Nhân tiện xem xong phim tài liệu “What the health”. Nên quyết định là phải viết bài này!
Ăn chay hay là ăn mặn?
Ah… câu hỏi này dễ gây oánh nhau ghê :))
P/S: Một bài viết rất dài, không chắc ai đọc cũng hiểu hết nhưng mà hãy cứ đọc hết trước khi có bất cứ ý kiến gì phản hồi. Và không tiếp bất kỳ ai hiếu chiến về một chế độ ăn uống nào cụ thể!
(Nhưng mà thực ra đôi lúc tôi nghĩ người ta thích cãi nhau vì mỗi người có những niềm tin bất diệt của riêng mình chứ cũng chưa chắc là vì nó dựa trên facts hay knowledge). Quan điểm của tôi thì… chế độ ăn của mỗi người cũng giống như quan điểm, không có quan điểm nào hài lòng tất cả mọi người thì cũng không có chế độ ăn nào áp dụng được với tất cả mọi người!
Có một sự kiện thế này. Một cô bạn gửi cho tôi một cuốn sách của một tín đồ về thực dưỡng cho đọc và tôi có đưa cuốn đó cho mẹ. Mẹ đọc say mê, rồi một ngày tới bữa ăn cơm, mẹ tuyên bố: “Sau lỡ có bệnh gì mẹ sẽ không đi chữa tây y, sẽ cứ để tự nhiên và theo chế độ ăn uống thôi”. Nghe mẹ tuyên bố xong thì cả nhà nhìn nhau giật mình một chút. Và phải nói rằng sách vở hay kiến thức gì mà cứ để bị người ta đọc hay xem xong mà thành “tín đồ” một cách mù quáng thì quả thật đó là điều nguy hiểm!
Trên Netflix có một phim tài liệu độc lập tên là: “What the health”. Lý do mình xem vì rất muốn tìm hiểu nhiều góc và nhiều kiến thức về sức khỏe, đặc biệt là về ung thư, tiểu đường.
- Ăn nhiều thịt thật là tai hại và những sự giả dối..
Bộ phim mở đầu khá hay khi giải thích về các nguyên nhân khiến nhiều người bị tiểu đường, ung thư, mỡ máu, đột quỵ… những căn bệnh đáng sợ mà tỉ lệ người mắc ngày càng cao năm qua năm và nó có thể xảy đến với tất cả mọi người. Quả thật, chế độ ăn uống, sinh hoạt ngày càng dễ dãi, vô tội vạ cùng sự ô nhiễm môi trường, không khí, khiến cho con người ngày càng khó kiểm soát được các nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là những bệnh nan y mà y học vẫn chưa tìm ra được những biện pháp chữa bệnh tối ưu.
Một trong những nguyên nhân lớn nhất cho việc mắc những căn bệnh nan y trên, đó là việc tiêu thụ quá nhiều thịt và sản phẩm làm từ động vật. Những quảng cáo chảy nước miếng về những miếng cheese chảy thơm vàng trên những lát thịt hamburger, những ly sữa phát triển chiều cao và trí thông minh… đó là hình ảnh có thể coi là các món ăn điển hình và truyền thống của phương tây, điển hình ở đây là người Mỹ. Thế nên tỉ lệ bệnh béo phì và tiểu đường của người Mỹ chắc là đứng đầu thế giới. Bộ phim dẫn dắt dần người xem tới những mặt tối tăm của việc ăn thịt, sản phẩm từ động vật và cả một nền kinh tế tiêu thụ sản phẩm động vật phía sau. Thật kỳ lạ khi rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự nguy hại của việc ăn các thịt đỏ, sữa, phô mai… đã khiến gây ra hoặc tăng tỉ lệ ung thư hoặc tiểu đường nhưng trên các trang web của các tổ chức, hiệp hội, học viện lớn nhất của nước Mỹ về chống ung thư, tiểu đường, ung thư vú… lại có rất nhiều những thực đơn khuyến khích chế biến các món ăn làm từ những thực phẩm này. Tác giả bộ phim đã gọi điện lên các tổ chức này cũng như đến tận nơi để xin được phỏng vấn về lý do tại sao thì đều bị từ chối tiếp chuyện và thậm chí bị đuổi về.
Cuối cùng anh ấy đã research ra một bí mật đáng sợ giải thích cho những điều phi lý như vậy. Đó là tất cả những tổ chức, hiệp hội này đều được tài trợ bởi những hãng sản xuất sản phẩm từ động vật lớn nhất, các hãng ăn nhanh, các Big Pharmas (sản xuất thuốc). Rốt cuộc thì, người ta ra rả nói cho bạn về sự nguy hại của ung thư, tiểu đường… nhưng bên cạnh đấy thì vẫn khuyến khích bạn ăn uống những chế độ ăn uống nguy hại với những thực phẩm còn tăng khả năng bị bệnh lên nhiều lần chứ chưa nói tới trị bệnh. Bởi vì cuối cùng thì ta chợt hiểu tất cả chỉ là giả dối, tiền vẫn là thứ quyết định cho mọi thứ trên đời này, rồi chắc phải vài tầng nữa mới tới vấn đề đạo đức.
