#497: HIỆN THỰC XÃ HỘI và chuyện kiểm duyệt
Nhân sự kiện điện ảnh xôn xao này gần đây. Chia sẻ với các bạn một số kiến thức nho nhỏ về điện ảnh. Nói thật thì xem phim, nghe nhạc, thưởng thức bất cứ một loại hình nghệ thuật gì hoặc kể cả không phải nghệ thuật nhưng hiểu thêm về nó, có chút kiến thức về nó, thì sẽ biết thưởng thức nó đúng cách. Mà làm cái gì đúng cách thì cũng chỉ có lợi thôi, không thể có hại được :)).
Trong điện ảnh, có một thứ gọi là “world”. World nôm na là “thế giới”, thế giới ở trong mỗi một bộ phim, một thể loại phim luôn luôn là đặc thù với riêng tác phẩm đó. Trước khi làm một bộ phim, bên cạnh thể loại phim, thì người làm phim phải xác định được cái “world” của bộ phim của mình thuộc về là world gì. Mọi nhân vật, bối cảnh, ngôn ngữ, logic, diễn biến phải trong đặc thù riêng của cái world đó. Ví dụ, nếu bạn làm phim cổ trang thì trang phục, bối cảnh, phong cách ngôn ngữ phải thuộc về một thời kỳ lịch sử nhất định (hoặc một thế giới fantasy nào đó nếu là cổ trang fantasy). Không thể nào là cổ trang đơn thuần kể về một sự kiện lịch sử nhưng tính cách thì như nhân vật hiện đại, lời nói như người hiện đại. Nếu bạn làm một bộ phim hài siêu bựa kiểu phong cách Jim Carrey thì thế giới ấy cũng sẽ phải siêu bựa cho phù hợp nhân vật, chứ không thể một nhân vật siêu bựa siêu hài nhưng lại cài cắm những nhân vật rất dramatic, bi thương, tự ái, quá nghiêm túc vào kết hợp. Nếu bạn làm một bộ phim toàn bạo lực thì thế giới ấy sẽ nhiều chém giết với pha hành động gay cấn và đương nhiên thế giới ấy sẽ ngập tràn bạo lực và súng đạn cùng những nhân vật vừa ngầu vừa điên. Nếu không phải là một phim bạo lực hài thì không thể nào có một anh boss vừa ngu vừa hâm đơ như Jim Carrey. Nếu là một bộ phim fantasy, người ngoài hành tinh thì thế giới ấy sẽ có phép thuật và con người trong thế giới ấy cũng coi phép thuật như thế là một điều bình thường. Nếu là một bộ phim về góc nhìn nội tâm, thì con người trong thế giới đó không nhất định cần phải nói nhiều hay hành động nhiều. Cả phim từ đầu đến cuối có khi cũng chẳng cần một lời thoại… Nói chung “world” cũng có thể hiểu nôm na là góc nhìn riêng của người sáng tác. Và nó là vô cùng về sự sáng tạo, thể loại, phong cách. Nhưng nó vẫn có một luật duy nhất, đó là đã lựa chọn world nào thì bắt buộc phải hợp lý ở trong cái world đó. Mỗi world sẽ tập trung cho một góc nhìn, một thể loại chứ không thể hỗn tạp.
Để dễ hiểu hơn nữa, ví dụ bạn chụp một bức ảnh. Trước mặt bạn là một con phố Hà Nội với một góc nhỏ vẫn là một ngôi nhà cổ với mái ngói rêu phong và cánh cửa sổ gỗ xanh đầy cổ kính. Nhưng ngay bên cạnh lại là những nhà kính cao tầng xanh xanh đỏ đỏ biển hiệu. Lúc này mong muốn của bạn là một chụp một tấm ảnh để kể về một Hà Nội cổ. Khi bạn giơ máy ảnh lên, bạn sẽ chỉ tập trung đúng viewfinder của mình vào ngôi nhà cổ với mảng tường rêu phong cùng chiếc cửa xanh. Tuyệt đối không thêm bất cứ hình ảnh lộn xộn nào khác của những ngôi nhà bên cạnh vào trong khuôn hình. Và mọi người sẽ chỉ thấy một Hà Nội cổ trong bức ảnh của bạn. Và đương nhiên bạn cũng không thể bị lẫn trong bức ảnh này chiếc xe máy hay cái ô tô đang đỗ trước cửa ngôi nhà cổ đó. Bạn phải chọn góc để không bị lẫn chúng vào. Việc lựa chọn chỉ những yếu tố của ngôi nhà cổ đó chính là cái “world” của bức ảnh!
