(Ảnh, tớ quay nhân vật phim tài liệu của mình)
Đi học ở trường phim, đa phần là thú vị và nhiều hứng thú. Nhưng có một điều luôn khiến tớ sợ hãi và phải rèn luyện vượt qua bản thân mình: Đó là bắt buộc PHẢI xem những bộ phim mà mình không bao giờ muốn xem.
Càng đi học và càng tìm hiểu sâu thì càng thấy rằng những người quay phim, tư duy về phim tốt, dựng phim tốt lại tập trung rất nhiều ở những bộ phim tài liệu. Xem những bộ phim điện ảnh hàn lâm hay cũ mèm để tập phân tích không đáng sợ, mà xem những bộ phim tài liệu luôn để lại những tâm trạng hết sức nặng nề. Có lúc, xem xong một bộ phim tài liệu, thấy mình kiệt sức, vì mệt, buồn, khóc, và ám ảnh.
Nếu xem một bộ phim điện ảnh, người ta có thể vương vấn vài nụ cười, vài giọt nước mắt, vài sự mộng mơ, vài sự tiếc nuối, rồi sau đó sẽ sớm qua đi hay có cũng đọng lại như là một ký ức nhẹ nhàng. Thì một bộ phim tài liệu, đặc biệt là tài liệu lịch sử, lại mang lại những giá trị suy nghĩ rất nghiêm túc, để lại vết hằn trong tư duy và một sự nặng trĩu đi theo rất lâu khi bộ phim kết thúc. Đơn giản vì phim tài liệu không phải là một bộ phim được set up trong một trường quay với âm thanh ánh sáng và một kịch bản được diễn giải hành động trên giấy và có thể quay lại một shoot khác. Chúng là những gì rất thật, là những hình ảnh thật, và có thể liên quan tới bất kỳ ai trong chúng ta, hoặc tất cả chúng ta. Cho dù việc dựng và sắp xếp lại chúng theo một vài ý đồ, là một vấn đề khác.
Mỗi lần biết là tiết học sẽ chiếu một bộ phim tài liệu, là tớ lại lo sợ. Có những bộ phim chiếu xong rồi và ngồi phân tích, rồi khi ra khỏi lớp, tớ tạm quên nội dung thật nhanh, nhưng có những bộ phim không thể nào quên được. Dường như chúng được sinh ra để thay đổi tư duy sống của rất nhiều con người, người Mỹ thường hay có câu là: “Your life is not the same anymore”.
Những bộ phim lịch sử của Mỹ rất nhiều gắn với những gì liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Ngày nhỏ, khi xem những bộ phim tư liệu này, tớ chưa hiểu quá nhiều, và chỉ hiểu được ở góc độ nội dung, và chưa biết xót xa với những gì mình được xem. Tớ đơn giản chỉ nghĩ rằng: Chuyện đó đã qua rồi. Và bây giờ tớ đang sống ở thời bình.
Nhưng bây giờ xem một bộ phim không còn thế nữa, không chỉ với tư cách là một khán giả, mà còn là với tư cách của một người làm phim, là nghề nghiệp của chính mình. Nếu ngày trước chỉ xem một bộ phim và để mình tự nhiên cuốn theo nội dung, một cách như là đương nhiên sẽ là như thế, và sẽ suy nghĩ như là ý đồ của người dựng phim truyền tải tới cho mình. Thì bây giờ, đã bắt đầu phân biệt được đâu là một bộ phim dựng tốt, một bộ phim dựng dở, một bộ phim lộ ý đồ quá rõ, nhưng hơn cả, là biết được thế nào là một người làm phim tài liệu thật sự giỏi.
Dựng một bộ phim tài liệu khó hơn nhiều so với một bộ phim điện ảnh, vì nó không phải đã được sắp xếp và được quay set up cho sẵn. Dựng một bộ phim tài liệu, lại từ thêm tư liệu tổng hợp lịch sử từ những thước phim sưu tầm, và có thể dẫn dắt người xem đi từ đầu đến cuối, lúc cười, lúc khóc, lúc trăn trở, lúc giật mình nín lặng. Một câu nói được trích dẫn, một đoạn phỏng vấn, một đoạn tư liệu…tổng hợp, cắt dán từ nhiều nguồn để mang về một nội dung với cực kỳ nhiều suy ngẫm và tạo ra một tư duy lịch sử cho bộ phim, đó không thể là một người bình thường. Chưa tính tới việc kết hợp âm thanh, cho dù là to hơn, nhỏ hơn, thông nhau nhưng tạo thành một sự kết nối từ đầu đến cuối với tư duy kể chuyện thống nhất, để người xem không bị trượt ra khỏi mạch đưa của câu chuyện, để người xem cảm thấy mình đang xem một điều- đương-nhiên-là thế. Đó là một thứ tài năng không thể nào diễn giải hay thể hiện được ra trên sân khấu, trên báo đài, bằng lời nói…
Vậy nên, không muốn xem, vẫn phải xem. Xem để buồn, để khóc, để suy ngẫm, và để HỌC.
