỗi season, tuy không làm cho người ta phải sốt ruột chờ đợi hay mong mỏi một câu trả lời nhưng luôn để lại cho khán giả một cảm giác lắng đọng nhẹ nhàng với một sự hy vọng về một câu chuyện sẽ tiếp diễn. Đó là một cảm giác rất dễ chịu khi xem xong một bộ phim. Và với mình thì đó là một trong những định nghĩa của một bộ phim “hay”.
Nhớ thời gian ban đầu khi thấy cái tiêu đề “Sex Education” cùng cái trailer trần trụi và các bạn tuổi teen mình đã tính bỏ qua vì nghĩ rằng nó chỉ là một phim teen hoặc một phim lấy sex để giật gân rẻ tiền. Nhưng rồi cũng không nhớ thế nào mà lại bập vào xem và rất nhanh mình đã thành fan chính hiệu của nó lúc nào mà không biết. Quả đúng Sex Education là một phim về sex, thậm chí theme chính còn chẳng phải là sex cho lứa tuổi của mình nhưng mình bị bất ngờ bởi cách nó dùng sex để miêu tả cảm xúc của con người dù bất cứ lứa tuổi gì, sex cũng là phương tiện và cái cớ để kể những câu chuyện cuộc sống rất đời và rất thâm thúy. Nó có thể cực kỳ hài hước nhưng ngay trong sự hài hước đấy người ta có thể ngay lập tức bật khóc. Nó có thể cực kỳ nhố nhăng nhưng ngay trong giữa sự nhố nhăng ấy là một cảm xúc rất thật, một câu chuyện rất thật mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được nỗi buồn của nhân vật vì họ có thể thấy mình trong đó. Những nhân vật chính là lửa tuổi teen, những khủng hoảng của lứa tuổi teen và sự thật rằng ở tuổi teen sự khủng hoảng lớn nhất chính là hành trình đang khám phá giới tính và tình dục của bản thân. Mình thích cách kể chuyện rất thẳng, thậm chí hơi thô, đi thẳng vào vấn đề không ngại ngần khi nói về sex của các nhân vật trong phim. Nó không gây cho mình cảm giác khó chịu hay ngại ngùng, nó làm mình một cảm giác thư giãn, dễ chịu và được nhìn về sex như một thứ cởi mở, cần được nói đến chứ không phải là một thứ nửa kín nửa hở. Sex vốn dĩ luôn cần phải được như vậy! Tuy rằng những câu chuyện xoay quanh khủng hoảng tình dục và giới tính của các cô cậu trung học nhưng nó lại dành cho mọi lứa tuổi bởi vì những thông điệp cuộc sống, những câu chuyện cuộc đời, những câu chuyện tâm sinh lý của các nhân vật bất kể lứa tuổi đều được thông qua đó để được truyền tải một cách rất thú vị và tinh tế. Và cũng đúng như tiêu đề của phim: “Sex Education” có rất nhiều thông tin giáo dục giới tính cực kỳ thú vị và thực tiễn được lồng ghép trong các mẩu chuyện hài hước, và again, nó cũng không giáo dục giới tính chỉ cho mỗi teens!
Nhân vật chính của câu chuyện là hai mẹ con của cậu bé Otis. Mẹ cậu là một therapist chuyên về tình dục còn Otis mới chỉ là một cậu bé học cấp 3. Bố mẹ đã ly dị nên Otis hoàn toàn ảnh hưởng từ sự giáo dục từ mẹ. Cứ tưởng tượng từ bé ở với một bà mẹ suốt ngày đi tư vấn về tình dục cho người khác và trong nhà ngập tràn cả những đồ chơi và mẫu vật về tình dục thì bạn chắc cũng hẳn ít nhiều… khác người là thế nào. Ấy vậy mà cho dù mẹ là một chuyên gia về tình dục, thì ngay chính con trai lại khó nói chuyện về sex và cho dù có quen thế nào thì cậu bé vẫn luôn xấu hổ về nghề nghiệp của mẹ. Một điều mà nhà làm phim đã rất tinh tế khi khắc họa nhân vật Otis đó là cách cậu bị ảnh hưởng tự nhiên từ mẹ, khi mặc dù bản thân cậu cũng không có nhiều kinh nghiệm về tình dục nhưng khi gặp bất cứ ai cũng có thể khuyên bảo và giải thích rành rẽ được về tình dục. Và không chỉ tình dục, cậu biết cách khuyên bảo và “heal” cảm xúc của người khác một cách rất tự nhiên, đến chính bản thân Otis cũng không biết mình có được những sự ảnh hưởng tích cực như vậy từ mẹ, người mà cậu cho rằng nghề nghiệp thật là đáng xấu hổ với bạn bè. Cậu đã từ bỏ và chạy trốn khỏi việc mình luôn muốn giúp đỡ người khác. Ở cuối season 3, Otis đã nhận ra mình thích được đi an ủi và khuyên bảo người khác, như là một lẽ thường tình, cậu không cần thiết phải chạy trốn khỏi nó. Và cậu thấy rằng mình thật có ích, mình cũng thích làm như vậy. Nhân vật đang lớn lên, một ngày Otis đã nhận ra những gì mình làm cũng như mẹ làm, đâu có gì đáng xấu hổ. Đó quả là những cách kể chuyện rất đời và rất tinh tế. Mình cũng thích cách xây dựng nhân vật khi mẹ thì là một người rất phóng khoáng, có thể qua đêm và hôm sau coi như không có gì với bất cứ người đàn ông nào, nhưng cậu con trai thì lại là một thằng bé rất tình cảm, galant và cực kỳ có trách nhiệm.
Qua mỗi season, các nhân vật lớn dần lên. Biên kịch rất khéo léo khi cho tâm sinh lý họ phát triển dần, họ cho nhân vật vấp ngã rồi đứng lên. Họ cho các nhân vật bắt đầu hiểu dần về bản thân mình. Những đứa trẻ con hiểu được về giới tính của mình, cách làm tình an toàn có hiểu biết. Còn những người lớn cũng vẫn phải loay hoay trong việc chịu thay đổi và tìm cách thay đổi. Một chuyên gia tình dục nhưng thực ra lại luôn cô đơn và thậm chí còn lỡ mang thai ở độ tuổi gần 50. Một người đàn ông cả đời khó tính khó cởi mở với vợ con nhưng thực ra trong lòng luôn muốn thay đổi và muốn được hiểu chính bản thân mình. Những con người luôn loay hoay để tiếp tục được lớn cho dù ở bất cứ độ tuổi nào.
Bộ phim không có bất cứ diễn viên nào dạng trai xinh gái đẹp phong cách idol, nhân vật thậm chí còn có chút xấu xí già nua. Nhưng mỗi nhân vật đều toát ra một sự duyên dáng charming kỳ lạ. Trước giờ mình luôn hâm mộ tài năng diễn xuất của người Anh. Thực ra mình nghĩ chắc nếu xét về độ đồng đều và tinh tế thì diễn viên Anh phải là nhất thế giới. Bản thân mình là một người học và làm phim mà khi xem những nhân vật trong Sex Education diễn xuất mình còn quên luôn rằng họ đang diễn. Mình thấy đó như chính là những con người hoàn toàn có thực ngoài đời, vì họ toát ra được cái hồn của nhân vật một cách hoàn hảo. Không một nét gồng, không một nét ngượng ngùng hay điệu đà. Họ diễn như hơi thở. Cần ngốc nghếch, cần ngớ ngẩn, cần tuyệt vọng, cần thông minh, cần buồn bã… họ chỉ cần ngước ánh mắt lên là đã thấy nhân vật đó hiện ra. Bản thân casting director cũng tinh tế khủng khiếp như là cast nhân vật ông bố Groff và cậu con trai Adam với khuôn mặt và thần thái giống nhau y hệt, đều kiểu ít nói và lầm lì, giống nhau đến y chang bố con ruột thực sự luôn!