Có thể bạn đang nghĩ rằng những điều mình nói là hiển nhiên có gì phải kể ra. Nhưng thực ra vì mình kể nó ra… dễ hiểu thôi =)). Chứ sự thật ngoài kia rất nhiều nhà làm phim bị lẫn lộn và bối rối với cái world mà họ tạo ra. Và sự lẫn lộn này, nó không chỉ ở cả người làm phim, mà còn cả người… kiểm duyệt phim và khán giả. Tới đây bạn chắc không lạ gì hai cụm từ: “thuần phong mỹ tục” và “phản ánh hiện thực xã hội”. Có rất nhiều bộ phim ra đời với một “world” theo phong cách của riêng nó, chứ không thể mọi bộ phim đều phải là “phản ánh hiện thực xã hội”. Cho dù đó là những bộ phim có thể dùng cuộc sống làm chất liệu sáng tác và nội dung. Chất liệu cuộc sống ở đây là DỰA TRÊN tâm sinh lý của con người hoặc bối cảnh của con người. Ngay cả làm phim về quái vật hay người ngoài hành tinh thì những nhân vật ấy vẫn phải có tâm sinh lý của con người. Quái vật cũng biết yêu và người ngoài hành tinh cũng biết buồn. Bởi vì chúng ta đang làm phim cho người xem cơ mà. World được tạo ra bởi nhà làm phim sẽ sử dụng những thủ pháp điện ảnh để miêu tả lại chính world đó. Và cái đó hay được gọi là “hình tượng”. Một Forrest Gump có khả năng chạy nhanh phi thường và chạy không biết mệt không phải để kể lại một Forrest Gump nào đó có thật ngoài đời có khả năng y như vậy, mà đó chỉ là hình tượng được lắp cho nhân vật để miêu tả về một con người ngây ngô đơn giản nhưng có nghị lực phi thường cùng khả năng chiến thắng bản thân và đời đôi khi không cần cứ phải quá phức tạp mới có điều đặc biệt. Trong Naked Director, nhân vật Toshi luôn nhìn mọi hoạt động của ông chủ yakuza qua cái bể cá, kể cả lúc chứng kiến người phụ nữ mình yêu đang làm tình với ông ta cũng qua chiếc bể cá. Nó không phải để miêu tả rằng nhân vật không biết đứng chỗ nào khác để nhìn mà để hình tượng cho một sự quan sát từ xa, cùng góc nhìn đầy toan tính, nhiều trăn trở và phức tạp qua lớp kính mù mịt cùng những con cá bơi qua bơi lại thể hiện một sự fancy của ông chủ và sự bất ổn của Toshi. Một bộ phim với một thế giới đầy fantasy với cô tiên hay quái vật cũng đôi khi là một thể loại hình tượng để miêu tả những ý định truyền tải thông điệp cuộc sống của người làm phim. Một bộ phim đầy rẫy những cảnh làm tình cũng là một cách miêu tả những dồn nén nội tâm hay một thông điệp về sự giải thoát. Và nói thẳng ra, ngoại trừ phóng sự với phim tài liệu ra, thì không nên coi bất cứ bộ phim điện ảnh sáng tác nào là để “phản ánh hiện thực xã hội”. Còn nếu nó thực sự đó là một bộ phim “kể lại một hiện thực xã hội” thì đó là world mà tác giả đã lựa chọn ngay từ đầu và phải hết sức rõ ràng với điều đó. Chứ không thể nào cứ ra một bộ phim là bắt nó phải dùng để “phản ánh hiện thực xã hội”.