Rất nhiều bệnh nhân như tiểu đường, gout.. mỗi lần đi bác sĩ là mang về nhà một vựa thuốc. Và họ được bác sĩ nói rằng họ sẽ phải uống thuốc cả đời. Với một rổ thuốc mỗi ngày như vậy, rồi không biết cơ quan nội tạng nào chịu nổi lâu? Chưa chết vì tiểu đường có khi đã chết vì loét dạ dày, suy thận.. Câu hỏi đặt ra là… có thực sự phải cần tới từng đấy thuốc hay không hay chỉ là chiêu trò của ngành y để khiến cho con người sẽ mãi bị lệ thuộc vào thuốc? Hay ta có thể tự cứu ta, bằng những chế độ ăn uống hạn chế tối đa từ thịt và sản phẩm động vật? (Đặt vấn đề của bộ phim)
Bên cạnh việc tiêu thụ quá nhiều đạm từ các sản phẩm từ động vật gây hại tới sức khỏe người ăn, nó còn là vấn đề dịch bệnh, thuốc kháng sinh tiêm vào gia súc và sự ô nhiễm môi trường khủng khiếp từ những trang trại chăn nuôi.
Quả thật không thể quên được những ngày đi roadtrips mà tình cờ đi qua những trang trại chăn nuôi động vật lớn thì dù cái xe ô tô có kín đến mấy cũng phải vừa lái thật nhanh vừa nín thở vì mùi quá khủng khiếp. Những con vật nhung nhúc nhau kín những nông trang rộng lớn. Mỗi lần như vậy thấy nhói lòng ghê gớm, thấy nhói lòng vì nghĩ chúng được nuôi rồi cũng chỉ để làm thịt. Nhói lòng vì những con người phải lao động trong một môi trường khủng khiếp như vậy, nhói lòng vì những người dân phải sống ở quanh đấy họ sẽ phải chịu đựng như thế nào, và vì chắc chắn quá nghèo mà không thể đi đâu khác. Nhói lòng vì biết chắc chắn là đất đai không khí sẽ bị vô cùng ô nhiễm…
Bộ phim dẫn dắt người xem đầy thuyết phục về những thực trạng đáng sợ của việc sử dụng quá nhiều thịt và sản phẩm từ động vật cùng những hậu quả của nó gây ra, từ sức khỏe con người, cho đến vấn đề môi trường và đạo đức…
… cho đến khi nó dẫn sang nửa đoạn sau của phim…
Tôi hoàn toàn đồng ý với những kiến thức và những luận điểm của nửa đầu phim khi nó đưa ra những điều đáng sợ của việc tiêu thụ thịt và sự nguy hại của nó với các tác động của đời sống con người. Việc ăn quá nhiều thịt ít rau, nội bị táo bón với trĩ ngồi xuống còn thốn chứ chưa nói gì tới béo phì tiểu đường ung thư.
Tuy nhiên, đáng buồn là khi bộ phim dẫn dắt con người đi tìm “giải pháp” cho những vấn đề nó đưa ra thì nó làm cho những người xem mà có chút kiến thức như tôi về thế giới động vật và thiên nhiên thấy bị “lost” và bắt đầu cảm thấy có sự bức xúc. Tôi nói điều này không chỉ là ở việc quan điểm, mà còn là một sự rút kinh nghiệm với tư cách là một người làm phim. Nếu muốn một bộ phim thuyết phục được người xem từ đầu đến cuối, thì luận điểm và kiến thức phải rất vững và cách dẫn dắt phải rất khéo léo. Bởi vì đôi lúc mình đã vào thân bài rồi thuyết phục được bao nhiêu mà nửa đoạn sau đưa ra những luận điểm có tính chất một chiều và quá chủ quan, lờ đi “facts”, thì nó khiến bạn sẽ mất hết lòng tin và sự thuyết phục bởi những luận điểm bạn đã đưa ra ban đầu cho dù chúng đúng. Tới đây ít là học được một bài học về làm phim tài liệu.