Tớ không thể nào quên được cái ngày phải xem bộ phim về tội phạm tâm thần trong nhà tù của Mỹ. Hai hình ảnh kết nối của một tù nhân tâm thần pha xen lẫn lộn khi ông ta bị lột truồng và nhốt vào một góc phòng, ăn nói lảm nhảm và chửi bới, và hình ảnh ông ta bị suy kiệt rồi chết, khi người ta đang cố thông một cái ống cháo bố thí cuối cùng vào miệng, lúc này ông ta chỉ còn da bọc xương. Chúng ám ảnh tớ tới mức khi ra khỏi lớp học, tớ đi không vững, và cả ngày tâm trí như bay lơ lửng vì bị ám ảnh. Và chúng ám ảnh nhiều ngày sau đó, ám ảnh ngay cả khi tớ viết những dòng này.
Thiên hướng làm phim của tớ vẫn nghiêng về tư liệu nhiều hơn là điện ảnh. Tớ cảm giác mình được sống và trải nghiệm thực sự cuộc sống này nếu mình là một nhà làm phim tài liệu. Nhưng có một điều tớ luôn phải đấu tranh xem mình có thể trở thành một nhà làm phim tài liệu hay không, đó là vì để trở thành một nhà làm phim tài liệu, phải có cả máu lạnh và máu nóng trong người. Nóng để đủ cảm xúc, tư duy, nhạy cảm với những sự kiện của cuộc sống, nhìn ra chúng, đủ tinh tế để quay, dựng, tổng hợp chúng thành một câu chuyện có giá trị thực tiễn và lịch sử. Nhưng phải lạnh, để không bị “get attached”, phân tán cảm xúc, đau khổ, nuối tiếc, gắn bó với nhân vật, sự kiện, và đáng sợ nhất là bị chính câu chuyện ảnh hưởng, dẫn tới trầm cảm, hoặc cảm xúc cá nhân chi phối mà câu chuyện lệch phai ý đồ. Điều này không chỉ đúng với những người làm phim tài liệu, mà cả với báo viết, báo ảnh. Tớ không sợ việc sẽ phải khổ sở, dầm mưa dãi nắng và ngồi cả năm trong phòng dựng để cho ra sản phẩm. Tớ chỉ sợ mình không đủ “lạnh”.
Bộ phim tài liệu đầu tiên tớ phải làm ở năm nhất. Tớ chọn một nhân vật vô cùng đặc biệt, mà khi tớ propose nhân vật này với cả lớp, đã bị phản đối. Bởi vì họ nói rằng, làm nhân vật này là điều không tưởng.
Đó là một thấy giáo nghệ thuật già, đã 84 tuổi, và ông cụ đã dạy học ở trường từ năm 1957. Đó là một con người nổi tiếng là cá tính, lập dị, tài năng và rất khó gần, sống một mình ẩn dật trong rừng sâu. Mặc dù bao năm học ở trường phim, và cả những trường khác nữa, đề tài để làm phim tài liệu ở vùng đất này đã cạn kiệt rồi, nhưng vẫn chưa ai quay được nhân vật này, và thậm chí họ còn không dám thử. Thầy cô và bạn cùng lớp đơn giản chỉ nghĩ rằng, vì tớ không biết gì cả nên suy nghĩ hồn nhiên mà thôi. Những gì lúc đó tớ biết về ông lúc đó, chỉ là những hình vẽ hết sức kỳ lạ và độc đáo trên một bức tường lớn ở trường.