Những nhà kiểm duyệt phim bản thân cũng chưa hiểu rõ về kiến thức điện ảnh này sẽ rất dễ bị quy chụp khi đánh giá hay suy xét lỗi cho một tác phẩm mà họ kiểm duyệt. Khi họ cho rằng một bộ phim đầy bạo lực, cảnh sát không trong sạch, một bộ phim có nhiều cảnh sex, một bộ phim kể về những số phận nghèo khổ, một bộ phim về những câu chuyện tâm linh, một bộ phim ca ngợi về một cậu bé chơi game… là những thứ “không phản ánh hiện thực xã hội” . Điều này chỉ thể hiện sự không cởi mở trong tư duy và thiếu kiến thức điện ảnh trầm trọng của chính họ. Và điều này sẽ giết chết sự sáng tạo và gây ra sự e dè với tất cả các nhà làm phim. Ở đây chúng ta còn chưa nói tới chuyện như thế nào là “hiện thực xã hội” nữa nhé!
Tất nhiên, ở một khía cạnh khác về phía người làm phim. Đặc biệt là ở những nhà làm phim mới mà lại đến từ gốc của những nền điện ảnh chưa phát triển nhiều như nền điện ảnh nước mình, thì việc khả năng của họ để sử dụng được thủ pháp điện ảnh giỏi hay hợp lý miêu tả ra được mong muốn, thông điệp, sự sáng tạo của họ chưa chắc đã là tốt. Có thể ý tưởng và sự sáng tạo của họ là tốt (hoặc họ nghĩ rằng thế là rất tốt), nhưng cách họ làm chưa ra hoặc chưa tới, chưa chuyên nghiệp đôi lúc sẽ vẫn có thể gây ra sự phản cảm, hoặc chưa đủ thuyết phục được những nhà kiểm duyệt khó tính. Nhưng với cái vòng luẩn quẩn với những sự hạn chế về quan điểm cởi mở và thiếu hụt kiến thức về điện ảnh khiến cứ kìm hãm sự sáng tạo và độ mở của người làm phim thì đến bao giờ mới có một nền điện ảnh tử tế hơn cho người làm phim thực sự được phát triển? Để họ được thực sự làm tốt hơn?
Để tâm sự với các bạn về “giấc mơ Oscar”. Mọi người thật sự cần phải hiểu rằng, giải Oscar cũng như Olympics trong Thể thao. Đã tới được cái level cuối và đọ sức với nhau, thì đó không phải dành người “bình thường” và cũng không thể nào có sự may mắn. Nó không phải là bóng đá hay hoa hậu mà bất ngờ may mắn có giải hoặc bất ngờ thắng. Những bộ phim đã đoạt được tới giải Oscar, đều phải xuất phát từ những nhà làm phim rất kỳ cựu, từ những nền điện ảnh rất vững chắc và giàu truyền thống. Sự vững chắc này là chắc từ gốc và bài bản. Những vận động viên đoạt được Olympics, họ phải được chọn lọc từ tố chất cực tốt, đầu tư tốt nhất từ nhỏ, rèn luyện bền bỉ, cọ xát liên tục mà ra đến đấu trường lớn vẫn trầy trật. Chứ không thể được tập có vài năm, đồ ăn còn thiếu, đồ thi đấu còn thiếu mà may mắn giành được một chiếc huy chương Olympics hết năm này qua năm khác. Một Hàn Quốc có một Parasite chiến thắng Oscar như vậy là nỗ lực của cả một nền điện ảnh với sự hợp sức của cả khán giả, sự tạo điều kiện cởi mở của chính quyền, sự đoàn kết và quyết tâm học hỏi của các nhà làm phim trong nhiều năm liền được tính bằng hẳn vài thập kỷ. Chứ không thể nhìn thấy một đất nước châu Á có giải Oscar mà nghĩ rằng mình cũng sắp được giải Oscar đến nơi.