Rất nhanh thôi bạn sẽ nhận ra tác giả bộ phim là một người nghiêng về chế độ ăn uống thực vật và thực dưỡng. Vấn đề được đưa ra về những nguy hại của việc ăn thịt và tiêu thụ sản phẩm từ thịt khiến gây ra nhiều bệnh tật, đã được tác giả đưa ra “biện pháp” thay thế, đó là ăn nhiều sản phẩm từ thực vật. Những luận điểm này cũng được hỗ trợ bởi ý kiến và nhiều chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ, nhà nghiên cứu…. Bộ phim cũng phỏng vấn một số bệnh nhân tiểu đường và ung thư, chỉ sau một thời gian vài tuần quyết tâm bỏ toàn bộ thuốc thang, ăn một chế độ thực phẩm đầy thực vật… và họ đều đã khỏe khoắn trở lại, bỏ dần được sự lệ thuộc vào thuốc mà ngỡ tưởng như họ sẽ phải dùng chúng cả đời. Bệnh nhân ung thư thì đã khỏi bệnh mà không cần phải có sự can thiệp của Tây y!
Nếu xét ở góc độ nào đó. Chúng thật sự đáng thuyết phục và những người kiểu như mẹ mình mà xem là chắc từ hôm sau bỏ thịt chỉ ăn chay luôn! Bộ phim gần như absolute về việc chỉ ăn chay hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ thực vật là việc ăn uống tốt nhất cho tất cả con người và cả môi trường!
Nhưng mà…
Bên cạnh những người tôi biết có sự cải thiện tốt về sức khỏe khi mắc bệnh ung thư nhờ chế độ ăn uống tốt, tôi cũng có những người bạn mắc ung thư, khi họ theo chế độ thực dưỡng hoặc ăn chay ngặt nghèo (có cả trainer luôn), kiên quyết từ chối tây y. Cuối cùng họ vẫn thất bại, có người đã không thể vượt qua, có người đã vẫn phải quay lại với tây y. Và tôi thấy tỉ lệ chữa khỏi được bằng tây y thì vẫn là rất cao!
Tôi có những người bạn mà kiên quyết chỉ ăn chay, tập thể dục đều đặn, có một chế độ rất healthy, cuối cùng vẫn mắc tiểu đường và đột quỵ.
Tôi biết mấy cụ sống rất thọ, còn chẳng bao giờ thèm ăn rau hay trái cây, chỉ thịt. Vẫn hơn 90 tằng tằng và vẫn rất minh mẫn.
Tôi biết mấy người sống với chế độ ăn uống chay và mặc dù theo chế độ như thế nào họ vẫn rất nhiều bệnh và không được khỏe khoắn cho lắm…
Vậy sự thắc mắc ở đây là gì… liệu có chế độ nào mà lại đúng được với tất cả mọi người? Và dù nó có thể đúng được với nhiều người, nhưng việc bài trừ một chế độ ăn uống khác có là điều nên làm?
Ok, bây giờ mình đi vào phân tích một chút nhé, chỉ là chia sẻ thêm với các bạn một góc nhìn và kiến thức của tôi – một fan trung thành của phim tài liệu về phim thế giới động vật và tự nhiên!
“What the health” nói về việc ăn chay sẽ giúp bảo vệ môi trường và an toàn hơn nhiều lần so với việc ăn thịt. Vì thực trạng của việc chăn nuôi đầy ô nhiễm, việc sử dụng thuốc thang tiêm vào động vật rồi chuyển vào cơ thể người vô cùng nguy hiểm. Nhưng, có thật là chỉ ăn cỏ cây hoa lá mà không gây hại tới môi trường hay không?
- Ăn nhiều sản phẩm từ thực vật là biện pháp sức khỏe, chữa bệnh và bảo vệ môi trường tốt nhất?
