#79: “Trải hai cuộc tình”

Dạo này tớ lên BBC hơi bị nhiều, đích thị “thủ phạm” là Hero!!!!! Mỗi tội bài này thông tin bị sai lệch :))

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/magazine/story/2007/09/070914_love_stories.shtml
‘Trải’ hai cuộc tình

Nguyễn Hùng
bbcvietnamese.com
Trong vòng chưa đầy 24 giờ, tôi được trải qua hai chuyện tình có thể coi là hấp dẫn.

Tôi không khóc khi chứng kiến những oái oăm của cuộc tình trong phim ‘Sám hối’ (Atonement) nhưng cũng đủ cảm động để cho phim 7,5 điểm. Và tôi là người khó tính.

Tôi không đọc ‘Chuyện tình ở New York’ thâu đêm, nhưng tôi đọc ngấu nghiến quên cả nói chuyện với bạn trên tàu, đọc đến khuya mặc dù buồn ngủ rũ rượi sau hai đêm làm việc và vừa đi vừa đọc khi tàu dừng bánh lúc tôi đã ở những trang cuối.

Có lẽ xin bắt đầu với ‘Sám hối’

Tình tưởng đẹp…

‘Sám hối’ kể về một câu chuyện tình của một đôi lứa ở Anh, trai tài, gái sắc hồi những năm 1930. Cecilia (Keira Knightley) là con gái của một gia đình vương giả, sống trong một biệt thự bao la thời Victoria. Người cô yêu là Robbie (James McAvoy), cậu con điển trai và sáng láng của người giúp việc cho gia đình.

Mặc dù đây là bộ phim đáng xem, chất Anh của phim làm người xem hơi khó hiểu, không giống những phim xem ‘hiểu liền’ của Mỹ.

Đó hẳn sẽ là một chuyện tình vô cùng đẹp của một tiểu thư khuê các và một chàng trai lãng mạn và hào hoa nếu không xuất hiện nhân vật thứ ba – Briony, cô em gái của Cecilia.

Thật trớ trêu, Robbie là mối tình đầu của cả hai chị em mặc dù Robbie luôn nhìn Briony như một đứa trẻ và như một cánh chim đưa thư giữa anh và Cecilia.

Nhưng Robbie đã nhầm. Tình yêu của Briony là thứ tình yêu điên cuồng. Có lần cô đã nhảy xuống một chiếc hồ sâu chỉ để thử xem Robbie có sẵn sàng liều chết để cứu cô không. Và anh đã làm như vậy mặc dù cả hai suýt chết.

Khi ta mười ba

Rồi cũng tình yêu trẻ con của một cô gái đầy mơ mộng nhưng lại có cảm giác không được sự đón nhận đúng mức của những người xung quanh khiến cô mắc một sai lầm cố ý mà cả đời cô không thể quên.

Keira Knightley và James McAvoy, hai diễn viên chính trong Atonement

Trong một đêm mà cả nhà đổ đi tìm hai đứa trẻ ở quê lên chơi bỏ nhà đi, Briony nhìn thấy bạn của anh trai cưỡng hiếp chị của hai đứa trẻ.

Để trả thù tình yêu không được đền đáp và vẫn còn sốc khi thấy Cecilia và Robbie làm tình trong thư viện trước đó ít lâu, Briony ra làm chứng và nói rằng chính cô nhìn thấy Robbie làm chuyện đồi bại kia.

Cũng trước đó trong ngày, Robbie đã gửi nhầm cho Cecilia một mẩu giấy với những dòng chữ hết sức bậy bạ thay vì thư tử tế mà anh viết.

Người đưa thư và cũng là người đọc thư trước khi đưa chính là Briony. Cô đã đưa thư này cho bố mẹ như một minh chứng rằng Robbie là kẻ cuồng dâm.

Kết cục là Robbie phải đi tù, Cecilia giận em và gia đình bỏ đi làm y tá. Khi đó Briony mới 13 tuổi.

Một thời gian sau Robbie được cho lựa chọn giữa ở tù tiếp hay vào lính trong Thế Chiến thứ II và hiển nhiên anh chọn đi lính. Briony cũng chọn không vào học ở Đại học Cambridge mà trở thành y tá như một hình thức chuộc lỗi.

Nhưng cũng như trước đây khi cô không được đáp trả tình cảm thì nay cô cũng không tìm được sự tha thứ.

Cuối cùng cô chuộc lỗi bằng cuốn tiểu thuyết cuối cùng mà thực ra cô viết từ rất sớm – ‘Atonement’. Nhưng tiểu thuyết kết thúc có hậu với hình ảnh Robbie và Cecilia vui đùa trước biển chứ không phải bằng cái chết của hai người, một ở chiến trường, một ở hậu phương trong một cuộc oanh kích.

Mặc dù đây là bộ phim đáng xem, chất Anh của phim làm người xem hơi khó hiểu, không giống những phim xem ‘hiểu liền’ của Mỹ.

Đọng lại sau cùng là lời khẩn cầu của Cecilia ‘Hãy về với em’ và lời hứa ‘Anh sẽ về, sẽ tìm em, yêu em, cưới em và sống không hổ thẹn.’

Phim cũng đòi hỏi người xem phải có những kiến thức nền nhất định về lịch sử và phải có khả năng hiểu những ý ở ngoài hình, một điều không phải khi nào cũng dễ làm được.