Và quả thật, đã có cả một hành trình để tìm ra tung tích, tiếp cận và trở thành một người mà ông cụ tin tưởng, yêu mến, như chưa từng một đứa sinh viên nào trong đời ông có được điều đó, đó là một “journey”. Việc cả lớp, thầy cô bất ngờ vì những gì tớ làm được cũng như bộ phim được thầy ghé tai nói là “hay nhất trong lịch sử năm nhất của trường” chưa bao giờ là điều tớ ưu tiên quan tâm. Điều tớ quan tâm là tớ bắt đầu hiểu được giá trị và sự đáng giá của một người làm phim tài liệu. Và tớ cũng bắt đầu gặp những trở ngại tâm lý đầu tiên của một người làm phim, rằng tớ “attached” với nhân vật. Tớ trăn trở rằng một ông cụ già lập dị ở một mình trong rừng, rồi nếu tớ làm phim xong, tớ sẽ không quay lại thăm ông cụ nữa khi họ đã tin tưởng, yêu mến mình (0 phải ai cũng được vậy), rồi nếu xong việc rồi bỏ đi, thật buồn biết bao nhiêu…Và tớ phải tự vật lộn và đấu tranh để có thể tiếp tục tự tin hơn cho những dự án khác sẽ tới. Tớ thấy đường còn xa, không phải lúc nào cũng học những kinh nghiệm quay, dựng, kỹ thuật hình ảnh là đủ, còn là những sự chuẩn bị tâm lý hết sức cẩn trọng, và sẽ phải đối mặt với những sự đấu tranh nội tâm rất lớn.
Chuẩn bị cho tiết học sắp tới, tớ sẽ phải xem bộ phim: “Hearts and Minds”, bộ phim tài liệu năm 1974 của Peter Davis về chiến tranh Việt Nam. Tớ quyết định mình sẽ tự ngồi xem ở nhà thay vì đến lớp và ngồi xem cùng các bạn. Tớ chưa bao giờ khóc khi xem cùng với người khác một bộ phim, và tớ không thích cái cảm giác phải kìm lại những cảm xúc của mình khi ngồi với người khác. “Hearts and Minds” cũng như bao nhiêu bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam khác. Mặc dù tớ biết mình đang xem và tập trung chủ yếu vào tư duy và kỹ thuật của người làm phim và dựng bộ phim này. Nhưng quả thật có tỉnh táo đến mấy cũng không thể nào không bị cuốn theo sự dẫn dắt của người làm phim. “. Ngày nhỏ, khi xem những bộ phim tư liệu này, tớ chưa hiểu quá nhiều, và chỉ hiểu được ở góc độ nội dung, và chưa biết xót xa với những gì mình được xem. Tớ đơn giản chỉ nghĩ rằng: Chuyện đó đã qua rồi. Và bây giờ tớ đang sống ở thời bình.” Nhưng bây giờ, khi nhìn thấy hình ảnh những quả bom rơi trên những rừng cây xanh xơ xác vì chiến tranh, những người dân gầy gò, đói khổ bé nhỏ đứng cam chịu trước cảnh hoang tàn của bom đạn, những tâm sự có lúc đau đớn, có lúc ráo hoảnh của một người dân thường về người thân của họ đã chết vì súng đạn như thế nào. Và cả những tâm sự tưởng chừng như hết sức vô trách nhiệm và lạnh lùng của phi công Mỹ nhưng thực ra chứa đựng những nỗi hối hận và vô cùng đau đớn trong lòng: “Hầu như khi ném bom chung tôi chả thấy người dân nào cả, toàn thấy mấy cái mái nhà thôi, cứ ném thôi, ném xong rồi nổ tung, chả thấy có máu, mọi thứ đều rất gọn gàng. Tôi chỉ làm công việc của mình…”
