#57: Khen vs Chê

Con người chúng ta chẳng ai hoàn hảo cả và không bao giờ muốn làm người hoàn hảo hết!

Hôm qua nhận được một series phản hồi của độc giả vietnamnet về New York love stories, xúc động quá đi, hix hix. Lại thêm mấy bạn dạo gần đây hay hỏi: ‘Chắc Hà Kin hay được khen lắm nhỉ?”. Các bạn ấy hỏi dò xem tớ có đang bị “vĩ cuồng” không í mà. Khoan trả lời đã, chỉ có là, một câu nói của bạn bè cũng viết được thành một bài blog và…một bài báo! Hôm nay vừa có số báo lên khuôn viết tặng cho một chị mới quen biết chỉ qua một vài tâm sự nho nhỏ của chị (nhưng là một vấn đề rất hay)! (Mọi người muốn tâm sự gì cứ chia sẻ với tôi nhé!)

Hôm nay tôi chia sẻ với bạn quan điểm về sự khen và sự chê và cũng là câu trả lời cho việc tôi có vĩ cuồng vì những lời khen hay không.


Cả lũ chúng ta ai mà chả thích được khen, nhất là con gái á, được khen còn không giấu được, mặt đỏ phừng phừng lên í. Bạn Hà Kin cũng thế thôi, thích được khen lắm, đôi khi chả cần biết là khen đúng hay khen sai, cứ phải…sướng cái đã. Mà nhớ nhé, “khen” chứ không phải là “xu nịnh”. Tôi là tôi chúa ghét xu nịnh, mặc dù không nhầm thì chả ai…thèm xu nịnh bao giờ cả.

Mặc dù sướng thì sướng, nhưng có rất nhiều hệ quả xấu từ lời khen. Hệ quả đầu tiên xuất phát từ “quy luật thích nghi” đó là “nhàm”, khen mãi cũng chán, khen nhiều quá, nghe cứ đều đều tai và đến một lúc nào đó sẽ thấy sự vô nghĩa, hết cảm giác. Hệ quả tiếp theo, nhẵn tiền và rất rõ nét, đó là “ảo tưởng”, khi được quá nhiều người “nâng mình lên tầm cao mới”, họ cứ xốc nách lên mà nâng, nên đầu ắt hẳn phải chạm trần nhà. Và khi tận trên trần nhà thì nhìn xuống dưới thì ai mà chả lùn tịt. Điều này quả là nguy hiểm, vì đôi khi con người mụ mị và không nhận được giá trị thực sự của mình ở đâu nữa và tất nhiên, có những hành xử không đúng với gía trị thực cùa mình và phải gánh lấy hậu quả. Hệ quả thứ ba, đó là lời khen mang lại sự áp lực ghê gớm, khi một cá nhân cực kỳ thành công bất ngờ ở một lĩnh vực nào đó, những lời khen như suối chảy ngày đêm óc ách óc ách khiến họ sẽ u hết cả đầu, và họ lo sợ, nếu một ngày nào đó mình không thể làm tốt hơn được như thế này nữa thì sao đây? hay sẽ luôn luôn phải căng mình ra để có thể tiếp tục nhận được những lời khen như thế này, rồi sớm mai tỉnh giấc, có thể mình đã bị lãng quên…một dạng tổn thương tâm lý trong vinh quanh. Đó là những hệ quả xấu từ lời khen, phớt lờ, ảo tưởng, áp lực, trầm cảm…những lời khen giết chết tài năng.

OK, còn bây giờ quay lại với tôi. Lời khen đối với tôi là thế nèo? Như trên đã nói, hựm hừ, tôi THÍCH CỰC KỲ, hehe. Quan trọng là khi mình nhận thức được giá trị của những lời khen thực sự, mình sẽ cố gắng không bao giờ rơi vào những hệ quả xấu như trên vừa nói.