Câu trả lời là… chưa chắc nhé! Cái này cũng chẳng phải là kiến thức cao siêu gì cả mà chúng ta cũng đều biết luôn. Để trồng được thật nhiều rau, thực vật cho tiêu dùng làm thực phẩm. Chắc chắn sẽ phải dùng rất nhiều đất, phải cải tổ rất nhiều đất đai, chắc chắn sẽ phải cải tổ theo hướng thuận trồng trọt chứ không thể nào hài hòa hoàn toàn được với thiên nhiên như nó vốn dĩ. Và nếu lượng người dùng thực phẩm từ thực vật càng nhiều, thì phải cần càng nhiều tài nguyên để trồng trọt. Trồng trọt đi liền với việc sẽ làm xói mòn đất, dùng rất nhiều nước, thuốc thực vật, trừ sâu tiêu diệt côn trùng cho năng suất cao… sẽ dẫn tới mất nhiều môi trường tự nhiên cho những loài động thực vật khác. Và đừng quên, nếu trong thịt của động vật có thuốc kháng sinh thì trong rau cỏ cũng đầy các loại thuốc bảo vệ thực vật. Việc bạn ăn rau có thể không trực tiếp giết hại động vật, nhưng hãy tưởng tượng toàn bộ loài người ăn rau thì sẽ phải bao nhiêu đất đai và thuốc thực vật cho đủ để cung cấp được đủ năng lượng cho gần 7 tỉ con người. Năng lượng từ thực vật cần số lượng nhiều hơn từ động vật. Rau không phải là rừng, không phải là môi trường cho phần lớn động vật hoang dã sinh sống, nếu quá nhiều đất cho rau thì sẽ chẳng còn đất cho động vật. Trái đất 3/4 vẫn là nước, phần đất còn lại thì chỉ có vài phần trăm có thể trồng trọt. Ví dụ như Trung Quốc rộng lớn như thế, nhưng lượng đất đai có thể trồng trọt được chỉ là 12,6%. Để trồng được nhiều thì sẽ phải dùng nhiều hóa học cải tổ đất đai, dẫn dắt thay đổi nguồn nước, cưỡng ép môi trường phi tự nhiên. Mọi thứ phi tự nhiên sẽ dẫn tới mất cân băng sống và giết chết động, thực vật trong hoang dã. Sự nguy hại tới môi trường hoàn toàn không kém cạnh nền công nghiệp động vật. Và chưa tính tới nguy cơ xa hơn, khi một đất nước (ví dụ như Trung Quốc), không đủ đất để trồng trọt, họ sẽ chắc chắn phải chiếm đoạt đất đai các quốc gia xung quanh, chiếm “physically” chứ không phải chỉ là xâm chiếm bằng kinh tế, văn hóa, các tuyên bố như bây giờ! Chiến tranh, nạn đói tất yếu sẽ nổ ra!
Nên bạn có thể không giết động vật trực tiếp, nhưng bạn vẫn sát hại chúng gián tiếp. Đừng quên rằng cho dù ăn rau hay ăn thịt thì nhà sản xuất nào cũng phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu, rồi vài level nữa mới tới vấn đề đạo đức. Bạn có chắc những thực phẩm rau ấy là an toàn và cách họ canh tác đang bảo vệ môi trường? Bạn có tin vào những sản phẩm “biến đồi gien” được “trồng theo công nghệ mới, an toàn và bảo vệ được đất đai?” Và chắc chắn bây giờ chúng ta cũng chưa có được công nghệ trồng trọt hiện đại năng suất cao giá thành rẻ mà lại không phải dùng đến đất và nước cho từng đây con người trên trái đất!
Vùng Central California ngày xưa rất màu mỡ cho dù nổi tiếng là nhiều lũ lụt. Nguyên nhân là vì lũ lụt khi tràn ra thấm xuống đất đai (phần lớn là sa mạc), kéo theo các xác động, thực vật trở thành những thảm nguyên sinh màu mỡ. Tuy nhiên, sau này người ta đã xây dựng rất nhiều đập nước để ngăn dòng lũ và biến đổi dòng chảy để phục vụ cho rất nhiều trồng trọt và chăn nuôi. Điều này khiến cho đất đai trở nên ngày càng khô cằn, biến đổi khí hậu khiến cho ngày càng hạn hán. Ước tính, đất Cali sẽ chỉ còn dùng được khoảng chừng căng nhất là 30 năm nữa rồi hoàn toàn hoang hóa không thể sinh sống được nữa nếu tình trạng trộng trọt phi tự nhiên như bây giờ không được cải thiện.
Luận điểm thứ hai bộ phim đưa ra, mà mình được biết rất nhiều người theo trường phái thực dưỡng và ăn chay rất tâm đắc, đó là “rất nhiều loại động vật lớn như là voi, bò, dê…chúng chỉ ăn rau và cỏ mà vẫn nhiều thịt và to lớn đấy thôi”. Đấy, thế mà chuyên gia trong phim cũng nói được thế thì căng quá!