Làm phim có một sự khác biệt với một số loại hình nghệ thuật khác như là hội họa, âm nhạc… người ta có thể nổi tiếng sau một đêm với tác phẩm của mình. Nhưng với phim thì một cánh én không làm nên mùa xuân. Vì phim ảnh là câu chuyện của cả một tập thể. Một bộ phim tốt phải đến từ toàn bộ một tập thể tốt. Đạo diễn có giỏi đến mấy nhưng quay phim kém, ánh sáng kém, diễn viên tệ, sản xuất lập bập, ekip chậm và thiếu kinh nghiệm… vứt. Kịch bản có hay đến mấy nhưng đạo diễn kém, diễn viên tìm không ra, sản xuất không có tầm nhìn… vứt! Mà có quay hay lắm, diễn hay lắm, vào đến phần dựng mà dựng phim không biết kể chuyện, lắp nhạc sai thôi là đã lại… vứt! Mà một tập thể giỏi và đồng đều phải đến từ một nền điện ảnh giỏi và đồng đều, có sự đầu tư, có sự chuyên nghiệp và phải được rèn luyện qua rất nhiều năm tháng. Ca sĩ còn có thể dùng autotune để lấp liếm giọng hát nhưng một bộ phim dở vì cách kể chuyện dở, thiếu đầu tư, diễn xuất kém, cho dù hình ảnh có đẹp đến mấy vì dùng máy xịn đến mấy thì cũng không thể giấu được rằng nó dở! Có thể, qua một đêm, bạn là một đạo diễn mà cả thế giới biết đến bạn, nhưng có một điều chắc chắn rằng, trước đó của bạn là cả một hành trình dài và thành quả này không phải là của một mình bạn!
Thế nên, nếu không có một sự cởi mở về kiểm duyệt, sự đầu tư cho điện ảnh đúng mực, sự ủng hộ đồng lòng của khán giả và nếu có thì cũng phải rất nhiều nhiều năm trời, thậm chí hàng thập kỷ cùng các lớp nhà làm phim tỏa đi khắp thế giới học hỏi thì cứ nên coi giấc mơ Oscar là một giấc mơ fantasy. Không thể cứ mơ mãi Oscar nhưng mà không tạo điều kiện cho người làm phim được bung mở đi tới Oscar. Mà mở từ bây giờ mà nếu cứ theo tiêu chí của Oscar như hiện tại không thay đổi thì cũng phải tính bằng 1 hoặc vài thập kỷ mới có thành quả đấy!
Điện ảnh, cho tới bây giờ, đã tới thể kỷ thứ hai, con người đã được trải qua hơn trăm năm và chắc đã phải có hàng triệu bộ phim đã được sản xuất. Khán giả cũng đang trong thời đại toàn cầu hóa, có điều kiện để xem và tiếp xúc với hàng trăm nền điện ảnh khắp nơi trên thế giới. Nên bây giờ vẫn dùng một số người đại diện để quyết định cho một cộng đồng rộng lớn rằng phim này là “đáng xem hay không đáng xem”, “hợp lý hay không hợp lý”, “hay không là hay”, lo lắng thay cho người xem và còn chưa tính rằng những người đại diện ấy có đủ kiến thức và khả năng để quyết định thay cộng đồng hay không, thì có lẽ là một điều không thể tiếp tục duy trì. Khán giả bây giờ, khi xem một bộ phim, chỉ có khái niệm thích hay là không thích chứ không cần ai chỉ hộ cho họ hay hay không hay, là thể loại phim gì, có phải nó đang phản ánh hiện thực xã hội hay không.
Bản thân khán giả khi xem một bộ phim sẽ có những cảm nhận khác nhau. Có người xem Sex Education chỉ thấy toàn cảnh bẩn bựa, trẻ con bạo dạn, một thế giới tuổi teen phương tây trụy lạc. Nhưng có người lại thấy đồng cảm, nhìn ra được những bài học cuộc sống thú vị, tinh tế. Có người thì thấy động lực vì một bộ phim được kể rất hay khiến họ thấy cảm hứng cho những dự định tương lai của mình… nhưng mà Sex Education mà lại quy chụp thành “phản ánh hiện thực xã hội” và không thể được kiểm duyệt thì có phải sẽ không ai muốn làm ra được những tác phẩm bạo liệt và thú vị như thế lần sau nữa.
Bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào, một quan điểm xã hội nào đều không bao giờ có thể làm hài lòng tất cả mọi người trên thế gian này. Đến hình ảnh một con cún rất xinh rất yêu ngủ gật mà đăng lên mạng xã hội cũng có người có thể chửi bới rằng đó là lạm dụng động vật. Nên không thể cái gì cứ có vẻ có “nguy cơ” là cấm đoán. Bởi vì xã hội sẽ luôn có một quy luật riêng rất rõ ràng, cái gì dở, vô đạo đức, xấu xa, kém chất lượng, tự khắc nó sẽ bị đào thải!