Phần 1 mình đặc biệt mê diễn xuất của anh chàng da đen Ncuti Gatwa (vai Eric, anh chàng đồng tính, bạn thân của Otis). Mình không tin rằng có ai xem Sex Education mà lại không ấn tượng với diễn xuất đáng yêu và chân thật như thế. Vừa hài hước, vừa đáng thương, điệu đà nhưng lại rất nhiều tâm trạng. Emma Mackey trong vai Maeve, mặc dù khuôn mặt sần sùi già nua nhưng mà lại không thể nào hợp nhân vật hơn. Cô toát lên được sự thông minh đầy khí chất, ra được đúng phong cách của một cô bé con nhà nghèo trưởng thành sớm, lúc nào cũng bị thiệt thòi về tình cảm và tiền bạc, nhưng cực kỳ thông minh và chẳng để cho bất kỳ ai bắt nạt. Mình thích một chi tiết rất đời về nhân vật này, đó là tuy rất nghèo, rất thông minh nhưng lại có tính tự ái ngút trời, đúng kiểu tự ái của con nhà nghèo và rất dễ bị tổn thương cho dù đó là nhận được sự giúp đỡ từ bạn thân. Và cuối cùng sau 3 seasons thì mình kết lại là lại thích nhất diễn xuất của anh chàng nhân vật chính Asa Butterfield trong vai Otis. Hai phần đầu Otis vẫn còn tưng tửng và còn rất trẻ con. Nhưng sang đến phần 3, khi nhân vật trưởng thành hơn, mình có thể nhận ra được cả sự trưởng thành trong ánh mắt của nhân vật. Otis và mẹ lúc nào cũng luôn mâu thuẫn và khó nói chuyện với nhau. Khi vào những tập gần cuối của season 3, mẹ cậu phải cấp cứu và sinh non, không biết có qua được cơn nguy kịch hay không. Cậu ngồi chờ ở bệnh viện và còn băn khoăn là không có mẹ thì giờ phải ở với bố thì chết. Khán giả đang expect rằng cậu sẽ thể hiện sự xót thương với mẹ sẽ như thế nào? Mình vẫn nghĩ trong một phim châu Á thì nhân vật ngồi khóc nức nở hay òa lên giãy giụa để thể hiện rằng mình đang lo lắng đau đớn. Nhưng cậu vẫn còn ngồi đó khuyên giải cậu bạn thân Eric về nói chuyện với bạn trai, cũng chưa thấy nhỏ một giọt nước mắt. Nhưng khi cậu không thể nào mua nổi cái gói kẹo trong tủ tự động, cậu phát điên và thò tay vào đập phá cái tủ chỉ để lấy cái gói kẹo ra. Đó là lúc khán giản nhận ra nỗi buồn và hối hận thương mẹ cực lớn vốn dĩ đã luôn ở trong lòng chỉ cần chờ chực trào. Không có cảnh gào thóc, không có nhạc thê thảm, người ta chỉ thấy cái ôm của Eric với Otis và ánh mắt ngầu đỏ ầng ậc nước của Otis ngước lên nhìn ông bố dượng khi ông thông báo mẹ đã qua cơn nguy kịch. Nhìn vào ánh mắt đấy là thay cho một nghìn lời thoại và âm nhạc lê thê. Tình tiết tinh tế + diễn xuất đỉnh cao, đó là combo mà nhà làm phim nào cũng nên mơ ước.
Gillian Anderson là một diễn viên quá gạo cội, thật sự mình cũng không thể nghĩ ai đóng cái vai mẹ của Otis hợp hơn chị ấy nữa. Nếu ai xem Xfiles thì chẳng lạ gì với Gillian. Chị í có một cái giọng Anh rất sexy dễ chịu thực sự, còn diễn xuất thì mình khỏi phải bàn nữa vì nếu Gillian không diễn hay thì 0 biết ai gọi là diễn hay ở đời này nữa 😃. Nhân vật Dr. Jean tuy rằng luôn đưa ra nhiều lời khuyên cho người khác nhưng bản thân lại cũng gặp khủng hoảng trong cuộc sống cá nhân của chính mình. Đến cậu con trai tuổi teen cũng không thể nói chuyện thẳng thắn về tình dục. Có mấy đoạn thoại của Dr. Jean rất hay. Như khi đoạn cô bé Aimee nói rằng mình muốn được quay trở lại hồn nhiên và thoải mái như xưa (trước khi bị tấn công tình dục), thì Dr. Jean nói rằng: “Chúng ta sẽ không bao giờ quay lại được như xưa. Vì bản chất của con người là luôn luôn tiến hóa và thay đổi, chúng ta sẽ luôn phải thay đổi”. Mình rất thích câu nói này, vì đúng là rất nhiều trong chúng ta luôn mong được trở lại như xưa, có những điều thật bao hối tiếc. Nhưng chúng ta sẽ không bao giờ có thể trở lại được như xưa, học cách chấp nhận rằng rồi ai cũng phải thay đổi, ai cũng sẽ khác, đó là một điều sẽ làm cho bất kỳ ai cũng sẽ thấy dễ chịu hơn để move on.
Nếu bạn để ý, cho dù xuyên suốt bộ phim có những cảnh tình dục rất bạo liệt và cởi mở, những câu chuyện yêu đương chớp nhoáng. Nhưng mà mối tình đi từ đầu đến cuối của bộ phim giữa Otis và Maeve thì thậm chí rất chậm chạp, rất nhiều chông gai, và có lẽ chỉ có một nụ hôn khi lên đỉnh điểm sau cả 3 seaons. Rõ là nhân vật chỉ là tuổi teen, cũng không đẹp lộng lẫy, nhưng hành trình tình yêu của hai nhân vật sau bao vất vả mới có thể thổ lộ cho nhau đều khiến cho những khán giả như mình thấy cực kỳ ngôn tình và rung động. Cuối cùng điều đọng lại cuối cùng là tình yêu thực sự vẫn phải là một hành trình và tình dục hóa ra không phải là tất cả. Cả Otis và Maeve đều cặp kè và quan hệ với nhiều đối tượng khác nhưng cuối cùng sâu thẳm trong trái tim của họ đối phương mới chính là tình yêu, cho dù hai người thậm chí cả chưa bao giờ hôn nhau. Mẹ của Otis, một chuyên gia tình dục học xong đã nói với cậu con trai tuổi teen của mình rằng: “Thực ra mẹ cũng chẳng biết tình yêu là gì, chẳng ai định nghĩa được tình yêu là gì. Chỉ khi nào nó đến tự nhiên mình cảm nhận được thì mình sẽ biết thôi”. Tình yêu của Sex Education cuối cùng lại được miêu tả một cách tinh tế như vậy đó. Theme mấu chốt của phim đó là sự chân thành. Cho dù bạn đang suy nghĩ thế nào và có thể bạn sẽ làm đau lòng đối phương, nhưng bạn phải thật thà với tình cảm của mình và với họ!
Nếu nói và cảm nhận về mọi nhân vật trong phim thì chắc có mà chục trang. Mỗi người sẽ xem và có những cảm nhận của riêng mình. Phim nói không chỉ về sex, mà về giới tính, đồng tính, cuộc đời, cuộc sống. Sự đồng tính được miêu tả trong phim cũng rất lãng mạn và thú vị, cả bất ngờ nữa. Mình tin chắc các bạn LGBT cũng nhìn thấy bản thân của mình trong đó, hoặc những người vẫn còn đang băn khoăn với giới tính của mình cũng sẽ có được nhiều sự đồng cảm hoặc một câu trả lời!
Một phần mà mình cho là đỉnh cao của phim đó chính là NHẠC PHIM. Nhạc phim của Sex Education nó làm mình phát nghẹn vì sự… hợp lý và hài hước. Những bài hát được lắp vào những đoạn làm tình cũng làm người ta cảm thấy vỗ đùi cái đét vì vừa hài vừa hợp. Nhưng những lúc miêu tả tâm trạng nhân vật và cần deep thì nó deep và lắng đọng đến ứa nước mắt. Mình vẫn không thể quên đoạn kết thúc season 2 với ca khúc “On the radio” do Chip Taylor hát.
“Then you take that love you made
And you stick it into
Someone else’s heart
Pumping someone else’s blood”.
Đó là lúc một lần nữa Otis và Maeve lại lỡ mất cơ hội để được đến bên nhau. Tự nhiên nghe tới khúc đó mà mọi cảm xúc cho cả một season nó ùa được về cùng lúc luôn.
Bạn xem xong một bộ phim hùng hục như vậy mà xong chợt nhận ra mình cũng được “giáo dục giới tính” từ lúc nào không biết. Season 3, các nhân vật đã dần lớn lên, nó là season emotional hơn cả, vì đó là lúc những nhân vật sắp bước chân vào đời và khám phá ra được bản thân của chính mình. Sự vô tư sẽ ít dần đi, sự trưởng thành sẽ lớn dần lên. Không biết được rằng sẽ có thể có những seasons tiếp theo không, vì thứ nhất các nhân vật sắp qua giai đoạn học cấp 3, và nữa là diễn viên đang… già nhanh quá (diễn viên Anh diễn hay mà bị mỗi cái dở là già nhanh thôi). Nhưng nếu phim ngừng tại đây, nó đã quá đủ là một bộ phim hay và ấn tượng mà không phải kéo dài quá lâu để duy trì độ hot.
Xem phim người lại nghĩ đến ta. Không biết tới một thế kỷ nào, mình mới được làm những bộ phim như vậy ở nước mình. 0 chỉ là vấn đề kiểm duyệt, quan điểm, nhận thức… mà còn biên kịch, đạo diễn, diễn viên và… tất cả phần còn lại!
Sex Education cũng chưa chắc dành cho tất cả mọi người hay hợp gu với nhiều người. Mỗi người sẽ thích những bộ phim vì những lý do khác nhau. Mình thích vì mọi thứ mình… kể trên và vì tình dục cũng là một thứ mình rất thích, nên có gì mà không được kể và khen nó nhỉ ahihi!