Thực ra với kiến thức này mình được học từ nhỏ khi học ở lớp Sinh học rồi. Động vật được chia ra thành nhiều loại, loại ăn cỏ, loại ăn tạp, loại ăn thịt. Động vật ăn cỏ (hebivory) là những con vật hầu như chỉ ăn thực vật như voi, bò, dê, lạc đà… Động vật ăn tạp (Omnivores) như là con người, chó, khỉ, lợn, gà… Động vật ăn thịt (carnivores) như là sư tử, cáo, hổ báo… Với loại động vật ăn cỏ, chúng thường có rất nhiều dạ dày. Mấy con như voi, bò thường có tới 4 cái dạ dày, mỗi dạ dày sẽ tiết ra một loại enzyme có những chức năng tiêu hóa thức ăn từ thực vật riêng biệt. Những động vật này còn được gọi là “Ruminant” – động vật nhai lại. Nghĩa là chúng nuốt thực ăn mà không nhai vào trong dạ dày, khi bốn cái dạ dày làm xong nhiệm vụ nó lại ợ lại ngược lên trên miệng để nhai lại, vì trong nước bọt cũng sẽ tiết ra một loại enzyme để tiêu hóa nốt chỗ thức ăn thực vật này. Chỉ những động vật này mới có những enzyme tiêu hóa được những chất xơ (fibers) trong thực vật và chuyển hóa chúng thành protein năng lượng nuôi sống cơ thể. Thế nên chúng ta hay thấy mấy con bò suốt ngày đứng nhai móm mém cả ngày cả đêm cho dù chúng chỉ đứng ở trong chuồng. Sự to lớn cồng kềnh của chúng cũng đến từ việc cấu tạo cơ thể có rất nhiều chức năng phức tạp để tiêu hóa và chuyển hóa được năng lượng từ thực vật. Trong khi cơ thể con người không có những enzyme như vậy để có thể chuyển hóa thức ăn từ thực vật. Chúng ta chỉ ăn được những thực phẩm mà có sự tiêu hóa dễ dàng và phải có sự kết hợp cả thịt và rau. Còn nếu bạn muốn so sánh về sự to với nhỏ thì cũng có rất nhiều con vật nhỏ xíu cũng chỉ có ăn thực vật, và loài vật to nhất mọi loài là cá voi xanh thì chỉ có ăn thịt (cá, tôm ở biển). Vậy nên nghĩa là to hay nhỏ, nhiều hay ít thịt nó không phải lỗi tại chỉ ăn thịt hay ăn rau!
Có một điều thú vị là, những loài vật ăn thịt tuy rằng chỉ ăn thịt, ăn tươi nuốt sống các loài động vật khác, nhưng cơ thể chúng lại có lúc rất cần chất rau (nhưng phải là rau đã được chuyển hóa). Thế nên khi một con sư tử mà săn được một con bò chẳng hạn, chúng rất hay tranh nhau ăn phần dạ dày của những con bò này, vì chỗ đó đã có những phần thực vật đã được processed sẵn phù hợp cho cơ thể của chúng mà không phải qua đường ăn trực tiếp. Ở những xứ lạnh như Mông Cổ, người dân ăn thịt nhiều hơn rau cỏ, vì thứ nhất họ không trồng được nhiều rau cỏ, thứ hai ăn thịt giúp giữ ấm nhiều hơn cho năng lượng cơ thể, một trong những món ăn quan trọng trong các bữa ăn của họ là các món chế biến từ dạ dày từ các loài vật nuôi chuyên ăn thực vật. Và ngược lại, người ta ước tính khoảng 10% trong những cỏ cây loài herbivores ăn có bao gồm khá nhiều côn trùng, động vật nhỏ có lẫn ở trong đó, nên cơ thể chúng vẫn có ít nhiều protein từ động vật. Một số động vật herbivores như hươu nai, đôi lúc vẫn bắt gặp chúng ăn một vài loại động vật nhỏ. Nghĩa là cơ thể bọn chúng cho dù có sinh ra là chỉ để ăn một loại thức ăn nhưng ít nhiều vẫn cần có sự cân bằng giữa thực vật và động vật.
Còn loài người, con người đôi lúc quên mất mình cũng chỉ là một phần của tự nhiên, và sự tiến hóa không phải tự nhiên mà có hay là ai nghĩ ra. Bộ răng của chúng ta được tiến hóa tới giờ là hàm nhai (grinding teeth), là vốn dĩ dành cho động vật ăn tạp. Tức là qua cả triệu năm tiến hóa, cơ thể đã được thích nghi và được minh chứng cho những chế độ ăn hỗn hợp cả thịt và thực vật. Tương tự những loài vật kia cũng vậy, có dí thịt vào cơ thể chúng cũng chắc gì ăn được hoặc tiêu hóa dễ dàng, hoặc ép một con sư tử chỉ ăn rau làm sao nó sống nổi? Không phải vì chúng muốn hay không muốn, mà vì cơ thể chúng không sinh ra để ép chỉ ăn một loại thức ăn không phù hợp với tự nhiên của chúng vốn thế. Cơ thể con người vốn được cấu tạo để tiêu hóa và chuyển hóa cả thịt và rau. Có rất nhiều thứ chúng ta muốn thay đổi trái với tự nhiên không phải vì chúng ta hiểu biết được hơn tự nhiên mà đôi khi chỉ là nó xuất phát từ những quan điểm đạo đức.
Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể thay đổi và cãi được tự nhiên, từ chế độ ăn, tới thay đổi thiên nhiên, không khí, động vật, cây trồng… nhưng chắc chắn tới một mức nào đấy sê phải có hậu quả. Một môi trường đây ô nhiễm và một trái đất đang chết dần là điều đang rõ ràng nhất!