Cũng không thể bắt một tác phẩm nghệ thuật phải chịu trách nhiệm cho hành xử của mỗi cá nhân hay xã hội. Mỗi người, mỗi gia đình có con cái phải tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình. Mỗi một người trưởng thành phải tự chịu trách nhiệm với sự lựa chọn của mình. Một cái title bài báo như là “Sau phim Người phán xử tình trạng tội phạm gia tăng” mình coi là một sự troll ở level cao, chứ ai lại đi đổ tội cho một bộ phim vì tình trạng quản lý an ninh an toàn xã hội quá yếu kém được. Nghe thế này là bạn thấy sự vô lý rồi chứ?
Tuy nhiên, vẫn phải có sự kiểm duyệt ở mức độ nào đó. Vẫn phải có những tiêu chí kiểm duyệt rõ ràng đặc biệt với những vấn đề liên quan đến đạo đức. Cụ thể như là không được giết hại động vật, phá hoại thiên nhiên, tài nguyên, dùng trẻ em đóng cảnh nhạy cảm, kích động tôn giáo (mình nghĩ làm gì thì cứ né tôn giáo ra =))…. Sự kiểm duyệt với những tiêu chí rõ ràng này phải tách biệt với những thứ thuộc về “gu” và quan điểm cá nhân, đặc biệt là sự suy luận. Ví dụ cứ làm phim về ngoại tình thì nghĩa là “đang cổ súy cho nạn ngoại tình”. Phải được trang bị kiến thức cho thế nào là “phản ánh hiện thực xã hội”. Và đặc biệt, người làm công tác kiểm duyệt điện ảnh phài là người thực sự có kiến thức giỏi về điện ảnh, xu hướng điện ảnh trong nước và cả thế giới, có quan điểm, tư tưởng rộng mở, có tinh thần cổ vũ điện ảnh, và đương nhiên phải là một người yêu… điện ảnh chứ không phải vì cái ghế nhiều lộc thơm!
Bây giờ được nhất là các nhà kiểm duyệt cùng ngồi đối thoại với các nhà làm phim. Đối thoại một cách thẳng thắn nhất, cởi mở nhất, sử dụng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, surveys, thống kê, lý lẽ để thực sự thông hiểu lẫn nhau cũng như đặt yếu tố vì lợi ích của khán giả và một sự phát triển của một nền điện ảnh lên hàng đầu. Từ đó ra một sự thống nhất về các tiêu chí kiểm duyệt hoặc những cách có thể mở cho các nhà làm phim được bung tỏa. Các tiêu chí có thể còn phải qua nhiều năm nhiều sự kiện và tiếp tục được thay đổi, chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng không bây giờ thì khi nào?
Còn nếu không có sự đối thoại này, các nhà làm phim thì vật lộn với những đề tài và cách kể chuyện bị bó hẹp, những bản cắt đến méo mó (mà đôi khi khán giả không hiểu cứ chửi chết cha chết mẹ). Sự bức xúc lâu dài, những tiêu chí không rõ ràng khiến làm nản lòng những người làm phim. Thì thôi, nói thật, dẹp hết mọi giấc mơ vươn xa vươn cao đi, mà dẹp luôn nền điện ảnh chắc cũng được, làm nông nghiệp kiểu Lý Tử Thất có khi lại đắt hàng đấy :)). Thế giới nó đang đi xa lắm rồi!!!!
Cho mình mở ngoặc một chút về Các liên hoan phim. Không phải bộ phim nào đoạt giải Liên hoan phim cũng có nghĩa là một bộ phim hay với nhiều yếu tố nghệ thuật. Các liên hoan phim lớn, thậm chí giờ là cả giải Oscar, cũng bị chi phối rất nhiều bởi yếu tố chính trị, tham nhũng, những đề tài xã hội ưu tiên, thậm chí bỏ nhiều tiền “donate” thì phim cũng có giải thôi. (Bạn có thể google thêm khái niệm “poverty porn” ở các nước phương tây). Vậy nên không nên cứ được giải liên hoan phim với những mỹ từ mà chưa chi đã coi đó là niềm tự hào và cứ tự sướng trong thế giới làm phim nhỏ hẹp và bị bó buộc như bây giờ rồi và nghĩ rằng “thế là cũng ổn”. Chỉ có có một thứ chắc chắn là phim sẽ hay, đó là phải đến từ những nhà làm phim rất giỏi. Và những nhà làm phim rất giỏi phải đến từ một nền điện ảnh cởi mở, có sự đầu tư, giàu truyền thống!