#495: Bọn chó thì ra rất thích sầu riêng

May be an image of food and indoor
Không ngờ dịch roạt vậy mà vẫn đặt được lô sầu riêng 3 trái to bự, ngon dã man, mềm mượt ngọt lịm như kem. Sầu riêng giải cứu bà con nông dân. Giá có 70k/1 ký mà ship cho tận nhà.
Lúc chiều ngồi kiên nhẫn bổ mà khó quá vì nó chưa nứt hẳn lại to, đang nghĩ định quay video lại khoe bổ được quả sầu riêng thì bị một lũ thảo khấu nó ào tới tranh giành cướp giật, bao phen vừa tách sầu đầy gai sắc vừa phải đuổi chó làm chân tay sứt sẹo hết cả. Không biết sầu riêng có gì hấp dẫn mà bọn nó phát cuồng phát dại lắm. Vì sầu riêng có mùi nặng nên không dám để trong nhà mà phải để ở bếp vườn mà sáng ra nhìn thấy cả đại gia đình nhà bọn nó nắm tay nhau nằm bu vòng tròn xung quanh mấy quả sầu riêng, lưỡi thè ra đầy thèm khát.
Trong lúc bổ sầu riêng, bất chấp gai sắc và dao nhọn bọn nó vẫn lao vào điên cuồng chỉ để tranh cướp được một miếng. Cực chẳng đã sau đó phải chia bọn nó một miếng to cho mỗi đứa mút một tí, ăn sung sướng liếm láp đến lé xẹ nó hết cả mắt, lỡ tay vất cho một miếng vẫn còn hạt ai dè chưa đầy hai giây một con đã nuốt sạch sẽ mà cái hạt nó có nhỏ gì cho cam. Choáng váng quá vì cứ nghĩ nó đủ khôn nhè cái hạt ra. Mà nó nuốt chửng cái hạt to hơn cả cái mặt nó như vậy mà nó vẫn tỉnh bơ, lưỡi vẫn thè xin miếng nữa, không có dấu hiệu gì bị sặc hay nghẹn cả. Mình thiệt không tin vào mắt mình luôn. Vội vã xoa xoa vuốt vuốt xem cái hạt nó có tắc ở đâu không ngộ nhỡ lại khó thở lè lưỡi lăn đùng ra đây chết vì hạt sầu riêng thì bỏ mẹ. Chết vì cái gì chứ chết vì sầu riêng là cái chết rất liên thiên. Nhưng có vẻ không hề hấn gì vì đít vẫn ngoáy tít.
Hoảng hồn quá huhu. Mọi người ơi chó nuốt hạt sầu riêng chắc không sao chứ? Liệu nó có không tiêu hóa được hay tắc ruột tắc cổ gì không? Rồi ngộ nhỡ nó mọc thành cái cây trong bụng hay trên đầu nó thì sao? Vì sầu riêng mà ra quả thì đầy gai nhọn lủng lẳng trên đầu thì làm sao mà đi lại được?
Nếu khó quá nó mọc cây trên đầu thì đành chờ hái quả thôi. Bực bội thật sự, tổ sư!
Can’t believe I was still able to order durian delivered directly to my house in this lockdown time. There are myths on the Internet saying pets are afraid of durian because it stinks, but this doesn’t apply to my dogs. They are crazy about it. I think they even love it more than I do.
It was not easy cutting it up since the dogs were surrounding begging me for some durian. I gave them some to taste, thought they would be smart enough to leave out the seed but they didn’t. One of the dogs swallowed the whole piece of seed which was pretty big, might be big enough to give her a stroke. That freaked the hell out of me. But she seemed fine even I kept checking on her.
She might poop it out, or well, there might be a durian tree growing above her head pretty soon. I might just wait to collect the fruit! But still wish they were smarter lol!

#494: THỊT GÀ

Ghê thật, tim mới thòng ra ngoài bữa tối qua giờ mới hốt lại được để viết bài post này.
#494: THỊT GÀ
Bữa tối mâm cơm đủ đầy, cho dù là ngăn sông cấm chợ gì thì mẹ vẫn luôn hết sức cố gắng để có nguồn cung cấp thực phẩm đủ cho cả nhà như mọi ngày. May mắn là tình hình ship của mấy siêu thị vẫn có tác dụng. Mâm cơm có địa thịt gà luộc trắng nõn, cô em dâu và mẹ vừa gặm cái đùi vừa bàn luận về hương vị món gà. Mình xuống chậm nên còn mải rót nước và uống tí thuốc. Tuy nhiên đã loáng thoáng nghe được câu chuyện về đĩa thịt gà.
“Gà nhà nuôi nên thịt nó hơi dai, không được như ngoài hàng”
“Con thấy không ngon bằng hôm nọ”
“Chắc tại mẹ cho ăn thóc mỗi ngày, mới cả để đẻ lâu quá nên giờ thịt nó dai”
“Có vẻ hơi dai mẹ ạ, con này ăn chẳng ngon gì cả”
Ngay lập tức mình thấy không ổn trong câu chuyện. Mình cố gắng dỏng tai lên nghe cho rõ hơn chi tiết về đĩa thịt gà.
“Thôi nuôi mãi thì cũng đến lúc phải thịt thôi. Mới cả bây giờ mua đồ ăn cũng khó khăn quá…”
“Bố có tay thịt gà có khác, chiều nay con nghe thấy tiếng gà cứ quang quác lên”.
??????????????????? Sao chiều mình không nghe thấy tiếng gì mặc dù phòng mình sát vườn nhất?
Ngay lập tức mình lao vào bàn ăn và hỏi:
“Mẹ thịt con gà của con???”
“Thì phải thịt thôi chứ nuôi mãi sao được? Giờ cấm của khắp nơi, đến trấu với rơm cũng không đi lấy được. Giờ khó khăn thì con gà cũng phải thịt thôi”.
“Thôi thịt là đúng rồi…” tiếng cô em dâu chêm vào.
Trời ơi… đúng là tiếng sét ngang tai. Không lẽ đứng lên hất hết cái đĩa thịt gà kia ra ngoài vườn. Họ lại còn gặm và ăn uống vui vẻ như thế được. Nhưng lúc đó cũng không biết phản ứng sao, chỉ biết ngậm ngùi xót xa thời buổi khó khăn thế này, đến con gà ở vườn cũng phải thịt đi mất, mình nào đâu dám đòi hỏi gì… nhưng giá mẹ nói trước cho mình nếu vì cần thịt mình sẽ kiếm được thịt cho mẹ chứ sao mẹ đến nỗi phải thịt nó như thế??????
“Mẹ nuôi mẹ không thương nó à?” Nước mắt sắp rơi bỏ mẹ rồi…
“Thương thì thương nhưng tới lúc thịt vẫn phải thịt chứ”. Mẹ tỉnh bơ.
Thế là thôi các bạn ạ, mặt mình như cái đít. Hằm hè, tức lòi ruột lòi gan. Ai cho mấy người thịt con gà của tôi???? Chiều nào mình cũng ra vuốt ve cưng nựng nó, cảm ơn nó vì nó đẻ trứng cho mình ăn mì mỗi ngày.
Đã thế, mẹ mình còn định gắp cho mình miếng gà:
“Này, ăn thử gà nhà không?”
“KHÔNG, bị điên à huhuhu”.
Quả thật là bữa cơm mất ngon hoàn toàn!
Rồi cuối cùng thì, có lẽ thấy có vẻ tình hình hơi căng quá. Mẹ mình mới nhão ra một câu:
“Thôi ăn đi con dở hơi, nghĩ sao mà dám thịt con gà của chị? Nuôi cưng nựng như thế sao tôi thịt được? Gà này là gà mua ngoài chợ. Mệt chị quá”.
Thế là tai mình dỏng lên, mắt mình sáng rực. Xong phải đứng dậy bật đèn đi ra soi xem có đúng là con gà nó còn ở vườn không? Thấy gà đầy thóc, trấu với rơm, cát, rau, còn được mẹ che ô cho , nó còn được mẹ chiều hơn chó nữa. Thế là mình mới yên tâm đi vào ăn tiếp. Tuy nhiên cũng không động vào bất cứ miếng thịt gà nào, tại mất bố nó hứng rồi =)).
Thì ra là một màn diễn kịch để trêu đùa cho trái tym snowflake của tôi. Mà đèo mẹ diễn đếch gì diễn hay ghê. Cả mẹ tôi lẫn cô em dâu diễn nuột như da gà, tung hứng lời thoại suôn mượt như biên kịch Hàn Quốc làm một người đạo diễn như tôi bị lừa một cách xuất sắc. Tôi không ngờ từng đây tuổi mẹ tôi vẫn cái màn trêu tôi như từ bé đến giờ mà tôi vẫn mắc câu. Ngày bé luôn có những câu chuyện như là: “Buổi đi chơi bị hoãn rồi”, “Mẹ đã ăn nốt cân táo của con rồi”. “Năm nay không có quà thưởng”. “Chai nước hoa con thích mẹ vất đi rồi”, “mẹ bán hết quần áo của con rồi…” và lần nào tôi cũng lăn ra giãy đành đạch nước mắt ngắn dài…
Giờ già rồi thì thành Gà của con mẹ thịt bố nó rồi… trời ơi… huhu.
Này mà nghĩ lại, suốt hồi bé ngày xưa mẹ còn nuôi gà nuôi lợn xong hay thịt và bán mà mình đâu có biết buồn hay nghĩ gì đâu. Thế mà giờ có tuổi rồi, quả thật một khi đã nuôi còn gì thì không thể nào có thể nỡ lòng thịt được con đó. Mà nói chung là cũng không dám nhìn bất cứ con gì bị thịt hay bị đập chết trừ… con muỗi rất chi là hả dạ ra!
Cứ ước có mảnh vườn tăng gia nông nghiệp mà xong nghĩ có mà nuôi được con gì bằng mắt, vì đã nuối chắc chắn là không thể nào mà thịt được còn gì hết.
Hôm nay phải làm ngay bộ ảnh với gà. Em gà nhà mình được làm ổ dưới gốc cây khế, chắc do gà ỉa nhiều cây khế năm nay lại ra quả rồi nè hê hê hê.
No photo description available.
May be an image of nature and text that says 'Slakin Hakin'
No photo description available.
May be an image of bird
May be an image of bird
No photo description available.

