Where The Crawdads Sing
Lâu lắm rồi mới mò xem chính kịch mà cũng do bị câu với giới thiệu vì tưởng là phim làm theo phong cách vụ án điều tra :)).
Thấy nhiều ý kiến về việc chuyển thể phim từ sách chưa được tốt. Mình thì chưa đọc sách nhưng mình thường không cho rằng cứ phim chuyển thể từ sách thì cứ phải giống như sách. Phim có thể chỉ lấy cốt truyện, hoặc chọn lọc một phần, một góc nhìn, một hướng khai thác từ sách cũng được. Chứ cứ so sánh phải y chang như từ truyện thì rất là khó. Vì cảm xúc khi đọc truyện và xem phim là rất khác nhau, sự tưởng tượng về nhật vật, bối cảnh từ sách ra phim với mỗi người rất là khác nhau. Chưa kể một bộ phim chưa chắc chuyển tải được nội dung cả một bộ tiểu thuyết và ngược lại. Thế nên rất hiếm phim nào mà lại xuất sắc thể hiện được tinh thần của một cuốn sách. Nên coi sách và phim là hai tác phẩm riêng biệt và thưởng thức theo cách riêng của mỗi tác phẩm.
Cũng lâu rồi mới thấy lại được một cái phim mà có điều gì đó “nostalgia”, một bộ phim đơn thuần kể về một câu chuyện, một bối cảnh, không phải nhiều kỹ xảo, nhạc epic, các thể loại công nghệ như phim bây giờ, cảm giác như xem một bộ phim được làm từ đầu những năm 2000. Thế nên với gu mình thì nó thuộc dạng dễ chịu. Tuy nhiên, cũng không khó để thấy góc nhìn của bộ phim bị ảnh hưởng bởi thời đại với đặc mùi political correct. Những vấn đề của thời đại đều được nhồi nhét trong bộ phim: bạo lực gia đình, bạo lực xã hội, phân biệt chủng tộc, tham nhũng, bảo vệ thiên nhiên… Nói thật giờ những vấn đề này bị đem quá nhiều vào phim dẫn đến phim ảnh rất mệt mỏi và mất hết tính chân thực. Giờ đến công chúa hoàng tử Anh nhưng lại toàn da đen da vàng để cho “cân bằng chủng tộc” trong điện ảnh là đủ thấy báo động rồi =)).
Tuy vậy những vấn đề được đưa ra còn nhiều điều bất hợp lý và bi kịch còn toàn nửa vời không cái gì lên được đỉnh điểm. Nhưng cũng khó trách người làm phim vì với thời đại political correct như giờ chắc cũng khó, vì hơi tí là các movements sẽ phản đối quyết liệt. Bộ phim này nếu so với các phim thời từ trước 2000 đổ lại thì cũng chẳng có gì gọi là quá bạo lực hay phân biệt chủng tộc, tình tiết còn toàn phải kìm nén thế mà đã bị gây tranh cãi ầm ĩ lên như thế rồi, thế nên giờ làm phim mà muốn thẳng, thật nó cũng khó ghê :)).
Chưa đọc sách không biết trong sách thế nào nhưng mình cảm thấy bộ phim bị thiếu một đoạn mà mình cho là rất quan trọng. Đó là những hiểm họa khôn lường rình rập một đứa bé gái phải ở một mình nơi đầm lầy trong quá trình lớn lên của nó. Mô tả quá trình này sẽ cho thấy sự hợp lý và thực tế với cuộc sống hơn dù trong bất cứ thời đại nào. Thứ hai cũng sẽ làm cho khán giả hiểu được tâm sinh lý hoang dã của nhân vật và giải thích cho những tình tiết về nửa đời sau cuộc đời của cô ta. Nhưng một đứa bé gái chỉ ở một mình và tự tồn tại được giữa rừng sâu nước thẳm (mà cả làng ai cũng biết) tới tận lúc lớn 0 có mối đe dọa nào đáng kể, lại da vẫn trắng dù đi làm nông suốt ngày như Lý Tử Thất, tóc vẫn mượt, chưa một ngày đến trường hay được gặp nhiều người mà nói chuyện vẫn khôn ngoan, viết được sách bán bao tiền như mấy anh chị bán quảng cáo trên Instagram thời bây giờ thì… nó cũng khó thuyết phục =)).