Thứ nhất, khen nhiều hiển nhiên tôi cũng thấy nhàm. Nhưng tôi nhìn theo một khía cạnh khác. Tôi thích phân tích tâm lý những con nguời đang khen mình. Nhận thức được thấy, tôi chỉ là một người có vẻ “đặc biệt” và “thích chia sẻ”.Và sự “đặc biệt”, “thích chia sẻ” của tôi nó hợp ý với nhiều người, họ cũng có những suy nghĩ giống tôi, và thậm chí thấy rất cảm kích vì tôi đang nói hộ cho họ (điều gì đó). Cái đó gọi là “sự đồng điệu trong tâm hồn” (ak ak), “ta như thế nào thì sẽ gặp người như thế đó” mà. Vậy nên khi chúng ta hợp ý nhau, thì chúng ta khen nhau. Có một đối tượng khác nữa rất hay “khen” tôi, đó là có lúc họ tìm thấy chút gì đó như “lối thoát” trong những tâm sự của tôi mà bình thường họ không nhận ra. Họ cảm ơn tôi như là một lời khen! Đó là những lời nói thật lòng. Bởi vì:

Việc gì họ phải xu nịnh tôi, vì tôi chẳng là ai và chẳng là cái đinh rỉ gì cả giữa cuộc đời này mà họ phải khen để lấy lòng tôi cả. Bản thân tôi cũng thế, khi thấy điều gì đó đẹp đẽ hay hợp ý mình, là tôi khen ngay, không ngần ngại. Còn tôi chẳng việc gì phải đi khen một ai tuy nổi tiếng hay “này nọ” mà tôi không quen biết mà chẳng có gì hay ho cả!


Tiếp theo, ta có thể “nhàm” với lời khen nhưng không thể không vui với những người khen ta. Như trên đã nói, không chỉ “thật lòng” mà họ còn chẳng ngại ngần tặng ta lời khen. Thật tuyệt đời này còn rất nhiều những con người biết nói ra những gì mình yêu và mình ghét. Có đôi khi, ta thấy cái gì đó hay thật đấy, đẹp thật đấy, nhưng chẳng muốn khen, mà đôi khi thích chê nhiều hơn, vì trong lòng ta lúc nào chả ít nhiều vấy mùi “ghen tị”. Vậy mà có nhiều khen mình, và họ cũng chẳng biết mình là ai. Thì ít nhiều phải nên tự hào và hạnh phúc với bản thân, vì mình đang được ở xung quanh những con người “thật lòng” và “thẳng thắn”. Và những người như vậy, khẳng định rằng họ là những con người “nhân hậu”. Ta đang sống giữa một đám người “nhân hậu”, thật thoải mái!!


Khen, tất nhiên là sẽ dẫn tới ít nhiều ảo tưởng về bản thân. Nhưng thực sự không ai hiểu ta bằng ta, tài năng của ta đến đâu, thực lực của ta đến đâu, sự thật là gì? Chỉ có ta là người biết rõ nhất. Có bạn có thể khen bạn có “tố chất của Chủ tịch nước” cơ đấy, hoặc “tranh bạn mà bán thì ối tiền” đấy, nhưng mà tỉnh đê, đập đầu vào tường mà tỉnh, đừng nhận vội, hãy biết rằng một đứa tuy có vẻ “giỏi lý luận” và “thông minh” “lắm trò” “sáng tạo” nhưng lười biếng hay đi muộn và đãng trí thì đừng nghĩ rằng mình có khả năng làm “chủ tịch nước”, và tranh à, đến tranh của họa sĩ tên tuổi còn chả được ối tiền nữa là dăm ba cái tranh vớ vẩn mình vẽ. Những lời khen hay nhất, đó là những câu cảm ơn, “cảm ơn vì đã chia sẻ với tôi…”. Đó là những câu nói hạn chế tối đa được sự ảo tưởng của ta nhất và thật lòng nhất. Ra đường lên mạng có lời khen, về nhà bố mẹ lấy quạt nan phẩy phẩy đôi mắt mơ màng: Con ơi con tỉnh hộ cái nào!!! Và phải tỉnh thật, vì đôi khi lời khen của người khác chỉ là một “cái bẫy thâm nho” để “hạ thủ” mình mà thôi!