#493: Chúng ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có 1 một nơi để trở về

Nói chung, tớ thích đi lang thang, trải nghiệm, vấp ngã, không bon chen nhưng vẫn phải đi qua nắng gắt mưa rơi, đôi lúc chỉ là để được về nhà và cảm thấy bình yên. Vì chỉ khi về nhà, thì tất cả những mưa giông bão nổi sẽ dừng lại bên ngoài cánh cửa. Bình yên của tớ là được nằm trên cái giường của chính mình, thậm chí giữa ngày hè cũng không bật quạt. Cho dù có đi khắp nơi trên thế gian này, tớ vẫn thích cái nóng hè hầm hập của căn nhà mình, vì tớ đã sống và quen với nó từ lúc tớ sinh ra. Bình yên của tớ là được nghe bố mẹ “chí chóe” nhau, cà ràm qua lại dù chỉ là một sự việc nhỏ tí xíu, mà dù mấy chục năm của cuộc đời bên nhau rồi họ vẫn không có gì thay đổi. Bình yên của tớ là được ngắm lá non xanh khi nắng sớm chiếu đung đưa trước cửa sổ, và rồi một ngày được ngửi hoa bưởi thơm lừng nở trắng bay khắp căn phòng nhỏ. Bình yên của tớ là được thấy em chó nuôi cả chục năm vẫn là cún, lười tới mức đi cũng phải tựa một cái chân vào tường và mẹ sẽ thét lên: “Trời ơi sao tôi nuôi người đã lười rồi giờ chó cũng vậy là sao?”.Bình yên của tớ là được ngủ nướng đến tận trưa và lách cách nghe tiếng Bà đang ở bếp, và để biết rằng mình vẫn còn là một đứa cháu có Bà trên thế gian này, như thể những tháng năm tuổi thơ vẫn chưa bao giờ xa. Bình yên của tớ là ngắm những ráng chiều vàng rực, thấy bóng những đứa em bé cứ lớn dần lên mỗi khi trở về, và được nhìn thấy chúng nhảy múa trong ánh mặt trời…
Tớ có thể ngồi cả ngày, tớ có thể nằm cả ngày…chỉ để ngắm và lắng nghe những điều bình yên như thế. Và khi năng lượng nạp đủ, tớ lại ra đi tiêu cho hết, còn kiếm cớ mà trở về…
#493: Chúng ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có 1 một nơi để trở về

#492: September 11th

September 11th
May be an image of 2 people, people sitting, people standing and outdoors
 
World Trade Center (WTC), là một trong những nơi gắn bó với một tuổi thơ cúp cua của tớ. Lý do là vì nó ở tận sâu cùng downtown, nơi đi qua Chợ Tàu, tới South Ferry để đi ra Tượng Thần Tự Do. Và ở đó có một cây táo dại mà tớ nhớ là nó ngon dã man tàn bạo mặc dù với người khác thì chua loét. Mỗi lần vào mùa táo là thỉnh thoảng lại cúp học nhảy lên xe bus đi về phía South Ferry để được ăn táo. Lúc đó nhớ là lúc nào cũng kè kè một chai nước hoa nhỏ xíu rất là thơm. Xuống ăn táo thường đã vào thu, trời bắt đầu trở lạnh, cứ mở chai nước hoa ngồi dưới gốc táo ngửi và gặm táo, nó khoan khoái bình yên biết làm sao… có những ký ức nó dễ chịu kinh khủng như vậy đó. Xong rồi về sau mất chai nước hoa, khóc lên khóc xuống, đổ cho mẹ vứt của con đi, buồn suốt một thời gian dài. Rồi năm sau quay lại cây táo, bỗng thấy chai nước hoa rớt dưới bãi cỏ, không thể tin nổi vào mắt mình, nó đã ở đó đúng một năm, đi đủ qua 4 mùa, chắc chắn đã đông cứng trong mùa đông lạnh giá. Tới tận bây giờ nghĩ lại, vẫn nhớ như in niềm vui ấy, niềm vui đúng như thể vừa được chứng kiến một phép màu vậy.
 
Và đương nhiên lúc nào đi tới South Ferry cũng đi qua WTC. Nhớ khi lần đầu tiên tới nước Mỹ và ra khỏi sân bay. Hai tòa nhà chọc trời ấy ấn tượng đến mức cho dù đi bất cứ góc nào của cả một thành phố rộng lớn cũng vẫn nhìn thấy hai tòa nhà sừng sững. Đi đâu xa trở về lại NYC, bắt đầu thấy hai tòa nhà hiện ra là biết đang sắp trở về nhà. Nếu có điều gì để miêu tả cho một biểu tượng của một thành phố một cách hữu hình nhất mà không phải cần nhiều lời giải thích, có lẽ chinh là hình ảnh của hai tòa nhà WTC của New York City.
 
Nhớ hồi đó thích thì vào bên trong thậm chí đi thang máy lên tầng thứ mấy chục cũng không bị hỏi han về an ninh. Nhất lại là một đứa trẻ con châu Á lơ la lơ ngơ như vậy, nên mình rất hay thích đi khám phá. Hồi đó mọi thứ thật dễ dàng và bình yên biết bao nhiêu. Đi xe bus không bao giờ phải lo tiền vé và đi giờ nào cũng được, đi tới bất kỳ đâu. Vào bất cứ đâu cũng không lo về an ninh, kiểm soát, và cả bị phân biệt chủng tộc. Nên có thể nói, tớ có một tuổi thơ cực kỳ êm đềm và nhiều thú vị tại nước Mỹ. Hồi đó giáo dục lại rất tốt, mùa hè còn được đi học hè, đi xem phim, đi dã ngoại… mọi thứ đều miễn phí. Những bài học về sự nhân văn của con người là thực chất, những bài học đầu tiên về không vứt rác ra đường, đứng phải xếp hàng, mượn phải trả đồ… được dạy một cách bài bản và trở thành tiềm thức. Cứ thế mà lớn lên như vậy. Không có những ngày tháng được đi học như thế, chưa chắc tớ đã được trở thành một con người như ngày hôm nay.
 
Chẳng bao giờ ở cuộc đời có thể nghĩ rằng hai tòa nhà siêu to khổng lồ vững chắc và sang trọng đỉnh cao như vậy lại có một kết cục thê thảm tới như thế. Lúc đó nếu biết được vậy chắc sẽ chụp bao nhiêu ảnh ở đây, khám phá nó nhiều hơn nữa… bởi vì giờ tìm lại hóa ra không có một tấm ảnh nào chụp chung với tòa nhà. Chắc tấm ảnh dưới đây là tấm ảnh duy nhất mẹ chụp cho lúc được lên trên đỉnh để thăm quan (cũng chưa phải là tầng cao nhất thì phải). Nhiều khi có những thứ nhìn thấy nó như một thói quen nên nghĩ chẳng cần phải lưu giữ lại làm gì. Nghĩ tới giờ vẫn thấy tiếc nuối vô cùng.
 
Nhớ cái ngày tòa nhà sập xuống là mình đã về lại VN một thời gian. Cả gia đình lại sắp sang trở lại. Khi hình ảnh trực tiếp từ CNN chiếu cảnh chiếc máy bay lao vào tòa nhà, mình vẫn nghĩ rằng nó chắc chỉ bị thủng một chỗ thôi nhỉ, rồi cùng lắm thì hỏng vài tầng, người ta sẽ xây lại. Đến tận khi chiếc máy bay thứ hai lao vào tòa nhà, mình vẫn nghĩ rồi sẽ ổn thôi nhỉ, không đến nỗi đâu nhỉ… Nhưng nhớ rằng lúc đấy thần kinh căng thẳng cực độ, người run lẩy bẩy, một hồi nước mắt rơi lã chã. Cảm giác giờ nghĩ lại vẫn thấy xót xa và tiếc nuối kinh khủng khiếp. Lúc đó cũng chưa thể hiểu hết cảm xúc đó là gì? Đó là một phần tuổi thơ tươi đẹp của mình đã không còn nữa, một kỳ quan của con người tạo ra vừa bị phá hủy, những cái chết khủng khiếp vô cùng ám ảnh. Speechless – có lẽ đó là thứ duy nhất miêu tả lại tình trạng lúc đó.
 
Và thật không ngờ, sự kiện ấy đã khiến nước Mỹ thay đổi kinh khủng tới như vậy. Và cả thế giới cũng đã thay đổi. Chắc hẳn những ai đã từng ở nước Mỹ, đặc biệt từng ở NYC trước ngày 9/11, đã từng ở và làm việc, học tập ở đây mới có thể cảm nhận rõ rệt được sự thay đổi kinh hoàng đến thế nào của sự trước vào sau 9/11. Chỉ một thời gian sau thôi khi mình quay lại NYC, mọi thứ đã không còn như xưa. Sự thay đổi đi sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội, kinh tế. Nước Mỹ thiên đường trong truyền thuyết có lẽ đã thay đổi từ đây. Những điều bình yên, những sự giáo dục miễn phí, những sự thân thiện giữa người với người đã bị biến mất. Một nước Mỹ đã hoàn toàn khác xưa. Và nếu tính tới bây giờ, thì nó còn khác nhiều hơn nữa và theo hướng tiêu cực. Khi quay lại đi học sau này và cả sinh sống một thời vào lúc gần đây nhất, có thể thấy rằng, nước Mỹ không còn là sự lựa chọn hàng đầu để ở với rất nhiều con người như là một “dreamland” trong truyền thuyết nữa rồi. Và đặc biệt, dân trí đi xuống tệ hại, sự phân biệt chủng tộc, chia rẽ sắc tộc, phân cấp giàu nghèo, tệ nạn y tê, an ninh, sự ám ảnh về khủng bố… đã in hằn trong lòng những con người sống tại nước Mỹ. Con người cũng không còn thân thiện với nhau nhiều nữa, thậm chí luôn nghi ngờ và hằn học lẫn nhau. Có lẽ vì được ở từ nhỏ ở Mỹ, ở trước và sau 9/11, tại chính trung tâm của sự khủng bố lịch sử này, nên có lẽ được cảm nhận những sự thay đổi rõ rệt này tới thế nào. Điều duy nhất được an ủi là, mình may mắn vì đã còn được kịp đi qua những năm tháng tốt đẹp trước đó của nước Mỹ!
 