Bộ phim này gây cho mình suy nghĩ vì không hẳn là nội dung phim mà là ở cách làm phim. Mình đang lo lắng rằng bây giờ những bộ phim sẽ phải làm theo xu hướng thời đại, đi theo gu của thời đại, luôn phải political correct, vẻ đẹp cũng theo những chuẩn của mạng xã hội và media, lệch pha là cả mạng xã hội nó tổng sỉ vả với các thể loại hashtags và các nhà đạo đức học lên tiếng chì chiết cho thì đuối lắm. Những vẻ đẹp và tiêu chuẩn này đôi khi sẽ làm mất đi tính chân thực của câu chuyện, của nhân vật và hạn chế sự liều lĩnh và sáng tạo của người làm phim. Nếu Whoopi Goldberg, Robbie Williams sinh vào thời này khả năng còn lâu họ mới thành được huyền thoại.
Cá nhân mình thì vẫn đánh giá đây là một bộ phim chỉn chu, dễ chịu, và cũng hiếm quý vào thời đại phim ảnh kỹ thuật với các thể loại công nghệ bây giờ. Nó còn mang được hơi hướng của cách làm phim của những năm trước 2000. Mình vẫn nghĩ cái phim này mà làm vào thời cách đây 20. 30 năm…thì sẽ hay hơn nhiều lần. Nhân vật Tate có thể là anh Leo hay James Spader. Kya là Winona Ryder hay Alicia Silverstone… chẳng hạn. Phim cũng sẽ được làm theo phong cách của thời đó, đúng chất, đúng màu, và của những con người còn sát với thời đại của thủa nước Mỹ thịnh vượng những năm 50’s, 60’s, 70’s… Cũng không chắc nếu là thế phim sẽ thành kinh điển nhưng chắc chắn nó sẽ cực kỳ đáng nhớ, và sẽ gây ám ảnh với những vẻ đẹp và sự diễn xuất đó, bởi vì cốt truyện rất tốt. Còn ở phim này, người làm phim chưa đủ trải nghiệm của một nền văn hóa đậm đặc như văn hóa redneck của thời trước. Diễn viên khá tròn vai, nhưng bị nhạt. Một phần cũng như mình nói, thời đại gu đẹp giờ nó bị nhạt quá! Mà “Đẹp” ở đây không phải cứ là da trắng mũi cao 6 múi óng ả đâu nhé :)). Đẹp là ở cái thần thái và khả năng diễn xuất tinh tế khác biệt nữa. Nhưng đó là thứ hiếm ở thời bây giờ, đơn giản vì cái gì cũng quá nhiều, quá giống nhau và gây quên cũng nhanh!
Nhưng nói chung mình cũng thích phim vì một phần do quan tâm đến văn hóa của dân redneck. Hồi ở Ohio chạm mấy chú redneck ở quê lên tỉnh học, vừa thấy buồn cười, vừa ghét, nhưng cũng vừa thấy thương thương :)). Nhưng mình cũng thích văn hóa của vùng deep south vì tuy rằng con người nghèo khổ, nhiều vấn đề, nhưng họ có một nền âm nhạc và nghệ thuật rất cuốn hút và rất đẹp. Khi nào kể chuyện nhạc blues nghe chơi nhỉ?
Ai rảnh nên xem, cũng là một bộ phim chỉn chu. Mình thường viết không phải là review phim, mà hay nói về cách nhìn của một người đang làm phim và học làm phim, hay nói về mặt thiếu sót để rút kinh nghiệm nhiều hơn là phân tích nội dung phim, nên với một khán giả bình thường, nó sẽ có nhiều điều hay ho và thú vị khác, cả những điều gì ý nghĩa cho mỗi người nữa!
(Visited 26 times, 1 visits today)