Khen, tuyệt vời lắm nếu ta nghe được đúng lúc đúng chỗ. Lời khen có sự khuyến khích hứng khởi ghê gớm và khiến con người sẽ tạo ra được nhiều “sản phẩm” hoặc những điều kỳ diệu. Khen, nghĩa là nhận ra rằng những gì mình đang làm là hay, là đúng đắn, là được yêu thích, và có ích, con người có nhận thức đúng đắn sẽ biết tự “kích thích” mình “tiếp tục thể hiện và cố gắng”. Khi ta thật lòng với ai đó, hãy khen đi, vì có thể ta sẽ gián tiếp giúp cho cuộc đời có thêm điều tốt đẹp. Và khi ai đó cảm ơn ta vì ta vừa làm một việc “có ích”, hãy nhận lấy và tiếp tục “phát huy”. Lời khen giá trị nhất chính là ở đây!

Tuy nhiên, nhiều lời khen cũng chính là một động cơ sinh ra lời chê. Một động cơ “nổi tiếng” nhất đó là sự ghen tị (chúng ta ai mà chả biết ghen, chơi với người không ghen thì đi chơi với cái tivi sướng hơn). Nhưng mà đang nói ở cấp độ ghen “xấu”. Nghĩa là cứ thấy người khác được nhiều lời khen và tán tụng thì tức điên lên không chịu được. Và phải chê bai, phải phá, “không thể để cho cuộc sống của nó tươi đẹp và thú vị hơn mình được!!”. Thêm nữa, đôi khi nhiều người hay hành động theo cảm tính, “suy bụng ta ra bụng người”, cứ nghĩ rằng người ta đang suy nghĩ như mình nên cứ vội vã áp đặt và phủ nhận.

Tất nhiên sống mà chỉ có khen thì cuộc đời chả có nghĩa lý. Lênin Các Mác chả nói “Mâu thuẫn là động lực cho sự phát triển” còn gì. Kinh khủng nhất là mình có lỗi lầm mà 0 ai nói cho mình biết và cứ sống trong ảo tưởng, trong khi sau lưng bao lời đàm tiếu và rồi một ngày tự mình phải muối mặt, thất bại và thất vọng về cái sự ảo tưởng của mình. (Đó cũng là nguyên nhân vì sao có bệnh “tinh vi”, đó là bệnh mà dễ bị người đời căm ghét nhất!)

Nói tới căm ghét. Có chuyện thế này. Ngày APEC xưa kia, và cho tới tận hôm qua hôm kia, vẫn có có vài chú nhảy vào blog của tôi kêu “khinh rẻ” và “kinh tởm”, “coi thường” tôi. Tôi có trả lời rằng không lẽ họ “khinh rẻ” tôi thì nghĩa là “giá trị tôi lởm thật sao?” vậy nên, tôi chả việc đếch gì phải quan tâm tới lời “khinh bỉ” của họ. Họ trả lời, “đằng chị không quan tâm nhưng chị chẳng ngăn được chúng tôi khinh rẻ chê bai bà chị”. Câu này làm tôi buồn cười quá, và không kiềm chế được sự…sung sướng. Và tôi kể cho bạn nghe chuyện này. Bạn bố tôi, một người phụ nữ thông minh và học giỏi nức tiếng một thời, bây giờ bất lực trong việc con mình lúc nào cũng chỉ đạt học sinh tiên tiến. Rằng thì mà là, cứ ở nhà mẹ nó giảng bài cho nó theo phương pháp riêng độc đáo sáng tạo và như ngày xưa cô đi thi học sinh giỏi toàn quốc, thì đến lớp cô giáo gạch phăng và bắt phải làm theo cái lối mòn muôn thủa, “chẳng ra cái kiểu gì”. Và cô bạn bố tôi cười sung sướng; “may quá, nó học sinh tiên tiến, chứ nó mà giỏi theo kiểu…của cô thì tôi chết”. Tương tự, khi chúng ta nhận được những lời chê bai và “khinh bỉ” từ những con người mà ta cho là vô học, xấu tính, nhỏ nhen, vĩ cuồng, thì ta phải thấy tự hào rằng, may quá, họ đang căm ghét mình theo cái nhận thức của họ, chứ họ mà lại yêu quý ta thì ta cũng đến phải xem lại cái bản thân của mình. Thế nên, tất nhiên, khi những con người thực sự tốt, tài năng, thông minh, họ mà lại khinh rẻ chê bai, buồn lòng vì ta, thì ta phải công nhận rằng, TA KÉM THẬT! TA SAI THẬT!