Ở đây mình không nói nhiều về cụm từ “thuần phong mỹ tục”, bởi vì đó là một điều rất vô cùng, không có định nghĩa cụ thể và được quan điểm riêng theo từng cá nhân nên khó lòng mà có một cái chuẩn rõ ràng để nói về nó.
Nói về bộ phim “Vị” đang gây tranh cãi vì phải đổi quốc tịch để phim được phát hành. Vì phim mình chưa xem nên mình không thể có ý kiến rằng đây là một bộ phim thế nào, nó có “đáng” bị kiểm duyệt như thế hay không. (Cả bài mình đang nói đến tình trạng kiểm duyệt điện ảnh đáng báo động nói chung). Mình chỉ xem trailer và thấy ít nhất về phần hình ảnh và ánh sáng rất đẹp và đó đã là một yếu tố nghệ thuật thành công rồi. Còn về phong cách, tác giả có “world” của riêng họ, và có cách kể chuyện hình tượng của riêng họ thế nào, những cảnh sex trong phim là một hình tượng thủ pháp điện ảnh để miêu tả ý tưởng gì… thì phải xem phim mới biết. Nhưng khi bạn hiểu về “world”, thì bạn sẽ bớt bức xúc về chuyện “phản ánh hiện thực xã hội”, hay là “làm nhục hình ảnh người phụ nữ Việt Nam” vân vân mây mây… và sẽ xem một bộ phim với một tâm thế khác đi. Còn bộ phim được mang quốc tịch nào thì nếu mình là nhà làm phim thì mình thấy đó cũng là một điều bình thường và thậm chí nên rất vui vì điều đó, vì ít nhất với hoàn cảnh này, có điều kiện để đem tác phẩm của mình đi khắp nơi là quá tuyệt rồi. Cái đích cuối cùng của một người sáng tác vẫn là để được thỏa mãn mình và sau đó được nhiều người biết đến tác phẩm của mình càng nhiều càng tốt đúng không ạ? Nếu có cách, thì cứ vui thôi!
Xem phim, nghe nhạc, ngắm ảnh… thực ra nếu đúng cách là có thể enjoy to the fullest. Sự enjoy này thì bản thân mình là người hưởng lợi chứ không phải ai khác.
Mình cũng làm phim và chưa biết thế giới làm phim tương lai của mình sẽ ở đâu. Mình khá chill và còn giai đoạn quan sát và học tập vì mình hiểu làm một bộ phim hay là không phải chuyện ngày một ngày hai. Nhưng mình có sự sốt ruột của riêng mình. Nhìn nền điện ảnh Hàn Quốc đã đi xa như thế này rồi, mà giờ mình vẫn ngồi đây ở một nơi lo về sự kiểm duyệt, các anh chị làm phim vẫn bối rối và nhiều bức xúc. Một nền điện ảnh non trẻ vẫn nhiều hỗn loạn. Nói thật, những “worlds” của mình nó cũng phức tạp và nhiều sự nổi loạn lắm, và cũng chưa tìm được nhiều bạn đồng hành hợp ý. Thế nên… haizza!
Một bộ phim hay một bản nhạc khi được sáng tác ra đương nhiên có đối tượng khán giả riêng của họ. Nếu bạn xem một bộ phim hay một bản nhạc không hay, bạn không thích. Thì thôi cứ bỏ qua, vì nó không phải làm ra để dành cho bạn. Vậy thôi!
*Những nhà kiểm duyệt phim: Ở đây là không chỉ nói tới những người kiểm duyệt trực tiếp, mà bởi bất kỳ ai để ra những quyết định cho sự tồn tại của một bộ phim!
(Visited 102 times, 1 visits today)
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Oldest
Newest Most Voted
Inline Feedbacks
View all comments