Trong “What the Health”, một số chi tiết khiến tôi xem lại phải phì cười vì không biết rằng là chuyên gia cố tình nói những điều để dẫn dắt lờ đi facts, hay là họ… không biết? Ví dụ ta biết rằng có rất nhiều vitamins, khoáng chất… cần thiết cho cơ thể con người nhưng không thể nào có trong thực vật được mà chỉ có thể có trong động vật, ví dụ như Vitamin B12, một loại vitamin cực quan trọng cho việc tại tạo hồng cầu. Chuyên gia nói rằng: “Không cần ăn thịt động vật để có Vitamin B12, vì có thể mua Vitamin về uống”. Nếu chỉ ăn rau và bù lại vitamin từ thực phẩm chức năng thì khoan nói tới việc đó có là cách hấp thụ vitamin tốt nhất hay không, thì nhiều người bị quên rằng rất nhiều thực phẩm chức năng như Vitamin B12 ấy đều có những thành phần được sản xuất từ động vật.
Còn nói về việc hấp thụ Vitamin, cái này cũng phải tùy cơ thể người, có lẽ cách tốt nhất và hiệu quả nhất vẫn là qua đường thực phẩm tự nhiên, cái này là bác sĩ nói không phải tôi nhé. Tôi có một người bạn là bác sĩ giải phẫu, anh ấy nói rằng, có những người khi anh giải phẫu cơ thể mà thấy trong nội tạng có cả những cục vitamin to còn nguyên do uống thực phẩm chức năng không thể chuyển hóa. Vì không phải cơ thể nào cũng có thể tiêu hóa được bằng đường uống thực phẩm chức năng.
Mẹ của bạn tôi đã ăn chay nhiều năm. 1 năm đầu khi bác chuyển qua ăn chay, cơ thể nhỏ gọn trở lại, cảm thấy nhẹ nhõm và khỏe khoắn hơn, một niềm tin mạnh mẽ cho việc ăn chay hiệu quả cho sức khỏe. Nhưng bây giờ, khi trải qua gần 15 năm ăn chay, bác đã ngoài 70 tuổi và mắc khá nhiều bệnh do thiếu chất, trong đó có một bệnh khá phổ biến với người ăn chay lâu năm mà tiêu thụ nhiều sản phẩm từ brocoli, đậu, như là nổi/sưng hạch ở cổ (chưa rõ chính xác gọi là gì). Cơ thể bị phát tướng vì tiêu thụ nhiều glucose từ tinh bột (để bù năng lượng không có thịt), nhưng lại khá yếu ớt và dễ cáu gắt hơn bình thường (do bị thiếu năng lượng khá nhiều). Ăn nhiều những sản phẩm từ đậu phụ còn sẽ bị thừa phytoestrogen (estrogen thực vật), sự thừa này sẽ dẫn tới mất cân bằng hormone (nhiều nhà sư cũng gặp phải vấn đề này). Mặc dù gia đình có khuyên bảo bác ăn thêm protein từ động vật, ít là ăn thêm chút cá hoặc trứng nhưng bác không chịu nghe. Và nếu đi bác sĩ được bác sĩ khuyên thì cũng không tin bác sĩ và cho rằng bác sĩ chỉ kiếm cớ để “bán thuốc” (which might be true in some cases). Và thế là bác cứ yếu rườn rượt với rất nhiều vấn đề sức khỏe, nhưng cũng chẳng ai giúp được bác thế nào.
Tác giả What the Health cũng mắc một sai lầm khi đưa ra những luận điểm xấu về nền công nghiệp sản xuất thịt nhưng lại không đưa ra mặt tích cực của nó. Đó là nền công nghiệp này là nền công nghiệp chiếm tỉ trọng cực lớn trong GDP của tất cả các quốc gia, đóng góp một phần trọng yếu cho sự phát triển kinh tế của mỗi đất nước, mang lại hàng trăm triệu công ăn việc làm cho rất nhiều con người trên trái đất này.