Nhận thức được giá trị lời chê, đừng bao giờ từ chối một lời chê ĐỨNG ĐẮN. Vì chỉ có lời chê bai góp ý ĐỨNG ĐẮN mới là lời chê có ích cho ta. Mà chê, phải chê có tình, có lý, tâm phục khẩu phục. Mọi người nhiều khi cứ thấy tôi hay “cãi lại” cho dù đôi khi chẳng phải là tức giận gì cả. Tôi cãi lại vì tôi thấy nó còn vô lý, tôi muốn nó đạt tới một cái mức nào đó mà tôi nhận ra được giá trị thực sự của lời chê đó, để một là tôi làm cho họ nhận ra họ sai, hai là tôi nhận ra mình sai để còn kịp thời “chấn chỉnh”. Khi nào tôi hết cãi, thì nghĩa là, một tôi đã nhận ra mình có “vấn đề” và bạn sẽ thấy sự “sửa đổi” ngay. Hai là, tôi chán rồi, đếch cãi nữa, kệ, và hiển nhiên cũng không có sự thay đổi nào hết, quan điểm của tôi giữ nguyên! Lời chê mà sặc mùi “vô học”, “hèn hạ”, “cùn”, “ghen tị”, “dai dẳng” chỉ tổ để người ta cười vào mặt và khinh rẻ mình!

Có những con người thật độc ác, tôi nói rất nghiêm túc đấy. Họ sẵn sàng đi chê bai người khác để thỏa mãn sự ganh tị của mình. Lời chê cũng để lại sự ảo tưởng đáng kể, có rất nhiều người cũng không nhận ra được giá trị thật của mình vì những lời chê. Có nhiều người rất tiềm năng nhưng tâm hồn nhạy cảm, hay trầm uất, lại bị tương thêm dăm ba câu chê bai ác ý chỉ vì người khác ghen tị, họ sẽ trở nên tự ti một cách vô lý và tự lãng phí khả năng của mình. Chả khác gì với những người tự tin quá, người mà lúc nào cũng nghĩ mình chẳng làm được gì thì đúng là…chả làm được gì!

Ngốc thế, tỉnh đi, khen à, cứ bình tĩnh, chê à, cứ bình tĩnh. Người ta khen mình, chưa chắc mình đã là tốt như thế, nhưng cũng có nghĩa là khi người ta chê mình, cũng chắc gì là mình xấu như thế. Chỉ thấy mình tốt hay xấu bằng chính những kết quả (thật rõ ràng) mà mình đang có mà thôi! Khen chê đúng giá trị của mình, nhận ngay! Khen chê sai giá trị của mình, PHẢN ĐỐI ngay (bằng nhiều cách)! Nhưng mà, cái này cũng là một bản lĩnh…phải rèn luyện mới nhận ra được đấy!

Tôi đang rèn đây. Còn trong lúc tôi đang rèn thì chúng ta cứ thoải mái…khen chê lẫn nhau đê, hehe!!!

Khen à? Chê à? Thường thoai!!!

(Visited 8 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

1 Comment
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments
HOANG LOAN
HOANG LOAN
13 years ago

kaka, bài này của chị Kin hay quá đi. Phải rèn luyện để “tỉnh” mới được…