Có những điều ta cũng không thể hiểu nổi vì sao nó có thể xảy ra tới như thế. Sự thù hận của con người có thể khủng khiếp tới như thế. Có những lúc cũng hỏi Giả sử nếu không có sự kiện 9/11 xảy ra thì bây giờ thế giới và nước Mỹ có tốt đẹp hơn không? Nhưng chắc cũng chẳng có câu trả lời nào được cả.
 
Bữa có xem phim Black của Hàn Quốc, kể về một cô gái có thể nhìn thấy trước được ai sẽ chết nếu người đó xuất hiện một bóng đen bên cạnh và cô ấy tìm đủ mọi cách để cứu được người đó cho dù sau đó đều phải trả cái giá nào đó hoặc thậm chí còn làm tình trạng còn tệ hơn. Nếu ai đó có thể nhìn thấy được thật, chắc sẽ thấy hai tòa nhà hôm đó kín đặc bóng đen nhỉ? Tựa như khói cháy lên phủ kín khi hai tòa nhà vừa bị đâm vậy. Và nếu biết trước, người ta sẽ tìm cách cứu hai tòa nhà và những con người ấy kịp không…? Nhưng sau đấy có hậu quả nào phải trả giá hay không…?
 
Tớ không đọc nhiều câu chuyện về 9/11, cũng không xem nhiều hình ảnh, vì nó đau đớn ám ảnh, và gợi nhớ ra những nỗi buồn, làm tổn thương một phần ký ức đẹp của tuổi thơ và tiếc nuối cho một nước Mỹ trước đó. Bây giờ, mỗi lần quay lại NYC, đi từ xa và không còn thấy hình ảnh hai tòa nhà sừng sững ấy hiện ra nữa, bất kỳ ai mà ghi nhớ ký ức quen thuộc ấy chắc cũng vẫn thấy đau nhói trong lòng.
 
Nhớ khi sự kiện 9/11 xảy ra, tớ có viết một bài viết buồn lên trên blog 360. Vậy mà cũng có không biết bao nhiêu người vào comment những câu nói hả hê, lạnh lùng, ác độc, hỉ hả. Tại sao người ta cứ phải hỉ hả khi một thế giới đang tồi tệ đi? Giờ 20 năm trôi qua, vẫn thấy họ quá nhiều ngoài kia, bất kể chủng tộc và ngôn ngữ nào. Thôi đành thở dài và chấp nhận một điều: ignorant and remorseless people are just a part of life! Idiots too!
 
Cây táo ở South Ferry, cũng không còn nữa từ lâu lắm rồi!\
Where were you when the world stopped turning on that September day?
Teaching a class full of innocent children
Or driving down some cold interstate?

Did you feel guilty
‘Cause you’re a survivor
In a crowded room did you feel alone?
Did you call up your mother
And tell her you loved her?
Did you dust off that Bible at home?

Did you open your eyes, hope it never happened
Close your eyes and not go to sleep?
Did you notice the sunset the first time in ages
Or speak to some stranger on the street?

 
#September11th

#491: Đầu gấu thì cũng phải sợ ma thoy…

Mình hay về nhà tối muộn. Rất phải hay đứng ở trước cổng nhà trong bóng tối để mò tay qua cổng mở khoá, nhà lại đầy cây cối kín cổng đen ngòm. Có hôm 2,3h sáng là bình thường. Có ngày chó còn rón rén đứng sau cổng ngoạm mất cái chìa khoá của mình và bỏ chạy mất ( vì chìa khoá có con gấu bông). Thế là mình không chỉ đứng trong bóng tối mà còn lầm rầm chửi bậy.
Và thế là không biết bao nhiêu phen nhiều người đi qua rơi tim ra ngoài. Không chừng chắc có một đống giai thoại trôi nổi trên mạng về việc đi đêm gặp ma ở khu nhà mình, mà ma còn biết chửi bậy cũng không phải ma thường.
Bữa tối qua khuya khuya đang mò cổng mở cổng mãi không được thì nghe thấy tiếng ăn to nói lớn ầm ĩ cùng tiếng xe máy ầm ầm sắp đi qua. “Địt mẹ địt mẹ” cứ gọi là váng hết cả làng xóm đêm khuya. Thế là mình bèn tò mò thò cổ ra ngó. 2 xe máy 4 anh cởi trần xăm trổ hùng hồn phóng xe rầm rầm, đèn loang loáng. Thế rồi lúc mình nhúc nhích quay ra nhìn thì các anh lướt qua. Một anh hốt hoảng gào lên: “Ôi địt con mẹ cái gì đấy?” Rồi anh loạng choạng không điều khiển được xe, 3 anh còn lại cũng hốt hoảng mặt cắt không một giọt máu, và kết quả là các anh ngã đè lên nhau ngay trước mặt mình, đèn vẫn loang loáng loang loáng.
10 s tất cả cùng im lặng. Rồi mình cất tiếng: “ Hình xăm Mickey đẹp đấy”.
Thế là các anh tỉnh đỡ nhau bò dậy: “Ôi giời vãi cả lồn són mẹ nó ra quần”.
Rồi các anh run rẩy đi xa dần, tiếng Địt mẹ cũng nhỏ dần nhỏ dần, nhưng vẫn còn nghe được thoang thoáng anh kia nói: “Địt mẹ nó nhìn cái đéo gì ra hình Mickey, cái đấy là con thỏ Pờ lây ku mà…” (Chắc ý là Pờ lây boi hoặc mình nghe lộn)
Còn mình thì vào nhà cứ gật gù vì rút ra được một chân lý cuộc sống: tưởng đầu gấu thế lào thì rồi cũng sợ ma thôi…
#491: Đầu gấu thì cũng phải sợ ma thoy…

#490: Thằng béo bị tiêu chảy

 

No photo description available.

Thằng béo mầm ở nhà tự nhiên lăn ra tiêu chảy. Nhà có 5 thằng nên phải trích xuất camera mò mẫm để tìm ra thủ phạm. Đá đít cho bao phen vì ăn bậy ăn bạ, lục thùng rác, chui vào nhà ăn vụng rồi biết ngay có ngày cũng phải gánh hậu quả.

Mình bị ám ảnh bọn chó tiêu chảy vì không chữa nhanh là dễ chết. Trước giờ mình không ở nhà thì thôi chứ ở nhà là không đứa nào bệnh tật mà mình không chăm không chữa. Có lúc ngồi hàng tiếng mớm từng tí sữa tí thuốc một. Mình mắc bệnh soi vặt, trong nhà bất cứ là chó hay người mà có biểu hiện gì không bình thường là mình biết ngay. Hôm nay bố đi ngủ sớm hơn mọi ngày? Hôm nay sao mẹ lại lên gác sớm? Sao mắt bố sưng sưng? Mẹ trông hơi mệt? Tay mẹ vừa làm gì mà để đứt tay thế kia? Mình soi nhiều quá nên rất hay bị chửi là trầm trọng hóa vấn đề, nhưng sự thật là sau đó y như rằng phải vào viện khám, mà nghe lời mình đi sớm thì đã chữa xong từ lâu rồi.

Chó mèo cũng thế, thấy nó không quẫy đuôi, tới giờ không ra chầu chực, tới bữa không ăn và mỗi ngày đi hót phân mà thấy bất thường là truy cho ra bằng được và chữa ngay không để lâu. Bị chứng rối loạn lo âu nó cũng có cái tốt của nó =)) =)).

Xác định thời buổi lockdown không thể để ai ốm đau vì giờ không thể đi đâu mà chữa. Phải tự mình cứu mình!

Tiêu chảy thì cũng không quá khó chữa. Bác sĩ thú y bảo phải cho nhịn ăn một ngày và cho men tiêu hóa, men vi sinh. Quả thật con chó béo mầm ham ăn nhìn tội thế kia mà bắt không cho ăn thì xót quá là xót. Thế là đến bữa phải nhốt nó vào chuồng rồi để cơm cho 4 con còn lại ở một nơi thật xa khuất mắt để nó không nhìn thấy cho đỡ thắc mắc. Lúc đầu nó hốt hoảng không hiểu chuyện gì, nhưng hồi sau nó lại giở bài nạn nhân hóa, tội nghiệp hóa, đau khổ hóa bằng cách nằm rạp xuống, đầu dí chặt đến méo xẹo vào thành lồng, mắt long lanh nước, hai tay thõng thượt như thể đời nó đến đấy là chấm dứt. Mẹ nhìn thương y rằng sốt ruột: “Hay cho một miếng bánh mì đi?” Thế là mình lại gào lên: “Để giết nó à?”. Mẹ hãi quá nên đi vội vàng, không quên vừa đi vẫn vừa lầm bầm tội nghiệp quá tội nghiệp quá. Đấy, cũng vì “tội nghiệp quá” và cái chiêu bài giả điên khiêng tủ lạnh thương lắm tội lắm mà bao lần làm mẹ mủi lòng cứ cho ăn lung tung rồi đừng hỏi vì sao lại bầu trời lại xanh dưới đất tanh bành từng làn tiêu chảy! (Bạn cũng khỏi phải thắc mắc vì sao nó béo nhất nhà, nó đóng kịch hay hơn trên TV đó)

Nhưng cho nhịn xót không mệt mỏi bằng việc đấu tranh một ngày cho hai lần bơm thuốc. Mỗi lần bơm thuốc là phải ngồi xoa, ngồi nịnh, ngồi hát, hứa hẹn với nó một nghìn điều để có thể nhét được cái xi lanh bơm thuốc vào mồm nó. “Ngoan nào rồi hết dịch mình ra sông chơi nhé?” “Ngoan rồi mai cho ăn toàn thịt này”, “Ngoan khỏi rồi tha hồ uống sữa này” “Ngoan rồi tha hồ cho vào nhà ăn vụng này” Nhưng nó lắc đầu quầy quậy, răng cắn chặt, lấy hai tay năm ngón đẩy mình ra đàng hoàng như hồi người yêu chia tay mình vại đó =)). Phải cho uống thuốc ba ngày liền mà mới tới ngày thứ hai mình nản lòng chiến sĩ quá. Ngày đầu đút thuốc còn dễ mà tới ngày hai nó đã bắt đầu tiến hóa, nó trốn kỹ như mả tổ, làm mình chổng mông chui bò vào mạng nhện với bụi bặm góc bếp để moi móc nó ra. Vừa ôm vừa vuốt vừa nịnh, nhét thuốc mà răng nó cắn chặt như người anh hùng chung thủy với dân tộc quyết không khai một lời với quân xâm lược. Vừa bơm thuốc vừa chỉ muốn tát vào cái mông ụch ịch của nó, vừa thiếu điều lạy nó cho nó bớt lì luôn á!!!!!!!!!!!