Nhưng câu chuyện cuối cùng đến đây là gì (ủa còn muốn nói nhiều lắm mà dài quá sắp thành luật văn đến nơi rồi). Đó là… không có gì là tuyệt đối cả. Không có chế độ nào là áp dụng được với tất cả mọi người, không có chuyện chỉ ăn thịt là xấu xa và chỉ ăn chay mới là tốt và ngược lại, không có chuyện bất cứ ai bị ung thư với tiểu đường là cứ chỉ bằng ăn uống mà khỏi. Mỗi người sẽ có những cấu tạo sức khỏe khác nhau, môi trường sống khác nhau, công việc khác nhau. Một người chỉ lao động chân tay với một người chỉ ngồi một chỗ chưa chắc ăn một nguồn năng lượng y như nhau. Một người hay dị ứng cũng làm sao ăn được tôm cá như những người không dị ứng? Bạn có thể nói một vị sư sống lâu và khỏe mạnh hơn bạn dù họ chỉ ăn chay nhưng bạn có một cơ thể hay nếp sống giống họ hay không? Không chỉ ăn uống, chế độ tập luyện cũng vậy, người bệnh tim bệnh suyễn thì chắc chắn không thể tập bóng rổ 5 tiếng một ngày như một người khỏe mạnh bình thường được. Mỗi loài cũng có những thực phẩm chúng chỉ tiêu thụ được, không thể bắt con bò ăn thịt, con người ăn tươi nuốt sống như con hổ và con sư tử chỉ được ăn rau muống và cỏ!
Có một số điều là chắc chắn,
Một chế độ ăn uống tích cực, hợp lý với cơ thể, dù là chay mặn hay kết hợp, chắc chắn sẽ giúp bạn phòng ngừa được rất nhiều bệnh tật và có thể chữa được một số bệnh và cả sống lâu hơn!
Chắc chắn đã có người thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện mà khỏe hẳn ra, tinh thần tốt hơn, cho dù là chay hay mặn.
Bạn đã được trải qua, bạn tin vào điều đó. Nhưng không chắc những người khác đang có một cơ thể hay một môi trường giống bạn!
Có những thứ đôi lúc là facts, và đúng với rất nhiều người. Như là ăn nhiều quá thì dù chay hay thịt cũng hại sức khỏe. Tập thể dục vừa phải chắc chắn là khỏe hơn là lười biếng và không vận động. Ắn uống hợp lý và sinh hoạt hợp lý thì chắc chắn là khỏe mạnh hơn nhiều người chỉ ăn 1 thứ và không tập luyện bao giờ…
Nhưng câu chuyện ở đây chính là ở từ “hợp lý”. Hợp lý là thế nào thì có lẽ nó là định nghĩa riêng với mỗi cơ thể con người. Đương nhiên bạn toàn quyền lựa chọn một chế độ ăn uống hợp lý nhất với bạn, bất kể nó là gì, dù là làm bạn khỏe lên hay chỉ đơn giản là làm cho bạn thấy sung sướng. Nhưng mà nếu có thể, thì luôn tự lắng nghe cơ thể mình, trang bị cho mình nhiều kiến thức nhất có thể để không bị cuốn theo những luận điểm một chiều dẫn tới tin tưởng mù quáng vào bất cứ một chế độ gì hay cho rằng nó có thể đúng với tất cả mọi người. Điều nguy hiểm của sự mù quáng là nó sẽ hại chính cơ thể của bạn, làm phiền người thân, và làm phiền cả rất nhiều người khác khi bạn phản đối hay dụ tất cả mọi người đi theo một chế độ ăn uống mà bạn cho rằng đó là đúng nhất! Rồi sợ nhất là lừa đi bán thực phẩm chức năng đa cấp nữa đấy nhé :D.
Tôi thì vẫn ăn cả chay và mặn vì tôi thấy cơ thể và cách sống của tôi cần như vậy. Nói thật lòng tôi rất sợ cảnh động vật bị giết chóc làm thức ăn và bây giờ thịt vẫn ăn nhưng không bao giờ muốn nghĩ và muốn nhìn thấy những hình ảnh đấy để bữa ăn mới được ngon miệng. Nhưng đồng thời tôi vẫn phải tự tìm hiểu để hiểu thêm về những triết lý “chay” hay “mặn”. Bạn có thể nghĩ rằng bạn ăn cây cỏ là không sát sinh nhưng nếu xét về linh hồn, chúng cũng là “living things”, chũng cũng có linh hồn cả đấy. Và đừng quên rằng ăn chay không cũng vẫn sát hại gián tiếp động vật và gây hại tới môi trường như đã có nói ở trên. Nhưng đó là quy luật sinh tồn, một loài sẽ buộc phải ăn loài khác để tồn tại. Nếu không muốn sát sinh bất cứ thứ gì, thì chỉ có… đừng ăn gì cả mà thôi. Nhưng tôi chỉ ăn những loài động, thực vật mà chũng có khả năng tái sinh, mục đích để làm thực phẩm, chứ không phải để truy cùng đuổi tận giống như những loài vật khác, những loài động vật hoang dã. Và dù ăn chay hay mặn, tôi cũng sẽ chọn cho mình một sự vừa phải, không có nhiều bất cứ cái gì. Nó không chỉ là vấn đề sức khỏe, mà còn là vấn đề cân bằng sự sống.