Hơn nữa, đạo diễn Joe Wright đã để phim kết bằng một lời tự sự của Briony khi đó đã già trong đó bà kể về cuốn tiểu thuyết và tóm tắt những điều kinh khủng xảy đến với đôi tình nhân khi họ lần lượt qua đời hồi năm 1940.

Tôi có cảm giác đạo diễn sợ phim dài quá nên chốt lại bằng những lời tóm tắt mà đáng ra đã có thể là những cảnh phim gây xúc động mạnh.

Nhưng đối với những người mất khả năng tập trung như tôi, tôi sẽ chọn đi xem phim thay vì đọc tiểu thuyết của Ian McEwan.

Đọng lại sau cùng là lời khẩn cầu của Cecilia ‘Hãy về với em’ và lời hứa ‘Anh sẽ về, sẽ tìm em, yêu em, cưới em và sống không hổ thẹn.’

‘Chuyện tình ở New York’

Từ một chuyện tình ở ven London sang chuyện tình hay một số chuyện tình ở New York.

Hà Kin ký tặng sách ‘Chuyện tình ở New York’ tại buổi ra mắt sách ở Hà Nội hồi tháng tám, 2007

Tôi bị chuyện hấp dẫn với ý nghĩ rằng tôi được quay ngược trở lại thời gian và cùng chứng kiến một tình yêu thực giữa một cô gái có thể nói là hấp dẫn, tài hoa và khá quậy cùng bạn trai của cô.

Người yêu của Hà Kin, Ryan là một người mẫu, có đôi mắt to, bộ râu quai nón và đàn ông tới mức cô bị anh hút hồn ngay từ lần đầu nhìn thấy nhau tại một quán bán đồ ăn nhanh.

Thế rồi khi xuống tàu điện ngầm, hai người lại vô tình cùng bám vào một cột. Và Ryan cho thấy anh cũng có cảm giác sét đánh kia trước cô gái có ‘đôi mắt gây đau đớn’.

Sau khi trò chuyện với nhau qua vài bến tàu, Ryan đưa card cho Hà Kin trước khi chia tay. Nhưng rồi card đã không cánh mà bay khi cô gái về tới nhà và định liên hệ lại với người mà cô có nhiều ấn tượng.

Từ đó cuộc tìm kiếm và tình yêu trong trắng giữa hai người bắt đầu. Mối tình của họ đan xen với những tình yêu khác ở thành phố có tỷ lệ người di dân lớn nhất ở Hoa Kỳ. Có khi đó là những tình yêu đơn phương dành cho chính họ và nó làm cho cuộc tình thêm phức tạp và chuyện kể lại thêm hấp dẫn.

Cách kể chuyện của Hà Kin khá lôi cuốn và tôi đặc biệt thích những cái kết mở và kích thích trí tò mò mặc dù càng về cuối chuyện điều này có vẻ đã mất đi ít nhiều.

Nhưng đúng lúc đó Hà Kin quay sang hỏi Ryan ”Anh không muốn làm chuyện đó với em hay sao”.

Tôi nghĩ chuyện có thể cô đọng hơn nếu một số đối thoại được thuật lại qua lời kể của tác giả. Sau khi đọc được hơn 300 trang tôi đã có cảm giác muốn đọc lướt phần còn lại.

Nhưng đúng lúc đó Hà Kin quay sang hỏi Ryan ”Anh không muốn làm chuyện đó với em hay sao”. Thật đúng lúc!

Và kết thúc câu chuyện thật bất ngờ khi Ryan có vẻ như là một anh đồng tính. Chính tình địch của Hà Kin, một cô gái cũng chết mê chết mệt Ryan đã tiết lộ cho cô điều đó.

Trước khi truyện của Hà Kin được in, tôi cũng có theo dõi những trang viết của cô trên blog.

Nhưng thú thực khi ở trên mạng thời gian của tôi được tính bằng giây. Có lẽ tôi chưa bao giờ đọc quá ba trang màn hình kỹ lưỡng cả.

Chính vì vậy tôi bỗng phát hiện ra rằng tôi không thể là độc giả của những chuyện qua blog nhưng là độc giả tiềm năng của những truyện in từ blog.

Và Chuyện tình ở New York quả đã thuyết phục được thêm một độc giả vừa thiếu kiên nhẫn và vừa khó tính.

Gấp cuốn truyện lại tôi chỉ ước ao giá Hà Kin khám phá thêm một số thế giới khác nữa giữa New York vô cùng hấp dẫn thì có lẽ sức hấp dẫn của ‘Chuyện tình ở New York’ đã lớn hơn rất nhiều.

Nhưng khi đó ‘Chuyện tình ở New York’ sẽ có sức hấp dẫn của một cuốn tiểu thuyết hơn là những trang viết đầy tính người thật việc thật

(Visited 51 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

1 Comment
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
Miki
Miki
15 years ago

“Người yêu của Hà Kin, Ryan là một người mẫu, có đôi mắt to, bộ râu quai nón và đàn ông tới mức cô bị anh hút hồn ngay từ lần đầu nhìn thấy nhau tại một quán bán đồ ăn nhanh.”
Ý đâu phải đâu, gặp ở nới bán mỹ phẩm mà!?