Hết ngày hai nó đã bắt đầu được ăn và có vẻ cơn tiêu chảy đã đi qua. Đèo mẹ, thế mà cái mặt nhơn nhơn lên, người ta nỗ lực cứu chữa cho bớt bệnh đã không biết cảm ơn thì thôi lại còn ngúng ngẩy hờn dỗi. Ra vườn hái cho ba lạng giềng bây giờ.

Còn ngày mai đút thuốc nữa, mai dễ nó tiến hóa tới mức trèo lên cây trốn cho mà xem. Lại làm tối nay phải tập trèo cây trước!

#homesweethome
#hakingarden

#489: “Thiết yếu”

May be an image of 1 person and outdoors
Trong “the Good doctor”, khi bác sĩ tự kỷ Shaun Murphy bị điều chuyển sang làm pathologist (nhà nghiên cứu bệnh học?), thay vì được làm bác sĩ phẫu thuật vì lý do cậu không biết cách giao tiếp với bệnh nhân. Shaun đã gần như phát điên và suy sụp vì cậu chỉ muốn làm bác sĩ phẫu thuật, cho dù ai cũng nói với cậu rằng có làm pathologist thì vẫn là bác sĩ và vẫn là mục đích cuối cùng là cứu người. Nhưng không ai hiểu được rằng có những thứ với người ngoài nó là điều có thể thỏa hiệp được và không phải là “big deal” nhưng với một cá nhân nó có thể là lý tưởng sống và mục đích tối thượng phải theo đuổi bằng được của họ. Nếu không thực hiện được, họ sống không bằng chết!
Khi Magic Johnson ở đỉnh cao của sự nghiệp NBA thì phát hiện ra bị mắc HIV. Cả thế giới hoàn toàn sụp đổ với Magic, bạn bè thân xa lánh, những con người luôn tụ vui trong ánh hào quang lấp lánh của truyền thông và tiệu rượu với Magic bỗng nhiên tỏ ra không quen biết, thậm chí nói xấu. Lúc đó, người không ngờ tới bên MJ, an ủi anh và hiểu cho anh nhất, lại chính là đối thủ bóng rổ truyền kiếp Larry Bird, người mà trong suốt sự nghiệp cầu thủ lừng lẫy huyền thoại của cả hai, là đối thủ chưa bao giờ đội trời chung và tranh đấu với nhau trên từng cm của sân bóng, thậm chí phải dùng hai chữ “kẻ thù” thì mới phù hợp. Larry Bird – cậu thủ bóng rổ huyền thoại, cực kỳ ít nói, không bao giờ chia sẻ và thể hiện tình cảm với bất cứ ai lại là người đầu tiên gọi điện an ủi MJ và là người thực sự “broken heart” cho MJ. Thật kỳ lạ vì đối thủ của mình gặp nạn nhưng sao Larry lại đau khổ tới như thế? Đó là vì Larry đã nói: “Thiên hạ có thể nghĩ rằng Magic đang đau khổ vì anh ấy sẽ chết và ai cũng sợ gần anh ấy vì cái virus gớm ghiếc, nhưng không ai hiểu được rằng anh ấy không đau khổ vì anh ấy sẽ chết, anh ấy đau khổ vì người ta sẽ lấy đi điều quan trọng nhất của cuộc đời anh ấy: đó là bóng rổ”. Và hơn ai hết Larry hiểu được rằng nếu cuộc đời mình mà lấy đi mất bóng rổ, thì cuộc đời sẽ còn lại ý nghĩa gì? Lúc này, nó không còn là chuyện thắng thua nữa, nó là “empathy”, nó là chuyện cảm thông với nỗi lòng của người khác, rằng có những thứ còn đáng sợ hơn là cái chết. Và không phải ai cũng hiểu điều đó.
Chắc mọi người cũng không quên phim “Vị đắng tình yêu”, từ thủa những năm đầu 90’s, đã kể về câu chuyện một nghệ sĩ piano mà được đàn là niềm vui sống của cô ấy, nếu phải lựa chọn giữa chuyện phải chữa bệnh nhưng không được chơi đàn với việc được chơi đàn nhưng có thể phải chết, thì cô ấy vẫn lựa chọn chơi đàn. Có lẽ bộ phim từ thời đấy nhiều người cho rằng nhảm nhí, nhưng đó lại là điều đáng ngạc nhiên về tư duy hiện đại và tinh tế của biên kịch và đạo diễn đi trước thời đại, khi hiểu rằng: có những đam mê, mong ước, khát vọng, mục tiêu, được sống là mình, đó mới là được sống một cuộc đời đúng nghĩa, bất kể là cuộc sống đấy là ngắn hay dài.
Có một số mấy ví dụ nho nhỏ hơn, ví dụ mấy câu chuyện gần đây về việc “thiết yếu”. Đồ “thiết yếu” cho dù có được định nghĩa trên văn bản ra cũng không bao giờ là đủ. Sự thật về cái gọi là “thiết yêu” thực chất ra nó khá là vô cùng và không phải ai cũng hiểu hết rằng có những đồ là “thiết yếu” với người này nhưng chưa chắc đã là “thiết yếu” với người khác. Người ta vẫn nghĩ rằng “thiết yếu” được định nghĩa rõ ràng bằng những định dạng cụ thể, và vẫn hướng tới việc “thiết yếu” mục đích là để “tồn tại”. Để “tồn tại” ở đây là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm sinh hoạt bản thân, đủ không bị đói, bị khát, bị lạnh, bị nóng, miễn sống là được. “Thiết yếu” được hiểu phần nhiều là “physically” nhiều hơn là “mentally”. Thế nên sẽ có chuyện rằng, tại sao một đứa bé sống chết phải được đi chữa cho con mèo sắp hấp hối? ĐIều đó không ảnh hưởng tới sự “tồn tại” mạng sống của con người nên không thể coi là thiết yếu. Tại sao phải “ăn bánh mì” khi mà ngoài bánh mì ra vẫn còn cơm? Không có bánh mì có cơm thì cũng vẫn tồn tại mà. Tại sao lại cần mua tủ lạnh trong thời dịch vì tủ lạnh là đồ điện tử không phải thực phẩm, không có tủ lạnh cũng sao mà chết đói được (cho dù quên bố nó mất là tủ lạnh là nơi chứa thức ăn). Hay thậm chí có chị bị bắt lại ra đường mua bao cao su vì đó cũng không phải là “thiết yếu”, vì không có bao cao su cũng đâu mà chết được… Đương nhiên đó là những câu chuyện cũng hơi nực cười và đã bị mọi người phản đối cho tơi tả. Nhưng nó thực ra lộ ra một vấn đề khá sâu thẳm trong lòng những quan niệm xã hội về cái gọi là thiết yếu với cuộc sống của mỗi người. Nếu mọi người cứ được giáo dục rằng chỉ những thứ “physically” như thế kia mới được coi là thiết yếu để tồn tại thì chắc chắn sẽ còn những câu chuyện chặn người đi chữa cho động vật, đi mua bánh mì, đi mua bao cao su, đi mua tủ lạnh như vậy vì cho rằng chúng không liên quan đến chuyện sống còn của mỗi người. Con mèo sắp chết nó đúng là chẳng làm cho ai bị ảnh hưởng tới sự “tồn tại” cả, nhưng với chủ nhân của con mèo đó, nó sẽ đau đớn vô cùng về mặt tâm lý, sự tức giận và biết đâu thành một vết hằn hận thù trong ký ức của cô cậu bé đó khi lớn lên. Với nhiều người, thú cưng của ai đó chỉ là một con vật, và con vật chỉ là để nuôi, không phải để yêu thương như người nên với họ chữa một con vật không phải là thiết yếu. Nhưng với chủ nhân của con vật đó, họ có thể yêu thương và coi đó chẳng khác gì một thành viên trong gia đình, việc được cứu sống con vật của họ cũng không khác gì việc phải cứu sống một thành viên của gia đình. Nỗi đau mất một con vật, nó có thể đau đớn không khác gì nỗi đau mất đi một người thân. Gạo thì nhiều nên đi ăn bánh mì vào lúc “không cần thiết” thì thật là buồn cười, nhưng mà lúc đó người ta đang quá đói không có cơm ăn thì sao? Lúc đó ăn một miếng bánh mì khiến họ vui, thỏa cơn thèm và làm cho công việc của họ tốt và hiệu quả hơn thì sao…? Anh có thể chỉ ăn cơm mỗi ngày và ghét ăn bánh mì, anh cảm thấy cả đời không ăn bánh mì cũng chả sao nhưng với nhiều người họ chỉ muốn và chỉ có thể ăn được bánh mì thì sao…?