Tôi cũng không có bất cứ vấn đề gì về việc ai lựa chọn cho họ chế độ ăn chay, ăn mặn, hay chế độ thực dưỡng. Nếu để bàn về nó thì như bài viết này, là những kiến thức và quan điểm chia sẻ cùng nhau để cùng hiểu rõ vấn đề và tự bạn chọn cho mình một lựa chọn hợp lý nhất hay cách nhìn của bạn với thời cuộc. Nhưng tôi cũng rất sợ những thông tin tuyên truyền mù quáng hay hiếu chiến, tranh cãi chửi bới nhau hay nằng nặc cho rằng chỉ có quan điểm của mình là đúng.
Những kiến thức tôi biết cũng đến từ nhân loại và sự quan sát thực tiễn mà thôi chứ tôi cũng không có nghĩ ra. Bạn cũng sẽ có những quan điểm và kiến thức của riêng mình! Tôi viết những bài này, cũng xuất phát từ nhu cầu cá nhân, ví dụ như câu chuyện về mẹ tôi ở đầu bài, tưởng rằng những quan điểm một chiều nơi nay nơi kia kia như cuốn sách mẹ tôi đọc hay “What the health” chỉ là thông tin cho vui, nhưng ít nhiều khi nó không phản ánh khách quan và đủ kiến thức, nó cũng mang lại rất nhiều damages cho rất nhiều người đọc và xem chúng! Và đừng quên, động vật hay thực vật, những người tuyên truyền cho bạn, chưa chắc họ có đang… ăn giống như họ nói không hay là họ đang lừa bán thực phẩm chức năng cho bạn thôi đó ahihihi!
Bài viết của tôi rất dài và tôi nói về hệ lụy của phần ăn chay nhiều hơn phần ăn thịt không phải vì tôi đang bài trừ ăn chay mà vì những hậu quả về ăn thịt quá nhiều thì mọi người đã biết hết rồi, chỉ có về ăn chay thì nhiều người còn có nhiều hiểu lầm.
Những messages của bài tôi muốn chia sẻ với các bạn là gì:
+ Không có một chế độ ăn nào đúng với cơ thể của tất cả mọi người, Phải tự tìm hiểu và lắng nghe cơ thể mình!
+ Cái gì cũng phải có sự cân bằng. Không có gì quá là tốt hết và không có chế độ ăn gì mà chỉ 1 thứ mà tốt hết.
+ Không có biện pháp nào là dễ dàng và đơn giản hết. Một vấn đề tưởng được giải quyết có thể nảy sinh một nghìn vấn đề khác. Có những thứ thuộc về quy luật sinh tồn và phải theo nó cho dù quan điểm đạo đức của bạn không đồng ý.
+ Hãy trang bị thêm cho mình nhiều kiến thức và góc nhìn hơn khi nghe về một luận điểm, đừng để bị lợi dụng hay mù quáng tin theo!
+Ăn uống dù chế độ gì, cũng phải có Ý THỨC, ý thức cho bản thân, môi trường, những người xung quanh!
Bài viết này là quan điểm cá nhân dựa trên hiểu biết và kiến thức của tôi, mục đích để chia sẻ và… tùy bạn nhìn nhận! Bạn có thể có những góc nhìn và hiểu biết khác. Vẫn còn rất nhiều kiến thức và giả thuyết còn vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu và khám phá. Hãy cứ lựa chọn thế nào mà bạn thấy hợp lý nhất với bạn, đừng chửi hay ép người khác về một chế độ ăn giống bạn là được!
Đây không phải là một bài review cho bộ phim “What the health”, đó chỉ là một ví dụ điển hình cho câu chuyện tôi muốn nói mà thôi vì những suy nghĩ này đang nhan nhản ngoài kia. Mặc dù tác giả bộ phim cho rằng nền công nghiệp thịt là dối trá nhưng tôi cũng không chắc anh í không làm bộ phim này mà không phải là tài trợ từ hãng thực phảm chức năng hay hãng thực phẩm thực vật nào đối thủ (vì chắc xét về độ dirty thì chẳng bên nào kém bên nào là chắc!) Tôi cũng không buồn vì xem một bộ phim chưa đủ thuyết phục. Xem một bộ phim “chưa ổn” chưa bao giờ là điều không tốt, vì chúng giúp một người làm phim như tôi học hỏi được nhiều thứ để rút kinh nghiệm, với phim tài liệu thì nó còn kích thích cho mình sự tìm tòi để thêm kiến thức và phản biện.
Cuối cùng thì… “ăn” và “ngủ” là hai thứ tuyệt vời nhất dành cho con người. Mà ăn khổ quá bị chửi quá thì sống sao mà vui được :))!