Mỗi quả bom rơi và hình ảnh người dân nghèo vô tội phải đứng xếp hàng làm tù nhân, gồng mình kiếm nhặt từng hạt cơm để tồn tại và sống qua ngày, thấy xót xa tới vô cùng tận. Đất nước đã nghèo khó tới thế kia, mà trở thành bãi chiến trường cho những chế độ chính trị tranh giành nhau. Nhìn thấy trong đám dân nghèo vô tội kia một thời có cụ, ông bà, bố mẹ cô dì chú bác của mình. Không ai khác, bà nội của tớ, cũng đã mất sớm, và là một nạn nhân của bom đạn chiến tranh. Những bộ phim này luôn làm cho tớ càng thông cảm hơn với những gì đang xảy ra, ngay bây giờ, với đất nước và con người mình. Đất nước mới mấy chục năm trước còn nghèo khổ và bị tàn phá như vậy, con người bị tàn phá tới như vậy, sao bây giờ có thể không thương được. Cho dù ông bà, bố mẹ, thế hệ trước có rất nhiều tư duy quá cũ kỹ, góc này, góc kia còn quá nhiều tệ nạn và bất cập, chúng ta vẫn giận, nhưng chúng ta sẽ thương, và chúng ta sẽ hiểu, nếu chúng ta sẽ chịu khó xem lại lịch sử. Hiểu để cảm thông, và hiểu để tự mình tốt hơn, chứ không phải để chửi bới, chê trách, bất mãn. Có những điều tớ cũng như các bạn, bức xúc vô cùng, khó chịu vô cùng, nhưng tớ luôn cố dành cho mình một phần để hiểu, và tự tớ làm cho tớ tốt lên, chứ không phải để chê trách lại và đổ lội những gì thuộc về quá khứ. Hậu quả của chiến tranh vẫn còn quá nhiều trong những ngóc ngách, trong những rừng cây trụi, trong những tâm thức của thế hệ trước, trong những hình hài nhiễm chất độc màu da cam…Phần lớn những người trẻ bây giờ, họ không chủ động cho mình những cơ hội để hiểu về quá khứ, tìm hiểu cho nguyên nhân của những hiện tại và chỉ biết chê trách hiện tại, thậm chí điên cuồng và không có định hướng. Thế hệ trước đã chỉ biết cầm súng và chịu ảnh hưởng bởi đạn bom, chết chóc, những tư duy thế hệ. Nhưng bây giờ các bạn đã vươn được ra biển lớn, đã có internet, đã không còn phải bận rộn cầm súng và đấu tranh vì lý tưởng. Nếu có thể, bạn có thể giúp con, em, và cả bản thân mình xem nhiều những bộ phim tài liệu hơn. Có thể bạn sẽ bật cười hay mỉa mai khi tớ nói những điều như vậy, nhưng hãy cho mình cơ hội để cảm nhận những điều đó không phải là sáo rỗng. Hãy nhớ câu nói sau một sự trải nghiệm: “Your life is not the same anymore”.
Xem lịch sử, cho dù bộ phim đó ở là vì mục đích của bên nào, cũng không thể phủ nhận được những sự thật đã xảy ra. Mặc dù có thể vì đi học mới PHẢI xem những bộ phim như thế này, nhưng đó là một điều may mắn, tớ coi chúng là “food for mind”. Đôi lúc có những món ăn ta không muốn ăn, nhưng có thể được ép ăn, vì chúng tốt cho sức khỏe.
“Hearts and Minds” là một bộ phim nói về nỗi day dứt của người Mỹ với chiến tranh mà chúng ta cũng rất nên xem để hiểu, mỗi câu nói và trích đoạn được tác giả trích lại trong bộ phim đều có thể thay đổi rất nhiều suy nghĩ của bạn, nhưng nói về bộ phim này là một câu chuyện dài. Tớ chỉ nêu tên nó như là một ví dụ về một đề tài phim tài liệu, một ví dụ về một bộ phim tài liệu thôi, vì đó là bộ phim tớ đang xem và là động lực để tớ viết entry này, là điều tớ suy ngẫm nghiêm túc cho nghề nghiệp của mình.
Phải cảm ơn những người đã lưu giữ lại lịch sử bằng hình ảnh!
Không phải ai đọc những dòng này cũng có thể hiểu. Vì đó có thể không phải là chuyên ngành của bạn, không phải là sự hứng thú của bạn. Có những điều tớ tâm sự khác hơn là việc tâm sự về nghề làm phim tài liệu, và tớ cũng chưa thực sự là một người làm phim để có thể nói nhiều hơn, tớ vẫn đang đi học. Nhưng tớ cần chia sẻ…và câu chuyện còn dài…
Một số hình ảnh cắt từ tư liệu phim của tớ (chúng là video, không phải ảnh). Tớ chưa publish bộ phim này vì tớ chưa cảm thấy đủ!
“Aethelred Eldridge”
Ảnh:
FULL ALBUM:
https://www.facebook.com/media/set/?set=a.10152237630679631.1073741831.101079614630&type=3