Có những chứng bệnh tâm lý mà xã hội và cũng không có văn bản nào có thể định nghĩa rõ ràng được thế nào là “thiết yếu” đối với họ. Có người sẽ phải chơi đàn 10 tiếng một ngày, bỗng nhiên cây đàn của họ đứt dây, họ sẽ buộc phải đi mua dây về để chơi đàn tiếp nếu không thì sẽ bị phát điên. Có những người bị OCD về dọn dẹp, vệ sinh, khử mùi… hoặc thậm chí không chịu nổi nếu cái cánh cửa bỗng nhiên bị lệch không thể được sửa, nếu họ không kịp mua được cái đinh vít hoặc chai xịt rửa đúng lúc thì họ cũng sẽ phát điên thậm chí trầm cảm… Có những người sẽ buộc phải nói chuyện với một ai đó, nhìn thấy một ai đó, nếu không họ sẽ bị sang chấn tâm lý… Thế giới tâm lý về chuyện “thiết yếu” vô cùng rộng lớn và đôi lúc rất khó hiểu. Mới chừng nghe vài ví dụ bạn đang nghĩ “dở hơi à”, giờ lo sống đi đã chứ, nhưng mặt khác bạn cũng sẽ rất bất ngờ khi biết rằng nó không hề chỉ là vài ví dụ dở hơi và thiểu số như bạn nghĩ, rất đông người đang bị như vậy, nhưng vì những trạng thái tâm lý như vậy không được để ý và nhiều người đủ kiến thức để hiểu chúng, dẫn tới việc chúng không được quan tâm đúng nghĩa và thậm chí còn bị chê cười, vào với những người làm nhiệm vụ quản lý xã hội khi họ không được giáo dục đúng và hiểu thì sẽ dẫn tới những hậu quả như chúng ta đang được thấy. Tâm lý đôi lúc nó là bệnh không thể chữa hoặc bị mắng chửi mà thay đổi được, hoặc nó là bản chất từ khi bạn sinh ra đã là thế. Bạn sinh ra đã có những tính cách, khả năng nhất định. Bạn sinh ra với một giới tính đã được ấn định cho dù cơ thể của bạn có đúng với giới tính ấy hay không. Sự thiết yếu nó phụ thuộc và tâm lý sinh tồn và mong muốn của bạn, chứ không hẳn là từ người khác.
Có thể rất nhiều trong chúng ta đã quen với việc chúng ta muốn được trở thành một người thế này, nhưng bố mẹ hay những người xung quanh muốn bạn trở thành một người khác. Bạn muốn làm một ca sĩ cơ, nhưng bố mẹ muốn bạn là một kỹ sư. Bạn muốn được vẽ và thành một họa sĩ nhưng bố mẹ bạn muốn bạn phải thành một bác sĩ. Bạn muốn được từ bỏ tất cả để được đi khắp thế giới và lang thang sống một cuộc sống hippy nhưng bố mẹ bạn muốn bạn nên lấy chồng sinh con và có một công việc thật ổn định trong một cơ quan nào đó và cứ thế cho đến hết cuộc đời. Bạn muốn được phẫu thuật để được trở thành một người phụ nữ khi cơ thể bạn là cấu tạo nam giới, và khi tất cả can ngăn vì phẫu thuật có thể sẽ khiến bạn rút ngắn cuộc đời hoặc thậm chí chết trên bàn mổ… Bố mẹ hay xung quanh sẽ bảo bạn, tại sao bạn phải đi lang thang sống bờ bụi làm gì cho khổ? Trong khi bạn chỉ cần đi làm ổn định từ sáng đến tối, cuối tháng nhận lương không phải lo nghĩ gì? Tại sao bạn đi làm cái nghề xướng ca vô loài làm gì, trong khi đi làm kỹ sư, vừa nhiều tiền ổn định, vừa “trí tuệ” và đáng tự hào hơn bao nhiêu. Bạn không thể học giỏi toán bạn chỉ giỏi vẽ nhưng làm họa sĩ thì kiếm được mấy đồng trong khi làm bác sĩ thì giàu nứt đố đổ vách… Nhưng mà tin chắc rằng bố mẹ hay bất cứ ai khuyên bạn như vậy họ không thể hiểu được những niềm vui và sự “khoái cảm” của bạn là thế nào khi bạn được đi lang thang ngắm nhìn thế giới để thấy cuộc đời đáng sống, khi bạn được nhắm mắt lại và cất giọng hát tuyệt vời bẩm sinh bạn có, khi bạn hoàn thiện xong một bức tranh bạn mất cả tháng để vẽ. Và với những người chỉ mong được một lần được sống với đúng giới tính của mình, thậm chí nếu phải rút đi 10 năm cuộc sống họ cũng sẵn sàng đánh đổi… Và ngược lại, khi bạn luôn phải sống theo những định nghĩa “thiết yếu” của người khác, cũng sẽ không ai hiểu được sự ức chế trong lòng bạn, sự chịu đựng cố gắng gồng mình phải làm những điều bạn không muốn làm hoặc không có nhiều khả năng để làm, những hy sinh sâu thẳm khi bạn phải từ bỏ ước mơ, tài năng, tình yêu, ý tưởng của bản thân… những cảm giác này cho dù bạn có thành công thế nào với lựa chọn khác trong cuộc sống sau này thì chúng sẽ vãn luôn luôn ở đó và chỉ chực chờ sẽ có lúc bùng ra, chúng cũng thường hay đi kèm với những sự hối tiếc day dứt… và có những người cứ chết dần chết mòn trong những sự ức chế và hối tiếc ấy…
Nhưng những người mà thực sự dũng cảm để chứng minh cái “thiết yếu” của mình và không sống theo sự “thiết yếu” của người khác vẫn là thiểu số trong xã hội. Đám đông vẫn đi theo một sự sắp xếp nhất định đã được định nghĩa sẵn bởi phụ huynh, bởi xã hội, bởi truyền thông. Đó là những điều mà rất nhiều năm qua tớ đã được nghe và chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện, kể cả từ những người bạn thân nhất của mình. Tớ được nghe những câu chuyện ấy nhiều, vì có lúc với họ, tớ là một ví dụ mà họ rất mơ ước được một lần thay đổi! Có lúc tớ giúp được một vài người bằng cách truyền cảm hứng cho họ, nhưng có những lúc, không thể giúp gì được ngoài việc lắng nghe những gặm nhấm nỗi lòng của họ cứ ăn mòn họ dần theo năm tháng…
Nhớ hồi đó, khi tớ còn làm việc trong Bộ Ngoại Giao. Mỗi sáng sẽ phải có mặt lúc 7h sáng để học những bài học đầu tiên làm “cán bộ”, như là pha nước uống trà cho các bác. Thỉnh thoảng muốn có một chuyến đi chơi xa đâu đó nhưng sẽ chỉ có duy nhất hai ngày cuối tuần. Thỉnh thoảng muốn mặc cái áo lệch vai, cái quần bò xộc xệch và giữ được cái khuyên mũi cho thật thoải mái mà không thể khi đi làm. Thỉnh thoảng muốn viết này viết nọ vui vui một tí, xõa một tí, chửi bậy một tí nhưng mà phải hạn chế phát ngôn… Thế là đó là lúc tớ nhận ra: “This is not my life”. Cho dù đó là một công việc rất tốt, ổn định, bố mẹ yên tâm và tự hào. Nhưng tớ đành từ bỏ, khi làm buổi “hòa giải” cuối cùng với cơ quan về việc vì sao vừa đi làm mà lại bỏ một công việc tốt và có nhiều tương lai như vậy, phải chăng tớ chê công việc đó hay không có ý chí phấn đấu ư? Tớ có nói với các cô chú rằng, đây chắc chắn là một công việc tốt với rất nhiều bạn trẻ khác, với nhiều người khác, nhưng đó là thế giới tớ không thuộc về. Tớ cần một thế giới mà tớ được tự do được sống là mình, sử dụng tài năng và cá tính của mình cho những công việc khác phù hợp hơn. Và cái được gọi là sống cho mình với công việc khác đó mà nhiều phụ huynh nghe thì tức lòi kèn hoặc cười chê cho thối mũi, đó là một công việc không ổn định với chiếc máy ảnh, nay đây mai đó, lúc sớm mai lúc khuya khoắt, trên người có khi vác hàng chục ký đồ oằn hết cả lưng hay say xe đứ đừ đứng không nổi. Thế nhưng mà tớ lại thấy thế mới được ngủ ngon mỗi ngày, được cười mỗi ngày, và được chạm đến sự hạnh phúc tột độ khi xong một tác phẩm hay một hành trình nào đó.
Câu chuyện về sự “thiết yếu” chắc chắn là một câu chuyện phức tạp. Nó phức tạp nên đôi lúc sẽ phải chấp nhận rằng sẽ không phải ai cũng hiểu mình hay xã hội sẽ hiểu mình. Có những chuyện sẽ rất là vô lý và vẫn phải chấp nhận để chúng tồn tại. Nhưng hơn cả vẫn là mình phải hiểu bản thân mình, và mình sẽ phải lựa chọn rằng mình có muốn sống cho mình hay không, hay sẽ luôn sống cho người khác. Sự lựa chọn đó thì chỉ có bản thân bạn làm được thôi, không ai sẽ hiểu được để làm thay cho bạn cả, và mọi sự lựa chọn sẽ đều phải đánh đổi, chúng ta không thể nào có tất cả!
Mấy ví dụ “thiết yếu” thời chống dịch tớ kể trên chỉ là ví dụ của tớ về việc những quan niệm trong xã hội về những thứ được gọi là “cần thiết với người này” nhưng chưa chắc là “cần thiết với người khác” từ các cấp độ khác nhau mà thôi. Chưa chắc những con người “vô lý” ấy đã ác hay ngu, họ cũng là một sản phẩm của sự giáo dục và quan điểm xã hội. Và thực ra ngồi nhà phán (như tớ nè) thì đúng là cũng dễ, chứ giữa thời buổi phức tạp này, cũng chẳng biết thế nào mà lần để định nghĩa và hành xử thế nào cho chính xác, cho hợp tình hợp lý và an toàn. Chỉ là với mỗi một sự việc xảy ra, mình nghĩ rằng mình sẽ học được điều gì đó, hiểu ra thêm được điều gì đó, và đôi lúc biết thông cảm hơn, vậy thôi!
May be an image of one or more people, people standing and outdoors

#488: Cú điện thoại và cái quần

Nguyên văn một cuộc nói chuyện qua điện thoại vừa xong từ một số lạ
– Alo, HÀ hả? (chữ Hà hét rất to)
– À…vâng…mà xin lỗi ai… (đang thấy hơi là lạ)
– Thế em đã LẤY CÁI QUẦN chưa? (cắt ngang)
– Dạ cái gì ạ? Cái quần ạ? Quần nào ạ?
– Cái quần em đặt anh bữa ni đọ?
– Dạ em đặt anh ạ? Cái nào nhỉ? Cỡ to hay nhỏ anh nhỉ? Em bây giờ chắc là phải số to bởi vì…
– Thì làm theo số em đo đọ. Sạu mươi, bạy mươi, tạm mươi đọ (cắt ngay dường như anh 0 muốn nghe trình bày, và nói thêm một tràng nữa về cái quần đó mà thực sự Hà nghe Hà hiểu Hà chết liền)
– Dạ anh nói gì em không hiểu ạ. Anh có thể…hát lên được không ạ? Hát lên thì thường là em hiểu ạ
– EM LẤY CÁI QUẦN BỮA NI CHƯA? (anh hát theo điệu bài Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa)
– À dạ em chưa lấy ạ. Mà cái quần nào í anh nhỉ?
– À xin lỗi chết rồi lộn số . (Tít tít)
À tổ sư thì ra là nhầm máy, chứ không lẽ số đo của mình là sạu mươi bạy mươi tạm mươi? Thế người mình hình tam giác à? Hay nghe lộn nhỉ? Mà cũng không biết có phải là cái quần thật không nhỉ? Hay là đang nói cái gì khác? Là mình phiên dịch lại câu chuyện thế thôi. Mình thề mình chưa hề đi đo may cái quần nào trong thời gian gần đây.
Sự thật có những lúc có những chuyện xảy ra với Hà Hà không giải thích được các bạn ạ.
PS; Số có đuôi 76 ạ. Có là số ai may quần mà quen Hà ở đây không ạ? Và nếu thực sự Hà có đặt quần của anh mà quên lấy thì mong anh liên lạc lại để Hà lấy quần ạ. Cảm ơn anh ạ.

#487: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: 8. FUN FACTS

MỘT VÀI FUN FACTS

#486: MAGIC JOHNSON VÀ LARRY BIRD: FUN FACTS

– Ở nhà quê vùng midwest (midwest hay chỉ là “middle of nowhere”, thường là những nơi xa xôi hẻo lánh ở chính giữa nước Mỹ, ít phát triển và thời tiết có lúc khắc nghiệt), Magic từ bé đến lớn chưa từng bao giờ nhìn thấy cây chanh và cam. Khi lần đầu tiên được tới LA, California, nơi đất của chanh và cam. Anh đã ngạc nhiên tột cùng khi thấy… quả chanh trên cây. Anh chạy tới vặt quả chanh với sự tò mò tột cùng, rồi sau đó kể cho hàng xóm láng giềng ba ngày ba đêm liền về chuyện: “Ở đây muốn ăn chanh thì phải chạy ra… hái đấy” =))

– Điều thú vị khiến cho Magic và Larry khác nhau đến cùng cực là mặt Larry thì lầm lì hơn người bình thường còn Magic thì tươi hơn người… bình thường. Magic cười mọi lúc, mọi nơi, vui vẻ và tươi tắn kể cả khi thông báo mình nhiễm HIV. Nhìn Magic là người ta thấy năng lượng tích cực tràn đầy cả không gian. Magic được coi là “one of the most beloved celebrities ever” – Một trong những celeb thân thiện nhất, dễ gần nhất và được mọi người yêu quý nhất! Nhưng đặc biệt là mọi người yêu Magic thì rõ rồi, nhưng mà mặt Larry lầm lì cỡ nào cũng… không ai ghét, thậm chí còn rất yêu mến anh là đằng khác! Họ khác mà lại rất giống nhau!

– Tới nay người ta đồn Magic đã khỏi bệnh. Có lẽ một trong những bí quyết chiến thắng bệnh tật của anh chính là thái độ tích cực và khuôn mặt hay cười ấy!

– Magic bị chứng rối loạn đọc chữ (Dyslexia)

– Larry tuy rất hay “trash talk” trên sân bóng (là hay chửi bới, kích động đối thủ), nhưng mà anh ít khi xúc phạm kiểu vô học, chủ yếu câu cửa miệng của anh luôn là: “Tao là nhất”, “Tao là số một”, “bọn mày đừng hòng thắng được tao…”. Larry thích làm cho đối thủ phát điên để đấu lại anh mà họ… không đấu nổi. Thế nó mới tức á!

– Larry chơi chính vị trí Small forward (chuyên nghi bàn), Magic chơi chính vị trí Point guard (kiểu như đội trưởng)

– Magic có những cú chuyền bóng hay lừa bóng trứ danh và xem hấp dẫn như xem xiếc hay ảo thuật. Anh cũng là người rất chịu khó vì đồng đội, luôn tạo mọi điều kiện chuyền bóng cho đồng đội ghi bàn. Phong cách chơi bóng của Magic hấp dẫn và thú vị đến nỗi bóng rổ đã được biến thành những màn biểu diễn nghệ thuật, chứ không chỉ là thi đấu thể thao. Điều đó làm nên sự hấp dẫn cho bóng rổ hiện tại.

– Trước khi Magic bị tuyên bố nhiễm HIV. Nhiều người vẫn quan niệm HIV/AIDS chỉ xảy ra với người đồng tính. Và phân phát khuyến khích sử dụng Bao cao su là “vẽ đường cho hưu chạy”, “cổ súy tình dục”. Nhưng sau sự kiện của Magic, mọi người đã hiểu rằng bất cứ ai quan hệ tình dục không an toàn đều có thể nhiễm HIV. Việc khuyến khích và phân phát bao cao su giờ đây đã được coi là hình thức bảo vệ và tình dục an toàn.

– Isiah Thomas – một cầu thủ bóng rổ vốn là bạn thân của Magic (thân kiểu thân ai nấy lo, cuộc vui nào, hào quang nào thì Isiah sẽ có mặt). Cũng là một trong những cầu thủ bị ghét nhất nhì NBA, vì tuy rằng anh này chơi rất tốt nhưng lại cực kỳ xấu tính, hay ghen ăn tức ở. Đến nỗi Olympic 1992, Michael Jordan nói rằng có anh thì không có Isiah. Nên đội dream team phải loại bỏ Isiah cho dù đó là một cầu thủ giỏi. Khi Magic gặp nạn với HIV, thì Isiah lại đi buôn chuyện nói xấu sau lưng khiến Magic rất buồn. Sau này, hai người đã có một buổi gặp nhau trên truyền hình để làm lành. Và có lẽ, Magic sẽ là người duy nhất mà Isiah có thể làm lành và tha thứ, vì với độ xấu tính của Isiah, thì chỉ có người tâm hộn rộng mở không hẹp hòi như Magic mới tha thứ được thôi!

 

– Trong lần Magic quay quảng cáo và được Larry mời tới nhà ăn cơm trưa. Lúc Magic vừa bước chân trước cửa nhà thì được mẹ Larry ôm chầm lấy. Magic sung sướng tột độ vì “lần đầu tiên có một người nhà Bird ôm tôi”. Và mẹ Larry thì hớn hở khoe rằng: “Magic, cậu là cầu thủ ưa thích nhất của tôi đấy”. Và hóa ra, cả nhà của Larry đều rất thích Magic!

– Magic và Larry đấu nhau tổng cộng 37 lần trong suốt sự nghiệp NBA của họ. Trong đó có 18 lần trong vòng loại thường và 19 lần trong vòng loại trực tiếp.

– Trước khi NBA lớn mạnh thì còn có ABA (American Basketball Association), hai bên đều có giải riêng của mình và cạnh tranh khán giả. Tuy nhiên, trước những năm 80’s thì có nói trong bài là nền bóng rổ rất bết bát. NBA lúc đầu còn có luật cấm “dunk” để hạn chế lực ghi bàn của các cầu thủ da đen nên các trận đấu rất nhạt nhẽo, trong khi ABA thì luật rất thoải mái nên về sau để cạnh tranh với ABA cho sự hấp dẫn hơn, NBA đành phải bỏ đi cái luật cấm “dunk” vô lý ấy. Tới thời của Magic và Larry, NBA quá lớn mạnh nên ABA đành phải nhập chung với NBA, trở thành NBA ngày nay!